11 | Quy thuận theo ý chí cao hơn của Tâm Một

Bài truyền đọc của Chân sư MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 4/6/2023, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc.

TA LÀ Chân sư Thăng thiên MORE (HƠN NỮA). Con kết nối với thày bằng cách nào? Lẽ tất nhiên, bằng cách muốn hơn nữa. Làm sao có thể có cách nào khác? Con không thể kết nối với thày bằng cách muốn ít hơn, vì lúc nào thày cũng LÀ HƠN NỮA. Con có thể hỏi, “Hơn gì?”, nhưng câu hỏi này không cần đặt ra. Vì cái HƠN NỮA mà thày LÀ không thể so sánh với bất cứ cái gì ít hơn, mà nó cũng không thể so sánh với tất cả cái gì hơn nữa. Vì không thể có gì hơn Chân sư MORE.

Thày tin rằng con có thể thấy điều này nếu con vô hiệu hóa tâm đường thẳng, là cái tâm lúc nào cũng muốn nghĩ là có cái gì hơn nữa. Nếu con cố gắng có hơn những gì con hiện có, thì làm sao con kết nối được với Chân sư MORE, vì thày không hơn và cũng không kém. Bí quyết là vô hiệu hóa tâm đường thẳng, và điều gì có thể giúp con làm việc này?

11.1. Nhiều khía cạnh của Ý chí

Thày là Thượng sư của Tia thứ Nhất, thường được coi là Tia của Ý chí. Và trong những đợt truyền giáo trước, họ coi thày như một vị thày rất nghiêm khắc, và con phải có ý chí mãnh liệt và có kỷ luật thì mới dám tới gần thày, nhưng ý chí có nhiều khía cạnh. Ý chí không phải lúc nào cũng là ý chí mãnh liệt và nhất quyết, vì các thày đang tìm cách giảng điều gì? Cách nối kết với các chân sư thăng thiên không qua việc nhấn và nhấn mạnh hơn, cố gắng và cố gắng nhiều hơn.

Rõ ràng là có một ý chí trên trái đất, và đó là ý chí nhân gian, một ý chí bên ngoài. Có ý chí của tự ngã và của các ngã tách biệt. Có ý chí muốn tiếp cận con đường tâm linh vì tự ngã nghĩ nó có thể gặt hái điều nó muốn gặt hái, là sự an toàn – một địa vị tối hậu nơi nó có thể cảm thấy an toàn. Tự ngã nghĩ rằng nếu con đi theo con đường tu thì con sẽ đến một giai đoạn tối hậu. Và nếu con chú tâm vào ý chí và quyết tâm, thì tự ngã nghĩ rằng con cần ý chí tối hậu, quyết tâm tối hậu. Trong các đợt truyền giáo trước, một số đệ tử đã đi vào tâm thái cho rằng muốn nối kết với thày, El Morya là hình ảnh họ có về thày lúc đó (và dĩ nhiên vẫn còn đang duy trì), thì họ phải thể hiện ý chí mãnh liệt này. Họ phải là ngọn lửa xanh, tia sáng xanh và họ phải nhất quyết và rất chú tâm.

Nhiều người trong số các đệ tử đó quên đi câu chuyện mà các thày có kể, rằng thày Kuthumi và thày được trao nhiệm vụ trèo lên một đỉnh núi để lấy một thông điệp, và thày hoàn toàn chú tâm và xông thẳng lên đỉnh núi, trong khi thày Kuthumi chậm rãi nối kết với chim muông và hoa. Nhưng khi các thày đi xuống từ đỉnh núi, thì thày Kuthumi nhớ thông điệp, trong khi thày thì quên mất. Câu chuyện này cho con thấy là khi con có ý chí quá mạnh, bất quân bình, thì không những con không nhớ thông điệp, mà con còn không nhận được thông điệp nữa.

Sau đó, lẽ dĩ nhiên còn có một hình thức khác của ý chí vỏ ngoài mà ta có thể gọi là phản-ý chí, là điều mà con thấy nơi nhiều người trên trái đất khi họ bị tâm thức tập thể chế ngự. Họ không biểu lộ cá tính mạnh, họ không muốn ló ra khỏi đám đông, họ muốn nhập vào đám đông, biến vào đám đông, làm những chuyện họ được bảo, tuân theo quy ước, tuân theo truyền thống xã hội.

11.2. Trung đạo của Ý chí

Con có cả phản-ý chí lẫn ý chí bất quân bình. Con thực sự có thể thấy cả hai khía cạnh này trên con đường tâm linh. Như thày có nói, có một số đệ tử rất quyết tâm trong khi có một số khác gia nhập một phong trào tâm linh và quyết định họ sẽ làm bất cứ gì được bảo, không bao giờ chất vấn, không bao giờ suy nghĩ tự lập, nhưng chỉ trôi theo nền văn hóa của tổ chức, trôi theo bất kể yêu cầu nào của tổ chức. Cả hai loại ý chí này đều bất quân bình. Thế nào là ý chí quân bình? Có phải chăng là điểm giữa hai đối cực mà thày vừa mô tả, hay là Trung đạo, khác với điểm giữa hai đối cực, nhưng là sự thăng vượt tâm thức của hai đối cực nhị nguyên?

Nhiều đệ tử đã chọn phương hướng tu là cần có kỷ luật và quyết tâm. Và thày hoàn toàn không nói phương pháp này không có giá trị. Khi con đang đi từ tầng tâm thức 48 đến tầng 96, thì lẽ tự nhiên ý chí của con, quyết tâm của con cần mạnh hơn sức kéo xuống của tâm thức tập thể. Vì nếu không thì làm sao con có thể vươn lên trên tâm thức tập thể?

Khi con đi tới các tầng cao hơn và bắt đầu đi quá tầng 96, thì con bước vào một giai đoạn khác. Con nên xem xét là có một cách khác để tiếp cận các đức tính của bảy tia. Con có thể lấy đức tính uy lực ý chí, con có thể thấy nó diễn bày ra sao trên trái đất và con có thể thiết lập hai đối cực. Con có thể nghĩ uy lực ý chí có thể yếu hay mạnh, hoặc hướng ngoại hoặc ù lì, hoặc hung hãn hoặc thụ động.

Một cách nhìn khác là vươn lên tới nhận biết uy lực ý chí là một đức tính thiêng liêng mà con không cần thu nhập khi con là một sinh thể đang đầu thai. Đây là điều nhiều đệ tử trong các đợt truyền giáo trước nghĩ. Họ nghĩ rằng đây là uy lực Ý chí Thiêng liêng của Tia thứ Nhất và tôi cần có được uy lực ý chí đó để tôi có được uy lực ý chí đó khi ở trong xác thân này. Nhưng uy lực ý chí này sẽ biểu lộ ra sao nếu con nghĩ như vậy?

11.3. Nỗ lực tới điểm gãy đổ

Con sẽ xây dựng một ngã tập trung vào uy lực ý chí và cách con nhìn uy lực ý chí xuyên qua một ngã khác. Đó là lý do vì sao con đang xây dựng một uy lực ý chí là ý chí của tự ngã dựa trên ảo tưởng tách biệt. Và một lần nữa con nghĩ rằng phải có một rào cản mà con phải đẩy qua vì chắc hẳn thế giới vật lý tách biệt khỏi đức tính Thiêng liêng của Uy lực Ý chí của Tia thứ Nhất. Con cần phải nỗ lực để có được nó, con cần phải nỗ lực để có được bất cứ gì trên trái đất. Con đi vào trạng thái làm, làm, làm, làm nhiều hơn và dùng nhiều nỗ lực hơn và nhiều hơn nữa.

Một số người đã nhận ra là khi họ cố làm nhiều hơn thì họ lại đạt được ít hơn. Đây là điều các thày đã giải thích trước đây. Khi con tạo ra ngã vỏ ngoài phóng chiếu ra ngoài, thì con cũng tạo sự chống đối. Con càng nỗ lực nhiều hơn thì sức chống đối càng mạnh hơn, và sẽ đến lúc con không thể nỗ lực mạnh hơn nữa, con không thể chịu nổi việc cứ luôn luôn phải nỗ lực quá mạnh. Điều này đã khiến một số đệ tử rốt cuộc bị suy sụp, không còn làm được nữa. Các thày đã thấy điều này nơi các đệ tử trong các đợt truyền giáo trước, hội chứng hoàn toàn thất bại khi họ nỗ lực mạnh đến độ họ không còn nỗ lực được nữa. Lúc đó họ phải hoàn toàn rút lui khỏi đường tu, ngay cả rời bỏ con đường tu, tuy đã có lúc họ nghĩ họ đang tiến bộ rất tốt và là các đệ tử ưu tú nhất.

11.4. Cảm nhận sự chuyển động của đại dương của Ý chí Thiêng liêng

Một cách khác là điều mà thày Quân Âm đã đề cập, là không làm nhưng không việc gì không được làm. Con nhận ra là con không tách biệt khỏi Ý chí Thiêng liêng, con là một ngọn sóng trong đại dương của Ý chí Thiêng liêng. Thay vì nghĩ con cần bơi trên ngọn sóng và bơi càng lúc càng nhanh hơn để bắt kịp Ý chí Thiêng liêng, thì con ngừng bơi, con thư giãn và con cảm thấy sự chuyển động của đại dương của Ý chí Thiêng liêng. Nó dâng lên, nó hạ xuống, nó dâng lên, nó thư giãn và nó chảy về một hướng. Hướng này có thể không phải là hướng mà tâm vỏ ngoài, tự ngã, các ngã tách biệt của con muốn con đi tới. Nhưng đó là hướng sẽ cho con tăng trưởng cao nhất, thăng vượt cao nhất, tiến bộ cao nhất về hướng tầng tâm thức 144 và việc hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng của con, bất kể điều gì con đã ghi vào sứ vụ này mà tâm vỏ ngoài của con đã quên khuấy, và tâm vỏ ngoài không còn ý thức.

Con đã tạo trong tâm vỏ ngoài một mục đích dựa trên nền văn hóa và môi trường nơi con khôn lớn và con nghĩ con cần nỗ lực mạnh để tiến tới mục đích đó, nhưng hướng đó không phải là hướng của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Một lần nữa, nếu con dùng nỗ lực mạnh đi ngược lại Sứ vụ Thiêng liêng của con thì con tạo sự chống đối bên trong chính mình, và con càng ngày càng phải cố gắng hơn. Đó là lý do một số người trải nghiệm là có cái gì gãy đổ, có cái gì chết đi, họ trải qua một đột phá, một sáng ngộ hay một sự suy sụp tinh thần, nhưng họ cảm thấy có một xoay chuyển và họ không thể tiếp tục đi theo hướng cũ. Nhưng nhận biết này không cần phải là một xoay chuyển quá to lớn khiến con cảm thấy trống vắng hay cảm thấy là không có gì trong đời mình đang suôn sẻ. Con thực sự có thể học cách giải quyết các ngã tách biệt này, nhận diện các ngã tách biệt muốn con đẩy mạnh, đẩy mạnh và đẩy mạnh. Con có thể tới chỗ nhìn thấy chúng, tách mình ra khỏi chúng, để chúng chết đi, và sau đó con nỗ lực, một nỗ lực có ý thức để hòa điệu với hướng đi tới nhịp nhàng của Sứ vụ Thiêng liêng của con, do Ý chí Thiêng liêng hướng dẫn.

11.5. Ý chí của Thượng đế đối với Ý chí của Hiện diện TA LÀ

Có nhiều sự ngộ nhận về Ý chí Thiêng liêng, mà có người cũng gọi là Ý chí của Thượng đế. Vị sứ giả này nhiều năm trước đây tham gia một đợt truyền giáo nói nhiều đến Ý chí Thiêng liêng, Ý chí của Thượng đế. Có sự tương phản giữa ý chí của tự ngã và Ý chí của Thượng đế, và ông trăn trở điều này trong tâm và lúc đó cảm thấy chỉ có hai chọn lựa, hoặc theo ý chí của tự ngã hoặc theo Ý chí của Thượng đế, và cả hai cách đều không có chỗ cho chính ông. Dù ông theo ý chí của tự ngã hay Ý chí của Thượng đế thì ông cũng cảm thấy đây là một ý chí bên ngoài ông. Có chỗ nào cho ý chí của chính ông chăng? Lúc đó ông không hiểu rõ vấn đề nhưng đó là điều ông cảm nhận. Rốt cuộc một ngày kia ông quy hàng và nói: “Được rồi Thượng đế, xin ngài cho tôi thấy ý chí của ngài và tôi sẽ tuân theo” thì lúc đó ông nhận được một xung lực từ bên trong nội tâm, sự thực là từ chính thày: “Nếu Thượng đế chỉ muốn con tự mình lấy quyết định thì sao?” Xung lực này khiến ông chấn động, nhưng nó tạo một phản ứng dây chuyền trong ông khiến ông nhận ra là không có Ý chí Thiêng liêng nào áp đặt bất cứ điều gì lên con người.

Không có một Thượng đế giận dữ trên thiên đàng, hay ngay cả một Chân sư MORE giận dữ trên thiên đàng, đang nhìn xuống con và muốn ép buộc con làm điều gì. Thày còn không muốn ép con phải theo Sứ vụ Thiêng liêng của con. Thày không áp đặt Sứ vụ Thiêng liêng của con lên con, và các chân sư thăng thiên khác cũng vậy. Chính con đã chọn lựa, chính con đã chọn lựa. Vấn đề có phải chăng là lấy vào một ý chí bên ngoài muốn ép buộc vũ trụ phải tuân theo những mục đích và ham muốn của con, hay là vượt lên trên tất cả mọi ý chí bên ngoài, cho dù đó là ý chí của tự ngã, ý chí của thế gian, ý chí của gia đình, ý chí của xã hội, Ý chí của Thượng đế hay của một chân sư thăng thiên nào đó? Có thể nào hòa điệu với cái mà nhiều người còn không coi là uy lực ý chí? Nó giống như đại dương dâng lên lắng xuống, sự đi tới nhẹ nhàng của các làn sóng xuyên qua đại dương để rốt cuộc tới bờ bên kia. Đây là một loại ý chí khác. Đây là một ý chí không thể bị một phản-ý chí chống đối. Đây là một ý chí không áp đặt lên con.

Đây không phải là một ý chí mà con muốn chấp nhận hay chối bỏ. Đây là một ý chí mà con trầm mình vào, giống như con trầm mình vào đại dương. Con hãy tưởng tượng con đang bơi trên mặt đại dương và có những ngọn sóng lớn nhưng nhẹ, và thoạt tiên con bơi và phải vất vả mới giữ được đầu trên mặt nước, nhưng con nhận ra là con không cần thở vì con đang ở trong những thể cao của mình. Con có thể thư giãn, con có thể trầm mình vào lòng đại dương, và như vậy con không còn vùng vẫy trên mặt đại dương nữa và con chỉ nhẹ nhàng di động theo sự trồi sụt của đại dương và con di động theo ý chí cao đó. Con không vùng vẫy, con không dùng lực, và đó là điều mà Lão Tử có nói là con không làm gì cả nhưng không có nghĩa là con thụ động. Không có nghĩa là con phải ngồi trong một hang động trong núi Himalaya và suốt ngày thiền định về Thượng đế. Con có thể có một cuộc sống tích cực, con có thể làm một số công việc, con có thể lấy quyết định nhưng con không áp đặt các quyết định của mình. Con không lấy các quyết định này với tâm vỏ ngoài. 

Con chỉ trầm mình trong ý chí rộng lớn là Ý chí của Hiện diện TA LÀ của con, cũng là ý chí mà chính con đã sắp đặt vào Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Không có vũ lực, không có vật lộn, chỉ có sự di động nhẹ nhàng nâng con lên, kéo con qua bên này, kéo con qua bên kia, và bỗng nhiên con thấy là tuy con có cảm tưởng là không có gì được làm, nhưng không có gì không được làm, vì điều con quyết định hoàn thành trong Sứ vụ Thiêng liêng đã được hoàn thành. Nhưng điều này nghĩa là gì?

11.6. Vật lộn với ý chí và mục tiêu vỏ ngoài

Con có thể nhìn vào cuộc đời mình và thấy là con đã được dạy dỗ để chấp nhận một số mục tiêu vỏ ngoài cho cuộc đời của mình chăng? Có lẽ cha mẹ con đã thúc đẩy con đi học, làm một công việc nào đó, bắt đầu một sự nghiệp sẽ dẫn con dần dần tới những chức vụ cao hơn cho tới khi con tới mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp nơi tất cả mọi sự nghiệp phải chấm dứt, đó là về nghỉ hưu.

Con làm việc trong 40 năm hay nhiều hơn để đạt được chức vụ đó, để rồi về nghỉ hưu một thời gian ngắn sau khi con đạt tới đó. Con đã trải qua cả cuộc đời tìm cầu, và khi con nghỉ hưu và không còn tìm cầu nữa thì con không biết phải làm gì với chính mình. Có rất nhiều người chết trong vòng một hoặc hai năm sau khi nghỉ làm về hưu vì họ không còn lẽ sống nữa. Con có thể thấy nhiều người đi theo con đường vạch sẵn đó suốt đời họ, và sau khi họ rốt cuộc về hưu thì họ nhìn lại cuộc đời họ và cảm thấy: “Cuộc đời này có nghĩa gì? Tôi đã đạt được gì? Những thành tựu bên ngoài mà tôi đã đạt được, cuộc đời thật sự chỉ là thế hay sao?”

11.7. Những trồi sụt trên con đường tu

Khi con là một đệ tử tâm linh thì con có thể nói: “Không, những thành tựu bên ngoài không phải là điều quan trọng trong cuộc đời. Mục đích cuộc đời là nâng cao tâm thức.” Con thấy là ý chí thật sự trong Sứ vụ Thiêng liêng của con là nâng cao tâm thức, và đôi khi việc nâng cao tâm thức không phải là một tiến trình suôn sẻ, lúc nào cũng đi lên. Một ngọn sóng trồi lên, con có thể có một trải nghiệm tâm linh cao, cảm thấy nối kết thật sự, nhưng sau đó tới lúc phải làm việc, phải nhìn vào tâm lý của mình. Con có thể cảm thấy mình đang tụt dốc, nhưng làn sóng cứ tiếp tục đi tới xuyên qua đại dương, và nó sẽ lại trồi lên, và lần này nó trồi lên cao hơn trước. Con nhận ra là tuy có trồi sụt trên con đường tu, nhưng hướng chung vẫn đi lên cao hơn. Đến cuối đời con thấy là bất kể các kết quả vật lý mà con đạt được, con đã nâng tâm thức mình lên. Các thành tựu vật lý có quan trọng chăng khi con đã nâng tâm thức?

Vì khi con bỏ xác thân vật lý lại đằng sau thì con có thể mang theo thành tựu vật lý nào chăng? Con có thể mang được gì theo con? Chỉ có trình độ tâm thức. Nếu con đã nâng tâm thức mình lên tầng 100 trong một kiếp sống, thì con sẽ bắt đầu ở mức đó trong lần đầu thai kế tiếp, hay ít ra là con có thể mau chóng đạt trở lại mức đó. Như vậy có nghĩa là việc con thăng thiên trong kiếp đó là điều thiết thực. Hoặc con có thể thăng thiên trong kiếp đầu thai này, nhưng không phải nhờ dùng nỗ lực mạnh nhưng bằng cách nối kết với dòng chảy của ý chí, của Ý chí Thiêng liêng, không chú trọng vào thành tựu đặc thù nhưng vào việc nâng cao toàn thể sự sống lên. Mục đích của Ý chí Thiêng liêng không phải là thể hiện một điều kiện vật chất đặc thù nào, mà là nâng mọi sự sống lên các tầng tâm thức cao hơn, lên các tầng rung động cao hơn.

11.8. Vũ khúc hoàn vũ của Tâm Một

Con có thể hỏi, khác biệt giữa tâm thức và rung động là gì? Tâm thức là cái gì có thể rung động và có khả năng khiến năng lượng rung động. Tâm thức là thực tại bên dưới mọi sự, tối hậu nó là tâm thức của đấng Sáng tạo, hay là tâm thức của cái Tất cả vượt quá đấng Sáng tạo, là Tâm Một, tâm không phân chia, không thể phân chia.

Trong cái Tâm Một đó, tâm thức có thể tự nó khiến nó rung động như năng lượng, và sau đó tâm thức có thể biểu thị chính nó như một sinh thể cá biệt có tự nhận biết, và lúc đó có thể khiến năng lượng rung động để thành hình tướng, và sinh thể thị hiện hình tướng lúc đó có thể nhận biết và trải nghiệm hình tướng. Đây là cách sự đồng-sáng tạo tiến hành, nhưng sự đồng-sáng tạo không những chỉ có mục đích nâng các sinh thể cá biệt lên các tầng tâm thức và khả năng đồng-sáng tạo cao hơn, nhưng còn có mục đích nâng lên cái mà ta có thể gọi là năng lượng hay vật chất, nâng cao độ rung động cho tới khi thấy rõ ràng là mọi hình tướng đều là tâm thức, đều xuất phát từ Tâm Một.

Đây là vũ khúc hoàn vũ, khi Tâm Một khoác vào hình tướng, khởi đầu với một ý niệm bản ngã hạn hẹp, nới rộng ý niệm bản ngã đó ra cho tới khi cái ta nhận ra nó là một phần nối dài của tâm một, nó là một đồng-sáng tạo với đấng Sáng tạo. Lúc đó, cái ta cá biệt xoay chuyển để không còn theo đuổi các mục đích như một ngã tách biệt nữa, nhưng trở thành một phần của tiến trình đồng-sáng tạo lớn lao nâng tất cả mọi sự sống lên, qua đó nâng mọi sự sống lên, nâng Tâm Một lên, và đây là điều mà tâm đường thẳng không thể hiểu.

Khi các thày nói chỉ có Tâm Một, con nghĩ (như nhiều người đã nghĩ) là điều này có nghĩa Tâm Một toàn hảo, nó không bao giờ thay đổi, nó là thực tại tối hậu, nhưng vì sao con hiện hữu như một hình tướng được biểu lộ? Đó là vì lúc nào cũng có các hình tướng được biểu lộ từ Tâm Một, và khi tâm tự biểu lộ mình như hình tướng và sau đó tới chỗ nhớ mình là Tâm Một, thì Tâm Một tăng trưởng, mở rộng. Tâm đường thẳng hỏi: tiến trình này đã diễn ra từ bao lâu rồi? Từ muôn thuở là câu trả lời duy nhất. Ấy – tâm đường thẳng lại hỏi – nếu Tâm Một tăng trưởng chính nó từ muôn thuở, thì ắt hẳn nó phải tới một trạng thái tăng trưởng tối hậu. Làm sao nó có thể tăng trưởng mãi mãi? Tiến trình này khởi sự lúc nào? Có cái gì trước khi Tâm Một hiện hữu hay trước khi Tâm Một quyết định biểu lộ chính nó?” Lúc nào cũng có Tâm Một tự biểu lộ chính nó và qua đó trở nên hơn nữa, và tiến trình này sẽ tiếp diễn mãi mãi, và sự tự tăng trưởng của Tâm Một không có giới hạn, không có kết thúc. Đây là điều mà tâm đường thẳng không thể nắm bắt, vì ai có thể nắm cái vô biên?

11.9. Hòa điệu với Hiện diện của các chân sư

Thày không nói là thày, như một chân sư thăng thiên, có thể nắm bắt sự tăng trưởng vô biên, vô tận nhưng thày có thể nắm bắt nó nhiều hơn mỗi ngày. Khi con nắm bắt cái hơn nữa, và tiến trình lúc nào cũng trở nên hơn nữa, thì con có lý do gì cần nắm bắt tiến trình một cách tối hậu? Vì tại sao con lại muốn đạt một mục đích nào đó, một mục đích tột cùng nào đó, khi con nhận ra là bản chất của tiến trình là trở nên hơn nữa? Làm sao có thể có một mục đích tột cùng trong tiến trình tăng trưởng vô biên, vượt thăng vô biên? Mục đích không quan trọng, tiến trình mới quan trọng – và tiến trình là trở nên hơn nữa.

Con có thể trụ vào tiến trình hơn nữa này bằng cách hòa điệu với Hiện diện của thày, vì thày nắm giữ ngọn lửa này cho địa cầu. Thày chỉ có thể cống hiến con Hiện diện của thày, các bài chú bài thỉnh của thày, quyển sách của thày là quyển đầu trong bộ sách về khóa học Tự Điều ngự. Lẽ tất nhiên, tất cả các thày là các Thượng sư trao truyền khóa học này không phải chỉ để giúp các con nâng tâm thức từ tầng 48 lên tới tầng 96, mà còn để các con có thể dùng mỗi quyển sách để hòa điệu với vị Thượng sư đã trao truyền quyển đó. Nếu con cảm thấy gần gũi với một vị Thượng sư, thì con hãy lấy quyển sách của vị ấy, đọc các bài truyền đọc, đọc các bài thỉnh với mục đích hòa điệu, chỉ hòa điệu với hiện diện của vị Thượng sư đó. Bất kể tầng tâm thức hiện tại của con, ngay cả khi con ở trên tầng 96, thì con sẽ thấy là sử dụng quyển sách sẽ cho con một hòa điệu lớn lao với vị Thượng sư, và qua đó với tia đó.

Con thấy chăng, tuy mục đích đặc trưng của quyển sách là giúp con người nâng tâm thức, trong trường hợp của thày bắt đầu từ tầng 48, nhưng lúc nào cũng có những mục đích khác. Nếu con nhìn quyển sách của thày và nói: “Ồ, tôi chắc hẳn đã trên trình độ từ tầng 48 đến tầng 55, do đó tôi không cần học quyển sách của Chân sư MORE nữa”, thì con không nắm được là có một tầng cao hơn. Quyển sách cống hiến một cái gì hơn các tầng căn bản. Hơn bao nhiêu? Khi con còn hiện thân trong cõi vật lý, thì lúc nào cũng có cái hơn nữa. Con có thể ở tầng 144 và con có thể sử dụng quyển sách mà vẫn gặt hái được điều gì từ đó giúp con kết nối với cái hơn nữa. Vì giống như vẻ đẹp nằm trong mắt người nhìn ngắm, tất cả mọi chuyện đều nằm trong mắt người nhìn ngắm, và vấn đề chỉ là cách con nhìn sự việc và cách con dùng một giáo lý hay một dụng cụ tâm linh để vượt thăng tầng tâm thức hiện tại của con.

11.10. Con không vượt quá mức này

Kẻ địch lớn nhất của tăng triển tâm linh là gì? Đó là con cho phép mình tin lời nói của các ngã tách biệt còn sót lại và của tự ngã cho rằng: “Ồ, tôi đã vượt quá mức này. Tôi không cần học giáo lý này nữa. Quyển sách này được trao truyền cho những ai ở các tầng tâm thức thấp. Tôi đã vượt quá mức này. Tôi không cần học quyển sách này nữa.” Con đang hiện thân trong cõi vật lý, phải không con? Quyển sách của thày, bất kể mục đích đặc trưng của nó, đã được trao truyền từ một tầng tâm thức cao hơn tâm thức hiện thân vật lý. Làm sao con có thể vượt quá nó khi con còn xác thân vật lý? Làm sao con có thể vượt quá sự trợ giúp của thày là một chân sư thăng thiên?

Con hãy giám sát chính mình để nhận ra mánh lới của sa nhân và các ngã tách biệt muốn con nghĩ: “Tôi đã đạt được một tầng cao hơn và bây giờ tôi đã vượt quá mức này.” Con lúc nào cũng có thể gặt hái được cái gì hơn nữa từ một giáo lý tâm linh. Lúc nào cũng có cái gì hơn nữa có thể kích hoạt điều gì đó trong con giúp con bỗng nhiên thấy một ảo tưởng, nếu con sẵn lòng thấy ảo tưởng, nếu con có ý chí muốn thấy ảo tưởng.

Có một tha hóa khác của ý chí khi con không sẵn lòng thấy ảo tưởng vì con nghĩ mình đã vượt quá ảo tưởng đó hay mọi ảo tưởng. Con nghĩ rằng con đã đạt tới một tầng nơi con không cần với lên cái hơn nữa, con chỉ cần đợi tới lúc thăng thiên. Nếu con đang hiện thân trong thân vật lý thì làm sao con thăng thiên nếu con không với lên cái hơn nữa? Không có một tầng tối hậu mà con có thể đạt được khi con còn xác thân vật lý. Con lúc nào cũng phải với lên cái hơn nữa để nâng mình lên tầng tâm thức kế tiếp và rốt cuộc tới tầng 144 là nơi con phải với lên cái hơn nữa để nâng mình lên tầng tâm thức kế tiếp, là tầng tâm thức đầu tiên của cõi thăng thiên.

11.11. Những tầng cao hơn của tâm thức thăng thiên

Đúng vậy, con yêu dấu, thày quả thực vừa nói tầng tâm thức đầu tiên của cõi thăng thiên, vì con không nghĩ, phải không con, là khi con thăng thiên thì con đã đạt được một tầng tâm thức tối hậu? Con không nghĩ, phải không con, là khi con thăng thiên từ trái đất, con đã đạt tới cùng tầng tâm thức với Phật Gautama hay Đại chỉ đạo Thiêng liêng hay Alpha và Omega? Lẽ tự nhiên, khi con thăng thiên từ trái đất, con ở tầng tâm thức thấp nhất có thể có ở cõi thăng thiên, và sau đó con bắt đầu làm việc để nâng mình lên cao hơn bằng cách với lên cái hơn nữa. Sau đó, con dần dần, và với đa số chúng ta tiến trình này có thể cần thời gian, con dần dần đạt tới tầng tâm thức của đấng Sáng tạo, nhưng đây là một đoạn đường dài cho tất cả chúng ta, kể cả thày. Thày đã trải nghiệm chợt thoáng nhận tâm thức của đấng Sáng tạo, và nó chắc chắn cao hơn tâm thức của thày vô lượng, tuy thày không còn ở tầng tâm thức đầu của một chân sư thăng thiên.

Lúc nào cũng có cái hơn nữa, ngay cả trên cõi thăng thiên cũng có cái hơn nữa. Con có thể lấy thái độ này, là thái độ sẵn lòng vươn lên cái hơn nữa. Điều này không chỉ có nghĩa là kết nối với thày, tuy rằng thày đã đặt cho mình tên Chân sư MORE. Vì bất cứ chân sư thăng thiên nào cũng hơn những gì con gặp khi con còn đầu thai.

Con hãy tính chuyện tuôn chảy, tuôn chảy theo ý chí đang nâng mọi sự sống lên. Không xua đẩy, không vật lộn, không chống cự, nhưng quy thuận theo ý chí cao đó. Con hãy suy ngẫm quan niệm có thể xem là một nghịch lý: quy thuận theo ý chí. Nhiều người cho rằng có ý chí có nghĩa là nhất quyết, quyết định, tập trung, phải hung hãn, dùng lực để có ý chí. Thay vào đó, con hãy tính chuyện quy thuận theo ý chí. Vì đó là một ý chí cao hơn mọi thứ con có thể thể hiện qua các ngã tách biệt và qua tâm thức thấy nó tách biệt với đại dương của cái ta.

11.12. Lòng tri ân của các chân sư thăng thiên đối với các đệ tử Hàn Quốc

Tới đây thì thày muốn biểu lộ lòng tri ân của thày vì các con đã hiện diện ở đây, đã tổ chức hội nghị này, đã tham dự đông đảo vào công việc này tại Hàn Quốc, phiên dịch các bài giáo lý, phổ biến các giáo lý, đọc chú đọc thỉnh, tổ chức các sinh hoạt này, tạo ra tất cả các dụng cụ tu tập mà các con đã tạo ra. Các thày biết là các con không cần được khen ngợi, vì con không cần tham vọng thế tục đó. Nhưng các thày muốn các con biết rằng, lẽ đương nhiên, các thày biết các nỗ lực lớn lao mà các con đã bỏ ra. Các thày biết ơn các con đã làm nhiều việc để mang các giáo lý này đến nhiều người hơn trong quốc gia này. Tuy có thể có lúc con cảm thấy hơi nản chí vì con có hy vọng các nỗ lực của mình gặt hái được kết quả vật lý cao hơn, nhưng thày bảo đảm với các con là trong sự vận chuyển rộng lớn hơn của đại dương là tâm thức tập thể của quốc gia này, các con đã tạo ra một sự vận chuyển mới, một sự vận chuyển đi lên. Điều quan trọng không phải là kết quả bên ngoài mà là sự nâng cao tâm thức.

Các thày đều hy vọng là các con cảm thấy mãn nguyện khi biết rằng các con thuộc vào làn sóng nâng cao tâm thức sẽ nâng cả dân tộc này lên. Thày không phải chỉ nói đến phần phía nam của dân tộc này, mà cả dân tộc, cho tới khi làn sóng đó tràn qua biên giới và cuốn đi mọi kháng cự một ngày mới. Tới đây, thày niêm phong các con trong Ngọn lửa HƠN NỮA mà thày LÀ.