Làm sao sống mà không tạo nghiệp

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/1/2018.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Nada. Thày là Thượng sư của Tia thứ Sáu. Con nay đang ở tầng khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày bên trên nước Ả Rập Xê-út. Khi các học viên đến khóa nhập thất của thày, việc đầu tiên mà thày làm là tập họp họ vào một căn phòng và yêu cầu họ nói lên những gì họ chờ đợi từ khóa nhập thất. Con chờ đợi gì khi con tới Tia thứ Sáu? Con chờ đợi được khai ngộ điều gì?

Một số học viên, khi nói về các chờ mong của mình, nói đến phụng sự. Lẽ đương nhiên là tất cả học viên biết là Tia thứ Sáu theo truyền thống là tia của an bình và phụng sự. Nhiều học viên khi đến đây cảm thấy là họ đã đi một thời gian dài trên con đương tu dưới năm vị Thượng sư trước và họ đã đạt được nhiều tiến bộ, nên bây giờ đã tới lúc họ chú tâm vào nghĩa vụ mà họ đến đây để đóng góp, món quà mà họ muốn dâng hiến trái đất này. Họ cần làm điều gì trong Sứ vụ Thiêng liêng của họ để giúp nâng cao tâm thức nhân loại?

Con yêu dấu, chờ mong này hoàn toàn hiểu được. Như mọi khi, các thày không trách cứ, các thày không lên án. Nhưng thày phải nói với con là nhiều học viên tới đây với chờ mong không thiết thực về các khai ngộ của Tia thứ Sáu. Không phải là Tia thứ Sáu không quan tâm đến việc phụng sự. Lẽ tự nhiên là phụng sự là một phần các khai ngộ của Tia thứ Sáu, tuy nhiên, con làm sao phụng sự một cách chân chính? Phụng sự chân chính gì? Phụng sự chân chính nâng hành tinh vượt lên trên trạng thái tâm thức nhị nguyên. Làm sao con có thể góp phần vào việc nâng hành tinh lên trên trạng thái tâm thức nhị nguyên, nếu con không bình an bên trong con?

Do đó có nhiều học viên cảm thấy rằng, dựa trên những gì họ đã học với năm vị Thượng sư trước, họ đã sẵn sàng để làm gì đó. Họ sẵn sàng để năng động hơn, hướng ngoại hơn. Họ sẵn sàng để đóng góp phần của mình, cũng có thể là làm điều gì quan trọng. Do đó, họ khá thất vọng khi nghe thấy trọng tâm của khóa nhập thất của thày là đạt được an bình nội tâm.

Thày thấy rất rõ trong hào quang của họ là họ có một sự mâu thuẫn, có cảm giác bị kéo bởi hai xung lực khác biệt. Một đằng họ tự nhiên muốn nghe điều thày giảng vì họ biết thày là người sẽ khai ngộ họ. Nhưng mặt khác, họ vẫn muốn làm cái gì đó. Họ cảm thấy rằng, với những kinh nghiệm, những khai ngộ mà họ đã đạt được trên năm tia, họ quả thực đã sẵn sàng bước vào phụng sự trong lãnh vực nào đó. Lẽ dĩ nhiên là con đã sẵn sàng phụng sự, nhưng câu hỏi là: Con có một cái nhìn thiết thực về phụng sự và hình thức phụng sự cao nhất là gì chăng?

4.1. Lý do không đường thẳng của xung đột con người

Để các học viên bắt đầu chất vấn quan niệm phụng sự của họ, điều thuận lợi là khóa nhập thất của thày tọa lạc trên Ả Rập Xê-út. Lẽ tự nhiên, vì đây là một địa điểm nhập thất trên cõi ê-the nên vị trí địa dư không quan trọng, nhưng đây là một dịp để khiến học viên nhìn vào những gì đang xảy ra tại Trung đông, và đã xảy ra trong vùng này từ mấy ngàn năm nay. Các học viên có thể thấy dễ dàng là trong vùng này có xung đột, và đây là một xung đột đã kéo dài liên tục.

Thày mời học viên nhìn vào vấn đề này, và thày khiến họ làm việc trong nhóm nhỏ để tìm ra nguyên do của sự xung đột. Họ bắt đầu với tình hình hiện tại, xem xét những xung đột đang có, và tìm cách xem xét bối cảnh lịch sử, nguyên do lịch sử của tình hình hiện tại. Khi họ đi ngược dòng lịch sử, họ khám phá nhiều xung đột khác, nhiều xung đột mới. Họ bắt đầu thấy là xung đột dẫn tới xung đột lại dẫn tới xung đột. Khi dọ lần dây chuỗi “xung đột tạo ra xung đột” trở về thời lịch sử sơ khai, họ bắt đầu nhận ra là nếu ta muốn hiểu tại sao có xung đột ở Trung đông, ta không thể chỉ xem xét những nguyên do bề ngoài của sự xung đột. Con không thể xem xét tình hình Trung đông – và đúng hơn là ở mọi nơi trên trái đất – và chỉ nhìn vào các điều kiện bề ngoài. Con không thể nhìn việc nhóm người này đã tấn công nhóm người kia nhiều năm trước, và đó là lý do nhóm thứ hai tìm cách trả thù hay bảo vệ chính họ. Con không thể nhìn những diễn biến bề ngoài và qua đó tìm ra nguyên nhân xung đột.

Các học viên mau chóng nhận ra là ta có thể đi trở ngược dòng lịch sử và thấy một hoàn cảnh bên ngoài đã tạo ra một xung đột đã khiến bạo lực bùng nổ. Bạo lực này, bất kỳ nó biểu hiện ra sao, tạo ra một xung đột mới, một mức độ hận thù mới, tạo ra khung cảnh cho một xung đột mới. Con có thể đi ngược trở về cả mấy ngàn năm như vậy. Ngay cả nếu con có tìm được nguyên nhân nguyên thủy, hành động nguyên thủy đã tạo ra sự xung đột đầu tiên, thì thực sự không thể nói là hành động nguyên thủy này (đã xảy ra nhiều ngàn năm trước đây) là nguyên nhân của xung đột hiện nay. Mặt khác, cũng không thể nói là lần bạo động hay xung đột trước là nguyên do của tình hình hiện nay. Điều mà học viên bắt đầu nhận ra là quan niệm truyền thống, đường thẳng, về nguyên nhân và hậu quả đơn giản là không thể áp dụng vào tình hình Trung đông, và cũng không thể áp dụng vào xung đột con người nói chung.

Chắc hẳn là các học viên biết về sa nhân và đã học và nghiên cứu giáo lý của các thày về sa nhân. Con biết là sa nhân đã sa ngã trong các bầu cõi trước, và họ đem ý đồ của họ vào bầu cõi này. Con biết là chính sa nhân đã đem chiến tranh vào hành tinh này và đã tạo ra đa số các xung đột trên trái đất. Điều mà học viên bắt đầu nhận ra, khi họ tìm về nguồn gốc của xung đột tại Trung đông, là ta không thể nói là sa nhân là nguyên nhân duy nhất của sự xung đột. Họ đúng là nguyên nhân bề ngoài, nhưng họ không phải là nguyên nhân bên trong. Điều mà học viên mau chóng nhận ra là nếu ta muốn hiểu nguyên nhân xung đột ở Trung đông (và ngay cả trên toàn thế giới) thì ta không thể chỉ xem xét các biến cố bề ngoài và cái gọi là nguyên nhân bề ngoài. Con phải nhìn vào bên trong. Con cần nhìn vào tâm lý những người trong cuộc và tại sao họ phản ứng như họ đã làm.

Lẽ dĩ nhiên, với đa số học viên điều này không mới lạ. Điều mới lạ là họ bắt đầu thấy viễn cảnh lịch sử rộng lớn mà họ bỗng nhiên thấy được ở khóa nhập thất của thày vì họ được đọc kho dữ liệu Akasha và có thể thấy những diễn tiến không được lịch sử ghi chép. Thày cho học viên thời gian để làm việc trong nhóm nhỏ và nhận ra các điều này, sau đó tất cả học viên mang ra thảo luận chung. Sau đó, thày đợi. Thày để cho cuộc thảo luận tiếp diễn. Nếu các học viên chưa thấy ra những bài học mà thày tìm cách giúp họ nhận ra, thì họ trở lại nghiên cứu tài liệu lịch sử. Sau một thời gian, ánh sáng bắt đầu lóe lên trong tâm học viên – bình thường là bắt đầu với một người, sau một người nữa, và càng lúc càng nhiều, cho tới khi toàn thể học viên thấy ra – là nguyên nhân thực sự của xung đột là một trạng thái tâm. Trạng thái tâm này không thể đem lại hòa bình. Điều rất quan trọng là con cần hiểu thấu điều này bằng tâm ý thức của con – và đó là lý do tại sao thày nêu lên ở đây để con hội nhập vào tâm ý thức những hiểu biết mà con gặt hái được ở khóa nhập thất của thày.

4.2. Vì sao ta không thể ngưng chiến tranh bằng lý trí

Con yêu dấu, chắc con cũng thấy là có một tâm thức trong thế giới biết rằng chiến tranh là không đúng, chiến tranh đúng lý không được có mặt, chiến tranh phải được chấm dứt. Con thấy rất, rất nhiều người thiện tâm trên trái đất mong muốn chấm dứt chiến tranh. Trong số đó, có những nhà triết học, có nghệ sĩ, có nhà trí thức, có chính trị gia. Họ có mặt trong nhiều lãnh vực xã hội, trong đó có những tổ chức quốc tế, từ các tôn giáo đến Liên hiệp quốc, tổ chức chính trị, và nhiều loại hội từ thiện. Có hàng triệu người biết là chiến tranh phải chấm dứt. Tuy nhiên, họ nghĩ rằng ta có thể dùng lý trí suy luận với những người đang tham gia vào chiến tranh và xung đột.

Con có thể thấy là, ngay cả trong vài thập niên gần đây, thỉnh thoảng có một quốc gia hay một tổ chức quyết định khởi sự một nỗ lực để, tỷ dụ, đem người Do thái và người Pa-le-xtin (Palestine) ngồi vào bàn hội nghị để họ thương thảo ngừng xung đột. Nhưng, như các thày đã nói trước đây, chuyện này sẽ không xảy ra. Người Do thái sẽ không bao giờ làm hòa với người Pa-le-xtin hay các người Ả-rập khác trong vùng. Lý do là vì người Do thái đã định nghĩa bản sắc dân tộc của họ và người Ả-rập đã định nghĩa bản sắc dân tộc của họ theo một cách nhìn chỉ có thể dẫn tới xung đột. Điều cần thiết là người Do thái gia tốc tới một quan niệm bản sắc dân tộc mới, và người Ả-rập cũng gia tốc tới một quan niệm bản sắc dân tộc mới hay quan niệm bản sắc nhóm mới. Lúc đó, có thể là các bản sắc mới này sẽ tìm ra cách sống chung hòa bình. Khi quan niệm bản sắc của các nhóm người còn được quy định dựa trên xung đột, thì hòa bình không thể xảy ra. Rất, rất nhiều người thiện tâm trên trái đất nghĩ rằng nếu họ tìm ra được lập luận đúng, nếu họ tìm ra được sự khích lệ thích hợp, thì sẽ có thương thảo xây dựng và một thỏa hiệp hòa bình có thể xảy ra.

Đệ tử chân sư thăng thiên dễ dàng thấy điều này vì các con đã biết về sa nhân, tự ngã, phin lọc nhận thức và nhiều đề tài khác. Điều thày muốn làm là giúp các học viên tới khóa nhập thất của thày có một hiểu biết thâm sâu hơn về vấn đề. Các con hãy để thày giảng sơ về luật nhân quả để minh họa.

4.3. Luật nhân quả thực sự vận hành như thế nào

Lẽ đương nhiên con quen thuộc với khái niệm nghiệp quả, nhưng con có thực sự quen thuộc với cách nó vận hành chăng? Bên phương Đông, chữ nghiệp nguyên thủy có nghĩa là hành động. Con có một hành động, và nó có một hậu quả. Hậu quả đó là nghiệp. Nó tạo bối cảnh cho hoàn cảnh sau đó. Khi con có hành động trong hoàn cảnh mới đó, con tạo ra nghiệp mới, và nghiệp này tạo bối cảnh cho hoàn cảnh kế tiếp, và cứ tiếp nối như vậy trong bánh xe luân hồi, Biển Luân hồi Sinh tử, cỗ máy chạy kéo con người đi trong kiếp sống con người.

Điều học viên có thể mau chóng nhận ra là ở Trung đông, con người đã tạo nghiệp. Các nhóm người đã tạo nghiệp với nhau từ mấy ngàn năm. Thày có thể cho thấy trên một màn ảnh một thí dụ tình trạng xung đột giữa hai nhóm người. Thày cho thấy ở tầng năng lượng là mối xung đột, nhất là khi nó trở thành bạo lực vật lý, đã tạo nên những tỳ vết năng lượng, những khuôn đúc năng lượng, trong các thể và tầng xúc cảm, tư tưởng và bản sắc. Những khuôn đúc năng lượng này một phần ở trong hào quang (trường năng lượng) của những người liên hệ. Nó cũng ở trong hào quang của nhóm, trong tâm thức của nhóm. Nó cũng có phần dính liền với ngay vị trí địa dư.

Điều mà học viên thấy là con người phản ứng lại tình hình nguyên thủy và tạo ra một khuôn đúc năng lượng. Họ có thể thấy là khuôn đúc này kéo dài, và khi họ tái sanh lần tới, họ vẫn giữ khuôn đúc này trong các thể phàm của họ. Điều này khiến họ hòa điệu với – hay bị ma nhập bởi – khuôn đúc tập thể. Cách họ phản ứng lại tình hình nguyên thủy tạo ra một khuôn đúc đã giới hạn khả năng chọn lựa phản ứng lại tình hình sau, dù tình hình này xảy ra trong cùng kiếp sống hay trong một kiếp tới.

Vì các người liên hệ đã phản ứng bằng bạo lực trước đó, nhận thức của họ trở nên méo mó, bị pha màu, bị giới hạn bởi phản ứng đó. Khi một tình hình xung đột mới xảy ra, họ không thể thấy được một cách đáp ứng hòa bình. Họ chỉ có thể thấy những cách đáp ứng sẽ gia tốc những gì họ đã làm trước kia. Họ có khuynh hướng phản ứng bằng bạo lực, họ dễ dàng phản ứng bằng bạo lực.

Các học viên có thể thấy những người đó đã tạo ta các vết nghiệp quả mà họ mang theo họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Học viên có thể thấy họ xây dựng các khuôn đúc tập thể càng ngày càng mạnh, và do đó có thể dễ dàng trấn áp tâm của những cá nhân sinh ra trong tập thể đó. Học viên cũng có thể thấy là một nhóm người tham gia vào một cuộc xung đột với một nhóm người khác, và khi họ chết, một số đầu thai vào nhóm kia trong kiếp sống tới. Trong kiếp này con là người Do thái, trong kiếp tới con là người Ả-rập, hay ngược lại. Học viên có thể thấy là tuy các người liên hệ đầu thai vào nhóm khác, nhưng họ vẫn mang theo khuôn đúc phản ứng bằng bạo lực và thù hận. Do đó, ở trong nhóm nào không phải là điều quan trọng. Họ vẫn phản ứng theo cùng một kiểu.

Học viên cũng thấy rõ là có một khác biệt căn bản giữa việc thù hận một nhóm người khác và chuyển sang hành vi bạo lực. Học viên thấy rõ là khi con có hành động vật lý, con làm một hành động ở tầng vật lý, và rõ ràng là con đang làm một cái gì đó. Nó cũng có hậu quả trầm trọng hơn. Tuy nhiên, học viên cũng mau chóng thấy là khi con phóng chiếu tới một nhóm người khác một cảm giác thù hận mạnh mẽ, thì con làm một cái gì đó ở tầng xúc cảm. Nếu con có tư tưởng mạnh mẽ là tại sao một nhóm người khác xấu và họ đã làm gì cho nhóm của con trong quá khứ, thì con làm một cái gì đó ở tầng tư tưởng. Nếu con có một ý niệm bản sắc rất rõ ràng là con hơn nhóm người kia dựa trên bất cứ tiêu chuẩn nào mà con đặt ra, thì con làm một cái gì đó ở tầng bản sắc. Học viên có thể thấy là con người phóng chiếu năng lượng ra với cả bốn thể phàm của họ, và tất cả các điều đó là điều họ làm, đều là hành động. Tất cả đều tạo ra những khuôn đúc nghiệp quả sẽ giới hạn nhận thức của con người, giới hạn quyền tự do chọn lựa hành động của họ.

4.4. Làm sao tránh tạo nghiệp

Học viên mau chóng nhận ra là nếu muốn có hòa bình ở Trung đông, người dân phải ngưng làm. Họ cần ngưng những hành động tạo ra nghiệp. Bây giờ, điều này đối với một số học viên là một điều bí ẩn. Đa số học viên ở mức độ này có thể mau chóng tìm ra giải đáp, vì lẽ tự nhiên, điều này không có nghĩa là con không làm gì cả. Các thày không nói là để tránh tạo nghiệp, con không thể có một cuộc sống năng hoạt. Các thày không nói là con phải về ở ẩn trong hang động của núi Hy Mã Lạp Sơn và thiền về Thượng đế 24 tiếng mỗi ngày.

Điều con cần nhận ra, và học viên có thể dễ dàng nhận ra điều này, là con không thể hành động thông qua trạng thái tâm thức nhị nguyên, thông qua tâm dựa trên sợ hãi. Do đó, học viên thấy rõ ràng là Giê-su tìm cách chỉ con đường phá vỡ những khuôn nếp nghiệp quả, những khuôn đúc nghiệp quả, bằng cách nâng mình cao hơn phản ứng dựa trên sợ hãi. “Hãy thương kẻ thù của con. Hãy chìa má bên kia. Hãy làm cho người khác những gì con muốn họ làm cho mình.” Đây là những lời hướng dẫn chỉ cách ngưng hành động tạo nghiệp ở tầng vật lý. Những lời hướng dẫn này giúp con người ngưng hành động ở các tầng tình cảm, tư tưởng và bản sắc.

Giê-su dạy con người – một cách gián tiếp – là họ, tỷ dụ, không phải là người Do thái hay người Ả-rập. Họ là con trai hay con gái của Thượng đế. Giê-su dạy họ cách vượt qua giận dữ và thù hận. Giê-su dạy họ cách vượt qua những hành động tạo nghiệp. Ngay cả những giáo lý được trao truyền qua Mohammed (ít ra là giáo lý trong sáng, nguyên thủy) cũng có những thành phần này. Nếu những người nhận những giáo lý này đã làm theo, thì họ cũng đã giúp ngưng các vòng xoắn nghiệp quả. Con là đệ tử chân sư thăng thiên có thể mau chóng nhận ra là con người cần ngưng hành động nhị nguyên, dựa trên sợ hãi nếu muốn có hòa bình.

Khi học viên đã trải qua giai đoạn (bất kể cần bao nhiêu thời gian) thấy nguyên nhân tình hình Trung đông, thì thày, dĩ nhiên, làm việc mà các chân sư thăng thiên đều làm. Thày thảo luận với học viên những hiểu biết sâu sắc mà họ đã nhận ra qua tình hình Trung đông, chúng cũng áp dụng ra sao cho mọi người khác, và thày nói: “Thày không cho các con nghiên cứu vấn đề này để các con đi tái lập hòa bình ở Trung đông. Thày muốn con nghiên cứu vấn đề này vì thày muốn con nhận ra là cơ chế mà con thấy áp dụng cho Trung đông cũng áp dụng cho chính con.”

4.5. Vượt qua bạo lực nơi các thể cao

Lẽ dĩ nhiên là đa số học viên đã ngừng không có hành động hung hãn nữa, nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn ngưng không làm thông qua tâm thức nhị nguyên, thông qua các thể tình cảm, tư tưởng và bản sắc. Điều thày muốn học viên phải đối mặt là trước khi họ có thể tiến xa hơn tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày, họ nhất định cần phải ngừng những hành động nhị nguyên, dựa trên sợ hãi ở các tầng bản sắc, tư tưởng và cảm xúc. Con không thể đi quá tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày nếu con còn làm những hành động này. Một số học viên bị chấn động khi nghe thày nói vậy vì họ nghĩ là họ đã vượt qua những hành động này rồi. Ho nghĩ là họ đã vượt qua phần lớn các sự giận dữ, hung hãn và sợ hãi của họ, và họ không có hành động dựa trên sợ hãi, không phóng chiếu ra ngoài năng lượng dựa trên sợ hãi xuyên qua ba thể cao của họ.

Như thày có giảng trong một bài truyền đọc khác, thày có thể đưa học viên vào một căn phòng trong đó họ được niêm phong khỏi ảnh hưởng của thế giới và có thể tạo trong tâm hình ảnh của những cảnh huống bình an nhất. Sau đó, họ dần dần cảm thấy những thành phần phản bình an dâng lên trong tâm họ. Đây là một trải nghiệm rất hữu ích cho học viên vì họ thấy vẫn còn những điều mà họ chưa giải quyết. Dĩ nhiên, các thày có nguyên một bộ giáo lý, giáo lý thực của Giê-su, về tha thứ, chìa má bên kia, tha thứ vô điều kiện, và vì sao con cần tha thứ vô điều kiện để thực sự tha thứ. Điều quan trọng không phải là trừng phạt người khác, khiến họ thay đổi hay sống theo một số điều kiện. Con cần tha thứ vì đây là cách duy nhất để con có thể giải thoát mình khỏi hoàn cảnh. Con không quan tâm đến người khác, điều con quan tâm là con được giải thoát khỏi quá khứ và khuôn nếp phóng chiếu ra ngoài.

4.6. Cát lún của phản bình an

Khi học viên đã có đủ thì giờ để thấu hiểu các điều trên thì thày dẫn họ đi bước kế tiếp. Bước khai ngộ này thoạt trông có vẻ khắc nghiệt, nhìn từ góc độ tâm thức bình thường, lúc tỉnh dạy. Con biết là trên trái đất có một chất gọi là cát lún, và con cũng biết là có người bước vào một vũng cát lún và bị thiệt mạng vì họ cứ bị lún sâu mãi. Thày có ở khóa nhập thất của thày một chất tương tự. Khác biệt, dĩ nhiên, là con ở trong thể bản sắc. Con không cần thở dưỡng khí để sinh tồn do đó không thể bị chết khi làm thí nghiệm này.

Điều thày làm là thày để học viên vào một vũng cát lún ê-the và đơn giản để họ hoặc bơi hoặc chìm. Lẽ dĩ nhiên kết quả là đa số học viên bị chìm vào trong chất đó. Họ vẫn còn sống nhưng họ cảm thấy là họ đang lún xuống càng ngày càng sâu. Lý do vì sao họ bị lún là vì họ vùng vẫy chống lại cát lún. Họ vùng vẫy để không bị chìm.

Khi học viên còn vùng vẫy thì thày phải để họ vùng vẫy. Thày không thể giúp họ. Thày không thể giúp họ. Thày không thể giúp họ gì hết. Họ được phép tiếp tục vùng vẫy. Có nghĩa là có học viên chìm rất sâu vào cát lún. Họ bị cát lún hoàn toàn bao quanh. Họ cũng cảm thấy là họ càng chìm sâu thì động tác của họ càng bị giới hạn, họ càng không cục cựa được. Họ tiếp tục vùng vẫy cho tới khi họ tới điểm chịu thua. Họ bỏ cuộc. Họ nhận ra là vùng vẫy không đưa họ đến đâu hết.

Một số học viên tự họ nhận ra điều này, nhưng số khác thì đột nhiên nhớ là họ đang ở khóa nhập thất của Thượng sư Tia thứ Sáu. Họ đột nhiên có ý nghĩ: “Hay là thày Nada có thể giúp tôi?” Do đó, họ la lên: “Thày Nada, hãy giúp con!” Thày đương nhiên gửi họ một xung lực: “Ngưng vùng vẫy. Ngưng làm. Nằm thật yên.” Lúc đó, hầu hết học viên chợt tỉnh ngộ. Đây là một tỉnh ngộ khai phá, chấn động, quyết định.

Học viên nhận ra rằng chính vì họ vùng vẫy nên bị lún sâu. Khi họ nhận ra điều này, họ tức khắc nằm thật yên. Họ nhận ra rằng khi họ nằm thật yên thì họ không còn chìm nữa. Lúc đó, đa số học viên chưa trồi lên, nhưng họ đã ngừng chìm xuống. Họ nhận ra rằng nếu họ không vùng vẫy thì họ không lún xuống. Họ cũng nhận ra rằng nếu khi bắt đầu họ không vùng vẫy thì họ sẽ vẫn còn nổi trên mặt cát lún. Bây giờ họ nhận ra là họ đã chìm sâu vào cát lún, và làm sao họ có thể trở lên mặt cát?

Sau khi suy ngẫm điều này, một số tự mình tìm ra giải đáp, một số xin thày giúp. Một lần nữa thày nói (tuy họ ở trong thể bản sắc của họ): “Con đã ngừng vùng vẫy ở cấp tương đương với tầng vật lý. Con đã ngừng làm việc vật lý, nhưng con cũng cần ngừng làm ở tầng xúc cảm, tư tưởng và bản sắc. Con cần phải giữ hành động, xúc cảm, tư tưởng và ý niệm bản sắc của con yên lặng. Con cần phải vào trạng thái trung hòa, tức là con chỉ quan sát. Con là nhận biết thuần khiết, chỉ quan sát mà không làm gì cả.” Khi họ đi vào trạng thái tâm này thì họ trải nghiêm là họ từ từ, nhưng chắc chắn, trồi lên mặt cát. Khi họ trồi ra khỏi mặt cát thì thày có mặt ở đó để đón họ. Lúc đó, thày gợi thêm cho họ một ý nữa. Thày nói: “Bãi cát lún này tượng trưng cho bốn tầng của vũ trụ vật chất là nơi con sống với bốn thể phàm của con. Thày muốn con đi qua bãi cát lún đó với tâm trung hòa. Thày muốn con đi qua mà không làm việc đi qua.”

Học viên thường cần một chút thời gian để thể nhập điều này. Nhưng không lâu sau, họ thấu hiểu. Họ nhận ra là trong thể bản sắc của họ, họ có thể di chuyển, lên xuống, tới lui, trong cát lún mà không làm, không vùng vẫy và do đó không bị lún sâu. Họ nhận ra là cát lún không phải là kẻ thù của họ, nó không phải là sự hạn chế, nó không có ý định tấn công họ. Do đó, họ có thể di chuyển xuyên qua cát lún một cách khác, là cách không tạo nghiệp khi di chuyển. Lẽ tự nhiên là khi học viên đã trải nghiệm bãi cát lún, thì họ đi ra khỏi chỗ đó. Thày họp với cả nhóm, và lúc đó học viên nhận ra là điều họ đã làm được trong bãi cát lún, họ cũng có thể bắt đầu làm được ở bốn tầng của vũ trụ vật chất, trong đó có tầng vật lý.

4.7. Làm mà không tạo nghiệp

Khai ngộ ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày là con bắt đầu suy ngẫm và nhận ra là con có thể sống trên hành tinh trái đất – dù trái đất dày đặc và đầy xung đột như hiện nay – một đời sống bình thường, năng động nhưng con không tạo nghiệp quả khi sống. Con không tạo ra những dấu vết năng lượng sẽ giới hạn những hành động và chọn lựa tương lai của con. Có nhiều học viên, tuy đã đi trên con đường tâm linh từ lâu và nghiên cứu nhiều giáo lý tâm linh, không bao giờ suy ngẫm điều này. Tỷ dụ, nhiều đệ tử chân sư thăng thiên quá chú tâm vào việc quân bằng nghiệp quả bằng cách cầu thỉnh ánh sáng tím nên nghĩ rằng yêu cầu chính để thăng thiên là thỉnh cầu đủ ánh sáng tím để quân bằng tất cả nghiệp quả. Họ đã không chú tâm đủ đến việc không tạo nghiệp ngoài việc nghĩ rằng, nếu họ không có hành động bạo hành vật lý thì sẽ không tạo nhiều nghiệp hơn là có thể quân bằng.

Ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày, thày không quá quan tâm việc con quân bằng tất cả nghiệp quả và rời trái đất càng sớm càng tốt. Mục đích cao mà thày muốn đặt cho con là con ở lại trong thế gian nhưng con trong thế gian mà không thuộc về thế gian. Con đi lại và hành động trong thế gian mà không tạo nghiệp cho mình. Do đó, có thể nói là khi con làm được điều này, ở lại thế gian hay thăng thiên không còn khác biệt gì nhiều đối với con.

Con hãy suy ngẫm việc này: con yêu dấu, thày biết rất rõ là tất cả đệ tử tâm linh không có cảm tình với những giới hạn và dày đặc của cõi vật lý và ngay cả bốn cõi của trái đất. Đối với tất cả các con, sống nơi đây không thoải mái. Các con có những phản ứng khác nhau, từ cảm thấy bị quấy nhiễu quá nặng tới cảm thấy khó chịu và bị giới hạn khi ở đây. Con yêu dấu, viễn kiến mà thày muốn cho con ở đây là con có thể vượt lên trên những cảm xúc này. Con có thể tới điểm con sống trong thế gian với tâm bình an vì con có thể đi lại trong thế gian này mà không tạo nghiệp. Điều này không có nghĩa là con không thể hành động. Có một số hành động con sẽ tự nhiên không làm, nhưng có một số hành động con có thể làm vì chúng không tạo nghiệp cho con vì con hành động từ một trạng thái tâm thức cao hơn.

Đối với đa số học viên tới tầng này, đây là một chuyển vọt tâm thức lớn. Thực sự, đây là một chuyển vọt lớn đến độ họ bình thường cần thời gian để suy ngẫm và hội nhập ý tưởng này. Thày không muốn con, ở tầng thứ nhất này của khóa nhập thất của thày, có được khả năng đi lại trong thế gian mà không tạo nghiệp. Đây là một trong những mục đích của toàn khóa nhập thất của thày. Ngay lúc này, thày muốn con suy ngẫm chuyện đi lại trong thế gian mà không tạo nghiệp là việc có thể làm được.

Vì thày biết đây là một ý tưởng rất lạ thường cần thời gian để hội nhập, thày muốn con bỏ ra nhiều thời giờ hơn cho bài giảng đầu này. Các thày có nói là con có thể dành chín ngày cho mỗi bài giảng. Con nghiên cứu bài giảng và con đọc bài thỉnh tương ứng mỗi ngày một lần trong vòng chín ngày. Cho bài giảng đầu này, thày muốn con dành cho nó 33 ngày vì nó là một chuyển vọt lạ thường cho đa số các con. Do đó con nên dành thì giờ để hội nhập điểm này. Thày biết là một số học viên sẽ cảm thấy thời gian này rất dài. Có học viên nghĩ là đã hiểu bài học rồi, vậy tại sao cần lặp đi lặp lại? Thày bảo đảm với con là thày có lý do, và lý do là khi con đọc bài thỉnh trong vòng 33 ngày, con sẽ hội nhập bài giảng và trong lọc ba thể cao của con khỏi mọi dấu vết của ý tưởng cần làm chuyện gì.

4.8. Cạm bẫy của làm

Con yêu dấu, con cần nhận ra là sa nhân không bỏ cuộc chỉ vì con tìm thấy con đường tâm linh và giáo lý chân sư thăng thiên. Sa nhân không bỏ cuộc khi con khám phá ra khóa học này và quyết định tận tụy theo học hết khóa. Sa nhân sẽ tìm cách kéo con trật đường rày ở mỗi tầng cấp của con đường. Một trong những cách tinh tế họ dùng để làm con trật đường rày là họ nêu lên sự kiện con có một Sứ vụ Thiêng liêng và con có mặt ở đây để đem lại những thay đổi tích cực cho trái đất. Sau đó, họ tìm cách đổi màu câu chuyện, pha màu tâm của con với tâm thức rất cũ xưa cho rằng con phải làm một điều gì đó trên trái đất. Nói cách khác, suốt dòng lịch sử đã có nhiều học viên tâm linh đã hiểu thực tại tâm linh tới một mức nào đó. Họ đã thấy có nhiều chuyện không đúng trên trái đất cần phải thay đổi. Họ bị các sa nhân cám dỗ khiến họ tin rằng vai trò của họ là làm cái gì đó để thay đổi những biểu hiện mà họ cho là không đúng. Do đó, nhiều học viên đã lao mình vào một cuộc thánh chiến – ta có thể gọi là một chiến dịch – để triệt tiêu một vấn nạn nào đó.

Lẽ dĩ nhiên là có trường hợp một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con là hành động và tham gia vào một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Nhưng không có trong Sứ vụ Thiêng liêng là con hành động trong trạng thái tâm muốn làm, rồi hành động theo nhãn quan nhị nguyên dựa trên sợ hãi. Con không thể hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con với tầng tâm thức đó. Con cần nhận ra là sa nhân đã rất quỷ quyệt khi thiết lập ý tưởng là con cần làm.

Nếu con quan sát thế giới hiện nay, con thấy là có nhiều người đang tham gia, thí dụ, vào nỗ lực đem lại hòa bình, đã ở tầng tâm thức khiến họ có thể tiến xa hơn trên con đường đưa tới quả vị Ki-tô. Họ bị ngăn chặn không tiến thêm được trên con đường tới quả vị Ki-tô (ít nhất là trong tâm ý thức của họ) vì họ quá chú tâm làm điều gì đó trong thế giới bên ngoài. Họ đang chú tâm làm điều gì đó với tầng mức viễn kiến, với mức nhận thức mà họ có hiện nay. Họ không mở tâm đón nhận khả năng nhận một viễn kiến cao hơn qua đó họ vẫn sẽ làm điều gì đó, nhưng sẽ làm dựa trên một khuôn khổ và nền tảng hoàn toàn khác. Điều họ làm sẽ khác đến độ họ không thể thấy nó lúc này.

Các thày có nói về sự kiện nhiều học viên tâm linh có ý niệm đúng đắn điều gì cần làm, nhưng lại không có viễn kiến rõ ràng làm như thế nào. Dĩ nhiên, lý do là vì nhiều học viên có cảm nhận là họ ở trên đời để làm chuyện gì đó trong Sứ vụ Thiêng liêng của họ, nhưng họ nghĩ là họ có thể hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng với tầng tâm thức và nhận thức hiện nay của họ.

4.9. Tìm một nhận thức cao hơn trước khi hành động

Điều thày muốn nói với con là con cần bước lui ra khỏi cách nhìn hiện nay của con về cuộc sống, về hành tinh, và chính mình. Thày biết là con đã làm điều này với thày Hilarion để thanh lọc viễn kiến của mình. Thày muốn dẫn con đi lên một tầng cao hơn bằng cách khiến con bước lui lại và nhận ra là con có thể làm điều gì đó trên trái đất, con có thể đi lại trong bốn tầng của vật chất mà không tạo nghiệp. Con yêu dấu, con sẽ không hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng nếu con tạo thêm nghiệp cho chính mình.

Thày biết là với một số trong chúng con, đây là một lời tuyên bố rất lạ thường vì con bị một kế gian khác của sa nhân cám dỗ, đó là cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nói cách khác, có một đại nghĩa quan trọng đến độ ngay cả nếu con phải tạo đôi chút nghiệp, thì điều đó cần thiết (và đáng làm) để đạt được mục tiêu cuồng đại đó. Con yêu dấu, con thấy là toàn thể tâm thức cuồng đại do sa nhân tạo dựng ra và không liên quan gì tới mục tiêu của các chân sư thăng thiên.

Các chân sư thăng thiên đã không tạo ra đấu tranh cuồng đại. Mặc dù con có thể trở về các tổ chức chân sư thăng thiên trước và thấy rằng họ không thách thức quan niệm tranh đấu cuồng đại, nhưng thày nói với con đây là lúc – trên cả hai phương diện phát triển cá nhân và của hành tinh – vượt lên trên quan niệm này. Đã tới lúc vượt lên trên tranh đấu nhị nguyên và bỏ nó lại đằng sau. Đã tới lúc con nhận ra con có thể hiện thân trong thân vật lý, con có thể hành động và có một cuộc sống năng động, mà không cần làm thông qua tư duy cuồng đại, không cần làm với một xung lực nhị nguyên tạo nghiệp cho con.

Các thày có nói là các thày không chú tâm đạt được một kết quả vỏ ngoài đặc trưng nào đó trên hành tinh. Các thày chỉ chú tâm vào việc nâng cao tâm thức tập thể, nhưng đối với cá nhân con, chú tâm thật của các thày là nâng cao tâm thức của con. Ở tầng này của con đường tu của con, thày không quan tâm con có đạt được một mục tiêu vỏ ngoài trong thế giới này. Quan tâm ngay lúc này của thày là con đạt được khai ngộ ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày để con có thể tiến lên tầng thứ hai. Thày đã cho con mọi chìa khóa để đạt được khai ngộ này, và thày bảo đảm với con là, ở tầng ê-the, con sẽ không tiến lên khai ngộ thứ nhì nếu con không đạt được khai ngộ thứ nhất này.

Thày biết là thày đã cho con một quyển sách ở tầng vật lý. Do đó, con có thể quyết định với tâm vỏ ngoài: “Ồ, tôi đã đạt được khai ngộ thứ nhất, tôi sẽ đi tiếp tới chương thứ hai.” Con yêu dấu, điều này không có nghĩa là con tiến lên ở cõi ê-the. Con có thể đọc hết quyển sách của thày, nhưng nếu con chưa thấu hiểu và đạt được khai ngộ ở tầng thứ nhất, con sẽ không tiến lên thêm trên tầng ê-the.

Thày đã nói rõ chưa?