Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 18/1/2017.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Khi con tới tầng thứ sáu của khóa nhập thất của thày, con đối mặt với một sự sáng ngộ sẽ diễn ra liên tục trong tâm ý thức của con. Điều này không ngăn cản con tiếp tục tiến lên trong khóa học, nhưng có nghĩa là con phải làm việc với sáng ngộ con đối mặt ở đây trong một thời gian. Sáng ngộ này đưa con vượt quá cái lập trình vi tế và rất bền bỉ mà con tiếp xúc, rất có thể trong nhiều kiếp, trong nhiều trường hợp trong suốt thời gian con đã hiện thân trên trái đất.
Bây giờ con thấy chăng, con yêu dấu: Thày đã làm gì trong các bài giảng này? Thày đã nói với con rằng con cần thấy là con dùng uy lực của viễn kiến để phóng chiếu một hình ảnh ra bên ngoài. Con có một hình ảnh thế giới phải như thế nào, hay thế giới là như thế nào, và con phóng chiếu hình ảnh này ra ngoài tâm con. Trong bài giảng trước, thày dẫn con tới điểm con nhận ra con cũng có một hình ảnh về con phải như thế nào như một người tâm linh, hay như một con người, và con phóng chiếu viễn kiến này lên chính con.
14.1. Thấy thế giới như nó là
Khi con bắt đầu loại bỏ những viễn kiến mà con phóng chiếu, khi con ngừng phóng chiếu với tâm của mình, con có thể tiến tới giai đoạn mà, thay vì thấy thế giới như con nghĩ nó là hay như con muốn nó là, con có thể thấy thế giới như nó là. Trong nhiều thế kỷ, các triết gia đã biết ảnh hưởng của tri giác trên cái thấy của con người. Đáng tiếc thay, các triết gia Tây phương đã không chịu nhìn vào chính tâm con người và vì vậy họ không khám phá ra chân lý tương đối giản dị mà các thày đã trao truyền cho các con về bốn tầng của tâm. Nếu một người triết gia muốn hiểu những gì con người có thể và không thể thấy, đáng lý y nên nghĩ rằng y nên xem xét chính tiềm thức của mình trước khi bắt đầu đưa ra kết luận vĩ đại về cách vận hành của vũ trụ.
Tuy nhiên thày không có ý định giảng một bài triết học ở đây, nhưng thày chỉ muốn giúp con nhận ra là có một cách để thấy thế giới khác với cách mà con được dạy dỗ để thấy và khác với cách mà đại đa số con người thấy thế giới. Các thày đã nói tới các định luật thiên nhiên phụ thuộc và cách sa nhân chế ra một cái gì vận hành máy móc để họ có thể kiểm soát nó mà không phải thay đổi tư duy tách biệt căn bản. Do đó, tách biệt là bản chất của tư duy sa ngã.
Điều con cần nhận ra ở đây là vũ trụ cho phép con làm nhiều chuyện nhưng luôn luôn có một cái giá phải trả. Sa nhân đã thay đổi được cách vũ trụ vận hành trong cõi năng lượng của hành tinh trái đất vì họ đã khiến cho vật chất dày đặc hơn. Vật chất càng dày đặc, thì nó càng vận hành theo những định luật không phải là vĩnh cửu và bất biến, nhưng kéo dài một thời gian dài. Các định luật thiên nhiên mà các nhà khoa học quan sát hiện nay đã vận hành trên hành tinh này trong một thời gian rất dài so với một kiếp con người. Tuy nhiên chúng không phải lúc nào cũng vận hành như thế trên trái đất này.
14.2. Tránh định luật thiên nhiên
Con cần nhận ra là khi sa nhân đã thành công trong việc kéo đa số nhân loại vào tâm thức nhị nguyên, tâm thức tập thể bắt đầu tạo ra những định luật thiên nhiên phụ thuộc này, là hậu quả của vật chất trở nên dày đặc hơn. Con cũng cần nhận ra là chính sa nhân cũng đã phải chịu ảnh hưởng của những định luật này.
Bây giờ, họ nghĩ rằng họ đã tìm ra cách tránh các định luật này và làm được những chuyện như quy tụ về một cá nhân quyền lực lớn lao và của cải đồ sộ. Như thày đã nói, điều này có thể duy trì trong một thời gian ngắn. Nhưng sa nhân không nhận ra là chính họ cũng chịu ảnh hưởng của tư duy cơ bản đã tạo ra những định luật thiên nhiên phụ thuộc, vì họ không thể nhìn quá tư duy này. Dù rằng họ đã có thể tác động lên vật chất một cách nào đó, họ không thể đi quá một giới hạn. Họ không thể làm những điều mà con thấy Giê su đã làm như đi bộ trên nước, chữa lành bàn tay bị teo hay những chuyện tương tự khác. Những điều này vượt quá khả năng của họ với tầng cấp viễn kiến mà họ có.
Con có thể tạo ra một tình trạng giống như trên trái đất là nơi vật chất dày đặc hơn tình trạng tự nhiên, nhưng làm sao con tạo ra tình trạng này? Con tạo ra bằng cách phóng chiếu một viễn kiến hạn chế lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Con phóng chiếu viễn kiến đó như thế nào? Con chỉ làm được khi con có viễn kiến đó trong tâm. Con giữ được viễn kiến đó bao lâu trong tâm khi con đầu thai nhiều kiếp, nếu con không tự đồng hóa với nó và nghĩ rằng nó là viễn kiến thật duy nhất? Con không thể thấy quá viễn kiến đó vì không có gì bên ngoài nó. Đây là điều đã xảy ra cho sa nhân trên trái đất; đây là điều đã xảy ra cho đại đa số nhân loại.
Qua nhiều kiếp sống con đã phóng chiếu viễn quan là vật chất dày đặc (và do đó nó hạn chế những gì con làm được), và con tin viễn quan này. Đại đa số con người tin rằng vật chất dày đặc, vật chất thật sự hạn chế khả năng sáng tạo của họ và cách duy nhất để vượt qua những giới hạn này là dùng công nghệ dựa trên vũ lực để tác động lên vật chất và ép buộc nó phải tuân theo mình.
14.3. Sa nhân kiểm soát vật chất như thế nào?
Con yêu dấu, chúng ta hãy nhìn vào ví dụ của một người đã thu thập được tài sản đồ sộ. Y đã thành lập một công ty mướn cả ngàn người và bán một sản phẩm nào đó. Làm cách nào y quy tụ được tiền của về cho y? Một phần là y dùng quyền năng của tâm của y, quyền năng kiểm soát người khác. Con thấy chăng, sa nhân nói chung đã không phát triển quyền năng kiểm soát vật chất trực tiếp. Họ đã phát triển quyền năng kiểm soát người khác và khiến người khác làm việc cho họ. Trong những bài giảng trước, thày gọi đó là tự điều ngự giả, và đây là điều sa nhân đã đạt được.
Người nhà giàu đó đã có thể khiến người khác chịu làm việc cho y với một đồng lương thấp hơn rất nhiều giá trị sản phẩm của sức lao động của họ. Y có thể gặt hái phần lớn thành quả lao động của mọi người và do đó, tập trung của cải vào tay mình thay vì chia sẻ cho nhân viên của mình. Con thấy chăng, của cải đó được tạo ra từ sức làm việc, sức làm việc vật lý của người nhân viên. Rất, rất nhiều người đã làm công việc vật lý đó để tạo ra và tập trung của cải về tay một người.
Giải pháp khác để trải nghiệm có của cải đồ sộ là y chú tâm học cách mở rộng khả năng của tâm để tạo ra của cải một cách trực tiếp bằng cách đem năng lượng của cõi tâm linh xuống quang phổ vật chất. Con hiểu là có hai cách để tạo ra của cải? Cách đầu, như thày đã mô tả, là con chấp nhận những điều kiện của vũ trụ vật chất và con khiến người khác làm việc cho con và con lấy của cải mà họ sản xuất ra. Cách khác để tạo ra của cải, mà không làm việc với vật chất và không tạo thêm từ vật chất, là con làm việc với khả năng của tâm có thể là cánh cửa mở cho ánh sáng tâm linh được tải xuống xuyên qua bốn tầng cho tới khi nó được biểu hiện ở tầng vật chất.
Con thật sự có thể thị hiện của cải thông qua quyền năng thuần túy của tâm, nhưng đây không phải là cách sa nhân đã làm. Họ bị kẹt vào lòng ham muốn có quyền lực trên người khác, ngay cả trên vũ trụ, hay thậm chí là có quyền lực trên Thượng đế. Họ đã chấp nhận là vật chất có một độ dày đặc nào đó. Đó là lý do vì sao họ sẽ làm mọi chuyện để bảo đảm là không ai thách thức điều này. Đó là lý do vì sao họ làm việc chống lại bất cứ ai bắt đầu biểu hiện một mức nào đó của quả vị Ki-tô. Họ cố gắng bằng mọi cách đánh lừa con để con không dám chấp nhận quả vị Ki-tô nghĩa là gì và quả vị Ki-tô có thể cho con khả năng tâm làm chủ vật chất.
14.4. Làm sao để là người chữa lành chân chính?
Bây giờ, con yêu dấu, một khía cạnh của Tia thứ Năm là chữa lành. Thày biết là một số các con đang đợi thày đề cập tới chữa lành, nhưng có lẽ là con không nhận ra là thày đã nói về chữa lành trong suốt các bài giảng vừa qua, dù thày không dùng hai chữ đó. Con yêu dấu, con chữa lành bằng cách nào? Ấy, con chữa lành qua uy lực của viễn kiến.
Nếu con không giải thoát viễn kiến của con khỏi ảo tưởng của sa nhân, con không thể chữa lành. Chuyện rất giản dị như vậy. Thày đã nói gì? Vũ trụ cho phép con làm một số điều, tỷ dụ như khiến vật chất dày đặc hơn, nhưng mọi thứ đều có giá phải trả. Khi con làm cho vật chất dày đặc, con cũng làm dày đặc các thể mà con đang mang và các thể dày đặc này sẽ phải tuân theo một số định luật. Điều con không nhận ra là khi con bắt đầu tạo ra những định luật thiên nhiên phụ thuộc, thì Luật Tự quyết cho phép con làm như thế. Cái giá con phải trả là tạo vật của con phải chịu ảnh hưởng của cái mà các thày thường gọi là định luật thứ hai của nhiệt động học. Định luật này quy định là khi con tạo ra cái gì đứng bên ngoài định luật thiên nhiên cơ bản, thì bất cứ cái gì con tạo ra sẽ bắt đầu phân hủy. Ngay khi con vừa tạo ra cái gì, thì có một lực sẵn có trong tạo vật của con sẽ phân hủy nó theo thời gian. Đây là một cơ chế an toàn để con không thể tạo ra một hoàn cảnh sẽ giam con mãi mãi trong tạo vật của mình.
Hy vọng là khi con có một kinh nghiệm nào đó, sau một thời gian con sẽ chán ngán và từ bên trong con dâng lên lòng mong muốn cái gì hơn nữa và vì vậy con sẵn sàng mở rộng tâm mình. Nếu con người không tới điểm đó, thì cái mà các thày gọi là định luật thứ hai của nhiệt động học (hay cơn thịnh nộ của Shiva) sẽ bắt đầu phân hủy điều con sáng tạo. Đây là lý do chính vì sao có bệnh tật trong thân thể con người. Vật chất dày đặc đến độ bất cứ cái gì được sáng tạo ở mức dày đặc này đều có những lực phân hủy sẵn có trong nó. Đây là lý do tại sao thân thể già nua, tại sao bệnh tật biểu hiện.
Bây giờ, con yêu dấu, sa nhân muốn con tin rằng con hoàn toàn bất lực trước chuyện này. Họ muốn con tin rằng vật chất là vật chất và vật chất có một độ dày đặc nào đó. Vật chất vận hành theo các định luật thiên nhiên phụ thuộc và con không thể vượt quá các định luật này. Đó là lý do tại sao họ muốn con tin rằng thân thể vật lý của con là một tạo vật hoàn toàn vật chất. Nó vận hành theo một số định luật máy móc, vật chất. Thân thể con là một cơ chế sinh học, nó là một nhà máy hóa học hay điều gì khác mà họ muốn con tin.
Họ muốn con tin rằng một khi một căn bệnh hiện ra, căn bệnh này phải có một nguyên nhân vật lý và do đó, một trị liệu vật lý phải được nghĩ ra và áp dụng, tuy trị liệu này có thể chưa được tìm ra. Nếu một trị liệu vật lý chưa được tìm ra, thì con không thể trị căn bệnh này được, và chỉ có thể hy vọng là trong tương lai, các khoa học gia duy vật sẽ tìm ra nguyên nhân và cách chữa.
Bây giờ, như thày đã giải thích nhiều lần, con có bốn thể phàm. Điều thể hiện nơi thân thể vật lý là sự phóng chiếu những điều kiện trong ba thể cao của con. Một căn bệnh vật lý bắt đầu ở các cõi tình cảm, lý trí và bản sắc và sau đó được phóng chiếu lên thân vật lý. Lẽ tất nhiên, pháp trị liệu cũng phải bắt đầu nơi ba thể cao này.
Điều thày muốn con nhận ra ở đây là sa nhân cũng có lý khi họ nói con không thể thay đổi một số điều kiện trong vật chất. Thày sẽ phải giải thích điều này một cách gián tiếp vì nó là một điểm vi tế.
14.5. Tại sao một số người không thể chữa lành bằng tâm
Con yêu dấu, các thày có thể nói rằng, nếu cái Ta Biết hoàn toàn tập chú vào tầng vật chất (lúc ấy con hoàn toàn tin con là một con người, con bị hạn chế bởi khả năng của thân thể và của công nghệ đã được sáng chế ra), thì con không thể thay đổi vật chất, con không thể vượt quá các định luật thiên nhiên phụ thuộc. Như vậy, các thày nói rằng nếu con sinh hoạt ở tầng vật lý, thì sa nhân nói đúng: Con bị mắc kẹt trong vũ trụ vật chất và con phải tuân theo những định luật của nó.
Do đó, con không thể chữa lành một căn bệnh vật lý bằng uy lực của tâm. Con chỉ có thể tìm những phương tiện vật lý để tiêu diệt căn bệnh hay thay đổi tiến trình của nó. Con có nhận ra chăng, đây là một cách nhìn rất thô thiển về chữa lành? Cách nhìn cơ bản có vẻ ăn sâu trong tư duy của giới thẩm quyền y học trong thế giới hiện đại là có một tình trạng sức khỏe bình thường. Thỉnh thoảng, một căn bệnh nào đó biểu hiện và nó bất thường. Đây là một tình trạng bất thường. Nó được gây ra bởi một cái gì đó bất thường, chẳng hạn như một vi khuẩn. Sau đó, chúng ta cần tìm ra vi khuẩn này và tìm cách tiêu diệt nó. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể chữa khỏi bệnh.
Cái gì đó đang phá hủy thân thể con, và để chữa bệnh, con cần phá hủy nó. Con có thấy chăng là con đang tìm cách chữa sự phá hủy với một hình thức phá hủy khác và trên đường dài làm như vậy chỉ có thể đem lại thêm vấn đề? Tàn phá không chữa được tàn phá. Con không thể chữa một vấn đề với cùng tư duy đã tạo ra vấn đề đó.
Điều này kết nối với điều thày đã giảng, là con cần ngưng phóng chiếu với tâm mình. Con cần ngưng phóng chiếu điều gì? Lớp phóng chiếu đầu tiên là một loại phê phán, là có điều phải xảy ra và điều không được xảy ra, có điều đúng và sai. Khi con nhìn vào một căn bệnh, con tức khắc đi vào tư duy phê phán căn bệnh là sự trục trặc trong thân thể, nó đáng lẽ không được xảy ra.
Bây giờ, tư duy của giới thẩm quyền y học trên thế giới hiện đại là gì? Con yêu dấu, tư duy đó là khi có điều gì trục trặc với thân thể, thì chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và tiêu diệt nguyên nhân đó ở tầng vật lý, tầng máy móc. Sâu bên dưới tư duy đó là gì? Đó là họ không muốn nhìn vào tâm, nhìn vào tâm thức, nhìn quá tầng vật lý.
Con đi tìm nguyên nhân nơi tầng vật lý mà thôi, nhưng như thày đã nói, tầng vật lý chỉ là cái ngọn nhỏ của tảng băng. Tầng vật lý chỉ là sự phóng chiếu từ ba tầng cao hơn. Sa nhân không chịu nhìn vào các thể cao của chính họ và họ không muốn bất cứ ai dưới họ làm điều này. Họ biết rằng nếu con người bắt đầu nhìn vào ba thể cao hơn của họ, thì họ có thể giải thoát khỏi những những giới hạn của tầng vật lý và do đó cũng thoát khỏi quyền lực của sa nhân. Con sẽ không là nô lệ của người khác trên trái đất khi con biết con là một sinh thể tâm linh và con có thể làm chủ phản ứng của mình. Con không cần sợ ai hết trên trái đất.
Tư duy thật đằng sau phương cách trị liệu hiện đại là gì? Con yêu dấu, đó là con nhìn bệnh tật như điều gì trục trặc trong thân thể. Rồi con muốn gỡ đi các triệu chứng mà không chịu nhìn vào và thay đổi tâm con người. Con muốn tiếp tục làm những gì con đang làm mà không thay đổi chính mình. Con muốn thay đổi thế giới mà không chịu thay đổi chính mình. Đây là dấu ấn của sa nhân.
Thày có nói là một số sa nhân đã chịu nhìn vào một số khía cạnh của tâm họ và đạt được một loại “điều ngự” nào đó (thày tạm dùng chữ điều ngự này) trên tâm của họ. Họ không sẵn sàng đi thật sâu và nhìn vào ý định của họ, ý niệm tách biệt của họ, ham muốn giành quyền lực về cho mình và hại cho người khác. Họ không sẵn sàng vượt quá khuynh hướng vị kỷ xem mình là trung tâm, vượt quá ý niệm cơ bản xem mình là sinh thể tách biệt và có quyền lực như một sinh thể tách biệt. Những điều này, họ không sẵn sàng đối mặt.
Đây là tư duy đã thâm nhập xuống phương pháp chữa lành trong thế giới hiện đại. Con không kêu gọi người bệnh xem xét trạng thái tâm của họ khi họ đi gặp bác sĩ. Người bác sĩ đi tìm một nguyên nhân vật lý và tìm cách giải quyết nguyên nhân vật lý này. Có bao giờ người bác sĩ ngồi lại với bệnh nhân và nói: “Có thể là quý vị nên xem xét lối sống của mình, có thể là quý vị nên xem xét trạng thái tâm của mình, có thể là quý vị nên gặp một tâm lý gia, có thể là quý vị nên làm điều này, nên làm điều kia?”
Con thấy chăng, nếu con bị mắc kẹt trong tư duy này, nếu đây là quan niệm của con về thân vật lý và cách chữa lành, thì con không đạt được quyền năng chữa lành bằng tâm. Chuyện này không thể làm được.
14.6. Chúng ta nhìn sự vật như thế nào
Bây giờ thày muốn giảng điều này một cách khác một chút vì chúng ta cần đi sâu hơn nữa về cách con nhìn vật chất. Thày có nói là lớp phê phán đầu tiên là con phê phán có điều đúng và có điều sai. Có sức khỏe tốt là đúng, có bệnh tật là sai. Có một tầng sâu hơn nữa là khi tâm con chấp nhận sự vật chỉ là vật, không thay đổi được, không thể thay đổi được bằng tâm.
Thày muốn con hình dung là trước mặt con có một cái bàn và trên đó có một hòn đá. Con có thể cầm hòn đá, con có thể cảm thấy nó cứng. Hòn đá tròn nhưng cứng. Con không thể bóp nát hòn đá, con không thể nặn nó bằng tay. Con không thể thay đổi nó bằng những phương tiện bình thường. Lẽ dĩ nhiên, con có thể chế ra một cái máy nghiền hòn đá hay đánh nhẵn nó. Tuy nhiên, với sức mạnh của bàn tay, con chẳng làm được mấy với hòn đá. Với quyền năng của tâm, con còn làm được ít hơn nữa, đó là điều con đã được dạy dỗ.
Điều thày muốn con nhận ra là khi con nhìn một vật giản dị như hòn đá, có một lập trình trong tâm con (và thực ra lập trình này bắt đầu ở vỏ não thị giác), lập trình này ngay lập tức phân loại và dán nhãn đây là một hòn đá. Bây giờ con đã phóng chiếu lên cái vật đó là nó là hòn đá và tâm của con cho hòn đá đó một số đặc tính. Những đặc tính đó không phải chỉ là những đặc tính riêng của hòn đá, mà cũng có thêm ý niệm con làm được gì và không làm được gì với hòn đá.
Con có nhận ra chăng là có một tầng trong tâm của con dán nhãn mọi chuyện theo thứ loại? Con dán nhãn mọi thứ là vật. Con yêu dấu, khi con nhìn vào hòn đá, con có nhận ra chăng là chữ “hòn đá” chỉ là một chữ đã được chọn (hay có thể đã được chọn một cách vô thức) và chữ này được liên kết với vật mà con gọi là hòn đá? Con cũng đã có thể gọi nó là trái táo. Nếu từ thời xa xưa, con người đã dùng chữ “táo” để chỉ hòn đá, thì ngày hôm nay con sẽ gọi hòn đá là “táo”. Điều này không có nghĩa là con sẽ nghĩ rằng hòn đá là cái gì mềm có thể ăn được. Điều thày cố giúp con thấy là “hòn đá” chỉ là một chữ mà thôi. Khi con nhận ra “hòn đá” chỉ là một chữ, thì con có thể nói: “Nhưng có gì khác về hòn đá không, ngoài những đặc tính mà tâm chúng con đã chọn và liên kết với hòn đá?”
Con thấy là tâm con người nghĩ ra chữ hòn đá và liên kết chữ này với một vật. Con người cũng có thể chọn một chữ khác. Họ cũng nghĩ ra những đặc tính của hòn đá. Nó cứng, nó khó thay đổi, con không thể nặn nó với hai bàn tay – tất cả những thứ đó. Đây chỉ là những đặc tính do tâm quy định – do tâm quy định. Đây chỉ là một cách nhìn hòn đá.
14.7. Nhìn vượt quá vật
Có thể một cách khác nhìn hòn đá chăng? Con có thể dùng quyền năng của viễn quan để nhìn phía sau, nhìn vượt lên trên viễn quan của hầu hết mọi người khi họ nhìn hòn đá chăng? Con hãy để cho thày dẫn con đi một hành trình dựa trên những bài khoa học ở nhà trường. Hòn đá phải chăng chỉ là hòn đá? Con biết vì con được học ở nhà trường là hòn đá được cấu tạo bởi những phân tử là những đơn vị nhỏ không thấy được bằng mắt vật lý. Có môt cách nhìn khác về hòn đá, không phải ở tầng cấp một vật. Con có thể nhìn hòn đá như là một tập hợp của nhiều phân tử, giản dị như thế.
Con biết là con có thể lấy nhiều hòn đá nhỏ và dùng keo dán chúng lại vào nhau để làm thành một quả banh. Bây giờ con có một quả banh, to như một hòn đá to, nhưng nó được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn nhiều. Con cũng có thể lấy cát, hạt cát, và nặn chúng lại thành một quả banh, nhưng con có thể thấy được đây không phải là một hòn đá lớn và rắn chắc. Nó được cấu tạo bởi những mảnh nhỏ mà con có thể tách ra được. Con có thể cho nó một hình dạng khác nếu con có thể thay đổi vị trí của những mảnh nhỏ đó.
Điều thày muốn giúp con nhận ra ở đây là con có thể vượt quá cái thấy hòn đá là một vật rắn đặc. Con có thể đi vào một tầng cấp sâu hơn để thấy được hòn đá được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn được gom lại thành một hình dạng mà con gọi là hòn đá – và con nhìn hòn đá này như một vật thuần nhất không dễ thay đổi.
Bây giờ, lẽ dĩ nhiên con biết được theo khoa học là phân tử được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn, gọi là nguyên tử. Có thể con được học ở nhà trường hay không được học ở nhà trường (nhưng biết được sau này nhờ đọc sách), là nguyên tử được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn nữa, gọi là hạt cơ bản. Nếu con có học chút xíu khoa vật lý lượng tử, con sẽ thấy là bản chất các hạt cơ bản này có hai mặt, ít nhất theo cái nhìn hiện nay của các nhà khoa học. Một hạt căn bản đôi khi sẽ cư xử như một hạt truyền thống (là một vật rắn đặc), và đôi khi nó cư xử như một sóng, một sóng năng lượng rung động. Con nhận ra rằng ngay cả khi con chỉ lấy những gì khoa học hiện nay công nhận, con có một cách nhìn hòn đá khác đi? Con có thể bắt đầu ở tầng cấp sự vật, là hòn đá. Ở tầng cấp này, con thấy nó là một đơn vị thuần nhất. Nếu con đi vào các tầng cấp càng lúc càng sâu hơn, con thấy nó không còn thuần nhất nữa vì nó được tạo ra từ những đơn vị nhỏ hơn. Tại sao ở tầng cấp sự vật con lại thấy nó là một đơn vị thuần nhất? Sự thuần nhất từ đâu tới? Nó hoàn toàn tới từ tâm con. Nó là một hình tư tưởng do tâm con phóng chiếu ra.
Hòn đá không thuần nhất chút nào. Nó được cấu tạo bởi phân tử, phân tử được cấu tạo bởi nguyên tử, nguyên tử được cấu tạo bởi hạt cơ bản, chính thực là sóng năng lượng. Không những hòn đá không thuần nhất, nhưng khi con đi vào các tầng nhìn sâu hơn, con cũng thấy là hòn đá càng lúc càng bớt vẻ rắn đặc. “Hòn đá” là một đơn vị rắn đặc vì tâm của con thấy nó là rắn đặc. Khi con tới tầng cấp phân tử, con nhận ra nó được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn có thể di chuyển vị trí so với nhau, hay một số có thể bị tháo gỡ đi.
Con thấy chăng, ở tầng cấp hòn đá, chuyện tác động lên hòn đá hay thay đổi nó có vẻ như vô phương hay ít nhất là cực kỳ khó khăn? Nếu tâm của con có thể đi vào tầng phân tử và bắt đầu tác động lên chúng, thì tâm của con có thể tác động lên những đơn vị nhỏ này dễ hơn là lên hòn đá. Nếu con có thể đi vào tầng nguyên tử còn nhỏ hơn nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Con tác động lên chúng còn dễ hơn nữa nếu con biết cách. Bây giờ nếu con có thể đi vào tầng hạt cơ bản mà thực chất là sóng năng lượng thì sẽ ra sao?
14.8. Tâm có thể tác động lên sóng năng lượng
Con yêu dấu, thày đồng ý là tâm con không thể tác động lên hòn đá, nhưng tại sao tâm không thể tác động lên hòn đá? Bởi vì hòn đá là một khái niệm do tâm tạo ra, và tâm con không vượt quá được khái niệm mà chính nó đã áp đặt lên hòn đá. Khi con còn tin vào khái niệm này, khi con chưa chất vấn nó, khi con còn tin khái niệm này không tránh được, không thay đổi được, thì tâm con không thể tác động lên hòn đá.
Con yêu dấu, tâm con là gì? Phải chăng nó là một trường năng lượng? Hòn đá là gì? Nó được cấu tạo bởi phân tử, được cấu tạo bởi nguyên tử, được cấu tạo bởi hạt cơ bản mà thực chất là sóng năng lượng. Nếu tâm của con là một trường năng lượng, thì tại sao nó lại không thể tác động được các trường năng lượng cấu tạo ra các hạt cơ bản, cấu tạo ra các nguyên tử, cấu tạo ra các phân tử cấu tạo ra hòn đá?
Nếu con có thể dùng tâm để đi vào một tầng sâu đủ, thì đâu có lý do gì con không tác động được lên hòn đá? Hay đâu có lý do gì con không chữa lành được thân thể với tâm khi con nhận ra thân thể cũng được cấu tạo bởi những đơn vị nhỏ hơn? Trong thân thể có những bộ phận nhưng mọi thứ trong thân thể được cấu tạo bởi phân tử. Mọi thứ được cấu tạo bởi nguyên tử. Mọi thứ được cấu tạo bởi hạt cơ bản mà thực chất là sóng năng lượng.
Tâm của con là một sóng năng lượng. Thân thể của con là một sóng năng lượng. Tại sao tâm của con lại không thể đạt được khả năng tác động lên các sóng năng lượng cơ bản cấu tạo nên thân thể con và từ đó thay đổi thân thể con ở tầng cấp vật lý? Con thấy chăng, con không thể làm điều này nếu tâm con còn dính chặt vào khái niệm “vật”, vào hình ảnh mà con đã áp đặt lên thân thể vật lý. Con nhìn thân thể là một vật, một đơn vị thuần nhất. Con có thể nhận ra là nó có những thành phần như bộ phận, tế bào và các thứ khác, nhưng hầu hết mọi người vẫn coi thân thể là một đơn vị thuần nhất.
Lúc đó, khi có chuyện trục trặc với thân thể, con yêu dấu, họ tức khắc chấp nhận là có điều gì trục trặc với thân thể. Nếu có điều gì trục trặc với thân thể ở tầng cấp vật lý, thì tâm họ cũng chấp nhận là chỉ có thể chữa được ở tầng cấp vật lý. Nếu nguyên nhân không ở tầng vật lý vì thân thể là sự phóng chiếu từ ba thể cao hơn, thì tại sao con lại không thể thay đổi những gì ở trong ba thể cao để thay đổi sự biểu hiện vật lý?
Con yếu dấu đây chỉ là lý luận giản dị. Nó không giản dị chút nào khi tâm con bị dính chặt muốn thấy mọi thứ là “vật”. Ngày nào con còn thấy thân thể là một vật, một đơn vị thuần nhất, con không thể chữa lành thân thể với quyền năng của tâm. Tâm không thể thay đổi khái niệm “vật” mà chính tâm đã áp đặt lên thân thể. Con hiểu ra điều này chăng? Con hiểu ra nó quan trọng như thế nào chăng?
Chính tâm đã áp đặt hình ảnh “vật” lên thân thể. Ngày nào tâm chưa chất vấn hình ảnh này, chưa thấy nó như nó là, chưa thấy nó chỉ là một hình ảnh và chưa nhìn quá hình ảnh đó, thì tâm không thể chữa lành thân thể. Nếu con giải thoát tâm con khỏi khuynh hướng nhìn mọi vật là vật, con có thể bắt đầu chữa lành thân thể con bằng quyền năng của tâm. Con yêu dấu, lẽ dĩ nhiên đây là điều thày mong muốn cho con.
14.9. Niệm tinh khôi
Rõ ràng là con có một Sứ vụ Thiêng liêng. Có những điều con cần làm. Rõ ràng là trong một số trường hợp, mang bệnh và ứng phó với bệnh là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Trong trường hợp khác, có một thân thể khỏe mạnh là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Lẽ tất nhiên, thày muốn con tới được điểm mà con biết được bệnh tật là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con, hay con biết cách thăng vượt căn bệnh để tiếp tục với Sứ vụ Thiêng liêng của con. Để tới điểm này, con cần nhận ra một số điều.
Bây giờ có một khái niệm mà các thày đã dùng từ ít lâu nay, và khái niệm này khởi thủy do Mẹ Mary đưa ra. Đó là khái niệm giữ niệm tinh khôi. Lẽ dĩ nhiên, đây là một cách chơi chữ với quan điểm “thụ thai tinh khôi” cho rằng Giê-su được thụ thai tinh khôi không cần có yếu tố con người xen vào. Nói cách khác, không có người nam nào cho tinh dịch để trái trứng thụ thai – thụ thai là do Thánh Linh thực hiện. Lẽ đương nhiên, như các thày đã giải thích, chuyện không xảy ra như vậy.
Ý thày muốn nói là Mẹ Mary đã khai triển ý tưởng là Mẹ có thể giữ một niệm tinh khôi. Mẹ giải thích là chính mẹ đã giữ niệm tinh khôi về Giê-su từ lúc thày sinh ra và cho tới khi thày lớn lên. Con yêu dấu, bây giờ con hãy nhìn kỹ hơn vào hoàn cảnh này.
Đây là một người phụ nữ sanh một con trai. Bây giờ, bất kể đứa con được thụ thai như thế nào, bất kể viễn kiến của bà về người con ra sao, phải chăng là bà sẽ có tình cảm bình thường của người mẹ đối với con trai dựa trên văn hóa của bà? Con hãy nhìn chuyện gì xảy ra cho người con trai này là Giê-su. Cậu bé lớn lên thành một thanh niên khỏe mạnh và có khả năng nhưng ở tuổi thanh xuân, Giê-su bị giới chức trách bắt giam, tra tấn, đóng đinh trên thập tự và chết. Có thể nào một người mẹ bình thường có viễn kiến như vậy về con trai mình chăng?
Khi con xem xét sự việc này, con nhận ra là nếu Mẹ Mary giữ niệm tinh khôi về Giê-su, điều này không có nghĩa là từ lúc Giê-su sinh ra, bà có viễn kiến một ngày kia Giê-su sẽ bị bắt, bị tra tấn và hành quyết. Vậy thì bà giữ niệm tinh khôi cho Giê-su nghĩa là gì? Bà nhận ra rằng Giê-su không phải là một đứa con trai bình thường, Giê-su sẽ không có một cuộc sống bình thường, nhưng niệm tinh khôi của bà là gì? Trước tiên, bà giữ khái niệm Giê-su sẽ tiếp tục tăng triển tâm thức và thăng vượt tâm thức cho tới khi Giê-su đạt được tầng mức quả vị Ki-tô cho phép thày hoàn thành sứ vụ của thày. Niệm tinh khôi có hai khía cạnh. Nó là viễn kiến tăng triển liên tục và nó là viễn kiến mỗi người có một sứ vụ, một Sứ vụ Thiêng liêng, và giữ viễn kiến là người đó sẽ hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng.
Lẽ dĩ nhiên con có thể làm điều này cho chính mình. Nếu con giữ niệm tinh khôi cho chính mình, con giữ cả hai khía cạnh Alpha và Omega này. Trước tiên, con nhận ra ý nghĩa sự sống là tăng triển, là thăng vượt. Con giữ niệm tinh khôi là con sẽ tiếp tục tăng triển, đạt các khai ngộ và đạt tầng tâm thức cao nhất có thể đạt được trong kiếp này. Sau đó con giữ viễn kiến là con ở đây để làm điều gì đó trong kiếp này. Con giữ viễn kiến là con sẽ hoàn thành các điều trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Bây giờ, đây là lúc con cần đứng lùi lại và nhận ra khi con giữ niệm tinh khôi cho mình, như thày đã giải thích, rất có thể nó sẽ rất khác với những gì hầu hết mọi người mường tượng về cuộc sống bình thường của một người. Thậm chí nó có thể rất khác những gì con thấy về cuộc đời mình cho tới lúc này.
14.10. Không có điều gì không được xảy ra
Con yêu dấu con nhận ra chăng là khi con lớn lên trong xã hội hiện đại, có sự phóng chiếu lên con từ mọi hướng là cuộc sống của con phải thế này hay không được thế kia? Sự phóng chiếu có thể đến từ cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thày cô, mỗi người mà con gặp, chính xã hội, sa nhân và tà lực và các thứ khác. Suốt cuộc đời con, có rất nhiều sự phóng chiếu hướng về con nói rằng cuộc sống phải thế này và không được thế kia. Ở điểm này, thày muốn nói: “Nếu con thật sự muốn sống cuộc đời mình, con phải xem xét chuyện phóng chiếu này và nói: “Con có bao nhiêu ý tưởng về điều phải xảy ra và không được xảy ra cho con?”
Rồi con cần tự hỏi mình: “Phải chăng trước giờ tôi đã nghĩ rằng giữ niệm tinh khôi cho mình có nghĩa là cuộc sống của tôi theo con đường bị ảnh hưởng từ bên ngoài cho rằng điều này phải xảy ra hay không được xảy ra cho tôi? Phải chăng tôi đã nghĩ rằng giữ niệm tinh khôi là tôi lượng định mỗi hoàn cảnh dựa theo ý tưởng điều phải xảy ra và điều không được xảy ra và ngay lập tức phán xét rằng điều mà tôi nghĩ không được xảy ra là điều sai? Phải chăng đây là cái nhìn của tôi về giữ niệm tinh khôi? Phải chăng đây là cách tôi đang nhìn cuộc đời mình?
Con thấy chăng đây là những gì con được dạy dỗ. Những phóng chiếu này dựa trên tầng cấp vật hay sự việc, tức là có một số sự việc phải xảy ra và một số sự việc không được xảy ra trong một cuộc sống bình thường,. Con phải làm một số việc và con không được làm một số việc. Đây là tầng cấp vật, hay sự việc. Sứ vụ Thiêng liêng của con đòi hỏi con tăng triển về tâm thức. Để có thể thăng vượt một tầng tâm thức thì con phải nhìn thấy tâm thức này.
Điều con nhận ra ở đây là đối với một người đang hiện thân, nhận ra điều hạn chế mình rất khó, rất tinh tế. Có những lúc con đọc một cuốn sách tâm linh và con thấy được: “Ồ, cái này hạn chế tâm của tôi và tôi cần buông bỏ nó.” Tất cả chúng ta, những người đã từng đầu thai, đều nhận ra rằng chúng ta không thể học hết mọi thứ bằng cách đó. Có những trường hợp cách học duy nhất là trải nghiệm một hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ta giản dị là như thế vì chúng ta đang sống trong một môi trường dày đặc như trái đất. Đôi lúc chúng ta tỉnh giác qua giáo lý dùng ngôn từ nhưng có lúc khác, chúng ta tỉnh giác qua kinh nghiệm trực tiếp của giác quan, thân thể và tâm. Con yêu dấu, con thấy chăng, con cần một số kinh nghiệm trong cuộc sống.
Bây giờ con làm được gì đây? Con có thể nhìn vào cuộc sống mình và nói: “Có lợi ích gì chăng khi tôi lượng định cuộc sống mình theo một tiêu chuẩn được áp đặt lên tôi, tiêu chuẩn quy định cái phải xảy ra, hay cái không được xảy ra? Tôi có thể nào lùi lại một bước, nhìn cuộc sống mình và nói: ‘Không có cái phải là, không có cái không được là. Mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của tôi đã xảy ra vì vũ trụ đang tìm cách đánh thức tôi khỏi một ảo tưởng.’”
14.11. Thông điệp là gì?
Bây giờ, thay vì cưỡng lại điều đang xảy ra, thay vì tìm cách thay đổi những triệu chứng ở tầng vật lý, con có thể bắt đầu nghĩ: “Thông điệp ở đây là gì? Có điều gì trong này mà trước giờ con không thấy?” Chúng ta hãy nói về bệnh tật trở lại. Khi lớn lên, con được dạy dỗ để nghĩ rằng sức khỏe bình thường là tự nhiên và khi có bệnh là trục trặc. Do đó, con phải coi đây là một sự trục trặc và phải đi gặp bác sĩ, xem bác sĩ có tìm ra nguyên nhân vật lý không và tiêu hủy nguyên nhân vật lý này.
Con yêu dấu, thày không nói là con không nên đi bác sĩ để cứu mạng mình. Điều thày nói là: Điều gì ngăn trở con lùi lại một bước và đáp ứng một cách khác, và nói: “Có thể nào căn bệnh là một thông điệp cho con? Vũ trụ có đang tìm cách dạy con một điều gì? Căn bệnh có đang tìm cách chỉ cho con một ảo tưởng nào đó, một tâm thức nào đó mà con phải thăng vượt? Phải chăng khi con thăng vượt nó, con sẽ tiến gần hơn việc hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình?” Như thày đã nói ở trước, trong một số trường hợp, con đã chọn mang một căn bệnh vì con muốn chứng minh cho người khác thấy con có thể là một người hạnh phúc, toại nguyện và an bình dù là con bị bệnh hạn chế. Một số các con đã chọn mang một căn bệnh để chứng minh con có thể vượt qua căn bệnh, con có thể chữa lành nó, con có thể vượt thăng nó?
Con thấy chăng, nếu con đã chọn mang một căn bệnh vì con muốn chứng minh điều gì cho người khác, hay vì con muốn vượt qua nó hay vì nó là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con vì con tìm cách giúp mình thấy một tâm thức nào đó, thì chống lại căn bệnh đâu có nghĩa lý gì? Tại sao con cho phép tâm mình dính chặt vào tầng cấp của vật khiến con nghĩ thân thể này là một vật và bây giờ cái vật này xảy ra cho thân thể con và con cần tiêu diệt cái vật này? Tại sao con không vượt quá điều này và nhìn nó một cách khác? Có điều gì ngăn cản con làm như thế? Lẽ dĩ nhiên đâu có gì ngăn cản con ngoại trừ tâm thức sa ngã nói với con là con không bao giờ nên nhìn vào chính bản thân mình.
14.12. Thăng vượt tâm thức
Con hiểu ra giữ niệm tinh khôi cho mình thật sự nghĩa là gì chăng? Sa nhân không muốn thay đổi chính họ. Con là người tâm linh đã định ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình chung với các chân sư thăng thiên, điều con muốn làm lẽ dĩ nhiên là thay đổi chính mình. Sứ vụ Thiêng liêng của con xoay quanh việc con thay đổi chính mình, thăng vượt các tầng tâm thức và bước lên càng nhiều bước càng tốt trên 144 tầng cấp trong kiếp sống này. Đây là điều trọng yếu trong Sứ vụ Thiêng liêng của con: tăng triển tâm thức.
Cốt lõi của sự sống, cốt lõi của con đường tâm linh đối với con là thăng vượt tâm thức. Cốt lõi của sự chống đối của sa nhân là chống lại thăng vượt tâm thức. Khi con nhận ra điều này, con có thể nói: “Tại sao con phải sống cuộc đời mình dựa trên tư duy của sa nhân? Con muốn sống cuộc đời mình dựa trên tư duy của các chân sư thăng thiên là thăng vượt không ngừng.” Con có thể chuyển đổi tâm thức, nhiều người đã đến tầng cấp này mà chưa chuyển đổi tâm thức một cách có ý thức. Do đó, họ vẫn còn bị kẹt chỉ thấy mọi sự ở tầng cấp của vật, chỉ thấy ở tầng cấp khái niệm, và phán xét mọi chuyện dựa trên cái phải xảy ra hay không được xảy ra.
14.13. Làm hòa với cuộc đời của con
Con yêu dấu, trong bài giảng này và ở tầng này của khóa nhập thất của thày, thày thật sự mong muốn thấy con thoát khỏi những phán xét ở tầng cấp của vật (chúng chỉ là những khái niệm mà tâm con và tâm tập thể đã gán lên mọi chuyện xảy ra trong vũ trụ). Thày thật sự muốn con có khả năng nhìn vào cuộc sống mình và thoát khỏi mọi phán xét về cái phải xảy ra hay không được xảy ra.
Thày biết rằng nhiều người trong chúng con đã lớn lên trong những điều kiện rất khó khăn. Con đã lớn lên trong những hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Đây là trường hợp của rất rất nhiều người trên con đường tâm linh. Con đã chọn những hoàn cảnh này vì một lý do. Nó là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Có chuyện gì đã xảy ra mà đáng lẽ không được xảy ra chăng? Có phải chăng đây là cơ hội để con nhìn thấy điều gì bên trong con và để chứng minh cho người khác thấy con đã lớn lên trong một hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vượt lên trên được? Con có thể tới một điểm con nhìn vào cuộc đời mình và nói: “Có cách nào khác nhìn vào cuộc đời mình ngoài cách nhìn ở tầng cấp sự thể và phán xét mọi sự dựa theo tâm thức cái phải là và không được là?” Thày đã nói với con là con có thể nhìn hòn đá và thấy nó có nhiều thành phần khác nhau. Phải chăng con cũng có thể nhìn một hoàn cảnh trong đời và thấy nó có nhiều thành phần khác nhau? Thay vì nhìn cuộc đời ở tầng cấp sự thể mà thôi, dựa trên phán xét cái phải là và cái không nên là, con có thể lùi lại một bước và nhìn hoàn cảnh với nhiều sắc thái vi tế hơn, phức tạp hơn. Biết đâu tuổi thơ khó khăn của con là cách nhanh nhất để con cân bằng nghiệp từ kiếp trước mà con có với cha mẹ và các anh chị em? Biết đâu nếu con học xong bài học và làm chủ phản ứng của mình trước hoàn cảnh, con đã cân bằng được nghiệp đó và bây giờ con được tự do đi tiếp cuộc đời, không những thoát khỏi những người này mà con cũng thoát khỏi tâm thức mà họ biểu trưng? Biết đâu con chọn lựa ở trong một hoàn cảnh rất khó khăn vì con cần học bài học là con không thể thay đổi người khác, con chỉ thay đổi được mình thôi? Do đó, khi con tập trung vào việc thay đổi mình, và con tha thứ những người khác và cho phép họ là chính họ và cho phép họ biểu hiện tâm thức của họ, thì con được tự do tiến tới những khía cạnh khác của Sứ vụ Thiêng liêng của con.
14.14. Làm hòa với người khác
Con yêu dấu, con thấy chăng, khi con đang hiện thân, con lớn lên bên cạnh nhiều người và họ có ảnh hưởng lớn trên đời con. Một điều thiết yếu trong khóa tự điều ngự là con tới được điểm hiểu ra rằng nếu con ngừng đánh giá những tương tác giữa con và người khác dựa trên tâm thức cái phải là và cái không được là, tâm con sẽ bình an với diễn tiến của sự tương tác. Con sẽ tới điểm nhận ra nếu hành động của con là sản phẩm của trạng thái tâm thức của con, thì hành động của họ là sản phẩm của trạng thái tâm thức của họ. Con cũng hiểu ra là họ có toàn quyền tự quyết. Công việc của con không phải là thay đổi người khác. Có thể một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con là cho họ cơ hội thấy có một cách hành động khác, một cách đáp ứng khác, một cách nhìn đời khác.
Con thấy chăng, con yêu dấu, công việc của con là cho người đó một cơ hội bằng cách chứng minh có một cách đáp ứng khác. Công việc của con không phải là ép buộc người đó phải chọn lựa chấp nhận bài học. Đây là lý do con không nhìn hoàn cảnh với ý tưởng cho rằng họ phải học bài học đó và họ phải học điều mà con nghĩ họ phải học. Không có cái phải là và cái không được là. Công việc của con là cho họ cơ hội chọn lựa, không phải là chọn giùm cho họ.
Khi con đã cống hiến cơ hội đó, con đã làm xong việc của mình. Có nghĩa là bây giờ con đã thoát khỏi hoàn cảnh đó, nhưng con không thể thoát khỏi hoàn cảnh nếu con còn phán xét dựa trên cái họ phải làm hay cái họ không được làm. Khi ấy con lại buộc con vào họ và tạo một nghiệp mới cho mình. Có nghĩa là con có thể phải trở lại đầu thai với họ trong một kiếp sống khác cho tới ngày con rốt cuộc được tự do và cho họ được tự do là chính họ. Con được tự do là gì con là mà không cần biết họ chọn lựa ra sao.
Con nhận ra là, nếu con nhìn vào tất cả các mối tương tác và dính dáng giữa con và người khác, con có thể áp dụng phương pháp trên chăng? Con nhìn vào điểm: Con cần làm gì để tới được điểm mà trong tâm con, con hoàn toàn tự do khỏi người này? Trọng tâm không phải là thay đổi người kia vì tự do của con không tùy thuộc vào hành động và trạng thái tâm người kia. Nó tùy thuộc vào trạng thái tâm của con.
Con sẽ tự do khi con tự do trong tâm của con. Thày đã nói với con điều này trong suốt các bài giảng trước và đặc biệt trong bài giảng này. Con nhìn vào quan hệ của con với người khác như một sự thể vì con nhìn vào nó với viễn kiến nhìn mọi thứ là vật thể hay sự thể. Con thường nhìn người khác và nghĩ: Ồ y là như thế và như thế và không ai có thể làm gì để thay đổi được. Sau đó con nghĩ quan hệ của con với người đó không thay đổi được cho tới khi người đó thay đổi, nhưng vì y sẽ không thay đổi, con không thấy cách chi quan hệ có thể thay đổi được. Làm như thế là con tước đi uy lực của mình.
Khi con lấy lại uy lực của mình, con nhận ra rằng không cần biết người kia như thế nào hay người kia có sẽ thay đổi hay không, điều quan trọng là con thay đổi cách con nhìn người kia để người kia không ảnh hưởng được con. Giê-su nói: “Ông hoàng thế gian tới và chẳng tìm thấy gì trong ta để ảnh hưởng được.” Con có thể xem là bất cứ con gặp ai, người đó có thể là một công cụ của ông hoàng thế gian. Ông đang giản dị tìm mọi cách để khiến con phải phản ứng một cách tiêu cực, dựa trên sợ hãi để ma quỷ ảnh hưởng được con.
14.15. Bị kẹt vào xung đột giữa người và người
Con yêu dấu, cách giản dị nhất để ngăn cản con làm những phần tích cực trong Sứ vụ Thiêng liêng của con là gì? Đó là khiến con bị kẹt vào những xung đột với người khác làm con mất hết thì giờ, sự chú ý và năng lượng. Con không thể nào đi quá một tầng nào đó của con đường tâm linh nếu con còn bị kẹt trong những quan hệ cá nhân làm tiêu hao rất nhiều sức của con.
Con cần tới một điểm vượt lên trên tầng cấp của vật và con nói: “Con có một Sứ vụ Thiêng liêng và một phần của Sứ vụ Thiêng liêng là con thăng vượt một tầng tâm thức nào đó, một tầng ảo tưởng nào đó. Có thể chăng là người khiến con bực mình quá sức đang làm chuyện đó vì y đang lợi dụng cái ảo tưởng mà con không thấy được trong con?” Có thể chăng là người đang làm con bực mình quá sức thật ra là một Sứ giả Thiêng liêng? Y được gửi đến để chỉ cho con thấy điều mà cho tới nay con chưa thấy được và điều mà con cần vượt qua trong chính mình để có thể vươn lên tầng tâm thức cao hơn và bắt đầu thể hiện những khía cạnh tích cực của Sứ vụ Thiêng liêng của con – là cống hiến món quà của con?
Một phần Sứ vụ Thiêng liêng của con là vượt qua những giới hạn của mình nhưng thường đây không phải là phần hào hứng của Sứ vụ Thiêng liêng. Phần hào hứng của Sứ vụ Thiêng liêng là con có một món quà tích cực cho trái đất và con bắt đầu tặng món quà đó. Tại sao con lại cho phép những tranh chấp nhỏ mọn với người khác ngăn cản con thực thi khía cạnh hào hứng của Sứ vụ Thiêng liêng của con, khi con chỉ cần chuyển đổi viễn quan của mình và nói: “ Bài học ở đây là gì? Con cần học điều gì trong mối quan hệ của con với người này? Nó chỉ cho con thấy những dính mắc nào vào những chuyện phải là và không được là?”
Nếu con phân tích bất kỳ quan hệ thiếu hài hòa nào, con sẽ nhận ra là người kia khiến con bực mình vì con có một hình ảnh cho rằng người khác không được làm thế, không được cư xử như thế, không được nói những câu như thế với nhau. Nếu con nhìn vào bề sau, con sẽ thấy rằng tất cả những cái phải là và không được là trong tâm con sẽ ngăn cản con hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Nó cũng ngăn cản con đạt được viễn kiến mà thầy muốn dẫn con tới.
14.16. Đạt được viễn kiến bất nhị
Thày đang hướng dẫn con tới một viễn kiến không nhị nguyên, không dựa trên sự phán xét với hai đối cực. Nó là viễn kiến trong sạch, viễn kiến rõ ràng nhìn mọi vật như là nó là. Con có thể tới điểm mà con nhìn mọi cảnh huống mà không phán xét. Con yêu dấu, đó là lúc con có thể neo mình vào cái mà các thày gọi là Dòng Sông sự Sống và thấy cuộc sống của con là một dòng chảy liên tục.
Con xét xem đa số nhìn hoàn cảnh sống như thế nào. Họ nghĩ; “Tôi có quan hệ với người này đang làm tôi bực mình quá và chuyện này ngăn cản tôi tăng triển. Chuyện này ngăn cản tôi làm những gì tôi muốn làm trong đời mình.” Con thấy là đa số nhìn cuộc đời như một tiến trình ngừng-lại-và-đi-tiếp. Họ muốn đi tới chỗ nào đó trong cuộc sống nhưng luôn luôn có một điều gì ngừng họ lại, không cho phép họ đến nơi đó.
Khi con chuyển đổi viễn kiến của mình, con có thể thoát khỏi viễn kiến ngừng-lại-và-đi-tiếp và con bắt đầu thấy là mỗi hoàn cảnh con gặp chỉ là cách giúp con tiến lên với cuộc sống. Khi con nhìn một dòng sông chảy, có thể có vách đá hai bên dòng sông và tảng đá trong lòng dòng sông. Khi nước đụng vào đá, nó có ngừng chảy không? Nước có ngừng lại và nói: “Tảng đá này không được ở đây, ai đó phải dời nó đi để tôi chảy tiếp?” Không đâu, nước chỉ việc chảy chung quanh tảng đá. Đúng là dòng nước bị tảng đá làm đổi hướng nhưng nó không bị ngưng lại. Dòng nước chỉ việc chảy quá tảng đá và chẳng bao lâu sau nước lại tuôn chảy như chưa từng có tảng đá nào. Đây là cách con phải nhìn các hoàn cảnh trong cuộc sống của con. Thày xin lỗi thày dùng chữ “phải”, nhưng đây là cách con nhìn cuộc sống mình khi con đạt được viễn kiến cao mà thày đề cập.
Con có thể tới điểm mà con nhận ra bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời không phải là chướng ngại cho sự tiến bộ của con. Nó chỉ là thông điệp chỉ cho con thấy cách đi vòng quanh chướng ngại và tiếp tục tiến lên. Khi con làm như vậy, con đã tiến bộ.
14.17. Cho phép tâm giống như nước
Lúc đó con nhận ra một điều mà sa nhân không muốn con biết, là tâm giống như nước. Nước là một chất kỳ diệu, con yêu dấu. Con có thể lấy cái búa to nhất mà con có thể nâng lên được, và con đập nó vào dòng sông. Con làm nước bắn tung tóe nhưng chuyện gì xảy ra sau vài giây? Dòng nước lại chảy tiếp giống như chưa hề có điều gì ảnh hưởng nó. Tâm con cũng có khả năng đó. Con nhận ra bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc đời của mình, dù nó làm nước bắn tung tóe, tâm con vẫn có thể tiếp tục chảy. Khi con tha thứ, khi con buông bỏ, tâm con sẽ chảy tiếp, nước sẽ nhập lại với nhau, tâm con sẽ toàn vẹn và con sẽ tiếp tục tuôn chảy như không có gì đã xảy ra.
Khi tới điểm này của khóa nhập thất của thày, thày muốn con nhận ra một cách ý thức là con có thể làm cho tâm con lỏng như nước. Thày không nói rằng con có thể làm cho tâm con hoàn toàn lỏng như nước ở điểm này. Thày muốn con nhận ra là điều này làm được và con cần đặt mục đích này cho mình. Con làm cho tâm mình lỏng như nước, và muốn đạt được điều này, con cần sẵn lòng nhìn vào cuộc sống mình và nhận ra: Có sự việc nào đã làm cho tâm con cứng đặc chung quanh một chấn thương, một nỗi đau, hay một cái nhìn cho rằng chuyện này không được xảy ra? Tâm con có bị cứng đặc chung quanh quan điểm người khác phải thay đổi hay vũ trụ phải thay đổi, hay người khác không được thế này hay vũ trụ không được thế kia? Tâm con đã cứng đặc chung quanh điểm nào?
Và con nhận ra rằng mỗi hoàn cảnh khiến tâm con cứng đặc ở một thời điểm trong quá khứ, trong hành trình trên hành tinh này, đã buộc chân con lại không sống theo Sứ vụ Thiêng liêng. Nó ngăn cản con xuôi theo Dòng Sông sự Sống. Đây là lúc con có sự thúc đẩy mới muốn nhìn vào các ảo tưởng mà con đã chấp nhận. Đây là điểm mà con nhận ra thực là chẳng có gì phải xảy ra hay không được xảy ra.
Bây giờ con nhận ra rằng thực chẳng có cái gì phải xảy ra hay không được xảy ra bất cứ đâu trong vũ trụ, nhưng thái độ này đặc biệt quan trọng trên một hành tinh dày đặc như trái đất. Con đang sống trên một hành tinh rất khó khăn nơi có sa nhân đầu thai, và có sa nhân trong cả ba cõi cao hơn. Họ đã khiến con người tranh chấp với nhau, vì vậy con có những nhóm người liên tục xung đột với nhau. Lớn lên trong một môi trường như vậy rất là khó. Đầu thai nhiều kiếp trên hành tinh này cực kỳ khó. Điều thày muốn chỉ cho con thấy ở đây là cách duy nhất để sống trên một hành tinh như trái đất, để không để bị kẹt trong những cãi vã nhỏ mọn buộc sự chú ý của mình, cách duy nhất là con làm cho tâm mình lỏng như nước để con không bao giờ cho phép nó cứng đặc lại chung quanh bất cứ điểm nào trong quá khứ. Con giữ tâm con như một khối nước xuôi theo Dòng Sông sự Sống.
14.8. Duy trì dòng chảy
Mục đích này không dễ đạt, con yêu dấu. Thày không nói là con phải đạt nó ngay bây giờ hay trong năm phút. Con yêu dấu, con có thể đạt mục đích này, và con không cần mất cả quãng đời còn lại để đạt nó. Thật ra, con có thể đạt mục đích này trong một sự chuyển đổi tâm thức lớn và sau đó con dần dà quét dọn sạch sẽ bằng cách đọc các bài thỉnh để tiêu trừ những năng lượng bị trói trong các sự việc quá khứ. Cũng có thể, con cần xem xét một số hoàn cảnh cá biệt, một số người và nhận ra: “Con cần học bài học gì ở đây để con có thể tha thứ người này, để con buông bỏ ý niệm về cái phải là hay không nên là.”
Có thể con cần quét dọn rất nhiều, nhưng con có thể chuyển hóa tâm rất nhanh và nhận ra rằng tâm con lỏng. Tâm con như nước. Có một trở ngại đằng trước. Có cách nào để con đi vòng quanh nó và trở về xuôi theo Dòng Sông sự Sống mà không hề bị cản trở, bị chắn lối, bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì?
Con tới một điểm, con yêu dấu, mà con không còn thấp thỏm chờ cuộc khủng hoảng kế tiếp, sự cản trở kế tiếp, hay chướng ngại kế tiếp. Con không dính mắc vào bất cứ hoàn cảnh cá biệt nào, tranh đấu chống người khác hay chống lại cả vũ trụ. Con luôn luôn tuôn chảy và con chỉ quan tâm tìm cách duy trì dòng chảy. Có đây một chướng ngại nhưng con cũng chẳng nhìn vào chướng ngại này và con không hề gợn lên ý tưởng nó phải hay không được ở chỗ đó. Con nhìn vào điều sau: “Làm sao con chảy chung quanh chướng ngại được? Bên kia chướng ngại là gì?” Và sau đó con đã qua được bên kia và con lại tuôn chảy, và giống như là chướng ngại chưa bao giờ có đó. Có thể con học được bài học từ chướng ngại đó nhưng bây giờ con thể nhập bài học và con không cần nghĩ tới nó nữa. Con tiến tới bài học kế tiếp.
Con hiểu chăng, con yêu dấu? Con có thể nhìn vào một hoàn cảnh và nhiều người tâm linh làm điều này và nói: “Bài học cho con là gì? Con cần học điều gì?” Con hiểu rằng khi con đã học trọn vẹn bài học, khi con đã hoàn toàn thăng vượt một trạng thái tâm thức nào đó, một tầng tâm thức nào đó thì con không cần băn khoăn về nó nữa. Con không cần nghĩ về nó nữa. Con tiếp tục chảy và bây giờ con tìm bài học kế tiếp hay việc phụng sự kế tiếp.
Cuộc sống có thể thành một tiến trình trong đó con thoát khỏi mọi phê phán cái này phải xảy ra hay không được xảy ra. Chẳng có cái phải, chẳng có cái không được. Chỉ có niềm vui biết mình đang tuôn chảy theo Dòng Sông sự Sống. Con liên tục tiến tới điểm đi vào hợp nhất với nguồn cội tâm linh của con – với Hiện diện TA LÀ của con – trong nghi lễ thăng thiên huy hoàng.
TA LÀ Hilarion, thày hài lòng con có mặt với thày ở tầng này của khóa nhập thất của thày. Thày mong giảng cho con bài học cuối cùng mà thày phải truyền cho con.