Biết là lời kêu gọi của các con SẼ có kết quả

Bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 12/3/2012.

Ta là Ki-tô Hằng Sống.

Các con yêu dấu, tạo sao mình cứ nói về Ki-tô Hằng Sống? Đó là vì, khi họ sát hại xác thân ta 2,000 năm trước đây, họ tưởng là họ đã giết ta. Từ ngày đó, họ đã tìm cách giết giáo lý và gương sống của ta để không ai dám làm theo những lời ta dạy, tức là những ai tin ta thì hãy tiếp tục làm công việc mà ta đã làm và có thể làm những công việc quan trọng hơn nữa, vì ta đã về với cha ta. Và như vậy, ta đã dọn đường cho những người khác theo ta và thể hiện tâm Ki-tô trên trái đất, đứng lên triệt để chống lại các lực phản Ki-tô, phản ý chí, phản chiến thắng, phản tình thương, phản minh triết.

Các con yêu dấu, khi các con đọc một bài nguyện, bài thỉnh hay bài chú cho bất cứ nơi nào hay điều kiện nào trên thế giới, các con có thể tự hỏi: “Ta ngồi nơi đây một mình, đọc một bài nguyện, thì có kết quả gì? Ngay cả nếu ta gia nhập một nhóm và cùng đọc một bài nguyện, thì có kết quả gì?” Các con yêu dấu, kết quả tùy thuộc vào cách con kêu gọi – thái độ con ra sao, con quả quyết ra sao, con hiểu biết trong nội tâm vững chắc ra sao khi con kêu gọi.

Vì, các con yêu dấu, các thày đã nói nhiều lần là tất cả mọi chuyện trong cõi vật lý đều xoay quanh quyền tự quyết của con người. Các con yêu dấu, điểm cốt yếu của quyền tự quyết là gì? Phải chăng chính là việc con lấy quyết định? Do đó, các con yêu dấu, nếu các con chỉ ngồi xuống và đọc một bài nguyện mà không lấy quyết định tại sao mình làm như vậy và mình là ai, thì kết quả sẽ không khả quan lắm. Nhưng quyết định của con càng vững chắc bao nhiêu thì uy lực của bài nguyện sẽ càng lớn bấy nhiêu, và bài nguyện, viễn quan của con, tâm của con sẽ càng có ảnh hưởng lớn trên tâm thức đại chúng.

Khó khăn lớn nhất trên con đường tâm linh

Các con yêu dấu, khó khăn lớn nhất của người đang đi trên con đường tâm linh là gì? Các con yêu dấu, đó chính là các con phải khắc phục được sức kéo xuống của tâm thức đại chúng đang tìm cách khiến con làm những gì mọi người khác đều làm – tức là theo chuẩn mực, làm những gì người khác đang làm, làm những gì được coi là bình thường. Giống như những gì người ta đã làm với ta 2,000 năm trước đây, tức là ngăn chặn không cho ta đi quá xa sự bình thường, không cho ta nổi bật khỏi đám đông, không cho ta đứng lên tỏ thái độ triệt để rốt cuộc đã dẫn ta đến bị đóng đinh trên thập tự.

Do đó, các con yêu dấu, lúc nào cũng có một lực đang tìm cách kéo con xuống, kéo con vào tâm thức đại chúng, làm những gì mà mọi người khác đều làm. Nhưng, các con yêu dấu, nếu các con nhìn lịch sử thế giới thì sẽ thấy lúc nào cũng có hai lực đang vận hành. Một bên là lực kéo xuống của tâm thức đại chúng kéo mọi người làm theo những gì mọi người khác đều làm. Nhưng nếu mọi người tiếp tục làm như vậy, thì nền văn minh con người sẽ theo một vòng xoáy đi xuống dẫn đến sự hủy diệt của nó, theo quy luật thứ nhì của nhiệt động học.

Do đó, các con yêu dấu, cái gì đã khiến nhân loại tiến bộ? Các con yêu dấu, chỉ có một điều thôi, đó là đã có những cá nhân dám KHÔNG theo tâm thức đại chúng, dám chống lại sức hút kéo xuống, hấp lực của tâm thức đại chúng và qua đó nêu một gương sáng, đưa ra một ý mới, làm một hành động nào đó giúp nền văn minh con người tiến lên một bước, và rốt cuộc khiến tâm thức đại chúng chuyển vọt, khiến mọi người bắt đầu nhận ra họ có thể hơn những gì họ nghĩ họ có thể là vài năm hay vài chục năm trước đó.

Các con yêu dấu, khi mọi người ở Châu Âu tin rằng quả đất phẳng thì niềm tin này có nhiều hậu quả tinh vi và sâu đậm trên cách con người suy nghĩ, cách con người nghĩ họ có thể làm được gì trên trái đất này. Khi tâm thức đại chúng chuyển vọt và con người bắt đầu nhận ra rằng quả đất tròn và là một phần của một vũ trụ rộng lớn hơn rất nhiều, thì điều này đã khai mở giai đoạn tăng trưởng mà các con đã thấy trong thời Phục Hưng và sau đó trong thời Cách mạng Công nghiệp, và cuộc cách mạng về khoa học và hiểu biết đã mang xã hội loài người tới mức hiện nay.

Tuy nhiên, như các thày đã nói trước đây, tiến trình phát triển này chính nó cũng đã trở thành một vòng tròn khép kín, và hiện nay đang là nguy cơ kéo xã hội loài người vào một vòng xoáy đi xuống – nếu các người tâm linh đang đầu thai với chính mục đích này không chịu đứng lên nói lên khía cạnh tâm linh của sự sống. Hành động này sẽ khiến tâm thức đại chúng chuyển dời khỏi quan niệm duy vật để nhận ra rằng sự sống có một khía cạnh tâm linh, và nếu thiếu phần tâm linh này thì cuộc đời chúng ta sẽ không trọn vẹn, bất kể tài sản vật chất mà ta có được.

Như vậy, các con yêu dấu, như đã nói trước đây, khi con đọc một bài nguyện, con cần đọc với tâm thức chiến thắng, tức là con biết một người hay một nhóm nhỏ CÓ KHẢ NĂNG khiến tâm thức đại chúng chuyển vọt, và qua đó trị liệu được tâm thức đại chúng. Và con đọc bài nguyện với thái độ TA LÀM ĐƯỢC và TA SẼ LÀM vì TA LÀ! Đó là lúc con – như một người tâm linh – nhận ra mình đang tiến bước trên con đường giúp con dần dần nới rộng, nâng cao và hoàn chỉnh ý niệm TA LÀ ai.

Đọc bài nguyện với tâm an lạc

Các con yêu dấu, qua các bài giảng tuyệt vời trong các quyển sách của Mẹ Mary (Một Khóa học về Trù phú) các con biết về bốn thể phàm của con người. Con biết rằng khi con đọc một bài nguyện, con đọc qua thể vật lý trong cõi vật lý, và do đó nó có ảnh hưởng trong cõi vật lý vì nó đi vào cõi vật lý. Nhưng con không chỉ đọc bài nguyện với miệng con mà thôi. Con cần sự tham gia của ba thể cao – cảm thể, trí thể và bản sắc thể.

Do đó, nơi cảm thể, con cần có an lạc để không nghi ngờ là bài nguyện sẽ có kết quả hay không. Con hoàn toàn an lạc vì con biết con không phải là người đang hành động – chính là Thượng đế đang hành động xuyên qua con. Như ta đã nói, có chuyện đối với con người không thể làm được, nhưng với Thượng đế mọi chuyện đều làm được. Như vậy, khi con biết là con đang làm công việc của Thượng đế khi con đọc bài nguyện trong cõi vật lý, thì uy lực của Thượng đế sẽ vận hành qua bài nguyện, và do đó con không còn nghi ngờ gì nữa, tâm con an lạc và cảm thể của con an tịnh.

Làm sao con đạt được an lạc trong cảm thể của con? Con chỉ đạt được điều này khi con đạt được an lạc trong trí thể của con, vì trí thể cao hơn cảm thể. Do đó, các con yêu dấu, con cần hiểu bằng lý trí rằng có uy lực cao hơn những uy lực mà con thấy được trong thế giới vật lý. Vì con là người tâm linh, con biết rằng thế giới vật chất chỉ là một hình tướng – nó không phải là thực tại tối hậu vì nó chỉ là hậu quả của nguyên nhân sâu xa hơn trong các cõi cao là cõi cảm xúc, tư tưởng và bản sắc. Do đó, con có thể biết và hiểu bằng trí năng rằng uy lực của Thượng đế sẽ mạnh hơn khi nó chảy xuống cõi vật lý qua trung gian những người đang sống trong cõi vật lý. Đó là cách con làm được công việc mà ta đã làm – khi con biết con là một với ta và ta đang ngồi bên tay phải của Thượng đế – và qua đó con mở trói uy lực từ cõi cao để nó chảy xuyên qua con xuống cõi dưới để chúng ta làm một – trên sao dưới vậy.

Và khi con biết điều này bằng trí năng thì trí năng của con sẽ cai quản được cảm xúc. Vậy làm sao con biết được, bằng trí năng, là con có thể là một với ta? Con chỉ làm được điều này khi con đi vào thể bản sắc của con, và chuyển đổi ý niệm bản sắc mà con có từ khi lớn lên – rằng mình chỉ là một con người phải làm theo đám dông, và mình chỉ có khả năng và quyền năng hạn hẹp trong thế giới vật lý này. Các con yêu dấu, các con biết là mình hơn thế, và các con đã biết điều này suốt đời rồi, nhưng nhiều người trong chúng con chưa chuyển vọt sang cái biết nội tâm tuyệt đối và cả quyết là mình là một sinh thể tâm linh. Con là một đại diện của Ki-tô Hằng Sống. Con chính là Ki-tô Hằng Sống đang hiện thân. Con là Ki-tô Hằng Sống dưới trần như TA LÀ Ki-tô Hằng Sống ở trên.

Một khi con đã cả quyết như vậy, và nhiều người trong số các con đã gần tới điểm này, thì con sẽ biết trong bản sắc thể của mình là con không phải là một người thường đang ngồi đây đọc bài nguyện. Không phải vậy đâu, con đang ngồi đây như Ki-tô Hằng Sống đang hiện thân và đọc bài nguyện. Và do đó, uy lực tràn ra từ các lời sẽ lớn hơn những gì một người thường hay một nhóm người thường có thể đạt được.

Các con yêu dấu, con có thể qui tụ một triệu người đang ở mức tâm thức đại chúng và khiến họ đọc một bài nguyện. Điều này quả thật sẽ có kết quả, nhưng kết quả này không lớn bằng lời nguyện của một nhóm nhỏ biết và chấp nhận họ là Ki-tô Hằng Sống đang hiện thân. Các con yêu dấu, đây là điều mà các thày mong muốn các con đạt được – các con là một thiểu số nhỏ và chắc các con có lúc tự hỏi làm sao mình có được một ảnh hưởng tích cực trên đám đông.

Nhận ra cái duy nhất tiềm tàng trong mọi sự sống

Các con yêu dấu, các con chỉ có được ảnh hưởng tích cực trên đám đông khi nhận ra rằng bên dưới mọi hình tướng bề ngoài trong thế gian là cái duy nhất tiềm tàng trong mọi sự sống. Khi con biết con là Ki-tô Hằng Sống, con biết con là một với ta ở Trên. Nhưng khi con là một với ta, con cũng là một với cội nguồn của mình, là một với đấng Sáng tạo của mình. Mọi sự sống đều phát sinh từ tâm thức của đấng Sáng tạo, từ Ánh sáng Mẫu-Vật. Do đó, các con biết là tất cả sự sống là một, và khi con nhận ra cái duy nhất này thì con nhận ra rằng một người có thể ảnh hưởng đám đông vì đám đông chỉ là biểu hiện của cái duy nhất.

Và do đó, quả thực là một người có khả năng – qua việc đứng lên nói lên một sự thực nào đó – đóng một vai trò quyết định trong việc chuyển dời tâm thức của cả xã hội, cả một quốc gia, và ngay cả toàn hành tinh, sang một mức nhận biết mới. Bởi vì mọi người đã thấy nơi người đó một trạng thái nhận biết cao hơn, một dấn thân cao hơn cho sự thật, và đây là một thí dụ quá dũng mãnh khiến họ không thể bỏ qua được. Rồi nó sẽ đột phá và tâm thức đại chúng sẽ chuyển vọt lên một mức. 

Các con yêu dấu, đây chính là cách tiến bộ đã xảy ra ở cấp hành tinh – qua một người, hay một nhóm người, đứng lên nói lên một sự thật cao hơn, và khiến tâm thức đại chúng chuyển dời một chút. Và sau đó, một người khác hoặc một nhóm khác dựa trên kết quả này và đứng lên nói lên một hiểu biết cao hơn nữa, hay một hiểu biết tương tự áp dụng vào một lãnh vực khác của xã hội. Và một lần nữa, tâm thức đại chúng lại chuyển dời thêm chút nữa.

Các con yêu dấu, các con nhìn vào trái đất, xã hội, hay một lục địa và tự hỏi: “Khi ta nhìn vào thực trạng thế giới vật lý, làm sao ta có thể thay đổi các chuyện như nạn nghèo đói, xáo trộn chính trị, tham nhũng, và biết bao vấn đề hiện hành khác nữa?” Nhưng ta nói các con, giống như tất cả mọi thay đổi đã xảy ra trên hành tinh này, điểm khởi đầu bắt buộc là tâm thức, và điểm khởi đầu phải là tâm thức của những người có trình độ tâm linh trưởng thành nhất, có thể là những người giống như các con, nhưng cũng có thể là nhiều người khác tuy bề ngoài không có vẻ tâm linh nhưng lại đạt được một trình độ nội tâm cao khiến họ có thể là công cụ chuyển đổi xã hội.

Do dó, các con không nhất thiết phải nghĩ là mình phải đi ra ngoài và gia nhập một đảng phái chính trị, vì có thể đang có những người sẵn sàng làm chuyện này nhưng họ cần một sự thúc đẩy tâm linh giúp họ quyết định đứng lên nói lên sự thật. Nhưng mặt khác thì các con cũng không nên tự giới hạn mình, và nếu các con cảm thấy tiếng gọi từ nội tâm thúc đẩy mình tham gia vào bất cứ chuyện gì xảy ra trong xã hội, thì các con nên nghe theo. Nhưng điều ta muốn nói là: điều quan trọng là giữ niệm tinh khôi là những người thích hợp sẽ đứng lên đúng lúc để chuyển dời tâm thức đại chúng lên một mức độ cao hơn, và qua đó đem tiến bộ đến xã hội.

Giữ một viễn quan

Các con nên giữ một viễn quan trong đời sống thường nhật của mình và cố gắng – trong tâm mình – nâng ý niệm bản sắc của mình tới mức nhìn ra mình là đại diện của Ki-tô Hằng Sống trong quốc gia mình. Con giữ viễn quan là con đang nâng cao tâm thức đại chúng – là Thượng đế đang qua con nâng cao tâm thức đại chúng, là Giê-su đang qua con nâng cao tâm thức đại chúng. Vì, các con yêu dấu, có phải là ta đã nói: “Nếu ta được nâng lên, ta sẽ kéo mọi người theo ta”? Vì sao ta lại có thể nói vậy? Đó là vì ta biết sự sống là một, có nghĩa là mọi người dính liền với nhau trong tâm thức, là tâm thức đại chúng.

Và ta cũng biết là tâm thức đại chúng kéo mỗi cá nhân xuống, nhưng khi một người vượt qua được sức hút kéo xuống đó, thì người đó lại kéo cả tâm thức đại chúng lên. Và đây là một lực mà không có lực nào trong cõi vật lý có thể cưỡng lại, dù chúng trông rất dũng mãnh dựa trên uy quyền thế gian của chúng. Các con yêu dấu, một người có tâm Ki-tô có thể và sẽ chuyển đổi cả tâm thức đại chúng, nhưng 10 ngàn người có tâm Ki-tô đang đầu thai thì làm được nhiều hơn vô vàn – và đây là viễn quan mà các thày giữ trong tâm. Đây là viễn quan mà các thày yêu cầu con giữ trong tâm mình – viễn quan các người có tâm Ki-tô trong mọi lãnh vực xã hội, trong mọi quốc gia trên khắp các lục địa, thức tỉnh và đứng lên để nhận ra tại sao mình có mặt nơi đây và quyết định thể hiện định mệnh này.

Sắc thái tâm linh của việc đọc bài thỉnh bài nguyện

Không phải chỉ có một cách đúng để đọc một bài thỉnh hay bài nguyện mà có nhiều cách đọc. Mỗi người khác nhau, và mỗi người sẽ chọn lựa khác nhau. Dĩ nhiên là có cách đọc bài nguyện kém hiệu quả hơn các cách khác.

Mục đích đọc bài nguyện

Điểm cơ yếu khi đọc một bài nguyện là nhớ mình đang không cầu nguyện. Mục đích của bài nguyện không phải là cầu xin một điều gì với một đấng nào đó trên trời, và đấng đó có thể sẽ đáp ứng hay không đáp ứng. Đọc một bài nguyện là một tiến trình tâm linh khoa học, có nghĩa là khi bạn đọc một bài nguyện đúng cách, thì bạn SẼ có một kết quả. Mục đích chính của việc đọc bài nguyện là kêu gọi ánh sáng tâm linh – ánh sáng có độ rung cao – từ một cõi cao. Chính ánh sáng này sẽ tạo kết quả trên đời sống cá nhân bạn hay trên một tình hình thế giới.

Kêu gọi ánh sáng tâm linh là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên, và bạn đã được tạo ra với khả năng này ngay từ khởi thủy. Bạn có tất cả những gì cần có để kêu gọi ánh sáng, nhưng nhiều người không nhận ra là mình có khả năng này. Do đó, có thể bạn cần thực tập để nhận ra khả năng kêu gọi ánh sáng của mình và học cách tận dụng khả năng này.

Đọc bài nguyện không phải là một việc làm máy móc

Một điểm cơ yếu mà bạn cần hiểu là kêu gọi ánh sáng không phải là một việc làm máy móc. Bạn không thể đọc một bài nguyện giống như bạn đang đọc lớn tiếng một bài báo. Kêu gọi ánh sáng không phải là một tiến trình trí năng, thực sự là nó không dùng đến lý trí, hay đầu óc. Kêu gọi ánh sáng là một tiến trình trực giác, và khả năng trực giác của bạn nằm ở trái tim.

Đa số các người tâm linh đã nhận ra khả năng trực giác của mình và thường cảm nhận được nó như một cảm giác bừng cháy hay rung động nơi trái tim hay ở giữa ngực. Khi bạn đọc một bài nguyện, bạn nên hòa điệu với tim mình, và bạn muốn cảm thấy bừng cháy nơi trái tim.

Ta có thể nói là nếu bạn muốn kêu gọi ánh sáng từ một cõi cao, thì việc đầu tiên là bạn phải kết nối được với cõi đó. Và cách kết nối là qua trái tim, bằng cách khiến trái tim nhập cuộc. Nhiều người đã biết làm việc này, và nếu bạn trong số này, thì bạn cứ tiếp tục làm những gì bạn vẫn thường làm để khơi động ngọn lửa tim. Sau đó, bạn đọc bài nguyện.

Nếu bạn chưa quen khơi động sự hòa điệu (attunement) nội tâm, thì bạn nên bỏ ra ít thời gian trước khi bắt đầu đọc bài nguyện, và tìm cách hòa điệu với ngọn lửa tâm linh đang cháy trong tim bạn (tức là trung tâm năng lượng ở giữa tim bạn). Bạn có thể ngồi yên lặng và quán chiếu một hình ảnh tích cực, hướng thượng. Bạn cũng có thể nghe một bản nhạc hướng thượng hay dùng một kỹ thuật hình dung (visualisation).

Một khi bạn đã hòa điệu với ngọn lửa tim của mình thì bạn khởi sự đọc bài nguyện và cảm năng lượng tuôn chảy từ tim và thể hiện qua giọng nói – trung tâm năng lượng ở cuống họng – và lời bạn đang đọc. Lời bạn đọc trở thành những chiếc chén chuyên chở ánh sáng, và sự chú tâm của bạn hướng chúng tới các tình huống được nêu lên trong lời nguyện.

nh dung khi đọc bài nguyện

Lý do ta kêu gọi ánh sáng là để hướng nó về một hoàn cảnh nào đó mà ta muốn giải quyết. Có người nghĩ bằng lời và có người nghĩ bằng hình ảnh. Chỉ cần ngọn lửa tim của bạn có mặt thì khi bạn đọc bài nguyện, bạn sẽ kêu gọi được ánh sáng và ánh sáng này sẽ được hướng đi bởi lời bài nguyện. Nếu bạn là một người quen nghĩ bằng hình ảnh, thì bạn có thể đạt kết quả cao hơn bằng cách hình dung trong lúc đọc bài nguyện.

Bạn có thể dùng kỹ thuật tưởng tượng hình ảnh, hoặc bạn có thể giữ một hình ảnh nào đó trong tâm trong lúc đọc bài nguyện. Thí dụ, khi bạn đọc một bài nguyện để giải quyết một tình hình thế giới, thì bạn có thể hình dung một kết quả tốt đẹp liên quan đến tình hình này. Hoặc bạn có thể hình dung một quốc gia hay toàn hành tinh được bao bọc trong bầu ánh sáng trắng hoặc tím. Hay bạn có thể hình dung một người được chữa lành hay được bao bọc trong bầu ánh sáng. Bạn có thể chú tâm đến hình ảnh nhiều hơn là lời bài nguyện, nhưng điều cần thiết là tim bạn lúc nào cũng phải có mặt và bạn không bị hình ảnh lôi cuốn đi.

Nếu bạn không phải là một người hợp với hình ảnh thì không sao cả. Bạn chỉ cần chú tâm tới lời bài nguyện và đừng tìm cách hình dung nếu làm như vậy khiến bạn mất sự hòa điệu nội tâm. Nếu bạn là người hợp với âm thanh thì chú tâm tới lời sẽ có kết quả tốt nhất cho bạn.

Ta có quyền ra lệnh cho Thượng đế không?

Bạn có thể đã được dạy dỗ là đọc một bài nguyện hay một lời cầu nguyện là một tiến trình tiêu cực qua đó bạn làm một thỉnh nguyện. Tuy nhiên, trong Thánh kinh có những đoạn cho thấy ta có thể ra một hiệu lệnh. Các bạn hãy đọc những đoạn sau đây:

Thượng đế, đấng Thánh của Do Thái, tức là đấng tạo ra Do Thái, phán như vầy: Các ngươi hãy hỏi ta về việc sẽ đến liên quan đến các con ta, và hãy ra lệnh cho ta liên quan đến công việc của tay ta. (Ê-sai 45:11)

Nếu ông ra lệnh việc gì, việc ấy sẽ được thành; và ánh sáng sẽ soi sáng con đường của ông. (Gióp 22:28)

Như Mẹ Mary đã giảng trong trang mạng này, chúng ta được cấu tạo như những đồng sáng tạo của Thượng đế, và do đó chúng ta có quyền – và bổn phận thiêng liêng – kêu gọi ánh sáng. Ta không làm vậy để thỏa mãn ham muốn vị kỷ, nhưng để thể hiện kế hoạch của Thượng đế – mà cũng có người gọi là thời Hoàng Kim, hay hòa bình, hay trù phú – trên Trái đất. Đó là điều Thượng đế thực sự muốn thấy trên Trái đất, như Giê-su đã nói:

Hỡi bầy nhỏ, đừng hãi sợ; vì Cha các ngươi đã vui lòng ban cho các ngươi nước Trời. (Lu-ca 12:32)

Tuy nhiên, vì Thượng đế đã cho chúng ta quyền tự quyết, điều này không thể xảy ra nếu không có người kêu gọi nó thị hiện. Chúng ta là những người phải đứng ra cai quản, như Thượng đế đã ra lệnh cho chúng ta:

Và Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm loài người theo hình ta và theo tượng ta, đặng chúng cai quản loài cá biển, chim trời, súc vật, côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. (Sáng-thế Ký 1:26)

Và Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy tạo hoa trái, sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất, làm cho đất phục tùng; hãy cai quản loài cá dưới biển, chim trên trời cùng các vật sống và di động trên mặt đất. (Sáng-thế Ký 1:28)

Làm sao chúng ta cai quản? Như Giê-su đã giảng trong bài ngụ ngôn cơ yếu về các người đày tớ sanh sản thêm tiền. Như thày đã nói:

Chủ nói với hắn rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm, ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ cho ngươi làm chủ nhiều việc; hãy gia nhập sự vui mừng của chủ ngươi. (Ma-thi-ơ 25:21)

Vì kẻ nào đã có sẽ được cho thêm, và hắn sẽ trù phú; nhưng kẻ nào không có, thì sẽ bị lấy đi ngay cả những gì hắn đã có. (Ma-thi-ơ 25:29)

Như Mẹ Mary đã giảng trong trang mạng này, Đại đoàn Thăng thiên có uy lực để đem nước Trời tới Trái đất, nhưng các thày không có thẩm quyền để làm việc này. Chúng ta có thẩm quyền nhưng không có uy lực. Do đó giải pháp là chúng ta dùng thẩm quyền của mình để kêu gọi ánh sáng tới, qua đó chúng ta cho Đại đoàn Thăng thiên thẩm quyền để hành động trên trái đất. Các bài nguyện của Mẹ Mary được tạo nên với chính mục đích đó, tức là đem ánh sáng xuống thế giới vật chất, đó là chìa khóa duy nhất để thể hiện nước Trời trên Trái đất.

Vận tốc và nhịp điệu khi đọc bài thỉnh bài nguyện

Điều quan trọng nhất khi đọc bài thỉnh hay bài nguyện là giữ ngọn lửa nơi tim bạn nhập cuộc. Bạn dốc tim mình vào càng nhiều thì càng thỉnh được nhiều ánh sáng hơn. Do đó, vận tốc đọc không quan trọng bằng giữ tim bừng cháy.

Tuy thế, đọc nhanh hay chậm cũng có điểm thuận lợi khác nhau. Nếu bạn đọc chậm, bạn có thể tưởng tượng hình ảnh dễ dàng hơn và có một số người thấy rằng như vậy họ khiến trái tim họ nhập cuộc nhiều hơn. Những người đó cũng thích đọc bài nguyện hay bài thỉnh một cách sùng kính. Nhưng một điểm quan trọng khác khi đọc bài thỉnh là nhịp điệu, và khi bạn đọc nhanh thì bạn dễ đạt được một nhịp điệu tuôn chảy và hùng mạnh. Nếu bạn làm được vậy đồng thời giữ tim nhập cuộc, thì đó là một cách đọc bài thỉnh hay bài nguyện rất dũng mãnh.

Xin bạn ghi nhớ là không có cách đọc nào được xem là tốt nhất, và với riêng bạn cũng có thể không phải chỉ có một cách đọc tốt nhất. Bạn nên thử nghiệm và tìm ra cách nào tốt nhất cho bạn. Và bạn cũng đừng nên chỉ theo một cách cố định. Sẽ có trường hợp bạn đạt được kết quả tốt nhất nếu bạn đọc bài nguyện chậm rãi và với nhiều sùng kính. Nhưng cũng có thể có lần khác bạn cảm thấy đang bị năng lương tiêu cực đè nặng và lúc đó cần đọc bài nguyện với nhiều uy lực để chọc thủng màn năng lượng tiêu cực.

Đọc bài nguyện hay bài thỉnh với vận tốc cao có thể giúp bạn đạt được nhịp điệu và độ tuôn chảy tốt hơn. Làm vậy cũng giúp bạn thu ngắn thì giờ, nhưng đây là một dao hai lưỡi. Bạn chớ rơi vào cạm bẫy đọc bài nguyện nhanh để chóng xong. Nếu ngọn lửa tim bạn không nhập cuộc thì bạn sẽ không đạt được kết quả tối đa. Bạn đừng bao giờ đọc một bài nguyện nhanh tới độ bạn mất đi sự hòa điệu nội tâm. Đọc một phần bài nguyện với hòa điệu tốt hơn là đọc toàn bài một cách máy móc.

Sau đây là những cách chính để đọc bài nguyện hay bài thỉnh.

Sùng kính

Đọc bài nguyện chậm rãi trong tinh thần tôn kính và sùng kính. Đọc nhẹ nhàng, tuy vẫn có nồng độ. Chú tâm vào trái tim hoặc hình ảnh một vị chân sư mà bạn ưa thích.

Đọc có nhịp điệu, vận tốc trung bình

Đọc bài nguyện với vận tốc trung bình và để cho lời tuôn chảy. Bạn đọc nguyên một câu hay một đoạn thơ mà không ngừng lấy hơi. Bạn đọc với giọng vững chắc nhưng không lạc giọng.

Đọc có nhịp điệu, vận tốc cao

Đọc bài nguyện có nhịp điệu, nhưng đọc nhanh tùy ý thích. Tuy nhiên, bạn đừng gắng gượng. Bạn hãy để vận tốc gia tăng một cách tự nhiên trong lúc bạn đọc bài nguyện. Bạn đừng đọc nhanh đến độ bạn không còn đọc được ra chữ nữa hay không còn ngưng giữa các câu hoặc đoạn thơ. Bạn nhớ thở – như vậy bạn sẽ cảm thấy sinh động khi đọc bài nguyện.

Hát tụng

Đọc bài nguyện một cách trầm bổng, gần giống như là đang hát một bài thánh ca Gregorian. Bạn đọc nhẹ nhàng nhưng nhanh hơn, giữ nhịp điệu trong suốt bài nguyện.

Hiệu lệnh

Đọc bài nguyện chậm rãi nhưng với nhiều uy lực, với nhịp điệu gần như ngắt âm (staccato). Đọc với giọng mạnh.

Hiệu lệnh, vận tốc cao

Đọc bài nguyện với nhiều uy lực nhưng cũng đọc nhanh. Thay vì đọc kiểu ngắt âm, thì bạn đọc một cách tuôn chảy, nhưng không như đang hát tụng.

Đương nhiên là bạn có thể pha trộn nhiều lối đọc trong cùng một bài nguyện. Thí dụ, bạn có thể bắt đầu đọc kiểu hiệu lệnh, sau đó chuyển qua đọc có nhịp điệu hay theo kiểu hát tụng, và dần dần để vận tốc gia tăng một cách tự nhiên.

Cách đọc bài thỉnh bài nguyện

Bài thỉnh và bài nguyện có khác nhau không? Không, ngoài tên ra không có gì khác. Cả hai cùng có một chức năng và một tác dụng. Và bài nguyện nhất quyết không chỉ dành cho những người thuộc Cơ đốc giáo.

Đọc một bài thỉnh rất dễ. Bạn chỉ giản dị đọc ra tiếng. Dĩ nhiên là bạn có thể đọc bài thỉnh thẳng từ máy vi tính, nhưng đa số thích in ra và đọc từ bản in. Bạn có thể lưu trữ các bài chú và bài thỉnh trong máy điện thoại hay máy đọc sách điện tử của bạn và đem theo với bạn khắp nơi.

Các bạn nên biết là nhiều người tâm linh cần một chút thời gian điều chỉnh trước khi họ chịu đọc ra tiếng các bài thỉnh. Lý do là nhiều người trong chúng ta quen thiền quán trong im lặng. Tuy nhiên, một khi bạn đã thành thực quyết định thử đọc, thì thông thường bạn sẽ thấy là bạn làm quen không khó khăn. Động lực tốt nhất giúp bạn tiếp tục đọc các bài thỉnh là trải nghiệm hiệu năng của chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy rằng, so với thiền quán yên lặng, lời nói thỉnh được nhiều ánh sáng hơn gấp bội (chúng tôi không muốn nói là thiền quán yên lặng không hữu dụng; chúng tôi chỉ muốn nói là lời nói là một lực rất dũng mãnh).

Tôi nên đọc bài thỉnh ở đâu?

Bạn có thể đọc ở bất cứ đâu, tuy nhiên đa số thích ngồi trong một phòng riêng, yên tĩnh để không bị quấy rầy trong thời gian khoảng trên 20 phút là thời gian thông thường để đọc trọn một bài thỉnh (bạn cũng có thể chỉ đọc một phần của bài thỉnh nếu bạn không có thời gian đọc trọn bài).

Bạn có thể ngồi trước mày vi tính và đọc bài thỉnh, nhưng đa số thích ngồi trên một ghế thoải mái. Bạn nên ngồi tương đối thẳng, nhưng thoải mái. Tư thế này sẽ giúp năng lượng tuôn chảy dễ dàng hơn.

Tôi nên đọc bài thỉnh lúc nào?

Bạn có thể đọc bất cứ lúc nào. Nhiều người thích đọc buổi sáng vì như vậy tác dụng sẽ tiếp tục suốt ngày và giúp việc làm trong ngày dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt ứng dụng cho các bài nguyện kêu gọi bảo vệ tâm linh, tỷ dụ như bài nguyện cho Đại thiên thần Michael hay bài thỉnh Tăng trưởng Thường nhật.

Tôi nên đọc bài thỉnh như thế nào?

Bạn chỉ giản dị đọc từ đầu bài. Các bài nguyện lúc nào cũng bắt đầu bằng một phần mở đầu thỉnh một vị chân sư thăng thiên nào đó, và có khi cũng mô tả mục đích của bài thỉnh. Sau phần mở đầu, bạn sẽ thấy một câu tương như câu này:

[đọc ở đây lời kêu gọi riêng của bạn]

Đây là nơi để bạn nói lên – ngắn hay dài tùy ý – mục đích mà bạn muốn hướng bài thỉnh này tới. Thí dụ, nếu bạn muốn giải quyết một vấn đề, thì bạn có thể mô tả vấn đề một cách chi tiết và xin vấn đề được giải quyết. Bạn đừng quên xin kết quả cao nhất – mà thường chúng ta không nhận ra với tâm vỏ ngoài của mình. Tỷ dụ, bạn có thể nói: “Nhân danh Ki-tô, con xin …”. Hoặc bạn cũng có thể kết thúc lời kêu gọi của bạn như sau: “Thể theo viễn quan cao nhất của Ki-tô, hãy để cho việc này được hoàn thành”. Hay “Thể theo ý muốn của Thượng đế, hãy để cho việc này được hoàn thành”.

Sau đó bạn tiếp tục đọc bài thỉnh. Điều duy nhất mà bạn cần biết là tất cả các bài thỉnh đều được cấu trúc với một số khẳng định cá biệt và khẳng định tổng quát, được lặp đi lặp lại. Các khẳng định cá biệt mô tả điều kiện cá biệt mà bài thỉnh muốn giải quyết. Các khẳng định tổng quát được lặp lại sau các khẳng định cá biệt.

Sau đây là một thí dụ, với khẳng định cá biệt đi trước, và đoạn thơ lặp lại theo sau.

1. Ôi Mẹ Mary, giúp con thấy được là khi con cho phép con có cảm xúc giận dữ, trách móc hay ý muốn trả thù người khác, con đang tạo ra và củng cố một vòng xoáy năng lượng tiêu cực kéo linh hồn con xuống lòng Địa ngục.

Kính mừng Mẹ Mary

Ôi Mẹ Mary, con buông bỏ nhanh
suy tư cảm xúc không đem an lành,
con buông bỏ đi khuôn nếp ảo ảnh,
con buông bỏ đi khuôn chết không lành.

Dòng sông sự Sống luôn cuộn chảy mãi,
con muốn sống hơn, con muốn lớn hoài.
Con sẽ vượt thăng hơn nữa với ngài,
niềm vui sự sống, con yêu thích mãi.

Sau khi bạn đọc xong các lời khẳng định và các đoạn thơ, thì thường có một câu chú mà bạn có thể tụng đọc, và sau cùng là phần niêm, kết thúc bài thỉnh.

Ban đầu, bạn có thể thấy việc đọc bài thỉnh hơi gay go, nhưng bạn sẽ làm quen rất mau chóng nếu bạn quyết định thành thực làm thử. Bạn nên nhớ là bằng chứng của bài thỉnh chỉ có thể thấy sau khi bạn đã đọc nó. Chỉ khi bạn làm thử – một cách thành thật – thì bạn mới biết là bài thỉnh có hiệu quả hay không.

Bạn nên ghi nhớ là cách tốt nhất để tập đọc bài thỉnh là đọc cùng với một bài thu âm.

Cách đọc bài chú và lời khẳng định

Đọc một bài chú hay lời khẳng định rất dễ. Bạn chỉ giản dị đọc bài đó ra tiếng. Dĩ nhiên là bạn có thể đọc bài chú hay khẳng định thẳng từ máy vi tính, nhưng đa số thích in ra và đọc từ bản in. Bạn có thể lưu trữ các bài chú và bài thỉnh trong máy điện thoại hay máy đọc sách điện tử của bạn và đem theo với bạn khắp nơi.

Các bạn nên biết là nhiều người tâm linh cần một chút thời gian điều chỉnh trước khi họ chịu đọc ra tiếng các bài chú hay khẳng định. Lý do là nhiều người trong chúng ta quen thiền quán trong im lặng. Tuy nhiên, một khi bạn đã thành thực quyết định làm thử, thì thông thường bạn sẽ thấy là bạn làm quen không khó khăn. Động lực tốt nhất giúp bạn tiếp tục đọc các bài chú và khẳng định là trải nghiệm hiệu năng của chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy rằng, so với thiền quán yên lặng, lời nói thỉnh được nhiều ánh sáng hơn gấp bội (chúng tôi không muốn nói là thiền quán yên lặng không hữu dụng; chúng tôi chỉ muốn nói là lời nói là một lực rất dũng mãnh).

Tôi nên đọc bài chú hay khẳng định ở đâu?

Bạn có thể làm việc này ở bất cứ đâu, tuy nhiên đa số thích ngồi trong một phòng riêng, yên tĩnh để không bị quấy rầy. Vì các bài chú hay khẳng định rất ngắn, nên bạn có thể uyển chuyển với lượng thời gian mà bạn có thể dành cho việc đọc. Do đó, bạn có thể dễ dàng dùng những khoảng thời gian trống trong đời sống hàng ngày của bạn.

Bạn có thể ngồi trước mày vi tính và đọc bài chú hay khẳng định, nhưng đa số thích ngồi trên một ghế thoải mái. Bạn nên ngồi tương đối thẳng, nhưng thoải mái. Tư thế này sẽ giúp năng lượng tuôn chảy dễ dàng hơn.

Tôi nên đọc bài chú hay khẳng định lúc nào?

Bạn có thể đọc bất cứ lúc nào. Nhiều người thích đọc buổi sáng vì như vậy tác dụng sẽ tiếp tục suốt ngày và giúp công việc làm trong ngày dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt ứng dụng cho các bài chú kêu gọi bảo vệ tâm linh, vì như vậy bạn sẽ được che chở suốt ngày. Sau đó, vào buổi tối bạn có thể đọc bài chú để chuyển hóa các năng lượng thấp và giúp bạn chặt đứt và giải thoát khỏi các năng lượng đã ảnh hưởng bạn trong ngày. Nếu bạn cần một gợi ý để khởi sự, thì tôi đề nghị bạn đọc bài chú Đại thiên thần Michael 9 lần vào buổi sáng, và sau đó đọc bài chú Astrea và Saint Germain mỗi bài 9 lần vào buổi tối.

Tôi nên đọc bài chú hay khẳng định như thế nào?

Trước hết, bạn cần phân biệt bài chú và lời khẳng định.

Lời khẳng định thì bạn chỉ cần đọc ra tiếng, và bạn có thể đọc chậm rãi đồng thời chú tâm vào tim và suy ngẫm đến các lời, hoặc bạn cũng có thể đọc nhanh hơn. Thường thì bạn chỉ đọc một lời khẳng định 1 lần hoặc 3 lần.

Bài chú thì gồm phần chú, phần mở đầu và phần niêm. Phần mở đầu kêu gọi sự Hiện diện của vị thày bảo trợ bài chú. Sau phần mở đầu, bạn tuyên đọc một câu ngắn hướng bài chú đến một vấn đề bạn muốn giải quyết. Sau đó, bạn đọc những câu chú, thông thường bạn đọc nhiều lần. Sau cùng, bạn đọc phần niêm để kết thúc buổi đọc và niêm các năng lượng và bản thân bạn.

Một số bài chú có sẵn phần mở đầu, nhưng bạn cũng có thể sáng chế phần mở đầu riêng của mình. Sau đây là một thí dụ đơn giản:

Nhân danh TA LÀ CÁI TA LÀ, Giê-su Ki-tô, con kêu gọi [tên một hay nhiều vị thày] hãy hướng ánh sáng tới: [ghi rõ điều kiện bạn muốn giải quyết] đúng theo viễn quan toàn hảo của Ki-tô.

Một số bài chú có sẵn phần niêm, nhưng bạn cũng có thể sáng chế phần niêm riêng của mình, thí dụ:

Nhân danh Ki-tô, con kêu gọi các thày niêm con và ánh sáng được thỉnh, đúng theo viễn quan toàn hảo của Ki-tô. A-men.

Một bài chú có vần, như vậy có nghĩa là bạn có thể đọc có nhịp điệu, và như vậy sẽ thỉnh được nhiều ánh sáng hơn. Bạn có thể đọc bài chú chậm rãi đồng thời suy ngẫm các lời chú, và đây là một cách tốt để khởi sự. Bạn cũng có thể đọc bài chú một cách dũng mạnh hơn, với một nhịp điệu giống như nhịp ngắt âm trong âm nhạc. Sau cùng bạn có thể đọc bài chú nhanh hơn nữa, lúc đó nó trở thành một dòng chảy tự nó có uy lực bên trong.

Vì bài chú có vần, nó có một nhịp điệu, và do đó bạn cần học nhịp điệu đúng. Để làm việc này, bạn hãy tìm các bài chú của bảy vị Elohim và nghe bài ghi âm của bài chú đó.

Bạn có thể đọc bài chú nhanh bao nhiêu cũng được, và các hành giả nhiều kinh nghiệm có thể đọc bài chú nhanh đến độ người thường không thể nghe ra các lời. Tuy nhiên, một bài chú chỉ hiệu nghiệm khi luân xa tim của bạn nhập cuộc, và do đó việc bạn nhận ra luân xa tim của mình nhập cuộc quan trọng hơn là tốc độ đọc.

Bình thường, các bạn đọc bài chú nhiều lần. Các chân sư thăng thiên cho biết là có một số con số giúp các thày nhân tác dụng bài chú lên nhiều lần.  Các con số này là 3 lần, 9 lần, 14 lần và 33 lần.

Nếu đây là lần đầu bạn thử đọc chú thì có thể bạn sẽ cần một chút thực tập để làm quen với kỹ thuật đọc chú. Bạn sẽ đạt được kết quả dễ dàng hơn nếu bạn đọc bài chú cùng với một bài thu âm.