Bệnh nặng có do nghiệp cá nhân hay không?

Hỏi: Giê-su yêu mến, khi một người bị bệnh nặng liên tục, có phải đó là kết quả của nghiệp quả cá nhân hay là người đó đang gánh chịu nghiệp quả của hành tinh? Khi chuyện này xảy ra, có hy vọng nào thay đổi được hay không?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Như ta có giải thích suốt trang mạng này, mọi thứ đều được cấu tạo bằng năng lượng, và năng lượng thì chỉ giản dị là ánh sáng thuần khiết của Thượng đế rung động ở một tần số thấp hơn tiềm năng cao nhất của nó. Hệ quả là bất kỳ điều kiện bất toàn nào cũng được cấu tạo bởi năng lượng có tần số thấp, và vì thế mọi điều kiện có thể được thay đổi bằng cách nâng cao tần số của năng lượng. Chân sư Hiện diện của Ánh sáng Vô tận đã giải thích điều này cặn kẽ hơn trong bài giảng của thày.

Con nói đúng, có nhiều dòng sống đã tình nguyện hứng chịu một phần gánh nặng nghiệp quả của thế giới. Và rất nhiều trong số các dòng sống đó đã làm điều này bằng cách tự chuốc vào mình một căn bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, không có người nào phải gánh chịu toàn bộ sức nặng của nghiệp quả thế gian. Một người chỉ gánh một phần thôi, và nếu phần này được hóa giải qua những phương cách khác, thì một căn bệnh – mà tựu trung chỉ là nghiệp quả đang trải bày ra – có khả năng được chữa lành.

Cho nên ta thật khuyên những ai bị bệnh nặng hãy sử dụng các bài nguyện tràng hạt và bài chú của Mẹ Mary mỗi ngày. Ta không nói là bệnh nặng sẽ nhất thiết được chữa khỏi. Thật vậy, nhiều dòng sống mong muốn đóng góp vào bước tiến của nhân loại mạnh mẽ đến độ họ sẽ gánh thêm nghiệp quả của thế giới sau khi một số nghiệp đã được chuyển hóa. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các dụng cụ tâm linh, một người sẽ có thể tiêu hủy nhiều nghiệp của thế giới hơn là qua căn bệnh của mình.

Một trường hợp khác có thể xảy ra là căn bệnh hiểm nghèo là kết quả của nghiệp riêng của người đó. Một số dòng sống nhận ra là họ đang có một phần nghiệp nặng nề sắp sửa kết tụ trong một tương lai gần kề. Cho nên họ quyết định đầu thai trong những hoàn cảnh khiến họ mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo. Mục đích mắc bệnh là để trả nghiệp trong một kiếp thay vì kéo dài ra trong nhiều kiếp.

Con có thể so sánh chuyện này với một người có một khoản nợ rất lớn. Một số người sẽ chọn cách trả lần hồi, mỗi tháng một chút cho tới cuối đời, trong khi một số người khác sẽ muốn đi làm hai việc một lúc trong một vài năm để sạch nợ cho nhanh, rồi được rảnh rang hưởng thụ cuộc đời sau đó. Có nhiều dòng sống trưởng thành tâm linh sẽ hy sinh nguyên một kiếp sống để tinh tấn trong một kiếp, hầu họ có thể thăng thiên vào cuối kiếp đó hoặc kiếp kế tiếp. Quả thật những dòng sống như vậy có thể gánh lấy một căn bệnh ngặt nghèo hoặc một điều kiện nào khác suốt nhiều thập niên hay thậm chí suốt đời.

Hiển nhiên, mục tiêu của dòng sống là trả cho hết nghiệp, chứ không phải là chịu khổ vì căn bệnh. Cho nên nếu dòng sống có thể tìm ra cách nào khác để trả quả thì căn bệnh rất có thể sẽ được chữa lành. Một lần nữa, ta khuyến cáo việc sử dụng cac dụng cụ tâm linh để làm tiêu sạch mọi nghiệp chướng và năng lượng tiêu cực. Và đương nhiên, nếu người bệnh nặng là một người thân của con, con cũng có thể dùng dụng cụ tâm linh để chuyển hóa nghiệp đó cho người ấy.

Tuy nhiên cũng có một kịch bản thứ ba cần được xem xét. Trong nhiều trường hợp, một chứng bệnh nặng không chỉ do nghiệp của người đó, mà là hậu quả của một số tin tưởng sai lầm hoặc vết thương tình cảm nơi dòng sống. Và trong trường hợp này, việc sử dụng kỹ thuật tâm linh để chuyển hóa nghiệp quả thật là không đủ. Việc cần thiết là phải dùng những dụng cụ thích hợp để chữa lành tâm lý một cách thực sự. Rất nhiều khi, một căn bệnh không thể chữa khỏi cho tới khi vấn đề tâm lý nằm bên dưới được giải quyết hoàn toàn.

Điều ta muốn nói là có rất nhiều người phải chịu bệnh tật nghiêm trọng do tâm lý họ chưa giải quyết. Cho nên mặc dù họ phải chịu khổ cả đời nhưng họ không thật sự trả được chút nghiệp nào, và do đó họ không tiến bộ về mặt tâm linh. Đó chỉ đơn giản là sự khổ đau không cần thiết chẳng đem lại ích lợi cho bất cứ ai.

Trong một số trường hợp, một dòng sống lại có thể sử dụng căn bệnh như cái cớ để không chịu giải quyết các giới hạn tâm lý của mình. Một chứng bệnh nặng khiến mình bị mất khả năng cơ thể xem ra có thể là cái cớ tuyệt hảo để mình bỏ rơi mọi trách nhiệm về cuộc sống, không chịu giải quyết tâm lý hay không lấy những biện pháp cần thiết để tinh tấn trên đường tâm linh. Cho nên điều ta muốn nói là có những người mắc phải vấn đề này từ hai khía cạnh.

Khía cạnh thứ nhất của vấn đề là sự hạn chế tâm lý nằm tiềm ẩn bên dưới. Khía cạnh thứ nhì là, thêm vào sự hạn chế tâm lý tiềm ẩn, còn có một thái độ thâm căn cố đế không muốn đương đầu với vấn đề tiềm ẩn. Thậm chí dòng sống còn sẵn sàng hứng chịu và duy trì một căn bệnh trầm trọng hầu tránh không phải đương đầu với vấn đề. Giản dị, những dòng sống như vậy không chịu thay đổi chính mình cũng như cách mình nhìn cuộc sống. Họ có thể rất khó tiếp cận, và vì vậy căn bệnh có thể rất khó chữa. Cho dù họ có đọc vô số bài nguyện hay bài cầu tràng hạt thì sẽ vẫn không hết bệnh, cho tới khi họ quyết định nhận hoàn toàn trách nhiệm về hoàn cảnh của mình và làm một điều gì đó để giải quyết các nguyên nhân bên dưới. 

Những dòng sống như vậy rất nên suy ngẫm về định nghĩa của Albert Einstein về sự điên rồ: Điên rồ là khi con cứ làm mãi cùng một chuyện mà lại mong kết quả sẽ khác đi.