5 | Con không ở trên địa cầu để giải quyết các vấn đề

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels ngày 19/5/2018, nhân một hội nghị tại Hòa Lan.

TA LÀ chân sư thăng thiên MORE và thật là niềm vui cho thày được nói chuyện với các con và trao cho con một lời dạy sẽ có vẻ hơi khó và hơi nặng nề đối với con. Tuy nhiên, lời giảng này thật quan trọng để con nắm bắt Sứ vụ Thiêng liêng của con là gì và làm thế nào con có thể thực hiện được Sứ vụ.

5.1. Một cách tiếp cận Sứ vụ Thiêng liêng mất cân bằng

Con yêu dấu, Mẹ Mary có đặt câu hỏi là tại sao các thày đã không ban ra các giáo lý về Sứ vụ Thiêng liêng sớm hơn. Hiển nhiên Mẹ Mary đã trả lời câu đó một phần, nhưng thày muốn nêu lên một khía cạnh khác nữa. Trong một đợt truyền pháp trước, các thày đã ban ra nhiều lời dạy hơn về Sứ vụ Thiêng liêng và cũng đã đặt nhiều trọng tâm hơn vào đó. Các thày có nói là con người cần cân bằng nghiệp quả của mình và có một phần vụ thần thánh mà mình phải hoàn thành. Các thày nhận thấy là khi ai nấy nghe giảng về khái niệm này thì trong nhiều trường hợp, họ rơi vào một phản ứng rất thiếu cân bằng. Thày không nói điều này để chỉ trích một ai. Điều thày muốn chỉ ra ở đây là nhiều học trò, đặc biệt trong các thập niên trước, khi họ nghe nói đến khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng thì họ trở nên vô cùng nhiệt tình, háo hức muốn thực hiện.

Tất nhiên là tự thân nó, lòng nhiệt tình không có gì sai trái. Trên đường tu tâm linh, con cần một độ nhiệt tình nào đó. Nhưng mặt khác, người xưa có câu ngạn ngữ: “Đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt.” Thày cũng có thể nói là chiếc xe đưa con xuống địa ngục chạy bằng nhiên liệu là những ý định nhiệt tình thái quá.

Rất, rất nhiều người đã tiếp nhận giáo lý của các thày một cách mất cân bằng. Họ dùng giáo lý để đưa họ vào một trạng thái mà họ cảm nhận là lạc quan tích cực chỉ vì họ háo hức, nóng lòng, cả quyết, “tia sáng xanh và lửa cũng xanh”, và họ không để cho bất cứ gì cản bước họ hoàn thành Sứ vụ Thiêng liêng. Theo một nghĩa nào đó, nó giống như thể họ đang tham dự một cuộc đua xe băng đồng chạy khắp vùng nông thôn để đến được một mức đến. Các học trò đó náo nức đến độ họ nhảy liền lên xe, đạp ga phóng thật nhanh trên đường, khiến đá sỏi văng tung tóe tứ phía, nhưng họ lại không đem theo tấm bản đồ sẽ dẫn họ tới đích. Họ quá chú tâm vào việc chạy càng nhanh càng tốt đến nỗi họ không xét xem họ đang chạy về đâu và làm thế nào họ sẽ tới đó.

Các thày đã từng nói trước đây là một trong những vấn đề lớn với học trò của chân sư thăng thiên là các con có một viễn quan đúng đắn về những gì cần xảy ra – hay ít nhất con thấy được là một sự thay đổi cần phải xảy ra – nhưng con không có viễn quan đúng đắn về cách làm thế nào, làm thế nào để điều đó hiện thực. Một trong những lý do khiến các thày đã không đưa ra nhiều lời dạy hơn về Sứ vụ Thiêng liêng trong đợt truyền pháp này là vì các thày thận trọng hơn, dành ra nhiều thời gian hơn để dần dần vun xới cho tới điểm con có đủ hiểu biết cùng các dụng cụ thực tiễn dưới hình thức các bài thỉnh và sách sẽ giúp con thực sự đương đầu với thế lực đối lập. Tất nhiên con cũng có những dụng cụ thực tiễn để đối phó với các yếu tố trong tâm lý con đã tạo ra phản ứng mất cân bằng. Thày không chỉ nói với các con đang ngồi đây mà với cả nhiều người khác có thể đã tìm ra lời dạy này hay thậm chí nghe nói về Sứ vụ Thiêng liêng lần đầu tiên.

5.2. Ngã gốc và sự mất cân bằng

Điều quan trọng là con cần biết, khi con tìm thấy một lời dạy của chân sư thăng thiên lần đầu, và đặc biệt khi con nghe nói về Sứ vụ Thiêng liêng (và cả về khái niệm Thời đại Hoàng kim lẫn cách làm thế nào thay đổi địa cầu), là không hiếm khi người ta tiếp nhận những lời dạy đó một cách mất cân bằng. Mất cân bằng chính xác là gì? Phần lớn đây là một vấn đề cá nhân cho nên nó tùy thuộc vào tâm lý của con. Điều nó thật sự tùy thuộc là cái ngã gốc mà con đã tạo ra để đáp ứng với chấn thương nhập đời nguyên thủy mà con trải nghiệm, rất có thể trong kiếp hiện thân đầu tiên của con (có khi không là kiếp đầu tiên nhưng một trong những kiếp sau đó).

Khi con phải kinh qua chấn thương đó, hiển nhiên con đã có một số cảm xúc, một số ý nghĩ. Điều này thường khiến con tạo ra một cái ngã tìm cầu một phương cách, có thể nói là để phục thù, bù đắp, đền bồi, chỉnh sửa chấn thương nhập đời mà con đã gánh chịu. Nói cách khác, ngã đó bảo rằng: “Sa nhân đã làm chuyện đó với tôi, tôi muốn trả đũa lại, tôi muốn… [bất cứ điều gì tùy theo mỗi cá nhân].” Con muốn làm gì đó với chúng hay con muốn một điều gì đó xảy ra cho chúng và – nếu có thể nói như vậy – điều này sẽ “gỡ huề tỷ số” để con cảm thấy như chúng nhận được hình phạt xứng đáng. Sự thể này sẽ khiến cho một số các con trở nên, như thày vừa nói, quá nhiệt tình muốn thay đổi thế giới. Trong nhiều trường hợp, nó cũng đã khiến cho một số học trò bước vào một giai đoạn nơi họ tập trung vào những thứ vỏ ngoài.    

Tất nhiên, một trong những thứ mà nhiều người đã làm là trở nên vô cùng háo hức muốn đọc các bài chú, hết giờ này sang giờ nọ – như trong đợt truyền pháp trước, họ sẽ dự lễ mấy lần mỗi tuần để đọc chú hàng giờ đồng hồ. Họ nghĩ họ phải làm điều đó để thay đổi thế giới, để trói chặt sa nhân, để cân bằng nghiệp quả và chuyển đổi địa cầu cho thày Saint Germain. Cho nên họ không có nhu cầu và thời gian hay sự chú ý để tu sửa tâm lý của họ. Tất nhiên, con có thể nhìn lại và nói: “Nhưng họ làm vậy là do những gì đã được ban ra qua các bài truyền đọc, hay ít ra do cách thức mà các bài truyền đọc được diễn giải trong văn hóa của tổ chức đó.”

Đúng vậy, nhưng một lần nữa như các thày đã trình bày mấy lần, các thày phải nhìn vào một nhóm người nhất định ở một thời điểm nhất định, xét xem họ sẵn sàng nhận được những gì, rồi trao cho họ cái đó, thỉnh thoảng còn trao cho họ một cái gì cùng cực đến độ họ sẽ chán ngán và bắt đầu phải nhìn xa hơn. Vào thời đó có một số học trò chưa sẵn sàng, nhưng một số cũng không sẵn lòng nhìn vào tâm lý của mình. Các thày đã cho họ môi trường vỏ ngoài đó nơi họ có cái cớ toàn hảo để không xem đến tâm lý của họ khi họ phải đọc tất cả những bài chú đó.

Mặt khác, họ còn nhận được nhiều lời chỉ dẫn phải đọc những bài chú nào, đến độ nếu họ theo đó mà đọc hết thì 24 tiếng một ngày cũng không đủ vào đâu. Đó là một toan tính từ phía các thày nhằm nói lên: “Đây, các thày không thể chạm được các con, các thày không thể khiến con nhìn ra những gì con cần nhìn thấy, cho nên các thày sẽ cho con nhiều đến độ cuối cùng nó sẽ quá tải, và mong thay, ít nhất có một số các con sẽ đứng lui lại và tìm ra một cách tiếp cận cân bằng hơn.” Quả vậy, một số đã nhìn ra và một số vẫn không nhìn ra – và tiếc thay, đó là sự thể các thày phải chấp nhận. Dù với lời dạy nào đi nữa, các thày cũng không thể chạm được mọi người.

5.3. Một cảm nhận cao hơn về cân xứng

Điểm thày muốn nói ở đây là trong thời đại hôm nay và trong đợt truyền pháp của các con, các con đang có một mức giảng dạy khác hơn. Điều được nhấn mạnh nhiều hơn là sự tăng triển của mỗi cá nhân, việc giải quyết và chữa lành tâm lý cùng những chấn thương trong quá khứ mà các thày đã đề cập với con gần đây.

Có nghĩa là con có tiềm năng tiếp cận một cách cân bằng hơn, y như những gì Mẹ Mary đã nói. Thày muốn đi vào vấn đề này sâu hơn một chút. Mục đích thực sự của các chân sư thăng thiên không phải là để chế tạo một số thay đổi vỏ ngoài nhất định trên địa cầu. Con có thể hỏi: “Nhưng chẳng phải là điều này đi ngược lại những lời dạy về Thời Hoàng kim của Saint Germain khi thày muốn cải thiện mọi khía cạnh của cuộc sống trên trái đất và đem lại một trình độ văn minh cao hơn hay sao?” À, không, con yêu dấu. Từ một nhãn quan vỏ ngoài đường thẳng thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng ngay cả Saint Germain cũng từng nói rằng mục đích chính yếu của Thời Hoàng kim thật ra là để nâng cao tâm thức loài người, chứ không để thị hiện những kết quả vỏ ngoài đặc thù đó. Thày Saint Germain sử dụng những thứ vỏ ngoài đó như một dụng cụ để nâng cao tâm thức con người, chứ tự thân chúng không phải là mục tiêu.

Ở đây con phải nhìn nhận là các thày đã cho con khái niệm rằng địa cầu không là một hành tinh tự nhiên. Các thày đã nói với con là có hàng tỷ hành tinh khác trong vũ trụ ở mức hành tinh tự nhiên và do đó cũng không có tất cả những biểu hiện dựa trên sợ hãi mà con thấy trên trái đất. Như Mẹ Mary có gợi ý, kỳ thực có hàng tỷ hành tinh đã gia tốc, và các cư dân ở đó đã gia tốc hành tinh của họ tới một trình độ vượt xa địa cầu đến nỗi hầu hết loài người khó lòng nào hiểu nổi.

Con phải nhìn nhận là tất nhiên, nói chung như một nhóm, các chân sư thăng thiên biết rất rõ là hầu hết mọi hành tinh đều ở một trình độ rất cao. Hiển nhiên các chân sư đã chọn ở lại làm việc với địa cầu thì không quá tập trung vào các hành tinh cao đó, nhưng các thày biết là họ hiện hữu. Các thày có tương tác với các chân sư đang làm việc với các hành tinh đó, thậm chí cả với các chân sư mang viễn quan tổng thể về toàn bộ vũ trụ vật chất lẫn con đường tiến hóa của vũ trụ. Điều này có nghĩa là các thày có một ý niệm về sự cân xứng mà thường thường các con không có được trên địa cầu khi con là người đầu thai.

Nhiều người trên địa cầu rất chú tâm vào địa cầu và, tất nhiên, nhiều người cho rằng đây là hành tinh duy nhất có người ta sinh sống. Nhiều tín hữu đạo Cơ đốc cho rằng đây phải là một hành tinh thật quan trọng đối với Thượng đế, nhiều người theo phong trào Thời Mới và người tâm linh cũng xem địa cầu là quan trọng vì nó khiến cho họ cảm thấy chính họ quan trọng do họ đang sống ở đây, vân vân và vân vân.

Điều thày muốn cho con là một chút cảm nhận cân xứng của các chân sư thăng thiên. Khi con đứng lui lại một bước và ngắm nhìn toàn bộ vũ trụ vật chất, con biết qua khoa học là có hàng tỷ dải thiên hà, hàng tỷ mặt trời, hàng tỷ thái dương hệ, hàng tỷ hành tinh với tiềm năng mang sự sống. Thày nói với con, những hành tinh gọi là “tương tự như trái đất” mà khoa học đã khám phá chỉ là một phần rất nhỏ trong số những hành tinh có sự sống. Các con chỉ đang cố tìm những hành tinh có cùng một loại dạng sống như trên địa cầu. Dĩ nhiên là còn rất nhiều loại dạng sống khác không dựa trên cacbon – nếu có thể nói như vậy – mà dựa trên các nguyên tố hóa học khác và do đó không thể phát hiện được bằng giác quan vật lý cũng như bằng các loại dụng cụ khoa học dựa trên giác quan mà con có trên trái đất. Đó là tại sao con không thể nhìn thấy sự sống trên Kim tinh mặc dù các thày đã nói với con là Kim tinh có sự sống. Điều này cũng áp dụng cho rất nhiều hành tinh khác khắp vũ trụ.

Khi con bước lui lại và nhìn từ tầm nhìn rộng mở đó, con thấy rõ là tuyệt đại đa số các hành tinh đều đang gia tốc rất nhanh chóng. Cư dân ở đó đã đi vào một vòng xoắn ốc tích cực, một xoắn ốc tích cực đang tự củng cố. Khi họ tương tác với chân sư thăng thiên, khi họ nâng cao tâm thức của họ, các chân sư có khả năng trao cho họ nhiều ánh sáng hơn, thế rồi họ lại gia tốc thêm nữa và tất cả trở thành một vòng xoắn ốc hướng thượng tích cực. Tương đối chỉ có một số ít hành tinh giống như địa cầu. Vậy thì trong viễn quan rộng lớn đó, các thày sẽ nhìn địa cầu ra sao? Hiển nhiên, các thày thấy địa cầu rõ ràng không nằm trong số các hành tinh đã bước vào một vòng xoáy tự củng cố và đang gia tốc. Trên địa cầu có một vòng xoáy hướng thượng, nhưng nó chưa bắt đầu tự củng cố do chưa đủ túc số tới hạn (critical mass) là những cư dân hiện đầu thai đã bước vào tiến trình nâng cao tâm thức của mình. Về cơ bản, địa cầu đang phần lớn được kéo lên bởi phần còn lại của vũ trụ, bởi các chân sư thăng thiên và bởi một số ít người đầu thai đang nâng cao tâm thức của mình.

5.4. Địa cầu là một dụng cụ giáo huấn

Loại hành tinh như thế này là một hành tinh mà các thày phần lớn xem là một dụng cụ giáo huấn cho những sinh thể không thể học hỏi trực tiếp từ bên trong nội tâm. Do đó họ cần một hành tinh nơi họ có thể nhìn thấy trạng thái tâm thức của họ trải bày ra trong vật lý. Đồng ý, hầu hết mọi người không nhận thức được điều này và thậm chí cũng không sẵn sàng đón nhận ý tưởng này. Nếu con nói cho họ biết, họ sẽ chỉ lắc đầu và nghĩ con điên rồi. Dù sao thì thực tế là địa cầu đang trình chiếu trạng thái tâm thức của con người ra bên ngoài.

Khi con biết điều này, con cần tự đặt một câu hỏi đơn giản: “Nếu địa cầu đang trình chiếu trạng thái tâm thức của con người lên chính nó, thì liệu có bất kỳ điều kiện nào trên địa cầu là thực một cách tối hậu, bất kỳ điều kiện nào là bền lâu, có tuổi thọ và có giá trị trường cửu liên tục hay không?” Thực tế là trên địa cầu thật sự không có gì cần được bảo tồn, không có gì mà các chân sư thăng thiên muốn thấy được bảo tồn trong dài hạn.

Tất cả mọi thứ ở đây là một thị hiện tạm thời mà các thày thấy rõ là cần được thăng vượt trước khi trái đất trở thành một hành tinh tự nhiên. Con có thể nhìn địa cầu và nói: “Không hiểu nếu địa cầu chuyển đổi và trở thành một hành tinh tự nhiên, liệu sẽ có bất kỳ điều kiện hiện hữu nào sẽ tồn tại hay không?” Câu trả lời sẽ gây sốc cho rất nhiều người: “Không hẳn”. Hầu như không có bất cứ gì ở đây sẽ tồn tại trong hình dạng hiện hữu khi địa cầu trở về trạng thái hành tinh tự nhiên. Con yêu dấu, điều chủ yếu sẽ thay đổi khi địa cầu trở về trạng thái một hành tinh tự nhiên là độ dày đặc của vật chất sẽ giảm xuống và độ rung động của vật chất sẽ tăng lên. Có nghĩa là hầu hết mọi điều kiện vật lý, kể cả những gì các nhà khoa học gọi là định luật tự nhiên đang vận hành ngay bây giờ, sẽ được vượt thăng. Địa cầu sẽ gia tốc vượt ra khỏi các điều kiện đó.

Với ý tưởng này trong tâm, con có thể đạt viễn quan là đối với các chân sư thăng thiên, thật không có gì quan trọng một cách tối hậu nếu một điều kiện nào đó, một điều kiện vật lý nào đó có thay đổi hay không. Có nghĩa là khi đó, con sẽ có thể xoay chuyển – như Mẹ Mary đã nói tới – và bảo rằng: “À, vậy thì tôi cần phải làm gì đây qua Sứ vụ Thiêng liêng của tôi? Nếu tôi đã lập ra Sứ vụ ở một mức nhận thức cao hơn bây giờ, thì vào lúc đó tôi đã ghi vào Sứ vụ những việc gì tôi có ý định thực hiện trong cõi vật lý? Tôi đang ở đây để đóng góp đem lại những thay đổi nào?”

Tất nhiên đây là một câu hỏi mang tính chất rất cá nhân. Mặc dù thày có nói là các điều kiện vật lý không quan trọng một cách tối hậu (chúng là một phần của toàn bộ phương trình của địa cầu), con sẽ không thể chuyển sang Thời đại Hoàng kim hay chuyển cả địa cầu vào một trạng thái tự nhiên mà không đem lại nhiều thay đổi vật lý. Những thay đổi đó bao gồm những ý tưởng mới, những khám phá mới, những công nghệ mới, những hình thức chính quyền mới, những hình thức giáo dục mới, những hình thức văn hóa nghệ thuật mới, vân vân và vân vân. Quả thật sẽ có rất nhiều thay đổi vật lý cần xảy ra, nhưng viễn quan vô cùng quan trọng mà thày thấy cần cho con là sự kiện những thay đổi đó không là tối hậu, không là chung cuộc. Chúng chỉ là những bước đi trên một con đường, là những giai đoạn trong tiến trình chuyển tiếp.    

5.5. Tâm thức đi trước biểu hiện vật lý

Điều này chủ yếu nhằm giúp con tránh rơi vào cái phản ứng khi con cho rằng một số thay đổi vật lý và một số điều kiện nhất định có tầm quan trọng tối hậu. Sự xoay chuyển mà các thày đang cố giúp con thực hiện là con thực sự thể nhập, thực sự nắm bắt, thực sự trải nghiệm sự thật mà các thày đã bày tỏ bằng nhiều cách trong suốt mấy năm qua, đó là tâm thức đi trước biểu hiện vật lý. Nói cách khác, có một niềm tin được người ta ưa chuộng đang bay phất phơ trong tâm thức tập thể – một phần do đạo Cơ đốc – cho rằng có một loại phép lạ nào đó từ trên sẽ có thể thay đổi địa cầu. Niềm tin này cũng một phần đến từ khoa học duy vật cho rằng chỉ một thay đổi vật lý dựa trên các định luật tự nhiên mới có thể đem lại những điều kiện mới.

Điều các thày cố giúp con thể nhập và trải nghiệm là thực tại rằng tất cả mọi thứ đều là sự trải bày ra bên ngoài của trạng thái tâm thức của nhân loại trên địa cầu. Trước khi có thể có thay đổi đích thực, thật ra trước khi có bất kỳ thay đổi nào, phải có trước tiên sự thay đổi trong tâm thức. Con có thể nhìn ngược dòng lịch sử của công nghệ chẳng hạn và con có thể nói: “Nhưng rõ ràng là có một tiến trình vật lý đã tuần tự dẫn từ khám phá này đến khám phá sau rồi khám phá sau nữa. Một nhà khoa học xây dựng trên nền tảng những gì các nhà khoa học trước đó đã tìm ra, và bỗng nhiên chúng ta có các phương trình của Einstein và thuyết tương đối, và chính cái này đã dẫn đến sự phát triển bom nguyên tử.”

Con yêu dấu, điều các nhà duy vật không nhìn thấy – vì họ không muốn nhìn vào – là trước khi tiến trình vật lý có thể xảy ra thì đã có một sự thay đổi trong tâm thức tập thể. Nếu con xem xét tất cả mọi biến cố lịch sử đã diễn ra, con sẽ thấy được – nếu con có khả năng nhìn thấy ba thể cao của tâm thức tập thể – một sự xoay chuyển, một biến đổi nào đó đã có mặt. Cho dù đó là một thay đổi gọi là tích cực hay một thay đổi tiêu cực, thì con cũng thấy được là nó đã xảy đến. Không có gì xảy ra trong cõi vật lý đã từng được quyết định hay được khởi phát duy ở tầng vật lý mà thôi. Luôn luôn có một thay đổi ở các tầng cảm xúc, lý trí và bản sắc trước khi một thay đổi vật lý có thể xảy đến. Suốt lịch sử đã diễn ra như vậy và trong tương lai cũng sẽ như vậy.

5.6. Con đã xoay chuyển tâm thức hay chưa?

Thế thì con có thể dùng điểm trên để nhìn vào chính mình cùng cách con tiếp cận đối với đường tu tâm linh, đối với khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng, và con có thể nói: “À, điều quan trọng thật sự không phải là những thay đổi vật lý mà tôi đã đến đây để đem lại. Điều quan trọng không thật sự là nhìn xem những gì tôi cần làm trong cõi vật lý.” Như thày đã nói, nhiều đệ tử trở nên nóng lòng muốn thay đổi thế giới hay thay đổi người khác đến độ họ quên không nhìn vào bản thân. Nhiều học trò khác thì không đến nỗi tập trung vào việc thay đổi người khác hay thế giới, nhưng họ lại tập trung vào câu hỏi: “Tôi cần phải làm gì trong cõi vật lý?” Như Mẹ Mary một lần nữa đã gợi ý, họ nghĩ nếu phải chi có một vị đạo sư đến bảo họ: “Con phải đem lại khám phá mới này trong lãnh vực này,” thì đó là lời duy nhất mà họ cần biết. Họ sẽ cố tìm hiểu lãnh vực đó một cách phân tích đường thẳng rồi họ sẽ đem lại khám phá mới đó. Nhưng như Mẹ Mary đã nói, con không thể thật sự làm được chuyện đó nếu con chưa xoay chuyển tâm thức của con cho tới điểm con nhận được nó từ bên trong. Và để làm điều này, có thể con sẽ phải khắc phục một số chấn thương, một số tin tưởng sai lầm, một cách phản ứng mất cân bằng nào đó, rồi khi đó con mới có thể nhận được nó từ bên trong. Con không thể nào nhận được nó từ bên ngoài.

Một lần nữa, con có thể nhìn vào chính mình, con có thể nhìn vào phản ứng của con đối với toàn bộ ý tưởng Sứ vụ Thiêng liêng, và một khi con trung thực với chính con, con có thể nhìn vào bất kỳ sự mất cân bằng nào: “Liệu tôi có nhiệt tình thái quá hay không? Liệu tôi có tập trung bên ngoài bản thân mình, tôi có tập trung vào nhu cầu xét xử các sa nhân và loại trừ chúng ra khỏi hành tinh, vào nhu cầu sáng chế và khởi xướng công nghệ mới, nhu cầu cải tổ lãnh vực chính trị, nhu cầu thay đổi người khác để khiến họ nhìn ra cách hành xử sai trái của họ, khiến họ nhìn ra giáo lý của chân sư thăng thiên cùng chân lý duy nhất hay không?” Một lần nữa, thày không hề trách cứ con khi con có những phản ứng đó. Có thể nói đó là cách phản ứng tự nhiên trên hành tinh phi tự nhiên này. Dù sao thì phản ứng như vậy sẽ không giúp con khám phá những tầng cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng, mà kỳ thực nó sẽ ngăn chặn con khám phá.

5.7. Khắc phục cảm nhận bất công

Nếu con nhận diện con đang có một sự mất cân bằng, con có thể lấy giáo lý về chấn thương nhập đời, về ngã gốc, và con xét xem sự mất cân bằng đó có thật sự khởi lên từ mong muốn trả đũa, từ mong muốn đền bù phần nào sự bất công sai trái mà con cảm thấy người ta đã gây cho con khi con hứng chịu chấn thương nguyên thủy. Thày không phủ nhận là con đã nhận chịu một điều sai trái và đó là một sự bất công. Thày chỉ đang nói là con phải tra vấn (như mọi người đều làm khi cảm thấy mình bị người khác đối xử bất công) và câu hỏi thật giản dị: “Liệu tôi có muốn trừng phạt những kẻ đã hại tôi, hay tôi muốn được giải thoát khỏi những kẻ đã hại tôi và bước đi tiếp trên đường tu tâm linh?”

Nếu con muốn bước đi tiếp thì hiển nhiên con cần nhìn vào đó và nhận ra: “Đây chỉ đơn giản là chấn thương nhập đời của tôi đang tạo ra một phản ứng. Nó đã tạo ra một cái ngã tách biệt là một thành phần của ngã gốc của tôi, và tôi không muốn vác nó theo cho đến mãn kiếp, vì tôi biết rõ tôi không thể đem nó theo tôi vào cõi thăng thiên. Tôi sẵn lòng nhìn nó và tách mình ra khỏi nó, tôi sử dụng những dụng cụ mà chân sư đã cho tôi cho đến khi tôi đạt tới điểm tôi có khả năng buông ngã ra một cách tự nhiên và để cho ngã chết.”

Con yêu dấu, với một cái ngã khởi lên từ một cảm nhận bất công, một cảm nhận có gì sai trái, một mong muốn đền bù, thì ngã đó không bao giờ thỏa mãn được. Con có thể nói: “Nhưng một số sa nhân đã khiến tôi phải chịu chấn thương nhập đời đó, và nếu chúng bị phán xử và đưa vào cái chết thứ nhì, thì cái ngã khởi lên từ chấn thương sẽ được thỏa nguyện và nó sẽ phải giải thể chứ.”

Như các thày đã nói với con nhiều lần, cho dù điều kiện gì xảy ra đi nữa, ngã sẽ không đơn giản chịu nằm xuống mà chờ chết. Nó sẽ tiếp tục làm những gì nó vẫn làm. Nó sẽ nhìn quanh hành tinh này tìm xem có nỗi bất công nào khác hay không, rồi nó sẽ phóng chiếu ra là cái đó cũng phải được đền bù hay được giải quyết, hay một người nào đó phải bị trừng phạt – vì đó là công việc mà nó vốn làm. Nó máy móc y như một chiếc máy tính vậy, và nó sẽ dằng dai, máy móc thi hành những gì nó đã bị lập trình để thi hành, tức là tìm kiếm một điều kiện vỏ ngoài nào đó để lấy cớ làm công việc của nó.

Con sẽ không giải thoát khỏi nó bất kể những điều kiện vỏ ngoài mà con có thể đem lại. Con sẽ chỉ giải thoát khỏi nó khi con nhìn nhận là vấn đề mà ngã đó đã phóng chiếu ra sẽ không bao giờ có thể được giải quyết. Con không cần giải quyết nó. Đơn giản con chỉ cần nhìn ra nó là không thực, xong con cần buông nó ra, con cần từ bỏ nó, con từ bỏ mong muốn giải quyết vấn đề – vì vấn đề không có giải pháp.

Cũng gíống như khi thày cho con tầm nhìn về địa cầu. Con có thể nhìn vào rất nhiều vấn đề, vô số vấn đề gần như vô tận đang hiện diện trên trái đất. Con có thể chú tâm vào: “Tôi phải giải quyết vấn đề này, tôi phải đọc chú để mang lại giải pháp cho vấn đề này, tôi phải làm việc này, tôi phải làm việc kia.” Con có thể tiếp tục làm vậy cho tới hết kiếp này và dồn chú ý của con ra bên ngoài để giải quyết tất cả những vấn đề đó.

Thày không phủ nhận là các vấn đề có một sự tồn tại tạm thời. Thày không phủ nhận là chúng có tác động trên con người trên địa cầu. Nhưng con sẽ không giúp cho hành tình tiến bộ bằng cách giải quyết chúng. Con sẽ giúp cho hành tinh tiến bộ bằng cách cá nhân con thăng vượt tâm thức đã phóng chiếu ra các vấn đề đó, và như vậy con kéo tâm thức tập thể đi lên, hầu mọi người lần lần nhìn ra là mình không cần tiếp tục đánh nhau với người Do Thái hay người Ả Rập hay người Palestine hay người Serbia hay người Croatia hay người Pháp hay người Anh hay người Đức hay điều này điều nọ. Chúng ta có thể giản dị bước xa khỏi những thứ đó, vì chúng ta sẽ cảm thấy vui hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn khi chúng ta bước xa khỏi vấn đề mặc dù nó chưa được giải quyết.

5.8. Không có vấn đề nào phải giải quyết

Con thấy đó, con yêu dấu, châu Âu đã từng có một thời khi các quốc gia rơi vào tình trạng binh lửa triền miên. Rất thường khi người ta phóng chiếu ra một nỗi bất công nào đó vì có nước kia đã làm gì sai trái. Con thấy là sau Thế chiến thứ Nhất, Hiệp ước Versailles do người Pháp và người Anh chủ xướng quy cho nước Đức hành xử sai trái cho nên cần bị trừng phạt. Điều này tạo ra tiền đề cho Thế chiến thứ Hai, và cứ như vậy.

Giờ đây sau Thế chiến thứ Hai, có một nhận thức mới đã lan rộng khắp Âu châu, dẫn đến sự kiện là không một cuộc chiến lớn rộng nào đã xảy ra kể từ đó, ít nhất trong phần lớn Âu châu. Con yêu dấu, khi con nhìn vào Thế chiến thứ Hai với nước Đức bị bại trận rồi châu Âu bị chia đôi thành Đông và Tây, liệu Thế chiến thứ Hai đã giải quyết được vấn đề gì hay chăng? Không, chẳng giải quyết được vấn đề nào cả.

Nhưng tại sao đã không có chiến tranh kể từ đó? Bởi vì một túc số tới hạn trong dân chúng đã nhìn ra tính chất phi lý của tâm thức hiếu chiến đã kết đọng hai cuộc thế chiến, và mỗi người ở mức cá nhân của mình đã thăng vượt nó – rồi rốt cuộc cả tập thể cũng đạt được khối lượng tới hạn. Người dân châu Âu đã không chọn con đường dễ dàng nhất, vì tình hình đã bị đẩy tới mức cùng cực với sự diệt chủng người đạo Do Thái cùng những vụ giết người hàng loạt xảy ra trong chiến tranh – nhưng họ đã thành công. Sự xoay chuyển tâm thức chính là lý do tại sao đã không có chiến tranh, chứ không phải việc giải quyết vấn đề đặc thù đã gây ra hai cuộc thế chiến – bởi vì, một cách tối hậu, vấn đề đó không có giải pháp nào hết.

Con hãy nhìn vào các biến cố và tự hỏi: “Làm thế nào vấn đề đó có thể được giải quyết đây?” Nó không thể – vì giải pháp không hề có. Đó chính là vì sao mà cuối cùng thế chiến đã bùng nổ, vì vấn đề đã được sa nhân cố tình tạo ra để không có giải pháp và nó bắt buộc dẫn đến chiến tranh. Vấn đề chỉ được giải quyết khi có đủ túc số những người dân, cho dù có ý thức hay không, nhận ra rằng: “Không có gì ở đây có thể được giải quyết. Chúng ta chỉ có thể nhìn về phía trước mặt và quyết định thăng vượt tâm thức đó và không lại bước vào các khuôn nếp đã dẫn đến chiến tranh.”

5.9. Không có vấn đề nào phải giải quyết trong gia đình

Ở mức cá nhân cũng vậy, và trong gia đình cũng vậy. Trong mọi lãnh vực, sự thể cũng y như vậy. Hồi nãy các con có đề cập đến gia đình các con và chuyện thường xảy ra là có một khuôn nếp nghiệp quả, một khuôn nếp tâm lý đã hiện hữu từ mấy kiếp trước do các thành viên trong gia đình đã tái đầu thai với nhau hết kiếp này tới kiếp khác. Trong tư cách là học trò của chân sư thăng thiên, có lẽ con có tiềm năng đạt tới điểm là con có thể giúp cho thân nhân mình nhìn ra rằng vấn đề này không có giải pháp, rằng việc thay đổi người khác trong gia đình không thể giải quyết được chuyện gì. Đây chỉ đơn giản là chuyện nhìn thấy những gì đang diễn ra trong gia đình, động cơ đang vận hành trong gia đình, là sự biểu lộ của một trạng thái tâm thức. Cách duy nhất để thay đổi sự thể, cách duy nhất cho con được tự do, giản dị là con rời bỏ tâm thức đó, thăng vượt tâm thức đó bằng cách giải quyết nó bên trong chính con.

Đối với nhiều người trong số các con, đây chính là một phần trong Sứ vụ Thiêng liêng của con liên quan đến gia đình. Đó là con giúp cho người thân thấy được là không có vấn đề gì phải giải quyết. Chỉ có chuyện thăng vượt tâm thức, tìm ra một cách khác để nhìn nhau, để tương tác với nhau và cho phép mỗi người là con người mà mình là. Điều này đòi hỏi con tự thay đổi chính con cho tới mức con chấp nhận bản thân và cho phép mình là con người mà mình là. Chỉ khi nào con cho phép con là người con là, thì con mới có thể cho phép người khác là con người mà họ là, mà không cảm thấy mình bị đe dọa và cũng không muốn thay đổi người khác hầu con tránh né phải đương đầu với chính tâm lý của con. Con đạt tới điểm con cảm thấy thoải mái, vì người kia không còn “nhấn nút” để con cảm thấy mình không phải tự thay đổi chính mình.

Một số các con sẽ có khả năng giải thích những khái niệm này cho người thân một cách chung chung mà không đề cập đến chân sư thăng thiên, và con giúp họ nhìn ra rằng tất cả chỉ là chuyện lấy một quyết định: “Chúng ta sẽ thôi không đối xử với nhau cách đó nữa, chúng ta sẽ thôi không đổ lỗi cho nhau nữa, chúng ta sẽ thôi không tìm cách thay đổi nhau nữa, chúng ta sẽ chỉ đơn giản cho phép mỗi người là con người mà mình là, vui hưởng thời gian bên nhau khi chúng ta đang sống với nhau – hoặc nếu không, khi mỗi người bước theo đường riêng của mình.”

5.10. Không còn gì để bù đắp

Con yêu dấu, lòng nhiệt tình mất cân bằng đó đến từ đâu? Nó đến từ niềm tin cho rằng có một vấn đề nào đó tuyệt đối phải được giải quyết. Việc giải quyết vấn đề đó là chuyện nhất thiết, là quan trọng tối hậu. Đâu là cái tâm lý sâu xa nằm đằng sau? Đó là sự kiện con, như một con người, cảm thấy mình bị bế tắc do có gì đó bên trong mà con không biết làm thế nào thay đổi. Hoặc con sẽ cố không chú ý đến nó, hoặc con tìm cách phóng chiếu ra ngoài (ngã tiềm thức phóng chiếu ra ngoài) là nếu vấn đề vỏ ngoài kia được giải quyết, nếu những người kia thay đổi, thì vấn đề bên trong sẽ không còn nữa. Tại sao con đã không giải quyết được vấn đề đó chứ? À, là vì con chưa nhận được lời dạy về nguyên nhân của vấn đề, một nguyên nhân mà đối với đa số các con đi trở ngược về ngã gốc. Con thường hay cảm thấy mình bị bế tắc vì con trải nghiệm có sự mất cân bằng trong con nhưng con không biết làm thế nào giải quyết. Cho nên con cố giải quyết bằng cách thay đổi tất cả những thứ kia bên ngoài con, vì con không biết cách thay đổi bên trong con. Làm sao con biết cách thay đổi ngã gốc nếu con không biết mình có ngã gốc và ngã gốc đến từ đâu?

Đó là tại sao thày nói với con – vì con là một thành viên của đợt truyền pháp này, con cởi mở với những lời dạy này, và giờ đây con có những dụng cụ này – là con có khả năng, nếu con muốn, vượt qua rất nhanh chóng bất kỳ trạng thái mất cân bằng nào. Con yêu dấu, con có khả năng đạt tới điểm con không còn tìm cách thay đổi thế giới hay thay đổi người khác như một cách bù đắp cho một điều kiện bên trong tâm lý con. Con đã nhìn vào điều kiện đó, con đã giải quyết điều kiện đó – rồi điều gì xảy ra chứ? Một khi con đã giải quyết điều kiện đó, giải quyết xu hướng tập trung vào việc thay đổi những thứ vỏ ngoài, thì đột nhiên giờ đây con có thể bắt đầu nối kết với Sứ vụ Thiêng liêng của con. Giờ đây con có thể bỗng nhiên nhìn thấy những gì con đã hoạch định thay đổi hay đem lại trên địa cầu.

Sự khác biệt là con sẽ không làm điều này từ một mong muốn bù đắp cái gì. Con sẽ làm vì một lý do hoàn toàn tích cực. Con làm như vậy vì đó là sự biểu lộ con người mà con là. Nói cho cùng, điều sẽ đem lại cho con sự an bình và niềm vui được hiện thân trên một hành tinh như thế này chính là việc biểu lộ con người mà con là. Con không dính mắc vào những kết quả vỏ ngoài, vào quả trái của việc làm, vì con tìm thấy niềm vui khi con thể hiện bản thể cao hơn của mình. Đó là tiềm năng cao hơn trong Sứ vụ Thiêng liêng của con.

5.11. Giai đoạn sáng tạo trong Sứ vụ Thiêng liêng

Tất nhiên là có một giai đoạn “lao động” khi có thể con phải làm một số công việc, có quan hệ với một số người, thực hiện một số việc vỏ ngoài, kinh qua một số trải nghiệm. Nhiều người trong các con đã cảm thấy qua trực giác là con đã làm những thứ đó rồi. Điều các thày cố giúp con đạt tới là con bước vào giai đoạn cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng: giai đoạn sáng tạo. Đây là điểm con có thể bắt đầu trao tặng món quà của mình và biểu đạt cái Ta của con, cái tiềm năng cao nhất mà con muốn biểu đạt trước khi con đi vào hiện thân, dựa trên trạng thái tâm thức cao hơn mà con có tiềm năng đạt tới.

Đây có thể trở thành một vòng xoáy tích cực nơi con có sự an bình khi làm người đầu thai. Con không còn thái độ khiếm khuyết cho rằng mình luôn luôn bị chậm trễ ở đằng sau và mình luôn luôn phải ở một nơi nào khác. Luôn luôn có một điều gì đó mà đáng lý mình đã phải làm nhưng lại chưa làm, và có nhiều điều hơn mà mình đã có thể làm. Thay vào đó, con an bình làm người mà con là, biết rằng con sẽ tiếp tục tiến cao hơn từng bước một cho hết phần còn lại của kiếp này. Con sẽ ngày càng cảm thấy thoải mái hơn, ngày càng sáng tạo hơn khi thể hiện sự sáng tạo của mình, và ngày càng an bình hơn khi tận hưởng tiến trình dõi nhìn đời mình trải bày ra. Đây là trạng thái mà các thày muốn con đạt được vì đó là khi con có thể thực sự vui hưởng việc mình hiện diện trên hành tinh. Con yêu dấu, liệu có lý do gì mà các thày lại không muốn con tận hưởng sự hiện thân của con?

5.12. Dành thời gian để tận hưởng cuộc sống trên địa cầu

Thày sẽ nói với con là có một số đáng kể các chân sư từng thăng thiên từ địa cầu đã nhìn lại tiến trình đầu thai của mình, từ lúc mình rơi vào những vòng xoáy hướng hạ rồi lần lần, từ từ, leo ra khỏi để đạt tới điểm hội đủ tư cách thăng thiên. Các thày nhìn lại tiến trình đó và thấy ước gì mình đã dành ra nhiều thời gian hơn trong hiện thân để thực sự vui hưởng việc đầu thai trên hành tinh. Nhưng các thày cũng thực tế và biết rằng thời buổi đó có khác, và tâm thức tập thể cũng có dày đặc hơn. Cho nên trong một số trường hợp đã có một đòi hỏi cấp bách là các thày cần thăng thiên ở một thời điểm nhất định bởi nhiều lý do khác nhau. Đơn giản là khi đó đã không phải là lúc vui hưởng.

Con có thể thấy như trong trường hợp Giê-su, thày đã thăng thiên trong vật lý ngay sau khi hoàn tất sứ vụ công ích của mình. Thế rồi thày nhận được sự đặc miễn để có thể vật chất hóa một xác thân mới và sinh sống trong xác thân này cho đến tuổi 81 khi thày thực hiện cuộc thăng thiên tâm linh chung cuộc. Trong những năm tháng sống tại vùng Kashmir, thày đã vui hưởng sự đầu thai của mình mặc dù độ dày đặc của hành tinh vào thời đó. Con cũng thấy chính thày đây trong kiếp đầu thai chót, cùng với thày Kuthumi, hai thày cũng đã có thêm thời gian. Hai thày đã có một mức chứng đạt và không dính mắc nào đó cho nên đã có thể vui hưởng sự đầu thai của mình khi đó. Sự kiện này đã không được nhấn mạnh trong các đợt truyền pháp trước của chân sư thăng thiên, nhưng nó đã thật xảy ra – các thày đã có được một thời gian như vậy. Với một thời gian như vậy, kết quả là con có thể thực sự đạt tới điểm hoàn toàn an bình với sự có mặt của mình ở đây, nhưng con cũng an bình với việc thăng thiên. Trong khi đó, nếu con có một lịch trình gấp rút hơn thì thường khi con sẽ không đạt tới điểm an bình khi sống trên địa cầu.

Cho nên con gần như có thể tới mức hội đủ tư cách thăng thiên nhưng con chưa hẳn an bình với việc thăng thiên. Kỳ thực, con phải bỏ thêm thời gian để giải quyết cảm nhận phi-an-bình cuối cùng đó trước khi con thực sự đạt tới điểm có thể hoàn toàn bỏ lại địa cầu ở đằng sau và bước vào trạng thái thăng thiên. Lẽ tự nhiên, các thày mong muốn những ai trong số các con có tiềm năng thăng thiên sau kiếp này có thể chứng được mức đó, là mức con an bình và tận hưởng cuộc sống ở đây. Làm như vậy, con sẽ nêu gương là người tâm linh có thể an bình và có thể tận hưởng cuộc sống. Họ không cần rút khỏi cuộc đời để sống trong hang đá, họ không cần sống một cuộc đời khắc khổ với kỷ luật nghiêm ngặt. Thật ra họ có thể vui hưởng cuộc sống và biểu lộ niềm vui đó, và rồi họ cũng có thể an bình khi đi bước kế tiếp. Đối với các con có tiềm năng thăng thiên sau kiếp này, đây là những trình độ cao hơn của Sứ vụ Thiêng liêng của con. Đối với một số các con, điều này có thể đòi hỏi con xoay chuyển nhận biết một cách ý thức để mà thực sự thấy được điều này.

Để thấy được điều này, có thể con sẽ phải sẵn lòng xem xét một số thái độ cố hữu của mình về thế nào là một người tâm linh, thế nào là một học trò của chân sư thăng thiên, thế nào là đạt được một mức tâm thức cao hơn, thế nào là tỏ lộ quả vị Ki-tô của mình hay thị hiện quả vị Phật. Con cần bỏ lại một số hình ảnh đã được tạo ra trong quá khứ về cách hành xử mà một người tâm linh phải có.

5.13. Cả gan là con người mà con là

Con cần nhận ra ở đây như Mẹ Mary đã nói, rằng Sứ vụ Thiêng liêng của con là hoàn toàn cá nhân. Không có cách nào con có thể nhìn vào quá khứ và cách phản ứng của những người tâm linh khác trong quá khứ rồi bảo: “Ồ, đây là cái khuôn mẫu mà tất cả chúng ta phải làm theo trong tương lai.” Thày Giê-su đã kinh qua những gì thày đã kinh qua 2000 năm về trước vào khởi điểm của Thời đại Song ngư. Bây giờ con đang đứng ở khởi điểm của Thời đại Bảo bình. Con sẽ không hội đủ tư cách để thăng thiên bằng cách làm giống hệt như Giê-su vì tâm thức đã chuyển đổi và các yêu cầu cũng khác hơn.

Tất cả những thứ đó được bao gồm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con. Con đã nhìn vào thời điểm mình sẽ đầu thai, nhìn vào tâm thức của mình và con đã vạch ra một đường đi. Nếu con có tiềm năng thăng thiên sau kiếp này, con cũng sẽ có tiềm năng nhìn ra lần lần Sứ vụ Thiêng liêng và cách biểu hiện quả vị Ki-tô của con như thế nào. Thày chỉ giản dị nói là để làm được điều đó, con sẽ phải ngừng đặt ra bất kỳ chuẩn mực nào cho cách hành xử mà con nghĩ con phải có, cũng như những gì con nghĩ con phải làm hay không được làm.

Một lần nữa, đây không phải là chuyện bảo rằng con muốn làm gì cũng được, rằng không có gì sai trái hay không có gì phản tâm linh, mà là nói rằng: “Tôi sẽ không đi theo các tiêu chuẩn trong thế gian, các tiêu chuẩn của sa nhân, các tiêu chuẩn của tâm thức tập thể, hay ngay cả các tiêu chuẩn mà cho tới giờ tôi đã tạo ra trong kiếp đầu thai này. Thay vào đó tôi sẽ xem xét: Điều gì tôi đã ghi vào trong Sứ vụ Thiêng liêng của tôi, là những điều tôi đã chọn từ một mức nhận biết cao hơn. Tôi sẽ kéo những điều đó vào nhận thức có ý thức của mình, và tôi sẽ cả gan là con người như vậy, con người mà tôi đã muốn là trước khi tôi đầu thai – chứ không phải con người mà người khác hay sa nhân muốn tôi là, không phải con người mà các ngã tách biệt của tôi muốn tôi là.”       

Theo một nghĩa nào đó, đây không nhất thiết là một mục đích mà con có thể thị hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Đó là một tiến trình lần hồi, như Mẹ Mary có nói là một tiến trình từng bước đạt tới sự nhận biết cao hơn đó. Đối với nhiều người trong các con, nó sẽ không đến với con cho tới phần sau của đời con. Điều quan trọng là con không hốt hoảng mà rơi vào cái khuôn mẫu tự đặt ra cho mình một thời gian biểu. Nói thật, con yêu dấu, khi con bước vào những trạng thái cao hơn của tâm thức để tiến tới tầng 144, khi con tới điểm bắt đầu làm hòa, thì thời gian không còn đường thẳng nữa. Bỗng nhiên, như Phật có nói, thời gian không hiện hữu. Ngay cả nếu con tới mức hoàn toàn an bình trong hiện thân chỉ một tuần trước khi con bỏ lại thân xác và thăng thiên, thì trong tuần lễ đó con vẫn có thể tỏa rạng nhiều ánh sáng vào tâm thức tập thể đến độ con hoàn thành được Sứ vụ Thiêng liêng của con.

5.14. Tránh đặt ra những mục tiêu đường thẳng

Con thấy tâm đường thẳng luôn luôn muốn làm những thứ mà tâm đường thẳng muốn làm. Khi con “bắt” được khái niệm Sứ vụ Thiêng liêng và con có một mục tiêu, thì tâm đường thẳng sẽ muốn phát biểu: “Phải, nhưng mục tiêu này thật quá sức đối với tôi, cho nên tôi sẽ phải cố gắng xốc vác, tôi phải lập ra một thời gian biểu, tôi phải đến được điểm này, rồi tôi phải đến được điểm kia trước tuần tới. Trong vòng năm tới, tôi sẽ phải vươn lên tới mức đó, vân vân và vân vân.” Con có thể bắt đầu tạo ra trong tâm mình những cấu trúc công phu như vậy, nhưng nó có thể cản trở toàn bộ tiến trình. Bỗng nhiên nó biến thành một tiến trình đường thẳng, trong khi như các thày đã cố giải thích cho con mấy lần, đó là một tiến trình hình cầu, trực nhận và dựa trên trải nghiệm.

Đó không phải là chuyện hiểu biết, lên kế hoạch rồi quyết định với tâm vỏ ngoài, mà là thăng vượt tâm vỏ ngoài và có được những trải nghiệm không đường thẳng, không phân tích, không dựa trên tâm vỏ ngoài. Đó không là một cái gì tâm vỏ ngoài có thể nắm bắt. Chuyện thường xảy ra là khi con có một sáng ngộ “Đây là bước kế tiếp trong Sứ vụ của tôi” thì con không thể giải thích, con không thể biện minh được cho người khác. Con không thể đưa ra một lý do nào ngay cả cho chính con. Con chỉ biết: “Đây là bước kế tiếp và đây là những gì tôi đang làm.” Con học cách xuôi chảy, mà các thày gọi là xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Và khi con có một sáng ngộ, con không có nhu cầu biện minh cho nó và cũng không chống cự lại để thực hiện nó. Con chỉ xuôi chảy vào với nó. Vì vậy con không cần phải lên kế hoạch trước. Nhiều khi chỉ có một sáng ngộ tự phát đang có mặt ở đó, và ngay tức khắc, con xuôi chảy theo và đưa nó vào thị hiện.

Tư duy đường thẳng có thể hữu ích ở một mức nào đó trên đường tu, nhưng tới một điểm trên đường tu con sẽ không thể dùng một tiến trình đường thẳng để vượt qua khoảng cách giữa điểm con đang đứng với trạng thái thăng thiên. Tiến trình đó vẫn lần hồi, nó vẫn diễn ra từng bước một, nhưng nó không hề đường thẳng khi con có thể ngồi đó với tâm phân tích mà vạch ra kế hoạch: “Đây là cách thức tôi sẽ đi từ tầng 132 lên tầng 133 tuốt lên tới tầng 144.” Tiến trình đó hình cầu hơn nhiều, trực giác hơn nhiều, và đó là tại sao sẽ tới điểm khi con phải bắt đầu nhìn ra những giới hạn của tâm đường thẳng và vô hiệu hóa nó một cách ý thức.

Con tách mình ra khỏi nó và nhận ra tâm đường thẳng là một dụng cụ. Tự thân nó không có gì sai trái, nó chỉ là một dụng cụ tương tự như cơ thể vật lý. Cơ thể vật lý là cỗ xe để con tương tác với địa cầu. Tâm đường thẳng cũng như vậy, nhưng con đâu có cho phép các giới hạn của cơ thể vật lý quy định những gì con có thể thực hiện về mặt tâm linh và tăng triển tâm thức? Tâm đường thẳng cũng thế – con không cho phép nó giới hạn con.

Cho nên con phải đạt đến sự nhận biết ý thức cũng như quyết định ý thức là con sẽ tự gia tốc vượt khỏi tâm đường thẳng. Con sẽ ngừng tự đồng hóa với nó, con sẽ nhận ra là tâm đường thẳng sẽ luôn luôn làm những gì nó vốn làm – nó sẽ luôn luôn so sánh, luôn luôn phân tích, luôn luôn dán nhãn. Trong nhiều trường hợp, con chỉ đơn giản không đặt chú ý vào nó nữa. Con để yên cho nó làm công việc của nó, nhưng con không để ý tới nó vì con đi tìm cái sáng ngộ hình cầu sẽ có thể giải quyết bất kỳ mâu thuẫn hay nghịch lý nào mà tâm đường thẳng có thể nghĩ ra. Con cũng vô hiệu hóa mong muốn của tâm đường thẳng nhằm hoạch định từng chi tiết nhỏ nhặt trong phần đời còn lại của con. Con sẵn lòng xuôi chảy với Sứ vụ Thiêng liêng, tin tưởng rằng một khi con chuyên cần chữa lành tâm lý của mình và mở rộng tâm ra để nhận sáng ngộ, thì con sẽ nhận được những sáng ngộ đó, và khi con nhận được thì con sẽ tự động bắt tay thực hiện.

Thày đã nói nhiều hơn thày muốn, và tất nhiên đây là bản chất và niềm vui của thày. Mặc dù thày có thể tiếp tục nói nhiều hơn nữa, thày sẽ công nhận giới hạn của bát cung vật lý. Thày cảm ơn các con đã sẵn lòng trải nghiệm sự Hiện diện của thày và cũng cho phép thày trải nghiệm hiện diện của các con, vì sự tương tác với các con thật là một niềm vui. Như Mẹ Mary có nói, các thày đón nhận mỗi người trong tất cả các con một cách vô điều kiện, và thày không muốn cho con cảm tưởng – mà có thể con đã có từ những đợt truyền pháp trước – rằng thày là một sinh thể kỷ luật nghiêm khắc cứ đặt ra điều kiện là con phải đạt tới mức nào đó thì thày mới chỉ dạy con. Đối với những ai trong số các con mở tâm ra cho lời dạy này thì thật là một niềm vui cho thày được tương tác với con cho dù con tự nhìn mình như thế nào.

Một lần nữa, mong muốn của thày – mong muốn của thày – là con cũng tự nhìn mình như thày nhìn con. Đó sẽ là món quà mà thày sẽ sẵn lòng trao cho con. Quả thật nếu con cởi mở và sẵn lòng, rất có thể thày sẽ cho con một cái nhìn hé thoáng về những gì thày nhìn thấy nơi con – nếu con dành cho thày một khoảnh khắc chú ý.