Trực giác và trí thông minh

Hỏi: Xin các thày vui lòng giải thích tại sao con là một học trò của chân sư thăng thiên ở một mức tâm thức hay nhận biết tương đối, trong khi rất nhiều người khác trên thế giới không đặc biệt gì là người tâm linh nhưng trí thông minh cùng khả năng của họ lại cao hơn con nhiều? Làm thế nào một người có thể có mức nhận thức và nhận biết cao nhưng không nhất thiết một trí thông minh rộng lớn? Đâu là mối quan hệ giữa trí thông minh và tâm thức hay sự nhận biết? Và điều gì quy định trình độ thông minh của một người trong một kiếp sống nào đó? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 cho Hoa kỳ – Phục sinh nền dân chủ. Đăng ngày 14/11/2022.

Chúng tôi các chân sư thăng thiên đã có trình bày là không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa cái mà người đời gọi là trí thông minh và cái mà chúng tôi gọi là sự nhận biết tâm linh, hay chứng đạt tâm linh. Sự phát triển mức chứng đạt tâm linh vượt ra khỏi thế gian này. Quả ví Ki-tô vượt ra khỏi thế gian này. Và việc tăng trưởng các khả năng thế phàm không giống như việc bước chân trên đường tu tâm linh.      

Con sẽ thấy rất nhiều người trên thế giới có khả năng vượt bực, trí thông minh cao trội, hay có khả năng lãnh đạo quần chúng hay nắm giữ quyền bính trong tay, đều là sa nhân. Lý do là những người đó không có khả năng bước trên đường quả vị Ki-tô, cho nên thay vào đó, họ chú tâm vào việc phát triển các khả năng nhân phàm của họ, và họ sử dụng mọi phương tiện để đạt được điều này, kể cả cái mà chúng ta gọi là tà thuật.

Điều mà thế giới hiện nay – hay ít ra thế giới Tây phương – gọi là trí thông minh là việc sử dụng tâm trí thức, tâm phân tích đường thẳng có khả năng biện luận thuận hay chống bất kỳ vấn đề nào, như chúng tôi đã có nói. Hiển nhiên, nó cũng cho con một khả năng nào đó để hiểu biết một số lãnh vực như toán học hay các chủ đề khoa học nào khác. Nhưng đó là một khả năng thế phàm. Đó không phải là cái mà con cần thực sự để bước chân trên đường quả vị Ki-tô và hội đủ tư cách thăng thiên. Đây là lý do tại sao đối với hầu hết những người tâm linh, con đã không trở thành một người tâm linh chỉ trong kiếp này mà thôi, mà rất có thể con đã là một người tâm linh từ nhiều tiền kiếp rồi, cho nên con đã không thực sự cảm được từ trực giác sự thôi thúc để tập trung vào việc phát triển các loại khả năng thế phàm kia. Tại sao con lại phải làm vậy khi mục đích của con nằm vượt ngoài thế gian?

Con cần nhìn nhận khi con là một người tâm linh, việc phát triển các khả năng hay kỹ năng thế phàm không là chính yếu. Không có nghĩa là con không thể có những khả năng đó, và rất có thể con đã từng phát triển chúng trong các kiếp trước, nhưng đó không phải là mục tiêu chủ yếu của con. Mục tiêu chủ yếu của con như một người tâm linh trên đường quả vị Ki-tô là hòa điệu với tâm thức Ki-tô, với cõi tâm linh, với Hiện diện TA LÀ, và đây không phải là một khả năng phân tích trí thức. Đó là tại sao con chú tâm phát triển trực giác của con. Trong nhiều trường hợp, con càng có nhiều trực giác thì tư duy của con sẽ càng bớt phân tích trí thức đi. Và rất có thể con sẽ cảm thấy khó khăn khi phải nắm bắt các đề tài phân tích đường thẳng kia.

Điều có thể xảy ra là khi con còn trẻ, con đã khá thành thạo hiểu được các khái niệm khoa học, các khái niệm phân tích đường thẳng đó. Nhưng khi con càng tiến bước trên đường tu tâm linh thì con càng mất đi khả năng vận dụng trí năng để bao trùm các khái niệm đó – nếu có thể nói như vậy – vì con không thể thực sự tập trung tâm trí vào cấp độ tư duy đó nữa. Cách suy nghĩ của con, hay tâm con, không còn chú tâm hay không còn bị mắc kẹt trong cõi lý trí nữa. Con đang bước vào cõi bản sắc nơi con có một tầm nhìn trực giác hơn hẳn.

Làm thế nào phân biện giữa tự ngã và lời gợi nhắc của trực giác

Hỏi: Do con bước đi trên đường tu tâm linh, con cảm thấy hơi bối rối trong tâm con. Con bối rối vì con không phân biện được tiếng nói ồn ào của tự ngã với giọng nói nhỏ nhẹ của tánh linh. Có lẽ chăng là con có thái độ sai lầm đối với đường tu? Để giảm bớt bối rối này, liệu con sẽ phải giải quyết bao nhiêu vấn đề tâm lý, sẽ phải có được bao nhiêu trải nghiệm trong tim về các chân sư thăng thiên?  


Trả lời của châng sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Là Cánh cửa Mở cho Hành tinh Địa cầu. Đăng ngày 26/10/2021.

Vấn đề mà con mô tả có thể coi là khiá cạnh trung tâm của đường tu ở một tầng cấp nào đó. Cho tới khi con vươn lên cao hơn một mức tâm thức nào đó nơi trực giác của con rõ ràng hơn, con sẽ luôn luôn gặp thử thách làm thế nào phân biện giữa tự ngã cùng các ngã tách biệt, với những lời gợi nhắc trực giác đến từ cái ta cao hơn của con, từ Hiện diện TA LÀ hay từ các chân sư thăng thiên. Đó sẽ là một thách đố cho bất cứ ai.   

Điều con cần làm là sử dụng các dụng cụ mà các chân sư đã ban ra, và trong một trường hợp như của con, ta khuyên con nắm lấy những cuốn sách trong bộ “Con đường Tự điều ngự”, khởi đầu với sách của Đại thượng sư Maha Chohan, rồi bước lên từng cuốn một qua bảy tầng Thượng sư, và con đi qua toàn bộ tiến trình học tập những cuốn sách này. 

Sau đó nếu con vẫn còn cảm thấy mình chưa đạt được sự minh mẫn mong muốn, con hãy học tiếp những cuốn sách kia, “Chữa lành Chấn thương Tâm lý” cùng những cuốn khác* sẽ giúp con khắc phục ngã tách biệt.

[* Bộ sách này gồm có:

  • Healing Your Spiritual Traumas (Chữa lành Chấn thương Tâm lý)
  • Fulfilling Your Divine Plan (Hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng)
  • Fulfilling Your Highest Spiritual Potential (Hoàn thành Tiềm năng Tâm linh Cao nhất)
  • Making Peace with Being on Earth (Làm hòa với việc Có mặt trên Địa cầu)]

Nên nói hay không nên nói?

Hỏi: Đôi khi con cảm thấy như có một sự thôi thúc muốn nói hay muốn hỏi một điều gì đó, và sự thôi thúc này chỉ biến mất sau khi con nói ra. Có thể nào điều đó đến từ Hiện diện TA LÀ của con? Hay có nhiều xác suất hơn là nó đến từ một ngã tách biệt? Làm thế nào con có thể phân biệt nó đến từ đâu?   


Trả lời từ chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Bước tới Quan hệ Thời Hoàng kim. Đăng ngày 11/10/2021.

Con cần nhìn vào cái cảm giác tinh tế hơn ở đằng sau. Đôi khi con có thể nhận diện là gần như có một sự ép buộc muốn nói một điều gì đó. Gần như là con cảm thấy mình bắt buộc phải nói điều này. Thậm chí cũng có thể có một lời giải thích tại sao con phải nói ra điều đó. Trong trường hợp này, nó đến từ một ngã tách biệt.

Khi nó đến từ Hiện diện TA LÀ của con, con không hề có sự cưỡng bách, không hề có lý lẽ hay lập luận. Con có thể học cách nhận diện là khi đó, chỉ có một cảm nhận nội tâm, gần như là một sự an bình, hay bình thản, hay nhận biết nhạy cảm. Và một cái gì đó tự dưng nảy lên, gần như là con nhìn thấy một bọt nước dâng lên từ vùng sâu và hiện ra trên mặt nước, và nó xuất hiện trong tâm ý thức của con. Và con có thể học cách tới được điểm là mỗi khi điều này xảy ra, con tự nhiên phát biểu nó ra. Con không tranh cãi, lập luận, suy nghĩ hay lý luận, “Tôi có nên nói hay không nên nói?” Con chỉ nói nó ra mà thôi. Con chỉ diễn tả, thể hiện nó ra. Chứ nếu con cân nhắc là mình có nên nói hay không, thì con học được là con không nói, vì con biết nó đến từ một ngã tách biệt.    

Quyết định với tâm vỏ ngoài hay được nhắc bởi trực giác

Hỏi: Con mong muốn phụng sự các chân sư thăng thiên. Hiện nay con đang giúp một nhóm người không nói tiếng Anh theo học giáo lý của các chân sư. Chúng con đến từ nhiều quốc gia và gặp nhau trực tuyến. Các thày có nghĩ là con nên mở rộng dịch vụ và gia nhập, hoặc gặp tận mặt, những nhóm học bằng Anh ngữ trong thành phố của con, hay một nhóm trực tuyến bằng Anh ngũ gồm người từ nhiều thành phố tại nước con? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels trong Webinar 2021 – Chấm dứt Thời đại Ý thức hệ. Đăng ngày 20/6/2021.

Nói chung, chúng tôi không bình luận về loại câu hỏi này vì chúng tôi không muốn nói riêng cho cá nhân con những gì con cần làm. Điều này phải đến từ bên trong và con có khả năng đạt được câu trả lời từ bên trong. Cho tới khi nào con cảm thấy sự thúc đẩy mạnh mẽ từ nội tâm thì con hãy cứ tiếp tục những gì mình đang làm. Rồi con sử dụng trực giác để nhìn thấy đường đi. Đừng bước vào tâm vỏ ngoài và dùng tâm vỏ ngoài để tự ép mình mà bảo rằng đây là điều mình nên làm.     

Một điều chúng tôi thường thấy là có những học trò tìm được giáo lý, vô cùng tha thiết làm điều gì đó ích lợi cho địa cầu. Mong muốn này đặc biệt mạnh mẽ nơi các avatar, nhưng ngay cả một số dân cư nguyên thủy của địa cầu cũng có mong muốn đó. Các con tìm được giáo lý xong các con như thể bị choáng ngợp trong sự nhiệt tình, và các con dùng tâm vỏ ngoài để quyết định là tôi phải làm điều này, tôi phải làm điều kia.

Nhưng điều chúng tôi luôn khuyên nhủ là các con hãy sử dụng giáo lý để nhìn vào tâm lý mình, làm việc trên tâm lý mình, phát hiện những cái ngã đang chặn đường mình. Rồi con hãy sử dụng trực giác để quyết định – đúng hơn, không quyết định – mà chỉ đơn giản xuôi theo bất cứ gì đến với con từ bên trong, hầu con không có định kiến là con phải làm gì và con không tự ép mình làm như thế. Con hãy bỏ ra thời gian, dù là hàng năm trời, để bước vào bên trong nội tâm hầu tăng cường trực giác, giải quyết tâm lý của mình. Rồi khi mọi chuyện đến với con từ bên trong một cách tự nhiên, không cố gắng, con hãy theo đó mà hành động.   

Liệu con đang nghe thấy tự ngã hay cái ta cao của con?

Hỏi: Làm thế nào con biết được giọng nói con nghe thấy có thực sự là vị thày nội tâm của con? Đôi khi con lo rằng đó có thể là tự ngã đang cố gạt con.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/1/2021.

Một câu hỏi rất hay, không có câu trả lời trắng đen. Thực tế đơn giản là hầu hết mọi người vẫn còn bị bao trùm trong trạng thái tâm thức nhị nguyên đến mức họ nghe thấy nhiều “giọng nói” đang cố đánh lừa họ. Đó có thể là tự ngã của họ, hay có thể là tà lực từ ngoài đang tìm cách kéo họ ra khỏi đường tu tâm linh.

Thực tế đơn giản là không có cách tuyệt đối và máy móc nào để xác định là sự hướng dẫn mà con nhận được có thực sự đến từ cái ta Ki-tô của con và Đại đoàn Thăng thiên hay từ các thế lực thấp kém. Con chỉ có thể xác định sự chính đáng của những lời hướng dẫn này bằng cách xây dựng dần dần khả năng phân biện của riêng con, hầu con có thể nhận ra sự khác biệt đó chỉ duy qua việc cảm nhận độ rung của thông điệp hay độ rung của nguồn gốc thông điệp.  

Nếu con chưa có nhiều kinh nghiệm, rất có thể con sẽ nghe thấy nhiều loại giọng nói khác nhau. Do đó, con không nên nghe theo mà không suy xét bất kỳ ý tưởng hay lời hướng dẫn nào. Con cần luôn luôn lượng định trên căn bản lẽ thường tình. Hãy để ta cho con một vài gợi ý hầu giúp mọi người học cách phân biện, lọc lựa giữa hạt với trấu khi nhận được lời chỉ dẫn trong nội tâm.

  • Con hãy khởi sự bằng cách nhìn nhận là có những tà lực sẽ vô cùng thích thú trao cho con những lời hướng dẫn dối trá sẽ đưa con vào ngõ cụt trên con đường tâm linh. Để giảm thiểu tối đa rủi ro nhận được loại chỉ dẫn này, con hãy quyết tâm nỗ lực sử dụng biện pháp bảo vệ tâm linh. Bài nguyện ROS08 cho Đại thiên thần Michael được thiết kế đặc biệt để bảo vệ con khỏi những nguồn đó.
  • Hãy tu học các lời dạy tâm linh để cảm nhận được điều gì là chân thực dựa theo cách Đại đoàn Thăng thiên đã dẫn dắt loài người suốt nhiều thiên niên kỷ. Điều này sẽ giúp con lượng định xem một lời chỉ dẫn nội tâm có đứng thẳng hàng, có tương hợp với sự dẫn dắt vượt thời gian đó hay là nó bị trệch đi quá xa.    
  • Cố gắng khiến cho trực giác của con nhạy bén hơn và hòa điệu với cái ta Ki-tô của con, chẳng hạn bằng cách sử dụng kỹ thuật hòa điệu.
  • Luôn luôn dùng lẽ thường tình để lượng định lời chỉ dẫn mà con nhận được. Đặc biệt con cần cảnh giác bất kỳ lời chỉ dẫn nào rơi vào hai loại cạm bẫy chủ yếu trên đường tu, cụ thể là lòng sợ hãi và lòng kiêu mạn. Nếu lời chỉ dẫn đánh vào những nỗi sợ của con và tìm cách đẩy con vào những hành vi dựa trên sợ hãi, thì đó không phải là Đại đoàn Thăng thiên hay cái ta Ki-tô của con. Cũng vậy, nếu lời chỉ dẫn vuốt ve lòng kiêu hãnh của con và bảo sao con giỏi và tuyệt vời đến thế, hay sự cứu rỗi của cả vũ trụ tùy thuộc vào một hành động nào đó của con, thì nó không phát xuất từ một nguồn gốc cao.
  • Cũng nên lưu ý là các tà lực sẽ hung hãn tìm cách xúi giục con làm một chuyện gì đó, và điều này thường biểu hiện như một cảm giác bị ép buộc, khiến con cảm thấy mình nhất định phải ra tay. Cái ta Ki-tô hay Đại đoàm Thăng thiên sẽ không bao giờ tìm cách khuynh đảo con như vậy mà chỉ nỗ lực trao cho con một sáng ngộ hiểu biết sẽ giúp con tự ý lấy quyết định và chọn lựa tốt nhất. Tà lực sẽ vô cùng sung sướng nếu chúng có thể điều khiển cuộc đời của con. Còn Đại đoàn Thăng thiên sẽ không điều khiển đời con vì chúng tôi, các chân sư thăng thiên, biết rõ là con sẽ chỉ  có thể bước vào trạng thái thăng thiên bằng cách tinh lọc khả năng chọn lựa đúng đắn của mình.
  • Nếu con nhận được một lời hướng dẫn có vẻ không ổn, cho dù là do nội dung hay rung động của nó, thì con hãy đừng theo đó mà ra tay hành động. Con hãy chỉ đơn giản cất nó lên kệ và hoàn toàn không dính mắc về sự kiện là nó có chân thực hay không. Con cứ tiếp tục tu tập tâm linh và chờ xem có sự hướng dẫn hay xác nhận nào hay không.
  • Trong một số trường hợp, con có thể nhận thêm những lời chỉ dẫn rất dai dẳng thúc giục con làm một chuyện gì đó. Nếu những lời đó có vẻ hung hãn hay xâm lấn, nó không đến từ một nguồn gốc cao. Nhưng nếu con đã cất một lời hướng dẫn lên kệ và sau một thời gian con lại nhận được một lời gợi ý nội tâm hay một sự xác nhận bên ngoài rằng đó là một lời chân chính, thì nói chung con có thể xem là nó bắt nguồn từ một cõi cao hơn. Trong trường hợp một quyết định quan trọng có tiềm năng thay đổi đời con, có lẽ con sẽ muốn buông nó ra vài lần trước khi bước vào hành động.

Một lần nữa, thật sự không có một cách tuyệt đối hay máy móc nào để xác định xem một lời hướng dẫn xuất phát từ nguồn cao hay nguồn thấp. Đơn giản là con không thể làm như vậy với tâm phân tích hay với tình cảm của con, bởi vì tâm vỏ ngoài sẽ nói cho con nghe những gì con muốn nghe. Rốt cuộc thì con chỉ có thể cảm nhận sự rung động, và điều này đòi hỏi con đạt được một mức độ hòa điệu nào đó với cái ta Ki-tô của con cũng như với Đại đoàn Thăng thiên.

Một khi con có sự hòa điệu này, con sẽ cảm nhận được rung động của cái ta Ki-tô của con hay của một chân sư thăng thiên, và như vậy con có được một khung tham chiếu sẽ cho phép con so sánh rung động của một lời chỉ dẫn và biết được nó đến từ đâu. Đây không phải là một tiến trình máy móc mà một tiến trình nghệ thuật. Nó sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng néu con kiên trì sử dụng các dụng cụ mà ta đã trao truyền trên trang mạng này, con sẽ từ từ khai triển khả năng phân biện của con.

Ta cũng biết là một số người sẽ cảm thấy như thể ta đã không đưa ra một lời dạy rõ ràng lắm, nhưng lý do là vì quả vị Ki-tô không có một con đường máy móc để đi tới đó. Con đường dẫn đến quả vị Ki-tô đòi hỏi con chọn lựa bằng cách sử dụng sự hiểu biết, phân biện và khả năng viễn kiến của riêng con. Trong đa số các trường hợp, con sẽ có nhiều hơn một chọn lựa đúng đắn duy nhất, cho nên chọn lựa “phải” nhất cho con sẽ là chọn lựa thể hiện đúng nhất cá thể độc đáo của con.

Các thế lực bóng tối sẽ tìm cách khiến con phủ nhận cá thể mà Thượng đế đã ban cho con. Nhưng các uy lực của ánh sáng sẽ nỗ lực giúp con biểu lộ cá thể đó. Thế lực bóng tối muốn con chắp nhận cái bản sắc do tự ngã phàm phu của con quy định. Uy lực của ánh sáng sẽ nỗ lực giúp con từ bỏ cái bản sắc giả tạo đó để nhận lấy bản sắc chân thực của con như một sinh thể tâm linh độc đáo.

Các chân sư làm việc với con người ở mức trực giác

Hỏi: Con có một người bạn là học trò của chân sư, được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt. Đôi khi anh ấy nghe thấy giọng nói trong đầu mình. Trong phần lớn đời anh, anh không bị hiện tượng này. Chỉ từ khi quan tâm đến những vấn đề huyền bí, anh bị thu hút bởi ý tưởng rằng tâm con người giống như một chiếc máy thu thanh có khả năng bắt được làn sóng của nhiều đài phát thanh, nhiều mức rung động hay tầng cõi khác nhau. Anh bị thu hút bởi ý tưởng anh có thể bắt liên lạc với những sinh thể phi vật chất.

Sau đó anh bắt đầu nghe thấy giọng nói trong đầu bảo anh phải làm gì. Đời anh xuống dốc từ dạo đó. Cho tới khi anh tìm thấy giáo lý của các chân sư thăng thiên và anh bắt đầu tập bài cầu nguyện tràng hạt của Đại thiên thần Michael, anh cũng quyết định anh không muốn nghe thấy chúng nữa. Các giọng nói bặt hẳn, nhưng sau vài năm chúng lại trở lại. Con đoán là vì anh bắt đầu muốn giao tiếp với các chân sư, có thể vì anh cho rằng anh đã tiến đủ để nghe thấy chân sư.

Cá nhân con không nghĩ là anh đang giao tiếp với các chân sư đích thực, nhưng anh biết hơn con. Có thể đó chỉ là những lực tâm linh thấp kém mà anh đang liên lạc. Bạn con tin chắc là người ta có thể nghe được chân sư nói chuyện với mình y như giọng nói bình thường. Con không nghĩ như vậy, vì theo kinh nghiệm bản thân, con chỉ cảm được tình thương của chân sư trong tim con, đôi khi là sự thôi thúc nhè nhẹ chứ không bao giờ có giọng nói. Tất nhiên, kinh nghiệm của con rất hạn hẹp, Người ta có thể nào nghe thấy chân sư như giọng nói trong đầu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels nhân Webinar 2020 – Chọn lựa Tương lai cho Hoa Kỳ. Đăng ngày 19/10/2020.

Không thể quả quyết rằng không ai có thể nghe được các chân sư theo như lời con, “một giọng nói trong đầu”. Có một số trường hợp con có thể nhận được một lời cảnh báo mà con nghe thấy như một giọng nói trong đầu. Nhưng tất nhiên, đó không phải là cách giao tiếp thông thường của các chân sư. Đó chỉ xảy ra trong một số tình thế nhất định, thường là một tình thế căng thẳng khi người ta nhận được cảnh báo rõ ràng là đừng làm chuyện này, phải làm chuyện kia. Khi đó, họ có thể cảm nhận đó là giọng nói trong đầu. Điều đó có thể xảy ra như vậy, hoặc cũng có thể cái ta Ki-tô của họ đang phóng chiếu ra một ý tưởng mà tâm họ biến đổi thành một giọng nói nghe được bằng tai.     

Rõ ràng là chúng tôi, các chân sư, không nói qua giọng nói như vậy, và đó là lý do chúng tôi phải nói qua trung gian một sứ giả để biến thành giọng mà con có thể nghe thấy. Và chúng tôi không nói chuyện trong đầu mọi người bởi vì – trên căn bản – đó là một sự vi phạm quyền tự quyết ngay cả khi người đó muốn vậy. Chúng tôi làm việc với con người trên một mức độ trực giác hơn, vì như vậy mỗi người sẽ nhiều tự do hơn trong chọn lựa.   

Ngắn gọn, chúng tôi có thể nói như sau: “Nếu con nghe thấy một giọng nói trong đầu bảo con phải làm một điều gì đó – hay không làm một điều gì đó – và nếu đó không phải là một tình huống khủng hoảng cấp bách, thì giọng đó không đến từ các chân sư thăng thiên.” Chúng tôi không tìm cách thiết lập quan hệ với con người mà cứ luôn luôn bảo họ phải làm điều này hay không làm điều kia. Chắc chắn chúng tôi không muốn, đặc biệt là trong những tình huống thường nhật, bảo con phải sống cuộc đời của con như thế nào. Chúng tôi không bảo con đi ra cửa hàng mua cái này hay không mua cái kia, bởi vì đó là trách nhiệm của con lấy những quyết định đó.

Tất nhiên là có những người mong muốn – có thể là một mong muốn có vẻ vô hại – giao tiếp với những sinh thể ở những cõi cao hơn. Trên thế giới có rất, rất nhiều người đồng bóng cũng có mong muốn có vẻ vô hại là giao tiếp với những sinh thể cao hơn, đem lại một số giáo lý có khả năng giúp ích nhân loại. Tuy nhiên nếu con đi vào sâu hơn trong tâm lý, những người đó có mong muốn làm người đặc biệt, mong muốn làm được những điều mà người khác không thể làm, mong muốn được người khác khâm phục và ngưỡng mộ. Có thể họ không ý thức được điều đó nhưng dù sao, đó cũng là một mong muốn không trong sáng.   

Hiển nhiên là chúng tôi, các chân sư thăng thiên, sẽ không bao giờ đáp lại mong muốn đó. Nhưng trong các cõi bản sắc thấp, lý trí và ngay cả tình cảm, sẽ có những sinh thể sẵn sàng đáp lại nguyện vọng này. Và các sinh thể này sẽ cho người ta loại giao tiếp mà người ta mong muốn, bởi vì nhờ vậy mà các sinh thể này mới có thể bòn rút năng lượng của con người. Và nếu một người – chẳng hạn một người đồng bóng – được nhiều người hưởng ứng thì người đó cũng sẽ có thể khai thác năng lượng của những kẻ theo mình.

Trong trường hợp mà con đề cập, con có trực giác đúng đắn. Và cũng vậy, điều này nói chung cũng đúng đắn đối với nhiều người khác bảo rằng họ có kiểu giao tiếp này. Kiểu đó không đến từ các chân sư thăng thiên, bất kể họ tin tưởng như thế nào.

Cho phép tự ngã lừa mình chối bỏ lời dạy sẽ giải thoát mình khỏi tự ngã

Hỏi: Một người tầm đạo chín chắn cần đáp ứng thế nào khi gặp những lời dạy trên trang mạng này thách đố các niềm tin sẵn có của mình và người đó không đồng ý với lời dạy? Con nhận thấy là những người bạn mà con đã giới thiệu trang mạng này, thường chụp lấy một chi tiết nhỏ nhặt nào đó mà họ không thích rồi sử dụng để bác bỏ toàn bộ trang mạng. Xin thày vui lòng bình luận về cách hành xử này?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 18/11/2012.

Con hãy cho phép ta nói thật rõ là những ai đọc trang mạng này KHÔNG NÊN hiểu lầm những lời giảng của ta ở đây là những điều mà họ phải chấp nhận không suy xét, và họ cũng không nên đọc từng chữ như thể đó là thánh thư bất khả sai lầm. Như ta đã cố giải thích, mục đích của bất kỳ lời dạy chân truyền nào cũng là trao cho học trò một bàn đạp để giúp họ vươn lên trên giáo lý vỏ ngoài hầu chạm được Tánh linh của Sự Thật – các chân sư thăng thiên – mà từ đó lời dạy đã đi ra. Lời dạy tựa như một sợi dây cứu sinh nhằm dẫn con đến cội nguồn của lời dạy.

Ý ta muốn nói là con nên luôn luôn cố gắng vượt xa hơn từ ngữ vỏ ngoài của lời dạy để chạm được một hiểu biết nội tâm sẽ đưa con lên cao hơn lời dạy. Nhiệm vụ của một vị sứ giả là truyền đạt một lời dạy thuần khiết nhất có thể. Còn nhiệm vụ của đệ tử là vượt ra khỏi lời dạy vỏ ngoài, và khi làm vậy, đệ tử cũng thăng vượt những nét thiếu thuần khiết trong lời dạy. Chừng nào con nối kết với nguồn cội thì tất cả những bất toàn đó trong lời dạy đều không quan trọng. Nhưng nếu con không tìm đến nguồn cội thì ngay cả một lời dạy toàn hảo – nếu có gì có thể toàn hảo được – cũng sẽ không đảm bảo được sự cứu rỗi của con.

Như luôn luôn, nguy cơ tiềm tàng cho con chính là hai đối cực của tự ngã:

  • Một là đệ tử với tư duy đen-trắng sẽ thần tượng hóa sứ giả cũng như giáo lý, cho rằng đó là giáo lý cao nhất và luôn luôn đúng. Vì vậy họ không bao giờ được cả gan nghĩ xa hơn những gì được trình bày trong giáo lý.   
  • Hai là đệ tử vẫn còn bị chi phối bởi lối tư duy xám. Họ sẽ bảo rằng không một lời dạy nào có thẩm quyền gì đặc biệt, cho nên họ sẽ nghĩ ra một cách diễn giải riêng của họ để khiến lời dạy có vẻ nói lên những gì họ muốn nghe.  

Cách thoát ra khỏi hai đối cực đó là nhận ra điều mà ta vừa nói ở trên. Con phải sử dụng lời dạy duy như một bàn đạp, một bực thang để với lên nguồn cội của lời dạy. Các chân sư thăng thiên đứng trên tư duy đen-trắng lẫn tư duy xám. Cho nên nếu con không nhìn xa hơn trạng thái tâm thức hiện thời của con, thì đơn giản con sẽ không thể nào liên lạc được với chúng tôi. Con sẽ bị kẹt lại trong trạng thái tâm thức hiện thời của con, và con sẽ dùng cách diễn giải của con về lời dạy vỏ ngoài để biện minh tại sao con đã không bước lên cao hơn.

Về điểm này, con hãy cho phép ta nói lên một điều thật rõ ràng. Nếu con thấy mình cứ phân tích, xét đoán hay chỉ trích một giáo lý hoặc vị sứ giả truyền đạt giáo lý đó – đặc biệt nếu con cứ nghĩ là mình biết rõ giáo lý phải được trình bày ra sao – thì ngay lập tức con nên xem đó là một dấu hiệu hiểm nghèo. Con có thể LUÔN LUÔN chắc chắn là những ý tưởng như vậy xuất phát từ tự ngã của con cùng các tà thể mà ta đã mô tả trong một câu trả lời khác, tức bọn Phá rối (the Spoilers). Cho nên con cần nhận ra yếu tố khiến con dễ bị năng lượng của bọn Phá rối tấn công chính là một số tin tưởng nhị nguyên mà con có. Con càng dính mắc vào các tin tưởng này thì phản ứng động cảm của con đối với lời dạy sẽ càng dữ dội.

Người đệ tử thiếu minh triết sẽ sử dụng các điểm bất toàn mà họ thấy nơi người khác (thật ra là những điều mà chính tự ngã của họ đã phóng chiếu lên người khác) để không thay đổi bản thân. Còn đệ tử minh triết sẽ luôn luôn tìm kiếm cái xà trong mắt mình, chào đón bất kỳ cơ hội nào để nhìn thấy nó và nhổ nó ra. Cho nên khi người đệ tử minh triết tìm thấy một lời dạy trên trang mạng này hay bất kỳ một giáo lý tâm linh nào khác thách đố niềm tin cố hữu của mình, thì người đó sẽ cân nhắc câu hỏi: “Có phải sự kháng cự của tôi đối với lời dạy này phát xuất từ sự dính mắc vào một ảo tưởng nào hay chăng?” Nếu phát hiện được một dính mắc như vậy thì người đó sẽ luôn luôn phơi bày nó rồi buông nó ra. Nhưng một đệ tử thiếu minh triết sẽ tim thấy sai khuyết nơi sứ giả cùng thông điệp của sứ giả để rồi sử dụng như một lý cớ mà bỏ qua dính mắc của mình.

Là một đệ tử minh triết, con cần luôn luôn cố gắng phơi bày tự ngã, và một trong những cách tốt nhất là xét xem có những mâu thuẫn hay bất nhất nào trong các niềm tin, lời nói hay hành động của mình. Lý do là vì tự ngã luôn luôn phóng chiếu quan điểm của nó lên người khác, và do vậy, nó thường hay chỉ trích sai lầm mà nó thấy nơi người khác chính vì nó đang mang sai lầm đó nơi nó. Tự ngã sẽ buộc tội người khác có những hành xử mà chính nó đang hành xử với người khác – cũng như với con.   

Chẳng hạn, có một số đệ tử tâm linh đã tập trung vào một hình ảnh sai lầm về tình thương khi xem tình thương là phải luôn luôn dịu dàng nhu hòa, và họ nghĩ họ không bao giờ được thách đố một ý tưởng hay quan điểm nào. Thế nhưng họ không nhìn ra là họ đã trở nên phê phán đối với những người thẳng thắn hơn họ.

Những ai bị mù quáng bởi tư duy xám rất dễ rơi vào kiểu phê phán đó. Chẳng hạn, họ khoác vào thái độ cho rằng một vị thày tâm linh chân chính phải tỏ ra yêu thương độ lượng đối với mọi hoàn cảnh con người. Họ thật sự tin rằng cách duy nhất để là một người yêu thương là không bao giờ được thách thức một ai vì làm như vậy là phê phán. Nhưng điều mà họ không nhìn thấy là chính họ mới đang vô cùng phê phán đối với những ai không tuân theo cách định nghĩa của họ về thế nào là thương yêu. Nói cách khác, nhiều người tầm đạo chân thành cho rằng họ hoàn toàn yêu thương, nhưng họ lại rất phê phán đối với những ai họ dán nhãn là không yêu thương.

Đây rõ ràng là một sự mâu thuẫn, và một người đang bắt đầu vượt lên trên tư duy xám sẽ phải có khả năng sử dụng những lời dạy này để nhanh chóng buông bỏ các trò chơi đó của tự ngã. Do đó, những người tầm đạo già dặn hơn phải có khả năng vượt trên xu hướng của tự ngã vốn cứ chọn ra một chi tiết mà nó không ưa, rồi sử dụng như cái cớ để khiến con bác bỏ toàn bộ giáo lý.

Trang web của chúng tôi thực sự có những lời dạy có thể giúp mọi người thoát tự ngã của mình. Nhưng nếu con cho phép tự ngã đánh lừa con gạt bỏ lời dạy thì hiển nhiên lời dạy không thể giải thoát được con. Ta đã chứng kiến những người tâm linh làm vậy từ thời ta bước trên địa cầu 2000 năm trước đây. Riêng bản ngã thì con không lạ gì nó. Các luận cứ mà nó dùng có thể thế này hay thế khác, nhưng cái cơ chế thì luôn luôn không thay đổi.

Khác biệt giữa nỗi giận nhân thế và sự thịnh nộ thần thánh

Hỏi: Có lời ghi chép cho thấy là ngay cả thày, Giê-su, cũng đã từng nổi giận. Nếu thày, một vị chân sư thăng thiên, mà cũng biểu lộ giận dữ thì làm sao có thể chờ đợi là chúng con sẽ không nổi giận? Liệu thày có suy nghĩ hay sáng ngộ gì để chúng con suy ngẫm hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Trong một câu trả lời khác, ta đã có chia sẻ một số suy nghĩ về cách giải quyết nỗi giận nhân thế.

Khi con vượt lên khỏi nỗi giận nhân thế, con sẽ không nhất thiết luôn luôn ăn nói nhỏ nhẹ trong mọi hoàn cảnh. Trên hành tinh này có biết bao chuyện xảy ra hiển nhiển là không ăn khớp với định luật tình thương vô điều kiện của Thượng đế. Cho nên việc thách thức các hành vi sai trái của con người là một điều hoàn toàn thích hợp, kể cả việc biểu lộ những cảm xúc mạnh mẽ mà hầu hết mọi người sẽ coi là sự tức giận. Tuy nhiên khi con bắt đầu đạt tới một mức quả vị Ki-tô nào đó, con có khả năng phát biểu một cách nghiêm nghị và thẳng thắn mà không bị rơi vào độ rung động thấp kém của nỗi giận nhân thế. Con không đang bày tỏ một số cảm xúc mãnh liệt nhằm chê trách, đổ lỗi cho người khác, mà con bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ để khiến cho người kia bị chấn động, bị lay chuyển ra khỏi trạng thái tâm thức cố hữu của họ. Mục đích là để họ có thể thấy được hành vi của họ là không phù hợp với các định luật của Thượng đế và do đó sẽ chỉ có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho họ mà thôi.

Ta cũng biết là chừng nào một người còn bị mắc kẹt trong rung động thấp kém của tâm nhị nguyên thì người đó sẽ không thể hiểu nổi điểm khác biệt này. Thế nhưng có sự khác biệt rất rõ rệt giữa độ rung của nỗi giận nhân thế và độ rung của cái mà chúng ta có thể gọi là sự thịnh nộ thần thánh (holy wrath). Làm thế nào con phân biệt được thịnh nộ thần thánh với nỗi giận nhân thế? Thịnh nộ thần thánh có thể vô cùng quyền oai, nhưng nó sẽ tức khắc biến mất một khi nó đã hoàn thành mục đích, và nó sẽ không ảnh hưởng vĩnh viễn đến cách nhìn hay tình cảm của con đối với người kia. Trong khi đó, nỗi giận nhân thế sẽ vương vấn ở lại với con một thời gian sau khi nó được biểu lộ, tựa nhưng một ngọn lửa cứ cháy âm ỉ thật lâu trước khi tàn lụi. Nó sẽ tô màu các ý nghĩ và cảm xúc của con đối với người kia trong suốt đời con, hay ít ra cho tới khi con hoàn toàn tha thứ cho người đó. 

Thịnh nộ thần thánh thực sự là một biểu lộ của tình thương vô điều kiện của Thượng đế; nó không phải là loại tình yêu ủy mị, mềm mỏng mà hầu hết mọi người thường nghĩ. Tình thương vô điều kiện sẽ không để yên cho con đứng mãi trong một ý niệm bản sắc giới hạn. Cho nên nếu con cứ khăng khăng ôm giữ các giới hạn đó, thì một người đã đạt được một mức quả vị Ki-tô nào đó sẽ có thể trở thành một cánh cửa mở để cho tình thương vô điều kiện tỏ lộ. Tình thương vô điều kiện này có thể diễn đạt một cách rất nghiêm nghị hầu gây sốc khiến con phải bước ra khỏi trạng thái tâm thức hiện thời của con, và ở cùng cực, trạng thái tâm thức này sẽ dẫn con đến sự tự hủy diệt. Đương nhiên tình thương vô điều kiện sẽ không muốn con tự hủy dịêt, cho nên nó sẵn lòng bày tỏ một cách vô cùng thẳng thắn để con hiểu rõ là con đang đứng ở bở bên kia của quy luật Thượng đế.

Điều ta cũng muốn nói là trong một vài dịp đã được thuật lại trong kinh thánh, cá nhân ta đã từng trở thành công cụ cho tình thương vô điều kiện đó của Thượng đế. Những dịp đó thường bị hiểu lầm là nỗi giận nhân thế, và suốt nhiều thế kỷ, nhiều người đã lấy chuyện đó làm cái cớ để họ bộc lộ sự nóng giận phàm phu của họ. Điều này thật đáng tiếc, vì nó ngăn cản họ giải quyết căn nguyên của sự nóng giận phàm phu để mà vươn lên một mức tâm thức cao hơn.

Ta cũng nhìn nhận là có những lúc ta đã biểu lộ một nỗi giận nhân thế, và có một ví dụ là khi ta nguyền rủa cây sung, như ta đã từng giải thích. Con thấy đó, ngược hẳn với các niềm tin sùng bái thần tượng của bao tín đồ Cơ đốc giáo, ta đã không hề là một con người toàn hảo, và trước khi lên thập tự giá, ta cũng chưa giải quyết xong mọi khía cạnh tâm lý của mình. Ta đã có thể đạt tới điểm đó nếu ta có thêm chút thời gian, nhưng do các biến cố dồn dập xảy đến, ta đã chưa giải quyết xong mọi khía cạnh của các vết thương lẫn các điểm tắc nghẽn trong tâm lý trước khi bị đóng đinh.

Tuy nhiên, con hãy cảnh giác xu hướng của các thày giả muốn con nghĩ rằng nếu con là người tâm linh thì con phải toàn hảo theo một chuẩn mực mà không ai có thể định nghĩa rõ ràng là gì. Sứ vụ của ta cách đây 2000 năm thật không dễ dàng. Ta đã sống qua những thời buổi khó khăn, ta đã cảm xúc, và ta đã biểu lộ những cảm xúc của con người nhân thế. Tương tự như vậy, sứ vụ của các con ngày nay cũng không dễ dàng, cho nên nếu có lúc con có cảm xúc nhân phàm thì điều này cũng là bình thường, tự nhiên.

Nhưng một khi hoàn cảnh trôi qua thì ta buông bỏ các cảm xúc đó. Nói cách khác, trên con đường dẫn tới quả vị Ki-tô, có thể con sẽ vẫn còn một số cảm xúc nhân thế. Chỉ dấu của một người đang tiến lên quả vị Ki-tô không phải là người đó toàn hảo, người đó không bao giờ cảm thấy hay không bao giờ biểu lộ cảm xúc nhân thế. Mà chỉ dấu là người đó có khả năng buông bỏ cảm xúc nhanh chóng để bước đi tiếp trong sứ vụ của mình. Con không cho phép cảm xúc của mình điều khiển cuộc đời mình, mà con để yên cho cảm xúc xuôi chảy tự nhiên, rồi sau đó con quay trở lại với bước đường của con.

Đâu là cái ta đích thực của con?

Hỏi: Con xin hỏi là khi con muốn tăng trưởng tâm linh nhưng lại bị rối trí, liệu việc kêu gọi sự phán xét của Ki-tô trên chính con có là một việc làm đúng hay không?   


Trả lời từ chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Ta không khuyến khích con kêu gọi sự phán xét trên chính con bởi vì cái “chính con” đó là gì? Con yêu dấu, con có thể kêu gọi sự phán xét của Ki-tô trên tự ngã của con và con người phàm phu mà con đã tạo dựng. Nhưng con không muốn phán xét của Ki-tô trên chính con bởi vì con có thể – trong tâm trí con – nghĩ rằng “chính con” bao gồm tất cả những gì mà con là. Và thật là không cần thiết để kêu gọi phán xét của Ki-tô trên cái ta ý thức của con, vì cái Ta Biết là một phần nối dài của chính bản thể của Thượng đế và không cần phán xét.   

Sự phán xét đúng lý là một biện pháp nhắm vào trạng thái tâm thức thấp kém. Cho nên mặc dù đúng là cái Ta Biết phải quyết định bỏ lại đằng sau tâm thức nhị nguyên, con vẫn không cần phải kêu gọi phán xét cái Ta Biết. Con có thể kêu gọi phán xét tự ngã để cái Ta Biết nhìn ra được tự ngã là gì, vì sự phán xét sẽ phân biện giữa chân và giả.    

Nhưng không có lý do gì con phải kêu gọi phán xét cái chân, bởi vì – mặc dù các thày dạy rằng cái Ta Biết luôn luôn là cái mà nó nghĩ nó là – sự thật xâu xa hơn là cái Ta Biết sẽ luôn luôn là sự nối dài của Thượng đế. Và vì vậy, cái Ta Biết là thật, cho dù nó có thể tự đồng hóa với một bản sắc không thật.  

Ta hiểu, đây là một sự phân biệt rất vi tế có thể khiến con suy ngẫm. Nhưng ta không muốn con bước vào bất cứ tư duy nào cho rằng cái Ta Biết là không thật, ngay cả khi nó tự đồng hóa với tự ngã. Và do đó, ta muốn con luôn luôn giữ vững viễn kiến rằng cái Ta Biết là thật, và chỉ có cái ý niệm bản sắc vỏ ngoài, cá tính vỏ ngoài, là không thật mà thôi.

Ta mong muốn con suy ngẫm về sự khác biệt vi tế này, và nhận ra là mặc dù cái Ta Biết tự đồng hóa với tự ngã và với một bản sắc sinh diệt, rốt cuộc chỉ có bản sắc này mới không thật, còn cái Ta Biết thì luôn luôn thật. Và cách duy nhất để cái Ta Biết thoát khỏi bản sắc sinh diệt là nhận ra rằng bản sắc đó là không thật, trong khi tự thân cái Ta Biết thì LÀ thật. Cho dù nó đã sa ngã vào tách biệt và nhị nguyên, nó vẫn không đánh mất thực tại cốt lõi của nó nơi Thượng đế.

Và chắc chắn, con sẽ không kêu gọi sự phán xét trên Thượng đế được. Và bởi vì cái Ta Biết là một cá thể của Thượng đế cho nên con cũng sẽ không kêu gọi phán xét trên nó. Vì vậy con nên suy ngẫm là con đang nhìn chính mình như thế nào, con đang thấy CÁI TA của con là gì. Bởi vì rõ ràng, thế gian này đang lập trình để khiến con nghĩ rằng mọi thứ trong con đều là những thành phần của cái ta của con. Nhưng dĩ nhiên không phải vậy.

Quả thực, đây là một trong những ảo tưởng mà con cần phải lột bỏ trên đường tu, là khi con bắt đầu nhận ra có thể có nhiều yếu tố thuộc bản thân con mà không nhất thiết thuộc về cái ta của con, thuộc về chính con. Thật sự, không có một khía cạnh nào của phàm nhân của con là một thành phần của cái Ta Biết – đó chỉ là một cái phin lọc, một dụng cụ mà qua đó cái Ta Biết tự biểu đạt trong thế gian này. Nhưng cái Ta Biết là NHIỀU HƠN.