Bước trên đường tu mà không đau khổ

Hỏi: Các chân sư nói đau khổ là không cần thiết, nhưng các chân sư cũng nói là chúng con không nên chờ đợi mọi chuyện sẽ dễ dàng – liệu có sự mâu thuẫn nào ở đây?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Chỉ có thể có mâu thuẫn trong tâm thức nhị nguyên mà thôi. Tâm thức nhị nguyên có khả năng diễn giải bất kỳ câu nói nào trong cách đối nghịch với một câu nói khác. Điều này, tâm đường thẳng vẫn làm và sẽ luôn luôn làm.

Đau khổ không cần thiết vì đau khổ đến từ dính mắc. Cái khiến cho đường tu của con khó khăn là những dính mắc của con. Cho nên theo một nghĩa nào đó – nếu con sẵn sàng buông bỏ mọi dính mắc – con có thể bước trên đường tu mà không đau khổ chút nào.

Khi chúng tôi nói đường tu không dễ dàng và con không nên mong đợi là nó dễ dàng, đó là vì chúng tôi rất thiết thực và đã nhận ra – qua kinh nghiệm bản thân – rằng việc buông bỏ mọi dính mắc cùng một lượt là một chuyện hầu như bất khả. Và do đó, chúng tôi đã phải đi theo một con đường tuần tự. Chúng tôi đã phải bước đi từng bước một, buông bỏ từng dính mắc một, hầu duy trì một cảm giác liên tục nào đó cho bản thân.

Tuy nhiên, những khó khăn trên đường tu xuất phát từ sự kiện con không có khả năng – hay trong một số trường hợp, không sẵn lòng – nhìn thấy những điều mà mình cần nhìn thấy khi mình muốn bỏ một ảo tưởng nào đó. Và chúng tôi biết – một lần nữa qua kinh nghiệm bản thân – rằng việc nhìn thấy những gì mình không thể thấy được là một chuyện khó khăn. Đối với nhiều người trong số các con, khó khăn của con không khác gì chính bản thân ta khi ta còn hiện thân. Khi con còn đầu thai thì con còn ở trong hộp tư duy hiện hữu của con. Con sẽ luôn luôn khó lòng xem xét tình trạng của mình từ bên ngoài chiếc hộp. Và nhân tiện, đây cũng chính là lý do tại sao con cần sự hướng dẫn của những vị thày tâm linh, từ người khác và từ giáo lý tâm linh.

Tuy vậy, con vẫn có khả năng đạt được một trạng thái buông bỏ, và mặc dù trên đường tu có những giai đoạn khó khăn, những khó khăn này vẫn không gây đau khổ cho con. Nói cách khác, cõi vật lý, cõi vật chất, rất dày đặc. Thật không dễ gì để mà bước trên đường tu giữa lớp dày đặc của tâm thức tập thể. Tuy nhiên, một khi con đạt được một trạng thái buông bỏ nào đó, những khó khăn mà con gặp sẽ không tạo đau khổ cho con nữa. Và lý do là vì con đã làm điều mà Mẹ Mary đã đề cập hôm qua, là con đã buông bỏ những chờ đợi, những kỳ vọng, con đã buông bỏ những điều kiện của con.

Có rất nhiều người tìm ra đường tu rồi họ nghĩ rằng để cất bước, họ cần phải làm một số chuyện mà họ xem là hy sinh – vì họ phải từ bỏ một phần nếp sống cũ, một phần những hoạt động cũ mà thế gian thường hay mê đắm, như rượu chè, chất kích thích, những đeo đuổi vật chất đủ loại và nhiều thứ khác nữa lôi kéo mình ra khỏi đường đạo. Cho nên họ vô cùng háo hức, sẵn lòng bỏ lại một số những sinh hoạt đó, nhưng khi làm vậy, họ vẫn cảm thấy là mình đang phải hy sinh. Và tự ngã của họ sẽ lừa gạt họ, khiến họ dựng lên một kỳ vọng tinh tế là một khi họ đã hy sinh cho đường tu hay hy sinh cho Thượng đế, thì sau đó mọi chuyện sẽ phải trơn tru. Và đơn giản là Thượng đế sẽ phải lát đường cho họ đi, để họ không còn phải gặp thêm thử thách hay khó khăn nào nữa.

Điều này, tất nhiên, chính là tự ngã đang tìm cách lừa gạt con người để họ dựng lên một kỳ vọng không thực tế sẽ chắc chắn gây ra thất vọng, và khi đó thì họ sẽ nản chí và ngừng bước tới. Hay thậm chí, có thể là họ sẽ oán giận, như nhiều người đã oán giận là mình bị một tổ chức hay một vị thày hứa hẹn suông. Và tự ngã đánh gạt họ để họ bỏ đường tu.

Khi con buông bỏ mọi điều kiện của con, con không còn kỳ vọng nào nữa là đường tu sẽ phải ra sao. Và do đó, làm thế nào điều gì xảy ra cho con có thể gây đau khổ cho con? Con thấy không, đau khổ được gây ra bởi một điều kiện tâm lý, và điều kiện này khiến con nổi loạn trong cảm thể và trí thể chống lại một trải nghiệm trong thế giới vật lý.

Con sẽ thấy nhiều người gặp phải những khó khăn vật lý to lớn trong đời họ, nhưng họ đã đạt được một trạng thái buông bỏ an bình, đã chấp nhận– cho dù các điều kiện vỏ ngoài có khó khăn đến đâu đi nữa – là họ có thể sống tốt nhất và vẫn vui hưởng cuộc đời. Con hãy nhìn những người bị khuyết tật về thể chất, như phải ngồi xe lăn chẳng hạn. Nhiều người mà phải sống như vậy sẽ vô cùng khổ sở phiền muộn, nhưng lại có một số ít vẫn vươn được lên cao hơn, vẫn vui vẻ an bình giữa hoàn cảnh đó, vẫn chấp nhận và sống tốt nhất.

Cho nên con thấy đó, đau khổ không do điều kiện vỏ ngoài tạo ra, mà do điều kiện tâm lý bên trong khi con nổi loạn, chống đối lại điều kiện vật lý bên ngoài. Và đó là tại sao, như chúng tôi đã nỗ lực giải thích trong mấy ngày qua – qua bài giảng của các thày Patrick, Mẹ Mary và Saint Germain – rằng khi con bước đi trên đường tu, con nên bỏ lại mọi điều kiện vỏ ngoài cùng kỳ vọng là đường tu phải như thế nào. Vì con phải biết trong tư cách là người tâm linh, cõi vật lý này dày đặc, tâm thức tập thể dày đặc đến chừng nào, và do đó con không được chờ đợi nó sẽ dễ dàng, êm thắm.

Tuy nhiên, chắc chắn con cũng không nên rơi vào cực đoan ngược lại mà cho rằng mình phải chịu đựng thì mới là người tâm linh – như thể mình phải đi chân đất leo lên đỉnh núi hầu trả giá cho tội lỗi của mình vì Thượng đế sẽ vui sướng khi thấy mình đau đớn. Và như vậy mình càng đau đớn bao nhiêu thì ngài sẽ càng tha tội cho mình bấy nhiêu.

Một lần nữa, có một con đường Trung đạo. Và khi con tìm ra Trung đạo, con sẽ vượt qua mọi khó khăn và giữ trọn niềm vui. Khi con quyết định gặp gỡ mọi khó khăn trong niềm vui và sẵn lòng thăng vượt, những khó khăn đó sẽ không mấy khó khăn nữa, Chúng sẽ chỉ đơn giản là một số sự kiện trong cõi vật lý. Con sẽ bước vượt qua chúng, vì con có một viễn kiến rõ ràng về mục đích của mình.

Con biết rõ là con muốn đi về đâu, và không còn chuyện nghĩ ngợi là mình sẽ chỉ tới đó được nếu không có trở ngại nào. Con dư biết là sẽ có trở ngại, và con chỉ việc khắc phục, vượt qua, vượt lên trên, bước xuyên qua. Như vậy con sẽ tìm được con đường vui mừng. Nó độc lập khỏi mọi điều kiện vì nỗi vui mừng của con ngập tràn.