Bị dính mắc vào cách người đời thực hành giáo lý tâm linh

Hỏi: Liệu chân sư thăng thiên Phật Gautama có cảm thấy đau buồn khi thấy một số nước như Myanmar và Sri Lanka tuyên bố đi theo đức Phật cùng giáo lý của Phật, nhưng họ lại cho phép sự cưỡng hiếp hàng loạt những phụ nữ Hồi giáo Rohingya hay sự tiêu diệt hàng loạt những người Ấn giáo Tamil? Hay sự áp chế các nhà truyền giáo Cơ đốc tại Bhutan, thậm chí cả kỹ nghệ du lịch tình dục trụy lạc đang phồn thịnh tại Thái Lan? Liệu ngày nay có quốc gia nào nơi đạo Phật chiếm đa số còn sống trọn với các lý tưởng của Phật hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và Quả vị Ki-tô. Đăng ngày 26/6/2022.

Khi con đã đạt đến trạng thái tâm thức Phật thì con không còn trải nghiệm sự đau buồn theo cách định nghĩa của con người. Và một khi con đã trao truyền một lời dạy tâm linh trên địa cầu thì con biết, ít ra là sau khi con thăng thiên, con biết là một khi giáo lý tâm linh đã được ban ra trong cõi vật lý thì con không thể kiểm soát được mọi người sẽ sử dụng quyền tự quyết của họ như thế nào để diễn giải hay thực hành giáo lý. Giê-su cũng đã kinh qua trải nghiệm đó y như những bậc khác đã thăng thiên. Con buông nó ra, con để cho chính lời dạy của con ra đi. Con chỉ đơn giản để cho nó ra đi và con nói: “Lời dạy đã ở cõi vật lý. Cơ hội đã được trao ra. Dù người ta có làm gì với nó thì đó là quyền tự quyết của họ.”

Hiển nhiên ta có thể nhìn vào những nước tuyên bố theo đạo Phật và ta thấy được là họ không làm trọn các lý tưởng của Phật. Hiển nhiên Giê-su cũng có thể nhìn vào những nước tuyên bố theo đạo Cơ đốc nhưng không sống trọn theo lý tưởng Cơ đốc. Nhưng đây là điều mà con phải buông bỏ khi con là chân sư thăng thiên, bởi vì nếu không thì con không thể thăng thiên. Nếu con bị dính mắc vào cách người đời thực hành giáo lý mà con đã ban truyền trong kiếp chót của con như thế nào, thì con sẽ phải tái đầu thai để cố kiểm soát cách thực hành đó, hay ít ra cố lèo lái, hướng dẫn mọi người đạt được một cách hiểu cao hơn. Và như vậy thì con không thể thăng thiên.

Đây chính là một điểm mà con trong tư cách là một người tâm linh cần lưu ý. Như Giê-su có nói, có những người đã quyết định cách đây 2000 năm là họ sẽ ở lại trong hiện thân suốt 2000 năm tiếp theo để giúp cho đạo Cơ đốc có được tầm ảnh hưởng tối ưu. Khi ta thăng thiên thành Phật, cũng có những vị đã phát nguyện làm y như vậy. Đối với những vị đó, điều thật quan trọng là họ nên suy nghĩ lại và nói: “Liệu tôi có dính mắc nào với cách người đời sử dụng giáo lý tâm linh?” Bởi vì nếu con có dính mắc thì làm sao con sẽ thăng thiên được? Nếu Sứ vụ Thiêng liêng của con định ra là con sẽ thăng thiên trong kiếp này, thì con cần phát hiện ra dính mắc đó và để cho nó ra đi. Bởi vì nếu không, con sẽ không muốn thăng thiên, con sẽ muốn trở lại trong một kiếp đầu thai khác cho đến khi con cảm thấy là mình đã hoàn thành công việc của mình. Nhưng đến bao giờ con mới cảm thấy được là con đã hoàn tất công việc đem lại tiềm năng cao nhất cho đạo Cơ đốc hay đạo Phật? Có thể còn rất lâu nữa.

Bây giờ nói đến các nước. Thật sự không có nước nào mà đa số người dân ở đó có được hiểu biết cao hơn về giáo lý đạo Phật hay đang thực hành đạo Phật một cách cao hơn. Tuy vậy, có một số nước rõ ràng là yên bình hơn một số nước khác, cho nên ít ra các nước này cũng có được một trình độ thể nhập giáo lý tốt. Ta không muốn nói rõ nhưng có một vài nước như vậy. Nhưng ta không nhìn họ như là những quốc gia – liệu có quốc gia nào thể nhập được đạo Phật hay chăng? Mà ta nhìn vào con người. Ta nhìn vào những cá nhân. Ta nhìn vào một số trào lưu đã thể nhập được đạo Phật nhiều hơn.