19 | Một câu hỏi về thời gian

Câu hỏi: Xin các chân sư trao cho chúng con một lời dạy sâu xa hơn về sự không hiện hữu của thời gian và về thực tại tâm linh. Chúng con biết là một số sự việc diễn ra theo trình tự thời gian, chẳng hạn như việc đổ đầy một bầu cõi tân lập với ánh sáng. Nếu thời gian không hiện hữu và mọi sự đều xảy ra cùng một lúc, làm thế nào chúng con có thể gắn liền việc này với ý chí tự quyết, vì ý chí tự quyết có cơ hội bước theo hướng hoàn thành con đường quả vị Ki-tô hoặc theo hướng ngược lại? Từ nhãn quan thế tục của chúng con, việc đó xảy ra ở một thời điểm cụ thể. Các sinh thể ở cõi tâm linh cảm nhận thời gian trôi qua trên trái đất như thế nào?

Trả lời của Phật Gautama: Con yêu dấu, thày chính là người đã nói: “Thời gian không có,” và tất nhiên câu này là một công án. Chắc chắn thời gian hiện hữu ở một mức độ nào đó. Chắc chắn thế gian mang tính chất đường thẳng ở một mức độ nào đó. Có một sự trải bày tuần tự từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau. Con có thể nói là toàn bộ thế giới quan mà các thày đã trao cho con là sự kiện Đấng Sáng tạo đã khởi sự sáng tạo qua việc tạo ra một khoảng trống, xong ngài tạo ra một tiến trình cho các sinh thể đồng sáng tạo lấp đầy khoảng trống này – và đây là một tiến trình hoàn toàn đường thẳng. Từ nhãn quan này, con có thể nói là con có thể xem thời gian như một trình tự tiến hành từ một giai đoạn sang giai đoạn kế tiếp, qua đó một giai đoạn tạo ra một biểu hiện đặc thù sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của các biểu hiện trong giai đoạn kế tiếp. Nếu con nhìn thời gian theo cách này thì chắc chắn thời gian hiện hữu. Điều thày muốn con và mọi người nói chung quán chiếu qua câu “Thời gian không có” là sự kiện thời gian không nhất thiết phải giống hệt cách nhìn hiện thời của con bằng tâm thức gọi là “bình thường” trên trái đất. Không như cách nhận thức bình thường của con, thời gian không hẳn là đường thẳng, khắc sâu vào đá, không thể tránh khỏi hay không thể thay đổi.

Một khía cạnh của vấn đề này là toàn bộ giáo lý các thày đã trao cho con về cách làm thế nào con loại bỏ các ngã tách biệt và nhờ vậy chữa lành bốn thể phàm của con. Chúng ta có thể nói là ở một thời điểm trong quá khứ xa xôi con đã trải qua một chấn thương nhập đời, và thời điểm này không còn nữa, thời điểm này đã đi qua. Bây giờ con đang ở một thời điểm khác nhưng con vẫn mang chấn thương nhập đời này theo con. Con vẫn bị nó tác động vì các khoảnh khắc sau đó, các khoảnh khắc đến sau chấn thương nhập đời, đã bị chấn thương nhập đời đưa vào một hướng đi nhất định. Mọi chuyện xảy ra sau đó được xây dựng trên nền tảng chấn thương nhập đời.

Nếu con không thể thay đổi thời gian, nếu con không thể thay đổi quá khứ, nếu con không có một cỗ máy vượt thời gian – mà qua đó con có thể đi trở ngược quá khứ để giải quyết chấn thương nhập đời – thì làm thế nào con sẽ giải thoát khỏi chấn thương được đây? Con thấy là ngay khoảnh khắc Đấng Sáng tạo ban quyền tự quyết cho các sinh thể đồng sáng tạo, phải có một sự trải bày diễn ra một cách đường thẳng, mà con gọi là thời gian, để các sinh thể này sử dụng quyền tự quyết của họ. Như vậy họ mới thấy được là khi họ phóng chiếu một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật thì sau đó một thời gian Ánh sáng Mẫu-vật sẽ trình diễn nó ra thành những hoàn cảnh vật lý. Những hoàn cảnh vật lý này không chỉ biến mất sau một tích tắc mà chúng có thể tồn tại trong một khoảng mà con gọi là thời gian.

Để sử dụng quyền tự quyết, phải có thời gian hiện hữu để một số biểu hiện được duy trì. Tuy nhiên để đảm bảo quyền tự quyết không trở thành một hệ thống tự hạn chế – tức một hệ thống nơi con lần lần càng tạo thêm hậu quả cho chính mình, rồi với thời gian con mang các hậu quả này theo con cho tới mức chúng trở nên khắc nghiệt đến độ chẳng bao lâu con không còn chọn lựa nào nữa, con không còn quyền tự quyết nữa – để tránh kịch bản này xảy ra, thời gian không thể chỉ đi theo một hướng độc nhất. Phải có cách nào đó để con quay lại thay đổi quá khứ. Cách đây hai triệu năm có thể đã có một tình huống vật lý nơi con phải chạm mặt với chấn thương nhập đời, nhưng khía cạnh tích cực của thời gian là thời gian đã trôi qua. Và tình huống vật lý này không còn nữa.

Đây là một ân huệ, vì ngược với những gì các tác giả khoa học viễn tưởng muốn con tin, con không thể chế tạo một cỗ máy vật lý có khả năng quay trở lại một tình huống xảy ra hai triệu năm trước để con du hành về đó trong cõi vật lý và thay đổi vật lý. Chuyện này không thể làm được, không bao giờ có thể làm được. Nhưng điều con có thể làm được là tạo ra một cỗ máy vượt thời gian trong chính tâm con. Kỳ thực trong bài tập mà Mẹ Mary dẫn con đi qua bảy khu vườn trở về rạp hát nơi chấn thương nhập đời của con đã diễn ra, Mẹ đã trao cho con một cỗ máy như vậy để con có thể quay về khung cảnh khi tình huống đó vẫn tồn tại. Tình huống không còn tồn tại trong cõi vật lý nhưng nó còn tồn tại trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. [Xem bài tập này trong sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh]

Con có thể quay trở về đó trong cỗ máy vượt thời gian xuyên qua các thể này, làm tan biến những vết tích còn sót lại ở đó, những khuôn đúc, những giới hạn, những cái ngã, bất kể con muốn gọi là gì cũng được. Con làm nó tan biến đi, thế là con thay đổi quá khứ cho dù thời gian đã trôi qua. Con đã thay đổi quá khứ của con. Qua việc loại bỏ ngã gốc của mình, con không còn là cùng con người mà con đã từng là, khi chính ý niệm bản sắc của con, cách con tư duy về cuộc sống và cách con cảm nhận cuộc sống bị ngã gốc đó pha màu. Con đã trở thành một sinh thể mới trong Ki-tô. Đây ít nhất là một tầng cấp cho thấy tại sao thày bảo rằng thời gian không có. Thời gian không phải là một lượng gì cố định.

Bây giờ nói về quyền tự quyết, luôn luôn đã có bàn cãi về đề tài này trong số những người tâm linh lẫn các triết gia. Chẳng hạn những ai theo tôn giáo sẽ nói: “Nếu Thượng đế là đấng toàn tri thì ngay từ khởi thủy ngài đã phải biết rõ kết cuộc. Thượng đế phải biết kết quả chung cuộc của vũ trụ sẽ ra sao trước khi ngài khởi đầu tiến trình sinh tạo vũ trụ. Và nếu Thượng đế biết hết mọi chuyện sẽ xảy ra thì làm sao con người có quyền tự quyết được?”

Và câu trả lời là như sau: đó là một cái nhìn sai lạc về Thượng đế, một hình ảnh sai lạc về Thượng đế mà sa nhân đã cốt ý đưa ra nhằm gây bối rối theo kiểu này. Thượng đế không toàn tri theo nghĩa ngài biết chính xác tất cả mọi chuyện sẽ diễn bày. Ngài biết một số sự việc tổng quát nhưng ngài không biết rõ mọi chi tiết. Kỳ thực ngài đã nói, Đấng Sáng tạo đã nói: “Ta ban quyền tự quyết cho các con. Ta ban cho các con khả năng làm cho ta ngạc nhiên.” Cho nên từ một quan điểm truyền thống, Thượng đế không toàn tri.

Thậm chí con có thể thấy các nhà duy vật bảo rằng mọi chuyện đều được quy định bởi các định luật tự nhiên. Có một hình ảnh cố hữu cho rằng thế giới giống như một chiếc đồng hồ vĩ đại, và nếu con biết tất cả các điều kiện ban đầu khi thế giới khởi sự, thì bằng cách biết rõ mọi định luật tự nhiên con có thể tiên đoán chính xác thế giới sẽ như thế nào ở bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. Con có thể đoán trước được tương lai nếu con biết rõ các điều kiện nguyên thủy cùng các định luật tự nhiên. Cách nhìn này cũng hoàn toàn sai lạc vì quan điểm duy vật không ngó gì đến quyền tự quyết, nó bỏ qua thực tế rằng vũ trụ vật lý chỉ là hệ quả của những gì xảy ra trong ba thể cao hơn. Sự biểu hiện vật lý chỉ là sản phẩm của những gì xảy ra ở mức tâm thức. Như các thày đã nói, tâm thức có trước, biểu hiện vật lý có sau. Cho nên đơn giản những quan điểm như trên đều sai lạc. Con quả là quyền tự quyết.

Con sắp sửa làm gì đây trong một phút nữa: Thượng đế không làm sao biết được, Thượng đế không quy định được, Thượng đế không giới hạn được, và các định luật tự nhiên cũng không giới hạn được. Con có thể nhìn một người nào đó, nhìn vào trạng thái tâm lý của họ, nhìn vào các ngã tách biệt mà họ đang mang, và con có thể tiên đoán với một độ chính xác rất cao là họ sắp sửa làm gì trong một phút nữa. Tuy nhiên với thời gian, con không thể biết được liệu họ sẽ quyết định thay đổi hay không. Ngay cả những người hoàn toàn không biết đến các chân sư thăng thiên, họ vẫn có thể lấy quyết định: “Tôi đã chán chê loại trải nghiệm này rồi. Tại sao tôi cứ làm đi làm lại cùng một chuyện này mãi mãi? Tôi chọn lựa thay đổi. Tôi sẽ ngừng làm chuyện đó.”

Suốt chiều dài lịch sử, con người đã có những chọn lựa như vậy và chính điều này đã đem lại tiến bộ cho bản thân họ cũng như cho nền văn minh của họ. Một khi con hiểu rõ ngã tách biệt, con có thể loại bỏ chúng, con có thể để cho chúng chết đi, và sau đó với mỗi cái ngã chết đi như vậy, con sẽ có thêm quyền tự quyết. Quả là con có quyền tự quyết nhưng con chỉ có thể chọn các chọn lựa mà con nhìn thấy. Các chọn lựa mà con nhìn thấy ngay bây giờ tùy thuộc vào toàn bộ bốn thể phàm của con, vào các ngã tách biệt, vào sự pha màu mà con đang mang. Một số những ngã tách biệt này sẽ che chắn nhiều tùy chọn khỏi mắt con, cho nên con chỉ không thể thấy chúng, và nếu con không thấy chúng là chọn lựa thì con không thể nắm lấy chọn lựa đó. Nói cho cùng, quyền tự quyết và sự nhận biết gắn liền rất chặt chẽ với nhau. Con có thể nói là con luôn luôn có quyền tự quyết chọn lựa các tùy chọn mà con thấy được ở mức tâm thức hiện thời của con. Ý chí tự do của con chỉ tự do như những gì con có thể nhìn thấy.

Hẳn nhiên quyền tự quyết là một thực tế, và bất kỳ triết lý nào, hệ tư tưởng nào mà bác bỏ quyền tự quyết hay tìm cách giới hạn quyền tự quyết qua một yếu tố nào đó mà con không có khả năng chủ động, bất kỳ hệ thống nào như vậy đều xuất phát từ tâm trí của sa nhân. Các thày không bảo là tất cả những ai đề xướng những loại hệ thống như vậy đều là sa nhân, nhưng ý tưởng nguyên thủy đã khởi lên từ tâm  trí sa nhân. Mục đích chủ yếu của chúng không phải là giới hạn dân số loài người mà giới hạn các chọn lựa mà quần chúng có thể lấy, hay đúng hơn, mà mỗi cá nhân có thể lấy. Chúng muốn hạn chế quyền tự quyết của con.