Vượt qua những điều lấy mất an bình

Bài giảng của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, ngày 15/1/2019.

TA LÀ chân sư thăng thiên Saint Germain, và ở tầng khai ngộ thứ sáu của khóa nhập thất của thày, dĩ nhiên chúng ta giáp mặt chủ yếu với Tia thứ Sáu của An bình. Con cần gì để an bình ở mức tâm thức của con trên một hành tinh như địa cầu? Câu hỏi thật ra nên được đặt lại như sau: “Đâu là ‘con’ mang tiềm năng an bình đó trên địa cầu?”

14.1. Làm hòa với sự kiện mình có một ngã vỏ ngoài

Suốt khóa tu này, các thày đã cho con thấy rõ là con có một ngã vỏ ngoài, và con cũng có cái các thày đã gọi là cái Ta Biết – mà các thày cũng có thể gọi là cái ta bên trong, hay cái ta thuần khiết. Các thày đã nói rõ là khi con khởi sự khóa tu này ở tầng 48, con đồng hóa khá chặt chẽ với ngã vỏ ngoài, cái Ta Biết khá đồng hóa với ngã vỏ ngoài. Con không hoàn toàn đồng hóa với nó, bởi vì nếu thế thì con đã không khởi sự được khóa tu này. Các thày cũng đã nói rõ là mục đích chính của khóa tu là làm giảm dần cảm nhận đồng hóa của cái Ta Biết với ngã vỏ ngoài. Bây giờ đến tầng này, chúng ta tới điểm hoàn tất vòng tròn, qua đó con sẵn sàng xoay chuyển trong thái độ của con, trong cách con nhìn bản thân mình, và đi một bước thật quan trọng trong tiến trình tiêu trừ sự đồng hóa.

Các thày đã chỉ rõ là khi con bước xuống hiện thân trên trái đất, con đã khoác vào tất cả những ảo tưởng tương ứng với 144 tầng tâm thức. Mặc dù khóa tu này nhằm dẫn con đến tầng 96, con vẫn còn một số ảo tưởng mà con chưa lột bỏ ở tầng này – và cũng không trù định là con lột bỏ. Điều này có nghĩa là chừng nào con còn đầu thai trên trái đất, con sẽ còn mang một số yếu tố của ngã vỏ ngoài với con. Khi con bước lên gần hơn với tầng 144, chính những yếu tố này của ngã vỏ ngoài là cái giữ con lại trong hiện thân. Chúng buộc con lại với xác thân vật lý, bởi vì nếu không thì con đã không thể ở lại trong xác thân vật lý đó và sẽ bước ra ngoài, đến độ con có thể rút đi cả sinh lực. Thậm chí con có thể rút sinh lực quá sớm trước khi con thật sự sẵn sàng thăng thiên, và điều này có nghĩa là con sẽ phải đầu thai một lần nữa. Do đó ở trên một tầng cấp nào đó, cái ngã vỏ ngoài mà con còn sót lại chính là một cơ chế an toàn.

Tất nhiên con nhận ra là dưới tầng 48 – nơi con người bị hoàn toàn đồng hóa với ngã vỏ ngoài – ngã vỏ ngoài không giúp gì hết cho sự phát triển tâm linh của con. Điều con làm giữa tầng 48 và 96 là con khởi sự tiến trình tháo gỡ cảm nhận đồng hóa đó với ngã vỏ ngoài, nghĩa là con không bị tâm thức tập thể lôi kéo xuống. Con không bị trôi theo những dòng nước cuốn của tâm thức đại chúng. Có thể nói là con đang tu bồi một cá thể sẽ giúp con tách mình ra khỏi tâm thức tập thể. Con không làm những chuyện mà mọi người đều làm. Khi con vượt lên trên tầng 48, tới một điểm ngã vỏ ngoài mà con còn sót lại sẽ không thực sự cản trở sự phát triển tâm linh của con. Điều này xảy ra khi con đạt tới điểm con làm hòa với những gì thày vừa nói với con. Con làm hòa với sự kiện là chừng nào con còn ở lại trong hiện thân thì con sẽ vẫn còn một số yếu tố của ngã vỏ ngoài.

14.2. Từ bỏ giấc mơ đạt một mức tối hậu

Điều này có nghĩa là con sẽ phải từ bỏ một giấc mơ mà nhiều người tâm linh vẫn có. Thậm chí đây là một giấc mơ nằm sâu trong tâm thức tập thể và giấc mơ này có thể trình chiếu ra nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, con thấy trong nhiều trò chơi nhi đồng có một khu vực được quy định là vùng đất nhà, là căn cứ an toàn. Nếu em nào chạy vào được vùng đất đó, em không thể bị đội kia bắt được, hay nói cách khác, em đã thoát được về nhà.

Nhiều người cũng có giấc mơ trúng số để một ngày kia họ sẽ dư giả tiền bạc cho đến cuối đời. Hoặc nữa, người ta cũng có giấc mơ đạt được trạng thái bất tử hay sức khỏe toàn hảo, hay bất kỳ trạng thái nào nơi họ cảm thấy mình tuyệt đối an toàn trên trái đất. Có rất nhiều người tâm linh, kể cả đệ tử của chân sư thăng thiên, khi họ tìm được một giáo lý tâm linh dạy về việc nâng cao tâm thức, thì họ liền khởi lên giấc mơ là một ngày kia họ sẽ vươn lên một tầng tâm thức cao đến độ họ sẽ “thoát được về nhà”. Họ sẽ giác ngộ. Họ sẽ đạt đến tâm thức toàn vũ. Họ sẽ là một chân sư thăng thiên chưa thăng. Họ sẽ sạch tự ngã. Họ sẽ là bất cứ gì họ có thể mơ tưởng, nhưng trong một nghĩa nào đó, đây là giấc mơ sống trên địa cầu mà lại không bị tác động bởi bất cứ gì trên địa cầu.

Bây giờ điều quan trọng là con nhìn vào giấc mơ đó và nhìn nhận là con đang có nó. Mọi người đều có giấc mơ đó. Thày cũng từng có giấc mơ đó trong những kiếp đầu thai trước kia khi thày chưa đến gần điểm thăng thiên. Tất cả chúng ta đều có nó vì đó là một phần của tập thể, và chúng ta thì sống trong lòng tập thể. Chúng ta chỉ thoát ra khỏi tập thể bằng cách xem xét những gì có trong tập thể và vượt lên trên.

Điều con cần làm ở đây, ở tầng này của khóa nhập thất của thày, là chỉ đơn giản xoay chuyển tâm con chút đỉnh. Con cần nhìn nhận là chừng nào con còn đầu thai thì con sẽ còn mang một yếu tố ngã vỏ ngoài trong con. Sau đó con cần chấp nhận điều đó và làm hòa với nó. Tất nhiên, con sẽ không đồng hóa với ngã vỏ ngoài vì hiện thời con đã không hoàn toàn đồng hóa với nó rồi. Có nghĩa là ngã vỏ ngoài không còn thật sự quan trọng nữa. Một khi con đạt tới điểm con không đồng hóa với nó và nó không còn điều khiển đời con thì nó chẳng quan trọng gì nữa.

14.3. Ngã vỏ ngoài và Sứ vụ Thiêng liêng của con

Con nhận ra là con có thể đạt tới điểm khi ngã vỏ ngoài còn sót lại không thật sự ngăn cản con thực hiện các mục tiêu con đã định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng. Do đó, con có thể biểu lộ một mức độ ngã vỏ ngoài nào đó mà không bị đi trệch khỏi Sứ vụ Thiêng liêng. Một trong những cách mà điều này có thể thị hiện là khi con còn một số mong muốn chính đáng để trải nghiệm trên trái đất. Hiển nhiên là khi con lên cao hơn tầng 96, con không còn một ngã vỏ ngoài muốn thao túng hay kiểm soát người khác, hoặc làm cho họ buồn phiền hay bất cứ gì khác. Con không còn một ngã vỏ ngoài muốn làm chuyện bất hợp pháp để kiếm tiền chẳng hạn. Con đã vươn lên cao hơn những khía cạnh tương đối vị kỷ của ngã vỏ ngoài.

Có thể là con đã sống rất lâu trên hành tinh này và có một số đồ vật, một số mong muốn hay một số trải nghiệm mà con muốn có, nhưng con cảm thấy mình chưa thỏa nguyện những trải nghiệm đó. Trong trường hợp này, con hoàn toàn có thể tiến bước trên đường tu ở mức cao hơn tầng 96 mà vẫn còn mang một số mong muốn, vẫn còn tìm cách toại nguyện những mong muốn đó, nhưng con sẽ làm vậy một cách quân bình hầu không gây xáo trộn cho sự tiến hành của Sứ vụ Thiêng liêng.

Đây chỉ là một ví dụ nhưng rất rất nhiều người trên địa cầu vẫn không cảm thấy là mình đã thỏa nguyện với mong muốn tình dục của mình. Một lần nữa, các thày không bao giờ nói là một khi con đạt đến tầng 96, con sẽ cần sống độc thân cho đến chết. Đó chưa bao giờ là một mục tiêu mà các thày định ra cho con. Nếu con sinh hoạt tình dục một cách quân bình và trách nhiệm, con tuyệt đối có thể có quan hệ tình dục và chuyện này sẽ không khiến con đi trệch hướng khỏi Sứ vụ Thiêng liêng. Điều này cũng áp dụng cho các loại mong muốn khác, chẳng hạn như muốn có một lối sống vật chất nào đó, sở hữu một căn nhà đẹp, đi du lịch và thăm viếng nhiều nơi trên thế giới, bất kỳ mong muốn nào mà con có thể có mà không là một mong muốn hủy hoại.

Con cần làm hòa với thực tế là con có một cái ngã vỏ ngoài, rằng con sẽ có một cái ngã vỏ ngoài có thể ảnh hưởng đến cách con nhìn cuộc sống, và nó có thể kéo con vào việc toại nguyện một số ham muốn. Con cần biết rằng chuyện đó không sao cả, miễn là nó không làm xáo trộn sự tiến hành của Sứ vụ Thiêng liêng. Điều này có nghĩa là con đi vào trạng thái chấp nhận là mình có một ngã vỏ ngoài. Nhưng con không chấp nhận là điều này sẽ không bao giờ thay đổi.

Con không ngừng theo dõi chính mình cũng như các phản ứng của mình. Con nhận ra là đối với mỗi tầng tâm thức mà con vươn tới ở trên tầng 96, con sẽ phải nhìn ra một ảo tưởng đặc thù nào đó của ngã vỏ ngoài và con buông nó ra. Có một phàm linh nội tại, một cái ngã mà con cần để cho chết đi. Con theo dõi chuyện này liên tục – không phải một cách mất quân bình, mà đơn giản là con tỉnh thức. Con giám sát phản ứng của mình nhưng con không bị nó làm bận tâm. Con không cảm thấy là mình bất toàn hay không đủ tốt do mình mang ngã vỏ ngoài đó. Kỳ thực, như các Thượng sư khác đã có đề cập, con đạt tới điểm khi con chấp nhận con người mà con là, ngay trong lúc này. Con chấp nhận con đang ở một mức nào đó trên đường tu và việc có ngã vỏ ngoài là một chuyện hoàn toàn tự nhiên, tất phải như vậy.

14.4. Tránh sự phủ nhận

Lý do điều này quan trọng đến vậy là vì, như thày đã nói ngay từ đầu, tầng 96 đưa cho con một khai ngộ vô cùng chủ yếu. Nếu con dõi nhìn những người tâm linh, kể cả đệ tử của chân sư thăng thiên, con sẽ thấy một số không nắm được ở mức ý thức cách vận động cơ bản của đường tu tâm linh. Đơn giản là họ không xoay chuyển trong tâm và không nhận ra là ngã vỏ ngoài phải chết đi – và muốn làm vậy thì họ phải nhìn thấy nó. Thay vào đó, họ cứ tiếp tục tìn vào ảo tưởng về con đường công truyền mà các thày đã nói đến biết bao lần, là cho rằng bằng cách tuân thủ một cách tu tập vỏ ngoài thì một ngày kia họ sẽ tự động rũ bỏ tự ngã hoặc ngã vỏ ngoài.

Họ cứ chờ cho thời điểm đó xảy đến. Thậm chí có một số khởi sự khóa tu này với giấc mơ là một khi họ hoàn tất khóa tu, đùng một cái họ sẽ thoát được về nhà. Một số sẽ bị thất vọng khi đến bài học chót của thày, họ sẽ tìm ra là chuyện đó không xảy ra, chuyện đó không xảy ra một cách tự động.

Con cũng thấy một số người rơi vào một hình thái phủ nhận, là họ bắt đầu tìm cầu một số chỉ dấu cụ thể. Khi họ cố leo lên tầng 96, họ nhìn nhận là mình đã có tiến bộ. Họ đã vượt qua được một số điều mà họ đã mang nhiều năm trước đây khi họ mới cất bước trên đường tâm linh. Giờ đây họ bắt đầu tin là mình là đệ tử cao cấp, mình đã đạt đến một tầng cấp nào đó. Một số còn tới độ tự xưng mình là sạch tự ngã hay đã giác ngộ, hay bất kỳ tên nào khác mà hệ tư tưởng tâm linh của họ đặt cho mục tiêu tối hậu trên đường tu. Con thấy khắp các cộng đồng tâm linh, Thời mới hay đệ tử của chân sư, có những người rơi vào trạng thái phủ nhận khi họ thực sự tin mình không còn tự ngã hay ngã vỏ ngoài nữa, nhưng niềm tin đó dựa trên sự phủ nhận những thứ vẫn còn sót lại trong họ.

Thày đang cố giúp con tránh bước vào trạng thái phủ nhận đó, để con chấp nhận là mình vẫn còn một ngã vỏ ngoài, và con sẽ còn mang một ngã vỏ ngoài cho tới khi con thăng thiên. Cho nên bằng cách chấp nhận, con sẽ có thể làm hòa với thực tế đó, con có thể làm hòa với bản thân con là một đệ tử hoàn toàn xứng đáng của chân sư thăng thiên cho dù mình vẫn còn sót lại một ngã vỏ ngoài. Kỳ thực, các thày không bao giờ bảo là các thày chờ đợi con phải sạch ngã vỏ ngoài khi con còn hiện thân. Điểm này, con có thể làm hòa với nó. Khi nào con đã an bình với nó, con sẽ có thể xây dựng thêm từ đó.

14.5. Làm hòa với vật chất

Hiển nhiên là thày có một ý định rộng mở cho bài học này. Trong một bài trước, thày có nói về nỗi oán giận Mẹ, oán giận cõi vật chất, khi con cảm thấy cõi vật chất là kẻ thù đang kháng cự lại mình, vân vân và vân vân. Khi con làm hòa với sự kiện là con không cần toàn hảo để được các chân sư thăng thiên chấp nhận, con cũng xoay chuyển và nhận ra là trái đất, hay cõi vật chất, không cần phải toàn hảo để con có thể cảm thấy an bình khi mình hiện diện nơi đây.

Nói cách khác, một số trong các con là avatar đã đến đây từ một hành tinh tự nhiên nơi vật chất bớt dày đặc hơn hẳn địa cầu. Một số trong các con là những cư dân nguyên thủy của địa cầu vẫn còn giữ được một ký ức nội tâm về một thời trước khi trái đất rơi xuống độ dày đặc hiện thời. Con cảm nhận là mọi chuyện không được như ý. Ở đây con cần xoay chuyển và nhận ra là, đúng vậy, tình trạng địa cầu có tiềm năng cao hơn như bây giờ. Và tất nhiên, các thày là chân sư thăng thiên đang từ từ và lần hồi đưa hành tinh lên trạng thái cao hơn đó, và đương nhiên các con đang ở đây để giúp một tay.

Con sẽ không giúp được các thày nâng địa cầu lên cao hơn nếu con kháng cự lại hiện trạng của nó ngay bây giờ. Nếu con cưỡng chống lại những gì đang ở đây ngay bây giờ thì con đang nói trong tiềm thức: “Tôi không thể là Ki-tô chừng nào hành tinh dày đặc như thế này. Tôi không thể biểu đạt tiềm năng tâm linh của mình chừng nào trên hành tinh còn những biểu hiện khủng khiếp như thế này.” Đây chính là ảo tưởng của sự trụ tâm vào những thứ vỏ ngoài, và nó đã khiến cho biết bao đệ tử tâm linh đi lạc vào con đường quanh co mà thày đã có đề cập, là tìm cách dùng vũ lực để thay đổi người khác hay thay đổi các điều kiện vỏ ngoài.

Điều này dẫn chúng ta đến điểm con cần nhận chân địa cầu là một hành tinh đang ở một độ dày đặc nhất định. Tâm thức tập thể đang ở một độ dày đặc, hỗn mang, biến loạn – một độ entropy nào đó như khoa nhiệt động học sẽ gọi như thế. Con cần chấp nhận đây là hiện trạng. Con không chấp nhận là nó sẽ vĩnh viễn và cứ giữ mãi như vậy. Con chấp nhận là con sẽ làm hòa với các điều kiện hiện hữu. Con sẽ chấp nhận là không những các điều kiện này sẽ cho phép con biểu đạt quả vị Ki-tô của mình mà nó còn là điều kiện lý tưởng để con biểu đạt quả vị Ki-tô của con. Quả vị Ki-tô là gì chứ con? Các thày đã nói nhiều lần: “Quả vị Ki-tô không phải là một tình trạng lý tưởng nào đó, không phải là một trạng thái của tâm chỉ có thể biểu lộ trong những điều kiện lý tưởng.”

Con hãy nhìn Giê-su khi thày bước trên mặt đất 2000 năm trước đây tại Palestine – một vùng đất vô cùng tăm tối, nặng nề với một tâm thức tập thể rất rất dày đặc, dày đặc hơn hẳn so với những gì hầu hết các con đã chứng kiến khi lớn lên trong kiếp này. Thế nhưng thày vẫn biểu lộ được quả vị Ki-tô, vì quả vị Ki-tô là gì? Là khi con thách thức hiện trạng, và cho dù hiện trạng có là gì đi nữa, con vẫn có thể thách thức nó. Thậm chí con còn có thể nói, hiện trạng càng thấp thì thách thức càng dễ. Không có nghĩa là việc biểu lộ quả vị Ki-tô là dễ dàng, nhưng chắc chắn là nó khả thi, và đây là điều con cần chấp nhận. Con cần chấp nhận là mặc dù địa cầu đang rất dày đặc, con vẫn có khả năng hoàn thành những mục tiêu con đã đề ra trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình, bởi vì các mục tiêu đó được đề ra trong sự nhận biết về độ dày đặc hiện tại của vật chất. Con đã không định ra một mục tiêu thiếu thực tế cho bản thân, mà con đã định ra một mục tiêu thực tế. Để thị hiện mục tiêu thực tế này, con cần chấp nhận việc thị hiện là một chuyện khả dĩ ngay cả trong những điều kiện hiện tại.

Sau đó, con cũng cần bắt đầu xem xét các mong muốn, các kỳ vọng vỏ ngoài của mình. Con cần nhận chân rất nhiều những mong muốn vỏ ngoài đó không thực tế (đây là những mong muốn mà có thể con đã đem theo từ những kiếp trước, hay đã khoác vào ở tuổi ấu thơ, hay đã hình thành khi con tìm thấy giáo lý tâm linh, ngay cả giáo lý của chân sư thăng thiên). Chúng dựa trên cái giấc mơ “thoát được về nhà”, khi phần nào con tìm ra một cách hiện diện trên trái đất mà không bị những gì xảy ra trên trái đất chạm vào mình. Con cần nhận diện ở đây là một số những mong muốn đó chỉ đơn giản là thiếu thực tế, và con cần để cho chúng ra đi.

14.6. Kỳ vọng về những gì phải là  

Khi con làm vậy, con có thể thực hiện thêm một cuộc xoay chuyển. Con có thể nhìn nhận là kỳ thực, cản trở lớn nhất để con thị hiện một điều gì đó trên địa cầu (như thày đã nói, thị hiện một lối sống vật chất tốt đẹp hơn, thị hiện Sứ vụ Thiêng liêng của con, thị hiện sự quân bình hay hài hòa giữa cuộc sống tâm linh và cuộc sống vật chất), cản trở lớn nhất để con thị hiện các mục tiêu đó là các kỳ vọng của con – kỳ vọng rằng mọi chuyện phải như thế nào.

Nếu con có một kỳ vọng, một chờ đợi, do ngã vỏ ngoài dựng lên và nếu nó trái ngược với các mục tiêu trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì chừng nào con còn giữ chặt kỳ vọng đó trong tâm ý thức, nó sẽ chặn đứng không cho Sứ vụ thị hiện. Con sẽ không thể chấp nhận để cho các mục tiêu trong Sứ vụ đi xuống tầng vật lý. Và do đó, con sẽ ngăn chặn chúng trong tiềm thức, và nhiều người tâm linh đã làm chuyện đó.

Điều này có nghĩa là giờ đây con phải xét lại những điều con có thể đã đọc trong sách về cách thị hiện những thứ mình muốn. Chẳng hạn có sách sẽ bảo là con cần vô cùng chính xác cụ thể khi thiết lập một “bản đồ kho báu”. Nếu muốn thị hiện một căn nhà thì con phải định rõ trong nhà phải có gì, hay thậm chí con tìm một tấm hình thật chính xác cho thấy căn nhà phải như thế nào với tối đa chi tiết. Điều thày nói với con bây giờ là con hãy xoay chuyển trong tâm và làm cho tâm mình lỏng đi. Con khiến cho kỳ vọng của mình lỏng đi.

Con nhìn vào chính con và hỏi: “Liệu tôi có một số mục tiêu và tôi có ý phải hoàn thành chúng như thế nào, và tôi cảm thế nào về chúng?” Con có thể làm bài tập này và thử hỏi: “Được rồi, đây là các mục tiêu của tôi, nếu như bây giờ có một khuôn mặt thẩm quyền bảo tôi là chúng tuyệt đối không thể thị hiện được thì liệu tôi sẽ phản ứng làm sao?”

Nếu con cảm thấy một phản ứng rất mạnh gần như không cưỡng nổi, một cảm giác hoảng sợ rằng các mục tiêu đó không thể thị hiện, thì con sẽ biết là các mục tiêu và kỳ vọng đó xuất phát từ ngã vỏ ngoài. Chúng đến từ cái ngã vỏ ngoài không ứng phó nổi với sự mất mát. Một khi ngã vỏ ngoài đã quyết định về một mục tiêu hay một kỳ vọng, bất cứ gì không hoàn toàn toại nguyện được kỳ vọng đó sẽ được nó trải nghiệm như một mất mát. Nếu con nhận diện phản ứng này nơi con, con biết là nó đến từ ngã vỏ ngoài, và đó là lúc con cần xem xét lại các mục tiêu và kỳ vọng đó và hiểu ra là con cần để cho chúng ra đi.

Con cần nhìn ra đó là một phàm linh nội tại hay ngã vỏ ngoài đặc thù đang cố bám lấy các mục tiêu đó, và con cần để cho ngã đó chết đi. Con sẽ không giải thoát khỏi ngã đó bằng cách hoàn thành mục tiêu, vì nó sẽ chỉ tạo thêm một mục tiêu khác nữa và nó sẽ dời cột gôn ra chỗ khác. Con sẽ chỉ giải thoát khỏi nó nếu con để cho phàm linh đó chết đi. Con cần làm cho kỳ vọng của mình mềm lỏng.

Trong tất cả những quyển sách kia về thị hiện, người ta cũng sẽ bảo con phải định rõ ra mục tiêu, rồi con cần trụ tâm vào đó đều đặn mỗi ngày. Con cần có ý muốn vô cùng vững mạnh để thị hiện mục tiêu này, vô cùng kiên định trong quyết tâm và ý chí. Con cần đem hết sức mạnh ý chí của mình ra để ép nó đi vào hiện thực.

14.7. Không có an bình qua vũ lực

Thày không đang bảo con là những quyển sách và khóa học đó nói dối. Con hoàn toàn có khả năng thị hiện đồ vật theo cách họ mô tả, tuy nhiên nó không dính dáng chút nào với quả vị Ki-tô. Cho nên nếu con muốn thị hiện đồ vật theo cách đó thì con có thể. Đó là tại sao thày đã nói là con có thể đạt tới tầng 96 và bắt đầu sử dụng quyền năng của tâm để thị hiện một số thứ. Con có thể làm được, chuyện đó khả dĩ và có những người đã làm được.

Nhưng nó sẽ không đưa con lên cao hơn tầng 96, có nghĩa là rốt cuộc con sẽ bắt đầu thụt lùi và ngày càng chú trọng nhiều hơn đến bản thân. Kỳ thực, con có thể tuột xuống tầng tâm thức thấp nhất có thể có trên trái đất. Hơn thế nữa, con có thể rơi hẳn vào tâm thức sa ngã. Con thấy được ở đây là thày đang nói điều này cho con để con nhận ra là con đã vươn tới một mức tâm thức nào đó, con đã đạt được một số khả năng của tâm, và con có thể dùng những kỹ thuật vỏ ngoài đó để thị hiện một số điều con muốn. Điều thày mong muốn nhìn thấy, tất nhiên, là thay vì thị hiện những mong muốn, kỳ vọng và mục tiêu vỏ ngoài đó, con sẽ thị hiện những gì nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Và để làm được vậy, con cần từ bỏ các kỳ vọng và mục tiêu vỏ ngoài đó. Con cần quy hàng và buông bỏ chúng.

Làm thế nào con sẽ đạt được an bình ở mức này? Không phải bằng cách tiếp tục sử dụng sức mạnh ý chí, cưỡng ép cho mục tiêu trở thành hiện thực. Cho dù con có thị hiện được một mục tiêu thì một mục tiêu khác sẽ hiện ra. Nghĩa là có thể con phải vĩnh viễn sử dụng ý chí để cưỡng ép mọi chuyện đi vào hiện thực. Con sẽ không an bình vì chừng nào con còn dùng vũ lực, con không thể cùng lúc an bình được. Đơn giản là không thể nào vừa sử dụng vũ lực mà vừa an bình được. Và đương nhiên, con yêu dấu, nếu con không thể an bình thì con cũng không thể tự do, và đó là tầng khai ngộ thứ bảy, là cuộc khai ngộ không những sẽ dẫn con lền tầng 96 mà sẽ còn đưa con đi tiếp cao hơn cả 96.

Làm thế nào con có thể an bình? Con không thể an bình qua vũ lực. Con chỉ có thể – và thày nói CHỈ với chữ hoa – con CHỈ có thể an bình qua buông bỏ.

14.8. Một cách thị hiện cao hơn

Con có thể nhận thấy là trong con có một cái ngã vừa phản ứng lại câu nói vừa rồi. Có thể con có cảm giác như là con sẽ không bao giờ thị hiện được điều gì nếu mình không nhất quyết sử dụng sức mạnh của ý chí, đặc biệt là trên một hành tinh dày đặc như địa cầu. Điều đó đúng! Nếu con ở một mức tâm thức nào đó, cách duy nhất để thị hiện một cái gì đó là dùng ý chí mạnh mẽ để ép uổng nó vào hiện thực. Nhưng khi con xoay chuyển và vươn lên cao hơn mức tâm thức đó, con có khả năng thị hiện những gì được ghi trong Sứ vụ Thiêng liêng của con – không nhất thiết những gì nằm trong ngã vỏ ngoài, nhưng chắc chắn những gì nằm trong Sứ vụ của con. Bây giờ, làm thế nào con làm được đây?

À, con hãy xét xem con muốn thị hiện qua trung gian cái ngã nào? Khi con dùng vũ lực, con cũng đang dùng ngã vỏ ngoài. Con không chỉ thị hiện qua ngã vỏ ngoài mà con đang thị hiện xuyên qua ngã vỏ ngoài cũng như viễn quan của ngã vỏ ngoài. Có những sa nhân đã bị cắt khỏi Hiện diện TA LÀ của chúng. Chúng chỉ có thể thị hiện bằng cách sử dụng những năng lượng đã sẵn đem vào quang phổ vật lý, và chúng có khả năng thị hiện một số chuyện rất ngoạn mục dưới con mắt của hầu hết mọi người. Nhưng con, hiển nhiên, con không bị cắt đứt khỏi Hiện diện TA LÀ của con, cho nên con sẽ không chỉ thị hiện với những năng lượng đã có sẵn trong cõi vật chất, mặc dù con cũng sẽ dùng những năng lượng đó nếu con thị hiện một cách cưỡng chế.

Thật ra con sẽ lấy một số năng lượng từ Hiện diện TA LÀ và sử dụng để thị hiện các mục tiêu của ngã vỏ ngoài. Đây là tại sao con đường gọi là tà đạo, con đường tay trái, có thể quyến rũ đến như vậy. Con thấy không, con vươn lên một mức nào đó và con kết nối chặt chẽ hơn với Hiện diện TA LÀ của con, cho nên con cũng ít đồng hóa hơn với ngã vỏ ngoài. Con có khả năng sử dụng sức mạnh ý chí và cưỡng ép ánh sáng của Hiện diện TA LÀ đi vào khuôn đúc mà ngã vỏ ngoài đã quy định, và như vậy con thị hiện các mục tiêu vỏ ngoài đó.

Tất nhiên, khi con làm vậy, điều sẽ xảy ra là lần hồi ánh sáng chảy xuống từ Hiện diện TA LÀ sẽ giảm thiểu. Đây là một cơ chế an toàn để ngăn cản con tạo ngày càng nhiều nghiệp quả và trở nên đồng hóa nhiều hơn với ngã vỏ ngoài, để rồi con rơi vào một vòng xoáy ốc hướng hạ. Ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ sẽ suy giảm. Đây có thể là một lời cảnh tỉnh, và một số người đã nhận ra lời cảnh tỉnh đó. Khi họ cảm thấy mình không còn quyền năng thị hiện nữa thì họ bắt đầu tự hỏi tại sao lại như thế, và họ quay trở lại con đường chính đạo.

14.9. Con đường tay trái

Nhưng một số khác đã đi theo một con đường khác. Họ đã tiếp tục bước đi trên con đường tay trái. Giờ đây họ bắt đầu sử dụng những năng lượng đã sẵn có mặt trong cõi vật chất  để tiếp tục thị hiện những gì họ muốn. Đây là chuyện khả thi, và nếu họ làm vậy, sẽ tới một điểm khi họ trở thành đệ tử của một sa nhân. Sa nhân này sẽ dạy họ cách thức sử dụng cái gọi là ma thuật đen để thị hiện những gì họ ham muốn.

Con thấy đó, con khởi sự bằng cách sử dụng ánh sáng từ Hiện diện TA LÀ của con, xong khi nó không còn đủ mạnh để thị hiện những gì con muốn, con quay sang sử dụng năng lượng đã có sẵn trong cõi vật chất. Đương nhiên, điều này có nghĩa là con phải đánh cắp năng lượng này từ người khác, và cứ thế chuyện này sẽ kéo con vào vòng xoáy bất tận là tìm cách khuynh đảo và kiểm soát người khác.

Nếu con không muốn bước vào tình trạng đó, con phải đạt tới điểm con nhìn nhận là con không muốn thị hiện bất cứ gì qua ngã vỏ ngoài. Có nghĩa là con phải kinh qua một giai đoạn buông bỏ một cách cố tình các mục tiêu, mong muốn và kỳ vọng của ngã vỏ ngoài. Con từ bỏ các mục tiêu đó bởi vì với ngã vỏ ngoài, con có thể học hỏi cách nhận diện các mục tiêu của nó. Chúng thường mang giấc mơ về một trạng thái tối hậu nào đó – một trạng thái giàu có tối hậu, một trải nghiệm tình dục tối hậu, một trải nghiệm tâm linh tối hậu nào đó. Nó luôn luôn cực đoan. Nó luôn luôn phải cực đoan hơn trước. Nó luôn luôn là một trạng thái cuối cùng nào đó. Đó là tại sao nó trở thành một vòng ốc xoáy bất tận, một cuộc tìm cầu không bao giờ chấm dứt để chinh phục ngày càng nhiều hơn.

Con có thể dần dà nhận diện những mục tiêu đó và sau đó con buông chúng ra. Con có thể buông mục tiêu muốn có trải nghiệm tình dục tuyệt đỉnh mà không phải từ bỏ tình dục hoàn toàn (mặc dù con cũng có thể từ bỏ trong một thời gian nếu con cảm thấy muốn làm vậy). Điều thày muốn nói là sẽ tới điểm khi chìa khóa để tiến bước cao hơn là quy hàng, là buông bỏ – buông bỏ, buông bỏ, buông bỏ.

Điều này có nghĩa là con bước vào một giai đoạn khi con nhận ra là mặc dù con có khả năng thị hiện một số mong muốn qua ngã vỏ ngoài, nhưng con lại không muốn làm vậy. Một số trong các con (kỳ thực, tất cả các con) sẽ gặp cám dỗ này dưới một dạng nào đó, nhưng một số các con sẽ gặp nó dưới một dạng rất cụ thể. Con sẽ chạm trán với một hoàn cảnh nơi con thấy rõ là con có thể thị hiện căn nhà lý tưởng, chẳng hạn, qua việc sử dụng vũ lực. Nhưng thay vào đó, con chọn sự buông bỏ, con buông bỏ giấc mơ có được căn nhà trong mơ. Điều này có nghĩa là cho một thời gian, con sẽ không có căn nhà trong mơ hay ngay cả không có nhà nào hết.

Thế rồi có thể thời điểm sẽ đến khi một căn nhà khác sẽ thị hiện, tuy không đúng hẳn căn nhà trong mơ nhưng nó vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho Sứ vụ Thiêng liêng tiến hành tốt hơn là với căn nhà mơ ước kia. Nếu con đã cưỡng ép căn nhà kia vào hiện thực thì con đã phải chịu một số ràng buộc. Nó sẽ đòi hỏi con bỏ ra một số năng lực, thời giờ cũng như chú ý, có nghĩa là con không còn gì sót lại cho những công việc khác, kể cả một số khía cạnh của Sứ vụ của con. Con bắt đầu phân biện rõ hơn là mình nên sử dụng thời gian và năng lực như thế nào để không dành ra quá nhiều cho các nhu cầu của ngã vỏ ngoài đến độ nó kéo con ra khỏi việc thực hiện Sứ vụ Thiêng liêng.

14.10. Mong muốn nội tâm hay mong muốn vỏ ngoài

Xong con cũng có thể bắt đầu làm cuộc xoay chuyển mà Giê-su đã chứng tỏ khi chính thày đã nói cách đây 2000 năm: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì.” Như con thấy đó, dựa trên những gì thày vừa nói, câu này đòi hỏi thêm một chút giải thích. Hiển nhiên là Giê-su đã có thể tự mình làm một điều gì đó, nghĩa là qua ngã vỏ ngoài của thày, thày đã có thể thực hiện một số công việc ở mức tâm thức mà thày có lúc đó. Thày đã có thể thị hiện rất nhiều thứ với ngã vỏ ngoài của thày. Điều mà thày thực sự muốn nói là: “Ta không muốn làm bất cứ gì do ngã của ta.” Và thày cũng nói: “Đó là Cha ở trong ta – chính Ngài làm mọi việc,” có nghĩa: “Chính Hiện diện TA LÀ và viễn quan cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của ta đang quyết định những gì thị hiện ra trong đời ta.”

Con đạt đến một điểm khi con cần đối mặt với sự lượng định: “Liệu tôi có muốn những gì thị hiện trong đời tôi là do quyết định của ý chí ngã vỏ ngoài, hay là tôi muốn ý chí cao hơn – Hiện diện TA LÀ của tôi, những chọn lựa mà tôi đã lấy khi thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng – định đoạt những gì sẽ thị hiện trong đời tôi?” Đây chính là điều đòi hỏi sự buông bỏ. Con buông bỏ, con quy hàng trước ý chí cao hơn đó. Giống như Giê-su, con nói: “Xin ý của Cha được thành, chứ không phải ý của con.” Điều này không có nghĩa là có một Thượng đế ở trên trời, một chúa tể độc tài nào đó đang tìm cách kiểm soát con. Con không quy phục một ý chí ở ngoài con. Khi con thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng của mình, con đã sử dụng ý chí ở bên trong chính con.

Tất nhiên, ngã vỏ ngoài sẽ bảo là con quy phục một ý chí bên ngoài, vì đối với nó, ý chí cao hơn của con nằm bên ngoài. Nhưng kỳ thực, đối với con trong cương vị cái Ta Biết, ý chí của ngã vỏ ngoài mới là nằm bên ngoài. Ngã vỏ ngoài tìm cách cưỡng ép ý chí của nó lên con, ngược với những gì con đã chọn lựa và quyết định khi con ở trong trạng thái cao hơn, trạng thái minh mẫn để thảo ra Sứ vụ Thiêng liêng. Con thấy đó, đây là chuyện thực hiện cuộc xoay chuyển này: “Tôi thực sự muốn gì?”

Và thực sự, có thể nói đó là chuyện con muốn có những loại trải nghiệm nào cho phần còn lại của đời con? Và ở đây chúng ta bước vào – ít nhất từ một nhãn quan nào đó – trở ngại lớn nhất, thử thách lớn nhất, mà con người phải đối diện trên địa cầu, là thử thách về sở hữu.

14.11. Thử thách sở hữu

Con hãy nhìn hành tinh này! Bước lui lại và nhìn hành tinh này. Nhìn tất cả tình trạng hỗn loạn, tất cả những xáo trộn, tất cả những chuyển biến. Những thiên tai, động đất, bão tố, chiến tranh, tất cả những thứ đang không ngừng khiến con người bị bật rễ, bị mất nhà cửa, phá hủy toàn bộ những thành phố. Đây có thật là một hành tinh nơi con muốn tìm mọi cách để sở hữu một cái gì? Có thật khôn ngoan hay không khi con bước vào tâm trạng tham vọng sở hữu một cái gì?

Một lần nữa, hãy lấy ví dụ căn nhà trong mơ. Không có gì sai trái nếu con ở một căn nhà thoải mái, nhưng liệu con sở hữu căn nhà hay là căn nhà sở hữu con? Theo một nghĩa nào đó, đây là thử thách con đối mặt trên địa cầu. Con có thể sở hữu đồ vật trên địa cầu – đúng là con có thể – nhưng luôn luôn sẽ có một cái giá mà con phải trả. Nó đòi hỏi ở con một số năng lực, thời giờ và chú ý. Thày không đang nói tới cả chuyện tiền bạc cho dù con sẽ cần tiền bạc để sở hữu một cái gì đó. Nó đòi hỏi con dành chú ý cho nó, và để bảo toàn những gì con sở hữu, nó cũng đòi hỏi nơi con sự chú ý.

Câu hỏi đặt ra là: “Con muốn loại trải nghiệm nào cho phần còn lại của đời con?” Liệu con muốn trải nghiệm chuyện sở hữu một đồ vật, hay con muốn trải nghiệm sự tăng triển tâm linh? Con hiểu chứ phải không con, rằng sở hữu là đứng yên một chỗ và tăng triển là chuyển động. Các thày đã có đề cập đến Dòng sông sự Sống. Con không xuôi chảy theo Dòng sông sự Sống khi con sở hữu một cái gì. Điều này không có nghĩa là con không thể vừa sở hữu vừa xuôi chảy với Dòng sông sự Sống – nhưng chỉ khi nào cái con sở hữu không sở hữu con. Chừng nào con còn mong muốn sở hữu thì con sẽ không an bình được trên một hành tinh như địa cầu – chuyện đó không thể. Luôn luôn sẽ có những mối đe dọa mà con tưởng tượng ra, và thày có thể cam đoan với con là khi con sở hữu một cái gì mà con không muốn đánh mất, con sẽ dư khả năng tưởng tượng ra đủ mọi loại đe dọa có thể cướp nó khỏi tay con.

Sứ giả này cách đây ít lâu đã xem một phim tài liệu trên tivi về các nhà tỷ phú. Ông hiểu ra là nếu ông tin tất cả những gì được trình chiếu, mọi người đúng lý phải cảm thấy tội nghiệp cho các nhà tỷ phú bởi vì việc ứng phó với tài sản to lớn như vậy thật là một chuyện khó khăn. Tất nhiên ông đã bật cười, nhưng bên trong ẩn một chân lý, đó là người ta càng sở hữu thì cái họ sở hữu sẽ càng sở hữu họ. Khi họ càng bị sở hữu bởi vật sở hữu, thì họ phải dành ra càng nhiều sức lực và chú ý để lo gom góp nhiều hơn hay để khỏi đánh mất những gì mình đang có. Đối với nhiều người, họ sẽ đạt tới điểm tích tụ được tất cả mọi thứ mà mình mong muốn lúc ban đầu, và giờ đây họ lo lắng sẽ đánh mất nó. Điều này, tất nhiên, sẽ không thuận lợi cho sự phát triển của con trong những mục tiêu đề ra trong Sứ vụ Thiêng liêng.

14.12. Rũ bỏ cái ngã sở hữu

Con cần nhìn vào điểm này và nhận ra đó là một ngã vỏ ngoài. Nó rất dũng mãnh trên hành tinh này vì động lượng trong tâm thức tập thể cũng rất mạnh mẽ – nhưng con đã đến đây để làm gì? Con đến đây để tự nâng mình lên cao hơn tâm thức tập thể và như vậy góp phần nâng cao tâm thức tập thể.

Tất nhiên là ở tầng khai ngộ này, con có khả năng rũ bỏ ngã này. Con có thể nhận ra là mình không muốn thị hiện những mục tiêu của ngã vỏ ngoài và mình cũng không muốn thị hiện bất cứ gì xuyên qua ngã vỏ ngoài. Con không muốn thị hiện bất cứ gì qua vũ lực. Vậy thì làm thế nào con thị hiện được cái gì đây? Nhiều người đã từng đọc những cuốn sách kinh điển kia về thị hiện, sẽ bảo: “Đúng vậy, làm thế nào con có thể thị hiện bất cứ gì nếu con không dùng vũ lực và sức mạnh ý chí, nếu con không trụ tâm và không tập trung năng lượng? Thày bảo con buông bỏ mọi mục tiêu và mong muốn, bảo con không được cụ thể chính xác, bảo con phải làm lỏng tâm mình và kỳ vọng của mình. Vậy làm sao con thị hiện được gì đây?”

Con yêu dấu, khoảng 2500 trước đây có một bậc đại hiền đã giảng dạy về Trung đạo. Thày không đang bảo con không được dùng sức mạnh của ý chí, hay không được tập trung, hay không được quyết tâm. Thày đang bảo con chuyển sự chú tâm của con ra khỏi ngã vỏ ngoài và hòa điệu với Sứ vụ Thiêng liêng. Thày cũng bảo con làm lỏng tâm con, làm lỏng các kỳ vọng của con, ít ra trong một thời gian, vì con sẽ cần chút thời gian để buông xả các kỳ vọng từ ngã vỏ ngoài. Con cần bước vào một giai đoạn tạm thời nơi con sẵn lòng để cho mọi chuyện nổi trôi, như thể nổi trôi không định hướng trên mặt nước, và con để cho dòng nước cuốn con trôi đi.

Con thấy đó, con yêu dấu, có một cách lấy quyết định với ngã vỏ ngoài, là khi con dùng sức mạnh ý chí hay con tập trung vào mục tiêu và trở thành vô cùng cương quyết. Có thể nói, con gạt sang một bên bất kỳ lực chống đối nào ngăn cản con thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng cũng có một cách khác là con buông bỏ tất cả những mong muốn vỏ ngoài đó và con đi vào trạng thái mà Giê-su mô tả là: “Xin ý của Cha được thành, chứ không phải ý của con.”

Nói cách khác, con không bảo là con không muốn bất cứ gì thị hiện trong đời con, mà con chỉ nói là con không muốn ý chí của ngã vỏ ngoài thị hiện. Con muốn ý chí cao hơn mà chính con đã định ra khi con thảo Sứ vụ Thiêng liêng. Con sẵn lòng chờ cho điều đó xảy ra. Con sẵn lòng để cho nó xảy ra, để cho nó trải bày. Con sẵn lòng bước vào một trạng thái của tâm nơi con nghĩ là mình không đang thị hiện gì hết. Con không đang cưỡng ép bất cứ gì thị hiện, mà con chỉ để yên cho nó rơi vào thị hiện.

14.13. Để yên cho mọi chuyện thị hiện

Trong thế giới Ả rập, người ta có câu ngạn ngữ về quả cam rơi vào chiếc khăn đóng mình đội trên đầu. Con ngồi dưới cây cam và quả cam rơi xuống một cách tự nhiên. Đây là trạng thái tâm mà con có khả năng bước vào ở mức này. Không tìm cách ép buộc Ánh sáng Mẫu-Vật phải cho con những gì ngã vỏ ngoài mong muốn, con trao cho Ánh sáng Mẫu-Vật khoảng trống để nó thị hiện điều mà chính con, qua ý chí cao hơn của con, đã quyết định mong muốn. Con cho phép các mong muốn cao hơn của con đi xuống thị hiện vật lý thay vì ngăn chặn chúng với tất cả những kỳ vọng vỏ ngoài đó. Con có thấy được không? Cách thị hiện cưỡng bức của ngã vỏ ngoài là một chuyện khả thi, nhưng có một cách khác mà thoạt nhìn tưởng chừng là một cách thụ động (ít ra đối với ngã vỏ ngoài), nhưng nó không thụ động chút nào. Đơn giản, con kết nối lại với Sứ vụ Thiêng liêng và cho phép tự nó thị hiện ra.

Con thấy đó, con yêu dấu, nhiều người theo học những cuốn sách về thị hiện thường làm vậy từ một tâm trạng thiếu thốn, họ thiếu thốn vì họ muốn một cái gì đó. Thường khi là tiền bạc. Họ không đủ tiền, họ muốn thị hiện ra tiền, cho nên họ theo học các khóa đó và họ khiến cho ý muốn vỏ ngoài đó bị đông đặc lại. Sau đó họ dồn tất cả sức lực của ý chí cùng quyết tâm để cố đẩy nó lên các cõi cao hơn. Có lẽ họ không biết gì về ba thể cao như con, nhưng dù sao thì họ cũng cố gắng – từ mức ý thức – đẩy nó lên các cõi tình cảm, lý trí và bản sắc. Khi họ làm vậy từ tầng ý thức, trước tiên họ phải đẩy lên cõi tình cảm, rồi họ phải đẩy lên cõi lý trí, rồi họ phải đẩy lên cõi bản sắc. Một khi họ đã đẩy được vào cõi bản sắc, xung lực có thể sẽ quay ngược lại và bắt đầu đi trở xuống.

Vấn đề là con chỉ có sẵn một khối năng lượng giới hạn khi con cố gửi xung lực đó đi lên cõi tình cảm. Có thể trong thể tình cảm của con có đủ loại xáo trộn mà con chưa giải quyết, và chúng sẽ tạo ra sức cưỡng chống lại. Sóng năng lượng mà con gửi ra bằng tâm ý thức tạo ra đủ loại mô thức giao thoa với các năng lượng khuếch tán và hỗn loạn hiện diện trong cảm thể con. Đến khi nó tới được cõi lý trí thì không những nó đã bị suy yếu mà phần nào còn bị bóp méo. Một lần nữa, trong trí thể của con lại có đủ loại điều kiện hỗn loạn khác, đủ loại tin tưởng chưa giải quyết. Và khi nó lên tới thể bản sắc, nó lại bị khuếch tán thêm nữa. Nơi thể bản sắc, rất có thể là con không rõ ràng lắm về con người thực mà con là, về những gì mà con thực muốn, cho nên một lần nữa lại có sự suy giảm và biến thái. Cho nên đến khi xung lực sẵn sàng quay trở xuống, nó không còn gì như cũ và sức mạnh của nó đã suy yếu.

Nhiều, rất nhiều người làm như vậy. Họ bỏ thì giờ ra, ngấu nghiến đọc những cuốn sách hứa hẹn cho họ đủ mọi thứ. Họ dành ra nhiều thời gian và sức lực để làm theo nhưng rồi chẳng có gì xảy ra. Họ ngồi đó, không hiểu tại sao chẳng có gì thị hiện, hoặc họ bỏ rơi toàn bộ, thậm chí họ bỏ rơi cả đường tu tâm linh bởi vì sự thật là họ có bao giờ cất bước trên đường tu tâm linh đâu, mà họ chỉ tìm cầu một lối thoát vá víu tạm thời. Hoặc cũng có thể là một phần mục tiêu của họ được thị hiện, và giờ đây họ thực sự nghĩ đó là cách thị hiện mọi chuyện. Họ lại thử một lần nữa, nhưng rồi họ phải đi đến kết luận là nó không hiệu nghiệm. Chuyện đó không hiệu nghiệm chút nào.

Điều thày yêu cầu con làm khác hẳn. Thày yêu cầu con buông bỏ tất cả mọi thứ vỏ ngoài, sẵn lòng để cho mình nổi trôi, để mình xuôi chảy theo Dòng sông sự Sống, để yên cho sự sống cuốn con theo bất cứ hướng nào mà nó muốn. Và khi đó, con vươn lên, con với tới những gì con đã định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Nghĩa là con né tránh được bất kỳ lực kháng cự nào đến từ ngã vỏ ngoài ở các thể tình cảm, lý trí và bản sắc thấp của con. Con đi thẳng tới nguồn cội của những gì con đã thảo ra trước khi con đầu thai trong kiếp này. Xong con kết nối với cái đó, và con sẵn lòng để yên cho nó thị hiện ra cho dù con chưa thấy được nó là gì, cho dù nó có thể không đồng thuận với các kỳ vọng vỏ ngoài mà con đã vun trồng ở một thời điểm nào đó. Con sẵn lòng buông bỏ các kỳ vọng đó và con nói: “Xin ý chí cao hơn của con được hoàn thành cho dù nó có là gì, chứ không phải ý chí vỏ ngoài của con. Dù bất cứ gì có xảy ra, con cũng sẽ chấp nhận, con sẽ đón nhận, và con sẽ biết ơn tất cả những gì con được nhận.”

14.14. Thị hiện qua buông bỏ

Thật ra có nhiều người đã thị hiện một điều gì không đúng hẳn như ý muốn của ngã vỏ ngoài. Họ xem đó là không đủ hay họ đã từ chối thẳng thừng. Có những người đã thị hiện được một số cơ hội mới, nhưng vì nó không đúng với mong ước cho nên họ đã không nắm lấy. Và như thế họ đã bỏ lỡ một cơ hội tăng triển mà họ đã định ra trong Sứ vụ Thiêng liêng. Ở mức này, thày yêu cầu con hãy sẵn sàng trở nên mềm lỏng, sẵn sàng buông bỏ mọi hình ảnh cố định về đời mình phải trải ra như thế nào. Con hãy kết nối lại với ý chí cao hơn đó, là ý chí đích thực mà con đã có khi con không nhìn mọi chuyện xuyên qua lăng kính dày đặc của bốn thể phàm.

Đây là một hành động buông bỏ có khả năng thực sự đưa con đến một trạng thái an bình vì con chấp nhận một số chuyện. Con chấp nhận khía cạnh omega của sự thị hiện trên địa cầu, nghĩa là địa cầu có một độ dày đặc nào đó, mọi người đều có quyền tự quyết của mình và tâm thức tập thể ở một trình độ nào đó. Những yếu tố này định ra giới hạn cho những gì con có thể thị hiện. Do tất cả những điều kiện vỏ ngoài đó, con không nhất thiết thị hiện được điều kiện lý tưởng mà con có thể hình dung. Nhưng điều mà con luôn luôn thị hiện được là những gì sẽ giúp con tăng triển lên một mức tâm thức cao hơn. Đó là omega – là làm hòa với mọi thứ như chúng hiện là, và tận dụng chúng một cách tối hảo thay vì phàn nàn là chúng không lý tưởng.

Khía cạnh alpha là con vượt ra khỏi các ham muốn của ngã vỏ ngoài. Con tái nối kết với các mong muốn cao hơn mà chính con đã từng có trước khi hiện thân. Con cho phép những mong muốn này thị hiện và con chấp nhận như vậy là tốt đủ, đó là cơ hội mà con muốn và con sẽ ôm lấy nó. Con sẽ tận dụng nó một cách tối hảo và sẽ đặt trọng tâm vào việc tăng triển thay vì sở hữu.

Có một khái niệm rất quan trọng mà Giê-su đã bày tỏ cách đây không lâu trong một bài truyền đọc nơi thày nói là các chân sư thăng thiên giống như những nhân viên bán xe cũ sử dụng kỹ thuật nhử mồi xong đánh tráo. Con người hiện ở một trạng thái tâm thức thấp đến độ khi họ chưa tìm được con đường tâm linh thì họ sẽ tạo ra đủ mọi loại mơ ước và ham muốn. Các thày phải cho họ một cái gì đó mà họ có thể liên hệ và chấp nhận, một cái gì có thể thúc đẩy họ cất bước trên đường tu. Rồi sau đó tất nhiên, khi họ đã tiến xa hơn trên đường tu, các thày phải xoay chuyển họ để họ nhận ra là các mong muốn ban đầu của họ không thực tế lắm, và giờ đây, hy vọng là họ có thể nhận lấy một mong muốn cao hơn sẽ đặt họ trên con đường dẫn đến tầng 144.

Vấn đề ở đây y hệt như vậy. Điều không thể tránh được là khi các con khởi sự khóa tu này, con có một số mong muốn, một số chờ đợi không được cao nhất. Làm thế nào con có thể ở tầng tâm thức thứ 48? Làm thế nào con có được một chờ đợi thực tế  về đường tu tâm linh khi con ở tầng 48? Con không thể. Các Thượng sư khác cũng đã đề cập đến cùng điểm này. Điều vô cùng quan trọng ở mức này là con thực sự đạt tới mức con xem xét các kỳ vọng không thực tế đó và con để cho chúng ra đi.

14.15. Làm hòa với sự bất toàn

Con cần đặc biệt làm hòa với thực tế là chừng nào con còn ở trong hiện thân vật lý, con sẽ không đạt đến một trạng thái giác ngộ hay một tâm thức toàn vũ tối thượng nào đó (hoặc bất kỳ cái tên nào mà con muốn gọi). Cho đến khi con thăng thiên, con sẽ vẫn mang một số yếu tố của tâm thức phàm nhân. Trên thế giới sẽ có những người không đồng ý với câu này. Một số sẽ bảo đó là một lời dạy hoàn toàn sai lầm. Một số sẽ nói: “Nhưng chắc chắn Giê-su hay đức Phật, vị đạo sư này hay vị đạo sư kia, hay vị đạo sư sắp tới, phải đã chứng đạt giác ngộ chứ.” Điều này tùy thuộc vào cách con định nghĩa giác ngộ là thế nào. Nếu con định nghĩa giác ngộ là đã hoàn toàn rũ sạch ngã vỏ ngoài, thì không một ai đã đạt được trạng thái đó cho tới điểm ngay trước khi vị đó thăng thiên. Giê-su đã không đạt đến đó cho tới khi thày bị đóng đinh trên thập tự giá và từ bỏ hồn mình (the ghost), tức là khía cạnh chung cuộc của ngã vỏ ngoài, kỳ vọng chót cùng của ngã vỏ ngoài.

Con thấy ở đây, chắc chắn con có thể nói khi con đạt tới một tầng tâm thức nào đó thì con đã vươn lên cao hơn tầng 48 rất nhiều, cho nên con giác ngộ hơn khi trước. Vấn đề là con thấy trên thế giới có những vị xưng mình là đạo sư đã giác ngộ và vân vân. Giờ đây các vị ấy bắt đầu tin là mình không còn cần soi gương, không cần tìm cái xà trong mắt vì họ không còn xà nào nữa, họ không còn tự ngã, không còn ngã vỏ ngoài nữa. Có nghĩa là từ điểm đó trở đi, họ không còn tăng triển nữa. Điều thày cố trao cho con là ý niệm thực tiễn rằng chừng nào con còn đầu thai thì con vẫn cần soi mình trong gương, vẫn cần tăng triển, vẫn cần vượt qua và buông bỏ nhiều thứ, và con vẫn cần để cho chúng chết đi. Đó là cách duy nhất để con leo đến được tầng 144 và thăng thiên.

Con có nghĩ là thày đã từng làm gì khác hơn hay không, con yêu dấu? Thày đã phải làm y hệt như vậy để hội đủ tư cách thăng thiên. Giê-su cũng vậy, Gautama cũng vậy, Chân sư MORE cũng vậy, Kuthumi cũng vậy, Mẹ Mary cũng vậy, và tất cả những vị đã thăng thiên khỏi trái đất cũng đã đều làm như vậy. Tất cả các thày đều đã bước chân trên con đường mà các thày đang dạy con bước theo. Sự khác biệt là hầu hết các thày đã không có những bậc thăng thiên làm thày giáo cho mình, ít ra những bậc mà các thày ý thức được hay có thể đọc được bài giảng. Nhưng các con thì có. Thày hy vọng con sẽ sử dụng giáo lý vỏ ngoài này một cách hữu ích, sẽ làm cuộc xoay chuyển đó, sẽ làm những xoay chuyển mà thày đã nói đến trong bài giảng này, hầu còn chuẩn bị thực hiện cuộc xoay chuyển to lớn hơn nữa mà thày sẽ đề cập trong bài tới. Thày hẹn gặp lại con để trao bài học đó cho con.