Từ bỏ ý thức cá nhân trong quan hệ cá nhân

Bài giảng của chân sư thăng thiên Nada qua trung gian Kim Michaels ngày 5/9/2021, nhân dịp Webinar 2021 cho Mỹ quốc – Tiến tới Quan hệ Thời đại Hoàng kim.

TA LÀ chân sư thăng thiên Nada, Thượng sư của Tia sáng thứ Sáu. Đặc tính của Tia thứ Sáu mà ta muốn đặt trọng tâm ở đây là sự an bình.

Nhiều người trong số các con nhìn vào các quan hệ của mình và có thể thấy được trong rất nhiều quan hệ, con không an bình. Trong quan hệ không có an bình. Nhiều người nhìn vào một số quan hệ cụ thể với những người khó tính và tự hỏi: “Liệu có bao giờ tôi sẽ được an bình trong quan hệ với người này hay không?” Chắc chắn điều này sẽ tùy thuộc vào câu hỏi, liệu con đang tìm an bình vỏ ngoài hay an bình nội tâm?

Thật vậy, có nhiều người mà con không thể đạt được an bình vỏ ngoài với họ, vì họ vẫn còn những phần tâm lý chưa giải quyết. Họ không sẵn lòng thay đổi tâm lý của họ. Họ không sẵn lòng khắc phục cái khuôn nếp cứ phóng ra ý tưởng con luôn luôn là người có lỗi, và họ không nhận trách nhiệm về bất cứ điều gì. Con không thể có an bình vỏ ngoài với những người như thế, có thể là cho tới hết kiếp này, hay ít ra hết kiếp này cho một trong hai người. Nhưng như các Thượng sư khác đã trình bày, cho dù người đó có làm gì đi nữa thì con vẫn có thể có được an bình nội tâm. Con có thể có an bình trong quan hệ của con. Nhưng con cần làm gì để đạt được kết quả đó?

Tất nhiên như các Thượng sư khác có nói, con cần nhận diện ra những cái ngã tách biệt đặc thù đã tước mất sự an bình của con bằng cách khiến con phản ứng lại người kia một cách không an bình. Cả hai đều có những cái ngã tách biệt đặc thù từ những kiếp trước, nơi con cảm thấy khi ai đó làm gì con thì con chỉ có thể phản ứng bằng một cách mà thôi, tức là một cách không an bình. Con yêu dấu, cách duy nhất để con gỉai quyết chuyện này là con tự hỏi: “Ai là kẻ cảm thấy không thể phản ứng an bình trong tình huống này? Phải chăng đó là cái Ta Biết hay một ngã tách biệt?”

Các chân sư đã nói gì về cái Ta Biết? Đó là sự nhận biết thuần khiết. Có nghĩa là gì? Chắc chắn đây là một khái niệm trừu tượng, nhưng trong cách diễn giải trần trụi và thẳng thừng nhất, nó có nghĩa là cái Ta Biết không có cảm xúc. Con thử suy nghĩ câu này. Cái Ta Biết không có cảm xúc, ít ra là những cảm xúc trong quan niệm thường tình của con người. Chúng ta có thể nói cho câu trên nhẹ bớt và bảo rằng cái Ta Biết không có cảm xúc xuất phát từ sợ hãi. Nhưng điều này cũng không hẳn chính xác. Tuy vậy, chúng ta cứ dùng tạm xem sao.

Những cảm xúc phổ biến nhất mà con thấy nơi con người là cái mà chúng tôi gọi là cảm xúc phát xuất từ sợ hãi. Nhiều người trong các con sẽ nói: “Nhưng khi người ta giận dữ, họ đâu có vẻ gì là sợ hãi? Vì nếu thật sự họ sợ hãi thì tại sao họ lại hung hãn đến thế?” Thực tế là họ hung hãn chính là vì họ sợ hãi. Hầu kìm nén nỗi sợ của mình, họ khoác lấy cái tư thế nóng giận hung hăng kia để hung hăng khiến con phải khuất phục họ, để cố kềm giữ nỗi sợ của họ. Những kẻ hung hãn nhất thực sự cũng là những kẻ sợ hãi nhất.

Cái mà con thường gọi là cảm xúc con người – tất cả – đều dựa trên sợ hãi. Kỳ thực, cái mà nhiều người gọi là tình yêu, như các thày đã giảng, là một trò chơi kiểm soát lẫn nhau, và nó cũng dựa trên sợ hãi. Tự ngã người đó sợ đánh mất cảm giác nó làm chủ tình hình. Do đó, nó sử dụng tình yêu như một phương thức để khuynh loát, để khiến người kia phải phục tùng mình, hầu tự ngã cảm thấy nó vẫn nắm quyền kiểm soát và không bị đe dọa.

Rất nhiều cảm xúc mà người ta có như vậy phát xuất từ lòng sợ hãi. Nhưng vì cái Ta Biết là nhận biết thuần khiết, nó không thể cảm thấy sợ hãi. Cái Ta Biết không bao giờ có thể sợ hãi bất cứ điều gì. Chỉ một cái ngã tách biệt mới có thể sợ hãi. Tại sao vậy? Bởi vì cái Ta Biết, khi nó hòa điệu với con người mà nó là, với cái mà nó là, biết rằng nó không thể chết. Nó là một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ, mà Hiện diện TA LÀ thì là một sinh thể bất tử. Cái Ta Biết không thể chết. Con không thể chết. Nhưng ngã tách biệt biết rõ nó có thể chết, và nó sợ chết.

Khi con bắt đầu vật lộn với những khái niệm trên, mặc dù chúng có thể trừu tượng lúc ban đầu, nhưng con có thể đạt tới điểm khi con khởi sự trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết đó, ý niệm vượt khỏi sợ hãi đó, sự gia tốc đó, cảm giác im lặng hay an bình nội tâm đó. Và nó cho con một tầm nhìn khác hẳn, có thể là về mọi thứ trong cuộc sống, nhưng chắc chắn là về mọi thứ trong tâm lý của con cũng như trong các quan hệ của con.

Bây giờ giả dụ con đang có một mối quan hệ khó khăn với một người nào đó. Con phần nào e ngại nói năng một cách thoải mái với họ vì đã quá nhiều lần con gặp phải phản ứng tiêu cực của họ. Điều này có nghĩa là đối với con, họ đã đạt được một vị thế nào đó trong tâm con. Theo một nghĩa nào đó, con sợ họ. Và qua lòng sợ hãi đối với họ, con đã gán cho họ một tầm quan trọng nào đó. Người kia chiếm giữ một địa vị, và một phần lượng chú ý của con bị kéo hút về phía họ. Giống như là trong tâm con, người kia đã nhận được một ngôi vị lớn hơn thực tế. Điều này có nghĩa là gì? Rốt cuộc ra, nó có nghĩa là con có một số ngã tách biệt đang nhìn người đó một cách đặc biệt nào đó.

Hẳn một số trong các con đã nhìn thấy điều này nhiều năm trước đây, khi sứ giả này có đưa cho con xem một hình vẽ minh họa các trung tâm thần kinh trên cơ thể vật lý con người. Và hình vẽ cho thấy một số bộ phận trong cơ thể có nhiều dây thần kinh hơn và do đó nhạy cảm hơn. Và các bộ phận này được vẽ lớn hơn bình thường, lớn hơn kích thước vật lý của chúng. Nói cách khác, chẳng hạn cái lưỡi có rất nhiều thụ quan cảm giác, nên nó được vẽ lớn hơn cánh tay, vì trên cánh tay không có nhiều thụ quan thần kinh bằng.

Nếu con nhìn vào tâm lý, nhìn vào tâm tiềm thức của mình, con sẽ thấy người khó tính kia hiện hữu ở đó, là người mà con có quan hệ khó khăn. Và trong tâm con, họ to lớn hơn hẳn kích thước vật lý thật của họ. Có thể là trong vòng quen biết của con, có một người nào đó hiện ra to lớn hơn mọi người khác. Điều này cho thấy là người này vô cùng quan trọng đối với con. Con phải lắng nghe họ nói gì. Có lẽ họ có ảnh hưởng lớn trên con, hay có lẽ đơn giản là con chỉ sợ nói chuyện thoải mái với họ. Làm thế nào con đối phó với sự thể này đây?

Đúng vậy, bằng cùng phương thức mà con dùng để khắc phục nỗi sợ bóng tối. Con phải lên tiếng và nhận ra là việc lên tiếng sẽ không giết con chết. Nhưng để có thể làm vậy, con hãy tự giúp mình và khiến cho công việc mình nhẹ nhàng hơn bằng cách giảm thiểu kích thước của người đó trong tâm con. Để mượn một thành ngữ quen thuộc, con có thể đặt họ lại đúng vị thế, để họ không quá to lớn trong tâm con và vượt khỏi kích thước bình thường của họ. Làm thế nào con làm được chuyện này? Con phải nhìn tình huống từ một góc độ khác. Con phải điều chỉnh lại tỷ lệ, vì con đang nhìn họ và tầm quan trọng của họ với một con mắt bóp méo tầm vóc thật của họ.

Gần đây, sứ giả này vừa làm một chuyện mà cả đời ông chưa từng làm. Ông ngủ ngoài trời dưới những vì sao. Ông đã từng ngủ trong lều, nhưng ông chưa bao giờ ngủ mà không có gì che chắn bầu trời. Và ông nằm ngửa ở đó trong một tư thế thoải mái, nhìn thẳng lên trời ngắm dải ngân hà. Tất nhiên là ông vẫn biết, và cũng đã từng trải nghiệm nhiều lần, rằng mọi thứ trên địa cầu không có tầm quan trọng tối hậu nào. Nhưng khi ông ngẩng mặt nhìn lên khoảng mênh mông của dải ngân hà, và ngắm xem có bao nhiêu tinh tú trên trời, ngắm xem chúng xa xôi đến chừng nào, vũ trụ vĩ đại đến chừng nào, và trái đất nhỏ nhoi đến chừng nào, thì ông nghiệm ra là thật sự, trên địa cầu chẳng có gì là quan trọng lắm đâu so với vũ trụ bát ngát đó. Điều gì trong tình cảnh cá nhân của mình có thể thực sự quan trọng trong khoảng vũ trụ rộng lớn đó?

Và ông ngộ ra là so với vũ trụ rộng ngút ngàn, tất cả mấy chuyện cá nhân mà mình phải kinh qua trong cuộc sống trên trái đất thật sự không thể quan trọng lắm. Chúng không thể quan trọng như tầm vóc mà chúng hiện ra trong tâm mình. Nhưng ai đã khiến cho chúng trở nên quan trọng đến thế? Có phải là cái Ta Biết? Không, bởi vì chính cái Ta Biết vừa trải nghiệm sự kinh ngạc kỳ diệu trước vũ trụ vô biên. Vậy thì cái gì đã khiến cho mấy chuyện kia quan trọng? Chỉ có thể là một cái ngã tách biệt.

Hiển nhiên, sứ giả này đã nhiều lần, đặc biệt là khi ông nhận bài truyền đọc, trải nghiệm được tâm của các chân sư thăng thiên. Ông trải nghiệm được sự khác biệt to lớn so với cái nhìn của mình trong kiếp đầu thai. Và so với tầm nhìn của chân sư, ông trải nghiệm được tầm nhìn của mình trong tư cách một con người hiện thân thật sư không quan trọng lắm đâu. Và tất nhiên, điều này đã giúp ông có đủ uy lực để có một tầm nhìn khác hẳn về chính đời mình cũng như những gì mình trải nghiệm trong cuộc sống. Điều này không có nghĩa là ông không còn quan tâm, mà có nghĩa là ông không rơi vào ám ảnh cho rằng bất cứ điều gì xảy ra cho mình cũng cực kỳ quan trọng.

Nói cách khác, ta đang nói về cái gì đó? Ta đang nói về một tiến trình mà tất cả các con đều có thể đi qua. Ta không đang tìm cách tâng bốc sứ giả này, mà chỉ dùng ông ta như là một ví dụ về những gì tất cả các con đều có thể thực hiện. Và đó là tiến trình buông bỏ ý thức cá nhân trong các mối quan hệ cá nhân của mình, hay thậm chí bỏ cả ý thức cá nhân trong đời sống cá nhân của mình.

Làm thế nào con có thể đạt được an bình trong mối quan hệ với một người bất an nếu con không bỏ ý thức cá nhân trong quan hệ đó, hầu con không còn xem những gì họ nói hay làm nhắm vào cá nhân con? Tất nhiên, người kia sẽ coi đó là chuyện cá nhân. Nhưng con yêu dấu, có định luật tự nhiên nào phán rằng nếu có ai xem điều con nói và làm là những chuyện nhắm vào cá nhân họ, thì con cũng phải hành xử tương tự như họ? Có định luật tự nhiên nào phán rằng nếu họ nóng giận với con, thì con phải cảm thấy bực bội? Rằng con phải phản ứng lại? Rằng con phải xem đó là chuyện hệ trọng, rồi con cho là con cần phải làm gì đó để họ khuây khỏa? Có định luật tự nhiên nào phán như vậy? Không. Thế có định luật tâm linh, vũ trụ nào phán như vậy? Cũng không.

Vậy thì nó đến từ đâu? Nó đến từ các sa nhân, chúng muốn con cảm thấy con phải phản ứng lại chúng. Con phải xem chúng là hệ trọng. Con phải xem những gì chúng làm hay nói về con là nhắm vào cá nhân con, vì khi con coi đó là chuyện cá nhân thì chúng sẽ kiểm soát được con. Vì khi con coi đó là chuyện cá nhân, con trao cho nó một tầm quan trọng trong tâm con.

Điều tồi tệ nhất mà con có thể làm đối với một sa nhân là con hoàn toàn an bình cho dù chúng có nói hay làm gì, hoàn toàn không dính mắc, hoàn toàn vô phản ứng. Chúng không thể chịu nổi khi chúng bị phớt lờ. Chúng không thể chịu đựng được những ai không nghĩ là chúng quan trọng. Chúng không thể chịu đựng được khi chúng không nhận được sự chú ý mà chúng thèm khát hơn hầu hết mọi thứ khác. Hiện đang có một con quái vật tập thể vô cùng dũng mãnh phóng chiếu vào mọi người ý tưởng là con phải xem người khác là chuyện cá nhân. Khi con bắt đầu khắc phục được nó, rất có thể là sẽ có những người trách cứ con là con không quan tâm đến họ. Rằng con không thương họ. Rằng con không xem họ là hệ trọng. Vì họ cảm được là họ không còn quyền kiểm soát mà họ vẫn có trên con. Chuyện này, con cũng không được dính mắc. Và con làm vậy bằng cách, một lần nữa, chú tâm vào câu: “Điều gì mới thực sự quan trọng cho tôi? Tôi là ai? Tôi là một sinh thể tâm linh. Tôi là một học trò tâm linh. Tôi là một đệ tử của chân sư thăng thiên. Tôi nỗ lực hội đủ mọi điều kiện để thăng thiên. So với việc thăng thiên của tôi, liệu còn gì trên địa cầu quan trọng nữa không?”

Phải, ngay bây giờ con chưa ở tầng tâm thức 144, cho nên có thể có một số điều còn quan trọng đối với con vì con chưa sẵn sàng thăng thiên. Và do đó, ngay bây giờ có thể có những điều quan trọng hơn là việc thăng thiên. Nhưng nói cho cùng, không thể có gì trên trái đất quan trọng hơn việc thăng thiên của con đối với con. Bởi vì nếu có, thì con không thể thăng thiên. Một lần nữa, con cần ngoái lại nhìn địa cầu một lần chót đi. Và nếu có điều gì trên địa cầu quan trọng hơn là được bước qua cánh cổng dẫn vào cõi thăng thiên, thì hiển nhiên con không thể bước qua cổng đó. Con phải trở lại địa cầu và trải nghiệm những gì quan trọng đối với con cho tới khi nó hết còn quan trọng nữa.

Con có thể nói, như các chân sư cũng đã từng nói, rằng làm thế nào con vươn từ tầng tâm thức này lên tầng kế tiếp? Đúng, bằng cách vượt qua ảo tưởng mà con đang có. Nhưng con cũng có thể nói là con đã nhìn ra những gì trước kia quan trọng ở tầng đó, nhưng bây giờ chúng không còn quan trọng nữa. Và vì vậy, con vươn lên tầng kế tiếp là nơi có điều gì khác quan trọng hơn. Và sau một thời gian, con lại thấy chính cái này cũng hết quan trọng, và con bước lên tầng cao hơn nữa. Và cứ như vậy khi con đạt đến tầng 144, thì không còn gì trên địa cầu quan trọng đối với con nữa. Bấy giờ, điều quan trọng là con bước qua cánh cổng đó để nhập vào cõi thăng thiên.

Nhưng ngay cả trước khi con tới được tầng 144, con có thể sử dụng một cách ý thức những ý tưởng mà ta vừa trao cho con. Con có khả năng bỏ đi ý thức cá nhân trong đời con. Và con có khả năng đạt tới điểm khi con có sự an bình nội tâm về các mối quan hệ của mình. Cho dù người kia có bất an đi nữa, con vẫn có thể an bình. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là đối với một avatar, đây là thử thách tối hậu. Bởi vì như chúng tôi đã giảng, đã có một thời điểm khi sa nhân được phép đầu thai trên địa cầu và một số avatar đã tình nguyện hiện thân trên trái đất để cầm giữ thế cân bằng, hầu sa nhân không thể chiếm hữu và tàn phá địa cầu.

Điều này có nghĩa là với tư cách một avatar, con đã gặp gỡ sa nhân trong những kiếp trước, rất có thể là ngay kiếp đầu thai đầu tiên của con. Và do đó theo một nghĩa nào đó, các sa nhân biểu tượng cho thử thách chủ yếu của con trên mặt quan hệ, vì chúng chính là những kẻ đã hung hăng tìm cách tiêu diệt con. Thử thách tối hậu của con là con quan hệ thế nào với sa nhân.

Và thử thách thực sự là giờ đây con đã tới một điểm khi con có thể đối mặt với sa nhân, và cho dù chúng có làm gì hay nói gì, dù chúng có ném gì vào con rồi đổ lỗi cho con, thì con vẫn hoàn toàn bình an. Con không có mong muốn thay đổi chúng. Con không có mong muốn tự biện hộ, chứng minh là chúng sai trái hay chứng minh là con đúng và rốt cuộc con là người có lý.

Và con có thể trau dồi sự an bình nội tâm đó, không từ giây phút này tới giây phút khác, mà con thực sự trau dồi nó. Và con sẽ thấy khi con đạt được an bình nội tâm phi cá nhân đó, tất cả mọi quan hệ của con sẽ đều hưởng lợi. Khi con đến được điểm này của an bình nội tâm, con sẽ có những quan hệ xây dựng hơn hẳn, hài hòa hơn hẳn, vì giờ đây, không còn gì mà con muốn từ người khác sẽ khiến con muốn ép buộc họ nữa. Và cũng không có gì mà con cảm thấy phải làm sẽ khiến cho người khác có thể ép buộc được con. Điều con đã thực hiện được qua an bình nội tâm là con đã lấy vũ lực ra khỏi các mối quan hệ của con.

Ta nghĩ hầu hết các con đều mường tượng được thế nào là một quan hệ không dựa trên vũ lực. Có lẽ con đã kinh nghiệm được điều này với một số người, những bạn thân của con, khi không có bất kỳ ý muốn nào để ép buộc lẫn nhau. Các con chỉ vui hưởng tình bạn bè với nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Và quan hệ này, con cũng có thể có với nhiều người khác – không phải với tất cả, nhưng khi đó thì hoặc con có thể tiếp tục mối quan hệ với những người khó tính đó vì họ không còn quấy rầy an bình nội tâm của con nữa, cho nên quan hệ với họ có vấn đề gì đâu? Hoặc đơn giản là con sẽ trôi xa khỏi họ, con quyết định là con sẽ không dành thời gian cùng sự chú ý cho họ, và như vậy con bước lên một mức phụng sự cao hơn. Tất nhiên, Tia sáng thứ Sáu cũng là tia sáng của phụng sự. Nhưng con phải cần gì để cống hiến phụng sự tối hậu? Con cần một tâm lý đã phần nào được giải tỏa, bởi vì phụng sự tối hậu không dựa trên vũ lực. Và nếu không dựa trên vũ lực thì nó dựa trên gì? Nó dựa trên an bình.

Nhiều người trong số các con khi thảo ra sứ vụ thiêng liêng, đã quyết định tự đặt mình vào những mối quan hệ khó khăn vào tuổi thơ ấu và tuổi mới trưởng thành, với mục đích cụ thể là giải quyết tâm lý mình càng nhanh càng tốt hầu còn được tự do phụng sự sau này trong đời. “Sau này trong đời” là một cách nói uyển chuyển. Ta không muốn con cảm thấy mình đáng trách nếu mình đã đứng tuổi mà vẫn chưa đạt được sự an bình mà mình mong muốn. Ta không trao cho con những lời dạy này để con tự trách móc.

Ta ban cho con lời dạy này để giúp con nhận ra là con có khả năng vươn lên một mức độ an bình cho phép con khởi đầu phụng sự dựa trên an bình. Và điều này sẽ đem lại thỏa nguyện cho con nhiều hơn hẳn so với những việc con đã làm cho tới nay, vì trước đây có thể con đã tự ép mình phải phuc vụ vì con coi đó là bổn phận phải làm. Và có thể con cũng nhận ra là con đã tự ép mình vào những quan hệ với một số người vì con cảm thấy đó là điều cần làm vì lý do nào đó.

Nhưng sẽ tới một điểm khi con đã từ bỏ ý thức cá nhân trong quan hệ của mình, khi con nhận ra là con không bị ép buộc phải quan hệ với bất cứ ai. Con không có bổn phận phải ở lại trong quan hệ với bất cứ ai. Có thể con đã chọn tự đặt mình vào một gia đình, một số người thân. Con đã chọn lựa như thế và tất nhiên, con nên nỗ lực học hỏi bài học mà con mong muốn học hỏi từ những người đó. Nhưng sẽ tới một điểm khi con cảm thấy đã học xong bài học, con đã đạt được một an bình nội tâm nào đó, và con có thể tự do chọn lựa: “Liệu tôi có muốn tiếp tục quan hệ này hay không khi tôi không còn cảm thấy tôi phải ở lại trong quan hệ đó?”

Có thể nói, an bình đích thực có nghĩa là con không còn những chữ “phải” trong tâm thức của con nữa. Bây giờ chỉ là chuyện con muốn gì, con thực sự muốn gì. Và chủ đề này, ta sẽ nhường lại cho bài giảng của thày Saint Germain vì nó gần hơn với ngọn lửa tự do của thày.

Với câu này, ta niêm con trong ngọn lửa an bình sống động nồng nhiệt. Bởi vì đây không phải là an bình thụ động. Đây là an bình sống động mà ta là. TA LÀ Nada.