33 | Thoát bế tắc bằng cách buông kỳ vọng

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 25 tháng 4, 2021. Bài này được trao truyền nhân dịp Webinar 2021 cho nước Nga – Khắc phục tâm thức cao trội và cảm nhận thiếu trọn vẹn, tổn thương và tập trung bên ngoài bản thân.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Thật là hân hạnh, vui mừng – và cũng là sự chọn lựa của thày – được kết thúc hội nghị này như thày đã kết thúc biết bao hội nghị khác. Nhưng tất nhiên, thày cũng đã chọn công việc này để trao truyền một lời dạy đặc thù.

Khi con nhìn ngược dòng thời gian, vào thuở xa xưa cách đây nhiều thế kỷ khi thày còn bước chân trên trái đất và hiện thân như Gautama, thày đã nói gì? Thày đã đưa ra Tứ Diệu đế, trong số đó có Đế đầu nói rằng cuộc sống là đau khổ. Mục đích của thày đưa ra lời dạy này là gì? Tất nhiên là để giải thoát con người khỏi khổ đau.

Nhưng khi con nhìn vào Phật giáo, đó là gì chứ? Một số người gọi đó là một tôn giáo. Nhiều người ở phương Tây đã gọi đó là tôn giáo vì họ không hiểu đạo Phật thực sự là gì. Họ thường không chịu bỏ công ra tìm hiểu. Có thể họ đã nhìn vào một số pháp tu của những người theo đạo Phật thời nay, nhưng họ chưa bao giờ quan tâm đến việc học hỏi giáo lý và thấu hiểu đạo Phật là gì. Tương tự như vậy, nhiều người tu theo đạo Phật thời nay cũng không hiểu đạo Phật là gì. Đạo Phật cũng được gọi là một triết lý, nhưng đó có thật là một triết lý hay không? Liệu nó có nói đến vấn đề tạo lập vũ trụ hay những chủ đề vũ trụ học hay không? Không.

33.1. Phật giáo là một dụng cụ tâm lý

Đạo Phật là một cái gì rất thiết thực. Kỳ thật đó là một dụng cụ tâm lý, một hệ thống tâm lý học – nếu con muốn dùng từ “hệ thống” – một phương pháp tâm lý. Toàn bộ mục đích là để giải thoát con người khỏi khổ đau. Và khổ đau thì diễn ra nơi đâu? Trong tâm lý, trong tâm hồn, trong tâm. Đâu là chìa khóa để vượt qua đau khổ? Là khắc phục dính mắc. Dính mắc là gì? Dính mắc [attachment] không phải là một tệp đính kèm [attachment] với email của con đâu. Đó cũng không phải là một vật gắn liền [attached] với cơ thể của con, mà là một sự ràng buộc [attachment] trong tâm con. Đó là một tình trạng, một điều kiện tâm lý.

Vậy thì chìa khóa của đạo Phật là gì? Là giải quyết các điều kiện tâm lý khiến con bị dính mắc với những thứ của thế gian này – những hiện tượng trong thế gian này, những cặp nhị nguyên, những sự cố, những con người, những nơi chốn, những gì ràng buộc con với một số sự kiện và đồ vật vật lý, một số cảm xúc, một số ý tưởng, một bản sắc nào đó dính liền với thế gian hay thế trần.

Làm thế nào con giải quyết được chứ? Bằng cách làm việc trên tâm lý của con. Tại sao thày lại không bày tỏ giản dị như vậy cách đây 2500 năm? Bởi vì tâm thức tập thể thời đó thấp hơn bây giờ rất nhiều đến độ thày không thể trao truyền những khái niệm về tâm lý mà thày có thể cho con ngày nay. Con người thời đó giản dị không có nền tảng để hiểu được, như con có thể thấy rõ là họ không có nền tảng để hiểu được rất nhiều khái niệm khoa học mà thời nay con được học ở trường tiểu học. Đơn giản là tâm thức tập thể chưa tới mức đó.

33.2. Một quá trình dài trao truyền giáo lý

Vậy thì các thày, các chân sư thăng thiên, đã làm gì suốt 2500 năm qua cũng như từ lâu hơn nữa? Các thày đã lần hồi đưa tâm thức tập thể đi lên, đã đem lại tiến bộ trong nhiều lãnh vực hiểu biết, đã nâng cao ngôn ngữ để có thể đưa ra các khái niệm mà các thày trao cho con bây giờ về tâm lý con người, về cách tâm lý vận hành, về bốn thể phàm, về dòng chảy năng lượng, về các ngã tách biệt và làm thế nào giải quyết ngã tách biệt.

Khi con nhìn lại khoảng thời gian rất dài này, con có thể thấy bao nhiêu yếu tố nhỏ cần được hội đủ hầu đem hành tinh trái đất tới điểm giáo lý này có thể được trao truyền, được tiếp nhận bởi một khối người tới hạn, và qua việc thực hành giáo lý này họ sẽ đẩy tâm thức tập thể đi lên.

Chỉ là vấn đề thời gian, một thời gian tương đối ngắn, trước khi những khái niệm này sẽ trở thành loại kiến thức phổ thông. Một lần nữa, điều này không có nghĩa là đa số con người sẽ công nhận các chân sư thăng thiên, nhưng họ sẽ công nhận các khái niệm về cách làm chủ chính tâm mình, chính tâm lý của mình, để làm thế nào thay đổi trạng thái tâm mình một cách ý thức và cố tình, hầu vươn lên trên đau khổ, khắc phục các dính mắc tạo ra đau khổ, và đạt được một mức độ “cực lạc” nào đó – thày gọi là “cực lạc” tuy không phải là những gì hầu hết mọi người quan niệm khi họ nghĩ đến một dạng hạnh phúc tột cùng nào đó.

33.3. Không dính mắc không phải là không quan tâm

Không đâu con, đúng hơn đó là cái chúng ta có thể gọi là tâm an bình, phát sinh từ một trạng thái tâm trung hòa. Có nghĩa là con không có dính mắc. Lũ quỷ Mara có thể đến khi con đang ngồi thiền, cố kéo con vào một phản ứng nào đó, nhưng chúng không thể nắm được gì nơi con để khiến con phản ứng lại chúng. Giản dị là con không dính mắc vào bất kỳ điều kiện nào trên trái đất.

Nhưng con hãy lưu ý sự khác biệt ở đây. Không dính mắc không có nghĩa là không có gì quan trọng và con không quan tâm đến bất cứ gì. Nó chỉ có nghĩa là con không dính mắc. Con không nhìn và tiếp cận cuộc sống trên trái đất xuyên qua tâm nhị nguyên. Con đã vươn lên khỏi tâm nhị nguyên. Con vẫn có thể tham gia vào cuộc sống, vẫn có thể vui nhưng không phải là vui đối chọi với buồn. Con có thể cảm thấy hạnh phúc, nhưng không phải là hạnh phúc đối nghịch với bất hạnh. Từ góc nhìn nhị nguyên, con ở trong một tâm thái trung hòa. Giống như khi con nhìn những tượng Phật kia, con thấy Phật ngồi dó, miệng mỉm cười bí ẩn tỏa ra sự không dính mắc, nhưng đồng thời một sự bình an nội tại, một niềm vui nội tại.

33.4. Diệu đế đầu tiên: Đời là căng thẳng

Đâu là điều mà thày, chân sư thăng thiên Phật Gautama, mong muốn cho mọi người? À, tất nhiên thày mong muốn mọi người đạt được cái đó. Ít nhất họ đạt được một trạng thái an bình nội tâm nào đó, một trạng thái hàn gắn các chấn thương cùng các vết thương tâm lý, vượt qua các dính mắc đã khiến họ bị áp lực căng thẳng. Cách đây 2500 năm, thày đã nói rằng cuộc sống là đau khổ. Ngày nay với từ vựng tân thời, chúng ta có thể nói cuộc sống là “xì-trét”. Cuộc sống là căng thẳng, sự căng thẳng bên trong, căng thẳng nội tâm. Thế nào là căng thẳng? À, có thể có căng thẳng trong thể xác vật lý, nhưng căng thẳng chủ yếu là một điều kiện tâm lý. Con cảm thấy sự căng thẳng. Phải, con có thể nói là con bị căng thẳng, nhưng đây vẫn là một điều kiện tâm lý.

Khi thày, chân sư thăng thiên Phật Gautama, nhìn vào người dân Nga, thày thấy gì? Thày thấy nhiều người đã phải chịu căng thẳng khủng khiếp suốt mấy kiếp sống. Rất nhiều người đầu thai ở Nga hiện nay cũng đang bị căng thẳng khủng khiếp. Chỉ riêng cuộc sống hàng ngày cũng đem lại cảm giác căng thẳng đến độ nhiều người bị choáng ngợp. Nó quá sức chịu đựng của một số người, khiến họ rơi vào đủ loại hình thức nghiện ngập, tê dại trong các loại hóa chất hay những sinh hoạt giải khuây khỏi sự căng thẳng mà họ cảm thấy. Một số sẽ làm bất cứ gì để có được một giây phút khuây khỏa ngắn ngủi khỏi sự căng thẳng gần như không thể chịu nổi.

Làm sao con có thể mong đợi những người đang chịu nhiều căng thẳng như thế nhạy cảm với sự sống? Ngay cả đời họ mà họ cũng không nhạy cảm thì làm sao họ nhạy cảm với tha nhân? Làm sao con có thể chờ đợi họ sẽ lãnh trách nhiệm về đời họ, trách nhiệm về dân tộc họ và tham gia vào đủ loại khía cạnh khác của xã hội? Làm sao con có thể chờ đợi họ làm bất cứ gì ngoài chuyện đối phó với những căng thẳng của đời sống thường nhật?

Saint Germain có nói đến việc nâng cao dân tộc Nga đến mức có được sung túc vật chất, qua đó họ không phải bỏ ra toàn bộ thời gian và chú ý để mưu sống. Nhưng tất nhiên điều này cũng có một khía cạnh Omega – là điều mà nhiều người ở phương Tây đã nghiệm thấy – là mặc dù người ta có thể được hưởng điều kiện vật chất tốt đẹp nhưng vẫn bị căng thẳng về mặt tâm lý.

Rõ ràng phần lớn căng thẳng mà nhiều người Nga hiện cảm thấy phát sinh từ sự vật lộn kiếm sống, và đa phần điều này có thể được giải tỏa khi điều kiện vật chất cải thiện. Nhưng tất nhiên đây chỉ là giai đoạn đầu, và giai đoạn sau đó là việc chữa lành tâm lý để người dân Nga có thể bắt đầu khắc phục căng thẳng bên trong tâm lý mình, và căng thẳng này thì không do các điều kiện vật chất gây ra mà chỉ được các điều kiện vật chất khuếch đại.

33.5. Dính mắc vào một thế giới quan

Nguyên nhân thật sự là những gì đã xảy ra cho họ vào thời Xô viết, vào thời Nga hoàng, thậm chí cả trong thời kỳ hiện đại, và họ cần sự chữa lành tâm lý. Đâu là chìa khóa để chữa lành? À, đó là tất nhiên họ cần công nhận là họ đang bị căng thẳng do có một cơ chế trong tâm lý họ khiến họ nghĩ rằng họ chỉ có thể sống theo một cách nhất định, họ chỉ có thể là những con người nhất định, hay cuộc sống chỉ có thể theo một cách nhất định.

Đây là sự dính mắc vào một quan điểm nhất định về cuộc sống, một cách nhìn đời nhất định, một phin lọc nhận thức nhất định. Trong quá khứ con đã từng bị chấn thương, bị khuynh loát, bị tuyên truyền khiến con chấp nhận một cách nhìn đời nào đó. Chẳng hạn, rằng đời là một cuộc đấu tranh, rằng con không thể tin vào nhà nước, con không thể tin tưởng người khác, rằng mọi người đều muốn hại con, mọi người đều chống đối con, rằng không ai cho con sự tôn trọng mà con muốn, hay nhiều thứ khác nữa. Con cho đó là cách duy nhất để nhìn cuộc sống.

Và kết quả là con nghĩ rằng khi người khác không làm những gì con muốn họ làm, thì con chỉ có thể phản ứng lại bằng cách cảm thấy căng thẳng, cảm thấy oán giận, cảm thấy bực tức. Con phản ứng lại bằng cách la lối mắng nhiếc, hành xử hung hãn, cố bịt miệng họ, thay vì tự giải quyết và tự hỏi xem tại sao những gì họ nói lại khiến con giận dữ đến vậy. Để sau đó con nhận ra là bất cứ gì khiến con giận dữ không phải là một điều kiện ngoài kia, mà là điều kiện bên trong, là sự dính mắc trong tâm lý của con. Đó là điều đã khiến con giận dữ. Cho nên bí quyết để không giận dữ, bí quyết để khắc phục sự căng thẳng không phải là thay đổi điểu kiện bên ngoài, không phải là thay đổi người khác, mà là thay đổi điều kiện bên trong, hầu con có thể đối mặt với cùng điều kiện bên ngoài đó, nhìn thẳng vào mắt nó và nói: “Thế thì đã sao? Bạn nghĩ là bạn có quyền lực trên tôi à? Bạn nghĩ bạn có thể ép buộc tôi phải phản ứng một cách nào đó à? Không đâu. Đó là tôi trong quá khứ. Nhưng tôi ngày hôm nay thì khác, bạn không có quyền lực gì trên tôi.”

Tất nhiên điều này không chỉ giới hạn cho người Nga mà nó áp dụng cho tất cả mọi người trên địa cầu. Thày không mong đợi là người dân Nga sẽ quay sang đạo Phật trong tương lai trước mặt, nhưng chắc chắn thày chờ đợi các học trò của chân sư thăng thiên sẽ dùng những ý tưởng này, những dụng cụ này, qua đó các con sẽ kéo tâm thức tập thể đi lên hầu mọi người bắt đầu nắm bắt và đón nhận các ý tưởng này mà không hay biết là chúng dựa trên giáo lý đạo Phật, hay chúng xuất phát từ các chân sư thăng thiên hay bất cứ gì khác.

Các thày không tìm cách biến nước Nga thành một nước Phật giáo hay một nước theo chân sư thăng thiên. Các thày chỉ muốn mọi người chấp nhận một loạt ý tưởng phổ quát sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống cá nhân của họ.

33.6. Các kỳ vọng của con trên đường tu

Bây giờ thày muốn đưa ra một số lời dạy để khai triển những gì Mẹ Mary vừa trình bày trong bài giảng tuyệt vời về cách làm thế nào khắc phục cảm giác bế tắc trên đường tu tâm linh. Góc nhìn của thày, tất nhiên, chính là những gì thày vừa trao cho con, là chìa khóa trong giáo lý đạo Phật: vượt qua dính mắc. Nhưng thày đặc biệt muốn đặt trọng tâm vào một khía cạnh, một loại dính mắc đặc thù, và đó là cái con thường gọi là sự mong chờ.

Như Mẹ Mary, Giê-su và các chân sư khác đã nói, khi lần đầu tiên con tìm thấy con đường tâm linh, cho dù với giáo lý của chân sư thăng thiên hay một giáo lý nào khác, thì con đang ở một mức tâm thức nào đó. Con xuất thân từ một gốc gác nào đó, con mang một số tư tưởng cùng niềm tin đã xâm nhập tâm con trong kiếp này và những kiếp trước, và con không thể làm gì khác hơn là khởi sự ở điểm đó. Nhưng điều gì khiến cho một người quyết định dấn thân vào khái niệm lạ lẫm về một con đường tâm linh dẫn đến những trạng thái tâm thức cao hơn? Điều gì thúc đẩy con bỏ nỗ lực ra để học hỏi những giáo lý đôi khi phức tạp, thực hành những nghi thức phần nào kỳ lạ, và dành ra nhiều thì giớ, năng lực lẫn công sức cho việc này?

Con phải có một động lực. Và tất nhiên, động lực đối với nhiều người là họ chờ mong gì đó. Và nếu con nhìn vào cuộc sống của con người, nhìn vào nền văn minh này cũng như những nền văn minh trước, nhìn vào lịch sử loài người, thì con sẽ thấy một mô thức xuất hiện. Mô thức này là: Con bỏ ra công sức thì con sẽ nhận được phần thưởng.

Con có thể thấy điều này đã có mặt từ thuở hồng hoang. Con bỏ ra nỗ lực, con nhận được phần thưởng. Hiển nhiên đây là một khái niệm mà chúng ta có thể bảo là tự nhiên. Đây là một phần cuộc hành trình mà một dòng sống đi qua, bắt đầu từ cái các thày đã gọi là một ý niệm bản sắc nhỏ như cái chấm rồi lần lần khuếch trương lớn hơn. Con bỏ ra nỗ lực, con nhận được phần thưởng.

Trên một hành tinh tự nhiên, con bỏ ra nỗ lực bằng cách hình thành một khuôn đúc trong tâm, xong con chứng kiến sự thị hiện vật lý của khuôn đúc này và dó là phần thưởng của con. Đó là giai đoạn khởi đầu là một người đồng-sáng tạo. Và chuyện gì xảy ra trên một hành tinh tự nhiên? Bất kể khuôn đúc nào con giữ trong tâm với đủ cường độ thì con sẽ có thể thị hiện khuôn đúc đó.

Nhưng tất nhiên trên một hành tinh phi tự nhiên sẽ không giống như vậy. Nơi đây vật chất dày đặc hơn, tâm thức tập thể cũng dày đặc hơn, và có nhiều, rất nhiều người có thể chống đối con, đặc biệt ở những nơi có sa nhân. Chúng ta có thể nói là đã từng có một khái niệm tự nhiên về “bỏ ra nỗ lực, nhận được phần thưởng,” nhưng các sa nhân đã khuynh đảo khái niệm này. Chúng đã làm tha hóa khái niệm này và sử dụng nó để thao túng con người theo đủ mọi cách tinh vi.

Một trong những trò chơi mà sa nhân ưa thích nhất là cho người ta một sự chờ đợi, một kỳ vọng là nếu họ bỏ ra một nỗ lực nào đó trong một thời gian dài thì họ sẽ nhận được một phần thưởng nào đó. Xong chúng khiến người ta bỏ ra công sức nhưng lại không nhận được phần thưởng, và chúng nói: “Không, bạn đã không đủ cố gắng, bạn phải cố gắng thêm nữa.” Thế rồi khi người ta làm y như vậy, họ vẫn không nhận được phần thưởng. Sa nhân đã chế ra một thú tiêu khiển như thế này: Thử xem chúng có thể khiến người ta tiếp tục tin vào câu “phải bỏ thêm nỗ lực thì mới có phần thưởng” được bao nhiêu lần?

Ở Nga có một phiên bản của trò chơi này bảo rằng: “Nếu bạn, người dân Nga, hy sinh đủ cho nhà nước thì bạn sẽ nhận được phần thưởng.” Vào thời Công giáo, phiên bản đó là: “Nếu con nỗ lực đủ để tuân theo chỉ thị của giáo hội, để chiến đấu cho giáo hội trong các cuộc thập tự chinh, để quyên góp tiền bạc cho giáo hội hay làm này làm nọ, thì con sẽ được thưởng sau kiếp này.” Đơn giản đây chỉ là một thú tiêu khiển của sa nhân. Chúng lùa người ta vào những chu kỳ bỏ ra công sức rồi bị thất vọng, rồi lại bỏ thêm công sức để lại bị thất vọng lần nữa. Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi cuối cùng họ chán ứ và nói: “Thôi ngừng trò này.”

Hiển nhiên, đường tu tâm linh cũng tương tự như vậy. Như Mẹ Mary đã trình bày về con đường vỏ ngoài, con nghĩ là nếu con đọc tất cả những bài chú bài thỉnh kia, nếu con học tập tất cả những giáo lý kia, tham dự tất cả các khóa tu học kia và làm này làm nọ, thì con sẽ nhận được một phần thưởng – cho dù phần thưởng này là gì theo cách nhìn và trạng thái tâm thức của con khi con tìm thấy đường tu. Thế rồi con tu tập 5, 10, 15, 20 năm cho đến khi cuối cùng con cảm thấy thất vọng, có lẽ con rời bỏ giáo lý, hay có lẽ con bước vào một trạng thái phủ nhận và cứ tiếp tục nỗ lực, nghĩ rằng mình sẽ được tưởng thưởng sau kiếp này.

33.7. Động lực khiến con bỏ ra nỗ lực

Thực tế, con yêu dấu, là đã có một thời khi con tìm thấy đường tu tâm linh dưới một dạng nào đó thì con đang ở một mức tâm thức nào đó. Và dựa trên mức tâm thức này cũng như quá trình của con không chỉ trong kiếp này mà nhiều kiếp trước, con đã tạo ra một động lực để thúc đẩy mình đi theo đường tu dựa trên một kỳ vọng nào đó.

Con đã chấp nhận là con phải bỏ ra nỗ lực. Nhưng con mong đợi là một khi con bỏ ra nỗ lực này thì con sẽ nhận được một phần thưởng. Có thể con đã tìm thấy đường tu dưới một dạng khác, nhưng đến một thời điểm thì con gặp giáo lý của chân sư thăng thiên. Thế là con nắm lấy giáo lý của các thày và một lần nữa, con lại tạo ra một động lực. Con tạo ra động lực nói rằng: “Nếu tôi làm chuyện này y như giáo lý này quy định thì tôi sẽ nhận được phần thưởng này.”

Có nhiều, rất nhiều người khắp thế giới đã mang kỳ vọng là nếu họ đi theo một giáo lý hay một vị đạo sư tâm linh, thực hành một số pháp tu trong một thời gian thì họ sẽ nhận được, họ sẽ đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn – tâm thức vũ trụ, tâm thức kết hợp, sự giác ngộ, dù họ gọi là gì.

Các con là học trò của chân sư thăng thiên, hầu hết các con cũng không khác mấy. Con có một kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra khi con chuyên cần đi theo đường tu. Một lần nữa, không có chê trách gì ở đây, vì con làm gì khác được chứ? Con phải khởi sự nơi con đang đứng. Nếu con không làm cái gì đó thì con sẽ tuyệt đối không đi tới đâu. Nếu con không bỏ ra nỗ lực thì con sẽ không tiến bộ, cho nên con cần một động lực để nỗ lực như thế, và động lực này thì dựa trên mức tâm thức mà con đang có, dựa trên cách nhìn của con về đường tu, cách nhìn của con về bản thân, về Thượng đế, về các chân sự thăng thiên – rất nhiều vấn đề phức tạp. Mỗi người trong các con có thể có động lực riêng của mình. Điều này chẳng có gì sai trái và hoàn toàn không thể tránh được là con sẽ làm như vậy.

33.8. Tránh bị thất vọng

Nhưng vậy thì làm sao con có thể tránh gặp những thời điểm khi động lực con có ban đầu đã đưa con đi xa nhất có thể, và giờ đây như Mẹ Mary mô tả, con cần phải bước lên một tầng cao hơn nhưng tâm vỏ ngoài của con không biết cách làm thế nào? Cho nên con bắt đầu cảm thấy chán nản, con bắt đầu cảm thấy mình không tăng trưởng, mình không tiến đủ, và đường tu không thật sự nghĩa lý gì nữa. Làm thế nào con tránh được phản ứng này?

À chỉ có một cách thôi, đó là con nhìn nhận rằng khi con bước trên đường tu, đôi khi con sẽ phải xem xét những kỳ vọng của mình. Con sẽ phải nhận ra là những kỳ vọng mình đã có bị giới hạn bởi mức tâm thức trước của mình. Nhưng bây giờ sau khi đã bỏ ra nỗ lực, đã thực hành giáo lý, thì con đã vươn lên cao hơn trong tâm thức. Có nghĩa là bây giờ con có khả năng nắm bắt một động lực cao hơn, và con có thể hình thành một kỳ vọng khác về những gì sẽ xảy ra.

Câu hỏi thực sự là liệu con có hiểu điều này, con có nắm bắt điều này cả với tâm vỏ ngoài và nhìn nhận rằng đường tu có nhiều giai đoạn, như Mẹ Mary vừa nói? Và để đi từ giai đoạn này đến giai đoạn kế tiếp, con phải nhìn ra một điều gì đó mà con không thấy trong giai đoạn trước. Đó là cách duy nhất để tăng trưởng. Đặc biệt, con phải nhìn nhận là con luôn luôn cần một động lực, vì nếu không thì làm sao con có thể bỏ ra nỗ lực trên một hành tinh dày đặc như trái đất? Và để có động lực, con cần phải có một kỳ vọng nào đó về phần thưởng sẽ nhận được.

33.9. Nhiều mức kỳ vọng khác nhau

Các thày nhìn thấy nhiều học trò tìm ra một giáo lý của chân sư thăng thiên, họ hình thành một kỳ vọng là họ sẽ đạt được một kết quả vật lý nào đó. Có thể là sự chữa lành thể xác, có thể là của cải giàu có, có thể là một số điều kiện vật lý mà họ mong muốn. Cũng có thể là một số khả năng thao tác vật chất và thị hiện những chuyện sẽ gây ấn tượng cho người khác.

Có thể có nhiều động lực và kỳ vọng khác nhau. Nhưng đây là những kỳ vọng vật lý. Chúng sẽ đưa con đến một tầng nào đó của đường tu, nhưng rồi sẽ tới điểm con không tăng trưởng được thêm nữa trừ khi con xem xét các kỳ vọng này và nhận ra là chúng bị hạn chế, rằng chúng hạn chế con. Và nếu con muốn tiến thêm trên đường tu thì đơn giản con sẽ cần buông chúng ra bằng cách buông những cái ngã đang nắm giữ chúng.

Tiến trình này không nhất thiết là dễ dàng, nhưng các thày kỳ thực đã cho con nhiều lời dạy về điều này từ nhiều góc cạnh khác nhau. Con cần nhận diện cơ chế đơn giản ở đây. Giê-su đã nói 2000 năm về trước: “Người nào tìm cách cứu mạng sống của mình sẽ đánh mất sự sống, nhưng người nào sẵn lòng bỏ mạng sống của mình cho ta sẽ tìm thấy sự sống thật, một dạng sống cao hơn.” Ý nghĩa đơn giản là như sau: Con đã hình thành một kỳ vọng ở một tầng tâm thức nào đó, vậy làm cách nào con thấy được tầng tâm thức kế tiếp? Làm cách nào con thấy được kỳ vọng cao hơn có khả năng đưa con lên tầng kế tiếp của đường tu?

Đây chính là cơ chế: Con không thể nhìn thấy bước kế tiếp cho đến khi con buông bỏ kỳ vọng hiện thời của con. Điều này không có nghĩa là con cần làm chuyện này khi con vừa mới bước vào giáo lý. Nhưng khi con đạt tới điểm cảm thấy mình bị bế tắc, mình không đang đi tới đâu, thì đó là lúc con cần bước lui lại, xem xét động lực của mình, xem xét mong chờ của mình. Con đang mong chờ loại phần thưởng gì? Vậy thì con cần để cho mong chờ này ra đi. Con để cho ngã này chết đi. Con sử dụng các lời dạy về cách buông bỏ ngã tách biệt và con để nó chết.

Chỉ khi nào con đã buông bỏ kỳ vọng đã hết hạn sử dụng này thì con mới thấy được cái kế tiếp. Đó là tại sao con đường tâm linh, theo một nghĩa nào đó, là một tiến trình chết và tái sinh. Con phải buông cho cái cũ chết đi trước khi cái mới có thể ra đời, trước khi con có thể phục sinh như một sinh thể mới trong Ki-tô. Không thể có cách nào khác. Không phải là các thày chưa từng nói lên điều này theo nhiều cách, nhưng các thày đang cố nói lên một cách rõ ràng hơn với một trọng tâm cụ thể: Làm thế nào để con thoát khỏi bế tắc trên đường tu.

Mức kỳ vọng thấp nhất mà người ta có là làm sao đạt được một kết quả vật lý trên đường tu. Mức kế tiếp có thể là một loại kết quả tâm lý nào đó. Có thể là chữa lành tâm lý, có thể là đạt một số quyền năng, có thể là đạt đến một mức tâm thức nhất định.

Sứ giả này chưa bao giờ có những loại kỳ vọng vật lý. Ông luôn luôn tìm kiếm sự nâng cao tâm thức vì ông hiểu đây là chìa khóa trên đường tu. Nhưng suốt nhiều năm trời, ông bị thúc đẩy bời kỳ vọng là một ngày kia ông sẽ đạt đến mức tâm thức tối hậu. Và ông thường nghĩ: “Ồ, tôi chưa đạt được mức tâm thức tối hậu đó, nhưng tôi biết con đường này có hiệu quả, cho nên phải có gì đó mà tôi chưa giải quyết trong tâm lý của tôi. Cho nên tôi sẽ tiếp tục làm việc trên tâm lý của mình, và nếu tôi cứ bỏ ra đủ nỗ lực cho đến khi tôi giải quyết được tất cả, thì tôi sẽ có trạng thái tâm thức tối hậu kia.”

33.10. Nhận ra có một cách tiếp cận cao hơn

Cách này đã đem lại kết quả cho ông trong nhiều năm trời, và đối với nhiều người trong số các con, cách này cũng có thể hiệu quả trong một thời gian dài. Nó đã hiệu quả rất lâu đối với nhiều người, nhưng sứ giả này đã tới điểm nhận ra – không phải vì ông bị rơi vào khủng hoảng gì cụ thể – mà dơn giản ông nhận ra đây chỉ là một cách tiếp cận hạn chế. Phải đến khi ông có các lời dạy về ngã tách biệt và 144 tầng tâm thức thì ông mới nhận ra là mỗi tầng trong 144 tầng tâm thức đếu có một ảo tưởng. Ảo tưởng này, tất nhiên, chính là sự kiện có điều gì đó ông chưa nhìn thấy, có một cái ngã mà ông chưa nhìn xuyên thấu và để cho chết đi, có một điểm tâm lý nào đó mà ông chưa giải quyết.

Đó là lúc ông nhận ra là kỳ thực ông không thể giải quyết hoàn toàn tâm lý của mình cho đến khi mình thăng thiên. Khi ông ngộ ra và công nhận điều này, ông không còn giống như một con lừa cứ kéo xe chạy theo củ cà rốt nữa. Bấy giớ ông có thể ngừng lại và nói: “Trước hết, tôi đã chán ứ chuyện chạy theo củ cà rốt rồi. Tôi có muốn củ cà rốt này đâu. Thậm chí tôi có ưa gì cà rốt?” Xong ông đã có thể quay lại nhìn vào chiếc xe đẩy và nói: “Tôi đã chán ứ chuyện kéo xe này với kỳ vọng một ngày kia tôi sẽ có bước đột phá tối hậu đưa tôi lên trạng thái tâm thức cao. Tại sao tôi lại phải kéo mãi kỳ vọng này với tôi? Nó thật là một gánh nặng.”

Đó là lúc ông đã có thể xoay toàn bộ cách tiếp cận của mình về con đường tâm linh, và ông nói: “Tại sao tôi lại phải cảm thấy kém cỏi hay tồi tệ về sự kiện mình ở mức tâm thức hiện thời của mình? Phải, tôi vẫn còn một số vấn đề tâm lý cần giải quyết, nhưng tại sao tôi lại phải cảm thấy bực dọc? Đây chỉ là cách đường tu vận hành trên trái đất. Tôi ở một tầng tâm thức nào đó và tôi có một số vấn đề tâm lý chưa giải quyết ở tầng này cho đến tầng 144. Không thể nào khác được. Tại sao tôi phải tự trách mình chưa tới được tầng 144? Tôi đang ở tầng này đây và quan tâm của tôi là đi bước kế tiếp.”

Ông bước vào một tâm thái không còn cảm thấy là mình tụt hậu, mình khiếm khuyết, và ông không còn kháng cự việc nhìn ra một điểm gì đó trong tâm lý mình. Ông chỉ chờ đợi một cách trung hòa điều gì sẽ xuất hiện tiếp theo sau để ông có thể xem xét, giải quyết, để cho ngã đó chết đi và bước lên tầng kế tiếp. Và nhìn kìa, ông đã thành tựu những gì khi thực hiện cuộc xoay chuyển này?

33.11. Mức tâm thức tối hậu

Theo một nghĩa nào đó, ông đã đạt đến tầng tâm thức cao nhất con thể đạt được trên trái đất, cụ thể là ông an bình với việc mình ở đây, an bình khi ông là con người mà ông là trong ngay giây phút này, biết rằng mình sẽ tiếp tục tăng trưởng cho tới khi đạt đến tầng 144 vì ông cũng biết là ông không đang chống cự lại. Ông không kháng cự việc nhìn ra một điều gì mà ông cần phải khắc phục. Đây là trạng thái tâm thức tối hậu mà con có thể có trên địa cầu vì nó cho con một cảm nhận an bình nội tâm.

Hiển nhiên rất có thể con vẫn còn một số ảo tưởng mà con chưa nhìn thấy khiến con có một số phản ứng trước một số hoàn cảnh. Nhưng dù sao thì con sẽ dễ giải quyết điểm này hơn xong quay trở lại trạng thái an bình. Hay cũng có thể con giải quyết điểm này mà không rời khỏi trạng thái an bình. Con ở trong một tâm thái trung hòa. Con nhận ra là con không tìm kiếm một niềm hạnh phúc tột cùng, con không tìm kiếm cực lạc, con không tìm kiếm một trải nghiệm ngây ngất xuất thần hay một đỉnh cao đầy ấn tượng.

Thật ra con tìm kiếm tâm thái trung hòa nơi con có càng ít phản ứng đối với các điều kiện thế gian càng tốt. Và khi con có phản ứng thì con chỉ xem xét nó. Đâu là cái ngã đứng đằng sau? Đâu là tin tưởng? Con không ngừng lật qua lật lại, nhìn nó từ những góc độ khác nhau cho tới một ngày, con thức dậy giữa đêm và con đột nhiên nhìn thấy nó: “À tôi không phải làm bất cứ gì trên trái đất. À tôi không phải thuyết phục bất cứ ai trên trái đất về bất cứ chuyện gì. Tôi không phải thành tựu bất cứ gì trên trái đất. Tôi không phải đạt được một thành quả nhất định trên trái đất.” Bởi vì giờ đây con ngộ ra là thật chẳng có gì trên trái đất mà con thực sự mong muốn. Không có một phần thưởng nào trên trái đất mà con thật muốn.”

33.12. Phần thưởng tối hậu không ở trên trái đất

Điều con muốn, phần thưởng mà con muốn, là thăng thiên. Phải, con có thể muốn một phần thưởng nào đó khi phụng sự trên trái đất. Như giúp đỡ người khác. Chắc chắn sứ giả này vẫn có một niềm vui sướng từ công việc mình đã làm và vẫn còn làm. Nhưng động lực đích thực của ông là thăng thiên. Đây chính là động lực mà con cần có nếu, theo như Sứ vụ Thiêng liêng của con, con đang sống kiếp chót cùng của mình trên địa cầu.

Nhiều người trong các con đã định ra mục tiêu cho kiếp sống này là hội đủ tư cách thăng thiên. Điều này nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Có nghĩa là thường thường con đặt vào Sứ vụ một thời khóa biểu: “Tôi cần tăng trưởng ở nhịp độ này để có thể hoàn tất trong một kiếp sống bình thường.” Đây là một trong những lý do khiến con đôi khi cảm thấy như thể mình bị chậm trễ, bởi vì con không theo kịp thời khóa biểu do con thiết lập cho chính mình và con vẫn chưa buông được sự mong chờ này. Con vẫn còn bị kẹt trong ý muốn đạt được gì đó từ đường tu, đạt được gì đó từ trái đất, một phần thưởng nào đó trên địa cầu thay vì sự thăng thiên.

Cách đây 2000 nàm, Giê-su đã nói gì? “Những ai muốn phần thưởng trên trái đất cứ việc nhận phần thưởng của mình. Nhưng những ai thực sự đi theo Ki-tô là những người muốn phần thưởng mình trên thiên đàng” – và thiên đàng tất nhiên là sự thăng thiên của con.

Nhiều người trong các con có thể đạt tới điểm là con đã đi theo một động lực, con đã đeo đuổi tối đa một kỳ vọng nào đó. Xong con không còn tiến bước như mình mong muốn, và bỗng nhiên con có thể nhìn lại động lực cũ của mình và cảm thấy là nó giới hạn. Con trải nghiệm cảm giác này – phù phiếm của mọi phù phiếm, tất cả đều là phù phiếm. Con ngộ ra sự vô nghĩa của việc đeo đuổi mục tiêu này mà chỉ trước đó vài năm con tưởng là vô cùng quan trọng. Nhưng con đã không để cho ngã đó chết đi. Con chưa buông được kỳ vọng. Và đó là lý do con không thể được tái sinh và nhìn ra tầng kế tiếp của mình, đó là tại sao con cảm thấy bế tắc.

Một lần nữa như Mẹ Mary đã trình bày, đây là một điểm rất cá nhân. Đâu là kỳ vọng cá nhân của con? Con đã định nghĩa đường tu như thế nào, con đường mà con cần đi để gặt hái phần thưởng đó? Con đã dùng ngôn từ nào để diễn tả con dường này trong tâm? Hay cũng có thể bằng hình ảnh, nhưng đặc biệt bằng ngôn từ. Con mô tả nó như thế nào?

Con hãy bước lui lại và xem xét điểm này. Theo những gì con đã trải qua cho tới giờ, con sẽ mô tả thế nào động lực của con, phần thương mà con tìm cầu vả phương cách để đạt tới đó? Xong con hãy xem xét nó, so sánh với những gì các thày đã nói, rằng đó không phải là động lực cao nhất có thể. Chuyện này liên quan thế nào với việc con thăng thiên? Việc thăng thiên của con chẳng phải là động lực cao nhất của con hay sao? Xong con hãy điều chỉnh kỳ vọng của mình. Để cho kỳ vọng cũ ra đi. Con sẽ thấy một kỳ vọng mới. Con sẽ thấy bước tiếp theo là gì. Có thể vẫn chưa là bước tối hậu nhưng cũng chẳng quan trọng gì, vì đây là bước có thể đưa lên giai đoạn kế tiếp trên đường tu cho tới khi con lại phải buông bỏ kỳ vọng này và tinh chỉnh nó.

33.13. Vượt lên trên mọi kỳ vọng

Thế rồi con có thể đạt tới điểm này, là điểm mà sứ giả này đã đạt đến một thời gian trước đây, là con không cần kỳ vọng nào nữa. Con không tìm phần thưởng, chắc chắn không tìm một phần thưởng trên trái đất. Con không chờ đợi điều gì đó xảy ra mà con chỉ giản dị là cái con là. Con trải nghiệm cuộc sống, con biểu đạt bất cứ gì đến từ bên trong cần được biểu đạt, và con bằng lòng với điều này. Con an bình với nó. Một lần nữa, đây là trạng thái tâm thức cao nhất mà con có thể đạt trên trái đất. Không phải là tầng 144 mà là trải nghiệm cao nhất mà con có thể có.

Có lẽ con cũng hiểu là không dễ gì mô tả được tiến trình này qua ngôn từ. Các thày đã cho con khái niệm về 144 tầng tâm thức. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói rằng điều này có nghĩa là con không thể đạt tới trạng thái tâm cao nhất có thể cho đến khi con ở tầng 144. Nhưng thật sự không phải vậy.

Có một chiếc cầu thang mà con đang bước để tiến đến thăng thiên. Cầu thang này có 144 bậc và khi con bước đến bậc 144 trên cầu thang thì con có thể thăng thiên. Với mỗi bậc thang có một khai ngộ mà con phải vượt qua, một điều gì con cần nhìn thấy. Đây là những bước con đi, nhưng bây giờ câu hỏi là như sau: “Đâu là trạng thái tâm con, thái độ của con, cách tiếp cận của con khi bước trên cầu thang?”

Đây chính là điều thày muốn nói tới. Con có khả năng đạt được một trạng thái tâm thức trung hòa và an bình, một cách tiếp cận, một thái độ trung hòa và an bình đối với cuộc sống trên địa cầu, đối với đường tu, đối với sự tiến bộ trên đường tu. Và đây chính là trạng thái tâm cao nhất mà con có thể có trên trái đất. Cách tiếp cận cao nhất mà con có thể đạt. Con có thể nghĩ rằng Giê-su đã đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn vậy, nhưng không đâu. Con có thể nghĩ là thày đây đã đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn vậy trong tư cách Phật, nhưng cũng không nốt. Thày đã đạt trạng thái tâm thức cao nhất có thể đạt được vào thời buổi đó trong điều kiện tâm thức tập thể lúc đó.

Đây là một số suy nghĩ mà nếu con suy ngẫm, nếu con cho phép mình thể nhập vào, thì con có thể thoát khỏi bế tắc nếu con sẵn lòng để cho những kỳ vọng và những ngã này chết đi. Ngay cả khi con không biết điều gì sẽ đến thay thế chúng. Ngay cả khi con nghĩ rằng không có gì sẽ đến thay thế chúng. Ngay cả khi những ngã đó bảo rằng con sẽ chết nếu con để chúng chết. Bởi vì con biết là con sẽ không chết khi con để cho ngã chết, bởi vì con không bao giờ có thể chết. Con chỉ có thể được tái sinh vào một trạng thái cao hơn bằng cách để cho một cái ngã hạn chế chết đi. Điều này, thày mong tất cả các con đã nắm được rồi. Thày mong là con không chỉ hiểu về mặt trí thức mà con đã trải nghiệm một cách ý thức việc để cho một cái ngã chết đi rồi cảm được tự do to lớn đến từ hành động buông bỏ này.

Với lời này, thày đã cho con những gì thày cùng với các chân sư khác đã muốn cho con trong hội nghị này. Các thày rất biết ơn đã có cơ hội này để giải bày chủ đề về nước Nga. Các thày biết ơn biết bao người từ Nga đã theo dõi hội thảo trực tuyến trên mạng, đã dành sự chú ý cho đề tài này, đã sẵn lòng để cho luân xa và hào quang của mình trở thành những trạm phát sóng cho các ý tưởng này đi vào tâm thức tập thể.

Các thày biết ơn biết bao người từ các nước trước đây chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũng đã tham gia hội nghị này, và tất nhiên mọi người từ nhiều vùng khác trên thế giới. Tất cả các con đã nhân lên động lượng này, khía cạnh omega của khía cạnh alpha khi chính các con tiếp nhận sự trao truyền của các thày, và nhờ vậy giúp nó đi vào tập thể xuyên qua tâm thức các con, những người đang đầu thai trong cõi vật lý. Đó là một việc phụng sự tuyệt vời các con đã cống hiến. Các thày rất biết ơn. Con hãy nhận sự trân trọng của các thày, sự đón nhận con như con người mà con là, ngay lúc này trên đường tu của con, cùng tình yêu lớn lao của các thày chỉ muốn giúp con tiến bước và tiến xa hơn nữa.

Thày niêm con trong ngọn lửa vui của Phật, thực sự là trạng thái trung hòa của sự an bình nội tâm. Con hãy được niêm trong ngọn lửa của sự bình an trung hòa của Phật.