Tình yêu Ki-tô vô điệu kiện nhưng phân biện

Hỏi: Chữ “tình yêu” bị rất nhiều người sử dụng bừa bãi (bất kể tín ngưỡng hay tôn giáo của người đó) đến độ nó mang nhiều ý nghĩa và định nghĩa hơn bất cứ chữ nào khác! Trong Mười Điều răn trong Kinh thánh, “yêu Chúa, yêu chính mình, yêu là chìa khóa”… thật là mơ hồ! Thật là quá dễ nói rằng “Yêu Thượng đế, yêu bản thân, yêu người lận cận của mình”. Làm sao chúng con biết được chúng con có yêu thương thật sự như Thượng đế yêu thương không? Và nếu “Tình yêu là chìa khoá” thì nhất định chúng con muốn biết yêu cách nào đúng nhất! Xin thày làm ơn chia sẻ với chúng con định nghĩa của Thượng đế về Tình yêu và tất cả mọi điều khác để giúp chúng con là Tình yêu mà Thượng đế luôn muốn chúng con là?  


Trả lời cuả chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 14/11/2012.

Cảm ơn con đã hỏi một câu vô cùng quan trọng. Con hoàn toàn đúng khi con nói rằng có nhiều định nghĩa về tình yêu và nhiều sự hoang mang về tình yêu.

Hãy cho ta nói trước tiên về tình yêu nhân thế. Như ta có giảng trong trang mạng của ta, vấn đề thật sự trên trái đất là con người đã bước xuống một tình trạng tâm thức thấp hơn, và đã đánh mất liên lạc với nguồn cội tâm linh của mình. Đặc điểm của tâm thức này là khiến cho con người tưởng rằng tất cả đều tương đối. Trong trạng thái tâm thức đó, họ định ra một hình ảnh của thực tại, một thần tượng, rồi họ tìm cách ép uổng thực tại phải nằm gọn trong hệ thống tín ngưỡng của họ, hay trong thế giới quan của họ. Họ cố dựng lên một thế giới theo kiểu cách họ muốn. Đương nhiên, điều này cũng áp dụng cho tình yêu.

Khi con người định nghĩa tình yêu, họ định nghĩa một cách tương đối. Chẳng hạn, nhiều người định nghĩa tình yêu là đối nghịch của thù hận. Tuy nhiên, hận thù là một tình cảm hoàn toàn tương đối, một tình cảm hoàn toàn phàm phu. Vậy nếu con định nghĩa tình yêu là đối nghịch của một tình cảm tương đối gọi là thù hận, thì con cũng định nghĩa tình yêu là một tình cảm tương đối. Hệ quả là tình yêu con người luôn luôn có điều kiện. Con người có khuynh hướng định nghĩa tình yêu dựa trên bản thân mình, dựa trên trạng thái tâm thức hiện thời của mình. Có nghĩa là mỗi người định nghĩa tình yêu theo cách như sau: tình yêu là bất cứ điều gì làm cho tôi vui lòng – nếu bạn nói hay làm điều gì đó không làm tôi vui lòng thì bạn không thương yêu tôi.  

Tất nhiên, định nghĩa này hoàn toàn vị kỷ, nó xoay quanh bản thân mình và lấy bản thân làm trung tâm. Hay đúng hơn, nó lấy tâm trí thấp, cái tâm nhị nguyên, làm trung tâm. Và vì thế, nó xa rời thực tại của tình yêu siêu phàm.

Như ta có giải thích ở nơi khác, tình yêu siêu phàm, tình yêu của Thượng đế, hoàn toàn và tuyệt đối vô điều kiện. Thượng đế không phải là một thượng đế nóng giận và xét đoán. Thượng đế là một Thượng đế của tình yêu vô điều kiện, và đối với những đứa con của ngài, ngài không có gì khác hơn là tình yêu. Bất kể con là ai hay đã làm gì, Thượng đế sẽ yêu con với cùng một tình yêu vô điều kiện, vô hạn, như khi ngài sinh tạo dòng sống của con ở ban đầu. Con không thể làm điều gì để làm giảm đi tình yêu của ngài đối với con. Con không thể làm gì để khiến con không xứng đáng nhận được tình yêu vô điều kiện của Thượng đế.  

Tuy nhiên, điều quan trọng cần hiểu là tình yêu của Thượng đế vô điều kiện chính là vì mắt ngài không thể nhìn thấy sự bất chính. Thượng đế là quyền năng sáng tạo lớn nhất trong vũ trụ. Bất cứ gì mà ngài nhìn vào sẽ được khuếch đại, tăng cường do quyền năng sáng tạo vĩ đại của ngài. Cho nên ngài giản dị sẽ không nhìn vào những bất toàn của con. Ngài đã ban cho con quyền tự quyết, và hệ quả của quyền tự quyết là con có thể quyết định bước vào một trạng thái tâm thức thấp hơn cái trạng thái toàn hảo mà Thượng đế đã mường tượng cho con. Trong tâm thức này, con có thể tạo ra đủ thứ bất toàn, nhưng ngài sẽ không nhìn thấy bất cứ thứ nào. Thượng đế chỉ nhìn thấy sự toàn hảo mà ngài đã sinh tạo ở ban đầu. Khi con chìm vào bất toàn, con cũng chìm xuống dưới chân trời của tầm nhìn Thượng đế. Nhưng chúng tôi, các chân sư thăng thiên, chúng tôi nhìn thấy được những bất toàn cuả con, và đó là tại sao chúng tôi có thể giúp con thăng vượt được.

Vấn đề khi cố giải thích tình yêu của Thượng đế là khi con người còn bị kẹt trong một trạng thái tâm thức tương đối, họ có khuynh hướng rơi vào một trong hai cực đoan. Một cực đoan là phóng chiếu phẩm chất con người lên Thượng đế rồi tưởng tượng rằng ngài sẽ phán xét những phán xét của con người. Họ tưởng tượng ngài sẽ phán xét con người như con người vẫn phán xét nhau. Họ cũng tưởng tượng ngài sẽ nổi giận và muốn trừng phạt những ai đã vi phạm quy luật của ngài, hay đúng hơn vi phạm định nghĩa của họ về quy luật của ngài. 

Thời nay, ngày càng có nhiều người bắt đầu nhìn thấu qua ảo ảnh một Thượng đế nóng giận và xét đoán. Họ bỏ lại sợ hãi và bước vào một trạng thái tâm thức nơi họ có thể tiếp cận Thượng đế như một Thượng đế yêu thương. Ta rất hoan nghênh tiến triển này vì thật sự đây là một bước đi đúng hướng. Tiếc thay, nhiều người trong số đó lại rơi vào cực đoan ngược lại và bắt đầu tin rằng tình yêu vô điều kiện của Thượng đế có nghĩa là cái gì cũng được. Họ tin – và một số còn dựng lên những lập luận trau chuốt để hỗ trợ niềm tim này – rằng không có gì thực sự là xấu, không có gì thực sự là ác. Từ đó, họ cho rằng con người có thể làm bất cứ gì mình muốn, và dưới mắt Thượng đế đều có thể chấp nhận được.

Ta phải nói với con là cả hai cực đoan mà ta vừa mô tả đều nguy hiểm như nhau cho dòng sống của con. Điểm nay khiến ta cần nói tới những loại tình yêu khác nhau. Chúng ta đã nói tới tình yêu con người luôn luôn có điều kiện. Chúng ta đã nói tới tình yêu Thượng đế luôn luôn vô điều kiện nhưng không bao giờ nhìn thấy bất toàn. Bây giờ chúng ta cần nói tới một loại tình yêu thứ ba, mà ta muốn gọi là tình yêu Ki-tô.

Tình yêu Ki-tô hoàn toàn vô điều kiện y hệt như tình yêu của Thượng đế. Tuy nhiên, tình yêu Ki-tô có thể nhìn thấy những điều bất chính. Như ta có nói cách đây 2000 năm rằng Cha không phán xét vì Cha đã trao cho Con quyền phán xét. Đứa con của Thượng đế, đứa con đích thực, chính đáng và duy nhất của Thượng đế, là tâm thức Ki-tô. Ta hiện thân cho trạng thái này của tâm, nhưng tâm thức Ki-tô là nhiều hơn rất nhiều mọi sinh thể cá nhân nào, kể cả chính ta.

Chức năng của tâm thức Ki-tô là phục vụ như một trung gian giữa con người và Thượng đế. Vì vậy tâm thức Ki-tô – kể cả một người đã đạt được tâm thức Ki-tô – có khả năng phán xét công chính. Một người như vậy sẽ biết sự thật và thực tại của Thượng đế là gì, đồng thời cũng biết điều gì không nằm thẳng hàng với thực tại đó.

Chức năng của tình yêu Ki-tô là mặc dù nó yêu thương mọi con người một cách vô điều kiện, đó không phải là tình yêu mù quáng. Tình yêu Ki-tô nhìn thấy rõ khi nào một người bị vướng kẹt trong một trạng thái tâm thức thấp kém dựa trên sự không thực. Bản chất của tình yêu Ki-tô là không bỏ rơi những người như vậy một mình. Tình yêu vô điều kiện của Ki-tô đơn giản sẽ không để cho người đó bị kẹt lại trong tâm thức thấp kém. Nó muốn mọi người vươn lên cao hơn để chiêm nghiệm được sự sống dồi dào của Thượng đế.

Cho nên, ngược lại với niềm tin phổ biến của rất nhiều tín hữu Cơ đốc giáo, tình yêu của Ki-tô không theo chủ nghĩa hòa bình, nó không yếu mềm, nó không cảm tính, nó không ủy mị. Tình yêu của Ki-tô sẽ không làm cho con vui thích trong nghĩa thế phàm. Tình yêu Ki-tô sẽ không để yên cho con đứng một chỗ. Tình yêu Ki-tô sẽ thúc ép con vươn lên cao hơn, phải thay đổi tâm thức của con hầu con đặt nó thẳng hàng với sự thật và thực tại của Thượng đế. Tình yêu Ki-tô sẽ không để yên con một mình trong trạng thái tâm thức thấp kém. Nó sẽ không để con một mình cho tới khi con thay đổi tâm thức và con vươn lên cao hơn hầu con có được sự sống, và cả sự sống dồi dào.    

Hầu hết mọi người bị kẹt trong một trạng thái tâm thức tương đối đến độ họ chỉ có thể trải nghiệm tình yêu tương đối, có điều kiện, của con người. Khi một người chuyên cần bước đi trên đường tâm linh, người đó có khả năng nâng cao tâm thức mình cho tới khi mình chứng nghiệm được tình yêu thuần khiết, vô điều kiện của Thượng đế. Quả thực, ta khuyến khích mọi người tầm đạo hãy nỗ lực có được chứng nghiệm này bởi vì không có gì thay đổi cuộc sống bằng chứng nghiệm tình yêu vô điều kiện mà Thượng đế đã dành cho dòng sống của con.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần hiểu là tình yêu vô điều kiện của Thượng đế không thể biểu hiện trong thế gian này khi nào thế gian còn bất toàn. Cho nên, cái có thể biểu hiện trong thế gian là tình yêu Ki-tô. Nếu một người là một hành giả tầm đạo chân thành và chứng tỏ minh sẵn lòng vươn lên cao hơn trong tâm thức (tức là bỏ lại trạng thái tâm thức giới hạn và nhận lấy một góc cạnh khác của sự thật và thực tại Thượng đế), tình yêu Ki-tô quả thật có thể là cái mà đa số con người sẽ gọi là yêu thương. Nhưng nếu người đó không thẳng hàng với sự thật của Thượng đế, thì tình yêu Ki-tô sẽ không hiện ra là “thương yêu” trong ý nghĩa thế phàm nữa. Thay vào đó, sẽ là một tình yêu năng động không để cho người đó đứng yên.

Nếu còn mắc kẹt trong tâm thức thấp, người đó sẽ không trải nghiệm tình yêu Ki-tô như một cảm giác dễ chịu, mà trái lại, như một cảm giác phiền hà, như thể có điều gì không cho phép mình tiếp tục yên thân, thoải mái trong trạng thái tâm thức thấp.    

Vì vậy, cách yêu thương đúng đắn là nỗ lực chứng nghiệm tình yêu vô điều kiện của Thượng đế rồi bày tỏ tình yêu đó trong thế gian dưới dạng tình yêu Ki-tô. Khi một người bị kẹt trong tâm thức thấp, họ đơn giản không thể trải nghiệm hay biểu lộ tình yêu Ki-tô, họ chỉ có thể bày tỏ tình yêu thế phàm có điều kiện.

Có nhiều người tầm đạo thực tâm đã hé cảm thấy được tình yêu vô điều kiện của Thượng đế, nhưng chưa hiểu rõ sự khác biệt giữa tình yêu vô điều kiện của Thượng đế và tình yêu Ki-tô. Vì thế, họ cho rằng họ phải yêu một cách vô điều kiện bất cứ ai mà họ gặp, bất kể người đó đang làm gì hay bị kẹt trong tâm thức gì. Đây là một sai lầm, và như ta đã nói, họ đã nhảy từ cực đoan tình yêu đầy phán xét và điều kiện của hầu hết mọi người sang cực đoan đối nghịch. 

Cho nên chìa khóa là cần nỗ lực tiếp xúc với cái ta Ki-tô của con, cái ta này sẽ cho con sự phân biện Ki-tô để con có những phán xét công chính. Khi con cho phép cái ta Ki-tô ban cho con sự phân biện này, con sẽ biết cách biểu lộ tình yêu Ki-tô hầu đạt được kết quả tối đa trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Con thấy đó, đối với người bị kẹt trong tâm thức phàm phu, mục đích của họ trong mọi hoàn cảnh là đem lại vui sướng lớn nhất cho bản thân. Nhưng đối với tâm thức Ki-tô, mục đích trong mọi hoàn cảnh là đưa đến sự phát triển tâm linh tối đa cho mỗi người. Điều này không thể thực hiện qua một loại tình yêu mềm yếu, ủy mị, mà chỉ qua tâm thức Ki-tô sẽ không để yên cho người ta đứng mãi trong một tâm trạng giới hạn. 

Cho nên để thực sự hiểu được lời dạy của ta là phải yêu thương kẻ lân cận như chính mình, con cần hiểu bản chất của tình yêu Ki-tô. Khi con yêu chính mình với tình yêu Ki-tô, con liên tục cố gắng vươn lên tâm thức cao hơn. Con sẽ không chỉ chấp nhận mình cứ mãi đứng yên trong tâm thức thấp. Do đó, con cũng sẽ áp dụng cùng tình yêu Ki-tô đó đối với kẻ lân cận của con, và con sẽ không cho phép người đó bị kẹt mãi trong tâm thức thấp.

Yêu thực sự là cam kết luôn luôn tạo ra sự tăng triển tâm linh tối đa trong mọi hoàn cảnh. Yêu thực sự bản thân và kẻ lân cận là liên tục nỗ lực để đưa mọi người gần hơn với Thượng đế, gần hơn sự kết hợp với cội nguồn. Kết hợp này chỉ có thể đạt được qua tâm thức Ki-tô.  Do đó, tình yêu thực sự là nỗ lực đem mọi người đến gần hơn tâm thức Ki-tô, ngay cả khi tâm thức phàm nhân của họ khiến họ cảm thấy con không thoả mãn được định nghĩa của họ về tình yêu. Con sẽ nhận thấy nhiều người không thích bị lay động, và họ sẽ không vui lòng đón nhận một phần tình yêu của Ki-tô. Tuy nhiên, đây là tình yêu đích thực của Ki-tô – tức là không bao giờ để cho một ai đó bị mắc kẹt trong tâm thức phàm thế.