Cho phép tự ngã lừa mình chối bỏ lời dạy sẽ giải thoát mình khỏi tự ngã

Hỏi: Một người tầm đạo chín chắn cần đáp ứng thế nào khi gặp những lời dạy trên trang mạng này thách đố các niềm tin sẵn có của mình và người đó không đồng ý với lời dạy? Con nhận thấy là những người bạn mà con đã giới thiệu trang mạng này, thường chụp lấy một chi tiết nhỏ nhặt nào đó mà họ không thích rồi sử dụng để bác bỏ toàn bộ trang mạng. Xin thày vui lòng bình luận về cách hành xử này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Con hãy cho phép ta nói thật rõ là những ai đọc trang mạng này KHÔNG NÊN hiểu lầm những lời giảng của ta ở đây là những điều mà họ phải chấp nhận không suy xét, và họ cũng không nên đọc từng chữ như thể đó là thánh thư bất khả sai lầm. Như ta đã cố giải thích, mục đích của bất kỳ lời dạy chân truyền nào cũng là trao cho học trò một bàn đạp để giúp họ vươn lên trên giáo lý vỏ ngoài hầu chạm được Tánh linh của Sự Thật – các chân sư thăng thiên – mà từ đó lời dạy đã đi ra. Lời dạy tựa như một sợi dây cứu sinh nhằm dẫn con đến cội nguồn của lời dạy.

Ý ta muốn nói là con nên luôn luôn cố gắng vượt xa hơn từ ngữ vỏ ngoài của lời dạy để chạm được một hiểu biết nội tâm sẽ đưa con lên cao hơn lời dạy. Nhiệm vụ của một vị sứ giả là truyền đạt một lời dạy thuần khiết nhất có thể. Còn nhiệm vụ của đệ tử là vượt ra khỏi lời dạy vỏ ngoài, và khi làm vậy, đệ tử cũng thăng vượt những nét thiếu thuần khiết trong lời dạy. Chừng nào con nối kết với nguồn cội thì tất cả những bất toàn đó trong lời dạy đều không quan trọng. Nhưng nếu con không tìm đến nguồn cội thì ngay cả một lời dạy toàn hảo – nếu có gì có thể toàn hảo được – cũng sẽ không đảm bảo được sự cứu rỗi của con.

Như luôn luôn, nguy cơ tiềm tàng cho con chính là hai đối cực của tự ngã:

  • Một là đệ tử với tư duy đen-trắng sẽ thần tượng hóa sứ giả cũng như giáo lý, cho rằng đó là giáo lý cao nhất và luôn luôn đúng. Vì vậy họ không bao giờ được cả gan nghĩ xa hơn những gì được trình bày trong giáo lý.   
  • Hai là đệ tử vẫn còn bị chi phối bởi lối tư duy xám. Họ sẽ bảo rằng không một lời dạy nào có thẩm quyền gì đặc biệt, cho nên họ sẽ nghĩ ra một cách diễn giải riêng của họ để khiến lời dạy có vẻ nói lên những gì họ muốn nghe.  

Cách thoát ra khỏi hai đối cực đó là nhận ra điều mà ta vừa nói ở trên. Con phải sử dụng lời dạy duy như một bàn đạp, một bực thang để với lên nguồn cội của lời dạy. Các chân sư thăng thiên đứng trên tư duy đen-trắng lẫn tư duy xám. Cho nên nếu con không nhìn xa hơn trạng thái tâm thức hiện thời của con, thì đơn giản con sẽ không thể nào liên lạc được với chúng tôi. Con sẽ bị kẹt lại trong trạng thái tâm thức hiện thời của con, và con sẽ dùng cách diễn giải của con về lời dạy vỏ ngoài để biện minh tại sao con đã không bước lên cao hơn.

Về điểm này, con hãy cho phép ta nói lên một điều thật rõ ràng. Nếu con thấy mình cứ phân tích, xét đoán hay chỉ trích một giáo lý hoặc vị sứ giả truyền đạt giáo lý đó – đặc biệt nếu con cứ nghĩ là mình biết rõ giáo lý phải được trình bày ra sao – thì ngay lập tức con nên xem đó là một dấu hiệu hiểm nghèo. Con có thể LUÔN LUÔN chắc chắn là những ý tưởng như vậy xuất phát từ tự ngã của con cùng các tà thể mà ta đã mô tả trong một câu trả lời khác, tức bọn Phá rối (the Spoilers). Cho nên con cần nhận ra yếu tố khiến con dễ bị năng lượng của bọn Phá rối tấn công chính là một số tin tưởng nhị nguyên mà con có. Con càng dính mắc vào các tin tưởng này thì phản ứng động cảm của con đối với lời dạy sẽ càng dữ dội.

Người đệ tử thiếu minh triết sẽ sử dụng các điểm bất toàn mà họ thấy nơi người khác (thật ra là những điều mà chính tự ngã của họ đã phóng chiếu lên người khác) để không thay đổi bản thân. Còn đệ tử minh triết sẽ luôn luôn tìm kiếm cái xà trong mắt mình, chào đón bất kỳ cơ hội nào để nhìn thấy nó và nhổ nó ra. Cho nên khi người đệ tử minh triết tìm thấy một lời dạy trên trang mạng này hay bất kỳ một giáo lý tâm linh nào khác thách đố niềm tin cố hữu của mình, thì người đó sẽ cân nhắc câu hỏi: “Có phải sự kháng cự của tôi đối với lời dạy này phát xuất từ sự dính mắc vào một ảo tưởng nào hay chăng?” Nếu phát hiện được một dính mắc như vậy thì người đó sẽ luôn luôn phơi bày nó rồi buông nó ra. Nhưng một đệ tử thiếu minh triết sẽ tim thấy sai khuyết nơi sứ giả cùng thông điệp của sứ giả để rồi sử dụng như một lý cớ mà bỏ qua dính mắc của mình.

Là một đệ tử minh triết, con cần luôn luôn cố gắng phơi bày tự ngã, và một trong những cách tốt nhất là xét xem có những mâu thuẫn hay bất nhất nào trong các niềm tin, lời nói hay hành động của mình. Lý do là vì tự ngã luôn luôn phóng chiếu quan điểm của nó lên người khác, và do vậy, nó thường hay chỉ trích sai lầm mà nó thấy nơi người khác chính vì nó đang mang sai lầm đó nơi nó. Tự ngã sẽ buộc tội người khác có những hành xử mà chính nó đang hành xử với người khác – cũng như với con.   

Chẳng hạn, có một số đệ tử tâm linh đã tập trung vào một hình ảnh sai lầm về tình thương khi xem tình thương là phải luôn luôn dịu dàng nhu hòa, và họ nghĩ họ không bao giờ được thách đố một ý tưởng hay quan điểm nào. Thế nhưng họ không nhìn ra là họ đã trở nên phê phán đối với những người thẳng thắn hơn họ.

Những ai bị mù quáng bởi tư duy xám rất dễ rơi vào kiểu phê phán đó. Chẳng hạn, họ khoác vào thái độ cho rằng một vị thày tâm linh chân chính phải tỏ ra yêu thương độ lượng đối với mọi hoàn cảnh con người. Họ thật sự tin rằng cách duy nhất để là một người yêu thương là không bao giờ được thách thức một ai vì làm như vậy là phê phán. Nhưng điều mà họ không nhìn thấy là chính họ mới đang vô cùng phê phán đối với những ai không tuân theo cách định nghĩa của họ về thế nào là thương yêu. Nói cách khác, nhiều người tầm đạo chân thành cho rằng họ hoàn toàn yêu thương, nhưng họ lại rất phê phán đối với những ai họ dán nhãn là không yêu thương.

Đây rõ ràng là một sự mâu thuẫn, và một người đang bắt đầu vượt lên trên tư duy xám sẽ phải có khả năng sử dụng những lời dạy này để nhanh chóng buông bỏ các trò chơi đó của tự ngã. Do đó, những người tầm đạo già dặn hơn phải có khả năng vượt trên xu hướng của tự ngã vốn cứ chọn ra một chi tiết mà nó không ưa, rồi sử dụng như cái cớ để khiến con bác bỏ toàn bộ giáo lý.

Trang web của chúng tôi thực sự có những lời dạy có thể giúp mọi người thoát tự ngã của mình. Nhưng nếu con cho phép tự ngã đánh lừa con gạt bỏ lời dạy thì hiển nhiên lời dạy không thể giải thoát được con. Ta đã chứng kiến những người tâm linh làm vậy từ thời ta bước trên địa cầu 2000 năm trước đây. Riêng bản ngã thì con không lạ gì nó. Các luận cứ mà nó dùng có thể thế này hay thế khác, nhưng cái cơ chế thì luôn luôn không thay đổi.