Hiểu khái niệm “mạn đà la”

Hỏi: Mục đích và đặc tính của mạn đà la của chúng con là gì? Tất cả chúng con được nối kết như thế nào, và mỗi chúng con nối kết như thế nào với nhau? Chúng con đã có từng đầu thai như một nhóm hay chưa? (“Chúng con” ở đây có nghĩa là những người theo học giáo lý mà các thày đang ban truyền)



Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 18/12/2019.

Tất nhiên là nhiều người trong các con đã từng đầu thai với nhau rồi. Nhưng khi các thày dùng từ “mạn đà la”, các thày sử dụng theo một nghĩa rộng hơn – rộng hơn ý nghĩa mà các thày đã dùng trong các đợt truyền pháp trước. Thật ra thì không, các thày dùng theo cùng một nghĩa, nhưng các thày muốn các con trong đợt truyền pháp này hiểu rộng hơn các đệ tử trong đợt các truyền pháp trước. Các đệ tử đó nghĩ là có một nhóm thu hẹp những người thuộc về một mạn đà la nhất định, và đó là lý do họ đã cùng tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên, họ đã cùng đầu thai trước kia và đều mang một sứ mạng thật quan trọng.

Điều các thày muốn con nhìn ra là không phải chỉ những ai đang học giáo lý hiện thời mới thuộc vào mạn đà la – vì mạn đà la rộng lớn hơn vậy rất nhiều. Và không nhất thiết có nghĩa là mọi người trong mạn đà la này cần phải chấp nhận giáo lý của chân sư thăng thiên.

Như các thày đã nói, các thày không muốn các con tự cô lập mình khỏi người khác hay khỏi xã hội. Cho nên các thày không muốn các con xem như thể các con chỉ cần quan tâm đến các thành viên của mạn đà la này, xem mình là những người đứng bên lề do mình đã chấp nhận giáo lý này.

Các thày muốn con nhìn rộng hơn, là con nhận ra trong mạn đà la có một vòng bên trong gồm những người nhận biết giáo lý của chân sư thăng thiên một cách ý thức, nhưng cũng có những vòng khác nữa. Và vai trò của những người có nhận biết ý thức là ban phát, là giúp đỡ những ai đang ở các vòng ngoài, hầu con trao cho họ bất cứ gì họ cần để bước lên cao hơn.

Các thày cũng có nói, điều này không có nghĩa là khi con cố giúp người khác, ý định chủ yếu của con là khiến họ gia nhập tổ chức này. Thật ra các thày làm gì có tổ chức nào ở đây để họ trở thành hội viên, nhưng trong các đợt truyền pháp trước thì có, và nhiều người đã quá quan tâm đến tổ chức, quá quan tâm đến việc bành trướng tổ chức, thu hút thêm nhiều hội viên và khiến họ trở thành hội viên đắc lực của tổ chức để họ làm tất cả những công việc họ phải làm. Đây không phải là điều các thày nói ngày hôm nay, đây không phải là cách suy nghĩ của Thời đại Bảo bình mà là tư duy của Thời đại Song ngư.  

Cho nên ý các thày là các con hãy xem mình là thành phần của một nhóm rộng lớn hơn. Không có nghĩa là con cần nghĩ là con có thể giúp đỡ mọi người, vì có nhiều người trong suốt kiếp này sẽ không nhạy bén với các giáo lý cùng các tư tưởng này. Con cần quan tâm đến những ai con có khả năng giúp đỡ, những ai có tâm cởi mở. Không cứ là những người này sẽ mở tâm đón nhận mọi lời dạy của chân sư thăng thiên, nhưng họ có thể cởi mở với một số ý tưởng mà các thày đang truyền rải.

Cho nên đó là điều các thày muốn thấy. Các con tự xem mình ở vòng trong của một vòng tròn không khép kín vì nó trải rộng đến nhiều người khác. Xong con thử nhìn xem con có thể giúp họ như thế nào. Trong các bài truyền đọc suốt năm vừa qua, các thày có đề cập đến một tình trạng căng thẳng đã hình thành trong tâm thức tập thể, và điều này có nghĩa là có nhiều người thuộc về các vòng ngoài của mạn đà la các con đã sẵn sàng bước lên một mức cao hơn, họ sẵn sàng công nhận một số tư tưởng một cách ý thức.

Các thày mong muốn con tự xem mình như những người đi tiên phong có khả năng giúp những người đó thực hiện cuộc xoay chuyển này, cho dù là có thể họ không bao giờ biết đến con, hay đã gặp con, hay đã chấp nhận các chân sư thăng thiên – vì họ vẫn còn trong quá trình chuyển đổi tâm thức. Và đó là điều các thày muốn con nhìn ra: Mục đích của con là chuyển đổi tâm thức chứ không phải là bành trướng số hội viên của một tổ chức nào đó.