Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 30 tháng 10, 2022, nhân Webinar 2022 cho Ukraine.
TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Lần trước chúng ta có một hội nghị ở Ukraine, thày đã có một bài giảng có vẻ không liên quan gì đặc biệt tới Ukraine. Nhưng như thày đã nói lúc đó, có lẽ qua việc không nói gì trực tiếp, thày vẫn đã nói lên một điều gì đó thích ứng. Lần này thày sẽ tiếp tục chiều hướng đó, thày sẽ cống hiến một bài giảng thoạt đầu nghe có vẻ không liên quan đến chủ đề hội nghị, thậm chí không dính dáng gì đến thông điệp của các Thượng sư cùng các chân sư khác, nhưng thực tế là nó vẫn có thể có một mối liên quan sâu sắc.
39.1. Biển Luân hồi và trải nghiệm trầm mình
Một trong những giáo lý cốt lõi của đạo Phật mà thày đã thuyền giảng 2500 năm về trước là khái niệm về Biển Luân hồi, biển khổ. Rất ít người, ngay cả những ai đã bỏ ra cả đời nghiên cứu đạo Phật, đã thực sự hiểu thấu ý nghĩa của nó. Đây là một khái niệm khá khó hiểu. Ngày nay có một cách để giải thích sự khó hiểu này, đó là con truy cập những lời dạy mà các thày đã đưa ra về sự kiện trái đất là một cỗ máy giả thực tại (reality simulator). Cỗ máy này được lập trình để mang lại cho con người – những tham dự viên trong tiến trình mô phỏng – hai loại trải nghiệm cơ bản.
Loại trải nghiệm đầu tiên là trải nghiệm trầm mình. Con cảm thấy hoàn toàn chìm đắm trong một thế giới dường như có thật đối với con, bởi vì những gì con nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy và chạm được qua giác quan vật lý có vẻ rất thực. Và cũng có vẻ như không có gì vượt ra ngoài những thứ giác quan con có khả năng phát hiện. Con hoàn toàn chìm đắm trong thế giới này. Thậm chí con còn có thể cảm nhận chính mình là một sản phẩm của thế giới này, và chắc chắn con cảm thấy trong thế giới có rất nhiều hoàn cảnh và điều kiện hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát hay khả năng thay đổi của mình.
Vì thế con hoàn toàn bị chi phối bởi bất cứ gì xảy ra trên đời. Con có thể nhận thấy nhiều khi mọi chuyện xảy ra đường như không có lý do chính đáng, chắc chắn không có lý do chính đáng nào mà con có thể phát hiện hay nghĩ đến. Cho nên con bất an, con cảm thấy mình có rất ít khả năng kiểm soát cuộc sống và tương lai của mình, con cảm thấy hoàn toàn bị lệ thuộc vào những thế lực bí mật vô hình không phải lúc nào cũng muốn tốt đẹp cho mình. Con không bao giờ biết được khi nào sẽ có sự cố xảy đến khiến mình bị sốc, bị chấn thương, bị tổn thương về thể xác hay bị mất mạng.
Đây chính là trải nghiệm trầm mình. Và như con thấy đó, khi con ở trong giai đoạn trầm mình, con không thể nắm bắt thế nào là Biển Luân hồi, ít ra những lời dạy mà thày đã trao truyền vào thời đó vì con nghĩ thế giới vốn phải vận hành như vậy và con không thể làm gì để thay đổi thế giới. Cho nên mới có Diệu đế: Cuộc sống là đau khổ. Khi con trầm mình thì cuộc sống là đau khổ. Nó không thể là gì khác hơn đau khổ do tất cả những thế lực ngoại lai kia mà con không thể điều khiển hay ngăn chặn.
Trải nghiệm thứ nhì mà cỗ máy giả thực tại được thiết kế để cho con là trải nghiệm thức tỉnh, khi con bắt đầu thức tỉnh khỏi trạng thái đắm chìm. Con bắt đầu nghi vấn là có nhiều điều cần hiểu hơn là những gì giác quan mình có khả năng mách bảo. Cuối cùng, con bắt đầu nghi vấn là có nhiều điều cần hiểu về thế giới hơn là những gì tâm vỏ ngoài của con có khả năng mách bảo.
Vì vậy con khởi lên lòng khao khát: Phải có cái gì đó vượt khỏi thế giới của giác quan, vượt khỏi thế giới vật lý. Thậm chí đến một lúc, con tới mức nghi vấn là phải có cái gì vượt khỏi chính tâm mình. Phải có nhiều điều để nắm bắt về thế giới hơn là những gì con có thể nắm bắt ở mức hiện tại của con, ở trạng thái hiện thời của tâm con. Đây là khởi đầu của minh triết, đây là khởi đầu của tăng trưởng, đây là khởi đầu của giác ngộ.
39.2. Mục đích của máy giả thực tại
Và dĩ nhiên khi thày đến đây 2500 năm về trước, thày đã không đến để giảng dạy cho những ai vẫn còn trong giai đoạn trầm mình. Thày đã đến để giảng dạy cho những ai hoặc đã bước vào, hoặc sắp sửa bước vào giai đoạn thức tỉnh. Bây giờ như các thày vẫn nói, con sẽ cần gì để chuyển bước từ trầm mình sang thức tỉnh? À, các thày đã nói là con phải nếm mùi một số trải nghiệm trầm mình cho đến khi con chán ngấy và mong muốn một cái gì hơn vậy.
Về cơ bản, tất cả mọi người, tất cả mọi dòng sống đã từng đầu thai trên trái đất, đều phải trải qua một số trải nghiệm xem mình là những sinh thể tách biệt sinh sống trong một thế giới với nhiều sinh thể tách biệt khác, tách biệt khỏi môi trường vật lý, và tách biệt khỏi bất kỳ loại thượng đế nào mà họ có thể hình dung. Con phải nếm qua một số lượng trải nghiệm tách biệt nào đó trước khi con có thể bắt đầu khao khát một cái gì hơn thế.
Nhưng điều ít người hiểu được là còn một khía cạnh khác nữa ở đây. Thế nào là trầm mình? À, trầm mình chỉ có thể xảy ra xuyên qua điều các thày đã gọi là tâm thức tách biệt, tâm thức nhị nguyên. Thủơ đó chính thày đây cũng đã mô tả tâm thức này qua các cặp đôi, là hai cực đối nghịch không chỉ kéo con về phía cực này hay cực kia, mà còn khiến con nghĩ rằng không có gì khác ngoài hai đối cực. Không có cách nào khác để nhìn thế giới. Có sự thật và có dối trá, có thiện và có ác, có cái này và có cái kia. Và khi con trầm mình thì tất nhiên con quên mất là con đang ở trong một cỗ máy giả thực tại. Con quên mất cỗ máy này vận hành như thế nào. Con quên mất mục đích của máy giả thực tại.
Như các thày đã giải thích, mục đích của máy giả thực tại kỳ thực là để giúp con nâng cao tâm thức, và con tăng trưởng bằng cách thử nghiệm quyền tự quyết của mình. Và khi con thử nghiệm trong giai đoạn trầm mình thì con làm gì chứ? À, điều con làm là con hình thành một hình tư tưởng, một ý nghĩ nào đó trong tâm con, và con phóng chiếu ý nghĩ này lên thế giới. Con nghĩ trong tâm: “Đây là cách thế giới vận hành, hay ít ra cách thế giới phải vận hành. Đây là cách tôi muốn thế giới vận hành.” Và tất nhiên, con được phép làm vậy. Đó là một phần của việc trầm mình. Nhưng mục đích lớn hơn của việc trầm mình là sự tăng trưởng tâm thức. Và làm thế nào con tăng trưởng tâm thức? Con tăng trưởng bằng cách trước tiên bước vào tách biệt, xong con trải nghiệm những giới hạn của tách biệt hầu con bắt đầu quay trở lại hợp nhất, nhưng con làm vậy một cách tự nguyện chứ không phải vì con cảm thấy bị ép buộc.
Điều gì xảy ra khi con ở trong giai đoạn trầm mình? Phải, như thày vừa nói, con hình thành một hình ảnh. Con phóng chiếu nó vào máy giả thực tại, tấm gương vũ trụ, Ánh sáng Mẫu-Vật. Và máy phản chiếu lại cho con những điều kiện vật lý tương ứng với hình ảnh của con phóng ra. Có điều là, tất nhiên, con không phải là người duy nhất trong cỗ Máy Địa cầu. Có nhiều người khác ở đây và họ cũng đang tạo ra hình ảnh trong tâm họ, và tâm họ thì tách biệt với tâm con, họ cũng phóng chiếu các hình ảnh này vào máy giả thực tại. Cái gì quay trở về cá nhân con sẽ không phản chiếu thuần túy những gì con đã gửi ra, mà nó đã bị pha nhiễm, bị ảnh hưởng bởi tất cả những phóng chiếu của người khác. À, con có thể bảo chuyện này vi phạm quyền tự quyết của con. Nhưng có thật vậy không? Thật ra đây là một ân huệ vì nó sẽ giúp con vượt qua giai đoạn trầm mình nhanh chóng hơn, ít ra là nó có tiềm năng làm vậy.
39.3. Là trung tâm thế giới
Con thấy đó, mục đích của máy giả thực tại là nâng cao tâm thức của con. Làm thế nào con nâng cao tâm thức? Con nâng cao bằng cách thử nghiệm quyền tự quyết của mình, thử nghiệm khả năng đồng-sáng tạo của tâm mình qua việc hình thành một hình ảnh và phóng chiếu nó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Nhưng một phần của tiến trình này là con khởi sự với một ý niệm bản sắc, một ý niệm cái ta rất cục bộ. Con tạo ra hình ảnh dựa trên ý niệm cái ta đó. Và khi con bước vào tách biệt và nhị nguyên – như xảy ra trên trái đất – con xem mình là một sinh thể tách biệt khỏi các sinh thể khác. Thật ra con có thể có một ý niệm cái ta cục bộ mà không xem mình là một sinh thể tách biệt, nhưng điều kiện hiện hành trên trái đất là gì? Là hầu hết mọi người đều xem mình là sinh thể tách biệt – hầu hết cũng rất cục bộ nhưng chắc chắn là tách biệt.
Mục đích khi cho phép sự thể này là để con nhìn ra những hạn chế của mức tâm này. Con nhìn ra là mặc dù trên lý thuyết, con có thể bảo rằng một sinh thể xem mình là tách biệt vẫn có ý chí tự do, nhưng ý chí này không thật sự tự do vì con chỉ có thể chọn lựa những tùy chọn mà con nhìn thấy. Nếu con không thể nhìn thấy một điều gì, nếu con không thể tưởng tượng điều gì, nếu con không thể chấp nhận là nó khả thi, thì con thật sự không có quyền chọn lựa. Và điều này có nghĩa là các giới hạn của trí tưởng tượng sẽ hạn chế quyền tự quyết của con. Nó hạn chế các chọn lựa mà con có thể thấy và coi là thực tế. Cho nên mục tiêu là để con được ban cho quyền tự quyết, và qua quyền tự quyết này con có chọn lựa bước vào trạng thái tách biệt nhị nguyên nơi con sẽ hạn chế chọn lựa của mình, hạn chế các tùy chọn mà con có thể thấy.
Tâm này rõ ràng có một hạn chế, vì như các thày đã giải thích về nhị nguyên, khi con ở trong nhị nguyên thì luôn luôn có hai đối cực. Luôn luôn có sự chống đối những gì con làm, và dường như đối với con, sự chống đối này thường đến từ người khác. Đây chính là Biển Luân hồi. Đây là cách giải thích đích thực về Biển Luân hồi. Con ở trong tâm thái giới hạn này nơi con có ý chí tự do nhưng nó lại không tự do. Nó rất giới hạn và thường thường con hay lấy những chọn lựa làm hại chính mình. Con thấy là khi con ở trong trạng thái tách biệt này, con sẽ hình thành một hình ảnh dựa trên tầm nhìn của một sinh thể tách biệt.
Ngay lúc này con có thể nói là con đang ngồi ghế ở một địa điểm cụ thể, trong một căn phòng cụ thể, tại một quốc gia cụ thể, và con đang nhìn thế giới từ điểm quan sát này. Nếu con chiêm nghiệm tầm nhìn vật lý của mình, con sẽ thấy mắt và tâm con đang nằm ngay trung tâm trường nhìn của con. Con biết là sau lưng con có gì đó mà ngay bây giờ con không thấy, nhưng con có thể quay lại và nhìn thấy nó, nhưng khi con quay lại thì con cũng xoay quanh cái trục của mình. Có một điểm trung tâm mà đối với con là trung tâm của thế giới đang được nhận thức. Nhưng tất cả mọi người khác, cho dù họ có ngồi ngay cạnh con đi nữa, sẽ có một trung tâm khác với con. Đây chỉ là một minh họa giản dị về cách mắt con nhìn thế giới vật lý, nhưng con thử nghiệm xem cách tâm con nhìn cuộc đời thì cũng giống như vậy. Con càng bị kẹt trong nhị nguyên, quan điểm của con càng cục bộ bao nhiêu thì con sẽ càng tin chắc rằng những gì con thấy thực sự là cách duy nhất để nhìn thế giới và con là trung tâm của thế giới. Chính những điều này con đang phóng chiếu ra ngoài.
39.4. Không người nào là một hòn đảo
Nhưng này con, cỗ máy giả thực tại, Ánh sáng Mẫu-Vật, được thiết kế để khoác lấy bất kỳ hình tướng nào được phóng chiếu lên nó. Nếu con hoàn toàn đơn độc trên thế giới hay trong máy giả thực tại này, thì bất cứ gì con phóng ra sẽ trở thành một hiện thực vật lý, một thị hiện vật lý. Điều này đối với con có nghĩa gì? Con hình thành một hình ảnh trong tâm thể hiện ý muốn của con cho thế giới, con phóng nó ra, thế rồi Ánh sáng Mẫu-Vật khoác vào hình tướng đó. Vậy chẳng hợp lý hay sao nếu điều này có nghĩa là Ánh sáng Mẫu-Vật có vẻ như xác nhận và chứng thực hình ảnh của con về thế giới? Nhưng hình ảnh của con vẫn còn rất giới hạn vì nó dựa trên cái nhìn về chính mình như một sinh thể tách biệt. Nó dựa trên một nhãn quan rất hạn hẹp, một hiểu biết hạn hẹp.
Nếu con hoàn toàn đơn độc trên thế giới, làm sao con sẽ có thể thoát ra khỏi tâm thái đó? Làm sao con có thể vượt ngục khỏi trạng thái đó nơi tâm con là một vòng tròn khép kín, tâm con là một hệ thống tự củng cố và tự xác nhận? Quả thật con có thể ở lại mãi mãi trong trạng thái này.
Vậy thì điều gì sẽ ngăn con ở lại mãi mãi trong trạng thái này? Đó là con không đơn độc. Không một người nào là một hòn đảo. Ở đây còn nhiều người khác nữa. Chính họ cũng đang phóng chiếu những thứ khác vào máy giả thực tại, và vì vậy cái gì trở lại với con không đúng y như cái gì ở trong tâm con. Con có thể có một hình ảnh rất cố định là thế giới phải như thế nào nhưng thế giới không tuân theo hình ảnh của con. Sự thể này khiến con có hai chọn lựa. Một là con đường cao hơn. Con đường này kích hoạt con đi vào thức tỉnh khi con có thể nói: “Khoan đã, tại sao thế giới không tuân theo hình ảnh của tôi? Phải chăng vì hình ảnh này hạn chế?” Và như vậy con có thể tìm cách tinh chỉnh hình ảnh của mình, và điều này đưa con vào tiến trình thức tỉnh.
39.5. Một cơ chế an toàn được gài sẵn
Chọn lựa kia là con có thể nói: “Tại sao thế giới không tuân theo hình ảnh của tôi? Phải chăng vì tôi chưa phóng nó ra đủ mạnh? Vì có người khác đang xen vào cản trở tôi cho nên tôi cần buộc họ phải đồng ý với tôi, phải đứng thẳng hàng sau tôi, hay phải phục tùng tôi, để tôi là người quyết định những gì chúng ta phóng chiếu.”
Đây cũng là một điều được phép xảy ra trên một hành tinh như trái đất, và là lý do tại sao con có những nhà độc tài, những kẻ ái kỷ và những nhà lãnh đạo cũng rất ái kỷ. Nhưng một lần nữa, câu hỏi lại đặt ra: Điều gì có thể giúp con thoát khỏi tâm thái này? Bởi vì về mặt lý thuyết, có thể xảy ra tình trạng một hành tinh có một kẻ lãnh đạo lấn át quá đỗi đến độ ông khiến mọi người trên hành tinh phải tùng phục mình, và vì vậy ai nấy đều đồng loạt phóng chiếu cái nhìn của ông. Nhưng vậy thì điều gì sẽ giúp ông ta cùng mọi người thoát khỏi tâm thái đó? À, đây chính là tình trạng mà máy giả thực tại được thiết kế để ngăn chặn. Cơ chế này được cài sẵn trong tâm thức nhị nguyên như các thày đã giải thích chi tiết hơn trong nhiều dịp trước.
Con chỉ có thể dùng vũ lực qua tâm thức nhị nguyên, và tâm thức nhị nguyên thì luôn luôn có những cặp đôi. Con có thể dùng vũ lực để bước vào hay bước về hướng một đối cực nhị nguyên, nhưng điều này có nghĩa là con sẽ thu hút sự chống đối từ đối cực nhị nguyên ngược lại. Do đó mặc dù con có thể tạm thời áp đặt vũ lực để đi theo một hướng nào đó và cảm thấy như thể mình có tiến triển về hướng đó, nhưng con sẽ bị giới hạn không thể đi quá xa. Như các thày cũng đã nói, khi con dùng vũ lực thì kỳ thực con cũng tạo ra một lực đối chọi lại chính mình. Có thể nói tựu trung, đây là một cơ chế an toàn để ngăn chặn con bị mắc kẹt, ngăn chặn cả một hành tinh bị mắc kẹt mãi mãi ở một trình độ nhất định.
Vậy đâu là những cơ chế sẽ ngăn cản trải nghiệm giả thực tại này trở thành một ngõ cụt, một vòng tròn khép kín? À, các Thượng sư đã có nói về những định luật tự nhiên đem lại một sự đều đặn nào đó, một sự nhất quán, một đặc tính dễ tiên đoán nào đó. Nếu con nghiên cứu lịch sử khoa học, con sẽ biết là kể từ Isaac Newton trở đi, các nhà khoa học đã có một niềm tin dứt khoát rằng thế giới là một bộ máy khổng lồ vận hành theo những quy luật bất di bất dịch. Và cho đến ngày nay ở cấp độ vĩ mô, ở cấp độ của cơ thể con người, của máy nướng bánh mì và xe đạp v. v… các quy luật tự nhiên này vẫn có vẻ bất biến. Chúng có thể được tiên đoán. Con có thể vạch ra một lộ trình nhất định cho một phi thuyền vũ trụ và nó sẽ đi theo lộ trình đó. Cho nên như các thày đã giải thích, khi con tuân theo các quy luật này, con có thể tạo ra một tương lại nhất định cho chính mình hay cho xã hội với một độ tin cậy rất cao là tương lai này sẽ trở thành hiện thực. Con biết rõ tương lai sẽ đem lại những gì. Con biết rõ quốc gia và bản thân con đang đi theo hướng nào. Đây là nền tảng của tiến bộ, của hợp tác và nhiều thứ khác.
39.6. Sự bất định lượng tử
Nhưng con cũng biết nếu con đã nghiên cứu lịch sử khoa học rằng tới một thời điểm, các nhà khoa học đã phát triển một cách nhìn khác về sự sống, ít nhất sự sống ở cấp độ vi mô hạ nguyên tử. Khoa học phát hiện ra rằng hạt hạ nguyên tử không hề tuân theo các quy luật tất định (deterministic) mà chúng tuân theo những quy luật xác suất (probability). Nói cách khác, con không thể tiên đoán một cách chắc chắn một hạt hạ nguyên tử sẽ xử sự ra sao. Con có thể tiên đoán một xác suất nào đó về cách di chuyển của hạt, nhưng con không thể chắc chắn. Con không bao giờ có thể chắc chắn 100%. Hiện tượng này do khoa học hiện đại khám phá chính là điều mà các Phật tử gọi là duyên khởi.
Nói cách khác, chúng ta có thể nói là vũ trụ có hai quy mô, hai cấp độ. Có cấp độ vĩ mô với một số định luật tự nhiên bất biến, xong lại có cấp độ vi mô, hay cấp độ hạ nguyên tử được quy định bởi những quy luật không bất biến. Luôn luôn sẽ có một yếu tố không thể đoán trước. Con không thể biết trước chính xác một tình huống sẽ diễn ra như thế nào.
Hiện nay vẫn còn những nhà khoa học nhìn vào vấn đề này và bảo: “Ồ, điều này chỉ đúng với thế giới lượng tử chứ không áp dụng cho thế giới vĩ mô. Chúng tôi vẫn có khả năng phóng hỏa tiễn lên cung trăng và chúng tôi có thể tiên đoán đường bay của nó một cách chắc chắn tuyệt đối.”
Và trong hầu hết trường hợp, quả là họ có thể làm chuyện đó. Nhưng nếu họ cứ phóng thật nhiều hỏa tiễn ra vũ trụ, cuối cùng sẽ tới lúc một sự biến đổi xảy ra. Hỏa tiễn sẽ không bay đến chính xác nơi họ đã tiên đoán, bởi vì thực tế là ngay cả thế giới vĩ mô cũng không tất định 100%. Thế giới vĩ mô vẫn dựa trên thế giới lượng tử, và điều này có nghĩa là sự bất định lượng tử cũng sẽ ảnh hưởng đến thế giới vĩ mô. Và đây chính là phần cơ chế sẽ ngăn con bị mắc kẹt mãi mãi trong một lối tư duy nhất định.
Cho dù trí tuệ của con cao siêu đến đâu đi nữa, luôn luôn vẫn có một yếu tố bất định. Nói cách khác, con có thể nhìn vào một người – và chúng ta đã có đề cập đến những sa nhân hay thày pháp tà đạo từng dày công tu luyện trong một thời gian rất dài để đạt được một số kiến thức liên quan đến cách vận hành của thế giới vật chất, cũng như làm thế nào họ có thể thao tác vật chất hầu tạo ra đủ loại hiện tượng – và con có thể nói là họ đã đạt được một trình độ tinh thông nào đó trong việc làm chủ vật chất, chắc chắn vượt xa một người bình thường, nhưng sư tinh thông của họ không tuyệt đối. Chính họ cũng không thể tiên đoán một cách chắc chắn tuyệt đối chuyện gì sẽ xảy ra.
39.7. Nền tảng của đau khổ
Và lý do là con có cơ chế an toàn nói trên, qua đó luôn luôn sẽ có một sự bất định mà con không thể nào khắc phục cho dù tâm khép kín của con có cao siêu đến đâu. Và chính điều này tạo ra đau khổ.
Điều gì tạo ra đau khổ trong Biển Luân hồi? Con thử nhìn mọi người mà xem. Họ mang trong tâm một hình ảnh là đời họ phải diễn ra như thế nào – điều gì phải xảy ra, điều gì không được xảy ra. Cái tạo ra đau khổ là khi kỳ vọng này không thành hình. Và hiển nhiên suốt nhiều kiếp sống, nhiều người đã xây dựng ý niệm này: “Kỳ vọng của tôi sẽ không bao giờ thành tựu. Thế giới sẽ không bao giờ vận hành đúng như tôi muốn.” Họ không ngừng đau khổ. Họ không ngừng cảm thấy thế giới không đang cho họ những gì đúng lý họ phải có. Và có một sự bất định rằng họ sẽ không bao giờ thật sự điều khiển được vận mạng của họ.
Đây là điều tạo ra đau khổ. Nó có thể xảy ra cho thày pháp tà đạo ở tầng tâm thức thấp nhất cũng như cho một người ở tầng 47, thậm chí cả những người ở tầng cao hơn. Con mang kỳ vọng và kỳ vọng này không được đáp ứng. Đây chính là nền tảng của khổ đau. Con có một hình tư tưởng nhưng thế giới cứ không chịu tuân theo. Chính điều này tạo ra đau khổ.
39.8. Giai đoạn phân liệt
Các thày đã trao cho con những gì, các học trò của chân sư thăng thiên? À, các thày đã cho con rất nhiều lời dạy về việc nâng cao tâm thức, vượt qua nhị nguyên, v. v… và các thày rất hiểu là không dễ nắm bắt. Các thày rất hiểu một số học trò trải qua một giai đoạn bắt đầu hiểu ra các lời dạy nhưng vẫn chưa hiểu trọn vẹn, cho nên họ gần như cảm thấy bị lôi kéo về hai hướng khác nhau. Gần như thể họ cảm thấy bị phân liệt đôi chút (schizophrenic) và giáo lý của các thày lại còn khiến họ phân liệt nhiều hơn. Các thày hiểu rõ điều này vì chính các thày cũng từng trải qua như vậy.
Ở đây con thấy rằng một phần những việc con làm trên trái đất khi con đạt đến tầng tâm thức thứ 48 và bắt đầu bước chân trên đường tu, là con đang mở mang hiểu biết của mình, con đang gia tăng các khả năng đồng-sáng tạo của mình, con đang đạt được sự kết hợp lớn hơn trong tâm mình để mà có thể phóng chiếu một hình ảnh nhất quán hơn vào tấm gương vũ trụ, vào Ánh sáng Mẫu-Vật. Và nhờ vậy theo một nghĩa nào đó, con thành thạo hơn trong việc kiểm soát hoàn cảnh bên ngoài của mình.
Đây là một phần của đường tu, một khả năng điều ngự nào đó trên hoàn cảnh của mình. Nhưng tất nhiên, phần sâu sắc hơn của đường tu là việc điều ngự trạng thái tâm mình. Không những con điều ngự hoàn cảnh vỏ ngoái mà thật sự con còn điều ngự hoàn cảnh bên trong chính con. Và hoàn cảnh bên trong chính là trải nghiệm sống của con, là cách con trải nghiệm cuộc sống.
Bây giờ, rất có thể là con tìm được đường tu tâm linh dưới một dạng nào đó và đó không phải là giáo lý thuần khiết, chẳng hạn có thể là một giáo lý dạy cách thị hiện bất cứ điều gì con muốn –thường là sự giàu có tột bực vì người ta cho rằng nếu mình có tiền thì mình có thể mua bất cứ gì mình muốn. Con thấy những giáo lý loại này ở ngoài kia có những người hăm hở bước vào với niềm hy vọng to lớn, thế rồi thường sau một thời gian, họ bắt đầu thất vọng bởi vì thế giới cứ ngoan cố không chịu chiều theo thái độ lạc quan cùng bản đồ kho báu của họ.
Điều con thật sự cần làm nếu con muốn vượt qua Biển Luân hồi, là khởi sự làm việc trên cách mình trải nghiệm cuộc sống. Con vẫn cố gắng điều ngự hoàn cảnh bên ngoài của con, nhưng con không chỉ tập trung vào hoàn cảnh bên ngoài vì như thày vừa giải thích, ngay cả một thày pháp tà đạo cũng tìm cách kiểm soát hoàn cảnh bên ngoài của mình, nhưng cho dù ông có vẻ lão luyện đến đâu, luôn luôn sẽ có một yếu tố bất định nào đó. Nếu trải nghiệm sống của con tập trung vào sự bất định và kháng cự lại bất định, con sẽ không bao giờ có thể khắc phục đau khổ vì con không bao giờ có thể chắc chắn là thế giới sẽ xử sự đúng theo ý muốn của con.
Vậy thì làm sao thoát ra được đây? Theo một nghĩa nào đó, các thày đã có giải thích theo nhìều cách từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng thày sẽ cho con một cách giải thích khác nữa, một tầm nhìn khác nữa.
39.9. Thuyết hỗn mang
Tại sao thày lại trao cho con bài giảng này về khoa học? Bởi vì theo một cách nào đó, con có thể nói rằng khoa học đã khám phá là thế giới mang một yếu tố nhất quán nào đó, một yếu tố khiến nó dễ tiên đoán. Có nguyên một bộ những định luật và nguyên tắc bất biến vận hành ở một quy mô nào đó. Con có thể hoạch định, con có thể vạch trước một lộ trình và con có thể có một độ tin cậy rất cao là mọi chuyện sẽ diễn ra đúng như vậy. Nhưng có một yếu tố khác nữa trong thế giới và đó là tính không thể nào đoán trước.
Đây chính là điều đã dẫn đến một thuyết khá phổ biến cách đây mấy năm gọi là Thuyết Hỗn mang. Thuyết này nói rằng một con bướm vỗ cánh ở Buenos Aires có thể gây ra lốc xoáy ở Texas bởi vì tác động nhỏ bé đó không trực tiếp gây ra lốc xoáy. Cái vỗ cánh bé bỏng của bướm đã chỉ tác động chút xíu đến một vật nào khác, rồi vật này lại tác động một vật khác nữa – một vật thứ ba – và cứ như vậy cho đến khi cuối cùng chính tác động nhỏ bé của cánh bướm tạo ra một trận bão ở một vùng nào đó trên địa cầu.
Mặc dù thuyết này không còn được chuộng nữa, nhưng thực sự nó vẫn chứa đựng một số sự thật ẩn tàng sâu sắc. Một lần nữa, đây là điều các thày đã gọi là lý duyên khởi. Mọi sự đều kết nối với nhau, cho nên một tác động nhỏ ở một khu vực trong hệ thống tương kết đó có khả năng gây ra một tác động lớn hơn ở một khu vực khác. Đây là tại sao luôn luôn có sự bất định. Trong cốt lõi, đây là điều được tóm gọn trong nguyên lý bất định của Heisenberg bảo rằng con không thể biết được chắc chắn một hạt hạ nguyên tử sẽ xử sự ra sao.
Con có thể phản bác: “Nhưng nếu như chúng ta nhìn thế giới với tất cả những nỗ lực mà các nhà khoa học đã bỏ ra để tìm hiểu thế giới và khám phá các quy luật tự nhiên, thì sao? Nếu như chúng ta xem xét tất cả dữ liệu này, tất cả những nguyên lý này và mã hóa chúng vào một siêu máy tính lớn nhất có thể chế tạo, thì sao? Liệu có thể nào tiên đoán được chính xác những gì sẽ xảy ra?” Nói cách khác, đây là hình ảnh truyền thống cho rằng thế giới là một cái máy, và nếu như con biết được trạng thái khởi đầu cùng các quy luật tự nhiên thì con có thể tiên đoán máy sẽ vận hành thế nào cho đến vô tận.
Nhưng liệu hình ảnh này có thực tế lắm không? Và như thày đã nói, không phải là do tính bất định được gài sẵn trong vũ trụ đâu. Giản dị là có quá nhiều khía cạnh khác nhau, quá nhiều nhân duyên liên khởi đến độ con không thể nào tính toán hết được. Cho nên thày mới nói thế này: “Ngay cả trong thế giới vật lý cũng có tính bất định đã được gài sẵn.”
Nhưng khi con thêm vào đó sự kiện thế giới vật lý không tự thân nó tồn tại, thì kỳ thực thế giới vật lý không phải là một thế giới vật lý, mà nó là một cỗ máy giả thực tại. Và cỗ máy này chỉ có một mục đích duy nhất là đem lại cho các sinh thể tự nhận biết đang tham dự vào tiến trình giả thực tại một cơ hội mở rộng khả năng tự nhận biết và nâng cao tâm thức của mình. Khi con biết những tham dự viên này đều có quyền tự quyết thì mức độ bất định còn cao hơn nữa.
Để dùng ví dụ nổi tiếng kia về con bướm vỗ cánh ở Buenos Aires tác động đến các hệ thống vật lý trên địa cầu, các nhà khoa học nói rằng cuối cùng nó có thể biểu hiện như một cơn lốc ở Texas. Nhưng thực tế còn hơn vậy nữa bởi vì không chỉ thế giới vật lý bị tác động ở đây, mà cái vỗ cánh của bướm còn có tác dụng ở tầng cấp của tâm thức, tâm thức con người.
39.10. Lý duyên khởi trong đời sống con người
Cái vỗ cánh vật lý của bướm có liên hệ với cõi cảm xúc, cõi lý trí, cõi bản sắc. Nó ảnh hưởng đến tâm thức của con người, cho nên không chỉ trong thế giới vật lý mới có rất nhiều mối liên hệ phức tạp, mà trong tâm thức con người cũng có một sự phức tạp gần như vô hạn sẽ tác động đến cái vỗ cánh của con bướm kia. Hiển nhiên, chuyện này tự thân nó không thể nào tiên đoán, bởi vì con người có quyền tự quyết – ít nhất họ có cơ hội để chọn lựa – và con không thể tiên đoán một cách chắc chắn họ sắp sửa làm gì trước khi họ chọn lựa.
Một lần nữa, con có thể áp dụng các phép tính xác suất và con có thể phản bác: “Nếu xét những gì một người đã làm trong quá khứ thì có xác suất rất cao là người đó sẽ chọn làm thế này trong tình huống cụ thể này.” Nhưng con vẫn không thể biết được chắc chắn. Một khi con gộp chung tất cả những yếu tố đó lại, gộp chung tính bất định trong vũ trụ vật chất cũng như tính bất định trong các chọn lựa của con người, con thấy là thực sự con không bao giờ có thể kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của mình. Con không bao giờ có thể kiểm soát hoàn cảnh vật lý cùa con vì có quá nhiều yếu tố duyên khởi tác động đến đời con cùng hoàn cảnh vật lý của con. Con không thể biết được tất cả, con không thể kiểm soát được tất cả. Là một con người, con không bao giờ có thể kiểm soát mọi sự trên trái đất. Chuyện này không thể làm được.
Thày đang nói gì vậy? Liệu thày có đang nói rằng giáo lý của các thày về việc con cần nắm quyền cai quản đời con là vô giá trị hay sao? Không. Con có thể kiểm soát đời con tới một mức nào đó. Con có thể tạo ra một xác suất khá cao là đời con sẽ đi theo một chiều hướng nào đó, nhưng con không thể chế tạo sự chắc chắn. Và điểm này thật quan trọng cho những người tìm kiếm tâm linh đã đạt đến một trình độ nào đó trên đường tu khi họ bắt đầu cảm thấy: “Quả là tôi đã có được một tầm hiểu nào đó, một mức độ tâm thức Ki-tô nào đó. Tôi đã thanh lọc viễn quan của mình, tôi có khả năng phóng chiếu vào tấm gương vũ trụ những loại tình huống mà tôi mong muốn trong cuộc sống và tôi có thể thấy được một số thành quả, nhưng chúng không hoàn toán giống như những gì tôi đã phóng ra. Những gì quay trở về tôi không đúng y như tôi đã phóng ra.”
Con có thể làm gì trong hoàn cảnh như vậy? À, con có thể rơi vào cám dỗ của các thày pháp tà đạo cứ cố tìm cách ép buộc hoàn cảnh phải tuân theo mình. Thay vì chỉ vỏn vẹn phóng chiếu, con cố làm gì thêm nữa để ép uổng nó. Con tìm cách sử dụng vũ lực. Nhưng tất nhiên đây chính là con đường tay trái. Đây không phải là con đường của các chân sư thăng thiên và của quả vị Ki-tô.
39.11. Bánh quy vỡ vụn như thế nào
Trên con đường quả vị Ki-tô, con có thể làm gì? À, con có thể hiểu ra điều này – tính bất định cố hữu trong cuộc sống.
Nhìn quanh thế giới và những con người mà con sẽ không nhất thiết bảo là họ có tầm hiểu biết tâm linh hay có tâm thức cao, nhưng con vẫn thấy trên thế giới có những nền văn hóa với những câu thành ngữ, những câu tục ngữ đã có mặt từ rất lâu. Và những câu nói có vẻ đơn sơ này lại chứa đựng một minh triết ẩn tàng sâu sắc. Ở một vài vùng trên thế giới chẳng hạn như Hoa Kỳ, khi có chuyện gì xảy ra thì người ta thường bảo: “Ồ, bánh quy vỡ vụn như vậy đó.”
Câu nói đơn giản này tóm gọn toàn bộ giáo lý mà thày vừa bỏ ra 45 phút để trao cho con. Con đang cầm trong tay một chiếc bánh quy, con đánh rơi bánh xuống đất, nó bị vỡ vụn. Liệu có thế lực nào trong thế gian có khả năng tiên đoán chính xác bánh quy sẽ vỡ vụn như thế nào khi nó đập xuống sàn nhà hay chăng? Không có.
Con cần chấp nhận, hay ít ra con sẽ được lợi lạc khi con chấp nhận rằng đối với một đệ tử tâm linh đang đầu thai trên trái đất, thậm chí cả một người đang leo về hướng quả vị Ki-tô, sẽ có một số tình huống khiến con nhìn vào kết quả, con nhìn vào những gì con mong muốn xảy ra, và có thể con sẽ cố phân tích, con cố hiểu xem: “Tôi đã làm gì sai trái hay chăng? Tôi đã có thể làm gì tốt hơn hay chăng? Liệu có gì không ổn trong tâm tiềm thức của tôi? Liệu tôi có ngã tách biệt nào không?”
Nhưng có những tình huống khi điều xây dựng nhất mà con có thể làm là giản dị nhìn vào tình huống và nói: “Ồ, bánh quy đã vỡ vụn như vậy đó. Tình huống này đã diễn ra như vậy đó.” Xong con có thể chấp nhận là bánh quy đã vỡ vụn theo cách đó, và giờ đây con có một tình huống, con có một tình trạng đã rồi, và thay vì phân tích, thay vì tiếc nuối, thay vì bảo rằng: “Ồ chuyện này đúng lý không được xảy ra” hay “Sao vũ trụ quá bất công trong chuyện này”, thì con chỉ nói: “Bây giờ tôi sẽ tiến bước như thế nào đây? Làm thế nào nhặt lại những mảnh vụn này của bánh quy và từ đó xây dựng một cái gì tốt đẹp hơn?”
39.12. Chấp nhận sự bất định cố hữu của cuốc sống trên trái đất
Sứ giả này – và nhiều người trong các con cũng vậy – đã trải qua quá trình này suốt đời mình, suy đoán: “Liệu tôi đã có thể làm gì tốt hơn? Tại sao có những chuyện vẫn chưa xảy ra cho dù tôi đã muốn nó xảy ra từ rất lâu?” Nhiều các con và cả sứ giả này đã sẵn lòng bước lui lại, xem xét tâm thức mình và hỏi: “Hình ảnh tôi đang phóng chiếu ra là gì? Tôi có thể tinh chỉnh nó không? Nó có điều gì mâu thuẫn hay thiếu nhất quán hay không? Liệu tôi có mang những ngã tách biệt khiến tôi gửi ra tấm gương vũ trụ một thông điệp hỗn tạp thiếu thuần nhất?” vân vân.
Nhiều các con đã sẵn lòng làm vậy, và việc làm này có giá trị vì con đang tinh luyện tâm thức của con. Nhưng tới lúc sẽ không còn xây dựng nữa nếu con cứ không ngừng mong muốn một kết quả nhất định phải thị hiện, con không ngừng nỗ lực đạt kết quả để xem con có thể thay đổi chính mình như thế nào hầu thị hiện kết quả. Và tất nhiên cũng sẽ không xây dựng lắm nếu con đi theo con đường tay trái khi con cố thay đổi người khác để đạt kết quả mong muốn thay vì thay đổi chính mình.
Sẽ đến một điểm khi con phải đơn giản chấp nhận: “À, hóa ra có một tính bất định cố hữu. Tôi không bao giờ có thể chắc chắn chuyện gì sẽ thị hiện.” Đây là bản chất của cuộc sống trên trái đất. Con phóng chiếu cái gì đó vào tấm gương vũ trụ, con có một ý niệm về những gì con mong muốn xảy ra. Nhưng con có thể bước lên cao hơn một bực và chấp nhận là con không cần biết chắc chắn điều gì sẽ quay trở lại. Con sẵn lòng phóng ra một điều gì đó, nhìn xem cái gì quay trở lại xong rồi chấp nhận: “À, bánh quy đã vỡ vụn như vậy đó. Bây giờ tôi sẽ dùng nó như thế nào để phóng chiếu một điều gì khác hơn?”
Có biết bao tình huống khác nhau và các thày thấy chuyện này xảy ra liên tục với mọi người. Nhưng các thày cũng thấy nó xảy ra với những người tâm linh, qua đó con có thể trở nên rất dính mắc với một số điều kiện. Và tất nhiên trong nhiều trường hợp, sự dính mắc này xuất phát từ những ngã ngã tách biệt kia, vì nếu không thì tại sao con lại dính mắc đến như vậy? Tại sao chúng lại quan trọng với con như vậy? Khi chuyện gì rất quan trọng thì luôn luôn có điều gì con có thể xem xét. Nếu cón rất gắn bó, rất dính mắc với nó thì con biết có dính líu một ngã tách biệt. Nhưng đấy, các thày vẫn thấy nhiều người bị dính mắc, họ cuống cuồng cố thị hiện một thành quả và họ nghĩ: “Tôi đang làm sai điều gì? Tôi đang làm điều gì không đúng?” Trong một số trường hợp như thày đã trình bày, đó là vì họ có ngã tách biệt, nhưng trong trướng hợp khác thì lý do không phải là ngã tách biệt mà là tính bất định cố hữu của vũ trụ.
Điều con có thể làm là bước lên cao hơn để chấp nhận sự bất định. Nói cách khác, con chấp nhận là mặc dù con sinh sống trong một môi trường với một số nguyên lý hoàn vũ biết trước, nhưng môi trường này vẫn không hoàn toàn đoán trước được. Hay cách khác nữa là nói rằng con sinh sống trong một môi trường hỗn mang chứ không phải một môi trường tất định. Và như vậy điều con có thể làm là đón nhận sự hỗn mang. Con có thể chấp nhận sự hỗn mang.
Điều này không có nghĩa là con không phải tinh chỉnh hình tư tưởng mà con phóng vào tấm gương vũ trụ. Nhưng biết rằng có những nhân duyên liên khởi vô cùng phức tạp trong môi trường con sống, con vẫn có thể chấp nhận là bất cứ gì quay trở lại cũng là điều tốt nhất có thể quay trở lại trong tình huống cụ thể của con. Điều này sẽ đem lại một mức độ an bình lớn hơn trong tâm con.
39.13. Bị ám ảnh bởi quá khứ
Điều đó cũng sẽ cho phép, sẽ giúp sức cho con chuyển bước đi tiếp thay vì cứ mãi mắc kẹt trong một hoàn cảnh khiến con phân vân: “Tại sao chuyện này lại không xảy ra? Đáng lý nó đã phải xảy ra. Tôi có làm gì sai không? Tôi đã có thể làm gì khác hơn không? Tại sao có sự bất công như vậy? Tại sao người ta lại làm vậy?” vân vân.
Nếu con có thể phỏng vấn các nhà tâm lý học từng làm tư vấn về chấn thương, con sẽ thấy rào cản lớn nhất mà họ gặp là những người bị kẹt cứng trong chính cơ chế này. Cứ như thể chấn thương đã khiến tâm họ bị buộc chặt vào quá khứ. Họ không ngừng phân tích. Họ không ngừng nghĩ ngợi tại sao chuyện đó lại xảy ra hay tại sao đúng lý nó không được xảy ra. Họ liên tục bị ám ảnh về chuyện đó. Và kinh nghiệm của các nhà tư vấn tâm lý cho thấy là có một số người bị kẹt lại ở đó rất lâu. Nhưng những ai vượt qua được sẽ bước tới, vì họ đạt tới điểm có thể chấp nhận phần nào: “À chiếc bánh quy đã vỡ vụn kiểu đó thì làm cách nào tôi có thể tiến bước từ điểm này?”
Con đánh rơi chiếc bánh quy – thật không thể nào tiên đoán chính xác nó sẽ vỡ làm sao. Chẳng ích gì mà ngồi đó mấy ngày liền phân tích: “Tại sao bánh lại vỡ theo cách đó? Tôi không thích cái mảnh tam giác bên phải kia, lẽ ra nó không được như vậy. Tại sao chuyện này lại xảy ra?” Hoặc con có thể nói: “Thôi bánh đã vỡ vụn như vậy rồi, để tôi quét dọn sạch sẽ và tiếp tục cuộc sống của mình.”
Tới một điểm trên đường tu tâm linh con cần chấp nhận sự hỗn mang. Con cần làm những gì con đang làm. Con đang tu thân, con đang quan sát chính mình và phản ứng của mình, con đang tìm cách khắc phục bất kỳ ngã tách biệt nào còn sót lại. Nhưng con vẫn có thể đạt tới mức chấp nhận rằng cuộc sống trên trái đất – như thành ngữ quen thuộc diễn tả – là một tiến trình không ngừng “tung bánh quy của mình”.
Con tung bánh quy và nhìn xem nó vỡ vụn làm sao. Và con có thể nói: “Ồ nó vỡ theo cách này, tôi hãy thử làm gì đó khác hơn.” Nhưng con không bận tâm những chuyện đã xảy ra. Con không tìm cách thay đổi những gì đã xảy ra rồi.
39.14. Xuôi theo dòng chảy
Các thày đã giảng về việc sống trong giây phút hiện tại, không bị kẹt trong quá khứ, và đây chính là điều thày đang nói đến. Một chuyện gì đó xảy ra, một điều gì đó thị hiện trong cõi vật lý. Nó có thể chặn đứng con lại nếu con phân vân tại sao nó lại xảy ra, rằng nó đúng lý không được xảy ra, rằng chuyện đó bất công, và con bị kẹt lại trong quá khứ. Nhưng cách xây dựng nhất để xử lý một tình huống là bảo: “Chiếc bánh quy đã vỡ vụn theo cách đó, tôi sẽ làm gì tiếp theo đây? Làm thế nào tôi có thể bước tới từ điểm này khi biết rằng bánh đã vỡ theo kiểu đó. Tình trạng của tôi đã như vậy thì làm thế nào tôi có thể bước đi tiếp?”
Nói cách khác, con xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Các thày đã cho các con khái niệm về sự xuôi chảy với Dòng sông sự Sống – ít người đã hiểu được ý nghĩa câu này nhưng đây chính là ý nghĩa. Khi con xuôi chảy với Dòng sông sự Sống, con không nhìn vào một kết quả đặc thù nào và cho phép nó ngăn con xuôi chảy. Nếu con buộc chặt tâm con vào việc phân tích xem chuyện này hay chuyện nọ không được xảy ra thì con đã bước ra ngoài dòng sông. Con đang đứng trên bờ sông nhìn dòng nước chảy mà cứ nghĩ ngợi tại sao nó lại chảy theo cách đó.
Cách thức để ở lại trong dòng sông là nhìn vào hoàn cảnh và nói: “Chuyện này đã xảy ra, vậy làm thế nào tôi có thể đi tiếp?” Ngay lập tức con lấy một quyết định mới để làm cái gì khác – con bước đi tiếp vì những gì vừa xảy ra ở thời điểm đó của dòng chảy không thật sự quan trọng. Điều quan trọng là con ở lại trong dòng chảy, con trôi theo dòng chảy.
Con thấy không, con cứ đi tới. Như các thày đã cho con hình ảnh này trước đây, con ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ trên một dòng sông chảy xiết. Mục tiêu của con là đến một điểm nhất định phía trước. Con đang cố lái thuyền theo một đường thẳng hướng tới điểm đó vì con có nghe người ta bảo rằng đường thẳng là con đường ngắn nhất giữa hai điểm. Thật ra không phải vậy vì Einstein đã chứng minh là không gian vốn cong, cho nên đường ngắn nhất giữa hai điểm là một đường cong. Nhưng trên một dòng sông thì đường ngắn nhất có thể là một lộ trình bấp bênh chao đảo tùy theo có đá lớn trên sông hay không. Nếu con cứ thẳng hướng nhắm đích thì con sẽ đâm vào đá và bị đắm thuyền. Nhưng nếu con lái quanh hòn đá thì con vẫn có thể tiếp tục đi tới.
Đi tới đích không phải là chuyện bảo rằng: “Chỗ kia trên dòng sông có sóng đánh tới tấp lẽ ra không được có mặt ở đó. Tại sao nó lại ở đó? Nó không được ở đó.” Không, con gặp phải sóng lớn thì con chỉ việc đổi lộ trình rồi tiếp tục đi tới. Và nếu con cứ làm hoài như vậy và cứ tiến tới, cuối cùng con sẽ đến đích bởi vì dòng nước cũng chảy theo hướng đó.
Đâu là điểm đến tối hậu của một học trò tâm linh? Là thăng thiên. Liệu những gì xảy ra ngay lúc này có thực sự quan trọng gì không nếu như tình huống hiện tại không đúng như con chờ đợi? Liệu có quan trọng gì không miễn là rốt cuộc con đạt đến thăng thiên? Liệu sự kiện con phải trải qua bao nhiêu khúc quanh co hay bao nhiêu bão táp có quan trọng gì không miễn là con cứ tiếp tục tiến về hướng thăng thiên? Con xử lý một tình huống không đúng với sự chờ đợi của mình như thế nào? À, con chấp nhận là chuyện đó đã xảy ra, xong con nói: “Bước tiếp của tôi là gì? Từ điểm này tôi sẽ đi đâu? Làm thế nào tiến bước từ điểm này?”
39.15. Sự tồn tại liên tục của dân tộc Ukraine
Thày có vừa nói gì hay không về việc Ukraine có thể đạt được kết quả tốt nhất từ những chấn thương của cuộc chiến hôm nay? À, có lẽ thày đã nói rồi đó, và như người ta thường bảo, một số người sẽ hiểu.
Thày biết đây là một tình cảnh rất đau thương, nhưng chỉ là một trong số rất nhiều tình cảnh giống như vậy trên trái đất, và cuộc sống vẫn tiến tới. Con có thể trở ngược về hàng ngàn năm trước và mục kích hàng ngàn người bị thảm sát và bảo rằng đó là một tình cảnh đau thương hoàn toàn phi lý bất công. Đúng như vậy, nhưng ngày nay thế giới đã vượt qua và bước tới. Thày không có ý xem nhẹ những gì đang xảy ra tại Ukraine, nhưng sẽ tới một điểm đất nước này sẽ bước tới và có thể nhìn lại rồi nói: “Ồ, bánh quy đã vỡ vụn như vậy đó.”
Phải mất bao lâu nữa thì dân tộc này mới đạt đến điểm đó? Điều này tùy thuộc vào sự kiện có bao nhiêu người sẵn lòng chấp nhận rằng chiếc bánh quy đã vỡ vụn. Và từ đây chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ chuyển bước đi tới như thế nào? Làm thế nào để tận dụng tối đa tình huống này thay vì bận tâm về những gì phải xảy ra hay không được xảy ra? Câu hỏi này đặc biệt thích hợp cho một tình trạng chiến tranh.
Có một khái niệm gọi là “mây mù cuộc chiến” qua đó những ai đã từng trải qua chiến tranh trong một thời gian rất dài nhận ra rằng đó vốn dĩ là một hoàn cảnh hỗn loạn rất khó lường. Đấy, khi điều gì hỗn loạn và khó lường thì có ích gì mà phân tích? Có ích gì mà đánh giá dựa trên điều gì phải xảy ra hay không được xảy ra? Con chỉ việc đi tiếp, bởi vì sự tiến hành liên tục quan trọng hơn là việc phân tích một tình huống đặc thù, tìm tòi nguyên nhân rồi đổ lỗi, vân vân.
Liên tục tiến tới. Các thày thấy gì từ cõi thăng thiên? Sự liên tục của cuộc sống trên trái đất, sự liên tục của dân tộc Ukraine. Các thày thấy làm thế nào dân tộc này có thể bước tới về một tương lai tốt đẹp hơn những gì hầu hết mọi người có thể mường tượng. Các thày cũng thấy tương tự cho nước Nga, cho Belarus, cho mọi quốc gia trên trái đất. Có một sự tiến hành liên tục. Một ngày nào đó, nước Nga cũng sẽ nhìn ngược lại và nói: “Ừ nhỉ, chuyện đó có liên quan gì đến chúng ta ngày nay không? Chúng ta đã bước xa hơn vậy quá nhiều.”
Đây chính là điều thày và các Thượng sư cùng các nữ chân sư muốn trao cho con. Chắc hẳn còn nhiều điều nữa có thể nói, và trong tương lai các thày sẽ nói thêm tùy theo sự đáp ứng từ tâm thức tập thể, từ học trò của các thày, từ những người tiến bộ ở mọi quốc gia trong cuộc. Nhưng cho bây giờ, các thày vô cùng biết ơn khi quá nhiều người trong số các con đã vui lòng nhập cuộc trong sự tương tác duyên khởi này giữa các thày ở cõi tâm linh với các con ở cõi hiện thân vật lý.
Dù cho trái đất hỗn mang thế nào, thày có thể cam đoan với con rằng một hội nghị như thế này có khả năng thay đổi dòng chảy của Dòng sông sự Sống. Vì vậy các con hãy nhận lấy lòng tri ân của thày, của tất cả các thày, và thày niêm con trong ngọn lửa vui mừng của sự an lạc mà TA LÀ. Gautama TA LÀ.