Viễn kiến vừa chủ động vừa thụ động

Bài giảng của chân sư thăng thiên Hilarion qua trung gian Kim Michaels, ngày 10/1/2017.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên Hilarion, Thượng sư của Tia thứ Năm. Mục đích của quyển sách này là cho con kích thích bên ngoài, lời nhắc nhủ bên ngoài, giúp con nắm vững và hội nhập các bài học mà con đã học ở cõi ê-the khi con tham dự khóa nhập thất của thày ở tầng thứ năm của khóa tự điều ngự. Trong bài giảng đầu này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xem xét một khía cạnh của Tia thứ Năm thường được gọi là viễn kiến.

Trong các kinh sách cổ có câu nói: “Nếu không có viễn kiến thì con người sẽ tử vong”. Đây là một câu có giá trị đáng ngờ vì có ai mà không có viễn kiến? Ai ai cũng có một viễn kiến, dù họ có nhận biết điều này hay không, dù họ có được coi là người nhìn xa thấy rộng hay không. Con người ai ai cũng có một viễn kiến. Vấn đề là con người không biết mình có một viễn kiến và không biết là họ làm gì với nó. Thực ra thì con người không tử vong nếu không có viễn kiến, nhưng ta cần xem xét là con người có loại viễn kiến nào.

4.1 Viễn kiến không thụ động

Con là người quen thuộc với giáo lý của các thày biết ít nhiều về nhị nguyên và bất nhị. Do đó, chắc con thấy rõ là câu trên phải là: “Nếu có viễn kiến nhị nguyên thì con người sẽ tử vong”. Nếu con người không có viễn kiến Ki-tô, là viễn kiến dựa trên duy nhất, thì lúc đó họ sẽ tử vong. Vì sao lại như vậy? Đó là vì chính khả năng nhìn giúp con phóng chiếu lên tấm gương vũ trụ. Như các thày đã nói nhiều lần: “Tấm gương vũ trụ có thể làm được gì ngoại trừ phản chiếu lại cho con điều mà con phóng chiếu lên nó?” Điều này dẫn tới khai ngộ cốt yếu mà con sẽ gặp ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày.

Đại đa số con người trên hành tinh này đã lớn lên với một cái nhìn sai lạc về viễn kiến. Họ cho rằng viễn kiến thụ động. Nếu con nhớ lại điều con học ở nhà trường thì con được dạy là hai mắt là dụng cụ nhận tín hiệu. Chúng nhận ánh sáng đến từ môi trường chung quanh, và từ đó con nhìn ra những gì trước mặt mình. Con yêu dấu, điều này hoàn toàn sai sự thực. Con không thấy những gì trước mặt con.

Các thày đã cố giảng điều này nhiều lần, nhưng ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày, con đơn giản không thể tiến lên bước kế tiếp nếu con không thực sự hiểu điều này. Hiểu nó trên mặt lý thuyếttrí năng không đủ. Con cần thấu hiểu nó như một trải nghiệm toàn diện chuyển đổi tâm thức của con và khiến con nhận ra trong cả bốn thể phàm của mình là tầm nhìn không phải là một khả năng thụ động. Nó chính thực là một khả năng chủ động, qua nó con liên tục phóng chiếu ra ngoài, và điều gì con phóng chiếu ảnh hưởng rất nhiều điều con thấy.

Quả thực là điều con phóng chiếu ra ngoài ảnh hưởng những gì con tưởng đến với con từ bên ngoài. Điều con thấy không phải là điều đến với con từ bên ngoài; điều con thấy (và các khoa học gia vật lý lượng tử đã bắt đầu nhận ra điều này) là cái gì đã được sản xuất trong tâm của con. Con không có cách chi tiến lên tới tầng tâm thức 96 nếu con không thấu hiểu và hội nhập thực trạng này. Ta có thể nói là công việc chính của con trong phần còn lại của khóa học tự điều ngự này là làm sạch, làm sáng tỏ viễn kiến của con để con nhận ra những điều mà con phóng chiếu ra ngoài. Con làm chủ những gì con phóng chiếu ra, do đó con làm chủ những gì được gửi trả về con từ tấm gương vũ trụ. Tấm gương chỉ phản chiếu lại điều con phóng chiếu ra.

4.2. Một ảo tưởng vi tế trên đường tu

Đây chính thực là một trở ngại lớn cho nhiều học viên đến khóa nhập thất của thày. Rất có thể là con đã tiến triển trên con đường tu tới điểm này, con đã trải qua các khai ngộ dưới sự hướng dẫn của bốn vị Thượng sư đầu, nhưng con vẫn chưa buông bỏ được một trong những ảo tưởng vi tế nhất trên đường tâm linh. Ảo tưởng này đến thẳng từ tâm thức sa ngã. Giê-su đề cập đến ảo tưởng này khi thày nói: “Vương quốc thiên đàng chịu sự bạo lực, và người hung hãn muốn chiếm nó bằng vũ lực.”

Các sa nhân đã từ rất lâu tìm cách chiếm thiên đàng bằng vũ lực. Con không thể chiếm thiên đàng bằng vũ lực, và do đó lời của Giê-su đã không đuợc ghi chép đúng đắn, vì dĩ nhiên là thày biết đâu là sự thực. Con không thể chiếm thiên đàng bằng vũ lực vì con không thể vượt quá bốn tầng của bầu cõi chưa thăng thiên khi con còn đang hiện thân ở một trong bốn tầng này. Con không thể nào ảnh hưởng tới cõi tâm linh.

Điều con có thể làm được là dùng lực để ép dòng chảy của năng lượng đi về một hướng giúp con có một số quyền năng, một số khả năng cao hơn những gì được coi là bình thường trên hành tinh này. Như các thày đã nói trước đây, dùng lực để đạt được một số khả năng là điều hoàn toàn có thể làm được. Như thày Serapis Bey đã giảng, có một số thày giả đã tự tạo cho mình một số khả năng làm chóa mắt đệ tử. Con yêu dấu, nếu thày là người đi tìm một vị thày tâm linh, thì thày sẽ không chọn người có một số khả năng nào đó, nhưng thày sẽ chọn vị nào có viễn kiến tinh khiết nhất. Thày muốn nói gì khi thày nói “viễn kiến tinh khiết”? Điều này sẽ trở nên sáng tỏ khi con đọc qua từng phần của quyển sách này.

Ở đây thì thày muốn nêu ra ý niệm là có học viên đến tầng đầu của khóa nhập thất của thày mà vẫn chưa buông bỏ được ý tưởng là mục đích của khóa học tự điều ngự này, hay của con đường tâm linh nói chung, là đạt được một số khả năng, một số khả năng phi thường. Điều tàn hại hơn nữa là nhiều người vẫn chưa hiểu, chưa thực sự nhận ra là mục đích con đường tâm linh không phải để đạt một khả năng máy móc. Thày biết rõ điều này vi tế, nhưng thày muốn con suy ngẫm sự khác biệt vi tế này.

Thày có nói là vũ trụ là một tấm gương toàn vũ. Nó chỉ có thể phản chiếu lại con những gì con phóng chiếu ra. Nghe giống như vũ trụ vận hành một cách máy móc. Quả thực là ta có thể nói là vũ trụ cũng vận hành máy móc như một tấm gương, vì những gì con phóng chiếu tới Ánh sáng Mẫu-Vật, thì Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ khoác lên hình tướng của hình ảnh mà con phóng chiếu một cách khá máy móc. Ánh sáng Mẫu-Vật không sáng tạo khi gửi lại con những gì con phóng chiếu ra. Ánh sáng Mẫu-Vật gửi lại con y như những gì con phóng chiếu ra. Điều vi tế là không có cách gì để gian lận tiến trình này – con có hiểu điều này chăng?

4.3 Không thể gian lận cách vận hành của vũ trụ

Có rất nhiều đạo sư và thày giáo trong các lãnh vực Thời đại Mới, Thái độ Tư tưởng Tích cực, giúp mình thêm ý chí (hay bất kỳ tên gọi nào khác) tìm cách khiến con tin rằng nếu con theo vài bước giản dị, học một số công thức, đọc một số lời khẳng định, thì con có thể xoay đổi đời mình một cách nhanh chóng. Chỉ cần áp dùng vài phương cách giản dị là con có thể thu hút một người bạn đời tuyệt vời nhất, có được tất cả tiền bạc mà con mong muốn và bất kỳ điều gì khác mà con ao ước. Điều này không thể xảy ra – có đúng vậy chăng, con yêu dấu? Không có cách chi gian lận cách vận hành của vũ trụ.

Con có thể dùng tâm ý thức và gia nhập một khóa học được cống hiến và tập trung tâm ý thức của mình vào một viễn kiến tích cực của đời sống. Con có thể vẽ ra một họa đồ tìm kho tàng, viết ra thật rõ những gì con muốn, làm theo các bước thực hành và tập trung viễn kiến của mình vào một mục đích nào đó. Con có thể đem hết năng lượng mà con có và phóng chiếu viễn kiến đó lên tấm gương vũ trụ, nhưng nếu con chỉ làm điều này với tâm ý thức của con thì kết quả sẽ chỉ giới hạn. Vì con vẫn phóng chiếu một viễn kiến khác – và có thể là một viễn kiến đối ngược – với tiềm thức của con, tức là ba tầng tâm xúc cảm, tư tưởng và bản sắc. Như các thày đã giảng, thay vì con giải quyết các lập trình hay phàm linh nội tại ở ba tầng cao của tâm, thì con tạo ra một lập trình mới, một phàm linh mới, và lúc đó vấn đề là phàm linh nào mạnh hơn. Cho dù có một phàm linh mạnh hơn, nhưng các phàm linh kia vẫn còn đó và vẫn tiếp tục phóng chiếu ra ngoài.

Ta có thể trở lại câu nói trong kinh sách cổ: “Nếu không có viễn kiến thì con người sẽ tử vong”. Ta nay có thể nói: “Nếu không có viễn kiến thuần nhất thì con người sẽ tử vong”. Con phóng chiếu ra điều gì nếu con không có một viễn kiến đồng nhất? Con gửi đi “tín hiệu lộn xộn”, theo lối nói bình dân, và khi đó thì tấm gương vũ trụ sẽ phản chiếu lại con điều gì? Dĩ nhiên là tấm gương vũ trụ sẽ phản chiếu lại một hoàn cảnh bên ngoài phản ánh điều này. Đó là vì sao thày nói không có cách nào gian lận cách vận hành của vũ trụ, không có cách máy móc nào. Con không thể tạo ra một công thức máy móc cho con hoàn cảnh mà con mong muốn. Như thày có nói, con có thể tạo ra một số công thức cho con một số khả năng tạm thời. Tỷ dụ, con có thể, như một số người đã làm, thu hút về mình tài sản đồ sộ trong kiếp sống này.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ đã tránh được Luật Nhân Quả. Do đó, trong một kiếp sống tới, họ sẽ phải trải nghiệm đối cực kia của viễn kiến bất quân bình mà họ đã phóng chiếu ra. Điều thày muốn nói ở đây là: ở tầng thứ nhất của khóa nhập thất của thày, học viên cần nhận ra rằng tất cả những hứa hẹn giả đang hiện hành là giả. Và con cũng cần hiểu rõ tại sao chúng là giả. Các hứa hẹn đó giả vì chúng khiến con tạo ra một lập trình mới với tâm ý thức của con nhưng chúng không giải quyết những lập trình khác nơi các tầng khác của tâm. Chúng giả vì con phải chọn lựa con muốn gì trong cuộc đời. Con muốn tự điều ngự hay con muốn hoàn cảnh vật lý, vật chất hay kinh nghiệm nào đó trên trái đất?

4.4. Điều ngự thế giới hay điều ngự cái ta

Con yêu dấu, thày vừa nói gì đó? Thày vừa nói là vũ trụ là tấm gương, nó phản chiếu lại con y hệt những gì con phóng chiếu vào nó. Con có thể nhìn một số người và thấy là họ có động lực cao (hay ta cũng có thể nói là khả năng điều ngự cao) giúp họ có được đúng hoàn cảnh vật lý mà họ mong muốn. Con có thể nhìn vào những người đã tạo ra hay thu hút được tài sản to lớn. Họ sống trong một dinh thự đẹp dẽ, họ có người phối ngẫu xinh đẹp, họ có những hoàn cảnh bên ngoài tuyệt hảo và mọi chuyện nằm dưới tầm kiểm soát của họ y như ý họ muốn. Con có thể thấy điều này và nói: “Tôi cũng muốn sống một cuộc đời mà không phải lo thiếu tiền bạc, có được một căn nhà xinh đẹp và có mọi chuyện dưới tầm kiểm soát của mình.” Con có thể nhìn các người đó và nói: “Tôi cũng muốn được như vậy. Đây chắc hẳn là tự điều ngự nếu tôi thể hiện được những hoàn cảnh đó.”

Con yêu dấu, nếu đó là thái độ của con, nếu đó là điều con ao ước, thì không có gì sai trái với việc đó cả. Như các thày đã nói, trái đất là một bộ máy tạo kinh nghiệm nơi con có thể có một số trải nghiệm cho tới khi con chán ngán chúng và sẵn sàng tiến lên bước khác. Như con chắc đã bắt đầu nhận ra, mục đích của khóa tu tự điều ngự này không phải là cho con quyền năng biểu hiện đúng những hoàn cảnh vật lý mà con muốn. Chuyện quan trọng không phải là biểu hiện hoàn cảnh vật lý nào đó; chuyện quan trọng là tự điều ngự. Điều khác biệt là gì? Điều khác biệt rất giản dị.

Sa nhân đưa ra lập luận dối trá rằng khi con có một số hoàn cảnh vật chất nào đó, thì lúc đó con sẽ hạnh phúc, lúc đó con sẽ được bình an trong tâm. Họ đựa ra lập luận dối trá này vì họ tin điều đó là thật. Họ không thể tránh tin điều đó vì họ ở trong tâm thức nhị nguyên. Trong nhị nguyên, con thấy mình là sinh thể tách biệt có nghĩa là con thấy có sự phân chia giữa điều ở bên trong tâm mình và ở bên ngoài. Con (luôn luôn) kinh nghiệm rằng hoàn cảnh bên ngoài tâm ảnh hưởng trạng thái tâm của con.

Do đó, con rơi vào bẫy của ảo tưởng cho rằng cách duy nhất để làm chủ trạng thái tâm của mình là làm chủ ngoại cảnh. Một khi con có được ngoại cảnh như ý muốn, thì trạng thái tâm sẽ tự động theo sau, sẽ theo sau một cách máy móc. Đây là điều Giê-su ám chỉ khi thày nói về ý muốn dùng bạo lực để cưỡng chiếm thiên đàng. Khi thày nói thiên đàng, dĩ nhiên là thày muốn nói tới tâm Ki-tô, trong đó con hoàn toàn bình an. Đây là ý muốn dùng bạo lực để đạt được bình an nội tâm bằng cách ép buộc ngoại cảnh phải tuân theo tầm nhìn của họ. Tầm nhìn đó đưa ra các hoàn cảnh lý tưởng mà họ cho rằng sẽ đem lại sự bình an nội tâm một cách máy móc.

Dĩ nhiên các thày đã nói nhiều lần là con không phải là một sinh thể máy móc. Do đó, bất kỳ ngoại cảnh như thế nào chăng nữa, con không nhất thiết được bình an. Ngoại cảnh không thể nào tạo ra bình an nội tâm vì bình an nội tâm và hạnh phúc là một điều kiện nội tâm. Đó là lý do con đang theo học một khóa tu mà các thày gọi là khóa tự điều ngự. Tự điều ngự không có nghĩa là điều khiển ngoại cảnh, những điều kiện bên ngoài cái ta, mà là điều khiển hoàn cảnh nội tâm, những hoàn cảnh bên trong cái ta. Con có thể nghĩ là con đã nghe các thày nói điều này rồi – và quả thực các thày có giảng điều này rồi. Nhưng con có thực sự thể nhập nó chưa? Con có khóa chặt tâm mình vào điều đó chưa? Con có nhận ra trong cả bốn tầng tâm của con chưa? Cái Ta Biết của con đã bước ra khỏi động lượng cũ xưa muốn tìm cách kiểm soát thế giới bên ngoài chưa? Con đã bước ra khỏi ham muốn cũ xưa muốn có một số hoàn cảnh nơi thế giới bên ngoài chưa?

4.5. Không có công thức máy móc

Đó là lý do vì sao thày nói đường tu không máy móc. Con không thể chế ra một công thức tạo ra một số ngoại cảnh nào đó và sau đó sẽ tự động đạt được bình an nội tâm. Như thày có nói, con có thể chế ra một công thức tạo ra một số ngoại cảnh nào đó. Đó là điều có thể làm được. Đây không phải là diều dễ làm cho đa số con người trên hành tinh này, nhưng con đã thấy một số người dùng tâm của họ phóng chiếu ra một viễn kiến, và qua đó thu thập được nhiều tài sản, quyền lực hay những thứ khác.

Nhưng điều mà con có thể thấy, nếu con dùng viễn quan Ki-tô, là hầu hết những người đó là sa nhân đã qua một thời gian rất, rất dài xây dựng được động lực kiểm soát thế giới vật chất. Điều họ làm được giống như sự chuyển động của một quả lắc. Khi quả lắc di chuyển qua một phía thì họ dần dần có càng ngày càng nhiều kiểm soát trên ngoại cảnh. Khi quả lắc tới điểm xa nhất mà động lực có thể đảy nó tới, thì họ có vẻ đạt được quyền lực và tài sản to lớn trên trái đất. Nhưng họ tất nhiên sẽ tới điểm bất quân bình cao nhất mà họ có thể tạo ra trong vũ trụ , và quả lắc sẽ bắt đầu di chuyển về hướng kia. Họ sẽ càng ngày càng có ít kiểm soát trên ngoại cảnh, và họ có thể sẽ có nhiều kiếp sống trong đó họ hầu như không kiểm soát được điều gì trong cuộc sống của họ. Con sẽ thấy là những người uy quyền ngày hôm nay sẽ không phải là người uy quyền trong tương lai, và họ cũng không là người uy quyền trong quá khứ (ít nhất là trong quá khứ xa).

Nếu con muốn có một kinh nghiệm nào đó, nếu con ao ước có được cái có vẻ là sự điều ngự vật chất, thì thày không lên án con, thày không chỉ trích con. Thày nhìn nhận là cách duy nhất để con vượt qua mong ước đó là con tìm cách thể hiện nó cho tới khi con chán ngán kinh nghiệm đó. Thày sẽ chỉ giản dị nói với con: “Thày không phải là vị thày mà con cần ở điểm này trên con đường tu của con. Các vị Thượng sư khác cũng vậy. Khóa học tự điều ngự này không phải là điều con cần ở điểm này. Con cần đi tìm một vị thày khác có thể cho con điều con mong ước.” Quả thực là có học viên đã tới điểm này, sau khi đã học xong bốn tia sáng trước, và nay phải đối mặt với thực tại này và thốt nhiên nhận ra là con đường tu này không phải điều họ muốn ở điểm này trên tiến trình tiến hóa toàn vũ của họ – và họ quyết định bỏ đi.

Sau đó, dĩ nhiên là họ sẽ được tiếp đón niềm nở trở lại khi họ sẵn sàng trở lại. Họ sẽ phải đi xuống và bắt đầu trở lại với Chân sư MORE, nhưng tuy thế các thày không lên án ai, không bao giờ đuổi ai đi. Con thấy chăng, thày cần phải khiến học viên đối diện chính mình ở điểm này, ở tầng đầu của khóa nhập thất của thày, để giúp họ soi rõ viễn kiến của họ về con đường tâm linh là gì, viễn kiến của họ về khóa học này là gì.

Lúc đó họ có một chọn lựa: họ có sẽ thăng vượt viễn kiến của họ và thuận theo mục đích của khóa học, hay họ đi nơi khác và theo đuổi viễn kiến mà họ nghĩ cần thể hiện trong đời sống của mình? Khi học viên vượt qua được thử thách này và quyết định: “Có”, họ có muốn tự điều ngự, họ có muốn theo học khóa tu này, họ có muốn theo học với thày, thì chúng ta có thể tiếp tục. Lúc đó chúng ta tiến tới thử thách cam go khác mà con phải đối mặt ở tầng thứ nhất này của khóa nhập thất của thày. Đây là điều mà thày đã bắt đầu mô tả, khi thày nói là con cần nhận ra viễn kiến không thụ động, mà là một khả năng rất chủ động.

4.6. Làm sao tâm khiến viễn kiến bị lệch lạc

Bây giờ thày muốn con nhớ lại một số điều con học ở nhà trường. Con học rằng trong thế giới có một số đồ vật, như bàn, ghế, đường xá, xe cộ, cây cối, núi, sông, đại dương, trái đất vân vân. Khi con nhìn vào các đồ vật đó, ánh sáng chiếu vào chúng và dội về mắt con. Ánh sáng phản chiếu đó dội vào màng võng mạc trong mắt con, và qua đó con thấy đồ vật đó. Bây giờ, ta phải xem xét mô hình này để đi quá những gì con học ở nhà trường.

Trước tiên, ta cần chất vấn rằng có thực sự những đồ vật trong thế giới hay không, ít ra là những đồ vật theo nghĩa con đã được dạy dỗ. Thày không nói là cả thế giới vật chất không hiện hữu hay được tạo nên bởi viễn kiến của con. Quả thực là đồ vật trong thế giới bên ngoài.

Ta có thể chất vấn là các đồ vật đó rắn chắc hay là cái gì khác. Khi con học giáo lý của các thày, hay ngay cả khi con học đôi chút về vật lý lượng tử, thì con thấy là ngay cả các khoa học gia cũng đã bắt đầu đặt nghi vấn là có những đồ vật thực sự rắn đặc hay không. Họ biết rằng, khi ta nghĩ sâu về vấn đề, là mọi thứ trong vũ trụ được cấu tạo bởi sóng năng lượng rung động. Con không nhất thiết thấy một đồ vật, con thấy một trường năng lượng. Đây là một điều quan trọng cần ghi nhớ, và thày sẽ trở lại điểm này trong các bài giảng tới.

Câu hỏi mà thày muốn con suy ngẫm ở đây là: “Những tia sáng dội vào mắt con thực sự từ đâu tới?” Chúng bay bay chơi vơi trong không gian, hay chúng phát xuất từ mặt trời hay từ một nguồn ánh sáng nhân tạo? Con dĩ nhiên biết là trong bóng tối con không thấy được gì hết. Phải chăng là đồ vật không có đó khi tối đen? Không phải đâu, dĩ nhiên là chúng có đó. Trường năng lượng có đó, vậy thì các tia ánh sáng đập vào mắt con sau khi đã dội vào đồ vật từ đâu tới? Ở đây, ta cần nhận ra là có khía cạnh vật lý và phi vật lý của nhãn quan, ít nhất là theo định nghĩa mà con hiện có về từ “vật lý”.

Nếu con là người tâm linh, thì con thể nào cũng có nghe đến quan niệm “nhãn quan thứ hai” hay “khai mở con mắt thứ ba” giúp con người thấy được trường năng lượng bao quanh con người hay đồ vật. Điều con cần nhận ra là lúc nào cũng có sóng ánh sáng tiết ra từ bất cứ đồ vật nào. Một đồ vật là một trường năng lượng và nó liên tục tỏa ra tia điện từ, ngay cả ban đêm. Chuyện dĩ nhiên xảy ra là khi mặt trời ló dạng hay khi con bật lên ngọn đèn điện là lúc đó có những tia điện từ và con mắt có thể nhận được, và do đó con thấy được đồ vật.

Con yêu dấu, ta hoàn toàn có khả năng thấy ban đêm mà không cần đeo những cặp kính dị hợm khiến mọi vật hiện ra với màu xanh. Việc thấy được trong bóng tối rõ như con thấy được ban ngày với con mắt vật lý là điều hoàn toàn có thể làm được. Tại sao con không thấy được hào quang, tại sao không thấy được ban đêm? Đó là vì con không thấy được những gì con mắt thấy. Điều mà thày đang nói là có nhiều tia ánh sáng đi vào đôi mắt vật lý của con hơn là con thấy. Vì sao đa số con người không thấy được hào quang bao quanh mỗi người? Không phải là vì con mắt của họ không nhận được những tia ánh sáng từ hào quang của người khác; mà là vì tâm của họ lọc đi những tia sáng được coi là không liên quan hay thừa thãi.

4.7. Bốn tầng của nhãn quan

Chúng ta hãy xem xét chuyện gì xảy ra khi một tia ánh sáng đập vào con mắt vật lý. Như các con đã được dạy trong nhà trường, tia sáng đập vào màng võng mạc (retina) và màng võng mạc gửi một tín hiệu đến vùng vỏ não thị giác (visual cortex) trong não bộ. Bài học nhà trường của con có lẽ chấm dứt nơi đây, nhưng con cần nhận ra đây là một tiến trình rất phức tạp và tinh vi. Con biết là trong một máy ảnh kỹ thuật số có một bộ cảm biến (sensor), và khi ánh sáng đập vào bộ phận này, nó biến tia ánh sáng thành một tín hiệu mà một máy điện toán có thể đọc được. Con cũng biết là máy điện toán được thiết kế dựa trên một hệ thống nhị phân gồm tín hiệu bật hay tắt. Nói cách khác, máy điện toán không biết các sắc thái vi tế, các chuyển màu tế nhị; nó chỉ biết bật hay tắt, số không hay số một, chỉ có hai trạng thái mà thôi. Màng võ mạc trong con mắt cũng hoạt động tương tự nhưng nó có hơn hai trạng thái; nó không nhị phân.

Đúng thực là màng võng mạc có thể xử lý bảy mức độ hay bảy chuyển màu vi tế. Điều này có nghĩa là khi màng võng mạc gửi tín hiệu về vùng vỏ não thị giác, nó không gửi tín hiệu bật tắt, mà gửi bảy sắc thái màu, bảy ghi mã tín hiệu. Khi màng võng mạc chuyển tia ánh sáng (hay ấn tượng của tia ánh sáng) thành tín hiệu mà não bộ có thể xử lý, thì nó gửi những tín hiệu này theo mạng lưới dây thần kinh về vùng vỏ não thị giác. Chuyện xảy ra trong vùng vỏ não thị giác lại là một quá trình phức tạp và tinh vi hơn nữa. Không có một đối chiếu một với một giữa những gì vùng vỏ não thị giác nhận được từ màng võng mạc và những gì con thấy. Thật sự là cũng không có một đối chiếu một với một giữa tia ánh sáng đập vào màng võng mạc và tín hiệu mà màng võng mạc chuyển về não bộ.

Điều con cần nhận ra là sự thực đơn giản là con không thấy bằng hai mắt mà con thấy bằng bộ óc. Bây giờ con cần phải tiến xa hơn và nhận ra rằng khía cạnh vật lý của nhãn quan (xảy ra trong não bộ) chỉ là khía cạnh thô thiển nhất của nhãn quan. Nó là nền tảng của nhãn quan, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ của những gì nhãn quan thực sự bao gồm. Có một khía cạnh của nhãn quan liên hệ đến thể cảm xúc, có một khía cạnh khác liên quan đến thể tư tưởng và một khía cạnh khác liên quan đến thể bản sắc. Con không thấy bằng mắt, con không thấy bằng não bộ, con thấy bằng cả bốn thể phàm.

Thể cảm xúc của con là gì? Như con có thể tưởng tượng, nó là một trường năng lượng. Bây giờ thì con có thể nhớ lại một điều khác mà con có thể đã học hay không học ở nhà trường, nhưng các thày cũng đã giảng điều này, và nó rất giản dị. Ánh sáng điện từ hay sóng điện từ là làn sóng. Khi các làn sóng tương tác, tùy theo đặc tính rung động của chúng, chúng có thể giao thoa (interference) với nhau hay đi xuyên qua nhau. Khi hai làn sóng giao thoa, thì đặc tính của hai làn sóng quyết định mô thức giao thoa và do đó kết quả của sự tương tác.

4.8. Nhãn quan xảy ra như thế nào ở tầng vật lý

Điều thày muốn nói là như sau: con có một tia điện từ đập vào mắt. Nó đập vào màng võng mạc, mà bản chất thực cũng là một trường năng lượng. Một mô thức giao thoa được tạo ra với bảy sắc thái màu. Kết quả của mô thức giao thoa đó là một tín hiệu được gửi tới não bộ, tới vùng vỏ não thị giác. Khi tín hiệu này tới vùng vỏ não thị giác, cũng là một trường năng lượng, thì một mô thức giao thoa mới được tạo ra, và những gì vùng vỏ não thị giác xử lý là kết quả của mô thức giao thoa đó. Rất có thể (và điều này thực sự xảy ra với đại đa số con người) là vùng vỏ não thị giác cũng ảnh hưởng điều mà con thấy. Có một sự diễn giải được đặt lên những gì con thấy ở tầng vật lý. Thày cho con một thí dụ giản dị. Chắc hẳn là con cũng đã thấy những ảo thị đơn giản. Ảo thị đơn giản nhất gồm hai đường thẳng, một đường có hai mũi tên chĩa ra ngoài, và đường kia có hai mũi tên chĩa vào trong. Khi con nhìn hai đường thẳng đó, con có cảm tưởng là một đường dài hơn đường kia, nhưng khi con lấy thước đo thì hai đường có chiều dài hoàn toàn như nhau. Chuyện xảy ra là hướng của hai mũi tên đã đánh lừa con mắt của con và gây cho con cảm tưởng là một đường dài hơn đường kia.

Đây là điều mà vùng vỏ não thị giác áp đặt lên nhãn quan của con. Có một số lập trình trong vùng vỏ não thị giác liên quan đến cõi vật lý, thế giới vật chất, cách con nhìn đồ vật – thấy nó là gì. Những điều này đương nhiên là phức tạp hơn đường thẳng; chúng liên quan đến hình dạng, khả năng giúp con nhận diện một hình dạng. Thí dụ, nếu con trở về thời người cổ xưa sống trong rừng và có thể bị ác thú tấn công, thì vùng vỏ não thị giác của họ rất, rất nhanh nhận ra hình dạng nào là một mối đe dọa. Lúc đó, não bộ có thể gửi tín hiệu tới cơ bắp để tháo chạy trước khi tâm ý thức có thì giờ phản ứng lại hoàn cảnh đang xảy ra.

Con thấy là ở đây có khía cạnh thực tại thực tiễn. Có những hoàn cảnh trong đời khi con cần phản ứng nhanh đến độ con không thể lấy một quyết định ý thức, con cần phải phản ứng bằng tiềm thức. Các con đều làm chuyện này khi con lái xe, hay đi xe đạp. Phản ứng xảy ra ở tầng vật lý thuần túy.

Không có gì sai trái với sự kiện này. Tuy nhiên, con cũng cần nhận ra là vì trái đất có một quá trình rất dài chìm đắm trong tâm thức nhị nguyên, nên tất cả mọi người đều có một số điều, mà con có thể gọi là bản năng, lập trình trong não bộ của họ. Trên con đường tâm linh, con sẽ tới một điểm, khi con đã đi quá tầng 96, khi con cần phải tháo gỡ các lập trình này.

Thày giảng phần này để cho con nhận ra sự kiện là ngay ở tầng vật lý, tầng của não bộ, đã có những yếu tố khiến nhãn quan của con bị bóp méo. Có một sự diễn giải được áp đặt lên những gì con thấy. Diễn giải đơn giản nhất là: “Hoàn cảnh trước mặt có là một mối nguy hiểm hay không?” Nhưng có rất nhiều diễn giải vi tế khác.

4.9. Nhãn quan ở các tầng cao hơn

Khi tín hiệu đã đi qua vùng vỏ não thị giác, thì mô thức giao thoa tạo ra ở đó được gửi tới thể cảm xúc. Thể cảm xúc của con cũng là một trường năng lượng, do đó ở đó lại có thêm một tương tác, một mô thức giao thoa. Điều mà con thấy ở tầng cảm xúc sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì sẵn có trong thể cảm xúc của con. Tức là những lập trình ở trong đó, những dạng năng lượng ở trong đó. Nếu con có nhiều sợ hãi trong thể cảm xúc của con, con sẽ có khuynh hướng diễn giải nhiều hoàn cảnh như đe dọa tuy chúng không nhất thiết là đe dọa. Đó là lý do vì sao con thấy hai người đối diện cùng hoàn cảnh nhưng phản ứng khác nhau, vì một người có nhiều sợ hãi trong thể cảm xúc hơn người kia.

Cũng như vậy, sau khi đã tương tác ở thể cảm xúc, xung lực tới thể tư tưởng. Ở đó, nó lại tạo nên một mô thức giao thoa, và sau đó nó tới thể bản sắc. Bây giờ, con – là cái Ta Biết – con thấy gì? Con thấy xung lực ở điểm nào? Điều này tùy thuộc con, cái Ta Biết, đang chú tâm vào phần nào của bốn thể phàm. Có những người chú tâm vào cõi vật lý, vào xác thân vật lý. Đó thường là những người đã trải qua những hoàn cảnh nguy hiểm cho xác thân họ. Họ có thể là quân sĩ trong chiến tranh, họ có thể là người bất lương lúc nào cũng cảm thấy bị đe dọa, hay họ là người thổ dân sống trong rừng rậm. Những người này hoàn toàn chú tâm vào cõi vật lý đến độ họ không thấy (ít nhất là một cách ý thức) những gì xảy ra ở các tầng cao hơn. Ta có thể nói là chuỗi nhãn quan của họ ngưng ở tầng vật lý.

Sau đó, lại có những người chú tâm vào cõi xúc cảm, và đương nhiên là họ thấy mô thức giao thoa được tạo ra khi xung lực tới thể cảm xúc. Họ không thấy điều xảy ra khi nó đi lên các tầng cao hơn, ít ra là một cách ý thức, vì họ không suy nghĩ một cách có ý thức. Sau đó, đương nhiên là lại có những người chú tâm vào cõi tư tưởng, và có người chú tâm vào cõi bản sắc. Tất cả các học viên tới khóa nhập thất của thày đều chú tâm vào tầng tư tưởng cao hay tầng bản sắc. Con không thể đi trên con đường tâm linh tới điểm này và không vượt qua tầng vật lý và cảm xúc. Con không thể hoàn toàn chú tâm vào cảm xúc, chẳng hạn, và đạt được các khai ngộ của thày Serapis Bey.

Điều mà con cần nhận ra, và đây là điều thày muốn con suy ngẫm trong bài giảng này, là thể tư tưởng và thể bản sắc của con sẽ bóp méo tầm nhìn của con. Thày biết là điều này có thể khiến con lo sợ hay khó hiểu. Nếu con đang đeo một cặp kính màu vàng và không biết mình đang đeo một cặp kính màu vàng, thì làm sao con có thể nhìn mà không qua cắp kính nào? Dĩ nhiên, đây là công việc của thày, là vị thày hướng dẫn con qua bảy tầng của khóa nhập thất này, để giúp con dần dần nhận rõ hơn là con có một phin lọc, và con có khả năng bỏ phin lọc ra và đạt được tầm nhìn thanh khiết hơn, rõ ràng hơn.

Thày không muốn con hoảng sợ, cảm thấy chán nản hay cảm thấy đây là một công việc không thể làm được. Dĩ nhiên là nó làm được, và thày sẽ khiến nó càng ngày càng dễ làm khi chúng ta tiến thêm trong khóa học này. Điều mà thày muốn con quyết định một cách ý thức là con có muốn theo khóa học này hay con muốn có trải nghiệm khác ở điểm này của đời con. Nếu con muốn trải nghiệm khác thì con cần tìm ra một vị thày có thể cho con kinh nghiêm bên ngoài mà con mong muốn hay một mức độ điều khiển thế giới vật chất nào đó.

4.10. Tự chủ đúng và sai

Con biết rằng khóa học này là khóa học tự-điều ngự. Điều mà sa nhân muốn đạt được là làm chủ thế giới bên ngoài mà không làm chủ thế giới bên trong. Câu nói này thoạt trông có vẻ mâu thuẫn, vì có các thày giả tuyên bố là họ đã đạt được tự chủ, họ làm chủ hoàn toàn hành động và trạng thái tâm của họ. Điều đó có đôi chút thực chất, vì con có thể đạt được một mức làm chủ nào đó trên bốn thể phàm của mình. Đó chính là điều mà các thày giả mà thày đề cập tới đã đạt được. Họ đã đạt được khả năng làm chủ phần nào bốn thể thấp của họ và làm chủ hoàn cảnh bên ngoài của họ.

Con không thể gian lận vũ trụ; nó phản chiếu lại con những gì con phóng chiếu ra. Nếu con muốn có điều kiện nào đó biểu hiện thì con phải kiểm soát được những gì con phóng chiếu ra. Dĩ nhiên có thể có (như con đã từng thấy trong quá khứ) một người biến toàn thể dân chúng thành nô lệ của mình, và do đó họ làm việc để người đó được cung điện nguy nga, một đạo quân hùng mạnh và quyền uy rộng lớn. Điều này cũng cần khả năng điều ngự tâm vì con cần khả năng uốn cong ý chí người khác theo ý chí của mình.

Nhưng đây không phải là tự điều ngự. Đây là điều ngự bốn thể phàm, nhưng không phải là điều ngự cái ta vì cái ta nhiều hơn là bốn thể phàm. Vậy tự điều ngự là gì? Đó là ý định thanh khiết. Thày Serapis nói về ý định thanh khiết khi con tới điểm không còn hung hãn nữa. Khi con không còn tìm cách uốn cong người khác theo ý chí của con bằng cách ép họ phải từ bỏ ý chí của họ, thì lúc đó con có tự điều ngự.

Đó là lúc con không còn muốn ép buộc vũ trụ cho con một số điều kiện dù con không có những điều kiện tương ứng bên trong mình. Con yêu dấu, con có thấy điều thày muốn nói chăng? Vũ trụ là một tấm gương. Nếu con muốn một số điều kiện (mà con cần trong thế giới bên ngoài), con cần phải tạo ra viễn kiến về các điều kiện đó bên trong tâm con, và sau đó con phóng chiếu viễn kiến đó ra Ánh sáng Mẫu-Vật, tấm gương toàn vũ.

Vấn đề là con tạo dựng viễn kiến này qua tâm nhị nguyên, tâm tách biệt hay qua tâm Ki-tô. Thày phải nói con là khi con tới tầng này của khóa nhập thất của thày, con sẽ vẫn con tàn dư của động lực phóng chiếu qua tâm tách biệt. Điều này có nghĩa là con còn một ít ham muốn, một ít nhu cầu của tâm tách biệt mà con nghĩ (có thể một cách không ý thức) là con cần thỏa mãn. Con cho rằng một phần của con đường tự điều ngự là con thực hiện những ham muốn này và có khả năng biểu hiện các ngoại cảnh đó.

Điều này có thể là tâm điều ngự vật chất, nhưng không phải là tâm điều ngự tâm. Nhưng thực ra thì không có tâm điều ngự tâm, vì điều thày dạy trong khóa tự điều ngự này là dẫn con tới điểm con không có hai tâm. Con chỉ có một tâm mà thôi.

Con có thấy chăng là nhị nguyên dựa trên sự phân chia cơ bản giữa ta và thế giới, giữa ta và người? Khóa học tự điều ngự là khóa học chiến thắng nhị nguyên, chiến thắng tách biệt, đi tới cái mà các thày gọi là Tâm Ki-tô, nơi con thấy cái Duy Nhất của mọi sự sống. Con có thấy điểm khác biệt chăng?

Sa nhân nói rằng: “Ta muốn một số điều kiện biểu hiện nơi thế giới bên ngoài. Ta biết là vũ trụ vận hành như một tấm gương, do đó ta phải tạo trong bốn thể phàm một khuôn đúc của những điều kiện mà ta muốn biểu hiện trong thế giới vật lý, và sau đó ta phải phóng chiếu, với toàn thể sức lực mà ta có, khuôn đúc này lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Một thời gian sau đó thì Ánh sáng Mẫu-Vật sẽ khoác lên hình tướng đó.” Con có thấy điều họ muốn làm chăng? Như thày có nói trước đây, họ muốn tạo một lập trình mới, một phàm linh mới, và phàm linh này làm gì? Nó tạo ra chia rẽ trong tâm họ.

Điều mà sa nhân gọi là điều ngự là khi họ tạo ra một phàm linh nội tại mạnh mẽ đến độ nó có thể nhất thời khống chế được những phàm linh nội tại khác. Do đó như thày có nói, khi quả lắc đi qua một phía thì họ có thể biểu hiện những điều kiện đó. Nhưng rồi sẽ tới lúc họ giản dị không còn đủ sức mạnh để tiếp tục, và lúc đó phàm linh dũng mãnh mà họ tạo ra sẽ hết hơi. Các phàm linh khác bắt đầu nổi lên lại và tạo ra sự phân rẽ trong tâm, và quả lắc bắt đầu xoay lại phía kia. Lúc đó họ sẽ trải nghiệm nhiều kiếp sống đầy hỗn mang, xáo trộn và địa vị thấp trong thế giới bên ngoài.

Tự điều ngự là khi con dần dần làm tan đi các phàm linh nội tại, làm tan đi sự phân rẽ nội tại. Con thăng vượt các phân rẽ nội tại và càng ngày càng đến gần điểm mà viễn kiến của con dựa trên Duy nhất.

4.11. So sánh Giê-su và các tỷ phú

Ở đây, con nên nhìn một cách ý thức về cuộc đời và sứ mạng của Giê-su, hay của đức Phật. Con hãy so sánh Giê-su hay đức Phật với những người đương thời giàu có và đầy quyền lực nhất, như các nhà tỷ phú, có được tất cả những gì họ mong muốn, có thể kiểm soát mọi khía cạnh cuộc đời bên ngoài của họ. Con có nghĩ chăng là một người giàu có và nhiều quyền lực, người giàu nhất trên thế giới, có khả năng tự điều ngự cao hơn Giê-su hay đức Phật chăng? Người đó – có thể – có nhiều hơn khả năng thể hiện điều kiện vật lý. Nhưng có thực chăng là họ có khả năng đó hơn Giê-su hay đức Phật, vì chắc hẳn Giê-su và đức Phật có khả năng thể hiện bất kỳ điều kiện bên ngoài mà các thày muốn cho chính mình.

Con cần tự đặt câu hỏi: “Vì sao hai vị thày tâm linh đó, có khả năng tự điều ngự, lại sống cuộc đời rất bình dị, và trên mặt vật chất rất nghèo? Họ không có của cải gì, không sở hữu gì. Giê-su không có tu viện, không có cơ sở cố định, mà đi giảng đạo khắp nơi. Tại sao thày không thể hiện những điều kiện mà thày mong muốn? Thày đã không làm vậy, vì trong những kiếp trước thày đã thể hiện nhiều điều kiện bên ngoài và thày đã tới điểm chán ngán kinh nghiệm này và mong muốn một kinh nghiệm cao hơn.

Kinh nghiệm cao hơn này là gì? Đó là con bắt đầu nhìn quá cái ta của mình! Viễn kiến của con không trụ ở cái ta tách biệt, con không chú tâm vào những gì con muốn cho cái ta tách biệt. Con càng ngày càng chú tâm nhiều hơn đến tổng thể, con chiến thắng sự phân rẽ giữa ta và người. Con hoặc thấy cái ta là tất cả hoặc cái ta là một phần của tổng thể. Thành tựu sáng tạo tối hậu cho cái ta là làm điều gì nâng cao tổng thể thay vì tập trung tất cả năng lượng, chú tâm và viễn kiến vào việc nâng cao cái ta tách biệt.

Con có thấy chăng là con sẽ tới điểm bắt đầu nhận ra rằng điều sa nhân muốn là nâng cái ta tách biệt của họ lên trên những người khác? Khi con nhận ra là trong vũ trụ có sự quân bình, có tương tác hành động và phản ứng, có luật Nhân Quả, thì con nhận ra rằng nếu một người nâng mình rất cao so với người khác, thì điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách tạo một bất quân bình trong đó người khác bị đè xuống. Sự bất quân bình này không thể tiếp diễn mãi mãi. Đó là lý do vì sao thày nói rằng người nâng mình lên trong một kiếp, sẽ phải bị hạ xuống trong những kiếp tới. Không thể có cách nào khác hơn.

Con nhận rằng trong tâm thức nhị nguyên, con luôn luôn tìm cách đi tới một cực điểm. Khi con làm vậy, con tạo một sự bất quân bình, và sẽ đến một lúc quả lắc đi ngược trở lại để tạo ra một trạng thái quân bằng nào đó. Khi con đạt được viễn kiến Ki-tô, con sẽ thấy là con có thể hành động để nâng một cái ta tách biệt của mình lên mà không đè các ta tách biệt khác xuống không đè những phần khác của vũ trụ xuống. Con thực sự có thể nâng cái ta của mình lên theo một cách mà toàn thể cũng được nâng cao luôn. Đó là viễn kiến Ki-tô. Khi con tới điểm mà năng lượng, sự chú ý và thời giờ của con tập trung vào việc nâng cao Tất cả, thì lúc đó con bắt đầu đạt được tự điều ngự.

4.12. Chuyển đổi tâm mình trước khi thay đổi thế giới

Điếu này không có nghĩa con ngưng không là một con người; nó không có nghĩa là con không có một cuộc sống tích cực trong xã hội. Nó không có nghĩa là con không thể có một căn nhà của mình, không thể có một gia đình, không thể có vật sở hữu. Các thày không nói là mọi người trong thế giới hiện đại phải sống như Giê-su. Như các thày đã nói, trong thời đại hiện nay điều quan trọng hơn là con có cuộc sống tích cực trong xã hội.

Con có thể tới điểm mà những gì con sở hữu không sở hữu con, vì đối với con chúng chỉ là phương tiện để đạt được một cứu cánh, chúng không phải là cứu cánh. Con không tập trung vào việc tạo ra một số điều kiện vật chất để tạo ra trạng thái bình an nội tâm. Tâm con tập trung vào việc đạt được bình an nội tâm qua uy lực của chính cái tâm. Khi con điều ngự được cách tạo bình an nội tâm bất kỳ ngoại cảnh như thế nào, thì con đâu cần các ngoại cảnh này nữa? Điều này không có nghĩa là con không thể có chúng, nhưng con có hiểu ý thày giảng chăng? Con không cố gắng có của cải vật chất hầu đạt được một kinh nghiệm nội tâm. Con tập trung vào kinh nghiệm nội tâm và hoàn cảnh bên ngoài sẽ chỉ là hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ăn khớp với nhau và con tận dụng chúng, bất kỳ chúng là gì.

Có rất nhiều học viên đến tầng này của khóa nhập thất của thày và họ đã nghe nói đến tầng tâm thức cao hơn, giác ngộ, quả vị Ki-tô, hay bất kỳ tên nào khác. Họ vẫn nghĩ là nếu một số điều kiện bên ngoài không được hội đủ, thì họ không thể thực sự trải nghiệm các trạng thái tâm thức cao đó.

Con yêu dấu, con có thấy chăng là nếu con có thái độ đó, thì con sẽ không bao giờ, không bao giờ đạt tới điểm điều kiện bên ngoài lý tưởng đến độ con có thể nói: “Bây giờ thì tôi có thể biểu hiện một trạng thái tâm thức cao hơn”. Lý do rất giản dị; các thày đã nói nhiều lần: “Tâm thức đi trước biểu hiện vật lý”. Nếu con nghĩ là biểu hiện vật lý phải đi trước – và sau đó tâm thức sẽ theo sau – thì con sẽ không bao giờ đạt trạng thái tâm thức cao hơn. Nếu con đợi điều kiện lý tưởng để con thể hiện trạng thái tâm thức cao hơn, thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Trước khi thày chấm dứt bài giảng, điều mà thày muốn con suy ngẫm (thày biết là thày đã khiến con suy ngẫm nhiều điều rồi, nhưng thày muốn cho con một điều nữa) là: con hãy xét xem con có trong tâm ý tưởng rất tinh tế cho rằng để có thể thực sự đi trên con đường tâm linh, để có thể biểu hiện một trạng thái tâm thức cao hơn, để có thể thật sự chú tâm vào việc tu tâm linh, một số điều kiện bên ngoài, một số điều kiện vật chất phải được hoàn thành. Nếu con có ý tưởng đó, con hãy suy ngẫm chúng là gì và suy ngẫm câu thày nói: Con có thể chờ đợi điều kiện lý tưởng bên ngoài mãi mãi. Con sẽ không biểu hiện được quả vị Ki-tô nếu con không quyết định tập trung sự chú ý vào bên trong. Con sẽ tìm cái đà trong chính mắt con, con sẽ nhìn chính mình, con sẽ chú tâm vào việc đạt tự điều ngự thay vì điều ngự hoàn cảnh bên ngoài hay đợi cho các hoàn cảnh bên ngoài đó hiện ra như phép lạ.

Có người cho rằng con đường tự điều ngự là dùng vũ lực biểu hiện một số điều kiện bên ngoài. Có người cho rằng nó là thụ động chờ đợi một hồng ân Thiêng liêng nào đó biểu hiện các điều kiện đó. Cả hai điều đó sẻ không xảy ra. Thực ra, giữa hai điều đó, điều tốt hơn là tìm cách ép buộc ngoại cảnh và nhận ra rằng ngoại cảnh không cho con bình an nội tâm. Lúc đó con có thể tiến bước nhanh hơn là những người cứ mãi mãi chờ đợi hồng ân Thiêng liêng cho họ điều kiện để họ có thể biểu hiện bình an.

Tâm thức đi trước biểu hiện vật lý. Vì sao? Vì biểu hiện vật lý là phản ánh của tấm gương vũ trụ gửi lại con điều gì con phóng chiếu vào nó. Con hãy đừng chú tâm vào tấm gương, và hãy chú tâm vào những hình ảnh trong tâm mà con phóng chiếu ra ngoài. Con hãy chú tâm vào cuộn phim trong máy chiếu phim, chứ đừng chú tâm vào màn ảnh.

TA LÀ Hilarion, và thày sẽ hoan hỷ giảng cho con bài kế tiếp ở khóa nhập thất của thày.