Điều ngự trọn vẹn cả bảy tia sáng

Hỏi: Paul người Venice trong quyển sách của thày “Những khai ngộ thần bí về tình thương” có nói: “Con yêu dấu, nếu con quan niệm tình thương là cái gì mềm mại, màu hồng và thụ động, thì câu nói ‘tình thương là tất cả những gì con cần’ không đúng. Nhưng nếu con nắm vững tất cả mọi khía cạnh của tình thương, thì con có thể nói là tình thương là tất cả những gì con cần, vì lúc đó tình thương bao gồm tất cả bảy tia sáng với các đặc tính của chúng. Tất cả những gì con cần trong thế giới vật chất là bảy tia sáng. Con có thể thăng thiên khi con điều ngự cả bảy tia sáng. Nếu con điều ngự Tia thứ Tám của Tổng hợp và một số các tia bí mật thì còn tốt hơn nữa, nhưng con có thể thăng thiên khi con đạt được sự điều ngự bảy tia sáng. Bảy tia sáng là tất cả những gì con cần.”

Câu hỏi của con là về câu trích vừa rồi, có vẻ như Paul người Venice nói rằng việc điều ngự bảy tia sáng là đủ để thăng thiên. Vậy có nghĩa chăng là việc đạt đến tầng tâm thức thứ 96 là đủ để thăng thiên? Con không hiểu chúng con phải diễn giải câu này như thế nào, vì theo đó, có vẻ như tia sáng thứ tám cùng các tia bí mật tùy ý và không cần thiết.


Trả lời của chân sư thăng thiên Paul người Venice qua trung gian Kim Michaels, nhân Hội nghị Hàn quốc 2023. Đăng ngày 10/7/2023.

Mặc dù ta hiểu cách diễn giải cũng như nỗi băn khoăn của con, ta sẽ nói là câu hỏi xuất phát từ tâm đường thẳng đang quá đường thẳng. Nếu con đọc thật kỹ, thật ra các thày không nói là khi con học hết khóa tự điều ngự và đạt đến tầng 96 thì con đã hoàn toàn điều ngự được bảy tia sáng. Con đạt được một mức độ điều ngự nào đó và việc này đã giúp con vượt lên khỏi tâm thức tập thể, nhưng tầng 96 mới là điểm con khởi sự bước vào các tầng quả vị Ki-tô cá nhân. Thực sự là chỉ thông qua sự hợp nhất với tâm thức Ki-tô mà con sẽ điều ngự được bảy tia sáng cùng các tia cao hơn một cách trọn vẹn.    

Đối với một số người, họ chỉ cần phải tập trung vào bảy tia sáng mà thôi, nhưng đối với một số người khác, Sứ vụ Thiêng liêng của họ bao gồm cả việc tập trung vào một hay nhiều tia sáng bí mật. Điều này cho họ một cảm nhận điều ngự cao hơn. Các thày đã có giải thích là thật ra không phải tự thân cái Ta Biết đạt được điều ngự. Cái Ta Biết đạt được trạng thái thuần khiết mà nó đã đi xuống thế gian, nó hợp nhất với tâm Ki-tô, nó hợp nhất với Hiện diện TA LÀ, nhưng sự điều ngự mà con xây dựng khi con bước chân trên đường tu tâm linh được neo trụ trong Hiện diện TA LÀ cùng căn thể của con.

Con càng kinh qua nhiều trải nghiệm khác nhau trong khi đầu thai thì con càng điều ngự được tất cả các tia sáng, kể cả các tia bí mật, con càng điều ngự được các kỹ năng vật lý, con càng xây đắp nhiều ngộ đạt trong căn thể cùng Hiện diện TA LÀ của con, và trình độ điều ngự của con càng cao hơn sau khi con thăng thiên. Ta cũng biết là có vẻ như tất cả mọi người đều thăng thiên ở cùng một trình độ và do đó có cùng một mức độ điều ngự khi họ thăng thiên, nhưng thật sự không phải như vậy. Một người có thể thăng thiên bằng cách hội đủ một số yêu cầu cơ bản – và không ai có thể thăng thiên nếu chưa hội đủ các yêu cầu này – nhưng nhiều người vượt quá các yêu cầu cơ bản và chứng đạt một sự điều ngự cao hơn yêu cầu tối thiểu. Và điều này, tất nhiên, sẽ tác động đến những gì họ có thể làm sau khi thăng thiên cũng như những nơi họ có thể đi đến.

Không dính mắc nhưng không thờ ơ

Hỏi: Câu này con xin hỏi Phật Gautama hay một vị chân sư nào khác. Xin thày vui lòng giải thích khác biệt giữa sự không dính mắc, sự vô cảm thờ ơ và trạng thái tâm thức trung hòa? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Phục sinh 2023. Đăng ngày 15/5/2023.

Không dính mắc chỉ là một từ khác cho trạng thái tâm thức trung hòa. Trung hòa có nghĩa là gì? Có nghĩa là không có gì có thể kéo con về bất cứ hướng nào. Con có thể chọn lựa đặt chú ý của mình về một hướng nào đó nhưng không có gì có thể lôi kéo được con. Tại sao không có gì lôi kéo được con? Vì con không có dính mắc. Tại sao con không có dính mắc? Vì con không có một ngã tách biệt, một ngã tiềm thức nào mong cầu một kết quả đặc thù hay tránh né một điều gì trên trái đất. Còn sự thờ ơ, tất nhiên, là khi con thụ động, tâm con thụ động.

Có lẽ chúng ta nên bước lui lại một chút và nhìn xem ta đã nói gì cách đây 2500 năm, Giê-su đã nói gì cách đây 2000 năm và các thày nói gì ngày hôm nay. Đúng thật là khi con nhìn vào, đặc biệt là những lời dạy ta đã trao truyền 2500 năm về trước trong kiếp hiện thân Phật Gautama, thì một số Phật tử đã diễn giải là nếu con đạt được trạng thái không dính mắc đó, cực lạc đó, tam muội đó (samadhi), niết bàn đó (nirvana) cho dù người ta gọi đó là gì, thì nói chung con trở nên vô cảm thờ ơ. Con không quan tâm đến bất cứ gì trên địa cầu. Không có chuyện gì con muốn làm, cho nên con rút ra khỏi xã hội, con ngồi trong tu viện hay hang đá và con thiền quán về Thượng đế bởi vì con không quan tâm bất cứ chuyện gì trong thế gian. Đây là một diễn giải sai lạc về những gì ta đã dạy, những gì Giê-su đã dạy, những gì các thày ngày nay giảng dạy.

Nói chung con có thể nói, con là một sinh thể tâm linh, Hiện diện TA LÀ của con là một sinh thể tâm linh. Hiện diện TA LÀ của con ở cõi thăng thiên, hay đúng hơn, nó không là một chân sư thăng thiên nhưng chắc chắn nó ở cõi tâm linh, cho nên Hiện diện TA LÀ của con có khả năng trải nghiệm cõi tâm linh. Tại sao nó lại muốn gửi một phần của nó – cái Ta Biết – xuống một thế giới hình tướng và đặc biệt một hành tinh như trái đất? Tại sao chứ?

À, Hiện diện TA LÀ không gửi con xuống thế gian để con có một trải nghiệm tâm linh vì nó có thể có trải nghiệm này ở ngay cõi tâm linh rồi, cho nên nó gửi con xuống thế gian để trải nghiệm thế gian. Nhưng làm thế nào con trải nghiệm được thế gian nếu con ngồi trong hang núi Himalaya, thiền quán về Thượng đế và bỏ mặc thế gian? Đó không phải là lý do con tồn tại, lý do con đang ở trong thế gian. Con ở trong thế gian là để có những trải nghiệm, và những trải nghiệm này bao gồm cả những công việc con làm, và chắc chắn con năng hoạt trong thế gian. Nếu Hiện diện TA LÀ không muốn trải nghiệm thế gian thì việc gì nó phải mất công đem một phần của nó vào một xác thân vật lý? Nó đã có thể rút lại phần này và tập trung vào việc tăng triển ở cõi tâm linh, và tất nhiên đây là điều con sẽ làm sau khi con thăng thiên, nhưng dù sao thì con cũng hiểu ý ta muốn nói.

Mục đích con hiện thân trong cõi vật lý là để tham gia vào lý duyên khởi, và thế gian chính là lý duyên khởi này. Con nếm nhiều trải nghiệm, con làm nhiều công việc, con nêu gương cho người khác thấy là mình có khả năng khắc phục sự dính mắc với thế gian, cho nên mình có thể ở trong thế gian mà vẫn an bình. Làm thế nào con ở trong thế gian mà vẫn an bình? Bằng cách vượt qua các dính mắc của mình và bước vào tâm thái trung hòa.

Nhưng trung hòa không có nghĩa là con không làm gì. Con vẫn có thể tham gia vào một hoạt động vỏ ngoài và đồng thời ở trong một tâm thái trung hòa. Chỉ có nghĩa là trải nghiệm của con sẽ khác hơn mà thôi. Kỳ thực con có thể vui hưởng hoạt động đó, bởi vì khi con ở trong một tâm thái dính mắc thì con không thể tận hưởng việc tham gia vào hoạt động vì con luôn luôn chú tâm vào thành quả của hoạt động – cho đến khi con biết rõ thành quả là gì thì con không thể thực sự vui hưởng hoạt động. Đây chính là câu ngạn ngữ quen thuộc khi người ta bảo rằng điểm đến không quan trọng mà là hành trình, kết quả không quan trọng mà là tiến trình.

Khi con bước vào tâm thái trung hòa, con có thể vui hưởng tiến trình sống trong kiếp hiện thân cho dù con có đạt được hay không đạt được thành quả vỏ ngoài. Con không có vai trong tấn tuồng muốn cái này phải xảy ra hay cái kia không được xảy ra, con không ở trong tấn tuồng cuồng đại muốn cái này phải xảy ra hay cái kia không được xảy ra trong thế gian. Nhưng con không thờ ơ vô cảm, con không thụ động, con không chỉ ngồi đó mà không làm gì hết.

Tâm thức quả cầu

Hỏi: Các chân sư yêu dấu, chúng con biết là các thày có tâm thức quả cầu (spherical consciousness) và con muốn hiểu tâm thức này biểu hiện thế nào trong hành động. Các thày nhìn trật tự thế giới như thế nào qua tâm thức quả cầu? Con cũng biết một tâm thức đường thẳng thật khó lòng nắm bắt được điều này. Có lẽ cũng giống như cố giải thích mạng internet là gì cho một người thời Trung cổ. Làm thế nào phát triển tâm thức quả cầu? Có thể nào so sánh nó với thần giao cách cảm, khả năng thấu thị, khả năng thông suốt mọi sự hay không? Có phải là khả năng cảm được người khác đang cảm thấy gì? Sự đồng cảm? Khả năng sáng tạo bằng tư tưởng để thay đổi diễn biến ngoại cảnh? Có thể nào phát triển tâm thức quả cầu trên trái đất một khi đạt đủ tâm thức Ki-tô hay tâm thức Phật?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su Ki-tô qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 về Ukraine. Đăng ngày 5/12/2022.

Tất cả những thứ con nói đến – những cái gọi là khả năng siêu nhiên – không thuộc về trạng thái tâm thức quả cầu. Như con cũng đoán, thực tế là con không thể nắm bắt tâm thức quả cầu với một tâm thái đường thẳng. Ngay cả con cũng không thể hiểu bằng tâm thái đường thẳng. Khi nói đến tâm thức quả cầu, hoặc con trải nghiệm được, hoặc con không trải nghiệm được. Nhưng nếu con cố hiểu nó là gì bằng tâm đường thẳng thì con sẽ không đến gần hơn với trải nghiệm đó. Kỳ thực trong nhiều trường hợp, làm như vậy đã cản trở nhiều người có được trải nghiệm, vì họ quá chú tâm vào việc cố hiểu nó với tâm đường thẳng phân tích, quá chú tâm vào việc dán nhãn và mô tả, đến độ họ không thể có được trải nghiệm. Và tất nhiên, chỉ sự trải nghiệm trực tiếp mới xoay chuyển được tâm thức của con.

Nói vậy rồi, thật ra nhiều người trên thế giới và nhiều đệ tử của chân sư thăng thiên đã bắt đầu phát triển được tâm thức quả cầu. Có thể nói tâm thức quả cầu là một tiến trình lâu dài, và khởi đầu của tâm thức quả cầu thực sự là khi con nhìn nhận là có điều gì đó để hiểu hay nắm bắt vượt khỏi tầm hiểu hiện thời lẫn tầng tâm thức hiện thời của con. Nói cách khác, các thày đã có nói về tâm trở thành một hệ thống khép kín, tự củng cố, tự chứng thực. Và cách giản dị nhất để diễn tả là bảo rằng cái tâm đó hiển nhiên không phải là tâm thức quả cầu. Khi tâm con đóng chặt nhưng con tưởng là con biết mọi chuyện, con không mở tâm ra để nắm bắt nhiều hơn những gì con biết, thì con không đang trải nghiệm tâm thức quả cầu.

Nhưng một khi con xoay chuyển và nhận ra có gì đó vượt khỏi mức tâm hiện thời của con, vượt khỏi thế giới quan hiện thời của con, thì con đang bắt đầu tiến vào tâm thức quả cầu. Con đang khuếch lớn tâm thức của con để nhận biết có gì đó nằm ngoài tâm con. Ngay cả việc lượng định là con không được làm tới người khác những gì con không muốn người khác làm tới con, cũng là một phần trong các giai đoạn đầu của tâm thức quả cầu. Con có lòng trắc ẩn với người khác. Con công nhận quyền hạn của người khác. Có một số giai đọan khác nhau qua đó con nhận biết càng ngày càng rõ hơn là có gì đó vượt khỏi tâm con, và tất nhiên con có thể nhận biết như vậy khi con đang đầu thai.

Con không thể trải nghiệm hoàn toàn những gì một chân sư thăng thiên trải nghiệm, nhưng con có thể ngày càng đến gần hơn với sự nhận biết rộng lớn là có gì đó vượt khỏi bốn thể phàm, vượt khỏi tâm vỏ ngoài của con. Con nhận biết là có nhiều hơn để hiểu, và trên hết, con không ngừng mở rộng thêm ra, mở rộng nhận biết một cách lần hồi, từng bước một. Có thể nói là tất cả khởi sự với nhận biết đó, rằng có gì đó vượt khỏi mức hiện thời của con. Và sau đó, vấn đề chỉ còn là con sẵn lòng vươn lên cao đến đâu và mở rộng đến đâu để nhận biết những gì vượt khỏi tâm thức đường thẳng của con.  

Các thày có giảng là khi con hiện thân hay ngay cả khi con khởi sự như một dòng sống mới, con có một ý niệm nhận biết hạn hẹp, cục bộ, nhỏ như cái chấm. Con chỉ chú trọng đến chính mình và môi trường lân cận xung quanh con. Tâm thức quả cầu vượt quá sự tập trung vào bản thân, nó mở rộng ý niệm bản ngã của con, nhưng nó cũng nhận ra là luôn luôn sẽ có điều gì đó vượt khỏi ý niệm bản ngã mà con có khi chưa thăng thiên.

Tâm thức quả cầu không phải là một khả năng siêu nhiên nào đó, mà là một sự nhận biết rộng lớn hơn vượt khỏi bản ngã. Có nhiều người bước vào giáo lý tâm linh nghĩ rằng: “Ồ, tôi muốn có khả năng đó. Tôi muốn mình có thể thị hiện bất cứ gì mình muốn, mình có thể thay đổi thế giới, mình có thể hiểu biết mọi chuyện.” Nhưng đây không phải là tâm thức quả cầu, và việc gắng sức đạt được khả năng này thường sẽ chặn đứng người đệ tử, bởi vì tại sao họ lại muốn vậy chứ? Là vì họ vẫn tự xem mình là một sinh thể tách biệt, họ vẫn muốn sự nhận biết hay khả năng làm những chuyện siêu nhiên đó trong tư cách một sinh thể tách biệt, để họ có thể nâng bản thân họ lên như một sinh thể tách biệt trong tâm họ hay trong tâm người khác.

Nhưng chừng nào con còn cố đạt những khả năng đó như một sinh thể tách biệt thì thật vậy, đó không phải là quả vị Ki-tô. Đây là con đường tay trái khi con cố trở thành một pháp sư ma thuật đen với một vài kỹ năng thao tác sự vật. Nhưng đây không là quả vị Ki-tô và chắc chắn cũng không phải là nhận biết quả cầu. Con chỉ càng ngày càng bị kẹt hơn vào ý niệm bản ngã tách biệt cục bộ.

Khía cạnh phân liệt của đường tu tâm linh

Hỏi: Các giai đoạn chót trước khi thăng thiên có vẻ như hơi mâu thuẫn vì chúng con vẫn còn tự ngã, và như Saint Germain có giảng, tự ngã có vẻ vẫn còn phục vụ như một cái neo hay một cơ chế an toàn để ngăn ngừa sự rút lui quá sớm của lực sống khi chúng con chưa sẵn sàng thăng thiên. Nhưng đồng thời, chúng con đang là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ của mình biểu đạt trong thế giới, và chúng con sáng tạo xuyên qua Hiện diện TA LÀ. Điều này có vẻ hơi phân liệt tâm thần (schizophrenic) về mặt trải nghiệm. Câu hỏi của con là, liệu chúng con có biết chắc là mình đã sẵn sàng, hay khi nào mình sẽ sẵn sàng? Hay có thể chúng con bị lầm lạc trong phán đoán và làm sái hoàn toàn? Vì rốt cuộc, tự ngã vẫn còn đó.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và quả vị Ki-tô. Đăng ngày 24/6/2022.

Hãy cho ta trình bày theo cách thế này. Quyền tự quyết là quyền tự quyết. Trên lý thuyết, cho đến tầng 144 con vẫn có thể quyết định khởi sự một con đường đi xuống. Không có nhiều xác suất con sẽ làm vậy nhưng chuyện này vẫn có thể xảy ra. Con có thể bước vào một tâm thái cho rằng con đã sẵn sàng thăng thiên vì con đánh giá quá cao sự tiến bộ của mình. Nhưng một lần nữa, khả năng xảy ra như vậy không cao lắm. Nó có nhiều khả năng xảy ra hơn ở tầng 96, là khi con có thể nghĩ, hoặc con đã sẵn sàng thăng thiên, hoặc con đã có một trình độ quả vị Ki-tô nào đó và con bắt đầu sử dụng điều này để tự đề xướng mình như một sinh thể tách biệt, và do đó con bắt đầu đi xuống con đường tay trái, con đường hướng hạ.

Sự thật là khi con vươn lên cao hơn và vượt quá tầng 96, tự ngã ngày càng có ít ảnh hưởng trên con. Như các thày đã có nói, nó chỉ còn là một cái gì giữ con trong cơ thể vật lý, bởi vì nếu không có một loại ngã tách biệt nào đó thì con không thể hòa nhập với một cơ thể.

Con có thể nói theo một nghĩa nào đó – và các thày cũng đã đề cập – là khi con khởi sự ở tầng 144 và con đi xuống tầng 48, cứ mỗi tầng như thế con lại khoác vào một ảo tưởng, rồi lại thêm một ảo tưởng khi con cứ tiếp tục đi xuống. Những ảo tưởng đầu tiên mà con khoác vào thật ra là các ảo tưởng cho phép con, như cái Ta Biết, như một sinh thể vô hình tướng, hòa nhập với một cơ thể có hình tướng, và do đó con tới chỗ cảm thấy mình ở trong cơ thể và bốn thể phàm – không phải chỉ có cơ thể mà đầu tiên là thể bản sắc, xong thể lý trí, xong thể cảm xúc, rồi đến thể vật lý. Nhưng con phải khoác vào một số ảo tưởng để tự trải nghiệm mình đang ở trong cơ thể này, mình có một cảm giác nhận biết đã định vị chung quanh cơ thể – thật ra có thể nói là con có khả năng vận hành bộ máy của cơ thể.

Và cái này thì không thực sự gọi là tự ngã theo nghĩa truyền thống. Nó không khiến con ích kỷ mà nó chỉ khiến con hòa nhập với một cơ thể hầu con có thể thực sự xem mình như đang tồn tại trong cơ thể đó, đang nối kết với cơ thể đó, đang có khả năng điều khiển cơ thể và trải nghiệm thế giới xuyên qua cơ thể và hành động xuyên qua cơ thể. Đây không phải là cái gì con sẽ gọi là tự ngã theo nghĩa truyền thống, tức là ích kỷ và chỉ đặt trọng tâm vào chính nó.

Con càng vươn lên cao hơn thì con càng làm cho sự tập trung vào bản thân rơi rụng. Và cuối cùng con đạt tới điểm – và điểm này xảy ra trước tầng 144 – con không còn tập trung vào chính mình nữa, thậm chí con không tự xem mình là một sinh thể tách biệt đến độ con phải tự nâng mình lên, trở thành danh tiếng, hay muốn làm chuyện gì quan trọng, vân vân.

Con lần lần rũ bỏ cảm nhận tập trung vào chính mình, cho nên tất nhiên càng ngày con sẽ càng ít khả năng lầm lạc để mà bắt đầu đi trở xuống. Điều này cũng có nghĩa là khi con khởi sự rũ bỏ sự tập trung vào bản thân, khía cạnh tâm thần phân liệt cũng biến mất. Ta cũng hiểu tại sao con có cảm giác phần nào đây là một tiến trình phân liệt. Như các thày đã có nói, có một giai đọan trên đường tu tâm linh khi con cảm thấy phân liệt đôi chút. Nhưng con khắc phục nó, con thăng vượt nó khi con thăng vượt sự tập trung vào bản thân như một sinh thể tách biệt, và con bắt đầu hòa nhập nhiều hơn với Hiện diện TA LÀ của con, và sự phân liệt dường như tan biến mất.  

Cách nhìn từ Phật về cuộc chiến tại Ukraine

Hỏi: Con là một người Nga và con đã xúc động sâu xa trước cuộc tấn công hung bạo của nước con trên người Ukraine là một dân tộc thật gần gũi với chúng con. Con cảm thấy đau đớn và cảm thương sâu sắc đối với những ai đang phải sống qua cuộc chiến khủng khiếp này. Và con không thể giữ nổi tâm trung hòa. Đối với con, trung hòa có vẻ như là mình ngừng thương cảm. Nói cho cùng, năng lượng của lòng từ bi tự nó đã mang màu sắc rồi, nó không trung lập. Về điểm này, con xin có một câu hỏi cho các chân sư thăng thiên. Không hiểu một dòng sống đã đạt đến một trình độ tâm thức Ki-tô đủ cao cảm nhận tình cảnh này như thế nào? Liệu dòng sống đó có một quan điểm nào về cuộc chiến này hay không? Và một dòng sống ở mức quả vị Phật nhìn tình thế này ra sao? Liệu dòng sống đó có cảm thấy lòng từ bi?


Trả lời của chân sư thăng thiên Saint Germain qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 – Dân chủ và Quả vị Ki-tô. Đăng ngày 19/6/2022.

Trước tiên, con cần nhìn nhận rằng con là một con người đang hiện thân, và sự kiện con cảm thấy mình bị bận tâm bởi chiến tranh và sự tàn bạo của con người là một điều tự nhiên. Việc con thương xót những người đang chịu khổ đau cũng là một điều tự nhiên. Con không cần phải tự trách mình là mình đang có những xúc động như vậy.

Nhưng tất nhiên, con có thể vươn lên những tầng cao hơn của quả vị Ki-tô và nhờ đó con sẽ xoay chuyển. Như các chân sư đã giảng nhiều lần, một người đã đạt đến một mức quả vị Ki-tô nào đó sẽ nhận thức rằng trên cơ bản, địa cầu này là một cơ sở giáo dục, và sẽ có nhiều người chỉ có thể học hỏi qua Trường đời Cay đắng mà thôi. Họ chỉ có thể học hỏi khi những cú giáng của trường đời trở nên thật dữ dội. Điều này có nghĩa là con không thể cho phép mình cảm thấy lòng thương xót thường tình của một con người, bởi vì con sẽ không thể giữ được tâm trung hòa không dính mắc, và tâm đó chính là một khía cạnh của quả vị Ki-tô.

Hiển nhiên, quả vị Phật là một mức không dính mắc còn cao hơn nữa. Điều này không có nghĩa là đức Phật không có lòng từ bi, nhưng đó không phải là lòng thương xót của con người. Trên căn bản, con có thể nói là khi con đạt đến quả vị Ki-tô và quả vị Phật, con không còn lượng định mọi chuyện theo một cái nhìn nhị nguyên nữa – liệu chuyện này có phải hay trái, liệu chuyện này có nên xảy ra hay không được xảy ra? Con lui lại một bước, con nhìn một cách trung hòa và con nói: “Nếu đây là những gì người ta cần diễn bày ra để có thể xoay chuyển tâm thức của họ, thì tôi sẽ không chú tâm vào đó để mà phán xét là họ phải hay trái, mà tôi sẽ chú tâm vào những cách tôi có thể giúp những ai sẵn lòng xoay chuyển tâm thức mình.” Những người còn lại, thực sự con không thể làm gì được cho họ vì con không thể chạm được họ từ mức tâm thức của con. Chỉ có Trường đời Cay đắng mới chạm được họ mà thôi.

Có vẻ như tâm Ki-tô và tâm Phật lấy đi mất lòng từ bi, nhưng thực sự nó lấy đi lòng thương cảm phàm phu và con vươn lên một mức cao hơn. Lẽ tự nhiên, khi là chân sư thăng thiên thì mình không muốn nhìn thấy có ai phải đau khổ. Nhưng nếu con là một chân sư thăng thiên đang làm việc với địa cầu, thì con chấp nhận là sự đau khổ sẽ không tự dưng biến mất ngày mai hay ngày kia. Con cần chấp nhận đau khổ là một phần của cuộc sống trên hành tinh trong lúc này. Và con sử dụng mọi cơ hội trong tay để làm việc với nhân loại và giúp nâng cao tâm thức tập thể, hầu tâm thức nhân loại bước ra khỏi cái nhu cầu chỉ học được qua sự khổ đau.

Phật Gautama, giác ngộ và các tầng của tự ngã

Hỏi: Đức Phật kính quý, trong hội thảo trên mạng vừa qua, một trong các chân sư nói rằng khi con người còn có thân xác thì chưa thể thăng thiên được. Vị chân sư cũng nhấn mạnh với chúng con là đừng nên tin bất cứ ai tuyên bố là họ đã thăng thiên. Khi một người còn xác thân vật lý thì người đó vẫn còn tự ngã. Con hiểu lời dạy đó như sau: một người không thể nào đạt được toàn giác hay thăng thiên cho tới khi người đó chết và rời bỏ xác thân vật lý. Tuy thế, trong kinh điển Phật giáo đức Phật đã xác nhận thày đã đạt được toàn giác – anatta, vô ngã – ở tầng thiền cuối cùng là tầng thiền thứ tư, và đây chính là lúc đức Phật đạt được tuệ giác tối hậu. Xin thày vui lòng giảng cho con tại sao đức Phật có thể đạt được giác ngộ khi vẫn còn trong một xác thân vật lý? Và nếu điều này đúng với đức Phật, thì chúng con nên hiểu thế nào giáo lý của các chân sư thăng thiên nói rằng con người vẫn còn tự ngã khi vẫn còn xác thân vật lý?


Trả lời của Chân sư Thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels. Câu trả lời này được trao truyền trong hội nghị qua mạng năm 2021 – Là Cánh Cửa Mở cho Hành tinh Trái Đất. Đăng ngày 28/10/2021.

Con đang phải đối phó ở đây với vấn đề từ ngữ và cách mọi người dùng từ ngữ và giải thích từ ngữ. Tại hội nghị này, các thày có nói tới sự kiện là sau khi thày thăng thiên như là một vị Phật, những tín đồ của thày bắt đầu tạo ra một tinh thần sùng bái thày. Một số các vị này muốn đưa ra hình ảnh thày là vị đạo sư tâm linh tối hậu chưa từng xuất hiện trên hành tinh này và do đó, ngay từ khi chào đời thày đã là người khác thường và vân vân. Đúng thật là thày đã nói là thày đạt được một tầng nào đó và thày khắc phục được ngã phàm (not-self) và đạt được tuệ giác tối hậu.

Tuy nhiên, đấy là tuệ giác tối hậu mà thày thấy được ở điểm đó. Con cần nhận ra ở đây là khi con tới những tầng cao của con đường tâm linh, con bắt đầu có một số trải nghiệm tâm linh. Nhiều người từ những quá trình khác nhau đã có trải nghiệm tâm linh, ngay cả những người không tỏ lộ rõ ràng bên ngoài họ là người tâm linh. Và khi con có một trải nghiệm tâm linh con cảm thấy nó rất rất là thực đối với con. Và điều này có nghĩa là khi con trở về thân xác vật lý và tâm vỏ ngoài, con rất dễ lý giải cảm nhận thực này là trải nghiệm tối hậu. Đây chắc phải là giác ngộ tối hậu, tuệ giác tối hậu mà con người có thể đạt được. Nhưng ý nghĩa sâu xa giản dị là đây là điều con thấy được ở tầng đó. 

Như các thày đã giải thích trong hội nghị này, thày chưa đạt tầng giác ngộ tối hậu. Sau này thày Padmasambhava đã xuất hiện như một vị chân sư thăng thiên với tầng giác ngộ cao hơn. Và trên cõi thăng thiên có nhiều tầng giác ngộ cao hơn nữa lên suốt tới mức của đấng Sáng tạo.

Bây giờ, có thể có sự hiểu lầm chung quanh ý của con gán cho các từ “tự ngã” (ego) hay “ngã phàm” (not-self). Các thày đã trao cho các con giáo lý là lúc nào cũng còn một yếu tố nào đó của tự ngã (ego) mà các thày gọi là tự ngã hay ngã tách biệt (separate self) cho tới khi con thăng thiên, vì nếu không như thế thì con không thể giữ được thân thể vật lý. Khi thày trở lại từ Niết bàn và ở trong xác thân vật lý và sống tới tuổi 81, và được người đời cho là đã giác ngộ, thì thày vẫn còn đủ tự ngã đó để thày có thể giữ được thân vật lý. Tuy nhiên tự ngã mà thày có khi thày là Phật không phải là cái mà người ngày nay gọi là tự ngã. Tự ngã thời nay là khía cạnh ích kỷ của tâm lý khiến cho con người ích kỷ.

Như thày đã giảng trong bài truyền đọc, thày đã đạt được hợp nhất, thày đã khắc phục được tách biệt, và do đó thày đã khắc phục được ngã phàm. Có thể nói, dựa trên định nghĩa của nhiều người, thày đã không còn tự ngã nữa. Nhưng các thày đã trao truyền cho các con một giáo lý rộng hơn dạy rằng có tự ngã tách biệt tương ứng với mỗi tầng của 144 tầng tâm thức. Mỗi tự ngã dựa trên một ảo tưởng và con chỉ vứt bỏ cái ngã cuối cùng, ảo tưởng cuối cùng khi con sẵn sàng thăng thiên. Điều này đã áp dụng cho thày, cho Giê-su và cho tất cả những người khác đã thăng thiên từ trái đất.

Cho nên con cần cẩn thận đừng quá dính mắc vào từ ngữ và sự diễn giải từ ngữ. Và con cũng nên cẩn thận nhìn lên trên tinh thần sùng bái, bởi vì những giáo lý các thày hiện trao truyền cho các con không dựa trên sùng bái, các thày không phục vụ những người có cái nhìn sùng bái. Trên cơ bản, có thể nói là khi con đạt được khai ngộ ở tầng 96 –  đó là lúc, như các thày đã giảng, con vượt lên trên sự chú tâm vào cái ngã, con không còn tu tập để nâng mình lên như một ngã tách biệt, nhưng con làm việc để nâng cao toàn thể –  thì ở điểm đó, có thể nói là con không còn tự ngã, dựa theo định nghĩa phổ thông nhất về tự ngã trong nhân gian.

Tuy nhiên, tại sao con vẫn chưa thăng thiên ở tầng đó? Bởi vì con vẫn còn muốn trải nghiệm điều gì đó, con muốn hiểu điều gì đó, con muốn giải quyết điều gì đó, và khi làm vậy, con giúp nâng cao tập thể, con tạo ra động lượng trong tập thể khiến mọi người tăng triển dễ dàng hơn.

Trong tổ chức Summit Lighthouse (Ngọn Hải Đăng trên Đỉnh), có giáo lý nói rằng con có thể thăng thiên khi quân bình được 51% nghiệp quả của mình. Các thày đã nhiều lần giải thích là giáo lý này giới hạn, bởi vì con không thể thực sự thăng thiên cho tới khi con hoàn toàn giải quyết tâm lý mình. Nhưng giáo lý này muốn nói rằng con không cần phải trở lại đầu thai nhưng con có thể giải quyết phần còn lại của tâm lý, của nghiệp quả trên cõi bản sắc và thăng thiên từ cõi này. Nói cách khác, con không thăng thiên thẳng sau khi rời bỏ thân vật lý như thày hay Giê-su đã chứng minh, tuy rằng Giê- su có trở lại trong một xác thân vật lý và sống tới tuổi 81.

Có thể nói là khi con tới tầng 97, con đã trút bỏ tự ngã, hiểu theo định nghĩa phổ thông là tự ngã ích kỷ, nhưng con vẫn còn những ngã tách biệt. Đó là lý do tại sao con vẫn còn phải giải quyết thêm một số chuyện, và điều này cho phép con giữ lại thân vật lý, và cũng cho phép con ở lại trên trái đất và con vẫn thấy rằng chuyện sống trên trái đất là quan trọng, con vẫn còn việc phải làm ở đây, con vẫn còn chuyện tốt cần làm ở đây, điều này hoàn toàn chính đáng, vì con có thể kéo tập thể lên. Nếu con thăng thiên ngay ở tầng 97, con cũng sẽ kéo tâm thức tập thể lên, nhưng con sẽ không đi qua từng bước giải quyết tâm lý ở mức cao nhất trong thân vật lý và do đó con không phụng sự được ở mức tối đa có thể làm được trên trái đất.

Lòng tốt không có nghĩa là con không bao giờ thách thức hay chống đối người khác

Hỏi: Bài truyền đọc của thày Maitreya có nói về lòng tốt và ý nghĩa của lòng tốt trên một hành tinh dày đặc như địa cầu. Con xin hỏi, làm sao chúng con có thể tốt mãi mà không trở thành tấm thảm chùi chân cho người khác?


Trả lời của chân sư thăng thiên Maitreya qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2020 – Gia tăng phân biện Ki-tô. Đăng ngày 13/1/2021.

Đây quả thực là một câu hỏi khó trả lời trong cái nhìn đường thẳng. Đây là một thử thách mà mọi người cần phải trải qua. Chúng tôi, các chân sư, có nói là ở một điểm nào đó, con có sự mong muốn kiểm soát, có nhu cầu kiểm soát, và con sẵn sàng phóng chiếu ra người khác để có được cảm giác là con đang kiểm soát tình thế. Tất nhiên đây không phải là lòng tốt. Và khi con vượt qua được mong muốn kiểm soát cũng như mọi hình thức hung hãn đối với người khác, thì con bắt đầu biểu hiện được cái mà người ta thường gọi là lòng tốt.

Nhiều người sau đó sẽ trải qua một giai đoạn khi họ gần như đền bù quá độ cho cảm nhận là trước đó họ đã không tốt. Và như vậy họ bước vào một cái nhìn thụ động về lòng tốt, qua đó họ nghĩ rằng lòng tốt có nghĩa là họ không được thách thức hay chống đối một ai. Trên căn bản, họ cho rằng họ phải để yên cho người khác muốn làm gì thì làm, sau đó họ sẽ giơ má bên kia, và đó là lòng tốt. Nhưng khi chính ta tình nguyện xuống địa cầu ở ban đầu, ta có đặt câu hỏi là liệu cư dân trên địa cầu có thể được đánh thức qua lòng tốt hay không. Câu trả lời mà ta nhận được từ các vị hướng dẫn tâm linh của ta thuở đó là: chỉ khi nào ta điều ngự được cả 144 sắc thái của lòng tốt.

Nói cách khác, lòng tốt có một sắc thái đặc thù cho mỗi tầng trong số 144 tầng tâm thức. Khi con đi xuống các tầng tâm thức thấp hơn, hay khi con phải cư xử với một người ở những tầng tâm thức thấp kém, thì nếu con là một tấm thảm chùi chân và cho phép họ làm bất cứ gì họ muốn, đó không phải là lòng tốt đâu con. Đó không phải là cư xử tốt cho họ, bởi vì cách cư xử như vậy sẽ chỉ củng cố trạng thái tâm thức của họ là họ có thể xâm hại người khác mà vẫn không hề hấn chi.

Khi con tương tác với những người ở tâm thức thấp, những loại người hung dữ, thì lòng tốt không phải là để yên cho họ không bị hề hấn chi, mà thực sự là thách thức họ. Không phải thách thức trong nghĩa là con sẽ đánh nhau với họ hay tìm cách tiêu diệt họ, mà con tìm cách khiến cho hành vi của họ rõ ràng hơn cho mọi người, và cuối cùng thì có lẽ cũng rõ ràng hơn cho chính họ.   

Nói cách khác, con nỗ lực chất vấn họ, con đặt vấn đề là tại sao họ lại cư xử như thế, tại sao họ nghĩ đó là điều hợp lý, tại sao họ nghĩ đó là điều cần thiết, tại sao họ lại không quan tâm đến những hậu quả trên người khác, và một lô câu hỏi khác mà con có thể hỏi. Và dĩ nhiên, cũng có khi lòng tốt có nghĩa là nếu họ không nghe, con sẽ bước ra ngoài, lánh xa khỏi họ và để mặc cho họ một mình.   

Như con có thể thấy, đối với mỗi tầng tâm thức của cá nhân con, sẽ có một sắc thái của lòng tốt tương ứng với tầng đó. Đây là điều mà con có thể nhận thức và cố đạt được qua kinh nghiệm trực giác. Chắc chắn con có thể yêu cầu ta giúp, con hãy gọi ta qua bài chú của ta để ta có thể giúp con nắm được lòng tốt ở mức của con nghĩa là gì, và lòng tốt nghĩa là gì khi con phải cư xử với một người ở một mức nào đó. Vậy thì con hãy hỏi và ta sẽ trả lời con, với điều kiện là con có khả năng nhận được trong trạng thái lắng nghe trung dung, không thành kiến.   

Làm thế nào sống mà không tạo nghiệp

Hỏi: Định luật toàn vũ của nghiệp quả là người bạn đồng hành tự nhiên của quyền tự quyết. Chúng ta chịu trách nhiệm về ánh sáng mà mình nhận được. Do đó nếu chúng ta làm tha hóa ánh sáng thì chúng ta phải phục hồi lại phẩm chất của ánh sáng. Đối với đa số chúng ta bị vướng mắc trong tâm thức nhị nguyên, chúng ta thường cho rằng toàn bộ nghiệp chướng của mình đều đến từ những quyết định sai lầm mà mình đã có qua tâm thức nhị nguyên, qua tâm phản Ki-tô. Nhưng chuyện gì xảy ra khi chúng ta chuyển vọt tâm thức và đồng hóa với cái Ta Biết và lần hồi hợp nhất với Hiện diện TA LÀ, phần lớn được tự do khỏi cấu trúc của tự ngã? Vì chúng ta vẫn tiếp tục có quyền tự quyết, chúng ta không thể nói là mình không còn tạo nghiệp nữa. Vậy thì điều gì có thể gây ra nghiệp quả đối với một sinh thể ở những giai đọan cao của quả vị Ki-tô, và điều gì có thể gây ra nghiệp quả đối với một sinh thể thăng thiên?     


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 6/9/2020.

Trước hết, các chân sư đã có dạy là một chân sư thăng thiên không tạo nghiệp giống như con tạo nghiệp trên địa cầu. Là chân sư thăng thiên, chúng tôi có thể bộc lộ một số điều kiện, hoặc khiến mình gắn bó với một hành tinh nào đó, hoặc khiến mình cần chuyển khỏi một hành tinh để không bị gắn bó, tuy nhiên đó không phải là nghiệp.

Khi người ta bảo là mình đang tạo nghiệp, người ta thường muốn nói đến một việc gì đó mà mình làm trong trạng thái tâm thức nhị nguyên, từ một cái ngã tách biệt. Cái đó tạo ra nghiệp và làm tha hóa năng lượng. Nhưng con cần thận trọng và nhận ra quan niệm trong Ấn giáo bảo rằng nghiệp gắn liền với hành động, không phải là lời giải thích đầy đủ. Hành vi nhị nguyên dẫn đến nghiệp. Hành vi bất nhị không dẫn đến nghiệp. Thậm chí hành vi bất nhị cũng không dẫn đến cả nghiệp tốt. Kỳ thực trong cách hiểu cao hơn về nghiệp quả, con có thể nói là sự khác biệt giữa nghiệp tốt và nghiệp xấu hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì bất kỳ nghiệp chướng nào cho dù được tạo ra bởi hành vi nào đi nữa, cũng sẽ buộc con lại với địa cầu và do đó sẽ ngăn cản không cho con thăng thiên.

Điều xảy ra là khi con bắt đầu đi đến quả vị Ki-tô, con có thể có những hành động sẽ không tạo nghiệp như trước kia con đã tạo nghiệp xuyên qua một cái ngã nhị nguyên. Con có thể vẫn còn một số ngã nhị nguyên, và nếu con hành động xuyên qua chúng thì con sẽ vẫn tạo nghiệp. Nhưng khi con không hành động qua một cái ngã nhị nguyên thì con không đang tạo nghiệp.

Con đang hành động, nhưng con không khiến cho năng lượng bị tha hóa bởi lòng sợ hãi. Khi con hành động không sợ hãi, và nếu con nhìn kết quả hành động mà không sợ hãi, thì con không làm tha hóa năng lượng với một rung động thấp kém. Con hoàn toàn có thể hiện thân trên địa cầu mà đã giải thoát khỏi tâm nhị nguyên, đến độ con không còn hành động qua sợ hãi nữa, và con không lượng định hành động của mình trong sợ hãi. Cho nên con không gán cho năng lượng một phẩm chất đến từ rung động thấp kém. Mà ngược lại, con ban cho năng lượng một rung động xuất phát từ tình thương, và như các chân sư đã có đề cập, điều này khiến cho năng lượng được nâng cao trong dòng chảy hình số 8 giữa Hiện diện TA LÀ và phàm nhân của con, và khi nó vươn lên cao, nó sẽ được nhân lên gấp bội rồi gửi trả xuống cho con để con nhận nhiều năng lượng sáng tạo hơn.

Đây là một lời dạy vô cùng tinh tế mà nhiều người sẽ khó lòng hiểu được, và ta có thể thấy trước là nhiều người sẽ diễn giải sai lạc lời dạy này từ quan điểm tâm đường thẳng. Nhưng sự thật là con có khả năng đạt đến một điểm khi những hành động mà con làm sẽ thực sự giúp con trở nên tự do hơn, sáng tạo hơn. Điều này không có nghĩa là những hành động đó nhất thiết phải cao nhất, hay phải là lý tưởng theo một chuẩn mực tâm linh hay một lượng định tâm linh nào đó.

Con có thể có một hành vi đôi khi có vẻ là vị kỷ, nhưng vì con không hành động trong tâm nhị nguyên, vì con không hành động trong sợ hãi, con không làm tha hóa năng lượng. Chẳng hạn, con có thể hành động với mục đích tạo cho mình một trải nghiệm mà mình muốn có trên trái đất. Có vẻ như con đang vị kỷ, nhưng nếu con làm với mục đích thỏa nguyện một mong muốn hầu con có thể buông bỏ mong muốn đó một khi nó được thỏa nguyện, thì có thể nó nằm trong hành trình tăng trưởng tâm linh của con, thậm chí trong sứ vụ thiêng liêng của con.

Ví dụ, việc có con có thể là một mong muốn tâm linh chính đáng. Không cứ là con sẽ tạo nghiệp khi con có con, cho dù là đôi khi con có thể bị cáu kỉnh hay choáng ngợp bởi nhiệm vụ làm cha mẹ. Con cũng có thể muốn theo đuổi một sự nghiệp, một việc làm nào đó. Ngay cả con cũng có thể theo đuổi một số mục tiêu vật chất, vì mong muốn trải nghiệm là một việc chính đáng, để sau đó con có thể cảm thấy chán ngấy và buông bỏ nó.

Con cũng nên biết là các chân sư đã có giảng dạy về một cõi giới nơi một số linh hồn đi đến sau khi thân xác vật lý chết đi, gọi là Devachan, là cõi hoàn thành ước nguyện. Nơi đây, con có cơ hội kinh qua một số mong muốn cho đến khi con chán ngán, và khi đó, con có thể buông nó ra và không còn nhu cầu phải tái đầu thai trong một kiếp sống bị ham muốn đó chi phối. Như con có thể thấy trong cuốn sách của Yogananda, ông có đưa ra ví dụ một kinh nghiệm mà ông trải qua khi thày của ông đã thị hiện một cung điện cho ông vì ông ham muốn cung điện đó. Bằng cách khiến cho cung điện thị hiện – không trong cõi vật lý, nhưng dù sao cũng đủ hiện thực để ông có thể chiêm nghiệm được – ông đã có thể buông được ham muốn đó mà không phải kinh qua trải nghiệm vật lý, một điều đã có thể ngăn ông trở thành bậc thày tâm linh trong kiếp đó.

Đo mức độ tâm thức

Hỏi: Liệu có một chỉ số hay những chỉ dấu nào cho thấy mức độ tâm thức của một người?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 8/10/2019.

Con yêu dấu, tất nhiên là người ta có thể lập ra đủ loại chỉ số khác nhau, nhưng có một cách thật giản dị, đó là nhìn vào mức độ vị kỷ của con người, mức độ xem mình là trung tâm cuộc sống. Một dấu hiệu khác là khi con đến gần hơn quả vị Ki-tô và đặc biệt là ở các tầng cao của tâm Ki-tô, tâm con sẽ ngày càng trung hòa hơn, an bình hơn.

Con ngày càng it bị thôi thúc phải làm những chuyện ngoài đời vì càng ngày con càng ít những cái ngã tách biệt áp lực con phải hành động hay phải phản ứng lại một cách nào đó. Cho nên con ngày càng phản ứng ít hơn trước các điều kiện của thế gian. Chúng không còn phiền hà con nữa, chúng không nhào nặn được con là ai. Điều này không có nghĩa là con không hành động, nhưng con hành động trong cái tâm an bình mà các thày đã gọi là không dính mắc, con hành động trong tâm trung dung thay vì luôn luôn bị thôi thúc phải làm một cái gì đó. Đây là những chỉ dấu rất tốt mà con có thể ghi nhớ.  

Con có thể nghĩ ra nhiều loại chỉ dấu khác. Đương nhiên, con có thể dựng ra cả một hệ thống đo đạc, nhưng các chân sư cảm thấy làm như vậy sẽ đẩy người ta vào một lối tư duy vô cùng trí thức và phân tích. Người ta sẽ dễ dàng có thái độ muốn so sánh, và người ta bắt đầu tự so mình với người khác, hay tự so sánh với nhau trong một nhóm, rồi lập ra những băng nhóm toàn những người cho mình là đã đạt một cấp độ chỉ số nào đó. Hiện tượng này đã xảy ra trong những tổ chức học giáo lý của chân sư trước đây, và chúng tôi thực sự không muốn khuyến khích sự thể này.

Trên căn bản, con hãy đừng lo lắng gì đến mức độ tâm thức của người khác. Con hãy lo tâm thức của con mà thôi, nhưng như vị sứ giả này có nói, sẽ đến một lúc khi thực sự con sẽ vượt quá cả nhu cầu muốn lượng định xem mình đang ở mức nào hoặc so sánh mình với bất cứ gì. Con chỉ tập trung vào việc tự biểu đạt chính mình ở mức mà mình đang ở, và con cố gắng bước lên những mức cao hơn. Con thực sự không quan tâm đến việc đánh giá, gán một con số cho cái này cái kia, hay bất kỳ một sự lượng định nào khác.

Trong một ý nghĩa nào đó, con có thể nói là con sẽ biết mình đang ở một mức cao hơn khi con cảm thấy mình tự do hơn để biểu đạt con người thực của mình, biểu đạt con người mà mình là, và tận hưởng sự kiện mình đang đầu thai.

Nhận biết cao là một trạng thái tâm thức trung hòa hơn

Hỏi: Khi mình đạt được một mức độ nhận thức cao hơn, điều này có luôn luôn đi đôi với một cảm nhận hạnh phúc cực lạc lớn hơn không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 9/10/2019.

Nhưng con yêu dấu, con muốn nói gì khi con nói hạnh phúc cực lạc? Sự nhận biết cao hơn không luôn luôn dẫn đến loại hạnh phúc mà con có thể thấy trong phim Hollywood, và cũng không dẫn đến loại cực lạc mà nhiều Phật tử, chẳng hạn, mơ ước. Họ đã lấy một hình ảnh của thế gian mà phóng chiếu lên những khái niệm đó.

Có một số người chán nói về kundalini dâng lên và họ đã giải thích theo cách đó. Con thấy một số khác có những trải nghiệm tâm linh lạ lùng khi họ cảm giác một trạng thái ngất ngây. Và con cũng thấy một số nhà thần bí Cơ đốc giáo, chẳng hạn, kể lại họ đã chiêm nghiệm một trạng thái dạt dào kéo dài.

Nhưng làm thế nào con sinh hoạt được bình thường trong đời sống hàng ngày nếu con ở trong trạng thái như vậy? Câu trả lời là không thể được. Con không có mặt nơi đây để có một trạng thái cực lạc bởi vì, như các thày vừa mới nói, con có thể chứng nghiệm trạng thái đó khi con ở cõi thăng thiên.

Nhưng đấy không phải là mục đích ở địa cầu. Mục đích là con trải qua những kinh nghiệm mà địa cầu cho con cơ hội trải qua. Khi con đạt tới một mức nhận biết cao hơn, thật sự tâm con sẽ trở nên trung hòa hơn. Điều này thật sự là điều mà Phật gọi là cực lạc nhưng rất ít Phật tử hiểu được như thế. Họ hiểu trong nghĩa gần hơn với hạnh phúc con người.

Thực tế là hạnh phúc con người là một trạng thái tương đối của tâm, có tính chất nhị nguyên. Nó có một đối cực, là khổ sở, và cả hai chỉ có thể hiện hữu trong thế đối nghịch với nhau. Con cảm thấy hạnh phúc đối chiếu với cảm giác khổ sở; đây là tâm nhị nguyên. Khi con nâng cao sự nhận thức, con vượt ra khỏi đối cực nhị nguyên và con có một cảm nhận an bình, phúc lạc, nhưng đây không phải là hạnh phúc trong nghĩa phàm phu vì hoàn toàn không có tương phản.

Con càng lên cao hơn trong nhận biết thì con càng cảm thấy ít tương phản trong tâm thức. Do đó con không nghiệm thấy cái hạnh phúc phàm phu luôn có đối nghịch, hoặc luôn cần phải được so sánh với một cái gì khác. Con chứng nghiệm một tâm thức không có cách nào diễn tả bằng lời vì nó thực sự không thể so sánh với bất cứ gì trong trải nghiệm con người.

Đó là lý do đức Phật đã sử dụng từ “cực lạc” bởi vì vào thời đó từ này không thực sự mang một ý nghĩa nào cả. Đó là một từ mới. Ngày nay chúng ta cũng có thể phát minh ra một từ mới như vậy để mô tả cảm nhận này, nhưng chẳng bao lâu người đời sẽ bắt đầu phóng chiếu những hình ảnh phàm phu vào đó. Cho nên, tốt hơn hết là ta cứ giảng dạy và nói rằng con cần vượt qua các đối cực nhị nguyên. Không có tương phản nào giữa tâm thức của con và một tâm thức ngược lại. Con ở trong một trạng thái trung dung hơn, bình đẳng hơn, quân bình hơn.

Và đó cũng là điều Phật muốn nói khi thày dùng từ “trung đạo”. Trung đạo không phải là điểm đứng giữa hai đối cực mà nó vượt hẳn lên trên toàn bộ cái thang nơi đối cực hiện hữu.

Thời nay, tâm thức Ki-tô là sống xây dựng trong hoàn cảnh hàng ngày

Hỏi: Một khía cạnh của tâm thức Giê-su Ki-tô là làm phép lạ như biến nước thành rượu và đi bộ trên mặt nước. Tại sao thời nay không có ai làm những việc này? Chẳng phải đó là một khía cạnh quan trọng của tâm thức Ki-tô, là quyền năng của tâm trên vật chất hay sao?   


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 9/10/2019.

Ta đã từng nói là cách đây 2000 năm tâm thức con người dày đặc hơn, cho nên mới có nhu cầu thực hiện những việc làm mà con gọi là phép lạ hầu đánh động sự chú ý của mọi người. Trong thời đại hôm nay, tâm thức đã cao hơn cho nên điều đó không còn cần thiết nữa. Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, thật sự không ưng thuận những cách biểu đạt đó nữa vì nó thường dẫn đến hiểu lầm. Thường khi nó khiến cho người ta sùng bái người có khả năng thực hiện “phép lạ”, và chính người đó thường bị rơi vào cảm tưởng mình là hơn người, hay bất cứ cảm giác nào khác. Ngoài ra cũng có một số pháp sư ma thuật có một khả năng nào đó sử dụng tâm để điều khiển vật chất – nếu con có thể gọi như vậy – nhưng họ lại dùng quyền năng này cho những mục tiêu vị kỷ.

Vì vậy ngày nay, các chân sư chủ trương một cách tiếp cận khác hẳn, qua đó việc thực hiện phép lạ không phải là trọng tâm. Kỳ thực, phép lạ mà chúng tôi mong muốn loài người thị hiện là sống một cuộc sống xây dựng trong hoàn cảnh hàng ngày của mình. Chúng tôi không tìm kiếm những việc làm phi thường, mà tìm kiếm những việc làm có vẻ bình dị nhưng lại được thực hiện với một tầm mức nhận biết phi thường. Ngày nay, chúng tôi không hề mong muốn giúp cho một ai đó thực hiện những loại phép lạ đó vì người đó sẽ được thần tượng hóa và sùng bái. Và chuyện này sẽ dẫn đến kết quả ngược lại những gì chúng tôi mong muốn, vì chúng tôi mong muốn khuyến khích cho thật thật nhiều người đạt được và biểu lộ được quả vị Ki-tô của mình. Đó là tại sao chúng tôi rất quan tâm khi có người sùng bài các vị thày tâm linh vì việc này thật không lành mạnh.

Bốn thể phàm và quả vị Ki-tô

Hỏi: Có đúng là bốn thể phàm của dòng sống luôn luôn hiện hữu cùng một lượt, ngay cả khi dòng sống không đang hiện thân trong cõi vật lý? Khi dòng sống bắt đầu ngừng đồng hóa với bốn thể phàm của mình, liệu bốn thể này có ngừng hiện hữu hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Novosibirsk, Nga, năm 2017. Đăng ngày 4/9/2019.

Con yêu dấu, con cần phân biệt giữa xác thân vật lý như một vật thể, và khía cạnh đó của tâm kết nối chặt chẽ nhất với xác thân. Các chân sư giảng là khi con bước vào một kiếp hiện thân vật lý, con khoác vào một thân xác vật lý được tạo ra đặc biệt cho kiếp sống đó. Nhưng con đã mang sẵn trong bốn thể phàm của con một khía cạnh của tâm được thiết kế để nối kết trực tiếp với thân xác vật lý mà con mặc vào trong kiếp đó, và tất nhiên khía cạnh này của tâm thì con mang từ kiếp này sang kiếp khác.

Khi con bước ra khỏi kiếp đầu thai, hiển nhiên thân xác vật lý của con sẽ giải thể, cho nên con không mang thân xác này theo con. Nhưng con mang theo khía cạnh của cái mà chúng ta có thể gọi là tâm vật lý, tức khía cạnh vật lý của tâm, cùng một lúc với các khía cạnh khác ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc. Như vậy cả bốn tầng này của tâm – chứ không phải thân xác vật lý – đi cùng với nhau khi con bước ra ngoài hiện thân, và tùy theo mức tâm thức của con, con vẫn làm việc với chúng khi con ở ngoài hiện thân.

Trên địa cầu có nhiều dòng sống chưa thức tỉnh đường tu tâm linh, cho nên họ không thể thực sự làm việc một cách ý thức với bốn thể phàm khi ở ngoài hiện thân. Họ thường bỏ hết thì giờ của họ ngoài hiện thân để nghỉ ngơi, hay để kinh qua một số trải nghiệm tác động đến sự tăng triển liên tục của họ. Nhưng đối với những ai đang bước chân trên đường tu tâm linh, đặc biệt nếu con đã đi vào các giai đoạn quả vị Ki-tô, thì con có khả năng làm việc ý thức với bốn thể phàm của con giữa hai kiếp đầu thai. Con có thể làm nhiều việc khác nhau. Con có thể thanh lọc chúng, con có thể chữa lành chấn thương hay thương tích ở nơi chúng, và tùy theo mức chứng đạt của con, con có thể tạo ra một số mô thức trong bốn thể phàm.

Cách mô tả hay nhất không phải là bảo rằng một khi con bắt đầu đạt đến quả vị Ki-tô thì bốn thể phàm không còn hiện hữu nữa, bởi vì chừng nào con còn hiện thân thì con vẫn cần đến chúng. Con nối kết trực tiếp với thân xác vật lý qua khía cạnh thấp nhất là tâm vật lý, nhưng Hiện diện TA LÀ của con, ánh sáng của Hiện diện TA LÀ vẫn tuôn chảy qua mọi tầng, từ tầng bản sắc vào lý trí, rồi vào cảm xúc, rồi vào tầng vật lý. Cho nên con luôn luôn cần đến bốn thể phàm khi con còn đầu thai.

Điều xảy ra khi con gần đến quả vị Ki-tô là tất nhiên, con đã thanh lọc bốn thể đó, con đã nâng cao nhận biết, nên như các thày có nói nhiều lần, con đã bỏ ý thức cá nhân khỏi đời con, và điều này có nghĩa là con không còn cho phép chúng giới hạn chính con lẫn cách biểu đạt của con. Con không bị lôi kéo vào các khuôn nếp thương tích trong bốn thể phàm.

Cho nên có thể nói, khi con đến gần hơn với quả vị Ki-tô, bốn thể phàm sẽ càng ngày càng ít những tác động giới hạn con trên cách con cảm giác, cách con nhìn cuộc sống cũng như khả năng con biểu đạt chính mình. Nói cách khác, chúng sẽ không còn kháng cự lại như khi con ở mức thấp hơn.

Nhiều người mang nhiều khuôn nếp, nhiều năng lượng tích tụ, đến độ có một lực cản trong bốn thể phàm. Và khi con cố gắng, chẳng hạn, hình dung ra một ý tưởng để thay đổi đời mình và con muốn dồn chú tâm cùng năng lực vào đó, thì bốn thể phàm sẽ phản kháng lại, khiến nỗ lực sáng tạo của con bị suy giảm. 

Khi con tiến gần hơn với quả vị Ki-tô, lực kháng cự này ngày càng ít đi, và sẽ tới một điểm khi đơn giản con không còn giới hạn nào nữa. Thật sự con rất ít chú ý đến bốn thể phàm, hoặc đôi khi con nhận thấy một phản ứng từ cảm thể trước một sự cố hay một phóng chiếu từ ngoài, nhưng con đủ ý thức để quyết định mình sẽ không bị lôi kéo vào với nó, sẽ không nuôi nó bằng năng lượng của mình, sẽ không để nó lớn mạnh thành một sinh thể riêng rẽ rồi biến thành một xoáy ốc tự lực tự cường, lấy đi mất năng lượng của mình.

Cũng tương tự như vậy trong trí thể của con: Trong tâm thức tập thể có thể có một số tin tưởng , và con có thể ở trong tình huống phải giáp mặt với những tin tưởng đó, hoặc tin tưởng đó được phóng chiếu vào con, ví dụ bởi một nhóm người, nhưng con đủ ý thức để nhìn ra đó không thực là điều mình muốn tin hay là cách mình muốn nhìn cuộc sống, và do đó con tránh nuôi sống nó bằng năng lượng của con. Con không bắt buộc phải chạy theo ý tưởng đó, hay kéo dài ý tưởng đó, hay nghĩ rằng nó có ý nghĩa gì đối với con.

Tất nhiên ở tầng bản sắc cũng vậy: Biết bao nhiêu lần người ta phóng chiếu vào con, bảo con phải xử sự giống như mọi người hay phải là một người bình thường, nhưng khi con tiến gần hơn với quả vị Ki-tô, con sẽ ngày càng ít chú ý hơn đến những chuyện đó. Con tập trung để là con người mà con là, tập trung vào sứ vụ thiêng liêng của mình, vào Hiện diện TA LÀ của mình. Con tập trung để làm cánh cửa mở hầu con có thể sống tự nhiên thanh thoát trong mỗi khoảnh khắc.

Đương nhiên, nếu con có rất nhiều khuôn nếp trong bốn thể phàm cứ lôi kéo con vào đủ loại phản ứng khác nhau, thì con không thể là cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ hay cho các chân sư thăng thiên. Cho nên đây là một phần của công việc từ bỏ ý thức cá nhân trong đời con, khi con không còn lực kháng cự này trong con nữa, hay con không còn bị bốn thể phàm đánh lạc hướng khỏi những gì con đã đến đây để thực hiện.

Ki-tô và Phật

Hỏi: Con biết là Giê-su hiện thân cho nguyên lý Ki-tô và con cũng biết là thày mong muốn mọi người nối kết với đấng Ki-tô trong chính mình. Con xin hỏi có phải thày đang nói là chúng con không thể tìm Phật? Theo những gì con hiểu, cả Ki-tô lẫn Phật đều thuộc về tia sáng thứ hai của Tình thương và Trí tuệ. Tình thương do Ki-tô biểu tượng và Trí tuệ do Phật biểu tượng.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Không có mâu thuẫn hay sự cạnh trạnh nào giữa hai con đường quả vị Ki-tô và quả vị Phật. Tuy nhiên, những dòng sống khác nhau sẽ cần những phương tiện, những cỗ xe khác nhau, và do đó một tôn giáo duy nhất không thích hợp cho mọi người. 

Con đường của Phật thường thích hợp hơn cho người phương Đông, còn đường của Ki-tô thích hợp hơn cho người phương Tây. Có thể nói là tâm thức Ki-tô chỉ đơn giản là những giai đoạn giác ngộ tiên khởi hơn, và vì vậy, quả vị Phật là một dạng tâm thức cao hơn quả vị Ki-tô, hay một giai đoạn cao hơn quả vị Ki-tô.

Khi con đạt đến tâm Ki-tô, con nhận ra rằng con là một với nguồn cội của con (Thượng đế) và qua đó con có được tánh phân biện giữa những gì thuộc về Thượng đế và những gì không thuộc về Thượng đế. Con nhìn thấy rõ ràng là rất nhiều biểu hiện trong thế gian đi ngược lại quy luật của Thượng đế cũng như ý định của ngài cho vũ trụ này. Cho nên con nhìn thấy tính không thực của tất cả mọi điều phản-Ki-tô, và nhiệm vụ của con là giải phóng các dòng sống khỏi ảo tưởng của phản-Ki-tô.

Khi con đạt đến quả vị Phật, con nhận ra rằng tất cả đều là Phật tánh, có nghĩa là tất cả đều được tạo bằng bản chất của Thượng đế. Những biểu hiện của thế gian này chỉ đơn giản là ảo ảnh, là Maya. Chúng có thể hiện ra như là tách biệt, hay đối lập lại Thượng đế, nhưng chúng chỉ đơn giản là bản chất cuả Thượng đế đã khoác lấy một lớp ngụy trang tạm thời, thoáng vụt qua. Cho nên con xác nhận thực tại của Thượng đế đằng sau mọi dáng vẻ bề ngoài.

Cả đức Phật lẫn ta đều là những vị thày tâm linh và chúng tôi thuộc cùng một êkíp. Đức Phật đã được các chân sư thăng thiên phái xuống để truyền dạy các pháp về quả vị Phật, nhưng tiếc thay, không mấy người có khả năng nắm được giáo lý của thày. Vì vậy mà ta đã được phái xuống để bắc một nhịp cầu hầu giúp con người bước sang bến giác ngộ. Đối với hầu hết mọi người, việc hiện thân các giáo lý của Ki-tô sẽ dễ hơn giáo lý của Phật, với điều kiện là họ hiều được giáo lý đích thực của Ki-tô chứ không phải cái phiên bản đã bị pha loãng, chứa đầy xương người chết, do đạo Cơ đốc chính thống cống hiến.

Vui hưởng cuộc đời mà không dính mắc

Hỏi: Thày Giê-su, xin thày định nghĩa thế nào là chủ nghĩa duy vật. Làm thế nào chúng con có thể tránh được nó và giữ cho mình không bị dính mắc vào vật chất? Chúng con sống trong một đất nước với nhiều thứ tươi đẹp, và nếu con muốn một ngôi nhà đẹp đẽ mà không bị dính mắc thì liệu điều này có chấp nhận được không? Hoặc con có thể muốn bất cứ gì khác mà không bị dính mắc một cách nào đó? Có phải là chúng con không được ham muốn gì cả ngoại trừ Thượng đế? Đây có phải là cuộc chiến giữa tự ngã với Thượng đế? Chuyện này khiến con bối rối.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Không dính mắc là một khái niệm không thể hiểu được bằng trí năng của người phàm. Đó là một khái niệm không đường thẳng vượt khỏi trí thức đường thẳng cũng như tâm nhị nguyên.

Một người tầm đạo sẽ được rất nhiều lợi lạc nếu ngộ ra là có nhiều khái niệm tâm linh không thể nào diễn đạt bằng lời nói. Lý do là vì ngôn từ là một phương tiện đường thẳng có thể dễ dàng được suy diễn, hay bị diễn giải lầm lạc, bởi tâm nhị nguyên. Cho nên để nắm bắt trọn vẹn – có nghĩa là thể nhập – một khái niệm, con cần sử dụng giáo lý vỏ ngoài duy như là một bàn đạp để đạt đến một trải nghiệm nội tâm, trực nhận, về chân lý.

Ý nghĩa của sự thật nói trên là khi chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đưa ra một lời dạy tâm linh, chẳng hạn những lời dạy của ta cách đây 2000 năm, ý định của chúng tôi không bao giờ là ban ra một lời chân lý bất khả sai lầm. Chúng tôi dư biết là không có một lời dạy nào được diễn tả qua ngôn từ có thể là chân lý viên mãn. Đơn giản, chân lý không thể được biểu đạt bằng ngôn từ. Chân lý chỉ có thể được trải nghiệm và thể nhập. Có thể nói là con không thể biết hay hiểu được chân lý, mà con chỉ có thể trở thành chân lý. Đó là tại sao ta đã dạy: “Giê-su nói với người đó: Ta là con đường, sự thật và sự sống. Không một ai đến được cùng Cha mà không bởi ta.” (John 14:6)

Câu nói trên là ví dụ điển hình về điều ta vừa trình bày. Quá nhiều tín hữu đạo Cơ đốc – bị mắc kẹt trong tâm nhị nguyên – đã diễn giải câu đó nghĩa là con người vỏ ngoài của Giê-su Ki-tô, hay đạo Cơ đốc, là con đường duy nhất dẫn đến cứu rỗi. Ý nghĩa thực là tâm thức Ki-tô – vượt khỏi tâm đường thẳng nhị nguyên – mới là cách duy nhất để biết Thượng đế cùng sự thật của Thượng đế. Và con chỉ có thể biết được sự thật bằng cách hợp nhất, trở thành, tâm Ki-tô đó. Và không một ai dù là nam hay nữ cũng không thể đến được với Cha ngoại trừ qua sự hợp nhất với cái ta Ki-tô của người đó.

Bằng cách trở thành một với cái ta Ki-tô, con sẽ lần hồi trở nên không dính mắc đối với mọi thứ của thế gian. Điều này sẽ không xảy ra nếu con cố tình kìm nén ham muốn của mình đối với những vật của thế giới này, mà nó sẽ xảy ra bởi vì cái ta Ki-tô của con sẽ giúp con ngộ được rằng sự sống là nhiều hơn vui thú vật chất. Khi đó, con sẽ bắt đầu ham muốn những thứ của tánh linh nhiều hơn những thứ của thế gian.

Đó là một tiến trình lần hồi. Con hấp thụ một mảnh nhỏ của chân lý, xong con cho phép nó nâng cao tâm thức của con. Đó là vì sao ta đã dạy: “Nước thiên đàng giống như chất men mà người đàn bà kia trộn vào trong ba đấu bột, cho đến khi bột nở dậy cả lên.” (Matthew 13:33)

Con cũng biết là khi con cho men vào bột, men cần thời gian để làm việc. Nếu con cứ không ngừng lấy bột nhào đi nhào lại thì con sẽ ngăn trở men làm việc. Cho nên con cần để bột sang một bên cho nó nghỉ. Cũng vậy, con lấy một mảnh chân lý tâm linh, xong con cho phép nó dần dần nâng cao tâm thức của con.   

Tiếc thay, quá nhiều người – đặc biệt trong thời đại hôm nay chỉ tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì – sử dụng trí năng của mình để tìm cách ép buộc tiến trình đó. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người ta tìm cầu những loại hiện tượng hay trải nghiệm tột đỉnh. Những người như thế rốt cuộc thường chỉ có được một trải nghiệm giả hiệu đem lại cho họ một cách hiểu sai lầm về khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Thế nhưng họ cứ tưởng là do những trải nghiệm mà họ đã có, sự hiểu biết của họ chính là chân lý tuyệt đối. Đấy là vì sao ta đã dạy: “Nước thiên đàng không được hãm ép, và những kẻ hãm ép cố chiếm thiên đàng bằng vũ lực.” (Matthew 11:12)

Ý của ta là con không thể cưỡng ép một cách hiểu trí thức lên sự không dính mắc – con không thể bắt ép mình cho không dính mắc. Con cần suy ngẫm điều này và dần dần thể nhập sự thật sâu xa đằng sau khái niệm không dính mắc. Con cần trở thành chính sự thật đó thì khi đó con sẽ không dính mắc.

Khi điều này xảy ra, con sẽ tự nhiên tìm được một thế cân bằng sẽ cho phép con vui hưởng những thứ của thế gian này mà không bị dính mắc với chúng. Nói cách khác, lý tưởng là con có khả năng thưởng thức và vui hưởng trọn vẹn sự tươi đẹp của thế giới này. Con nghĩ tại sao ta đã nói câu này: “Ta đã đến để các con được sự sống, và các con được sự sống dồi dào hơn nữa.” (John 10:10)

Thượng đế không hề mong muốn thấy người tâm linh phải từ bỏ mọi khía cạnh của thế giới vật chất. Cho nên con đường từ bỏ – mà quá nhiều hội thánh Cơ đốc cùng các tôn giáo khác đã đi theo – không phải là con đường hay nhất. Kỳ thực, khi con từ bỏ mọi thứ của thế gian thì con cũng không tránh được sự chối bỏ một số khía cạnh trong thiết kế của Thượng đế, chối bỏ một số món quà mà Ngài đã dành cho những người con trai và con gái của Ngài. Chừng nào sự chối bỏ món quà của Thượng đế còn tiếp diễn thì vương quốc của Ngài sẽ không thể nào thị hiện trên trái đất.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con đường từ bỏ là hoàn toàn sai lầm, mà đó là một cách ứng phó đối với một cuộc khủng hoảng – cụ thể là có quá nhiều người đã trở nên dính chặt với đồ vật thế gian đến độ họ đã tự đồng hóa làm sinh thể vật chất thay vì là những sinh thể tâm linh. Họ nghĩ là họ không thể nào sống được mà không có đồ vật của thế gian, hay họ nghĩ họ không thể nào trọn vẹn được nếu họ không mang một khía cạnh nào đó của đời sống thế gian. Chính thái độ này ngăn chặn họ bước vào vương quốc Thượng đế bởi vì: “Và khi người Pha-ri-si hỏi Giê-su là vương quốc Thượng đế bao giờ sẽ đến, thì Giê-su trả lời: Vương quốc Thượng đế không đến khi con quan sát và thốt lên, Kìa ở đây! Kìa ở đó! Vì con nhìn này, vương quốc Thượng đế ở ngay trong con.” (Luke, 17:20-21)

Nói cách khác, con không thể thực sự chiếm đoạt nước thiên đàng bằng vũ lực, cho dù nhiều người tưởng họ có thể làm vậy. Quá nhiều người mộ đạo tin rằng bằng cách tuân thủ các quy tắc vỏ ngoài và vững tin vào học thuyết của tôn giáo mình – bằng cách tuân thủ luật lệ của thế gian – họ sẽ có thể tự động tìm đường xông lên thiên đàng. Không phải vậy đâu con. Nước thiên đàng là một trạng thái tâm thức. Chìa khóa để đạt được trạng thái tâm thức này là trở nên không dính mắc với mọi thứ trong thế gian. Trở nên không dính mắc là một tiến trình có mấy giai đoạn, và ở đây chúng ta có thể đề cập đến một vài giai đoạn chính yếu, măc dù chúng ta có thể định ra nhiều giai đoạn hơn nữa:   

  • Con nhận ra sự sống là nhiều hơn thế giới vật chất.
  • Con quyết định là con muốn một tầm hiểu về khía cạnh tâm linh của cuộc sống nhiều hơn là một số thú vui vật chất, cho nên con sẵn lòng gạt sang một bên một số đeo đuổi thế gian để có thể dành thời gian cùng sự chú ý cho việc đạt hiểu biết tâm linh.
  • Con nhận ra chìa khóa của phát triển tâm linh là thể nhập chân lý và hòa nhập vào thành phần cao hơn của bản thể con, mà ta gọi là cái ta Ki-tô của con.
  • Con nhận ra là một số sinh hoạt trong thế gian kéo con xa khỏi việc hòa nhập với cái ta Ki-tô của con. Rồi con quyết định từ bỏ các sinh hoạt như vậy mà không cảm thấy có gì mất mát. Cái ta Ki-tô cho con một cái gì sáng giá và thỏa nguyện hơn so với các thú vui thế phàm.
  • Con nhận ra là rất nhiều thứ trong thế gian chính là sự biểu đạt của viễn quan Thượng đế. Đó là những món quà của Ngài. Cho nên việc vui hưởng các món quà đó – mà không trở nên dính mắc với chúng – không khiến con xao lãng quả vị Ki-tô của mình. Giờ đây con có thể thưởng thức món quà của Thượng đế mà không nghĩ rằng con không thể sống được nếu thiếu chúng.  

Khi con kinh qua tiến trình nói trên, tiến trình lần hồi trở nên không dính mắc với mọi thứ của thế gian, con bắt đầu ngộ ra Thượng đế là nguồn cội của mọi điều tốt đẹp. Cho nên để sinh sống và vui hưởng, con không còn hướng mắt nhìn về những nguồn cung ứng, những yếu tố thế phàm nữa. Con hướng nhìn về Thượng đế cho mọi chuyện, và khi con làm vậy với một đức tin trọn vẹn hoàn toàn không dính mắc, Thượng đế sẽ toại nguyện mọi nhu cầu của con một cách đích thực. Ta đã từng diễn tả ý này trong câu sau đây: “Nhưng trên hết, hãy tìm kiếm vương quốc của Thượng đế cùng sự công chính của Ngài, thì mọi thứ đó sẽ được bồi thêm cho con.” (Matthew 6:33)    

Điều quan trọng đối với người tầm đạo tâm linh là nhận ra rằng trước khi dòng sống của con bước vào kiếp đầu thai, con đã lập ra một kế hoạch cho đời mình để đem lại sự tăng triển tâm linh tối đa. Nói cách khác, dòng sống của con muốn tăng triển tối đa và nó đã xin Thượng đế giúp nó đạt được tăng triển này. Ngay lúc này, có thể tâm vỏ ngoài của con đã quên mất sự kiện đó và đã xây dựng một lòng ham muốn mãnh liệt đối với một số vật trong thế gian. Con có thể nghĩ là con không thể sống mà thiếu chúng, con có thể nghĩ là con sẽ không trọn vẹn nếu con không có chúng, hay con không thể tinh tấn tâm linh mà không có chúng. Thậm chí con còn có thể nghĩ – và đây là ảo tưởng lớn nhất trong số đó – rằng con không thể biểu hiện được quả vị Ki-tô của mình mà không có những thứ vỏ ngoài đó.

Cho nên nếu Thượng đế ban cho con những thứ đó thì điều này sẽ chỉ tăng cường niềm tin của con vào sự bất toàn, thiếu trọn vẹn của mình mà thôi – nó đối lập trực tiếp với sự tăng triển của con.

Cốt lõi của quả vị Ki-tô chính là khi con ngộ ra là con không cần bất cứ gì của thế gian này, bất cứ gì bên ngoài cái ta của con (cái ta Ki-tô) để có thể thị hiện quả vị Ki-tô.

Con có thấy chăng điều ta muốn nói? Nếu con chưa nhìn ra, con hãy dành thời gian để suy ngẫm về lời dạy mà ta vừa trao cho con. Tinh túy của lời dạy này là điều ta đã giảng dạy cho ông Kim khi ông được đào tạo để trở thành vị sứ giả của ta. Ta có nói với ông: “Nếu con nghĩ con cần đến cái gì đó, thì con không thể có cái đó!” Ý nghĩa là chừng nào con cho rằng mình chưa trọn vẹn – rằng mình không thể là Ki-tô – nếu con còn thiếu một cái gì đó của thế gian, thì Thượng đế sẽ không thể cho con cái đó. Làm như vậy sẽ vi phạm những chọn lựa sâu thẳm của dòng sống của con là mong muốn tăng trưởng tâm linh tối đa.

Tuy nhiên, Thượng đế cũng không muốn thấy con sống một cuộc đời thiếu thốn. Ngài muốn con có một đời sống dồi dào: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi, vì Cha của các người đã bằng lòng cho các người nước thiên đàng.” (Luke 12:32)

Cho nên ngay lúc con đạt đến sự không dính mắc cuối cùng đối với mọi thứ của thế gian và nhận ra Thượng đế là nguồn cội của mọi điều tốt đẹp, thì tức thì Ngài có thể và sẽ cho con sự sống dồi dào.  

Liên quan đến việc định nghĩa chủ nghĩa duy vật, có mấy giai đoạn như sau tượng trưng cho những độ chối bỏ Thượng đế ngày càng bớt đi:

  • Một số người cho rằng ngoài thế giới vật chất không có gì khác cả. Thượng đế không hiện hữu và trong con người của họ không có thành phần nào vượt khỏi thế giới vật chất. Chỉ những gì có thể được phát hiện bằng giác quan vật lý hay dụng cụ khoa học mới có thật. Đây là loại chối bỏ Thượng đế của nhiều nhà duy vật khoa học.  
  • Những người nhận ra rằng sự sống là nhiều hơn thế giới vật chất, nhưng họ không nối kết được sự sống đó với chính họ. Họ xem Thượng đế vượt quá tầm của họ. Họ nghĩ họ tách biệt khỏi Thượng đế và chỉ được cứu vớt bởi ai đó bên ngoài bản thân họ. Đây là sự chối bỏ Thượng đế của nhiều tín đồ chính thống trong bất kỳ tôn giáo nào, kể cả đạo Cơ đốc. Họ nhìn nhận là Thượng đế có hiện hữu nhưng họ chối bỏ là Thượng đế hiện hữu ngay nơi họ.
  • Những người đã bắt đầu nhận ra là mọi thứ đều được tạo ra từ năng lượng của Thượng đế, nhưng họ vẫn thấy một sự tách biệt giữa thế giới vật chất và Thượng đế. Cho nên họ nghĩ là Ngài không thể làm được một số chuyện – chẳng hạn chữa lành bệnh tật – hay cho họ những thứ của thế giới vật chất. Họ nghĩ là họ phải lệ thuộc vào thế giới vật chất để sống còn và vui hưởng. Sự chối bỏ này là của nhiều người tâm linh chưa hoàn toàn thể nhập được lời dạy tâm linh chân truyền. Do đó họ chưa chứng được sự không dính mắc đích thực.  

Con nói đúng, tiến trình đạt tới sự không dính mắc là một tiến trình khắc phục tự ngã. Tuy nhiên, đó không phải là một cuộc chiến giữa tự ngã với Thượng đế, vì Thượng đế không có đối nghịch. Đó là một cuộc chiến giữa dòng sống với tự ngã, và vấn đề đặt ra là liệu dòng sống có cho phép nó bị tự ngã kiểm soát, hay nó thấy nó là một vị đồng sáng tạo cùng với Hiện diện TA LÀ của nó. Con hãy nhớ rằng tự ngã được tạo ra trong sự tách biệt với Thượng đế, cho nên tự ngã là “người” duy vật tối hậu. Khi con đạt được sự không dính mắc hoàn toàn, tự ngã của con sẽ chết đi. Vì vậy có thể nói rằng nguồn gốc của mọi chủ nghĩa duy vật chính là tự ngã, cùng với các thế lực – ông hoàng của thế gian này – sử dụng tự ngã để kiểm soát dòng sống của con.

Một điểm chót. Khi con nhận ra Thượng đế là nguồn cội của mọi điều tốt đẹp, con cũng nhận ra khái niệm thiếu thốn và khan hiếm là một ảo tưởng. Thượng đế không có giới hạn, và trong Ngài không hề có thiếu thốn. Đây chính là ý nghĩa thực sự của sự sống dồi dào. Khi con suy ngẫm nguyên nhân của dính mắc, con sẽ thấy là nó khởi lên từ ảo tưởng thiếu thốn – con tin rằng nguồn cung cấp không thể vô hạn, cho nên con cố bám giữ những gì con có. Một khi con thăng vượt ảo tưởng này, con sẽ nhận ra là nguồn cung cấp của mọi thứ tốt đẹp đều vô hạn, và do đó con có thể bắt đầu cho người khác những gì con có một cách tự do – con cho không – vì con biết là Thượng đế sẽ nhân lên những gì con hiến tặng. “Các con đã được lãnh không thì hãy cho không” (Matthew 10:8).

Và khi trên địa cầu có một số lượng tới hạn (critical mass) những người bắt đầu cho ra thay vì bám giữ những gì mình có, thì con sẽ thấy sự sống dồi dào thị hiện trên trái đất.   

Làm thế nào chuyển tập trung từ tâm vào tim?

Hỏi: Xin thày giảng thêm về cách làm thế nào mở tim ra, làm thế nào chuyển sự tập trung từ tâm trí vào con tim? Theo con hiểu, trụ nơi tim là một phần quan trọng của tâm thức Ki-tô.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Trụ nơi tim CHÍNH LÀ tâm thức Ki-tô chứ không phải là một phần. Bởi vì theo một nghĩa nào đó, loài người có xu hướng – ngay cả trong số những người tâm linh và thậm chí học trò của chân sư thăng thiên – muốn cắt nhỏ mọi chuyện ra thành nhiều phần rồi bảo: “À, đầu tiên có phần này, và tôi phải thỏa mãn yêu cầu này, rồi tôi mới có thể xem tới yêu cầu kế tiếp.”

Theo nghĩa đó thì đấy là một giai đoạn cần thiết trên đường tu, vì như các chân sư đã nói, đường tu ngụ ý là con phải bước đi từng bước một. Tuy nhiên, nếu con có khuynh hướng, nếu con thấy trong bản thân con có khuynh hướng là mình quá phân tích, mình quá tập trung vào lý trí, thì con hãy lấy một quyết định có ý thức, và con có một nỗ lực ý thức để vượt xa hơn cái nhìn cho rằng đường tu là những bước rời, những thành phần có thể chia ra làm đơn vị riêng rẽ.

Con hãy ngừng xem quả vị Ki-tô là những phần riêng lẻ tách biệt phải được hoàn thành, và thay vào đó, con hãy nỗ lực lùi về một bước trong ý thức, nhìn vào toàn cảnh để tập trung vào tổng thể. Con hãy bắt đầu xem quả vị Ki-tô là một tiến trình, một dòng chảy không bao giờ ngừng.

Nếu con trầm mặc nhìn dòng nước chảy, con không thể tách nó ra thành nhiều phần. Chắc chắn con có thể có một cái xô nhỏ khi hồi con còn bé, con có thể nhúng xô xuống dòng nước, kéo nó lên bờ rồi ngồi đó ngắm nghía khối nước trong xô mà con đã lấy ra khỏi dòng nước khiến nó giờ đây bị tách biệt khỏi dòng sông.

Nhưng con vẫn không ngưng được dòng nước. Con đã lấy ra một phần của dòng nước và đã chặn dòng chảy trong phần nước đó. Nhưng dòng sông vẫn chảy tiếp. Dòng Sông sự Sống luôn luôn tuôn chảy.

Cho nên ta muốn nói với con, con hãy thôi đừng là đứa bé bên bờ sông ngồi nhìn khối nước im lìm trong xô. Thay vào đó, con hãy đứng dậy, cầm lấy xô ném nó trở lại xuống lòng sông, rồi con hãy nhảy theo, và con không còn tách biệt nữa.

Bởi vì con thấy đó, luôn luôn sẽ có những người đứng trên bờ sông, và có thể họ sẽ chỉ nhúng một đầu ngón chân xuống nước. Nhưng đã từ rất lâu rồi, ta đã nhảy xuống dòng nước, và ta có thể nói với con: “Nước tốt lắm con ơi!”

[Ghi chú của Kim Michaels: Có hai dụng cụ thiết thực để mở tim là bài Thỉnh Làm Thông sạch Trái tim, và bài Thỉnh Yêu thương Bản thân]

Nhiều tôn giáo có thể làm nền tảng cho quả vị Ki-tô

Hỏi: Giê-su thân yêu, thày công nhận là có những vị thánh… là những người đã đạt tới mức tâm linh để trở thành những sinh thể Ki-tô. Nhưng họ đã đạt đến mức đó qua một tôn giáo giả trá… Giáo hội Công giáo. Làm sao chuyện đó có thể xảy ra?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Không có một tôn giáo nào trên địa cầu chứa đựng 100% chân lý, và không có tôn giáo nào trên địa cầu chứa đựng 100% sai lầm. Cho dù Giáo hội Công giáo đã làm tha hóa giáo lý đích thực của ta theo nhiều cách, đặc biệt đã biến ta thành một thần tượng, vẫn có những yếu tố chân lý trong đạo Công giáo.

Khi con tăng triển trên đường tu tâm linh, con sẽ rèn giũa khả năng phân biện đâu là sự thật và đâu là sai lầm, đâu là Chân lý Hằng sống của Thượng đế và đâu là giáo điều do con người dựng ra.  Khi con nhận diện một mảnh sự thật, con có thể tham thiền về sự thật đó cho đến khi con thể nhập – qua đó, mảnh sự thật đó có thể trở thành chất men làm nở nguyên ổ bánh là tâm thức của con, và toàn bộ tâm thức con vươn lên đến tận tầng cấp mà sự thật đã được ban ra.

Mong muốn ban đầu của ta cho đạo Ki-tô là nó sẽ trở thành một phong trào mà qua đó đại đa số loài người có thể rút tỉa uy lực để trụ neo vững chắc vào con đường dẫn đến quả vị Ki-tô. Do giáo lý nguyên thủy của ta bị tha hóa, phần lớn bởi Giáo hội Công giáo, điều đó đơn giản đã không thể thực hiện cho hầu hết mọi người. Đó là tại sao tuyệt đại đa số các tín hữu Cơ đốc đã đi theo con đường có vẻ đúng cho con người phàm phu, nhưng cuối cùng sẽ là con đường của sự chết. Con đường đó là ý tưởng cho rằng mình phải chờ đợi một vị cứu tinh sẽ đến từ ngoài để giải cứu mình.

Nhưng dù sao, vẫn có những mảnh sự thật còn sót lại trong đạo Cơ đốc mà một dòng sống trưởng thành có thể sử dụng để nâng cao tâm thức mình. Nếu con tìm hiểu cuộc đời của một số vị thánh, và con đọc được giữa hai hàng chữ để nhận ra những gì không nhất thiết được viết ra trong tiểu sự hay tự truyện của họ, con sẽ thấy là nhiều vị thành cuối cùng đã trở thành những nhà thần bí. Họ đã nhìn xa hơn các giáo điều vỏ ngoài do con người tạo ra, và họ đã khám phá chân lý nội tâm vẫn nằm ở đó, cho dù là nằm đằng sau giáo lý công truyền. Họ đã thể nhập chân lý nội tâm đó và ngộ ra là ta đã đến để kêu gọi loài người khoác vào tâm Ki-tô.

Bằng cách tham thiền về cuộc đời của ta, các dòng sống trưởng thành có thể thể nhập lời dạy của ta cũng như Bản thể của ta, đến độ dòng sống đó đạt được quả vị Ki-tô. Thậm chí con có thể đạt quả vị Ki-tô bằng cách tham thiền về Tim Thánh của ta cho đến khi con hoàn toàn thể nhập rung động Tim Thánh.

Điều ta nói ở đây là không có một tôn giáo vỏ ngoài nào có thể đưa con đến quả vị Ki-tô một cách máy móc. Cho dù tôn giáo mà con theo có cho con một mức độ chân lý rất cao, vẫn không bảo đảm là con sẽ đạt được quả vị Ki-tô. Con chỉ đến được quả vị Ki-tô bằng cách bước xa hơn chân lý đã được viết xuống và biểu đạt thành lời. Con chỉ đạt được quả vị Ki-tô bằng cách thể nhập rung động của chân lý, tức là nhiều hơn những từ ngữ, những giáo điều và nghi lễ vỏ ngoài.

Vì vây, đối với một dòng sống trưởng thành, việc đạt được quả vị Ki-tô là một điều khả thi qua trung gian bất kỳ tôn giáo nào trên trái đất – hay bằng cách không theo một tôn giáo nào. Tuy nhiên, đây không phải là cái cớ cho tôn giáo làm tha hóa lời dạy đích thực của ta.

Như ta đã trình bày, ta muốn mọi người – chứ không chỉ các dòng sống trưởng thành – trụ vững trên con đường dẫn đến quả vị Ki-tô. Vì vậy, Giáo hội Công giáo đã thiếu sót một cách tệ hại trong việc cống hiến con đường Ki-tô cho mọi người. Giáo hội đã làm y như các thày thông giáo thuở xưa, là tước đi chìa khóa của hiểu biết, bởi vì chính các lãnh đạo của giáo hội này không muốn bước vào, cho nên họ mới tìm cách cản trở những ai muốn bước vào. Khốn cho những thày thông giáo vẫn tiếp tục tước mất chìa khóa của hiểu biết cho tới ngày nay.