Khía cạnh phân liệt của đường tu tâm linh

Hỏi: Các giai đoạn chót trước khi thăng thiên có vẻ như hơi mâu thuẫn vì chúng con vẫn còn tự ngã, và như Saint Germain có giảng, tự ngã có vẻ vẫn còn phục vụ như một cái neo hay một cơ chế an toàn để ngăn ngừa sự rút lui quá sớm của lực sống khi chúng con chưa sẵn sàng thăng thiên. Nhưng đồng thời, chúng con đang là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của mình biểu đạt trong thế giới, và chúng con sáng tạo xuyên qua Hiện diện TA LÀ. Điều này có vẻ hơi phân liệt tâm thần (schizophrenic) về mặt trải nghiệm. Câu hỏi của con là, liệu chúng con có biết chắc là mình đã sẵn sàng, hay khi nào mình sẽ sẵn sàng? Hay có thể chúng con bị lầm lạc trong phán đoán và làm sái hoàn toàn? Vì rốt cuộc, tự ngã vẫn còn đó.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và quả vị Ki-tô. Đăng ngày 24/6/2022.

Hãy cho ta trình bày theo cách thế này. Quyền tự quyết là quyền tự quyết. Trên lý thuyết, cho đến tầng 144 con vẫn có thể quyết định khởi sự một con đường đi xuống. Không có nhiều xác suất con sẽ làm vậy nhưng chuyện này vẫn có thể xảy ra. Con có thể bước vào một tâm thái cho rằng con đã sẵn sàng thăng thiên vì con đánh giá quá cao sự tiến bộ của mình. Nhưng một lần nữa, khả năng xảy ra như vậy không cao lắm. Nó có nhiều khả năng xảy ra hơn ở tầng 96, là khi con có thể nghĩ, hoặc con đã sẵn sàng thăng thiên, hoặc con đã có một trình độ quả vị Ki-tô nào đó và con bắt đầu sử dụng điều này để tự đề xướng mình như một sinh thể tách biệt, và do đó con bắt đầu đi xuống con đường tay trái, con đường hướng hạ.

Sự thật là khi con vươn lên cao hơn và vượt quá tầng 96, tự ngã ngày càng có ít ảnh hưởng trên con. Như các thày đã có nói, nó chỉ còn là một cái gì giữ con trong cơ thể vật lý, bởi vì nếu không có một loại ngã tách biệt nào đó thì con không thể hòa nhập với một cơ thể.

Con có thể nói theo một nghĩa nào đó – và các thày cũng đã đề cập – là khi con khởi sự ở tầng 144 và con đi xuống tầng 48, cứ mỗi tầng như thế con lại khoác vào một ảo tưởng, rồi lại thêm một ảo tưởng khi con cứ tiếp tục đi xuống. Những ảo tưởng đầu tiên mà con khoác vào thật ra là các ảo tưởng cho phép con, như cái Ta Biết, như một sinh thể vô hình tướng, hòa nhập với một cơ thể có hình tướng, và do đó con tới chỗ cảm thấy mình ở trong cơ thể và bốn thể phàm – không phải chỉ có cơ thể mà đầu tiên là thể bản sắc, xong thể lý trí, xong thể cảm xúc, rồi đến thể vật lý. Nhưng con phải khoác vào một số ảo tưởng để tự trải nghiệm mình đang ở trong cơ thể này, mình có một cảm giác nhận biết đã định vị chung quanh cơ thể – thật ra có thể nói là con có khả năng vận hành bộ máy của cơ thể.

Và cái này thì không thực sự gọi là tự ngã theo nghĩa truyền thống. Nó không khiến con ích kỷ mà nó chỉ khiến con hòa nhập với một cơ thể hầu con có thể thực sự xem mình như đang tồn tại trong cơ thể đó, đang nối kết với cơ thể đó, đang có khả năng điều khiển cơ thể và trải nghiệm thế giới xuyên qua cơ thể và hành động xuyên qua cơ thể. Đây không phải là cái gì con sẽ gọi là tự ngã theo nghĩa truyền thống, tức là ích kỷ và chỉ đặt trọng tâm vào chính nó.

Con càng vươn lên cao hơn thì con càng làm cho sự tập trung vào bản thân rơi rụng. Và cuối cùng con đạt tới điểm – và điểm này xảy ra trước tầng 144 – con không còn tập trung vào chính mình nữa, thậm chí con không tự xem mình là một sinh thể tách biệt đến độ con phải tự nâng mình lên, trở thành danh tiếng, hay muốn làm chuyện gì quan trọng, vân vân.

Con lần lần rũ bỏ cảm nhận tập trung vào chính mình, cho nên tất nhiên càng ngày con sẽ càng ít khả năng lầm lạc để mà bắt đầu đi trở xuống. Điều này cũng có nghĩa là khi con khởi sự rũ bỏ sự tập trung vào bản thân, khía cạnh tâm thần phân liệt cũng biến mất. Ta cũng hiểu tại sao con có cảm giác phần nào đây là một tiến trình phân liệt. Như các thày đã có nói, có một giai đọan trên đường tu tâm linh khi con cảm thấy phân liệt đôi chút. Nhưng con khắc phục nó, con thăng vượt nó khi con thăng vượt sự tập trung vào bản thân như một sinh thể tách biệt, và con bắt đầu hòa nhập nhiều hơn với Hiện diện TA LÀ của con, và sự phân liệt dường như tan biến mất.  

“Sinh ra từ nước” và “Sinh ra từ lửa”

Hỏi: Trong cuốn sách “Tự do khỏi Phàm linh Nội tại”. Đại thượng sư có dạy về hai thời điểm quyết định trên đường tu trên địa cầu. Thời điểm thứ nhất là khi chúng con phải để cho ngã chết đi, là cái ngã tạo ra khi chúng con ở giữa mức tâm thức thứ 48 và 96. Và thời điểm thứ nhì khi chúng con ở mức 144 và phải chọn lựa, liệu chúng con sẽ vun bồi cho cái ngã đã tạo ra giữa mức 96 và 144, hay chúng con sẽ buông bỏ ngã này và cũng để nó chết hầu thăng thiên.

Ở mức 96 khi chúng con để cho ngã chết, là cái ngã chú tâm vào việc phát triển cá thể của mình, Đại thượng sư gọi đó là “sinh ra từ nước”. Và khi chúng con để cho cái ngã tạo ra từ mức 96 đến 144 chết đi, chúng con được “sinh ra từ lửa” và được gia tốc vào thăng thiên. Nhưng “sinh ra từ nước” nghĩa là gì? Chúng con biết đó là không còn chú tâm vào việc phát triển ngã cá nhân nữa, mà chúng trọng vào việc nâng cao toàn thể. Và chúng con thực hiện được điều này khi chúng con mở tim ra cho ngọn lửa thần thánh của tình thương. Con nói vậy có đúng không?

Và “sinh ra từ lửa” là thế nào? Có phải là khi chúng con hiểu rằng mặc dù cái ngã mình tạo ra rất đẹp và là một linh thể ánh sáng, đó vẫn chưa là bản sắc cuối cùng của mình, vì bản thể mình luôn lưu động, luôn thăng vượt. Chúng con phải buông bỏ mọi điều chinh phục được vì không có giai đọan nào gọi là tối hậu. Không có quyền năng nào tách biệt khỏi tình thương, không có quyền năng nào kiểm soát hoặc sở hữu – không có “cái tôi” nào tách biệt khỏi mọi sự sống?


Trả lời của chân sư Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2021 – Là Cánh cửa Mở cho Địa cầu. Đăng ngày 28/10/2021.

Ta có thể trả lời câu hỏi của con bằng một chữ giản dị là “Phải”, vì con đã hiểu được ý tưởng cơ bản. Con hiểu được là Đại thượng sư đã sử dụng những từ “sinh ra từ nước”, “sinh ra từ lửa” do ta cũng đã sử dụng 2000 năm trước đây mà con có thể tra cứu trong Kinh thánh. Điều mà ta ám chỉ thời đó, nhưng không thể trình bày một cách đầy đủ, là có hai cách để được tái sinh.

Cách thấp hơn, hoặc giai đoạn đầu tiên trên đường tu, là khi con tái sinh từ cái ngã mà con đã tạo ra – như chúng tôi đã có đề cập – để tự tách mình ra khỏi tâm thức tập thể. Cái ngã này được tạo ra như một sự phản ứng đối với tâm thức tập thể. Và đây là tâm thức mà ta đã ví như nước. Con cũng có thể gọi đó là cõi tình cảm, nhưng ta không xác định đó là cõi tình cảm, mà là tâm thức bình thường nhất của con người, là mức tập thể của tâm thức. Đây cũng chính là mặt nước mà ta đã đi bộ trên đó để chứng tỏ là ta đã vươn lên cao hơn mức tâm thức đó để đạt được tâm thức Ki-tô.     

Vậy thì trước tiên, con buông bỏ ngã đó, và con tái sinh vào một ý niệm bản sắc cao hơn, rồi khi con đi lên tới mức 144, con phải quyết định tái sinh từ lửa, tức là ngọn lửa của thăng thiên. Điều này không có nghĩa là con đã lập tức gỡ bỏ ngã – vì thật ra con đã lần hồi gỡ bỏ ngã này giữa hai mức tâm thức 96 và 144 – nhưng con lấy quyết định là dù con có chút ngã nào còn sót lại, dù con đã đạt được bất kỳ chứng ngộ nào trên đường tu tâm linh, dù con có được sự hiểu biết nào đi chăng nữa, thì con cũng sẵn sàng để cho ngọn lửa thăng thiên gia tốc nó, hầu con đạt tới một mức tâm thức cao hơn nữa.  

Nói cách khác, con có thể bảo rằng thử thách ở mỗi tầng tâm thức từ 96 đến 144 thật sự là liệu con có tin là con đã đạt được một điểm tối hậu nào đó, một mức tâm thức tối hậu nào đó hay chưa, hay là con nhìn nhận rằng có một cái gì đó cao hơn nữa. Điều này cũng liên hệ đến lời dạy của một vài chân sư khác, khi các thày nói rằng con không chấp nhận là con đã tới một mức tối thượng, hay con đã trở thành vô ngã, hay là bây giờ con đã giác ngộ.

Bởi vì khi nào con còn hiện thân trong thể xác, thì luôn luôn có một mức tâm thức cao hơn để đạt được – và đương nhiên là ở cõi thượng thăng cũng có những mức cao hơn, nhưng ở cõi thượng thăng con không cần bị tiêu hủy trong lửa để mà thăng lên. Trên cõi thượng thăng, thật sự không có gì để mà tiêu hủy, mà con chỉ đơn giản bước từ mức tâm thức này lên mức kế tiếp hoàn toàn không cố gắng, bởi vì không có gì cưỡng chống lại sự tăng trưởng của con.

Thay đổi tâm thức xảy ra như thế nào?

Hỏi: Nếu chúng ta đọc các tài liệu về trải nghiệm cận tử (near-death experience), những ai có trải nghiệm cận tử thường kể lại: “Khi tôi rời xác thân của tôi, tầm nhìn của tôi được mở rộng ra tứ phía, tôi có thể đi tới bất cứ nơi đâu tôi muốn và quan sát bất cứ chuyện gì mà tôi tò mò muốn biết. Hơn nữa, tôi có thể nhận được mọi kiến thức về bất cứ vấn đề nào, qua thần giao cách cảm, ngay cả về các vấn đề vũ trụ hay nguyên lý sự sống.” Và chúng ta có thể thấy được là sau một trải nghiệm cận tử, những người đó thường thay đổi cái nhìn cuả họ về cuộc sống và họ nâng cao tâm thức.

Tương tự như vậy, sau khi chết, chúng ta cũng học hỏi được nhiều chuyện mà không bị giới hạn trong cơ thể của mình cho đến khi mình tái đầu thai. Đặc biệt trong thời gian này, chúng ta có thể nhận ra là rất nhiều điều mình làm đều dựa trên ảo tưởng. Thế nhưng khi tái đầu thai trong kiếp mới, chúng ta lại lặp lại y những khuôn mẫu cũ rất nhiều lần. Tại sao sự hiểu biết học được trước khi tái đầu thai không được giữ lại trong cỗ xe linh hồn hầu chúng ta sử dụng trong kiếp kế tiếp?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2021 – Là Cánh cửa Mở cho Địa cầu. Đăng ngày 27/10/2021.

Trước hết, con cần thận trọng một chút trong cách con đánh giá các trải nghiệm cận tử. Hiện tượng trải nghiệm cận tử là một hiện tượng vô cùng sáng giá đã giúp cho nhiều người đạt được một cái nhìn và một thái độ tâm linh hơn về cuộc sống. Nhưng con cũng cần nhận ra là không phải tất cả những gì được trải nghiệm trong trải nghiệm cận tử đều áp dụng cho mọi người.

Rất, rất nhiều người biết đến trải nghiệm cận tử rồi thắc mắc tại sao mình lại cũng không trải nghiệm như vậy trong lúc thực hành tu tập tâm linh. Có những người đã từng có trải nghiệm cận tử mà lại không có những chiêm nghiệm tâm linh sâu xa như vậy, thì họ cũng tự hỏi tại sao. Con cần nhận ra rằng trong số những người có những trải nghiệm cận tử vô cùng sâu sắc, một số đã đạt đến một mức tâm thức khá cao rồi. Có thể họ không luôn luôn ý thức được chuyện đó, nhưng họ đã chứng đạt được mức này trong tiền kiếp của họ.

Điều này có nghĩa là họ không còn gắn bó nhiều với cơ thể vật lý nữa. Đó là tại sao họ đã rời được thân xác một cách dễ dàng mà vẫn giữ nguyên ý thức. Nhưng nhiều người khác sẽ cảm thấy việc rời thân xác khó khăn hơn gấp bội, dù là họ đang trong tình trạng bị đánh mê, hay trong khi ngủ, hay khi cơ thể đã thực sự chết. Đối với nhiều người, việc rời xác thân sẽ mất nhiều thời giờ hơn. Và đối với nhiều người, ngay cả sau khi họ rời thân xác, họ cũng sẽ chỉ đến được một cảnh giới phù hợp với trình độ tâm thức của họ mà thôi. Chỉ có một số ít có khả năng rời xa hẳn xác thân đến độ họ có được những trải nghiệm sâu xa nói trên.

Bây giờ, về câu hỏi là con học được gì khi con ở ngoài xác thân vật lý giữa hai kiếp đầu thai. Trước hết, khi con ở ngoài xác thân giữa hai kiếp đầu thai, con không ở ngoài bốn thể phàm của con. Con không còn trong xác thân vật lý nữa, nhưng con vẫn còn trong các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Đúng là có thể có những giai đoạn con có khả năng tách ra khỏi cả những thể đó, du hành tới cảnh giới khác và chiêm nghiệm ở đó. Nhưng khi con phải trở về chuẩn bị cho cuộc đầu thai tới của con và thảo ra sứ vụ thiêng liêng cho môi trường mới này, thì con sẽ phần lớn ở trong các thể tình cảm, lý trí và bản sắc, bởi vì kiếp đầu thai tới được hoạch định chính là để con khắc phục những vết thương, những ngã tách biệt, những chấn thương mà con mang trong các thể này.

Công việc khắc phục này không thể làm được, ít ra là không phải toàn bộ, trong thời gian con ở giữa hai kiếp đầu thai. Có những việc mà con phải làm, mà con phải khắc phục, khi con hiện thân trong cõi vật lý. Con đang học hỏi một số bài học cao hơn mức tâm thức của mình, nhưng không quá cao so với các thể tình cảm, lý trí và bản sắc của con. Khi con tái đầu thai, con quên mất những gì con học được khi con ở ngoài thân xác chính là vì việc khám phá những điều đó là một phần trong tiến trình học hỏi của con.

Trong số nhiều người tâm linh, có một sự hiểu lầm rất phổ biến trong cộng đồng Thời Mới. Nhiều người hiểu lầm rằng mục đích của phát triển tâm linh là để đạt được một mức tâm thức tối hậu nào đó. Con muốn gọi đó là sự giác ngộ hay là bất kỳ tên nào khác thì điều này không quan trọng lắm. Có một mục đích cần đạt được, và những người này cho rằng chỉ có vấn đề làm thế nào đạt được mục đích đó càng nhanh càng tốt. Và họ nghĩ: “Vậy tại sao các chân sư không chỉ giúp tôi khắc phục mọi vấn đề của tôi hầu tôi không phải trở lại đầu thai lần nữa?” Nhưng nghĩ vậy không đúng. Mục đích không phải là đạt được trạng thái thượng thăng càng nhanh càng tốt. Như các chân sư đã có giải thích, mục đích cuộc sống không phải là để đến đây đầu thai, tạo ra nghiệp, cân bằng nghiệp, rồi đi nơi khác. Muc đích là biến đổi tâm thức.     

Điều khiến cho nhiều người bị bối rối là sự biến đổi tâm thức xảy ra ở mức của Hiện diện TA LÀ, và nó cho Hiện diện cuả con những kinh nghiệm được cất giữ trong căn thể. Nhưng những kinh nghiệm này dựa trên những gì cái Ta Biết trải nghiệm được khi con đang đầu thai. Vấn đề ở đây không đơn giản là chuyện khắc phục một số vấn đề càng nhanh càng tốt, mà là con đi qua tiến trình gỡ bỏ một cách ý thức những chọn lựa mà con đã làm trong quá khứ. Và chỉ khi nào cái Ta Biết gỡ bỏ một chọn lựa mà cái Ta Biết đã làm trong quá khứ – khi nó còn ở một mức tâm thức thấp hơn – thì kinh nghiệm của Hiện diện TA LÀ mới đem đến sự tăng trưởng ở mức đó.

Thật là sẽ chẳng ích lợi gì nếu con được các chân sư thăng thiên giúp cho con đạt tới giải thoát trong vòng 5 phút. Con đã bỏ ra cả một thời gian, qua những chọn lựa tự quyết của con, để bước vào cung mê của chiếc máy giả thực tại này. Điều này hoàn toàn tốt thôi, vì đây là một phần của giai đọan trầm mình đã được con trù định từ trước. Nhưng khi tới giai đoạn thức tỉnh thì con phải đi trở ngược lại và giải hóa những chọn lựa đó. Và bằng cách làm điều này từng bước một, mỗi bước giải quyết một chuyện, thì con mới tăng trưởng được. Mà mục đích của Hiện diện TA LÀ của con khi nó gửi cái Ta Biết xuống thế gian là gì? Chính là để tăng trưởng. Nó không chỉ đơn giản xuống đây rồi bỏ đi cho thật lẹ. Mục đích của nó là để có càng nhiều kinh nghiệm càng tốt, càng nhiều tăng trưởng càng tốt, qua việc sinh sống trong một bầu cõi chưa thăng thiên hay một hành tinh phi tự nhiên.   

Đối phó với nỗi bất mãn sâu sắc về cuộc sống

Hỏi: Kim, cảm ơn ông đã đem lại giáo lý trong tư cách là sứ giả, nó đã giúp tôi rất nhiều. Tôi đã tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên hơn 20 năm về trước. Tôi đã nỗ lực khám phá mục đích thực của mình là gì, sứ vụ thiêng liêng của mình là gì. Tôi đã thiết lập sự nối kết với cái ta cao hơn của mình, học cách nhận biết những thông điệp của cuộc sống, học cách tha thứ và yêu vô điều kiện. Nhờ quá trình này mà đời tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy bất mãn, tôi đánh mất ý nghĩa của cuộc sống, tôi cảm thấy như mình không đang sống cuộc đời của mình. Và tôi phải mất một thời gian để tìm lại động lực giúp mình bước tới. Tôi muốn hiểu gốc rễ của nỗi bất mãn sâu xa này. Làm thế nào chữa lành những chấn thương tình cảm và lý trí đó? Làm thế nào giữ cho sự nối kết với cái ta cao hơn của tôi được thường trực và ổn định, hầu tôi có thể thị hiện một cách ý thức vương quốc của Thượng đế trên địa cầu và hoàn thành một cách ý thức sứ vụ thiêng liêng của mình?


Trả lời của ông Kim Michaels, nhân Webinar 2021 cho nước Nga. Đăng ngày 26/5/2021.

Dựa trên kinh nghiệm bản thân, tôi xin nói là trong số những người tâm linh có một loại giấc mơ – chính tôi cũng đã mang giấc mơ này khi còn trẻ, và tôi đã thấy rất, rất nhiều người mang cùng giấc mơ đó như thế này: Nếu chúng ta tìm được giáo lý tâm linh đúng đắn, và nếu chúng ta tu học thật hăng say, thì nhất định chúng ta sẽ đạt tới điểm đột phá. Và khi chúng ta đột phá thì chúng ta sẽ giác ngộ – hay bất kỳ khái niệm nào khác mà người ta có về giác ngộ – và giờ đây mọi chuyện sẽ tuyệt vời.

Bản thân tôi đã mang giấc mơ này trong nhiều năm trời. Tôi còn nhớ vào thập niên 1990, tôi hay nghĩ: “Trời, mình đã giải quyết được quá nhiều thứ trong tâm lý mình rồi, không hiểu bây giờ còn bao nhiêu nữa?” Thế rồi sau khi nhận được tất cả các lời dạy về chấn thương nhập đời, về việc đi xuống từ một hành tinh tự nhiên đến trái đất, phải hứng chịu chấn thương nhập đời và sinh sống một thời gian rất dài trên địa cầu, cái nhìn của tôi đã đổi khác, vì tôi ngộ ra là trên một hành tinh như trái đất không hề có một trạng thái nào là vĩnh viễn, vì đây là một hành tinh phi tự nhiên.

Chừng nào còn đầu thai thì chúng ta sẽ còn kinh qua nhiều chuyện trong tâm lý mình, hoặc là tâm lý của riêng cá nhân mình, hoặc một điều gì đó mình đã lấy vào từ tâm thức tập thể và đang cố xử lý. Cho nên chúng ta đang  luôn luôn đối phó với một điều gì đó.

Tôi nghĩ bước đầu tiên – ít ra là điều mà tôi đã làm – là tôi đã từ bỏ ý tưởng mình sẽ đạt được một loại đột phá nào đó và thế là mình ở trong trạng thái tâm thức tối thượng, mình đã giác ngộ. Tôi nhận ra là luôn luôn sẽ có những chuyện khởi lên trong tâm lý mình.

Một điều nữa mà tôi thấy được khi tôi nhìn lại quá trình hơn 40 năm bước chân trên đường tâm linh, là có một số chu kỳ, một số giai đọan nhất định. Có những giai đọan mà chắc chắn chúng ta tăng triển.

Thông thường khi bạn tìm thấy một giáo lý mới, bạn rất hào hứng với nó, bạn cố gắng thực hành, nhưng bạn làm vậy với một viễn quan nhất định về những việc cần làm. Chẳng hạn khi tôi khám phá ra phong trào Summit Lighthouse thì tôi đang ở một mức tâm thức nào đó và tôi nhìn con đường tâm linh theo một cách nào đó, và vì vậy tôi tiếp cận nó theo cách đó. Nhưng tôi cũng có thể thấy là một vài lần tôi đã bước đến một bước ngoặt. Nơi đó là điểm mà đúng lý tôi cần bước lên một mức cao hơn trên đường tu, nhưng tôi lại mang một thái độ, một cách nhìn, một phin lọc nhận thức nào đó ngăn cản tôi bước tới. Như thể tôi bị dính mắc vào một cách nhìn nhất định về đường tu.

Đó là những giai đọan mà tôi có thể nhìn lại và thấy là mình không còn hào hứng nữa, có lẽ mình bất mãn, hay có lẽ như bạn vừa nói, tôi đã đánh mất ý nghĩa của cuộc sống vì nó không hẳn có ý nghĩa như trước nữa. Nó không khiến tôi phấn chấn. Tôi không cảm thấy có chuyện gì đang xảy ra vì tôi không đang tăng trưởng. Khi bạn không tăng trưởng thì bạn trở nên bất mãn.

Không chỉ là vấn đề những chấn thương cần chữa lành. Đó có thể là một chấn thương mà chúng ta cần đương đầu, tuy nhiên cũng có thể là chúng ta cần xoay chuyển thái độ của mình – như tôi vừa trình bày, chúng ta cần từ bỏ ý tưởng về một sự đột phá tối hậu. Như chẳng hạn, từ bỏ ý nghĩ là mình phải tinh tấn hơn hiện thời. Ý tôi muốn nói là tôi có thể nhìn lại và thấy rất nhiều người trong giáo lý của chân sư thăng thiên nghĩ rằng: “Tôi đã học các giáo lý này từ 10, 20 năm qua, tôi phải tiến hơn thế này chứ. Tôi phải an bình, tôi phải thế này, tôi phải thế kia, tôi phải nối kết được một cách thường trực với cái ta cao hơn của tôi. Tôi phải có khả năng thị hiện bất kỳ đời sống nào mà tôi muốn.”

Tôi nghĩ sẽ tới một điểm bạn cần xoay chuyển và bước ra khỏi tư duy đó, bạn cần buông các ý nghĩ đó và nhận diện đường tu là thực sự một tiến trình không ngừng, luôn luôn xem xét chính mình, luôn luôn nhìn vào tâm lý của mình để nhận ra một giới hạn nào đó, một cái ngã nào đó, rồi để cho nó ra đi.

Khi bạn từ bỏ mong muốn đạt được một sự đột phá tối hậu nào đó, thì tâm bạn sẽ an bình, vì bạn không còn luôn luôn cảm thấy mình phải tốt hơn, hay mình phải đạt tới một điểm nào khác, hay mình phải tinh tấn hơn nhiều. Bạn biết là bạn đang tăng triển mỗi ngày, đơn giản là bạn an bình là con người mà bạn là, ở nơi bạn đang đứng trên đường tu cho dù bạn chưa toàn hảo.

Tôi không lo lắng mình đang ở mức tâm thức nào. Bạn có thể bảo chuyện này dễ quá vì tôi biết mình ở mức cao hơn tầng 96, nhưng dù sao thì tôi không quan tâm đến chuyện đó. Tôi chỉ tiếp tục tìm kiếm điều kế tiếp mà tôi cần xử lý trong tâm lý của mình, và tôi xử lý nó. Tôi không mang cảm nhận là tôi phải ở một nơi nào khác. Tôi không còn cảm nhận này nữa. Thuở trước, tôi cứ cho rằng: “Ồ, tôi phải là một sứ giả toàn hảo, tôi không được lầm lỗi hay cái này cái nọ.”

Bây giờ nếu tôi làm lỗi, tôi sẽ học hỏi từ lỗi lầm xong tôi lại tiến tới. Nếu có điều gì khởi lên trong tâm lý, tôi sẽ xem xét nó xong tôi giải quyết nó. Tôi không kháng cự lại việc xem xét một vấn đề nào như nhiều năm về trước khi tôi cưỡng lại vì tôi không thể chịu nổi trong tâm lý mình có một loại vấn đề nào đó.

Tôi nghĩ đây chỉ là chuyện xoay chuyển, là nhận ra đường tu là một tiến trình không ngừng tiếp diễn. Chúng ta sẽ lần hồi tự cải thiện, rồi khi nào chúng ta đạt đến một trạng thái tâm thức tối thượng thì đó sẽ là lúc chúng ta không còn bám giữ cái thân xác vật lý này nữa. Chúng ta sẽ thăng thiên. Đó là cách nhìn của tôi, mong là nó đã hữu ích.

Lòng tốt không có nghĩa là con không bao giờ thách thức hay chống đối người khác

Hỏi: Bài truyền đọc của thày Maitreya có nói về lòng tốt và ý nghĩa của lòng tốt trên một hành tinh dày đặc như địa cầu. Con xin hỏi, làm sao chúng con có thể tốt mãi mà không trở thành tấm thảm chùi chân cho người khác?


Trả lời của chân sư thăng thiên Maitreya qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2020 – Gia tăng phân biện Ki-tô. Đăng ngày 13/1/2021.

Đây quả thực là một câu hỏi khó trả lời trong cái nhìn đường thẳng. Đây là một thử thách mà mọi người cần phải trải qua. Chúng tôi, các chân sư, có nói là ở một điểm nào đó, con có sự mong muốn kiểm soát, có nhu cầu kiểm soát, và con sẵn sàng phóng chiếu ra người khác để có được cảm giác là con đang kiểm soát tình thế. Tất nhiên đây không phải là lòng tốt. Và khi con vượt qua được mong muốn kiểm soát cũng như mọi hình thức hung hãn đối với người khác, thì con bắt đầu biểu hiện được cái mà người ta thường gọi là lòng tốt.

Nhiều người sau đó sẽ trải qua một giai đoạn khi họ gần như đền bù quá độ cho cảm nhận là trước đó họ đã không tốt. Và như vậy họ bước vào một cái nhìn thụ động về lòng tốt, qua đó họ nghĩ rằng lòng tốt có nghĩa là họ không được thách thức hay chống đối một ai. Trên căn bản, họ cho rằng họ phải để yên cho người khác muốn làm gì thì làm, sau đó họ sẽ giơ má bên kia, và đó là lòng tốt. Nhưng khi chính ta tình nguyện xuống địa cầu ở ban đầu, ta có đặt câu hỏi là liệu cư dân trên địa cầu có thể được đánh thức qua lòng tốt hay không. Câu trả lời mà ta nhận được từ các vị hướng dẫn tâm linh của ta thuở đó là: chỉ khi nào ta điều ngự được cả 144 sắc thái của lòng tốt.

Nói cách khác, lòng tốt có một sắc thái đặc thù cho mỗi tầng trong số 144 tầng tâm thức. Khi con đi xuống các tầng tâm thức thấp hơn, hay khi con phải cư xử với một người ở những tầng tâm thức thấp kém, thì nếu con là một tấm thảm chùi chân và cho phép họ làm bất cứ gì họ muốn, đó không phải là lòng tốt đâu con. Đó không phải là cư xử tốt cho họ, bởi vì cách cư xử như vậy sẽ chỉ củng cố trạng thái tâm thức của họ là họ có thể xâm hại người khác mà vẫn không hề hấn chi.

Khi con tương tác với những người ở tâm thức thấp, những loại người hung dữ, thì lòng tốt không phải là để yên cho họ không bị hề hấn chi, mà thực sự là thách thức họ. Không phải thách thức trong nghĩa là con sẽ đánh nhau với họ hay tìm cách tiêu diệt họ, mà con tìm cách khiến cho hành vi của họ rõ ràng hơn cho mọi người, và cuối cùng thì có lẽ cũng rõ ràng hơn cho chính họ.   

Nói cách khác, con nỗ lực chất vấn họ, con đặt vấn đề là tại sao họ lại cư xử như thế, tại sao họ nghĩ đó là điều hợp lý, tại sao họ nghĩ đó là điều cần thiết, tại sao họ lại không quan tâm đến những hậu quả trên người khác, và một lô câu hỏi khác mà con có thể hỏi. Và dĩ nhiên, cũng có khi lòng tốt có nghĩa là nếu họ không nghe, con sẽ bước ra ngoài, lánh xa khỏi họ và để mặc cho họ một mình.   

Như con có thể thấy, đối với mỗi tầng tâm thức của cá nhân con, sẽ có một sắc thái của lòng tốt tương ứng với tầng đó. Đây là điều mà con có thể nhận thức và cố đạt được qua kinh nghiệm trực giác. Chắc chắn con có thể yêu cầu ta giúp, con hãy gọi ta qua bài chú của ta để ta có thể giúp con nắm được lòng tốt ở mức của con nghĩa là gì, và lòng tốt nghĩa là gì khi con phải cư xử với một người ở một mức nào đó. Vậy thì con hãy hỏi và ta sẽ trả lời con, với điều kiện là con có khả năng nhận được trong trạng thái lắng nghe trung dung, không thành kiến.   

144 tầng tâm thức và đầu thai

Hỏi: Khi xác thân vật lý của một dòng sống qua đời và vị đó tái đầu thai trong một xác thân mới và một đời sống mới, liệu vị đó sẽ bắt đầu ở cùng mức tâm thức trong số 144 mức như đạt được trong kiếp trước đó hay không? Lý do con hỏi là vì con nghĩ một dòng sống phải đi qua 144 tầng tâm thức nhiều lần chứ không phải một lần duy nhất.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2020 – Gia tăng phân biện Ki-tô. Đăng ngày 13/1/2021.

Trong đa số trường hợp khi một sinh thể tái đầu thai, người đó sẽ trở lại ở cùng một tầng tâm thức như trong kiếp trước đó. Cũng có một số sinh thể bị suy kém đi trong khi họ ở ngoài xác thân vì họ bị kẹt lại nơi cõi trung giới và họ bị kéo xuống một tầng tâm thức thấp hơn.

Nhưng ngược lại cũng có một số lớn những sinh thể là học trò tâm linh – dù là học trò của chân sư thăng thiên hay là hành giả tu tập theo những giáo lý tâm linh khác – đạt được tinh tấn giữa hai kiếp đầu thai. Họ giải quyết tâm lý của họ, nhận được sự trợ giúp của các chân sư, và họ vươn lên một mức tâm thức cao hơn. Kết quả là trong kiếp đầu thai mới, họ khởi sự ở một mức cao hơn kiếp trước có thể tới mấy bậc.

Ý tưởng rằng con phải kinh qua tất cả mọi tầng tâm thức nhiều lần như trên đường thẳng, không chính xác. Tất nhiên là sẽ có những người đạt đươc một mức nào đó rồi đứng yên ở đó một thời gian, hay họ bị tụt xuống trở lại. Đây không phải là một tiến trình đường thẳng mà qua đó một khi con đã đạt được một mức nào rồi thì con không thể đi xuống thấp hơn.

Có những người sẽ đi lên đi xuống nhiều lần, và vì vậy có những mức mà họ sẽ kinh qua nhiều lần. Tuy nhiên rất, rất hiếm khi những người đã đạt tới những tầng cao của quả vị Ki-tô mà đi ngược trở xuống.

Đường tu thường là những chu kỳ có thể xem là thăng trầm

Hỏi: Thỉnh thoảng con nghĩ là chúng con, cac học trò của chân sư thăng thiên, trải qua một giai đọan ngắn mà con xin mô tả như sau. Con có cảm giác như con đi thụt lùi, con kinh qua một vòng xoáy hướng hạ, con bước vào trường đời cay đắng, nhưng sau đó con quay trở lại trải nghiệm cái ta mở rộng và biết một điều gì đó rõ ràng hơn. Cảm giác đó là một giai đoạn ngắn ngủi, ít đau đớn hơn trước. Con bắt đầu nghĩ là thực sự con đã không đi thụt lùi, mà con kinh qua một số thời kỳ trầm mình ngăn ngắn.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Chọn lựa tương lai cho Hoa kỳ. Đăng ngày 19/10/2020.

Đấy, con đường tâm linh hẳn là có nhiều giai đoạn khác nhau, và việc chúng ta xem xét vấn đề này rất, rất quan trọng.

Một khía cạnh của vấn đề này là nhiều người tâm linh, khi họ tìm thấy phong trào tâm linh đầu tiên của họ, thường mang một cái nhìn phần nào thiếu thực tế về con đường tâm linh. Họ thường có xu hướng nghĩ rằng giờ đây họ đã tìm ra phong trào tâm linh này, và nó khác hẳn với những gì họ đã lớn lên và sống qua, thì một cách nào đó họ đã quẹo sang một con đường mới. Và từ giờ trở đi, họ chỉ có thể đi lên, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, và họ không thể đi thụt lùi, cho nên họ không thể cho phép họ đi thụt lùi. Và do đó, một số người bị rơi vào phản ứng rất tiêu cực khi họ đi thụt lùi.

Nhưng điều con cần nhìn nhận ở đây là nhiều người trong các con đã lớn lên trong một xã hội phi tâm linh, thậm chí còn phản tâm linh. Rồi đến một thời điểm con tìm ra một giáo lý tâm linh thì con nhận ra là có một con đường tâm linh. Lúc đầu, con gần như ở trong một trạng thái phấn khích: con sẽ khám phá con đường tâm linh nghĩa là gì, có những giáo lý tâm linh nào và những giáo lý đó có ý nghĩa với con làm sao. Đại loại con ở trong một giai đoạn ngây thơ.  

Thực tế là trong nhiều trường hợp, chúng tôi các chân sư thăng thiên – ngay cả khi con không hay biết gì về chúng tôi – cũng sẽ giữ lại, hay gánh dùm cho con, một phần nghiệp của con. Và vì con đang cảm thấy phấn chấn cho nên theo một nghĩa nào đó, con cũng vươn lên xa hơn tâm lý bình thường của con. Điều này cũng phần nào tương tự như khi con đem lòng yêu thương một ai đó, con kinh qua giai đoạn hưng phấn đó khi con tưởng như mình là một con người khác, và người con yêu cũng là một con người khác, và mọi chuyện sẽ tuyệt vời, mãi mãi tuyệt vời. Con được phép có giai đoạn hưng phấn này.

Nhưng rồi sẽ tới một điểm khi giờ đây con cần khởi sự công việc khó khăn hơn. Con cần nhận lại một số nghiệp chướng của con, con cần bắt đầu làm công việc cải sửa tâm lý của con. Thường thường đây là khi con có thể trải nghiệm con đi giật lùi. Bỗng nhiên mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn, nặng nề hơn, dường như khó khăn hơn. Có vẻ như con không tinh tấn nhiều như trước nữa. Đơn giản, đây chỉ là một giai đoạn tự nhiên.

Chúng ta có thể giải thích điều này một cách khác và nói rằng khi con tìm ra đường tu lần đầu, con đang cố cải sửa một vài vấn đề tương đối dễ giải quyết. Điều này cho con một cảm giác thăng tiến, và đây là một niềm khích lệ trên đường tu.

Nhưng điều không thể tránh khỏi là sau khi con làm xong việc đó, con sẽ bắt đầu phải giải quyết một số vấn đề sâu sắc hơn, nặng nề hơn, tốn nhiều thời gian hơn và không mấy dễ giải quyết. Và do đó con sẽ kinh qua một giai đoạn có vẻ nặng nhọc hơn.

Rồi khi con giải quyết được điều này thì một lần nữa, con lại có thể có một giai đoạn cảm thấy mọi chuyện nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Sau đó con lại có thể chạm trán với một số vấn đề nặng nề hơn mà con cần giải quyết. Thường khi đường tu của con sẽ là những chu kỳ mà con có thể xem là có lúc thăng, lúc trầm.

Nhưng rồi sẽ tới một điểm sau khi con đã bước trên đường đạo lâu đủ, con nhận ra tất cả chỉ là lẽ tự nhiên, con chấp nhận nó, con không tự dằn vặt mỗi khi còn tuột dốc nhất thời, hay mỗi khi con cảm thấy mình đang xuống dốc cho dù con không hề xuống dốc. Con chỉ chấp nhận đó là cách mọi chuyện trải ra. Con nỗ lực cải sửa, con sử dụng các dụng cụ để nhìn vào tâm lý mình và con giải quyết nó.

Cũng có thể có một số người khi họ tìm ra đường tu và trải qua giai đoạn phấn khích, thì họ cảm thấy họ đang tiến bộ kinh khủng nhưng trên thực tế, họ không tiến bộ nhiều đến vậy. Chỉ là bởi vì họ có một cảm giác tương phản rất lớn giữa thời họ chưa tìm ra giáo lý tâm linh và sau khi họ tìm ra, cho nên họ tưởng là họ đang tinh tấn nhưng kỳ thực thì không.

Lý do là vì họ chưa hiểu thấu đường tu tâm linh là gì. Họ nhìn vào đó như một con đường vỏ ngoài, và ngay cả một giáo lý của chân sư thăng thiên cũng có thể bị một số người cảm nhận như một con đường vỏ ngoài. Họ nghĩ là họ chỉ việc học hỏi giáo lý, gia nhập một tổ chức, đọc thỉnh đọc chú thì một ngày kia, đùng một cái, họ sẽ thăng thiên. Nhiều người từng nghĩ như vậy, và nhiều người vẫn còn nghĩ như vậy – tuy không nhiều lắm trong đợt truyền pháp này, nhờ các lời dạy mà chúng tôi đã ban ra về đề tài này cũng như nhờ các con đã sẵn lòng ôm lấy những lời dạy đó.

Có những người nghĩ rằng họ đang tiến bộ, nhưng không thật là vậy. Xong sẽ tới điểm họ bắt đầu nhận ra là họ không còn tiến bộ nữa. Không phải là họ không tiến bộ nữa mà kỳ thực họ chưa bao giờ tiến bộ, vì họ đã không hiểu đường tu là gì. Họ không bỏ công ra giải quyết tâm lý, họ cứ tưởng là họ có thể tiếp tục làm những chuyện vỏ ngoài mặt nổi kia thì sẽ đạt được kết quả. Cho nên nhiều người đã trở nên thất vọng, chán nản, tức giận, họ đổ lỗi cho vị đạo sư, đổ lỗi cho đường tu, đổ lỗi cho các chân sư thăng thiên, bất kể… thay vì nhận lấy trách nhiệm và sẵn lòng thay đổi chính bản thân họ.  

Cũng có một số người chiêm nghiệm mình đã có tinh tấn, họ đang giải quyết một số vấn đề trong tâm lý, nhưng rồi họ chạm trán với một vấn đề sâu xa hơn mà họ không sẵn lòng xem xét, ho không sẵn lòng nhìn nhận là họ có mang vấn đề đó. Điều này có thể khiến họ giậm chân tại chỗ trong một thời gian, có khi trong suốt phần đời còn lại của họ, nhưng trong một số trường hợp thì sau một thời gian, họ đột nhiên xoay chuyển. Và giờ đây họ sẵn sàng nhìn vào vấn đề, họ sẵn sàng giải quyết nó, và một lần nữa họ lại cảm thấy mình đang tinh tấn.

Thêm một vấn đề nữa là đối với nhiều người, Sứ vụ Thiêng liêng của con có trù liệu là con sẽ gặp một phong trào tâm linh nào đó, con sẽ tăng triển ở một vận tốc nào đó. Nhưng khi con tới điểm có những vấn đề mà con không sẵn sàng xem xét, không sẵn sàng giải quyết, thì con bắt đầu tụt hậu so với những gì con đã có thể đạt được nếu con đi theo con đường tối ưu. Và con có thể cảm thấy đó như một gánh nặng lớn hơn, như con không đang tiến triển đúng mức. Nhưng trong nhiều trường hợp, con sẽ không thể thực sự hiểu được nguyên do tại sao, ít ra với tâm vỏ ngoài. Đây là điểm mà một lần nữa, con có thể nhìn vào những gì con không sẵn sàng nhìn vào, những gì con không sẵn lòng nhìn nhận.

Điều sẽ giúp ích con rất nhiều là nhận ra rằng trên con đường tâm linh, tất cả chúng ta, tất cả các con đang còn đầu thai lẫn tất cả những ai đã từng đầu thai, sẽ có một số vấn đề mà chúng ta cưỡng lại không chịu xem xét. Chúng ta có một hình ảnh nào đó về chính mình như một đệ tử tâm linh tốt đẹp, và chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng mình không được có một số vấn đề tâm lý.

Vị sứ giả này đã nhìn thấy điều này một vài lần trong tâm lý của ông nhưng ông không sẵn sàng thừa nhận mình đang có một vấn đề tâm lý nhất định nào đó. Ông cho rằng ông không được có nó, cho nên xu hướng của ông là phớt lờ nó đi. Ông sẵn lòng cải sửa một số vấn đề khác, nhưng trong một thời gian, ông không chịu cải sửa vấn đề này. Cuối cùng thì cách đây ít lâu, ông xoay chuyển, ông ngộ ra là thật sự không có nghĩa lý gì mà phán xét giá trị kiểu đó và bảo rằng có những yếu tố trong tâm lý con người là tốt hay xấu hơn, vì tất cả chỉ là tâm lý con người và tất cả phải được loại bỏ. Cho nên không có gì phải xấu hổ, cũng không có chấn thương gây ra do mình mang một vấn đề tâm lý.

Khi con nhận xét địa cầu là loại hành tinh dày đặc đến chừng nào, khi con thấy biết bao nhiêu kiếp con đã sống trên hành tinh này, biết bao nhiêu cảnh huống khác nhau con đã trải qua, thì điều gần như chắc chắn là con đã từng mang tất cả mọi vấn đề tâm lý mà con người đã biết tới. Và đây không phải là chuyện lập ra một cách phán xét giá trị theo đó nếu con là một người tâm linh thì con không được có một vấn đề nào đó. Đây chỉ là chuyện nhìn vào tâm lý mình, nhìn ra các vấn đề trong đó, rồi ra tay giải quyết y như thể chúng là những chuyện phải được giải quyết và vượt qua. Điều này có thể giúp con tinh tấn vượt bực – khi con sẵn lòng nhìn vào tất cả mọi vấn đề bất kể chúng là gì.  

Trên cơ bản, chúng ta có thể nói là nếu con cảm thấy mình đi thụt lùi hay rơi vào một vòng xoáy hướng hạ, thì luôn luôn đó là vì có một cái gì đó mà con không sẵn lòng xem xét – và trong nhiều trường hợp, vì con cảm nhận là con không được có vấn đề đó. Cho nên thay vì giải quyết nó, con lại cố nhón bước đi vòng chung quanh, con chối bỏ nó, con giải thích như nó không có, hay con chú tâm vào những công việc khác, nhưng trong khi đó thì cách duy nhất để quay trở lại con đường tinh tấn tối đa là con chỉ nhìn vào vấn đề, giải quyết nó như con vẫn giải quyết mọi vấn đề khác, và vượt qua nó.

Bây giờ thì con đã có những lời dạy này – sách Chữa lành các Chấn thương Tâm linh và những quyển khác trong cùng bộ – con đã có các dụng cụ để không phải rơi vào những vòng xoáy đi xuống đó, con đã có các dụng cụ để không phải trải qua những bước thăng trầm trên đường tu, thì con có khả năng tiến bước một cách vững vàng hơn. Con vẫn sẽ gặp một số chuyện cần thời gian để giải quyết, nhưng con không phải cảm thấy đó là lùi bước hay rơi vào vòng xoáy hướng hạ. Con vẫn có thể nhìn thấy đó chỉ là một phần của đường tu, rằng con đang gặp một cái gì sẽ tốn thời gian hơn một chút, nhưng con vẫn thăng tiến, con vẫn đang bước tới trên đường đạo.

Về khái niệm đồng sáng tạo

Hỏi: Qua từ “sáng tạo” và “đồng sáng tạo”, có phải các chân sư muốn nói đến các hậu quả mà chúng con học hỏi về bản thân mình hay là hậu quả bên ngoài? Thật là bối rối cho ngã vỏ ngoài phải học hỏi từ hậu quả khi thậm chí nó không thể nhìn thấy những gì nó đã tạo ra. Liệu chúng con tạo ra một vật, hay một hoàn cảnh được chia sẻ với những người đồng sáng tạo khác (tức quả báo), hay chỉ mt cái ngã khác, hay mt loại khuôn đúc năng lượng, hay tất cả nhng th đó? Liệu hình tướng mà chúng con đồng sáng tạo và hậu quả của nó sẽ khác đi tùy theo chúng con ở trong Trường đời Cay đắng hay trường của chân sư thăng thiên?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Chọn lựa tương lai cho Hoa Kỳ. Đăng ngày 15/10/2020.

Phải, các con là người đồng sáng tạo. Điều này có nghĩa là con không thể sáng tạo một cái gì đó từ chính cái ta của con như Đấng Sáng tạo vốn làm. Trên cơ bản, tất cả chúng ta – ngay cả các chân sư thăng thiên của các bầu cõi trước – những sinh thể trong thế giới hình tướng của Đấng Sáng tạo, chúng ta đều đồng sáng tạo, vì chỉ có Đấng Sáng tạo mới tạo ra một thế giới hình tướng từ hư vô, từ chính bản thể của ngài, còn chúng ta thì đồng sáng tạo cùng với ngài.

Các con đang hiện thân trên địa cầu, con đang hiện thân trong một bầu cõi chưa thăng thiên. Con đang đồng sáng tạo cùng với các chân sư thăng thiên được giao nhiệm vụ giúp cho bầu cõi của con tăng triển. Hơn thế, con cũng đang hiện thân trên một hành tinh phi tự nhiên, có nghĩa là con đang đồng sáng tạo trong khuôn khổ các điều kiện của hành tinh này.

Điều này cũng đúng cho bất kỳ hành tinh nào khác, và ngay cả một hành tinh tự nhiên cũng có một khuôn đúc nào đó được quy định cho hành tình đó. Và con sẽ luôn luôn đồng sạng tạo trong khuôn khổ đó, và trong tư cách một cá nhân, con không thể đi ngược lại nó, không thể nào lật bỏ nó. Trên trái đất, con đồng sáng tạo trong khuôn khổ các điều kiện mà tâm thức tập thể đã tạo ra.

Bây giờ, thật dễ thông cảm khi con nói rằng ngã vỏ ngoài bị bối rối phải học hỏi từ hậu quả khi nó không thấy được những gì nó đã đồng sáng tạo trong quá khứ.

Nhưng con thấy đó, thật ra không phải ngã vỏ ngoài phải học hỏi từ hậu quả, mà cái Ta Biết mới có khả năng học hỏi từ hậu quả. Và cái Ta Biết chỉ học được nếu nó bước ra ngoài ngã vỏ ngoài rồi nhờ vậy ngộ ra rằng hoàn cảnh vỏ ngoài của con là sự phản ánh của chính hoàn cảnh nội tâm của con, tráng thái tâm thức của con.

Con đồng sáng tạo qua tâm thức của con, con là một người đồng sáng tạo cá biệt. Các hình ảnh mà con giữ trong các thể bản sắc, lý trí và tình cảm sẽ có tác động to lớn trên hoàn cảnh vật lý vỏ ngoài của con. Cho nên theo một nghĩa nào đó, con đang tạo ra tất cả những thứ mà con vừa liệt ra trong câu hỏi. Nhưng tất nhiên khi nói đến các tình huống vỏ ngoài, các tình huống vật lý, con không tạo ra chúng trong hư vô, mà con tạo ra chúng trong bối cảnh hành tinh nơi con sống và cái khuôn đúc do tâm thức tập thể thiết lập.

Băy giờ như các thày đã giải thích, bảy vị Elohim đã tạo ra hành tinh địa cầu trong hình dạng nguyên thủy thuần khiết của nó. Và nhân loại sau khi sa ngã vào nhị nguyên, đã thay đổi khuôn đúc ban đầu của địa cầu một cách đáng kể, đến độ khiến cho cả vật chất cũng dày đặc hơn. Có rất, rất nhiều điều kiện, rất nhiều điều kiện vật lý trên trái đất do tâm thức tập thể sinh ra trong một khoảng thời gian rất dài. Con đang đồng sáng tạo những hoàn cảnh vật lý trong môi trường đó. Như một cá nhân, tất nhiên sẽ có giới hạn cho những gì con có thể lật bỏ tùy theo tầng tâm thức của con, nhưng ngay cả khi con ở tầng cao nhất, tầng tâm thức thứ 144, vẫn có một giới hạn cho những gì con có thể lật bỏ trong tâm thức tập thể, bởi vì quyền tự quyết phải được phép trải bày ra.

Điều quan trọng nhất mà con cần hiểu về việc đồng sáng tạo là tâm thức của con, những gì nằm trong ba thể cao của con, có tác động cơ yếu trên hoàn cảnh vật lý, tình huống vật lý của con. Con đã không luôn luôn đồng sáng tạo các tình huống đó, nhưng trong nhiều trường hợp con đã tự thu hút mình vào các tình huống đó, và con đã làm vậy để học hỏi một số bài học.

Nhưng nếu con đi trở ngược lại xuyên qua rất nhiều kiếp đầu thai trên trái đất và giải quyết những cái ngã đủ loại mà con đang mang, con sẽ có thể vươn lên trên tình huống vỏ ngoài, và hoặc con sẽ tự thu hút mình vào một tình huống khác, hoặc con sẽ đồng sáng tạo, con sẽ tạo ra một tình huống mới. Nhưng đây không phải là điều mà ngã vỏ ngoài có thể làm.

Liệu có khác biệt gì chăng giữa việc ở trong Trường đời Cay đắng và việc bước chân trên đường tu với các chân sư thăng thiên? Tất nhiên là có, theo nghĩa là nếu con ở trong Trường đời Cay đắng thì con đã chưa hoàn toàn nhìn nhận rằng hoàn cảnh bên ngoài chỉ là sự phản ánh của hoàn cảnh bên trong, cho nên con không thể dễ dàng học hỏi từ những hoàn cảnh đó.

Tuy vậy, ta cũng phải nói là có những người đã học tập giáo lý của chân sư thăng thiên mà vẫn chưa hoàn toàn nhìn nhận điều đó, cho nên họ vẫn còn phần nào ở trong Trường đời Cay đắng. Nhưng khi con hoàn toàn nhận lãnh trách nhiệm về bản thân mình, thì khi đó sẽ có một sự khác biệt. Vì khi con còn trong Trường đời Cay đắng, con không cởi mở lắm với nhu cầu thay đổi nội dung trong ba thể cao của mình, và do đó con sẽ tiếp tục đồng sáng tạo dựa theo nội dung đó, con sẽ tiếp tục đồng sáng tạo cùng một thứ đó. 

Một khi con nhập trường chân sư thăng thiên và sẵn lòng buông bỏ những ngã đó từ quá khứ, thì con sẽ không lặp lại cùng những khuôn đúc đó, con sẽ không để cho ánh sáng chảy xuyên qua chúng, chúng sẽ không còn nữa và do đó con cũng tự do hơn để tạo ra một cái gì khác. Con có thể tạo ra những gì con xem là hoàn cảnh xây dựng hơn cho bản thân con.

Đo mức độ tâm thức

Hỏi: Liệu có một chỉ số hay những chỉ dấu nào cho thấy mức độ tâm thức của một người?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 8/10/2019.

Con yêu dấu, tất nhiên là người ta có thể lập ra đủ loại chỉ số khác nhau, nhưng có một cách thật giản dị, đó là nhìn vào mức độ vị kỷ của con người, mức độ xem mình là trung tâm cuộc sống. Một dấu hiệu khác là khi con đến gần hơn quả vị Ki-tô và đặc biệt là ở các tầng cao của tâm Ki-tô, tâm con sẽ ngày càng trung hòa hơn, an bình hơn.

Con ngày càng it bị thôi thúc phải làm những chuyện ngoài đời vì càng ngày con càng ít những cái ngã tách biệt áp lực con phải hành động hay phải phản ứng lại một cách nào đó. Cho nên con ngày càng phản ứng ít hơn trước các điều kiện của thế gian. Chúng không còn phiền hà con nữa, chúng không nhào nặn được con là ai. Điều này không có nghĩa là con không hành động, nhưng con hành động trong cái tâm an bình mà các thày đã gọi là không dính mắc, con hành động trong tâm trung dung thay vì luôn luôn bị thôi thúc phải làm một cái gì đó. Đây là những chỉ dấu rất tốt mà con có thể ghi nhớ.  

Con có thể nghĩ ra nhiều loại chỉ dấu khác. Đương nhiên, con có thể dựng ra cả một hệ thống đo đạc, nhưng các chân sư cảm thấy làm như vậy sẽ đẩy người ta vào một lối tư duy vô cùng trí thức và phân tích. Người ta sẽ dễ dàng có thái độ muốn so sánh, và người ta bắt đầu tự so mình với người khác, hay tự so sánh với nhau trong một nhóm, rồi lập ra những băng nhóm toàn những người cho mình là đã đạt một cấp độ chỉ số nào đó. Hiện tượng này đã xảy ra trong những tổ chức học giáo lý của chân sư trước đây, và chúng tôi thực sự không muốn khuyến khích sự thể này.

Trên căn bản, con hãy đừng lo lắng gì đến mức độ tâm thức của người khác. Con hãy lo tâm thức của con mà thôi, nhưng như vị sứ giả này có nói, sẽ đến một lúc khi thực sự con sẽ vượt quá cả nhu cầu muốn lượng định xem mình đang ở mức nào hoặc so sánh mình với bất cứ gì. Con chỉ tập trung vào việc tự biểu đạt chính mình ở mức mà mình đang ở, và con cố gắng bước lên những mức cao hơn. Con thực sự không quan tâm đến việc đánh giá, gán một con số cho cái này cái kia, hay bất kỳ một sự lượng định nào khác.

Trong một ý nghĩa nào đó, con có thể nói là con sẽ biết mình đang ở một mức cao hơn khi con cảm thấy mình tự do hơn để biểu đạt con người thực của mình, biểu đạt con người mà mình là, và tận hưởng sự kiện mình đang đầu thai.

Con đang ở tầng tâm thức nào?

Hỏi: Làm thế nào chúng con có thể xác định mình đang ở tầng tâm thức nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2020 cho Giải phóng Phụ nữ. Đăng ngày 6/7/2020.

Con yêu dấu, cách duy nhất để con thực sự xác định là qua trực giác. Thật không xây dựng chút nào nếu có ai đó – ngoài con ra – bảo cho con chuyện đó, chẳng hạn như chúng tôi các chân sư thăng thiên nói cho con biết con đang ở tầng tâm thức nào. Con cần cảm nhận bằng trực giác. Tất nhiên, do sự kiện con đã mở tâm ra với các lời dạy này, con có thể nói là có xác suất rất cao là con ở trên tầng 48.

Đó mới là điều thực sự quan trọng cho con, vì khi đó con có thể theo học khóa Con đường Tự Điều ngự, để nâng cao tâm thức mình qua bảy tia sáng và đạt đến tầng 96, rồi con có thể tu tập tiếp với các quyển sách cùng giáo lý khác để vượt lên cao hơn tầng 96. 

Nếu chỉ quan sát cách con cư xử vỏ ngoài thì thật không dễ biết được con đang ở tầng nào. Nếu con đã mở tâm ra với các lời dạy này như ta vừa nói, hay thậm chí con có thể nhìn vào người khác và nói: Nếu người đó không hung hãn, nếu họ không cố tình muốn kiểm soát người khác, hay nếu họ không sẵn lòng dùng bạo lực, ngay cả bạo lực tâm lý, thì rất có thể họ ở trên tầng 48.

Giữa tầng 48 và 96, có thể con sẽ khó lòng xác định được mình ở tầng nào, nhưng liệu điều này có thực sự quan trọng hay không? Khi con đến tầng 96, con sẽ phần nào có cảm nhận trực giác là mình đã đạt tới mức đó, vì đó là tầng cấp nơi con cần lấy quyết định: “Liệu tôi sẽ tiếp tục con đường nâng cao ý niệm bản ngã tách biệt của tôi, hay giờ đây tôi sẽ bước lên con đường cao hơn dẫn đến quả vị Ki-tô, nơi tôi sẽ không tìm cách tôn vinh hay nâng mình lên cao mà sẽ tìm cách phụng sự tổng thể, tìm cách khắc phục mọi cái ngã tách biệt?”

Có những người có thể rất bận tâm với vị trí tâm thức của mình, thậm chí còn bị ám ảnh về chuyện này. Ta có thể cam đoan với con là những ai bị ám ảnh bởi việc đánh giá tầng cấp tâm thức của mình, hay những ai cứ không ngừng đánh giá tầng cấp của người khác, thì họ không phải là người ở mức tâm thức cao lắm.   

Kỳ thực, một số những người đó có thể ở tầng 96 nhưng họ đã không lấy quyết định bước vào đường tu thực sự. Họ vẫn chưa buông bỏ ngã tách biệt, và điều này có nghĩa là họ sẽ bắt đầu tuột trở xuống. Điều có thể xảy ra là họ không hề hay biết mình đã bắt đầu tuột từ tầng 96 đi xuống. Họ vẫn giữ ảo tưởng là mình chứng đạt cao siêu. Và tất nhiên, đó là tại sao họ không thể buông bỏ ham muốn tôn vinh bản thân và xây đắp khả năng của ngã tách biệt. Có những người bị đi vào những loại ngõ cụt như vậy.

Lại có những người khác đạt đến một mức tâm thức nào đó, rồi họ tự đặt mình vào địa vị một bậc thày tâm linh, có người còn tự xưng mình đã giác ngộ trong khi kỳ thực họ vẫn chưa đặt chân lên đường tu chân chính của quả vị Ki-tô. Thật ra họ đang đi trên con đường tay trái.

Như chúng tôi có nói, khi con theo đường tà đạo thì con có thể tạo ra một dáng vẻ tinh thông bề ngoài. Nếu đầu tiên con đến được tầng 96 rồi bị trượt xuống từ đó, con có thể có một số khả năng sẽ làm chóa mắt những ai ở mức tâm thức thấp hơn. Đó là cách mà một số người đã tự đặt mình vào địa vị một bậc thày hay một đạo sư. Điều họ thường làm là thu hút một đoàn tín đồ là những người mang sẵn nỗi bất an bên trong rồi bị quyến rũ đi theo vì họ thấy vị thày có vẻ rất tự tin, nhưng vị thày này sẽ kéo họ xuống hố theo thày. Sứ giả này đã từng gặp một vài người làm y như vậy. 

Điều con cần nhận thức khi con là một đệ tử tâm linh là con không nên bị ám ảnh, không nên quan tâm đến chuyện cấp bậc. Sẽ tới một điểm khi con thực sự bước vào con đường dẫn đến quả vị Ki-tô và con không quan tâm nữa. Con không quan tâm là con đang ở tầng 97 hay 120, mà con chỉ dõi tìm xem ảo tưởng kế tiếp, ngã tách biệt kế tiếp mà con cần giải quyết sẽ khởi lên ở đâu, và chuyện kia thì sẽ tan biến mất.

Tầng tâm thức nơi con đang đứng không có gì quan trọng. Vì khi con bước trên con đường dẫn đến quả vị Ki-tô, con không có bất kỳ nhu cầu nào đứng cao hơn người khác, đứng tách riêng khỏi người khác, hay cảm thấy minh vượt trội hơn người khác. Cho nên một chỉ dấu cảnh báo mà con cần để ý là nhìn xem liệu con có nhu cầu cảm thấy hơn người, cảm thấy mình đặc biệt. Và nếu con có cảm giác đó trong con, một lần nữa con không cần cảm thấy xấu hổ, bởi vì con đang ở trên hành tinh địa cầu. Thay vào đó, con hãy nhận ra là cảm giác đó đến từ một cái ngã tách biệt, con hãy bỏ công ra để phát hiện nó, chạm trán với nó và để cho nó chết đi. Rồi sau đó con có thể đặt chân lên đường tu đích thực.

Phí phạm thời gian trên đường tu tâm linh

Hỏi: Trong một kiếp sống nào đó, tại sao nhiều đệ tử phải mất quá nhiều thời gian để tìm thấy các chân sư thăng thiên? Rồi một khi chúng con tìm được các thày, tại sao lại khó khăn và mất nhiều thì giờ đến vậy để phát hiện và kích hoạt Sứ vụ Thiêng liêng của mình? Tại sao mất nhiều thời gian như thế? Tại sao quá nhiều thời gian bị phí phạm qua cách đó trong một kiếp người?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Washington D.C, Hoa kỳ, năm 2019. Đăng ngày 9/12/2019.

Cách thực sự để nhìn vấn đề này là không có thời gian nào bị đánh mất. Con phải kinh qua một số trải nghiệm trước khi con sẵn sàng tìm ra giáo lý trong tâm thức vỏ ngoài của con. Cách nhìn thực tế là con nói: “Tôi đã cần đến những trải nghiệm mà tôi đã có trước khi tôi tìm thấy các lời dạy, đó là để tôi mở tâm ra cho việc tìm thấy lời dạy.” Đây là cách tiếp cận thực tiễn.  

Bây giờ nếu con đi trở ngược lại trước thời internet, thì từ một góc nhìn thực tế, việc tìm kiếm giáo lý của chân sư thăng thiên từng khó khăn hơn rất nhiều. Vào thời đó, việc tìm kiếm có thể tốn nhiều thời gian hơn đến độ con có thể đã sẵn sàng phát hiện giáo lý nhưng con vẫn không tìm thấy giáo lý trong cõi vật lý. Thời nay với mạng internet, chuyện này ít là vấn đề hơn nhưng tất nhiên vẫn có thể xảy ra. Nhưng nói chung, con vẫn cần nói: “Tôi đã cần đến trải nghiệm đó để tôi có thể sẵn sàng, cho nên tôi sẽ không lo lắng là mình đã phí phạm thời gian hay không.”

Giờ đây con đã tìm ra giáo lý, một lần nữa con lại cần nhận ra là không có thời gian bị lãng phí ở đây. Việc phát hiện giáo lý chỉ là bước đầu của một tiến trình rất dài. Con cần thời gian để thể nhập các lời dạy, để chữa lành bốn thể phàm của con, để khắc phục mọi ngã tách biệt, để thanh lọc các luân xa và bao nhiêu việc nữa. Thẳng thắn mà nói, khi con tìm ra giáo lý, con đã hoàn thành một yếu tố quan trọng trong Sứ vụ Thiêng liêng của con rồi. Rất có thể là những gì con từng làm trước khi con tìm ra giáo lý cũng nằm trong Sứ vụ của con.

Con không thể giản dị bảo rằng chỉ khi nào con nhìn thấy Sứ vụ Thiêng liêng của con trong ý thức thì con mới bắt đầu thực hiện Sứ vụ. Con đã bắt đầu từ tuổi thơ ấu rồi, vì con mang sẵn một cảm nhận nội tâm về Sứ vụ của con gồm có những gì, cho dù con không nhận biết ý thức hay con không thể diễn tả bằng lời nói.

Đa số những sự kiện xảy ra cho con trong kiếp này là một phần của Sứ vụ Thiêng liêng của con, vì Sứ vụ của con không chỉ là những gì con phải làm, mà còn là những trải nghiệm mà con có, cũng như bằng cách nào các trải nghiệm đó sẽ giúp con tăng triển. Điều quan trọng là con nên tránh bất kỳ cảm giác thất vọng nào là con đã tốn quá nhiều thời gian cho nên bây giờ con bị chậm trễ. Bởi vì cảm giác này thường khiến cho người ta rơi vào phản ứng mất cân bằng – mà sứ giả này đã mô tả – là con trở nên quá háo hức giành lại thời gian đã mất, con cố đền bù, thế là bỗng nhiên con phải đi cứu cả thế giới hay tự cứu chính mình trong vòng năm phút. Chuyện nó không xảy ra như vậy. Con vẫn cần kinh qua một tiến trình, và một phần của tiến trình này là nếm mùi một số trải nghiệm nào đó.

Các thày đã cố nói điều này nhiều lần: Không thể có chuyện tạo ra một chương trình hay ban ra một kiến thức nhất định sẽ lập tức thay đổi một con người. Ngay cả nếu con tưởng tượng các chân sư thăng thiên có thể thiết lập một khóa tu vật lý ở đâu đó, và giả dụ ta là vị thày trong khóa tu đó, vẫn không thể có chuyện con chỉ cần bước vào lớp học và ta ngồi đó dạy học, ta trao cho con kiến thức cùng hiểu biết, rồi sau một thời gian con bỗng giác ngộ.

Bởi vì để có thể thể nhập hiểu biết đó, con sẽ cần đến một số trải nghiệm nhất định, và trải nghiệm này sẽ tốn thời gian, nó là một tiến trình. Để khắc phục những cái ngã, con cần đến một trải nghiệm sẽ giúp con nhìn thấy ngã và nhìn thấy các khuôn nếp phản ứng của mình. Đây chính là hai khía cạnh Alpha và Omega: con nhận được giáo lý, nhưng cũng cần có trải nghiệm.

Một lần nữa, tại sao con lại nghĩ con đã phí thời gian? Thay vào đó, điều xây dựng hơn là nói rằng: “Tất cả chỉ là một phần của những trải nghiệm mà tôi cần. Làm thế nào tôi có thể sử dụng các lời dạy này tốt hơn từ giờ trở đi?”

Làm cách nào đi đến khóa nhập thất tâm linh?

Hỏi: Khâu hậu cần của việc đi tới các khóa nhập thất tâm linh là như thế nào? Có phải là có thiên thần đến mời con đi, hay thể bản sắc của con tách rời ra khỏi cơ thể vật lý?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Washington D.C. Hoa Kỳ, năm 2019. Đăng ngày 4/12/2019.

Không có thiên thần nào đến mời con đi dự khoá nhập thất tâm linh, mà con tự mời chính mình – con đi một mình. Đó là một điều con có thể làm một cách ý thức khi con là đệ tử cùa một chân sư thăng thiên, nhưng không có nghĩa là con phải làm ý thức để đi dự khóa nhập thất. Thường chuyện này đã khởi sự từ nhiều kiếp trước, khi con dần dần xây đắp một động lượng hòa điệu với một thực tại cao hơn, cho dù con xem thực tại đó là gì. Điều này có nghĩa là con mong muốn học hỏi, rồi con có thể đi học ban đêm, con đi học và con bắt đầu du hành. Thường khi con đi học trong thể bản sắc, có nghĩa là thể bản sắc của con đi tới khóa nhập thất. Khi con nói là thể bản sắc tách rời khỏi cơ thể vật lý thì điều này không nhất thiết là xây dựng.

Con cần thận trọng ở đây và nhận ra là chúng tôi các chân sư đã đưa ra một số hình ảnh nói rằng khóa học nằm trong cõi ether bên trên một số địa điểm vật lý. Lý do là vì lời dạy này đã được đưa ra vào một thời mà mọi người có tâm thức đường thẳng hơn nhiều. Nhưng tất nhiên, khoảng cách và địa điểm vật lý chỉ có ý nghĩa trong cõi vật lý mà thôi, chứ trong cõi bản sắc thì nó không ý nghĩa gì nhiều lắm.

Không đúng hẳn là thể bản sắc của con phải tách rời khỏi cơ thể vật lý, như chẳng hạn con ở Hoa Kỳ mà phải đi đến đảo Crete để nhập khóa học của thày Hilarion. Nói đúng hơn, con cần hòa điệu với độ rung của khóa nhập thất.

Sau đó con có thể tham gia khóa nhập thất trong thể bản sắc của mình mà không phải thật sự rời xác thân vật lý. Bởi vì, một lần nữa, trong cõi bản sắc không thật có địa điểm vật lý đó. Nhưng nếu một số người cảm thấy việc hình dung thể bản sắc của mình tách ra khỏi cơ thể và du hành đến địa điểm nhập thất là chuyện hữu ích, thì đó cũng là một cách chính đáng để hình dung. Con nên nghĩ là một khi con tiến xa hơn trên đường tu, con sẽ có thể bỏ lại những hình ảnh như vậy.

Đó cũng là cùng lý do tại sao trong đợt truyền pháp này, chúng tôi đã không trao truyền bất cứ chân dung mới nào của các chân sư thăng thiên, và chúng tôi cũng không khuyến khích các con sử dụng. Nếu có ai cảm thấy nhu cầu dùng chân dung thì tất nhiên, họ có thể tự do làm điều đó. Chúng tôi không muốn đề xướng chuyện này vì sẽ tới một điểm khi con cần có khả năng hòa điệu với sự hiện diện của chúng tôi mà không cần nhìn vào một bức chân dung, hoặc nghe thấy nốt nhạc đặc biệt của chân sư, hay bất kỳ phương cách vỏ ngoài nào khác. Không phải là nó sai trái, mà nó đặc thù với một giai đọan trên đường tu. Chúng tôi mong có thể giúp được nhiều người trong số các con vươn lên cao hơn giai đoạn đó để không còn cần đến nữa.

Điểm đạo không phải là kết quả tự động của tu tập vỏ ngoài

Hỏi: Thày có điều gì cần nói với một học trò của chân sư không chịu đọc một bài thỉnh đủ 33 ngày liền bởi vì có lẽ cô ấy cần một chút mới mẻ và muốn tiến nhanh hơn nhưng rồi lại bị mất chân đứng vì chưa đạt được điểm đạo nào hết? Tuy nhiên, cô ấy có tu sửa tâm lý một cách siêng năng và đã tinh tấn, nhưng cô ấy cảm thấy mình hơi bừa bộn với sách vở. Cô ấy có điểm đạo được không?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Albuquerque, Hoa Kỳ, năm 2018. Đăng ngày 2/10/2019.

Lời hướng dẫn mà chúng tôi trao cho con về việc cầu thỉnh trong 9 ngày hay 33 ngày chỉ là lời hướng dẫn. Con cần để ý tới nhu cầu riêng của con, và con không thể suy luận rằng con không điểm đạo được chỉ vì con đã không theo đúng các quy định. Các chân sư không bao giờ hứa hẹn là nếu con đọc bài thỉnh đủ 33 ngày thì con sẽ điểm đạo.

Điểm đạo không phải là kết quả tự động của sự tu tập vỏ ngoài bởi vì điều cần thiết là phải có một sự chuyển vọt tâm thức. Các bài thỉnh được thảo ra với mục đích giúp con chuyển vọt tâm thức, nhưng cuối cùng thì điều này tuỳ thuộc vào quyết định của con, một quyết định trong ý thức khi con ngộ được một điều gì mà trước đó con không thấy, rồi con chuyển vọt. Không có gì bảo đảm điều đó sẽ xảy ra, và đây là một trong các lý do có người đạt được kết quả khi sử dụng các bài thỉnh và có những người thì không.

Nhưng nếu con không chắc là con đã điểm đạo hay chưa thì điều này thật sự cho thấy con đã chưa điểm đạo, bởi vì tâm thức của con vẫn chưa chuyển vọt. Nếu con đã chuyển vọt thì con cũng đã chiêm nghiệm được sự thay đổi, và con đã không cần đặt vấn đề điểm đạo hay chưa điểm đạo. Nếu con chuyển vọt thì con sẽ ung dung bước tới, tìm xem trong tâm lý mình còn điều gì khác nữa cần giải quyết hay không. Một lần nữa, con không thể lý luận rằng, “Ồ, tôi đã không làm đủ 33 ngày liền, vậy thì bây giờ tôi phải làm lại từ đầu cho đủ 33 ngày và sau đó tôi sẽ điểm đạo.”

Như ta vừa nói, điều này đòi hỏi con ngộ được cái gì đó, rồi con lấy một quyết định và sau đó con chuyển vọt. Nếu con cảm thấy mình chưa qua được một cuộc điểm đạo, con hãy đừng quá khắt khe với chính mình. Đừng cuống cuồng lên mà nghĩ, “Ồ bây giờ tôi nhất định phải tập trung vào chuyện này. Thay vì đọc một lần mỗi ngày trong 33 ngày, tôi sẽ đọc 3 lần mỗi ngày”. Làm vậy sẽ không nhất thiết giúp con đâu. Có những khi con sẽ cần tự nhủ, “Không sao cả, tôi sẽ tạm thời để chuyện điểm đạo này sang một bên. Tôi sẽ tu tập những thứ khác.” Và sau đó một thời gian, rất có thể con bỗng ngộ được một điều gì đó và con chuyển vọt trong tâm thức.    

Con không thể ép buộc một sự chuyển vọt tâm thức nếu con chưa sẵn sàng. Con yêu dấu có thấy không, chuyển vọt tâm thức rất có thể xảy ra trong tầng cõi vật lý, nhưng trước khi con chuyển vọt được trong cõi vật lý, thường thường con cần giải quyết được phần nào trong các cõi cao hơn, là cõi bản sắc, lý trí, tình cảm. Cho nên khi con đọc một bài thỉnh, con cầu thỉnh năng lượng sẽ giải quyết, hay sẽ biến hóa những năng lượng ở ba thể cao này, và sẽ cần một thời gian trước khi con nhận thấy sự chuyển đổi trong tâm ý thức của con. Do đó tiến trình có thể kéo dài hơn 33 ngày, và vì thế, một lần nữa, con đừng quá nóng lòng về chuyện này. Đừng cố ép uổng nó mà hãy cho nó một chút thời gian và chuyển sang làm chuyện khác. Hãy đừng lo lắng, đừng căng thẳng về nó mà hãy để yên cho nó chín muồi.

Làm thế nào xử lý những lỗi lầm ảnh hưởng đến người khác

Hỏi: Đây là kinh nghiệm cá nhân của con nhưng có lẽ nhiều người sẽ thấy nó quen thuộc. Con trải qua kinh nghiệm này khi con phạm một lỗi lầm liên quan đến một người. Làm xong, con nhận thấy có điều gì không phải, và con quyết định là mình sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Con bỏ chuyện đó lại đằng sau. Khi cuốn sách “Các cuộc đời của tôi với Lucifer, Satan, Hitler và Jesus” được xuất bản, con mới thực sự nhận ra sự việc mình đã gây ra, và trong một giây phút con đã nghĩ: “Trời, tôi vừa nhận ra là tôi đã làm một chuyện sai trái mà tôi không muốn”, cho nên phần nào con bằng lòng là mình đã nhận ra lỗi lầm và mình đã có thể điều chỉnh lại cách hành xử của mình.

Tuy con biết là sự kiện con đã học xong bài học sẽ hóa giải được nghiệp quả – nghĩa là sự việc đã xong và mình không còn mang vấn đề đó trong tâm nữa – nhưng đối với người kia thì sao? Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với người kia, dòng sống kia, mà con đã có tương tác? Theo một nghĩa nào đó, con không muốn họ phải trải qua bất cứ điều gì tiêu cực hay bất kỳ hậu quả nào quay ngược trở lại, đặc biệt là vì người đó còn trẻ tuổi.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Albuquerque (Hoa Kỳ) năm 2018. Đăng ngày 1/10/2019.

Đây là một tình huống mà tất cả các con đều đã và đang đối mặt rất, rất nhiều lần khi con sống trên địa cầu này. Và nói thật, tình huống này là một trong những vũ khí lợi hại nhất của sa nhân để khiến con bị mắc vào những dây nhợ nghiệp chướng hay những khuôn nếp phản ứng rất khó lòng thoát ra khỏi.

Con sống trong một môi trường vô cùng khó khăn trên hành tinh này, trong một nền văn hóa cũng vô cùng khó khăn, cho nên khi con làm điều gì tác động lên người khác thì con rơi vào một khuôn nếp phản ứng do hành động đó gây ra. Hoặc con sẽ phủ nhận nó, hoặc con sẽ tìm cách đền bù, hay con cảm thấy là mình thật đáng trách về chuyện này hay chuyện nọ. Cho nên đây là lời đề nghị của ta.

Có những hoàn cảnh mà con có thể làm điều gì đó ở mức vật lý để bù đắp cho những gì con đã gây ra cho người khác qua cách hành xử hay quyết định của mình. Con nên hòa điệu trong tim, cố gắng bước vào một trạng thái tâm trung hòa và nhận sự hướng dẫn từ nội tâm để xét xem điều này có áp dụng cho con hay không, xem xét con có thể làm được gì ở mức vật lý. Rồi nếu con cảm thấy nó đến từ bên trong, con có thể hành động theo đó ở mức vật lý. Con không nên lấy quyết định này với tâm vỏ ngoài dựa trên mặc cảm tội lỗi mà con đang có.

Rồi sau đó tất nhiên, con có thể bước vào công việc tu sửa tâm linh, con có thể thỉnh cầu cho nghiệp quả được hóa giải, thỉnh cầu cho người kia được tự do khỏi các hậu quả trong cõi bản sắc, lý trí lẫn tình cảm, và con có thể tu sửa chính tâm lý mình để nhìn xem cái ngã nào đã khiến con hành xử như thế, xong con giải quyết nó và để cho nó chết.

Ở điểm này, con đã làm tất cả những gì con có thể làm được cho người kia. Và cũng ở điểm này, con cần dùng các lời dạy mà chúng tôi đã ban ra về quyền tự quyết và nhìn nhận rằng con đang sống trên một hành tinh thấp kém về trạng thái tâm thức. Con không đang sống trên một hành tinh tự nhiên. Không thể tránh được chuyện ai ai cũng sẽ phạm phải lỗi lầm vì đủ loại lý do khác nhau. Thật sự con không cần phân tích quá đáng mà con chỉ cần công nhận là mình đã lỗi lầm. Con đã dùng quyền tự quyết của con để nhìn nhận lỗi lầm, để cố gắng vươn lên cao hơn tâm thức đó và tìm cách đền bù cho những hậu quả của việc làm.

Đây là điểm mà con cần nhìn nhận là người kia cũng có quyền tự quyết của họ, và con cần cho phép họ tự do quyết định cách phản ứng của họ trước tình thế, bất kể cách họ muốn phản ứng thế nào. Nếu họ giận dữ với con, con hãy cho phép họ chọn lựa như vậy, nhưng khi đó, con cần làm một việc khó khăn bậc nhất đối với hầu hết mọi người tâm linh: đó là con cũng tôn trọng quyền tự quyết của con. Vì khi con nhìn nhận là mình đã làm tất cả những gì mình có thể làm ở mức vật lý, đã làm tất cả những gì mình có thể làm ở mức tâm linh, thì con cũng cần nhìn nhận một điều: Nếu người kia giận con hay trách móc con thì con không cần phải phản ứng lại. Con không cần phải phản ứng lại. Con không cần phải tự trách mình, con không cần cảm thấy mình có tội, con không cần cảm thấy là mình phải tiếp tục cố gắng đền bù cho tới khi người kia hết giận. Con cần nhận ra là con đang sống trên một hành tinh phi tự nhiên, và trên một hành tinh phi tự nhiên thì không có gì lý tưởng.

Cho nên con không thể chờ đợi mọi chuyện sẽ lý tưởng, mà con cần nhìn nhận là con có quyền sống trên hành tinh này, con có quyền có trạng thái tâm thức hiện thời của con, con có quyền lấy quyết định và hành xử dựa trên trạng thái tâm thức hiện thời đó, bởi vì con không thể làm bất cứ gì khác.

Sẽ có những tình huống khiến con làm một điều gì đó sẽ tác động lên người khác, và người kia có quyền bị người khác tác động y như con cũng có quyền bị người khác tác động. Nói cách khác, người đó không có quyền nói: “Đáng lẽ bạn không bao giờ được hành xử như vậy. Đáng lẽ bạn không được có trạng thái tâm thức đó. Đáng lẽ bạn không được sống trên hành tinh này.” Con có quyền sống ở đây trong trạng thái tâm thức hiện thời của con, và con có quyền làm những điều sẽ ảnh hưởng đến người khác – khi con lầm lỗi một cách trung thực và không hành xử với ác ý. Chính người kia cũng đang ở trong một trạng thái tâm thức nào đó, họ có quyền ở trong tâm thức đó, và con cần nhìn nhận là cách phản ứng của họ đối với con là kết quả của tâm thức đó. Con không cần can thiệp vào chuyện này, nhưng mặt khác, con cũng không cần cho phép nó can thiệp vào đường tu của con – một khi con đã làm tất cả những gì có thể làm để nâng cao tâm thức của con.

Đây là một điều rất, rất khó khăn cho nhiều người tâm linh, và đó là lý do tại sao ta vừa nói đó là một vũ khí hữu hiệu của sa nhân để chúng cầm giữ con trong các mối dây nhợ đó. Tác động tổn hại nhất của sự thể này là khi con sống gần một số sa nhân trong cõi vật lý và con đã làm điều gì đó mà họ xem là sai trái, họ có thể trở nên rất hung hãn, rất cố chấp, và họ sẽ đổ lỗi cho con.

Nhiều người trong số các con đã có tương tác với sa nhân trong tiền kiếp, và một số các con đã tương tác trong kiếp này. Họ đã tỏ ra vô cùng tiêu cực đối với con và con đã quyết định: “Ồ, tôi phải giải quyết cho chuyện này tốt đẹp trở lại.” Nói cách khác, con quyết định: “Tôi cần thay đổi những sa nhân đó để họ không còn tâm trạng tiêu cực đó nữa.” Con yêu dấu, đây là công thức dẫn đến thảm họa, vì trong vũ trụ ít điều gì khó khăn hơn là khiến cho sa nhân đổi ý hầu họ nhìn con với con mắt tích cực, tha thứ cho con và bỏ qua. Cho nên con cần nhìn nhận điều này, liệu người kia có phải là một sa nhân hay không. Thật ra con cũng không cần đánh giá như vậy, mà con chỉ cần nhận rõ trong tâm là nếu họ không để cho quá khứ là quá khứ, nếu họ không buông ra, nếu họ không bỏ qua, thì điều này sẽ không có nghĩa là con không có quyền buông ra, bởi vì chính con có quyền buông ra.

Con có quyền cảm thấy ở bên trong là mình đã làm những gì mình có thể làm cho người đó, và bây giờ mình sẽ bỏ họ lại đằng sau để tiếp tục sống đời mình. Con không chạy trốn bất cứ gì bởi vì con đã giải quyết vấn đề tâm lý nội tâm, con đã làm những gì con có thể làm, và sau đó thì con có quyền bước đi tiếp.

Điều này áp dụng cho mọi người trong đời con, con yêu dấu: cho cha mẹ, cho con cái, cho thân nhân, cho bất cứ ai, tuyệt đối bất cứ ai. Con tôn trọng quyền tự quyết của họ nhưng con cũng tôn trọng quyền tự quyết của con. Họ có quyền phản ứng lại với con bất cứ cách nào họ muốn, nhưng con cũng có quyền không bị phản ứng đó của họ tác động lên mình, vì tâm lý của con thì chính con phải giải quyết lấy. Con không phải giải quyết tâm lý của người khác vì đó là trách nhiệm của họ.

Làm thế nào kéo dài trạng thái an bình nội tâm

Hỏi: Sau khi đọc bài chú hay bài thỉnh, con cảm thấy an bình và con cũng cảm được năng lượng tâm linh. Nhưng khi con đi làm những hoạt động khác trong ngày, cảm giác này bắt đầu trôi đi mất. Nếu con không có dịp đọc một bài chú khác, liệu có một cách nào thực tiễn để kéo dài cảm giác an bình này không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Albuquerque (Hoa Kỳ) năm 2018. Đăng ngày 1/10/2019.

Có một cách thực tiễn nhưng nó sẽ không có hiệu quả ngay lập tức. Ta không thể cho con một lời dạy sẽ giúp con xoay chuyển tức thì vì thực tế là khi con đọc thỉnh, con cũng thỉnh cầu ánh sáng. Con cũng tự nâng mình lên cao hơn trạng thái nhận biết bình thường của con, vượt quá các khuôn nếp phản ứng bình thường của con. Đó là tại sao con cảm thấy an bình. Nhưng sau đó tất nhiên, khi con làm các hoạt động thường nhật và tùy theo con gặp những công việc gì trong ngày hôm đó, con quay trở về một số khuôn nếp phản ứng. Con có thể quay trở về cách nhìn cố hữu của con về cuộc đời nói chung. Nói cách khác, con lại bắt đầu phản ứng dựa theo ngã gốc chẳng hạn, và đó là yếu tố làm tiêu tan năng lượng và lấy đi an bình của con. Cho nên không có cách nào thực sự sẽ giúp con quay trở về tức thì với trạng thái an bình cho đến khi con bắt đầu giải quyết cái ngã gốc đó và làm hoà với việc con hiện diện trên địa cầu.

Khi con làm hoà với việc mình hiện diện trên địa cầu thì ngay lúc đó, con sẽ có khả năng mang trạng thái an bình này theo con. Một số các con sẽ thấy là một khi con làm hoà được như vậy, con không cần đọc thỉnh để đạt được trạng thái an bình này. Đơn giản là con có nó rồi. Điều này không có nghĩa là con không thể đọc thỉnh, nhưng con không đọc thỉnh vì lý do đó.

Cho nên đây là vấn đề xem xét: “Đâu là phản ứng cơ bản của tôi – hay như Giê-su nói, đâu là cách vận hành thường lệ (modus operandi) của tôi? Tôi quan hệ thế nào với cuộc sống trên trái đất? Cái gì lấy đi an bình của tôi? Cái gì làm tôi xáo trộn?” Sau đó con hãy dùng các dụng cụ trong sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh để nhìn tận đáy vấn đề này. Ngay cả nếu con là một dân cư nguyên thủy của địa cầu, thì khi sa nhân đến trái đất, con đã tạo ra một cái ngã phản ứng lại chúng, và đây chính là điều tước mất an bình của con. Tất nhiên, thật khó lòng an bình trên một hành tinh có sa nhân, nhưng một khi con khắc phục được khuôn nếp phản ứng đó, con sẽ có thể thực sự cảm thấy an bình.

Buông bỏ sự vướng mắc vào những quyết định sai lầm quá khứ

Hỏi: Con đang đau khổ vì những quyết định sai lầm của con trong quá khứ nhưng con vẫn không từ bỏ được sự vướng mắc cứ mãi ám ảnh con. Con muốn biết làm thế nào con có thể buông bỏ các vướng mắc này một cách hiệu quả.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hàn quốc năm 2017. Đăng ngày 4/9/2019.

Con yêu dấu, ta hiểu đây quả thật là khiá cạnh khó khăn nhất trên đường tu tâm linh, cho nên ta sẽ không coi nhẹ vấn đề của con. Ta hiểu rất rõ sự khó khăn của tất cả chúng ta khi mình còn đầu thai để buông bỏ bám mắc. Đáng tiếc thay, con yêu dấu, chỉ có một cách để buông bỏ bám mắc mà thôi, đó là… buông bỏ, thế thôi. Con thấy không, con yêu dấu, nếu có ai ném cho con một quả bóng và con chụp lấy nó, con nắm quả bóng trong tay và có thể con sẽ cầm lấy nó thật chặt. Và con có thể có ý tưởng nảy ra trong đầu là vì con đã nắm quả bóng thật chặt rồi, nên con sẽ phải ra sức cố gắng thì mới nhả được nó ra. Và có thể con phải tập trung vào động tác nhả bóng đến độ, trong tiềm thức, con đã bóp chặt quả bóng mạnh hơn nữa. Rồi sau đó con nghĩ rằng con sẽ cần một nỗ lực siêu phàm, một sức mạnh cơ bắp phi thường để con có thể buông bóng ra.  

Nhưng tất nhiên, con càng siết chặt cơ bắp lại thì con sẽ càng khó mở tay ra để đánh rơi quả bóng. Bây giờ nếu con bỗng nhận ra là người ta không ném một quả bóng cho con mà một cục than nóng đỏ, thì ngay khoảnh khắc con cảm thấy tay con bị cháy bỏng, con sẽ – do bản năng và trong tiềm thức – con sẽ mở tay ra và buông cục than xuống. Đây thực sự là cách duy nhất mà con có thể buông bỏ một sự bám mắc. Đó không phải là một quyết định của cái tâm vỏ ngoài. Đó là cái mà chúng ta có thể gọi là một quyết định tự phát, hay một quyết định nội tâm. Con không cưỡng ép con từ bỏ, và con không cố tình quyết định với cái tâm vỏ ngoài rằng con phải từ bỏ.  

Động tác đó trở nên tự phát, nó tự nhiên vì con thấy được là sự bám mắc đang làm hại con, nó không đem lại ích lợi gì cho con. Cho nên khi con có điều gì mà con không thể buông bỏ, thực sự cách duy nhất là con phải bắt đầu làm việc trong con để đạt tới điểm con nhìn thấy được rõ ràng hơn. Con thấy được vấn đề tâm lý sâu xa bên dưới, con thấy được khuôn nếp của nó, con thấy được quyết định mà con đã lấy. Con thấy được nó đang hạn chế con như thế nào, và khi con thấy được hạn chế đó, con sẽ tự động buông bám mắc.

Đó là lý do chúng tôi, các chân sư, đã trao cho con tất cả những dụng cụ mà chúng tôi đã trao. Luôn luôn có một lượng năng lượng tha hóa nào đó trong bất cứ bám mắc nào. Nó khởi lên một phản ứng động cảm sẽ lôi kéo cảm thể của con, cho nên con có thể sử dụng những bài chú và bài thỉnh của chúng tôi để làm tan biến năng lượng tình cảm này. Và một khi con cảm thấy phản ứng cảm xúc đã bớt đi, con có thể bắt đầu nhìn thấy rõ hơn với lý trí của con, hầu con thấy được những mô thức cứ lặp đi lặp lại. Và con thấy được là con phải lấy một quyết định sâu hơn nữa trong nội tâm.

Và khi con giải tỏa được các năng lượng trong cõi lý trí và thấy được rõ ràng trong cõi đó, thì con có thể đi vào cõi bản sắc. Khi đó, con sẽ có thể tìm ra là có một thời điểm khi con đã quyết định trở thành một loại người nào đó, và chính quyết định này đã hình thành bám mắc – bởi vì chính con đã khiến cho con tin là mình bị hạn chế. Và khi con nhìn thấy được điều này, khi con thấy được nó đang hạn chế con như thế nào, đó là lúc con có thể tự động buông bỏ bám mắc. Nhưng việc này thường đòi hỏi con đã có một nỗ lực thật cố tình, thật ý thức thì con mới đến được điểm đó.   

Điều mà ta muốn chỉ ra cho con thấy ở đây là việc này không phải là một nỗ lực của trí óc, không phải là sự cưỡng ép tâm trí, mà là chính con làm việc trong con để giải thoát con khỏi năng lượng và đạt được sự minh mẫn, hầu con tự phát thấy được tại sao con muốn buông bỏ, và sau đó thì con tự phát buông bỏ bám mắc. Cuối cùng thì không tốn sức gì đâu.  

Quá khắt khe với bản thân

Hỏi: Nếu mình quá khe khắt với bản thân, nếu mình tự phê phán quá mức, liệu mình có phải hoá giải sự tự phán này nếu mình muốn tiến bước? 


Trả lời của ông Kim Michaels nhân một hội nghị tại Hòa Lan. Đăng ngày 14/12/16.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều quá khắt khe với chính mình vì chúng ta đã lớn lên như vậy. Hãy nhìn vào hình ảnh Thượng đế mà chúng ta đã được dạy dỗ, một vị quan tòa ở trên trời, và nếu chúng ta phạm phải lỗi lầm, chúng ta sẽ bị đày xuống địa ngục mãi mãi. Rồi chúng ta bị trừng phạt và phải chịu đau khổ đời đời.

Rất nhiều người đã được nuôi lớn trong hình ảnh đó. Ngay cả khi không bị vậy thì cũng có một tâm thức tập thể khiến chúng ta tự phán xét gay gắt khi mình phạm lỗi. Khi tôi mới cất bước trên con đường tâm linh và ngay cả khi tôi đã tìm thấy giáo lý của các chân sư thăng thiên, tâm thức này vẫn bám theo tôi. Tôi mường tượng các chân sư giống như Thượng đế nóng giận trên trời. Các thày không nóng giận tuy nhiên dường như các thày vẫn phán xét. Tôi phải toàn hảo. Tôi phải làm mọi công tác vỏ ngoài cho tươm tất, và trong một tổ chức mà tôi là thành viên, người ta đặt trọng tâm to lớn trên những công tác vỏ ngoài, như phải mặc đúng loại quần áo nào, không được lái xe màu đỏ, tất cả những chuyện vỏ ngoài như thế. 

Tôi đã nhận ra là thử thách thực sự trên đường tâm linh là mình tự chấp nhận mình là phần nối dài của Thượng đế. Làm thế nào chấp nhận được điều này? Bạn tự chấp nhận bằng cách nhận ra là Thượng đế thương yêu bạn vô điều kiện. Thế gian thì bảo rằng có thể có một Thượng đế và Thượng đế này có thể thương yêu bạn nếu bạn hội đủ một số điều kiện nào đó. Đó thật là một năng lượng ác ý và hăm doạ của thế gian muốn chúng ta phải tin vào điều đó. Điều này cũng gắn liền với chủ đề của hội nghị về phản tình thương, bởi vì thế gian nhất định muốn chúng ta tin là chúng ta phải hội đủ một số điều kiện.

Đó là lý do tôi nghĩ mình hay tự phán xét – vì chúng ta cho rằng mình không toàn hảo, và nếu mình không hội được những điều kịên đó, Thượng đế sẽ không còn thương yêu mình nữa, hoặc bất kỳ biện pháp nào mà mình có thể tưởng tượng. Tôi nghĩ thử thách lớn nhất trên đường tu là mình thực sự chấp nhận tình thương vô điều kiện. Tôi đã từng chứng nghiệm điều này một lần, và tôi đã viết lại câu chuyện đó. Một lần tôi chứng nghiệm được sự hiện diện của Thượng đế, và có lẽ tôi mất thêm ba năm trời để nghiền ngẫm và thể nhập chứng nghiệm đó. Cuối cùng một hôm, một ý nghĩ bỗng lóe ra trong tôi: Nếu tình thương Thượng đế vô điều kiện thì tôi phải hội những điều kiện gì để xứng đáng với tình yêu đó? Câu trả lời thật hiển nhiên – không thể nào có điều kiện gì mà tôi phải hội được hầu nhận được tình thương vô điều kiện. 

Chỉ có một điều kiện thôi, đó là tôi phải đón nhận tình thương đó. Tôi phải chấp nhận tình thương đó. Và tôi phải nhìn lại chính mình và tự hỏi: “Tin tưởng nào trong tôi đang ngăn cản tôi đón nhận món quà mà Thượng đế đang cho tôi một cách vô điều kiện bất cứ lúc nào?” Tôi thiển nghĩ, cho tới khi nào mình chưa thấy được điều này một cách ý thức, chưa thấy được sự lừa dối và ngụy biện của thái độ phán xét thì mình chưa được giải thoát khỏi nó. Mình sẽ vẫn tiếp tục đuổi theo đống vàng ở cuối cầu vòng, và càng đuổi thì cầu vòng sẽ càng chạy đi xa hơn. Chúng ta sẽ không bao giờ tới được cho đến khi chúng ta nhận ra là cuộc chạy đuổi này hoàn toàn vô ích.  

Cho phép tự ngã lừa mình chối bỏ lời dạy sẽ giải thoát mình khỏi tự ngã

Hỏi: Một người tầm đạo chín chắn cần đáp ứng thế nào khi gặp những lời dạy trên trang mạng này thách đố các niềm tin sẵn có của mình và người đó không đồng ý với lời dạy? Con nhận thấy là những người bạn mà con đã giới thiệu trang mạng này, thường chụp lấy một chi tiết nhỏ nhặt nào đó mà họ không thích rồi sử dụng để bác bỏ toàn bộ trang mạng. Xin thày vui lòng bình luận về cách hành xử này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Con hãy cho phép ta nói thật rõ là những ai đọc trang mạng này KHÔNG NÊN hiểu lầm những lời giảng của ta ở đây là những điều mà họ phải chấp nhận không suy xét, và họ cũng không nên đọc từng chữ như thể đó là thánh thư bất khả sai lầm. Như ta đã cố giải thích, mục đích của bất kỳ lời dạy chân truyền nào cũng là trao cho học trò một bàn đạp để giúp họ vươn lên trên giáo lý vỏ ngoài hầu chạm được Tánh linh của Sự Thật – các chân sư thăng thiên – mà từ đó lời dạy đã đi ra. Lời dạy tựa như một sợi dây cứu sinh nhằm dẫn con đến cội nguồn của lời dạy.

Ý ta muốn nói là con nên luôn luôn cố gắng vượt xa hơn từ ngữ vỏ ngoài của lời dạy để chạm được một hiểu biết nội tâm sẽ đưa con lên cao hơn lời dạy. Nhiệm vụ của một vị sứ giả là truyền đạt một lời dạy thuần khiết nhất có thể. Còn nhiệm vụ của đệ tử là vượt ra khỏi lời dạy vỏ ngoài, và khi làm vậy, đệ tử cũng thăng vượt những nét thiếu thuần khiết trong lời dạy. Chừng nào con nối kết với nguồn cội thì tất cả những bất toàn đó trong lời dạy đều không quan trọng. Nhưng nếu con không tìm đến nguồn cội thì ngay cả một lời dạy toàn hảo – nếu có gì có thể toàn hảo được – cũng sẽ không đảm bảo được sự cứu rỗi của con.

Như luôn luôn, nguy cơ tiềm tàng cho con chính là hai đối cực của tự ngã:

  • Một là đệ tử với tư duy đen-trắng sẽ thần tượng hóa sứ giả cũng như giáo lý, cho rằng đó là giáo lý cao nhất và luôn luôn đúng. Vì vậy họ không bao giờ được cả gan nghĩ xa hơn những gì được trình bày trong giáo lý.   
  • Hai là đệ tử vẫn còn bị chi phối bởi lối tư duy xám. Họ sẽ bảo rằng không một lời dạy nào có thẩm quyền gì đặc biệt, cho nên họ sẽ nghĩ ra một cách diễn giải riêng của họ để khiến lời dạy có vẻ nói lên những gì họ muốn nghe.  

Cách thoát ra khỏi hai đối cực đó là nhận ra điều mà ta vừa nói ở trên. Con phải sử dụng lời dạy duy như một bàn đạp, một bực thang để với lên nguồn cội của lời dạy. Các chân sư thăng thiên đứng trên tư duy đen-trắng lẫn tư duy xám. Cho nên nếu con không nhìn xa hơn trạng thái tâm thức hiện thời của con, thì đơn giản con sẽ không thể nào liên lạc được với chúng tôi. Con sẽ bị kẹt lại trong trạng thái tâm thức hiện thời của con, và con sẽ dùng cách diễn giải của con về lời dạy vỏ ngoài để biện minh tại sao con đã không bước lên cao hơn.

Về điểm này, con hãy cho phép ta nói lên một điều thật rõ ràng. Nếu con thấy mình cứ phân tích, xét đoán hay chỉ trích một giáo lý hoặc vị sứ giả truyền đạt giáo lý đó – đặc biệt nếu con cứ nghĩ là mình biết rõ giáo lý phải được trình bày ra sao – thì ngay lập tức con nên xem đó là một dấu hiệu hiểm nghèo. Con có thể LUÔN LUÔN chắc chắn là những ý tưởng như vậy xuất phát từ tự ngã của con cùng các tà thể mà ta đã mô tả trong một câu trả lời khác, tức bọn Phá rối (the Spoilers). Cho nên con cần nhận ra yếu tố khiến con dễ bị năng lượng của bọn Phá rối tấn công chính là một số tin tưởng nhị nguyên mà con có. Con càng dính mắc vào các tin tưởng này thì phản ứng động cảm của con đối với lời dạy sẽ càng dữ dội.

Người đệ tử thiếu minh triết sẽ sử dụng các điểm bất toàn mà họ thấy nơi người khác (thật ra là những điều mà chính tự ngã của họ đã phóng chiếu lên người khác) để không thay đổi bản thân. Còn đệ tử minh triết sẽ luôn luôn tìm kiếm cái xà trong mắt mình, chào đón bất kỳ cơ hội nào để nhìn thấy nó và nhổ nó ra. Cho nên khi người đệ tử minh triết tìm thấy một lời dạy trên trang mạng này hay bất kỳ một giáo lý tâm linh nào khác thách đố niềm tin cố hữu của mình, thì người đó sẽ cân nhắc câu hỏi: “Có phải sự kháng cự của tôi đối với lời dạy này phát xuất từ sự dính mắc vào một ảo tưởng nào hay chăng?” Nếu phát hiện được một dính mắc như vậy thì người đó sẽ luôn luôn phơi bày nó rồi buông nó ra. Nhưng một đệ tử thiếu minh triết sẽ tim thấy sai khuyết nơi sứ giả cùng thông điệp của sứ giả để rồi sử dụng như một lý cớ mà bỏ qua dính mắc của mình.

Là một đệ tử minh triết, con cần luôn luôn cố gắng phơi bày tự ngã, và một trong những cách tốt nhất là xét xem có những mâu thuẫn hay bất nhất nào trong các niềm tin, lời nói hay hành động của mình. Lý do là vì tự ngã luôn luôn phóng chiếu quan điểm của nó lên người khác, và do vậy, nó thường hay chỉ trích sai lầm mà nó thấy nơi người khác chính vì nó đang mang sai lầm đó nơi nó. Tự ngã sẽ buộc tội người khác có những hành xử mà chính nó đang hành xử với người khác – cũng như với con.   

Chẳng hạn, có một số đệ tử tâm linh đã tập trung vào một hình ảnh sai lầm về tình thương khi xem tình thương là phải luôn luôn dịu dàng nhu hòa, và họ nghĩ họ không bao giờ được thách đố một ý tưởng hay quan điểm nào. Thế nhưng họ không nhìn ra là họ đã trở nên phê phán đối với những người thẳng thắn hơn họ.

Những ai bị mù quáng bởi tư duy xám rất dễ rơi vào kiểu phê phán đó. Chẳng hạn, họ khoác vào thái độ cho rằng một vị thày tâm linh chân chính phải tỏ ra yêu thương độ lượng đối với mọi hoàn cảnh con người. Họ thật sự tin rằng cách duy nhất để là một người yêu thương là không bao giờ được thách thức một ai vì làm như vậy là phê phán. Nhưng điều mà họ không nhìn thấy là chính họ mới đang vô cùng phê phán đối với những ai không tuân theo cách định nghĩa của họ về thế nào là thương yêu. Nói cách khác, nhiều người tầm đạo chân thành cho rằng họ hoàn toàn yêu thương, nhưng họ lại rất phê phán đối với những ai họ dán nhãn là không yêu thương.

Đây rõ ràng là một sự mâu thuẫn, và một người đang bắt đầu vượt lên trên tư duy xám sẽ phải có khả năng sử dụng những lời dạy này để nhanh chóng buông bỏ các trò chơi đó của tự ngã. Do đó, những người tầm đạo già dặn hơn phải có khả năng vượt trên xu hướng của tự ngã vốn cứ chọn ra một chi tiết mà nó không ưa, rồi sử dụng như cái cớ để khiến con bác bỏ toàn bộ giáo lý.

Trang web của chúng tôi thực sự có những lời dạy có thể giúp mọi người thoát tự ngã của mình. Nhưng nếu con cho phép tự ngã đánh lừa con gạt bỏ lời dạy thì hiển nhiên lời dạy không thể giải thoát được con. Ta đã chứng kiến những người tâm linh làm vậy từ thời ta bước trên địa cầu 2000 năm trước đây. Riêng bản ngã thì con không lạ gì nó. Các luận cứ mà nó dùng có thể thế này hay thế khác, nhưng cái cơ chế thì luôn luôn không thay đổi.

Nền tảng của tăng triển là biến hóa năng lượng do các tin tưởng nhị nguyên tạo ra

Hỏi: Nếu chúng ta tạo ra thực tại qua những tin tưởng của chúng ta, vậy thì làm thế nào thay đổi những tin tưởng hiện tại và điều chỉnh những tin tưởng mới trong thực hành?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su quan trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Để làm nền cho câu trả lời của ta, hay cho phép ta trích một đoạn giáo lý trong quyển sách “Hãy cứu lấy bản thân” (Save Yourself).

[bắt đầu trích] Giê-su: Ta biết có nhiều tổ chức quảng bá những kỹ thuật tâm linh như thể là thuốc chữa bách bệnh cho mọi vấn đề, nhưng thật là con không thể chữa lành các vết thương tâm lý của con duy bằng nghi thức mà thôi. Lý do là vì tất cả mọi thứ đều tùy thuộc vào quyền tự quyết của con. Nguyên nhân khiến con tạo ra năng lượng độc hại là con đã chọn tham gia vào những tư tưởng hay cảm xúc bất toàn. Chọn lựa này thường hay khởi lên do con hiểu biết thiếu sót về cuộc sống hoặc do con đã chấp nhận một số tin tưởng sai lầm. Rất có thể việc chấp nhận tin tưởng sai lầm này đã xảy ra trong tiền kiếp, cho nên những tin tưởng này có thể đã ăn sâu vào tâm lý con. Thế nhưng chấp nhận tin tưởng sai lầm luôn luôn bắt đầu với một chọn lựa, và do đó, nó có thể được gỡ bỏ qua một chọn lựa tốt hơn. 

Hãy để ta cho con một ví dụ minh họa. Ta có nói là yếu tố giữ cho linh hồn sống còn là một dòng năng lượng chảy xuống liên tục từ cái ta tâm linh. Con có thể so sánh tâm thức con như một dòng sông. Nếu tư tưởng và cảm xúc của con tinh khiết, Nước của Sự sống sẽ chảy thoải mái tự do. Con cảm thấy kết nối chặt chẽ với cái ta tâm linh của con và con dồi dào năng lượng. Khi con chấp nhận một ý tưởng hay tin tưởng sai lầm, nó giống như con ném một hòn đá xuống sông. Nếu con ném đá xuống một dòng suối, con ngăn cản dòng nước chảy. Nước phải tránh hòn đá mà chảy, tạo ra một dòng xoáy phiá sau nơi đất cát sẽ tụ lại. Một khi con quyết định chấp nhận một ý tưởng sai lầm, tin tưởng đó sẽ ngăn chặn ánh sáng từ cái ta tâm linh. Tin tưởng sai lầm sẽ khiến cho ánh sáng bị tha hóa, và năng lượng tha hóa sẽ bắt đầu tích tụ lại nơi “hạ nguồn” do tin tưởng sai lầm, không khác gì phù sa tích tụ lại đằng sau hòn đá trong dòng sông.   

Bây giờ hãy tưởng tượng một dòng sống đã có nhiều kiếp sống khi nó đã đón nhận những tin tưởng sai lầm. Mỗi tin tưởng tựa như ném đá xuống sông. Năng lượng tha hóa bắt đầu tụ lại đằng sau hòn đá, lấp đầy lòng sông. Dòng nước chảy sẽ bị ngăn trở, tạo nên một cái đập nhỏ. Khi dòng sông hoàn toàn tắc nghẽn với đất bùn, con người sẽ mất hoàn toàn mọi nhận biết về đời sống tâm linh. Họ quên mất nguồn cội tâm linh của mình và bắt đầu tin rằng họ là những con người vật chất. Vì tâm ý thức (và mọi tầng cấp của linh hồn) nằm ở dưới hạ nguồn của cái ta tâm linh, các chướng ngại trong dòng sông ngăn cản tâm ý thức thấy được Hiện diện TA LÀ.

Làm thế nào con có thể cải thiện tình thế? Con phải khởi sự lấy đi bùn đất đã tích tụ lại đằng sau hòn đá. Bùn đất chính là năng lượng tha hóa. Con cầu thỉnh năng lượng tâm linh cao tần và hướng nó về năng lượng tha hóa và như vậy con nâng cao rung động của năng lượng tha hóa. Khi con dọn sạch năng lượng tha hóa, con bắt đầu nhìn thấy hòn đá, tức là cái tin tưởng sai lầm, đã kích hoạt sự tồn đọng. Một khi con phơi bày tin tưởng sai lầm, con phải tháo gỡ quyết định ban đầu đã khiến con chấp nhận tin tưởng đó. Đây phải là một tiến trình ý thức vì con phải lấy một quyết định mới hầu thay thế quyết định nguyên thủy. [hết trích]

Như con có thể thấy, cách thực tiễn để thay thế các tin tưởng hiện hữu của con là bước vào một tiến trình gồm hai phần. Ở nền tảng – và là một yếu tố thường bị hành giả tầm đạo lãng quên – là biến hóa năng lượng do những tin tưởng sai lầm tạo ra. Những năng lượng này ngăn cản con nhìn thấy tin tưởng nằm bên dưới. Hoặc chúng tạo ra một sự bám mắc tình cảm khiến con cảm thấy con không thể, hoặc không phải, hoặc không muốn thay thế điều tin tưởng gây giới hạn. Bằng cách biến hóa các năng lượng này, con sẽ giúp con dễ dàng hơn phơi bày và thay thế những tin tưởng thường nằm tận trong tiềm thức đang kềm giữ con trên đường đạo của con.  

Công đoạn thứ nhì là con phải phơi bày những điều tin tưởng sâu xa và thay thế bằng những quyết định ý thức tốt hơn. Khi con bước trên tiến trình này, con có thể lần hồi thay thế mọi tin tưởng gây giới hạn cho tới khi toàn bộ thế giới quan của con dựa thên sự thật Ki-tô. Điều này sẽ không xảy ra một sớm một chiều, và đối với nhiều người nó sẽ kéo dài suốt đời. Thế nhưng suốt dọc đường, con sẽ nhận được nhiều phần thưởng dưới hình thức một cảm giác tự do tâm linh và an bình nội tâm. 

Để phát hiện các tin tưởng gây giới hạn, điều vô cùng hữu ích là con mài giũa khả năng trực giác và mở rộng mối liên hệ ý thức của con với cái ta Ki-tô. Bằng cách sử dụng trực giác khi học hỏi giáo lý tâm linh, cái ta Ki-tô của con sẽ sử dụng các giáo lý vỏ ngoài này để khơi dậy trong con những nội giác sẽ giúp con thay thế các tin tưởng gây giới hạn. Tuy nhiên, con có thể đạt kết quả tốt hơn nữa bằng cách cố tình đi vào tiềm thức qua một số hình thức trị liệu nhằm phát hiện những tin tưởng gây giới hạn.

Như một biện pháp thực tiễn, con hãy dùng các bài chú và bài thỉnh mà chúng tôi đã đăng tải. Các bài thỉnh nhằm biến hóa các năng lượng bất toàn và giúp con giải quyết những tin tưởng nhị nguyên đã khiến con làm tha hóa năng lượng. Khi con sử dụng tất cả các dụng cụ có sẵn trong thế giới hiện nay, con có thể nhanh chóng tiến tới một trạng thái tự do hơn. Ta có thể cam đoan với con là mặc dù con sẽ cần nỗ lực, nhưng nỗ lực đó sẽ vô cùng bõ công.

Có thể nói là sự thăng tiến tâm linh và cứu rỗi duy chỉ là vấn đề thay thế các điều tin tưởng nhị nguyên của con mà thôi. Thực sự, chính những tin tưởng nhị nguyên của con, những tin tưởng cấu tạo ý thức bản sắc con người con, đã giữ con bên ngoài thiên đường. Như ta đã nói, “Vương quốc Thượng đế ở bên trong con”, có nghĩa là chìa khóa để vào được vương quốc Thượng đế là đạt được một trạng thái tâm thức cao hơn, tức là tâm thức Ki-tô. Chìa khóa đạt tâm thức Ki-tô là thăng vượt tất cả mọi tin tưởng bất toàn.

Hãy bảo vệ sự thức tỉnh tâm linh của con

Hỏi: Xin cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn… quý vị đã lập ra trang mạng này và viết sách. Con đang đọc quyển “Ki-tô đã sinh ra trong bạn” (The Christ is Born in You). Con cảm thấy cuộc sống của con thay đổi bên trong nhờ những chân lý mở ra cho con từ hai nguồn đó. Con đã từng là tín đồ Cơ đốc giáo chính mạch từ hơn 20 năm qua, và trong 2 năm gần đây, nói chung con đã bất mãn với giáo hội vì con cảm thấy quá nhiều sự đạo đức giả và thiếu nhất quán trong các giáo lỹ của giáo hội cũng như trong thái độ của các tín hữu đối với nhau. Tất cả đều không đúng với những gì mà con cảm nhận thày Giê-su đã cố giảng dạy cách đây 2000 năm. Vì vậy con đã tìm kiếm tâm linh được một hồi rồi.

Bây giờ con nhận ra là phần lớn những gì dòng sống nội tâm của con đang tìm kiếm và thắc mắc đã được trang mạng này và các cuốn sách trả lời. Con hoàn toàn thấy được con là một đứa con của Thượng đế (cha/mẹ), con là một sinh thể Ki-tô, con có một tâm thức Ki-tô bên trong con. Tuy nhiên, con là một sinh thể Ki-tô còn rất non nớt (trên phương diện tâm linh), và con đang cố gắng phát triển tâm thức Ki-tô của con sâu sắc hơn bao giờ hết.

Con chỉ muốn dành chút thời gian để thực sự cảm ơn hai vị. Con biết con có thể cảm ơn thày Giê-su trong nội tâm của con như con đã làm và vẫn làm, vì con biết là thày đã biết rồi. Nhưng con xin nói lên một cách công khai là con cũng cảm ơn ông Kim, vì ông đã sẵn lòng làm phương tiện để thày có thể sử dụng và nói xuyên qua ông. Xin cảm ơn ông rất, rất, rất nhiều.

Con càng đọc trang mạng và sách vở nhiều hơn thì con càng muốn đọc nhiều hơn. Hình như con sẽ không bao giờ đọc đủ. Con không muốn đặt sách xuống. Con có một cuốn khác, “Con đường ánh sáng nội tâm” (The Inner Path of Light) và con quá nóng lòng muốn bắt đầu đọc ngay. Con cảm thấy tinh thần của con đang thực sự giải thoát. Con hiện 47 tuổi và lần đầu tiên trong đời, con cảm thấy con thực sự đang sống. Có lẽ con đang được tái sinh trong nghĩa tâm linh đích thực nhất. Thưa thày Giê-su, có phải đây là ý nghĩa của sự tái sinh không?  


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Trái tim yêu dấu của ta, ta có thể cam đoan với con là không gì sưởi ấm trái tim của một chân sư hơn là được thấy một người chứng nghiệm biến đổi như con vừa mô tả. Đây thực sự là phần thưởng mà chúng tôi ở thiên đàng vẫn hằng mong muốn cho công việc mà chúng tôi đang làm với các anh chị em vẫn còn trên địa cầu. Ta chỉ mong ước mỗi người trên địa cầu cũng được trải qua cùng sự biến đổi của sự tái sinh tâm linh.

Con thấy đấy, khi thăng hoa lên thiên đàng, chúng tôi không còn cảm giác sự chia rẽ và tranh đua thường tình trên địa cầu nữa. Chúng tôi nhận lấy bản sắc đích thực của mình là một sinh thể tâm linh, và chỉ mong sao tất cả mọi anh chị em mình chưa thăng thiên cũng nhận lấy bản sắc chân thực là con của Thượng đế.  

Mặc dù có rất nhiều tín hữu đạo Cơ đốc còn bám mắc vào hình ảnh thần tượng của ta như là đứa Con duy nhất của Thượng đế, ta không hề có ý muốn được xem là một ngoại lệ. Ta chỉ mong muốn mọi con người sẽ chấp nhận mình là những đứa con của Thượng đế mà các con thực sự vốn là. Việc sùng bái ta làm thần tượng xuất phát từ cái tâm nhị nguyên tương đối, và chính cái tâm này đã làm nảy sinh tư duy cạnh tranh và độc quyền. Tín đồ Cơ đốc muốn tôn ta lên thành đứa Con độc nhất của Thượng đế để họ có thể cảm thấy cao thượng hơn những tín đồ của mọi tôn giáo khác. Thế nhưng khi con nhận lấy bản chất Ki-tô của con, tinh thần tranh đua đó sẽ tan biến mất, và con sẽ cất bước đi theo lời gọi của ta là yêu thương người lân cận của con như chính con. Và cuối cùng, con sẽ nhìn ra người lận cận ấy cũng là một đứa con của cùng Thượng đế là cha mẹ tâm linh của con.

Thực tế đáng buồn của tình trạng địa cầu là tuyệt đại đa số con người bị kẹt trong một nhà tù tình cảm, lý trí và tâm linh. Họ bị đóng hộp trong những tín ngưỡng của họ về Thượng đế và về chính họ đến độ họ trở thành mù lòa tâm linh – trong nghĩa đen. Nhiều người không hề nhận thức là có một Thượng đế, hay cuộc sống có một khía cạnh tâm linh. Cho nên họ không có khả năng đặt ra những câu hỏi sâu sắc về Thượng đế hay về đời sống tâm linh, và cứ thế họ sống qua ngày chìm đắm trong trạng thái hôn mê – một loại hôn mê tâm linh.

Là một người thày tâm linh, ta luôn hy vọng là con người sẽ thức tỉnh khỏi cơn hôn mê và nhận ra mình không phải là những con người có sinh có diệt, mà những sinh thể tâm linh. Đây chính là mục tiêu thực sự của công việc của ta, trong hiện tại cũng như suốt mấy ngàn năm qua.

Vậy ta chúc mừng con đã thức tỉnh tâm linh, và ta khuyên con hãy giữ vững sự tỉnh thức này cho dù điều gì có xảy ra. Thật sự, ta muốn đưa ra một lời cảnh báo là con phải vô cùng cẩn trọng hầu bảo vệ sự hồi sinh tâm linh của con khỏi những tấn công tới tấp mà các thế lực của thế gian sẽ tung ra về phía con. Con có thể đọc trong Kinh thánh là cuộc bôn ba 40 ngày của ta nơi hoang vắng đã đưa ta đến một mức thức tỉnh tâm linh mới. Lập tức sau khi trở về từ vùng hoang vắng, ta đã bị ác quỷ cám dỗ, và ngay cả ở mức tâm thức của ta, ác quỷ đó có thể xem là biểu tượng cho những thế lực đang thống trị thế gian.

Tâm thức tập thể của nhân loại sẽ chống đối kịch liệt sự thức tỉnh tâm linh của con, bởi vì sẽ có những người quanh con không muốn con vượt lên trên họ, họ không muốn con chứng tỏ rằng việc thức dậy khỏi cơn mê muội là điều khả dĩ.

Vậy ta mạnh mẽ khuyên con nên tiếp tục học hỏi các giáo lý, kể cả những giáo lý mà ta đã giảng dạy vể sự bảo vệ tâm linh. Điều vô cùng quan trọng là người tầm đạo phải bảo toàn những tinh tấn của mình trên đường tu bằng cách sử dụng những dụng cụ che chở tâm linh thích hợp. Tuy nhiên, điều thiết yếu hơn cả là con phải nhận thức là có những thế lực, kể cả những thế lực trong chính tâm lý của con, sẽ đối đầu và cản trở bước tiến tâm linh của con. Con hãy dùng những dụng cụ được đăng tải ở đây.

Khi con nhận thức được những thế lực đó, con có thể làm theo lời dạy của ta là “trở nên khôn ngoan như rắn nhưng hiền lành như bồ câu”, và đó là nửa đường dẫn đến thành công. Thực tế không thể tránh khỏi là con không thể phòng vệ một cuộc công kích nếu con không biết nó sắp đến. Nhưng ngay sau khi con nhận ra mối đe dọa, con sẽ có thể lập tức tự vệ.

Con không nên để cho lời cảnh báo này làm giảm nhiệt huyết của con trong niềm tự do mới khám phá. Đơn giản, con chỉ cần tỉnh táo, tỉnh thức, và giữ vững cảm giác vui mừng và nhiệt tình của con. Và con cũng nên biết rằng niềm vui mừng ấy không đến từ sự kiện con đã tìm thấy trang mạng này cùng các quyển sách. Những thứ đó chỉ là giáo lý vỏ ngoài, phương tiện vỏ ngoài. Nỗi vui mừng đích thực đến từ thực tế là con giờ đây đã bắt đươc liên lạc ý thức với cái ta Ki-tô cá nhân của con, cũng như với chính ta qua trung gian cái ta Ki-tô đó.

Đây là sự kết nối mà con cần gìn giữ và mở rộng. Chính sự kết nối với vị thày nội tâm mới là chìa khóa cốt yếu để con tăng triển tâm linh và tìm được tự do tâm linh. Con hãy giữ thật chặt sợi dây nối kết này, và đừng để cho bất cứ thế lực nào của thế gian lấy mất nó đi. Đừng để cho bất cứ thế lực nào của thế gian lấy mất vương miện của sự kết nối nội tâm với cái ta Ki-tô của con.

Bước trên đường tu mà không đau khổ

Hỏi: Các chân sư nói đau khổ là không cần thiết, nhưng các chân sư cũng nói là chúng con không nên chờ đợi mọi chuyện sẽ dễ dàng – liệu có sự mâu thuẫn nào ở đây?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Chỉ có thể có mâu thuẫn trong tâm thức nhị nguyên mà thôi. Tâm thức nhị nguyên có khả năng diễn giải bất kỳ câu nói nào trong cách đối nghịch với một câu nói khác. Điều này, tâm đường thẳng vẫn làm và sẽ luôn luôn làm.

Đau khổ không cần thiết vì đau khổ đến từ dính mắc. Cái khiến cho đường tu của con khó khăn là những dính mắc của con. Cho nên theo một nghĩa nào đó – nếu con sẵn sàng buông bỏ mọi dính mắc – con có thể bước trên đường tu mà không đau khổ chút nào.

Khi chúng tôi nói đường tu không dễ dàng và con không nên mong đợi là nó dễ dàng, đó là vì chúng tôi rất thiết thực và đã nhận ra – qua kinh nghiệm bản thân – rằng việc buông bỏ mọi dính mắc cùng một lượt là một chuyện hầu như bất khả. Và do đó, chúng tôi đã phải đi theo một con đường tuần tự. Chúng tôi đã phải bước đi từng bước một, buông bỏ từng dính mắc một, hầu duy trì một cảm giác liên tục nào đó cho bản thân.

Tuy nhiên, những khó khăn trên đường tu xuất phát từ sự kiện con không có khả năng – hay trong một số trường hợp, không sẵn lòng – nhìn thấy những điều mà mình cần nhìn thấy khi mình muốn bỏ một ảo tưởng nào đó. Và chúng tôi biết – một lần nữa qua kinh nghiệm bản thân – rằng việc nhìn thấy những gì mình không thể thấy được là một chuyện khó khăn. Đối với nhiều người trong số các con, khó khăn của con không khác gì chính bản thân ta khi ta còn hiện thân. Khi con còn đầu thai thì con còn ở trong hộp tư duy hiện hữu của con. Con sẽ luôn luôn khó lòng xem xét tình trạng của mình từ bên ngoài chiếc hộp. Và nhân tiện, đây cũng chính là lý do tại sao con cần sự hướng dẫn của những vị thày tâm linh, từ người khác và từ giáo lý tâm linh.

Tuy vậy, con vẫn có khả năng đạt được một trạng thái buông bỏ, và mặc dù trên đường tu có những giai đoạn khó khăn, những khó khăn này vẫn không gây đau khổ cho con. Nói cách khác, cõi vật lý, cõi vật chất, rất dày đặc. Thật không dễ gì để mà bước trên đường tu giữa lớp dày đặc của tâm thức tập thể. Tuy nhiên, một khi con đạt được một trạng thái buông bỏ nào đó, những khó khăn mà con gặp sẽ không tạo đau khổ cho con nữa. Và lý do là vì con đã làm điều mà Mẹ Mary đã đề cập hôm qua, là con đã buông bỏ những chờ đợi, những kỳ vọng, con đã buông bỏ những điều kiện của con.

Có rất nhiều người tìm ra đường tu rồi họ nghĩ rằng để cất bước, họ cần phải làm một số chuyện mà họ xem là hy sinh – vì họ phải từ bỏ một phần nếp sống cũ, một phần những hoạt động cũ mà thế gian thường hay mê đắm, như rượu chè, chất kích thích, những đeo đuổi vật chất đủ loại và nhiều thứ khác nữa lôi kéo mình ra khỏi đường đạo. Cho nên họ vô cùng háo hức, sẵn lòng bỏ lại một số những sinh hoạt đó, nhưng khi làm vậy, họ vẫn cảm thấy là mình đang phải hy sinh. Và tự ngã của họ sẽ lừa gạt họ, khiến họ dựng lên một kỳ vọng tinh tế là một khi họ đã hy sinh cho đường tu hay hy sinh cho Thượng đế, thì sau đó mọi chuyện sẽ phải trơn tru. Và đơn giản là Thượng đế sẽ phải lát đường cho họ đi, để họ không còn phải gặp thêm thử thách hay khó khăn nào nữa.

Điều này, tất nhiên, chính là tự ngã đang tìm cách lừa gạt con người để họ dựng lên một kỳ vọng không thực tế sẽ chắc chắn gây ra thất vọng, và khi đó thì họ sẽ nản chí và ngừng bước tới. Hay thậm chí, có thể là họ sẽ oán giận, như nhiều người đã oán giận là mình bị một tổ chức hay một vị thày hứa hẹn suông. Và tự ngã đánh gạt họ để họ bỏ đường tu.

Khi con buông bỏ mọi điều kiện của con, con không còn kỳ vọng nào nữa là đường tu sẽ phải ra sao. Và do đó, làm thế nào điều gì xảy ra cho con có thể gây đau khổ cho con? Con thấy không, đau khổ được gây ra bởi một điều kiện tâm lý, và điều kiện này khiến con nổi loạn trong cảm thể và trí thể chống lại một trải nghiệm trong thế giới vật lý.

Con sẽ thấy nhiều người gặp phải những khó khăn vật lý to lớn trong đời họ, nhưng họ đã đạt được một trạng thái buông bỏ an bình, đã chấp nhận– cho dù các điều kiện vỏ ngoài có khó khăn đến đâu đi nữa – là họ có thể sống tốt nhất và vẫn vui hưởng cuộc đời. Con hãy nhìn những người bị khuyết tật về thể chất, như phải ngồi xe lăn chẳng hạn. Nhiều người mà phải sống như vậy sẽ vô cùng khổ sở phiền muộn, nhưng lại có một số ít vẫn vươn được lên cao hơn, vẫn vui vẻ an bình giữa hoàn cảnh đó, vẫn chấp nhận và sống tốt nhất.

Cho nên con thấy đó, đau khổ không do điều kiện vỏ ngoài tạo ra, mà do điều kiện tâm lý bên trong khi con nổi loạn, chống đối lại điều kiện vật lý bên ngoài. Và đó là tại sao, như chúng tôi đã nỗ lực giải thích trong mấy ngày qua – qua bài giảng của các thày Patrick, Mẹ Mary và Saint Germain – rằng khi con bước đi trên đường tu, con nên bỏ lại mọi điều kiện vỏ ngoài cùng kỳ vọng là đường tu phải như thế nào. Vì con phải biết trong tư cách là người tâm linh, cõi vật lý này dày đặc, tâm thức tập thể dày đặc đến chừng nào, và do đó con không được chờ đợi nó sẽ dễ dàng, êm thắm.

Tuy nhiên, chắc chắn con cũng không nên rơi vào cực đoan ngược lại mà cho rằng mình phải chịu đựng thì mới là người tâm linh – như thể mình phải đi chân đất leo lên đỉnh núi hầu trả giá cho tội lỗi của mình vì Thượng đế sẽ vui sướng khi thấy mình đau đớn. Và như vậy mình càng đau đớn bao nhiêu thì ngài sẽ càng tha tội cho mình bấy nhiêu.

Một lần nữa, có một con đường Trung đạo. Và khi con tìm ra Trung đạo, con sẽ vượt qua mọi khó khăn và giữ trọn niềm vui. Khi con quyết định gặp gỡ mọi khó khăn trong niềm vui và sẵn lòng thăng vượt, những khó khăn đó sẽ không mấy khó khăn nữa, Chúng sẽ chỉ đơn giản là một số sự kiện trong cõi vật lý. Con sẽ bước vượt qua chúng, vì con có một viễn kiến rõ ràng về mục đích của mình.

Con biết rõ là con muốn đi về đâu, và không còn chuyện nghĩ ngợi là mình sẽ chỉ tới đó được nếu không có trở ngại nào. Con dư biết là sẽ có trở ngại, và con chỉ việc khắc phục, vượt qua, vượt lên trên, bước xuyên qua. Như vậy con sẽ tìm được con đường vui mừng. Nó độc lập khỏi mọi điều kiện vì nỗi vui mừng của con ngập tràn.

Đốn ngộ và tiệm ngộ

Hỏi: Một số vị thày tâm linh, đặc biệt trong số những vị dạy về bất nhị (non-duality), dường như bác bỏ hay thậm chí xem thường nhu cầu bước theo một con đường tu. Các vị đó dựa trên sự kiện là họ đã có chứng ngộ tự phát (spontaneous awakening) hay đốn ngộ, và một số dạy rằng đây là cách duy nhất và không có gì chúng con có thể làm để ngộ đạt. Một số cũng nói là việc duy nhất chúng con cần làm là sống trong giây phút hiện tại. Xin thày chia sẻ cảm nghĩ của thày vì thày thường hay nhắc đến một con đường tu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Nhận xét đầu tiên của ta là không có giáo lý tâm linh nào có thể thích hợp với mọi người. Bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng bắt buộc phải được điều chỉnh để phù hợp với một tầng tâm thức nào đó. Khi con thấy các tầng tâm thức trên địa cầu này trải rộng trên một phạm vi rộng lớn như thế nào, thì thật không thể đưa ra một giáo lý thích hợp cho tất cả mọi người. Khi một vị thày tâm linh làm việc với các chân sư thăng thiên, vị ấy thường có thể đưa ra một giáo lý vượt quá kinh nghiệm riêng của mình. Nhưng khi một vị thày đứng riêng một mình thì giáo lý hầu như sẽ luôn luôn dựa trên kinh nghiệm cá nhân của vị ấy.

Việc này không có gì sai trái, nhưng con phải nhìn nhận là một giáo lý như vậy sẽ hiệu quả đối với những ai ở gần mức tâm thức của thày chứ không hiệu quả đối với người khác. Để ta lấy một ví dụ. Một vị thày có thể đã trải qua một bước đột phá tâm linh tự phát đưa ông lên một trạng thái tâm thức cao hơn. Thế rồi ông giảng dạy dựa trên trải nghiệm này, và nói chung ông bỏ qua nhu cầu phải đi theo một con đường tu tuần tự có hệ thống. Ông cố đưa đệ tử đi vào một trải nghiệm tương tự như trải nghiệm của chính ông, và ông làm vậy bằng cách chia sẻ các sáng ngộ mà ông đã nhận được sau khi đột phá.

Giả định nằm sâu bên dưới là nếu đệ tử nhận được sáng ngộ đúng đắn thì đệ tử cũng sẽ có được đốn ngộ giống như ông đã trải nghiệm. Đúng là điều này có thể xảy ra, nhưng chỉ với những ai đã gần đạt đến mức tâm thức mà ông đã có trước khi ngộ. Thế nhưng tuyệt đại đa số mọi người trên hành tinh này thì chưa đạt đến mức đó, cho nên không có một khối lượng sáng ngộ nào sẽ có thể đánh thức họ dậy một cách “tự phát” được. 

Nhiều vị thày tâm linh đã có một đột phá tự phát và tìm cách truyền đạt nó cho người khác. Một số vị như Krishnamurti chẳng hạn đã đi xa đến mức phủ nhận cả sự cần thiết của một con đường tâm linh lẫn của một vị thày tâm linh, cho dù là thày đang hiện thân hay đã thăng thiên. Tuy nhiên đối với những ai chưa đến gần được trình độ tâm thức của thày, kết quả cũng giống như thể con cầm một viên kẹo ngọt trước mặt một đứa bé trong khi con lại lái xe đi mất.

Hầu hết mọi người sẽ cần đi theo một đường tu tuần tự, có hệ thống, trước khi họ vươn đến một tầng tâm thức nơi họ có thể đột phá. Và điều này đòi hỏi một nỗ lực chuyên cần, bao gồm cả một số kỹ thuật tâm linh như các bài thỉnh, bài nguyện. Nếu họ cứ tin rằng tất cả những gì họ cần là một sáng ngộ đem lại cho họ một đột phá huyền diệu, thì điều này có thể làm chậm đáng kể bước tiến của họ. Con hãy tưởng tượng con đang bị lạc giữa rừng rậm. Bỗng nhiên ở trên cao con nghe thấy có tiếng máy bay trực thăng và có giọng ai đó vọng xuống: “Bạn hãy lên đây thì bạn sẽ thấy được lối ra khỏi khu rừng!” Nhưng nếu trên trực thăng không ném xuống một cái thang để con leo lên từng bước một thì làm thế nào con sẽ lên được tới mức đó?

Ý ta muốn nói là nhiều người gọi trải nghiệm của họ là đốn ngộ nhưng thật ra họ đã theo một con đường tu tuần tự, tiệm ngộ, trong những kiếp trước. Bây giờ họ có thể không còn nhớ, nhưng ở một thời điểm họ đã từng làm công việc này. Cho nên ta khuyên các đệ tử đừng bỏ các dụng cụ tâm linh, đừng bỏ đọc thỉnh đọc chú chẳng hạn.

Nhưng ở đây có một sự phân biện tinh tế mà con cần làm. Theo một nghĩa nào đó, thật là không sai khi bảo rằng con không thể LÀM gì để đạt đến giác ngộ. Bước đột phá chót của con phải xảy ra và sẽ xảy ra một cách tự phát qua một hồng ân được ban phát từ trên. Con không thể ép buộc nó xảy ra cho dù con có làm gì. Đây là tại sao ta thường hay nói đường tu không phải là một con đường vỏ ngoài máy móc và không có sự cứu rỗi nào là tự động hay bảo đảm.

Có thể nói là không có gì con có thể LÀM để đạt giác ngộ, vì điều ngăn cản con giác ngộ chính là cái tâm thức phải LÀM gì đó thay vì chỉ LÀ mà thôi. Tuy nhiên, điều ngăn cản con LÀ lại là sự phối hợp những niềm tin sai lạc với những năng lượng tha hóa được tích tụ trong bốn thể phàm của con. Nếu bỗng chốc có ai lột mất tất cả các niềm tin sai lạc này thì con sẽ phát điên, vì con sẽ không còn biết mình là ai nữa. Đó là vì sao cách duy nhất để tăng triển là bước theo một con đường tuần tự qua đó con biến hóa các năng lượng tha hóa và nhìn thấu các niềm tin bất toàn.

Và khi con làm sạch tâm con cho không còn các năng lượng và niềm tin này nữa, con sẽ giảm bớt từ lực đang cuốn hút con vào cái làm và cái nghĩ. Và điều này sẽ đưa con đến gần hơn với trạng thái mà Thiền gia gọi là “sơ tâm” – và ta thì gọi là trở thành giống như trẻ nhỏ. Thật không khó lắm để thấy được là hầu hết ai ai cũng đều bị vướng kẹt trong những vòng xoáy bất tận của hành động và phản ứng. Tâm thức tập thể này hình thành một cái gì giống như một thỏi nam châm khổng lồ. Con hãy tưởng tượng con đang đi ngang qua một thỏi nam châm to lớn mà trong túi lại có nhiều cục sắt. Nam châm sẽ hút lấy sắt và con sẽ bị cuốn hút theo. Tuy nhiên nếu con tuần tự vứt bỏ những cục sắt này đi thì lực hút kia sẽ giảm dần cho đến khi con có thể bước sát thỏi nam châm mà nó vẫn không thể nắm được gì ở con.

Cho nên có thể nói giác ngộ là trạng thái tự nhiên của tâm. Vấn đề xảy ra là tâm đã bị kẹt vào một mô thức làm và nghĩ, và mô thức này khiến nó luôn luôn bị bận rộn đeo đuổi một mục tiêu mà nó chưa nắm được. Cho nên nếu giác ngộ cũng trở thành một mục tiêu khác mà con cố đạt được bằng cách làm và nghĩ, thì đúng vậy, chính nỗ lực này sẽ kéo con xa khỏi giác ngộ. Tuy nhiên, điều kéo con vào cái làm và cái nghĩ chính là các niềm tin cùng các năng lượng kia. Nếu con vứt bỏ chúng đi, con sẽ dần dần đến gần hơn trạng thái tự nhiên. Và khi tâm đủ sạch không còn nhiều chướng ngại nữa, nó sẽ trở về trạng thái tự nhiên của nó một cách tự phát, không cần chút nỗ lực nào.

Và như vậy con sẽ có một bước đột phá tự phát có vẻ giống như đốn ngộ vậy, và theo một nghĩa nào đó, đó là đốn ngộ. Nhưng nếu con đã không đi theo con đường tiệm ngộ để làm sạch tâm con thì có bao giờ con có được cái ngộ này?

Một số vị thày nói rằng đa số người phương Tây suy nghĩ quá nhiều về quá khứ và tương lai. Tự ngã dùng quá khứ và tương lai để khuynh loát con người, nhưng tự ngã không thể hoạt động trong giây phút hiện tại, cho nên các vị thày khuyên đệ tử tập trung nhiều hơn vào hiện tại. Cách tiếp cận này không có gì sai vì quá nhiều người vẫn mang xu hướng chú tâm quá nhiều vào quá khứ lẫn tương lai. Đây là tại sao ta đã từng nói: “Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày nấy.” (Matthew 6:34)

Ta đồng ý là tự ngã cảm thấy rất khó hoạt động trong giây phút hiện tại, và nếu con thực sự tỉnh thức trong hiện tại vĩnh cửu thì tự ngã sẽ không có chút ảnh hưởng nào trên con. Tuy nhiên, khi bảo đệ tử nên tập trung vào hiện tại thì điều này sẽ chỉ hữu ích cho những ai đã đạt đến một tầng tâm thức nào đó. Con cần một trình độ trưởng thành tâm linh cao để thực sự LÀ trong hiện tại, và cho đến khi con đạt đến mức này thì con sẽ không có khả năng LÀ.

Cho nên khi một đệ tử được dạy là họ phải ở trong hiện tại, kỳ thực họ không thể nào trải nghiệm cái LÀ trong hiện tại. Thay vào đó, họ sẽ hình thành một khái niệm trong lý trí về thế nào là ở trong hiện tại – dựa trên sự hướng dẫn của vị thày thay vì dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ. Và ở đây tự ngã sẽ dư sức khuynh đảo bất kỳ khái niệm tư tưởng nào mà con người tạo ra. Điều này sẽ dễ dàng dẫn một số người bước vào một cách tiếp cận mất quân bình về cái là trong hiện tại. Thật ra khái niệm LÀ trong hiện tại không mới mẻ gì, vì đức Phật đã đầu tiên dạy về khái niệm này, rồi suốt bao nhiêu thế kỷ nhiều người đã đi theo một cách tiếp cận mất quân bình khiến họ rơi vào một trong hai cực đoan:

  • Một số người suy luận, LÀ trong hiện tại có nghĩa là họ có thể làm ngơ quá khứ. Bằng cách đốn ngộ, họ sẽ khắc phục được quá khứ mà không phải đương đầu với nghiệp quả hay các vết thương tâm lý. Cho nên họ bắt đầu tìm kiếm một sáng ngộ thần diệu sẽ làm mọi chuyện giùm họ. Một lần nữa, một sự đột phá có thể xảy ra nếu trong kiếp trước họ đã khắc phục nghiệp chướng cùng các vết thương của họ, nhưng đối với hầu hết mọi người thì không như vậy. Cho nên đối với đa số, việc làm ngơ quá khứ sẽ khiến cho bước tiến của họ bị chậm lại. Họ có thể tiến nhanh hơn rất nhiều nếu họ dùng tất cả các phương tiện có sẵn để giải quyết tâm lý của họ, khắc phục các niềm tin nhị nguyên và thanh tẩy mọi năng lượng tha hóa – tức là nghiệp – từ những kiếp trước.
  • Một số người suy luận là họ có thể ngừng suy nghĩ về tương lai, kể cả việc hoạch định cuộc đời của họ. Một số còn đi xa tới mức cho rằng Thượng đế sẽ chăm lo mọi chuyện một cách mầu nhiệm, và điều này đã khiến một vài người tầm đạo chân thành tự vận qua sự buông xuôi. Đây chính là cái chiêu mà ác quỷ đã sử dụng để cám dỗ ta sau khi ta trở về từ đồng vắng: “Và y nói rằng: Nếu ngươi là Con của Thượng đế thì hãy gieo mình xuống đi. Vì có lời chép rằng: Ngài sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ cho ngươi, để các thiên sứ nâng ngươi lên trong tay, kẻo chân ngươi khỏi vấp phải đá. Giê-su bảo y: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng cám dỗ đức Chúa là Thượng đế của ngươi.” (Matthew 4:6-7)     

Ý ta muốn nói là con nên có một cách tiếp cận cân bằng cho mọi chuyện trong đời. Con hãy biết là tự ngã sẽ luôn luôn tìm cách đẩy con vào cực đoan dù là bên này hay bên kia.

Một điểm chót mà ta muốn trình bày là một số vị thày đưa ra lời dạy về tâm có thể dễ dàng bị người ta ngộ nhận, rằng tâm là kẻ thù của đường tăng triển tâm linh. Quả là không sai khi nói rằng một tâm trí năng động quá mức, đặc biệt một trí thông minh đã nẩy nở sành điệu, có thể là một trở ngại cho sự phát triển tâm linh, vì tâm linh vốn là một tiến trình trực giác nhiều hơn là trí năng. Tuy nhiên, nếu con tin chính tâm con là một kẻ thù thì cách tiếp cận này không xây dựng, vì nó sẽ chỉ khiến con trở thành một căn nhà phân rẽ với chính nó.

Cách nhìn đúng đắn là tâm giống như một căn nhà có đầy tớ phục vụ. Nó chỉ trở thành một kẻ thù nếu chủ nhà không chịu chủ động trong nhà mình. Chủ nhà này chính là con – cụ thể là cái Ta Biết – có nghĩa là con đã hoạch định mình sẽ điều phục phàm ngã của mình bằng cách nhận lấy trách nhiệm trở thành Ki-tô. Khi con tìm được con đường Trung đạo của Ki-tô, con sẽ không để cho tâm con sai khiến con, nhưng đồng thời con cũng không sai khiến tâm con đến độ dập tắt mọi tiềm năng sáng tạo. Thật vậy, nhiều người tâm linh đã sử dụng kỷ luật nghiêm ngặt để kiểm soát tâm mình đến độ họ quên mất là họ đã không đến trái đất để ngồi trong một hang đá thiền quán về Thượng đế, mà để là một người đồng sáng tạo hầu đem lại vương quốc của Thượng đế đến hành tinh này.

Tâm con có tiềm năng trở thành một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ của con, và điều này biến tâm con thành một phần nối dài của tâm Thượng đế. Mọi thứ đều được tạo ra từ tâm thức Thượng đế, có nghĩa là mọi thứ đều được cấu tạo từ tâm của Thượng đế. Cho nên khi tâm con đảm nhận vai trò đích thực của nó như một cá thể của tâm Thượng đế – thay vì như một tâm tách biệt khỏi nguồn cội của nó – thì tâm con cũng trở thành một cỗ xe để thực hiện những gì con đã đến đây để thực hiện, tức là ngự trị trên trái đất.

Ta cũng muốn nói rõ ở đây là ta không bảo con không nên đọc các giáo lý nói trên. Ta chỉ đơn giản xin nói là ta chờ đợi những ai đến thăm trang mạng này sử dụng những sáng ngộ mà họ nhận được ở đây khi họ tìm hiểu, học hỏi bất kỳ loại giáo lý tâm linh nào. Và ta chờ đợi mọi người sẽ gắng hết sức lắng nghe lời dạy của ta về nhu cầu phải quân bình. Nếu con chưa nhận ra là ta thường hay nói về quân bình thì ta khuyên con nên đọc trang mạng này một lần nữa và ghi nhận bao nhiêu lần ta đã nhắc đến quân bình như là yêu cầu quan trọng nhất trong sự phát triển tâm linh chân chính. Ta đặc biệt khuyên con nên đọc hai bài giảng của ta về tự ngã cùng tư duy đen trắng và tư duy xám.

Nếu điều này đã rõ, thật không ai chối cãi là một số vị thày đã trao truyền nhiều sáng ngộ có giá trị về tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Hành giả ở mọi tầng tâm thức đều có thể được lợi lạc từ những sáng ngộ đó, nhưng con cần thực tế và đừng bỏ rơi con đường tăng triển tâm linh tuần tự để chạy theo một sáng ngộ thần diệu nào đó sẽ bỗng chốc biến con thành một sinh thể giác ngộ. Điều tốt hơn hẳn là con nên tiếp tục tu tập có phương pháp, rồi để yên cho cái ngộ tự phát xảy ra – một cách tự nhiên. Việc tìm cách chiếm đoạt thiên đường bằng vũ lực chưa bao giờ đưa bất cứ ai ra khỏi tầm tay của tự ngã.

Lòng biết ơn giúp con nhận ra vật chất không sai khiến được tánh linh

Hỏi: Xin thày nhắc nhở chúng con tại sao lòng biết ơn lại quan trọng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Con vừa được nhắc nhở rồi đó, con yêu dấu!

Không có cách nào khác hơn là cá nhân con lấy quyết định một cách ý thức là con sẽ tự nhắc nhở mình về sức mạnh của lòng biết ơn. Để làm vậy, con sẽ phải quyết định phương cách thích hợp nhất để cá nhân con tự nhắc nhở mình. Liệu con sẽ có một thiết bị nào đó để giúp con nhớ? Liệu con sẽ quyết định là mỗi ngày con sẽ tự nhủ một lời khẳng định ngắn gọn về lòng biết ơn? Liệu con sẽ suy ngẫm về một đoạn của bài truyền đọc hay về Bài nguyện Tràng hạt Biết ơn [ROS03 Mother Mary’s Miracle Gratitude Rosary]? Hay liệu con sẽ đọc bài nguyện đó đều đặn?

Tất nhiên, điều quan trọng là con tự nhắc nhở về quyền năng của lòng biết ơn vì như con biết, vũ trụ là một tấm gương được thiết kế để cho con bất kỳ trải nghiệm nào mà con mong muốn. Cho nên nếu con không biết ơn, điều này chỉ có nghĩa là con cảm thấy thiếu thốn, con cảm thấy mình không có đủ – và do đó con không có lý do gì để mà biết ơn.

Vì vậy, đâu là thông điệp tiềm thức mà con đang gửi vào tấm gương vũ trụ? Thông điệp đó là: “Tôi muốn trải nghiệm sự thiếu thốn, tôi muốn trải nghiệm là tôi không đủ, hầu tôi có lý do để cảm thấy vô ơn vì tôi muốn cảm thấy vô ơn. Cho nên hãy cho tôi một lý do vỏ ngoài để tôi cảm thấy vô ơn.” Và vũ trụ trả lời: “Được rồi, con yêu dấu, nếu đó là điều con thực sự mong muốn, hợp đồng của ta ghi rõ là ta có bổn phận cho con những gì con bảo là con muốn.”

Và tất nhiên, khi con đổi ý định và quyết định là con muốn nắm lấy quyền chỉ huy cảm xúc của mình, chỉ huy thế giới cảm xúc, và con cho phép mình cảm thấy biết ơn, thì… BẤY GIỜ thông điệp con đang gửi vào tấm gương sẽ là gì? Đó là thông điệp nói rằng con cảm thấy mình quá đầy đủ – hay ít ra là con cảm thấy biết ơn về tất cả những gì con đang có – cho nên kỳ thực con đang gửi ra thông điệp nói rằng “Con muốn trải nghiệm cảm giác biết ơn, cảm giác càng ngày càng có nhiều hơn nữa.”

Thế là vũ trụ sẽ trả lời: “Ồ con yêu dấu, rốt cuộc con cho phép ta làm tròn tiềm năng cao nhất của ta là ban cho con cuộc sống dồi dào, cho nên nhất định ta sẽ cho con nhiều hơn những gì con đang có. Và vì con cảm thấy biết ơn hơn nữa về những gì con đang có, ta có thể cho con nhiều hơn nữa – bởi vì quả thực, ta có khả năng nhân lên gấp bội những vốn liếng, những ta-lăng, mà chính con đã nhân lên, con yêu dấu.”

Cho nên con thấy đó, cốt lõi của cuộc sống là nhận ra vũ trụ là một tấm gương và đường tu là sự khắc phục ảo tưởng cho rằng thế giới vật chất có quyền lực trên con như một sinh thể tâm linh. Bởi vì khi một người cho phép mình tin rằng mình không có đủ trong thế giới vật chất, thì người đó tin gì? Chẳng phải là người đó tin rằng hoàn cảnh vật chất có quyền lực trên cảm xúc của họ hay sao? Và do đó họ nói: “Tôi không thể cảm thấy biết ơn khi tôi không có cái này hay cái kia, tôi không có điều kiện vật chất này hay điều kiện nọ.” Và như vậy họ cũng bảo rằng thế giới vật chất, thế giới bên ngoài, đang có quyền năng trên thế giới bên trong, tức là tâm lý, cảm thể của họ.

Thế nhưng đường tu tâm linh là sự khắc phục ảo tưởng đó, khi con nhận ra rằng cảm xúc phải nằm dưới quyền điều khiển có ý thức của trí thể, và trí thể phải nằm dưới quyền điều khiển có ý thức của bản sắc thể, hầu con ngộ ra mình là một sinh thể tâm linh. Và do đó, con cho phép bản sắc đó chỉ huy trí thể, chỉ huy các ý tưởng của con, để con nhận ra là con có khả năng cảm được bất cứ gì con muốn cảm thấy – cho dù các điều kiện vật lý mà con đang đối mặt có là gì.

Cho nên con có quyền năng – nếu con có ý chí đó – để nắm quyền chỉ huy thế giới cảm xúc của con và cảm thấy biết ơn, bất kể những gì con có hay không có trong thế giới vật chất. Và thế giới vật chất này được thiết kế để là đầy tớ cho thế giới tâm linh, là sự trải bày của thế giới tâm linh, hầu nó thực hiện được câu: “Ở Trên thế nào, ở dưới thế nấy.” Và như vậy cuộc sống dồi dào mới có thể được thị hiện trên địa cầu cũng như trong đời sống cá nhân của con, con yêu dấu.

Phản ứng thế nào khi tu tập tâm linh không đem lại kết quả vật lý mong muốn?

Hỏi: Trong suốt lịch sử, nhiều người có đạo và hành giả tầm đạo đã từng cầu nguyện, đọc bài chú hay thỉnh cầu tràng hạt để đem lại những thay đổi vật lý cụ thể trên địa cầu hay trong xã hội. Trong nhiều trường hợp, những thay đổi này đã không xảy ra. Làm thế nào chúng con có thể tránh được tâm trạng nản chí, vì cá nhân con có quen biết một số người đã bỏ cuộc khi Thượng đế không ban cho họ những gì họ cầu nguyện? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 8/12/2007.

Các học trò yêu dấu của ta cùng mọi người đã đọc những bài nguyện tràng hạt của ta để đem lại thay đổi trên thế giới, hãy đừng rơi vào sự cám dỗ luôn luôn có mặt mà trở nên chán nản vì con đã không nhìn thấy kết quả cụ thể của công việc tâm linh của con. Hãy luôn luôn nhớ rằng các con đang làm công việc TÂM LINH, và vì thế, con có thể thấy hay không thấy những kết quả trong cõi vật lý, hoặc con có thể không thấy kết quả nhanh chóng như con mong đợi. 

Tại sao vậy? Trước hết vì Luật Tự quyết. Nếu chỉ cần một số ít người đọc bài nguyện tràng hạt để “bắt buộc” hàng trăm triệu người khác phải hành xử một cách nào đó, thì các con đã kiểm soát được số người to lớn kia rồi, và điều này đã vi phạm Luật Tự quyết. Học trò của chân sư thăng thiên tuyệt đối tôn trọng quyền tự quyết và KHÔNG BAO GIỜ tìm cách ép buộc người khác. Chỉ có những kẻ theo hàng ngũ phản-Ki-tô – cho dù họ có biết hay không biết – mới tìm cách cưỡng ép người khác qua công việc tâm linh.

Không có gì ban ra cho địa cầu này mà không thể bị lạm dụng bởi những người bị mù quáng bởi tâm thức nhị nguyên. Ta đã nỗ lực rất nhiều để khiến cho việc lạm dụng những bài nguyện tràng hạt của ta vô cùng khó khăn, nhưng người ta vẫn lạm đụng được dù với ý định tốt đẹp nhất. Nếu con đọc bài nguyện với tâm bám mắc của tự ngã để đạt được một số kết quả nhất định, con sẽ gửi một xung lượng nhị nguyên của sợ hãi vào tâm thức tập thể, và đây là một hình thức tà thuật nhằm bắt ép người khác.

Con hãy lưu ý, ngay cả khi con tìm cách ép buộc người khác phải làm những điều có vẻ lợi lộc cho họ, con vẫn đang làm chuyện tà thuật vì con đang vi phạm Luật Tự quyết. Tà thuật là bất kỳ hoạt động nào sử dụng sức mạnh tâm linh để ảnh hưởng hay lật ngược quyền tự quyết của người khác – ngay cả khi thực hiện với ý định có vẻ nhân từ. Con thấy đấy, mục đích của hành tinh địa cầu là một phòng học vũ trụ – KHÔNG PHẢI để sản xuất ra những kết quả vật lý nhất định. Mọi thứ đều tùy thuộc vào con người sử dụng quyền tự quyết của mình, và điều mà Thượng đế muốn thấy là con người sẽ học hỏi, ngay cả khi họ phải học qua sự trải nghiệm hậu quả đau đớn do chọn lựa của họ. 

Ta không có ý nói là những ai đọc bài nguyện tràng hạt của ta đều đang làm trò ma thuật – ta chỉ muốn nhấn mạnh một điểm. Sự thật là mọi người tâm linh đều phải đối mặt với thử thách mình sẽ phản ứng thế nào khi mình không đạt được kết quả mong muốn trong công việc tâm linh. Có hai cám dỗ chính. Một là dùng sức mạnh tâm linh để ảnh hưởng người khác, và điều này là tà thuật. Hầu hết mọi người tâm linh đều không dùng tà thuật, nhưng nhiều người sẽ rất dễ rơi vào cám dỗ thứ hai sau đây, là trở nên chán nản khi không nhìn thấy kết quả cụ thể từ công việc tâm linh của mình. Đây hiển nhiên là trường hợp của nhiều tín đồ các tôn giáo truyền thống, những người cầu nguyện Thượng đế để đời sống mình thay đổi nhưng mình lại không sẵn lòng, hay không có khả năng, thay đổi tâm thức mình – như ta đã giải thích trong sách của ta.         

Con cần nhìn nhận rằng mọi công việc tâm linh chân chính là một mối đe doạ cho các tà lực. Tuyến phòng thủ đầu tiên của chúng là ngăn cản con tham gia vào việc tâm linh. Khi không thành công, tuyến phòng thủ thứ hai của chúng là gây chán nản trong lòng con để con buông xuôi không cố tạo sự thay đổi, đặc biệt những thay đổi trên tầm vóc thế giới. 

Để làm điều này, chúng chỉ cần sử dụng chính cái tâm lý đã khiến con quyết định tham gia vào việc tâm linh. Con thấy đó, người tâm linh biết rõ là có những điều không ổn trên hành tinh và họ thấy nhu cầu phải làm việc tâm linh để cải thiện tình thế. Thật là điều tự nhiên khi những người ở một mức tâm thức nào đó tham gia vào việc tâm linh vì họ muốn đóng góp đem lại thay đổi tích cực cho thế giới. Đây chính là động cơ – nếu có thể nói như vậy – thúc đẩy những người đó đã hy sinh thời gian của mình để cầu nguyện, lần tràng hạt hay sử dụng một số kỹ thuật khác.

Con cần lưu ý, điều này không có gì sai trái – ở một mức nào đó trên con đường tâm linh. Tuy nhiên, điều không tránh được là khi con bước vào tiến trình, con sẽ phải đối mặt với cám dỗ của chán nản. Con càng bám mắc vào những kết quả cụ thể trong cõi vật lý bao nhiêu thì cám dỗ sẽ càng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều học trò chân thành đã đảo lộn cuộc sống mình và nỗ lực lớn lao để đem lại một thay đổi nhất định trong đời mình hay, trên một bình diện rộng lớn hơn, cho quốc gia hay cho toàn cầu. Và khi sự thay đổi mong muốn không thành hình vào ngày dự kiến, họ bắt đầu lắng nghe kẻ cám dỗ, kẻ luôn luôn ở đó tìm cách lợi dụng tình thế để khiến họ uống ly thuốc độc của chán nản – là một loại rung động rất đặc thù sẽ sinh sôi một cách hung hãn trong trường năng lượng của họ một khi họ mở cửa cho nó vào.     

Nhưng cũng có một số người sẽ cưỡng lại được cám dỗ, và họ sẽ tiếp tục công việc tâm linh suốt mấy chục năm trời và có khi cả đời. Tuy nhiên, ta không cho đây là cách phản ứng hay nhất. Vì con thấy đó, nhiều người sẽ vẫn tiếp tục đeo đuổi một số thay đổi vỏ ngoài nhất định – giống như là họ cứ đẩy nó tiếp về phía trước như con lừa đẩy củ cà-rốt treo lủng lẳng trước mũi nó. 

Vậy đâu là cách phản ứng mà ta đang cố giúp con thấy được? Đó là con phải nhận ra là đường tu tâm linh có nhiều giai đoạn, và những gì phù hợp với một giai đọan sẽ không phù hợp với một giai đoạn cao hơn. Khi con lần đầu tiên nhận thức nhu cầu làm việc tâm linh, thật là điều tự nhiên nếu con bị thúc đẩy bởi mong muốn đóng góp đem lại những thay đổi vật lý. Nhưng một khi con đã trưởng thành hơn trên đường tu, con cần phải xét lại động cơ của mình và bước lên một động cơ cao hơn. Như Albert Einstein có nói, thật là điên rồ nếu con cứ tiếp tục làm một điều gì đó mà lại kỳ vọng một kết quả khác hơn. 

Sau một thời gian làm việc tâm linh – mà chiều dài tùy theo từng người – với động lực muốn giúp thay đổi cụ thể trong cõi vật lý, con cần xét lại cách tiếp cận của con và bước lên một động lực cao hơn. Động lực đó là con phải ngừng tập trung vào những kết quả bên ngoài mà nhận ra rằng bất cứ thay đổi nào trong cõi vật lý cũng PHẢI bắt đầu với một sự thay đổi trong ba cõi cao của tâm con hay của vũ trụ. Cho nên cách thật sự để thay đổi vật lý là đầu tiên con phải làm việc để thay đổi tâm thức con người.

Khi con ngộ ra điều này, con hiểu ra là địa cầu là một phòng học vũ trụ. Ở đây, tiến trình học hỏi không bao giờ ngừng lại vì các dòng sống trên hành tinh ở nhiều tầng tâm thức khác nhau. Điều này dẫn đến hai kết luận quan trọng. Một là việc làm tâm linh của con không bao giờ kết thúc, vì luôn luôn có khả năng tâm thức tập thể lẫn cá nhân đã tăng trưởng. Và hai là công việc tâm linh của con sẽ không bao giờ uổng phí.

Bởi vì, cho dù con không thấy một thay đổi nhất định trong cõi vật lý, SẼ có một thay đổi xảy ra trong các cõi cao của vũ trụ vật chất. Công việc tâm linh của con SẼ mang lại kết quả tích cực trong các cõi bản sắc, lý trí và cảm xúc và biến hóa tâm thức tập thể. Người ta SẼ dễ dàng hơn có được những chọn lựa tốt đẹp hơn trong tâm ý thức, và chính những chọn lựa này bởi tâm ý thức sẽ định đoạt điều gì sẽ thị hiện ra trong vật lý và khi nào nó thị hiện.

Nói cách khác, con không thể kiểm soát, và không nên có bất kỳ ý định nào để kiểm soát những chọn lựa của người khác. Vì vậy con không thể có bám mắc vào những thay đổi vật lý vì con để đó cho mọi người chọn lựa. Con thấy rõ là vai trò của con là làm nhẹ bớt tâm thức hành tinh hầu mọi người có nền tảng để chọn lựa tốt hơn. Và một khi con làm điều đó, con hãy để mặc phần còn lại cho sự tự quyết.

Điều này cũng có nghĩa là con ngừng định ra một thời điểm nhất định mà thay đổi phải xảy đến, vì con hiểu là ngày giờ cũng tùy thuộc vào quyền tự quyết của người khác. Mọi người không ở cùng mức tâm thức với con, cho nên những thay đổi hiển nhiên đối với con có thể hoàn toàn vô hình cho người ở tâm thức thấp hơn. Tuy nhiên con biết chắc là nếu con cứ tiếp tục làm việc tâm linh, nếu con cứ làm nhẹ gánh tâm thức tập thể, sẽ chỉ là một vấn đề thời gian khi một sự khai ngộ xảy đến trong tâm ý thức của một túc số cần thiết những con người trên hành tinh.  

Con có thấy điều ta nói? Công việc tâm linh KHÔNG BAO GIỜ bị uổng phí! Sẽ chì là một vấn đề thời gian trước khi túc số đó sẽ đạt được và con sẽ thấy được kết quả trong cõi vật lý – nhưng chính xác sẽ bao lâu nữa thì đây là một phương trình thật phức tạp vì nó hoàn toàn tùy thuộc vào cách con người sử dụng quyền tự quyết của mình.

Cho nên khi con làm bất kỳ công việc tâm linh nào, con luôn phải nhớ rằng con KHÔNG tìm cách ép buộc bất cứ ai chọn lựa, mà con chỉ tìm cách CHO HỌ MỘT NỀN TẢNG ĐỂ HỌ CHỌN LỰA TỐT HƠN bằng cách họ nâng cao tâm thức và sự nhận thức về một số vấn đề đặc thù.

Vì vậy, mặc dù nhiều bài nguyện tràng hạt có đề cập đến một số vấn đề cụ thể và những thay đổi cần thiết, con cần nhớ rõ là con KHÔNG tìm cách “ép buộc” người khác phải thực hịên thay đổi. Con đang nói chuyện với tâm thức tập thể lẫn cá nhân để nâng cao nhận thức của mọi người hầu họ thấy được những gì họ không thể thấy được hiện thời, rồi họ chọn lựa theo sự hiểu biết cao nhất của họ. 

Chúng tôi, các chân sư, KHÔNG tìm cách cưỡng ép sự thay đổi trên nhân loại – chúng tôi để chuyện đó cho các thế lực phản-Ki-tô. Chúng tôi tìm cách giúp nhân loại chọn lựa tốt hơn, giúp họ thay đổi khi chính họ đã thực sự hiểu được quyền lợi của họ một cách sáng suốt. Nhưng để chuyển đổi cái nhìn như vậy, con cần vượt khỏi hình ảnh một Thượng đế nóng giận mà các tôn giáo truyền thống đã vẽ lên – bởi vì loại thượng đế này thật sự đang tìm cách ép uổng con người thay đổi.

Khi con nhìn ngược lại lịch sử, con sẽ thấy các thay đổi tích cực đã đến chính vì một túc số nhân loại đã thay đổi tâm thức và bắt đầu hành xử theo cách hiểu mới. Đó là lý do tại sao người ta không còn tin là địa cầu này bằng phẳng, và con sẽ thấy là CÓ một chiều hướng tổng quát hướng thượng, là dấu hiệu rõ ràng tâm thức nhân loại đang nở rộng.

Tất nhiên, con cũng thấy một số giai đoạn ngưng trệ hay thậm chí lùi bước. Nhưng khi con vươn lên động lực cao hơn, con thấy được là ngay cả những giai đoạn này cũng chỉ đơn giản là bước đệm cho những bước đột phá mở mang hiểu biết.

Hình ảnh ta muốn trao cho con ở đây là như sau: sự kiện con có niệm tinh khôi KHÔNG có nghĩa là con có viễn quan về một kết quả vật lý nhất định và nếu kết quả không thành thì con nghĩ ngay là có điều gì khổng ổn – và con đánh rơi viễn quan. Cầm giữ niệm tinh khôi có nghĩa là con sẽ giữ viễn quan là chiều hướng đi lên vẫn tiếp diễn bất kể điều gì xảy ra trong ngắn hạn. Bởi vì dáng vẻ vật lý chỉ là hệ quả của những nguyên nhân ở ba tầng cao của vũ trụ cũng như ở cõi tâm linh.    

Nó giống như một làn sóng hình sin, thăng trầm lúc cao lúc thấp, chỉ khác là thay vì cứ chạy ngang như hình sin, làn sóng tâm thức đi lên cái dốc. Mặc dù có những lúc suy yếu tạm thời nhưng hướng chung vẫn là đi lên. Tương tự như vậy, mặc dù hoàn cảnh thế giới có thăng có trầm, nhưng cử động chung là trong chiều hướng đi lên, bởi vì chính Dòng sông của Sự sống luôn tiến lên cao hơn, và không một thế lực nào trên địa cầu sẽ đủ mạnh để ngăn chặn lại.      

Trong phần chót cuốn sách của thày Maitreya (Master Keys to Spiritual Freedom) có một lời dạy vô cùng quan trọng về nhu cầu phải tách rời công việc tâm linh khỏi lòng mong muốn thấy kết quả cụ thể, và tại sao đây là cái bẫy thật nguy hiểm cho những người trưởng thành tâm linh hơn. Đó là một lời giải thích rất bao quát mà ta sẽ không lặp lại ở đây, và ta sẽ chỉ khuyên tất cả các học trò trưởng thành tâm linh hãy học tập sách này và cố gắng nhập tâm bài học.  

Bởi vì, con yêu dấu, khi con mới bước đi trên đường tâm linh, con vẫn nhìn phat triển tâm linh qua phin lọc của nhị nguyên. Trong con vẫn còn sự sợ hãi, khiến con sợ cây gậy và ham củ cà-rốt. Con làm việc tâm linh để trốn tránh địa ngục hay để ngăn chặn thảm họa cho hành tinh. Hoặc con làm việc tâm linh để nhận được phần thưởng cá nhân hay phần thưởng của một hành tinh địa đàng. Khi con tiến xa hơn, con cần vượt lên trên động lực nhị nguyên đó và ôm lấy động lực cao hơn, tức là mọi điều con làm đều phát xuất từ mong muốn thể hiện bản sắc tâm linh của con – con để cho mặt trời tâm linh của con tỏa chiếu vào thế giới vật chất. Con chuyển từ một động lực sợ hãi sang động lực tình thương, là tình thương toàn hào đánh bay mọi sợ hãi.   

Rồi sẽ tới một điểm khi con không còn làm việc tâm linh với kỳ vọng nhìn thấy kết quả cụ thể nữa. Con làm vì đó là sự thể hiện con người của con. Sự thay đổi thái độ này – bước ra ngoài nhị nguyên và bước vào bất nhị – được mô tả thật rõ ràng và ngắn gọn trong cuốn sách mới, “Nghệ thuật bất chiến” (The Art of Non-war).

Ở dưới, hãy là tất cả những gì ở Trên. Đây là điều tất nhiên sẽ đem lại những thay đổi to lớn nhất, bởi vì bây giờ con nhận ra là không phải cái ngã vỏ ngoài của con đang làm việc, mà là Cha của con ở trong con – cái ta tâm linh – đang làm việc qua trung gian con. Ngã ý thức của con bây giờ thấy nó là một phần nối dài của Thượng đế, như Giê-su từng bày tỏ, “Cho đến nay Cha ta làm việc và ta làm việc.” Và đây là bước tiến mà các học trò ở Nga cũng như ở mọi nơi khác có thể làm để đưa công việc phụng sự của mình lên một mức cao hơn gấp bội.