19 | Rút không gian khỏi một số điều kiện mất quân bình

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 21/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Một vị Phật có thể thêm gì cho cuộc thảo luận về Sứ vụ Thiêng liêng? Có thể có một vài đệ tử của chân sư thăng thiên mang trong Sứ vụ của mình tiềm năng biểu hiện ít nhất một mức độ nào đó của quả vị Phật trong kiếp này. Tuy nhiên, nhiều người đã sẵn sàng biểu hiện quả vị Phật từ các kiếp trước sẽ không cần đến một lời dạy vỏ ngoài, họ sẽ không đi tìm một giáo lý vỏ ngoài hay một vị thày vỏ ngoài. Dẫu sao, thày sẽ vẫn trao cho con một vài ý nghĩ về sự khác biệt giữa quả vị Phật và quả vị Ki-tô.

19.1. Hơi thở ra và hơi thở vào

Mặc dù cách đây không lâu các thày đã có đề cập ở một mức độ nào đó, điều thày muốn trình bày ở đây là quả vị Ki-tô là một hoạt động hướng ngoại hơn. Quả vị Phật là một hoạt động hướng nội hơn. Con có thể nói quả vị Ki-tô là hơi thở ra và quả vị Phật là hơi thở vào. Khi con đến hành tinh này trong tư cách avatar, con ở giai đoạn quả vị Ki-tô. Theo một nghĩa nào đó, con thở ra chính bản thân con để hiện thân trên trái đất.

Nhiều các con hiện đang ở trong giai đoạn hướng nội. Theo một nghĩa nào đó, tất cả các con đều ở trong giai đoạn hướng nội khi con lại hít vào chính bản thân mình cho thoát khỏi đủ loại vướng mắc với thế gian này. Đúng là một số các con, như đã nói, có thể chọn ở lại trong đầu thai hầu đóng góp cho Thời đại Hoàng kim của Saint Germain. Tuy vậy, để đạt tới điểm có khả năng hoàn thành tiềm năng đó, con đang đi qua giai đoạn thở vào, con đang rút mình ra khỏi các vướng mắc vào các hoàn cảnh nghiệp tạo, lựa bỏ ra những điều đang khiến con xao lãng Sứ vụ Thiêng liêng của mình, và trước tiên hết, giải quyết chấn thương nhập đời của con để ở trong một tâm thái trung hòa.

Chúng ta có thể nói, theo một nghĩa nào đó, rằng quả vị Phật và quả vị Ki-tô có thể đơn giản được xem là những cấp độ khác nhau của cùng một quá trình tiến hóa. Như các thày đã giảng nhiều lần, con không cần phải toàn hảo để biểu hiện quả vị Ki-tô. Toàn hảo nghĩa là gì? Theo một nghĩa nào đó, nó có nghĩa là con không cần phải giải quyết hoàn toàn tâm lý của con, kể cả chấn thương nhập đời, để bắt đầu biểu hiện quả vị Ki-tô. Điều các thày đã bày tỏ là con không nên sợ biểu lộ quả vị Ki-tô, và con cần khởi sự làm vậy mà không nghĩ mình đã đạt đến một giai đoạn tối hậu nào đó. Tất nhiên cũng thế, quả vị Phật – bất kể những gì đã được tôn giáo đạo Phật phóng chiếu ra – cũng không phải là giai đoạn tối hậu. Các thày đã nói, không có gì xảy ra trên trái đất là tối hậu. Ngay cả cõi thăng thiên cũng mang tính liên tục không ngừng, thì làm sao bất cứ gì có thể là tối hậu được? Làm sao sự giác ngộ có thể tối hậu? Làm sao niết bàn có thể là một trạng thái bất biến?

Sẽ tới một điểm khi con đã giải quyết một phần rất lớn của tâm lý mình, kể cả chấn thương nhập đời cùng các ngã tách biệt của con. Con sẽ có thể gọi đó là các giai đoạn cao hơn của quả vị Ki-tô, vì khi đó trong bốn thể phàm của con có rất ít lực kháng cự lại ánh sáng đang tuôn chảy xuyên qua con. Đây cũng là điểm khi con – một số các con, không phải tất cả, vì nhiều người trong các con vẫn muốn năng động trong xã hội – con bắt đầu dời chuyển nhiều hơn vào tâm thức Phật, sự nhận biết của Phật.

19.2. Phật năng động như thế nào

Không phải là Phật không thể năng động trong xã hội. Có lẽ Phật tìm ra một cách khác để năng động trong xã hội. Đây là một điều rất vi tế, rất cá nhân. Con có thể nhìn thấy sự khác biệt trong cuộc đời của Giê-su khi thày hướng ngoại, thày bước ra ngoài, thày gặp mọi người, nhiều khi còn đối đầu với những người đó, trong khi chính Phật đây thì lại thiết lập một đạo tràng và để mọi người đến với Phật. Phần nào, đây là sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận.

Theo một nghĩa nào đó, Ki-tô bước ra ngoài cũng giống như khía cạnh hướng ngoại của Thượng đế Cha, giai đoạn lan ra. Còn Phật thì giống như Mẹ, giai đọan hướng nội, co lại. Hơi thở ra và hơi thở vào.

Một số các con sẽ đến một điểm khi con bắt đầu ngộ ra là những gì con làm bên ngoài không còn thật sự quan trọng nữa. Điều này không có nghĩa là con phải rút lui ra khỏi cuộc sống năng động ngoài xã hội, thiết lập một đạo tràng hay sống ở nơi hẻo lánh. Con vẫn có thể sống một “cuộc đời bình thường”, có gia đình, có công ăn việc làm, có một sự nghiệp nào đó, nhưng con làm vậy một cách khác.

Con ngộ ra là các hoạt động vỏ ngoài đó không quy định được con. Chúng không thu hút toàn bộ sự chú ý của con. Nhiều khi trong giai đoạn quả vị Ki-tô, con vô cùng tập trung vào công việc mình đang làm và toàn bộ chú ý của con bị lôi kéo vào đó. Như thể con mê mải trong hoạt động. Khi con đạt đến quả vị Phật, gần như có thể nói là con tham gia vào hoạt động nhưng có một phần trong tâm con không bị hấp thu vào đó.

19.3. Tôi đang ở tầng tâm thức nào?

Vậy thì làm thế nào con đến được giai đoạn đó? Về điểm này, thày muốn khai triển thêm những gì Mẹ Mary vừa giảng về nhu cầu làm hòa với việc mình hiện thân, làm hòa với cõi Mẹ, làm hòa với quyền tự quyết, làm hòa với trình độ tâm thức hiện thời của mình. Có thể sẽ tới một điểm con không còn nghĩ tới chuyện: “Tôi đang ở tầng tâm thức nào đây?”

Con biết đây là một quá trình không ngưng nghỉ. Con biết con đang làm hết sức để nâng cao tâm thức mình. Con không quan tâm đến chuyện con đang đứng nơi đâu trên thang điểm. Con cố gắng mà không cố gắng. Con không đang vật lộn. Thậm chí con không có cả mục tiêu. Con không ở trong một tâm thái so sánh.

Con đang, như các thày đã diễn tả bằng ngôn từ, xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Con đang xuôi chảy với cuộc sống. Con không có cả một mục tiêu rõ rệt để cố hướng tới. Con không có cả một tầm nhìn sáng tỏ về một Sứ vụ Thiêng liêng dường như đang chỉ ra cho con những bước đi mà con phải bước để đạt tới một mục tiêu nhất định. Con gần như chảy theo cuộc sống, và cho dù tình huống nào có ngóc đầu lên, con cũng không quyết định bằng tâm vỏ ngoài là mình sẽ làm gì. Con chỉ trực nhận rồi con làm theo.

19.4. An bình trong mọi hoàn cảnh

Để thực sự đến được giai đoạn này, con phải thực hiện một trong những cuộc xoay chuyển cách mạng đó, là con an bình với bất kỳ hoàn cảnh nào mình gặp. Có một giai đoạn của quả vị Phật khi con có khả năng thị hiện những hoàn cảnh vỏ ngoài mà con mong muốn. Nhưng để đến được giai đoạn đó, con phải kinh qua một giai đoạn tạm thời, là con nhìn nhận con sẽ không bước qua một tình huống cho tới khi con có thể ở trong tình huống mà không bị dính mắc và nhờ vậy được an bình. Con đã làm hòa với tình huống.

Một khi con giải quyết chấn thương nhập đời và chấp nhận quyền tự quyết, con sẽ có thể làm hòa với bất kỳ hoàn cảnh nào. Con không có vết thương cá nhân nào mà con đang cố bênh vực hay đền bù. Cho nên con có thể để cho mọi người tự do đi vào bất cứ tâm thức nào mà họ đi vào, và họ tự do trải bày ra bất cứ gì họ đang trải bày. Điều này không có nghĩa là nếu người ta hành xử một cách mất quân bình và không chịu thay đổi thì con phải ở lại trong hoàn cảnh đó. Nhưng con cũng không chạy trốn khỏi hoàn cảnh để che chở các vết thương riêng của con.

Con có thể tới điểm con tự nhủ: “Liệu tôi có thể ở trong hoàn cảnh này mà vẫn an bình?” Có, con có thể. Con nhận ra là con có thể. Con đã đạt đến một mức độ toàn vẹn, không dính mắc, nơi con có thể an bình trong hoàn cảnh đó cho dù người khác không an bình. Một khi con đến được chứng ngộ này, con có thể đi bước kế tiếp và tự hỏi: “À, nhưng sự kiện tôi có thể an bình trong tình huống này có nghĩa chăng là tôi muốn ở lại trong tình huống?” Rồi con có thể chọn bước ra khỏi tình huống. Việc này có thể làm phiền người xung quanh vì rất có thể con sẽ không đưa ra được một lý do mà họ có thể hiểu, lý do tại sao con lại bước ra khỏi tình huống đó. Con chỉ đơn giản bước ra.

19.5. Vấn đề giải thích

Con yêu dấu, điều gì đã cầm chân nhiều người không đạt được cái mà các thày gọi là sự không dính mắc của Phật? Đó là họ cảm thấy họ cần phải thực hiện hay phải sống đúng theo một tấn tuồng nào đó, một truyện kể nào đó trong tâm họ. Các thày đã có giảng về những tấn tuồng cuồng đại. Nhiều người trong số các con vẫn còn mang cái ngã tách biệt đã dựng lên một hình ảnh về con người tâm linh mà con phải là. Một phần trong đó là con có một ngã tách biệt cảm thấy cho dù con có làm gì hay chọn làm gì, thì con phải có khả năng đưa ra một lời giải thích tại sao con làm vậy – đặc biệt một lời giải thích phải hữu lý đối với ngã tách biệt đó, có lẽ đối với người khác và thậm chí đối với cả sa nhân.

Nói cách khác, con có một vấn đề giải thích. Con có một cái ngã cảm thấy con phải có thể tự biện hộ, con phải có thể giải thích động lực của con, lý do con làm việc con đang làm. Điều này dính liền với ý tưởng một tấn tuồng cuồng đại hay một cốt truyện mà qua đó như một người tâm linh, con làm một số chuyện và không làm một số chuyện khác. Và con làm những gì con đang làm vì một lý do đặc thù chứ không phải một lý do nào khác. Chắc chắn con không thể làm bất cứ gì mà không có khả năng giải thích lý do tại sao con làm.

Nhiều người không thể bước vào sự không dính mắc của Phật vì ngay trong tâm họ có một câu chuyện phải trải bày ra, họ mang tấn tuồng cuồng đại đó, họ mang cái nhìn đó về một người tâm linh. Họ cảm thấy phải luôn luôn sống trọn với câu chuyện đó, và nếu không làm vậy được thì họ phải có thể giải thích tại sao. Ngay cả khi họ có những quyết định nằm trọn trong hình ảnh của họ thì họ vẫn phải có thể giải thích tại sao họ làm vậy.

Các thày đã nói về điều gì? Về việc con làm cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của con, nhưng Hiện diện TA LÀ ngụ ở cõi tâm linh. Hiện diện TA LÀ có thể có một động lực để biểu đạt một điều gì đó xuyên qua con. Liệu động lực này có thể biểu đạt qua ngôn từ, đặc biệt những ngôn từ mà một mức tâm thức thấp hơn có thể hiểu được? Các thày đã nói đến việc biểu lộ cá thể Thiêng liêng của con. Cá thể này nằm vượt ngoài thế gian này. Con có nhất thiết đưa ra được một lời giải thích hợp lý, thường tình, dựa trên thực tế và nhân quả về lý do tại sao con biểu đạt một điều gì đó hay không?

19.6. Cái nhìn tổng thể của con về cuộc sống

Con yêu dấu, có những đệ tử tâm linh, đặc biệt trong thế giới Tây phương, đã tiến bộ đáng kể. Những đệ tử này đã sẵn sàng biểu hiện một tầng mức nào đó của quả vị Phật nhưng họ vẫn chưa khắc phục được ngã tách biệt đó. Nếu con đã lắng nghe những gì các thày nói thì điều các thày thực sự muốn nói là con thử để ý xem có hai tiến trình diễn ra song song trên đường tu tâm linh của con. Có một tiến trình mà các thày đã giải thích, cụ thể là con mang trong bốn thể phàm của con một số vết thương hay chấn thương. Điều này đã tạo ra các phàm linh nội tại, các ngã tách biệt và ngay cả ngã gốc – vẫn chỉ là một ngã tách biệt trong số nhiều ngã khác – và những thứ này nằm trong bốn thể phàm của con. Để hóa giải chúng và được tự do, con phải thực hiện một khía cạnh gần như máy móc là thỉnh cầu năng lượng sẽ biến hóa năng lượng cấu tạo chúng. Con cũng phải làm công việc ý thức là đi sâu vào chúng, nhìn ra niềm tin hay ảo tưởng làm nền tảng cho chúng, rồi một cách ý thức, con chọn một thực tại cao hơn.

Bây giờ điều các thày đang nói là cho dù con đã làm những công việc đó, có thể vẫn còn một cái ngã tách biệt được tạo ra, chẳng hạn, trong khi con bị chi phối bởi chấn thương nhập đời cùng ngã gốc của con. Ngã tách biệt này giờ đây có một cái nhìn về thế nào là con người mà con phải là, thế nào là một người tâm linh mang chấn thương nhập đời đó. Cho dù con đã giải quyết chấn thương nhập đời, con cũng cần giải quyết cái ngã tách biệt đang cầm giữ hình ảnh cho rằng con phải là người như thế nào.

Con cũng có thể diễn tả điểm này một cách khác, cụ thể là có một tiến trình giải quyết tất cả những thứ kia – có thể nói là các chấn thương, vết thương, ngã tách biệt, phàm linh nội tại giống như những thỏi nam châm đang thu hút nhận thức của cái Ta Biết, đang thu hút sự nhận biết cho nó đồng hóa với chúng. Đây là những cái gì rất đặc thù, cá biệt. Nhưng vượt ngoài những thứ đó ra còn có cái nhìn tổng thể của con về cuộc sống. Suốt thời gian dài con từng đầu thai, rất có thể là ở một tầng cấp nào đó, con đã mang những vết thương, chấn thương, ngã tách biệt đó. Nhưng có một tầng cấp khác nơi con đã tạo dựng một cách nhìn tổng thể về cuộc sống trên địa cầu và cách con nhìn chính mình trong quan hệ với cuộc sống trên địa cầu.

Đó là một cái ngã tách biệt, nhưng có lẽ sẽ hữu ích nếu con nghĩ bao quát hơn và thấy đó là cái nhìn tổng thể của con về cuộc sống. Nhiều người trong các con, đặc biệt nếu con đã lớn lên trong thế giới Tây phương, mang một tư duy rất đường thẳng cho rằng luôn luôn có nhân và có quả. Đối với con, điều này có nghĩa là mỗi khi con làm việc gì thì đó là quả. Vi vậy con phải có một lý do mà con có thể giải thích cho người khác, đặc biệt những ai bị tác động bởi việc làm của con. Con cũng phải có một lý do mà con có thể giải thích cho chính mình, kể cả tâm vỏ ngoài, thậm chí các ngã tách biệt của con. Nếu con không thể giải thích thì nhất định sẽ có một ngã tách biệt nào đó, có lẽ mấy cái ngã tách biệt, sẽ chất vấn việc con đang làm, có lẽ còn buộc tội con đã làm gì sai trái.

Cũng có thể có những người khác và tất nhiên là sa nhân cũng đang truyền bá trong tâm thức tập thể cách nhận thức chung chung là con luôn luôn phải có một lý do, và lý do này phải thỏa đáng theo một tiêu chuẩn nhất định. Nếu con là người Công giáo thì có những điều người ta chờ đợi con phải làm. Nếu con không làm hay làm cách khác, con phải có khả năng giải thích – và nếu thế, may ra con vẫn được phép làm vậy. Chắc chắn nếu con làm điều gì không thể chấp nhận và con không thể giải thích, thì con sẽ bị lên án. Điều tương tự cũng xảy ra trong hầu hết mọi môi trường khác trên địa cầu, ngay cả các tổ chức tâm linh và Thời Mới, thậm chí – như các thày đã đề cập – các tổ chức của chân sư thăng thiên trong quá khứ đã có một xu hướng phán xét lẫn nhau vô cùng mạnh mẽ.

Điều thày muốn nói là sẽ tới một điểm khi con bắt đầu bước vào quả vị Phật, con có thể được lợi lạc nếu con xem xét quá trình này, xem xét cái nhìn tổng thể của con về cuộc sống. Sau đó con sẽ có thể nói: “À, có một khái niệm là khi tôi làm việc gì, tôi phải có một lý do mà tôi có thể giải thích, nhưng tại sao tôi phải làm vậy chứ? Tại sao tôi phải tự biện hộ? Tôi là một sinh thể độc lập với quyền tự quyết y như mọi người. Tôi gần như hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của người khác. Chẳng phải là tôi cũng phải hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của tôi hay sao, và như vậy tôi có thể nói là tôi không có bổn phận giải thích tại sao tôi làm? Thậm chí tôi không cần giải thích cả cho chính mình. Nếu tôi hành động theo sự thôi thúc từ Hiện diện TA LÀ của tôi, tại sao tôi phải biện minh và giải thích để tâm đường thẳng có thể nhét nó vào hệ thống tin tưởng mà nó đã bị nhồi sọ trong kiếp này lẫn nhiều kiếp trước? Tôi chẳng có thể nhìn vào tâm này hay sao, xem nó là một ngã tách biệt, và hơn thế, còn xem nó là một cái nhìn tổng thể về cuộc sống mà tôi đã bước vào?” Rồi con nói: “Tôi không muốn tuân theo thế giới quan này, hệ thống tin tưởng này nữa. Tôi không muốn đóng vai trong tấn tuồng cuồng đại này nữa. Tôi không muốn kéo dài truyện kể cá nhân về con người mà tôi phải là trong vũ trụ vật chất này nữa. Tôi sẵn sàng đập tan hàng rào và bước vượt ra ngoài.”

19.7. Cầm giữ không gian trên địa cầu

Đây là những giai đoạn cao nhất của quả vị Ki-tô. Đây là những giai đoạn của quả vị Phật, những giai đoạn sơ khởi. Những ai trong số các con cần đi qua giai đoạn này trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình có thể dùng lời dạy này để nhanh chóng bước qua tiến trình đó. Khi con tới điểm sẵn sàng làm một việc mà con không thể giải thích, không thể biện hộ theo một cách để người khác có thể hiểu và chấp nhận, hay để tâm vỏ ngoài của con có thể hiểu và chấp nhận, thì con sẽ trải nghiệm một tầng cấp tự do mới. Điều này không nhất thiết có nghĩa là con sẽ làm một số chuyện ngông cuồng vỏ ngoài, mà có nghĩa là ở bên trong, con sẽ cảm nhận một tự do mới. Điều này có thể dẫn con đến một giai đoạn khi con suy nghiệm ý nghĩa thực sự của việc là Phật trong hiện thân, hay việc đạt đến một mức độ tâm thức Phật khi con còn đầu thai. Về điểm này, thày sẽ giảng thêm. Mặc dù thày vẫn biết chỉ có một số ít người sẵn sàng nắm bắt được, thày cảm thấy việc truyền rải lời dạy này trong bát cung vật lý là quan trọng.

Người ta bảo rằng đức Phật cầm giữ không gian cho địa cầu. Trách vụ của thày trong Đại đoàn Thăng thiên là Chủ tể Thế gian (Lord of the World) nơi thày ngồi như đức Phật và cầm giữ không gian. Thật khó lòng diễn tả bằng ngôn từ nhưng con có thể nói thế này: Trong Ánh sáng Mẫu-Vật và ngay trong chính không gian, có sẵn một cơ chế khiến cho một số biểu hiện có thể rất nhanh chóng tạo thành một vòng xoắn ốc hướng hạ tự nó tăng cường, và chẳng hạn đối với một hành tinh, xoắn ốc này có thể khiến cho hành tinh tự hủy diệt.

Về cơ bản, ở đây chúng ta có thể nói là nếu không có gì giảm bớt hiện tượng trên thì những hành tinh nơi sa nhân đã đầu thai sẽ rất nhanh chóng tự hủy diệt. Các hành tinh này sẽ rơi vào một vòng xoắn ốc hướng hạ và đơn giản sẽ bị năng lượng làm nổ tung. Điều xảy ra trong quá trình này không hoàn toàn giống như quá trình lỗ đen (black hole) nhưng con có thể dùng lỗ đen để minh họa. Con cũng biết là trong một lỗ đen khi con vượt quá một chân trời nhất định, các định luật tự nhiên sẽ ngưng hoạt động. Nói cách khác, nếu một hành tinh bị suy thoái đến mức đó, không gian sẽ co lại và hành tinh sẽ sụp vào bên trong. Vậy Phật làm gì? Phật ngồi đó nơi cõi thăng thiên, cầm giữ sự quân bình tâm linh và ngăn chặn không cho không gian – là không gian trong đó địa cầu có thể tồn tại – bị co lại và sụp xuống để biến thành một điểm dị biệt (singularity).

Chúng ta có thể giải thích điều này cách khác. Mặc dù mọi thứ đều được tạo bằng Ánh sáng Mẫu-Vật (mỗi cấu trúc mà con thấy trên địa cầu đều được tạo bằng Ánh sáng Mẫu-Vật) nhưng không một cấu trúc nào có thể hình thành trừ khi có một khoảng trống để nó hình thành trong đó. Trước khi một hành tinh được các Elohim tạo dựng, trước hết không gian phải được khoanh tròn cái đã, rồi sau đó Ánh sáng Mẫu-Vật mới có thể tạo ra các cấu trúc sẽ lấp đầy khoảng không gian đó. Đức Phật cầm giữ không gian. Các Elohim tạo ra địa cầu, rồi các sinh thể cứ thế mà hiện thân và tùy ý sử dụng địa cầu.     

Ở một thời điểm đã có quyết định là trái đất sẽ là một hành tinh nơi sa nhân được phép đầu thai, cho nên lúc bấy giờ cần đến một sinh thể với tâm thức Phật có khả năng cầm giữ không gian cho trái đất hầu trái đất không bị co sụp lại. Tất nhiên, vị Phật đó không phải là thày vì khi đó thày chưa thăng thiên, nhưng hiện nay đây là trách vụ thày đang đảm nhiệm. Thuở đó có một vị Phật khác cầm giữ không gian, cũng như đã có nhiều vị Phật khác kể từ đó đến nay.

Sẽ tới một điểm khi con đạt được một tầng mức nào đó của quả vị Phật thì con sẽ không chỉ bắt đầu hiểu được khái niệm này một cách trí thức, mà con sẽ bắt đầu trải nghiệm thực tại này bên trong bản thân con. Sau đó con sẽ ngộ ra là khi con đạt đến một mức tâm thức Phật trong khi mình còn đầu thai vật lý, con có khả năng hình thành một dòng chảy hình số 8 với thày, với đức Phật mà thày là. Con thấy đó, trong tư cách là Phật, thày nguyện cầm giữ không gian cho trái đất để tất cả chúng sinh đầu thai trên trái đất có thể làm bất cứ gì họ muốn với quyền tự quyết của họ mà không khiến cho trái đất sụp đổ.

Hiển nhiên, con là một trong những sinh thể đang đầu thai trên trái đất, cho nên con có thể nhận ra một điều sâu xa ở đây. Tại sao trên địa cầu lại có chiến tranh? À, trong nhãn quan rộng lớn, chính thày đang cầm giữ không gian cho phép sa nhân gây chiến. Có phải chỉ sa nhân mới quyết định có chiến tranh trên trái đất? Không, không đâu con. Trên trái đất có chiến tranh là vì loài người đầu thai đang cho phép trong tâm họ, trong bốn thể phàm của họ và trong tâm thức tập thể, có một khoảng không gian nơi chiến tranh có thể hiện hữu.

Nói cách khác, thày đang cho phép không gian tồn tại trong ý nghĩa rộng lớn, nhưng thật ra những gì được biểu hiện trong cõi vật lý đòi hỏi phải có những người đầu thai cung cấp khoảng không gian trong tâm họ để chuyện này xảy ra. Sự kiện thày cầm giữ không gian không có nghĩa là phải có chiến tranh trên địa cầu. Cho nên chiến tranh chỉ có mặt khi những người đang đầu thai cho phép nó xảy ra. Điều con có thể khởi sự làm (khi con đạt đến những tầng đó của tâm thức Phật) là nhìn nhận rằng bởi vì con đang đầu thai vật lý, bởi vì con đã đạt đến mức độ không dính mắc giúp con không còn tìm cách trải bày ra một câu chuyện cá nhân hay một tấn tuồng cuồng đại, cho nên con đang ở trong một trạng thái tâm thức không dính mắc, không ràng buộc. Và vì con không bị ràng buộc cho nên con có sự tùy chọn để quyết định rút lại không gian khỏi một số biểu hiện nhị nguyên.

Thày không khuyên con bắt đầu ngay với chiến tranh vì đó là một vấn đề to lớn, nhưng thày đề nghị con hãy tìm một biểu hiện nào hấp dẫn đối với cá nhân con. Xong con hãy trước hết suy ngẫm điều đó, con rút lại không gian khỏi biểu hiện đó trong bốn thể phàm của con, nhưng sau đó con có thể bắt đầu mở rộng tầm hoạt động, con lần hồi đạt tới điểm con rút không gian khỏi tâm thức tập thể.  

19.8. Một vị Phật có thể làm được bao nhiêu

Thày sẽ nói với con là chỉ một người với tâm thức Phật cũng có khả năng rút không gian khỏi một biểu hiện nào đó – không phải chiến tranh, bởi vì nó sẽ đòi hỏi nhiều người hơn với tâm thức Phật. Nhưng trong các lãnh vực khác không mang động lượng mạnh mẽ, quả thật con có thể rút lại không gian. Chẳng hạn, rất có thể sẽ chỉ cần một người với đủ trình độ quả vị Phật để rút không gian khỏi tệ nạn ấu dâm, có nghĩa là không một kẻ ấu dâm nào sẽ có thể đầu thai trên địa cầu sau thời hạn đó.

Tuy nhiên có một số lãnh vực nơi một vị Phật duy nhất không thể thay đổi tình thế, nhưng bằng cách rút lại không gian, con sẽ tạo dễ dàng cho đủ số người đi đến quyết định: “Chúng tôi không còn muốn biểu hiện này trong xã hội chúng tôi hay trên hành tinh chúng tôi nữa.” Và khi chúng ta ngày càng bước sâu hơn vào Thời đại Hoàng kim, thì nhận thức toàn cầu sẽ ngày càng nâng lên – và con đã bắt đầu thấy sự tăng trưởng này rồi đó, nhưng nó sẽ còn tăng trưởng hơn nữa. Rồi sẽ tới điểm khi loài người nhận ra là những gì chúng ta cho phép biểu hiện trên hành tinh là thẩm quyền quyết định của chúng ta. Đó là lúc một vị Phật đang hiện thân có khả năng rút không gian khỏi một biểu hiện nào đó, và việc này sẽ tạo rất nhiều dễ dãi cho một túc số tới hạn những con người tiến tới quyết định vỏ ngoài: “Chúng ta muốn hành tinh này không còn bóng dáng tệ nạn nô lệ, buôn người, lạm dụng ma túy, hay thao túng nền kinh tế, tất cả những biểu hiện đó.” Và cuối cùng, có thể động lượng sẽ mãnh liệt đến độ sẽ có đủ số người quyết định là chúng ta muốn hành tinh không còn bóng dáng chiến tranh nữa. Điều này có thể xảy ra. Nó sẽ xảy ra.  

Con thấy đó, con yêu dấu, đây là một số lời dạy cho một số các con. Nhiều người trong các con sẽ có thể bỏ nó qua một bên. Nhưng thày đề nghị con đừng bỏ qua cái ý tưởng là tuy con có thể giải quyết ngã gốc cùng các ngã tách biệt khác của con, nhưng vẫn còn thiếu một cái gì, đó là sự xoay chuyển trong thái độ toàn diện của con, trong cách con nhìn chính mình.

19.9. Những người không tiến bước

Nếu con nhìn vào các phong trào tâm linh, con sẽ thấy trong nhiều trường hợp có những người đã tham gia một phong trào, đã đi theo một giáo lý và ngay cả đã áp dụng giáo lý và tu tập một số kỹ thuật suốt nhiều thập niên. Họ có tầm hiểu biết to lớn về đường tu tâm linh, một tầm hiểu biết trí thức và đường thẳng. Thậm chí họ còn có thể dựng lên một nhân cách vỏ ngoài biết “đi đứng đúng điệu, nói năng đúng điệu” và hành xử như một người tâm linh. Vì vậy họ có thể tỏ ra rất tâm linh, hài hòa, cân bằng và tự chủ. Nếu con nhìn với con mắt nội tâm, con sẽ thấy tất cả chỉ là vỏ ngoài. Họ đã không thật sự thay đổi cái nhìn tổng thể về cuộc sống và về chính họ. Thật sự có thể nói là nếu nghĩ theo cách 144 tầng tâm thức, có những người có thể đã theo giáo lý của chân sư thăng thiên hàng 30 năm trời nhưng họ chỉ vươn lên được từ tầng 60 đến tầng 68 chẳng hạn, trong khi họ có tiềm năng vươn lên cao hơn rất nhiều trong thời gian đó. Tại sao họ không lên cao hơn được? Đó là vì cái nhìn tổng thể của họ về bản thân đã không chuyển đổi. Họ đã không sẵn lòng bước qua cuộc xoay chuyển cách mạng đó.

Như thày có nói, có một số người đã không tiến bộ cho dù họ đã làm tất cả những thứ vỏ ngoài. Cũng có một số người khác đã làm tất cả những thứ vỏ ngoài, và một cách nào đó, họ đã chứng đạt một mức tâm thức nào đó, nhưng họ đã không xoay chuyển cái nhìn tổng thể về cuộc sống cho tới mức chấp nhận được là họ đã tiến bộ. Như sứ giả này một số năm về trước đạt tới điểm ông nhận ra là một phần tự ngã của ông muốn cảm thấy mình là một đệ tử tâm linh cao cấp, nó muốn tự hào về chuyện này. Ông nhận ra là để tránh cảm thấy tự hào, ông không dám thừa nhận là mình đã tiến bộ. Ông phải kinh qua một quá trình tự nhủ rằng: “Tôi có tin là các giáo lý tâm linh hiệu nghiệm hay không? À, nếu tôi tin giáo lý hiệu nghiệm và nếu tôi đã áp dụng giáo lý từng nấy năm trời thì tôi đã phải có tiến bộ. Vì nếu giáo lý hiệu nghiệm thì tôi phải tiến bộ. Và nếu tôi không tiến bộ, tại sao tôi cứ mất công áp dụng giáo lý làm gì? Và nếu tôi không tin giáo lý hiệu nghiệm, tại sao tôi lại mất công áp dụng giáo lý? Nếu tôi tin giáo lý hiệu nghiệm và tôi đã áp dụng giáo lý, thì bắt buộc tôi đã phải có tiến bộ. Nhìn nhận điều này có gì sai trái đâu?”

19.10. Chấp nhận con có thể là một công cụ

Ông trải qua một cuộc xoay chuyển khi ông thừa nhận là ông đã có một số tiến bộ, và đó chính là tại sao ông đã có thể đồng ý khi Giê-su đến gần ông và nói: “Con có sẵn lòng làm điều này cho thày không?” Ông đã có thể chấp thuận: “Thưa vâng, có lẽ quả thật con có thể là một công cụ.” Điều này cũng áp dụng cho con. Nhiều người trong các con đã tu tập, đã tiến bộ, nhưng vẫn còn một sự xoay chuyển mà con chưa trải qua cho nên con không thể nhận công việc đó.

Có những đệ tử. mặc dù đã học giáo lý và dường như cũng đã tu tập, vẫn chưa thực sự xoay chuyển tâm thức ở bên trong. Điều họ đã làm vỏ ngoài là họ đã tạo dựng cái nhân cách cho rằng họ là người tâm linh, cho nên họ tưởng là họ đã chứng đạt nhiều hơn thực tế. Song con có một số đệ tử đã kinh qua những bước tiến nội tâm nhưng họ lại có một nhân cách vỏ ngoài không cho phép họ nhìn ra điều đó, cho nên họ không công nhận bước tiến của họ.

Tất nhiên, đa số các con đều thuộc loại đệ tử đã có tiến bộ, con đã tu tập nhưng con chỉ đơn giản không dám nhìn nhận chuyện này. Con đã không dám đứng lui lại để thấy có một loại ngã tách biệt ngăn cản con nhận ra mình đang đứng ở đâu trên đường tu và tiềm năng của con là gì ở mức hiện tại của mình.

Điều này áp dụng cho hầu hết các con. Con có thể được lợi lạc nếu con suy ngẫm điểm này và sẵn lòng xoay chuyển và nhìn nhận: “Tôi là một đệ tử đã tiến khá xa trên đường tu. Tôi đã phần nào trưởng thành. Tôi có một số chứng đạt tâm linh cho nên tôi có khả năng làm cánh cửa mở. Tôi có khả năng phụng sự. Tôi có khả năng vun bồi sự hòa điệu với các chân sư thăng thiên. Tôi biết được bước kế tiếp của tôi trong Sứ vụ Thiêng liêng. Tôi thực sự có khả năng làm gì đó trên địa cầu, không phải vì tôi là tác nhân mà vì tôi có thể đồng sáng tạo với Hiện diện TA LÀ của tôi và cống hiến một cái gì chính đáng, có giá trị, đáng trân trọng, xây dựng và tốt đẹp.”

Bao nhiêu người trong các con đã dám nhìn nhận điều này nơi bản thân mình? Con yêu dấu, Thánh linh, Hiện diện TA LÀ của con, các chân sư thăng thiên, tôn trọng quyền tự quyết của con. Nếu con cứ nhất định bám giữ một cái nhìn hạn chế về chính mình, tất nhiên các thày sẽ không áp đặt lên con và buộc con làm cánh cửa mở. Các thày không thể đạp cửa cho nó mở ra, mà chỉ có con mới có thể mở cửa. Nhiều các con có khả năng làm cuộc xoay chuyển này rất nhanh chóng, con chỉ cần cả gan chấp nhận là mình đang ở một mức của đường tu – thật không quan trọng đó là mức nào – nơi con có thể là cánh cửa mở một phần nào đó. Thế thì con hãy dám đảm nhận điều này, hãy dám biểu lộ nó. Con hãy bình an với nó. Bình an với bất kỳ phản ứng nào mà con có thể nhận từ môi trường chung quanh.

Con yêu dấu, đây là bài giảng mà thày đã muốn đem lại. Thày cũng muốn cảm ơn con đã có mặt ở đây. Thày bày tỏ lòng biết ơn đối với những ai sẽ học hỏi những lời dạy này, áp dụng lời dạy, áp dụng các dụng cụ và như vậy bắt đầu nắm bắt được các khía cạnh cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của mình và cả gan đem ra thực hiện. Với lòng biết ơn của Phật, thày niêm con và thày cũng niêm hội nghị này. Bình an của thày sẽ luôn luôn ở bên con – bất cứ khi nào con muốn!