Nói chuyện với người khác nhưng để ý phản ứng của mình

Hỏi: Nếu con có bạn bè cũng bước trên đường tu tâm linh và nếu con nhận ra là họ có một điều gì họ không thể buông bỏ, thì liệu con có trách nhiệm nêu vấn đề ra để họ chú ý? Hay con phải làm việc trên tự ngã của con trước khi đặt vấn đề với họ?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Trách nhiệm của con luôn luôn là soi gương, là nhìn vào bản thân mình trước tiên. Hẳn con cũng biết lời ẩn dụ của ta về những người nhìn thấy trước tiên cái giằm trong mắt người khác mà không nhìn thấy cái đà trong mắt mình. Cho nên khi con là người tầm đạo tâm linh, con nên luôn luôn dõi nhìn những gì xảy ra trong chính mình.

Tuy nhiên khi con bước trên đường tu, sẽ tới một điểm khi con nhìn ra được một số điều trong bản thân mình và do đó con cũng thấy rõ hơn những gì xảy ra trong tâm lý người khác. Cho nên sẽ tới lúc con có trách nhiệm nêu vấn đề cho họ chú ý, hầu họ có cơ hội nhìn thấy những gì mà tự họ không thể thấy được.

Thật sự, những người tầm đạo nếu ở trong một trạng thái tâm thích hợp có thể giúp đỡ lẫn nhau rất nhiều, bởi vì mỗi người đều có những điểm mù, là những điểm mà họ không thể nhìn thấy nhưng lại thật hiển nhiển đối với người khác. Cho nên bằng cách đưa vấn đề đó ra trong tình thương yêu, các con có thể giúp đỡ nhau rất nhiều trên đường tu.

Câu hỏi mấu chốt mà con cần đặt ra cho chính con là liệu con có cảm thấy dính mắc bởi điều con vừa phát hiện nơi người kia hay không. Liệu nó có làm phiền con không? Liệu nó có khiến con bực bội, nóng giận hay không? Liệu con có sợ nó không? Liệu con có cảm thấy bó buộc phải cho người kia nhìn thấy tính xấu của họ, như thể con sẽ bị mất một cái gì đó hay con bị tổn thương hoặc bị chối bỏ nếu họ không nhìn ra? Nếu con có thể nhận diện các loại cảm xúc này trong bản thân con, thì con nên coi như là mình vẫn chưa chữa lành được tâm lý mình hoàn toàn.

Trong trường hợp đó, rất có thể sẽ tốt hơn nếu con không nói gì với người kia, bởi vì chừng nào con còn mang những dính mắc và cảm xúc tiêu cực như vậy thì con có thể chắc chắn là các cảm xúc đó sẽ ngăn cản không cho con thấy rõ những gì đang xảy ra trong tâm lý họ. Nếu vậy, con sẽ cần làm việc trên chính mình – cho đến khi con cảm được sự minh mẫn luôn đi kèm theo sự không dính mắc – rồi sau đó con mới hãy nói chuyện với người kia.

Chúng ta cũng có thể nói được là nếu con có thể nêu lên vấn đề từ nhãn quan của tình thương tinh khiết, thì con rất nên làm chuyện đó. Nhưng nếu con nhận diện những loại cảm xúc khác thì con nên hoãn lại một thời gian, soi vào gương, và tìm xem có thể nào là người kia đang phơi bày ra một điểm gì đó trong tâm lý con hay chăng, và liệu con sẽ được ích lợi chữa lành nó, hầu con được giải thoát khỏi nó và bước đi tiếp trong cuộc sống.

Như ta đã chỉ ra nhiều lần, sự cân bằng và không dính mắc chính là chìa khóa. Nếu con cân bằng, cái nhìn của con sẽ rõ ràng và con không cảm thấy bị bó buộc bởi những cảm xúc vị kỷ. Nếu con không dính mắc, con sẽ có khả năng nói chuyện với người kia mà không bị phiền lòng nếu họ không đồng ý hay không thay đổi. Luôn luôn con hãy nhớ tôn trọng định luật tự quyết của Thượng đế. Trách nhiệm của con CHÍNH LÀ cho người kia cơ hội thay đổi bằng cách nói ra những gì con thấy, chứ KHÔNG PHẢI là chọn lựa dùm họ những gì họ phải làm với điều con vừa nói với họ.

Con hãy nói chuyện với người kia, xong con hãy giữ mình không bị dính mắc vào cách phản hồi của họ. Nếu con phát hiện trong con bất kỳ dính mắc nào liên quan đến phản hồi của họ, thì con hãy sử dụng nó để phát hiện cái đà trong mắt con. Khi con phản ứng lại người khác – ngược với khi con tự do chọn lựa cách mình đáp ứng trước một tình huống – thì phản ứng đó của con luôn luôn là vì ở trong con có điều gì đó mà con cần giải quyết. Cho nên từ nhãn quan này, con không bao giờ mất gì khi con nêu vấn đề ra cho người kia chú ý. Con chỉ mở tâm ra để khám phá vận hành trong con, và con quyết tâm nắm lấy cơ hội học hỏi từ tình huống ngay cả khi người kia không nắm lấy cơ hội.