Về linh hồn của tổ tiên và phong thủy mồ mả

Hỏi: Ở Hàn quốc có một niềm tin là linh hồn của tổ tiên nơi cõi trung giới có thể gây bệnh tật cho con cháu hay có thể ảnh hưởng đến vận may của con cháu tùy theo địa thế phong thủy của ngôi mộ. Những hiện tượng này có đến từ các tổ tiên thực sự hay từ ma quỷ trá hình hay từ một loại thần linh nào đó? Các chân sư khuyên chúng con nên dùng các bài chú, bài thỉnh nào để cắt đứt những rung động hay sự can thiệp không cần thiết của tổ tiên? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Hội nghị Hàn quốc 2023. Đăng ngày 8/7/2023.

Một lần nữa, điều này tùy thuộc vào cách con sử dụng và định nghĩa các từ. Con định nghĩa “tổ tiên thực sự” như thế nào? Điều chúng ta có thể nói là nói chung khi một người qua đời, họ sẽ đi về một tầng cõi nơi họ có khả năng đi tới dựa trên mức tâm thức của họ. Ở nơi đó, họ sẽ kiểm điểm lại kiếp hiện thân đã qua, rồi họ bắt đầu chuẩn bị cho kiếp hiện thân kế tiếp. Trong nhiều trường hợp, kiếp đầu thai kế tiếp sẽ diễn ra trong một môi trường khác chứ không trong cùng một gia đình, thậm chí có thể không cùng một quốc gia.

Nói chung thì tổ tiên đều bước đi tiếp con đường riêng của họ. Và một khi họ đã rời khỏi xác thân, hầu hết mọi dòng sống không còn cùng sự gắn bó với gia đình như các thành viên của gia đình có thể cảm thấy đối với người quá cố. Hiển nhiên là có một số nền văn hóa duy trì sự gắn bó như vậy, hay có truyền thống thờ cúng tổ tiên đến mức nó có thể ngăn cản một số dòng sống bước đi tiếp. Họ trở thành cái được gọi là những hồn không xác, thường khi bị vướng kẹt nơi cõi trung giới và họ không thể bước đi tiếp. Những hồn không xác như vậy có thể ảnh hưởng đến thể cảm xúc, thể lý trí và thể bản sắc của những người đang hiện thân, nhưng họ không có khả năng ảnh hường cơ thể vật lý hay mang lại điều xui xẻo hay bệnh tật. Đây chỉ đơn giản là mê tín dị đoan.        

Một lần nữa, vấn đề là khi có chuyện gì xảy ra cho ai đó thì người ta muốn giải thích là chuyện này không phải là do lỗi mình, cho nên một số nền văn hóa phóng chiếu vấn đề vào tổ tiên. Nhưng điều này không thực tế.

Tuy nhiên có một số người có thể bị ảnh hưởng bởi một người thân quá cố đã trở thành một hồn không xác không thể bước đi tiếp, đặc biệt là – tất nhiên – nếu họ có sự dính mắc. Nếu con có dính mắc với bà ngoại của con và dính mắc này ngăn cản bà bước đi tiếp, thì bà ngoại con – như một hồn không xác – có thể tìm cách ảnh hưởng con để khiến con buông bỏ dính mắc hầu linh hồn có thể bước tiếp.

Các loại bài thỉnh, bài chú tốt nhất mà con có thể đọc là các bài cho Astrea để thày cắt đứt cho con được tự do, hay cắt đứt để tổ tiên con được tự do bước đi tiếp. Và tất nhiên, chính con cũng cần xét xem con có sự gắn bó, dính mắc nào đối với người thân trong gia đình hay không, xong con buông nó ra và cho phép họ bước tới.

Khác biệt giữa tỏa rạng vào tâm thức tập thể và phóng chiếu tâm lý  

Hỏi: Các chân sư có thể vui lòng nhận xét về sự khác biệt giữa việc tỏa rạng vào tâm thức tập thể và việc phóng chiếu tâm lý.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. Đăng ngày 27/1/2023.

Có nhiều cách để mô tả sự việc này. Một sự phóng chiếu tâm lý có thể được xem là một phóng chiếu nhằm can thiệp vào tâm người khác hầu ảnh hưởng đến quyền tự quyết của họ. Có thể có những người – chẳng hạn thành viên trong gia đình con – phóng ra một số cảm xúc, một số ý tưởng hay ngay cả một ý niệm bản sắc vào tâm con, hầu khiến con tự đồng hóa với một nhóm người hay khiến con ở lại trong nhóm đó. Nếu vậy thì đó là một sự phóng chiếu tâm lý vì ý định là để ảnh hưởng tâm con, hạn chế quyền tự quyết của con và giữ con trong một tâm thái nhất định.

Khi các chân sư nói đến việc tỏa rạng vào tâm thức tập thể, chúng tôi không muốn nói đến việc ảnh hưởng đến những chọn lựa mà người khác có thể có. Chúng tôi muốn nói đến việc trao cho họ một chọn lựa, giải thoát họ để họ tự do lấy một chọn lựa mà hiện thời họ không thể lấy vì có những điều họ không thể nhìn thấy.

Khi chúng tôi toả rạng một ý tưởng, hay khi con đọc bài chú bài thỉnh, hay khi con lắng nghe một bài truyền đọc, thì chúng tôi không đang tìm cách ép buộc con người phải lấy một chọn lựa được định sẵn. Chúng tôi cố gắng toả rạng một ý tưởng khiến cho người đó nhìn ra là kỳ thực họ có một số tùy chọn mà họ không thể nhìn thấy trước đó.

Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang ảnh hưởng những gì họ chọn lựa mà chỉ mở rộng các chọn lựa mà họ có thể nhìn thấy, và như vậy chúng tôi trao cho họ một sự chọn lựa tự do hơn. Đây là cách giản dị và cơ bản nhất để giải thích điều này.

Vật lý học của việc đọc chú

Hỏi: Trong thế giới ngày nay, nhiều người với đầu óc kỹ thuật không coi trọng những pháp tu dùng lời nói được phát âm. Đó là vì họ không thấy được làm thế nào việc phát âm một lời nói có thể thu hút ánh sáng tâm linh, tạo dễ dàng cho sự kết nối với những sinh thể ở cõi tâm linh. Các thày có thể nào mô tả tác động của pháp tu này về mặt vật lý học? Chúng con biết là các bài thỉnh bài chú không hoạt động một cách máy móc, nhưng các câu thần chú ở phương Đông tác dụng như thế nào? Các giáo lý phương Đông nhấn mạnh là việc phát âm thần chú phải đúng cách, và điều này tạo ra cảm giác là việc vận dụng câu thần chú một cách máy móc là quá đủ. Trong khi đó thì các đệ tử của chân sư thăng thiên lại đọc chú mà không chú trọng đặc biệt đến cách phát âm. Xin các thày vui lòng bình luận.


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 về Ukraine. Đăng ngày 5/12/2022.

Như con nói, những ai có đầu óc kỹ thuật nên mở tâm ra và nhìn nhận là từ năm 1905 khi Einstein công bố thuyết tương đối, người ta đã biết mọi thứ đều là năng lượng. Con sống trong một thế giới nơi tất cả đều là năng lượng. Con phải có thể nhận ra là có những năng lượng thấp cũng như những năng lượng cao, rằng những thứ đồng điệu với nhau sẽ thu hút lẫn nhau, rằng năng lượng có thể tích tụ lại. Những ai không mang đầu óc quá máy móc phải có thể cảm được là họ bị những loại năng lượng thấp kém xuất phát từ sợ hãi đè nặng lên mình, thậm chí họ phải có thể thấy được là năng lượng dựa trên sợ hãi có khả năng lan tỏa ra khắp quần chúng khiến cho ai nấy hành xử một cách phi lý chỉ vì sợ hãi.

Họ cũng phải có thể nhận ra là nếu họ thực sự muốn cải thiện hoàn cảnh cá nhân và cách họ cảm nhận mọi chuyện, thì họ cần nhận thức năng lượng. Họ cần nhận ra là họ có một trường năng lượng bao quanh cơ thể vật lý của họ, và năng lượng dựa trên sợ hãi có thể tích tụ ở đó khiến cho họ, chẳng hạn, bị lôi kéo vào vòng nghiện ngập để rồi khó lòng thoát ra. Và do đó họ cần làm một cái gì đó để khắc phục năng lượng thấp kém này, và họ làm vậy bằng cách thỉnh gọi và tiếp cận năng lượng có độ rung cao hơn.

Nói cách khác, các định luật của ngành cơ học mô tả cách thức hai làn sóng năng lượng tạo ra một mô thức giao thoa. Con có thể lấy một sóng năng lượng ở một tần số thấp, rồi phóng vào nó một sóng năng lượng ở tần số cao, và kết quả là một sóng năng lượng mới cao hơn cái sóng thấp nhất. Đây chính là cách thức con có thể biến hóa năng lượng và chuyện này chỉ đơn giản là vật lý học. Không có gì phản khoa học trong đó, mà là một tiến trình khá máy móc.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào con tiếp cận được nguồn năng lượng có tần số cao? Tất nhiên, những ai mang đầu óc kỹ thuật sẽ muốn dùng công nghệ để thực hiện điều này, nhưng câu hỏi là liệu cách này sẽ có khả thi hay không. Có lẽ điều con có thể giúp mọi người nhìn ra là theo truyền thống từ hàng ngàn năm qua, con người đã sử dụng những câu thần chú, những bài thỉnh, những bài chú, để thỉnh cầu năng lượng có tần số cao. Con không cần gọi đó là năng lượng tâm linh, mà chỉ đơn giản là một năng lượng cao tần phát xuất từ tình thương, và nó có khả năng tác động đời con một cách tích cực.

Và cách mà các thày cống hiến cho con là các thày chính là những sinh thể có nhiệm vụ giúp con người tự giải thoát khỏi năng lượng tiêu cực, cho nên khi con thỉnh gọi sự hiện diện của các thày, các thày sẽ cho con năng lượng để con tự giải thoát. Nhưng đây không phải là một tiến trình máy móc. Nó đòi hỏi một sự hòa điệu nào đó nơi tim con, một sự trực nhận nào đó. Sẽ có những người bị chìm đắm trong tư duy khoa học máy móc đến độ họ phủ nhận trực giác của họ, và những người này thì có lẽ con sẽ không thể giúp được họ nhìn ra bất cứ gì. Nhưng những ai có một chút trực giác, con sẽ có thể giúp họ nhìn ra, và con nói với họ: “Làm cách nào khoa học đã tiến bộ chứ? Bằng cách các nhà khoa học sẵn lòng thử nghiệm. Vậy bạn có sẵn lòng thử nghiệm hay không? Bạn có chịu làm thử cái này và nghiệm xem nó có hiệu quả gì không cho bạn? Bởi vì nó đã đem lại kết quả cho tôi. Tôi đã được hưởng lợi lạc khi làm vậy và bạn cũng có thể được hưởng giống như tôi.”    

Bây giờ đến câu hỏi về các câu thần chú ở phương Đông. Có một xu hướng rõ rệt với các thần chú phương Đông là người ta sử dụng một cách máy móc. Người ta nghĩ là tự thân câu thần chú đã quá quyền năng đến độ, nếu nó được đọc lên và đọc lên đúng cách, thì một cách máy móc nó sẽ đem xuống năng lượng. Các thày đã giải thích cho con là điều này không phải như thế, vì luôn luôn có một chân sư thăng thiên lượng định động cơ của người đọc. Nếu chuyện này máy móc thì trên lý thuyết, con đã có thể dùng thần chú để thỉnh cầu một năng lượng sẽ làm hại một ai đó, và hiển nhiên đây không phải là ý định.

Giờ đây các thày nói cho con là cách phát âm không quan trọng bằng sự hòa điệu trong tim con – cảm nhận hòa điệu với nguồn gốc của năng lượng cũng như sự hiện hữu của một dòng chảy đi xuyên qua con, như vị sứ giả này vừa trình bày hồi nãy. Con có thể đọc chú đọc thỉnh một cách máy móc. Nó sẽ có một chút tác động, nhưng thật là ít ỏi so với khi con đọc trong sự hòa điệu và con cảm thấy dòng chảy từ chân sư xuyên qua luân xa của con. 

Các bộ kinh và khả năng thần thông

Hỏi: Gần đây con đã tham gia một khóa học video với một nhà chữa bệnh nổi tiếng sử dụng năng lượng. Bà ấy từng tổ chức rất nhiều khóa đào tạo tại Ấn Độ. Trong khóa học này, bà đã cho chúng con 20 bài kinh để tụng niệm và sử dụng cùng với thiền định. Bà tuyên bố là việc sử dụng như vậy sẽ giúp chúng con mở khả năng đặc biệt và dẫn đến sự thăng tiến tâm linh. Bà giảng rất nhiều về việc mở cửa cho 12 luân xa bên trên đầu chúng con và về các cuộc điểm đạo. Mặc dù con không tin các lời tuyên bố của bà rằng bộ kinh này sẽ đem lại khả năng đặc biệt, con đã cảm nhận được một năng lượng nào đó bên trên đầu con khi con sử dụng. Con tự hỏi không biết các chân sư có thể giải thích lịch sử của pháp môn này và liệu nó có hữu ích hay không.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 cho Hoa kỳ – Phục sinh nền dân chủ. Đăng ngày 13/11/2022.

Có rất nhiều kỹ thuật và dụng cụ có giá trị, theo nghĩa là chúng có thể đem lại tác động tích cực. Tất nhiên là có nhiều cách để thỉnh năng lượng, những năng lượng cao hơn là các bài thỉnh, bài chú mà chúng tôi các chân sư thăng thiên đã ban cho con. Con có các truyền thống của Ấn độ giáo và Phật giáo cùng các truyền thống khác ở phương Đông với nhiều kỹ thuật có giá trị. Chính con cũng đang đọc một số những bài kinh này khi con đọc câu Om Mani Padme Hum, câu Om Ah Hum, Vajra Guru Padme Siddhi Hum cùng những câu tụng và thần chú khác, cho nên việc này có thể có giá trị.

Tuy nhiên, con hãy lưu ý rằng mục đích của một kỹ thuật tâm linh chính đáng không thực sự là để sản xuất ra những khả năng siêu nhiên hay khả năng thần thông. Bởi vì không một vị thày tâm linh chân chính nào sẽ khuyến khích học trò mình làm như vậy, và không một vị thày tâm linh chân chính nào sẽ tìm cách thu hút những học trò mong muốn như vậy.

Ngược lại là đằng khác, hầu hết mọi vị thày tâm linh chân chính sẽ cố tránh những loại học trò như thế vì các vị ấy biết rằng họ chỉ đến học do lòng mong cầu một số hiện tượng vỏ ngoài sẽ nâng cao tự ngã, sẽ khiến họ cảm thấy cao trội hơn người khác, và thường khi họ sẵn sàng cưỡng chiếm thiên đàng bằng vũ lực.

Nhiều vị thày tâm linh già dặn, tiến hóa hơn sẽ lánh xa các loại học trò đó bằng cách không đưa ra những lời lẽ bảo rằng con sẽ tự động hay hầu như bảo đảm đạt được một số khả năng đặc biệt nếu con tập tành một số kỹ thuật. Rất ít người có thể phát triển những khả năng thần thông chân chính, và rất ít người đã đặt công việc này vào Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Đối với hầu hết mọi người, đây là một sự xao lãng trên con đường dẫn đến một trạng thái tâm thức cao hơn.

Làm thế nào cho tâm im lặng

Hỏi: Con có một câu hỏi cho các chân sư. Có cách nào hiệu quả để vượt qua thói quen không ngừng suy nghĩ, có khi nói nhảm cưỡng chế trong tâm? Con hiểu là con cần chấp nhận ngã tách biệt đó là không quan trọng, và con cần chấp nhận chính con như con đang là. Nhưng làm cách nào con có thể kéo sự chú ý của con ra khỏi đó một cách hiệu quả hơn, bởi vì nó đang lấy đi năng lượng của con?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và Quả vị Ki-tô. Đăng ngày 20/6/2022.

Có nhiều yếu tố gây ra thói quen lảm nhảm trong tâm mà nhiều người trong đạo Phật gọi là “tâm khỉ”. Nó không ngừng suy nghĩ, không ngừng nói chuyện, không ngừng phân tích, không ngừng tham gia vào chuyện này chuyện nọ hầu lôi kéo sự chú ý của con vào tiến trình không bao giờ ngưng nghỉ đó. Chắc chắn một trong các yếu tố có thể là sự phóng chiếu của những thế lực trong cõi trung giới hay cõi lý trí, là những thế lực chỉ đơn giản cố khiến cho con bị mất thăng bằng để chúng đoạt năng lượng của con. Cúng có thể là sự phóng chiếu từ tâm thức tập thể. Đối với vấn đề này, con cần dùng những bài chú, bài thỉnh của chân sư để kêu gọi Đại thiên thần Michael bảo vệ và niêm phong hào quang của con, và Elohim Astrea cắt đứt và giải thoát con khỏi các tà lực đó.

Hiển nhiên con cũng sẽ cần dùng các dụng cụ của chân sư để chữa lành nhiều loại ngã tách biệt hay nhiều khuôn nếp phản ứng khác nhau – chẳng hạn như khi con thấy nhiều người gặp phải xung đột hay bất đồng với ai đó, thì nó khiến cho tâm họ cứ mãi lặp đi lặp lại tình huống đó, họ không ngừng phân tích rồi bị cuốn hút vào đó. Họ không thể nào ngừng suy nghĩ về chuyện đó, và trong tâm họ mong muốn sửa đổi một tình huống mà họ không thể thay đổi ở mức vật lý. Con cần nhận ra là sự thể này khởi lên từ một số ngã tách biệt nhất định do con bị dính mắc vào tình huống, vào kết quả của tình huống, hoặc con có một cái ngã không sẵn lòng tha thứ cho người kia. Một lần nữa, bằng cách tha thứ cho người đó, con sẽ tìm được tự do. Vậy con có muốn được tự do hay không? Có rất nhiều những cái ngã tách biệt như vậy tạo ra những câu chuyện lảm nhảm liên tục trong tâm.

Nói cho cùng, không có cách nào khác hơn là con cần nhìn thấy chúng, cần giải quyết chúng và đơn giản để cho chúng ra đi. Và khi đó, những chuyện mà tâm con thường lôi kéo chú ý con vào, bỗng nhiên có vẻ như không còn gì quan trọng nữa đối với con. Con có khả năng nhìn chúng và nói: “À vậy sao? Có gì quan trọng đâu?”

Nhưng cho dù con giải quyết được thật nhiều ngã như vậy, con vẫn cần nhìn nhận là con đang sống trên một hành tinh rất dày đặc, rất hỗn tạp, với một tâm thức tập thể và biết bao nhiêu loại năng lượng vô cùng hỗn tạp. Có thể là khó tránh chuyện tâm con cứ nhặt nhạnh những thứ đó. Và như các chân sư thường giải thích, không phải con chỉ có một cái ngã tách biệt đâu, mà con có một cái ngã tách biệt to lớn hơn – nếu có thể nói như vậy – với nhiệm vụ chủ yếu là khiến cho tâm con làm việc. Đơn giản, ngã này sẽ không ngừng suy nghĩ, lượng định, phân tích.

Sứ giả này nhiều năm trước đây đã nhận ra là mình có một cái ngã cứ muốn giải quyết đủ mọi loại vấn đề. Và khi không có vấn đề nào để giải quyết thì nó sẽ chế ra vấn đề. Cho nên có thể con sẽ khó tránh việc tâm con cứ muốn hoạt động, cứ muốn suy nghĩ về chuyện này chuyện nọ. Có những thiền gia Phật giáo đã bỏ ra hàng chục năm trời trong thiền quán và thiền định mà vẫn cảm thấy rất khó làm yên tâm mình. Thậm chí một số còn bảo rằng việc làm cho tâm im lặng không quan trọng lắm miễn là mình vẫn tập trung vào một cái gì vượt khỏi tâm – là cái mà chúng ta có thể gọi là Hiện diện TA LÀ, hay cõi tâm linh, hay sự phát triển tâm linh.

Nhưng ta sẽ cho con một phương cách thiết thực sẽ có thể giúp được con. Nếu con quan sát tâm, điều con sẽ để ý thấy là có một ý nghĩ đi vào tâm con. Có một khoảnh khắc khi con có thể quyết định: “Tôi có nên đi theo ý nghĩ này hay không, tôi có nên nghĩ cái ý nghĩ này hay không?” Hầu hết mọi người không để ý đến sự kiện này. Nhưng khi con đặt chú ý của con vào đó, sẽ tới một điểm khi con nhận biết có một khoảnh khắc thời gian khi một ý nghĩ đến với con – có thể là từ ngoài hay từ ngay trong tâm con – nhưng cái Ta Biết, sự nhận biết thuần khiết của con có một khoảng thời gian rất ngắn để nó quyết định: “Liệu tôi sẽ bước theo cái này hay tôi sẽ không bước theo?”     

Thay vì quyết định “Tôi sẽ không bước theo cái này”, điều con làm là con chỉ nhận biết ý nghĩ đó – cho dù nó đã bắt đầu và đã tiếp diễn một chập rồi – xong con nói trong tâm: “Tôi buông bỏ. Tôi buông bỏ ý nghĩ này.” [trong tiếng Anh, surrender có mấy nghĩa: buông bỏ, hàng phục, trả lại]  

Trên căn bản, con đang ra hiệu là chuyện đó không quan trọng đối với con, rằng con sẽ không giao tiếp, không tương tác với nó, rằng con sẽ không đặt chú ý hay trao năng lượng của con cho nó. Con chỉ đơn giản buông nó ra, con để cho nó ra đi. Nó không quan trọng. Nó không có ý nghĩa. Nếu con cứ tiếp tục làm như vậy thì con sẽ đạt được một số thành quả.      

Bất cứ khi nào một ý tưởng xuất hiện thì con có thể làm như vậy, ngay cả khi con nằm trên giường buổi tối và đang cố chìm vào giấc ngủ. Con chỉ liên tục tự nhủ: “Tôi buông bỏ, tôi buông bỏ, tôi buông bỏ.” Có thể là sau một lúc vẫn có một ý tưởng bỗng nhiên thu hút sự chú ý của con và nó tiếp diễn một chập. Nhưng khi con nhận biết nó ở đó thì con lại nói: “Tôi buông bỏ, tôi buông bỏ.”

Ta không bảo là phương cách này sẽ hiệu quả đối với những người chưa làm những điều kia mà ta khuyên ở trên. Nhưng chắc chắn nó có thể hiệu nghiệm đối với những ai đã đạt được một độ trong sáng hơn, tinh khiết hơn nơi bốn thể phàm của mình.

Đau nhức cơ bắp sau khi đọc chú

Hỏi: Con bắt đầu đọc các bài chú 1.02 và 7.07 buổi sáng và 4.01 và 7.07, hay 7.02 buổi tối trong khoảng hai tháng. Gần đây con bị đau nhức rất nhiều cơ bắp sâu ở cổ, lưng và cánh tay. Đau nhức này có liên quan tới việc đọc chú chăng?


Trả lời của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân Khóa học trực tuyến năm 2021 – Tiến tới mối quan hệ của thời Hoàng kim. Đăng ngày 11/10/2021.

À, nhìn theo một góc độ nào đó, đau nhức cơ bắp không trực tiếp liên quan gì tới việc đọc chú. Các bài chú không tạo nên đau nhức thân thể hay khó chịu trong thân thể. Nhưng con có thể chú ý để nhận biết hay con có thể tìm hiểu xem con có đọc chú trong một sự căng thẳng nào đó khiến con căng một số cơ bắp. Một số người có thể thấy hay trải nghiệm là đôi khi họ đọc chú, họ căng cơ bắp, hay họ ngồi trong một tư thế căng cơ bắp và điều này có thể khiến họ bị đau nhức.

Cũng có những lúc các bài chú bắt đầu giải tỏa điều gì đó trong ba thể phàm cao của con và điều này đi xuống thể vật lý của con cho nên con bị đau nhức hay khó chịu tạm thời. Nhưng đau nhức không thể nghiêm trọng hay không thể kéo dài được. Sau đó con cần có những biện pháp thích ứng như đi gặp bác sĩ hay con ngừng đọc chú hay con đừng đọc nhiều bài chú để con không nhận nhiều giải tỏa ở mức mà thân thể con không chịu được.

Thiền tỉnh giác thuần khiết so với hòa điệu với chân sư

Hỏi: Liệu các chân sư thăng thiên có xem thiền quán, đặc biệt là thiền tỉnh giác thuần khiết, có là một dụng cụ hữu hiệu để hoà điệu với Hiện diện TA LÀ và các chân sư hay không? Liệu môt hành giả chưa quen với giáo lý của chân sư và cũng chưa quen với thiền quán, khởi sự học thiền như một phương tiện hòa điệu? Liệu một hành giả đã có kinh nghiệm thiền quán sử dụng thiền quán như một phương tiện hòa điệu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2021 – Chấm dứt Thời đại Ý thức hệ. Đăng ngày 20/6/2021.

Có rất nhiều hình thức thiền quán khác nhau. Có một số pháp thiền nhằm mục đích cho con một sự tỉnh thức mà con có thể gọi là trần truồng, hay tỉnh thức thuần khiết. Con đi vào một trạng thái của tâm mà chúng tôi đã có mô tả là cái Ta Biết bước ra ngoài phin lọc nhận thức bình thường của nó và chỉ trải nghiệm chính nó là sự tỉnh thức thuần khiết. Đây là một phương tiện hữu ích cho hầu hết mọi người. Có một số người không nên sử dụng vì họ chưa sẵn sàng, nhưng đối với nhiều người, đó có thể là một dụng cụ hữu ích.    

Khi nói vậy, ta không muốn nói là mọi học trò của chân sư đều phải tu tập cách này. Tuy nhiên theo như dụng ý của câu hỏi được đề ra, ta không cho là cách thiền này thích hợp cho sự hòa điệu. Mục đích của cách thiền này là để giúp con kinh nghiệm được sự tỉnh giác thanh tịnh, tỉnh giác trần truồng, tỉnh giác không có ý tưởng, không có bất kỳ cấu trúc nào. Điều này hữu ích ở chỗ con nhận ra là có một trạng thái khác hơn là trạng thái nhận biết bình thường của mình chứa đầy những ý tưởng, cảm xúc và cấu trúc. 

Nhưng để hòa điệu với chân sư thăng thiên, con không cần tỉnh giác thuần khiết, tỉnh giác trống không, mà con cần hòa điệu với rung động của chân sư. Và để làm vậy, ta khuyên con nên dùng các bài chú, bài thỉnh, đặc biệt là những người mới tu.

Con thường nhận thấy là nhiều người mới học giáo lý cần trải qua một giai đoạn để họ thiết lập sự bảo vệ tâm linh, biến đổi các năng lượng thiếu hài hòa trong bốn thể phàm của họ, và họ cầu thỉnh Astrea để cắt đứt mọi sợi dây ràng buộc với tâm thức tập thể hay các sinh thể thấp kém. Trong giai đoạn đó, việc hòa điệu có thể khó khăn, và việc chiêm nghiệm tỉnh giác thanh tịnh cũng có thể khó khăn. 

Nhưng nếu con vượt qua được giai đoạn này, con vẫn có thể sử dụng các bài thỉnh và bài chú. Chỉ thỉnh thoảng, con hãy tĩnh lặng. Con hãy ngồi đó và giữ cho tâm trí mình mở rộng, trung dung. Điều này không có nghĩa là con không có bất cứ ý tưởng nào, và chắc chắn con không cần phải cố sức kìm nén tư tưởng lại, mà con chỉ làm thế nào ở trong một trạng thái mở rộng, trung dung nhất. Sau khi con đọc xong bài chú, sau khi con nghe xong một bài truyền đọc, con chỉ cần dành ra một vài phút để ngồi đó và hòa điệu với sự hiện diện của chân sư. 

Tất nhiên, con cũng có thể dành hẳn ra một tuần cửu nhật để cầu nguyện. Chúng tôi có tuần cửu nhật cho vị Đại Chỉ đạo Thiêng liêng, và con đọc chú cho vị ấy mỗi ngày chín lần, và sau khi đọc chú, con có một quyển sổ để con ghi chép lại bất cứ ý tưởng nào hiện ra trong con mà không phê phán hay phân tích. Con cũng có thể làm điều tương tự với bất cứ vị chân sư nào có bài chú. Nếu con thích hơn, con thể làm điều đó sau khi nghe một bài truyền đọc, con thực tập với một cây bút với một quyển sổ tay, và con ghi xuống bất cứ ý nghĩ nào đến với con, không phán xét và không phân tích.

Âm lượng khi đọc chú

Hỏi: Con phải đọc các bài chú và bài thỉnh to bao nhiêu? Nếu con đọc to đủ để con nghe thấy, liệu như vậy có đủ không, hay là cần to hơn?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2021 cho nước Nga – Vượt qua tâm thức hơn trội và cảm nhận thiếu trọn vẹn, tổn thương và tập trung vào bên ngoài. Đăng ngày 28/5/2021.

Điều này tùy thuộc phần nào vào hoàn cảnh thực tế của con. Nếu trong hoàn cảnh của mình, con không thể có được một nơi riêng tư để người khác không nghe thấy con, và nếu đó là một vấn đề cho con, thì con có thể đọc vừa đủ to để một mình con nghe thấy và người khác không nghe thấy được. Như vậy chắc chắn còn tốt hơn là không đọc ra tiếng.

Nhưng lý tưởng là con ở một nơi riêng tư, nơi con không làm phiền ai và người khác cũng không làm phiền con. Khi đó, con có thể đọc to như con muốn, miễn là con thoải mái và giọng nói không bị gắng quá sức. Đối với sứ giả thì hơi khác, vì tất nhiên khi ông dẫn đầu buổi đọc chú trong một nhóm hay ngay cả trên internet, ông cần phát âm lớn hơn để mọi người có thể nghe được. Nhưng con không nhất thiết phải làm vậy khi con một mình.

Tuy nhiên, một khi con có kinh nghiệm đọc chú và đọc thỉnh nhiều hơn, con sẽ nhận ra là có một âm lượng cảm thấy thoải mái cho giọng con, trong khi vẫn đem lại uy lực nhiều hơn cho bài chú và bài thỉnh. Nói cách khác, con muốn đạt được một dòng chảy mà tốc độ lẫn âm lượng được định đoạt bởi Tánh linh. Giản dị là Thánh linh tuôn chảy qua con và ấn định tốc độ cùng âm lượng, và điều này cho con tác động tối đa. Đây không phải là một điều con quyết định với tâm vỏ ngoài, mà con chỉ để yên cho nó chảy. Khi con ngày càng kinh nghiệm hơn, con sẽ nhập vào dòng chảy này hầu như tức thì, ngay khi con bắt đầu.

Các hình tư tưởng của Phật Gautama

Hỏi: Con xin hỏi về các hình tư tưởng của Phật Gautama. Hình tư tưởng là một sự truyền rải. Vậy có nghĩa chăng là hình tư tưởng chứa đựng năng lượng do Phật Gautama truyền rải? Liệu chúng con có nên đọc hình tư tưởng như một lời cầu nguyện? Cho năm nay 2021 [cũng như những năm kế tiếp] chúng con có hai hình tư tưởng: “Phật Gautama thày là tấm gương tuyệt hảo cho trái đất, Saint Germain thày là tấm gương tuyệt hảo cho nền kinh tế”. Chúng con có thể nào viết lại với tên của các vị chân sư khác hay không? Chẳng hạn, Giê-su Ki-tô thày là tấm gương tuyệt hảo cho tâm thức tập thể trên trái đất, Mẹ Mary thày là tấm gương tuyệt hảo cho vương quốc tinh linh, Đại thiên thần Michael thày là tấm gương tuyệt hảo cho đại đoàn thiên thần, Đại thượng sư Maha Chohan thày là tấm gương tuyệt hảo cho các nỗi sợ hãi của con người, vân vân. Hay năng lượng chỉ được rải truyền qua các hình tư tưởng của Phật Gautama?

Elizabeth Prophet có nói là khi chúng con lặp lại đúng những lời nguyên thủy của hình tư tưởng, chúng con sẽ tiếp cận trực tiếp với sự bảo vệ, sự hướng dẫn cùng phước lành của các chân sư thăng thiên. Có lẽ từ thời đó có điều gì đã thay đổi, vì bây giờ chúng ta đang bước vào một thời đại mới, Thời đại Bảo bình?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 cho nước Nga. Đăng ngày 27/5/2021.

Các hình tư tưởng được ta ban truyền một cách đặc biệt, cho nên khi con hình dung các hình tư tưởng này theo đúng lời ta đã ban ra hay khi con lặp lại câu nói mà ta đã cho con năm nay, con sẽ tiếp cận với năng lượng mà ta đã bỏ vào trong đó. Vì vậy con không cần viết lại với tên các vị chân sư khác.

Con cũng cần nhận ra là không có ích lợi gì mà đọc, chẳng hạn, “Đại thiên thần Michael thày là tấm gương tuyệt hảo cho đại đoàn thiên thần.” Đại đoàn thiên thần không cần đến một tấm gương. Ta cũng khuyên con cứ đơn giản sử dụng các hình tư tưởng mà ta đã trao cho năm nay và như vậy là đủ.

Hiển nhiên con có thể lặp lại lời nguyên thủy của hình tư tưởng, nhưng nếu hình tư tưởng là một bài hình dung thì điều quan trọng hơn là con hãy hình dung thay vì chỉ lặp lại lời mô tả. Tất nhiên, không có gì đã thay đổi, theo nghĩa là con vẫn có thể tiếp cận với năng lượng được rải truyền qua một đợt truyền pháp.


[Ghi chú: Xin nhắc lại lời dặn của Phật Gautama khi thày đưa ra hình tư tưởng nguyên thủy trong bài “Con đang chú tâm vào điều gì?” ngày 30/12/2020.

Ta khuyến khích con làm một việc vô cùng đơn giản, không có gì cầu kỳ. Mỗi ngày, con hãy tập trung vào mặt trời – dù nó có ở trên trời hay không thì hoàn toàn không quan trọng. Nhưng con hãy tập trung vào mặt trời trong tâm con, và nói lên lời xác định này. “Phật Gautama, thày là tấm gương tuyệt hảo cho trái đất.” Giản dị, dễ nhớ, và chỉ mất một vài giây. “Phật Gautama, thày là tấm gương tuyệt hảo cho trái đất”.

Nếu con muốn, con có thể hình dung ta đang ngồi trong tư thế hoa sen ngay trên mặt trời, nhưng điều này không mấy cần thiết. Chỉ cần con nói lời xác định ngắn ngủi trên. Tập trung vào mặt trời, con không cần nói lớn, nhưng con có thể nếu con muốn. “Phật Gautama, thày là tấm gương tuyệt hảo cho trái đất.”

Khi con sử dụng hình tư tưởng này một cách đều đặn, con sẽ khiến cho hiệu quả tăng lên gấp bội.]

Thiền định có phải là cách hay nhất để trải nghiệm Thượng đế?

Hỏi: Kim, cảm ơn ông đã thiết lập trang mạng này. Tôi đã học hỏi các giáo lý tâm linh từ nhiều năm và cũng đã thiền tập, nhưng chỉ từ khi tôi khám phá ra trang mạng của ông mà tất cả như ăn khớp lại với nhau. Tôi đang thực hành rất nhiều những bài nguyện tràng hạt và lời xác định cùng với cầu nguyện và thiền định. Và sau đây là câu hỏi của tôi cho thày Giê-su.

Thưa thày, quan tâm của con là mặc dù con cảm nhận được sự hiện diện của Thượng đế, con vẫn chưa có được trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp. Con vẫn nghĩ là sự tiếp xúc này có nhiều khả năng nhất xảy ra trong lúc thiền tập. Con đã đọc quyển sách “Tự truyện của một Yogi” (Autobiography of a Yogi) và từ đó có cảm hứng muốn học Kriya Yoga. Theo tổ chức RSF (Self-Realization Fellowship) Giê-su từng nhận được điểm đạo trong pháp yoga này. Khóa học của SRF kéo dài 3 năm rưỡi là lớp nhập môn vào Kriya Yoga. Tuy nhiên trên trang mạng này, Giê-su có vẻ như không khuyến khích con đường thiền tập cho những người sống trong nền văn hóa Tây phương, hay là con có hiểu lầm gì chăng? Xin Giê-su vui lòng hướng dẫn con về sự hữu ích của cách thiền tập này trong mục đích kết nối với cái Ta Thượng đế nơi nội tâm. Hoặc liệu là có những kỹ thuật tâm linh nào khác hữu hiệu hơn? Con đã cầu nguyện và thiền quán để tìm trả lời cho câu hỏi này nhưng cho tới giờ con vẫn chưa có lời giải đáp.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 2/9/2011.

Trong thời gian 17 năm mà người ta gọi là “những năm biệt tăm”, ta quả là có chu du ở phương Đông và đã thử nghiệm cũng như học hỏi một số kỹ thuật tâm linh của phương Đông. Thật vậy, ta đã vô cùng cởi mở để học hỏi bất cứ điều gì có thể trợ giúp sứ vụ của mình, cho dù thuở đó ta không hiểu được hay không “thấy” được hoàn toàn đó là gì.     

Ta có được học một điều tương tự như Kriya Yoga, tuy nhiên nếu bảo rằng điều ta học là cùng một thứ – hay được chỉ dạy trong cùng một cách thức – như khóa học hiện nay của SRF thì sẽ không đúng lắm. Con cũng cần nhớ là ta đã được học rất nhiều kỹ thuật khác của phương Đông và do đó ở đây ta không có ý định hỗ trợ hay khuyến cáo bất kỳ kỹ thuật nào.   

Tất cả mọi sự phải thay đổi và tiến hóa theo thời gian, bởi vì sự thay đổi là cách vận hành nền tảng của hành tinh này – và lý do là vì tâm thức tập thể trên địa cầu vẫn còn tụt hậu so với nhịp tăng trưởng của phần còn lại của vũ trụ. Vì vậy, cho dù các đạo sư Ấn độ có khuynh hướng bảo rằng họ đã tìm lại được một kỹ thuật bị thất lạc, thật không có cách chi tách rời một kỹ thuật tâm linh với bối cảnh của nó, tức là với xã hội nơi kỹ thuật đó được sử dụng cũng như mức tâm thức tập thể vào thời đó. Điều này giải thích tại sao, nói chung, chúng tôi là các chân sư thăng thiên thường không khuyên nhủ các học trò ở phương Tây sử dụng kỹ thuật thiền định của phương Đông.       

Ta cũng biết, một số người sẽ nắm ngay câu nói vừa rồi của ta để lý giải rằng ta không thật là Giê-su. Nhiều học trò của SRF có thể lý luận rằng bởi vì Yogananda đã từng làm việc với Giê-su đích thực, thì tất cả nội dung của trang mạng này cũng phải đồng ý hoàn toàn với những gì Yogananda đã nói – và nếu không, chỉ có nghĩa là trang mạng này không phải là do Giê-su đích thực. Và cũng vậy, tất nhiên, học trò của các phong trào khác hay đạo sư khác cũng sẽ làm y như thế.  

Tuy nhiên, cho những ai có tâm phân biện hơn, ta cần nói rõ là quả thực ta đã có làm việc với Yogananda. Nhưng những gì ta đã có thể truyền rải qua trung gian Yogananda phần lớn là kết quả của khả năng thăng vượt của chính ông đối với xuất xứ của ông, cũng không khác gì trang mạng này là kết quả của khả năng thăng vượt của sứ giả này đối với xuất xứ của Kim Michaels.      

Con thấy đó, một sinh thể thăng thiên đã thăng vượt MỌI xuất xứ trên địa cầu và luôn luôn tìm cách giúp cho mọi người làm tương tự, bắt đầu là với chính thế giới quan hiện thời của họ. Cho nên chúng tôi sẵn sàng làm việc với hầu hết những ai cũng sẵn lòng thăng vượt, và chúng tôi luôn luôn tìm cách trao truyền những điều khả dĩ giúp được một đoàn nhóm nào đó thăng vượt hệ tư tưởng hiện thời của họ.   

Điều khiến cho nhiều học trò tìm đạo chân thành không theo được sự hướng dẫn của chúng tôi gồm có hai điểm:

  • Niềm tin rằng chúng tôi trong Đại đoàn Thăng thiên có một chân lý toàn vũ, cố định và tuyệt đối ở trên đây mà chúng tôi đang cố gắng trao truyền dưới một dạng toàn vẹn, không pha loãng,
  • Niềm tin rằng trong quá khứ chúng tôi đã trao truyền nhiều phần của chân lý này, và do đó bất cứ gì mà một đạo sư hay một phong trào thốt ra sau này cũng nhất định PHẢI ăn khớp với những gì đã truyền dạy trước đây.   

Chính những điều tin tưởng đó đã khiến cho người ta bị kẹt lại trong lòng trung thành không đúng chỗ đối với một giáo lý vỏ ngoài, một đạo sư hay một phong trào vỏ ngoài. Điều này không những khiến cho sự tăng trưởng cá nhân của họ bị ngừng trệ, mà cả công việc toàn cầu nhằm nâng cao tâm thức nhân loại cũng phải chậm lại. 

Đó cũng là lý do có một xu hướng rõ rệt nơi các phong trào tâm linh mà bất cứ một học trò trung thực nào cũng nhận xét được, đó là hội chứng có thể gọi là “bùng lên rồi xẹp xuống”. Con có thể thấy một số phong trào tâm linh trải qua một giai đoạn bành trướng nhanh chóng đề rồi bị trì trệ, xong từ từ xẹp xuống. Giai đọan suy yếu này thường khởi sự khi người lãnh đạo qua đời hay rút lui, nhưng đôi khi nó bắt đầu ngay cả trước đó.  

Nguyên nhân hiện tượng suy yếu này nằm ở chỗ vị lãnh đạo hoặc đa số các học viên trong phong trào không có khả năng, hay không có ý muốn, sinh sôi các ta-lăng, nghĩa là nhân rộng các giáo lý và kỹ thuật được trao truyền. Con thấy không, có một định luật tâm linh dẫn dắt BẤT KỲ phong trào tâm linh nào.     

Ngược lại với sự suy nghĩ của nhiều học trò của chân sư thăng thiên, chúng tôi KHÔNG chỉ làm việc với một hoặc vài ba phong trào mà thôi. Chúng tôi làm việc với tất cả mọi học trò cho dù họ có ở đâu hầu gia tốc sự tăng trưởng nơi họ, và chúng tôi không có sự trung thành cố định với một giáo lý hay một phong trào nào. Có nghĩa là nếu quả thực một phong trào đang giúp được người ta thăng vượt các khuôn nếp tư duy cũ, thì chúng tôi sẽ trao một yếu tố nhân thêm cho phong trào đó.

Con lưu ý là điều này không có nghĩa là chúng tôi tán thành hay hỗ trợ bất cứ gì mà phong trào đó thực hiện hay giảng dạy. Đã từng có nhiều phong trào có giáo lý xa vời thực tế, thế nhưng nếu họ còn trợ giúp được người ta thăng vượt trình độ tâm thức cũ thì họ vẫn sẽ vẫn nhận được yếu tố nhân thêm – là yếu tố đã khiến cho phong trào đó tăng trưởng.  

Tuy nhiên, điều thường xảy ra là phong trào không thể duy trì mãi độ tăng trưởng, và lý do là vì quá nhiều học trò đã ngừng thăng vượt bản thân. Thay vào đó, họ sử dụng các giáo lý và các dụng cụ để củng cố cho thế giới quan của tự ngã, có nghĩa là bây giờ họ cảm thấy hơn trội người khác, họ cảm thấy họ sẽ được “cứu rỗi” mà không phải phơi bày tự ngã.  

Khi điều đó xảy ra, một đạo sư đích thực sẽ rời bỏ phong trào, và thậm chí trong nhiều trường hợp, sẽ bỏ cả hiện thân. Còn một đạo sư không mấy đích thực thì sẽ ở lại, nhưng phong trào nay rơi vào vòng chi phối của cái lực đứng đằng sau định luật thứ hai của nhiệt động học, cho nên sự hỗn loạn sẽ gia tăng cho đến khi phong trào bị tan vỡ hoặc từ từ suy thoái.

Cho nên điều ta muốn nói qua phần trình bày dài dòng này là cho con thấy tại sao một số đạo sư từ phương Đông đã thành công khi thiết lập phong trào tại Tây phương, và cũng vì lý do đó mà họ thường suy vi sau một thời gian. Lý do là vì trong đa số trường hợp, các đạo sư phương Đông không đủ thăng vượt xuất xứ của họ và không thể thích ứng giáo lý cùng kỹ thuật của họ với tư duy của người phương Tây.

Con thấy đó, trong hầu hết mọi trường hợp, một vị đạo sư Đông phương đến phương Tây với một cảm nhận vi tế về tính ưu việt của truyền thống tâm linh Đông phương. Vị đạo sư nghĩ rằng mình đến đây để đem lại một cái gì trội hơn, và do đó mình không có gì để học hỏi. Đó là tại sao con thấy các đạo sư phương Đông thường không mấy sẵn lòng thích nghi với tư duy người Tây phương.  

Thế nhưng khi một đạo sư phương Đông đến phương Tây, vị ấy gặp phải thử thách rất lớn trong khả năng thích ứng và linh động. Con thấy không, con sẽ không giúp ích cho bước tiến của nhân loại nếu con tìm cách biến các học trò tâm linh Tây phương thành những bản sao của học trò tâm linh Đông phương. Con sẽ CHỈ phát triển được nếu con rút tỉa những tinh túy thực sự phổ quát trong truyền thống tâm linh của mình, rồi biểu đạt nó trong một bối cảnh Tây phương. Trong số ít những kỹ thuật phương Đông đã chuyển giao thành công sang phương Tây thì có yoga, và lý do thành công của yoga là vì pháp môn này đã không nằm trong một khuôn khổ tập quyền mà trái lại được phép đa dạng hóa.      

Tình thế trở nên phức tạp hơn nữa do sự kiện hiện nay có nhiều học trò tâm linh đã chọn đầu thai tại phương Tây hầu trợ giúp sự thức tỉnh tâm linh của phương Tây. Nhưng suốt mấy tiền kiếp trước kiếp này, họ đã từng đầu thai tại phương Đông, và do đó chính họ đã chưa thăng vượt được truyền thống tâm linh của phương Đông. Họ bị thu hút bởi các đạo sư từ phương Đông, và một khi ở đây, họ cảm thấy không những truyền thống phương Đông quen thuộc hơn với họ mà lại còn cao trội hơn, và do đó không nên thay đổi.

Và như con thấy đó, mình thế nào thì mình sẽ thu hút thế nấy. Vị đạo sư nào mang sẵn niềm kiêu hãnh tâm linh về truyền thống phương Đông sẽ thu hút những học trò với cùng niềm kiêu hãnh đó, và cùng nhau họ sẽ củng cố lẫn nhau, và họ tạo ra một hệ thống khép kín bắt buộc phải suy thoái.

Trên căn bản, đây là cuộc thử thách vốn đã có từ ngàn đời, là làm thế nào cân bằng hai lực cơ bản của sáng tạo, tức là lực lan ra và lực co lại. Lực lan ra bảo con phải thăng vượt cái cũ, và lực co lại bảo con phải giữ đúng như truyền thống.     

Nếu con mất cân bằng trong sự lan ra, con sẽ mất hết phương hướng và mọi thứ sẽ vỡ tung trong một cuộc bành trướng vô kiểm soát. Nhưng nếu con mất cân bằng trong lực co lại, tất cả sẽ thu rút và sụp đổ từ bên trong.

Cho nên chìa khoá là cái nhìn Ki-tô, luôn luôn tìm cách vươn ra nhưng KHỒNG tìm cách khiến cho mọi người phải chấp nhận một chân lý tối cao. Ki-tô gặp gỡ mọi người ở chỗ họ đang đứng, rồi tìm cách giúp họ tăng triển từ đó. Và nếu ai đó không sẵn sàng thăng vượt cái cũ thì Ki-tô sẽ rút lui về – nếu họ không giết Ki-tô trước.

Điều này giải thích tại sao ta đã bỏ lại đệ tử của ta sau ba năm và tại sao Yogananda đã bỏ lại học trò của ông khi ông thấy rằng SRF đã đạt hết mức thăng vượt của nó. Đấng Ki-tô Hằng sống không hề trung thành với bất cứ cái gì trên địa cầu và luôn luôn hướng đến mức thăng vượt kế tiếp.

Bây giờ con đã có một nền tảng vững vàng hơn thì ta sẽ lần lượt trả lời câu hỏi của con:

“Tuy nhiên trên trang mạng này, Giê-su có vẻ như không khuyến khích con đường thiền tập cho những người sống trong nền văn hóa Tây phương, hay là con có hiểu lầm gì chăng?”

Ta không khuyến khích mọi người lao mình vào mà sử dụng thiền tập theo cách mà các đạo sư phương Đông thường trình bày, tức là xem đó là “giải pháp độc nhất cho mọi vấn đề”, là kỹ thuật tâm linh duy nhất mà họ sẽ sử dùng. Phương Tây là một môi trường vô cùng bận rộn, căng thẳng và hỗn loạn về mặt các năng lượng tâm lý mà con phải tiếp xúc trong đời sống hàng ngày. Ta KHÔNG khuyên bất cứ ai sử dụng một kỹ thuật nhằm làm cho tâm mình tĩnh lặng hay trống rỗng mà không đồng thời thỉnh cầu sự bảo vệ tâm linh, chẳng hạn qua các bài chú, bài thỉnh của chúng tôi.

Con cần lưu ý là chúng tôi luôn luôn khuyến khích mọi người nên đi theo những thúc đẩy sáng ngộ nơi nội tâm mình. Nếu chẳng hạn con cảm thấy một sự thu hút mãnh liệt đối với Kriya Yoga, thì lý do là vì con có nhu cầu học hỏi một điều gì đó từ kinh nghiệm này. Có khi điều mà con cần học là pháp môn này không thích hợp với con, nhưng hầu hết mọi người sẽ không thể học được điều này nếu họ chỉ nghe theo người khác. Cho nên nếu con cảm thấy thu hút mãnh liệt thì con hãy bước theo – nhưng con cần tỉnh táo để tìm ra bài học tâm linh đích thực có thể nằm bên ngoài những gì ngoại tâm con có khả năng nghĩ tới ngay bây giờ.  

“Xin Giê-su vui lòng hướng dẫn con về sự hữu ích của cách thiền tập này trong mục đích kết nối với cái Ta Thượng đế nơi nội tâm. Hoặc liệu là có những kỹ thuật tâm linh nào khác hữu hiệu hơn?”

Con đang nói tới hai chuyện khác nhau ở đây – trước hết là một kỹ thuật có hệ thống, và sau đó là sự trải nghiệm Thượng đế vô hình tướng. Con hãy lưu ý con đã nói gì ngay trước đó:

“Quan tâm của con là mặc dù con cảm nhận được sự hiện diện của Thượng đế, con vẫn chưa có được trải nghiệm tiếp xúc trực tiếp. Con vẫn nghĩ là sự tiếp xúc này có nhiều khả năng nhất xảy ra trong lúc thiền tập.”

Vấn đề ở đây là nhiều người tìm kiếm một kinh nghiệm về Thượng đế, nhưng họ lại cho rằng họ phải sử dụng một cách tiếp cận có hệ thống đề sản xuất ra, hay thậm chí “ép uổng”, kinh nghiệm đó. Giản dị là điều này không thể làm được. Cái vô hình tướng KHÔNG BAO GIỜ bị cưỡng ép vào BẤT CỨ hình tướng nào, do đó con cần tra vấn bất kỳ hình ảnh nào cho rằng Thượng đế phải ra làm sao hay một kinh nghiệm thần bí phải như thế nào.

Nhiều người nghĩ rằng họ đã có một trải nghiệm về Thượng đế do sử dụng một kỹ thuật nào đó hay ngay cả do ma túy. Nhưng điều họ làm là họ đã buộc bộ não và hệ thống thần kinh của họ phải sản xuất ra một trải nghiệm vượt xa kinh nghiệm bình thường của họ đến độ họ cho đó là Thượng đế.

Con có thấy được sự khác biệt tinh tế ở đây? BẤT KỲ một trải nghiệm nào mà con ép buộc sẽ được bộ não sản xuất ra, và nó sẽ xảy ra TRONG tâm con – và như vậy nó KHÔNG THỂ VƯỢT RA NGOÀI tâm con. Nhưng một kinh nghiệm đích thực về Thượng đế sẽ hoàn toàn và tuyệt đối vượt ngoài tâm con.    

Con có thấy việc dùng tâm làm phương tiện thăng vượt tâm là một chuyện bất khả thi hay không? Chuyện đó KHÔNG BAO GIỜ làm được. Con càng tập trung vào việc sử dụng tâm con thì con càng buộc cái ta thực của con vào với tâm – bởi vì chính sự chú tâm của con đã tạo ra một sợi dây buộc năng lượng khiến CON bị giam cầm trong tâm, mà chức năng của tâm thì vỏn vẹn chỉ là phương tiện tương tác với thế giới vật chất. Làm thế nào con có thể dùng phương tiện này để vượt ra ngoài thế giới vật chất?  

Cho nên chìa khóa để có một kinh nghiệm về Thượng đế là ngộ ra rằng không có gì mà con có thể LÀM sẽ đem lại kinh nghiệm đó.

Điều này không có nghĩa là con không nên dùng một kỹ thuật nào hết. Một kỹ thuật đúng đắn có thể giúp con tăng trưởng bằng cách làm thông sạch tâm con và cân bằng luân xa của con, và điều này sẽ khiến con kinh nghiệm Thượng đế dễ dàng hơn. Con càng giảm bớt sự hỗn loạn trong tâm con thì CON sẽ càng dễ giải phóng sự nhận biết của con khỏi tình trạng đồng hóa với tâm.

Một trong số những kỹ thuật hữu hiệu nhất hiện có là các bài chú các Elohim. Mặc dù chúng tôi đã không công bố một cách rầm rộ – cố tình như vậy – nhưng các bài chú này là một phương tiện chủ yếu để thông sạch và cân bằng tất cả mọi luân xa của con. Nhưng một lần nữa, điều này không có nghĩa là việc đọc những bài chú đó sẽ bảo đảm cho con một kinh nghiệm về Thượng đế.

Một kinh nghiệm thần bí không thể tiên đoán trước được bởi vì nó vượt khỏi mọi hình tướng. Cho nên con không thể định trước một kinh nghiệm thần bí phải như thế nào – nó sẽ khoác những hình dạng khác nhau tùy theo mỗi người.

Cho nên điều quan trọng là tập trung vào một kỹ thuật mà con ưa thích, nhưng không bao giờ cho phép kỹ thuật này trở thành một thói quen, một thông lệ. Đừng bao giờ cho phép mình rơi vào cái khuôn nếp với quá nhiều phong trào, là nghĩ rằng mình phải tiếp tục sử dụng một kỹ thuật suốt đời và điều này sẽ bảo đảm thành quả. Con cần phải thật nhạy bén khi cái ta cao hơn của con nhắc con nên chuyển sang một kỹ thuật mới, hay sử dụng kỹ thuật hiện thời một cách cao hơn.   

Con cũng cần bước ra khỏi cái tư duy tìm kiếm hay ngay cả mong muốn một kinh nghiệm thần bí. Nếu con mong muốn một điều gì, đó là vì con có sẵn một tâm ảnh là kinh nghiệm đó phải như thế nào, và làm như vậy cũng giống như con muốn ép uổng Thượng đế phải hiện ra trước mặt con dưới một dạng nào đó. Đây chính là “hình tạc vào đá”, và nó sẽ gần như chắc chắn ngăn chặn con kinh nghiệm được Thượng đế vô hình tướng.

Thay vào đó, con hãy tập trung vào việc nâng cao tâm thức hầu con có thể đóng góp tốt hơn trong công cuộc nâng cao mọi sự sống. Nói cách khác, nhiều người tầm đạo có ý hướng tốt thiện đã quá tập trung vào chính mình cũng như vào việc đạt được trải nghiệm tột đỉnh, đến độ họ biến thành những hệ thống khép kín. Con cần bước ra khỏi cái tư duy chú tâm vào bản thân quá mức, và cách duy nhất là con hãy đặt trọng tâm vào việc phụng sự người khác hay một mục đích cao rộng hơn – nhưng con hãy làm vậy một cách vị tha, quên mình, chứ không nhằm tâng bốc tự ngã.

Vì vậy con cần nỗ lực đạt đến một trạng thái hoàn toàn không dính mắc vào hình dạng mà trải nghiệm thần bí cần phải mang – thậm chí con không dính mắc luôn cả chuyện trải nghiệm. Nếu con làm được vậy thì rất có thể con sẽ thăng vượt được ngoại tâm và TỰ DƯNG trải nghiệm. Nhưng cũng rất có thể là con sẽ không có trải nghiệm thần bí nào hết, bởi vì nhiều người vẫn tinh tấn mà không cần trải nghiệm thần bí, hoặc họ chỉ có một lần trải nghiệm mà thôi.

Con sống trên địa cầu để hoàn thành một sứ vụ và hội đủ điều kiện thăng thiên. Địa cầu này còn xa mới là một môi trường lý tưởng để trải nghiệm sự hợp nhất với Thượng đế, Con chỉ có một thời gian nhất định để hội đủ điều kiện thăng thiên, nhưng một khi con đã thăng thiên, con sẽ có thời gian bất tận để trải nghiệm sự hợp nhất với Thượng đế. Con hãy đặt ưu tiên của con cho đúng.

Một hiểu lầm về cách vận hành của các kỹ thuật tâm linh

Hỏi: Thày Giê-su thân yêu, con ngày càng bối rối bởi nghịch lý sau đây: Trong khi ông Kim, sứ giả của thày, tiết lộ những hiểu biết vô cùng sâu sắc về bản chất của cõi thiêng liêng và Ki-tô, thì cùng lúc ông lại đưa cho chúng con những bài đồng dao vườn trẻ như là bí quyết để đạt được trạng thái bất nhị. Con đã thử đọc những bài này nhưng con thật không nghĩ là các Elohim đang chú ý. Con biết, vì con đã từng đạt được trạng thái bất nhị, và con không thể đạt được trạng thái này khi sử dụng những bài đồng dao vườn trẻ. Vấn đề có phải là con chăng (đương nhiên rồi, con biết)?

Câu hỏi thực sự của con: Từ khi trang mạng của thày được thiết lập, đã có ai báo cáo là mình đã đạt được sự kết hợp bất nhị đích thực với đấng Ki-tô Toàn vũ hay chưa? Một lần nữa, với tất cả sự kính trọng và yêu thương. David.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/1/2021.

Ta có thể hiểu được nếu có người xem các bài chú, bài thỉnh mà các chân sư đưa ra chỉ là những bài đồng dao cho vườn trẻ. Ta cũng hiểu được nếu có người sử dụng những kỹ thuật của chúng tôi với kỳ vọng đạt được một trải nghiệm tâm linh. Tuy nhiên, ta không thể hiểu làm thế nào một người có thể dùng những bài đó với thái độ là chúng chẳng hơn gì bài đồng dao vườn trẻ, và ĐỒNG THỜI chờ đợi đạt được một trải nghiệm tâm linh. Đây là một sự hiểu lầm về cách vận hành của các kỹ thuật tâm linh.

Một người có thể ghét xe ô tô và nghĩ rằng xe ô tô chịu trách nhiệm đâm chết người, cày nát đất đai hay làm hâm nóng khí hậu. Nhưng khi người đó bước vào xe, vặn chìa khóa lên thì chiếc xe sẽ phải nổ máy. Lý do là vì công nghệ là một bộ máy cơ học sẽ chạy tốt cho đù người sử dụng có nghĩ gì về nó. Trái lại, một kỹ thuật tâm linh KHÔNG PHẢI là một bộ máy cơ học.

Những gì con bỏ vào một kỹ thuật tâm linh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những gì con lấy ra. Nếu con muốn một trải nghiệm thần thánh thì con hãy tiếp cận kỹ thuật đó với một thái độ tôn kính và thần thánh. Nếu con không làm được thì con hãy thừa nhận như vậy và không sử dụng kỹ thuật. Hãy tìm một kỹ thuật nào khác mà con có thể tiếp cận với một thái độ xây dựng hơn. Ngừng phóng chiếu nỗi nghịch lý nơi chính nội tâm con vào bất cứ gì ở ngoài con, và giải quyết vấn đề ở ngay gốc của nó. Con thử lắng nghe chính lời con nói: “Con ngày càng bối rối…” và sẵn lòng thừa nhận là nếu con không an bình, thì đây là vấn đề mà con cần giải quyết.

Các bài chú và bài thỉnh không được thảo ra đặc biệt để sản xuất những trải nghiệm bất nhị. Trải nghiệm bất nhị là một kinh nghiệm nội tâm. Một kinh nghiệm như thế xảy ra được là do cái Ta Biết được tạo bằng chính bản thể và tâm thức của Thượng đế. Vì vậy, cái Ta Biết không thể bao giờ đánh mất khả năng hòa điệu với một tầng thực tại vượt ngoài thế giới quan nhị nguyên của tâm phản-Ki-tô và giác quan vật lý.

Cái Ta Biết có thể có nhiều loại kinh nghiệm bất nhị, và không phải bất cứ ai đọc chú hay đọc thỉnh với thái độ đúng đắn cũng có được một hình thức kinh nghiệm tâm linh, dù là trong khi đang đọc hay khi thiền định sau khi đọc.

Tuy nhiên, bài thỉnh và bài chú là những kỹ thuật rất tích cực, hướng ra ngoài, ngược lại với các kỹ thuật trầm tư, hướng vào bên trong. Cho nên chúng không được thiết kế để cho con kinh nghiệm bất nhị, mà là một dụng cụ để giải quyết những tin tưởng nhị nguyên cũng như thỉnh cầu và điều hướng năng lượng tâm linh.

Đương nhiên, khi con làm thông sạch cả bốn tầng của tâm con, con sẽ đạt sự rõ ràng hơn, và điều này sẽ mở đường cho những kinh nghiệm tâm linh đủ loại. Tuy nhiên, việc này có thể tốn nhiều năm trời, tùy vào lượng rác rưởi được chất nơi gác thượng của tâm con. Cho nên điều khôn ngoan là con nên tiếp cận mọi kỹ thuật tâm linh một cách không những kiên nhẫn, mà còn hoàn toàn không dính mắc vào bất kỳ hình thức trải nghiệm nào mà con có thể có qua việc sử dụng kỹ thuật tâm linh.

Lý do là vì một kinh nghiệm bất nhị không thể được sản suất tùy ý. Đó không phải là một sản phẩm cơ học từ việc sử dụng một kỹ thuật thần diệu, và hương vị của thiên đàng không thể đoạt được bằng vũ lực. Một kinh nghiệm bất nhị nên được xem như một món quà có thể được trao ra hay là không. Con không thể ép buộc kinh nghiệm đó, cho nên điều duy nhất con có thể làm được là khiến cho tâm mình càng bén nhạy càng tốt để nó nhận được kinh nghiệm. Và chỉ khi nào con hoàn toàn không dính mắc là món quà sẽ có được trao tặng hay không, thì con mới nhạy bén tối đa. Đó là tại sao Thiền đạo Phật nói đến sơ tâm, là tâm mở rộng ra những trải nghiệm tự phát thay vì đòi hỏi trải nghiệm phải xảy ra. Và đó cũng là vì sao ta đã từng nói: “Ai không nhận lãnh Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không thể vào được.” (Luke 18:17)

Nếu con dùng óc phân tích để thiết lập những điều kiện mà con nghĩ sẽ sản xuất ra trải nghiệm, con sẽ chỉ đẩy trải nghiệm đó đi xa khỏi con. Và nếu con dùng cảm xúc để thiết lập kỳ vọng là đúng lý con phải nhận được trải nghiệm – nghĩa là con sẽ cảm thấy bị thất vọng hay lừa bịp nếu nó không xảy ra – thì con đã ngăn chặn trải nghiệm trước khi nó có thể xảy ra.

Có nhiều người tầm đạo đã có những trải nghiệm bất nhị một cách tự nhiên khi lần đầu họ khám phá ra đường tu, hay ngay cả trước đó. Một số bị ám ảnh bởi chuyện trải nghiệm này, tưởng rằng mình phải có khả năng trải nghiệm mọi lúc. Điều này khiến họ không ngừng tìm kiếm những “trải nghiệm tột đỉnh”, không ngừng chạy đuổi theo một mục tiêu dường như vượt khỏi tầm tay. Và khi họ có được một số trải nghiệm, họ cảm thấy vẫn chưa đủ, và ngay lập tức họ lại bắt đầu thèm khát trải nghiệm tiếp theo sau. Thậm chí, một số bị còn mê mệt trong cuộc tìm kiếm trải nghiệm đến độ họ sử dụng những chất ma túy mà họ cho là sẽ giúp họ có trải nghiệm.

Con sẽ khôn ngoan nếu con nhìn trải nghiệm tâm linh như chỉ có một mục đích mà thôi, là chứng tỏ cho con rằng thật sự CÓ một trạng thái tâm thức vượt khỏi kinh nghiệm bình thường của con người phàm phu. Nó cho con thấy là con đường tâm linh là thực, và ở cuối đường có một phần thưởng. Do đó trải nghiệm tâm linh – ngay cả khi con chỉ có được một lần trong đời – cũng đủ là sự khích lệ để con tiếp tục bước đi trên đường tu suốt đời.

Một số người tầm đạo đã bị đánh lạc bởi một số đạo sư giả – và ngay cả một số đạo sư chân chính nhưng lầm lẫn – khi dựng lên kỳ vọng là mục đích của việc tu tập tâm linh là để luôn có những trải nghiệm bất nhị. Họ đã tạo dựng một hình ảnh của người thiền định ngồi trong một hang động trên núi Himalaya, không ngừng được hưởng cực lạc. Quả vậy, có một số ít vị với sứ mạng tâm linh trong hiện thân là cầm giữ sự cân bằng cho hành tinh địa cầu, và họ thiền định liên tục.

Nhưng đối với tuyệt đại đa số người tầm đạo – và chữ quan trọng ở đây là “tuyệt đại đa số” – đó không phải là Sứ vụ Thiêng liêng của họ. Con không ở đây để được trải nghiệm tâm linh cho thỏa thích. Con ở đây để biểu lộ quả vị Ki-tô của mình bằng cách phụng sự tha nhân và giúp cho người khác tăng triển tâm linh. Khi con làm một điều gì đó để nâng cao tâm thức của người khác và trong lọc hành tinh, đó là một công việc quan trọng hơn gấp bội chuyện trải nghiệm tột đỉnh.

Con hãy lưu ý điều ta nói ở đây. Có một quan niệm sai lầm cho rằng những trải nghiệm tột đỉnh sẽ dẫn đến phát triển tâm linh và nâng cao tâm thức con một cách thường trực. Thế nhưng nhiều người có trải nghiệm như vậy rồi gặp khó khăn rất lớn để hòa nhập nó vào đời sống hàng ngày cũng như trạng thái tâm thức bình thường của mình. Một số người cứ lắc lư qua lại giữa cuộc sống bình thường và cuộc chạy đuổi điền cuồng những trải nghiệm tột đỉnh, và họ rất khổ tâm trong cả hai cực đoan đó.

Sự thật là trải nghiệm tột đỉnh có thể gây hại cho sự tinh tấn tâm linh nếu con không nhìn nó theo cách ta đã mô tả ở trên. Như ta vừa nói, một số người vô cùng tập trung vào bản thân và không ngừng tìm kiếm trải nghiệm tột đỉnh kế tiếp. Một số khác trở nên kiêu hãnh, tưởng mình chắc là người tiến bộ tâm linh cao lắm do mình đã trải nghiệm cao như vậy trong quá khứ. Họ cảm thấy mình có quyền chờ đợi thêm nhiều trải nghiệm nữa, rồi họ bực tức khi trải nghiệm đó không hiện ra. Một thái độ như vậy chỉ có thể ngăn chặn sự tăng triển của con.

Thực tế là tất cả mọi người tầm đạo sẽ CHỈ tiến bộ xa hơn một mức nào đó nếu họ khắc phục được tính vị kỷ phát xuất từ tự ngã và bắt đầu giúp tha nhân hay giúp hành tinh một cách vô vị lợi. Tất nhiên, mỗi người đều có những trách nhiệm hàng ngày, cho nên các bài thỉnh của Mẹ Mary được soạn thảo để giúp con nâng cao tâm thức của hành tinh ngay khi con ngồi trong phòng mình.

Mục đích của Mẹ Mary lẫn của ta là trao cho mọi người những dụng cụ để họ có thể nâng cao tâm thức một cách hệ thống và tiến bộ một cách bền vững. Các kỹ thuật này được thiết kế để nâng cao tâm thức của con lần hồi, thay vì cho con một trải nghiệm vượt hẳn tâm thức hàng ngày đến độ con không làm sao thể nhập được. Dĩ nhiên là khi sử dụng các dụng cụ này, con có thể có được trải nghiệm tâm linh, nhưng khôn ngoan nhất là con không nên chờ đợi gì cả.

Mục đích thực sự là nâng cao tâm thức một cách thường trực để toàn bộ tâm trí tỉnh giấc trở thành một kinh nghiệm bất nhị. Tuy nhiên con hãy lưu ý, khi điều này bắt đầu xảy ra, có vẻ như con không còn trải nghiệm tột đỉnh nữa. Theo định nghĩa, một trải nghiệm tột đỉnh là một cái gì vượt khỏi kinh nghiệm bình thường của con. Cho nên điều có thể xảy ra là con thường trực ở trong một trạng thái tâm thức cao hơn mà không hoàn toàn nhận thức có gì đang xảy ra. Con đã quá quen với trạng thái cao đó đến độ cái mà trước kia là một trải nghiệm tột đỉnh thì bây giờ con xem là bình thường, và dường như con không còn trải nghiệm tột đỉnh nữa. Vì vậy, nếu thỉnh thoảng con có thể nhìn lại bước tiến đáng kể mà mình đã đi qua so với tâm thức cũ, thì điều này sẽ rất hữu ích.

Nói cho cùng, trải nghiệm bất nhị nằm vượt khỏi nhị nguyên. Nếu sử dụng bất kỳ kỹ thuật tâm linh nào mà lại chờ đợi hay đòi hỏi – thậm chí thèm khát – một trải nghiệm bất nhị, thì cái đó nằm trong phạm vi nhị nguyên. Làm sao con có thể dùng tâm nhị nguyên để sản xuất một trải nghiệm bất nhị? Cho nên con càng mong muốn trải nghiệm bất nhị thì xác suất xảy ra sẽ càng ít đi. Chỉ khi nào con bỏ sang một bên mọi kỳ vọng và đòi hỏi nhị nguyên của con, thì con mới có thể nhận được trải nghiệm bất nhị. Trong lãnh vực tâm linh, thái độ là tất cả. Những gì con gửi ra tấm gương vũ trụ sẽ là những gì được phản chiếu lại cho con.

[Ghi chú của Kim Michaels: Bản thân tôi đã có nhiều trải nghiệm bất nhị do đọc bài chú và bài thỉnh. Tôi đã thực tập những kỹ thuật này suốt hơn 25 năm qua và nhiều lần đã có trải nghiệm cao, đặc biệt khi tôi thiền định ngay sau khi thỉnh cầu năng lượng tâm linh. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy những bài nguyện tràng hạt và bài thỉnh của Mẹ Mary rất hiệu nghiệm để giúp tôi nhạy cảm hơn với trải nghiệm tâm linh, nhất là khi tôi đọc chầm chậm và trầm tư về lời đọc.]

Liệu con đang nghe thấy tự ngã hay cái ta cao của con?

Hỏi: Làm thế nào con biết được giọng nói con nghe thấy có thực sự là vị thày nội tâm của con? Đôi khi con lo rằng đó có thể là tự ngã đang cố gạt con.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/1/2021.

Một câu hỏi rất hay, không có câu trả lời trắng đen. Thực tế đơn giản là hầu hết mọi người vẫn còn bị bao trùm trong trạng thái tâm thức nhị nguyên đến mức họ nghe thấy nhiều “giọng nói” đang cố đánh lừa họ. Đó có thể là tự ngã của họ, hay có thể là tà lực từ ngoài đang tìm cách kéo họ ra khỏi đường tu tâm linh.

Thực tế đơn giản là không có cách tuyệt đối và máy móc nào để xác định là sự hướng dẫn mà con nhận được có thực sự đến từ cái ta Ki-tô của con và Đại đoàn Thăng thiên hay từ các thế lực thấp kém. Con chỉ có thể xác định sự chính đáng của những lời hướng dẫn này bằng cách xây dựng dần dần khả năng phân biện của riêng con, hầu con có thể nhận ra sự khác biệt đó chỉ duy qua việc cảm nhận độ rung của thông điệp hay độ rung của nguồn gốc thông điệp.  

Nếu con chưa có nhiều kinh nghiệm, rất có thể con sẽ nghe thấy nhiều loại giọng nói khác nhau. Do đó, con không nên nghe theo mà không suy xét bất kỳ ý tưởng hay lời hướng dẫn nào. Con cần luôn luôn lượng định trên căn bản lẽ thường tình. Hãy để ta cho con một vài gợi ý hầu giúp mọi người học cách phân biện, lọc lựa giữa hạt với trấu khi nhận được lời chỉ dẫn trong nội tâm.

  • Con hãy khởi sự bằng cách nhìn nhận là có những tà lực sẽ vô cùng thích thú trao cho con những lời hướng dẫn dối trá sẽ đưa con vào ngõ cụt trên con đường tâm linh. Để giảm thiểu tối đa rủi ro nhận được loại chỉ dẫn này, con hãy quyết tâm nỗ lực sử dụng biện pháp bảo vệ tâm linh. Bài nguyện ROS08 cho Đại thiên thần Michael được thiết kế đặc biệt để bảo vệ con khỏi những nguồn đó.
  • Hãy tu học các lời dạy tâm linh để cảm nhận được điều gì là chân thực dựa theo cách Đại đoàn Thăng thiên đã dẫn dắt loài người suốt nhiều thiên niên kỷ. Điều này sẽ giúp con lượng định xem một lời chỉ dẫn nội tâm có đứng thẳng hàng, có tương hợp với sự dẫn dắt vượt thời gian đó hay là nó bị trệch đi quá xa.    
  • Cố gắng khiến cho trực giác của con nhạy bén hơn và hòa điệu với cái ta Ki-tô của con, chẳng hạn bằng cách sử dụng kỹ thuật hòa điệu.
  • Luôn luôn dùng lẽ thường tình để lượng định lời chỉ dẫn mà con nhận được. Đặc biệt con cần cảnh giác bất kỳ lời chỉ dẫn nào rơi vào hai loại cạm bẫy chủ yếu trên đường tu, cụ thể là lòng sợ hãi và lòng kiêu mạn. Nếu lời chỉ dẫn đánh vào những nỗi sợ của con và tìm cách đẩy con vào những hành vi dựa trên sợ hãi, thì đó không phải là Đại đoàn Thăng thiên hay cái ta Ki-tô của con. Cũng vậy, nếu lời chỉ dẫn vuốt ve lòng kiêu hãnh của con và bảo sao con giỏi và tuyệt vời đến thế, hay sự cứu rỗi của cả vũ trụ tùy thuộc vào một hành động nào đó của con, thì nó không phát xuất từ một nguồn gốc cao.
  • Cũng nên lưu ý là các tà lực sẽ hung hãn tìm cách xúi giục con làm một chuyện gì đó, và điều này thường biểu hiện như một cảm giác bị ép buộc, khiến con cảm thấy mình nhất định phải ra tay. Cái ta Ki-tô hay Đại đoàm Thăng thiên sẽ không bao giờ tìm cách khuynh đảo con như vậy mà chỉ nỗ lực trao cho con một sáng ngộ hiểu biết sẽ giúp con tự ý lấy quyết định và chọn lựa tốt nhất. Tà lực sẽ vô cùng sung sướng nếu chúng có thể điều khiển cuộc đời của con. Còn Đại đoàn Thăng thiên sẽ không điều khiển đời con vì chúng tôi, các chân sư thăng thiên, biết rõ là con sẽ chỉ  có thể bước vào trạng thái thăng thiên bằng cách tinh lọc khả năng chọn lựa đúng đắn của mình.
  • Nếu con nhận được một lời hướng dẫn có vẻ không ổn, cho dù là do nội dung hay rung động của nó, thì con hãy đừng theo đó mà ra tay hành động. Con hãy chỉ đơn giản cất nó lên kệ và hoàn toàn không dính mắc về sự kiện là nó có chân thực hay không. Con cứ tiếp tục tu tập tâm linh và chờ xem có sự hướng dẫn hay xác nhận nào hay không.
  • Trong một số trường hợp, con có thể nhận thêm những lời chỉ dẫn rất dai dẳng thúc giục con làm một chuyện gì đó. Nếu những lời đó có vẻ hung hãn hay xâm lấn, nó không đến từ một nguồn gốc cao. Nhưng nếu con đã cất một lời hướng dẫn lên kệ và sau một thời gian con lại nhận được một lời gợi ý nội tâm hay một sự xác nhận bên ngoài rằng đó là một lời chân chính, thì nói chung con có thể xem là nó bắt nguồn từ một cõi cao hơn. Trong trường hợp một quyết định quan trọng có tiềm năng thay đổi đời con, có lẽ con sẽ muốn buông nó ra vài lần trước khi bước vào hành động.

Một lần nữa, thật sự không có một cách tuyệt đối hay máy móc nào để xác định xem một lời hướng dẫn xuất phát từ nguồn cao hay nguồn thấp. Đơn giản là con không thể làm như vậy với tâm phân tích hay với tình cảm của con, bởi vì tâm vỏ ngoài sẽ nói cho con nghe những gì con muốn nghe. Rốt cuộc thì con chỉ có thể cảm nhận sự rung động, và điều này đòi hỏi con đạt được một mức độ hòa điệu nào đó với cái ta Ki-tô của con cũng như với Đại đoàn Thăng thiên.

Một khi con có sự hòa điệu này, con sẽ cảm nhận được rung động của cái ta Ki-tô của con hay của một chân sư thăng thiên, và như vậy con có được một khung tham chiếu sẽ cho phép con so sánh rung động của một lời chỉ dẫn và biết được nó đến từ đâu. Đây không phải là một tiến trình máy móc mà một tiến trình nghệ thuật. Nó sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng néu con kiên trì sử dụng các dụng cụ mà ta đã trao truyền trên trang mạng này, con sẽ từ từ khai triển khả năng phân biện của con.

Ta cũng biết là một số người sẽ cảm thấy như thể ta đã không đưa ra một lời dạy rõ ràng lắm, nhưng lý do là vì quả vị Ki-tô không có một con đường máy móc để đi tới đó. Con đường dẫn đến quả vị Ki-tô đòi hỏi con chọn lựa bằng cách sử dụng sự hiểu biết, phân biện và khả năng viễn kiến của riêng con. Trong đa số các trường hợp, con sẽ có nhiều hơn một chọn lựa đúng đắn duy nhất, cho nên chọn lựa “phải” nhất cho con sẽ là chọn lựa thể hiện đúng nhất cá thể độc đáo của con.

Các thế lực bóng tối sẽ tìm cách khiến con phủ nhận cá thể mà Thượng đế đã ban cho con. Nhưng các uy lực của ánh sáng sẽ nỗ lực giúp con biểu lộ cá thể đó. Thế lực bóng tối muốn con chắp nhận cái bản sắc do tự ngã phàm phu của con quy định. Uy lực của ánh sáng sẽ nỗ lực giúp con từ bỏ cái bản sắc giả tạo đó để nhận lấy bản sắc chân thực của con như một sinh thể tâm linh độc đáo.

Phật Thiền định là để bạn thiền quán

Hỏi: Trong bài thỉnh Đông Tây về việc tìm lại những mảnh hồn thất lạc và trong phần thỉnh Ratnasambhava, có đề cập đến Viên ngọc Toại ý tuyệt vời của các thày. Xin các thày vui lòng giải thích đó là gì? 


Trả lời của ông Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Gia tăng Phân biện Ki-tô. Đăng ngày 11/1/2021.

Thật sự tôi cảm nhận là các thày không muốn giải thích điều này vì các Phật Thiền định, ít nhất trong một số phong trào Phật giáo, được xem là những vị Phật để thiền quán. Nói cách khác, bạn cần thiền quán về các vị Phật này, và mặc dù chúng ta xem Phật Thiền định là chân sư thăng thiên – lả những sinh thể thăng thiên cụ thể – các thày không muốn cho chúng ta một cái gì cụ thể mà tâm đường thẳng có thể sử dụng để phân loại, hiểu biết hay lý giải.

Điều quan trọng về Phật Thiền định là bạn nên dùng các thày trong chức năng của các thày. Chúng ta có thể thiền quán về các thày, chúng ta có thể đọc những bài thỉnh nhắc đến các thày, và trong quyển sách “Hoàn thành Tiềm năng Tâm linh cao nhất” có nhiều bài thỉnh như vậy. Bạn cũng có thể nhìn vào các phẩm chất mà các vị Phật này biểu tượng cùng những mặt tha hóa khi chúng ta làm tha hóa các phẩm chất đó. Bạn có thể thiền quán và thỉnh cầu sáng ngộ trực tiếp từ các Phật Thiền định. Nhưng bạn phải vượt qua tâm đường thẳng và bỏ nó qua bên. Và đó là tại sao các thày không muốn trao truyền một lời dạy mà tâm đường thẳng có thể chụp lấy, vì làm như vậy kỳ thực có thể chặn nghẽn sự hòa điệu trực giác của bạn.  

Cảm thấy hôn trầm và ngủ gà ngủ gật khi thực tập tâm linh

Hỏi: Các chân sư đã trao truyền những bài hình dung dùng làm dụng cụ tâm linh giống như bài hình dung Chữa lành các chấn thương tâm linh của con. Con muốn hỏi con làm được gì khi thực tập hình dung khiến con bị hôn trầm, ngủ gà ngủ gật và nhiều lần con không làm theo bài hình dung được. Khi thiền tập con cũng bị hôn trầm. Đôi khi đọc thỉnh con cũng hôn trầm. Nó xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, cho dù con đã có một giấc ngủ ngon đêm trước đó.


Trả lời của Chân sư Thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels trong dịp Khóa học trực tuyến 2020 – Chọn tương lai cho nước Mỹ. Đăng ngày 19/10/2020.

À, nếu chuyện này xảy ra nhiều lần, giản dị là con cần ngưng tập hình dung hay tập thiền định. Con sẽ phải tìm một thực tập tâm linh khác không làm con ngủ gà ngủ gật, ít ra là trong một thời gian. Lẽ tất nhiên, con có thể buồn ngủ khi con đọc bài thỉnh nhưng con có thể khắc phục điều này bằng cách thay đổi tốc độ đọc. Nếu con cảm thấy buồn ngủ, con hãy đọc một số câu thơ chậm hơn, đọc dõng dạc hơn, sau đó con trở lại tốc độ bình thường hay con cũng có thể đọc nhanh hơn. Hoặc nếu con không khắc phục được vấn đề với bài thỉnh, con hãy dùng bài chú. Đọc bài chú khó buồn ngủ hơn vì bài chú có tốc độ nhanh hơn và nhịp nhàng hơn, nhưng nếu con vẫn buồn ngủ, con hãy đọc chậm hơn, dõng dạc hơn, đọc theo nhịp điệu ngắt quãng (staccato rhythm), đọc như thế sẽ giúp con tỉnh thức.

Lẽ tất nhiên, con cũng có thể nhận ra rằng hôn trầm do một số ngã tách biệt gây ra hoặc có những tà thể tập thể phóng chiếu năng lượng tới con để làm con buồn ngủ và ngăn cản con làm bài tập tâm linh. Con có thể dùng bài thỉnh hay bài chú Astrea để kêu gọi thày trói buộc và tiêu hủy các tà lực này. Con cũng có thể giải quyết các ngã tách biệt và tìm cách phơi bày niềm tin đằng sau các ngã này.

Làm thế nào vượt qua khó khăn hòa điệu với chân sư

Hỏi: Con nhận thấy là khi con cố hòa điệu trực tiếp với một vị chân sư đặc thù, điều này đôi khi rất khó khăn. Chẳng hạn, kỹ thuật do thày Guru Ma đưa ra để hòa điệu với thày rất hữu ích, là hình dung ra một cánh đồng hoa cúc bất tận xong tập trung vào điểm vô tận. Xin các thày vui lòng khai triển đề tài này về những khó khăn hòa điệu tâm mình với các chân sư, và liệu có những kỹ thuật nào để việc đó dễ dàng hơn?


Kim Michaels: Đúng vậy, lời dạy đó được đưa ra trong cuốn sách “Don’t drink your own Kool Aid”. Nếu tôi nhớ không lầm, lời dạy mà ông đề cập về hoa cúc, đó là kỹ thuật đặc thù của thày Guru Ma.

Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2019. Đăng ngày 17/12/2019.

Trước hết, đây là câu trả lời “mẫu” cho câu hỏi này. Hãy tìm xem có ngã tách biệt nào đang ngăn chặn sự hòa điệu của con, xong tìm cách khắc phục ngã tách biệt đó. Rất, rất nhiều người tâm linh – và điều này cũng liên hệ tới những gì chúng tôi vừa trình bày về tư duy thần tượng hóa con đường tâm linh, thần tượng hóa chân sư thăng thiên – nhiều người đã dựng các chân sư lên thành thần tượng và nghĩ sao chúng tôi quá toàn hảo. Chúng tôi như cao chót vót ở trên các con đến độ để các con hòa điệu được với chúng tôi, nó gần như đòi hỏi một nỗ lực siêu phàm hầu nâng tâm thức mình lên một mức tối thượng.

Nhưng như ta đã nói trong câu trả lời về quả vị Ki-tô, mỗi tầng trong số 144 tầng tâm thức đều có một cách biểu hiện quả vị Ki-tô.

Ta là ai? Ta là vị đại diện của tâm thức Ki-tô cho trái đất. Có nghĩa là ta có khả năng tự biểu lộ ra cho mỗi tầng tâm thức trong số 144 tầng. Cho nên dù con có ở mức tâm thức nào đi nữa, ta cũng có thể – nếu con muốn dùng hình ảnh này – đi xuống tới mức của con, và do đó, con chỉ cần với lên tầng ở ngay trên con để nối kết với ta. Không như là con phải với lên nhiều tầng cao hơn, mà con chỉ cần vượt lên khỏi mức hiện thời của con thì con sẽ liên lạc được với ta. Và điều này, con đầy đủ khả năng làm được.

Câu hỏi đặt ra là liệu con có một cái ngã tách biệt đang ngăn chặn con không? Có thể đó là cái ngã tách biệt cho rằng con phải nâng cao tâm thức lên rất nhiều, nhưng cũng có thể là một ngã tách biệt nào khác liên quan đến cách con nhìn chân sư thăng thiên hay một vị chân sư cụ thể nào đó. Cũng có thể là một ngã tách biệt không muốn con nối kết, vì nó lo sợ chân sư sẽ phơi bày ra một khía cạnh của tự ngã của con. Trong một tổ chức trước của chân sư thăng thiên, biết bao nhiêu người đã sợ hãi “kẻ ngụ trên ngưỡng cửa” của mình bị vạch trần vì họ tưởng đó là điều mà các chân sư luôn luôn làm. Nhưng đó không phải là điều chúng tôi làm luôn luôn. Chúng tôi tỏ lộ qua rất nhiều cách khác nhau cho nhiều người khác nhau, tùy theo cách nào sẽ giúp người đó tăng trưởng lên mức tâm thức kế tiếp.

Chúng tôi không bao giờ tìm cách trừng phạt con. Chúng tôi không bao giờ tìm cách khiến con hổ thẹn. Chúng tôi không bao giờ muốn con cảm thấy mình tắc trách. Chúng tôi chỉ muốn giúp con tiến lên mức kế tiếp. Cho nên ta xin nói, con hãy xem xét mối quan hệ của con với các chân sư, xem xét cách con nhìn các chân sư và đặc biệt cách con nhìn chính con trong quan hệ với chân sư. Hãy nhìn xem con có cảm thấy miễn cưỡng điều gì không, có cảm thấy mình bất xứng, rồi con hãy làm việc trên cái ngã tách biệt đó, và mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn cho con.

Ngoài ra còn có một loại ngã tách biệt khác mà nhiều người mắc phải liên quan đến các sinh thể tâm linh. Và đây là toàn bộ cái tâm thức đã được nhiều tôn giáo dựng lên, cho rằng bất kỳ sinh thể tâm linh nào, bất kỳ vị thần nào, cũng đều phải là phiên bản của ông già Nô-en – hay nói cách khác, là một vị Thượng đế có khả năng thỏa nguyện mọi điều ước. Đây là Thượng đế mà nhiều người hoàn toàn phớt lờ trong đời sống hàng ngày, nhưng khi họ gặp phải vấn đề thì bỗng nhiên, đó là Thượng đế mà họ sẽ cầu nguyện, hay họ cầu nguyện đức Mẹ Mary, hay họ đi lễ và thắp nến ở nhà thờ. Và giờ đây họ cho rằng Mẹ Mary sẽ giải quyết vấn đề đó cho họ như trong phép lạ, để sau đó họ có thể phớt lờ tiếp. Đây không phải là cách hòa điệu với các chân sư thăng thiên. Nếu con mang loại ngã tách biệt này, hay có lẽ đã lớn lên trong một môi trường như thế, thì đây cũng là một điều mà con phải cải sửa.    

Rồi đến lúc con phải tự hỏi: “Tại sao tôi lại cố hòa điệu với chân sư? Ý định của tôi là gì? Tôi muốn đạt được điều gì?” Và ở đây con có thể học từ những gì vị sứ giả này đã nói về bản thân khi ông nhận các bài truyền đọc từ chân sư. Ông có nói mấy lần là để nhận được bài truyền đọc, ông bước vào một trạng thái trung hòa. Ông không có ý định muốn chúng tôi làm gì hay nói gì đặc biệt. Ông không chờ đợi là chúng tôi sẽ làm bất cứ gì cho ông, ca ngợi ông, tâng bốc ông, hay bất cứ gì khác. Ông chỉ bước vào tâm trung hòa. Nếu con thực sự muốn hòa điệu với một chân sư thăng thiên, con cần làm việc trên ý định của con. Con đang cố đạt được gì đây?

Có thể có một ngã tách biệt muốn con được thêm vị thế, như được chân sư vỗ vai nếu chúng tôi hiện ra cho con hay nếu con nối kết được với chúng tôi. Con có thể dùng chuyện đó để khoe khoang với người khác. Chúng tôi đã chứng kiến bao học trò của chân sư làm chuyện này rất nhiều lần. Nó có thể cho con một cảm giác quan trọng, rằng con quan trọng hơn những người chưa bao giờ có được trải nghiệm nào với chân sư.

Nếu con có những loại ý định đó, nó sẽ ngăn chặn con trải nghiệm sự hiện diện của chúng tôi, vì nếu chúng tôi cho con trải nghiệm đó thì hóa ra nó chỉ củng cố cho ngã tách biệt, có phải vậy không? Tất nhiên cũng có những học trò mang ý định đó và cảm thấy là mình đã có một trải nghiệm với chân sư, nhưng kỳ thực trải nghiệm của họ là với những kẻ mạo danh trong hàng ngũ giả trá. Bởi vì nếu con có bất kỳ ý định kiêu hãnh nào, con sẽ không thể nối kết được với chúng tôi, vì chúng tôi sẽ cản trở sự phát triển của con nếu chúng tôi cho con một trải nghiệm về sự hiện diện của chúng tôi. Đã có những lần chúng tôi trực tiếp rút lui khỏi một đệ tử vì đó là cách duy nhất để giúp cho đệ tử đó tăng trưởng. Cho nên đây cũng là một điều mà con có thể xem xét. Nhưng nếu con có thể đạt tới điểm con không còn muốn chúng tôi làm bất cứ điều gì, không muốn chúng tôi trả lời một câu hỏi nào, thì con có thể trung hòa.  

Ý tưởng muốn chúng tôi trả lời một câu hỏi cá nhân cho con, đặc biệt là muốn chúng tôi bảo con phải làm gì trong một tình huống nào đó, cũng là một điều thường khi sẽ chặn đứng sự hòa điệu của con. Không phải là chúng tôi không sẵn lòng giúp con trong một số hoàn cảnh, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng tôi không muốn bảo con phải làm gì bởi vì đó chính là trách nhiệm của con phải quyết định lấy.

Đó là điều mà vị sứ giả này cũng đã học được trong những bước đầu trên đường tu, khi ông nhận ra là có những tình huống trong đời ông mà ông có trách nhiệm phải tự lấy quyết định. Chúng tôi sẽ không bảo con phải làm gì. Chúng tôi có thể cho con một khung tham chiếu, chỉ ra cho con một cách nhìn khác về tình huống. Nhưng chúng tôi chỉ có thể làm vậy khi con ở trong một trạng thái tâm trung hòa.

Cho nên một lần nữa con hãy nhìn đây, hãy khắc phục cái ngã đang muốn con được chỉ bảo mình phải làm gì, thường thường là vì nó sợ lầm lỗi. Vậy con sẽ nghĩ gì nếu một chân sư hiện ra trước mắt con và bảo con làm điều gì đó, chẳng hạn rút ra một con dao và cứa cổ đứa con của mình như đã xảy ra cho Abraham? Và cho dù con có làm gì thì con cũng sẽ không có lỗi vì chuyện đó là do một sinh thể tâm linh? Nếu có một bài học trong câu chuyện của Abraham, thì bài học đó đã không được Kinh thánh thuật lại chính xác, bởi vì không phải Thượng đế đã ra lệnh cho ông làm vậy, mà là một kẻ mạo danh trong hàng ngũ giả trá đã bảo ông giết con ông. Và khi ông không nghe theo, đó chính là vì cái ta Ki-tô của ông hay Hiện diện TA LÀ của ông đã khuyên ông đừng làm theo. Nhưng ông đã chỉ có thể nghe được lời khuyên đó là vì ông sẵn lòng nhìn vượt ra ngoài lệnh ban đầu.

Cho nên một lần nữa, nếu con muốn nghe thấy một giọng nói ầm ầm từ trên trời bảo con phải làm gì vì con sợ lầm lỗi, thì chúng tôi không thể hiện ra cho con, vì làm như vậy sẽ chỉ tăng cường cái tâm thức đó mà thôi. Cho nên nếu con đạt tới điểm con có thể nói thật giản dị là con muốn trải nghiệm sự hiện diện của một chân sư thăng thiên, hay có lẽ một chân sư đặc thù nào đó, thì con hãy đọc bài chú cho vị chân sư đó. Nhưng ngay sau khi con đọc xong, con hãy bước vào tâm trung hòa, nằm xuống, nhắm mắt lại, thư giãn ra và trung hòa – một trạng thái tâm trung hòa. Con càng trung hòa bao nhiêu thì xác suất sẽ càng lớn để con trải nghiệm một cái gì đó vượt khỏi mức tâm thức hiện thời của con.

Đó sẽ không phải là sự thị hiện tối hậu của vị chân sư đó. Đó sẽ là trải nghiệm mà con có khả năng chịu được ở mức tâm thức của con. Chúng tôi không thị hiện trong trải nghiệm tối hậu vì con người sẽ không chịu nổi. Nếu ta thị hiện trọn vẹn sự Hiện diện của ta ở đây ngay bây giờ, tất cả các luân xa của con sẽ thiêu cháy, kể cả luân xa của vị sứ giả này. Chúng tôi luôn luôn giảm bớt Hiện diện của mình xuống một mức mà con người có thể chịu được. Và đây là thêm một cạm bẫy nữa cho những ai mong muốn trải nghiệm tâm linh – nếu con luôn tìm cầu một trải nghiệm tột đỉnh, một trải nghiệm tối hậu nào đó, thì đó cũng là một điều sẽ ngăn cản con, và ngăn chặn chúng tôi thị hiện cho con. Không hẳn là nó ngăn chặn chúng tôi thị hiện, mà nó ngăn chặn con nhận ra là chúng tôi đang ở ngay đây, vì con không thể cảm thấy Hiện diện của chúng tôi khi con đang tìm cầu một cái gì khác. Cho nên nếu mọi chuyện chưa thành công, con hãy bước vào trung hòa, con hãy trung hòa. Và con sẽ chiêm nghiệm được một cái gì vượt khỏi mức tâm thức hiện thời của con.

Các bài thỉnh vận hành như thế nào ở mức tâm lý?

Hỏi: Các bài thỉnh vận hành như thế nào ở mức độ tâm lý? Thày đã có đề cập đến việc thỉnh cầu năng lượng cao, và những làn sóng của bài thỉnh tác dụng trên năng lượng thấp như thế nào. Nhưng xin thày giải thích bài thỉnh vận hành như thế nào về mặt tâm lý? Chẳng hạn, việc lặp lại các từ ngữ trong khi mình tập trung vào chúng có khiến cho ý nghĩa đằng sau từ ngữ thâm nhập vào tâm tiềm thức, tạo ra những thay đổi ở mức sâu xa, hay là có tiến trình nào khác hơn nữa?    


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Hòa Lan năm 2019. Đăng ngày 17/10/2019.

Trong các đợt truyền pháp trước, chúng tôi tập trung chủ yếu vào các bài chú (decrees) vì đó là nhu cầu vào thời buổi đó, đặc biệt là cho tâm thức tập thể. Bài chú có tác dụng thỉnh cầu năng lượng một cách vô cùng cô đặc, nhưng nó chỉ đơn giản thỉnh cầu năng lượng. Cho nên câu hỏi đặt ra là, con làm gì với năng lượng đó? Và chúng tôi đã thấy nhiều đệ tử quá tập trung vào việc đọc chú đến độ họ không làm việc trên tâm lý của họ. Đó là lý do tại sao lúc đầu ta đã thảo ra những bài nguyện tràng hạt (rosaries) sau này trở thành những bài mà chúng tôi gọi là bài thỉnh (invocations). Trong bài thỉnh, con có sự phối hợp của bài chú nhằm thỉnh cầu ánh sáng, đi đôi với những lời khẳng định xen vào giữa để chuyển đổi cách nhìn của con về các sự việc.

Và đúng vậy, nếu con cởi mở, nếu con chú tâm vào ý nghĩa lời đọc chứ không chỉ lặp lại một cách máy móc, thì những lời khẳng định đó trong bài thỉnh có thể có tác dụng thách đố những cái ngã mà con đang có.  Và nó cũng sẽ thách đố những tin tưởng đằng sau ngã đó. Và điều này lần hồi có thể đưa con tới một điểm khi con có khả năng nhìn ra ngã đó, nhìn ra tin tưởng đó, nhìn ra ảo tưởng, và con tự tách mình ra khỏi nó. Đây là một điều mà chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã phát triển trước khi chúng tôi cảm thấy sẵn sàng đưa ra lời dạy về ngã tách biệt, nhưng nó vẫn giúp cho người đọc làm việc trên ngã tách biệt của mình cùng những tin tưởng đằng sau ngã tách biệt.

Bây giờ nói đến những bài thỉnh về những điều kiện xảy ra trên thế giới. Khi con đọc những lời khẳng định đó, và bởi vì con là người đang hiện thân, cho nên con phóng chiếu những lời đó vào tâm thức tập thể. Và chúng có khả năng thách đố những ảo tưởng mà nhiều người đang cầm giữ – không phải tất cả mọi người vì một số có tâm quá khép kín. Nhưng đối với những ai cởi mở, họ sẽ bỗng nhiên cảm thấy như thể mình bị xáo trộn trong tâm khảm, nếu có thể gọi như vậy. Và nếu họ sẵn lòng, sau một thời gian, các ý tưởng đó có thể tuần hoàn xuống tâm ý thức, và đột nhiên họ nhìn ra một ao tưởng. Giống như khi con bừng tỉnh dậy và nhìn ra một điều gì đó mà trước kia con không thể nhìn thấy. Và giờ đây họ sẽ nói: “Ử nhỉ, chuyện này thật là hiển nhiên. Tại sao suốt bao nhiêu lâu mình không nhìn ra được?”

Có điều gì nữa xảy ra khi đọc con đọc bài thỉnh hay chăng? Có, có chứ, theo nghĩa là mọi con người đều nối kết với nhau. Thay vì nói như câu hỏi vừa rồi rằng tất cả chúng ta đều là một, ta thích bảo rằng mọi con người đều nối kết với nhau. Bởi vì nói như vậy thì ngụ ý là khi con đọc một bài thỉnh, con có khả năng tác động lên tập thể bằng cách kéo nó lên cao hơn. Nói cách khác, con đang nâng cao tâm thức cá nhân của con, và mặc dù con không cần làm gì hung hãn trên tâm thức mọi người, con vẫn kéo được tâm thức tập thể đi lên vì con là một thành phần của tập thể. Và vì thế con kéo nó đi lên.

Con sẽ có thể nói: “Nhưng tác dụng là gì khi con chỉ là một người đơn độc trong khi cả hành tinh có đến bảy tỳ người?” Ấy nhưng nó vẫn có tác dụng, và càng nhiều người làm thì tác dụng sẽ càng lớn. Và một lần nữa, con hãy nhìn lại lịch sử mà xem, làm thế nào thay đổi đã xảy ra? Làm thế nào các thể chế dân chủ đã ra đời? Là bởi vì một số người đã nâng cao nhận biết của mình, và sự nâng cao này đã kéo theo cả tập thể đến một điểm đột pha khi bấy giờ việc thiết lập một quốc gia dân chủ trở thành một khả năng hiện thực. Mỗi lần một sự thay đổi tích cực đã xảy ra suốt chiều dài lịch sử thì một tiến trình tương tự đã có mặt. Nó khởi đầu với một số cá nhân nâng cao tâm thức mình, rồi lần hồi nó đạt đến túc số cần thiết khi nó tác động ở mức tập thể, ngay cả trong cõi vật lý.  

Tại sao các chân sư không dạy thiền dưới dạng truyền thống

Hỏi: Tại sao các chân sư thăng thiên không giảng dạy nhiều hơn về thiền quán và kỹ thuật thiền quán? Hình như các thày hiện không dạy về thiền quán, nhưng không phải thiền quán là phương tiện chủ yếu để đạt được Hợp nhất với Thượng đế hay sao? Hay là chúng con bước vào Hợp nhất với Thượng đế một cách tự nhiên bằng cách chữa lành tâm lý, nâng cao tâm thức, giải thoát khỏi tự ngã, v.v…? Liệu kỹ thuật hình dung (visualisation) hay tiến trình hòa điệu (attunement) cũng có thể được xem là thiền quán?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Kazakhstan năm 2018. Đăng ngày 12/9/2019.

Câu hỏi này ngụ ý một cách nhìn đặc thù về thiền quán, nhưng thiền quán trong nghĩa rộng nhất của nó cũng có thể được mô tả bằng một từ đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đó là tỉnh thức. Làm thế nào con đọc được một bài thỉnh hiệu quả nhất? Bằng cách con tỉnh thức trong nguyên tiến trình – tất cả đều có thể là một hình thức thiền quán. Thiền quán không nhất thiết có nghĩa là con ngồi đó tĩnh lặng và tập trung vào một câu thần chú hay một kỹ thuật nào khác. Cách đó là cái nhìn cố hữu trong đạo Phật và đạo Ấn truyền thống, nhưng nhìn như vậy quá hạn hẹp.  

Chúng tôi, các chân sư, không dạy thiền quán trong hình thức đó bởi vì đối với nhiều người sống trong thế giới ngày nay, họ rất nên có một cuộc sống năng động và vì vậy họ cần tu tập qua hình thức những bài thỉnh và bài chú. Tiến trình phóng ra ngoài hiệu quả hơn cho con người sống trong thời đại hôm nay với lối sống bận rộn hơn trước. Tuy nhiên cũng cần nói thêm, tất nhiên, là thiền quán không phải là phương tiện chủ yếu để đạt được hợp nhất với Thượng đế và chưa bao giờ từng là như vậy. Phương tiện chủ yếu là sự nâng cao nhận biết, và điều này chỉ đến được từ sự giải tỏa tâm lý. Thời xưa, con người đã có thể thực hiện được điều này, nhưng ngày nay hiển nhiên con có cơ hội lớn hơn bao giờ hết để giải tỏa tâm lý của mình, không những với những kiến thức và lời dạy tổng quát về tâm lý học, mà cả với những giáo lý mà các chân sư đã trao cho con về ngã gốc và các loại ngã tách biệt khác.  

Sự hợp nhất với Thượng đế sẽ không tự động thực hiện được qua sự giải hóa mọi cái ngã, nhưng một khi con giải hóa được chúng, đặc biệt khi con không còn cá nhân hóa con đường của con – như thày More vừa giảng dạy – thì cái Ta Biết của con sẽ được giải thoát để nó nhận diện nó là một sinh thể vô hình tướng. Chỉ khi nào là một sinh thể vô hình tướng thì con mới đạt được hợp nhất với Thượng đế. Đã có một quan niệm sai lầm rất lâu đời và rất phổ biến trong số những người tâm linh rằng con có thể khoác cái bản sắc mà con đang có bây giờ khi con cất bước trên đường đạo, rồi con sẽ hoàn thiện nó để bản sắc này hợp nhất với Thượng đế. Điều này đơn giản là không thể xảy ra, chưa bao giờ từng xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra.    

Cách đích thực duy nhất để hợp nhất với Thượng đế – mà cũng chính là sự hợp nhất với Hiện diện TA LÀ của con – là làm tan biến một cách lần hồi và có hệ thống mọi cái ngã mà con đã tạo ra trong bốn thể phàm của con, hầu cái Ta Biết không còn bị kéo vào mà tự đồng hóa với chúng nữa. Khi đó, cái Ta Biết sẽ tìm được chỗ đứng chính đáng của nó ở ngay điểm gặp gỡ của hình số 8 nối kết Hiện diện TA LÀ của con với bốn thể phàm của con.

Và như vậy con sẽ là cánh cửa mở, không hơn không kém, và đó là trạng thái hợp nhất với Thượng đế. Điều này sẽ không tự động xảy ra bởi vì cái Ta Biết cần có một sự chọn lựa, nó cần lấy quyết định tự đặt mình vào điểm đó, nhưng nó sẽ không thể làm được cho tới khi mọi cái ngã đã tan biến.

Phản ứng thế nào khi tu tập tâm linh không đem lại kết quả vật lý mong muốn?

Hỏi: Trong suốt lịch sử, nhiều người có đạo và hành giả tầm đạo đã từng cầu nguyện, đọc bài chú hay thỉnh cầu tràng hạt để đem lại những thay đổi vật lý cụ thể trên địa cầu hay trong xã hội. Trong nhiều trường hợp, những thay đổi này đã không xảy ra. Làm thế nào chúng con có thể tránh được tâm trạng nản chí, vì cá nhân con có quen biết một số người đã bỏ cuộc khi Thượng đế không ban cho họ những gì họ cầu nguyện? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 8/12/2007.

Các học trò yêu dấu của ta cùng mọi người đã đọc những bài nguyện tràng hạt của ta để đem lại thay đổi trên thế giới, hãy đừng rơi vào sự cám dỗ luôn luôn có mặt mà trở nên chán nản vì con đã không nhìn thấy kết quả cụ thể của công việc tâm linh của con. Hãy luôn luôn nhớ rằng các con đang làm công việc TÂM LINH, và vì thế, con có thể thấy hay không thấy những kết quả trong cõi vật lý, hoặc con có thể không thấy kết quả nhanh chóng như con mong đợi. 

Tại sao vậy? Trước hết vì Luật Tự quyết. Nếu chỉ cần một số ít người đọc bài nguyện tràng hạt để “bắt buộc” hàng trăm triệu người khác phải hành xử một cách nào đó, thì các con đã kiểm soát được số người to lớn kia rồi, và điều này đã vi phạm Luật Tự quyết. Học trò của chân sư thăng thiên tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết và KHÔNG BAO GIỜ tìm cách ép buộc người khác. Chỉ có những kẻ theo hàng ngũ phản-Ki-tô – cho dù họ có biết hay không biết – mới tìm cách cưỡng ép người khác qua công việc tâm linh.

Không có gì ban ra cho địa cầu này mà không thể bị lạm dụng bởi những người bị mù quáng bởi tâm thức nhị nguyên. Ta đã nỗ lực rất nhiều để khiến cho việc lạm dụng những bài nguyện tràng hạt của ta vô cùng khó khăn, nhưng người ta vẫn lạm đụng được dù với ý định tốt đẹp nhất. Nếu con đọc bài nguyện với tâm bám mắc của tự ngã để đạt được một số kết quả nhất định, con sẽ gửi một xung lượng nhị nguyên của sợ hãi vào tâm thức tập thể, và đây là một hình thức tà thuật nhằm bắt ép người khác.

Con hãy lưu ý, ngay cả khi con tìm cách ép buộc người khác phải làm những điều có vẻ lợi lộc cho họ, con vẫn đang làm chuyện tà thuật vì con đang vi phạm Luật Tự quyết. Tà thuật là bất kỳ hoạt động nào sử dụng sức mạnh tâm linh để ảnh hưởng hay lật ngược quyền tự quyết của người khác – ngay cả khi thực hiện với ý định có vẻ nhân từ. Con thấy đấy, mục đích của hành tinh địa cầu là một phòng học vũ trụ – KHÔNG PHẢI để sản xuất ra những kết quả vật lý nhất định. Mọi thứ đều tùy thuộc vào con người sử dụng quyền tự quyết của mình, và điều mà Thượng đế muốn thấy là con người sẽ học hỏi, ngay cả khi họ phải học qua sự trải nghiệm hậu quả đau đớn do chọn lựa của họ. 

Ta không có ý nói là những ai đọc bài nguyện tràng hạt của ta đều đang làm trò ma thuật – ta chỉ muốn nhấn mạnh một điểm. Sự thật là mọi người tâm linh đều phải đối mặt với thử thách mình sẽ phản ứng thế nào khi mình không đạt được kết quả mong muốn trong công việc tâm linh. Có hai cám dỗ chính. Một là dùng sức mạnh tâm linh để ảnh hưởng người khác, và điều này là tà thuật. Hầu hết mọi người tâm linh đều không dùng tà thuật, nhưng nhiều người sẽ rất dễ rơi vào cám dỗ thứ hai sau đây, là trở nên chán nản khi không nhìn thấy kết quả cụ thể từ công việc tâm linh của mình. Đây hiển nhiên là trường hợp của nhiều tín đồ các tôn giáo truyền thống, những người cầu nguyện Thượng đế để đời sống mình thay đổi nhưng mình lại không sẵn lòng, hay không có khả năng, thay đổi tâm thức mình – như ta đã giải thích trong sách của ta.         

Con cần nhìn nhận rằng mọi công việc tâm linh chân chính là một mối đe doạ cho các tà lực. Tuyến phòng thủ đầu tiên của chúng là ngăn cản con tham gia vào việc tâm linh. Khi không thành công, tuyến phòng thủ thứ hai của chúng là gây chán nản trong lòng con để con buông xuôi không cố tạo sự thay đổi, đặc biệt những thay đổi trên tầm vóc thế giới. 

Để làm điều này, chúng chỉ cần sử dụng chính cái tâm lý đã khiến con quyết định tham gia vào việc tâm linh. Con thấy đó, người tâm linh biết rõ là có những điều không ổn trên hành tinh và họ thấy nhu cầu phải làm việc tâm linh để cải thiện tình thế. Thật là điều tự nhiên khi những người ở một mức tâm thức nào đó tham gia vào việc tâm linh vì họ muốn đóng góp đem lại thay đổi tích cực cho thế giới. Đây chính là động cơ – nếu có thể nói như vậy – thúc đẩy những người đó đã hy sinh thời gian của mình để cầu nguyện, lần tràng hạt hay sử dụng một số kỹ thuật khác.

Con cần lưu ý, điều này không có gì sai trái – ở một mức nào đó trên con đường tâm linh. Tuy nhiên, điều không tránh được là khi con bước vào tiến trình, con sẽ phải đối mặt với cám dỗ của chán nản. Con càng bám mắc vào những kết quả cụ thể trong cõi vật lý bao nhiêu thì cám dỗ sẽ càng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều học trò chân thành đã đảo lộn cuộc sống mình và nỗ lực lớn lao để đem lại một thay đổi nhất định trong đời mình hay, trên một bình diện rộng lớn hơn, cho quốc gia hay cho toàn cầu. Và khi sự thay đổi mong muốn không thành hình vào ngày dự kiến, họ bắt đầu lắng nghe kẻ cám dỗ, kẻ luôn luôn ở đó tìm cách lợi dụng tình thế để khiến họ uống ly thuốc độc của chán nản – là một loại rung động rất đặc thù sẽ sinh sôi một cách hung hãn trong trường năng lượng của họ một khi họ mở cửa cho nó vào.     

Nhưng cũng có một số người sẽ cưỡng lại được cám dỗ, và họ sẽ tiếp tục công việc tâm linh suốt mấy chục năm trời và có khi cả đời. Tuy nhiên, ta không cho đây là cách phản ứng hay nhất. Vì con thấy đó, nhiều người sẽ vẫn tiếp tục đeo đuổi một số thay đổi vỏ ngoài nhất định – giống như là họ cứ đẩy nó tiếp về phía trước như con lừa đẩy củ cà-rốt treo lủng lẳng trước mũi nó. 

Vậy đâu là cách phản ứng mà ta đang cố giúp con thấy được? Đó là con phải nhận ra là đường tu tâm linh có nhiều giai đoạn, và những gì phù hợp với một giai đọan sẽ không phù hợp với một giai đoạn cao hơn. Khi con lần đầu tiên nhận thức nhu cầu làm việc tâm linh, thật là điều tự nhiên nếu con bị thúc đẩy bởi mong muốn đóng góp đem lại những thay đổi vật lý. Nhưng một khi con đã trưởng thành hơn trên đường tu, con cần phải xét lại động cơ của mình và bước lên một động cơ cao hơn. Như Albert Einstein có nói, thật là điên rồ nếu con cứ tiếp tục làm một điều gì đó mà lại kỳ vọng một kết quả khác hơn. 

Sau một thời gian làm việc tâm linh – mà chiều dài tùy theo từng người – với động lực muốn giúp thay đổi cụ thể trong cõi vật lý, con cần xét lại cách tiếp cận của con và bước lên một động lực cao hơn. Động lực đó là con phải ngừng tập trung vào những kết quả bên ngoài mà nhận ra rằng bất cứ thay đổi nào trong cõi vật lý cũng PHẢI bắt đầu với một sự thay đổi trong ba cõi cao của tâm con hay của vũ trụ. Cho nên cách thật sự để thay đổi vật lý là đầu tiên con phải làm việc để thay đổi tâm thức con người.

Khi con ngộ ra điều này, con hiểu ra là địa cầu là một phòng học vũ trụ. Ở đây, tiến trình học hỏi không bao giờ ngừng lại vì các dòng sống trên hành tinh ở nhiều tầng tâm thức khác nhau. Điều này dẫn đến hai kết luận quan trọng. Một là việc làm tâm linh của con không bao giờ kết thúc, vì luôn luôn có khả năng tâm thức tập thể lẫn cá nhân đã tăng trưởng. Và hai là công việc tâm linh của con sẽ không bao giờ uổng phí.

Bởi vì, cho dù con không thấy một thay đổi nhất định trong cõi vật lý, SẼ có một thay đổi xảy ra trong các cõi cao của vũ trụ vật chất. Công việc tâm linh của con SẼ mang lại kết quả tích cực trong các cõi bản sắc, lý trí và cảm xúc và biến hóa tâm thức tập thể. Người ta SẼ dễ dàng hơn có được những chọn lựa tốt đẹp hơn trong tâm ý thức, và chính những chọn lựa này bởi tâm ý thức sẽ định đoạt điều gì sẽ thị hiện ra trong vật lý và khi nào nó thị hiện.

Nói cách khác, con không thể kiểm soát, và không nên có bất kỳ ý định nào để kiểm soát những chọn lựa của người khác. Vì vậy con không thể có bám mắc vào những thay đổi vật lý vì con để đó cho mọi người chọn lựa. Con thấy rõ là vai trò của con là làm nhẹ bớt tâm thức hành tinh hầu mọi người có nền tảng để chọn lựa tốt hơn. Và một khi con làm điều đó, con hãy để mặc phần còn lại cho sự tự quyết.

Điều này cũng có nghĩa là con ngừng định ra một thời điểm nhất định mà thay đổi phải xảy đến, vì con hiểu là ngày giờ cũng tùy thuộc vào quyền tự quyết của người khác. Mọi người không ở cùng mức tâm thức với con, cho nên những thay đổi hiển nhiên đối với con có thể hoàn toàn vô hình cho người ở tâm thức thấp hơn. Tuy nhiên con biết chắc là nếu con cứ tiếp tục làm việc tâm linh, nếu con cứ làm nhẹ gánh tâm thức tập thể, sẽ chỉ là một vấn đề thời gian khi một sự khai ngộ xảy đến trong tâm ý thức của một túc số cần thiết những con người trên hành tinh.  

Con có thấy điều ta nói? Công việc tâm linh KHÔNG BAO GIỜ bị uổng phí! Sẽ chì là một vấn đề thời gian trước khi túc số đó sẽ đạt được và con sẽ thấy được kết quả trong cõi vật lý – nhưng chính xác sẽ bao lâu nữa thì đây là một phương trình thật phức tạp vì nó hoàn toàn tùy thuộc vào cách con người sử dụng quyền tự quyết của mình.

Cho nên khi con làm bất kỳ công việc tâm linh nào, con luôn phải nhớ rằng con KHÔNG tìm cách ép buộc bất cứ ai chọn lựa, mà con chỉ tìm cách CHO HỌ MỘT NỀN TẢNG ĐỂ HỌ CHỌN LỰA TỐT HƠN bằng cách họ nâng cao tâm thức và sự nhận thức về một số vấn đề đặc thù.

Vì vậy, mặc dù nhiều bài nguyện tràng hạt có đề cập đến một số vấn đề cụ thể và những thay đổi cần thiết, con cần nhớ rõ là con KHÔNG tìm cách “ép buộc” người khác phải thực hịên thay đổi. Con đang nói chuyện với tâm thức tập thể lẫn cá nhân để nâng cao nhận thức của mọi người hầu họ thấy được những gì họ không thể thấy được hiện thời, rồi họ chọn lựa theo sự hiểu biết cao nhất của họ. 

Chúng tôi, các chân sư, KHÔNG tìm cách cưỡng ép sự thay đổi trên nhân loại – chúng tôi để chuyện đó cho các thế lực phản-Ki-tô. Chúng tôi tìm cách giúp nhân loại chọn lựa tốt hơn, giúp họ thay đổi khi chính họ đã thực sự hiểu được quyền lợi của họ một cách sáng suốt. Nhưng để chuyển đổi cái nhìn như vậy, con cần vượt khỏi hình ảnh một Thượng đế nóng giận mà các tôn giáo truyền thống đã vẽ lên – bởi vì loại thượng đế này thật sự đang tìm cách ép uổng con người thay đổi.

Khi con nhìn ngược lại lịch sử, con sẽ thấy các thay đổi tích cực đã đến chính vì một túc số nhân loại đã thay đổi tâm thức và bắt đầu hành xử theo cách hiểu mới. Đó là lý do tại sao người ta không còn tin là địa cầu này bằng phẳng, và con sẽ thấy là CÓ một chiều hướng tổng quát hướng thượng, là dấu hiệu rõ ràng tâm thức nhân loại đang nở rộng.

Tất nhiên, con cũng thấy một số giai đoạn ngưng trệ hay thậm chí lùi bước. Nhưng khi con vươn lên động lực cao hơn, con thấy được là ngay cả những giai đoạn này cũng chỉ đơn giản là bước đệm cho những bước đột phá mở mang hiểu biết.

Hình ảnh ta muốn trao cho con ở đây là như sau: sự kiện con có niệm tinh khôi KHÔNG có nghĩa là con có viễn quan về một kết quả vật lý nhất định và nếu kết quả không thành thì con nghĩ ngay là có điều gì khổng ổn – và con đánh rơi viễn quan. Cầm giữ niệm tinh khôi có nghĩa là con sẽ giữ viễn quan là chiều hướng đi lên vẫn tiếp diễn bất kể điều gì xảy ra trong ngắn hạn. Bởi vì dáng vẻ vật lý chỉ là hệ quả của những nguyên nhân ở ba tầng cao của vũ trụ cũng như ở cõi tâm linh.    

Nó giống như một làn sóng hình sin, thăng trầm lúc cao lúc thấp, chỉ khác là thay vì cứ chạy ngang như hình sin, làn sóng tâm thức đi lên cái dốc. Mặc dù có những lúc suy yếu tạm thời nhưng hướng chung vẫn là đi lên. Tương tự như vậy, mặc dù hoàn cảnh thế giới có thăng có trầm, nhưng cử động chung là trong chiều hướng đi lên, bởi vì chính Dòng sông của Sự sống luôn tiến lên cao hơn, và không một thế lực nào trên địa cầu sẽ đủ mạnh để ngăn chặn lại.      

Trong phần chót cuốn sách của thày Maitreya (Master Keys to Spiritual Freedom) có một lời dạy vô cùng quan trọng về nhu cầu phải tách rời công việc tâm linh khỏi lòng mong muốn thấy kết quả cụ thể, và tại sao đây là cái bẫy thật nguy hiểm cho những người trưởng thành tâm linh hơn. Đó là một lời giải thích rất bao quát mà ta sẽ không lặp lại ở đây, và ta sẽ chỉ khuyên tất cả các học trò trưởng thành tâm linh hãy học tập sách này và cố gắng nhập tâm bài học.  

Bởi vì, con yêu dấu, khi con mới bước đi trên đường tâm linh, con vẫn nhìn phat triển tâm linh qua phin lọc của nhị nguyên. Trong con vẫn còn sự sợ hãi, khiến con sợ cây gậy và ham củ cà-rốt. Con làm việc tâm linh để trốn tránh địa ngục hay để ngăn chặn thảm họa cho hành tinh. Hoặc con làm việc tâm linh để nhận được phần thưởng cá nhân hay phần thưởng của một hành tinh địa đàng. Khi con tiến xa hơn, con cần vượt lên trên động lực nhị nguyên đó và ôm lấy động lực cao hơn, tức là mọi điều con làm đều phát xuất từ mong muốn thể hiện bản sắc tâm linh của con – con để cho mặt trời tâm linh của con tỏa chiếu vào thế giới vật chất. Con chuyển từ một động lực sợ hãi sang động lực tình thương, là tình thương toàn hào đánh bay mọi sợ hãi.   

Rồi sẽ tới một điểm khi con không còn làm việc tâm linh với kỳ vọng nhìn thấy kết quả cụ thể nữa. Con làm vì đó là sự thể hiện con người của con. Sự thay đổi thái độ này – bước ra ngoài nhị nguyên và bước vào bất nhị – được mô tả thật rõ ràng và ngắn gọn trong cuốn sách mới, “Nghệ thuật bất chiến” (The Art of Non-war).

Ở dưới, hãy là tất cả những gì ở Trên. Đây là điều tất nhiên sẽ đem lại những thay đổi to lớn nhất, bởi vì bây giờ con nhận ra là không phải cái ngã vỏ ngoài của con đang làm việc, mà là Cha của con ở trong con – cái ta tâm linh – đang làm việc qua trung gian con. Ngã ý thức của con bây giờ thấy nó là một phần nối dài của Thượng đế, như Giê-su từng bày tỏ, “Cho đến nay Cha ta làm việc và ta làm việc.” Và đây là bước tiến mà các học trò ở Nga cũng như ở mọi nơi khác có thể làm để đưa công việc phụng sự của mình lên một mức cao hơn gấp bội.