Tình thương và Uy lực

Bài giảng của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, ngày 3/1/2015.

TA LÀ chân sư thăng thiên Paul người Venice. Thày là Thượng sư của Tia thứ Ba bình thường được gọi là tia của tình thương.

Mục đích của thày trong loạt bài giảng này là tiếp tục công việc mà các thày đã khởi sự nhằm phơi bày cho những người đang hiện thân trong cõi vật chất những khai ngộ khi tu học với bảy Thượng sư. Những khai ngộ nhằm giúp con tạo động lực mang con tới tầng tâm thức thứ 96. Nó cũng sẽ mang con quá tầng này và đạt sự khai ngộ sẽ đưa con thực sự bước vào con đường của quả vị Ki-tô, thay vì sa ngã và dùng khả năng sáng tạo gây dựng tự ngã.

4.1. Hành trình vật lý và cá nhân

Khu nhập thất của thày tọa lạc ở miền Nam nước Pháp. Nó được gọi là Lâu đài của Tự do, là tên của tòa nhà là trung tâm điểm của khu nhập thất trong cõi vật lý. Các con có thể đi tới địa khu vật lý nơi một trong những khu nhập thất của các thày tọa lạc, nhưng con nên nhớ là khu nhập thất nằm trên cõi ê-the. Điều này có nghĩa là con phải hòa điệu với một rung động cao hơn rung động của cõi vật lý. Nếu con làm điều này dễ hơn khi con đi tới địa điểm vật lý, thì đi tới là điều tốt, nhưng con không phải tới địa điểm vật lý để có thể hòa điệu với rung động tâm linh. Thày phải nói là có nhiều trường hợp một người phải làm một cuộc hành trình vật lý để hoàn thành hành trình tâm thức tương ứng.

Đây là ý niệm được mô tả qua huyền thoại Odysseus làm cuộc hành trình Odyssey. Cuộc hành trình hào hùng này là biểu tượng của cuộc hành trình tâm thức, qua đó anh chạm trán các động lực trong tâm, hay là các phàm linh, theo từ ngữ các thày dùng hiện nay. Con cũng đang làm một cuộc hành trình tương tự. Có thể nó sẽ không bao giờ được viết thành một bản anh hùng ca và có thể không ai khác ngoài con biết đến nó, nhưng nó cũng quan trọng không kém. Thày sẽ không nói nó có một tầm quan trọng vĩ đại vì các thày đã giảng về tư duy cuồng đại [đọc Tự do khỏi bi kịch của tự ngã]. Nó là một hành trình quan trọng, không phải chỉ cho riêng con, vì con cũng khai phá một con đường trong tâm thức tập thể giúp cho những người khác dễ bước theo con đường tu hơn.

4.2. Cái Ta Biết lúc nào cũng tuôn chảy

Con đừng xem thường điều này, vì một hiểm nguy lớn nhất trên đường tu là cảm giác chán nản, cảm giác con đã bắt đầu quen thuộc với đường tu, quen thuộc với chỉ thị của chân sư thăng thiên. Con có thể trở nên quen thuộc với tầng tâm thức nào đó. Nhưng đó không phải là con trở nên quen thuộc, đó chính là tự ngã của con.

Cốt lõi của con người con là cái mà các thày đã gọi là cái Ta Biết. Nó được tạo từ bản thể của đấng Sáng tạo, và đấng Sáng tạo không bao giờ đừng yên, bất kể hình ảnh nào con có về ngài. Nó là một dòng sống tuôn chảy không ngừng. Cái Ta Biết không bao giờ đứng yên mà lúc nào cũng tuôn chảy. Tự ngã muốn ngừng giòng chảy của thời gian, ngừng vũ trụ vật lý, để có cảm tưởng nó đang nắm quyền kiểm soát. Khi cái Ta Biết đồng hóa nó với tự ngã, con nghĩ con cần phải nắm quyền kiểm soát, kể cả quyền kiểm soát việc tu hành. Khi con tới các mức khai ngộ ở khóa nhập thất của thày, con đến với một quan niệm băn khoăn có phải mình là thế này, các chân sư thăng thiên là thế này và con đường khai ngộ phải như thế này? Con có thấy chăng nguy cơ của việc truyền dạy một giáo lý vỏ ngoài là con tạo ra một hình tư tưởng là thày phải dạy chúng con như thế nào. Các thày đã lặp đi lặp lại điều gì? Điều giam con trong vũ trụ vật chất chính là những hình tư tưởng của con, quan niệm thế giới vận hành ra sao, Thượng đế ra sao và con như thế nào. Con cần thăng vượt các hình tư tưởng này! Con cần đi xa hơn chúng! Làm sao các thày có thể giúp con vượt quá hình tư tưởng mà con có về các thày và giáo lý nếu các thày thuận theo chúng, và qua đó xác nhận chúng và giữ con bị giam trong đó?

Đây là điều đoàn chưởng giáo giả sẽ làm. Họ sẽ nói: “Con đúng rồi. Con nay đã có giáo lý tuyệt đỉnh trên trái đất. Con chỉ cần tiếp tục làm theo suốt cuộc đời và con sẽ bảo đảm được thăng thiên.” Họ nói con vậy để phá hoại sự thăng thiên của con, và họ biết cách tốt nhất là khiến con bám víu vào tự ngã và cảm giác mình đang nắm quyền điều khiển.

Con có biết có bao nhiêu người đã tìm tới giáo lý chân sư thăng thiên trong thế kỷ vừa qua và cảm thấy họ đã tới đích. Họ đã về tới nhà; họ đã tìm ra giáo lý tuyệt đỉnh trên hành tinh này, giáo lý này sẽ dẫn họ thăng thiên. Họ đã dùng giáo lý để củng cố cảm giác của tự ngã là nó đang nắm quyền điều khiển. Họ cảm thấy rằng vì họ đã tìm ra giáo lý vỏ ngoài và pháp tu vỏ ngoài này, họ làm chủ con đường tu của họ.

Con yêu dấu, nếu con muốn làm chủ con đường tu của mình thì con đâu cần các chân sư thăng thiên nữa, phải không con? Con cần một hình ảnh khô chết của chân sư thăng thiên, và con cứ khẳng định nó là thày thật. Trong trường hợp này thày không thể giúp con. Không có chân sư thăng thiên nào có thể giúp con. Con còn không thể vào khóa nhập thất của Tia thứ Ba của thày nếu con còn bám víu vào các hình tư tưởng này.

Hình ảnh mà con cần đập tan ở bước khai ngộ đầu tại khóa nhập thất của thày là hình ảnh con có về tình thương. Nếu con sẵn sàng thăng vượt phần nào hình tư tưởng của mình, con có thể vào khóa nhập thất của thày.

Thày bảo đảm với con là con không thể tốt nghiệp khóa nhập thất của thày Lanto nếu con chưa chứng minh là con đã sẵn sàng thăng vượt phần nào các hình tư tưởng của mình. Thày cảnh báo ở đầu quyển sách này vì có người bắt đầu đọc quyển sách này dù chưa đọc hai quyển trước.

Thày không nói rằng không ai có thể đạt được những khai ngộ của hai tia đầu và sẵn sàng đón nhận những khai ngộ của Tia thứ Ba mà không đọc hai quyển sách đầu. Họ có thể đã đạt được những khai ngộ đó trong nội tâm, nhưng không có bao nhiêu người trong trường hợp này. Con nên khiêm tốn và đọc hai quyển sách đầu trước khi đọc quyển này, nhưng nếu con có trực giác mạnh là con sẵn sàng đọc quyển này thì thầy sẽ không cản ngăn con. Con hãy chắc chắn đây là trực giác đến từ nội tâm chứ không phải là niềm tự hào của tự ngã muốn chứng tỏ mình là một đệ tử cao cấp đã sẵn sàng nhận những khai ngộ về tình thương.

4.3. Khai ngộ về Tình thương và Uy lực

Chuyện gì xảy ra khi một học viên vào khóa nhập thất của thày? Khai ngộ đầu mà họ đối mặt là khai ngộ của tình thương phối hợp với uy lực của Tia thứ Nhất. Đây là một trong những khai ngộ khó khăn nhất cho những người đã hiện thân lâu đời trên trái đất. Ít có khái niệm nào bị con người hiểu lầm và lạm dụng nhiều như tình thương. Như các thày đã giải thích, mọi chuyện trên trái đất xoay vần chung quanh một trò chơi quyền lực. [đọc Tự do khỏi trò chơi của tự ngã] Đây là cốt lõi của tự ngã, là sự mong muốn cảm thấy mình đang nắm quyền điều khiển bằng cách khống chế người khác, điều kiện vật lý trên hành tinh, và ngay cả các chân sư thăng thiên và Thượng đế.

Các sa nhân đã tìm cách làm điều gì từ lần sa ngã nguyên thủy đã xảy ra từ quá lâu theo thước đo thời gian trên trái đất đến độ tâm trí con người không sao tưởng tượng được? Họ đã tìm cách điều khiển Thượng đế. Họ dùng mọi phương tiện để thực hiện ý đồ này, kể cả tình thương. Làm sao con có thể dùng tình thương để kiểm soát? Con chỉ cần nhìn vào trái đất và quan hệ giữa con người, cái mà con người gọi là quan hệ thương yêu.

4.4. Trình bày những khai ngộ của tình thương

Khi học viên tới khóa nhập thất của thày, đa số tin chắc họ đã biết tình thương là gì, cái gì không phải là tình thương, nó phải được biểu lộ như thế nào và nó không được biểu lộ như thế nào. Họ cũng khá tin tưởng vì họ là đệ tử chân sư thăng thiên có khá nhiều kinh nghiệm về con đường tu, nên họ biết khá rõ những khai ngộ mà thày sẽ cho họ. Chúng ta cần khắc phục điều này như bước đầu tiên. Thày không thể khai ngộ con về con đường của tình thương nếu con có ý định dùng những hình ảnh về tình thương của mình để áp đảo thày. Thày là thày, con là đệ tử. Thày đã đạt được những khai ngộ của tình thương. Do đó, thày trình bày những khai ngộ này cho con. Không phải là ngược lại.

Khi học viên tới khóa nhập thất của thày, họ thường rất kinh ngạc khi khám phá rằng thày không phải là một vị thày dịu dàng mà họ chờ đợi nơi một chân sư của tình thương. Thày không nói là thày không dịu dàng, nhưng thày không dịu dàng lúc ban đầu khi thày cho con các khai ngộ đầu của Tia thứ Ba. Thày cứng rắn, không nhượng bộ, không thỏa hiệp.

Nhiều học viên nghĩ rằng thày đang dùng quyền lực để áp đảo họ. Thày không làm vậy. Thày chỉ phản chiếu những gì họ phóng tới thày, và đa số học viên tới khóa của thày và phóng chiếu quan niệm sai lầm là tình thương là một trò chơi quyền lực. Thày không nói điều này như một lời đổ lỗi. Con hầu như không thể lớn lên trên hành tinh này mà không bị lập trình để dùng tình thương trong trò chơi quyền lực. Trò chơi quyền lực này quá phổ quát, quá lan tràn nên hầu như không thể lớn lên trên trái đất mà không bị nó ảnh hưởng.

Sự nghiêm nghị trong giọng nói của thày không có nghĩa là thày không chấp nhận con. Nó chỉ có nghĩa là thày cần phản chiếu điều mà con phóng tới thày, và cũng để chứng minh là, bất kể trò chơi quyền lực nào con đang chơi, nó không ảnh hưởng được thày. Thày sẽ không để con lừa thày và để con áp đảo thày, và con sẽ không áp đảo dược thày bằng vũ lực mà thôi. Và con cũng không thể áp đảo thày bằng bàn tay bọc nhung của khía cạnh mềm mỏng của tình thương.

Thày đã đạt được những khai ngộ của tình thương. Không có điều gì con mang theo con từ trái đất có thể lừa hay ép buộc thày phải quy phục trò chơi quyền lực của con. Thày không thể giải thoát con khỏi trò chơi đó nếu thày quy phục nó, phải không con? Đồng thời, thày cũng không thể giải thoát con khỏi nó nếu thày đối chọi lại con và tìm cách áp đảo con. Điều thày có thể làm là chứng minh là thày không thể bị lay chuyển, thày sẽ không bị lay chuyển, không một trò chơi quyền lực nào trên trái đất có thể lay chuyển thày được – dù nó đã ngụy trang là tình thương khéo léo tới đâu.

Khi học viên vượt qua sự chấn động ban đầu vì đã gặp một vị thày rất khác những gì họ tưởng tượng, thì chúng ta có thể tiến bước kế tiếp. Vì những học viên tới khóa này đã trải qua các khai ngộ của hai tia trước nên họ thay đổi tương đối không khó khăn. Khi con dùng tâm vỏ ngoài thì khó khăn hơn một chút. Thày cho con bài giảng này dưới một hình thức mà trí vỏ ngoài của con có thể đọc và nghiền ngẫm. Nếu con đọc quyển sách này và vẫn tiếp tục đọc, thì có lẽ là con đã thay đổi trong nội tâm. Con chỉ cần để nó thấm vào tâm vỏ ngoài để sẵn sàng nhìn một cách ý thức vào cuộc sống trên trái đất và nhận ra là con người dùng tình thương để chơi trò quyền lực với nhau.

Bước kế tiếp ở khóa nhập thất là thày dẫn học viên vào một phòng trong đó có một dụng cụ có thể gọi là một dụng cụ công nghệ. Con đã nghe các Thượng sư khác nói về các căn phòng có những dụng cụ tương tự. Thày có một cái máy đặc biệt hòa điệu để khám phá tình thương, rung động của Tia thứ Ba. Thày dùng máy này để chỉ, như một hình ảnh, cách con người sử dụng năng lượng của Tia thứ Ba. Khi thày nói năng lượng của Tia thứ Ba, thày muốn nói tới tình thương cũng như là sự hủ hóa tình thương. Thày có thể chỉ cho học viên thấy những hủ hóa tình thương trong trường năng lượng của họ. Đa số học viên còn không biết đây là sự hủ hóa. Đa số người trên trái đất không biết là tình thương đã bị hủ hóa, nhưng thày có thể chỉ rõ như hình ảnh.

Thày có thể chỉ rõ những tình huống khi người học viên tương tác với người khác, hay khi con người tương tác với nhau. Thày cũng có thể đi ngược dòng thời gian và chỉ những tình huống lịch sử trong đó những người nổi tiếng đã tương tác ra sao trong những biến cố lịch sử quan trọng. Thày có thể cho thấy họ đã dùng một hình thức hủ hóa của tình thương, và năng lượng tuôn chảy ra sao giữa những người đó. Thày có thể cho thấy một người đã dự trữ năng lượng tình thương hủ hóa trong tâm thức mình, và hướng nó vào tiềm thức của người khác để áp đảo hay thuyết phục họ. Qua sự áp đảo và thuyết phục đó, người kia tin rằng tình thương hủ hóa đó chính là tình thương.

4.5. Năng lượng hủ hóa của Tia thứ Ba

Đa số người trên trái đất không hiểu họ đã hủ thóa tình thương như thế nào, và vì sao họ làm vậy? Đó là vì họ đã coi tình thương hủ hóa là tình thương thực sự. Họ nghĩ năng lượng hủ hóa của Tia thứ Ba là tình thương thực sự. Các học viên rất chấn động khi thấy hình ảnh năng lượng bị hạ thấp dưới rung động của tình thương thuần khiết, khi thấy năng lượng thấp này được gọi là tình thương thực sự và đã được dùng trong trò chơi quyền lực để kiểm soát người khác.

Đối với học viên, đây là một thức tỉnh phũ phàng, nhưng điều may mắn là nó xảy ra ở khóa nhập thất của tình thương. Khi người học viên không còn mù quáng coi tình thương giả là tình thương thật, thì thày có thể cho y trải nghiệm tình thương thật, và đó là liều thuốc chữa lành sự chấn động khi y nhận ra phản tình thương. Phản tình thương có lẽ là sự hủ hóa được ngụy trang khéo léo nhất trên trái đất vì có rất nhiều người mong muốn tình thương, muốn thương yêu và muốn được thương yêu. Họ ngần ngại từ bỏ hình ảnh họ tưởng là tình thương thật, những điều họ đã bị điều kiện hóa để tin là tình thương thật, những điều họ đã bị lập trình để chấp nhận là tình thương thật.

Đa số học viên tới khóa nhập thất của thày, sau khi đã đạt được những khai ngộ của Tia thứ Nhất, đã vượt qua những hủ hóa tình thương hiển nhiên nhất. Nếu không họ đã không thể vượt lên trên tầng 48. Họ thường coi mình là người thương yêu, hay ít nhất là không bạo hành, không hung hãn – và họ quả thật như vậy. Họ đã có tiến bộ. Nếu con đang đọc bài này, thì con đã tiến bộ và vượt lên trên những hủ hóa tình thương hiển nhiên nhất. Nhưng con hãy cẩn thận và nhận ra rằng nếu con đã đạt được những khai ngộ của tình thương, thì con đã không có mặt ở khóa nhập thất của thày. Con vẫn còn phải đối mặt một số hủ hóa tình thương, nhưng chúng được ngụy trang rất khéo léo.

4.6. Quan hệ tình thương hủ hóa

Thày bắt đầu bằng cách chỉ cho học viên ở khóa nhập thất thấy những hủ hóa tình thương hiển nhiên nhất. Đó là những gì con thấy nơi những người ở dưới tầng tâm thức 48, là trường hợp của đa số trên trái đất. Con cũng có thể nhìn vào chính cuộc đời mình và thấy trong số những người con quen biết có ai có quan hệ được gọi là thương yêu nhưng có những hủ hóa hiển nhiên. Con có biết cặp nào trong đó người đàn ông và người đàn bà luôn luôn chơi trò quyền lực, tìm cách đàn áp người kia? Con có biết cặp nào trong đó một trong hai người đã chiếm đia vị thượng phong và người kia đã chịu khuất phục?

Những cặp đó có vẻ sống trong một quan hệ hài hòa và bình an vì một người đã đạt được địa vị thượng phong mà y muốn, và người kia đã chịu khuất phục. Con có thể thấy những người sống như vậy 20, 30, 40 năm hay lâu hơn thế trong một hôn nhân, nhưng kinh nghiệm đó có giúp họ tăng triển chăng? Không đâu con. Kinh nghiệm luôn luôn tranh chấp, cãi vã và cằn nhằn người bạn đường có giúp con tăng triển chăng? Không đâu con.

Con hãy nhìn quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có bao nhiêu người trong số các con đã có cha mẹ muốn kiểm soát mình vì lý do nào đó? Có thể là cha mẹ con muốn con thành tựu những gì họ không làm được chính họ, có trình độ học vấn, làm những chuyện mà họ không thể làm được. Cũng có thể là họ muốn chèn ép con để con không hơn họ. Có những cha mẹ muốn con mình hơn mình, nhưng cũng có cha mẹ không muốn con mình bằng mình. Họ muốn chèn ép con họ. Cả hai mong muốn đều là hủ hóa tình thương. Cha mẹ đó tìm cách ép uổng con cái thay vì để nó khám phá nó là ai, khám phá Sứ vụ Thiêng liêng của nó và biểu lộ sứ vụ này thay vì biểu lộ một chờ mong hay khuôn đúc phàm phu do cha mẹ gán cho.

Có bao nhiêu bà mẹ đã nghĩ rằng – vì bà đã mang đứa con trong bụng, đã hạ sinh trong đau đớn, và hy sinh cuộc đời hay sự nghiệp để nuôi đứa con – nên đứa con nợ bà điều gì? Khi người mẹ nghĩ vậy, nguyên do sâu sắc thường là bà mẹ có nghiệp quả rất nặng với dòng sống của người con trong các kiếp trước. Hạ sinh đứa con và nuôi nó là cơ hội duy nhất để bà mẹ quân bình nghiệp quả đó. Làm sao đứa trẻ lại nợ bà mẹ nếu nó đã cho bà cơ hội để quân bình nghiệp quả? Làm sao đứa con của con lại nợ con khi nó cho con cơ hội để được giải thoát? Con sẽ được tự do không nếu con cảm thấy đứa con nợ mình? Không có đâu con. Con sẽ củng cố khuôn nếp đã khiến con tạo nghiệp từ quá lâu nay. Thượng đế ơi, các người này sẽ còn chơi trò quyền lực bao lâu nữa? Tới bao giờ họ mới thôi nói là họ thương yêu một người, nhưng thực sự chỉ tìm cách kiểm soát người đó trong tiềm thức?

4.7. Dùng tình yêu để tranh cãi và kiểm soát

Khi thày nói những điều này, có thể con trải nghiệm là tâm vỏ ngoài của con muốn tranh cãi với thày. Nhiều người đọc bài này sẽ nhận thấy là tâm vỏ ngoài của họ nêu ra nhiều câu hỏi và lập luận đối chọi. Thày không muốn bàn luận về những câu hỏi và lập luận đó. Điều thày muốn con nhận ra là tiến trình đang xảy ra trong tâm con.

Thày muốn con nhận ra là tâm vỏ ngoài của con đang chất vấn, tranh luận, tìm cách phủ nhận hay bác bỏ lời của thày. Con có nghĩ tại sao tâm vỏ ngoài của con lại tìm cách phủ nhận những lời đang nhằm giải thoát con? Đó là vì tâm vỏ ngoài đang chơi trò kiểm soát với con. Nếu con muốn chơi trò chơi kiểm soát với chính tâm vỏ ngoài của mình thì thày không phản đối. Luật Tự quyết cho con làm điều này, nhưng thày sẽ chất vấn con, con được lợi lạc gì khi tới khóa nhập thất của thày? Con đã sẵn sàng nhận khai ngộ về tình thương và uy lực chưa? Con có sẵn sàng nhận ra tự ngã tinh tế như thế nào trong việc sử dụng tình thương theo ý nó?

Đa số học viên tới khóa nhập thất của thày có thể dễ dàng thấy những người ở dưới tầng tâm thức 48 đã dùng tình thương để kiểm soát người khác. Đa số các con đã trải nghiệm chuyện này nơi cha mẹ hay những người quan trọng trong đời mình như người phối ngẫu, anh chị em, xếp tại sở làm, vân vân. Nhiều người trong số các con đã suốt đời thấy những lạm dụng quyền lực này.

Có người trong số các con đã nổi loạn chống lại những tình cảnh này và do đó rơi vào tình huống khó chịu. Những người thích chơi trò quyền lực không thích bị thách đó, phải không con? Họ sẽ luôn luôn làm điều gì? Họ sẽ tấn công con một cách rất cá nhân. Họ cảm thấy con đang muốn phá vỡ quyền lực của họ, và để trả đũa, họ sẽ dùng quyền lực để đập tan con. Đó là một trong những trò chơi lâu đời nhất trên trái đất.

Cái gì đằng sau trò chơi quyền lực? Tại sao con lại muốn kiểm soát? Đó là vì con sợ điều gì đó. Con sợ mất mát. Hủ hóa tối hậu, hay hủ hóa đầu tiên, của tình thương là sự sợ hãi. Con sợ cái gì? Khi con ở trong tình thương, khi con ở trong dòng năng lượng của tình thương, con không có sợ hãi, nhưng vì sao vậy? Đó là vì con biết, con trải nghiệm, là tình thương luôn luôn tuôn chảy. Làm sao con mất mát khi con luôn luôn tuôn chảy? Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điểm này. Con hãy suy ngẫm điểm này và xem những cách nó áp dụng vào cuộc đời mình.

4.8. Nhận ra tự ngã đứng yên

Con hãy hồi tưởng thời quá khứ có công nghệ gọi là máy video thu hình hay máy video phát hình. Con có thể để một cuộn băng vào máy và phát một cuộn phim lên màn ảnh truyền hình. Cuộn băng quay trong máy, nhưng đôi khi nó ngưng hay bị kẹt và cuộn phim ngưng lại. Con yêu dấu, khi con xem một cuộn phim và nó đột nhiên ngưng lại, có phải là con tức khắc nhận ra là có gì trục trặc? Nếu con đang đi trên xe lửa và nó đột nhiên ngưng lại giữa đường, có phải là con nhận ra có gì không ổn? Nếu con đang ở trong máy bay và nó đột nhiên ngưng lại, thì chắc chắn là con biết có điều gì không ổn, vì chuyện gì sẽ xảy ra cho máy bay khi nó ngưng không bay về phía trước? Nó sẽ bắt đầu rơi xuống, rất nhanh.

Chuyển động là bản chất của cái Ta Biết, đừng yên là bản chất của tự ngã. Cái Ta Biết không cảm thấy sợ hãi khi nó di động, nhưng khi nó nhập vào tự ngã, nó thấy một hình ảnh hay có một cảm giác, là một chuyện có thể đứng yên, một điều kiện có thể được duy trì trong một khoảng thời gian. Lúc đó, nó đồng hóa với ý muốn của tự ngã muốn kiểm soát bằng cách sở hữu. Tự ngã muốn sở hữu vì nó nghĩ nếu nó sở hữu điều gì đó, nó có thể kiểm soát điều đó hay người đó.

4.9. Hủ hóa của tình thương và uy lực

Tình thương hủ hóa của Tia thứ Nhất là gì? Đó là sự sở hữu, khái niệm là mình có thể sở hữu điều gì đó trên trái đất. Chắc con cũng biết, như các thày đã giảng nhiều lần, là trái đất ở trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Trái đất là một trong những hành tinh thấp trong bầu cõi, được chỉ định là hành tinh cho những người ở tầng tâm thức đã đi rất xa vào tách biệt. Khi con người đã đi xa vào tách biệt, họ không thể tức khắc bước lên và bước ra ngoài trạng thái tách biệt. Họ không thể làm chuyện này bằng một cú nhảy. Khoảng cách quá xa.

Khi con người đã đi xa vào tách biệt, họ sợ sự chuyển động. Họ không cảm thấy sung sướng trong chuyển động. Họ sợ chuyển động, và điều này có nghĩa trái đất được thiết kế như một hành tinh nơi con có thể có cảm giác đang sở hữu điều gì. Điều này không có nghĩa là các chân sư thăng thiên chấp nhận sự sở hữu, nhưng có nghĩa là các thày dùng nó như một dụng cụ giúp con người trải nghiệm họ sở hữu một điều gì. Sau một thời gian, họ chán ngán trải nghiệm này và lúc đó họ sẵn sàng tới một trải nghiệm cao hơn.

Sở hữu không đến từ cõi tâm linh. Con có thể nói: “Nhưng thày Paul người Venice, thày có khu nhập thất này. Thày có sở hữu khu nhập thất này của thày chăng?” Không đâu con, thày không sở hữu nó. Ta có thể nói nó không là “của” thày, theo nghĩa chữ “của” dùng trong thế gian. Thày là vị chân sư hiện đang lãnh đạo khóa nhập thất này, nhưng thày không tạo ra nó. Nó được tạo ra rất lâu trước khi thày thăng thiên. Sẽ có một chân sư khác, có thể là một trong số các con đang bước trên con đường tu, sẽ lấy trách nhiệm lãnh đạo khóa nhập thất này, và thày sẽ đi làm việc khác. Trong cõi thăng thiên, con không sở hữu gì cả vì con đã trở thành một với Dòng sông sự Sống, và con nhận ra là dòng sông không đứng yên. Con không có ý muốn đứng yên.

Con hãy lấy thí dụ một người bị rơi vào một dòng sông chảy xiết. Thông thường thì người đó làm gì? Y sẽ cố bám lấy một vật gì đứng yên — tỷ dụ như một hòn đá giữa dòng sông, hay một cành cây rủ xuống. Y sẽ tìm cách bơi vào bờ để đi ra khỏi dòng sông tuôn chảy. Có cách nào khác chăng? Cách khác là nhận ra dòng sông không phải là kẻ thù của mình và trôi theo dòng chảy có thể rất thú vị. Con thấy có nhiều người thích ngồi trong một chiếc thuyền nhỏ hay chiếc bè và trôi theo dòng sông chảy xiết. Họ nghĩ trôi theo dòng nước là một trò chơi rất thú vị, nhưng vì sao lại như vậy? Đó là vì họ ngồi trong một chiếc thuyền họ nghĩ họ làm chủ, và họ nghĩ họ làm chủ tình hình. Sự sở hữu khiến con người ở một tầng tâm thức nào đó có thể trôi theo Dòng sông sự Sống nhưng vẫn nghĩ mình đang làm chủ tình hình.

4.10. Chất vấn cảm giác sở hữu

Các con có bắt đầu thấy tình hình tế nhị mà thày phải đối đầu khi con tới khóa nhập thất của thày? Thày biết là con đã lớn lên trên hành tinh này. Con có lẽ đã đầu thai trên hành tinh trong nhiều kiếp rồi. Thày biết tâm thức con bị ảnh hưởng bởi ý muốn sở hữu, muốn làm chủ tình hình. Thày biết rằng, khi con đi trên con đường tâm linh dưới hai tia đầu, con có cảm giác con một phần làm chủ sự tu tập của mình. Chân sư MORE và đức Lanto đã cho phép con duy trì cảm giác là con vẫn làm chủ tình hình, tuy một số khai ngộ của hai thày chắc đã khiến con chấn động. Con, hay đúng hơn tự ngã của con, vẫn có cảm giác làm chủ tình hình.

Khi con tới khóa nhập thất của thày, khai ngộ đầu tiên mà con phải đối diện là con phải bắt đầu chất vấn ý muốn sở hữu, làm chủ, ý muốn ấn định đường tu như thế nào hay phải như thế nào, ý muốn cho phép thày hướng dẫn nhưng con vẫn làm chủ tình hình. Con yêu dấu, thày hướng dẫn con làm chủ tình hình, nhưng con đây là cái Ta Biết chứ không phải tự ngã. Có nghĩa là thày phải hướng dẫn con đi quá tầm kiểm soát của tự ngã bằng cách chất vấn ý muốn làm chủ của nó.

4.11. Một số học viên kháng cự khai ngộ như thế nào

Đa số học viên ở khóa nhập thất của thày kháng cự điều này. Một số kháng cự rất mạnh bạo. Một số bỏ đi, ít nhất là trong một thời gian. Có một số học viên tới đây và được cho thấy là trong tiềm thức họ đã lạm dụng năng lượng tình thương vào trò chơi kiểm soát; họ quá chấn động và trở về với trò chơi kiểm soát. Họ từ chối rũ bỏ nó, biện minh rằng thày sai, rằng thày không thể là một vị thày chân chính nếu thày không bày tỏ tình thương, rằng thày không thể là Thượng sư của Tia thứ Ba nếu thày không bày tỏ tình thương.

Họ nổi giận bỏ đi và trở về với tự ngã của họ. Thường họ không nhớ chuyện này một cách ý thức, nhưng có khi họ cảm thấy ý muốn mãnh liệt chống lại một số điều kiện trên trái đất, chống lại một số người. Cũng đã có học viên tới đây và bị chấn động đến độ họ từ bỏ tâm linh trong một thời gian. Một số người kịch liệt chối bỏ tôn giáo và biện minh chống lại tôn giáo đã từ chối không đối diện khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày.

Con là người đang đọc hay đang nghe bài giảng này, con có thể nhận thấy là tự ngã của con đang biện minh, đang phản ứng, đang cảm thấy kinh ngạc là vị Thượng sư của Tia thứ Ba lại có thể bất lịch sự, mạnh bạo như vậy – dưới con mắt của tự ngã của con. Điều con có thể nhận ra là những gì tự ngã thấy không phải là sự việc như nó . Tự ngã thấy hình ảnh mà nó phóng chiếu vào tấm gương.

Đâu là chìa khóa để bắt đầu nhận ra những trò chơi quyền lực trong đó con người dùng tình thương để thiết lập sở hữu và kiểm soát? Chìa khóa là con nhận ra cách con trải nghiệm thế giới bên ngoài không độc lập với tâm của mình. Những gì con cảm thấy đang phóng đến con, mà tự ngã bảo là đến từ thế giới bên ngoài hay từ người khác, thực ra là sự phản chiếu của những gì tiềm thức con phóng ra ngoài.

4.12. Các mối quan hệ bị trò chơi quyền lực chi phối

Có những người chơi trò chơi quyền lực một cách trắng trợn bằng cách dùng năng lượng của Tia thứ Nhất và áp đảo người khác, ép họ phải quy phục. Trò chơi quyền lực dùng tình thương hủ hóa thì khác. Những người dùng tình thương hủ hóa để chơi trò chơi quyền lực nghĩ là họ đang thương yêu.

Con nghĩ là con đang phóng ra tình thương. Khi điều trở về con không phải là tình thương, con nghĩ là người kia không thương yêu, hay vị thày tự gọi mình là Thượng sư Tia thứ Ba không thương yêu, hay Thượng đế không thương yêu. Nhưng thực sự chính là tự ngã con đang không thượng yêu. Nó nói nó đang thương yêu. Nó tạo bề ngoài đang thương yêu, nhưng đó không phải là tình thương đích thực. Đó là tình thương bị hủ hóa, một trong nhũng hủ hóa quá phổ thông trên trái đất đến độ đa số bị lập trình và tưởng đó là tình thương thực sự.

Thày phỏng đoán là hơn 90 phần trăm các quan hệ được gọi là thương yêu trên trái đất hoàn toàn bị chi phối bởi tình thương hủ hóa. Thày có nêu trường hợp cha mẹ nói mình thương yêu con mình nhưng muốn quyết định nó phải sống như thế nào. Cha mẹ này nghĩ họ làm vậy vì họ hiểu đời hơn đứa trẻ và biết đứa trẻ phải sống thế nào mới hạnh phúc và tránh được tai ương. Cha mẹ này tưởng đó là tình thương. Cũng có những người con đã quy thuận thái độ này của cha mẹ vì nghĩ rằng đó là tình thương. Thày không nói là con không nên nghe lời khuyên của cha mẹ mình. Con chỉ nên dùng lời khuyên này như một xúc tác để đi vào nội tâm và cảm nhận từ nội tâm là nó đúng hay sai, con có nên nghe theo hay không, hay con nên dẫn cuộc đời về một hướng mới.

4.13. Trách nhiệm hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng, khả năng đáp ứng

Con có một Sứ vụ Thiêng liêng không giống sứ vụ của cha mẹ, người phối ngẫu hay con cái. Con có quyền hòa điệu với sứ vụ của mình và hoàn thành nó, bất kể người khác muốn gì nơi con. Thày không nói con không có trách nhiệm với người khác, nhưng con có thấy chăng là tinh thần trách nhiệm đó được dùng trong trò chơi kiểm soát con? Con có trách nhiệm với con cái mà con đã đem vào thế gian này. Con có trách nhiệm giúp chúng có điều khiện tốt nhất khi chúng gia nhập xã hội, nhưng có phải vì vậy mà con ngưng Sứ vụ Thiêng liêng của mình vì con cái? Không, không phải vậy!

Các đứa con đã tình nguyện để con sinh ra chúng. Trong nội tâm chúng biết con là ai và Sứ vụ Thiêng liêng của con là gì. Các đứa con đó tình nguyện, ở tầng cao của tâm chúng, đi vào một tình huống vì chúng biết đó là một cơ hội cho chúng phát triển. Có thể là con làm một chuyện con biết thuộc về Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng con cái không đồng ý với tâm vỏ ngoài của chúng. Chúng phản kháng, chúng lên án con và nói con không phải là cha mẹ có trách nhiệm. Hoặc con làm một chuyện con biết thuộc Sứ vụ Thiêng liêng của mình, nhưng chuyện đó chấn động cha mẹ con và họ nói con không phải là người con có trách nhiệm. Hoặc con làm một việc khiến người phối ngẫu của mình ngạc nhiên và nói con không phải là một người phối ngẫu có trách nhiệm.

Trách nhiệm nghĩa là gì? Nó là khả năng đáp ứng. Nó có khía cạnh Alpha và khía cạnh Omega. Khía cạnh Alpha là con có thể đáp ứng khi Hiện diện TA LÀ của con gửi xuống khuôn đúc của một giai đoạn mới trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nếu giai đoạn mới này đòi hỏi con thay đổi cuộc sống bên ngoài của mình, thì con phải có khả năng đáp ứng nhu cầu đó. Khía cạnh Omega là con làm hết sức mình lo liệu hoàn cảnh thế gian của mình, kể cả những người khác. Có tinh thần trách nhiệm hoàn thành khía cạnh Omega không có nghĩa con xóa bỏ khả năng đáp ứng khía cạnh Alpha. Alpha quan trọng hơn Omega, không phải ngược lại.

4.14. Đòi hỏi Tánh linh phải quy thuận vật chất

Đây là tâm thức quỷ Xa-tăng, tiêu biểu bởi lời Giê-su nói với Peter (Phê-rô): “Hãy đứng sau ta, quỷ Xa-tăng”. Con không đòi hỏi Tánh linh quy thuận vật chất; đó là tâm thức quỷ Xa-tăng. Đời sống trên hành tinh này đã tạo ra quá nhiều niềm tin tương tự, tỷ dụ nếu con là một người con, một cha mẹ, một phối ngẫu, một nhân viên có trách nhiệm thì con phải khiến Tánh linh của mình quy thuận đòi hỏi của thế giới vật chất.

Nếu con sống như vậy thì con sẽ không vượt qua tầng tâm thức 48. Có nhiều người ở dưới tầng tâm thức 48 mà không hung hãn, ác độc hay có thể gọi là ham quyền lực. Nhiều người trong số này đã quy phục tâm thức cho rằng họ phải để Tánh linh của mình quy thuận vật chất, và đó là lý do vì sao họ không vượt lên trên tầng tâm thức 48. Họ đã khắc phúc được tính hung hãn. Họ đã khắc phục những khuynh hướng ác độc, và ngay cả những khuynh hướng vị kỷ, nhưng họ không bước vào con đường tâm linh được chỉ vì họ còn tin rằng họ cần khiến Tánh linh của mình quy thuận vật chất.

Con yêu dấu, con đã nhận ra chăng? Con đường tự điều ngự mà các thày giảng dạy qua loạt bài này sẽ giúp con ngưng không để Tánh linh của mình quy thuận vật chất. Con trở nên sẵn sàng trôi theo dòng với Tánh linh. Điều này không có nghĩa con quên đi hay tạm ngưng những trách nhiệm thế gian của mình. Không có nghĩa là con đột nhiên cuốn gói và rời hoàn cảnh sống hiện tại của con, tuy rằng cũng có thể con cần làm chuyện này, như Giê-su và đức Phật đã chứng minh. Con không nhất thiết phải làm vậy, vì chuyện này tùy thuộc hoàn cảnh cá nhân. Con có thể sống một cuộc sống bình thường, có liên hệ gia đình, và đi trên con đường khai ngộ. Nhưng nó nghĩa con sắp xếp ưu tiên đúng để đặt việc đáp ứng với Tánh linh là ưu tiên chính của con. Sau đó, đáp ứng nhu cầu vật chất sẽ xảy ra trong khuôn khổ của Tánh linh và của Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Thày bảo đảm với con cách tốt nhất để là một người con, cha mẹ hay phối ngẫu có trách nhiệm là theo Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Nếu cha mẹ, người phối ngẫu hay con cái của con có thể chấp nhận điều này, thì con sẽ có một liên hệ cao hơn rất nhiều với họ. Nếu họ không chấp nhận Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì quan hệ của con với họ thực sự là gì? Con sẽ có một quan hệ bị trò chơi quyền lực chi phối vì con đã quy phục họ. Con đã quy phục sự sở hữu và kiểm soát của họ và tạm ngưng hay hủy bỏ Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Chắc con cũng hiểu là không ai có quyền đòi hỏi người khác tạm ngưng hay hủy bỏ Sứ vụ Thiêng liêng của mình để chiều theo ý họ? Con không có quyền này.

4.15. Vượt qua trò chơi tình thương chịu khuất phục

Làm cách nào con khắc phục toàn bộ tâm thức dùng tình thương hủ hóa để sở hữu và kiểm soát người khác? Điểm chính là con cần ngưng không dùng tình thương để sở hữu hay kiểm soát người khác. Vì con đã đạt được các khai ngộ với Chân sư MORE và Lanto nên con đã khắc phục được phần lớn khuynh hướng này.

Điều con đối mặt ở Tia thứ Ba là cảm giác con phải phục tùng những đòi hỏi của người khác. Đa số học viên tới khóa nhập thất của thày với thái độ như sau: “Tôi là một người tâm linh. Vì tôi là một người tâm linh, tôi phải bày tỏ tình thương. Nếu tôi thực sự thương yêu, tôi phải phục tùng và đáp ứng nhu cầu, mong muốn và đòi hỏi của người khác. Quan trọng hơn cả, tôi không được làm điều gì khiến người khác có thể tố cáo tôi không có tình thương.”

Con có thể nhìn lại đời mình và nhận ra con có bị kẹt trong trò chơi này chăng? Con có thể nhìn lại cuộc đời mình và nhận ra khuynh hướng làm quá sức để tránh không bị lên án là không thương yêu, không thương người, không là người tốt, không phải là con tốt, cha mẹ tốt hay vợ chồng tốt? Con có thấy chăng là nhiều người trong số các con có nỗi sợ mình không thương yêu?

Con có biết nỗi sợ này từ đâu đến chăng? Đó là tự ngã chơi trò chơi quyền lực với con. Nó tìm cách sở hữu con bằng cách khiến con nghĩ phải tùng phục hình ảnh của thế gian định nghĩa thế nào là người thương yêu. Điều tệ nhất có thể xảy ra cho con là con không xứng đáng với hình ảnh đó. Khi con tin trò bịp bợm đó của tự ngã, thì con nói gì với thày, Paul người Venice, thượng sư của Tia thứ Ba? Con nói: “Chân sư Paul, xin thày đừng thách đố hình ảnh mà tự ngã của con đã tạo ra. Xin thày đừng khiến con làm điều gì có thể khiến bị lên án là người không thương yêu. Xin thày đừng khiến con gây chấn động cho cha mẹ, vợ chồng, con cái của con hay người khác. Xin thày đừng khiến con làm hay nói điều gì khiến họ lên án con là không thương yêu. Con không chịu nổi điều này.”

4.16. Vấn đề tâm lý chưa giải quyết và lời kết án từ người khác

Làm sao thày có thể giúp con đi lên tầng cao hơn? Làm sao thày có thể giúp con đạt được khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày? Con có thấy chăng là điều người khác lên án con có thể và cũng có thể không liên quan đến con? Điều họ lên án con có thể dựa trên quan sát chính xác là con có vấn đề tâm lý chưa giải quyết. Nhưng điều họ lên án cũng có thể không liên quan gì đến con. Nó phát xuất từ những vấn đề tâm lý chưa giải quyết trong tâm họ, và họ phóng chiếu những điều này lên con. Con cần hiểu rõ điều này để tự giải thoát mình khỏi những trò chơi quyền lực mà người khác dùng với con.

Thày biết rõ đây là một điểm cân bằng tế nhị. Con không thể nói: “Bất cứ khi nào có người lên án tôi, thì đó là vì họ phóng chiếu lên tôi những vấn đề tâm lý chưa giải quyết của họ, do đó tôi không cần đếm xỉa đến lời lên án đó. Tôi không làm gì sai cả.” Đó là một cách tự ngã con muốn con phản ứng: từ chối không nhìn vào chính mình. Cách thứ nhì mà tự ngã đánh bẫy con là quy phục những lời tố cáo đó của người khác và khiến cả cuộc đời con xoay vần chung quanh chuyện né tránh những lời tố cáo đó.

Một cách chính yếu để hủ hóa tình thương, để dùng tình thương trong trò chơi quyền lực, đó là lời đe dọa con phải là một người tốt, và điều tệ nhất, tội lỗi lớn nhất mà con có thể phạm là làm điều gì khiến người khác lên án con không thương yêu. Con có thể cảm thấy là tự ngã của con muốn con cảm thấy khi một người khác lên án con không thương yêu, thì người ấy nói đúng? Chắc hẳn phải có lý do vì sao họ lại lên án con. Chuyện này phải có nghĩa là con có sắc thái không thương yêu nào đó.

Con có thấy chăng là họ có thể đang phóng chiếu lên con một hình ảnh giả thế nào là người thương yêu? Con không có bổn phận quy thuận hình ảnh đó, con cũng không có bổn phần đáp lại lời buộc tội này. Con không cần phản bác lại. Con không cần lên án ngược lại các người đó, vì như vậy con lại rơi vào trò chơi quyền lực. Con không cần phải giải thích. Con không cần phải biện minh.

Điều con cần làm ở giai đoạn này của con đường tu của con là bắt đầu tiến trình để thày chỉ cho con là trong nội tâm con có thương yêu hay không. Con cần phải mở tâm vỏ ngoài ra để cho nó thấm xuống tới tâm ý thức của con. Mỗi đêm con xin được tới khóa nhập thất của thày trong lúc con đọc các bài thỉnh trong khóa học này. Con mở tâm ra đón nhận cái gì con chưa từng thấy trước kia. Con cần sẵn sàng chấp nhận là có thể con có sắc thái không thương yêu nào đó.

Có thể là con có một số vấn để tâm lý chưa giải quyết. Có thể là con có một thói quen là một trò chơi quyền lực. Có thể là con đang tìm cách dùng tình thương để kiểm soát người khác. Con cũng cần sẵn sàng chấp nhận là người chung quanh con cũng có thể đang làm điều này với con. Họ cũng đồng thời lên án con là con làm điều này với họ, vì họ đang phóng chiếu vấn đề tâm lý chưa giải quyết của họ. Con cần để ý cả hai khía cạnh. Con cần nhìn thấu cả hai khía cạnh để con không dùng tình thương hủ hóa trong trò chơi quyền lực chống lại người khác, và con không cho phép họ dùng nó trong trò chơi quyền lực chống lại con. Con có thấy chăng? Nếu con muốn đạt khai ngộ này, con cần khắc phục cả hai khía cạnh Alpha và Omega.

Con không cần phải hoàn toàn khắc phục điều này ở tầng khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày. Khắc phục trò chơi quyền lực dùng tình thương không phải chỉ là một vấn đề dùng uy lực. Nó có bảy khía cạnh. Trong chuyện này có sự hủ hóa của cả bảy tia, và đó là lý do vì sao con cần được chỉ dẫn về các tia khác khi con tới các tầng đó ở khóa nhập thất của thày.

4.17. Buông trôi theo dòng chảy của Tình thương

Con đùng sợ hãi, con đừng chán nản. Con hãy sẵn sàng nhìn nhận là bài giảng này đã khiến con chấn động, nhưng ai bị chấn động? Đó là cái Ta Biết hay là tự ngã? Thày khiêm nhường góp ý là tự ngã, nhưng con đừng mù quáng tin lời thày. Con hãy cho phép mình hòa điệu để kinh nghiệm sự thật là gì.

Kết quả tối hậu ở tầng khai ngộ đầu ở khóa nhập thất của thày là con có một kinh nghiệm ý thức về những gì con thấy ở tầng bản sắc của tâm mình. Con trải nghiệm một cách ý thức tự ngã phản ứng ra sao trong khi cái Ta Biết thì lại cảm thấy nhẹ nhõm.

Cai Ta Biết không bao giờ kháng cự lại Dòng sông sự Sống. Tự ngã thì luôn luôn kháng cự. Khi cái Ta Biết nhìn đời qua phin lọc của tự ngã, nó vẫn không kháng cự, nó chỉ kinh nghiệm đời qua phin lọc của sự kháng cự của tự ngã. Khi con học cách nhận ra sự khác biệt giữa hai điểm này thì con đã tiến một bước lớn trên đường tu. Lúc đó con bắt đầu nhận ra uy lực tối hậu trong thế giới vật chất là buông trôi theo dòng chảy của tình thương.

TA LÀ Paul người Venice. TA LÀ chân sư thăng thiên và là Thượng sư của Tia thứ Ba của Tình thương Thiêng liêng.