Yêu Sứ vụ Thiêng liêng hơn là mơ mộng

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 12/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain. Đây là tầng khai ngộ thứ ba ở khóa nhập thất của thày, tương ứng với Tia thứ Bảy của Tự do và Tia thứ Ba của Tình thương. Tự do và tình thương, hiển nhiên, không có nghĩa là yêu đương tự do như nhiều người diễn giải vào những năm 1960 trở về sau, mà có nghĩa là chúng ta cần nhìn vào tình thương, và đối nghịch của phản-tình-thương, trong quan hệ của con với cõi vật lý, cõi vật chất, cõi của Mẹ. Trong bài giảng vừa rồi, thày có nói là thày mong muốn giảng về cách làm thế nào con đem lại hài hòa giữa đời sống tâm linh và đời sống thực tiễn hàng ngày của con. Đây là một đề tài rất quan trọng cho mọi người tâm linh, đặc biệt khi chúng ta ngày càng bước sâu hơn vào Thời đại Bảo bình.

8.1. Sự phân chia giữa sinh hoạt tâm linh và sinh hoạt hàng ngày

Con yêu dấu, khi con nhìn ngược trở về 2000 năm qua trong thế giới phương Tây, con sẽ thấy là các giáo hội Cơ đốc đã lập ra một lằn ranh tương đối rõ rệt giữa cái mà con có thể gọi là đời sống tâm linh (hay ít ra đời sống tôn giáo) và đời sống thực tiễn hàng ngày. Công bằng mà nói, chuyện đó đã xảy ra phần nào là vì ai nấy đã phải làm lụng thật vất vả để kiếm sống. Con không thể chờ đợi người ta có thể làm việc mười tiếng một ngày mà còn đủ sự chú ý hay sức lực để quan tâm đến chuyện tâm linh. Cứ sáu ngày mỗi tuần, họ đã phải làm lụng mà không thể thật sự để ý tới bất cứ gì tâm linh hay tôn giáo, cho nên họ chỉ có một ngày để đi lễ nhà thờ.

Tuy nhiên hệ quả của sự thể này là trong tâm thức tập thể ở phương Tây, nó đã tạo ra một sự phân biệt rất rõ ràng giữa cái mà con gọi là cuộc sống bình thường hàng ngày và một cuộc sống tôn giáo hay tâm linh. Có rất rất nhiều người nghĩ rằng nếu họ đi lễ nhà thờ vào ngày Chúa nhật, nếu họ xưng tội, nếu họ tham dự Thánh lễ và thắp nến, thì sau đó họ có thể bước ra và sống cuộc đời bình thường theo cách họ muốn trong sáu ngày kia. Theo nhiều cách, họ đã phần nào mặc cả với Thượng đế khi họ nói: “Lạy Chúa, nếu con dành ngày Chúa nhật cho ngài thì ngài hãy cho con sáu ngày còn lại để con làm những gì con muốn. Vậy ngày Chúa nhật tới đây, con sẽ lại đến nhà thờ, lại xưng tội, và con sẽ được tha thứ mọi chuyện con đã làm trong tuần.”

Rất rất nhiều người tâm linh, đặc biệt từ những năm 1960, đã ngộ ra trong nội tâm là cách phân chia rõ rệt như thế giữa “đời và đạo” – nếu có thể nói như vậy – không còn chính đáng nữa khi chúng ta bước sang một thời đại mới. Chúng ta cần tìm một cách nhìn khác về khía cạnh tâm linh và khía cạnh thực tiễn của cuộc sống. Đây là một thử thách to lớn cho nhiều người tâm linh và tất nhiên, nó đã đòi hỏi mỗi người thử nghiệm nhiều cách khác nhau.

8.2. Sự thù ghét cõi của Mẹ

Điều chúng ta cần nói đến trước tiên là sự kiện nhiều người tâm linh đã tạo dựng một loại mộng mơ thiếu thực tế về thế nào là sống tâm linh. Dĩ nhiên, mỗi người mỗi khác, và mỗi nhóm trong các phong trào tâm linh hay Thời mới cũng đã tạo ra biến thể riêng của mình về ý nghĩa của một đời sống tâm linh. Trong số những cách nhìn đó, có một điểm chung là viễn kiến của họ đều dựa trên một thái độ nhất định đối với cõi vật chất. Tất nhiên, đây cũng là một vấn đề đã có mặt từ lâu, không những trong truyền thống đạo Cơ đốc ở Tây phương mà ngay cả ở phương Đông trong các truyền thống đạo Phật và đạo Ấn. Đây là một con quái vật rất mạnh mẽ trong tâm thức tập thể mô tả vật chất như là kẻ thù của sự phát triển tâm linh.

Con yêu dấu, đây hoàn toàn là một ảo tưởng do sa nhân tạo dựng. Thật không có cách nào khác để mà diễn đạt. Đó hoàn toàn là một ảo tưởng, do các sa nhân cố tình tạo ra hầu ngăn cản điều mà chúng coi là mối đe dọa to lớn cho quyền cai trị của chúng trên địa cầu. Con thấy đó, con yêu dấu, điều mà sa nhân đã làm là chúng đã tạo ra sự tách biệt này vì chúng ở trong tâm thức tách biệt, cho nên chúng không thể nào nhịn nổi chuyện tạo ra tách biệt. Chúng đã tạo ra tách biệt giữa những nhóm sa nhân khác nhau, một nhóm chủ ý nắm quyền kiểm soát tôn giáo cùng đời sống tôn giáo, và một nhóm chủ ý nắm quyền kiểm soát đời sống thế tục. Đó là tại sao con có một sự tách biệt ngay đó. Trên cơ bản, chúng bảo là nếu con vâng lời các sa nhân nắm kiểm soát tôn giáo vào ngày Chúa nhật, thì con cũng vâng lời các sa nhân nắm kiểm soát đời sống thế tục vào sáu ngày còn lại.

Thái độ này dựa trên sự kiện là tự thân các sa nhân thù ghét vật chất, chúng thù ghét cõi của Mẹ, tức là cõi vật chất. Chúng thù ghét như vậy chỉ vì vật chất đem lại hậu quả cho chúng, và chúng thì rất ghét hậu quả. Sa nhân thù ghét hậu quả. Nhiều sa nhân tin rằng nếu chúng thật sự có quyền tự quyết thì chúng phải có khả năng lấy bất kỳ chọn lựa nào mà không phải đối mặt với hậu quả.

Hiển nhiên, như các thày đã từng đề cập, nhiều người tâm linh đã phần nào khoác vào thái độ đó, và chuyện này thật là không thực tế. Các thày đã nói rồi: Nếu con làm một sự chọn lựa mà không bị hậu quả vật lý nào, thì làm sao con biết con đã chọn lựa đây? Nếu con không trải nghiệm một hậu quả, làm thế nào con có thể dựa theo đó mà điều chỉnh trạng thái tâm mình? Và nếu con không thể điều chỉnh trạng thái tâm con, làm thế nào con tăng triển được đây?

Con thấy không, đối với sa nhân, tăng triển không phải là mục đích của cuộc sống vì từ rất lâu chúng đã từ chối tăng triển, từ chối tự thăng vượt. Mục đích của chúng là gầy dựng cho bản thân một địa vị quyền thế ưu đãi rồi bám lấy địa vị đó mãi mãi. Con thấy ở đây, mục đích của sa nhân hoàn toàn khác với mục đích của người tầm đạo chân chính. Vậy thì có nghĩa lý gì mà con, một người tầm đạo tâm linh, lại có thái độ đối với cõi vật chất giống như sa nhân?

8.3. Tại sao người tâm linh không ưa vật chất

Tất nhiên, các thày hiểu rõ tại sao quá nhiều người tâm linh lại có thái độ đó. Đó là vì con đã trải nghiệm những hậu quả, hay đúng hơn, con đã trải nghiệm những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, khó chịu, trong cõi vật chất.

Các thày có giảng dạy về các avatar đã đến địa cầu và thường bị sa nhân hiếp đáp tàn nhẫn, thậm chí còn bị tra tấn, giết hại tàn bạo ngay trong kiếp đầu tiên. Đây không phải là một hậu quả trực tiếp của một hành vi của con, bởi vì con đã không làm sa nhân bất cứ điều gì. Đó là một hậu quả của sự chọn lựa mà con đã lấy khi con quyết định đến một hành tinh gian nan như trái đất nơi sa nhân có tầm ảnh hưởng to lớn như vậy. Như con thấy, đó không phải là một hậu quả trực tiếp mà là một hậu quả gián tiếp.

Lẽ tự nhiên, trên một hành tinh như trái đất với quá nhiều bạo lực và đấu tranh như thế này, sự kiện con người nảy sinh gần như một nỗi thù ghét, hay ít ra một niềm oán giận, đối với cõi Mẹ hay cõi vật chất, là một chuyện vô cùng dễ hiểu. Chính cõi vật chất đã trải bày những hậu quả rất khắc nghiệt, khó chịu đó ra. Trong nhiều trường hợp, chính cơ thể vật lý đã cho con nỗi đau dữ dội này, và đương nhiên, cơ thể vật lý được cấu tạo bằng vật chất. Một lần nữa, các thày đã nhắc đi nhắc lại điều này rất nhiều lần: Không có lỗi gì từ phía con. Sự kiện bao nhiêu người tâm linh mang lòng oán giận này đối với cõi vật chất, hay cõi vật lý, cõi của Mẹ, là một điều hoàn toàn thông cảm được. Nhưng giờ đây con đã đạt tới một điểm trên đường tu của con, trong khoá học này, khi đã đến lúc con nhận ra là mặc dù phản ứng của con thông cảm được, thái độ đó không còn xây dựng nữa (thật ra nó chưa bao giờ xây dựng).

8.4. Sự oán giận vật chất ngăn chặn việc đồng sáng tạo

Con yêu dấu, điều gì mà thày vừa nói nằm trong mục tiêu của thày ở đây? Đó là giúp con kết đọng, giúp con thị hiện một hoàn cảnh tốt đẹp hơn cho con. Mục tiêu của thày qua bảy tầng khai ngộ này là để giúp con thị hiện một hoàn cảnh nơi con có sự hài hòa hơn giữa cái nhìn tâm linh của con về cuộc sống và hoàn cảnh thực tiễn hàng ngày của con. Làm sao thày làm được điều đó nếu con oán giận vật chất? Để có hài hòa giữa cuộc sống tâm linh và thực tiễn, một cái gì đó phải thay đổi trong vật chất, đúng không con? Nếu một cái gì đó phải thay đổi trong vật chất, con yêu dấu, điều này có nghĩa là con phải làm việc với vật chất thay vì cưỡng chống lại vật chất. Con phải ngừng cưỡng chống vật chất. Con phải ngừng cưỡng chống cõi Mẹ! Con phải ngừng nhìn vào các điều kiện trên địa cầu và tự nhủ (ít ra là trong tiềm thức): “Ồ, nếu điều kiện khác hơn thì sau đó tôi sẽ có thể sống một cuộc đời tâm linh hơn, sau đó tôi sẽ có thể cảm thấy an bình trên trái đất, sau đó tôi có thể hạnh phúc trên hành tinh này.”

Con thấy đó, con yêu dấu, quá nhiều người tâm linh mà con thấy trên địa cầu (trong mọi loại phong trào, dù là tôn giáo truyền thống, tâm linh, Thời mới hay bất cứ gì khác, ngay cả những người không tham gia vào phong trào nào) có thái độ này: “Ước gì vật chất thay đổi thì thái độ của tôi sẽ có thể thay đổi.” Chẳng phải toàn bộ mục đích của khóa học tự điều ngự này là để giúp con nhận ra vật chất chỉ có thể trải bày những gì được phóng chiếu lên nó hay sao? Nếu có gì phải thay đổi ở đây thì sự thay đổi đó phải bắt đầu trong tâm. Như thày đã nói, mọi hiện tượng vật chất đã khởi đầu trong một cái tâm nào đó. Nếu có điều gì cần thay đổi trong tâm liên quan đến hoàn cảnh của con, thì tâm đó là tâm của ai? Chẳng phải là tâm của con hay sao? Liệu con có quyền năng thay đổi được những cái tâm khác, cho dù là tâm Thượng đế hay tâm của người khác?

8.5. Làm thế nào thay đổi vật chất

Con yêu dấu, con hãy nhìn tín đồ các tôn giáo truyền thống mà xem. Họ đến nơi thờ phượng, họ đi lên bàn thờ, họ quỳ gối trước bàn thờ xong họ cầu nguyện Thượng đế. Trong cốt lõi, họ đang cầu nguyện để Thượng đế thay đổi tâm của ngài: “Kính thưa Thượng đế, xin ngài hãy thay đổi tâm của ngài và cho con một hậu quả khác hơn về những chuyện mà con đang phóng chiếu trong tâm của con.” À, tỷ như con có thể thay đổi được tâm Thượng đế, liệu việc thay đổi tâm con có dễ thực hiện hơn chăng? Con yêu dấu, có nghĩa lý gì mà con, một đệ tử của chân sư thăng thiên, vẫn còn giữ ở đâu đó trong tâm mình cái ý tưởng rằng một ngày nào đó mình sẽ tìm ra công thức bí mật (và có lẽ Saint Germain sẽ trao cho con trong khóa học này về kết đọng) hầu con có thể thay đổi vật chất mà không cần thay đổi tâm? Các thày đã dạy con rồi đó, thày biết rõ, nhưng liệu con có nhập tâm hay chưa? Con có vỡ ra hay chưa? Con yêu dấu, con cần đạt tới điểm nó vỡ ra và con nhận ra là con không thể làm việc với vật chất và thị hiện một hoàn cảnh tốt đẹp hơn trong vật chất mà lại vẫn cưỡng chống, oán giận vật chất – con sẽ chỉ đẩy nó ra xa hơn mà thôi.

Nhiều người trong số các con mang ý tưởng là phải có một cách thần diệu nào đó để thay đổi vật chất. Đúng là có một cách, con yêu dấu. Có một cách thần điệu để thay đổi vật chất, và cách thần diệu đó là sử dụng quyền năng của tâm con. Con không thể sử dụng quyền năng thay đổi vật chất này nếu con oán giận vật chất, nếu con cưỡng lại. Con cần tới điểm con chấp nhận là con đang ở trong vật chất, ở trong cõi vật chất. Con chấp nhận là con ở đây vì con đã chọn ở đây, vì con muốn ở đây.

Thày công nhận là việc đạt đến điểm này không hoàn toàn nằm trong ranh giới hay khuôn khổ mà thày đã định ra cho khóa tu này. Các thày đã có ban lời dạy trong những cuốn sách khác (bắt đầu với cuốn “Những kiếp sống của tôi” và những sách bài tập khác theo sau) sẽ giúp con làm hòa với sự kiện mình sống trong vật chất. Nếu con không xoay chuyển được ngay bây giờ, con sẽ cần dùng những sách đó và làm hòa với sự hiện diện của con ở đây. Một số trong các con sẽ có thể sử dụng những điều thày nói ở đây và làm cuộc xoay chuyển trong tâm mình, qua đó it nhất con sẽ nhận ra được (cho dù con chưa hoàn toàn khắc phục được chấn thương nhập đời, nhưng con vẫn nhận ra được) là con đang có thái độ kháng cự lại vật chất trong tâm. Gần như là con đã quyết định từ chối làm việc với vật chất, hay ít ra con đã từ chối sử dụng tâm mình để làm việc với vật chất. Có thể con có làm việc với vật chất bằng những phương cách vật lý nhưng con không dùng tâm để làm việc với vật chất. Trong nhiều trường hợp, chuyện này liên quan tới sự kiện là trên thế giới có một con quái vật rất lâu đời bảo rằng người tâm linh nên tránh không được giao lưu với vật chất trong đời sống thực tiễn hàng ngày vì như vậy sẽ làm hại đến sự phát triển tâm linh của họ.

8.6. Vật chất không chống lại phát triển tâm linh

Con yêu dấu, con hãy nhìn vào mô hình phổ biến tại phương Đông lẫn phương Tây. Mô hình này cho thấy gì? Tại phương Đông có ý niệm khá quảng bá là những người thật sự tâm linh sẽ rút lên núi Himalaya tu tập. Có một giáo phái mật truyền gồm những vị đắc đạo người Ấn mà không ai từng gặp mặt đang sống nơi những vùng núi hẻo lánh đó, và các vị đang cầm giữ sự cân bằng tâm linh cho hành tinh. Tại Ấn độ, con cũng có truyền thống vô cùng lâu đời của những vị đạo sư thiết lập đạo tràng nơi học trò có thể đến nhập thất, rút lui hẳn khỏi thế gian để sống trong hiện diện của thày mình. Có những thiền viện Phật giáo được thiết lập ẩn khuất, như con thấy ở Tây tạng chẳng hạn có những tu viện được lập ra với chủ ý duy nhất là cống hiến điều mà họ xem là pháp tu tâm linh, trong nhiều trường hợp bỏ hẳn đời sống thực tiễn. Và con cũng thấy một điều tương tự ở phương Tây với các vị tu sĩ và nữ tu trong truyền thống Công giáo. Trong cách nhìn đó, nếu con thật sự là người tâm linh thì con không thể gia nhập vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày. Con phải rút lui khỏi thế gian, vân vân.

Một lần nữa, nếu là trong các thế kỷ trước thì điều này cũng chính đáng, bởi vì các điều kiện sinh sống vật lý quá khó khăn, khắc nghiệt, đòi hỏi nhiều lao động về thể xác lẫn sự chú ý của con người. Sau một ngày làm lụng vất vả, ai nấy đều mệt mỏi. Nhưng ngày nay, nền công nghệ mà phần lớn do thày đỡ đầu, đã cho phép con có một cuộc sống rảnh rỗi hơn – nếu con đặt chiếc điện thoại đó xuống và ngừng theo dõi mọi chuyện xảy ra trên Facebook. Nếu con muốn, con có thể chọn lựa là mình có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn, dư dả nhiều khả năng chú ý hơn. Con có thể thấy là công nghệ cùng lối sống hiện đại đã đem lại một bối cảnh nơi con hoàn toàn có khả năng sống một cuộc đời tương đối năng hoạt giữa xã hội mà vẫn phát triển tâm linh tối đa.

8.7. Đời sống tâm linh của Thời đại Bảo bình không ở trong tu viện

Bây giờ con yêu dấu, có lẽ ở đây chúng ta cần phân biệt. Có một số người tâm linh trên địa cầu không thật sự có mối liên hệ gì với thày hay với Thời Hoàng kim mà thày mong muốn đem lại. Những gì thày nói ở đây không áp dụng cho những người đó, nhưng đối với tuyệt đại đa số những ai đang đầu thai lúc này và có sự quan tâm về tâm linh, thì họ có một mối quan hệ nào đó với thày. Vì vậy trong Sự vụ Thiêng liêng của họ (mà chính họ đã thảo ra trước khi đầu thai) có một ý muốn hỗ trợ việc thị hiện Thời Hoàng kim của thày.

Con yêu dấu, nếu con là một trong những người muốn đóng góp đem lại Thời Hoàng kim của Saint Germain thì thày nói với con: Con sẽ không làm được chuyện này bằng cách rút khỏi thế gian để sống trong một tu viện. Thày không bảo là con không thể làm vậy trong một thời gian ngắn, nhưng con sẽ không làm được vậy bằng cách sống một cuộc đời mà nhiều người tâm linh gọi là lối sống tâm linh, là lối sống mà họ thường hình dung khi họ nói chuyện rút lui khỏi thế gian. Quá nhiều người đã tìm cách khởi xướng những phong trào nhằm thiết lập một loại tịnh đường nào đó. Rồi họ kêu gọi người ta đến sống và làm việc, và họ nghĩ đó là lối sống tâm linh, nhưng đó không phải lả mô thức tâm linh trong Thời đại Bảo bình.

Thời đại Bảo bình là thời đại của cộng đồng, thời đại của Thánh linh. Cộng đồng không có nghĩa là con tự cô lập khỏi thế giới và tạo ra một cộng đồng những người tâm linh có cùng niềm tin và sở thích. Cộng đồng có nghĩa là con sống trong cộng đồng rộng lơn hơn. Con dự phần vào đời sống ngoài kia trong thế giới. Trong nhiều trường hợp, con vẫn có công ăn việc làm bình thường nơi con làm việc với người khác. Con phần nào gia nhập vào xã hội. Thời đại Thánh linh có nghĩa là Thánh linh có thể tuôn chảy, không chỉ trong những gì mà truyền thống xem là môi trường tôn giáo, mà trong đời sống hàng ngày bởi vì con ở đó. Con không thể biết được khi nào con có thể là cánh cửa mở khi mình thốt ra một lời nói cho ai đó và lời nói này sẽ giúp người kia nhảy vọt trên đường tâm linh của họ, ngay cả khi họ không có vẻ gì là người tâm linh.

8.8. Phá vỡ rào cản giữa đời sống thực tiễn và tâm linh

Làm thế nào con sẽ đem lại hài hòa giữa đời sống tâm linh và đời sống thực tiễn? Con sẽ chỉ làm được nếu con thay đổi thái độ đối với ý nghĩa của “đời sống tâm linh” và ý nghĩa của “đời sống thực tiễn”. Con sẽ phải phá bỏ những hàng rào cản trong tâm con. Thày đã nói ai tạo ra rào cản đó chứ? Sa nhân. Làm thế nào con sẽ có thể là người tâm linh đích thực nếu con cho phép những rào cản do sa nhân dựng lên tồn tại trong chính tâm mình? Chúng phải ra đi, con yêu dấu.

Con phải tới điểm không còn phân rẽ đó giữa đạo và đời trong tâm con. Con không còn cách biệt nào giữa những gì con xem là sinh hoạt tâm linh và những gì con xem là sinh hoạt thực tiễn. Điều này không có nghĩa là phần nào con có thể tìm ra một lối sống nơi mọi sinh hoạt đều là tâm linh dựa theo mô thức tâm linh của con. Không đâu, con yêu dấu, nó có nghĩa là con cần làm điều mà rất ít người sẵn sàng làm (trong số những người tự xem mình là tâm linh). Con cần phải thay đổi thái độ để ngừng xem các “sinh hoạt tâm linh” là tâm linh. Con phá vỡ toàn bộ khuôn đúc đó đã được dựng lên trong tâm thức tập thể về ý nghĩa sinh hoạt tâm linh.

Không phải là chuyện đi nhà thờ hay đi chùa hay đi nhập thất. Không phải là chuyện tham gia một số sinh hoạt nào đó, như tụng kinh, đọc bài chú bài thỉnh, cầu nguyện, tham thiền, trầm tư, tỉnh giác hay bất kể. Đó không phải là ý nghĩa của sinh hoạt tâm linh trong Thời đại Bảo bình. Trong Thời đại Bảo bình, tất cả mọi thứ đều là sinh hoạt tâm linh – nếu con làm với tư duy xem đó là tâm linh.

8.9. Vượt qua nỗi oán giận vật chất

Con yêu dấu, điều này khởi đầu khi con xem xét, con chân thành và sẵn lòng nhìn nhận là mình đang mang trong tâm một nỗi oán giận đối với vật chất. Một lần nữa, sự kiện con có nỗi oán giận này rất dễ hiểu, và thày không trách con. Thày không đang nói là con không nên có hay con không bao giờ được có nỗi niềm đó. Con yêu dấu, thày không biết làm thế nào con có thể, như một avatar, đến một hành tinh dày đặc như thế này mà không nuôi dưỡng nỗi oán giận đối với vật chất. Không phải thày nói con không bao giờ nên như vậy, mà thày chỉ nói là con cần nhìn nhận là con có nỗi niềm đó và đã đến lúc con thăng vượt nó.

Con thăng vượt bằng cách làm việc trên chính con và thực sự nhìn vào cõi vật chất. Thày đã có nói là con cần nhìn xa hơn các hiện tượng vật chất. Con cần nhận ra vật chất được cấu tạo bằng nguyên tử, phân tử, hạt hạ nguyên tử và sóng năng lượng. Ở đây con cần nhận ra là tất cả mọi hiện tượng vật chất mà con thấy đều thật sự làm bằng chất cơ bản đó.

Con yêu dấu, chất cơ bản đó, mà các thày gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật, không phải là kẻ thù của con. Nó không tìm cách trả đũa con, hãm hại con hay kháng cự con! Khi nào con vượt khỏi tất cả những hình ảnh và khuôn đúc đó được phóng chiếu lên Ánh sáng Mẫu-Vật, thì con mới chạm được Ánh sáng Mẫu-Vật thuần khiết. Ánh sáng Mẫu-Vật này không hề cưỡng lại con chút nào. Tự thân Ánh sáng Mẫu-Vật không tách biệt khỏi Tánh linh. Khi con đi xuống và chạm Ánh sáng Mẫu-Vật thuần khiết, như cái Ta Biết hoàn toàn có khả năng làm được (nếu con gạt sang một bên thái độ bình thường của con), thì con sẽ thấy Ánh sáng Mẫu-Vật không hề tách rời khỏi Tánh linh. Giữa Mẹ Thiêng liêng và Cha Thiêng liêng không hề có ngăn cách.

Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là ngay cả sự phân biệt giữa cái gọi là khía cạnh “cha” của Thượng đế và khía cạnh “mẹ” của Thượng đế có khuyng hướng tạo ra, hay ít nhất duy trì, một tính chất nhị nguyên nào đó, nhưng cả hai không hề tách biệt. Ánh sáng Mẫu-Vật là một phần nối dài của Cha. Ánh sáng Mẫu-Vật được sử dụng để hình thành hành tinh địa cầu là một phần nối dài của Ánh sáng Mẫu-Vật trong cõi tâm linh, chỉ khác chút xíu về mặt rung động. Dù sao thì, con yêu dấu, điểm quan trọng ở đây là khi con đi xuống Ánh sáng Mẫu-Vật cơ bản đã hình thành địa cầu, Ánh sáng Mẫu-Vật đó có khả năng diễn bày ra bất kỳ hình tướng nào được phóng chiếu lên nó, trong khuôn khổ cái khuôn đúc bao gồm mọi hình tướng khả dĩ mà các Elohim đã thiết lập.

Điều này có nghĩa Ánh sáng Mẫu-Vật có khả năng diễn bày một trạng thái địa đàng trên trái đất cũng dễ dàng y như tình trạng hỗn loạn mà con chứng kiến trên địa cầu. Khi con thực sự suy ngẫm điểm này, con nhận ra Ánh sáng Mẫu-Vật không phải là kẻ thù của con ở đây. Ánh sáng Mẫu-Vật không hề cưỡng lại con, vậy tại sao con lại cưỡng lại chứ – bởi vì con đang cưỡng lại nó trong tâm đó.

Một lần nữa, điều hoàn toàn thông cảm được là con đã đến hành tinh này và đã nuôi lớn niềm oán giận Ánh sáng Mẫu-Vật (hoặc ngay cả nếu con là một cư dân nguyên thủy, một khi con chạm trán với sa nhân và những gì chúng làm với Ánh sáng Mẫu-Vật tạo ra các hậu quả đau đớn đó, thì con cũng nảy sinh lòng oán giận). Một lần nữa, không có chuyện trách cứ gì ở đây, nhưng đã đến lúc con nhìn lại và nhận ra là nếu con thật sự muốn thay đổi hoàn cảnh của mình trong vật chất, thì đâu sẽ là cách duy nhất để con làm được? Đó là con hành động qua trung gian vật chất. Cách duy nhất để thay đổi vật chất là chấp nhận và ôm lấy vật chất, là ngừng oán giận nó, ngừng cưỡng lại nó, ngừng đẩy nó ra xa con.

8.10. Bất nhất trong nhận thức của người tâm linh

Con thấy chăng, con yêu dấu, nhiều người tâm linh mang cái gọi là “bất nhất nhận thức” (cognitive dissonance)? Họ mang một sự mâu thuẫn giữa những gì họ tin và những gì họ làm. Một mặt, con tin là cuộc sống có một phương điện tâm linh, có một thực tại tâm linh, nhưng con vẫn chấp nhận phần lớn lời xuyên tạc của tôn giáo cho rằng có sự phân biệt, hay sự chia cách, giữa vật chất và Tánh linh. Vật chất ở ngay đây, còn Tánh linh thì ở đâu khác, và do đó vật chất không tâm linh.

Khi con thức tỉnh thấy cuộc sống có một khía cạnh tâm linh, dường như trong con có một thành phần cảm thấy dễ chấp nhận Tánh linh. Con ôm lấy, con chấp nhận có một Tánh linh. Có thể con không có khái niệm rõ ràng Tánh linh là gì, hay con chưa có một trải nghiệm trực tiếp, nhưng con cảm thấy mình dễ dàng chấp nhận một số giáo lý tâm linh bảo con Tánh linh là gì và cõi tâm linh như thế nào. Chẳng hạn nhiều người theo Thời mới có lòng tin và sự quan tâm rất lớn đối với thiên thần và họ nghĩ mọi chuyện trên cõi thiên thần đều tuyệt vời.

Đồng thời, con vẫn tin cõi vật chất cách biệt với cõi tâm linh. Con nghĩ, để thay đổi một điều gì đó trong vật chất, con phải đi qua trung gian cõi tâm linh. Bằng một cách nào đó, con phải với tay tới một sinh thể tâm linh có quyền năng thay đổi vật chất, và sinh thể này sẽ có thể thay đổi vật chất cho con. Tên khóa tu này là gì, con yêu dấu? Là khóa tu tự điều ngự! Tự điều ngự không có nghĩa là con tìm được một sinh thể tâm linh giống như một ông thần hay ông Già Nô-en với quyền năng toại nguyện mọi ước muốn của con.

8.11. Khắc phục phàm linh oán giận vật chất

Tự điều ngự có nghĩa là chính con có khả năng thay đổi vật chất, nhưng một lần nữa, con không thể thay đổi vật chất nếu con kháng cự lại nó. Con phải đạt tới điểm con nhìn ra sự kháng cự đó, nhìn ra đó là một phàm linh nội tại hay một ngã tách biệt, và con phải lui ra khỏi nó. Con phải sử dụng những lời dạy này mà thày trao cho con, sử dụng bài thỉnh cho đến khi cái Ta Biết bỗng nhiên bước ra ngoài phàm linh đó, thấy nó là một phàm linh, thấy chính phàm linh đó đã được tạo dựng từ nỗi oán giận vật chất, từ lực cưỡng lại vật chất. Khi đó, con cần không bước vào bất kỳ kiểu tranh luận nào với nó.

Phàm linh sẽ cố bảo vệ mạng sống của nó, bênh vực sự hiện hữu của nó. Nó sẽ nghĩ ra đủ mọi lập luận (và có thể sa nhân cũng sẽ phóng vào tâm con tất cả những lập luận đó) là tại sao vật chất là như vậy, tại sao vật chất đã tách ra khỏi Tánh linh và tại sao tất cả mọi hậu quả tiêu cực mà con thấy trong vật chất không thể nào đến từ Tánh linh, cho nên vật chất phải được tách rời khỏi Tánh linh, và nhiều luận cứ khác nữa. Con không phải bước vào cuộc tranh luận vì con sẽ không vứt bỏ được phàm linh này bằng cách chứng minh là nó sai. Con sẽ chỉ vứt bỏ nó được khi con thấy nó như cái nó là, thấy nó là một phàm linh tách biệt trong bản thân con, nhận ra con là cái Ta Biết chứ không là phàm linh đó, con không muốn nó trong đời con nữa và con giản dị cho nó chết đi.

Khi nào con còn tranh cãi với nó, cố gắng biện minh cho nó hay chứng minh là nó sai, thì con đang cho nó năng lượng. Con cần ngừng không cho nó năng lượng nữa và để cho nó chết. Ai đã tạo ra nó? Chính con. Ai đã nuôi dưỡng nó? Chính con, qua sự chú ý của con, qua các tin tưởng của con. Khi con ngừng cho nó thức ăn năng lượng của con, nó sẽ chết. Tất nhiên con có thể thỉnh cầu để các chân sư tiêu hủy nó đi, nhưng dù sao thì khi con ngừng nuôi dưỡng nó, nó sẽ chết. Đây là mục tiêu của con ở mức này của khoá nhập thất của thày, là đạt tới điểm khi phàm linh oán giận vật chất của con qua đời. Nó không còn nữa.

8.12. Xét đến các mộng mơ của con

Con phải đạt tới mức chấp nhận là vật chất không cưỡng lại nỗ lực của con nhằm thiết lập một cuộc sống tâm linh hơn. Tuy nhiên, vật chất sẽ không tuân theo những mộng mơ mà con hiện có về thế nào là sống tâm linh. Con phải nỗ lực nhìn ra là ý tưởng bảo đời sống tâm linh phải như thế nào, cũng là một phàm linh. Tất nhiên, giống như phàm linh kia, cái này cũng gắn liền với một phàm linh tập thể, nhưng nó là một phàm linh nội tại và con cũng phải để cho nó chết đi.

Chừng nào con còn bám giữ phàm linh nội tại này bảo đời sống tâm linh phải như thế nào, con sẽ không thể thấy những gì chính con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng về cách con muốn sống đời con. Một lần nữa, thày có thể cam đoan là hầu hết các con đã không ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng là mình muốn rút khỏi thế gian để sống trong tu viện hay trong tịnh thất. Con đã thiết kế Sự vụ Thiêng liêng để con sẽ sống một cuộc đời tương đối năng hoạt, sẽ tương tác với người khác, để con là cánh cửa mở, như thày đã nói, cho việc biểu hiện một số ý tưởng từ cõi thăng thiên.

Thày không đang nói đến chuyện tất cả các con biểu hiện những phát minh to lớn. Cuộc sống hàng ngày được cải thiện là nhờ những người bình thường hàng ngày đưa ra ý mới về những cách làm hay hơn. Chuyện này xảy ra trong môi trường làm việc hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác nơi con có mặt. Luôn luôn có chỗ cho sự cải tiến qua sáng kiến mới, nhưng ai sẽ là người đưa ra được đây? Đúng vậy, là một người có sự hòa điệu cùng một khả năng hay kinh nghiệm chuyên môn trong lãnh vực đó.

Con thấy được ở đây là có thể có – và đối với hầu hết người tâm linh, chắc chắn là có – sự khác biệt lớn lao giữa sự mơ mộng về một đời sống tâm linh và những gì con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng của con. Khi con buông bỏ những ý tưởng về đời sống tâm linh, khi con buông bỏ nỗi oán giận đối với vật chất, con sẽ có thể bắt đầu nhìn ra những gì con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng. Khi con thảo Sứ vụ đó, con không ở trong cùng một trạng thái tâm như bây giờ. Lúc đó con không mang oán giận đối với vật chất – con không cảm thấy nó – con không mang ý nghĩa lý tưởng xa vời về lối sống tâm linh, mà con xem xét một cách rất thiết thực và nói: “Đâu là tiềm năng tăng triển cho tôi trong kiếp này? Làm thế nào tôi thực hiện được chuyện này tốt nhất dựa trên quá trình của mình, nghiệp quả của mình và những người mà mình có mối ràng buộc? Tôi muốn đầu thai trong loại xã hội như thế nào để có thể làm cánh cửa mở và biểu hiện ý tưởng mới cho các chân sư thăng thiên và Saint Germain?”

8.13. Tiến bộ là một vấn đề thực tiễn

Từ một quan điểm hoàn toàn thực tế, điều gì đã tạo ra tiến bộ trong xã hội mà con thấy trong một ngàn năm qua? Đó là sáng kiến mới! Ai đã đưa ra những sáng kiến đó? Có phải là các tu sĩ và nữ tu trong tu viện? Có phải là những vị tâm linh ngồi trong hang đá núi Himalaya? Hay đó là những người sống ở ngoài kia trong đời sống thực tế, khiến họ trong nhiều trường hợp nghiệm thấy một vấn đề, và nhờ thế họ đã với lên một giải pháp tốt đẹp hơn?

Thày không bảo là không có giá trị nào trong việc ngồi trong hang đá trên núi Himalaya và đạt đến một tầng tâm thức cao hơn. Thày chỉ nói là đối với hầu hết các con, đó không phải là điều mà con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng, vì con đã nhìn thấy rất rõ là việc đưa nền văn minh này tiến lên Thời Hoàng kim của Saint Germain không phải là một vấn đề lý tưởng, mà là một vấn đề thực tiễn.

Biết bao học trò của chân sư thăng thiên đã từng nghe nói về Saint Germain và một thời hoàng kim, đang có những mộng mơ hoàn toàn không thực tế về ý nghĩa của nó. Họ nghĩ là thày có một cái nhìn lý tưởng, xa vời, tựa như chuyện địa đàng không tưởng nào đó về một xã hội tương lai. Họ nghĩ là một ngày nào đó trong tương lai sẽ có một sự đột phá rồi Thời Hoàng kim sẽ hiện ra. Cũng từa tựa như cơn điên loạn tập thể mà con thấy trước năm 2012 khi bao nhiêu người Thời mới tin rằng địa cầu sẽ xoay hướng một cách thần diệu để bước vào một chiều không gian mới và rồi mọi chuyện sẽ thay đổi.

Con yêu dấu, đây là vấn đề mà chúng ta đã có nói đến gần đây, tức là có một khoảng cách giữa thực tế và những gì mà người tâm linh tin tưởng. Mục đích của khóa tu tự điều ngự là để giúp con khắc phục khoảng cách, hầu con có thể thị hiện những gì con có trong tâm con. Và để khắc phục khoảng cách đó, con phải điều chỉnh những thứ đó trong tâm để đem nó xuống một tầm mức thực tiễn và thực tế. Làm thế nào Thời Hoàng kim của Saint Germain thị hiện được đây? Không phải đùng một cái đâu. Nó sẽ thị hiện qua vô số những bước nhỏ có vẻ không mấy quan trọng. Sẽ có rất rất nhiều người đưa ra những ý tưởng nhỏ bé tự thân sẽ chỉ tác động rất ít trên tầng cấp toàn cầu, nhưng hợp chung tất cả những ý nhỏ bé đó lại, nó sẽ đưa nền văn minh này đi lên.

Con yêu dấu, không phải là sẽ có một thời điểm khi con có thể nói, vào ngày 11 tháng 1 năm 2053 Thời Hoàng kim sẽ xuất hiện. Khi Thơi Hoàng kim trở nên hiện thực, hầu hết mọi người trên địa cầu sẽ không để ý thấy nữa. Họ sẽ nhận thấy các điều kiện sinh sống cải thiện lần hồi, và đó chính là bản chất của Thời Hoàng kim. Đó không là chuyện xoay chuyển duy tâm, thần diệu, mà là chuyện bước đi từng bước một, và chính con cũng sẽ làm như vậy. Quá nhiều người trong các con mang ý tưởng trong tâm là một ngày kia một sự chuyển vọt to lớn sẽ xảy đến và bỗng dưng con có được lối sống tâm linh mà con hiện không có.

8.14. Thu hẹp khoảng cách

Trong tâm con thấy, đây là tình trạng thực tế của con ngay bây giờ, và kia là nơi mà các lý tưởng tâm linh của con bảo con phải đến, và giữa hai điểm đó có một khoảng cách khổng lồ. Nếu con lui lại một bước và nhìn vào khoảng cách, con sẽ thấy là trong tâm con không có một cách thực tế nào để đóng lại khoảng cách đó. Con không thấy làm sao mình đóng lại được khoảng cách. “Làm thế nào tôi sẽ rời hoàn cảnh thực tiễn hàng ngày của tôi – nơi tôi vẫn phải kiếm sống, phải chăm sóc con cái, phải đi làm, phải cái này, phải cái kia trong cõi vật lý – làm thế nào tôi sẽ rời tất cả những bổn phận đó để sống lối sống tâm linh mà tôi mường tượng?” Phải, con sẽ không bao giờ làm được bởi vì lối sống tâm linh mà con mường tượng trái ngược với chính Sứ vụ Thiêng liêng của con.

Con yêu dấu, thày có thể cam đoan với con là nếu con cố thị hiện một điều gì trái ngược với Sứ vụ của con, có một phần trong tâm tiềm thức sẽ phá hoại nỗ lực của con. Các nhà tâm lý học hay nói về “hội chứng tự phá hoại” và trong một số trường hợp, đó là vì người đó có những vấn đề tâm lý trầm trọng. Nhưng đối với nhiều người tâm linh, hội chứng tự phá hoại có nghĩa là tâm ý thức của họ đã chọn ra một mục tiêu đi ngược lại Sứ vụ Thiêng liêng của họ, và trong tiềm thức họ sẽ tự phá hoại bản thân hầu tránh bị kẹt lại trong một sinh hoạt sẽ khiến họ rời xa Sứ vụ của họ.

Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điểm này thật kỹ, và có thể con nhìn ra một số sự việc trong đời mình khi mình đã có ý bước vào một lãnh vực nào đó nhưng rồi có gì đó đã xảy đến. Một cách nào đó, con đã phá hoại mục tiêu đó. Có thể con sẽ nhìn lại với sự oán giận và nuối tiếc: “Tại sao mình đã làm vậy, và tại sao mình ngu thế?” Rất có thể sự thật là bởi vì mục tiêu, hay mong muốn ý thức của con, đã không đồng thuận với Sứ vụ Thiêng liêng.

8.15. Để ý đến sự chú ý

Do đó con cần nhìn nhận là chừng nào tâm con còn bị ám ảnh bởi mộng mơ thiếu thực tế đó, con sẽ không thể lui lại và có tâm tĩnh lặng để mà thoáng nhìn thấy Sứ vụ Thiêng liêng. Con cần nhận ra là nếu con muốn nhìn thấy một điều gì mà tâm ý thức hiện chưa thấy được, thì con phải tạo một khoảng không gian trong tâm nơi viễn quan đó có thể hiện xuyên qua. Con phải nhận ra là sự chú ý của con vô cùng quan trọng.

Đã có những lời dạy của chân sư thăng thiên nói về một bức màn năng lượng. Cái ác có nghĩa là bức màn năng lượng [trong Anh ngữ, cái ác là “evil” và màn năng lượng là “energy veil”, chơi chữ là “e-veil”]. Có một bức màn năng lượng ngăn cản con nhìn thấy. Nhiều học trò của chân sư thăng thiên đã suy luận là các tà lực đã tạo ra bức màn năng lượng đó. Tất nhiên, tà lực đã tạo ra một bức màn năng lượng. Tâm thức tập thể đã tạo ra một bức màn năng lượng, và đương nhiên con sẽ phải đâm thủng qua. Nếu con đã theo học khóa tu này cho đến tầng tâm thức này thì con đã học được cách đâm thủng qua với các bài chú, bài thỉnh. Con không hoàn toàn bị đui mù bởi bức màn năng lượng của tà lực và tâm thức tập thể.

Vậy thì cái gì làm con đui mù? Đó là bức màn năng lượng mà con đã tạo ra và duy trì trong chính tâm con. Màn năng lượng này được tạo ra do sự chú ý của con đã tập trung vào một số các giấc mơ mộng và hình ảnh không thực tế đó về người tâm linh phải như thế nào và lối sống tâm linh có nghĩa là gì. Con yêu dấu – lý tưởng nhất – thày mong muốn là con sẽ nhìn được những ý tưởng đó như một quả bong bóng và con có thể lấy một cây kim nhỏ chích vào quả bong cho nó nổ tung ra – và bao nhiêu mơ mộng cũng tan theo. Một lần nữa, điều này không hẳn là thiết thực, ít ra là đối với đa số các con. Con sẽ phải nỗ lực một chút để làm chuyện này.

Con sẽ phải sẵn lòng nhận ra một sự thật rất rất giản dị. Như thày đã có nói trong một đợt truyền pháp trước, con người là nô lệ cho sự chú ý của mình. Chú ý hướng về đâu, năng lượng của con sẽ theo về đó. Khi con đặt chú ý vào một điều gì, như ước mơ về lối sống tâm linh, năng lượng con sẽ đi theo đó. Một khi con đặt nhiều chú ý hơn vào đó, một bức màn năng lượng được dựng lên. Nó sẽ ngăn cản con làm gì? Nó ngăn cản con thấy được một viễn quan nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng, bởi vì con quá tập trung vào viễn kiến con tạo ra trong tâm ý thức đến độ con không thể hòa điệu với tâm cao hơn.

Điều cũng xảy ra là càng nhiều năng lượng dành cho điều gì thì bức màn năng lượng sẽ càng kiên cố, và bấy giờ nó không chỉ trở thành một bức màn năng lượng mà một nam châm năng lượng sẽ lôi kéo chú ý của con. Con đặt chú ý vào một khuôn đúc thì con cho phép năng lượng chảy vào khuôn đúc. Khi năng lượng đạt mức tới hạn (critical mass), khuôn đúc sẽ bắt đầu lôi kéo sự chú ý để con ngày càng tập trung nhiều hơn vào nó. Nó biến thành một vòng ốc xoáy có thể nuốt hết tất cả năng lượng, tất cả sự chú ý của con cho đến hết quãng đời còn lại.

Trên lý thuyết, con có thể duy trì viễn quan hiện thời của con về con người tâm linh. Con có thể đeo đuổi viễn quan suốt phần đời còn lại mà không bao giờ đạt được. Điều này, tất nhiên, thày không mong muốn nhìn thấy ở con. Thày mong thấy con đâm thủng bức màn năng lượng, đập tan bức màn năng lượng, đập tan giấc mơ mộng không thực tế kia và nhìn ra những gì con đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng, là những điều thực tế và thiết thực cho con trong kiếp này. Để làm được vậy, con phải sẵn lòng tạo ra khe hở đó, tĩnh lặng đó trong tâm mình nơi con có thể bất chợt nhìn xuyên qua bức màn.

8.16. Công thức bí mật

Thành thật mà nói, con yêu dấu, đây là một bí mật mà con có thể bảo là một trong những công thức bí mật mà nhiều người mơ ước. Chỉ có cái là nó không đúng hẳn như những gì họ ước mơ.

Bí mật là như sau: Khi sự chú ý của con bị thu hút tập trung vào một lãnh vực nào đó, con sẽ không thể nhìn quá nó được nếu con vẫn cứ chú tâm vào nó. Con phải rút chú ý ra khỏi lãnh vực đó – ít ra là đủ lâu để có được một tĩnh lặng nào đó trong tâm khi những đám mây sẽ tẽ ra và một tia sáng mặt trời từ Hiện diện TA LÀ có thể rọi qua. Phải có một khe hở. Chừng nào con còn chú tâm vào giấc mơ thì sẽ không còn chú ý nào sót lại cho Hiện diện TA LÀ của con. Đại ý con bảo rằng: “Hiện diện TA LÀ, hãy đừng làm phiền tôi, hãy đừng quấy rầy tôi, để yên cho tôi tập trung vào viễn kiến vỏ ngoài này!”

Đó không phải là cách con tinh tấn trên đường tu. Ngay đây con phải bắt đầu với một quyết định ý thức: “Được rồi, tôi sẽ xem xét giấc mơ của tôi về ý nghĩa của một người tâm linh và đời sống tâm linh. Tôi sẵn sàng tra vấn viễn kiến này. Tôi sẵn sàng nhìn xem nó có cao nhất hay không. Đặc biệt, tôi sẵn sàng nhìn xem nó có đồng thuận với Sứ vụ Thiêng liêng hay không. Nếu không thì tôi sẽ muốn biết, và tôi muốn để cho mơ mộng đó ra đi, và tôi muốn nhìn thấy những gì ở trong Sứ vụ của tôi.”

Khó khăn ở đây, con yêu dấu, là mơ mộng của con về ý nghĩa người tâm linh có thể là một viễn kiến rất đầy đủ, bao quát, chi tiết mà con mang trong tâm ý thức. Trong nhiều trường hợp, khi con có khe hở qua đó con nhận được điều gì đó từ Hiện diện TA LÀ, thì điều này sẽ không là viễn quan trọn vẹn của Sứ vụ Thiêng liêng cho phần còn lại của kiếp này. Điều con nhận được là bước kế tiếp mà con cần đi, và nó sẽ không có vẻ gì là lý tưởng, lãng mạn, tuyệt vời như giấc mơ mộng vỏ ngoài.

Một lần nữa, con cần phải quyết định trong ý thức là con sẵn sàng để cho mơ mộng này ra đi, con sẵn sàng bước theo lời gợi nhắc nhận được từ bên trong và đi từng bước một. Rất có thể con nhận được một thôi thúc từ Hiện diện TA LÀ để làm một việc gì đó rất thiết thực mà con không thấy có liên hệ nào với viễn kiên vỏ ngoài. Đó là tại sao sau đó, con phải sẵn sàng bỏ sang một bên cái nhìn vỏ ngoài và nói: “Tôi sẽ đi theo lời gợi nhắc này từ trực giác nội tâm cho dù nó có dẫn tôi đi đâu.” Thày cam đoan với con là nếu cứ bền chí đi theo những lời nhắn gọi từ Hiện diện TA LÀ, chúng sẽ đưa con tới mục tiêu mà con đã định ra trong Sứ vụ. Nó có thể không liên quan gì nhiều tới viễn kiến vỏ ngoài nhưng một lần nữa, con cần quyết định: “Tôi muốn đi theo cái nào, viễn quan thực tiễn và thực tế mà tôi đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng, hay những mộng mơ lý tưởng nhưng không thực tế mà tôi đã dần dà chấp nhận với tâm vỏ ngoài?”

8.17. Xét lại phong trào tâm linh của con

Có những người – và sẽ có nhiều người hơn nữa khi giáo lý này phổ biến nhiều hơn – sẽ khám phá ra quyển sách này và họ đang ở trong một phong trào tâm linh nhất định. Dựa trên giáo lý của phong trào đó, họ có một viễn kiến về người tâm linh phải như thế nào. Sẽ có một số người mà viễn kiến vỏ ngoài mà họ nhận được gần như đi ngược lại, hay ít nhất rất xa với những gì họ đã ghi vào Sứ vụ Thiêng liêng. Con sẽ có thể nói: “Vậy tại sao họ lại gia nhập phong trào tâm linh đó chứ?” Họ đã gia nhập vì họ phải học hỏi một điều gì đó.

Nói cách khác, trong Sứ vụ của họ có ghi là họ nên gia nhập phong trào này nhưng Sứ vụ không bảo là họ nên tán thành và chấp nhận viễn kiến của phong trào này về ý nghĩa của một người tâm linh. Họ cần phải học một bài học nào đó, và trong một số trường hợp, đó là học làm thế nào mình không nên làm một số chuyện trong một môi trường tâm linh, hay mình không nên sống tâm linh như thế nào. Họ phải học một điều gì đó. Một khi học xong thì đến lúc họ cần bước đi tiếp, đến lúc họ buông bỏ viễn kiến đó về người tâm linh.

Cũng có nhiều người tâm linh đang đầu thai hiện nay đã từng đầu thai trong những kiếp trước trong khung cảnh tu viện hay tịnh thất. Con đã là một người tâm linh trong nhiều kiếp rồi, do đó con đã tự động hướng về lối sống mà thuở đó có vẻ là lối sống tâm linh nhất. Nhiều người trong các con có những lý tưởng mà con đã đem theo từ kiếp này sang kiếp khác, rằng: “Là người tâm linh thì tôi phải sống như thế nào?” Gần như là con bị thúc ép phải sống lối sống tâm linh đó.

Con thấy có biết bao người, chẳng hạn ở phương Tây, gần như quỳ xuống tán dương khi họ gặp các vị lạt ma hay đạo sư từ phương Đông. Họ nghĩ các vị này chắc hẳn đang có một đời sống tâm linh quá tuyệt vời so với những gì họ có được ở phương Tây. Họ nghĩ mọi chuyện ở phương Tây đều phản tâm linh nhưng các vị lạt ma kia, với dáng đi khoan thai trong áo cà sa tha thướt đủ màu, mới là những người tâm linh đích thực. Họ nghĩ là mình phải cố bắt chước theo và cũng sống như thế. Con yêu dấu, thày không bảo là con không nên làm vậy – nếu đó là Sứ vụ Thiêng liêng của con. Thày chỉ muốn gợi cho con là nếu Sứ vụ của con có ghi là con trở thành một vị lạt ma thì có lẽ con đã không hiện thân tại phương Tây.

Tại sao con đã đầu thai tại phương Tây? Chẳng phải con đã thấy đó là cách hay nhất để con giúp đẩy mạnh Thời Hoàng kim của Saint Germain hay sao? Cho nên con hãy khởi sự đi chứ! Hãy với lên viễn quan chỉ ra cho con thấy làm thế nào con có thể giúp thị hiện Thời Hoàng kim ngay nơi con đang sinh sống, thay vì du hành sang Ắn độ, du hành sang Tây tạng hay nhập vào tu viện, nhập vào tịnh thất nơi con có thể cách ly khỏi thế giới Tây phương.

8.18. Con yêu gì hơn?

Thày không đang bảo con làm điều gì mà con không muốn làm trong tâm cao hơn của con. Có thể thày đang bảo con làm điều gì mà tâm vỏ ngoài của con không muốn làm. Đó là tại sao giờ đây con đối mặt với sự chọn lựa trên Tia thứ Ba của Tình thương: “Con yêu cái gì hơn?” Liệu con yêu tâm vỏ ngoài, viễn kiến vỏ ngoài, hay con yêu Hiện diện TA LÀ và viễn quan mà con đã đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng của con? Đó là viễn quan mà chính con đã đặt vào đó khi con có tầm nhìn rộng rãi hơn tầm nhìn của con trong lúc này.

Điều thày nói với con là nếu con chịu dùng bài giảng này, con thật sự có khả năng xoay chuyển nhãn quan của con. Con có khả năng giải thoát khỏi nỗi ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsion) của những viễn kiến và mục tiêu vỏ ngoài đó, những mộng mơ đó. Con sẽ có khả năng đạt được minh mẫn về thực tế thiết thực mà con đã đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng. Con yêu dấu, con yêu gì hơn? Những lý tưởng xa vời có thể sẽ chẳng bao giờ thành hình hay thực tế thiết thực mà con có thể cải thiện từng bước và từng bước? Chúng ta vừa nói đến khoảng cách. Quá nhiều người tâm linh tuy thấy được khoảng cách nhưng khoảng cách cứ còn đứng mãi ở đó, là vì họ ngồi chờ cho đến khi họ nhìn thấy một bước tâm linh rõ ràng để mà bước tới. Nhưng họ lại coi nhẹ và từ chối rất nhiều những bước nhỏ thiết thực mà họ đã có thể đi theo để cải thiện đời họ.

Có câu ngạn ngữ cổ xưa bảo rằng nếu con ngước mắt lên trời và cố với lấy các vì sao thì ít ra tay con sẽ không bị lấm đầy bùn. Con yêu dấu, nếu con nhìn lên các vì sao mà lại coi nhẹ tất cả những con đường dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn dưới này, thì có ich gì cho con? Sẽ chẳng tốt hơn hay sao nếu con nhập cuộc và làm bẩn tay, nhưng đồng thời con cũng khám phá ra những cách cải thiện đời mình và xích lại gần hơn với những gì con đã viết trong Sứ vụ của con?

8.19. Khoảng cách trong tâm vỏ ngoài

Khi con thảo Sứ vụ Thiêng liêng, con nhìn thấy con sẽ khởi đầu kiếp sống ở mức nào. Con cũng đặt ra một mục tiêu thực tế cho những gì con có khả năng đạt được trong kiếp này, những mức tăng triển mà con có thể vượt qua. Nói cách khác nếu chúng ta dùng hình ảnh 144 tầng tâm thức, con có thể nói là con khởi đầu ở tầng 56 và con có thể lên tới tầng 120. Giữa tầng 56 và 120 có một khoảng cách to lớn, phải không con? Có thể con không hình dung được khoảng cách lớn thế nào nhưng nó rất lớn. Thực tế là con có thể lấp được, nhưng con sẽ làm thế nào đây? Liệu con sẽ nhảy bổng từ tầng 56 vì con đã phát hiện ra một công thức bí mật trong sách cũ? Hay là con sẽ đạt đến tầng 120 bằng cách trước tiên leo lên tầng 57, rồi tâng 58, rồi tầng 59 và cứ thế?

Con có thấy tại sao trong tâm vỏ ngoài có một khoảng cách? Đó là vì con đã không ngó ngàng gì đến những bước nhỏ sẽ dẫn con tới mục tiêu, hay con có một mục tiêu hoàn toàn không thực tế cho nên con không thể sắp đặt một chuỗi bước nhỏ dẫn đến mục tiêu. Rất nhiều người tâm linh có một mục tiêu trong tâm vỏ ngoài hoàn toàn không thực tế. Không một ai, kể cả thày, có thể đưa họ đến mục tiêu từ nơi họ đang đứng và đề ra một tiến trình hợp lý, thực tiễn gồm những bước khả thi sẽ dẫn họ đến muc tiêu. Đơn giản là không có cách nào để tới đó. Đây là tại sao sa nhân đã dựng lên những mục tiêu này vì chúng biết là không ai có thể đạt được. Và do đó người ta cứ không ngừng chạy đuổi theo hũ vàng ở cuối cầu vồng rồi bị bất mãn, thất vọng – và đó chính là điều sa nhân mong muốn. Thày không muốn con bị bất mãn, thất vọng. Thày muốn con được thỏa nguyện khi con biết rằng mình đang làm theo tất cả những bước nhỏ trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Đó là điều thày mong muốn thấy. Đó là điều tất cả các thày đều mong muốn thấy.

Nói thật, liệu con có tin là các thày đã thảo ra nguyên khoá tu này để khi con hoàn tât, con vẫn thấy một khoảng cách và con cảm thấy thất chí? Các thày muốn con khép lại khoảng cách đó. Các thày muốn con nhận ra đường tu là vấn đề bước đi từng bước khả thi một, hầu con được toại nguyện ở tầng mức hiện tại của con. Thày Nada đã nỗ lực rất nhiều để giúp con đến được tầng này, và các vị Thượng sư kia cũng đã đề cập tới điểm này. Thày cũng đề cập vì mục đích của các thày là giúp con đạt tới điểm nơi khoảng cách không còn nữa. Con bằng lòng khi con làm những gì con có thể làm và tiếp tục bước tới cho đến khi con đạt mức cao nhất mà con có thể đạt được trong Sứ vụ Thiêng liêng, có lẽ còn đi xa hơn nữa.

Đối với một số các con, điều đó có nghĩa là con sẽ đạt đến tầng 144 trong kiếp này. Đó là mong muốn của các thày, con yêu dấu. Chắc hẳn con có thể cảm thấy thày hứng khởi như thế nào, phải không? Thày hy vọng con cũng xoay chuyển được và con hứng khởi là mình thực tiễn, thay vì hứng khởi về một mơ mộng viển vông sẽ không bao giờ thị hiện.

Con thấy đó, con yêu dấu, thị hiện tức là có một viễn quan thực tế về những gì mình có thể thị hiện, dựa trên hoàn cảnh cá nhân của mình và hành tinh nơi mình sống. Có những avatar đã bị sa nhân đánh lừa khiến họ chấp nhận viễn kiến về những gì họ muốn thị hiện. Viễn kíến này thực tế trên một hành tinh tự nhiên, nhưng nó không thực tế trên địa cầu – một lần nữa, giống như chuyện chạy đuổi theo hũ vàng ở cuối cầu vồng. Thày muốn con tìm thấy vàng thực kìa, là viễn quan  trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Vàng đó sẽ đến với con, một hạt nhỏ rồi lại một hạt nhỏ, chứ không phải cái hũ vàng nằm nguyên con ở đó. Con hãy bước theo những bước nhỏ đó. Bước từng bước một, và con sẽ đến nơi con muốn đến. Đó chính là điều thày muốn cho con.