Tâm lý chưa giải quyết đằng sau sự bùng phát coronavirus

Hỏi: Xin Elohim Cyclopea hay một vị chân sư nào khác có thể vui lòng bình luận về tâm lý chưa giải quyết đằng sau sự bùng phát của vi-rút corona? Và xin các thày chia sẻ với chúng con những lời dạy sẽ giúp chúng con thăng vượt tâm lý này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar vào tháng 5, 2020 cho sự Giải phóng của Phụ nữ. Đăng ngày 3/7/2020.

Con yêu dấu, con hãy biết vi-rút không thực sự là một dạng sống, ít ra không phải là cái mà bình thường con gọi là dạng sống. Vi-rút là một loại ký sinh trùng (parasite), và để sống còn, nó phải lệ thuộc vào một tế bào chủ (host cell) mà nó đã xâm nhập.

Dựa trên đó, con có thể thấy vi-rút không phải là một sự kiện tự nhiên, theo nghĩa nó không là kết quả của quá trình tiến hóa bình thường. Bởi vì ngay cả trên một hành tinh như địa cầu với vật chất dày đặc như thế này, quá trình tiến hóa bình thường vẫn tạo ra những dạng sống tự thân có khả năng sống còn và sinh sản – và nhờ vậy chúng có thể tăng trưởng, chúng có thể tự thăng vượt, tiến hóa thành những dạng sống khác, và trong quá trình tiến hóa đó có một hướng phát triển tuần tự. Nhưng với một số dạng sống như vi-rút, ký sinh trùng, thú vật độc hại v.v… con thấy là chúng không thể tồn tại một cách tự lực. Và khi con gặp những loại dạng sống đó thì con biết chúng không phải là kết quả của một quá trình tiến hóa tự nhiên trơn tru, mà là kết quả của một ảnh hưởng đến từ sa nhân cùng tâm thức sa ngã.

Trong các đợt truyền pháp trước, chúng tôi đã có đề cập đến các vi-rút cũng như cách thức mà chúng đã được sa nhân tạo ra bằng gen hoặc biến đổi gen nơi phòng thí nghiệm của các nền văn minh trong quá khứ. Nhưng ở đây ta không đặc biệt muốn đi sâu vào vấn đề này. Điều ta muốn nói là, vi-rút là sự biểu hiện, sự phóng diễn của tâm thức sa ngã trong cõi vật lý. Tâm thức sa ngã và các sinh thể sa ngã là một loại vi-rút, một loại ký sinh trùng vì chúng không có khả năng tồn tại một mình. Do chúng không còn nhận được năng lượng từ cõi tâm linh, từ Hiện diện TA LÀ của chúng hay từ các chân sư thăng thiên, cho nên để có thể sống còn, chúng phải xâm chiếm tâm của người khác và ép buộc những người này tha hóa năng lượng mà họ nhận được từ cõi tâm linh qua một độ rung thấp hơn.

Đây thực sự là cái tư duy đứng đằng sau một vi-rút – sự từ chối tự thăng vượt, từ chối thay đổi, vươn lên cao hơn, tiến hóa, phát triển. Và tất nhiên là có một mối liên hệ giữa tâm thức cùng tâm thức tập thể, và những khu vực nơi vi-rút có thể nhảy vào cõi vật lý, hay nhảy từ động vật sang con người.

Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện này đã xảy ra tại Trung quốc, vì Trung quốc là một trong những quốc gia trên thế giới ngày nay còn bị mắc kẹt trong một trạng thái tâm thức nơi người ta không muốn, hay không có khả năng, tự thăng vượt. Tâm thức này mang nhiều khía cạnh, trong đó phải kể đến cách người ta đối đãi với động vật, cách người ta đối xử với động vật ở chợ bán động vật, nhưng thêm vào đó cũng có cách người ta đối xử với con người. Và vấn đề hiển nhiên nhất ở Trung quốc ngày nay, tất nhiên, là việc từ chối thăng vượt chủ nghĩa cộng sản cùng ý thức hệ cộng sản.

Ở đây con có một quốc gia tư bản, nếu không nói là còn tư bản hơn cả Hoa Kỳ, với số nhà triệu phú cùng tỷ phú tăng nhanh chóng, thế nhưng họ vẫn khăng khăng tìm cách duy trì bộ mặt một thể chế cộng sản do một đảng cộng sản cai trị. Để dùng một câu nói quen thuộc, họ đang muốn phỉnh gạt ai đây? Họ chỉ gạt được chính họ thôi, phải không con? Tất nhiên đặc tính này đã hiện hữu từ hàng ngàn năm qua tại Trung quốc – và ngay cả trong vùng châu Á rộng lớn hơn – là xu hướng muốn đưa ra một bộ mặt. Bằng mọi cách, họ muốn duy trì bộ mặt đó. Họ muốn giữ thể diện.

Tất nhiên con cũng tìm thấy vấn đề này ở nhiều nơi khác trên thế giới, và ta không bảo là ở những xứ khác không thể có vi-rút bùng phát. Nhưng dù sao thì con thấy nó xảy ra rất nhiều tại Trung quốc. Và đây chính là nguyên nhân của vụ bùng phát này, sự biểu hiện của một tâm thức, là tâm thức không chịu thăng vượt chính nó, và con người thì không chịu tự thăng vượt chính mình.

Và thực sự, đây cũng là sự biểu hiện của tâm thức không chịu đứng lên đối mặt với sa nhân. Vì ai là những kẻ đang duy trì bộ mặt một đảng cộng sản nắm trọn quyền kiểm soát tại Trung quốc chứ? Đó là các sa nhân, vì chính sa nhân không những đã tạo ra chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa Mác mà chắc chắn cả đảng cộng sản Trung quốc cùng toàn bộ guồng máy quyền lực ở đó.

Khi con người không chịu đứng lên đối đầu với sa nhân thì cần phải có một cái gì khác sẽ lay chuyển tư duy đó, sẽ thách thức tư duy đó theo một cách khó phủ nhận hơn. Và ở đây con có một sự biểu hiện vật lý rất khó phủ nhận. Ta biết rất rõ Trung quốc đã phủ nhận điều này từ ít lâu nay, và nếu họ cởi mở và thẳng thắn hơn với WHO [Tổ chức Sức khỏe Thế giới] cùng với phần còn lại của thế giới, thì họ đã có thể giảm thiểu tác động của vi-rút này. Nhưng một lần nữa, đây lại là vấn đề xem trọng chuyện giữ thể diện cho đảng cộng sản một cách cuồng tín. Họ nghĩ là họ kiểm soát được tình hình, nhưng liệu họ có kiểm soát được vi-rút hay không? Không, và sự kiện này đã có một tác động trên tâm thức tập thể tại Trung quốc rồi. Trong tương lai, tác động này sẽ còn lớn hơn nữa. Tất nhiên các quốc gia Tây phương cũng bị tác động, vì hiển nhiên tại một số quốc gia Tây phương, người ta cũng bị rơi vào tâm trạng không chịu tự thăng vượt.

Con thử nhìn quanh nhiều nước mà xem và con có thể tìm thấy ít nhất một sự tương ứng hợp lý giữa số người bị nhiễm bệnh, số người bị tử vong do COVID-19, và tâm thức tập thể không sẵn lòng thăng vượt một điều gì đó tại nước đó. Con có thể nhìn tại Ý chẳng hạn, có sự kiện Giáo hội Công giáo đã được thiết lập và vẫn còn đặt tòa thánh tại đó, nhưng liệu nhân dân Ý đã có thực sự thách thức Giáo hội Công giáo hay chưa? Và tại Tây ban nha cũng vậy? Ở Anh, con thấy dân chúng rời khỏi Liên Âu vì họ muốn đi con đường riêng, nhưng họ không đang thách thức lớp thượng lưu quyền lực đang cai trị nước Anh từ đằng sau hậu trường – một lần nữa, một sự không sẵn lòng thăng vượt.

Con nhìn xem tại Hoa Kỳ, nơi như chúng tôi đã từng nói, lớp thiểu số độc tôn quyền lực trở nên ngày càng giàu hơn trong khi giới trung lưu thì ngày càng nghèo đi và người nghèo thì trở nên cùng khốn. Nhưng người dân Mỹ vẫn không sẵn lòng thay đổi sự thể này. Họ không sẵn sàng đòi hỏi chính quyền của họ, tổng thống của họ, có những biện pháp để thay đổi sự thể, mặc dù đó chính là điều ông ấy đã phần nào hứa hẹn khi ông được bầu lên bởi một phong trào gọi là dân túy (populist). Nhưng ngày hôm nay, dân túy ở đâu để thách thức bàn tay sắt đá của lớp thượng lưu quyền lực đang cầm chặt nền kinh tế cùng hệ thống tái chánh Hoa Kỳ? Chắc chắn con có thể nhìn vào thế giới và tìm thấy một sự tương ứng nào đó. Không nhất thiết là con cần diễn giải phân tích quá đáng, nhưng sự tương ứng nằm ở đó.

Bây giờ nói đến các dụng cụ tâm linh mà con có thể dùng cho vấn đề này. Chắc chắn con có thể dùng các dụng cụ mà chúng tôi đã ban ra nhằm nâng cao tâm thức của con, và con có thể thỉnh gọi sự bảo vệ tâm linh cho con, thỉnh gọi để con được cắt đứt khỏi các mối ràng buộc. Và con có thể nỗ lực cải sửa chính mình và con sẵn lòng tự thăng vượt. Nhưng con cần nhìn nhận ở đây là những gì người tâm linh có thể làm được để thỉnh gọi cho đại dịch COVID-19 giảm bớt, cũng chỉ giới hạn mà thôi. Lý do là vì, giản dị, đây là một trong những bài học mà nhân loại cần học qua, vì khi con người không sẵn lòng học hỏi từ sự chỉ đạo tâm linh cao hơn thì con người phải học từ Trường đời Cay đắng. Và hiển nhiên, con có thể nói là trong thời gian vừa qua, đây chắc chắn là một trong những biến cố đã thu hút sự chú ý của mọi người, thậm chí còn thu hút hơn cả cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, và một cách nào đó, hơn cả vụ khủng bố 9/11.  Con phải chú ý vì con nhìn thấy tận mắt những biện pháp hạn chế được ban hành, và con thấy các chính phủ đã phản ứng như thế nào.

Và như vậy con thấy, cho dù cuộc khủng hoảng này có khó khăn biết mấy, it ra nó đá khiến cho người ta chú ý. Và người ta bị lung lay không còn dám nghĩ: “Ồ, chắc rồi chuyện này cũng sẽ trôi qua. Chúng ta không phải làm gì nhiều để đối phó với nó.” Người ta đã được đánh thức bởi sự kiện là mình phải làm một cái gì đó, vì nếu không, mình sẽ phải trải qua một thảm họa thực sự. Cho nên một lần nữa, đây là một sự thức tỉnh có thể dẫn đến một nhận thức sâu sắc hơn về nhu cầu phải thăng vượt tư duy cũ và tiến tới theo nhiều cách khác nhau.