Hồn là vật chất hay tâm linh, hay cả hai?

Hỏi: Liệu hồn (soul, linh hồn hay tâm hồn) là vật chất, tâm linh, hay cả hai? Hồn bao gồm năng lượng hay vật chất? Hồn có cư ngụ trong xác thân vật lý, và nếu vậy thì ở đâu? Con có nghe một số người nói rằng nó nằm trong tim, và người khác thì bảo nó nằm trong bụng, trong khu vực đám rối dương. Thế nào là cách hay nhất để giao tiếp với hồn? Xin thày giải nghĩa sự khác biệt giữa linh hồn và Tánh linh? Nhiều người có vẻ lẫn lộn cái này với cái kia, hoặc họ nghĩ cả hai chỉ là cùng một thứ.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Nếu con nhìn vào lịch sử loài người, con sẽ thấy một chuỗi dài những xung đột gần như bất tận. Nếu con nhìn kỹ hơn vào các xung đột, con sẽ thấy rất nhiều những xung đột đó bắt nguồn từ những cách hiểu khác nhau về ngôn từ.  

Khi con phối hợp nhận xét đó với các giáo lý của chân sư về tâm thức nhị nguyên, con sẽ hiểu ra là tâm thức này dẫn đến hệ quả là người ta tưởng mình là những thượng đế có khả năng định đoạt cái gì đúng, cái gì sai. Nói cách khác, tâm thức nhị nguyên khiến mỗi người diễn giải ngôn từ theo cách của mình, Và họ cũng tin rằng cách diễn giải của họ là cách đúng duy nhất và mọi cách hiểu khác đều sai. Sự thể này gây ra hiện tượng mà ta gọi là tư duy bi kịch cuồng đại.

Tâm thức đó đem tới hệ quả là một số từ ngữ, với thời gian, đã trở thành gần như vô dụng cho vị thày tâm linh nào muốn sử dụng. Lý do là vì mỗi người gán cho từ ngữ những ý nghĩa khác nhau, và cuối cùng thì mọi người chỉ còn mức tranh cãi xem ai đúng ai sai. Do đó, thay vì lắng nghe một giáo lý cao hơn, họ chỉ lo bênh vực cho giáo lý họ, cho cách dùng từ của giáo lý họ. Và họ bị lôi cuốn vào vòng tranh luận về chữ nghĩa thay vì tìm sự chiêm nghiệm nội tâm vượt khỏi mọi chữ nghĩa. 

Con nhận xét thấy một số giáo lý tâm linh định nghĩa linh hồn một cách thế này trong khi một số khác định nghĩa thế khác. Một số giáo lý dùng từ “linh hồn” mà không có định nghĩa gì cụ thể vì họ cho rằng ai ai cũng đã biết linh hồn là gì rồi. Đó là lý do chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã quyết định đưa ra những giáo lý rõ ràng hơn về những thành phần mà hầu hết mọi người gọi là linh hồn. Mục đích của chúng tôi không phải để quy cho mọi giáo lý khác là sai, mà để đưa ra một cách hiểu chi tiết hơn về các thành phần của cái ta, hầu các hành giả tầm đạo có thể vượt lên trên những cách diễn giải khác biệt về từ “linh hồn”.

Chúng tôi nay giảng dạy là cốt lõi của con người là cái Ta Biết. Như con có thể thấy qua cách trình bày này, cái Ta Biết là một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ. Vì vậy, nó là tâm linh chứ không hề là vật lý. Cái Ta Biết có thể đi xuống vũ trụ vật chất, nhưng bất kỳ năng lượng nào của cõi này cũng không thể biến đổi nó được. Lý do là vì nó được cấu tạo bằng tâm thức chứ không bằng năng lượng. Như ta đã giải thích trong một câu trả lời khác, mọi thứ trong thế giới hình tướng được tạo ra TỪ năng lượng nhưng được sinh tạo BỞI tâm thức. Cái Ta Biết có khả năng hình thành một hình tư tưởng, phóng chồng lên Ánh sáng Mẫu-Vật, khiến cho ánh sáng khoác lấy hình dạng của hình tư tưởng.

Như ta cũng giải thích trong một giải đáp khác, khi cái Ta Biết đồng sáng tạo như vậy, nó có thể mang bản sắc một sinh thể nối kết, hay nó có thể tự xem nó là một sinh thể tách biệt. Nếu nó đồng sáng tạo với cảm nhận tách biệt, những hình tư tưởng và năng lượng thấp kém mà nó tạo ra sẽ không thể đi lên cõi tâm linh. Vì thế chúng sẽ tích tụ lại trong cái ta thấp, hay phàm ngã, và phàm ngã này với thời gian có thể trở thành một ý thức bản ngã vô cùng tinh xảo và mạnh mẽ. Nếu cái Ta Biết tự đồng hóa với ngã tách biệt mà nó đã tạo ra, nó sẽ không thể buông ngã ra khi xác thân vật lý qua đời. Và như vậy, việc tái đầu thai sẽ trở thành chuyện bắt buộc, vì với đầu thai, cái Ta Biết sẽ có thêm một cơ hội để tự tháo gỡ khỏi ngã tách biệt và đạt được tâm thức Ki-tô – và trong tâm thức Ki-tô đó, nó sẽ tự thấy nó đúng là một phần nối dài của Bản thể Thượng đế. 

Vậy khi con nhìn vào một dòng sống đang đầu thai, con sẽ thấy một tổng hợp của cái Ta Biết với ngã tách biệt. Quả là tổng hợp này sẽ đi xuống xác thân vật lý từ một cõi có rung động cao hơn cõi vật chất. Và đó là tại sao một số giáo lý nói rằng cái đang đầu thai chính là linh hồn, và bởi vì nó đã đi xuống xác thân vật lý từ một cõi cao hơn, họ cho rằng nó xuống từ cõi tâm linh và như thế linh hồn phải được sinh tạo nơi cõi tâm linh.

Con có thể hiểu sâu hơn về điều này bằng cách phối hợp với giáo lý của các chân sư về bốn tầng của cõi vật chất. Điều con hiểu ra bây giờ là cái Ta Biết đi xuống từ Hiện diện TA LÀ ở cõi tâm linh. Cái Ta Biết tạo ra, hay khoác lên, một ngã tách biệt trong cõi bản sắc, rồi nó tạo ra những hình tư tưởng dựa trên ngã này trong cõi lý trí và phóng chiếu vào Ánh sáng Mẫu-Vật xuyên qua cõi cảm xúc. Do đó, ngã tách biệt hoàn toàn không tâm linh vì nó đã được tạo dựng trong các cõi bản sắc, lý trí và tình cảm.

Vậy khi xác thân vật lý chết đi, ngã tách biệt hiển nhiên không thể đi lên cõi tâm linh vì nó đã được cấu tạo bằng năng lượng của các cõi bản sắc, lý trí và cảm xúc. Và khi cái Ta Biết đồng hóa hoàn toàn với ngã tách biệt, chính nó cũng sẽ không thể vượt lên cao hơn, có nghĩa là giữa hai kiếp hiện thân, cái Ta Biết sẽ “cư ngụ ” – tức là sẽ tập trung khả năng tự nhận biết của nó – ở một trong ba thể phàm nói trên. Vì thế, cái mà con thấy đi xuống đã không đi xuống từ cõi tâm linh – trừ khi con định nghĩa “cõi tâm linh” là bất cứ gì vượt trên cõi vật lý và con không nhận diện rõ ràng ba cõi bản sắc, lý trí với xúc cảm. 

Cho nên con có thấy điểm tổng quát mà ta muốn nói? Phần lớn sự lầm lẫn về linh hồn khởi lên từ sự kiện có nhiều cách định nghĩa khác nhau, hay không có định nghĩa nào rõ ràng, về linh hồn. Nếu con nói rằng linh hồn được tạo ra nơi cõi tâm linh và vì thế nó là Tánh linh, thì lẽ ra linh hồn phải có thể thăng thiên, và sự đầu thai phải không cần thiết. Và nếu con nói rằng linh hồn là vật lý, thì làm thế nào nó có thể thượng thăng lên cõi tâm linh?

Chúng tôi là các chân sư thăng thiên mong muốn đưa ra một cái nhìn chính xác hơn, đó là: cái mà hầu hết mọi người gọi là linh hồn được cấu tạo bởi những thành phần khác nhau – trong đó một số là tâm linh, và một số thì cư ngụ nơi các tầng khác nhau của cõi vật chất. Một khi con hiểu điều này, con sẽ tránh khỏi lẫn lộn.

Vậy dựa trên những điều ta vừa nói, chúng ta có thể thấy cái phần thấp kém của dòng sống của con có mấy tầng lớp. Ở mỗi tầng lớp, con có thể tích tụ một số tin tưởng cùng tâm ảnh dựa trên ý thức tách biệt. Sự tích tụ này đã tiếp diễn từ nhiều tiền kiếp khi con phải phản ứng lại các điều kiện mà con gặp trên địa cầu. Và bởi vì hành tinh này đã bị tác động sâu xa bởi tâm thức nhị nguyên cũng như các sa nhân đã đầu thai ở đây, có thể con đã bị tổn thương trầm trọng, bị chấn thương trong tiền kiếp. Cho nên con có thể mang theo nhiều năng lượng tha hóa và nhiều tin tưởng gây giới hạn được tích lũy trong bốn “thể” phàm của con.

Hầu cái Ta Biết có thể thoát ra khỏi phàm ngã – tức là nó ngưng tự đồng hoá với phàm ngã – nó sẽ phải biến hóa các năng lượng thấp và thay thế các tin tưởng gây giới hạn. Những tâm ảnh và tin tưởng này đều là ảo tưởng, và hầu cái Ta Biết tự giải phóng khỏi chúng, nó sẽ phải ý thức về chúng và lấy quyết định loại bỏ và thay thế chúng bằng những hình ảnh xuất phát từ phân biện Ki-tô. Tuy nhiên, thường thường con sẽ phải khởi đầu bằng cách giảm thiểu khối năng lượng tha hóa, vì chính năng lượng này sẽ gây ra nhiều đau đớn tình cảm đến độ con sẽ không thể phơi bày các tin tưởng nằm bên dưới. Trong trang Hộp Dụng cụ Thăng vượt, chúng tôi có giải thich điểm này chi tiết hơn và cũng cung cấp những dụng cụ thực tiễn.

Tiến trình mà qua đó cái Ta Biết ý thức được nội dung của tâm tiềm thức (các tầng vật lý, cảm xúc, lý trí và bản sắc) có thể được xem là một tiến trình của chính con đang giao tiếp với linh hồn.

Có nhiều cách để biến tiềm thức trở thành ý thức, chẳng hạn như thiền định hay ghi nhật ký. Con có thể sử dụng một vài kỹ thuật điều trị tâm lý, và trong số này có một kỹ thuật gọi là “làm việc với đứa bé bên trong”. Một số khác là liệu pháp Gestalt hay liệu pháp EMDR. Kỹ thuật của ta nhằm hòa điệu nội tâm có thể được dùng để giao tiếp với linh hồn. Giản dị, con hãy tưởng tượng con đang sử dụng chính ta hay cái ta Ki-tô của con để làm sợi dây giao tiếp với linh hồn của con, xong con ghi xuống những ý tưởng đến với con trong lúc thiền tập.

Bây giờ ta xem đến câu hỏi này của con: 

“Hồn có cư ngụ trong xác thân vật lý, và nếu vậy thì ở đâu? Con có nghe một số người nói rằng nó nằm trong tim, và người khác thì bảo nó nằm trong bụng, trong khu vực đám rối dương.”

Như ta đã trình bày, con có bốn “thể” phàm hay bốn tầng lớp của tâm. Chúng tạo thành trường năng lượng của con, thường gọi là hào quang. Ta cũng biết là nhiều người tin rằng hào quang bao quanh xác thân vật lý, và có cả những người tin rằng hào quang là do xác thân vật lý tạo ra, tương tự như từ trường do một thỏi nam châm vật lý sản xuất ra – họ tin như vậy một cách sai lầm. Khi con hiểu rõ giáo lý về bốn tầng của vũ trụ vật chất, con sẽ thấy hào quang không phải do xác thân sản xuất, mà trái lại, trường năng lượng mới sản xuất ra xác thân. Xác thân vật lý chỉ đơn giản là khía cạnh dày đặc nhất của toàn bộ trường năng lượng của con.    

Hiểu vậy rồi thì con thấy rằng chuyện gán ghép linh hồn vào một nơi chỗ cụ thể nào đó trong cơ thể vật lý là hoàn toàn vô nghĩa. Một lần nữa, nếu con định nghĩa “linh hồn” một cách nào đó thì tất nhiên, con sẽ có thể lý giải nó nằm ở đâu đó, nhưng điều ta muốn nói là không hề có một địa điểm vật lý nào là điểm đi vào hoặc điểm trụ neo giữa ba thể cao hơn của con và xác thân vật lý của con.  

Chúng tôi có giảng dạy về các luân xa, và tất cả bảy luân xa chính yếu đều là những tụ điểm nơi các thể cao hơn của con tương giao với xác thân vật lý của con. Chúng tôi dạy rằng năng lượng từ Hiện diện TA LÀ đi vào trước hết một luân xa gọi là Mật thất của Tim, được cho là nằm ngay sau luân xa tim nhưng lại có độ rung cao hơn. Từ đó, năng lượng đi vào luân xa tim trước khi nó lan tỏa ra các luân xa khác.

Chúng tôi cũng có nói là luân xa thứ nhì từ dưới đi lên có tên là luân xa hồn, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả bốn thể phàm của con đều neo trụ ở đây. Một lần nữa, nếu con định nghĩa “linh hồn” theo một cách nào đó thì con sẽ bảo là linh hồn trụ nơi luân xa này.

Nhưng nếu con cố gắng vươn lên hiểu biết cao hơn, con sẽ thấy rằng tất cả mọi luân xa đều quan trọng cho sự biểu đạt sáng tạo của con trong thế giới vật chất. Mỗi luân xa có những chức năng khác nhau, và mỗi luân xa liên hệ đến những gì con có thể làm với cơ thể vật lý và tâm ý thức của con. Tâm phân tích đường thẳng ham chuộng chuyện phân chia mọi thứ ra thành từng loại riêng biệt, nhưng trên thực tế, tất cả đều chỉ là một, một tổng thể nối kết. Cho nên vừa rồi ta đã cố gắng đưa ra cho con một cái nhìn bớt đường thẳng, bớt phân rẽ và nối kết hơn về toàn bộ bản thể của con.