Tâm thức chết

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 5/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư, và hôm nay thày đến đây để cho các con một bài giảng về tâm thức chết, và làm sao con có thể bắt đầu tạo nên một phương cách tốt hơn để phản ứng lại nó, hay đúng hơn, để ngưng không phản ứng lại nó. Vì dĩ nhiên điều mà tâm thức chết mong muốn nhất là dụ con phản ứng, tương tác với nó, và thậm chí là đánh nhau với nó hay tìm cách diệt trừ nó.

Điều này dĩ nhiên hoàn toàn trái ngược với Thánh linh, là Tánh linh của sự Sống, không muốn con đánh nhau, không muốn con chống đối, không muốn con tiêu diệt bất cứ ai, bất cứ vật gì hay coi rẻ bất cứ phần nào của sự sống. Thánh linh muốn con tuôn chảy với Tánh linh, tuôn chảy với sự sống, vì Tánh linh chính là sự sống. 

Vì như thày đã giảng, quả thực là trong tất cả các bầu cõi trước – và trong thời gian rất dài từ lúc bầu cõi của con được thành hình – nỗ lực gộp chung của tất cả các sinh thể có tự nhận biết đã thăng vượt chính họ và trở nên hơn nữa, đã tạo thành dòng chảy hướng thượng của Thánh linh. Đó chính là Dòng sông sự Sống kéo mọi thứ theo nó. Và quả thực là cả trái đất cũng được kéo theo dòng chảy của Thánh linh.

11.1. Dòng sông sự Sống không bao giờ đứng yên

Chắc con cũng biết, nếu con suy nghĩ sâu về vấn đề này, là trái đất không chỉ đi vòng quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình bầu dục, và do đó trở lại điểm khởi đầu mỗi khi nó đi xong một vòng quay. Vì con phải biết là toàn thể vũ trụ đang nới rộng ra và các thiên hà mỗi ngày tách xa nhau hơn. Điều này có nghĩa là mặt trời của các con không đứng yên trong vũ trụ. Mặt trời di động theo một đường, và đường này không phải là đường thẳng.

Như thế có nghĩa là mặt trời di động và kéo theo các hành tinh với nó, quả đất đang di động theo một quỹ đạo hình bầu dục chung quanh mặt trời, thì quả đất không đứng yên trên quỹ đạo, và quỹ đạo không đứng yên. Mặt trời di động, vì vậy quả đất di động trong không gian theo một con đường giống như một vòng xoắn, một vòng xoắn rất phức tạp, nhưng tuy vậy vẫn có thể mô tả được bằng toán học. Trong một thời gian không xa nữa, con đường này sẽ được mô tả bằng toán học. Điều này sẽ mở ra thêm nhiều khám phá khoa học quan trọng mới, nhưng đây không phải là đề tài của bài giảng này.

Điều con cần nhận ra giản dị là: Dòng sông sự Sống là một dòng chảy liên tục, lúc nào cũng tuôn chảy. Không có gì trong Dòng sông sự Sống đứng yên. Nhưng con cũng nên để ý là Dòng sông sự Sống không chỉ đơn giản chuyển động theo quan niệm chuyển động mà con có khi con quan sát vũ trụ vĩ mô qua giác quan. Theo quan niệm này con có thể dời từ một điểm này sang một điểm khác, nhưng con vẫn giống như trước. Nhưng đây không phải là loại chuyển động con tìm thấy trong Dòng sông sự Sống. Vì với Dòng sông sự Sống, sự chuyển động luôn thăng vượt chính nó.

Nó không phải chỉ di động theo đường ngang và vẫn giống y nguyên như cũ. Trong Dòng sông sự Sống con thăng vượt, con tăng triển, con gia tốc, con nhân gấp bội năng khiếu của mình và con trở nên hơn nữa. Và đây là tinh túy của tâm thức sống, tâm thức của sự sống, Dòng sông sự Sống.

11.2. Tâm thức chết là gì?

Bây giờ, con giữ ý niệm này trong đầu và nghe thày cho con một bài giảng cô đọng về tâm thức chết:

(15 giây im lặng)

Vậy là con vừa nếm được thế nào là tâm thức chết. Vì tâm thức chết là điều con trải nghiệm trong khoảng yên lặng đó. Vì dĩ nhiên, khi con đang đọc hay nghe bài giảng này, sau câu mở đầu của thày, con chờ đợi có cái gì đó tiếp theo, một lời giảng, một hình ảnh, một mô tả nào đó về tâm thức chết. Do đó, khi sự chờ đợi của con không được đáp ứng vì có khoảng yên lặng, con có một phản ứng trong tâm, phải không con?

Phản ứng đó, nếu con xem xét nó, nếu con quan sát nó, thì con sẽ thấy nó thuộc về tâm thức chết. Bởi vì, con chờ đợi gì? Con đang hòa điệu cùng nhịp giảng của thày và thày cho con hiểu là thày sắp mô tả tâm thức chết. Do đó, trong tâm con có một sự chờ đợi. Nếu con suy nghĩ kỹ, con có thể thấy là tâm thức chết có hai khía cạnh.

Thứ nhất là có cái biết đằng sau tâm thức chết là cuộc sống là một tiến trình liên tục không ngừng. Sâu thẳm trong bản thể của con, con biết ý nghĩa của sự sống là Dòng sông sự Sống không ngừng thăng vượt chính nó. Đây là một cái biết nội tại đến từ sự kiện cái Ta Biết là một nối dài của Hiện diện TA LÀ, là một nối dài của các chân sư thăng thiên, đi ngược trở lên tới tận đấng Sáng tạo.

Đấng Sáng tạo đã tạo ta các phần nối dài của ngài chính là để cho chúng cơ hội gia tốc ý niệm tự nhận biết của chúng. Vì vậy, đó chính là mục đích cao nhất của sự có mặt của con: gia tốc sự tự nhận biết của mình và tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Do đó, con không thể – dù con có thể làm mờ nhạt khả năng ý thức của mình – con không thể trốn tránh cái biết nội tâm là cuộc sống là một tiến trình liên tục, cuộc sống được tạo ra như một tiến trình liên tục.

Do đó tâm thức chết không thể nào hoàn toàn vứt bỏ cái biết nội tâm này. Nó có thể che phủ nó, nó có thể ngụy trang nó, nó có thể làm lệch hướng nó. Nhưng nó không thể hoàn toàn dập tắt tiếng nói của cái biết nội tâm là cuộc sống được tạo ra như một tiến trình liên tục không ngừng.

Nhưng bây giờ tâm thức chết có thể làm gì? Nó có thể khiến con tạo ra sự chờ đợi là tiến trình này phải như thế nào, bước kế tiếp phải đi tới chỗ nào, và đi tới mục đích tối hậu nào. Tâm thức chết có thể làm điều này, nhưng nó làm bằng cách nào? 

11.3. Bị lệch hướng bởi cái chết

Tâm thức chết chỉ làm được điều này vì nó chính là sự kháng cự chống lại cái liên tục không ngừng của Dòng sông sự Sống. Khi con kháng cự cái liên tục không ngừng của Dòng sông sự Sống, thì con tạo ra một khoảng cách, một khoảng không, giữa điểm con đang ở và điểm con ở nếu con theo Dòng sông sự Sống. Trong khoảng cách, khoảng không đó có chỗ trống để con tạo nên sự chờ đợi là sự sống phải như thế nào và phải đi về đâu. Để minh họa điều này bằng một thí dụ từ đời sống hàng ngày trên trái đất, con hãy hình dung những người đi xem một trận đấu thể thao mỗi ngày Thứ Bảy, một trận đá banh hay môn gì khác. Trước khi con đi dự trận đấu, con có một sự chờ đợi, một hy vọng là chuyện gì sẽ xảy ra và chuyện gì sẽ không xảy ra. Con muốn đội của con thắng. Đó là mục đích tối hậu mà con muốn đạt được. Trong thời gian trước trận đấu, con khấp khởi chờ trận đấu bắt đầu, và nói: “Bây giờ tôi phải làm chuyện này để sẵn sàng, bây giờ tôi phải làm chuyện kia để sẵn sàng, bây giờ tôi phải tới chỗ này để đậu xe và đi vào cầu trường, vân vân và vân vân.”

Do đó, lúc nào cũng có khoảng cách giữa con và trận đấu, con cố gắng đoán trước chuyện sắp xảy ra, con chờ đợi chuyện gì con muốn xảy ra và chuyện con hy vọng sẽ không xảy ra. Rất có thể con ngồi xem trận đấu mà vẫn bị quá vướng bận bởi sự chờ đợi của mình và không còn thưởng thức trận đấu nữa, cho tới khi nó chấm dứt và con biết là đội của con đã thắng hay không. Rất có thể là con ngồi nhìn từng pha của trận đấu, hy vọng đội kia không làm bàn, hy vọng đội nhà làm bàn.

Nhưng điều thày muốn chỉ cho con thấy là cũng có những lúc, khi người khán giả chỉ giản dị xem trận đấu và bị hoàn toàn thu hút bởi trận đấu, thì họ có thể tuôn chảy với trận đấu. Và lúc đó họ quên đi sự chờ đợi là chuyện gì phải xảy ra hay không được xảy ra. Cũng có thể là họ quên không nghĩ tới mục đích tối hậu là ai thắng, vì họ thưởng thức tiến trình của trận đấu.

Quả thực đây là dịp để nhiều người, mỗi ngày Thứ Bảy, được thoáng thấy Thánh linh khi họ bị thu hút bởi một trận tranh tài thể thao, tuy bình thường họ không thể nào hòa điệu được với Thánh linh. Dĩ nhiên, đây không phải là cách cao nhất để hòa điệu với Thánh linh. Nhưng khi con bị thu hút vào một việc gì, thay vì đứng tách rời ra và nghĩ về nó – tức là trải nghiệm nó xuyên qua cái trí, phin lọc của cái trí, và các sinh hoạt, chờ đợi và hình tư tưởng của cái trí – thì đó cũng phần nào là hòa điệu với Thánh linh.

Bởi vì khi con tuôn chảy với Dòng sông sự Sống, trong kinh nghiệm sống của con đâu là chỗ để con đút vào những chờ mong, sợ hãi, lo lắng, quan tâm và phê phán muốn chuyện này phải xảy ra và chuyện kia không xảy ra? Con yêu dấu, không có chỗ trống đó vì con đang tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống.

11.4. Vượt lên trên nhu cầu phán xét

Phải, thày cũng hiểu là có khi con cần lên kế hoạch và tiên đoán chuyện sắp xảy ra. Nhưng đây là chuyện khác. Có một sự khác biệt tinh tế giữa việc tiên đoán chuyện sắp xảy ra, lấy quyết định tỉnh trí và hợp lý và việc ngồi yên đánh giá mọi sự dựa trên một thang giá trị về điều gì phải xảy ra hay không được xảy ra, về điều gì đúng hay không đúng, về điều gì tốt hay xấu – và những quan tâm khác mà con người có trong tâm mình.

Con yêu dấu, thày muốn con lưu ý một khía cạnh của tâm thức chết, đó là khuynh hướng cho rằng con phải phán xét, phân tích và đánh giá tất cả mọi chuyện đang xảy ra chung quanh mình – người khác đang làm gì và nói gì, chuyện gì đang xảy ra trên thế giới, người này hay người kia đang làm gì, những người nổi danh đang làm gì hay đang không làm gì, họ cưới ai hay không cưới ai, và những chuyện tương tự.

Thày không muốn nói là con không nên theo dõi những chuyện xảy ra chung quanh mình. Nhưng một lần nữa, có sự khác biệt tinh tế giữa nhận biết mà không phán xét, và trạng thái lúc nào cũng phán xét, chỉ trích, đánh giá điều này tốt điều kia xấu. Sau đó coi rẻ những gì được coi là xấu vì tự ngã thích cảm giác nó không thể nào xấu như các người xấu nếu nó không làm những gì người xấu đang làm.

Nhưng con thấy chăng, đây không phải là Dòng sông sự Sống. Bởi vì lúc đó con ở trong một khoảng cách, và trong khoảng cách đó có đủ loại ý kiến, phán xét, đánh giá đúng sai, mong chờ. Điều này khiến con xa rời sự sống. Con không còn hoàn toàn tiếp cận tiến trình sự sống. Con không còn thực sự vui hưởng cuộc sống, vui hưởng nhìn nó trải bày ra. Và đây không phải là tiềm năng cao nhất của con.

Vì làm sao con có thể hoàn toàn sáng tạo, nếu con không theo lời gọi của Giê-su là hãy trở nên trẻ thơ vì chúng có thể vào nước Trời, vì nước Trời là trạng thái tâm thức khi con trôi theo dòng chảy của sự sống. Con có thấy là tâm thức chết muốn con lúc nào cũng đang phê phán chính mình và hành vi của mình, dáng vẻ mình ra sao, mặc quần áo trông thế nào, và những thứ tương tự.

11.5. Tiêu chuẩn chết

Điều tâm thức chết đã làm là dựng lên một tiêu chuẩn thế gian cho rằng làm người thì phải như thế nào. Ngay từ khi con còn trong bụng mẹ, con đã bị lập trình để sống một cách vô thức (và sau này có ý thức) theo bất kỳ tiêu chuẩn nào đã được nền văn hóa của con quy định. Con đã tới chỗ nghĩ rằng muốn trở thành một người tốt thì con phải đạt được tiêu chuẩn đó.

Do đó khi con tìm ra con đường tâm linh và giáo pháp của các chân sư thăng thiên, con lại đem – một cách vô thức – lối suy nghĩ đó áp dụng lên giáo lý của các thày. Con nghĩ rằng cách con tuân thủ giáo lý của các chân sư thăng thiên, cách con tới gần sự thăng thiên, là con phải trở nên một người tâm linh tốt sống theo một tiêu chuẩn nào đó. Tiêu chuẩn này có thể không giống y hệt tiêu chuẩn của gia đình hay xã hội của con, nhưng nó vẫn là một tiêu chuẩn vỏ ngoài mà con đã đem vào trong tâm vỏ ngoài của con. Và con dùng cái trí vỏ ngoài để đánh giá liên tục mọi hành động của mình: “Điều này có đúng không? Tôi sống như vậy có được không? Tôi có thực sự là người tâm linh nếu tôi làm điều này chăng? Nếu tôi nói điều này, mọi người có sẽ phê phán tôi là người không tâm linh chăng?”

Con có thấy chăng là trong tâm con có một khoảng cách nơi đó có một quan tòa đang ngồi và phán xử mọi hành động, lời nói và ngay cả suy nghĩ và cảm xúc của con. Con yêu dấu, quan tòa đang ngồi phán xử các ý tưởng và cảm xúc sâu kín nhất của con là ai vậy?

Ấy, nhiều người tin đạo phóng chiếu quan tòa đó hoặc là ác quỷ hoặc là Thượng đế. Nhiều đệ tử chân sư thăng thiên lại phóng chiếu đó là các chân sư thăng thiên. Nhưng con ơi, chỉ có một người biết các ý tưởng sâu kín nhất của con, đó chính là con.

Thày là Đại thượng sư. Thày là một chân sư thăng thiên, thày có tự do của Thượng đế. Thày không ngồi trên đây xem xét những ý tưởng và cảm xúc sâu kín của mỗi người trong 7 tỷ người sống trên trái đất. Và Chân sư MORE hay thày Saint Germain cũng vậy. Họ chú tâm vào cái họ là, tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống và trải bày dòng sống của họ. Họ chú tâm vào các mục tiêu của thời hoàng kim. Nhưng đây không phải là các mục tiêu mà họ có trong tâm vỏ ngoài, thích chỉ trích và lúc nào cũng đánh giá mọi thứ. Họ, các Thượng sư, không ngồi trên đây nhìn xuống các con, phán xét con dựa theo tiêu chuẩn nào đó và chỉ trích con khi con làm điều gì sai. Đó không phải là cách các thày làm việc. Đó không phải là lối các thày suy nghĩ.

Con có thấy chăng đây là một cấu trúc hoàn toàn do con người tạo ra, và các thày đã thăng thiên vì các thày đã gia tốc vượt lên trên tâm thức đó? Và điều duy nhất mà các thày mong muốn cho con là con thấy được trạng thái tâm thức đó như nó là, như là tâm thức chết tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống. Nó hiện hữu trong khoảng cách giữa cái Ta Biết và Dòng sông sự Sống.

11.6. Vượt lên trên tâm thức chết

Khi con thấy điều này thì con có thể làm điều mà các thày đã làm: gia tốc mình để vượt lên trên nó. Niềm vui của các thày, mong muốn của các thày, là thấy con tới chỗ nhận ra nhu cầu gia tốc để vượt quá tâm thức chết, lúc đó con sẽ nói với các thày, các Thượng sư:

“Xin thày chỉ đường cho con! Con sẵn sàng đi theo con đường mà các thày đã đi và đã chứng minh. Con sẵn sàng đi theo con Đường của Bảy bức Màn, con Đường của Bảy Tia sáng. Xin thày hãy chỉ cho con đường đi, con sẽ đặt một bàn chân trước bàn chân kia và làm theo mỗi lời hướng dẫn mà con nhận được, dù rằng con không thấy nó sẽ dẫn con tới đâu, dù rằng nó không hoàn toàn tương ứng với mong đợi của con. Vì con bắt đầu nhận ra rằng mong đợi của con rất hạn hẹp.”

“Nền văn hóa của con, cách con nhìn cuộc đời bị hạn chế và ảnh hưởng bởi tâm thức chết một cách vi tế. Con không nhận ra tất cả các lối mà tâm thức chết đã ảnh hưởng tâm thức con, nhưng con bắt đầu nhận ra là tâm thức của con bị ảnh hưởng bởi tâm thức chết và con muốn thoát khỏi ảnh hưởng này. Và con biết con chỉ thoát được nếu con có một khung tham chiếu từ các sinh thể đã gia tốc chính họ vượt lên trên tâm thức chết. Đó là lý do tại sao con sẵn sàng đi theo các thày, các Thượng sư. Xin thày chỉ cho con bước kế tiếp, và con sẽ đi bước kế tiếp đó”. 

Đó là lúc con sẵn sàng học với các Thượng sư, với các chân sư thăng thiên, chứ không phải các chân sư giả danh, các vị thày tâm linh giả danh, hay thiên thần nào đó từ một thái dương hệ hay thiên hà hay phi thuyền nào đó xuống trái đất để hướng dẫn nhân loại.

11.7. Tâm thức chết và nhu cầu kiểm soát

Con có biết chăng là trong vũ trụ này có những sinh thể đã thể nhập tâm thức chết đến độ họ đã nhận ra một số giới hạn của tâm thức chết? Và do đó, họ đã nhất quyết dùng những giới hạn này để nô lệ hóa và kiểm soát tất cả những sinh thể có tự nhận biết khác. Con đã bắt đầu thấy chăng là những kẻ lừa đảo thuộc chưởng giáo đoàn giả này sẽ dùng tâm thức chết với tất cả sự tinh vi của nó để trói buộc con? 

Khi con là một người tâm linh bắt đầu khao khát một cái gì vượt lên trên những gì thế giới vật chất có thể cống hiến, thì các thày giả sẽ tới và chỉ cho con một con đường tu giả khiến con chờ đợi, một chờ đợi rất đơn giản, là nếu con đi theo con đường tu ấy, thì một ngày kia như một phép lạ con sẽ bỗng nhiên chuyển hóa thành một sinh thể toàn hảo. Con sẽ đạt được giác ngộ, đạt được tâm thức toàn vũ, hay con sẽ thăng thiên. Hoặc là con sẽ chuyển dời sang chiều kích thứ 5 hay thứ 27.

Con có thể thấy là trong khoảng cách đó, các thày giả có thể xây dựng đủ loại tôn giáo giả và giáo lý tâm linh giả. Họ rất giỏi tạo ra kỳ vọng là họ sẽ đưa con tới đích. Nhưng con có biết chăng tại sao họ sẽ không bao giờ đưa con tới đích? Con có bắt đầu thấy được tại sao họ sẽ không bao giờ đưa con tới đích? Bởi vì cái được tạo ra trong khoảng cách giữa con và Dòng sông sự Sống không thể giúp con thăng vượt khoảng cách đó và trở về Dòng sông sự Sống.

Điều mà các thày giả đã làm là tạo ra cảm tưởng có cái gì sai trái trong vũ trụ, và đó là lý do tại sao con tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống. Con thấy chăng, họ tạo ra cảm tưởng là có cái gì sai trái bên ngoài con và đó là lý do tại sao con bị tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống.

Tại sao con lại bị họ lừa? Con đã bắt đầu tỉnh ngộ và nhận ra lòng khao khát trở về Dòng sông sự Sống. Con có thể không hiểu là con muốn trở về Dòng sông sự Sống, nhưng con khao khát một cái gì vượt lên trên cái ngã vỏ ngoài của con. Con biết là chắc hẳn phải có cái gì đó, và con khao khát nó. Lúc đó, các thày giả không còn khả năng giữ con chú tâm vào trái đất và thế gian nữa, do đó họ tìm cách làm lệch hướng sự khao khát của con. Nhưng con chưa tới chỗ thấy rõ ràng cái mà mình muốn tìm. Con chưa hiểu hay thấy là chính cảm giác tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống là điều con đang khao khát. Và đấy chính là thiên đàng, thiên đàng bị đánh mất.

11.8. Con đường tu giả vỏ ngoài

Vì con không nhìn ra điều đó, nên các thày giả khiến con tin rằng có cái gì sai trái ở bên ngoài con. Có vấn đề nào đó trong thế giới này, trong vũ trụ này, cần phải giải quyết – đó có thể là kế họach của Thượng đế bị trục trặc gì đó, khiến thuyền bị vỡ và thiên thần sa xuống, hay bất cứ vấn đề gì khác, như tội tổ tông hay lý thuyết nào khác. Các thày giả tìm cách kéo con gia nhập nỗ lực giải quyết vấn đề đó bằng cách thay đổi người khác, hoặc họ tìm cách thu hút con vào ý nghĩ con chỉ cần đi theo con đường tu nào đó, thực tập một lối nào đó, tiếp tục đi theo vị thày vỏ ngoài nào đó, thì sẽ có một ngày con tự động đạt được mục đích.

Nhưng con có thấy chăng là họ hứa hẹn sẽ có một ngày con lấp được khoảng cách nhờ một phép kỳ diệu nào đó xảy ra ở bên ngoài con? Con hãy nhìn phong trào điên rồ đang diễn ra cho tới lúc này về đề tài năm 2012. Ồ, trái đất sẽ chuyển vọt vào chiều kích thứ 5, và tâm thức mọi người sẽ được nâng lên và mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Đúng là trái đất có thể sẽ chuyển vọt sang một chiều kích khác vào một thời điểm nào đó, nhưng vì sao sự chuyển vọt này lại xảy ra? Có phải chăng vì có người hành tinh khác đáp phi thuyền xuống đây và gia tốc hành tinh này?

Không phải đâu con, chuyện này chỉ có thể xảy ra khi con người trên hành tinh này gia tốc tâm thức của mình, và điều này thì mỗi người phải tự làm. Và điều này phải được làm không phải “ngoài kia”, mà “trong này”. Vấn đề trong vũ trụ là con đã tạo ra một khoảng cách giữa tâm thức con đang hiện có và trạng thái mà con muốn là, nếu con tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống.

Vấn đề đối với riêng con là con muốn lấp đầy khoảng trống đó và khoảng trống chỉ hiện hữu ở một nơi mà thôi: đó là trong tâm con. Bởi vì con không hề tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống, con chỉ nghĩ là con đang tách biệt. Con chỉ tự tách biệt mình trong tâm của mình mà thôi. Và do đó, nơi duy nhất mà con có thể lấp đầy khoảng trống là nơi mà con đã tạo ra khoảng trống: đó là trong tâm của con.

Không có vấn đề nào trong vũ trụ này mà con cần giải quyết và sau đó mọi vấn đề sẽ biến mất. Ta có thể nói vấn đề duy nhất cần giải quyết là các con, mỗi người, cần lấp khoảng trống để các con có thể tuôn chảy với Dòng sông sự Sống. Có nghĩa là việc đầu tiên con cần làm là thấy đây là mục đích thật của con. Đây chính là điều con khao khát. Con chỉ giản dị khao khát tuôn chảy theo Dòng sông sự Sống, thay vì đứng bên ngoài nó và nhìn nó chảy qua cạnh bên mình. Và sau đó, con phải bắt đầu tiến trình tháo gỡ những hình tư tưởng và những mong đợi đã tạo nên khoảng cách và cho con cảm tưởng là con tách biệt khỏi Dòng sông sự Sống.

11.9. Hãy nhìn vào bên trong cái Ta của con

Và bước đầu tiên mà con cần làm để khởi sự tiến trình thu hẹp khoảng cách và phá tan bức màn ngăn cách con khỏi Dòng sông là gì? Bước đầu tiên con cần làm là: con phải ngưng không chú ý tới việc thay đổi cái gì xảy ra bên ngoài con, và thay vào đó chú ý tới chuyện gì đang xảy ra bên trong con. Con phải, như Giê-su đã nói 2,000 năm trước đây: “Vì sao con nhìn vào cái giằm trong mắt người anh em mà không nhìn vào cái đà trong mắt mình?”

Rất có thể là người anh em con có một khoảng cách giữa tâm thức của y và Dòng sông sự Sống. Rất có thể là y có rất nhiều thứ khiến y ngăn cách khỏi Dòng sông sự Sống. Nhưng con có thấy chăng là đa số con người trên trái đất không nhìn người anh em của họ như vậy. Họ nhìn người anh em họ và nói rằng y có điều gì sai trái dựa trên một tiêu chuẩn thế gian.

Và con thấy chăng, cho dù con sống đúng theo tiêu chuẩn thế gian của chính con một cách tuyệt đối toàn hảo, con vẫn không ở trong Dòng sông sự Sống. Con vẫn  tách rời khỏi Dòng sông sự Sống vì chính tiêu chuẩn đã tách con ra. Vậy làm sao con có thể giúp người anh em của con bằng cách ép buộc y sống theo tiêu chuẩn của con, khi tiêu chuẩn này không phải là tiêu chuẩn của y và không cần phải là tiêu chuẩn của y?

Bởi vì mọi người đều có quyền tự quyết. Và vì có luật tự quyết nên mỗi người trong chúng con, cả 7 tỷ người chúng con, đã tạo ra một tiêu chuẩn riêng cho mình. Dĩ nhiên là có nhiều điểm tương đồng giữa các tiêu chuẩn của những người sống trong cùng xã hội hay nền văn hóa. Tuy nhiên mỗi người trong chúng con có phin lọc nhận thức của riêng mình, qua đó con nhìn cuộc đời và qua đó con phán xét và đánh giá mọi thứ kể cả chính mình. Con có quyền tạo ra phin lọc này vì nó cho con một kinh nghiệm Sống độc đáo.

Ngay lúc này, con đã tạo ra một phin lọc nhận thức đã tách con ra khỏi Dòng sông sự Sống. Điều này hoàn toàn khế hợp với Luật Tự quyết. Thày không có vấn đề gì cả với chuyện này. Thày sẽ không hăm dọa bỏ con vào lửa và lưu huỳnh của địa ngục nếu con không nghe lời thày. Nếu con không nghe lời thày thì con sẽ tiếp tục ở lại với phin lọc nhận thức hiện tại của mình và sẽ tiếp tục tách khỏi Dòng sông sự Sống. Nếu đó là điều con mong muốn trải nghiệm trong kiếp này hay trong 10,000 kiếp nữa hay trong 2 triệu năm nữa, thì thày sẽ vẫn ở đây khi con sẵn sàng trở về con Đường của Hợp nhất.

11.10. Áp đặt một tiêu chuẩn lên vị thày

Nhưng nếu ngay bây giờ con đã sẵn sàng đi theo con đường đó, thì con hãy lắng nghe những gì thày nói và ngưng phê phán những gì thày nói dựa trên một tiêu chuẩn đang ngăn cản không cho con làm theo những điều thày nói. Hoàn toàn không có ích lợi gì nếu con đến với một vị thày tâm linh, nhưng lại muốn áp đặt tiêu chuẩn của con lên vị thày và giáo lý của thày.

Bởi vì mục đích có một vị thày tâm linh, ít ra là một vị thày tâm linh chân chính, là để giúp mình thăng vượt tiêu chuẩn của mình. Làm sao vị thày làm được điều này nếu con áp đặt tiêu chuẩn của mình lên vị thày hay trên giáo lý của thày, và như thế con không nghe được lời giảng của thày, mà chỉ nghe một phiên bản được lọc lựa cho phù hợp với tiêu chuẩn của con? Điều này hoàn toàn vô lý, nếu con cho mình là một đệ tử tâm linh chân chính muốn tiến lên trên con đường tu.

Nếu con muốn tìm tâm linh như một trò tiêu khiển giải trí thì có vô số thày tâm linh giả sẽ cho con cái này, suốt ngày đêm, và bao lâu mà con muốn. Một lần nữa, thày không có vấn đề gì với chuyện này. Nhưng thày muốn nói rõ ở đây là các thày là 8 vị Thượng sư không phải là đạo sư dạy tâm linh tiêu khiển. Nếu con muốn môn tâm linh giúp con có cảm giác thoải mái thì con phải đi nơi khác. Các thày sẽ không giúp được con cho tới khi con sẵn sàng thăng vượt tâm thức của mình, thăng vượt chính mình để lấp khoảng trống và trở về với Dòng sông sự Sống. 

Nếu con đã sẵn sàng thì thày sẽ mở vòng tay hân hoan chào đón con. Nếu con chưa sẵn sàng thì thày không có một tiêu chuẩn theo đó thày đánh giá con. Thày chỉ giản dị chấp nhận sự kiện là con muốn kinh qua trải nghiệm đó trong một thời gian, và thày giữ trong tim sự sẵn sàng chào đón con trở lại, bất cứ khi nào con quyết định là con sẵn sàng và con muốn HƠN NỮA, con muốn một kinh nghiệm sống sâu sắc và phong phú hơn những gì con đang có với tiêu chuẩn hiện tại của con.

Và như vậy thày sẽ coi là những ai trong chúng con đi tiếp và học các bài giảng tới của thày là đã lấy quyết định muốn hơn cái tiêu chuẩn của mình, và do đó muốn tìm một đạo sư, một vị thày tâm linh có thể giúp mình vượt lên trên tiêu chuẩn đó. Và vị thày đó cũng có thể giúp con thu hẹp khoảng trống và tiến tới càng ngày càng gần mục đích mà các con nay đã thấy được, đó là tuôn chảy với Dòng sông sự Sống.