Minh triết và Tinh khiết 

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 13/3/2014.

TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto. Thày đến để chia sẻ một số ý nghĩ về các khai ngộ mà học viên đi qua ở cấp thứ tư của khóa nhập thất tại Royal Teton. Đây là những khai ngộ trong Tia sáng thứ Tư, là minh triết được thể hiện qua sự tinh khiết hay gia tốc. “Tinh khiết” có nghĩa là ý định tinh khiết, và điều mà các thày mong giúp đệ tử đạt được ở cấp này là sự rõ ràng trong ý định khi sử dụng minh triết.

Học viên đến khóa nhập thất của thày thường có ý muốn điển hình rất thịnh hành trên địa cầu, là ý muốn do tự ngã châm ngòi khi nó đi tìm sự an toàn trong thế gian này. Những ai bị mù quáng bởi ý muốn này sẽ cố tìm một loại minh triết mà họ có thể nâng lên vị thế bất khả sai lầm. Nếu minh triết của mình không thể sai lầm thì an toàn của mình cũng phải tối đa – tự ngã lý luận như thế. Có nghĩa là học viên có xu hướng sử dụng minh triết để xác nhận những gì khiến cho tự ngã cảm thấy an toàn. Nhiệm vụ khó khăn mà thày phải đối diện ở cấp này là làm sao cho học viên thấy được cái nhìn này thật là rỗng tuếch.

Thày cố giúp học viên nhìn ra điều này phi lôgíc tới chừng nào, đạo đức giả đến chừng nào. Những ai bị mắc kẹt trong mong muốn chứng thực tự ngã sẽ quả quyết là mình dùng minh triết với động cơ cao thượng nhất. Họ tin rằng họ nắm được cách biểu đạt minh triết tuyệt đối, không thể sai lầm, và vì lợi ích của một đại nghĩa nào đó, thậm chí có thể là đại nghĩa của chính Thượng đế, mà họ tìm cách ép buộc minh triết của họ lên người khác.

Họ nhất định là họ có dạng minh triết tuyệt đối, nhưng kỳ thực, minh triết của họ hoàn toàn tương đối. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào những gì mà tự ngã của họ đã chấp nhận cùng ý niệm an toàn mà tự ngã đã tạo dựng. Như các thày đã nói nhiều lần, tự ngã không bao giờ có thể tìm thấy sự an toàn tuyệt đối. Nó cố xây dựng an toàn trong thế gian này, nhưng đó luôn luôn sẽ là một căn nhà xây trên cát bởi vì không có gì trong thế gian này có thể bất biến. Tất nhiên, trong cõi tâm linh cũng không có bất biến, và vì thế, giấc mơ có được một trạng thái toàn hảo hay an toàn tĩnh tại nào đó chỉ là một giấc mơ hão huyền. Điều này, tất nhiên, tự ngã sẽ không bao giờ thấy được.

10.1. An toàn tuyệt đối trong Dòng sông sự Sống 

Tuy nhiên, cái Ta Biết thì có khả năng trải nghiệm điều này bằng cách chiêm nghiệm nhận biết thuần khiết. Qua đó, nó nhận ra rằng bản chất của nó chính là một trạng thái an toàn tuyệt đối – không theo nghĩa là không thay đổi, mà theo nghĩa luôn luôn tự thăng vượt. Hay đúng hơn có thể nói, cốt lõi của bản thể của con là cái bất biến – tức là sự nhận biết – và một khi con nối kết với nhận biết bất biến này, con sẽ tìm thấy an toàn trong sự vượt thăng liên tục những biểu thị vỏ ngoài của nhận biết, là cái mà nhận biết chú tâm vào. Do đó, con không cần phải dừng dòng chảy của Dòng sông sự Sống hầu cảm thấy an toàn, mà con cảm thấy an toàn khi con xuôi chảy với nó. Đây là sự an toàn tuyệt đối hay tối hậu, nhưng là an toàn qua tự thăng vượt, an toàn luôn luôn tuôn chảy.

Thày đã nói gì về Dòng sông sự Sống? Nó luôn luôn thăng vượt chính nó. Thày đã nói gì về Minh triết Thiêng liêng? Nó luôn luôn thăng vượt chính nó. Vì vậy, không có gì đứng yên – chắc chắn nguồn suối của minh triết hằng sống không đứng yên. Điều này, một lần nữa, có nghĩa là cuộc tìm kiếm của tự ngã là chuyện vô vọng khi nó cố tạo ra một cách biểu đạt minh triết tĩnh tại, không bao giờ có thể thay đổi, không bao giờ có thể bị đe doạ, không bao giờ có thể bị lật đổ. Như các thày đã có giải thích qua định luật thứ hai của nhiệt động học, bất cứ gì mà trở thành một hệ thống đóng kín sẽ bắt buộc phải tan rã, bởi vì các mâu thuẫn nội tại sẽ gia tăng hỗn loạn bên trong khiến nó phải tan vỡ.

10.2. Khai ngộ ở cấp thứ tư của Tia thứ Hai 

Thực tế là nếu càng cố duy trì sự an toàn vỏ ngoài cho tự ngã, thì học viên sẽ phát ra càng nhiều xung năng lượng phóng về tấm gương vũ trụ. Các xung năng lượng này sẽ được gửi trả về dưới hình thức những điều kiện sẽ đe dọa cảm giác an toàn của học viên, và khi đó, học viên sẽ phải phóng ra xung lực mạnh hơn nữa để chống chọi lực phản hồi, và tất nhiên điều này chỉ khiến cho cường độ phản hồi càng mạnh hơn thôi. Cuộc “chạy đua vũ trang” cứ tiếp diễn như thế cho đến khi học viên bị tan vỡ bởi áp lực căng thẳng và không thể tiếp tục.

Dĩ nhiên, các thày sẽ cố giúp cho học viên nhìn ra sự sai lầm của cách thức này trước khi họ gục ngã trong căng thẳng, nhưng cũng có một số học viên đến nhập thất của thày phải kinh qua tiến trình tan vỡ đó. Họ nhận ra là mình không sao đủ sức mạnh, đủ uy lực, để chống chọi lại những mối đe dọa cho an toàn của mình. Vậy con phải làm gì đây? Con phải buông ra, con phải từ bỏ. Không có bước nào khác.

Gia tốc của Tia thứ Tư không giống như công việc tích tụ. Con có thể nghĩ là nếu con cần phát ra một xung năng lượng để chống lại cái gì đang phóng tới mình, thì con sẽ cần tích tụ ngày càng nhiều quyền năng hơn, nhiều quyền năng vật lý, vật chất hơn. Nhưng như thày đã nói, tích tụ nhiều quyền năng hơn chỉ có nghĩa là con tạo ra một xung lực vũ bão hơn sẽ phóng vào con trong tương lai.

Gia tốc có nghĩa là con vượt lên trên việc tích tụ quyền năng ở một mức độ nào đó vì con đã gia tốc độ rung của mình lên một mức cao hơn, nơi con sẽ không còn cảm thấy những năng lượng thấp mà con đã tạo ra trong quá khứ khi chúng được tấm gương vũ trụ gửi trở lại. Chúng sẽ chạy xuyên thẳng qua con. Chúng không đáng kể gì với con. Chúng không dính dáng gì đến kinh nghiệm sống của con. Đây là gia tốc đích thực. Có an toàn trong đó, theo nghĩa là con vượt lên trên quá khứ.

10.3. Ngay cả giáo lý của chân sư cũng tương đối 

Để giúp đệ tử vượt qua mức khai ngộ này, các thày tìm cách giúp họ nhìn ra là minh triết, các hệ tư tưởng do tự ngã tạo ra – và do loài người cũng như các thày giả tạo ra – thực sự là tương đối, mặc dù chúng được tuyên bố là tuyệt đối. Chúng tương đối vì chúng tùy thuộc vào tâm thức nhị nguyên, và do đó chúng tương đối so với một đối cực. Cho mỗi biểu đạt của minh triết xuất phát từ tâm thức nhị nguyên, sẽ có một đối cực. Điều này không mấy dễ hiểu cho hầu hết học viên cho dù là các thày đã dẫn dắt họ qua từng bước – như thày đã có giải thích – là ngôn từ có thể được diễn giải và bị hiểu lầm như thế nào. Họ vẫn khó lòng nắm bắt được, và nỗi khó khăn này cũng dễ hiểu thôi.

Thày đã nói là bất kỳ biểu đạt nào của “minh triết” đến từ tâm thức nhị nguyên đều có một đối cực. Điều đó đúng, nhưng cũng đúng là bất kỳ biểu đạt nào của minh triết đến từ chân sư thăng thiên cũng có một đối cực. Sự khác biệt ở chỗ khi minh triết biểu đạt qua tâm thức nhị nguyên, tự thân nó đã chứa sẵn đối chọi, vì cách tâm thức nhị nguyên nhìn thế giới đã sẵn mâu thuẫn.

Những gì các thày ban ra nơi cõi thăng thiên không chứa đựng mâu thuẫn nội tại, nhưng hiển nhiên khi các thày giảng dạy giáo lý, những thày giả và học trò của họ sẽ nghĩ ra cách đối chọi lại giáo lý đó, và như vậy bất kỳ biểu đạt nào bằng ngôn từ cũng có một đối nghịch. Bất cứ biểu đạt nào bằng ngôn từ cũng có thể bị phủ nhận, bị vô hiệu hóa hay phế bỏ, hay ít ra là bị phản bác bởi một câu nói khác cũng dùng ngôn từ. Đây là hệ quả tất yếu khi tâm thức tập thể trên địa cầu còn quá thấp đến độ hầu hết mọi người vẫn bị đui mù bởi tâm thức nhị nguyên. Khi con nhìn giáo lý của chân sư thăng thiên qua phin lọc nhận thức của ngã vỏ ngoài, của ngã tách biệt, thật là dễ cho con tìm được một đối nghịch cho giáo lý đó.

Con vẫn có thể chấp nhận giáo lý đó, nhưng kỳ thực con đang tìm cách dùng nó để xác nhận nhu cầu an toàn của tự ngã bằng cách nâng nó lên, và cũng nâng cách biểu đạt giáo lý đó lên, một vị thế không thể sai lầm. Thày vừa nói gì? Thày vừa nói là con không bao gìờ nên tập trung vào ngôn từ đến độ con quên mất tánh linh đằng sau ngôn từ. Điều cơ yếu là con nối kết với Hiện diện của thày, với dòng chảy của minh triết, Tánh linh Minh triết hằng sống. Con sẽ không làm được vậy nếu con lấy một biểu đạt minh triết nào đó bằng ngôn từ và nâng nó lên vị thế không thể sai lầm, nghĩa là con sẽ không bao giờ muốn thay đổi nó, hay con không bao giờ muốn vượt xa hơn nó. Đó không phải là gia tốc, mà chỉ là một nỗ lực xây đắp một khối tích tụ có vẻ là có thẩm quyền. Mục đích của các thày là cho đệ tử thấy mọi biểu đạt của minh triết phát xuất từ tâm thức nhị nguyên, hay đã được diễn giải qua tâm thức nhị nguyên, đều tương đối.

Ngay cả học trò của chân sư thăng thiên cũng đã sử dụng giáo lý của các thày để tạo dựng một thế giới quan tương đối. Điều này quan trọng ở chỗ cái gì tương đối thì không thể là minh triết tuyệt đối. Học viên thường khó lòng hiểu điều này vì họ còn quá dính mắc vào mong muốn của tự ngã xây dựng sự an toàn tối hậu. Học viên cần một sự điều chỉnh to lớn để khắc phục vấn đề này. Thật sự, học viên cần bắt đầu trải nghiệm nhận biết thuần khiết thì mới chiêm nghiệm được là mình có khả năng tìm thấy sự an toàn nội tâm đó, thay vì an toàn vỏ ngoài của một hệ thống tin tưởng tuyệt đối hay không thể sai lầm.

Ngay cả nhiều học trò của chân sư thăng thiên cũng bám vào niểm tin rằng nếu mình là thành viên của một tổ chức nào đó hay tuân theo lời dạy của vị sứ giả cao nhất, thì mình được đảm bảo sẽ thăng thiên. Họ thật không sẵn lòng buông bỏ tin tưởng này, và đó là tại sao một số bị kẹt lại trong những tổ chức không còn sứ giả hoạt động hay không còn nhận được dòng chảy của lời hằng sống. Họ bám vào những giáo lý được đưa ra trong quá khứ, và mặc dù những giáo lý này vượt thời gian và vẫn còn giá trị, đó không phải là sự biểu đạt của tâm thức mà các chân sư hiện có ngày nay. Các thày đã tự thăng vượt rất nhiều lần từ khi giáo lý cũ được đưa ra, nhưng hiển nhiên, lời biểu đạt thì không thể tự thăng vượt, đặc biệt là khi nó được nâng lên vị thế một lời nói toàn hảo không thể sai sót. Đối với các học viên sẵn lòng buông bỏ nhu cầu an toàn vỏ ngoài này, các thày có thể giúp họ tiến một bước rất lớn để thấy được mọi lời biểu đạt là tương đối.

10.4. Mô tả bằng ngôn từ không là chiêm nghiệm trực tiếp 

Ngôn từ mang ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người, cho nên ngôn từ phải được diễn giải. Các thày đã từng dùng ví dụ sau đây, nhưng thày sẽ dùng lại lần nữa. Tưởng tượng là con đang đứng trên bờ biển với một người mù bẩm sinh. Cả hai đều nhìn về chân trời và con có nhiệm vụ mô tả cảnh mặt trời lặn cho anh mù kia. Bình thường con sẽ cố gợi lên một điều gì mà anh ta đã trải nghiệm, nhưng anh chưa từng nhìn thấy gì bằng mắt. Con sẽ mô tả cảnh hoàng hôn như thế nào cho anh mù đó? Con có thể làm chuyện đó qua ngôn từ, nhưng anh ta sẽ rút tỉa được điều gì? Anh sẽ chỉ rút tỉa được một lời mô tả hoàng hôn.

Lời mô tả đó có thể rất hay, rất chính xác, nhưng đối với người khiếm thị, đó chỉ là lời tả chứ không là sự chiêm nghiệm trực tiếp. Khi các thày trao cho con minh triết từ cõi thăng thiên, các thày chiêm nghiệm được Tánh linh Minh triết. Khi các thày diễn dịch chiêm nghiệm đó thành lời, nó trở thành một lời tả tánh linh chứ không phải là tánh linh. Đây không phải là vấn đề vị sứ giả có tài tình hay không, mà chỉ đơn giản là hậu quả không thể tránh của việc diễn dịch một trải nghiệm thành lời nói. Lời nói chỉ có thể truyền đạt một mô tả. Khác biệt là gì? Khác biệt là con chỉ cần đến lời tả khi con không chiêm nghiệm trực tiếp. Một lời tả chỉ cần thiết khi có một khoảng cách, có một tách biệt giữa con và kinh nghiệm. Con, là người đang đầu thai, giống như anh mù kia chưa bao giờ chiêm nghiệm Tánh linh Minh triết. Các thày đang cho con một sự mô tả về tánh linh đó bằng ngôn từ, nhưng trong tâm con, nó vẫn chỉ là một lời tả. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là chính sự kiện con tách biệt khỏi tánh linh khiến con chỉ có thể nắm bắt được lời tả về tánh linh. Con càng tập trung vào lời tả thì thực sự nó sẽ càng đóng tâm con lại khỏi kinh nghiệm trực tiếp.

10.5. Mục đích của việc giảng dạy tâm linh 

Mục tiêu của các thày khi giảng dạy không phải để đệ tử có được một lời mô tả tuyệt vời về tánh linh. Mục tiêu của các thày là cho đệ tử một kinh nghiệm tánh linh trực tiếp. Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Hai. Thày không màng đến chuyện có đệ tử trên địa cầu có lời mô tả tinh xảo nhất về Tia thứ Hai. Thày quan tâm để làm sao có những đệ tử trên địa cầu có khả năng mở tâm ra hầu Tánh linh Minh triết xối xuống vào tâm họ, và họ chiêm nghiệm được tánh linh khi tánh linh biểu đạt xuyên qua họ. Đó là điều thày muốn.

Thày không muốn những học viên chụp lấy một lời biểu đạt rồi sử dụng để đóng chặt tâm mình lại khỏi kinh nghiệm. Thày muốn con nắm lấy lời mô tả và dùng làm bàn đạp để mở tâm ra cho kinh nghiệm trực tiếp. Đây là mục tiêu của thày. Làm thể nào con đạt được điều đó? Bằng cách khắc phục sự dính mắc của con với một lời biểu đạt minh triết nhất định và nhận ra rằng một biểu đạt minh triết chỉ là một sự mô tả, và nó chỉ có giá trị khi con dùng nó để mở tâm ra và trực tiếp kinh nghiệm tánh linh đằng sau ngôn từ. Khi con tới được điểm này, khi con ngộ ra điểm này, con mới sẵn sàng bước đi bước kế tiếp. Con sẽ cần gì để làm cánh cửa mở cho Tánh linh Minh triết chảy qua con?

Thế nào là một tánh linh? Một lần nữa, con lại có những hình ảnh giả trá về Thượng đế do các tôn giáo lớn trên thế giới tạo dựng, miêu tả Thượng đế là một đấng toàn hảo, tĩnh tại, ngồi ở trên trời. Nhưng Thượng đế không tĩnh tại. Thượng đế là tánh linh không ngừng tuôn chảy, không ngừng tự thăng vượt – đó là Đấng Sáng tạo. Làm thế nào con biết được tánh linh? Không phải là qua một sự mô tả mà con có thể nhìn từ xa. Con sẽ biết được tánh linh khi con khắc phục khoảng cách giữa tánh linh và con, khi con bước vào chứng ngộ tánh linh, khi con trở thành cánh cửa mở để tánh linh tuôn chảy qua con.

Làm thế nào con cho phép tánh linh tuôn chảy qua con? Con sẽ không thể làm được nếu con bám vào một lời biểu đạt cố định và đòi hỏi tánh linh phải phù hợp hay phải chứng thực cho lời biểu đạt này. Nếu con áp đặt một hạn chế trên tánh linh thì làm sao con sẽ trải nghiệm được dòng chảy của tánh linh? Nếu con bảo rằng tánh linh không cần chảy mà cần xác nhận một lời biểu đạt, thì con đã đánh mất tánh linh rồi.

10.6. Con hãy tự gia tốc vượt khỏi mọi lời biểu đạt 

Thày đã nói bất kỳ cách biểu đạt nào về minh triết đến từ tâm thức nhị nguyên đều tương đối. Một biểu đạt về minh triết đến từ tâm thức nhị nguyên tùy thuộc vào một biểu đạt khác về minh triết cũng đến từ tâm thức nhị nguyên. Cho dù con có phóng chiếu một cái là giả và cái kia là thật, một cái là sai và cái kia là đúng, thì cũng không có chút thực tế gì trong đó. Cả hai cách biểu đạt sẽ không giúp con tự gia tốc lên cao hơn mức nhị nguyên.

Và đây là điểm mà con cần tinh tế hơn hầu hết mọi người và ngay cả hầu hết học trò của chân sư thăng thiên. Một biểu đạt về minh triết đến từ cõi thăng thiên cũng chỉ tương đối. Ngay cả một bài giảng được các thày truyền đọc qua trung gian một sứ giả được bảo trợ cũng không lả một lời biểu đạt tuyệt đối về chân lý. Đó là một biểu đạt tương đối, nhưng một biểu đạt đến từ tầm mức của các thày không tương đối so với một đối nghịch trong cõi vật chất. Nó tương đối so với tánh linh, và do đó nếu con đi theo biểu đạt của các thày để vượt quá ngôn từ, con sẽ tìm thấy tánh linh. Chứ nếu con lấy một biểu đạt nhị nguyên và đi theo nó và vượt quá ngôn từ, con cũng tìm thấy một tánh linh, nhưng một tánh linh nằm trong phổ tần số vật chất, và cái này thì không thể giúp con vượt thăng lên cõi thăng thiên.

Khi con đi theo lời biểu đạt đến từ một chân sư thăng thiên cho tới cội nguồn của nó, con sẽ tìm thấy chân sư đó và tánh linh của vị đó, và điều này có thể giúp con tự gia tốc khỏi mức nhị nguyên. Đây là điểm khác biệt. Đây là khía cạnh Alpha của câu nói bảo rằng ngay cả một bài truyền giảng từ chân sư thăng thiên cũng tương đối, nhưng cũng có một khía cạnh Omega. Bất kỳ biểu đạt nào mà các thày ban ra đều tùy thuộc vào mức tâm thức nơi con người bị mắc kẹt. Nó được điều chỉnh cho phù hợp với mức tâm thức này vì các thày không có mục đích ban ra một lời biểu đạt tối hậu hay bất khả sai lầm về minh triết. Các thày biết rõ điểu này không thể thực hiện được qua ngôn từ.

Mục đích của các thày là đưa ra một biểu đạt về minh triết phù hợp với con người ở một mức tâm thức với một hộp tư duy nhất định, và họ nhận được những gì họ cần để tự gia tốc ra khỏi hộp tư duy đó. Các thày không cố ban ra cho mọi người những gì sẽ đưa họ tới giai đoạn tối hậu, mà chỉ cố dẫn đắt họ vượt qua một bước. Đây chính là tinh túy của con đường khai ngộ. Ở cấp thứ tư của khóa nhập thất của thày, khai ngộ tối hậu mà con cần kinh qua là nhận ra bản chất của con đường khai ngộ.

10.7. Tinh túy của con đường khai ngộ 

Khi con ở một tầng cấp nào đó, cho dù là thứ 48 hay thứ 2 hay thứ 142, mối quan tâm của con không phải là vượt qua thử thách cuối cùng hay đạt được minh triết cuối cùng nào đó. Nhiệm vụ của con là đặt chân lên bực kế tiếp của cầu thang vòng xoáy ốc. Nhiệm vụ của con là vượt qua cuộc khai ngộ tiếp theo sau, đưa con lên mức ở ngay trên mức hiện thời của con. Để làm vậy, con cần đạt được minh triết sẽ thách đố hộp tư duy hiện thời của mình để con tự gia tốc vượt lên trên. Đây là minh triết cao nhất. Minh triết cao nhất luôn luôn là minh triết mà con có thể nắm bắt với mức tâm thức hiện tại nhưng vẫn có khả năng gia tốc con lên mức kế tiếp. Đó, con yêu dấu, chính là minh triết tối hậu, nhưng minh triết này hiển nhiên vẫn tương đối so với mức tâm thức hiện thời của con và mức tâm thức ở ngay bên trên.

Nếu con muốn, con có thể nói rằng một mức minh triết tối thượng. Đó là mức mà con có thể nhận được ở tầng tâm thức thứ 144 sẽ gia tốc con lên trạng thái thăng thiên. Đâu có ích lợi gì trao cho con minh triết đó ở tầng 55 khi con không có cách chi nắm bắt được? Con sẽ không có cách nào sử dụng được vì con không thể liên kết nó với mức tâm thức hiện hữu của con. Con cần có một dạng minh triết tương ứng với mức tâm thức hiện hữu của mình hầu con có thể liên kết nó với hoàn cảnh hiện thời, và đồng thời cũng tương ứng với mức kế tiếp hầu con có thể gia tốc tới mức đó.

10.8. Hãy từ bỏ mong muốn một giáo lý tối hậu 

Nếu con muốn vượt được khai ngộ của Tia thứ Tư tại khóa nhập thất Royal Teton, con cần từ bỏ mong muốn của tự ngã nhằm đạt được một dạng minh triết tối hậu nào đó rồi chạy quanh khoa trương minh triết vượt bực của mình cho người khác. Đó là một mong muốn hoàn toàn vô ích, một tìm kiếm hão huyền. Con có thấy chăng? Con có nắm được hay chăng? Con có đang cảm thấy sự chống đối của tự ngã, và có thể cả của các thày giả, đang gào lên để bảo con những gì thày đang dạy con nhất định phải là giáo lý giả trá, rằng con không được chấp nhận kẻo nó sẽ kéo con xuống địa ngục? Cái này nhất định phải đến từ một kẻ trong hàng ngũ tà đạo mạo danh chân sư thăng thiên.

Đây là điều mà chúng sẽ phóng vào con, và đã có nhiều đệ tử cho phép tâm ý thức của mình quay sang trạng thái sợ hãi. Họ bác bỏ chính những ý tưởng khả dĩ sẽ đưa họ lên tầng tâm thức kế tiếp. Có nhiều học trò của chân sư thăng thiên bám víu vào niềm tin rằng một lời biểu đạt nào đó, một sứ giả hay một tổ chức nào đó đã đưa ra những lời dạy tối thượng. Tất nhiên, điều này cũng phải như vậy thôi, vì các đệ từ này còn cần sống qua trải nghiệm đó thêm một thời gian nữa. Họ cần đi đến chỗ cùng cực của trải nghiệm đó trước khi họ chán ngấy và buông nó ra. Thày không chờ đợi mọi người sẽ nắm được lời dạy này của thày, và thày chỉ đưa nó ra cho những ai đã sẵn sàng, vì họ sẵn sàng vượt qua khai ngộ ở cấp thứ tư, sẵn sàng nắm bắt và chấp nhận khai ngộ đó với tâm ý thức của mình.

Thật con sẽ nhẹ nhõm làm sao khi con buông được mong muốn đi tìm giáo lý tối thượng, vì khi đó con cũng thăng vượt được lòng sợ hãi nhận phải giáo lý giả trá. Có quá nhiều đệ tử, cho dù là theo học chân sư thăng thiên hoặc một giáo lý tâm linh hay tôn giáo nào khác, sợ hãi nhận phải tư tưởng giả trá đến độ họ không dám xem đến cả những ý tưởng chính đáng. Tâm họ không mở ra. Họ khép kín đối với bất cứ gì vượt ra ngoài hệ thống tin tưởng mà họ đã nâng lên vị thế cao trội và bất khả sai lầm.

Con yêu dấu, con có thấy sự trớ trêu không? Nếu con biết đến sự hiện hữu của các chân sư thăng thiên và chấp nhận là các thày có thật, con chẳng nhận ra được là các thày đã thăng thiên hay sao? Các thày hiện hữu nơi cõi thăng thiên. Làm thế nào để mà thăng thiên? Bằng cách thăng vượt mọi thứ trên địa cầu. Vậy thì nghĩa lý gì khi bảo các thày là chân sư thăng thiên mà phải tuân theo một hệ thống tin tưởng trên địa cầu? Nghĩa lý gì khi bảo các thày là chân sư thăng thiên mà phải tuân theo một hệ thống tin tưởng mà các thày đã đưa ra cho loài người trong quá khứ?

Làm sao con có thể lấy những bài giảng cũ của các thày truyền đọc qua trung gian một sứ giả chính đáng, rồi sử dụng làm vũ khí để chống lại mọi sứ giả tương lai? Con đang dùng giáo lý đó làm vũ khí chống lại chính các thày để ngăn cản các thày chạm được con với một biểu đạt cao hơn của minh triết phù hợp với thời đại hôm nay hay một mức tâm thức cao hơn. Chuyện này có nghĩa lý gì không? Nghĩa lý gì khi con quá sợ hãi những tư tưởng giả trá, sợ hãi hàng ngũ tà đạo và bọn thày giả, đến nỗi con đóng chặt tâm con không cho vị thày nào vào, thậm chí cả những vị thày chân chính là chân sư thăng thiên?

10.9. Khác biệt giữa đệ tử thật và giả 

Một lần nữa, đây là vấn đề động cơ, vấn đề gia tốc ý định của con. Đâu là ý định của con khi con thu hoạch minh triết? Có phải là để con xác nhận tự ngã và nhu cầu an toàn của tự ngã, hay là để thăng vượt mức tâm thức hiện thời của con? Nếu con muốn thăng vượt mức tâm thức hiện thời, con chỉ có thể làm được bằng một cách: bắt liên lạc trực tiếp với những vị thày tâm linh vượt trên mức hiện thời của con.

Đây là một khía cạnh khác nữa của con đường khai ngộ mà con cần hiểu. Tiếc thay, có nhiều người tâm linh, và ngay cả nhiều học trò của chân sư thăng thiên, tin rằng nếu họ có thể thu hoạch một lời biểu đạt cao trội về minh triết thì công thức đó, lời nói đó, bản văn đó, lời kinh đó, sẽ tự động phóng họ lên một mức tâm thức cao hơn.

Điều này chưa từng đúng bao giờ. Đây là điều mà những kẻ mạo danh trong hàng ngũ tà đạo và những ai theo học chúng luôn tìm kiếm, bằng phép thuật, để đạt được sự điều ngự tự động, là sự điều ngự giả trá của những kẻ tìm cách chiếm đoạt thiên đàng bằng vũ lực, bởi vì họ không sẵn lòng để cho ngã tách biệt của họ chết đi, để cho những cái ngã phát xuất từ tự ngã chết đi. Họ không sẵn lòng nhìn vào cái xà nơi mắt mình, và họ tưởng họ có thể đạt được quyền năng phi thường mà không cần từ bỏ tự ngã, là những quyền năng để họ chế ngự hay khoa trương với người khác.

Đây không phải là những đệ tử chân chính, vì đệ tử chân chính sẽ muốn nâng mình lên trước tiên, nhưng cũng muốn nâng cao mọi sự sống. Đây là những đệ tử chân chính của Ki-tô, và khi con nâng cao ý định của con, con sẽ không thu hoạch minh triết để minh chứng cho nhu cầu an toàn của tự ngã. Con không thu hoạch minh triết để khoa trương với người khác. Con không thu hoạch minh triết để đạt được quyền năng phi thường sẽ khiến người khác nể phục mình hay đạt được những thứ mà con muốn trong cõi vật chất. Con đi tìm minh triết sẽ giúp con gia tốc chính mình lên mức tâm thức kế tiếp, nhưng cũng sẽ giúp con tạo cảm hứng cho người khác muốn gia tốc theo. Con cố gắng tự nâng cao và nâng cao người khác, và như vậy con cũng nâng cao mọi sự sống. Đây là động cơ đích thực để thu hoạch minh triết.

Con không tìm cách đạt được một minh triết tối thượng, tuyệt đối nào đó. Con tìm cách đạt được minh triết sẽ hữu ích cho con thăng vượt mức của con, nhưng cũng hữu ích cho người khác nhận lấy cảm hứng mà thăng vượt chính mức của họ, bất kể con gặp những ai trong khi con đầu thai trên địa cầu. Điều này có nghĩa là con không chạy quanh đem minh triết cao siêu của mình đập lên đầu mọi người rồi bắt họ phải chấp nhận.

Con nhìn mọi người một cách cởi mở và trung thực, và con xét xem họ đang ở đâu trên mặt tâm thức. Rồi con tìm cách trao cho họ một điều gì đó sẽ đưa họ lên một nấc cao hơn – không phải hai trăm nấc cùng một lúc trong một bước nhảy khổng lồ, mà chỉ một nấc cao hơn. Khi họ đã bước lên nấc đó, con có thể cho họ nhiều hơn, nhưng con không cho họ tất cả một lượt. Đó không phải là minh triết. Đó là điều mà người ta làm khi bị đui mù bởi tự ngã, khi chỉ có hai lựa chọn, hoặc là tất cả hoặc không có gì. “Hoặc bạn phải nhận lấy toàn bộ hệ thống tin tưởng cao siêu của chúng tôi, hoặc bạn sẽ bị xuống địa ngục,” như người đạo Cơ đốc đã đập lên đầu mọi người khác suốt bao nhiêu thế kỷ, đến độ ngày càng có nhiều người chán ứ, khiến họ bác bỏ toàn bộ tánh linh đứng đằng sau đạo Cơ đốc, tức là chính Giê-su.

Làm thế nào con có thể nhận được minh triết của một chân sư thăng thiên nếu con không vượt xa hơn ngôn từ và chiêm nghiệm tánh linh của chân sư – là tánh linh hằng sống, không ngừng tuôn chảy, không ngừng thăng vượt của chân sư? Làm thế nào con sẽ chứng nghiệm tánh linh hằng sống đó nếu con đòi hỏi tánh linh phải phù hợp với những cách biểu đạt cũ qua những ngôn từ nay đã đóng băng trong vật chất? Một khi lời nói được thốt ra, nó liền đóng thành băng, nhưng tánh linh thì không bao giờ đóng băng. Con muốn gì: một biểu đạt bằng ngôn từ đóng băng hay nguồn suối hằng sống của tánh linh?

10.10. Trên đường tu không có thử nghiệm nào thất bại 

Đây là sự lựa chọn của con ở cấp thứ tư. Đôi khi học viên phải mất một thời gian rất, rất dài để chọn lựa là họ có muốn tánh linh nhiều hơn mọi thứ khác hay không. Khi rốt cuộc họ chọn lựa, họ nhận ra là bằng cách gia tốc ý định của mình và sẵn lòng không ngừng gia tốc ý định của mình, họ cũng tự gia tốc khỏi các thày giả, khỏi những kẻ mạo danh trong hàng ngũ tà đạo và giáo lý giả trá.

Nếu con không ngừng nỗ lực tự gia tốc thì đâu có vấn đề gì nếu con lỡ chấp nhận một giáo lý giả trá? Vì sau đó con sẽ nhìn ra là nó giả trá, và khi con thấy là nó giả trá, con đã tự gia tốc và đạt được phân biện. Giờ đây con biết rõ cái gì không đem lại kết quả. Hẳn con đã nghe câu chuyện về Thomas Edison khi ông tìm kiếm vật liệu thích hợp cho bóng đèn điện. Ông đã khám phá ra một ngàn cách không nên sử dụng để chế tạo bóng đèn điện. Mỗi thử nghiệm đó không hề là thử nghiệm thất bại mà là thử nghiệm thành công. Nó khiến ông nhận ra: “À! Cách này không được.”

Thế nào là tiến trình thăng thiên? Đó là khi con khám phá ra một ngàn cách để không trở thành một chân sư thăng thiên. Bởi vì mỗi lần con phát hiện một cách không khiến con trở thành chân sư thăng thiên, con đã bước cao hơn một bực. Cuối cùng thì con đến mức con có thể phát hiện cách độc nhất để trở thành chân sư thăng thiên – thì lúc đó, con một chân sư thăng thiên.

Trên đường tu thăng thiên, không có chuyện thử nghiệm thất bại. Cho dù nó có đem lại kết quả hay không, con có thể học hỏi từ đó và tự gia tốc lên một mức tâm thức cao hơn. Đó chính là dấu ấn của một đệ tử chân chính, chứ không phải là con đòi hỏi sự bảo đảm là con sẽ thăng thiên nếu con đi theo giáo lý vỏ ngoài này hay đạo sư vỏ ngoài nọ. Không, con sẵn lòng thử nghiệm vì con bắt đầu nhận ra chìa khóa để thăng thiên là bắt liên lạc với tánh linh, là trở thành cánh cửa mở cho tánh linh, là trở thành một với tánh linh.

Thế nào là một chân sư thăng thiên? Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Hai, không phải vì thày đã học hỏi Tia thứ Hai và có những kiến thức từ xa về Tia thứ Hai. Thày là Thượng sư của Tia thứ Hai vì thày là một với tánh linh của Tia thứ Hai. Do đó, thày là Tia thứ Hai. Thày đã tự nâng mình lên tới mức thày không còn xem mình là một với Tia thứ Hai, vì thày là Tia thứ Hai!

Thày vị đại diện của Tia thứ Hai cho địa cầu. Không có ai khác. Không có tánh linh nào tuôn chảy qua thày. Thày chính là tánh linh đang tuôn chảy, và tánh linh của thày sẵn lòng tuôn chảy qua con nếu con chịu mở con ra cho dòng chảy sẽ giúp con thăng vượt mức hiện tại của con, cho dù mức đó là gì, bằng cách con thách đố hộp tư duy hiện thời của mình.

Nếu con sẵn lòng bị thách đố thì thày cũng sẵn lòng thách đố. Cả hai chúng ta có thể chảy lên một mức cao hơn, chúng ta có thể gia tốc lên một mức tinh khiết cao hơn, một biểu đạt minh triết luôn luôn tinh khiết hơn nữa. Thày là tánh linh của Tia thứ Hai. TA LÀ Lanto!