5 | Giành lại quyền được quên mà Thượng đế đã ban cho con

Bài truyền đọc của Chân sư MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 30/11/2018 nhân một hội nghị tại Tallinn, Estonia.

TA LÀ chân sư thăng thiên MORE, và thày rất vui mừng trao cho con bài giảng tiếp nối bài năm ngoái về đề tài vô cùng sâu xa và quan trọng này, là chấn thương nhập đời và làm thế nào con khắc phục được chấn thương đó. Con có thể xem những gì Phật Gautama vừa giảng trong phần vấn đáp về thời gian và sự kiện là nếu con không thể đi trở ngược thời gian để thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ, nếu con không có một cỗ máy du hành thời gian, thì con không thể tự giải thoát khỏi quá khứ [Xem chương chót trong sách này]. Như Gautama vừa nói, quả thật Mẹ Mary đã cho con một cỗ máy vượt thời gian qua bài thực tập của thày về cách con có thể quay trở về trải nghiệm chấn thương nhập đời đó [Xem sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh].

Thày muốn cho con thêm một cỗ máy vượt thời gian nữa. Con thấy đó, con yêu dấu, điều sa nhân muốn con nghĩ là quá khứ đã được tạc vào đá và không thể thay đổi. Một khi con đã lầm lỗi trên trái đất, con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi lỗi lầm. Bây giờ con hãy tưởng tượng con đang đứng trước một bức tường đá thật lớn. Nếu con đã đi thăm Vạn lý Trường thành ở Trung quốc hay Kim tự tháp ở Ai cập, hay Bức tường Than khóc ở Jerusalem hay bất kỳ thành vách nào ở đây nơi thành phố Tallinn và bất kỳ thành phố cổ nào trên thế giới, thì thật ra con không cần tưởng tượng. Con biết rõ cảm giác đứng trước một bức tường đá đồ sộ. Làm thế nào con có thể đập vỡ vách tường đó với hai bàn tay trần? Phải, con không thể, và tại sao như vậy? Một phần là vì đá rất cứng, và phần khác là vì những viên đá được dán chặt lại với nhau.

Trước tiên con hãy tưởng tượng con có thể gỡ vữa ra, là chất xi-măng giữ đá dính chặt với nhau. Tất nhiên nếu đá dính không chặt, công việc phá bỏ bức tường sẽ dễ hơn một bực. Thế nhưng cũng không dễ lắm, tùy theo kích thước những viên đá. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như con có thể đập đá ra thành vụn nhỏ như cát? Và giả sử con có một cái máy phóng tia sáng có khả năng biến đá thành vụn nhỏ như cát thì chuyện gì sẽ xảy ra?

À, đây chính là quyền năng mà các thày đã trao cho con qua các bài chú, bài thỉnh. Tất nhiên con không thể dùng bài chú để đập vỡ tường đá thành vụn, mặc dù trên lý thuyết nếu có đủ số người đứng trước tường đá thì việc này cũng khả dĩ. Nhưng dù sao thì các thày không có ý định gửi học trò của mình đi vòng quanh thế giới đập đổ tường đá rồi bị bỏ tù về tội phá hoại di tích lịch sử. Điều các thày quan tâm hơn nhiều là giúp con đập đổ những bức tường kiên cố trong chính tâm con đang giam hãm và buộc chặt con vào một khuôn nếp phản ứng lại sa nhân.

Đương nhiên, con có những bài chú và bài thỉnh mà như các thày đã nói nhiều lần, con có thể sử dụng để làm tan năng lượng, và khi năng lượng giảm bớt, con sẽ dễ dàng hơn thoát khỏi khuôn nếp. Tuy nhiên như các thày cũng đã dặn nhiều lần, con cần phải có một trải nghiệm ý thức, một quyết định ý thức, trước khi con được thực sự tự do. Đây không phải là một tiến trình máy móc.

5.1. Ý thức được tiến trình thấy

Đây là điều thày muốn cống hiến cho con. Con cần khởi sự – mới đầu có thể từ từ – nhưng con cần khởi sự huấn luyện tâm con cho nó có thể hình dung, tưởng tượng, và cuối cùng thấy rõ và chiêm nghiệm một điều mà cho tới giờ con chỉ biết qua trí năng, rằng toàn bộ thế giới vật chất được xây dựng bằng năng lượng. Bây giờ con hãy tưởng tượng là con biết trong quá khứ con đã trải qua một tình huống vô cùng đau đớn và con đang mang chấn thương nhập đời này trong con. Tình huống đó được cấu tạo bằng chất gì? Như Phật Gautama có nói, thời gian đã trôi qua và tình huống vật lý không còn hiện diện nữa, đơn giản là nó đã bị thời gian tẩy xóa. Hay có thể nói, nó đã bị thời gian sơn lên một lớp sơn – do cái cọ vĩ đại của thời gian đã biến mọi sự thành cái đang là bây giờ. Như Gautama nói: Cái đang là bây giờ quả thật có thể bị quá khứ ảnh hưởng, tuy nhiên quá khứ không còn ở đó như một hiện thực vật lý nữa. Nó chỉ ở đó như một dấu in hay một hình ảnh trong tâm con, trong ba thể cao của con, và theo một nghĩa nào đó cũng trong cơ thể vật lý của con.

Câu hỏi bây giờ là làm thế nào con thoát khỏi dấu in đó? Điều con cần suy ngẫm trước hết là làm thế nào bộ não vật lý, đôi mắt vật lý của con (nhưng đặc biệt là bộ não) và tâm vỏ ngoài của con nhìn và nhận thức tình huống – nói chung, nhận thức mọi chuyện? Ngay bây giờ con đang ngồi ở đây, con đang nhìn bức tường sau lưng vị sứ giả này, là một bức tường khá vững chắc, và cái con thấy thật ra là một hình ảnh. Các thày đã có giảng là mắt con không thực sự nhìn thấy bức tường mà nó chỉ đơn giản nhận được những xung động gửi vào trong mắt, đập vào võng mạc (retina) dưới dạng những tia sáng. Mắt con không thực sự thấy mà phản ứng lại tia sáng. Phản ứng này trong mắt được chuyển thành một tín hiệu, giống như tín hiệu số trong máy tính. Tín hiệu này được gửi đến cái mà con gọi là vỏ thị giác (visual cortex) trong não.

Bây giờ bộ não có tác dụng giúp con tạo ý nghĩa cho thế giới vật lý. Dụng cụ chủ yếu giúp con tạo ý nghĩa cho thế giới vật lý là khi bộ não áp đặt một số hình ảnh lên trên các tín hiệu đến từ mắt. Mắt con không đang thấy. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói là não cũng không đang thấy. Não chỉ đơn giản lấy tín hiệu đến từ mắt rồi sắp xếp lại thành một hình ảnh ăn khớp với những gì não đã chứa sẵn trong kho dữ liệu của nó. Như được chứng minh trong vô số hiện tượng ảo thị (optical illusion) mà con đã được thấy, não không thực sự thấy cái ở trước mặt con. Nó tìm kiếm một mô thức ăn khớp với một cái gì đã nằm sẵn trong kho dữ liệu của nó. Nó không nhìn chính xác những tín hiệu đến từ mắt mà tìm kiếm một mô thức mà nó có thể nhận diện. Một khi nó có đủ xung động để hình thành một mô thức quen thuộc, thì nó sẽ ngừng phản ứng, ngừng nhìn vào xung động từ mắt, và bây giờ nó áp chồng cái mô thức lưu trữ này lên những gì con đang nhìn và nói: “À, đây là cái đó.”

Tất nhiên, chuyện này đã tiếp diễn trên trái đất suốt hàng triệu năm qua. Khi con đầu thai trong kiếp này, bộ não của con không khởi sự từ số không, nó không phải tự huấn luyện từ đầu và xây dựng từng hình ảnh về cái này là gì, cái kia là gì. Não bị buộc chặt vào động lượng tập thể đó, cho nên nó đã mang sẵn một số lập trình: “Đây là ngọn cây, đây là hòn đá, đây là biển cả, đây là bầu trời, vân vân và vân vân”. Con có sẵn một kho dữ liệu những mô thức mà không những chính con đã nhìn thấy từ trước mà cả tâm thức tập thể cũng đã nhìn thấy từ trước. Cho nên con đã quen nhìn mọi thứ dưới dạng hình ảnh và con dán nhãn lên mọi thứ. Con thường dán nhãn bằng ngôn từ, và điều này lại bồi thêm một lớp phức tạp nữa, khi nói chung, vỏ não thị giác nhận ra hình thù. Vỏ não thị giác có thể nhìn vào hình thù, màu sắc và chất liệu của bức tường, nhưng bộ não có thêm chức năng khác là chuyển thành lời nói, chẳng hạn: “Đây là một bức tường”. Thêm một lớp phủ được đắp lên hình ảnh, và như vậy loài người đã có một động lượng rất lâu đời áp chồng ngôn từ lên mọi thứ.

5.2. Con bị kẹt trong nhận thức như thế nào

Trong Thánh kinh có kể rằng Thượng đế ban cho Adam quyền năng đặt tên cho từng loài động vật trên địa cầu. Một số người tin rằng nếu con biết tên của vật thì con có quyền năng trên vật đó. Thực tế sâu sắc hơn là một khi con đặt tên cho một vật, thật ra con đã tự giới hạn mình vì con củng cố cho hộp tư duy của con. Con nghĩ vật sẽ giống như cách con dán nhãn và nó sẽ luôn luôn như vậy. Con không thể nhìn xa hơn sự lập trình – ít ra là hầu hết mọi người không thể. Và do đó con nghĩ: “Cái đó là như thế này.” Con đã buộc mình vào động lượng tập thể, và con đã xây dựng động lượng riêng của con trong bao nhiêu tiền kiếp.

Khi các thày nói là có một giai đoạn hay một tình huống trong quá khứ con phải trải qua một kinh nghiệm vô cùng đau đớn – và các thày có cho con một ví dụ, như trong sách Những kiếp  của tôi mô tả nhân vật chính trong truyện phải nếm mùi một hoàn cảnh vô cùng khó khăn – thì con bị lập trình, bộ não của con bị lập trình để nó áp chồng một hình ảnh và ngôn từ lên trên kinh nghiệm đó, và nó nói: “Kinh nghiệm này như thế đó”. Và bây giờ câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào con có thể thực sự thoát khỏi một tình huống trong quá khứ của con? Chừng nào con còn giữ trong não, ngay cả trong ba thể cao của con, cái dấu in của tình huống đó cùng những hình ảnh hay những ngôn từ mà con đã gắn liền với tình huống, chừng nào những thứ này còn được cất giữ ở đó thì con không thể thoát khỏi tình huống từ quá khứ.

Điều thày nói với con là con có thể bắt đầu tái huấn luyện chính mình. Con có thể rèn luyện tâm con để nó phản lệnh bộ não. Sẽ có thể hữu ích nếu con thử lấy một vài trong số rất nhiều những ảo thị đã được đăng tải. Ảo thị điển hình là một hình vẽ mang hình dáng hoặc một cô gái trẻ đẹp, hoặc một bà cụ da dẻ nhăn nheo tùy theo con chú mục như thế nào. Có những ảo thị với đủ loại màu sắc, hình thù, vân vân. Nếu con chưa bao giờ xem ảo thị thì con nên xem thử để nó giúp con hiểu là con thực sự không thể nào tin vào giác quan của mình. Con không thể tin được bộ não vì trong não có một lập trình khiến con thấy vật theo một cách không phải là cách nó thực là.

Con có thể tiến thêm một bước và tưởng tượng con đang ngồi trong một rạp chiếu phim. Con nhìn thấy gì đó trên màn hình, và bởi vì rạp chiếu bóng tối om cho nên rất có thể con hoàn toàn mải mê với bộ phim đến độ con có cảm giác mình đang sống trọn cốt truyện đang được trình chiếu trên màn hình. Chắc chắn con bị cuốn hút vào đó đến nỗi con quên hết mọi chuyện. Con có thể luyện tập để nhận ra là những hình ảnh đang được chiếu lên màn hình không những không biểu hiện một thực tại vật lý nào (vì con dư biết là chúng chỉ là những tấm hình trên một cuộn phim đặt trong máy chiếu) mà hơn vậy, con có thể tập nhìn chúng như những mô thức gồm có vô số chấm nhỏ đủ màu được chiếu lên màn ảnh. Con có thể tới mức luyện tập cho mắt đổi tiêu cự đôi chút, và thay vì con thấy rõ từng người hay từng vật, thì con chỉ nhìn thấy những mảng tia sáng đủ màu được chiếu lên màn ảnh. Khi con tập như vậy một thời gian, con sẽ lần hồi đạt đến mức con áp dụng được vào cuộc sống hàng ngày. Con có thể luyện tập để thấy bức tường này sau lưng sứ giả không thực là bức tường. Đó chỉ là một số tia sáng tạo thành một số mô thức mà thôi.

Hồi con còn nhỏ, chắc đã có người chỉ con dùng kính lúp để nhìn kỹ một tấm ảnh in trên báo. Và con thấy được những gì có vẻ là một số mảng hình hay một số hình thù kỳ thực chỉ là những chấm đen được sắp xếp theo những mật độ khác nhau. Màu đen càng đậm thì chấm càng xít lại gần nhau. Màu đen càng lạt thì chấm càng cách xa nhau. Tất cả chỉ là những chấm đen đã đánh lừa bộ não của con nhìn thấy hình thù. Cho nên con có thể luyện tập để tập trung vào chấm thay vì hình ảnh. Rồi con có thể áp dụng kỹ thuật này vào mọi tình huống trong đời, tuy ngay lúc này việc áp dụng vào những tình huống đặc thù trong đời chưa quan trọng lắm.

5.3. Đập vỡ hình ảnh quá khứ thành đơn vị nhỏ hơn

Điều thày mong muốn con khởi sự làm là nhìn vào những tình cảnh trong quá khứ của con. Có thể là con cảm được chấn thương nhập đời và con cảm thấy nó chưa được giải quyết. Cũng có thể con đã gặp một tình huống nào khác, ngay cả một tình huống trong kiếp này khi con cảm thấy một sự việc đau đớn đã xảy ra. Bây giờ con có thể xem xét: Khi con nghĩ lại tình huống đó, hình ảnh mà bộ não của con khơi dậy là gì, hay hình ảnh mà ba thể cao của con khơi dậy là gì? Hình ảnh đó là gì? Con có thể nói từ một nhãn quan đường thẳng là nếu con còn ký ức, nếu con còn một hình ảnh từ quá khứ, thì con sẽ không bao giờ thoát ra khỏi hình ảnh đó, vì những gì đã xảy ra thì đã xảy ra, và con không thể thay đổi nó được. Không có gì con có thể làm để thay đổi nó.

Tất nhiên, đây là điều sa nhân muốn con tin chứ không phải là sự thật. Con có khả năng luyện tập để đưa những hình ảnh này lên tầm nhìn nội tâm của con. Xong con có thể tập nhìn thấy chúng, không phải như là hình thù và hình ảnh mà con đang có, mà chỉ đơn giản là những mô thức tia sáng, hay những mô thức nguyên tử, hạt electron, hạt hạ nguyên tử – hay bất cứ cách nào con có thể hình dung. Con đập vỡ hình ảnh ra thành bộ phận nhỏ bằng bất cứ cách hình dung nào có thể. Như thày nói ở trên, nếu con đứng trước một bức tường đá, con có thể đập vỡ các viên đá cho vụn ra thành hạt cát để con có thể dời chuyển viên đá dễ dàng hơn. Đây là điều con có thể luyện tập để giải quyết những hình ảnh từ quá khứ vẫn ám ảnh con, hay những hình ảnh mà con đã kềm nén nhưng mỗi lần con chạm vào chấn thương nhập đời thì con lại khơi nó dậy.

Con có thể luyện tập để nhận ra một cách ý thức: “Hình ảnh này chỉ là một hình ảnh mà bộ não và các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của tôi đã áp chồng lên ánh sáng.” Thực tế là nó không còn là một tình huống vật lý nữa. Nó chỉ là một hình ảnh. Hình ảnh này được cấu tạo bởi những hạt ánh sáng điện từ nhỏ xíu, là những cái chấm. Hình ảnh được tạo bằng chấm. Thậm chí con có thể ngắm một bức tranh của trường phái Ấn tượng, và nếu con đứng ở xa, con sẽ không thể nhìn thấy những cái chấm mà hoạ sĩ đã sử dụng để vẽ tranh. Khi con lại gần và gần hơn nữa, con bắt đầu nhìn thấy chấm, và khi con xích lại thật sát thì tất cả những gì con thấy chỉ là chấm, vì con không thể thấy hình ảnh nữa. Vậy thày yêu cầu con hãy luyện tập, và một lần nữa, điều này liên quan đến việc con bước vào nỗi đau, tuy nhiên bây giờ con không bước vào nỗi đau nhưng con bước vào một hình ảnh thị giác mà con có trong tâm.

Con bước tới hình ảnh gần hơn và gần hơn nữa cho đến khi con chỉ còn nhìn thấy những cái chấm. Rồi con nhận ra những cái chấm này chính là thực tại sâu xa hơn. Hình ảnh chỉ là cái gì được áp chồng lên bởi bộ não và bởi các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Còn chấm mới là thực tại. Và con cũng nhận ra là chấm luôn chuyển động, chúng linh hoạt, chúng không ngừng rung động, và chúng có thể dễ dàng biểu diễn bất cứ hình ảnh nào khác y như chúng đang biểu diễn hình ảnh con đang có. Hơn thế nữa, thật ra những chấm này có thể được giải phóng khỏi cái khuôn đúc đã được áp chồng lên chúng, hầu chúng trở về với trạng thái nền (ground state), là trạng thái tự do nơi chúng hoàn toàn trung hòa và không biểu hiện bất cứ hình ảnh nào.

Con có thể hình dung hình ảnh đó dần dần tan ra thành từng mảnh nhỏ, và những mảnh này bắt đầu rung lên và chuyển động. Chúng chạy tứ phía, làm phân hủy hình dạng của hình ảnh, chỉ còn lại một màu đồng nhất. Con có thể thấy chúng biến thành giống như nước của biển cả, hay cát của sa mạc, hay không khí của trời xanh. Nhưng chúng trở thành vô đặc tính, vô hình dạng. Hình ảnh được giải thể và con để cho nó ra đi. Giống như thể con đang lấy một quyết định, và ở một điểm nào đó con đang lấy một quyết định, và con nói: “Tôi để cho hình ảnh này chết đi. Tôi để cho nó tan biến. Giản dị là tôi đã quên nó rồi.”

5.4. Bí quyết để lãng quên

Con yêu dấu, quá nhiều người khắp thế giới bị những tình huống từ quá khứ ám ảnh một cách liên tục, hay ít ra một cách thường xuyên, và dường như họ không thể nào quên được. À, vậy bí quyết để lãng quên là gì chứ? Đó là con nhận ra ký ức của con được lưu trữ (như các thày đã nói) một phần dưới dạng năng lượng, năng lượng cảm xúc. Chẳng hạn, lòng sợ hãi, sự tức giận hay bất cứ gì khác đều được cất giữ, và con có thể giải thể năng lượng qua các bài chú, bài thỉnh của con. Hơn vậy, ký ức cũng được lưu trữ dưới dạng hình ảnh trong bộ não, trong ba thể cao của con. Các hình ảnh này đã được áp chồng lên những hạt mà con có thể gọi là hạt lượng tử, là Ánh sáng Mẫu-Vật, hay bất kỳ tên gọi nào con muốn. Đây là những hạt có khả năng khoác vào, hay được sắp xếp thành đủ loại hình thể, đủ loại hình thù, đủ loại mật độ và màu sắc khác nhau. Con có khả năng tháo gỡ các hình ảnh mà tâm con đã phóng chiếu lên hạt và giải phóng hạt khỏi hình ảnh. Khi con thực sự làm như vậy, hình ảnh sẽ không còn đó nữa và, thần diệu thay, ký ức cũng biến mất.

Khi con suy ngẫm về điều này, ký ức là một cái gì con có trong cõi vật chất, trong bốn tầng của cõi vật chất. Phải có một cỗ xe có khả năng chuyên chở ký ức. Hầu hết các ký ức được lưu trữ như thế nào? Dưới dạng hình ảnh thị giác. Các thày đã có đề cập đến các Hồ sơ Akasha và có một sự tương đồng nào đó với ba thể cao của con, ở chỗ là có một môi thể lưu trữ – là những hạt nói trên – có khả năng khoác vào hình ảnh và nhờ vậy duy trì hình thù này vĩnh viễn.

Con có thể luyện tập để đi vào bên trong, nhìn lại hình ảnh đó, nhưng sau đó con nhìn vượt khỏi hình ảnh và giải phóng các hạt để chúng trở về trạng thái nền của chúng. Khi chúng trở về trạng thái nền, hình ảnh tan rã và chính cái đó là cỗ xe của ký ức. Một khi cỗ xe của ký ức tan rã thì ký ức cũng tan theo, con yêu dấu. Đây là cách làm thế nào con có thể quên được.

Công việc này có thể đòi hỏi nỗ lực từ con, nhưng thú vị ở đâu nếu con không có việc gì để mà nỗ lực? Có thể con sẽ chán ở đây trên hành tinh này, và như nhiều các con đã bày tỏ, thật không có nhiều việc lắm để cá nhân con làm hay trải nghiệm, không có nhiều công việc cho con. Tất nhiên là có việc này là con muốn được tự do. Nhiều người trong các con muốn tiến bước, nhưng con không thể tiến bước cho đến khi con cũng tự do khỏi ký ức.

Con yêu dấu, trong một quyển sách được trao truyền trong một đợt truyền pháp trước có một lời tường thuật về ba người đệ tử đến khóa nhập thất của thày ở Darjeeling, và họ được cho xem Hồ sơ Akasha trình chiếu một tình huống trong quá khứ của họ. Thế rồi thày đã lấy một viên ngọc, dùng viên ngọc này để phóng tia sáng vào tình huống đó và xóa bỏ nó trong Hồ sơ Akasha. Đây là một lối minh họa được sử dụng trong quá khứ khi các thày giảng dạy cho một tầng tâm thức thấp hơn. Nó có một độ thực tế nào đó, theo nghĩa là con có thể huấn luyện tâm mình để trở thành cánh cửa mở cho một tia sáng từ một cõi cao hơn. Tia sáng có thể đến từ Hiện diện TA LÀ của con, nó có thể đến từ một chân sư thăng thiên mà con đã lựa chọn – và lẽ tự nhiên, thày cống hiến sự trợ giúp của thày ở đây. Nếu con hòa điệu với thày và con hình dung là thày đang gửi đến con một tia sáng vào hình ảnh đó, và qua đó thày khiến cho các hạt rung động nhanh hơn đến độ chúng nhảy ra khỏi mô thức định sẵn trong hình ảnh và trở về trạng thái nền của chúng, thì đây cũng có thể là một bài hình dung hữu ích cho con.

5.5. Không có gì là rắn đặc

Con cần trước tiên luyện tập để thấy được hình ảnh mà con mang trong tâm thật sự được cấu tạo bằng những hạt đó, và vì vậy hình ảnh sẽ linh hoạt uyển chuyển. Nó có thể dễ dàng tan rã, nó không được tạc trên đá, nó không phải là một bức tường kiên cố. Tất nhiên con có thể tiếp tục làm vậy và nhận ra là một bức tường không có gì kiên cố, nhưng quan tâm của thày ở đây là thày không muốn con làm những loại thủ thuật này mà con dành nỗ lực để thực hiện kỳ công thực sự sáng giá là xóa bỏ các ký ức đau buồn của con, cho dù từ những kiếp trước hay từ kiếp này.

Con yêu dấu, tất nhiên đây không phải là một điều con đã được dạy ở lớp mẫu giáo. Vì vậy, có thể nó sẽ đòi hỏi ở con một nỗ lực nào đó, một sự suy tư nào đó. Nó đòi hỏi con tái trang bị, chuyển hóa tâm con để dần dần chấp nhận là không có gì trong thế giới vật lý và vật chất, không có gì trong cả bốn cõi của vật chất, là rắn chắc như đá. Không có gì là không thể thay đổi, vì tất cả mọi thứ đều được cấu tạo bằng những hạt ánh sáng kia mà trên đó một hình ảnh đã được áp chồng lên.

Những hạt ánh sáng này kỳ thực không phải là hạt ánh sáng như khoa học bảo con là ngay cả hạt hạ nguyên tử cũng đều là hạt. Nếu con đã đọc về vật lý lượng tử, con sẽ biết là các nhà khoa học bị bối rối bởi sự kiện một electron có thể hiện ra dưới cả hai dạng hạt lẫn sóng. Họ gọi đó là lưỡng tính sóng-hạt và họ không làm sao giải thích được. Thực tế là ý tưởng cho rằng cái lưỡng tính hạ nguyên tử kia là một hạt, chỉ là một hình ảnh mà các nhà khoa học mang theo trong tâm họ vì nó gắn liền với một cái gì họ có thể thấy được bằng giác quan vật lý. Họ mang theo hình ảnh này trong tâm và họ muốn áp chồng hình ảnh này lên thế giới lượng tử mà họ vừa khám phá. Cách duy nhất để hiểu được tầng cấp lượng tử là nhận ra rằng nó tuyệt đối không liên hệ gì đến thế giới vĩ mô mà con thấy với giác quan của con.

Cách duy nhất để thực sự hiểu được thế giới lượng tử cùng mối tương quan của nó với thế giới vĩ mô là nhận ra thế giới vĩ mô không được tạo bằng hình thù. Nó được tạo bằng hạt, hay đúng hơn, bằng những thực thể nhỏ hơn mà trên đó hình ảnh đã được áp chồng lên. Một hòn đá không phải là hòn đá, đó là một tập hợp những thực thể ánh sáng, những đơn vị ánh sáng, đã bị cưỡng ép vào một mô thức nhất định và chúng đang biểu hiện mô thức này ra bên ngoài. Rất có thể chúng sẽ được giải phóng khỏi mô thức để trở về với trạng thái nền của chúng, hay chúng có thể biểu hiện một mô thức khác. Một lần nữa, có thể các con hơi bị đuối sức khi phải hình dung toàn bộ thế giới vật lý là linh hoạt và được tạo bằng hạt hay bằng những thực thể nhỏ hơn, nhưng chắc chắn con thấy được là những hình ảnh con cầm giữ trong tâm, những hình ảnh về quá khứ, cũng không được tạo bằng một chất vật lý kiên cố như đá. Thật vậy, chúng được tạo bằng một loại thực thể khác, cho nên chúng linh hoạt uyển chuyển.

Kỳ thực, toàn bộ vũ trụ vật chất được cấu tạo bằng cái mà các thày gọi là Ánh sáng Mẫu-Vật. Ánh sáng Mẫu-Vật có những đơn vị cực nhỏ. Nếu chúng ta muốn dùng cùng thuật ngữ của khoa học, chúng ta có thể nói là thật vô nghĩa mà bàn về hạt, vì một hạt trải ra trong không gian. Đó là một cái chấm với một kích thước nào đó. Còn các đơn vị cấu tạo Ánh sáng Mẫu-Vật, măc dù chúng không nhỏ một cách vô hạn, nhưng chúng nhỏ đến độ chúng vượt khỏi khả năng phát hiện của giác quan vật lý hay ngay cả các loại dụng cụ dựa trên ánh sáng khả kiến (visible light), bước sóng (wavelength) của ánh sáng khả kiến.

Con cũng biết là kính hiển vi có khả năng phóng lớn các vật thể nhỏ. Nó giúp con nhìn thấy những vật con không thể thấy bằng mắt trần. Dẫu vậy, những gì con có thể thấy bằng kính hiển vi có giới hạn vì kính hiển vi quang học chỉ có thể hoạt động với ánh sáng khả kiến. Ánh sáng khả kiến có một bước sóng tối thiểu, và bất kỳ vật nào nhỏ hơn bước sóng của ánh sáng sẽ không thể thấy được trong kính hiển vi quang học. Chuyện này không thể làm được. Vấn đề cũng tương tự như vậy với các thực thể nói trên, các đơn vị của Ánh sáng Mẫu-Vật, chúng không thể được phát hiện bởi bất kỳ dụng cụ nào do khoa học chế tạo vì đây là những dụng cụ vật chất, mà Ánh sáng Mẫu-Vật thì không vật chất. Nó trở thành vật chất khi có một hình ảnh được áp chồng lên nó.

Ngay cả trong thế giới lượng tử, con cũng có tình trạng một hạt có thể xuất hiện từ hư vô rồi lại biến mất. Các nhà khoa học bàn về một trạng thái chân không (vacuum state), một trường lượng tử (quantum field) hay một số tên gọi khác, là khi một hạt có thể đột nhiên xuất hiện rồi biến mất vì nó đi vào hay đi ra khỏi một trạng thái nào đó. À, đây là cách con có thể hình dung Ánh sáng Mẫu-Vật. Con có thể nói là Ánh sáng Mẫu-Vật không nằm trong cõi vật lý nhưng nó có thể được kéo vào quang phổ vật lý (physical spectrum). Thế rồi những cái chấm nhỏ đó của Ánh sáng Mẫu-Vật có thể được sắp xếp lại thành một mô thức nào đó, nhưng Ánh sáng Mẫu-Vật chỉ ở lại trong mô thức này trong cõi vật lý chừng nào còn có cái gì phóng chiếu hình ảnh lên nó. Lý do trái đất có một số biểu hiện do con người tạo ra kéo dài trong thời gian là vì tâm thức tập thể liên tục phóng chiếu một số hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

5.6. Con có những ký ức tiềm thức

Điều thày đang giảng cho con là lý do con mang ký ức về quá khứ – hay một hồ sơ, một ghi nhận về quá khứ hay bất kỳ tên gọi nào khác – là vì tâm con đang áp chồng hình ảnh đó lên Ánh sáng Mẫu-Vật. Sự thể này ngăn cản không cho các đơn vị của Ánh sáng Mẫu-Vật trở về trạng thái nền của chúng và lại đi ra khỏi cõi vật lý. Con có thể phản bác: “Nhưng làm sao con làm chuyện này được khi con không mang một ký ức ý thức nào về chấn thương nhập đời của con?” Con có mang một ký ức tiềm thức.

Ký ức không chỉ là ký ức có ý thức mà thôi, và đây là tại sao chúng ta có thể nói là những gì con nhớ một cách ý thức thì gọi là ký ức, còn những gì con không nhận biết ý thức gọi là hồ sơ. Đôi khi các thày đã dùng cách phân biệt này. Con cũng có thể nói là có ký ức ý thức hay vô thức. Tất cả các con đều biết là thỉnh thoảng có một sự kiện nào đó mà con biết rõ con đã nghe nói trong quá khứ nhưng con không thể hồi tưởng ngay bây giờ một cách ý thức. Thế rồi khi con suy nghĩ thêm, nó bỗng bật lên và bây giờ con nhớ lại. À, hiển nhiên ký ức này đã có mặt ở đó cho dù nó không nằm trong tâm ý thức của con, và các tình huống từ quá khứ cũng tương tự như vậy. Chúng còn nằm đó là vì tâm tiềm thức của con không ngừng phóng chiếu một hình ảnh lên Ánh sáng Mẫu-Vật.

Điều con có thể luyện cho tâm con làm là nhìn ra hình ảnh không phải là một hình ảnh vật lý, một hình ảnh cố định không thay đổi. Nó được cấu tạo bằng những cái chấm nhỏ li ti của Ánh sáng Mẫu-Vật. Xong con có thể quyết định trong ý thức và nói: “Vụt” và làm cho hình ảnh tan biến. Để điều này có thể xảy ra, có thể con sẽ cần đọc một lượng bài chú và bài thỉnh để làm tan năng lượng cảm xúc. Như các thày đã nói, có thể con sẽ phải tới điểm xem nó như là một ngã tách biệt, nhìn ra là có một cái ngã tách biệt kỳ thực đang duy trì hình ảnh đó, đang muốn duy trì hình ảnh đó. Con có thể quyết định ngừng nuôi dưỡng nó với năng lượng và chú ý của con. Khi con làm theo những bước khác mà các thày đã cho con trước đây, thì có thể sẽ tới điểm khi tất cả những gì còn sót lại chỉ là ký ức. Con đã làm tan năng lượng, năng lượng cảm xúc, con đã làm tan ngã tách biệt, con đã để cho nó chết đi, nhưng vẫn còn lại một ký ức mà vì một lý do nào đó con nghĩ con phải bám lấy.

Trong một số trường hợp, có một cái ngã nghĩ rằng nó phải bám lấy ký ức và con có thể đạt tới điểm nhìn ra ngã này. Thậm chí, thỉnh thoảng, đây chỉ là vấn đề làm cuộc xoay chuyển ý thức, một quyết định ý thức là: “Tôi không phải bám giữ tất cả mọi ký ức về những chuyện đã xảy ra cho tôi trên hành tinh này.”

Tại sao, con yêu dấu, tại sao con không phải nhớ lại? Các sa nhân và tự ngã của con sẽ la hét vào mặt con: “Không, bạn không thể đơn giản quên nó đi! Chuyện đó đã thực sự xảy ra! Chính bạn đã làm chuyện đó, bạn phải ghi nhớ mãi mãi!” Tại sao con cần ghi nhớ mãi mãi chứ con? Các thày đã dạy con điều gì? Cho dù con đã kinh qua chuyện gì trên hành tinh này, đã trải nghiệm nó như thế nào xuyên qua phin lọc bốn thể phàm của con, thì Hiện diện TA LÀ của con có một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Kinh nghiệm này mới là kết quả vững bền, là thành quả lâu dài mà con muốn thành tựu qua việc hiện thân trên trái đất. Kinh nghiệm này được lưu trữ vĩnh viễn trong căn thể của con. Đấy chính là cái thực. Đấy chính là cái tồn tại. Đấy chính là điều con đã muốn gặt hái từ việc hiện thân trên trái đất.

Còn những ký ức kia mà con mang trong bốn thể phàm không có giá trị nào trường tồn. Tại sao chúng lại phải tồn tại? Tại sao con lại phải đem chúng theo con? Tại sao con không nhìn chúng và nói: “Vụt, thế là mi đã tan mất”?  

Con yêu dấu, con hãy đơn giản chấp nhận là con có quyền quên đi. Chừng nào con còn có năng lượng tha hóa và ngã tách biệt thì con không thể quên được, nhưng một khi con đã làm tan cả hai thì con có quyền được quên. Đây là một quyền con người, một nhân quyền – chúng ta có thể nói như vậy – và quyền này phải nằm trong danh sách những quyền hạn bất khả xâm phạm mà Đấng Sáng tạo đã phú cho mọi con người. Con có quyền được quên, một quyền mà Thiêng liêng đã ban cho con.

Thày hy vọng là con sẽ nắm lấy lời dạy này và bắt đầu sử dụng quyền này. Nếu con muốn thày giúp đỡ, thày HƠN là sẵn sàng giúp con.