Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 15/1/2017.
TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion. Con gặp gì khi con tới tầng thứ tư của khóa nhập thất của thày? Con gặp nhu cầu đối phó với một ảo tưởng vi tế khác, một ảo tưởng rất khó vượt qua, một khai ngộ khó khăn khác. Thày có nói là con có thể đã theo con đường tâm linh trong nhiều năm, ngay cả học giáo lý chân sư thăng thiên trong nhiều năm, nhưng vẫn còn một số ảo tưởng về điểm cốt yếu của con đường tâm linh.
Con yêu dấu, con có thể có hai cách nhìn. Dĩ nhiên con biết câu chuyện cũ về ly nước nửa đầy hay nửa vơi. Cũng giống vậy, một số đệ tử tâm linh, khi nhận ra là họ đã có một ảo tưởng hay đã làm việc gì không được cao cả nhất, có khuynh hướng nhìn khía cạnh tiêu cực và thấy là họ đã làm gì sai. Có nhiều cảm xúc liên hệ, như sợ hãi, hổ thẹn, hay tội lỗi.
Một số đệ tử khác nhìn sự việc một cách tích cực hơn và nhận ra mình đã nắm chặt một ảo tưởng là một điều tốt. Vì như vậy họ được giải thoát để lên tầng cao hơn của đường tu. Thái độ này, dĩ nhiên, là điều thày muốn con đạt được khi con tới tầng này của khóa nhập thất của thày.
10.1. Một ảo tưởng ở mỗi bước trong số 144 bước
Nếu con lùi lại và nhìn vào con đường tâm linh, thì con thấy là các thày có nói là con cần đi qua 144 tầng trước khi con sẵn sàng thăng thiên. Các thày cũng có nói là ở mỗi tầng có một trạng thái tâm thức tương ứng với tầng đó. Gắn liền với trạng thái tâm thức ở mỗi tầng là một ảo tưởng nào đó. Ảo tưởng này không nhất thiết là một ảo tưởng tiêu cực.
Khi con ở dưới tầng tâm thức 48, con nắm chặt ảo tưởng cho rằng con là một sinh thể tách biệt và con sẽ không bị hậu quả nếu con cư xử xấu với người khác hoặc con có quyền cư xử xấu với người khác. Khi con lên trên tầng 48, con có một loại ảo tưởng khác nhằm giữ con ở một trình độ nào đó. Những ảo tưởng này không nhất thiết hung hãn hay phá hoại, do đó không có lý do cảm thấy tiêu cực vì có chúng.
Con có thể nói là ở tầng tâm thức hiện nay của con, việc con không nhìn ra ảo tưởng tương ứng với tầng tâm thức đó là điều không thể tránh được. Nếu con đã nhìn ra ảo tưởng đó, con đã thăng lên tầng kế tiếp rồi. Con có thể nhìn con đường tâm linh như một tiến trình qua đó, từng bước một, con nhận ra ảo tưởng nào đó, và do đó buông bỏ và vượt qua nó.
Có thể nói con đường tu là như thế, và do đó con có thể tới điểm mà con không xem chuyện này là tiêu cực. Con không ngần ngại nhận ra ảo tưởng. Con cởi mở; con sẵn sàng nhận ra ảo tưởng. Trên thực tế, con tìm xem ảo tưởng kế tiếp là gì: “Ở bước này, ảo tưởng mà con cần vượt qua là gì?” Rồi khi con bắt đầu thấy nó, con vui mừng là bây giờ con thấy được nó và chuyện tu gần giống như một trò chơi thể thao.
Con có những trò chơi vi tính trong đó con đi trong đường hầm và có một số quái vật nhảy ra và con phải bắn giết chúng. Con có thể nhìn con đường tu một cách tương tự: con đi trên đường tu và ở mỗi tầng có một ảo tưởng nhảy ra trước mặt con, đó là cơ hội để con thấy nó, nhìn kỹ nó, thấy bản chất thật của nó, và sau đó buông bỏ nó và vượt qua nó.
10.2. Khiến con đường tu dễ dãi hơn cho con
Nếu con có thái độ này, thì phần còn lại của khóa học này và của con đường tu cho tới khi con sẵn sàng thăng thiên sẽ dễ dàng hơn cho con rất nhiều. Con không phải gánh chịu phản ứng không tránh được của tự ngã (hay là kẻ đứng trên ngưỡng cửa) muốn con dính mắc vào ảo tưởng ở mỗi tầng.
Con yêu dấu, con hãy tưởng tượng con duyệt qua những ảo tưởng từ tầng hiện nay của con đến tầng thứ 144 và ở mỗi bước con phải đánh nhau với tự ngã và kẻ đứng trên ngưỡng cửa. Tại sao con lại phải làm vậy khi con có thể khiến mọi chuyện dễ dãi cho con hơn bằng cách đứng lui lại và lấy thái độ coi đường tu cốt yếu là để thấy và vượt qua từng ảo tưởng một? Giống như chơi một trò chơi vi tính tương đối vô hại trong đó con tuần tự tiến lên qua một số tầng, thì trên con đường tu con có thể có cảm giác tương tự giống như khi con trong môi trường ảo của trò chơi vi tính. Thày không nói là những gì con người làm trên trái đất không có hậu quả hệ trọng hơn một trò chơi vi tính. Nhưng con có thể tránh đi vào phản ứng tiêu cực. Thày hy vọng là con tới điểm con không còn xem các bước sáng ngộ trên con đường tu hệ trọng đến độ mỗi bước trở thành một gánh nặng lớn và một bi kịch vĩ đại đối với con.
10.3. Chân lý là gì?
Ở tầng này của khóa nhập thất của thày, con phải đối phó với ảo tưởng nào? Có nhiều đệ tử chân sư thăng thiên (trong đó có người đã học giáo lý của các thày từ nhiều chục năm) đã có niềm tin – và đây là điều dễ hiểu – là giáo lý các thày dạy cho con chân lý; chân lý cao nhất. Dĩ nhiên là con cũng biết là một khía cạnh của Tia thứ Năm là Chân lý. Như Pontius Pilate có hỏi Giê-su: “Chân lý là gì?”. Đây chính là một câu hỏi mà nhiều học viên đã không xem xét, và con cần xem xét câu hỏi này ở tầng này của khóa nhập thất của thày.
Chân lý là gì? Chúng ta hãy tạm thời đứng lui lại và hỏi một câu khác: “Có cái gì thật sự là chân lý chăng?” Với hầu hết mọi người, trong khái niệm chân lý cũng có khái niệm phản chân lý, khái niệm dối trá. Chân lý tương phản với dối trá, và đây là cái gì? Hai đối cực dính liền với nhau, con yêu dấu, đây chính là nhị nguyên, phải không con?
Dĩ nhiên là thày biết là tâm nhị nguyên có thể lấy bất cứ trạng thái nào và tạo ra một hoàn cảnh mới trong đó có hai đối cực. Các thày có thể nói là có một chân lý không nhị nguyên. Nó có mặt ở đây. Trong cõi thăng thiên, các thày biết chân lý. Thày ở trên Tia thứ Năm và thày biết chân lý rất rõ vì thày mỗi lúc trải nghiệm chân lý như một thực tại hằng sống, một ngọn lửa tâm linh. Chân lý mà thày trải nghiệm trên cõi thăng thiên không có cái đối nghịch. Nó không tương phản với một cái đối nghịch. Nó không tương phản với phản chân lý hay dối trá.
Điều con cần nhận ra ở tầng này của khóa nhập thất của thày là có sự khác biệt giữa chân lý không nhị nguyên và chân lý nhị nguyên. Chân lý nhị nguyên có cái đối nghịch, do đó con nhận ra cái mà đại đa số con người trên trái đất xem là chân lý quả thực là một khái niệm nhị nguyên vì nó có cái đối nghịch. Tỷ dụ, con sẽ thấy là những người theo đa số các tôn giáo hay đạo sư Thời đại Mới, cho rằng tổ chức của họ có chân lý, giáo lý tâm linh cao nhất, và tất cả những giáo lý khác thấp hơn hay thậm chí còn là phản chân lý.
10.4. Khác biệt giữa sự thật và “Chân lý”
Con yêu dấu, ở tầng này của khóa nhập thất của thày, không có gì có thể gọi là chân lý. Con có thể nghĩ là nếu con nhìn vào tất cả các tôn giáo và triết lý tâm linh, con có thể xếp chúng trên một thang điểm và nói là có cái có một mức độ chân lý thấp và có cái có mức độ chân lý cao. Thày sẽ không phủ nhận là điều này không thể làm được vì dĩ nhiên là có một số triết lý do sa nhân trực tiếp tạo ra và do đó bao gồm nhiều hơn những ảo tưởng vi tế của họ.
Con cần nhận ra là ngay cả một giáo lý hoàn toàn do sa nhân tạo ra cũng có một số khái niệm mà đa số người tâm linh xem là thật. Nếu không như thế thì con người đã không bị giáo lý đó lừa gạt. Sa nhân không tạo ra một giáo lý trong đó mọi thứ đều sai hay đều là dối trá. Họ tạo ra một giáo lý trong đó có nhiều điều mà chúng ta có thể gọi là thật, nhưng có một số khái niệm sai lầm trộn vào. Con người chấp nhận giáo lý đó vì những điều mà họ nhận ra là thật, nhưng sau đó họ cũng chấp nhận những khái niệm sai lầm, và điều này dẫn họ theo con đường giả.
Con yêu dấu, con có thấy chăng là trong đoạn vừa rồi (nếu con chú ý) chính thày là chân sư thăng thiên, cũng gặp khó khăn dùng từ “sự thật” hay “chân lý” mà không đi vào một lượng định nhị nguyên tương phản nó với phản sự thật. Chúng ta hãy tạm để vấn đề này qua một bên. Điều mà thày muốn chúng ta chú tâm vào là nếu chúng ta lấy tất cả các tôn giáo và triết lý tâm linh và tạo ra một thang điểm xếp hạng chúng theo mức độ sự thật, thì các đệ tử chân sư thăng thiên sẽ có khuynh hướng nói rằng giáo lý chân sư thăng thiên được công bố như bài truyền đọc qua một sứ giả được bảo trợ, có mức độ sự thật cao nhất. Điều này vừa đúng vừa không đúng.
Dĩ nhiên, đúng là giáo lý các thày được trao truyền với mục đích duy nhất là giải thoát các con. Giáo lý không có những điểm sai cố ý nhằm đánh lừa con, như giáo lý của sa nhân. Nhưng con cần nhận ra rằng tuy các thày cho con một giáo lý thật, các thày không cho (và không tìm cách cho con) “Chân lý”. Chúng ta hãy phân biệt ở đây sự khác biệt tinh tế giữa chân lý và “Chân lý”.
Chân lý, hay sự thật, là một khái niệm nói chung. Một điều nào đó có thể chất chứa nhiều hay ít sự thật. Nhưng trong tâm thức đại chúng có một khái niệm về cái gì gọi là “Chân lý”. Đây là ý niệm có một giáo lý cao nhất, một sự thật tuyệt đối. Tỷ dụ, con thấy là nhiều người tín đồ Cơ đốc coi Thánh kinh là Lời của Thượng đế, tuyệt đối và không thể sai. Đối với họ, Thánh kinh là “Chân lý”, là thiên khải tuyệt đối cao nhất có thể trao truyền trên hành tinh này.
10.5. Các chân sư không trao truyền “Chân lý”
Con yêu dấu, các chân sư thăng thiên không bao giờ mong muốn đệ tử coi giáo lý của các thày, dù được trao truyền qua một sứ giả được bảo trợ, giống cách người Cơ đốc cực chính thống coi Thánh kinh của họ. Nếu con làm vậy, con đã hụt mục đích chính trong giáo lý các thày. Các thày không tìm cách cho con “Chân lý”, một giáo lý tuyệt đối cao nhất và do đó toàn hảo, sẽ không thay đổi theo thời gian, và không bao giờ cần khai triển hay nới rộng. Đây không phải là mục đích của các thày. Mục đích của các thày là gì?
Mục đích của các thày là gặp gỡ con ở tầng tâm thức nơi con có thể thấu hiểu giáo lý của các thày (tất cả mọi khía cạnh của giáo lý) và sau đó trao cho con điều giúp con bước lên cao hơn. Các thày không tìm cách trao truyền một giáo lý tuyệt đối, không thể sai và không bao giờ thay đổi. Các thày lúc nào cũng tìm cách giúp con tiến lên như một cá nhân để con có thể tới tầng 144 và hội đủ điều kiện thăng thiên. Các thày cũng muốn nâng tâm thức đại chúng, và con cần nhận ra một sự kiện giản dị. Với tầng tâm thức đại chúng hiện nay, những gì các chân sư thăng thiên có thể trao truyền bị hạn chế dù là các thày truyền qua một người sứ giả được các thày đỡ đầu.
Các thày không có tự do nói bất cứ điều gì vì nếu điều các thày nói quá cao so với tâm thức đại chúng thì rất ít người hiểu được. Trong thời đại này các thày không muốn chỉ đi đến một số ít người. Các thày cũng không muốn đi đến tất cả mọi người, nhưng các thày đang tìm cách đi đến nhiều người hơn trước kia. Nếu con nhìn vào các tổ chức mà các thày đã bảo trợ trong thế kỷ vừa qua, con sẽ thấy là lúc ban đầu các thày trao truyền một giáo lý rất khó tiếp nhận, dùng ngôn từ cổ điển, và do đó chỉ thu hút một số nhỏ. Sau đó, các thày dã dần dần trao truyền giáo lý dễ hiểu hơn và do đó thu hút được nhiều người hơn. Điều này dĩ nhiên các thày sẽ tiếp tục làm vì tâm thức đại chúng đang được nâng lên.
Vì tâm thức đại chúng được nâng lên, các thày có thể làm hai chuyện. Điều thứ nhất là các thày có thể trao truyền một giáo lý cao hơn những gì các thày đã làm trước kia, nhưng điều thứ hai là các thày cũng có thể tác động khía cạnh Omega bằng cách đem tới một giáo lý có thể thu hút một cử tọa rộng lớn hơn. Dĩ nhiên là các thày sẽ làm cả hai chuyện đó khi tâm thức đại chúng được nâng lên trong vòng mấy thập niên và thế kỷ tới khi chúng ta càng ngày càng đi sâu vào Thời Hoàng kim.
10.6. Hãy cân nhắc chuyện tham gia vào các tổ chức
Điều con cần nhận ra ở tầng này của khóa nhập thất của thày là mục tiêu của các thày không phải là trao truyền “Chân lý”. Tất cả những gì các thày làm chỉ có một mục đích, đó là giúp những người đang ở một tầng tâm thức nào đó thăng vượt tầng này và tiến lên cao hơn. Con cần xem xét điều này với tâm ý thức của con.
Khi con tới khóa nhập thất của thày trong ba thể cao của con, con không thể tiến lên tầng kế tiếp nếu con không hiểu ra điều này. Điều rất quan trọng là sự nhận biết này (mà con có thể có rất dễ dàng ở tầng ê-the) thấm xuống tâm ý thức của con. Điều quan trọng khác là con sẵn sàng, trong tâm ý thức, dùng lý trí phê bình để xem xét thái độ của con đối với các giáo lý tâm linh cho tới thời điểm này.
Thày biết đây là một việc khó khăn, có thể đau lòng, đối với một số người. Con cần nhìn vào chính mình và thái độ đối với con đường tu, dù có thể đau lòng, và làm những điều chỉnh cần thiết. Khi con làm xong những điều chỉnh này, thày bảo đảm với con là con sẽ cảm thấy giải thoát ˗ giải thoát khỏi gánh nặng đã đè lên con từ ngày con bước chân trên con đường tu. Con sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, và con sẽ sẵn sàng đón nhận một quan niệm hoàn toàn mới về con đường tâm linh.
10.7. Vì sao không có chân lý tuyệt đối
Con yêu dấu, chúng ta hãy xem xét trở lại khái niệm “Chân lý”. Thày có nói là các thày không thể đem xuống một giáo lý tuyệt đối vì con người không thể tiếp nhận nó ở tầng tâm thức hiện nay của họ và ở tầng tâm thức đại chúng hiện nay. Đó chỉ là một phần lý do vì sao các thày không đem xuống một giáo lý tuyệt đối. Phần kia của lý do là các thày nhận ra là không thể đem một giáo lý tuyệt đối xuống một bầu cõi chưa thăng thiên.
Trái đất dĩ nhiên không phải là hành tinh có tâm thức cao nhất trong vũ trụ vật chất. Có hành tinh có tâm thức cao hơn trái đất rất nhiều. Ở các hành tinh đó, các thày có thể đem xuống một giáo lý cao hơn rất nhiều những gì các thày có thể đem xuống trái đất. Tuy nhiên, nếu bầu cõi chưa thăng thiên, đó vẫn không phải là một chân lý tuyệt đối không bao giờ thay đổi. Con có thể nói là không có một chân lý tuyệt đối không bao giờ thay đổi vì trên cõi thăng thiên cũng có sự tiến bộ liên tục, tăng trưởng liên tục, thăng vượt liên tục. Khi toàn thể vũ trụ tự nâng lên, tự thăng vượt thì chân lý tiếp tục lên cao hơn. Chân lý cũng có tính thăng vượt, và nó chuyển đổi khi tâm thức được nâng lên. Chuyện này cứ tiếp tục như thế cho tới khi con đạt Tâm thức đấng Sáng tạo. Điều con cần làm ở tầng tâm ý thức là nhìn vào điều này và nhận ra là nếu con đi vào con đường tâm linh với ham muốn tìm ra chân lý tuyệt đối, thì con phải buông bỏ ham muốn đó vì nó là một cái gông quanh cổ sẽ trì kéo con lại. Ở trình độ hiện nay của con, con không nên đặt mục tiêu thấy được các đám mây sẽ tẽ ra và con sẽ khải ngộ chân lý tuyệt đối. Các đám mây rất có thể sẽ tẽ ra và con có kinh nghiệm nội tại về cõi tâm linh. Như các thày đã nói nhiều lần, cái Ta Biết thực sự có khả năng bước ra ngoài bốn thể phàm và kinh nghiệm Hiện diện TA LÀ, các tầng tâm thức cao hơn, ngay cả cõi tâm linh. Con cũng có thể kinh nghiệm chính đấng Sáng tạo như một trạng thái Sinh thể thuần khiết. Điều con nhận ra, khi con có những trải nghiệm thần bí như vậy, là chúng không thể diễn tả bằng lời. Nếu con tìm cách mô tả chúng bằng lời, con giảm thiểu sự trải nghiệm.
10.8. Chân lý không thể diễn tả bằng lời
Các thày trước đây có đưa thí dụ khi con gặp một người chưa bao giờ nếm trái táo, rất khó để mô tả cho người đó hương vị trái táo vì đó là một trải nghiệm toàn bộ. Điều thày muốn nói là không thể trình bày “Chân lý” bằng ngôn từ.
Con không thể diễn tả một sự thật tuyệt đối bằng lời nói. Thày đã nói về các hành tinh có trình độ tâm thức đại chúng cao hơn, nhưng điều đó có nghĩa cư dân các hành tinh không giao tiếp với nhau bằng ngôn từ, hay ít nhất là chỉ bằng ngôn từ. Điều này có nghĩa là các thày có thể đem xuống đó một giáo lý tòan diện hơn bao gồm một số khía cạnh không diễn tả bằng ngôn từ, và điều này giúp các thày cho cư dân nơi đó một trải nghiệm đày đủ hơn về sự thật.
Con hiểu rằng điều các thày muốn đạt được là dẫn con tới chỗ con có kinh nghiệm thần bí. Con nhận ra có một trải nghiệm cao hơn những gì được diễn tả bằng ngôn từ. Các thày muốn con có trải nghiệm này và đó là mục tiêu của các thày khi con tới khóa nhập thất. Các thày cũng hy vọng là các quyển sách này cùng với giáo lý và các bài thỉnh sẽ giúp con mở tâm (bốn tầng của tâm) ra để con có những trải nghiệm này. Ngôn từ chỉ là phương tiện để đạt một cứu cánh, phương tiện để đưa tới trải nghiệm.
10.9. Phải hành xử ra sao với kinh nghiệm thần bí
Bây giờ, dĩ nhiên, chúng ta gặp một ảo tưởng vi tế khác mà con cần nhìn thấy. Thày có nói về những người Cơ đốc giáo cực chính thống coi Thánh kinh là Lời Thượng đế. Khi con đi vào tâm của những người này, con thấy là có một số người thực sự tin chắc như vậy vì họ đã có một trải nghiệm mà con có thể gọi là trải nghiệm thần bí. Họ đã trải nghiệm tâm thức họ lên một tầng cao hơn bình thường và họ thốt nhiên “thấy”là Thánh kinh là Lời Thượng đế và Giê-su là con đường duy nhất dẫn tới cứu rỗi. Họ trải nghiệm điều này như một kinh nghiệm nội tâm toàn bộ tạo nơi họ một cảm giác choáng ngợp mà họ cảm thấy hoàn toàn thật.
Con yêu dấu, làm sao lại có thể có (khi con biết là Thánh kinh không phải là Lời nguyên văn của Thương đế) một trải nghiệm Thánh kinh là Lời Thượng đế và cảm thấy trải nghiệm này hoàn toàn thực? Ấy, điều này có thể xảy ra vì lý do giản dị là con ở một tầng tâm thức nào đó trong số 144 tầng tâm thức. Như thày đã nói, ở mỗi tầng tâm thức có một ảo tưởng liên quan tới tầng đó. Con có thể bước ra ngoài ảo tưởng đó và thấy cái gì cao hơn, và khi con làm thế, con cảm thấy điều mình thấy rất thật. Trong quá trình lịch sử, hàng triệu người đã có trải nghiệm thần bí. Con yêu dấu, các trải nghiệm này đa phần là chân thật. Những người có trải nghiệm này cảm thấy chúng rất thật. Nhưng sự thực là họ cảm thấy chúng rất thật vì chúng vượt quá tầng tâm thức hiện tại của người trải nghiệm. Chúng không chỉ cho họ thực tại tuyệt đối, cao nhất có thể đạt được.
10.10. Ảo tưởng của sự thực tuyệt đối trong lịch sử
Vấn đề là con người không thể thấy điều này ở các tầng tâm thức thấp. Thày Serapis Bey không giảng đề tài này như thày giảng cho con, vì con chưa sẵn sàng khi con tham dự khóa nhập thất của thày Serapis Bey. Khi con tới tầng thứ tư của khóa nhập thất của thày thì con sẵn sàng thấy với tâm ý thức của con. Đó là lý do vì sao thày giảng điều này. Con yêu dấu, con thấy chăng là ngay lúc này, con đang có một ảo tưởng, và ảo tưởng này có thể là con nghĩ phải có một chân lý cao nhất. Con bây giờ đã sẵn sàng để nhìn quá ảo tưởng này.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn lịch sử thế giới để xem xét ảo tưởng này đã tạo ra những gì. Ngay lúc này, trong lúc thày đang truyền đọc bài giảng này, ở Trung đông có một phong trào gọi là ISIS hay IS. Họ là những người Hồi giáo cực đoan cảm thấy giết người không theo đạo Hồi là điều hoàn toàn chính đáng, và giết luôn cả những người Hồi giáo mà họ nghĩ đang không đi theo con đường chân thật duy nhất. Đa số con người, dĩ nhiên, có thể thấy đây là hình thức cuồng tín. Nhiều người ở Tây phương tự nghĩ: Tại sao lại có người tin như vậy, tại sao họ lại có thể cư xử như vậy? Con nên hiểu là đa số những người cư xử như vậy đã có một trải nghiệm nội tâm mà họ cảm thấy rất thật. Với họ, kinh nghiệm nội tâm này chứng thực niềm tin là truyền bá đạo Hồi là điều cần thiết, ngay cả dùng bạo lực cũng được, và Thượng đế sẽ thưởng họ khi họ làm vậy. Con hãy nhìn suốt chiều dài lịch sử thế giới và thấy đã có bao nhiêu lần con người đã gây chiến tranh với tư duy cuồng tín, tin rằng có một đại nghĩa quan trọng đến độ giết người khác trở nên chính đáng. Con yêu dấu, điều này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong lịch sử. Thày biết là con đã vượt lên trên tầng tâm thức cho rằng giết người để xiển dương một đại nghĩa nào đó là điều chính đáng. Điều thày muốn con làm là con đi bước cuối cùng trong việc buông bỏ hạt giống cuối cùng của tâm thức cuồng tín đó. Đó là khi con, với tâm ý thức, nhận ra và nhìn nhận là không có một đại nghĩa nào trên trái đất biện minh cho việc giết người khác.
Con yêu dấu, chân lý không đáng để chúng ta bỏ mạng và giết người. Lý do rất giản dị. Chân lý là một khái niệm tùy thuộc vào trạng thái tâm thức hiện thời của con. Khi con còn ở trên trái đất, và đúng thực là ngay cả ở cõi thăng thiên, lúc nào con cũng có thể nâng tâm thức mình lên và thấu hiểu một biểu hiện chân lý cao hơn điều mà con có thể hiểu hiện nay.
Giết một mạng người (cũng như là hại mạng mình khi mình tham dự chiến tranh với tư duy cuồng tín và bị giết) là một hành động tuyệt đối vì nó vĩnh viễn chấm dứt cơ hội đặc trưng của kiếp sống đó. Đúng là linh hồn không chết và sẽ đầu thai trở lại, nhưng nó không thể nào đầu thai trở lại trong cùng hoàn cảnh bên ngoài. Do đó, cơ hội đặc trưng của kiếp sống đó bị chấm dứt vĩnh viễn khi người đó bị giết. Trong khi đó, chân lý không tuyệt đối, không vĩnh viễn. Vậy con có thể thấy: làm sao việc bảo vệ một chân lý không vĩnh viễn có thể biện minh cho một hành động tuyệt đối, vĩnh viễn là việc giết người?
10.11. Vượt qua tư duy cuồng tín
Có đệ tử chân sư thăng thiên vẫn giữ trong mấy chục năm niềm tin là cứu cánh biện minh cho phương tiện. Đúng là họ thấy trong thời Đức Quốc Xã hay thời Cộng sản là những chủ nghĩa đó không biện minh cho việc giết chóc. Nhưng họ vẫn nghĩ là có thể có một chính nghĩa quan trọng đến độ việc giết người có thể chính đáng. Con yêu dấu, điều này giản dị không đúng. Con cần thấy điều này bằng tâm ý thức, buông bỏ ảo tưởng một cách ý thức vì nó là cái gông trên cổ con. Nó là một lỗ hổng cho sa nhân xâm nhập và khuynh loát con một cách vi tế. Con không thể tiến xa hơn tầng này của con đường tu nếu con không buông bỏ một cách có ý thức niềm tin này.
Tư duy cuồng tín đã biểu lộ một cách hiển nhiên trên hành tinh này. Dĩ nhiên là những phong trào cuồng tín hiển nhiên, như Đức quốc xã hay Cộng sản, đã do sa nhân khởi xướng. Như các thày đã tìm cách giảng cho con, có nhiều trình độ sa nhân. Một số sa nhân thô thiển hơn và một số khác tinh vi hơn. Chắc con cũng nhớ, dĩ nhiên, là Thánh kinh nói rắn là ác thú xảo quyệt nhất. Con thấy là các hình thức cuồng tín hiển nhiên, như ISIS, Đức quốc xã hay Cộng sản, luôn luôn do sa nhân thô thiển khởi xướng. Con có thể nhìn vào Hitler và con thấy là tuy rằng y có khả năng thu hút quần chúng nhưng y không thực sự là một nhà tư tưởng lớn. Đây cũng là trường hợp của, tỷ dụ, Lê Nin và Marx và một số người khác đã khởi xướng các phong trào cuồng tín. Họ không phải là nhà tư tưởng lớn vì họ đã rơi vào tư duy cuồng tín khiến họ bị mù lòa.
Con yêu dấu, nếu con đứng lui lại và nhìn những biểu lộ hiển nhiên của tư duy cuồng tín, thì con thấy có một cơ chế tâm lý đằng sau chúng. Sa nhân đã khôn khéo sử dụng cơ chế tâm lý này. Khi con có một biểu lộ hiển nhiên của tư duy cuồng tín, tỷ dụ như chủ nghĩa Quốc xã, thì sa nhân nói đó là định nghĩa của tư duy cuồng tín. Những hình thức cư xử hay hệ thống tư tưởng khác không cực đoan bằng chủ nghĩa quốc xã thì không coi là cuồng tín. Điều thày muốn làm được ở đây là mở rộng sự nhận biết có ý thức của con là tư duy cuồng tín vi tế và bao quát hơn con nghĩ.
10.12. Say mê ý tưởng
Thế nào là tư duy cuồng tín? Hình thức thông thường nhất, phổ quát nhất của cuồng tín là tình yêu say đắm. Khi con yêu say đắm một người khác thì chuyện gì xảy ra? Con có một cái nhìn lệch lạc về sự việc. Con có một cái nhìn lệch lạc về người kia. Con chỉ nhìn thấy những gì chứng thực niềm tin rằng người đó là người bạn đời lý tưởng, và con từ chối thấy những chuyện gì khác. Đây chính là điểm cốt yếu của cơ chế tâm lý khi con yêu say đắm. Con nhấn mạnh những điều chứng thực cái nhìn cơ bản của con về hoàn cảnh và con phớt lờ hay chối bỏ những điều không chứng thực cái nhìn của con về hoàn cảnh. Đây cũng là cơ chế tâm lý đằng sau tư duy cuồng tín.
Bây giờ, chúng ta phải đi thêm bước nữa và nhận ra rằng con người có khuynh hướng say mê ý tưởng. Con cần cẩn thận suy ngẫm điều này với tâm ý thức của con. Khi con tuần tự trải nghiệm các sáng ngộ ở khóa nhập thất của thày, đa số học viên dễ dàng hiểu điều này ở thể bản sắc của họ. Nhưng có nhiều người gặp khó khăn để hiểu biết này thấm xuống tâm ý thức, vì chính họ đang say mê một ý tưởng. Thông thường, những người đọc quyển sách này đã theo con đường tâm linh vì họ say mê một số ý tưởng.
Thày đã nói gì khi bắt đầu những bài giảng này? Ở mỗi tầng của con đường tu, có những ảo tưởng cần thiết. Đó chính là điều quy định tầng đó. Một lần nữa, thái độ của con cho tới điểm này không có gì sai trái. Thày không muốn khiến con cảm thấy là những gì con làm cho tới nay hoàn toàn sai và do đó con cần cảm thấy mình dở. Ngược lại, thày chỉ giản dị muốn giúp con thấy là để tiến lên cao hơn nữa, con cần buông bỏ thêm một ảo tưởng nữa. Con cần buông bỏ nó một cách có ý thức để có thể tiến lên tầng kế tiếp. Đây là điều cần xảy ra ở mỗi tầng của con đường tu.
Ở đây, vấn đề thực là sa nhân đã nhét được ý tưởng này vào tâm thức đại chúng. Họ đã làm điều này rất, rất lâu trước đây khi họ tới hành tinh này. Họ đã làm vậy trên những hành tinh khác trước khi họ tới hành tinh này, ngay cả trong các bầu cõi trước. Do đó, họ tin rất chắc là quan niệm của họ đúng. Nhưng con, dĩ nhiên, là một đệ tử tâm linh. Con đang đi trên con đường tự điều ngự, và nếu con muốn điều ngự cái ta thì con phải vượt qua ảo tưởng này.
10.13. Ảo tưởng nguy hại nhất về ý tưởng
Ảo tưởng này là gì? Con yêu dấu, ảo tưởng này là vũ trụ vận hành theo những ý tưởng mà tâm nhị nguyên có thể hiểu được. Sa nhân đã đi vào nhị nguyên. Họ không biết là họ đã đi vào nhị nguyên. Con hãy cẩn thận lắng nghe điều thày sắp nói.
Thày có nói là có những sa nhân rất tinh vi, rất tinh tế. Nếu con, như một đệ tử chân sư thăng thiên, gặp một trong những sa nhân đó và bắt đầu tranh luận với họ, con sẽ thấy, như chính Giê-su đã nhìn nhận, là con khó tranh luận hơn họ. Khi con theo lối suy luận dùng tâm đường thẳng, phân tích, nhị nguyên của họ, con không thể tranh luận hơn họ. Họ có động lực làm việc này từ rất lâu nên con không thể tranh luận hơn họ. Con không thể làm cho họ thấy là sự suy luận của họ bị giới hạn. Họ sẽ luôn luôn tìm được một cách để phản bác bất cứ lập luận nào của con. Nếu con tìm cách tranh luận hơn họ, con chỉ càng ngày càng chìm sâu vào tư duy đó.
Thày nói điều này để giúp con nhận ra là tranh luận không đạt được mục đích gì. Tranh luận về điều này không lợi ích gì, và lý do là mỗi sinh thể tự nhận biết có quan niệm riêng của mình về thế giới. Một sa nhân nhìn thế giới từ một góc độ nào đó. Họ nhìn thế giới qua một phin lọc nhận thức nào đó, như chính thày và các thày khác đã giảng nhiều lần.
Con con thể đưa ra một lập luận cho sa nhân đó, và đối với con lập luận của con hoàn toàn tin được. Con có thể thấy lập luận của sa nhân hiển nhiên là sai, mâu thuẫn và không có giá trị bằng lập luận của con. Lý do vì sao điều này hiển nhiên với con là vì con nhìn vào lập luận với phin lọc của tâm thức của con, nhưng sa nhân không nhìn vào lập luận với phin lọc của tâm thức của con, họ nhìn với phin lọc của tâm thức của họ. Do đó, họ không thấy những gì con thấy.
Tìm cách áp lực người khác thấy điều con thấy quả thực vô ích. Con không bao giờ có thể ép người khác thấy điều con thấy vì người đó không bao giờ có thể nhìn một hoàn cảnh từ bên trong tâm của con. Người đó sẽ nhìn hoàn cảnh từ bên trong tâm của y. Vì sao con cần hiểu điều này một cách ý thức? Vì con cần nhìn vào đời mình, và nhận ra là có những lúc con có thể đã tìm cách áp đặt ý tưởng của mình lên người khác.
10.14. Áp đặt ý tưởng lên người khác
Con chắc cũng biết là thời xưa có khái niệm gọi là “mắt tà ma”. Người ta tin rằng có người có khả năng nhìn người khác và phóng ra một bùa ngải khiến người khác bị tai họa. Có thời mà những người bị coi là đã đặt mắt tà ma lên người khác bị ném đá chết hay bị đốt chết. Ở nhiều nơi trên thế giới người ta vẫn tin chuyện này, và ngày nay vẫn còn những nơi có người bị giết chết hay bị tảy chay vì dân chúng cho rằng họ đặt con mắt tà ma lên người khác.
Có một phần sự thật đằng sau những câu chuyên này. Thày không nói là những người cổ sơ hoàn toàn có lý, hay hành hạ người khác vì lý do này là điều chính đáng. Điều thày muốn nói là tất cả mọi người đều có khả năng, như thày đã giảng, dùng viễn quan của mình như một lực chủ động bằng cách phóng chiếu viễn quan của mình lên người khác. Họ có thể làm việc này với một năng lượng linh hồn cao đến độ có thể ảnh hưởng thể bản sắc, tư tưởng và cảm xúc của người khác, và như vậy ảnh hưởng người đó ở tầng vật lý.
Dĩ nhiên đây là điều con cần ngưng không làm nữa ở điểm này của con đường tu. Con cần nhìn một cách trung thực vào cuộc đời mình và xét xem liệu con đã có làm điều này chưa. Sau đó, con cần nhìn nhận con đã làm như thế mà không chê trách mình. Một lần nữa, con có thể làm gì khác chăng? Con có thể làm gì khác chăng ở những tầng tâm thức thấp trên trái đất này? Những gì con đã làm không quan trọng. Vấn đề chính là: Con sẽ làm gì kể từ nay trở đi? Đây là điều thày muốn biết. Ở khóa nhập thất của thày, thày không mang con vào một căn phòng và bắt con phải đối mặt với tất cả những gì con đã làm sai trong quá khứ. Thày có thể cho con vài nhận xét về những gì con đã làm để con thấy nhu cầu thăng vượt chúng và để con thấy cơ chế vận hành đằng sau các hành động này.
Cơ chế vận hành đằng sau việc phóng chiếu một viễn quan lên người khác là gì? Đó chính là tâm thức, do sa nhân đề xướng, say mê ý tưởng và bắt đầu nghĩ vũ trụ vận hành theo ý tưởng của mình. Hay đúng hơn, vấn đề là con bắt đầu nghĩ vũ trụ phải vận hành theo ý tưởng của mình. Đây chính là nguyên nhân của tư duy cuồng tín. Con người say mê một ý tưởng, nghĩ rằng nếu vũ trụ vận hành theo ý tưởng này thì mọi chuyện sẽ hài hòa, sẽ có thiên đàng trên trái đất. Sau đó, họ nhìn chuyện đang xảy ra trên thế giới và thấy là thế giới đang không vận hành theo ý tưởng của họ.
Con yêu dấu, ở điểm này điều lý tưởng nên xảy ra là người đó phải nói: “Chờ chút, nếu tôi có thể quan sát là thế giới không vận hành theo ý tưởng của tôi, thì phải chăng tôi cần xét lại ý tưởng của mình để chúng giải thích được cách thế giới thực sự vận hành, thay vì cứ nắm chặt một lý tưởng cho rằng thế giới phải vận hành sao đó?
Nhưng thay vào đó, con người đã làm gì? Họ đi vào tư duy cuồng tín và nói: “Lý do vì sao thế giới không vận hành đúng theo ý tương của tôi là vì con người không hành xử đúng theo ý tưởng của tôi. Do đó, công việc của tôi là khiến họ hành xử đúng theo ý tưởng của tôi và sau đó chúng ta sẽ có thiên đàng trên trái đất.”
Đó chính là bản chất của tư duy cuồng tín. Nó không khác nhiều lắm trạng thái mà con người trải nghiệm khi họ yêu say đắm. Nó không khác nhiều lắm. Con cần tới điểm nhận ra con đã có khuynh hướng quan niệm đường tâm linh dựa trên khuôn nếp đó. Con đã có ý tưởng cho rằng con đường tâm linh phải vận hành như thế nào rồi con tìm cách áp lực chính con phải tuân theo ý tưởng đó. Con có thể cũng đã tìm cách áp lực người khác phải tuân theo ý tưởng đó.
10.15. Nó ngừng ở đây
Thày muốn con làm hai chuyện một cách ý thức. Thày muốn con, sau khi con đọc bài thỉnh liên quan đến bài giảng này, bỏ ra chút thì giờ nhìn lại đời mình và nói: “Tôi đã tìm cách áp đặt ý tưởng của tôi về con đường tâm linh lên người khác như thế nào?” Dĩ nhiên con có thể xin thày giúp con nhìn thấy điều này với tâm ý thức. Thày bảo đảm với con là ở khóa nhập thất của thày con thấy rõ điều này với các thể cao của con. Ở khóa nhập thất của thày, con thấy được điều này mà không cảm thấy đau đớn, không kháng cự, không miễn cưỡng.
Thày đang ngồi với con và thày đang dẫn con tới điểm con ở trong trạng thái tâm sẵn sàng thấy điều đó. Sau đó, chúng ta nhìn vào nó và con thấy nó. Khi con thấy nó, con không cảm thấy mình tội lỗi, con không lên án mình. Con giản dị nói: “Nó ngừng ở đây. Nó ngừng ở đây. Nó ngừng ngay bây giờ. Tôi thấy những gì tôi đang làm và tôi sẽ không làm nữa.”
Đây là một sự chuyển đổi, và khi con chuyển đổi ở tầng tâm ý thức, thì con đạt được khai ngộ ở tầng này của khóa nhập thất của thày. Khai ngộ ở tầng này thực sự là ngưng phóng chiếu viễn kiến của con về chân lý lên người khác hay thế giới bên ngoài con. Đó là khai ngộ mà con cần vượt qua. Thầy cần con xem xét điều này một cách có ý thức vì con không thể tiếp tục khóa học tự điều ngự này nếu con chưa ngưng phóng chiếu viễn kiến của con ra ngoài tâm con.
10.16. Mục đích của con đường tu
Con yêu dấu, con có thấy chăng mục đích của con đường tu? Chúng ta đã nói về giai đoạn trầm mình và giai đoạn tỉnh giác. Con làm gì khi trầm mình vào vật chất? Thày có nói là con bắt đầu ở tầng tâm thức 48 để có thể hiện thân trên trái đất. Con làm gì khi con bắt đầu hiện thân trên trái đất?
Con ở trên cõi ê-the, cõi bản sắc. Hiện diện TA LÀ của con đã tạo ra cái Ta Biết từ bản thân nó. Nó gửi con xuống tới một điểm con có thể hiện thân trong một bầu cõi chưa thăng thiên, trên một hành tinh có độ dày đặc của trái đất lúc đó.
Con phải làm gì để có thể nhập vào một thân thể vật lý? Cái Ta Biết không thể trực tiếp nhập vào thân thể vật lý. Nó cần phải tạo ra một cỗ xe, là bốn thể phàm, là linh hồn. Con tạo ra cỗ xe này như thế nào? Để bắt đầu, con vào tầng 144. Sau đó, con nhận lãnh ảo tưởng của tầng đó. Sau đó, con xuống tầng 143, nhận lãnh ảo tưởng của tầng đó, sau đó xuống tầng 142, vân vân. Con tiếp tục nhận lãnh từng ảo tưởng một cho tới khi con xuống tới tầng 48.
Các ảo tưởng mà con nhận lãnh là gì? Các ảo tưởng này khiến con có thể tin được là con đang thật sự là một con người trong một thân thể vật lý trên trái đất. Con thấy chăng, các ảo tưởng này cần thiết để cho con cảm nhận con thật sự là một con người.
Thày có nói ở trên về sự kiện con có thể có một trải nghiệm thần bí khi con thấy một điều gì vượt lên trên tầng tâm thức hiện nay của con, và trải nghiệm đó cảm thấy rất thật. Khi con đi xuống hiện thân, con giản dị đảo ngược tiến trình này. Con có một trải nghiện phản-thần bí khiến con cảm thấy rất thật là mình là một con người hiện thân trên trái đất. Đây là giai đoạn trầm mình; đây là kinh nghiệm trầm mình. Mục đích là con trầm mình vào cuộc đời mà trái đất cống hiến. Con có những loại trải nghiệm có thể có trên hành tinh này cho tới khi con chán ngán chúng và bắt đầu mong ước một cái gì hơn nữa.
Con bắt đầu ở tầng tâm thức 48 và con có chọn lựa đi lên trên tầng 48 hay đi xuống dưới tầng 48. Khi con đi xuống dưới tầng 48, con làm gì? Con nhận vào thêm ảo tưởng. Như thày có giảng, ảo tưởng mà con nhận vào là dùng vũ lực là điều chấp nhận được và chính đáng. Tìm cách áp lực người khác, tìm cách áp lực vũ trụ vật lý phải tuân theo ý tưởng của mình, là điều chấp nhận được.
Con cần gì để tỉnh giác? Con cần đảo ngược tiến trình, và bây giờ, từng ảo tưởng một, con bắt đầu đi lên trở lại. Con buông bỏ một ảo tưởng, con đạt tầng tâm thức cao hơn, rồi con buông bỏ ảo tưởng kế tiếp và tiếp tục như thế.
Con đang theo khóa học tự điều ngự này. Con đang không ở tầng tâm thức cao nhất. Con chưa sẵn sàng thăng thiên. Do đó, con còn nhiều ảo tưởng con cần buông bỏ trước khi con thăng thiên. Không có gì bất tự nhiên về chuyện này. Đây giản dị là cách cuộc sống vận hành trong một bầu cõi chưa thăng thiên.
Con cần nhận ra điều này với tâm ý thức và thấy rằng đã tới lúc con ngừng phóng chiếu ra ngoài viễn kiến của con về chân lý; ngừng phóng chiếu nó lên người khác và ngừng phóng chiếu nó lên chính vật chất. Con cần có thái độ ý thức là con sẵn sàng nhìn vượt quá viễn kiến hiện nay của con về chân lý. Con sẵn sàng nhìn quá ý tưởng của con là thế giới phải vận hành ra sao. Con sẵn sàng xem xét thế giới thực sự vận hành ra sao. Khi con thấy thế giới thực sự vận hành khác với ý tưởng của con về thế giới, con sẵn sàng nói: “Vậy thì tôi phải điều chỉnh ý tưởng của tôi. Chính ý tưởng của tôi bị thiếu sót.”
10.17. Tìm cách ép thế giới tuân theo ý tưởng
Dĩ nhiên là lúc này là lại gặp một điểm tế nhị khác. Nhiều người khó vượt qua được điểm tế nhị này. Họ càng đi trên đường tu lâu năm thì họ càng khó vượt qua ảo tưởng này. Dĩ nhiên là con nghĩ vì con đã đi trên con đường tâm linh, vì con đã thực tập nhiều pháp tu, vì con đã nghiên cứu giáo lý tâm linh (ngay cả giáo lý chân sư thăng thiên), nên con đã dần dần nâng cao viễn kiến của mình, gia tăng hiểu biết của mình về chân lý. Do đó, con nghĩ là điều con thấy bây giờ là một chân lý cao hơn điều con thấy 10 hay 20 năm về trước. Điều này đúng – dĩ nhiên là đúng. Nhưng con yêu dấu, nó không phải là chân lý tối hậu.
Vẫn có một chân lý cao hơn điều con đang thấy ngay bây giờ. Con cần chấp nhận một cách ý thức là con sẵn sàng thấy chân lý cao hơn đó. Con sẽ không bám víu vào chân lý hiện nay của con. Con sẽ không tìm cách chứng thực nó, con sẽ không tìm cách khiến nó được công nhận.
Con cần quyết định một cách ý thức là con sẽ ngừng dùng giáo lý của chân sư thăng thiên (hay giáo lý tâm linh khác) để biện minh cho viễn kiến hiện nay của con về chân lý. Con cần sẵn sàng nhìn chân lý cao hơn. Để thấy được nó, con cần sẵn sàng nhìn xem thế giới không chứng thực viễn kiến hiện nay của con ở điểm nào. Sau đó, con cần nhận ra rằng chính viễn kiến của con cần thay đổi, chứ không phải thế giới và người khác cần thay đổi. Tìm cách thay đổi thế giới và người khác chỉ là cái cớ để không thay đổi mình, không thay đổi viễn kiến của mình. Chuyện giản dị vậy đó, con yêu dấu!
Sẽ tới một lúc – là lúc đó là ngay bây giờ – con cần phải chạm trán thực tại này một cách ý thức. Con cần nhìn ra nó. Con cần nhận ra có một khía cạnh trong tâm lý của con (có thể gọi là tự ngã, kẻ đứng trên ngưỡng cửa, hay phàm linh nột tại) không cho phép con thăng vượt lòng khao khát thế giới chứng thực chân lý của con.
Sa nhân không muốn con làm điều này. Họ không muốn con chiến thắng được điểm đó. Họ đang hò hét về hướng con ngay lúc này, dùng tất cả ảnh hưởng mà họ có để khiến con chối bỏ điều thày nói, và bám víu vào một ý tưởng như: “Dĩ nhiên là có một viễn kiến cao nhất là thế giới phải như thế nào, vì hiển nhiên là thế giới hiện nay không đang là như nó phải là”. Con yêu dấu, con có thấy chăng là thế giới ngay lúc này đang đúng y như điều nó phải là.
10.18. Vì sao thế giới đang là như nó phải là
Thày không muốn nói là một số điều kiện đang có mặt trên trái đất đều chính đáng, đúng và thật dựa trên một tầm nhìn cao hơn, không nhị nguyên. Dĩ nhiên là có nhiều điều kiện nhị nguyên, nhưng con có hiểu chăng điều các thày đã giảng trong giáo lý và các khóa học này?
Trái đất là một trường học. Có hai cách học. Hoặc con lắng nghe lời chỉ dẫn cao của các chân sư thăng thiên hay con đi vào Trường đời Cay đắng. Khi con ở trong Trường đời Cay đắng, con không thể học bằng cách nghe lời dạy của các chân sư thăng thiên hay bất cứ vị thày tâm linh nào khác. Con phải học bằng cách thấy các điều kiện vật lý thể hiện trạng thái tâm thức của mình cho tới khi con bị quá nhiều cay đắng đến độ con chịu nói: “Ồ, có phải chăng là tâm thức của tôi cần thay đổi nếu tôi muốn ngưng trải nghiệm các sự cay đắng này?”
Con có hiểu chăng điều thày đang muốn giảng? Thế giới, và tất cả mọi chuyện đang xảy ra trong thế giới, là sự thể hiện của tâm thức đại chúng. Thế giới đúng y như nó phải là. Thế giới phải thể hiện những bất quân bình trong tâm thức đại chúng, và dĩ nhiên, đó là vì tấm gương vũ trụ phản chiếu lại điều mà tập thể con người đang phóng chiếu vào nó.
Như một đệ tử tâm linh, con cần nhận ra là thế giới ngay lúc này đang đúng y như nó phải là vì nó thể hiện tâm thức của quần chúng. Do đó, con nhìn những việc đang xảy ra trong thế giới và con nói: “Công việc của con không phải là dùng áp lực để khiến thế giới và người khác tuân theo viễn kiến của con. Công việc của con là nâng cao tâm thức mình và đạt được tự điều ngự. Con không đạt được tự điều ngự bằng cách áp lực người khác hay thế giới. Con cũng không đạt được tự điều ngự bằng cách áp lực chính mình. Con đạt được tự điều ngự bằng cách buông bỏ ảo tưởng kế tiếp của con. Khi con liên tục buông bỏ ảo tưởng này tới ảo tưởng kia, con sẽ đạt được trạng thái tâm thức tự điều ngự. Đúng thực là mỗi lần con tiến lên một bước, mỗi lần con vượt qua một ảo tưởng, con đạt được một mức tự điều ngự cao hơn vì chính ảo tưởng lấy đi sự tự điều ngự của con, chớ không phải con thiếu tự điều ngự.
10.19. Vì sao con đường tu không máy móc
Một lần nữa, như thày đã từng nói, có người nghĩ rằng con đường tâm linh là một tiến trình máy móc đạt được một số khả năng. Họ nghĩ tự điều ngự cũng là một khả năng mà ta đạt được. Giống như một nhà lực sĩ cứ luyện tập một số động tác và qua đó tập cho cơ bắp càng ngày càng rắn chắc và có thể hoàn thành động tác giỏi hơn người khác. Đây không phải là con đường tâm linh.
Điều quan trọng không phải là dùng áp lực và áp lực chính mình để có khả năng điều ngự. Đây là điều thày gọi là con đường giả mà sa nhân đeo đuổi. Con đường của con là con đường tự điều ngự bằng cách buông bỏ, vứt bỏ ảo tưởng.
Vì sao, ở điểm này, con cần buông bỏ ảo tưởng khiến con phóng chiếu viễn kiến của mình ra ngoài? Con yêu dấu, đó là vì trước khi con phóng chiếu điều gì ra ngoài tâm mình, con phải phóng chiếu điều đó vào trong tâm mình, lên chính mình. Con chỉ có thể phóng chiếu lên người khác những gì con đã phóng chiếu lên chính mình trước.
Khai ngộ kế tiếp ở khóa nhập thất của thày là con bắt đầu thấy những điều con phóng chiếu lên chính mình, và những cố gắng mà con đã làm để ép mình tuân theo viễn kiến thế nào là một đệ tử tâm linh tốt của mình. Thày biết là con đã có quá đủ những gì con có thể hấp thụ với tâm ý thức trong một bài giảng này.
Thày cho con thời giờ để tiêu hóa bài giảng này trước khi chúng ta học bài tới, đối với nhiều người sẽ khó hơn bài này về nhu cầu ngưng phóng chiếu ra ngoài. Phóng chiếu vào trong vi tế hơn nhiều và khó thấy hơn nhiều. Do đó, khai ngộ này rất cần thiết. Thày tin rằng khi con có ý muốn và khi con đã theo khóa học này cho tới điểm này, thì con cũng có thể và sẽ đạt khai ngộ này.
Hilarion TA LÀ