Cách con nhìn vật sẽ đồng sáng tạo vật đó

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 14/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain và cho bài học thứ năm này, chúng ta sẽ giáp mặt với Tia thứ Năm của Viễn quan. Con yêu dấu, viễn quan không như người ta thường nghĩ, không như con từng hiểu khi con lớn lên trong thế giới hiện đại. Hình ảnh mà con đã nhận được từ tuổi thơ ấu bảo viễn quan là một cái gì thụ động. Có một vật nào đó hiện hữu khách quan ở ngoài kia, rồi có một cái gọi là ánh sáng đập vào nó, ánh sáng dội ngược lại trên nó, đi vào võng mạc mắt con nơi ánh sáng được chuyển thành một tấm hình mà não bộ của con nhìn thấy và xử lý.

12.1. Viễn quan thay đổi với thời gian

Các thày ta đã có nói, đây là một ảo tưởng vì thị giác không hề thụ động. Sa nhân muốn con nghĩ là nó thụ động, và đó là tại sao chúng đã thành công khiến cho tất cả mọi xã hội trên địa cầu dạy dỗ trẻ em ảo tưởng về tính thụ động của thị giác.

Nhưng như các thày đã đề cập, viễn quan là một cái gì chủ động. Chúng ta cần bàn nhiều hơn về lý do tại sao viễn quan lại chủ động và nó vận hành ra sao, và điều này liên quan tới những danh sách mà thày đã yêu cầu con lập ra trong bài giảng trước. Thày đã xin con lập ra một danh sách những thứ tuyệt đối không thể nào thay đổi được. Về từ ngữ được sử dụng ở đây, thật sự thày đã chơi một mẹo nhỏ với con khi thày bảo là thày muốn con lập danh sách một số “thứ” tuyệt đổi không thể thay đổi được, hay ít nhất không một quyền năng nào trên địa cầu có thể thay đổi được. Thày đã nói trước đó là các Elohim đã quy định và thiết lập một khuôn đúc nhất định cho trái đất và không có một quyền năng nào trên địa cầu, ngay cả toàn bộ tâm thức tập thể cũng không thể nào thay đổi được. Do đó, đúng là những thứ tuyệt đổi không thể thay đổi.

12.2. Công nghệ thay đổi viễn quan

Và tất nhiên, con đã lớn lên trong một thế giợi có rất nhiều công nghệ. Điều này dẫn chúng ta đến danh sách thứ nhì gồm những thứ có thể được thay đổi nhưng chỉ bằng những phương tiện vật lý, công nghệ hay bằng lao động vật lý. Hiển nhiên trong những thập niên vừa qua, công nghệ (do đã nhận được cảm hứng chủ yếu từ thày cũng như từ các chân sư thăng thiên khác) thật sự đã có một số khám phá thách thức những quan điểm trước đây về cuộc sống. Có những thứ mà một trăm năm về trước người ta bảo là tuyệt đối không thể nào thay đổi, nhưng giờ đây con biết rõ là chúng có thể được thay đổi.

Hạt nguyên tử có thể bị đập vỡ, và chính những hòn gạch xây dựng vật chất đó – như trước đây người ta vẫn tưởng – có thể bị đập vỡ. Đã có một thời người ta tuyệt đối bác bỏ đó là chuyện khả dĩ. Con thấy đã có sự chuyển đổi nào đó do công nghệ, và những gì không thể xảy ra cách đây chỉ vài chục năm, giờ đây trở thành khả dĩ. Tất nhiên một cách chung chung, con người đã chưa điều chỉnh được cái nhìn của mình về cuộc sống dựa theo các khám phá đó, vậy thày cần con bắt đầu điều chỉnh cái nhìn của con về cuộc sống. Thày cần con nhận chân ra công nghệ thực sự là gì. Tại sao – một lần nữa chúng ta sẽ dùng ví dụ này – tại sao nền công nghệ thời nay có khả năng đập vỡ nguyên tử? Thậm chí, tại sao con lại có một nền công nghệ có thể đập vỡ cả những hạt hạ nguyên tử thành những mảnh nhỏ hơn nữa? Đó là vì ngày nay con có sự hiểu biết không có mặt vào thời trước.

Trước khi thuyết tương đối của Albert Einstein ra đời vào năm 1905, loài người không có hiểu biết gì, ngay cả trong lý thuyết, về khả năng đập vỡ nguyên tử. Đó là vì vào thời đó, các nhà khoa học còn mang một cái nhìn nhị nguyên về thế giới, qua đó họ thấy một rào cản tuyệt đối giữa vật chất và năng lượng. Thế giới được cấu tạo bởi hai thành phần tách biệt, và cái này không thể biến hóa thành cái kia. Rồi Einstein tìm ra thuyết tương đối và ngộ ra là mọi vật chất thật sự chỉ là một dạng của năng lượng. Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì thày đã nói với con trước đây. Con cần bắt đầu nhìn ra là đằng sau mọi hình tướng mà mắt người có thể trông thấy, có một năng lượng thuần khiết. Có một mô hình phức tạp những sóng năng lượng, những tín hiệu bật-tắt, những mô thức giao thoa giữa các năng lượng. Đó chính là thực tại thâm sâu hơn.

12.3. Nhìn thấy tất cả là lỏng

Lý do điểm này quan trọng là một khi con nhìn thấy một thực tại năng lượng bên dưới tầm mức vật chất (hoặc tầm mức đồ vật vĩ mô), con sẽ nhận ra tầm mức năng lượng này là lỏng. Khi con nhìn một hiện tượng vật lý nào đó, chẳng hạn đỉnh Everest hay bất kỳ ngọn núi nào mà con đã chiêm ngưỡng, con nhìn vào khối đá khổng lồ đó và con nghĩ nó vượt khỏi mọi khả năng thay đổi. Nó rắn đặc, nó to lớn khủng khiếp. Nhưng khi con nhìn vượt khỏi tầm mức vật lý, tầm mức đồ vật vĩ mô, con sẽ thấy thực tại thâm sâu hơn, và ngay cả ngọn núi rắn chắc kia cũng được tạo bằng năng lượng đang rung động, và năng lượng thì lỏng hơn vật chất rất nhiều. Ít nhất trên lý thuyết, có một khả năng thay đổi cho năng lượng cấu tạo ngọn núi đó. Tất nhiên, nếu năng lượng thay đổi thì vật chất cũng sẽ phải thay đổi theo. Điều mà Einstein đã làm là thay đổi quan điểm truyền thống, quan điểm vật lý cổ điển, về nhân và quả.

Tiếc thay, đó là điều mà các nhà khoa học nói chung đã không sẵn lòng thừa nhận. Về bề nổi, họ đã không sẵn lòng thừa nhận vì họ không muốn từ bỏ chủ nghĩa duy vật, họ không muốn nhìn thấy một mối liên hệ giữa vật chất và tâm. Ở mức sâu hơn, thực tế là họ bị đui mù bởi các sa nhân đã xâm nhập vào các giới quyền chức khoa học y như chúng đã từng chi phối Giáo hội Công giáo vào thời Trung cổ (nhưng đây chỉ là một vấn đề bên lề vì thật sự thày không muốn bước vào một cuộc tranh luận chính trị ở đây).

12.4. Xem năng lượng là nguyên nhân và vật chất là kết quả

Điều thày muốn chỉ ra cho con là trong quan điểm vật lý cổ điển về thực tại, có một cái được xem là nguyên nhân và một cái được xem là kết quả. Nói cách khác, nếu có một trái banh bi-da di chuyển trên bàn bi-da, đó là một hành động vật lý. Trái banh là một vật vật lý đang di chuyển trong một không gian vật lý, và phải có một nguyên nhân vật lý, cụ thể ở đây là một cây gậy đập vào trái banh khiến nó chuyển động. Đây là cách mà người ta quan niệm nhân và quả trong vật lý cổ điển – một nguyên nhân vật lý phải có một kết quả vật lý.

Einstein đã phá vỡ cách nhìn trên – nếu người ta chịu để cho nó bị phá vỡ trong tâm họ. Ông làm được vậy là vì trên cơ bản, ông nói rằng vật chất, và mọi hiện tượng vật chất, đều là kết quả. Trong quan điểm của Einstein, chúng là kết quả của một nguyên nhân mà mắt không nhìn thấy gọi là năng lượng. Chúng ta có thể đi xa hơn vậy nhưng dù sao thì trong nhãn quan của Einstein, nguyên nhân sâu xa của mọi hiện tượng vật chất là năng lượng, là thế giới năng lượng. Con vẫn có thể bảo là có một đồ vật vật lý gọi là trái banh bi-da và có một cây gậy vật lý đập vào banh, nhưng lý do những vật vật lý đó có thể hiện hữu là vì có một nguyên nhân nằm bên dưới, là năng lượng lỏng đang rung động.

Mọi vật vật lý rắn đặc hiện hữu như là kết quả của một nguyên nhân nằm bên dưới là năng lượng lỏng. Điểm này quan trọng, con cần ghi nhớ. Nhưng chúng ta sẽ đi xa hơn nữa. Lý do khiến cho các nhà khoa học (hay ít ra các nhà khoa học duy vật) không muốn công nhận các thuyết của Einstein hay hệ quả của ngành vật lý lượng tử là vì họ không muốn từ bỏ giấc mộng khách quan. Do ảnh hưởng của sa nhân, họ đã định nghĩa giấc mộng khách quan là sự quan sát không bị ảnh hưởng bởi tâm của nhà khoa học đang quan sát.

Chuyện này trở ngược về một thời điểm khi người ta tìm cách tách rời khoa học khỏi Giáo hội Công giáo và mô tả mọi tôn giáo là chủ quan. Hay nói cách khác, mọi trải nghiệm của tâm đều là chủ quan, và do đó phải loại bỏ tâm ra khỏi khoa học. Điều mà các nhà khoa học hay nhà duy vật không nhìn nhận là tất nhiên, họ không thể làm được chuyện đó, bởi vì cho dù con có làm gì đi nữa thì con cũng phải cần đến tâm. Nếu con thực sự muốn khách quan thì chuyện xây dựng hơn nhiều là con hãy tìm hiểu xem tâm ảnh hưởng đến sự quan sát như thế nào – hay ngay cả tìm hiểu xem tâm ảnh hưởng những quan sát nào mà con chọn lựa, con chọn lựa chúng như thế nào, và sau đó con chọn cách diễn giải như thế nào. Nếu làm vậy thì hiển nhiên con sẽ tìm ra là không có gì có thể gọi là một quan sát khoa học khách quan.

Một quan sát không có nghĩa lý gì trừ phi nó được diễn giải, nghĩa là nó được đặt vào một bối cảnh rộng lớn hơn. Bối cảnh mà các nhà duy vật đã tạo ra vô cùng chủ quan, bởi vì họ chỉ muốn tìm diễn giải trong vũ trụ vật chất. Đó không phải là một thế giới quan khách quan mà họ đã tạo dựng. Nó cũng chủ quan y như thế giới quan thời Trung cổ mà Giáo hội Công giáo đã tạo dựng. Và điều này, họ sẽ không chịu nhìn nhận.

12.5. Chấp nhận là con có một cái nhìn chủ quan

Điều chúng ta cần làm ở đây là nhìn nhận một chuyện thật giản dị. Con là một đệ tử tâm linh. Con đang ở một tầng tâm thức nào đó. Như các thày đã giải thích, con đang nhìn cuộc sống qua một phin lọc gồm có một số ảo tưởng. Do đó cho dù các nhà khoa học có tin gì đi nữa, con vẫn có thể xác định trong tâm ý thức rằng con chấp nhận cách mình nhìn cuộc sống là hoàn toàn chủ quan. Cách nhìn này là sản phẩm của những ảo tưởng mà con vẫn mang và chưa gỡ bỏ được.

Trong cương vị một đệ tử tâm linh và một cá nhân, con không cần tìm kiếm một sự khách quan nào đó. Thày cũng biết là trong con có một cái ngã mong muốn rải truyền các niềm tin và sự hiểu biết tâm linh của mình để khiến cho người khác chấp nhận. Chúng ta hãy tạm gác chuyện đó sang một bên. Chúng ta đơn giản bỏ nó qua một bên và nói rằng trong cương vị một cá nhân, con có thể nhìn nhận là cách con nhìn cuộc sống là sản phẩm của trạng thái tâm hiện thời của con, của những ảo tưởng mà con đã khoác vào khi con bước xuống dưới tầng 144 và vẫn chưa lột bỏ được. Con không cần tìm kiếm một cái nhìn khách quan về thực tại như các nhà khoa học đang tìm.

Do đó, vấn đề đối với con không phải là sự thật tuyệt đối là gì, thực tại khách quan là gì. Vấn đề đơn giản là như sau: Làm thế nào con có thể cải thiện các điều kiện vật chất hiện thời của con? Không phải là vấn đề đạt tới một mức tối hậu nào đó, mà như các thày đã dạy xuyên qua khoá tu này, đó là vấn đề con nhận ra là cuộc sống sẽ cải thiện từng bước nhỏ một. Làm thế nào con có thể đi từ mức của con ngay bây giờ lên mức kế tiếp, rồi cứ thế lên tiếp nữa và lên tiếp mãi, để lần lần cải thiện các điều kiện vật lý và vật chất của mình, hầu chúng đứng đồng bộ với những gì thày đã nói: Trong Sứ vụ Thiêng liêng của con đã ghi những gì, và điều gì cho phép con nhận được những tư tưởng sẽ giúp thị hiện Thời Hoàng kim của thày? Làm thế nào con sẽ thực hiện được chuyện này?

12.6. Nơi nhập thất của Saint Germain không làm bằng đồ vật

Điều con có thể làm là thừa nhận rằng con đã được dạy dỗ một cái nhìn méo mó về thực tại, một cái nhìn méo mó về nhân và quả, một cái nhìn méo mó về vật chất và năng lượng. Tuy không phải là lỗi con, điều đó đã khiến con mang một số tin tưởng về những gì có thể được thay đổi và những gì không thể thay đổi. Khi nào con thừa nhận chuyện này thì con mới có thể nhìn ra bước lôgíc kế tiếp là chất vấn cách mình nhìn thực tại, những gì mình nghĩ có thểkhông thể được thay đổi.  

Đây là khi con đi vào các khía cạnh kia của các danh sách mà thày đã yêu cầu con ghi ra. Thày đã xin con lập ra một danh sách những thứ mà con nghĩ tâm có tiềm năng thay đổi và những thứ con nghĩ tâm không thể thay đổi. Tất nhiên đó là những điều quan trọng hơn để con xem xét trong bài học này, bài học thứ năm tại nhập thất của thày. Điều thày muốn cho con thấy tại khóa nhập thất này là một điều thày ao ước có thể đưa ra cho mọi người trong cõi vật lý được thấy, nhưng chưa sẵn có công nghệ để làm được chuyện đó. Thày cho con thấy rằng những gì con xem là vật chất không hề giống như nó hiện ra xuyên qua giác quan vật lý của con. Tại khóa nhập thất của thày, con ở trong thể bản sắc, con không đang trải nghiệm khóa tu qua trung gian giác quan vật lý. Đây thật là một điểm quan trọng mà con cần suy ngẫm. Thày đã có nói là trong các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên, một số hình ảnh của Hang Biểu tượng đã được ban ra. Nếu con đọc những cuốn sách đó, con sẽ thấy là những hình ảnh đó phần lớn dựa trên cách nhìn theo giác quan con người.

Nói cách khác, do tâm thức tập thể thời đó mà chỉ một cái nhìn nhất định về Hang Biểu tượng có thể được đưa ra. Đó là cái nhìn dựa trên giác quan, được nới rộng thêm chút xíu để con thấy một cái gì bình thường con không thấy được qua giác quan tuy con có tiềm năng thấy được qua giác quan. Tất nhiên khi con ở trong thể bản sắc, con không bị hạn chế bởi nhận thức giác quan. Con có một nhận thức hoàn toàn khác, cho nên quả thực khóa nhập thất của thày không đến nỗi vật lý đường thẳng như con tưởng trong tâm thức tỉnh ngủ.

Thật sự không có cách nào dễ dàng để khép lại khoảng cách đó. Không có cách nào dễ dàng để mô tả bằng ngôn từ khóa nhập thất của thày vì nhận thức của con quá khác lạ. Khi con trở xuống cơ thể vật lý của mình và tỉnh dậy, đương nhiên con lại nhìn cuộc sống qua giác quan vật lý. Đây là một chuyện con có thể bắt đầu thay đổi. Thày không bảo là thày chờ đợi con sẽ thay đổi được hoàn toàn sau khi học xong bài này hay ngay cả hết khóa tu này. Con cần tới gần hơn với tầng 144 trước khi con có thể thực sự giải phóng viễn quan của con khỏi giác quan vật lý. Nhưng con có thể khởi sự. Con có thể khởi sự bằng cách, như thày đã nói, nhận ra trong tâm ý thức rằng viễn quan là một khả năng chủ động.

12.7. Viễn quan bị lập trình như thế nào

Con thấy đó, con yêu dấu, tất cả các con đều đã tập đi xe đạp. Nếu con trở ngược về quá khứ, con sẽ nhớ là lúc ban đầu, giữ thăng bằng là một chuyện rất khó khăn. Rồi đến một điểm nó trở thành tự động. Đó là vì rất rất nhiều chuyện trong cõi vật lý (con dùng cơ thể vật lý để làm rất nhiều chuyện) đòi hỏi nhiều chú ý – trừ phi bốn thể phàm của con có khả năng hoạt động như một máy tính và tạo ra những chương trình có khả năng “làm việc ở đằng sau”, nếu có thể nói như vậy. Giờ đây khi con leo lên chiếc xe đạp, con không cần phải đặt chú ý vào chuyện giữ thăng bằng nữa. Con chỉ ngồi lên xe đạp và có một chương trình trong tâm tiềm thức sẽ tiếp quản, và nó hoàn toàn tự động. Con có dư chú ý để quan sát cảnh vật chung quanh, hay ngay cả rút điện thoại ra đọc tin nhắn, như con thấy nhiều người làm khi họ đạp xe khắp các thành phố trên thế giới.

Điều con cần nhận ra là có nhiều chương trình như thế vận hành. Không phải là thày đang bảo là có gì sai trái hay những chương trình đó có ý hại con. Thày chỉ nói là đã đến lúc con ngộ ra là khi con nhìn bất cứ gì – khi con dùng mắt vật lý của con – thì có một chương trình trong bốn thể phàm đã được trù hoạch để biến thị giác trở thành tự động. Thật ra đây là một lãnh vực mà khoa học đã nghiên cứu phần nào, gọi là khả năng “nhận dạng mẫu” (pattern recognition).

Chức năng của chương trình này là nhìn vào các khuôn mẫu. Thày đã nói gì với con? Thày đã nói là toàn bộ thế giới được tạo thành từ hình ảnh vô cùng phức tạp đó. Thày đã nói nó giống như một màn hình với vô số những cái chấm nhỏ, và chấm đó hình thành những mô thức vô cùng tinh xảo. Điều mà chương trình trong tâm con làm là nó áp đặt một số hình ảnh lên mô thức đó. Hẳn con nhớ khi con còn bé, có lẽ con đã lấy một bức ảnh chụp trên tờ báo và nhìn nó qua kính lúp. Con đã thấy bức ảnh đen trắng trên báo được tạo thành bởi nhiều đốm nhỏ màu đen. Mật độ của đốm tạo ra cảm tưởng là con nhìn thấy những sắc xám khác nhau, và theo một nghĩa nào đó, đây cũng chính là cách hình thành thực tại.

Khi con nhìn vào bức ảnh trên tờ báo cũ, con không thấy từng cái chấm nhỏ riêng lẻ. Không phải vì mắt con không có khả năng nhìn thấy chấm nhỏ mà vì chương trình trong tiềm thức con đã chồng một hình ảnh lên trên các dấu chấm. Con tìm kiếm một hình mẫu. Chương trình tìm kiếm một hình mẫu.

12.8. Con người có xu hướng đặt tên cho mọi thứ

Chuyện này đòi hỏi chúng ta đi trở ngược về một bộ kinh cổ có tên là Sáng thế ký. Trong đó có câu chuyện về Thượng đế tạo ra Adam, con người đầu tiên, như thế nào. Tất nhiên đây không phải là một lời dạy hoàn toàn chính xác. Thật ra, nó chịu ảnh hưởng của sa nhân, như con sẽ thấy qua sự góp mặt của rắn nơi Vườn Địa đàng Eden. Dù sao đi nữa, chuyện kể lại là trước tiên, Thượng đế đã tạo ra tất cả các loài động vật, xong ngài tạo ra Adam, xong ngài ban cho Adam quyền năng đặt tên cho tất cả các loài động vật, thực vật cùng đồ vật trên trái đất. Adam gọi tên là gì thì đó sẽ là tên của chúng. Hiển nhiên tiến trình này bị sa nhân ảnh hưởng một cách sâu đậm – một cách thâm sâu và cơ bản. Chúng ở trong tâm thức tách biệt và chỉ trong tâm thức tách biệt người ta mới có nhu cầu đặt tên.

Bây giờ con thử suy ngẫm chuyện này. Con hãy tưởng tượng con đang ở vùng thảo nguyên châu Phi và con nhìn thấy một mô thức vô cùng phức tạp những màu sắc và hình dạng. Con có thể xem hình ảnh đó duy chỉ là sự tương tác giữa những tia sáng, những chấm nhỏ, hay ngay cả nhiều loại hình dạng khác nhau. Thậm chí con có thể nhận diện một số hình dạng đang di chuyển trên thảo nguyên, hình như đang làm gì đó với các nhánh cỏ. Có những hình dạng khác đang vươn lên cao làm gì đó với cây cối. Con thử nghĩ xem, đối với người dân sơ khai từng sống trên thảo nguyên châu Phi này, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào anh ta có thể sống sót trên thảo nguyên này? Một trong những thử thách to lớn hiển nhiên là làm thế nào không biến mình thành miếng mồi ngon cho cái mà ngày nay con sẽ gọi là sư tử.

Con người sơ khai đó phải làm gì đây? Anh ta phải tạo ra một mô hình trong tiềm thức có khả năng nhận diện hình dạng con sư tử, nhận diện nó là nguy hiểm để mà có ngay biện pháp trốn chạy trước khi mình có thể suy nghĩ thấu đáo về sự việc. Con thấy đây chính là điểm nảy sinh ra nhu cầu đặt tên. “Sư tử! Nguy hiểm! Chạy trốn!” Chuyện này phải diễn ra thật mau lẹ, mau lẹ đến nỗi tâm ý thức thật không sao làm kịp.

Con thấy ở đây là trong trạng thái Địa đàng nguyên thủy của địa cầu, không có nhu cầu để mà đặt tên và xem mọi thứ là tách biệt như vậy. Chỉ sau cuộc sa ngã vào nhị nguyên mới có nhu cầu đặt tên cho vật và xem vật như một vật tuyệt đối. Chuyện xảy ra là con đã lớn lên và được dạy dỗ, ngay cả trong thế giới hiện đại, để dùng quyền năng viễn kiến của mình mà không nhìn thấy năng lượng, không nhìn thấy các mô thức phức tạp của sóng năng lượng, của những cái chấm hay những hình dạng. Con nhìn thấy những “vật” và con đặt tên cho những vật đó. Quyền năng thị nhãn của con đã phần lớn bị kết dính với ngôn ngữ, là cách dùng ngôn từ đặt tên cho vật.

Điều này không nhất thiết là một vấn đề lớn. Nó trở thành một vấn đề khi con đạt đến những tầng cao hơn của đường tu. Con cần bắt đầu nhìn nhận ở đây là những gì đã từng hữu ích ở một tầng mức nào đó (chẳng hạn cái gì đã giúp con đi xe đạp) sẽ trở thành một trở ngại ở những tầng mức cao hơn. Một khi con đã gọi tên cái gì đó là một vật, thì không những con sẽ nghĩ nó có một thực tại khách quan mà con cũng nghĩ đó là một cái gì tách biệt. Điều này nghĩa là gì?

12.9. Vật trở nên tách biệt như thế nào

Có nghĩa là ở tầm mức trước mặt, vật đó tách biệt với con. “Tôi đang ở đây, và ở kia có một vật gọi là chiếc xe đạp. Nó tách biệt khỏi tôi. Tôi có thể để nó trong ga-ra khi tôi bước vào nhà. Tôi không thể để lại thân thể tôi trong ga-ra khi tôi bước vào nhà nhưng tôi có thể để lại chiếc xe đạp. Đó là một vật tách biệt, nó tách biệt với tôi”. Ở một tầm mức tinh tế hơn, giờ đây chiếc xe đạp đã trở thành tách biệt khỏi bản chất thuần nhất của thực tại. Nó là một vật tách biệt đang nổi trôi trong không gian, hay đúng hơn nó đứng trên mặt đất, nhưng dù sao con đã nắm được ý thày. Bây giờ nó là một vật tách biệt, nó không kết nối với bất cứ gì. Chuyện vừa xảy ra ở đây là khi con bước xuống nhị nguyên, khi con sử dụng quyền năng thị nhãn của mình để tìm kiếm các hình mẫu đó và đặt tên cho chúng là đồ vật có sự hiện hữu khách quan tách biệt nào đó, thì con đã hoàn toàn che khuất thực tại nằm bên dưới, nơi mọi thứ đều kết nối và là thành phần của một tổng thể.

Con hãy tưởng tượng con đi chơi biển vào một ngày gió rất lớn và sóng rất cao. Tưởng tượng con đang nhìn biển cả, và những ngọn sóng hiển nhiên là những thành phần của biển. Sóng có thể rất lớn, rất mạnh, rất cao, và giữa sóng là những vùng lõm rất sâu. Tuy nhiên con vẫn thấy được là sóng được hình thành từ biển và không hề tách biệt khỏi biển. Bây giờ con hãy tưởng tượng con tạo ra một màn sương mù bên dưới, và sương mù nằm dưới thấp khiến con chỉ nhìn thấy đỉnh sóng ở trên mà không nhìn thấy biển cả ở dưới. Trong trường hợp này, con sẽ chỉ thấy những tháp nước, những hình dạng của nước, và con sẽ thấy chúng tách rời nhau. Thậm chí có thể con còn phân vân: “Ủa, tháp nước này từ đâu đến? Tại sao nó bỗng hiện ra nơi đây? Liệu nó có liên hệ gì với cái tháp nước ở đằng kia hay không?”

Trong cốt lõi, đây chính là điều xảy ra cho loài người như là hệ quả của tiến trình thày vừa mô tả. Con đã dần dà nhìn thấy một thế giới gồm những vật tách biệt. Con không nhìn ra là tất cả những vật đó đều nối kết với nhau vì chúng là sự biểu đạt của một thực tại duy nhất bên dưới. Hậu quả của chuyện này là gì? Đó là con nghĩ: “Đây là một vật tách biệt, nó tách biệt khỏi tôi, nó tách biệt khỏi tâm tôi, và do đó tôi không có cách chi ảnh hưởng đến nó hay thay đổi được nó bằng tâm của tôi. Làm thế nào tôi có thể thay đổi bằng tâm tôi khi không có sự nối kết nào giữa vật và tâm tôi?”

12.10. Tìm một cách nhìn khác

Để khắc phục ảo tưởng này – rằng có quá nhiều thứ con không thể thay đổi, và không thể thay đổi bằng tâm – con cần khởi sự chất vấn cái nhìn đó. Con cần bắt đầu rất từ từ nhận ra là có một cách khác để nhìn.

Con có thể tìm xem một số ảo thị (optical illusion) đã được người ta sáng chế để đánh lừa thị giác của con. Thoạt nhìn thì con thấy một vật gì đó, nhưng khi con nhìn kỹ hơn, con lại thấy một vật khác. Có một số tấm hình khá phổ biến chỉ là một đống chấm, nhưng khi con nhìn kỹ, bỗng dưng sẽ hiện ra hình dạng của một con cá heo hoặc bất kỳ hình dạng nào khác. Con có thể dùng những tấm hình này để nhận ra là con không thể hoàn toàn tin cậy giác quan của mình. Thật ra không phải là vấn đề giác quan của con mà là cái chương trình trong tâm tiềm thức đã chụp lấy dữ liệu do giác quan cung cấp và đè chồng lên một hình ảnh dựa trên khả năng nhận dạng mẫu, quy định một số vật và tìm kiếm những vật đó.

Con nhận ra là khi con nhìn một cái gì, con không đang thực sự nhìn cái đang ở đó. Chương trình trong tiềm thức nhìn vào cảnh vật, tìm kiếm những dạng mẫu mà nó đã sẵn nhận diện, đã sẵn lưu trữ trong kho dữ liệu này. Một khi nó tìm ra dạng mẫu đó, nó chỉ giản dị đè cái này lên những gì con đang nhìn. Trong nhiều trường hợp, thật sự con nhìn thấy một vật với mắt con nhưng bộ não lại hiển thị một hình ảnh gì khác trong đầu con. Bộ não hiển thị hình ảnh được tạo ra bởi chương trình tiềm thức chuyên tìm kiếm khuôn mẫu. Đây là một con sư tử. Đây là một con hươu cao cổ. Đây là một con ngựa vằn, vân vân và vân vân. Con không nhìn cái đang ở đó, vì cái đang ở đó là một mô thức phức tạp những sóng năng lượng, những cái chấm, những tín hiệu bật-tắt. Cái ở đó thì lỏng nhưng trong tâm con, nó bị biến thành một cái gì tuyệt đối, một cái gì khách quan. Con đang nghĩ – con đã bị lập trình để nghĩ – rằng cái con đang nhìn là một thực thể khách quan nằm ngoài tâm con, tách biệt khỏi tâm.

Điều thày cần con bắt đầu suy ngẫm ở đây là: Đó là một ảo tưởng. Đã đến lúc con bắt đầu chất vấn nó vì lý do giản dị là con sẽ không bao giờ thay đổi được bất cứ gì bằng tâm nếu con thấy nó tách biệt khỏi tâm. Để con, để tâm con có thể thay đổi được gì, phải có một sự nối kết giữa tâm con và vật đó. Vì vậy, chừng nào con còn nhìn thế giới qua trung gian chương trình tiềm thức này đang tô vẽ mọi thứ là tách biệt, con sẽ không bao giờ thay đổi được hoàn cảnh vật lý, vật chất, của con bằng tâm. Chuyện đó không thể nào làm được.

12.11. Thị hiện những gì có vẻ khả dĩ

Một lần nữa con có thể nhìn lại những cuốn sách hay khóa dạy về thuật kết đọng vàng bạc từ hư không. Những người theo học như vậy không thành công vì lý do giản dị là họ đang cố làm đúng chuyện đó – họ đang cố thị hiện những vật mà họ xem là tách biệt với chính họ. Đó là tại sao điều thày mong muốn cho khóa tu này là con đừng thử làm những chuyện mà ngay từ đầu đã là chuyện bất khả thi, mà thay vào đó, con hãy điều chỉnh lại cái nhìn của mình. Đó là lý do thày đã nói: “Hãy điều chỉnh kỳ vọng của con”, hầu con có thể làm được, thị hiện được một cái gì con sẽ dễ chấp nhận là chuyện khả dĩ. Nói cách khác, các thày muốn con khởi sự với một việc rõ ràng khả thi – một việc mà con có khả năng thay đổi bằng cách thay đổi tâm mình.

Môt lần nữa, con có thể nhìn vào hoàn cảnh vật lý của con và con thấy một số thay đổi con mong muốn xảy ra. Ở điểm này, chúng ta có thể xem xét: Làm thế nào để những thay đổi đó xảy ra? Thày có nói là con không muốn cưỡng ép quyền tự quyết của người khác. Nếu sự thay đổi đòi hỏi người khác phải thay đổi thì đó không phải là điều thày yêu cầu con chú tâm vào. Thày yêu cầu con chọn ra một khía cạnh nào đó của đời con mà sự thay đổi không đòi hỏi con phải cưỡng ép người khác. Sau đó, thày yêu cầu con lấy hoàn cảnh đó và nhận ra là ngay cả ở tầng vật lý, có những thay đổi khả dĩ sẽ không nhất thiết là thay đổi thần diệu. Chúng chỉ đơn giản đòi hỏi con thực hiện một sự xoay chuyển để con nhìn thấy cái gì đó mà con hiện chưa nhìn thấy.

Con có thể nhìn những người trải qua một cơn trầm cảm (và có thể chính con đã từng trải qua trong đời mình hoặc con đã thấy người khác trải qua). Họ đã bước vào một vòng xoáy ốc hướng hạ, đã khoác vào một cái nhìn rất tiêu cực, gây giới hạn, về cuộc sống hay về bản thân họ. Họ nghĩ mình thật tồi tệ: “Không cách chi tôi tìm được việc làm tốt, tôi không đủ giỏi, tôi thiếu khả năng, tôi không được học hành, tôi không có cái này, không có cái kia.” Con sẽ thấy có những người khác ở trong cùng tình cảnh như vậy ở mức vật lý, vật chất, nhưng bỗng dưng có gì xảy ra thay đổi hẳn và họ tìm được việc làm tốt.

Tại sao một người không tìm được việc làm trong khi người kia lại tìm được? Là vì người thứ nhì mở tâm ra với những điều khả dĩ mà người thứ nhất không mở ra và vì vậy không nhìn thấy được. Xoay chuyển đầu tiên mà con cần thực hiện là con bắt đầu nhìn vào hoàn cảnh của mình và nhận ra là có những khía cạnh trong hoàn cảnh mình mà cho tới giờ mình xem là không thể hoặc khó lòng thay đổi. Hay thậm chí, có lẽ con chưa hề nghĩ đó là chuyện có khả năng thay đổi vì con đã được dạy dỗ là sự thể phải như vậy.

12.12. Nhìn thấy khả năng mới

Chẳng hạn, sứ giả này đã lớn lên trong một thị trấn khá nhỏ tại Đan mạch nơi cả gia đình ông đã sinh trưởng. Thân nhân của ông vẫn sống ở đó và sẽ chết ở đó. Họ không bao giờ nảy ra ý tưởng là họ có thể dời đi một thành phố khác để tìm việc làm tốt hơn. Họ chỉ có thể mường tượng những loại công việc có sẵn nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Đơn giản, việc dọn đi xa hay đi học hay làm một nghề gì khác không phải là cách nhìn cuộc sống mà họ đã được dạy dỗ. Nhưng con cũng thấy, tất nhiên, có nhiều người khác không ngại di chuyển, không ngại tìm cầu học vấn ở mức cao hơn và do đó họ cũng đã xoay sở để có được công việc tốt hơn. Con thấy là đối với con ở mức này, con cần phải có chút tin tưởng để nhìn vào tình trạng của mình và tự hỏi: “Có thật là có những cơ hội mà hiện thời tôi chưa thấy được vì có gì đó trong thái độ của tôi đang ngăn chặn không cho chúng hiện ra? Tôi không đang nghĩ là mình có khả năng làm được chuyện này.”

Một lần nữa, con lại có thể nhìn vào tuổi thơ ấu của sứ giả này khi ông có ước mơ trở thành một nhà văn. Khi ông lớn lên, người ta bảo ông: “Con không thể nào làm nghề viết văn tại Đan mạch mà kiếm đủ sống, vì chẳng có bao nhiêu người biết đọc tiếng Đan mạch.” Đó không nhất thiết là một lời nhận định hoàn toàn thiếu thực tế, mặc dù một số nhà văn tại Đan mạch đã xoay sở để kiếm đủ sống từ nghề cầm bút. Dù sao đi nữa, sứ giả này đã làm gì? Ngay từ khi còn bé, ông luôn luôn cảm nhận mạnh mẽ là mình cần học tiếng Anh. Thế là nhờ biết viết tiếng Anh mà trong một thời gian ông đã có thể kiếm sống như một nhà văn.

Thày không đang bảo là con phải làm y như thế, nhưng con cần nhìn nhận là khi con lớn lên, con đã khoác vào một số tin tưởng từ gia đình con, từ môi trường chung quanh, từ xã hội của con. Vấn đề không phải là có những thứ con xem là bất khả thi, mà con chỉ không xem chúng là khả thi. Thậm chí con không nghĩ chúng là chuyện có thể, và ai nấy chung quanh con cũng không nghĩ chúng là có thể.

Đây là điều mà con có thể khởi sự xem xét ngay bây giờ và nhận ra là có thể có những cơ hội ở ngoài kia trong cõi vật lý, đã sẵn thị hiện trong cõi vật lý. Con chỉ cần hòa nhập với chúng rồi sau đó con cần sẵn lòng vươn theo đó và thay đổi. Điều này có thể áp dụng trong rất nhiều khía cạnh đời con, chẳng hạn như trong các mối quan hệ, nơi con sinh sống, cách sống của con, sự học tập và giáo dục của con, sự nghiệp của con. Rất rất nhiều người thời nay có nhiều hơn là một sự nghiệp trong một đời người. Một khi họ ra trường hay tìm được việc làm, họ không bị khóa chặt trong cùng một công việc suốt 40 năm trước mặt. Quả thực, xã hội đã trở nên lỏng hơn. Mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, có tâm lỏng hơn, có cách suy nghĩ linh hoạt hơn rất nhiều so với thế hệ trước.

Thày chỉ yêu cầu con, trong cương vị một học trò tâm linh ở tầng khai ngộ này, nhìn lại một lần nữa những thứ gì mà con có trong tâm nơi tâm con không được lỏng, không được linh động. Con cho là có một số lằn ranh, một số giới hạn mà con không thể vượt qua. Vậy thì con cần chất vấn các giới hạn đó và khởi sự bước đi xa hơn. Đây là một bước rất thực tiễn, rất khả thi. Vượt xa hơn nữa, tất nhiên là thày muốn con vượt xa hơn nữa. Thày muốn con bắt đầu chất vấn chính cách nhìn của con về thực tại vật lý. Thày vừa nói với con làm thế nào con có thể làm được chuyện đó, là bằng cách nhìn xa hơn tầng cấp những thứ mà con đặt tên.

12.13. Tầng thâm sâu hơn của thực tại

Con cần nhìn ra là vượt quá những thứ đó còn có một tầng cấp thâm sâu hơn của thực tại – những sóng năng lượng, những mô thức giao thoa, những tín hiệu bật-tắt, những cái chấm. Đúng thực là con có thể tự đào tạo bản thân để đạt tới mức con thấy được – ít nhất là thấy thoáng hiện và không nhất thiết một cách vật lý – hay con cảm nhận được rằng mọi sự vật con nhìn thấy chung quanh mình là không rắn đặc, không cứng nhắc và bất khả chuyển đổi. Chúng chỉ là những cách biểu đạt của tầng mức năng lượng lỏng bên dưới đó mà thôi. Sau đó con có thể đi thêm một bước và nhìn nhận: “Điều gì khiến cho mọi chuyện ở mức vĩ mô có vẻ là vật tách biệt? Nếu chúng thực sự không tách biệt – như các khoa học gia đã chứng minh rất nhiều lần là không có gì tách biệt, mà mọi thứ đều nối kết với nhau – thì tại sao chúng lại có vẻ tách biệt?”

Chúng có vẻ tách biệt bởi một lý do duy nhất mà thôi. Chính tâm con đã chồng cái hình ảnh đó lên trên chúng. Chính tâm con đã khiến chúng dường như tách biệt. Con đã bị lập trình để nghĩ chúng là những thực thể khách quan, chúng là những vật tách biệt, nhưng kỳ thực không phải vậy. Không có nơi nào trong vũ trụ có vật tách biệt. Tất cả mọi sự vật đều là thành phần của bản chất thuần nhất của thực tại, tấm thảm của sự sống. Một khi con bắt đầu nhập vào và hòa điệu với nó, con sẽ nhận ra, như thày đã bảo con, rằng tất cả đều là tạo vật của tâm.

Các Elohim đã tạo ra hành tinh, và tập thể loài người đã tạo ra rất nhiều trong số các điều kiện hiện hành trên hành tinh, nhưng tất cả đều là những tạo vật của tâm. Có nghĩa là từ một nhãn quan nào đó, không hề có vật nào không thể được tâm thay đổi. Câu hỏi đặt ra là: “Tâm nào?” Có một số thứ chỉ có thể được thay đổi bởi một tâm ở tầng mức Elohim. Có một số thứ không thể thay đổi ở tầng mức tâm con người. Tuy vậy, có rất rất nhiều thứ hơn nữa có thể được thay đổi ở tầng mức tâm con người, nhiều hơn là đa số con người có thể chấp nhận.

Đó là điều thày yêu cầu con khởi sự chất vấn, vì việc thay đổi hoàn cảnh vỏ ngoài của con có hai khía cạnh. Có khía cạnh alpha và khía cạnh omega. Omega là khi con thu hút về phía con những điều kiện đã có sẵn trong cõi vật lý. Con thu hút việc làm đó, con thu hút người phối ngẫu đó trong mối quan hệ. Con thu hút, con trở thành một thỏi nam châm.

Làm thế nào con trở thành một thỏi nam châm? Một lần nữa, con cần khắc phục cảm nhận tách biệt. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là ngay cả khái niệm nam châm cũng tăng cường cho cảm nhận tách biệt vì con xem nam châm như một vật khách quan đang thu hút một vật khách quan khác. Nhưng dù sao thày vẫn muốn sử dụng hình ảnh từ trường ở đây để cho con thấy là có một số điều kiện đã sẵn thị hiện trong cõi vật lý. Con chỉ cần phát hiện ra chúng, từ hóa chúng về phía con, từ hóa chính con về phía chúng, để hấp dẫn chúng về phía con, và hấp dẫn con về phía hoàn cảnh đó.

Không phải là chuyện tạo ra một cái gì chưa sẵn có trong cõi vật lý, mà là chuyện khám phá và nhận ra rằng chính tư duy mà con có ngay bây giờ đang ngăn cản con khám phá cái sẵn ở đó. Đây là khía cạnh omega của việc cải thiện hoàn cảnh của con, khía cạnh omega của thị hiện.

Bây giờ, khía cạnh alpha là khi con thị hiện một cái gì đang không có mặt trong cõi vật lý – chuyên này nghe có vẻ bí hiểm, thậm chí thần diệu, nhưng nó thật không thần diệu đến như vậy. Thày đã nói điều gì là một trong những mục tiêu mà thày mong muốn con đặt ra cho mình? Đó là con trở thành một người có khả năng tiếp nhận một tư tưởng từ thày sẽ giúp thị hiện Thời Hoàng kim. Con hãy nhìn sứ giả này một lần nữa. Tất cả những cuốn sách mà ông đã viết đều nhận linh hứng từ cõi thăng thiên. Ông đã thị hiện một cái gì chưa hiện diện trong cõi vật lý trước đây. Tất nhiên, đây không phải là cách duy nhất để thị hiện nhưng thày chỉ muốn đưa ra một ví dụ cho con.

Không có gì thần bí hay thần diệu gì trong đó. Đơn giản đó chỉ là chuyện nhận được một ý tưởng từ cõi thăng thiên mà con đưa xuống qua ba tầng cao của tâm con cho đến khi nó thị hiện ở tầng vật lý. Việc làm này không quá sức tất cả các con. Thày không đang đặt ra cho con một mục tiêu vượt quá khả năng của con cũng như những gì con có thể bắt đầu làm ở mức tâm thức hiện thời của con. Tất nhiên là thày không đề ra cho con mục tiêu thị hiện vàng bạc từ hư không, bởi vì con không thể làm chuyện đó ở mức tâm thức hiện thời của con. Thật ra, hầu hết những ai ở mức tâm thức đủ cao để thực hiện, sẽ không chọn làm chuyện đó vì nhiều lý do khác nhau. Ở đây thày đang trao cho con một mục tiêu thực tiễn về những gì khả thi, những gì con có thể thực hiện bằng cách khởi sự xoay chuyển viễn quan của mình, xoay chuyển cách mình nhìn cuộc sống.  

12.14. Con đồng sáng tạo hoàn cảnh của con

Con yêu dấu, thày đã trình bày về bộ máy giả thực tại, và vũ trụ vật chất là một bộ máy giả thực tại. Cho tới tầng tâm thức hiện thời của con, đã không có sự cần thiết để con chất vấn cách vận hành cơ bản của máy giả thực tại. Nhưng giờ đây, con cần làm một cuộc chuyển đổi nho nhỏ và đơn giản là nhận ra điều mà thày đã nói với con, tức là địa cầu không thực sự giả dạng thực tại, mà chính tâm con mới giả dạng thực tại. Chính tâm con tạo dựng cảm nhận thực tại đó khiến khi con nhìn sự vật, con sẽ nói: “Đây là một con sư tử, đây là một con hươu cao cổ” rồi con nghĩ cái đó có một thực thể khách quan. Con chỉ đặt tên cho cái đang ở đó.

Con cần nhận ra là con không chỉ đặt tên cho cái đã sẵn ở đó, mà con còn đồng sáng tạo. À, thày biết là con sắp sửa nói (và đây là một câu hỏi hữu lý): “Nhưng chẳng phải là đã có sẵn một số thứ không do tâm con tạo ra hay sao?” Tất nhiên là có. Thày đã giải thích là các Elohim đã tạo ra địa cầu và tập thể loài người đã tạo ra rất nhiều những thứ khác mà con thấy trên trái đất. Có những thứ đã có sẵn ở đó rồi. Con có thể nói là nếu con lìa đời ngay lúc này và không còn hiện thân thì sư tử và hươu cao cổ sẽ không biến mất khỏi châu Phi. Tất nhiên là chúng không biến mất. Điều thày muốn nói là những thứ khách quan, những thứ đang hiện diện trong tâm con, không phải là những thứ quan trọng đối với con.

Thày sẽ nói là những con sư tử và hươu cao cổ kia không phải là thực thể khách quan theo nghĩa các nhà khoa học thường dùng. Chúng vẫn được tạo ra bởi một cái tâm, chúng vẫn là tạo vật của tâm, chỉ có cái là không phải tâm con. Điều thày nói ở đây là: Đúng vậy, có một số thứ ở ngoài kia không do tâm con tạo ra, nhưng hoàn cảnh cá nhân của con, ngay cả hoàn cảnh vật lý của con, là do tâm con đồng sáng tạo. Tâm con đã không toàn bộ tạo ra nó bởi vì, một lần nữa, những hoàn cảnh vỏ ngoài đó cũng được người khác tạo ra, vân vân và vân vân. Con đang sống trong một bộ máy giả thực tại chịu sự ảnh hưởng của nhiều người khác, nhưng chắc chắn có những khía cạnh trong hoàn cảnh cá nhân của con là do tâm con đồng sáng tạo.  

Con yêu dấu, con hãy suy ngẫm điểm này thật cẩn thận – đây không phải là chuyện con nhìn một cái gì đã sẵn ở đó trước khi con nhìn, mà có một số khía cạnh trong hoàn cảnh cá nhân của con được đồng sáng tạo do hành động nhìn của con. Chính bằng cách nhìn chúng mà con thực sự tạo ra những hoàn cảnh đó. Có thể con không tạo ra mọi khía cạnh của tình huống đó, nhưng con tạo ra một số khía cạnh ảnh hưởng đến cá nhân con. Cách con trải nghiệm cuộc sống được đồng sáng tạo trong bốn thể phàm của con.

Như các thày đã nói nhiều lần, điều gì là điều duy nhất mà con có quyền năng thay đổi? Đó là chính tâm con, bốn tầng của tâm con. Con có quyền năng thay đổi cái đó, bất kể các chọn lựa của người khác và bất kể các điều kiện vỏ ngoài. Khi con thay đổi cách con nhìn cuộc đời, một số khía cạnh trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con sẽ thay đổi. Tại sao vậy? Làm sao thày nói được điều này khi nó ngược hẳn với mọi điều con đã được dạy dỗ để mà tin theo? Bởi vì thày là một chân sư thăng thiên, con yêu dấu, và thày đã thăng thiên bằng cách khắc phục ảo tưởng mà thày đang cố giúp con khắc phục, cụ thể là sự tách biệt giữa tâm và vật chất.

12.15. Thay đổi trải nghiệm về cuộc sống

Con thấy đó, con yêu dấu, như thày đã nói trong bài giảng trước, thời tiết ở Nam cực không thành vấn đề khi con ngồi đây trong căn phòng ấm áp này. Điều quan trọng đối với con là trải nghiệm của con về môi trường chung quanh, trải nghiệm của con về đời con. Điều đó mới quan trọng với con. Để hội đủ tư cách thăng thiên, con không cần phải thay đổi tình trạng vật lý trên trái đất. Điều duy nhất con cần phải thay đổi để hội đủ điều kiện thăng thiên là những điều kiện bên trong bốn thể phàm của con.

Điều duy nhất con cần phải thay đổi để có một trải nghiệm tích cực hơn về cuộc sống so với trải nghiệm của con ngay bây giờ, là các điều kiện bên trong bốn thể phàm của con. Có một câu thành ngữ phổ biến trong các cộng đồng Thời mới, đó là: “Khi con thay đổi cách con nhìn vật, thì vật mà con nhìn sẽ thay đổi.” Câu đó không nhất thiết là thực tế tuyệt đối (theo nghĩa là con có thể thay đổi mọi thứ) nhưng như thày nói, trong hoàn cảnh cá nhân của con, có những thứ mà con có khả năng thay đổi bằng cách thay đổi cách con nhìn chúng.

Bây giờ con đang ở tầng khai ngộ mà đó là bước kế tiếp của con. Con cần nhận chân nó, nhìn nhận nó, và như vậy con bắt đầu xem xét mình đang nhìn mọi vật như thế nào, mình nhìn đời mình như thế nào, mình nhìn mọi điều kiện như thế nào.

Con hãy nhìn nhận là bất kể các điều kiện vỏ ngoài có thế nào, bất kể người khác, bất kể thời tiết tại Nam cực có thế nào, vẫn có một điều gì mà con có thể khởi sự thay đổi ngay bây giờ, và điều đó chính là cách con nhìn cuộc sống. Con có thể bắt đầu chuyển rời khỏi cái nhìn vật tách biệt. Con có thể bắt đầu nhìn xa hơn hình ảnh rắn đặc đó. Con có thể bắt đầu nhìn ra là tất cả đều nối kết, tất cả đều lỏng, và tại sao nó lỏng chứ?

Làm thế nào bộ máy giả thực tại của địa cầu sản xuất ra tất cả những hiện tượng đó mà giác quan bảo con đó là những vật tách biệt, rắn đặc? Máy giả thực tại trên địa cầu có bốn tầng – bản sắc, lý trí, cảm xúc và vật lý. Tầng vật lý là gì? Đó là một màn hình. Có một hình ảnh được chiếu lên màn hình. Làm cách nào hình ảnh đó được chiếu lên màn hình của thế giới vật lý? Nó được chiếu lên do trong cõi bản sắc có một hình ảnh được hình thành, định ra những thông số tổng quát, một khung sườn toàn bộ nào đó. Xong nó được chiếu vào tầng lý trí nơi nó trở nên cụ thể hơn, chi tiết hơn. Xong nó được chiếu vào tầng cảm xúc nơi nó nhận được động lực, thôi thúc, xung lực năng lượng biến nó thành vật lý.

Thày cần con bắt đầu xoay chuyển tâm con một cách ý thức cho đến chỗ con nhận ra là bất cứ gì con nhìn thấy cũng không là một thế giới khách quan đang hiện hữu ở ngoài kia. Bất cứ gì con thấy đều là sự phóng chiếu trên một màn hình những hình ảnh đang hiện hữu ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc. Hoàn cảnh của con ngay bây giờ có một số khía cạnh không được tạo ra bởi bốn thể phàm của con, như thày đã nói nhiều lần. Nhưng có những khía cạnh khác của hoàn cảnh đó không là gì hơn sự phóng chiếu trên màn hình thế giới vật lý của những hình ảnh mà con mang trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con. Những hình ảnh này, con có quyền năng khởi sự thay đổi. Con không thể búng tay thay đổi tất cả những hình ảnh đó cùng một lúc, nhưng con có thể khởi sự thay đổi chúng. Khi con làm vậy, một số khía cạnh trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con sẽ thay đổi. Chúng sẽ thay đổi, con yêu dấu.

Nếu cần, con hãy bước vào một rạp chiếu phim và nhìn lên màn hình. Con sẽ thấy khi không có phim đang trình chiếu, nó chỉ một màu trắng tinh, không có hình gì trên đó. Con sẽ thấy là bất kể bộ phim nào con đặt vào máy chiếu, hình ảnh đó cũng sẽ hiển thị trên màn ảnh. Nếu con thay đổi hình ảnh, thay đổi cuộn phim nơi ba thể cao của con, con sẽ thay đổi hình ảnh được trình chiếu trên màn hình vì hình ảnh đó không bền lâu, và tự thân nó không có thực tại khách quan nào. Đó là một hình ảnh được chiếu lên màn hình của thế giới vật lý và nó được chiếu rất rất nhiều lần mỗi giây. Ánh sáng chỉ đơn giản chiếu rọi qua cuộn phim trong ba cái tâm cao của con. Khi con thay đổi cuộn phim thì con sẽ thay đổi những gì được trình chiếu trên màn ảnh. Không có cách nào khác, con yêu dấu.

Thày biết điều này trái ngược với mọi thứ con đã được dạy dỗ và tin tưởng khi lớn lên. Đương nhiên là trái ngược rồi. Đó chính là toàn bộ mục đích của khóa tu này: thay đổi để con không bị kẹt trong những điều con đã được dạy dỗ phải tin vào. Bởi vì nếu thế, con nhất định sẽ không thể thăng thiên sau kiếp này, vì sa nhân đã làm mọi cách để lập trình tâm thức tập thể rằng thăng thiên là chuyện bất khả thi.

Trong cốt lõi, đó chính là điều mà các thày đã làm ngay từ bài học đầu tiên của Chân sư MORE trong khóa tu này. Đã đến lúc con cần bước lên và thực sự chất vấn cách con nhìn thực tại và nhận ra một số khía cạnh trong hoàn cảnh của con chỉ là sự phóng chiếu của những hình ảnh con đang cầm giữ, những gì con nghĩ là khả thi, những gì con nghĩ là có thể thay đổi, những gì con nghĩ là không thể thay đổi.

12.16. Vật được duy trì bởi tâm

Con yêu dấu, con có thấy điều thày nói ở đây? Con đã bị lập trình để tin rằng có những khía cạnh trong hoàn cảnh của mình có một thực tại khách quan bên ngoài tâm con. Chúng là những điều kiện vỏ ngoài định đoạt những gì con có thểkhông thể làm. Thày đã nói với con: “Con là một sinh thể tâm linh. Các điều kiện vật lý không quy định được con.” Cái gì quy định con chứ? Những hình ảnh trong chính tâm con, đó là cái quy định con. Liệu con có thể thay đổi một số điều kiện ngoại cảnh hay không? Không, vì chúng được tạo ra bởi một cái tâm khác tâm con. Nhưng con có khả năng thay đổi những khía cạnh trong hoàn cảnh của con mà tâm con đã tạo ra.

Tại sao có một số điều kiện cứ duy trì mãi trong thời gian? Là vì trong ba thể cao của con vẫn còn một cuộn phim mà ánh sáng chiếu rọi qua. Ánh sáng sẽ khoác vào hình dạng đó và cái đó được chiếu lên màn hình. Chừng nào con chưa đi vào ba thể cao và thay đổi những gì con tin là khả thi, con sẽ tiếp tục phóng chiếu hình ảnh đó, và nó sẽ khoác vào những gì con tưởng là tình huống ngoại cảnh đang giới hạn con.

Giới hạn chỉ hiện hữu trong tâm con mà thôi (không phải trong mọi trường hợp trong đời con nhưng trong nhiều trường hợp, nhiều khía cạnh của đời con). Con không nhìn ra là có một cách khác để nhìn. Thật ra có hẳn một cơ hội mới, có hẳn một khả năng khác để kết đọng một cái gì mà hiện thời con cho là bất khả thi.

Có những điều con không thể thay đổi trong cương vị một con người. Có những điều con không thể thay đổi ở mức tâm thức hiện tại của con. Con có thể nâng cao tâm thức mình và thay đổi chúng. Nhưng có những điều mà con có khả năng thay đổi ở mức tâm thức hiện thời của con. Điều duy nhất ngăn cản con thay đổi chúng là con đang có một niềm tin hay một chương trình trong tiềm thức khiến con nghĩ việc thay đổi là bất khả thi. Đó chính là điều con cần chất vấn ở tầng khai ngộ thứ năm này tại khóa nhập thất của thày.

Liệu sự chuyện đổi này có dễ thực hiện hay chăng? Không, con yêu dấu! Nó không dễ. Nếu con dõi nhìn con ngay lúc này, con sẽ thấy một phản ứng trong con, một cảm giác nhẹ nhõm khi con nghe thày nói vậy. Có một phàm linh nội tại, một ngã tách biệt trong con không muốn con phá vỡ hàng rào đó và thoát ra khỏi giới hạn đó – bởi vì khi đó nó sẽ chết. Sự chuyển đổi sẽ không dễ dàng nhưng đó là một chuyển đổi khả thi ở mức khai ngộ hiện thời của con.

Đó là tại sao Chân sư MORE đã không bắt con phải đối mặt với vấn đề này ở ngay tầng đầu của khóa tu này, nhưng giờ đây con có khả năng thực hiện cuộc xoay chuyển đó. Khi con bắt tay vào việc, con sẽ nhận thấy con sẽ tin một cách dễ dàng hơn rằng một số khía cạnh trong hoàn cảnh vật lý của mình có thể thay đổi thực sự.

Con sẽ tin dễ dàng hơn rằng mình có thể nhận được một hiểu biết mới, một sáng ngộ mới, một viễn quan mới, một ý tưởng mới về cách thay đổi một điều gì đó trong đời sống cá nhân (hay ngay cả thực hiện một điều gì sẽ giúp thị hiện Thời Hoàng kim của thày) bằng cách thay đổi một điều gì đó mà con nhìn thấy trong thế giới bên ngoài.

Đó là những gì thày muốn trao cho con qua bài học này. Như luôn luôn, bài học rất dài, nhưng khi chúng ta ngày càng đến gần hơn với tầng 96, tất nhiên các khai ngộ, theo một nghĩa nào đó, sẽ tinh tế hơn, gai góc hơn, cho nên đòi hỏi nhiều giải thích hơn một chút. Thày cảm ơn con đã chú ý theo đõi và thày rất mong sẽ trao cho con bài học tới.