May mắn là gì?

Hỏi: Trong một bài truyền đọc gần đây nhân buổi hội thảo trực tuyến Phục sinh, Mẹ Mary nói rằng chúng ta không thể tiên đoán chắc chắn bất cứ gì xảy ra trên địa cầu. Lý do là vì trong những tình huống can dự đến nhiều người, có một làn sóng nghiệp quả tạo ra nhiều kịch bản khác nhau cho sự tương tác trải bày. Vì vậy tương lai không thể biết được cho đến khi nó xảy đến. Trong những lãnh vực đòi hỏi việc tiên đoán những sự kiện tương lai không thể biết trước, như đầu tư chẳng hạn, liệu kỹ năng chuyên môn có thể đem lại thành công đều đặn không? Hay sự thành công trong các lãnh vực này chủ yếu là sự may mắn? Nói rộng hơn, thế nào là một quan niệm xây dựng về may mắn?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Hội nghị Hàn quốc 2023. Đăng ngày 27/7/2023.

Đầu tiên chúng ta hãy nhìn đến sự may mắn. Điều người ta gọi là may mắn chính là sự trải bày của những sự kiện không thể đoán trước. Nghĩa là không thể nào tiên đoán một cách chắc chắn kết quả của một sự việc sẽ ra sao, như đầu tư chẳng hạn. Nhưng tất nhiên, con có thể tăng xác suất sự kiện xảy ra, chẳng hạn khi con nâng cao hiểu biết về lãnh vực đầu tư. Nhưng con cũng có thể bước vào một tâm thái cởi mở đối với một thành quả tích cực.

Trên thế giới có nhiều người giảng dạy là không có chuyện may mắn, mà trái lại con cần phóng chiếu ra kết quả mà con mong muốn. Nhiều người đã cố thử thị hiện đồ vật bằng cách làm theo những lời chỉ dẫn đủ loại về phương pháp thị hiện. Chẳng hạn nhiều người đã dùng bản đồ kho báu hay một số kỹ thuật khác, đôi khi gần giống như ma thuật đen, để gia tăng vận may của mình qua việc cưỡng bách sự việc xảy ra. Hiển nhiên, đây không phải là điều các thày khuyên con làm như một đệ tử của chân sư thăng thiên.

Nhưng chắc chắn con có thể ảnh hưởng đến các sự kiện tích cực trong đời mình bằng cách, trước tiên, làm việc với tâm lý của mình và giải quyết một số vấn đề tâm lý khiến con xua đuổi một số thành quả. Ví dụ, nhiều người tâm linh có một thái độ tiêu cực đối với tiền bạc từ nhiều kiếp trước. Trong tiềm thức, họ đẩy xa tiền bạc vì họ tin rằng tiền bạc là phản tâm linh. Nếu con giải quyết những cái ngã như vậy, con sẽ không còn đẩy nó ra xa nữa, nhưng đồng thời con cũng không cố kéo nó vào đời con. Con có thể bước vào tâm thái cởi mở, tâm thái trung hòa, nhưng con chờ đợi là một điều tích cực sẽ xảy ra. Theo một nghĩa nào đó, đây không phải là chuyện chế tạo một kết quả, mà đúng hơn là thu hút kết quả đến với con. Đây sẽ là một cách khả thi để gia tăng điều mà nhiều người gọi là may mắn. Không phải các thày đặc biệt bảo con phải coi may mắn là nền tảng cho cuộc sống, nhưng con có thể bước vào một tâm thái đón nhận triển vọng một kết quả tích cực sẽ xảy ra thay vì xua đẩy nó đi.

Khi con hiểu những gì các thày đã trao cho con về đường tu tâm linh, con có khả năng bước vào một tâm thái không dính mắc với một kết quả đặc thù. Con làm điều con cảm thấy là một điều xây dựng trong một tình cảnh đặc thù, nhưng thay vì bị cuốn hút vào một kết quả nhất định như trường hợp những kẻ ra sức thị hiện, con mở tâm ra đón nhận môt kết quả tốt đẹp, kết quả tốt nhất có thể, nhưng con cho phép các chi tiết được quyền mơ hồ. Con cởi mở với mọi khả năng, và con đi vào một tâm thái biết ơn đối với bất cứ gì xảy ra, luôn luôn cố gắng sử dụng nó tốt nhất.

À, nhiều người thông thạo các kỹ thuật thị hiện sẽ bảo rằng làm theo cách này là sai trật vì con phải càng rõ ràng càng tốt. Con cần phải rõ ràng trong những gì con muốn vũ trụ đem lại cho con, nhưng đây không phải là cách tiếp cận cao nhất. Và lý do, như ta vừa giải thích, là vì mọi tình huống trong thế gian đều vô cùng phức tạp. Có những sóng xác suất ảnh hưởng đến kết quả của một tình huống nhất định và con không thể tiên đoán các sóng này một cách chắc chắn. Cho nên nếu con phóng chiếu: “Tôi muốn kết quả chính xác là như thế này,” thì thường thường con sẽ bị thất vọng vì đơn giản kết quả đó không thực tế dựa trên các điều kiện nghiệp quả của tình huống.

Điều đáng tiếc xảy ra đối với nhiều người toan cưỡng ép thị hiện là họ thường bị thất vọng, và sau một thời gian nhiều người bị chán nản rồi lý luận rằng tất cả chỉ là chuyện hồ đồ, là chuyện không tưởng, là chuyện “úm ba la” của giới Thời Mới hay bất cứ gì khác. Các thày muốn cho con một con đường dài hạn khả thi hơn mà qua đó con có thể cải thiện hoàn cảnh đời con. Và nếu con dùng các giáo lý, đặc biệt về ngã tách biệt, con sẽ có thể đạt được những cải thiện đáng kể trong đời mình. Nhưng luôn luôn, điều khôn ngoan là con nên có một thái độ đón nhận triển vọng trong sự biết ơn thay vì đòi hỏi một kết quả nhất định.

Không dính mắc nhưng không thờ ơ

Hỏi: Câu này con xin hỏi Phật Gautama hay một vị chân sư nào khác. Xin thày vui lòng giải thích khác biệt giữa sự không dính mắc, sự vô cảm thờ ơ và trạng thái tâm thức trung hòa? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Phục sinh 2023. Đăng ngày 15/5/2023.

Không dính mắc chỉ là một từ khác cho trạng thái tâm thức trung hòa. Trung hòa có nghĩa là gì? Có nghĩa là không có gì có thể kéo con về bất cứ hướng nào. Con có thể chọn lựa đặt chú ý của mình về một hướng nào đó nhưng không có gì có thể lôi kéo được con. Tại sao không có gì lôi kéo được con? Vì con không có dính mắc. Tại sao con không có dính mắc? Vì con không có một ngã tách biệt, một ngã tiềm thức nào mong cầu một kết quả đặc thù hay tránh né một điều gì trên trái đất. Còn sự thờ ơ, tất nhiên, là khi con thụ động, tâm con thụ động.

Có lẽ chúng ta nên bước lui lại một chút và nhìn xem ta đã nói gì cách đây 2500 năm, Giê-su đã nói gì cách đây 2000 năm và các thày nói gì ngày hôm nay. Đúng thật là khi con nhìn vào, đặc biệt là những lời dạy ta đã trao truyền 2500 năm về trước trong kiếp hiện thân Phật Gautama, thì một số Phật tử đã diễn giải là nếu con đạt được trạng thái không dính mắc đó, cực lạc đó, tam muội đó (samadhi), niết bàn đó (nirvana) cho dù người ta gọi đó là gì, thì nói chung con trở nên vô cảm thờ ơ. Con không quan tâm đến bất cứ gì trên địa cầu. Không có chuyện gì con muốn làm, cho nên con rút ra khỏi xã hội, con ngồi trong tu viện hay hang đá và con thiền quán về Thượng đế bởi vì con không quan tâm bất cứ chuyện gì trong thế gian. Đây là một diễn giải sai lạc về những gì ta đã dạy, những gì Giê-su đã dạy, những gì các thày ngày nay giảng dạy.

Nói chung con có thể nói, con là một sinh thể tâm linh, Hiện diện TA LÀ của con là một sinh thể tâm linh. Hiện diện TA LÀ của con ở cõi thăng thiên, hay đúng hơn, nó không là một chân sư thăng thiên nhưng chắc chắn nó ở cõi tâm linh, cho nên Hiện diện TA LÀ của con có khả năng trải nghiệm cõi tâm linh. Tại sao nó lại muốn gửi một phần của nó – cái Ta Biết – xuống một thế giới hình tướng và đặc biệt một hành tinh như trái đất? Tại sao chứ?

À, Hiện diện TA LÀ không gửi con xuống thế gian để con có một trải nghiệm tâm linh vì nó có thể có trải nghiệm này ở ngay cõi tâm linh rồi, cho nên nó gửi con xuống thế gian để trải nghiệm thế gian. Nhưng làm thế nào con trải nghiệm được thế gian nếu con ngồi trong hang núi Himalaya, thiền quán về Thượng đế và bỏ mặc thế gian? Đó không phải là lý do con tồn tại, lý do con đang ở trong thế gian. Con ở trong thế gian là để có những trải nghiệm, và những trải nghiệm này bao gồm cả những công việc con làm, và chắc chắn con năng hoạt trong thế gian. Nếu Hiện diện TA LÀ không muốn trải nghiệm thế gian thì việc gì nó phải mất công đem một phần của nó vào một xác thân vật lý? Nó đã có thể rút lại phần này và tập trung vào việc tăng triển ở cõi tâm linh, và tất nhiên đây là điều con sẽ làm sau khi con thăng thiên, nhưng dù sao thì con cũng hiểu ý ta muốn nói.

Mục đích con hiện thân trong cõi vật lý là để tham gia vào lý duyên khởi, và thế gian chính là lý duyên khởi này. Con nếm nhiều trải nghiệm, con làm nhiều công việc, con nêu gương cho người khác thấy là mình có khả năng khắc phục sự dính mắc với thế gian, cho nên mình có thể ở trong thế gian mà vẫn an bình. Làm thế nào con ở trong thế gian mà vẫn an bình? Bằng cách vượt qua các dính mắc của mình và bước vào tâm thái trung hòa.

Nhưng trung hòa không có nghĩa là con không làm gì. Con vẫn có thể tham gia vào một hoạt động vỏ ngoài và đồng thời ở trong một tâm thái trung hòa. Chỉ có nghĩa là trải nghiệm của con sẽ khác hơn mà thôi. Kỳ thực con có thể vui hưởng hoạt động đó, bởi vì khi con ở trong một tâm thái dính mắc thì con không thể tận hưởng việc tham gia vào hoạt động vì con luôn luôn chú tâm vào thành quả của hoạt động – cho đến khi con biết rõ thành quả là gì thì con không thể thực sự vui hưởng hoạt động. Đây chính là câu ngạn ngữ quen thuộc khi người ta bảo rằng điểm đến không quan trọng mà là hành trình, kết quả không quan trọng mà là tiến trình.

Khi con bước vào tâm thái trung hòa, con có thể vui hưởng tiến trình sống trong kiếp hiện thân cho dù con có đạt được hay không đạt được thành quả vỏ ngoài. Con không có vai trong tấn tuồng muốn cái này phải xảy ra hay cái kia không được xảy ra, con không ở trong tấn tuồng cuồng đại muốn cái này phải xảy ra hay cái kia không được xảy ra trong thế gian. Nhưng con không thờ ơ vô cảm, con không thụ động, con không chỉ ngồi đó mà không làm gì hết.

Làm thế nào khiến thời gian đi nhanh hơn hay chậm hơn 

Hỏi: Xin thày vui lòng giải thích làm thế nào khiến cho thời gian gia tốc hay đi chậm lại? Điều này có khả thi không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Phục sinh 2023. Đăng ngày 15/5/2023.

À, thời gian là gì? Tùy theo con định nghĩa thời gian.

Đây là một đề tài rộng lớn hơn những gì ta muốn đào sâu ở đây, nhưng thực tế là thời gian là một cấu trúc của tâm. Phần nào nó dựa trên ảo tưởng tách biệt, phần nào trên tâm đường thẳng.

Con có thể nói giống như nhiều người vẫn nghĩ – nhiều người tâm linh vẫn nghĩ – là khi con sinh ra đời, con có một tuổi thọ nhất định mà các thày đã gọi là tuổi thọ tự nhiên của con. Có nghĩa là con có thể sống đến 70 tuổi chẳng hạn xong con qua đời. Nhưng các thày cũng có giải thích là nếu con lạm dụng quyền tự quyết của người khác, làm một số hành vi nào đó, thì con có thể gia tốc thời gian theo nghĩa là con sẽ qua đời sớm hơn. Nhưng nếu con chân thành nỗ lực tự thăng vượt và khắc phục các khuôn nếp của mình, con có thể khiến thời gian chậm lại cho nên con sẽ sống lâu hơn.

Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là như một đệ tử tâm linh, con có phần nào khả năng làm cho thời gian chậm lại, theo nghĩa là con có thể ở lại kiếp hiện thân lâu hơn so với tuổi thọ tự nhiên của cơ thể con. Nhưng đồng thời con cũng gia tốc thời gian, theo nghĩa là con sẽ đạt đến các tầng tâm thức cao nhanh chóng hơn là con có thể nếu con không bước trên đường tu tâm linh.

Về đề tài làm chậm thời gian, con có thể nghĩ là ta đã không trả lời câu hỏi của con, nhưng đó là vì tâm thức tách biệt lẫn tâm đường thẳng phóng chiếu ra rằng thời gian là một thực tại khách quan – thời gian có một sự tồn tại khách quan nào đó. Nhưng không phải vậy đâu, đó là một trải nghiệm chủ quan do tâm chế tạo. Điều xảy ra trên hành tinh địa cầu là tuyệt đại đa số mọi người đang hiện thân ở đây đã chấp nhận cùng một cái nhìn về thời gian: Họ nghĩ đó là một sự vật bên ngoài, họ nghĩ nó đường thẳng – nó chỉ có thể đi về một hướng mà thôi và nó phải không ngừng đi tới.

Nhưng nếu con ở trong một trạng thái thiền định sâu, nếu cái Ta Biết của con bước ra ngoài tâm vỏ ngoài và trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết, thì kỳ thực đối với con, thời gian ngừng lại.

Con cũng biết là đôi khi con có cảm tưởng thời gian như trôi chậm lại: “Đến khi nào mới hết ngày làm việc đây?” Lần khác, con nhìn ngược lại một ngày trôi qua và con nghĩ: “Chà, làm sao xảy ra quá nhiều chuyện chỉ trong một ngày?” Trên đường tu tâm linh, thông thường con nhìn lại 10, 20, 30 năm trước – là thời điểm con bắt đầu cất bước trên đường tu – và con cảm thấy mình đã kinh qua biết bao thay đổi, biết bao tiến bộ, đến độ con tưởng như thể mấy kiếp sống đã trôi qua. Bước chân trên đường tu là cách hay nhất để con khiến cho thời gian chậm lại hay nhanh lên.

Nhưng dĩ nhiên nếu con thấy vấn đề này quan trọng, con có thể suy nghiệm về bí ẩn của thời gian. Con có thể xem các lời dạy mà các thày đã trao truyền về điều này, và con có thể tự giải thoát, ít ra bắt đầu tự giải thoát khỏi tâm đường thẳng. Nếu con nhìn xem khoa học nói gì, thì khoa học bảo là không gian hiện hữu. Khoa học bảo là trái đất quay quanh chính nó và nó cũng quay quanh mặt trời. Đó là điều hầu hết mọi người đều nghĩ đến. Con biết là khi con đứng trên mặt trái đất thì con đang di chuyển nhanh kinh hồn trong không gian, vì khi trái đất quay thì cơ thể con quay theo trong không gian, và vì trái đất cũng quay quanh mặt trời cho nên con cũng quay theo một cách khác nữa. Thật sự nếu con nhìn cơ thể con trong không gian tuyệt đối, con đang di chuyển theo một hình xoắn ốc.

Nhưng điều mà ít người nghĩ đến là chính Thái dương hệ cũng di chuyển trong không gian. Và vì Thái dương hệ di chuyển một cách tương đối so với các hệ mặt trời khác, và các mặt trời di chuyển tương đối so với toàn bộ dải thiên hà, và thiên hà thì di chuyển tương đối so với các thiên hà khác trong vũ điệu toàn vũ vĩ đại này, cho nên nếu con bảo: “À đây là không gian tuyệt đối, tôi đang theo dõi quỹ đạo của cơ thể tôi bay ngang qua khoảng không gian này,” thì con sẽ thấy đây là một hình dạng vòng xoắn ốc vô cùng phức tạp. Quỹ đạo này có thể được mô tả bằng toán học, vì các nhà toán học đã khám phá ra phương trình cơ bản cần thiết, chỉ có điều là họ chưa đem ra áp dụng.

Ý ta muốn nói ở đây là thời gian là một hàm số của không gian và sự chuyển động. Sự chuyển động trong không gian là điều tạo ra ảo tưởng thời gian. Và con có thể suy nghiệm điều này. Con có thể suy ngẫm làm thế nào giải thoát tâm con khỏi nhu cầu ám ảnh cưỡng chế của tâm đường thẳng muốn nhìn tất cả mọi thứ trong sự chuyển động đường thẳng: Thời gian chỉ có thể đi theo một hướng, thời gian phải không ngừng đi tới, rồi có vấn đề nhân và quả, vân vân. Và từ đó con có thể nhận ra là trái đất hay chính con đang chuyển động qua không gian, nhưng sự chuyển động này vô cùng phức tạp, nó không đường thẳng, nó không thẳng tắp theo một đường.

Con đang chuyển động trong vũ điệu vũ trụ vô cùng phức tạp này mà ta đã gọi là lý duyên khởi, và các thày thì gọi là Dòng sông sự Sống. Và khi con suy nghiệm sự thể này, con có thể đạt tới điểm con bắt đầu trải nghiệm nó. Khi đó, con sẽ trải nghiệm là thời gian hết quan trọng. Không có thời gian.

Tâm thức quả cầu

Hỏi: Các chân sư yêu dấu, chúng con biết là các thày có tâm thức quả cầu (spherical consciousness) và con muốn hiểu tâm thức này biểu hiện thế nào trong hành động. Các thày nhìn trật tự thế giới như thế nào qua tâm thức quả cầu? Con cũng biết một tâm thức đường thẳng thật khó lòng nắm bắt được điều này. Có lẽ cũng giống như cố giải thích mạng internet là gì cho một người thời Trung cổ. Làm thế nào phát triển tâm thức quả cầu? Có thể nào so sánh nó với thần giao cách cảm, khả năng thấu thị, khả năng thông suốt mọi sự hay không? Có phải là khả năng cảm được người khác đang cảm thấy gì? Sự đồng cảm? Khả năng sáng tạo bằng tư tưởng để thay đổi diễn biến ngoại cảnh? Có thể nào phát triển tâm thức quả cầu trên trái đất một khi đạt đủ tâm thức Ki-tô hay tâm thức Phật?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 về Ukraine. Đăng ngày 5/12/2022.

Tất cả những thứ con nói đến – những cái gọi là khả năng siêu nhiên – không thuộc về trạng thái tâm thức quả cầu. Như con cũng đoán, thực tế là con không thể nắm bắt tâm thức quả cầu với một tâm thái đường thẳng. Ngay cả con cũng không thể hiểu bằng tâm thái đường thẳng. Khi nói đến tâm thức quả cầu, hoặc con trải nghiệm được, hoặc con không trải nghiệm được. Nhưng nếu con cố hiểu nó là gì bằng tâm đường thẳng thì con sẽ không đến gần hơn với trải nghiệm đó. Kỳ thực trong nhiều trường hợp, làm như vậy đã cản trở nhiều người có được trải nghiệm, vì họ quá chú tâm vào việc cố hiểu nó với tâm đường thẳng phân tích, quá chú tâm vào việc dán nhãn và mô tả, đến độ họ không thể có được trải nghiệm. Và tất nhiên, chỉ sự trải nghiệm trực tiếp mới xoay chuyển được tâm thức của con.

Nói vậy rồi, thật ra nhiều người trên thế giới và nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã bắt đầu phát triển được tâm thức quả cầu. Có thể nói tâm thức quả cầu là một tiến trình lâu dài, và khởi đầu của tâm thức quả cầu thực sự là khi con nhìn nhận là có điều gì đó để hiểu hay nắm bắt vượt khỏi tầm hiểu hiện thời lẫn tầng tâm thức hiện thời của con. Nói cách khác, các thày đã có nói về tâm trở thành một hệ thống khép kín, tự củng cố, tự chứng thực. Và cách giản dị nhất để diễn tả là bảo rằng cái tâm đó hiển nhiên không phải là tâm thức quả cầu. Khi tâm con đóng chặt nhưng con tưởng là con biết mọi chuyện, con không mở tâm ra để nắm bắt nhiều hơn những gì con biết, thì con không đang trải nghiệm tâm thức quả cầu.

Nhưng một khi con xoay chuyển và nhận ra có gì đó vượt khỏi mức tâm hiện thời của con, vượt khỏi thế giới quan hiện thời của con, thì con đang bắt đầu tiến vào tâm thức quả cầu. Con đang khuếch lớn tâm thức của con để nhận biết có gì đó nằm ngoài tâm con. Ngay cả việc lượng định là con không được làm tới người khác những gì con không muốn người khác làm tới con, cũng là một phần trong các giai đoạn đầu của tâm thức quả cầu. Con có lòng trắc ẩn với người khác. Con công nhận quyền hạn của người khác. Có một số giai đọan khác nhau qua đó con nhận biết càng ngày càng rõ hơn là có gì đó vượt khỏi tâm con, và tất nhiên con có thể nhận biết như vậy khi con đang đầu thai.

Con không thể trải nghiệm hoàn toàn những gì một chân sư thăng thiên trải nghiệm, nhưng con có thể ngày càng đến gần hơn với sự nhận biết rộng lớn là có gì đó vượt khỏi bốn thể phàm, vượt khỏi tâm vỏ ngoài của con. Con nhận biết là có nhiều hơn để hiểu, và trên hết, con không ngừng mở rộng thêm ra, mở rộng nhận biết một cách lần hồi, từng bước một. Có thể nói là tất cả khởi sự với nhận biết đó, rằng có gì đó vượt khỏi mức hiện thời của con. Và sau đó, vấn đề chỉ còn là con sẵn lòng vươn lên cao đến đâu và mở rộng đến đâu để nhận biết những gì vượt khỏi tâm thức đường thẳng của con.  

Các thày có giảng là khi con hiện thân hay ngay cả khi con khởi sự như một dòng sống mới, con có một ý niệm nhận biết hạn hẹp, cục bộ, nhỏ như cái chấm. Con chỉ chú trọng đến chính mình và môi trường lân cận xung quanh con. Tâm thức quả cầu vượt quá sự tập trung vào bản thân, nó mở rộng ý niệm bản ngã của con, nhưng nó cũng nhận ra là luôn luôn sẽ có điều gì đó vượt khỏi ý niệm bản ngã mà con có khi chưa thăng thiên.

Tâm thức quả cầu không phải là một khả năng siêu nhiên nào đó, mà là một sự nhận biết rộng lớn hơn vượt khỏi bản ngã. Có nhiều người bước vào giáo lý tâm linh nghĩ rằng: “Ồ, tôi muốn có khả năng đó. Tôi muốn mình có thể thị hiện bất cứ gì mình muốn, mình có thể thay đổi thế giới, mình có thể hiểu biết mọi chuyện.” Nhưng đây không phải là tâm thức quả cầu, và việc gắng sức đạt được khả năng này thường sẽ chặn đứng người đệ tử, bởi vì tại sao họ lại muốn vậy chứ? Là vì họ vẫn tự xem mình là một sinh thể tách biệt, họ vẫn muốn sự nhận biết hay khả năng làm những chuyện siêu nhiên đó trong tư cách một sinh thể tách biệt, để họ có thể nâng bản thân họ lên như một sinh thể tách biệt trong tâm họ hay trong tâm người khác.

Nhưng chừng nào con còn cố đạt những khả năng đó như một sinh thể tách biệt thì thật vậy, đó không phải là quả vị Ki-tô. Đây là con đường tay trái khi con cố trở thành một pháp sư ma thuật đen với một vài kỹ năng thao tác sự vật. Nhưng đây không là quả vị Ki-tô và chắc chắn cũng không phải là nhận biết quả cầu. Con chỉ càng ngày càng bị kẹt hơn vào ý niệm bản ngã tách biệt cục bộ.

Có cần thay đổi quá khứ hay không?

Hỏi: Con biết là vũ trụ là một vũ trụ đa chiều kích nơi quá khứ, hiện tại và tương lai trải bày ra cùng một lúc. Nếu vậy thì con có thể nào đi ngược trở về cõi quá khứ và thay đổi nghiệp quả bằng cách tiếp cận với dải tần số trong vũ trụ đa chiều kích, hầu sửa chữa những sự việc trong quá khứ ảnh hưởng đến con trong hiện tại?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Làm cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu. Đăng ngày 27/10/2021.

Trước hết, con cần nhìn nhận ở đây là con người thời đại hôm nay có một lối suy nghĩ đặc thù. Chúng tôi các chân sư thăng thiên đã gọi tư duy này là tâm phân tích, đường thẳng. Con người có xu hướng nhìn mỗi ý tưởng xuyên qua tư duy này, rồi diễn giải nó theo một cách mà tâm có thể nắm bắt. Và điều này đã khiến cho một số người – dựa trên các giáo lý tâm linh, dựa trên các trải nghiệm cận tử hay bất cứ gì khác mà họ đã sống qua – nảy sinh ra ý tưởng là họ đang sống trong một vũ trụ đa chiều kích nơi quá khứ, hiện tại và tương lai trải bày ra cùng một lúc. Nếu con xem xét ý tưởng này chặt chẽ một chút, nó thật sự có nghĩa là gì?

Nó có nghĩa là quá khứ, hiện tại và tương lai diễn ra cùng một lượt. Nhưng khái niệm thời gian chẳng phải là để chia trải nghiệm ra thành ba giai đoạn riêng rẽ hay sao: quá khứ, hiện tại, tương lai? Làm thế nào thời gian có thể trải ra cùng một lúc nếu thời gian là một tiến trình đường thẳng? Con có hiểu ta đang cố làm gì ở đây chăng? Ta đang cố vô hiệu hóa cái tâm đường thẳng đó.

Đúng vậy, có nhiều điều có thể được nắm bắt trong vũ trụ hơn là những gì tâm đường thẳng có thể nắm bắt. Nhưng vấn đề xảy ra cho nhiều người đang bước trên đường tu tâm linh là họ cố dùng tâm đường thẳng để vượt ra ngoài tâm đường thẳng. Họ đang cố diễn đạt bằng ngôn từ những gì không thể diễn đạt bằng ngôn từ mà chỉ có thể được trải nghiệm. Một số người đã có những trải nghiệm tâm linh. Một số người đã có trải nghiệm cận tử. Và khi họ trở về, họ mong muốn mãnh liệt chia sẻ những trải nghiệm đó với người khác. Và làm thế nào chia sẻ được đây? Bằng ngôn từ. Và ngôn từ được sử dụng thế nào trong thế giới hiện đại? Qua tâm đường thẳng. Thế là họ cố sức đem vào trong bối cảnh đường thẳng một cái gì vượt ra khỏi tâm đường thẳng, một trải nghiệm vượt ra khỏi tâm đường thẳng.

Để trả lời câu hỏi của con một cách cụ thể hơn là con có thể nào đi ngược trở về quá khứ để sửa chữa lỗi lầm của mình hay không. Chúng tôi đã từng bình luận trước đây về giả thuyết con có một cỗ máy thời gian và con có khả năng du hành ngược trở lại trong xác thân để sửa lỗi lầm trong quá khứ. Nhưng một lần nữa, đây là một khái niệm vô nghĩa. Quá khứ hoàn toàn không quan trọng. Những gì đã xảy ra trong quá khứ không có gì quan trọng đối với hiện tại. Điều quan trọng ngay bây giờ là những gì con đã mang theo con từ quá khứ. Và một phần, đó là năng lượng tha hóa mà người ta thường gọi là nghiệp chướng, và phần khác là một số niềm tin, một số ngã tách biệt trong bốn thể phàm của con.

Con không cần trở về quá khứ để thay đổi, biến hóa cái nghiệp đó của con. Con chỉ cần hành động trong hiện tại. Con cũng không cần trở về quá khứ để giải quyết tâm lý của mình. Con chỉ cần xem xét nó bây giờ, sử dụng các dụng cụ mà chúng tôi đã trao cho con, giải quyết nó và để cho những cái ngã tách biệt đó chết đi. Tại sao con lại cần trở về quá khứ chứ? Thật là không cần thiết.

Con có thể làm một điều xây dựng hơn, là con nói: “Ngay bây giờ, tôi đang mang quá khứ của tôi trong tôi, theo nghĩa là tôi đang mang cái nghiệp đó và những ngã tách biệt đó cùng những chấn thương và ảo tưởng mà trong quá khứ tôi đã cho phép đi vào ba thể cao của tôi. Và nếu tôi không thay đổi những gì đang nằm ở ngay đây, những gì tôi đang mang theo tôi từ quá khứ, thì không những nó sẽ tác động hiện tại của tôi mà nó cũng sẽ tác động tương lai của tôi.” Bởi vì ngay lúc này, con có thể nhìn vào những khuynh hướng mà con đã có trong quá khứ và từ đó con có thể phóng chiếu ra những gì sẽ diễn ra trong tương lai, bởi vì con sẽ lặp đi lặp lại hoài hoài cùng các khuôn nếp đó cho tới khi con khắc phục được ngã tách biệt. Và về điểm này, con có thể nói là con đang mang theo quá khứ của con với con, và nếu con không thay đổi nó thì con sẽ mang nó theo con vào tương lai. Và nó sẽ tác động con y như nó đang tác động con bây giờ.      

Ta cũng biết, nhiều người sẽ khó lòng nắm bắt được những khái niệm này. Nhưng như ta vừa trình bày, đó là vì họ cố dùng tâm đường thẳng để làm một chuyện mà tâm đường thẳng không thể làm. Và có lẽ đây chính là điểm bế tắc to lớn nhất tại các quốc gia tân tiến. Có quá nhiều người tập trung vào tầng mức của lý trí; họ đã sẵn sàng để bước lên và tập trung vào tầng mức của bản sắc, nhưng họ không thể nào bước lên cao hơn vì họ bị kẹt cứng, họ quá dính mắc vào tâm đường thẳng, vào tâm phân tích. Họ muốn tạo ra, và họ luôn luôn tạo ra một con đường thẳng tắp cho tất cả mọi chuyện, xong họ muốn đặt tất cả mọi thứ trên cái đường thẳng đó, và mọi thứ phải diễn ra ngăn nắp toàn hảo, hết cái này dẫn đến cái kia rồi đến cái nọ, để cuối cùng họ đạt được một kết quả ngon lành như trong một phương trình toán học.

Nhưng mặc dù trong đời sống cũng có một chút toán học và những con số, nhưng con đường tâm linh không phải là một tiến trình toán học. Đó là một tiến trình sáng tạo. Không có công thức nào cả. Không có công thức nào hết. Có những công thức sẽ giới hạn con người, như con có thể nói là nghiệp của con và tâm lý của con từ tiền kiếp hình thành những công thức. Và nếu con không thay đổi bất cứ gì trong phương trình đó, thì lời giải cho phương trình sẽ nằm sẵn ở một thời điểm trong quá khứ.

Ở bất cứ thời điểm nào trong quá khứ, con có thể nhìn vào điểm đó và nói là nếu con không thay đồi gì hết từ giờ trở đi, thì đó là kết quả mà con sẽ nhận được trong mười năm nữa. Nhưng con luôn luôn có một chọn lựa, đó là con thay đổi phương trình một cách sáng tạo, và điều này sẽ thay đổi kết quả đạt được. Đây là cách duy nhất mà bất cứ gì có thể được thay đổi, bởi vì nếu không, vũ trụ này sẽ chỉ là một cỗ máy – là cỗ máy mà các nhà vật lý đã mường tượng trong các thế kỷ trước, nơi điều kiện tiên khởi của cỗ máy hoàn toàn định đoạt kết quả chung cuộc của nó.

Dùng trí năng để hiểu các khái niệm tâm linh xưa

Hỏi: Con xin được hỏi thày Gautama. Khi thày hiện thân trên trái đất, thày đã dạy các đệ tử về Niết bàn và các bậc A la hán. Các lời dạy thuở đó đưa ra khái niệm thế nào? Và có thật là thày đã dạy Vipassana và sự tĩnh lặng như một pháp tu của đạo Phật dẫn đến Niết bàn hay chăng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Là cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu. Đăng ngày 27/10/2021.

Đúng là ta đã dạy nhiều giáo lý khác nhau. Một số đã trở thành Vipassana hay các giáo lý tâm linh khác hay các phép tu của Phật giáo. Tất nhiên ta cũng đã dạy về các khái niệm Niết bàn, giác ngộ cùng những khái niệm khác. Điều quan trọng con cần hiểu ở đây là câu hỏi con vừa đặt ra được hỏi từ tầng cấp lý trí. Con đang tìm cách dùng trí năng để cố hiểu người ta trải nghiệm các khái niệm đó như thế nào 2500 năm về trước.

Trước hết, điều này không thể làm được vì tâm thức tập thể trên địa cầu đã được nâng cao trong suốt 2500 năm đó. Không có cách nào con có thể thực sự nắm bắt mà dựa trên trải nghiệm con đang có ngày hôm nay, con không thể nắm bắt bằng trí thức cách con người thời đó nhìn các khái niệm này như thế nào.

Nhưng hơn nữa vào thời đó, con người không hiểu khái niệm một cách trí thức. Họ trải nghiệm. Con cũng có tiềm năng trải nghiệm như vậy, nhưng điều này hầu như không thể vì tâm thức tập thể đã tiến bước rồi. Con không thể thực sự lĩnh hội cách người ta nhìn cuộc đời như thế nào vào thời đó.

Nhưng con muốn trải nghiệm chuyện đó để làm gì chứ? Thực tế là con người vào thời đó rất ít trí thức như bây giờ. Điều này không nhất thiết là một điều tích cực nhưng nó cũng có một vài khía cạnh tích cực, theo nghĩa họ là những sinh thể sống bằng trải nghiệm, cho nên họ có thể trải nghiệm một giáo lý hay một pháp tu dễ dàng hơn, họ không mang vào lớp phủ của lý trí – một lớp phủ mà quá nhiều người trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại phương Tây, khoác vào.

Thật sự điều quan trọng cho con trong thời đại này là con không nên cố gắng dùng trí năng để hiểu các lời dạy, cho dù đó là lời dạy của đạo Phật mà ta đã ban ra thuở đó hay là lời dạy của các chân sư thăng thiên ngày hôm nay. Mà con tìm cách trải nghiệm thực tại sâu xa đằng sau lời dạy.

Điều này không có nghĩa là con không sử dụng tâm suy luận để xây dựng một hiểu biết nào đó về đường tu tâm linh cũng như về vũ trụ, nhưng nếu đó là tất cả những gì con rút tỉa được từ lời dạy thì con đã không hoàn thành được tiềm năng đầy đủ của lời dạy.

Làm thế nào khiến cho vật chất ca hát

Hỏi: Saint Germain thân yêu, thày có giảng là đối với một số người, sứ vụ thiêng liêng của họ bao gồm việc làm cho vật chất ca hát. Xin thày có thể giải thích thêm về điểm này? Khi con đọc đến lời dạy này, đây là một điều mà con có ác cảm, và con cảm thấy nó không áp dụng cho con. Nhưng bây giờ thì con bắt đầu cảm thấy không phải như vậy, và đó chỉ là một khía cạnh của tự ngã đang phóng chiếu để khiến con không nghĩ việc này có thể nằm trong sứ vụ thiêng liêng của mình. Xin thày vui lòng giải thích nhiều hơn về loại công việc phụng sự mà một người có thể làm khi việc đó nằm trong sứ vụ thiêng liêng? Làm thế nào một người có thể gặp được một số tình huống trong đời có thể tạo cơ hội cho mình làm cho vật chất hát lên?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2021 – Chấm dứt Thời đại Ý thức hệ. Đăng ngày 19/6/2021.

Con có thể làm cho vật chất ca hát bằng nhiều cách. Con làm cho vật chất hát khi con nâng cao tâm thức mình và đạt tới tâm thức Ki-tô. Con làm cho vật chất hát khi con tốt bụng và thương yêu người khác. Nhưng dĩ nhiên, có những cách trực tiếp hơn cũng làm cho vật chất ca hát.

Khi con đọc bài chú và bài thỉnh, con làm cho vật chất ca hát vì con gửi những rung động này vào bốn tầng cõi của vũ trụ vật chất. Tự thân công việc này nâng cao độ rung của vật chất, thậm chí cả nguyên tử, phân tử cùng các loại hạt khác, khiến cho vật chất bắt đầu rung lên ở một mức độ cao hơn. Câu “làm cho vật chất ca hát” là một cách biểu tượng để nói rằng cõi vật chất rung động ở mức độ tự nhiên của nó. Khi con gửi một làn sóng năng lượng cao tầng vào vũ trụ vật chất, con khiến cho chính vật chất rung lên ở một mức độ cao hơn, và đó là ý nghĩa của câu “làm cho vật chất ca hát”.     

Âm nhạc và ca khúc cũng có khả năng tạo ra hiệu ứng như vậy. Một số nhạc sĩ chơi loại nhạc êm ái, hài hòa, cũng có thể làm cho vật chất hát. Khi người ta hát xướng, chẳng hạn, trong một nhóm lớn, họ cũng có thể làm cho vật chất hát. Ngay cả khi người ta nói chuyện, diễn thuyết về một đề tài nào đó và khiến cho cử tọa xúc động, hay khiến cho cử toa thấy được một điều gì mà họ chưa từng thấy bao giờ, thì một sự rung động cũng được tỏa ra làm cho vật chất hát. Khi người ta đến với nhau trong một buổi hội họp với tinh thần kết hợp và tâm thức tích cực, thì họ cũng khiến cho vật chất ca hát.    

Về các dạng hình học thuần túy

Hỏi: Saint Germain thân kính, con nghe nói ở cõi thăng thiên có những hình dạng hình học thuần túy. Khi các dạng hình học này được vận chuyển qua bốn tầng của tâm, điều gì xảy ra cho chúng khi trên bảy tia sáng có những tạp chất ô nhiễm? Có sự liên hệ nào chăng giữa các dạng hình học này và một tầng nào đó của tâm? Liệu các tà lực có thể sử dụng một số dạng hình học nào đó trong vật chất, hay họ có thể hình dung ra để bòn rút năng lượng từ mọi người? Và nếu vậy thì liệu có những dạng hình học có thể được sử dụng để nâng cao con người hay chăng? Xin thày làm ơn đưa ra một ví dụ về một dạng hình học thuần túy?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels trong buổi Webinar 2121 – Chấm dứt Thời đại của Ý thức hệ. Đăng ngày 19/6/2021.

Ồ, thật là không dễ mà dùng lời nói để mô tả các dạng hình học thuần túy có mặt nơi cõi tâm linh hay nơi các tầng cao của cõi bản sắc, bởi vì chúng vượt khỏi lời nói. Các dạng hình học này không được cấu tạo bằng từ ngữ. Đó là tại sao chúng tôi có nói là khi chúng tôi đưa ra một bài truyền đọc nào đó, thật sự là chúng tôi đang truyền rải một số dạng hình học. Khi các dạng hình học này vận động qua bốn tầng của vũ trụ vật chất hay bốn tầng của tâm sứ giả, chúng được chuyển thành lời nói. Và nếu con muốn thực biết các dạng này, con cần phải chiêm nghiệm trực tiếp bởi vì không có cách nào để mô tả bằng ngôn từ, và chúng sẽ chỉ là lời mô tả mà thôi. Nhưng đúng là có những dạng hình học như thế.

Ta biết là khi ta nói về dạng hình học, con sẽ nghĩ ngay đến hình tròn hay hình vuông hay hình tam giác, là những thứ người ta thường gọi là dạng hình học trên địa cầu. Sự thực là các dạng hình học ở cõi tâm linh phức tạp hơn rất nhiều.  Chúng không chỉ là các dạng đơn giản mà con thấy trên trái đất. Những gì con thấy trên trái đất chỉ là một số hình dạng tâm linh đã được chuyển dịch khi chúng đi xuống cõi vật chất xuyên qua bốn cõi.

Con có thể thấy được là ở cõi trần, các hình thể được kiến tạo dựa theo các dạng hình học đó. Nếu con nhìn thiên nhiên thay vì nhìn những đồ vật do con người chế tạo, con sẽ thấy có một sự khác biệt trong dạng hình học.

Dạng của thiên nhiên phức tạp hơn nhiều, mà có người gọi là bộ Mandelbrot (Mandelbrot sets), tức là một sự tạo dựng hình học hay toán học có khả năng tự nó lặp đi lặp lại, tự sinh sản nhiều lần – và tùy theo người nhìn đứng ở quy mô nào, to hay nhỏ, gần hay xa, người đó sẽ thấy chúng hiện ra khác nhau. Trên bản chất, người ta có thể gọi đó là những hình chụp ba chiều (holography). Nhưng con thấy không, tâm thức tập thể của loài người hiện nay còn thấp cho nên con người không có khả năng tạo ra những dạng hình học phức tạp như con có thể thấy trong thiên nhiên. Vì vậy, con người bắt buộc phải xây dựng nhà cửa hay vật dụng công nghệ dựa theo các dạng đơn giản của hình vuông, hình tam giác, hình tròn, vân vân, là những gì mà con người hiện thời có thể nắm bắt.

Nhưng con cũng thấy được điều này sẽ giới hạn như thế nào đối với những gì con người có thể xây cất, những loại máy móc mà con người có thể thiết kế, bởi vì tất cả chỉ dựa theo một số hình thể quá đơn sơ. Trong một nghĩa nào đó, cũng có thể nói đây là những hình dạng cố định. Đó là tại sao chúng tuân theo một số định luật toán học đơn giản. Tam giác luôn luôn có một dáng vóc nhất định, và góc tam giác cũng theo một quan hệ hình học nhất định. Hình vuông, hình tròn, vân vân, cũng tương tự như thế. Đây là những gì mà con người có thể nắm bắt được thời xưa, thậm chí cả các nhà hiền triết Hy lạp Cổ cũng phải đáp ứng với một tâm thức tập thể thô sơ hơn bây giờ.   

Nhưng những dạng hình học này, con người vẫn chưa hẳn thay thế được cho dù ngày nay đã tạo ra rất nhiều hình thức toán học phức tạp hơn. Điều ta muốn nói là mọi thứ mà con thấy trong cõi vật lý đều là, theo một nghĩa nào đó, sự thị hiện của một dạng hình học nào đó nơi cõi tâm linh – tất cả đều khởi nguồn là một dạng hình học nơi cõi tâm linh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khi đi xuống cõi ether, sẽ có một liên hệ trực tiếp, một đối một, giữa “bản chính” và “bản dịch”. Và tương tự như thế, cũng không có sự liên hệ trực tiếp nào khi dạng tiếp tục đi xuống các cõi lý trí, tình cảm, vật lý. Đó là vì trong tiến trình chuyển dịch dạng nguyên thủy từ cõi tâm linh xuống cõi vật lý, hiển nhiên đã có sự tác động của toàn tâm thức nhân loại, của từng cá nhân lẫn của tâm thức tập thể.   

Do đó con không thể lấy một hình dạng trên địa cầu rồi cố đoán ngược lên xem hình dạng ở cõi tâm linh là thế nào, bởi vì đã có sự biến dạng, bóp méo. Và đó là lý do không có cách nào mô tả bằng lời nói những dạng hình học tâm linh. Nếu tâm con đủ cởi mở, con có thể hoà điệu với các dạng tâm linh và chiêm nghiệm chúng trong tâm thức con, nhưng con sẽ cần bước vượt ra ngoài ngay cả thể bản sắc của con.

Và điều xảy ra là khi dạng hình học bị chệch hướng thì chúng tạo ra nhiều sự tha hóa. Nói cách khác, tỷ như con lấy một hình dạng nào đó ở cõi tâm linh, con phóng chiếu nó xuống cõi lý trí hay cõi bản sắc, thì tuy nó có thay đổi chút đỉnh nhưng nó không bị bóp méo, và nếu nó được chiếu tiếp xuống để thị hiện trong cõi vật lý thì nó không đến nỗi quá hư hại. Tuy nhiên hiện nay, bởi vì tâm thức tập thể còn thấp cho nên gần như không có hình dạng nào trên địa cầu còn thuần tuý được nữa. Cách này hay cách khác, chúng đều đã bị méo mó.  

Một yếu tố nữa, tất nhiên, là các sa nhân sau khi sa ngã đã tạo ra một số hình dạng không dựa theo hình dạng tâm linh. Vừa rồi ta có nói là mọi hình dạng trên trái đất đều phát xuất từ một hình dạng tâm linh, nhưng điều này không hoàn toàn đúng, bởi vì có một số hình dạng là do sa nhân tạo ra từ tâm thức sa ngã, và những hình dạng này thì không xuất phát từ cõi tâm linh. Chúng không hẳn là hình tư tưởng tâm linh đã biến thái. Theo một nghĩa nào đó, chúng vẫn phát xuất từ tâm linh bởi vì sa nhân không có khả năng sáng tạo được bất cứ gì hoàn toàn mới mẻ, nhưng chúng đã bị tha hóa đến độ không còn gì giống nữa, và nhất định là con không thể suy ngược trở lên “nguyên bản” ở cõi tâm linh.  

Và hiển nhiên các sa nhân đã phóng chiếu những hình dạng này vào tâm thức tập thể trên địa cầu đến độ nhiều người lầm tưởng đó là những loại hình dạng tối thượng, hay hình dạng thiên nhiên, thậm chí còn do Thượng đế tạo ra nữa. Đây là trường hợp của các ý thức hệ, là nền tảng của hầu hết các loại chủ nghĩa, những loại dạng hình học đã bị tha hóa. Chúng định ra là xã hội phải vận hành thế nào, vật chất phải vận hành thế nào, các định luật thiên nhiên phải vận hành thế nào, con người phải vận hành ra làm sao và do đó bị hạn chế như thế nào. Thật rõ ràng các sa nhân đã sử dụng những dạng hình học như vậy để bòn rút năng lượng từ loài người. Những con “quái vật” tập thể này trong cõi vía của tình cảm đã có thể thu hút năng lượng từ những ai tin vào chúng hay đã nhập chúng vào tâm mình.       

Bây giờ để cho con một ví dụ cụ thể là âm nhạc. Trong cõi tâm linh có một số dạng hình học về một số loại nhạc, những loại nhạc đưa con người đi lên, nâng cao sự sống, phát huy tâm thức, những loại nhạc khiến cho cả vật chất cũng phải ca hát theo. Một số nhạc sĩ cổ điển đã có khả năng hòa điệu với những dạng hình học đó, đem chúng xuống dưới một hình thể tương đối thuần khiết rồi chất chứa vào nhạc mình viết. Đó là lý do tại sao ngay cả thời nay, người ta vẫn có thể trải nghiệm được một cảm nhận tâm linh nào đó khi thưởng thức loại nhạc này. Nhưng trong số các nhạc sĩ hiện đại, thật là hiếm có người nào đạt được một tầm mức thuần khiết tương tự.

Trong khi đó lại có vô số những nhạc sĩ hiện đại, nhạc sĩ rock, nhạc sĩ rap, nhạc sĩ jazz, đã sử dụng các hình tư tưởng tha hóa hay những dạng hình học tha hóa do sa nhân chế tạo ra. Đó là tại sao họ sáng tác những thể nhạc chói tai, không khiến cho vật chất hát theo mà chỉ khiến cho độ rung của vật chất bị kéo thấp xuống, thậm chí còn làm cho vật chất bắt đầu phân hủy. Đó là một ví dụ thiết thực.  

Và sau đây là một số ví dụ nữa. Trong số các loài thú vật, con có thể nhận thấy một số được tạo ra theo hình dạng thấp kém. Như con thấy các loại bệnh tật, virút và vi khuẩn, chúng thể hiện các dạng hình học thấp kém. Trong khi đó thì một số loài khác lại tương ứng hơn với hình dạng nơi cõi tâm linh, chủ yếu là các loài chim chóc. Cũng vậy trong cõi thực vật, một số cỏ cây có dạng cao hơn và một số khác có dạng thấp hơn. Thật sự con có thể nhìn bất cứ gì trên trái đất này và thấy có những thứ hiển thị được hình tư tưởng tâm linh nguyên thủy cho dù chúng đã bị phần nào bóp méo, và có một số khác là biểu hiện của các hình tư tưởng thấp kém, những dạng hình học do sa nhân sản xuất.

Sa nhân có thể dùng những dạng hình học này để gắn nhập vào một chủ nghĩa nào đó. Và con thấy như chủ nghĩa Mác-xít chẳng hạn, họ chủ trương một nền kinh tế nơi người dân sản xuất theo khả năng và tiêu thụ theo nhu cầu hay ham muốn của mình. Hình tư tưởng này là do sa nhân chế ra, nó không liên hệ với một hình tư tưởng nào nơi cõi tâm linh, bởi vì như thày Gautama có dạy, nền kinh tế tâm linh đích thực là khi mọi người sinh sôi tài năng của mình bằng cách giúp đỡ người khác, tức là mọi người tự phát triển và phát triển khả năng cùng tâm thức rồi nhận được sự đáp trả gấp bội từ cõi tâm linh. Đây mới là yếu tố thực sự tăng gia thịnh vượng và khiến cho nền kinh tế được vững bền.  

Thật không có cách này tạo dựng một nền kinh tế hoàn toàn dựa trên các sinh hoạt vật lý mà thôi, và đó là lý do khi con lấy những dạng hình học do sa nhân phóng ra rồi đặt nên tảng cả nền kinh tế trên đó, thì phải có lúc nó sẽ tự hủy hoại.

Tiến trình sáng tạo cơ thể con người

Hỏi: Gần đây con có xem một phim cũ “Inherit the Wind” (Thừa hưởng Gió) – nói chung phim này vừa chế giễu Kinh thánh vừa tôn vinh quyển sách “Nguồn gốc các Loài” của Darwin. Con có cảm tưởng như khoa học duy vật đang thay thế một tôn giáo lỗi thời và giả dối, và cả hai bên cuộc tranh luận đầy rẫy những điều không thực. Thuyết tiến hóa là một phần quan trọng của nền giáo dục hiện đại, nhưng nói cho cùng, đó vẫn chỉ là một quan niệm thiếu sót hay chưa đầy đủ. Xin thày vui lòng nhận xét về vấn đề này, đặc biệt là tiến trình sáng tạo cơ thể vật lý cho các sinh thể tâm linh đến cư ngụ? Nếu tất cả là do tâm tạo ra, thì liệu một cơ thể vật lý trên một hành tinh như địa cầu có thể được tạo ra ngay lập tức trong phiên bản hoàn chỉnh của nó, hay liệu nó cần phải kinh qua một tiến trình phát triển tuần tự hơn? Con dùng từ “hoàn chỉnh” một cách rất lỏng lẻo vì rõ ràng cơ thể vật lý của chúng con đang thay đổi nhanh chóng để thể hiện mức tâm thức của chúng con.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 cho nước Nga. Đăng ngày 29/5/2021.

Trên một hành tinh tự nhiên, cơ thể con người – nếu có thể gọi là “con người” trên một hành tinh tự nhiên, nhưng để dùng một thuật ngữ thông dụng trên địa cầu – cơ thể con người không phải là kết quả của một quá trình mang thai kéo dài. Không có nhu cầu phải có quan hệ tình dục để thụ thai hay để có một đứa trẻ sinh ra đời như một hài nhi, rồi sau đó mất nhiều năm trời lớn lên và trưởng thành. Nói chung chung, người ta có khả năng kết đọng (precipitate) một cơ thể vào tầng vật lý xuyên qua các tầng bản sắc, lý trí và tình cảm.

Trên địa cầu hay trên bất kỳ hành tinh phi tự nhiên nào khác, chuyện đó không thể làm được. Đó là vì sao trên các hành tinh phi tự nhiên, con mới có tình trạng cơ thể con người được sinh ra đời qua một động tác tình dục hay truyền giống, rồi mang thai lâu dài, rồi có một tiến trình trưởng thành cũng lâu dài. Tất nhiên đây là điều con chứng kiến trong cõi động vật, và đó chính là lý do tại sao các nhà khoa học duy vật đã mô tả con người cũng chẳng hơn gì một dạng động vật tinh xảo, và đó cũng là lý do họ tin vào một tiến trình tiến hóa hoàn toàn duy vật và máy móc đã đưa các dạng động vật thành dạng con người.

Họ dư biết là họ không thể giải thích tất cả các giai đọan của tiến trình này – vì cái mắt xích vắng mặt (missing link) vẫn tiếp tục vắng mặt – nhưng họ không sẵn lòng nhìn vào các điểm thiếu nhất quán trong hệ thống tin tưởng của họ, chẳng khác gì tín đồ của hầu hết các tôn giáo. Đó là tại sao chúng tôi các chân sư thăng thiên đã từng nói rằng chủ nghĩa duy vật, trên mặt cơ bản, là một tôn giáo mà mục đích nhắm vào việc thay thế tôn giáo Cơ đốc.

Cho nên thực tế là trên địa cầu, con không thể sinh thành một cơ thể vật lý bằng tâm. Chuyện này có thể làm được trên một hành tinh tự nhiên, nhưng ngay cả khi con có khả năng làm được như vậy, thì như con đã nói chính xác, đó vẫn chưa phải là dạng hoàn chỉnh, dạng cuối cùng của cơ thể, vì trên một hành tinh tự nhiên, cơ thể cũng thay đổi lần hồi với thời gian, đồng bộ với những thay đổi trong tâm thức của sinh thể cư ngụ cơ thể đó. Cơ thể vật lý trên một hành tinh tự nhiên không đến nỗi dày đặc, vật chất cũng không đến nỗi dày đặc, và do đó bằng cách thay đổi tâm thức, con có thể thực sự thay đổi cơ thể của con ở một mức độ lớn hơn nhiều so với trên địa cầu.

Trên địa cầu có những người sử dụng phương tiện vật lý để thay đổi cơ thể của họ. Và tất nhiên là có khả năng thay đổi cơ thể duy chỉ bằng tâm – điều này một số sinh thể tiến hóa cao hơn đã làm được, chẳng hạn như một số đạo sư Yoga, và trong thời đại hoàng kim điều này cũng sẽ trở nên phổ biến hơn. Khi nào nhân loại đạt đến các mức cao của thời đại hoàng kim, con người sẽ có khả năng nâng cao tâm thức và bắt đầu biến đổi cơ thể của mình. Tuy vậy trong giai đoạn 2000 năm sắp tới, con người vẫn sẽ cần thụ thai và mang thai theo cách bình thường.

Bảy tia sáng và quang phổ vật chất

Hỏi: Bảy tia sáng có thể nói là một phần đặc thù của quang phổ vật lý hay không? Và chúng có thể được phát hiện bằng dụng cụ vật chất hay không? Có những khía cạnh đã được nói đến về con mắt và tầm nhìn của chúng ta vận hành như là sự giao thoa của bảy tia sáng.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Chọn lựa tương lai cho Hoa kỳ. Đăng ngày 19/10/2020.

Ta sẽ không nói rằng bảy tia sáng là một phần của quang phổ vật chất – tức là bảy tia sáng là những loại năng lượng tâm linh. Và tất nhiên, năng lượng của bảy tia đã được giảm độ rung xuống để tạo ra cõi bản sắc trước tiên, rồi cõi lý trí, cõi tình cảm, rồi mới đến cõi vật lý. Năng lượng được hạ độ rung, và khi đó chúng không thực sự là cùng sự rung động của cái mà con thường gọi là bảy tia sáng.

Không phải là mắt con không thể phát hiện ra bảy tia sáng, nhưng bộ não của con không thể xử lý các tia sáng.

Đó là vì sao một số người với khả năng ngoại cảm có thể thấy được hào quang của người khác, chẳng hạn. Mọi người đều nhìn thấy được hào quang nhưng bộ não của họ lọc nó ra như là một loại thông tin không cần thiết. Con không thể thực sự dùng mắt vật lý để thấy được bảy tia sáng tâm linh trong quang phổ tâm linh bởi vì mắt không có khả năng vượt được ra ngoài. Nhưng con có khả năng nhìn tâm linh, là khi con nhận biết, con trực nhận bảy tia sáng.

Nói về các dụng cụ vật chất, thật ra đã có những dụng cụ vật chất có khả năng phát hiện những rung động vượt hẳn ra ngoài cõi vật lý, cõi vật chất. Người ta đã phát triển những dụng cụ này, và một số ít nhà khoa học có đưa ra giả thuyết là chúng phát hiện các rung động của những cõi cao hơn. Nhưng tất nhiên, đây không phải là khoa học chính mạch.  

Dĩ nhiên là người ta có thể khám phá hay phát triển một số dụng cụ có khả năng phát hiện rung động cao hơn, tuy không nhất thiết là sẽ biến chúng thành những vật có thể nhìn thấy bằng mắt. Nhưng dụng cụ sẽ nhận rõ là các rung động đó có mặt ở đó, và bắt buộc phải có mặt ở đó. Điều này cũng phần nào giống như năng lượng tối (dark energy) và vật chất tối (dark matter), là những thứ hiện nay chưa được phát hiện trực tiếp, nhưng có thể được suy ra từ sự đo đạc rằng có sự hiện diện của những thứ mà mắt người không thể nhìn thấy.  

Về khái niệm đồng sáng tạo

Hỏi: Qua từ “sáng tạo” và “đồng sáng tạo”, có phải các chân sư muốn nói đến các hậu quả mà chúng con học hỏi về bản thân mình hay là hậu quả bên ngoài? Thật là bối rối cho ngã vỏ ngoài phải học hỏi từ hậu quả khi thậm chí nó không thể nhìn thấy những gì nó đã tạo ra. Liệu chúng con tạo ra một vật, hay một hoàn cảnh được chia sẻ với những người đồng sáng tạo khác (tức quả báo), hay chỉ mt cái ngã khác, hay mt loại khuôn đúc năng lượng, hay tất cả nhng th đó? Liệu hình tướng mà chúng con đồng sáng tạo và hậu quả của nó sẽ khác đi tùy theo chúng con ở trong Trường đời Cay đắng hay trường của chân sư thăng thiên?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Chọn lựa tương lai cho Hoa Kỳ. Đăng ngày 15/10/2020.

Phải, các con là người đồng sáng tạo. Điều này có nghĩa là con không thể sáng tạo một cái gì đó từ chính cái ta của con như Đấng Sáng tạo vốn làm. Trên cơ bản, tất cả chúng ta – ngay cả các chân sư thăng thiên của các bầu cõi trước – những sinh thể trong thế giới hình tướng của Đấng Sáng tạo, chúng ta đều đồng sáng tạo, vì chỉ có Đấng Sáng tạo mới tạo ra một thế giới hình tướng từ hư vô, từ chính bản thể của ngài, còn chúng ta thì đồng sáng tạo cùng với ngài.

Các con đang hiện thân trên địa cầu, con đang hiện thân trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Con đang đồng sáng tạo cùng với các chân sư thăng thiên được giao nhiệm vụ giúp cho bầu cõi của con tăng triển. Hơn thế, con cũng đang hiện thân trên một hành tinh phi tự nhiên, có nghĩa là con đang đồng sáng tạo trong khuôn khổ các điều kiện của hành tinh này.

Điều này cũng đúng cho bất kỳ hành tinh nào khác, và ngay cả một hành tinh tự nhiên cũng có một khuôn đúc nào đó được quy định cho hành tình đó. Và con sẽ luôn luôn đồng sạng tạo trong khuôn khổ đó, và trong tư cách một cá nhân, con không thể đi ngược lại nó, không thể nào lật bỏ nó. Trên trái đất, con đồng sáng tạo trong khuôn khổ các điều kiện mà tâm thức tập thể đã tạo ra.

Bây giờ, thật dễ thông cảm khi con nói rằng ngã vỏ ngoài bị bối rối phải học hỏi từ hậu quả khi nó không thấy được những gì nó đã đồng sáng tạo trong quá khứ.

Nhưng con thấy đó, thật ra không phải ngã vỏ ngoài phải học hỏi từ hậu quả, mà cái Ta Biết mới có khả năng học hỏi từ hậu quả. Và cái Ta Biết chỉ học được nếu nó bước ra ngoài ngã vỏ ngoài rồi nhờ vậy ngộ ra rằng hoàn cảnh vỏ ngoài của con là sự phản ánh của chính hoàn cảnh nội tâm của con, tráng thái tâm thức của con.

Con đồng sáng tạo qua tâm thức của con, con là một người đồng sáng tạo cá biệt. Các hình ảnh mà con giữ trong các thể bản sắc, lý trí và tình cảm sẽ có tác động to lớn trên hoàn cảnh vật lý vỏ ngoài của con. Cho nên theo một nghĩa nào đó, con đang tạo ra tất cả những thứ mà con vừa liệt ra trong câu hỏi. Nhưng tất nhiên khi nói đến các tình huống vỏ ngoài, các tình huống vật lý, con không tạo ra chúng trong hư vô, mà con tạo ra chúng trong bối cảnh hành tinh nơi con sống và cái khuôn đúc do tâm thức tập thể thiết lập.

Băy giờ như các thày đã giải thích, bảy vị Elohim đã tạo ra hành tinh địa cầu trong hình dạng nguyên thủy thuần khiết của nó. Và nhân loại sau khi sa ngã vào nhị nguyên, đã thay đổi khuôn đúc ban đầu của địa cầu một cách đáng kể, đến độ khiến cho cả vật chất cũng dày đặc hơn. Có rất, rất nhiều điều kiện, rất nhiều điều kiện vật lý trên trái đất do tâm thức tập thể sinh ra trong một khoảng thời gian rất dài. Con đang đồng sáng tạo những hoàn cảnh vật lý trong môi trường đó. Như một cá nhân, tất nhiên sẽ có giới hạn cho những gì con có thể lật bỏ tùy theo tầng tâm thức của con, nhưng ngay cả khi con ở tầng cao nhất, tầng tâm thức thứ 144, vẫn có một giới hạn cho những gì con có thể lật bỏ trong tâm thức tập thể, bởi vì quyền tự quyết phải được phép trải bày ra.

Điều quan trọng nhất mà con cần hiểu về việc đồng sáng tạo là tâm thức của con, những gì nằm trong ba thể cao của con, có tác động cơ yếu trên hoàn cảnh vật lý, tình huống vật lý của con. Con đã không luôn luôn đồng sáng tạo các tình huống đó, nhưng trong nhiều trường hợp con đã tự thu hút mình vào các tình huống đó, và con đã làm vậy để học hỏi một số bài học.

Nhưng nếu con đi trở ngược lại xuyên qua rất nhiều kiếp đầu thai trên trái đất và giải quyết những cái ngã đủ loại mà con đang mang, con sẽ có thể vươn lên trên tình huống vỏ ngoài, và hoặc con sẽ tự thu hút mình vào một tình huống khác, hoặc con sẽ đồng sáng tạo, con sẽ tạo ra một tình huống mới. Nhưng đây không phải là điều mà ngã vỏ ngoài có thể làm.

Liệu có khác biệt gì chăng giữa việc ở trong Trường đời Cay đắng và việc bước chân trên đường tu với các chân sư thăng thiên? Tất nhiên là có, theo nghĩa là nếu con ở trong Trường đời Cay đắng thì con đã chưa hoàn toàn nhìn nhận rằng hoàn cảnh bên ngoài chỉ là sự phản ánh của hoàn cảnh bên trong, cho nên con không thể dễ dàng học hỏi từ những hoàn cảnh đó.

Tuy vậy, ta cũng phải nói là có những người đã học tập giáo lý của chân sư thăng thiên mà vẫn chưa hoàn toàn nhìn nhận điều đó, cho nên họ vẫn còn phần nào ở trong Trường đời Cay đắng. Nhưng khi con hoàn toàn nhận lãnh trách nhiệm về bản thân mình, thì khi đó sẽ có một sự khác biệt. Vì khi con còn trong Trường đời Cay đắng, con không cởi mở lắm với nhu cầu thay đổi nội dung trong ba thể cao của mình, và do đó con sẽ tiếp tục đồng sáng tạo dựa theo nội dung đó, con sẽ tiếp tục đồng sáng tạo cùng một thứ đó. 

Một khi con nhập trường chân sư thăng thiên và sẵn lòng buông bỏ những ngã đó từ quá khứ, thì con sẽ không lặp lại cùng những khuôn đúc đó, con sẽ không để cho ánh sáng chảy xuyên qua chúng, chúng sẽ không còn nữa và do đó con cũng tự do hơn để tạo ra một cái gì khác. Con có thể tạo ra những gì con xem là hoàn cảnh xây dựng hơn cho bản thân con.

Sức lôi cuốn chân chính

Hỏi: Về sức lôi cuốn hay khả năng hấp dẫn, có những người có mãnh lực này ở nhiều mức độ khác nhau, và có những nhà lãnh đạo thì có dư thừa và nhờ vậy họ điều khiển được người khác. Trong đời sống hàng ngày, có người có rất nhiều bạn bè hay bạn tình, trong khi có người lại không làm bạn được với ai vì thiếu thu hút và hấp dẫn. Vậy từ góc độ tâm linh, thế nào là sức lôi cuốn? Một người có thể nào kiểm soát được đặc tính đó? Liệu đặc tính đó có thể ghi vào sứ vụ thiêng liêng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 8/9/2020.

Con cần phân biệt giữa sức lôi cuốn của một người kiểm soát, và sự lôi cuốn của một người chứng đạt tâm linh đã hóa giải được tâm lý của mình. Sẽ đến một điểm khi con đã bước trên đường tu tâm linh và giải quyết tâm lý mình, thì ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con và các chân sư thăng thiên bắt đầu tỏa rạng xuyên qua con, tạo cho con một lực lôi cuốn dưới mắt những ai hòa điệu được với ánh sáng đó.   

Nhưng đối với một người không hòa điệu với bất cứ gì, thì họ có thể gặp một người tiến hóa tâm linh, thậm chí một bậc thày tâm linh, mà vẫn không cảm nhận được điều gì đặc biệt. Như trong Kinh thánh con cũng thấy, có những người gặp ta cách đây 2000 năm mà không thấy gì đặc biệt nơi ta. Trong khi đó lại có những người gặp ta và cảm nhận được một hào quang ánh sáng tỏa ra mạnh hơn trung bình. Có thể nói đây là khía cạnh chân chính của sự lôi cuốn.

Ngược lại, khía cạnh kia là sức lôi cuốn của nhiều sa nhân, là cái mà người ta thường gọi là sức thu hút, sức quyến rũ. Đó là vì sa nhân đã tập được cách kiểm soát người khác bằng tâm lý. Con thấy một số sa nhân gần như có khả năng thôi miên người ta đi theo và phục tùng mình. Hitler đã làm được chuyện này ở một mức độ khá cao, Mao cũng vậy. Riêng Stalin thì không có sức lôi cuốn, cho nên ông đã phải dùng đến lòng sợ hãi để buộc ai nấy phải vâng lời mình, mặc đù một số người cũng bị choáng ngợp bởi cường độ năng lực mà ông đã xây đắp chung quanh ông.

Điểm này dẫn đến việc xem xét khía cạnh thứ ba của sức lôi cuốn: giản dị đó là lòng tôn sùng, sự thờ phượng và thần tượng hóa được xây dựng lần hồi chung quanh một người nào đó. Thời xưa chuyện này ít xảy ra hơn. Nhưng với sự ra đời của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, nó xảy ra nhiều hơn hẳn ngày hôm nay. Con cứ lấy một ngôi sao điện ảnh đã đóng một số phim, đã đoạt giải Oscar, đã được báo chí và truyền thông nói đến rất nhiều, thì ai nấy sẽ dựng lên một lòng tôn sùng và xem người đó là vô cùng đặc biệt.   

Thậm chí, diễn viên đó có thể tin là mình đặc biệt thật và bắt đầu hành xử y như một người rất đặc biệt. Tuy nhiên, có những người đã gặp mặt một số diễn viên như vậy thì hiểu ra họ cũng chỉ là con người giống như bất cứ ai khác. Con thấy, tất nhiên, có những sa nhân có khả năng thôi miên người khác, và song song con cũng thấy những người tiến hóa tâm linh với sức lôi cuốn chân chính. Nhưng cả hai, nhà lãnh đạo sa ngã lẫn nhà lãnh đạo tâm linh, đều có thể trở thành đối tượng cho sự sùng bái của thế gian khi người ta phóng chiếu một số đức tính hoàn toàn không thực tế lên họ.

Trong hai tổ chức Summit Lighthouse và I Am Movement, chúng tôi đã chứng kiến sự tôn sùng thần tượng to lớn chung quanh các vị sứ giả. Ngay cả trong phong trào này, chúng tôi cũng thấy một số người tôn sùng sứ giả này mặc dù ông đã không khuyến khích sự thể đó, đã lên tiếng, và những ai đã gặp ông và làm việc với ông cũng biết rõ là không có lý do gì để tôn sùng như vậy. Ông không tự xưng là ông có gì đặc biệt, ông không xem là mình cao hơn người khác vì ông là một lãnh đạo-đầy tớ.   

Cách đây 2000 năm, ta cũng như vậy. Nhưng ngay từ thời đó cũng đã có một sự phóng chiếu sùng bái nào đó. Tuy vậy, đó vẫn không là gì so với sự sùng bái đã được phóng chiếu lên bản thân ta từ khi Giáo hội Công giáo được thành lập, khi ta được nâng lên ngôi vị một đấng siêu phàm ngang hàng với Thượng đế. 

Vậy con hỏi, liệu việc phát triển khả năng lôi cuốn có thể ghi vào sứ vụ thiêng liêng của con hay không? Tại sao con lại muốn phát triển khả năng lôi cuốn chứ nhỉ? Nói cách khác, nếu con là một học trò tâm linh, tại sao con lại muốn sức lôi cuốn của sa nhân để khuynh loát người khác? Điều mà con mong muốn có lẽ là phát triển một lực lôi cuốn tự nhiên xuất phát từ sự tinh tấn tâm linh và giải quyết tâm lý. Điều này chắc chắn có thể là một phần của sứ vụ thiêng liêng của con, nhưng trọng tâm của sứ vụ không phải là khả năng lôi cuốn. Đó có thể là một phụ phẩm, chứ không phải là mục đích. Đó không phải là một mục đích mà con ấn định cho con.

Chắc chắn có những người tâm linh, kể cả học trò của chân sư thăng thiên, ấp ủ  những giấc mơ xa vời là mình sẽ phát triển khả năng lôi cuốn quần chúng hầu mình có thể thu hút người ta theo mình, giống như họ đã thấy một số lãnh đạo tâm linh từng làm. Có người còn mơ ước mình đạt được thiên khiếu của Tánh linh để người ta phải ngất xỉu mỗi khi mình vẫy tay hay bước vào phòng, và người ta sẽ thấy tận mắt một số biểu hiện rồi tin rằng mình nói gì hay làm gì cũng là dấu hiệu mình là người đặc biệt. Nhưng đó không phải là điều mà chúng tôi khuyến khích nơi các đệ tử. Đó không phải là điều chúng tôi khuyến khích nơi bất cứ ai, bởi vì sùng bái có ích lợi gì đâu?  

Điều mà chúng tôi mong muốn lập ra là một giáo lý và một phong trào đặt nền tảng trên ý tưởng rằng mọi người đều có tiềm năng tâm linh, mọi người đều có tiềm năng tự thăng vượt. Cho nên nếu con là một sứ giả trong một phong trào đích thực của chân sư thăng thiên, con không là một người đặc biệt, con không đứng riêng ra như một người đặc biệt. Con là một tấm gương mà người khác có thể noi theo. Có thể con đã bước xa hơn nhiều người khác trên đường tu, nhưng điều này không có nghĩa là họ không thể bước đi trên cùng con đường đó và đạt cùng mức thành đạt tâm linh như con. Có thể là họ sẽ không làm y hệt những gì con đã làm, chẳng hạn như làm sứ giả, nhưng có nhiều việc khác mà họ có thể làm trong khuôn khổ sứ vụ thiêng liêng của họ.

Cho nên, thật sự, mục tiêu của một sứ giả đích thực cho chân sư thăng thiên là nâng cao mọi người lên mức tâm thức cao nhất và giúp họ đạt được mức đó. Ngược lại, mục tiêu của một thày giả là chỉ khiến cho y tiếp tục là người đứng đầu. Y sẽ là người lãnh đạo và sẽ luôn luôn là một người đặc biệt. Nhưng mục tiêu của một người lãnh đạo-đầy tớ thì khác. Trên cơ bản, đó là khiến cho minh trở thành dư thừa khi không còn ai cần đến mình nữa.

Nhị nguyên không liên hệ hay tùy thuộc vào không gian

Hỏi: Con xin nói về nhị nguyên, không phải về ý niệm tốt xấu mà về ý niệm không gian. Đôi khi con có thể làm tan biến khoảng cách giữa chính mình và vật mình nhận thức – tức là tiến trình khách quan hóa, vật hóa (objectification) – và con thấy tất cả đều xảy ra trong khoảng không gian mà TA LÀ. Ngoài ra cũng có sự kiện con tách xa khỏi trải nghiệm qua việc cách ly và làm tan biến trải nghiệm, khi con nghiệm thấy là tất cả những gì ở trong con cũng là chính con như một tâm thức. Có rất nhiều lời dạy về làm thế nào chúng con có thể vượt khỏi thời gian bằng cách sống trong hiện tại vĩnh cửu. Vậy có lời dạy nào hay không để giúp chúng con xóa tan ảo tưởng không gian?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 6/9/2020.

Nhị nguyên tự thân nó không dính dáng gì đến không gian. Nhị nguyên không liên hệ với không gian hay tùy thuộc vào không gian. Tự thân không gian không nhị nguyên. Hiển nhiên, theo một nghĩa nào đó, không gian có thể khuyến khích nhị nguyên vì không gian cho con trải nghiệm mình là một sinh thể địa phương cục bộ, nhìn mọi vật từ một góc nhìn đặc thù trong không gian. Thậm chí nó còn cho con một cảm giác vị trí vật lý nhất định khi con xoay 360 độ và nhìn quanh cơ thể vật lý của mình.

Điều này có thể cho con cảm giác: “Đây là tôi, và ở đó là cái gì khác. Cái đó nằm ở ngoài tôi,” khiến có nhiều xác suất con sẽ chấp nhận những quan điểm nhị nguyên, nhưng nền tảng của nhị nguyên là sự hiện hữu của hai đối cực rồi thêm vào đó một sự phán xét giá trị. Tự thân nó, không gian không mang một phán xét giá trị nào.

Các thày đã có trao truyền, đặc biệt là thày Gautama, nhiều lời dạy về không gian, và con có thể tìm các bài truyền đọc này để học hỏi. Đây là những giáo lý có thể giúp con có một tầm nhìn khác hơn về không gian.

Con đang ở tầng tâm thức nào?

Hỏi: Làm thế nào chúng con có thể xác định mình đang ở tầng tâm thức nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2020 cho Giải phóng Phụ nữ. Đăng ngày 6/7/2020.

Con yêu dấu, cách duy nhất để con thực sự xác định là qua trực giác. Thật không xây dựng chút nào nếu có ai đó – ngoài con ra – bảo cho con chuyện đó, chẳng hạn như chúng tôi các chân sư thăng thiên nói cho con biết con đang ở tầng tâm thức nào. Con cần cảm nhận bằng trực giác. Tất nhiên, do sự kiện con đã mở tâm ra với các lời dạy này, con có thể nói là có xác suất rất cao là con ở trên tầng 48.

Đó mới là điều thực sự quan trọng cho con, vì khi đó con có thể theo học khóa Con đường Tự Điều ngự, để nâng cao tâm thức mình qua bảy tia sáng và đạt đến tầng 96, rồi con có thể tu tập tiếp với các quyển sách cùng giáo lý khác để vượt lên cao hơn tầng 96. 

Nếu chỉ quan sát cách con cư xử vỏ ngoài thì thật không dễ biết được con đang ở tầng nào. Nếu con đã mở tâm ra với các lời dạy này như ta vừa nói, hay thậm chí con có thể nhìn vào người khác và nói: Nếu người đó không hung hãn, nếu họ không cố tình muốn kiểm soát người khác, hay nếu họ không sẵn lòng dùng bạo lực, ngay cả bạo lực tâm lý, thì rất có thể họ ở trên tầng 48.

Giữa tầng 48 và 96, có thể con sẽ khó lòng xác định được mình ở tầng nào, nhưng liệu điều này có thực sự quan trọng hay không? Khi con đến tầng 96, con sẽ phần nào có cảm nhận trực giác là mình đã đạt tới mức đó, vì đó là tầng cấp nơi con cần lấy quyết định: “Liệu tôi sẽ tiếp tục con đường nâng cao ý niệm bản ngã tách biệt của tôi, hay giờ đây tôi sẽ bước lên con đường cao hơn dẫn đến quả vị Ki-tô, nơi tôi sẽ không tìm cách tôn vinh hay nâng mình lên cao mà sẽ tìm cách phụng sự tổng thể, tìm cách khắc phục mọi cái ngã tách biệt?”

Có những người có thể rất bận tâm với vị trí tâm thức của mình, thậm chí còn bị ám ảnh về chuyện này. Ta có thể cam đoan với con là những ai bị ám ảnh bởi việc đánh giá tầng cấp tâm thức của mình, hay những ai cứ không ngừng đánh giá tầng cấp của người khác, thì họ không phải là người ở mức tâm thức cao lắm.   

Kỳ thực, một số những người đó có thể ở tầng 96 nhưng họ đã không lấy quyết định bước vào đường tu thực sự. Họ vẫn chưa buông bỏ ngã tách biệt, và điều này có nghĩa là họ sẽ bắt đầu tuột trở xuống. Điều có thể xảy ra là họ không hề hay biết mình đã bắt đầu tuột từ tầng 96 đi xuống. Họ vẫn giữ ảo tưởng là mình chứng đạt cao siêu. Và tất nhiên, đó là tại sao họ không thể buông bỏ ham muốn tôn vinh bản thân và xây đắp khả năng của ngã tách biệt. Có những người bị đi vào những loại ngõ cụt như vậy.

Lại có những người khác đạt đến một mức tâm thức nào đó, rồi họ tự đặt mình vào địa vị một bậc thày tâm linh, có người còn tự xưng mình đã giác ngộ trong khi kỳ thực họ vẫn chưa đặt chân lên đường tu chân chính của quả vị Ki-tô. Thật ra họ đang đi trên con đường tay trái.

Như chúng tôi có nói, khi con theo đường tà đạo thì con có thể tạo ra một dáng vẻ tinh thông bề ngoài. Nếu đầu tiên con đến được tầng 96 rồi bị trượt xuống từ đó, con có thể có một số khả năng sẽ làm chóa mắt những ai ở mức tâm thức thấp hơn. Đó là cách mà một số người đã tự đặt mình vào địa vị một bậc thày hay một đạo sư. Điều họ thường làm là thu hút một đoàn tín đồ là những người mang sẵn nỗi bất an bên trong rồi bị quyến rũ đi theo vì họ thấy vị thày có vẻ rất tự tin, nhưng vị thày này sẽ kéo họ xuống hố theo thày. Sứ giả này đã từng gặp một vài người làm y như vậy. 

Điều con cần nhận thức khi con là một đệ tử tâm linh là con không nên bị ám ảnh, không nên quan tâm đến chuyện cấp bậc. Sẽ tới một điểm khi con thực sự bước vào con đường dẫn đến quả vị Ki-tô và con không quan tâm nữa. Con không quan tâm là con đang ở tầng 97 hay 120, mà con chỉ dõi tìm xem ảo tưởng kế tiếp, ngã tách biệt kế tiếp mà con cần giải quyết sẽ khởi lên ở đâu, và chuyện kia thì sẽ tan biến mất.

Tầng tâm thức nơi con đang đứng không có gì quan trọng. Vì khi con bước trên con đường dẫn đến quả vị Ki-tô, con không có bất kỳ nhu cầu nào đứng cao hơn người khác, đứng tách riêng khỏi người khác, hay cảm thấy minh vượt trội hơn người khác. Cho nên một chỉ dấu cảnh báo mà con cần để ý là nhìn xem liệu con có nhu cầu cảm thấy hơn người, cảm thấy mình đặc biệt. Và nếu con có cảm giác đó trong con, một lần nữa con không cần cảm thấy xấu hổ, bởi vì con đang ở trên hành tinh địa cầu. Thay vào đó, con hãy nhận ra là cảm giác đó đến từ một cái ngã tách biệt, con hãy bỏ công ra để phát hiện nó, chạm trán với nó và để cho nó chết đi. Rồi sau đó con có thể đặt chân lên đường tu đích thực.

Đưa má bên kia

Hỏi: Đưa má bên kia? Làm thế nào con đưa má bên kia ra trong một tình huống con bị người ta tấn công bằng lời nói hay đối xử vô lễ? Có phải đó là giữ im lặng trong hoàn cảnh đó và rút lui nếu có thể, và cứ để yên như vậy? Khi con không đáp trả lại thì con không tự bênh vực mình được chút nào.



Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 19/12/2019.

Khi còn nhìn ngược dòng lịch sử, có lẽ ít lời dạy nào của ta đã bị hiểu lầm và bị diễn giải lầm như câu nói về “đưa má bên kia”. Câu hỏi đã được đặt ra bởi những người đã cố làm theo lẫn những người bất đồng cho là họ không nên làm theo, và trong cả hai bên cuộc tranh luận, hầu hết ai ai cũng cho rằng việc đưa má bên kia có nghĩa là mình không làm gì cả, là mình thụ động, hay mình rút lui khỏi tình thế. Ở một mức tâm thức nào đó thì cách diễn giải này quả là hữu lý.

Hãy thử nhìn như thế này, con đang bị người ta tấn công qua lời nói và người kia phóng về phía con rất nhiều năng lượng tiêu cực. Giả thử con ở một mức tâm thức với đủ loại ngã tách biệt trong con, nghĩa là cách đáp ứng duy nhất của con đối với tình thế là gửi trả ngược về người kia những gì họ phóng tới con. Nói cách khác, con sẽ leo thang cuộc tranh cãi, con sẽ gây thêm tranh cãi thậm chí có thể dẫn đến xô xát tay chân. Cho nên đứng từ góc cạnh không muốn tạo nghiệp quả tiêu cực, sẽ tốt hơn nếu con rút lui khỏi tình thế thay vì leo thang. Ở một mức tâm thức nào đó, cách cư xử như vậy có thể là một cách diễn giải hữu lý – tốt hơn là con nên rút lui thay vì leo thang một tình huống chỉ có thể dẫn đến một phương trình với càng ngày càng nhiều năng lượng và nghiệp quả tiêu cực.

Tuy nhiên, cách nhìn cao hơn trong một tình huống như vậy tất nhiên là con hãy tự xem xét mình, xem xét cách phản ứng của mình, và nếu con thấy là mình đang có một phản ứng không bình an, thì con nhận ra là nó đến từ một ngã tách biệt, cho nên con rút lui khỏi tình huống để làm việc trên ngã tách biệt đó. Nhưng sau khi con đã làm việc trên ngã tách biệt và để cho nó chết đi, con sẽ đạt tới một điểm là tuy con bị người ta tấn công qua lời nói và bị xỉ vả, con vẫn không có phản ứng nào trong con, và ở điểm đó con sẽ không nên giữ im lặng, con không nên rút lui, mà con nên lên tiếng. Nhưng con lên tiếng từ sự bình an nội tâm của con, cho nên thay vì phản ứng lại người kia, con sẽ chỉ đơn giản nói lên từ một nhãn quan trung hòa, và chính điều này sẽ cho phép con lên tiếng một cách khác hoàn toàn.

Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là người kia sẽ thay đổi vì con đã không phản hồi lại theo cách mà họ chờ đợi. Con sẽ thấy là trong nhiều trường hợp, khi người ta tấn công ai đó dù bằng lời nói hay bằng cách nào khác, người ta thường chờ đợi một cách phản ứng nào đó. Và điều xảy ra – và con có thể thấy được điều này điễn ra trong lịch sử thế giới, như tại vùng Trung đông chẳng hạn – là một phe tấn công phe kia, rồi phe kia tấn công lại, thế là giờ đây phe đầu tiên cảm thấy là mình đã rất chính đáng: “Việc chúng tôi tấn công họ là chuyện chính đáng bởi vì phản ứng của họ cho thấy họ là những kẻ bạo lực hung hãn, và do đó họ xứng đáng bị chúng tôi tấn công”. Đây là cách người ta thường phản ứng.

Do đó, khi có ai xỉ vả con, họ chờ đợi là con sẽ phản bác lại, con sẽ tự bênh vực, con sẽ buộc tội ngược trở lại, và nếu con không làm vậy mà lại lên tiếng từ một góc độ trung hòa, thì người kia có thể được biến đổi và họ thay đổi cách cư xử của họ.

Trong một số trường hợp khác, cư xử của con sẽ không ảnh hưởng được họ, và họ tiếp tục hung hãn. Trong trường hợp này, con trở thành công cụ cho sự phán xử của Ki-tô, và bây giờ họ sẽ nhận được sự phán xử của Ki-tô về hành vi hung hãn của họ.

Có thể nói là nếu người kia không được biến đổi do con đã lên tiếng từ một nội tâm an bình và một nhãn quan trung hòa, thì con không cần phải tiếp tục cho phép họ miệt thị hay tấn công con nữa. Khi đó con có thể rút lui, nhưng trước tiên con nên nói cho thật rõ và thật bình tĩnh những gì con nghĩ về cách cư xử của họ, rằng con không chấp nhận cách cư xử đó, rằng con sẽ không chịu đựng chuyện đó, và vì vậy con sẽ rút về nếu họ cứ tiếp tục như vậy. Đó là ý nghĩa của việc đưa má bên kia.

Và ý nghĩa đích thực là thay vì đáp trả lại trong tâm thức phàm phu qua ngã tách biệt, con hành động trong tâm thức Ki-tô từ nhãn quan Ki-tô. Cho dù con có thể rút lui khỏi tình thế hay con trở nên thụ động và người ta tiếp tục công hãm con, điều này vẫn có thể đem lại sự phán xử của Ki-tô, và do con trụ vững trong tâm an bình, con đem lại sự phán xử đó ở một mức cao hơn hẳn.

Về việc chìa má bên kia

Hỏi: Chìa má bên kia? Làm thế nào con chìa được má bên kia khi con bị người ta tấn công bằng lời nói hay bị làm nhục? Có phải là con nên giữ im lặng và rút ra khỏi tình huống nếu có thể, và để mặc cho nó như vậy? Con sẽ không tự vệ chút nào bằng cách không đáp trả?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 19/12/2019.

Nếu con nhìn trong lịch sử, có lẽ có ít lời phát biểu nào của ta mà lại bị hiểu lầm, bị diễn giải sai lạc như câu nói về việc chìa má bên kia. Vấn đề đã được đặt ra bởi cả những người chọn làm theo lẫn những người cãi lại không nên làm theo, và trong cả hai phe, hầu hết đều cho rằng chìa má bên kia có nghĩa là con không làm gì hết, con thụ động, hay con rút lui khỏi tình huống. Ở một mức tâm thức nào đó, đây quả là một cách diễn giải hợp lý.

Hãy thử nói thế này. Con bị người ta tấn công bằng lời nói và người kia đang phóng tới con rất nhiều năng lượng tiêu cực. Con ở một tầng tâm thức nào đó và con mang nhiều cái ngã tách biệt khác nhau. Có nghĩa là cách trả lời duy nhất mà con có thể đối với tình huống là gửi trả lại những gì người ta gửi cho con. Nói cách khác, con sẽ leo thang cuộc đối đáp, con sẽ phóng ra một lập luận có thể dẫn đến cả chuyện xô xát bằng tay chân. Cho nên từ một góc cạnh không muốn tạo nghiệp tiêu cực, tốt hơn là con nên rút lui khỏi tình huống thay vì leo thang. Ở tầng mức tâm thức này, đó có thể là một cách diễn giải hợp lý: Thà rút lui còn hơn là leo thang một tình thế chỉ có thể dẫn đến một phương trình mang nhiều năng lượng tiêu cực và nhiều nghiệp hơn.

Tuy nhiên, cách nhìn cao hơn tất nhiên là trong tình thế đó, con nhìn vào bản thân mình, con nhìn vào các phản ứng của mình, và nếu con tìm thấy một phản ứng không an bình thì con nhận ra là nó đến từ một ngã tách biệt, xong con rút lui khỏi tình huống để làm việc với ngã tách biệt này. Nhưng một khi con đã làm việc với các ngã tách biệt và để chúng chết đi, con sẽ đạt tới điểm con có khả năng bị người khác tấn công bằng lời nói, bị họ hiếp đáp, mà vẫn không có phản ứng nào bên trong con. Tới điểm đó, con không nên giữ im lặng, con không nên rút lui, mà con nên lên tiếng, nhưng con lên tiếng từ sự an bình, cho nên thay vì phản ứng lại người kia, con chỉ đơn giản lên tiếng từ nhãn quan trung hòa đó, và chính điều này cho phép con lên tiếng một cách hoàn toán khác lạ.   

Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là người kia sẽ thay đổi vì con đã không đáp trả theo cách họ chờ đợi con đáp trả. Con sẽ thấy là trong nhiều trường hợp, người ta thường tấn công người khác bằng lời nói hay bằng bất kỳ cách nào khác, và người ta chờ đời sẽ nhận được một phản ứng ngược lại. Điều này luôn luôn xảy ra, và con có thể thấy chuyện này trong lịch sử thế giới, chẳng hạn tại vùng Trung Đông khi một bên tấn công bên kia thì bên kia phản công lại, thế là bên đã khởi đánh cảm thấy mình thật có lý: “Thật là hữu lý chúng ta tấn công bọn chúng, vì sự phản công của chúng cho thấy chúng là loại người tàn bạo, cho nên chúng xứng đáng bị tấn công.” Đây là cách người đời đáp trả.

Cho nên khi có ai đó tấn công con bằng lời nói, họ chờ đợi là con sẽ cãi lại, con sẽ tự vệ, con sẽ tấn công ngược lại, và nếu con không làm vậy mà lại nói chuyện từ một nhãn quan trung hòa, thì đôi khi họ không biết phải làm gì. Trong một số trường hợp, có những người sẽ được biến đổi bởi cách cư xử của con và họ thay đổi cách cư xử của họ. Trong một số trường hợp khác, sẽ không có tác dụng gì trên họ và họ sẽ tiếp tục hung hãn. Nhưng trong trường hợp này, con trở thành dụng cụ cho sự phán xử của Ki-tô, tức là người kia bây giờ sẽ nhận được phán xử Ki-tô do cách hành xử hung hãn của họ.

Chúng ta có thể nói là nếu người kia không thay đổi khi con đã lên tiếng từ trạng thái an bình và nhãn quan trung hòa, thì con không cần tiếp tục cho phép họ tấn công hay hiếp đáp con nữa. Sau đó con có thể rút lui, nhưng trước tiên con nên phát biểu một cách thật rõ ràng và bình tĩnh cái nhìn của con về cách hành xử của họ, rằng con không chấp nhận cách hành xử đó, con sẽ không cho phép mình phải chịu đựng nó, và do đó con sẽ rút lui nếu họ cứ tiếp tục. Đây chính là ý nghĩa của việc chìa má bên kia.

Nó có nghĩa là thay vì phản ứng lại với tâm thức phàm phu, với ngã tách biệt, con hành động với tâm thức Ki-tô từ tầm nhìn của Ki-tô. Cho dù con có rút lui khỏi một tình thế hay trở nên thụ động trong tình thế đó và người ta tiếp tục tấn công con – và điều này cũng có thể đem lại phán xử Ki-tô – nhưng con đem lại phán xử này từ một tầng cao hơn vì con đến từ trạng thái an bình.

Hiểu khái niệm “mạn đà la”

Hỏi: Mục đích và đặc tính của mạn đà la của chúng con là gì? Tất cả chúng con được nối kết như thế nào, và mỗi chúng con nối kết như thế nào với nhau? Chúng con đã có từng đầu thai như một nhóm hay chưa? (“Chúng con” ở đây có nghĩa là những người theo học giáo lý mà các thày đang ban truyền)



Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 18/12/2019.

Tất nhiên là nhiều người trong các con đã từng đầu thai với nhau rồi. Nhưng khi các thày dùng từ “mạn đà la”, các thày sử dụng theo một nghĩa rộng hơn – rộng hơn ý nghĩa mà các thày đã dùng trong các đợt truyền pháp trước. Thật ra thì không, các thày dùng theo cùng một nghĩa, nhưng các thày muốn các con trong đợt truyền pháp này hiểu rộng hơn các đệ tử trong đợt các truyền pháp trước. Các đệ tử đó nghĩ là có một nhóm thu hẹp những người thuộc về một mạn đà la nhất định, và đó là lý do họ đã cùng tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên, họ đã cùng đầu thai trước kia và đều mang một sứ mạng thật quan trọng.

Điều các thày muốn con nhìn ra là không phải chỉ những ai đang học giáo lý hiện thời mới thuộc vào mạn đà la – vì mạn đà la rộng lớn hơn vậy rất nhiều. Và không nhất thiết có nghĩa là mọi người trong mạn đà la này cần phải chấp nhận giáo lý của chân sư thăng thiên.

Như các thày đã nói, các thày không muốn các con tự cô lập mình khỏi người khác hay khỏi xã hội. Cho nên các thày không muốn các con xem như thể các con chỉ cần quan tâm đến các thành viên của mạn đà la này, xem mình là những người đứng bên lề do mình đã chấp nhận giáo lý này.

Các thày muốn con nhìn rộng hơn, là con nhận ra trong mạn đà la có một vòng bên trong gồm những người nhận biết giáo lý của chân sư thăng thiên một cách ý thức, nhưng cũng có những vòng khác nữa. Và vai trò của những người có nhận biết ý thức là ban phát, là giúp đỡ những ai đang ở các vòng ngoài, hầu con trao cho họ bất cứ gì họ cần để bước lên cao hơn.

Các thày cũng có nói, điều này không có nghĩa là khi con cố giúp người khác, ý định chủ yếu của con là khiến họ gia nhập tổ chức này. Thật ra các thày làm gì có tổ chức nào ở đây để họ trở thành hội viên, nhưng trong các đợt truyền pháp trước thì có, và nhiều người đã quá quan tâm đến tổ chức, quá quan tâm đến việc bành trướng tổ chức, thu hút thêm nhiều hội viên và khiến họ trở thành hội viên đắc lực của tổ chức để họ làm tất cả những công việc họ phải làm. Đây không phải là điều các thày nói ngày hôm nay, đây không phải là cách suy nghĩ của Thời đại Bảo bình mà là tư duy của Thời đại Song ngư.  

Cho nên ý các thày là các con hãy xem mình là thành phần của một nhóm rộng lớn hơn. Không có nghĩa là con cần nghĩ là con có thể giúp đỡ mọi người, vì có nhiều người trong suốt kiếp này sẽ không nhạy bén với các giáo lý cùng các tư tưởng này. Con cần quan tâm đến những ai con có khả năng giúp đỡ, những ai có tâm cởi mở. Không cứ là những người này sẽ mở tâm đón nhận mọi lời dạy của chân sư thăng thiên, nhưng họ có thể cởi mở với một số ý tưởng mà các thày đang truyền rải.

Cho nên đó là điều các thày muốn thấy. Các con tự xem mình ở vòng trong của một vòng tròn không khép kín vì nó trải rộng đến nhiều người khác. Xong con thử nhìn xem con có thể giúp họ như thế nào. Trong các bài truyền đọc suốt năm vừa qua, các thày có đề cập đến một tình trạng căng thẳng đã hình thành trong tâm thức tập thể, và điều này có nghĩa là có nhiều người thuộc về các vòng ngoài của mạn đà la các con đã sẵn sàng bước lên một mức cao hơn, họ sẵn sàng công nhận một số tư tưởng một cách ý thức.

Các thày mong muốn con tự xem mình như những người đi tiên phong có khả năng giúp những người đó thực hiện cuộc xoay chuyển này, cho dù là có thể họ không bao giờ biết đến con, hay đã gặp con, hay đã chấp nhận các chân sư thăng thiên – vì họ vẫn còn trong quá trình chuyển đổi tâm thức. Và đó là điều các thày muốn con nhìn ra: Mục đích của con là chuyển đổi tâm thức chứ không phải là bành trướng số hội viên của một tổ chức nào đó.

Là một sinh thể tâm linh nghĩa là gì?

Hỏi: Khi các chân sư thăng thiên nói chúng con là người tâm linh, các thày muốn nói chính xác là gì? Và tất cả mọi dòng sống đều cơ bản là Tánh linh. Làm thế nào các thày tìm được một người tâm linh?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Washington D.C. Hoa Kỳ năm 2019. Đăng ngày 5/12/2019.

Qua từ “người tâm linh”, chúng tôi trước hết muốn nói là một người không tự đồng hóa mình với xác thân vật lý, với tâm vỏ ngoài hay với nhân cách. Con nhận ra con là nhiều hơn thân xác của con. Con sẽ không chết và biến mất và bị tiêu diệt khi bộ não chết. Con cũng là nhiều hơn nhân cách vỏ ngoài đã được nhào nặn khi con lớn lên trong một nền văn hoá và một hoàn cảnh gia đình đặc thù, và do đó con không bị hoàn toàn đồng hóa vào đó. Con càng vươn lên và vượt trên tâm thức vỏ ngoài đó thì con sẽ càng ít đồng hóa với xác thân và tâm vỏ ngoài, với văn hóa và nguồn gốc gia đình cùng đủ loại yếu tố khác.  

Và điều này có nghĩa, con bắt đầu nhận ra con là nhiều hơn cái mà hầu hết mọi người định nghĩa là một con người. Không phải con không là một con người nữa, con vẫn có một thể xác con người, nhưng con không còn hoàn toàn đồng hóa với một con người bị giới hạn trong cách định nghĩa của văn hóa con, cách định nghĩa rằng một con người chỉ có thể làm những điều này và không thể làm những điều kia. Con nhận ra là con có tiềm năng nâng cao tâm thức của con, chuyển vọt bản sắc của con hầu con không tự xem mình là một con người.

Sứ mạng của ta cách đây 2000 năm là gì? Điều ta đã cố giảng dạy là tất cả các con đều có tiềm năng Ki-tô. Tất cả các con đều có tiềm năng Ki-tô nhận ra là mình đến từ một nguồn cội cao hơn. Con không đến từ bụi và sẽ trở về với bụi. Và do đó con có tiềm năng nâng cao tâm thức, khoác lấy tâm Ki-tô và chuyển vọt ý thức bản sắc của mình. Và con đồng hóa, con tự nhận mình là một sinh thể tâm linh, là một đứa con của Thượng đế, là nhiều hơn cái định nghĩa hạn chế và hẹp hòi về con người.   

Tất nhiên, mọi thứ đều có thể bị tự ngã lạm dụng, và một số người tâm linh đã suốt nhiều năm tháng sử dụng lời dạy trên để tự đặt mình vào một địa vị tự hào tâm linh nơi họ cảm thấy vượt trội hơn người khác bởi vì họ mang danh là “người tâm linh”. Nhưng một lần nữa, không có gì mà các chân sư thốt ra mà không thể bị hiểu sai. Vậy đây là định nghĩa ngắn gọn của một sinh thể tâm linh: con không hoàn toàn tự đồng hóa là một con người. 

Phật tánh là gì?

Hỏi: Phật tánh là gì?


Trả lời của Chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hòa Lan năm 2019. Đăng ngày 16/10/2019.

Phật tánh mà có thể diễn tả được bằng lời nói chỉ là một khái niệm. Con có câu mở đầu tuyệt vời của Đạo Đức Kinh rằng Đạo mà nói được thành lời không phải là Đạo thật. Phật tánh cũng tương tự như thế. Như các con vừa thảo luận và chúng tôi cũng có đề cập trước đó, giác ngộ là một khái niệm. Con người sống trong vô minh và họ đau khổ. Chúng tôi phải chỉ ra cho họ thấy là có một con đường để thoát khỏi khổ đau. Chúng tôi phải cho họ một mục đích và bảo rằng: “Đây là điều mà các con có khả năng đạt được khi các con vượt qua vô minh.”  Nhưng như chúng tôi đã nói, giác ngộ chỉ là một khái niệm. Và nếu con sử dụng tâm nhị nguyên để hình thành một ý tưởng trau chuốt về bản chất của giác ngộ, con sẽ đẩy giác ngộ đi ra thật xa, bởi vì giác ngộ là khi con ngừng nhìn cuộc sống qua tâm nhị nguyên.

Phật tánh là gì? Đó là một khái niệm mà ta đã diễn đạt bằng lời. Mục đích khi ta diễn đạt như vậy thực sự là, trước hết, để nói rằng tất cả mọi người đều có tiềm năng vươn lên khỏi vô minh. Vào thuở xa xưa khi ta giảng dạy, các sinh thể sa ngã chưa bày ra khái niệm về tội lỗi nguyên thủy, cho nên lúc ấy chưa có khái niệm là con người được sinh tạo như một sinh thể khiếm khuyết phải cần đến một Đấng Cứu thế từ ngoài. Khi ta nói là mọi người đều có Phật tánh ở bên trong, điều ấy có nghĩa là bất kể trình độ tâm thức của con trên địa cầu, con cũng có tiềm năng nối kết lại với Phật tánh và như vậy vượt lên khỏi vô minh.

Nhưng hơn thế nữa, muc đích cũng là để chứng tỏ rằng mọi người đều có Phật tánh trong mình. Chính khi con nối kết lại với Phật tánh của con trên bình diện cá nhân, con mới có thể thực sự nối kết với người khác. Và cách duy nhất để phát triển Tăng đoàn của Phật là phải có những cá nhân đã tái nối kết với Phật tánh trong mình. Một khi con đã thấy Phật tánh trong mình thì con cũng thấy được Phật tánh bên trong người khác, và khi có nhiều người nối kết được với Phật tánh, họ sẽ nối kết lại với nhau ở một mức cao hơn, đạt được sự hợp nhất trọn vẹn hơn. Đó là cách hình thành Tăng đoàn thực sự của Phật, chứ không chỉ là một cộng đồng vật lý của những người sống chung với nhau, học tập cùng những giáo lý và đọc cùng những bài kinh kệ. 

Trên hết, đó là một sự nối kết trong tâm thức. Và tất nhiên, trong một ý nghĩa rộng hơn nữa, tất cả mọi thứ đều là Phật tánh. Toàn bộ vũ trụ vật chất này nẩy sinh ra từ Phật tánh, và điều này một lần nữa sẽ giúp con vượt lên trên ý thức tách biệt, vượt lên trên cảm nhận con tách biệt khỏi vũ trụ vật chất.

Nếu con cảm thấy con tách biệt khỏi vũ trụ vật chất, con sẽ rất dễ dàng rơi vào cái bẫy như thời trẻ của ta khi ta thử nghiệm với tu tập khổ hạnh. Cái bẫy đó là xem cõi vật lý, vũ trụ vật chất, là kẻ thù của phát triển tâm linh, xác thân con là kẻ thù của sự thăng tiến và do đó con phải hành nó bằng đủ mọi cách tu tập cực đoan nhất. Nhiều người tâm linh cũng đã bước vào ngõ cụt này khi họ cưỡng chống lại cuộc sống trong cõi vật lý trong khi họ sống ngay giữa cõi vật lý. Và họ nghĩ rằng bằng cách kháng cự lại cõi vật chất, họ sẽ lên được cõi tâm linh – vào được Niết bàn và giác ngộ.     

Nhưng con không thể giác ngộ bằng cách cưỡng chống, bởi vì làm vậy sẽ chỉ giữ con ở lại trong vòng nhị nguyên, ở lại trong vô minh. Như trong kinh Pháp cú có nói, nó sẽ giữ con lại trong những cặp nhị đối. Khi con nhận ra là vũ trụ vật lý cũng chính là Phật tánh, con sẽ ngừng chống cự, con sẽ ôm lấy sự sống và ôm lấy cơ hội hiện thân trong một xác thân vật lý. Chỉ khi nào con ôm lấy vận hội đó, rằng con có một xác thân vật lý trên địa cầu, thì con mới đạt được tự do để rời khỏi địa cầu, bởi vì khi nào con chưa ôm lấy được hoàn toàn thì con sẽ không thể thực sự đi đâu khác.    

Năng lượng đi theo sự chú ý

Hỏi: Khi người ta nói, năng lượng chảy vào nơi mà sự chú ý hướng tới, thì câu này có nghĩa gì? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 9/10/2019.

Con yêu dấu, ngược với những gì khoa học bảo con, giác quan của con không chỉ là những dụng cụ thọ nhận thụ động. Khi con nhìn vào một vật gì, tất nhiên có tia sáng từ vật đó đi vào võng mạc trong mắt con và đập vào võng mạc của con. Nhưng cũng có năng lượng từ con hướng ra bên ngoài qua tia nhìn của con. Không phải là qua con mắt vật lý, vì đó không phải là năng lượng vật lý mà năng lượng tâm lý – nếu có thể gọi như vậy – tức là năng lượng từ cảm thể, trí thể và bản sắc thể. Điều này xảy ra cho bất cứ gì mà con đặt sự chú ý vào.

Đó là tại sao trong một đợt truyền pháp trước – đúng hơn, trong sách về thuật giả kim – ta đã có nói rằng con người là nô lệ cho sự chú ý của mình, bởi vì chú ý hướng về đâu thì năng lượng cũng đi về đó, và con người chỉ có thể đi theo.

Cho nên đúng vậy, thực tế là bất cứ gì mà con đặt chú ý vào thì con sẽ cho nó năng lượng. Đó là tại sao các chân sư có nói là nếu một nhóm người họp nhau lại, chẳng hạn trong một phong trào tôn giáo, họ sẽ tạo ra với thời gian một thực thể tập thể, một quái vật tập thể, và quái vật này sẽ ngày càng lớn mạnh đến mức nó sẽ áp đảo tâm trí của mỗi cá nhân trong nhóm.

Đó cũng là tại sao người ta có vấn đề nghiện ngập. Những người uống rượu từ hàng ngàn năm qua đã cùng tạo ra một tà thể tập thể mạnh mẽ đến mức nó có khả năng chế ngự tâm trí của rất nhiều người. Trong mọi lãnh vực, mọi hoạt động của con người, luôn luôn có một xu hướng làm như vậy, và nó xảy ra qua sự chú ý.

Tất nhiên là nó không vật lý – vì nó xảy ra trong các cõi tình cảm, lý trí và bản sắc – nhưng đây là một lời dạy rất chính đáng. Điều quan trọng hiển nhiên là con cần biết đến lời dạy này, và nếu con cảm thấy mình đã hoặc đang bị ảnh hưởng, hay con quen biết những ai đang bị ảnh hưởng bởi những tà thể đó, chắc chắn con có thể thỉnh gọi để họ được cắt đứt khỏi tà thể và được giải thoát, và tà thể thì bị buộc trói lại và tiêu hủy.  

Tiến hóa của một dòng sống sau khi đã theo sa nhân

Hỏi: Trong một bài truyền đọc của các chân sư thăng thiên có nói rằng nếu một người muốn đi theo sa nhân thì thể theo định luật tự quyết, họ sẽ phải theo sa nhân sau kiếp đầu thai. Con hiểu là vì lý do đó, nhiều dòng sống sẽ không có cơ hội tái đầu thai trên địa cầu. Vậy con xin hỏi về các dòng sống hiện đang đầu thai hay sẽ sinh ra trên địa cầu trong xác thân vật lý, phải chăng là họ đã tiến hóa nhiều hơn và họ sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về đời họ cũng như quốc gia của họ thay vì cứ đi theo sa nhân? Chẳng hạn, có thể nào một dòng sống đã lạm dụng quyền lực vào thời cai trị của Stalin, sẽ đi vào đầu thai với một ý muốn mãnh liệt chứng tỏ cho mọi người thấy rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ đem lại hòa bình và hạnh phúc?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Kazakhstan năm 2018. Đăng ngày 28/9/2019.

Không hoàn toàn là đúng khi con bảo rằng nếu một dòng sống quyết định đi theo sa nhân thì người đó không thể bước vào hiện thân trong kiếp kế tiếp. Đó là một vấn đề của từng cá nhân phải do Hội đồng Nhân quả quyết định. Cho nên điều có thể xảy ra là có những người đã từng đầu thai trước kia – chẳng hạn dưới thời chính quyền Stalin hay thời trị vì của Hitler – đang đầu thai ngày nay. Lẽ tự nhiên, một số những người đó vẫn ở trong một trạng thái tâm thức tương tự như trước, họ đã không tăng triển bao nhiêu giữa hai kiếp đầu thai, và do đó theo một cách nào đó, họ đang cố chứng minh tâm thức cũ của họ.

Có những ví dụ về các dòng sống đã không buông bỏ được niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, và hoặc là họ đã tìm cách xây dựng lại chế độ đó, hoặc họ tìm cách chứng minh là nó chính đáng. Cũng có những dòng sống tìm cách chứng minh là không có điều gì xấu xa đã xảy ra trong quá khứ, rằng Stalin không đến nỗi tệ hại mà lại có ảnh hưởng tốt đẹp đến lịch sử nước Nga. Tất nhiên cũng có những dòng sống cho rằng sự tan rã của Liên Xô là tai họa địa chính trị to lớn nhất trong thế kỷ vừa qua, như Vladimir Purtin từng tuyên bố như vậy. Ông ta là ví dụ một người đã hiện thân trong một bối cảnh cộng sản trong tiền kiếp, và bây giờ ông tái đầu thai với niềm tin muốn dựng lại đế chế cũ.

Cũng có một số dòng sống như vậy đang đầu thai tại Trung quốc nơi cộng sản vẫn là chủ nghĩa nắm quyền, ít ra một cách chính thức. Con cũng có thể thấy những ví dụ, như chúng tôi đã có đề cập, một số người chủ mưu chính sách đàn áp người đạo Do thái dưới chế độ Quốc xã, hiện đang đầu thai tại Israel. Nói thật, một số những người đó đang hành xử đối với người Palestine y như họ đã từng hành xử với người đạo Do thái trong tiền kiếp của họ, chỉ khác một điều là lần này họ đầu thai làm người đạo Do thái.

Cho nên con thấy đó, vấn đề các dòng sống được trao cho một cơ hội mới như thế nào là một vấn đề vô cùng phức tạp. Do đó con không thể nói một cách chung chung là tất cả những dòng sống đang đầu thai hiện nay có một mức tâm thức cao hơn và họ sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về bản thân của họ. Điều chúng ta có thể nói được là hiện nay có nhiều dòng sống hơn đã đi vào hiện thân với trình độ tiến hóa cao hơn các thời kỳ trước. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người đang đầu thai đều ở một mức cao hơn.

Mặc cảm cứu tinh của các avatar

Hỏi: Trong quyển sách “Những kiếp của tôi” (My Lives), nhân vật chính kể rằng khi ông ta tham khảo các cố vấn tâm linh của ông về quyết định sẽ đến hành tinh địa cầu, sự suy nghĩ của ông phần nào không minh mẫn và điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình quyết định. Phần nào ông đã hình thành một mặc cảm rằng mình là cứu tinh. Con chỉ thắc mắc không biết tiến trình của Giê-su là thế nào khi thày tham khảo các cố vấn của thày để lấy quyết định tới địa cầu? Lúc đó thày có minh mẫn hơn nhân vật trong sách hay không, hay là thày cũng bị bối rối khi phải cân nhắc việc đầu thai lần đầu tiên trên địa cầu? Ngoài ra, liệu Giê-su có tính viết một cuốn sách kể lại hành trình cư ngụ trên trái đất cùng những biến cố chính trong suốt các kiếp sống mà thày đã sống qua kể từ khi thày hiện thân lần đầu tiên cho tới khi thày thăng thiên?      


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels trong một hội nghị tại Hòa Lan năm 2018. Đăng ngày 11/9/2019.

Điều ta muốn con rút tỉa từ cuốn sách “Những kiếp của tôi” và cũng là điều ta muốn nói ở đây, đó là: Hành tinh địa cầu là một phương tiện giáo dục. Có nghĩa là tất cả mọi người đã hiện thân vào cõi vật lý đã có nhu cầu học hỏi một điều gì đó qua sự kiện họ đến đây. Những chuyện kể về nhân vật chính trong sách không chỉ là câu chuyện về một dòng sống, mà là một tập hợp những suy nghĩ trăn trở của nhiều avatar về những động lực đã thúc đẩy họ đến địa cầu. Con cũng hiểu là một avatar không bắt buộc phải đến địa cầu bởi bất kỳ một nguyên do nghiệp chướng nào, mà đã chọn lựa đến đầu thai ở đây. Tất cả chúng ta, kể cả chính ta, là avatar đến đây đã mang một động lực mà chúng ta coi là hoàn toàn nhân từ, mà thật vậy trong một nghĩa nào đó, động lực đó hoàn toàn nhân từ.  

Tuy nhiên chúng ta cũng có một cái nhìn có phần thiếu cân bằng, chúng ta có một số khía cạnh của mặc cảm cứu tinh. Đây là điều mà mỗi chúng ta cần phải học hỏi như nhân vật trong sách mô tả, là ông ta nhận ra rằng ông phải buông bỏ mặc cảm đó và hiểu rằng ông không đến đây để thay đổi một ai. Tất cả chúng ta phải kinh qua tiến trình này để rốt cuộc nhìn trái đất với tất cả những khuyết điểm, tất cả những khổ đau của nó để ngộ ra là mình sẽ hoàn toàn chấp nhận quyền tự quyết. Con nhận ra là con không ở đây để thay đổi bất cứ ai, con chỉ ở đây để thay đổi chính con mà thôi. Tất nhiên, con cũng nhận ra là khi con ở đây và làm tất cả những chuyện này, khi con thay đổi chính mình, thì con cũng làm gương cho người khác noi theo nếu họ muốn.

Con phải đạt tới một điểm khi mà để thăng thiên, con phải làm hòa với quyền tự quyết, với khái niệm tự quyết, với cách quyền tự quyết được phép tương tác và diễn ra trên một hành tinh như địa cầu. Con có khả năng nhìn thẳng vào tất cả sự đau khổ mà không bước vào một phản ứng động cảm, và con nhìn xa hơn những nỗi đau khổ để thấy rằng đó là cách duy nhất mà quyền tự quyết có thể diễn ra. Vì khi con người xuống thấp hơn một mức tâm thức nào đó, họ sẽ phải trình diễn tâm thức đó cho tới khi họ chán ngấy. Không những chỉ chán ngấy sự đau khổ (điều này nhiều người chán ngấy rất nhanh) mà họ chán ngấy cả cái tâm thức đã đem lại đau khổ.

Vậy con đạt đến một điểm khi con thực sự làm hòa với địa cầu như địa cầu đang là, và con thực sự cảm nhận được cho dù con đã đến địa cầu để đem lại thay đổi tích cực, bây giờ con có thể rời địa cầu cho dù con chưa đem lại được thay đổi đó.

Đây là một tiến trình mà tất cả chúng ta đều phải kinh qua. Trong một nghĩa nào đó, con có thể nói rằng tất cả chúng ta đều có một phiên bản riêng về mặc cảm cứu tinh, bởi vì nếu không thì chúng ta đã không tình nguyện đầu thai ở đây. Cho nên tất cả chúng ta phải học cách vượt qua, và nhìn thấy điều gì đã thúc đẩy mỗi chúng ta đi đến phán đoán là trên địa cầu có những điều không ổn cần thay đổi.  

Một lần nữa, đây là một vấn đề tế nhị vì hiển nhiên trên địa cầu có rất nhiều khổ đau. Đương nhiên nhiều người bị cuốn trôi vào trong đó và đã không chọn lựa bước vào đó một cách ý thức – họ đã chọn lựa một cách vô thức. Dù sao thì quyền tự quyết vẫn là quyền tự quyết. Cho nên mặc dù chúng ta có thể đến đây và thắp lên một ngọn đèn trong bóng tối, nhưng chúng ta không thể thao túng người khác để họ phải chấp nhận ngọn đèn của chúng ta vì lợi ích của họ.      

Về việc viết một cuốn sách kể ra chi tiết mọi kiếp đầu thai của ta, ta không có ý định này ngay bây giờ, một phần là vì tất nhiên ta đã sống qua rất nhiều kiếp và kể lại hết sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm được trong một cuốn sách. Phần khác là vì ta không muốn đặt quá nhiều trọng tâm vào bản thân mình ngoài những điều đã làm. Thật sự mục đích của cuốn sách “Những kiếp của tôi” là để làm xẹp bớt sự sùng bái thần tượng chung quanh con người của ta mà các giáo hội Cơ đốc giáo và ngay cả nhiều người trong các cộng đồng Thời mới vẫn có. Chúng tôi muốn đưa ra cho mọi người một lời dạy để giúp họ ngưng sùng bái chứ không sùng bái nhiều hơn.