Thiền định có phải là cách hay nhất để trải nghiệm Thượng đế?

Hỏi: Kim, cảm ơn ông đã thiết lập trang mạng này. Tôi đã học hỏi các giáo lý tâm linh từ nhiều năm và cũng đã thiền tập, nhưng chỉ từ khi tôi khám phá ra trang mạng của ông mà tất cả như ăn khớp lại với nhau. Tôi đang thực hành rất nhiều những bài nguyện tràng hạt và lời xác định cùng với cầu nguyện và thiền định. Và sau đây là câu hỏi của tôi cho thày Giê-su.

Thưa thày, quan tâm của con là mặc dù con cảm nhận được sự hiện diện của Thượng đế, con vẫn chưa có được trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp. Con vẫn nghĩ là sự tiếp xúc này có nhiều khả năng nhất xảy ra trong lúc thiền tập. Con đã đọc quyển sách “Tự truyện của một Yogi” (Autobiography of a Yogi) và từ đó có cảm hứng muốn học Kriya Yoga. Theo tổ chức RSF (Self-Realization Fellowship) Giê-su từng nhận được điểm đạo trong pháp yoga này. Khóa học của SRF kéo dài 3 năm rưỡi là lớp nhập môn vào Kriya Yoga. Tuy nhiên trên trang mạng này, Giê-su có vẻ như không khuyến khích con đường thiền tập cho những người sống trong nền văn hóa Tây phương, hay là con có hiểu lầm gì chăng? Xin Giê-su vui lòng hướng dẫn con về sự hữu ích của cách thiền tập này trong mục đích kết nối với cái Ta Thượng đế nơi nội tâm. Hoặc liệu là có những kỹ thuật tâm linh nào khác hữu hiệu hơn? Con đã cầu nguyện và thiền quán để tìm trả lời cho câu hỏi này nhưng cho tới giờ con vẫn chưa có lời giải đáp.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 2/9/2011.

Trong thời gian 17 năm mà người ta gọi là “những năm biệt tăm”, ta quả là có chu du ở phương Đông và đã thử nghiệm cũng như học hỏi một số kỹ thuật tâm linh của phương Đông. Thật vậy, ta đã vô cùng cởi mở để học hỏi bất cứ điều gì có thể trợ giúp sứ vụ của mình, cho dù thuở đó ta không hiểu được hay không “thấy” được hoàn toàn đó là gì.     

Ta có được học một điều tương tự như Kriya Yoga, tuy nhiên nếu bảo rằng điều ta học là cùng một thứ – hay được chỉ dạy trong cùng một cách thức – như khóa học hiện nay của SRF thì sẽ không đúng lắm. Con cũng cần nhớ là ta đã được học rất nhiều kỹ thuật khác của phương Đông và do đó ở đây ta không có ý định hỗ trợ hay khuyến cáo bất kỳ kỹ thuật nào.   

Tất cả mọi sự phải thay đổi và tiến hóa theo thời gian, bởi vì sự thay đổi là cách vận hành nền tảng của hành tinh này – và lý do là vì tâm thức tập thể trên địa cầu vẫn còn tụt hậu so với nhịp tăng trưởng của phần còn lại của vũ trụ. Vì vậy, cho dù các đạo sư Ấn độ có khuynh hướng bảo rằng họ đã tìm lại được một kỹ thuật bị thất lạc, thật không có cách chi tách rời một kỹ thuật tâm linh với bối cảnh của nó, tức là với xã hội nơi kỹ thuật đó được sử dụng cũng như mức tâm thức tập thể vào thời đó. Điều này giải thích tại sao, nói chung, chúng tôi là các chân sư thăng thiên thường không khuyên nhủ các học trò ở phương Tây sử dụng kỹ thuật thiền định của phương Đông.       

Ta cũng biết, một số người sẽ nắm ngay câu nói vừa rồi của ta để lý giải rằng ta không thật là Giê-su. Nhiều học trò của SRF có thể lý luận rằng bởi vì Yogananda đã từng làm việc với Giê-su đích thực, thì tất cả nội dung của trang mạng này cũng phải đồng ý hoàn toàn với những gì Yogananda đã nói – và nếu không, chỉ có nghĩa là trang mạng này không phải là do Giê-su đích thực. Và cũng vậy, tất nhiên, học trò của các phong trào khác hay đạo sư khác cũng sẽ làm y như thế.  

Tuy nhiên, cho những ai có tâm phân biện hơn, ta cần nói rõ là quả thực ta đã có làm việc với Yogananda. Nhưng những gì ta đã có thể truyền rải qua trung gian Yogananda phần lớn là kết quả của khả năng thăng vượt của chính ông đối với xuất xứ của ông, cũng không khác gì trang mạng này là kết quả của khả năng thăng vượt của sứ giả này đối với xuất xứ của Kim Michaels.      

Con thấy đó, một sinh thể thăng thiên đã thăng vượt MỌI xuất xứ trên địa cầu và luôn luôn tìm cách giúp cho mọi người làm tương tự, bắt đầu là với chính thế giới quan hiện thời của họ. Cho nên chúng tôi sẵn sàng làm việc với hầu hết những ai cũng sẵn lòng thăng vượt, và chúng tôi luôn luôn tìm cách trao truyền những điều khả dĩ giúp được một đoàn nhóm nào đó thăng vượt hệ tư tưởng hiện thời của họ.   

Điều khiến cho nhiều học trò tìm đạo chân thành không theo được sự hướng dẫn của chúng tôi gồm có hai điểm:

  • Niềm tin rằng chúng tôi trong Đại đoàn Thăng thiên có một chân lý toàn vũ, cố định và tuyệt đối ở trên đây mà chúng tôi đang cố gắng trao truyền dưới một dạng toàn vẹn, không pha loãng,
  • Niềm tin rằng trong quá khứ chúng tôi đã trao truyền nhiều phần của chân lý này, và do đó bất cứ gì mà một đạo sư hay một phong trào thốt ra sau này cũng nhất định PHẢI ăn khớp với những gì đã truyền dạy trước đây.   

Chính những điều tin tưởng đó đã khiến cho người ta bị kẹt lại trong lòng trung thành không đúng chỗ đối với một giáo lý vỏ ngoài, một đạo sư hay một phong trào vỏ ngoài. Điều này không những khiến cho sự tăng trưởng cá nhân của họ bị ngừng trệ, mà cả công việc toàn cầu nhằm nâng cao tâm thức nhân loại cũng phải chậm lại. 

Đó cũng là lý do có một xu hướng rõ rệt nơi các phong trào tâm linh mà bất cứ một học trò trung thực nào cũng nhận xét được, đó là hội chứng có thể gọi là “bùng lên rồi xẹp xuống”. Con có thể thấy một số phong trào tâm linh trải qua một giai đoạn bành trướng nhanh chóng đề rồi bị trì trệ, xong từ từ xẹp xuống. Giai đọan suy yếu này thường khởi sự khi người lãnh đạo qua đời hay rút lui, nhưng đôi khi nó bắt đầu ngay cả trước đó.  

Nguyên nhân hiện tượng suy yếu này nằm ở chỗ vị lãnh đạo hoặc đa số các học viên trong phong trào không có khả năng, hay không có ý muốn, sinh sôi các ta-lăng, nghĩa là nhân rộng các giáo lý và kỹ thuật được trao truyền. Con thấy không, có một định luật tâm linh dẫn dắt BẤT KỲ phong trào tâm linh nào.     

Ngược lại với sự suy nghĩ của nhiều học trò của chân sư thăng thiên, chúng tôi KHÔNG chỉ làm việc với một hoặc vài ba phong trào mà thôi. Chúng tôi làm việc với tất cả mọi học trò cho dù họ có ở đâu hầu gia tốc sự tăng trưởng nơi họ, và chúng tôi không có sự trung thành cố định với một giáo lý hay một phong trào nào. Có nghĩa là nếu quả thực một phong trào đang giúp được người ta thăng vượt các khuôn nếp tư duy cũ, thì chúng tôi sẽ trao một yếu tố nhân thêm cho phong trào đó.

Con lưu ý là điều này không có nghĩa là chúng tôi tán thành hay hỗ trợ bất cứ gì mà phong trào đó thực hiện hay giảng dạy. Đã từng có nhiều phong trào có giáo lý xa vời thực tế, thế nhưng nếu họ còn trợ giúp được người ta thăng vượt trình độ tâm thức cũ thì họ vẫn sẽ vẫn nhận được yếu tố nhân thêm – là yếu tố đã khiến cho phong trào đó tăng trưởng.  

Tuy nhiên, điều thường xảy ra là phong trào không thể duy trì mãi độ tăng trưởng, và lý do là vì quá nhiều học trò đã ngừng thăng vượt bản thân. Thay vào đó, họ sử dụng các giáo lý và các dụng cụ để củng cố cho thế giới quan của tự ngã, có nghĩa là bây giờ họ cảm thấy hơn trội người khác, họ cảm thấy họ sẽ được “cứu rỗi” mà không phải phơi bày tự ngã.  

Khi điều đó xảy ra, một đạo sư đích thực sẽ rời bỏ phong trào, và thậm chí trong nhiều trường hợp, sẽ bỏ cả hiện thân. Còn một đạo sư không mấy đích thực thì sẽ ở lại, nhưng phong trào nay rơi vào vòng chi phối của cái lực đứng đằng sau định luật thứ hai của nhiệt động học, cho nên sự hỗn loạn sẽ gia tăng cho đến khi phong trào bị tan vỡ hoặc từ từ suy thoái.

Cho nên điều ta muốn nói qua phần trình bày dài dòng này là cho con thấy tại sao một số đạo sư từ phương Đông đã thành công khi thiết lập phong trào tại Tây phương, và cũng vì lý do đó mà họ thường suy vi sau một thời gian. Lý do là vì trong đa số trường hợp, các đạo sư phương Đông không đủ thăng vượt xuất xứ của họ và không thể thích ứng giáo lý cùng kỹ thuật của họ với tư duy của người phương Tây.

Con thấy đó, trong hầu hết mọi trường hợp, một vị đạo sư Đông phương đến phương Tây với một cảm nhận vi tế về tính ưu việt của truyền thống tâm linh Đông phương. Vị đạo sư nghĩ rằng mình đến đây để đem lại một cái gì trội hơn, và do đó mình không có gì để học hỏi. Đó là tại sao con thấy các đạo sư phương Đông thường không mấy sẵn lòng thích nghi với tư duy người Tây phương.  

Thế nhưng khi một đạo sư phương Đông đến phương Tây, vị ấy gặp phải thử thách rất lớn trong khả năng thích ứng và linh động. Con thấy không, con sẽ không giúp ích cho bước tiến của nhân loại nếu con tìm cách biến các học trò tâm linh Tây phương thành những bản sao của học trò tâm linh Đông phương. Con sẽ CHỈ phát triển được nếu con rút tỉa những tinh túy thực sự phổ quát trong truyền thống tâm linh của mình, rồi biểu đạt nó trong một bối cảnh Tây phương. Trong số ít những kỹ thuật phương Đông đã chuyển giao thành công sang phương Tây thì có yoga, và lý do thành công của yoga là vì pháp môn này đã không nằm trong một khuôn khổ tập quyền mà trái lại được phép đa dạng hóa.      

Tình thế trở nên phức tạp hơn nữa do sự kiện hiện nay có nhiều học trò tâm linh đã chọn đầu thai tại phương Tây hầu trợ giúp sự thức tỉnh tâm linh của phương Tây. Nhưng suốt mấy tiền kiếp trước kiếp này, họ đã từng đầu thai tại phương Đông, và do đó chính họ đã chưa thăng vượt được truyền thống tâm linh của phương Đông. Họ bị thu hút bởi các đạo sư từ phương Đông, và một khi ở đây, họ cảm thấy không những truyền thống phương Đông quen thuộc hơn với họ mà lại còn cao trội hơn, và do đó không nên thay đổi.

Và như con thấy đó, mình thế nào thì mình sẽ thu hút thế nấy. Vị đạo sư nào mang sẵn niềm kiêu hãnh tâm linh về truyền thống phương Đông sẽ thu hút những học trò với cùng niềm kiêu hãnh đó, và cùng nhau họ sẽ củng cố lẫn nhau, và họ tạo ra một hệ thống khép kín bắt buộc phải suy thoái.

Trên căn bản, đây là cuộc thử thách vốn đã có từ ngàn đời, là làm thế nào cân bằng hai lực cơ bản của sáng tạo, tức là lực lan ra và lực co lại. Lực lan ra bảo con phải thăng vượt cái cũ, và lực co lại bảo con phải giữ đúng như truyền thống.     

Nếu con mất cân bằng trong sự lan ra, con sẽ mất hết phương hướng và mọi thứ sẽ vỡ tung trong một cuộc bành trướng vô kiểm soát. Nhưng nếu con mất cân bằng trong lực co lại, tất cả sẽ thu rút và sụp đổ từ bên trong.

Cho nên chìa khoá là cái nhìn Ki-tô, luôn luôn tìm cách vươn ra nhưng KHỒNG tìm cách khiến cho mọi người phải chấp nhận một chân lý tối cao. Ki-tô gặp gỡ mọi người ở chỗ họ đang đứng, rồi tìm cách giúp họ tăng triển từ đó. Và nếu ai đó không sẵn sàng thăng vượt cái cũ thì Ki-tô sẽ rút lui về – nếu họ không giết Ki-tô trước.

Điều này giải thích tại sao ta đã bỏ lại đệ tử của ta sau ba năm và tại sao Yogananda đã bỏ lại học trò của ông khi ông thấy rằng SRF đã đạt hết mức thăng vượt của nó. Đấng Ki-tô Hằng sống không hề trung thành với bất cứ cái gì trên địa cầu và luôn luôn hướng đến mức thăng vượt kế tiếp.

Bây giờ con đã có một nền tảng vững vàng hơn thì ta sẽ lần lượt trả lời câu hỏi của con:

“Tuy nhiên trên trang mạng này, Giê-su có vẻ như không khuyến khích con đường thiền tập cho những người sống trong nền văn hóa Tây phương, hay là con có hiểu lầm gì chăng?”

Ta không khuyến khích mọi người lao mình vào mà sử dụng thiền tập theo cách mà các đạo sư phương Đông thường trình bày, tức là xem đó là “giải pháp độc nhất cho mọi vấn đề”, là kỹ thuật tâm linh duy nhất mà họ sẽ sử dùng. Phương Tây là một môi trường vô cùng bận rộn, căng thẳng và hỗn loạn về mặt các năng lượng tâm lý mà con phải tiếp xúc trong đời sống hàng ngày. Ta KHÔNG khuyên bất cứ ai sử dụng một kỹ thuật nhằm làm cho tâm mình tĩnh lặng hay trống rỗng mà không đồng thời thỉnh cầu sự bảo vệ tâm linh, chẳng hạn qua các bài chú, bài thỉnh của chúng tôi.

Con cần lưu ý là chúng tôi luôn luôn khuyến khích mọi người nên đi theo những thúc đẩy sáng ngộ nơi nội tâm mình. Nếu chẳng hạn con cảm thấy một sự thu hút mãnh liệt đối với Kriya Yoga, thì lý do là vì con có nhu cầu học hỏi một điều gì đó từ kinh nghiệm này. Có khi điều mà con cần học là pháp môn này không thích hợp với con, nhưng hầu hết mọi người sẽ không thể học được điều này nếu họ chỉ nghe theo người khác. Cho nên nếu con cảm thấy thu hút mãnh liệt thì con hãy bước theo – nhưng con cần tỉnh táo để tìm ra bài học tâm linh đích thực có thể nằm bên ngoài những gì ngoại tâm con có khả năng nghĩ tới ngay bây giờ.  

“Xin Giê-su vui lòng hướng dẫn con về sự hữu ích của cách thiền tập này trong mục đích kết nối với cái Ta Thượng đế nơi nội tâm. Hoặc liệu là có những kỹ thuật tâm linh nào khác hữu hiệu hơn?”

Con đang nói tới hai chuyện khác nhau ở đây – trước hết là một kỹ thuật có hệ thống, và sau đó là sự trải nghiệm Thượng đế vô hình tướng. Con hãy lưu ý con đã nói gì ngay trước đó:

“Quan tâm của con là mặc dù con cảm nhận được sự hiện diện của Thượng đế, con vẫn chưa có được trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp. Con vẫn nghĩ là sự tiếp xúc này có nhiều khả năng nhất xảy ra trong lúc thiền tập.”

Vấn đề ở đây là nhiều người tìm kiếm một kinh nghiệm về Thượng đế, nhưng họ lại cho rằng họ phải sử dụng một cách tiếp cận có hệ thống đề sản xuất ra, hay thậm chí “ép uổng”, kinh nghiệm đó. Giản dị là điều này không thể làm được. Cái vô hình tướng KHÔNG BAO GIỜ bị cưỡng ép vào BẤT CỨ hình tướng nào, do đó con cần tra vấn bất kỳ hình ảnh nào cho rằng Thượng đế phải ra làm sao hay một kinh nghiệm thần bí phải như thế nào.

Nhiều người nghĩ rằng họ đã có một trải nghiệm về Thượng đế do sử dụng một kỹ thuật nào đó hay ngay cả do ma túy. Nhưng điều họ làm là họ đã buộc bộ não và hệ thống thần kinh của họ phải sản xuất ra một trải nghiệm vượt xa kinh nghiệm bình thường của họ đến độ họ cho đó là Thượng đế.

Con có thấy được sự khác biệt tinh tế ở đây? BẤT KỲ một trải nghiệm nào mà con ép buộc sẽ được bộ não sản xuất ra, và nó sẽ xảy ra TRONG tâm con – và như vậy nó KHÔNG THỂ VƯỢT RA NGOÀI tâm con. Nhưng một kinh nghiệm đích thực về Thượng đế sẽ hoàn toàn và tuyệt đối vượt ngoài tâm con.    

Con có thấy việc dùng tâm làm phương tiện thăng vượt tâm là một chuyện bất khả thi hay không? Chuyện đó KHÔNG BAO GIỜ làm được. Con càng tập trung vào việc sử dụng tâm con thì con càng buộc cái ta thực của con vào với tâm – bởi vì chính sự chú tâm của con đã tạo ra một sợi dây buộc năng lượng khiến CON bị giam cầm trong tâm, mà chức năng của tâm thì vỏn vẹn chỉ là phương tiện tương tác với thế giới vật chất. Làm thế nào con có thể dùng phương tiện này để vượt ra ngoài thế giới vật chất?  

Cho nên chìa khóa để có một kinh nghiệm về Thượng đế là ngộ ra rằng không có gì mà con có thể LÀM sẽ đem lại kinh nghiệm đó.

Điều này không có nghĩa là con không nên dùng một kỹ thuật nào hết. Một kỹ thuật đúng đắn có thể giúp con tăng trưởng bằng cách làm thông sạch tâm con và cân bằng luân xa của con, và điều này sẽ khiến con kinh nghiệm Thượng đế dễ dàng hơn. Con càng giảm bớt sự hỗn loạn trong tâm con thì CON sẽ càng dễ giải phóng sự nhận biết của con khỏi tình trạng đồng hóa với tâm.

Một trong số những kỹ thuật hữu hiệu nhất hiện có là các bài chú các Elohim. Mặc dù chúng tôi đã không công bố một cách rầm rộ – cố tình như vậy – nhưng các bài chú này là một phương tiện chủ yếu để thông sạch và cân bằng tất cả mọi luân xa của con. Nhưng một lần nữa, điều này không có nghĩa là việc đọc những bài chú đó sẽ bảo đảm cho con một kinh nghiệm về Thượng đế.

Một kinh nghiệm thần bí không thể tiên đoán trước được bởi vì nó vượt khỏi mọi hình tướng. Cho nên con không thể định trước một kinh nghiệm thần bí phải như thế nào – nó sẽ khoác những hình dạng khác nhau tùy theo mỗi người.

Cho nên điều quan trọng là tập trung vào một kỹ thuật mà con ưa thích, nhưng không bao giờ cho phép kỹ thuật này trở thành một thói quen, một thông lệ. Đừng bao giờ cho phép mình rơi vào cái khuôn nếp với quá nhiều phong trào, là nghĩ rằng mình phải tiếp tục sử dụng một kỹ thuật suốt đời và điều này sẽ bảo đảm thành quả. Con cần phải thật nhạy bén khi cái ta cao hơn của con nhắc con nên chuyển sang một kỹ thuật mới, hay sử dụng kỹ thuật hiện thời một cách cao hơn.   

Con cũng cần bước ra khỏi cái tư duy tìm kiếm hay ngay cả mong muốn một kinh nghiệm thần bí. Nếu con mong muốn một điều gì, đó là vì con có sẵn một tâm ảnh là kinh nghiệm đó phải như thế nào, và làm như vậy cũng giống như con muốn ép uổng Thượng đế phải hiện ra trước mặt con dưới một dạng nào đó. Đây chính là “hình tạc vào đá”, và nó sẽ gần như chắc chắn ngăn chặn con kinh nghiệm được Thượng đế vô hình tướng.

Thay vào đó, con hãy tập trung vào việc nâng cao tâm thức hầu con có thể đóng góp tốt hơn trong công cuộc nâng cao mọi sự sống. Nói cách khác, nhiều người tầm đạo có ý hướng tốt thiện đã quá tập trung vào chính mình cũng như vào việc đạt được trải nghiệm tột đỉnh, đến độ họ biến thành những hệ thống khép kín. Con cần bước ra khỏi cái tư duy chú tâm vào bản thân quá mức, và cách duy nhất là con hãy đặt trọng tâm vào việc phụng sự người khác hay một mục đích cao rộng hơn – nhưng con hãy làm vậy một cách vị tha, quên mình, chứ không nhằm tâng bốc tự ngã.

Vì vậy con cần nỗ lực đạt đến một trạng thái hoàn toàn không dính mắc vào hình dạng mà trải nghiệm thần bí cần phải mang – thậm chí con không dính mắc luôn cả chuyện trải nghiệm. Nếu con làm được vậy thì rất có thể con sẽ thăng vượt được ngoại tâm và TỰ DƯNG trải nghiệm. Nhưng cũng rất có thể là con sẽ không có trải nghiệm thần bí nào hết, bởi vì nhiều người vẫn tinh tấn mà không cần trải nghiệm thần bí, hoặc họ chỉ có một lần trải nghiệm mà thôi.

Con sống trên địa cầu để hoàn thành một sứ vụ và hội đủ điều kiện thăng thiên. Địa cầu này còn xa mới là một môi trường lý tưởng để trải nghiệm sự hợp nhất với Thượng đế, Con chỉ có một thời gian nhất định để hội đủ điều kiện thăng thiên, nhưng một khi con đã thăng thiên, con sẽ có thời gian bất tận để trải nghiệm sự hợp nhất với Thượng đế. Con hãy đặt ưu tiên của con cho đúng.