Ki-tô và Phật

Hỏi: Con biết là Giê-su hiện thân cho nguyên lý Ki-tô và con cũng biết là thày mong muốn mọi người nối kết với đấng Ki-tô trong chính mình. Con xin hỏi có phải thày đang nói là chúng con không thể tìm Phật? Theo những gì con hiểu, cả Ki-tô lẫn Phật đều thuộc về tia sáng thứ hai của Tình thương và Trí tuệ. Tình thương do Ki-tô biểu tượng và Trí tuệ do Phật biểu tượng.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Không có mâu thuẫn hay sự cạnh trạnh nào giữa hai con đường quả vị Ki-tô và quả vị Phật. Tuy nhiên, những dòng sống khác nhau sẽ cần những phương tiện, những cỗ xe khác nhau, và do đó một tôn giáo duy nhất không thích hợp cho mọi người. 

Con đường của Phật thường thích hợp hơn cho người phương Đông, còn đường của Ki-tô thích hợp hơn cho người phương Tây. Có thể nói là tâm thức Ki-tô chỉ đơn giản là những giai đoạn giác ngộ tiên khởi hơn, và vì vậy, quả vị Phật là một dạng tâm thức cao hơn quả vị Ki-tô, hay một giai đoạn cao hơn quả vị Ki-tô.

Khi con đạt đến tâm Ki-tô, con nhận ra rằng con là một với nguồn cội của con (Thượng đế) và qua đó con có được tánh phân biện giữa những gì thuộc về Thượng đế và những gì không thuộc về Thượng đế. Con nhìn thấy rõ ràng là rất nhiều biểu hiện trong thế gian đi ngược lại quy luật của Thượng đế cũng như ý định của ngài cho vũ trụ này. Cho nên con nhìn thấy tính không thực của tất cả mọi điều phản-Ki-tô, và nhiệm vụ của con là giải phóng các dòng sống khỏi ảo tưởng của phản-Ki-tô.

Khi con đạt đến quả vị Phật, con nhận ra rằng tất cả đều là Phật tánh, có nghĩa là tất cả đều được tạo bằng bản chất của Thượng đế. Những biểu hiện của thế gian này chỉ đơn giản là ảo ảnh, là Maya. Chúng có thể hiện ra như là tách biệt, hay đối lập lại Thượng đế, nhưng chúng chỉ đơn giản là bản chất cuả Thượng đế đã khoác lấy một lớp ngụy trang tạm thời, thoáng vụt qua. Cho nên con xác nhận thực tại của Thượng đế đằng sau mọi dáng vẻ bề ngoài.

Cả đức Phật lẫn ta đều là những vị thày tâm linh và chúng tôi thuộc cùng một êkíp. Đức Phật đã được các chân sư thăng thiên phái xuống để truyền dạy các pháp về quả vị Phật, nhưng tiếc thay, không mấy người có khả năng nắm được giáo lý của thày. Vì vậy mà ta đã được phái xuống để bắc một nhịp cầu hầu giúp con người bước sang bến giác ngộ. Đối với hầu hết mọi người, việc hiện thân các giáo lý của Ki-tô sẽ dễ hơn giáo lý của Phật, với điều kiện là họ hiều được giáo lý đích thực của Ki-tô chứ không phải cái phiên bản đã bị pha loãng, chứa đầy xương người chết, do đạo Cơ đốc chính thống cống hiến.

Tôn giáo chân chính duy nhất là tôn giáo phổ quát

Hỏi: Phải chăng chỉ có một tôn giáo chân chính duy nhất?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Câu trả lời cho câu hỏi phải chăng chỉ có một tôn giáo chân chính duy nhất là: “Có và không.”

Chỉ có một tôn giáo chân chính duy nhất, nhưng tôn giáo này là tôn giáo phổ quát (universal), tôn giáo nội tâm của Thượng đế. Trên hành tinh địa cầu không hề có tôn giáo chân chính duy nhất. Có nhiều tôn giáo chân chính vì nhiều tôn giáo giảng dạy một số yếu tố của con đường phổ quát.

Có nhiều cách để biểu đạt sự thật của Thượng đế. Cho nên có thể có nhiều tôn giáo đều giảng dạy một phiên bản đặc thù của sự thật Thượng đế và của con đường phổ quát dẫn đến vương quốc Thượng đế.

Không một tôn giáo nào có khả năng cho con một hiểu biết trọn vẹn về Thượng đế. Đơn giản là sự hiểu biết đó vượt khỏi mọi ngôn từ. Nếu con suy nghiệm điều này, con sẽ nhận ra tại sao như vậy. Kinh điển có viết là nếu tất cả mọi điều ta nói hay làm được ghi lại thành sách thì nguyên thế gian này cũng không thể chứa hết sách. Câu này có phần nào quá đáng từ tác giả đoạn văn đó, tuy nhiên đúng thực là nó áp dụng cho sự thật của Thượng đế.    

Thượng đế đã tạo ra toàn bộ thế giới hình tướng, một thế giới rộng lớn đến độ không một người nào có thể nắm bắt được sự vĩ đại của tạo vật của ngài. Nếu có ai có thể mô tả được trọn vẹn Thượng đế thì hành tinh địa cầu sẽ không thể nào chứa hết sách được viết xuống. Nhưng việc diễn tả toàn bộ bản thể của Thượng đế bằng lời nói là một việc bất khả thi. Đơn giản, bí ẩn của Thượng đế không thể nào được biểu lộ qua ngôn từ.

Không một tôn giáo nào có khả năng đưa ra một lời mô tả chính xác về Thượng đế. Câu này quan trọng ở chỗ cách duy nhất để biết được Thượng đế là nhìn vượt khỏi giáo lý vỏ ngoài cùng học thuyết được tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào. Cách duy nhất đề biết được Thượng đế là khám phá con đường phổ quát tâm truyền đằng sau tôn giáo công truyền.

Tại sao lại có nhiều tôn giáo trên thế giới? Thượng đế không cần đến tôn giáo. Thượng đế là một sinh thể tự đủ. Thượng đế không cần được thờ phượng, không cần được kính trọng, không cần được sợ hãi. Cho nên Thượng đế không đưa ra một tôn giáo đặc thù vì ngài cần đến tôn giáo đó. Thượng đế đưa ra một tôn giáo đặc thù vì có một nhóm người đặc thù cần đến tôn giáo đó.