Tâm thức tập thể đằng sau cuộc khủng hoảng Coronavirus

Hỏi: Xin thày nhận xét về bản chất của tâm thức tập thể đã dẫn đến cuộc khủng hoảng Coronavirus, cũng như về cuộc khủng hoảng kinh tế và sự mất tự do tiếp theo sau.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 cho nước Nga – Khắc phục tâm thức xem mình là vượt trội cùng cảm nhận không trọn vẹn, bị chấn thương và chú tâm bên ngoài. Đăng ngày 29/5/2021.

Đây là một đề tài phức tạp vì trong tâm thức tập thể không chỉ có một khía cạnh duy nhất.

Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã có đưa ra trước đây một số nhận xét liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên bức tranh ở đây rất phức tạp. Về cơ bản, trên địa cầu có quá nhiều người không sẵn lòng tăng triển để vươn lên một mức tâm thức cao hơn. Họ đã có cơ hội vươn lên một mức cao hơn, và trong một kịch bản lý tưởng thì họ đã có khả năng vươn lên tới mức này rồi. Nhưng họ đã không sẵn lòng làm điều đó. Họ đã bám giữ lấy hiện trạng đời sống của họ, tình trạng đất nước họ và chính tâm thức của họ.

Điều này có thể dẫn đến, thỉnh thoảng, sẽ có một thảm họa hay một đại họa nào đó biểu hiện ra, khiến cho không ai có thể nhắm mắt làm ngơ được nữa. Thảm họa sẽ dữ dội và nghiêm trọng đến độ người ta không thể gạt nó qua bên. Nó có thể biểu hiện qua thiên tai, nó có thể biểu hiện qua chiến tranh và nó có thể biểu hiện qua bệnh truyền nhiễm.

Đó là nguyên nhân rộng lớn của vấn đề này. Và nếu con nhìn chung quanh thế giới, con sẽ thấy là cách phản ứng của một số quốc gia trước tình thế này nói lên rất nhiều điều về tâm thức tập thể ở xứ đó đang ở mức nào. Nó cho thấy những gì mà các nước đó chưa thăng vượt được và những gì mà họ cần thăng vượt để bước lên cao hơn.

Tất nhiên, một điều đã biểu lộ ra một cách hiển nhiên là tình trạng của hệ thống y tế trong nước, liệu hệ thống đó có được trang bị để đối phó với một cuộc khủng hoảng như thế này không. Và nó chỉ ra cho con thấy những lãnh vực nào cần cải tiến, những lãnh vực mà mỗi nước đã có thể, hoặc trong lý tưởng đã phải cải tiến được rồi. Con cũng có thể nhìn vào cách đối phó với khủng hoảng khi một số quốc gia đã đóng cửa cả nước lại, đã hạn chế quyền tự do đi lại cùng nhiều quyền tự do khác. Con thấy được cách họ làm và thái độ của họ khi họ thực thi chuyện đó.

Con cũng có thể nhìn vào cách phản ứng của người dân. Chẳng hạn, con thấy như tại Hoa Kỳ có một bộ phận quần chúng to lớn lúc đầu đã hoàn toàn bác bỏ sự hiện hữu của virus, bác bỏ thực tế của cuộc khủng hoảng, hay thậm chí phủ nhận cả sự nghiêm trọng của tình thế. Con thấy những người từ chối đeo khẩu trang, từ chối chích ngừa, vân vân. Điều này cho thấy mức tâm thức mà họ đang có, đặc biệt là ý thức xã hội của họ. Và nó cho thấy liệu họ có sẵn lòng giúp đỡ người khác, bảo vệ người khác và đóng góp phần mình để dịch bệnh không lây lan. 

Con cũng có thể nói là một trong những điều cần xảy ra, và trong lý tưởng đã phải xảy ra trên thế giới, là sự trồi dậy của một ý thức xã hội rộng lớn hơn về một thế giới đã trở nên kết nối hơn bao giờ hết. Những gì xảy ra tại một nước ảnh hưởng đến những gì xảy ra tại mọi nước khác, cho nên hẳn là có một nhu cầu đoàn kết hơn, nhiều sẵn lòng hơn từ các quốc gia giàu có để trợ giúp các nước khác.

Một lần nữa, đây là cơ hội để con nhìn thấy một số quốc gia mặc dù phải đương đầu với nguy cấp tại nước mình nhưng vẫn dang tay ra để giúp đỡ những nước bị khủng hoảng trầm trọng hơn mình. Và tất nhiên trong lý tưởng, điều này cần xảy ra trên bình diện rộng lớn hơn, với ý thức là tất cả loài người đều nối kết với nhau, rằng có những sự kiện ảnh hưởng chung đến tất cả, và tất cả chúng ta cần góp một tay để giải quyết vấn đề chứ không chỉ lo cho dân tộc mình mà thôi.