Đốn ngộ và tiệm ngộ

Hỏi: Một số vị thày tâm linh, đặc biệt trong số những vị dạy về bất nhị (non-duality), dường như bác bỏ hay thậm chí xem thường nhu cầu bước theo một con đường tu. Các vị đó dựa trên sự kiện là họ đã có chứng ngộ tự phát (spontaneous awakening) hay đốn ngộ, và một số dạy rằng đây là cách duy nhất và không có gì chúng con có thể làm để ngộ đạt. Một số cũng nói là việc duy nhất chúng con cần làm là sống trong giây phút hiện tại. Xin thày chia sẻ cảm nghĩ của thày vì thày thường hay nhắc đến một con đường tu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Nhận xét đầu tiên của ta là không có giáo lý tâm linh nào có thể thích hợp với mọi người. Bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng bắt buộc phải được điều chỉnh để phù hợp với một tầng tâm thức nào đó. Khi con thấy các tầng tâm thức trên địa cầu này trải rộng trên một phạm vi rộng lớn như thế nào, thì thật không thể đưa ra một giáo lý thích hợp cho tất cả mọi người. Khi một vị thày tâm linh làm việc với các chân sư thăng thiên, vị ấy thường có thể đưa ra một giáo lý vượt quá kinh nghiệm riêng của mình. Nhưng khi một vị thày đứng riêng một mình thì giáo lý hầu như sẽ luôn luôn dựa trên kinh nghiệm cá nhân của vị ấy.

Việc này không có gì sai trái, nhưng con phải nhìn nhận là một giáo lý như vậy sẽ hiệu quả đối với những ai ở gần mức tâm thức của thày chứ không hiệu quả đối với người khác. Để ta lấy một ví dụ. Một vị thày có thể đã trải qua một bước đột phá tâm linh tự phát đưa ông lên một trạng thái tâm thức cao hơn. Thế rồi ông giảng dạy dựa trên trải nghiệm này, và nói chung ông bỏ qua nhu cầu phải đi theo một con đường tu tuần tự có hệ thống. Ông cố đưa đệ tử đi vào một trải nghiệm tương tự như trải nghiệm của chính ông, và ông làm vậy bằng cách chia sẻ các sáng ngộ mà ông đã nhận được sau khi đột phá.

Giả định nằm sâu bên dưới là nếu đệ tử nhận được sáng ngộ đúng đắn thì đệ tử cũng sẽ có được đốn ngộ giống như ông đã trải nghiệm. Đúng là điều này có thể xảy ra, nhưng chỉ với những ai đã gần đạt đến mức tâm thức mà ông đã có trước khi ngộ. Thế nhưng tuyệt đại đa số mọi người trên hành tinh này thì chưa đạt đến mức đó, cho nên không có một khối lượng sáng ngộ nào sẽ có thể đánh thức họ dậy một cách “tự phát” được. 

Nhiều vị thày tâm linh đã có một đột phá tự phát và tìm cách truyền đạt nó cho người khác. Một số vị như Krishnamurti chẳng hạn đã đi xa đến mức phủ nhận cả sự cần thiết của một con đường tâm linh lẫn của một vị thày tâm linh, cho dù là thày đang hiện thân hay đã thăng thiên. Tuy nhiên đối với những ai chưa đến gần được trình độ tâm thức của thày, kết quả cũng giống như thể con cầm một viên kẹo ngọt trước mặt một đứa bé trong khi con lại lái xe đi mất.

Hầu hết mọi người sẽ cần đi theo một đường tu tuần tự, có hệ thống, trước khi họ vươn đến một tầng tâm thức nơi họ có thể đột phá. Và điều này đòi hỏi một nỗ lực chuyên cần, bao gồm cả một số kỹ thuật tâm linh như các bài thỉnh, bài nguyện. Nếu họ cứ tin rằng tất cả những gì họ cần là một sáng ngộ đem lại cho họ một đột phá huyền diệu, thì điều này có thể làm chậm đáng kể bước tiến của họ. Con hãy tưởng tượng con đang bị lạc giữa rừng rậm. Bỗng nhiên ở trên cao con nghe thấy có tiếng máy bay trực thăng và có giọng ai đó vọng xuống: “Bạn hãy lên đây thì bạn sẽ thấy được lối ra khỏi khu rừng!” Nhưng nếu trên trực thăng không ném xuống một cái thang để con leo lên từng bước một thì làm thế nào con sẽ lên được tới mức đó?

Ý ta muốn nói là nhiều người gọi trải nghiệm của họ là đốn ngộ nhưng thật ra họ đã theo một con đường tu tuần tự, tiệm ngộ, trong những kiếp trước. Bây giờ họ có thể không còn nhớ, nhưng ở một thời điểm họ đã từng làm công việc này. Cho nên ta khuyên các đệ tử đừng bỏ các dụng cụ tâm linh, đừng bỏ đọc thỉnh đọc chú chẳng hạn.

Nhưng ở đây có một sự phân biện tinh tế mà con cần làm. Theo một nghĩa nào đó, thật là không sai khi bảo rằng con không thể LÀM gì để đạt đến giác ngộ. Bước đột phá chót của con phải xảy ra và sẽ xảy ra một cách tự phát qua một hồng ân được ban phát từ trên. Con không thể ép buộc nó xảy ra cho dù con có làm gì. Đây là tại sao ta thường hay nói đường tu không phải là một con đường vỏ ngoài máy móc và không có sự cứu rỗi nào là tự động hay bảo đảm.

Có thể nói là không có gì con có thể LÀM để đạt giác ngộ, vì điều ngăn cản con giác ngộ chính là cái tâm thức phải LÀM gì đó thay vì chỉ LÀ mà thôi. Tuy nhiên, điều ngăn cản con LÀ lại là sự phối hợp những niềm tin sai lạc với những năng lượng tha hóa được tích tụ trong bốn thể phàm của con. Nếu bỗng chốc có ai lột mất tất cả các niềm tin sai lạc này thì con sẽ phát điên, vì con sẽ không còn biết mình là ai nữa. Đó là vì sao cách duy nhất để tăng triển là bước theo một con đường tuần tự qua đó con biến hóa các năng lượng tha hóa và nhìn thấu các niềm tin bất toàn.

Và khi con làm sạch tâm con cho không còn các năng lượng và niềm tin này nữa, con sẽ giảm bớt từ lực đang cuốn hút con vào cái làm và cái nghĩ. Và điều này sẽ đưa con đến gần hơn với trạng thái mà Thiền gia gọi là “sơ tâm” – và ta thì gọi là trở thành giống như trẻ nhỏ. Thật không khó lắm để thấy được là hầu hết ai ai cũng đều bị vướng kẹt trong những vòng xoáy bất tận của hành động và phản ứng. Tâm thức tập thể này hình thành một cái gì giống như một thỏi nam châm khổng lồ. Con hãy tưởng tượng con đang đi ngang qua một thỏi nam châm to lớn mà trong túi lại có nhiều cục sắt. Nam châm sẽ hút lấy sắt và con sẽ bị cuốn hút theo. Tuy nhiên nếu con tuần tự vứt bỏ những cục sắt này đi thì lực hút kia sẽ giảm dần cho đến khi con có thể bước sát thỏi nam châm mà nó vẫn không thể nắm được gì ở con.

Cho nên có thể nói giác ngộ là trạng thái tự nhiên của tâm. Vấn đề xảy ra là tâm đã bị kẹt vào một mô thức làm và nghĩ, và mô thức này khiến nó luôn luôn bị bận rộn đeo đuổi một mục tiêu mà nó chưa nắm được. Cho nên nếu giác ngộ cũng trở thành một mục tiêu khác mà con cố đạt được bằng cách làm và nghĩ, thì đúng vậy, chính nỗ lực này sẽ kéo con xa khỏi giác ngộ. Tuy nhiên, điều kéo con vào cái làm và cái nghĩ chính là các niềm tin cùng các năng lượng kia. Nếu con vứt bỏ chúng đi, con sẽ dần dần đến gần hơn trạng thái tự nhiên. Và khi tâm đủ sạch không còn nhiều chướng ngại nữa, nó sẽ trở về trạng thái tự nhiên của nó một cách tự phát, không cần chút nỗ lực nào.

Và như vậy con sẽ có một bước đột phá tự phát có vẻ giống như đốn ngộ vậy, và theo một nghĩa nào đó, đó là đốn ngộ. Nhưng nếu con đã không đi theo con đường tiệm ngộ để làm sạch tâm con thì có bao giờ con có được cái ngộ này?

Một số vị thày nói rằng đa số người phương Tây suy nghĩ quá nhiều về quá khứ và tương lai. Tự ngã dùng quá khứ và tương lai để khuynh loát con người, nhưng tự ngã không thể hoạt động trong giây phút hiện tại, cho nên các vị thày khuyên đệ tử tập trung nhiều hơn vào hiện tại. Cách tiếp cận này không có gì sai vì quá nhiều người vẫn mang xu hướng chú tâm quá nhiều vào quá khứ lẫn tương lai. Đây là tại sao ta đã từng nói: “Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày nấy.” (Matthew 6:34)

Ta đồng ý là tự ngã cảm thấy rất khó hoạt động trong giây phút hiện tại, và nếu con thực sự tỉnh thức trong hiện tại vĩnh cửu thì tự ngã sẽ không có chút ảnh hưởng nào trên con. Tuy nhiên, khi bảo đệ tử nên tập trung vào hiện tại thì điều này sẽ chỉ hữu ích cho những ai đã đạt đến một tầng tâm thức nào đó. Con cần một trình độ trưởng thành tâm linh cao để thực sự LÀ trong hiện tại, và cho đến khi con đạt đến mức này thì con sẽ không có khả năng LÀ.

Cho nên khi một đệ tử được dạy là họ phải ở trong hiện tại, kỳ thực họ không thể nào trải nghiệm cái LÀ trong hiện tại. Thay vào đó, họ sẽ hình thành một khái niệm trong lý trí về thế nào là ở trong hiện tại – dựa trên sự hướng dẫn của vị thày thay vì dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ. Và ở đây tự ngã sẽ dư sức khuynh đảo bất kỳ khái niệm tư tưởng nào mà con người tạo ra. Điều này sẽ dễ dàng dẫn một số người bước vào một cách tiếp cận mất quân bình về cái là trong hiện tại. Thật ra khái niệm LÀ trong hiện tại không mới mẻ gì, vì đức Phật đã đầu tiên dạy về khái niệm này, rồi suốt bao nhiêu thế kỷ nhiều người đã đi theo một cách tiếp cận mất quân bình khiến họ rơi vào một trong hai cực đoan:

  • Một số người suy luận, LÀ trong hiện tại có nghĩa là họ có thể làm ngơ quá khứ. Bằng cách đốn ngộ, họ sẽ khắc phục được quá khứ mà không phải đương đầu với nghiệp quả hay các vết thương tâm lý. Cho nên họ bắt đầu tìm kiếm một sáng ngộ thần diệu sẽ làm mọi chuyện giùm họ. Một lần nữa, một sự đột phá có thể xảy ra nếu trong kiếp trước họ đã khắc phục nghiệp chướng cùng các vết thương của họ, nhưng đối với hầu hết mọi người thì không như vậy. Cho nên đối với đa số, việc làm ngơ quá khứ sẽ khiến cho bước tiến của họ bị chậm lại. Họ có thể tiến nhanh hơn rất nhiều nếu họ dùng tất cả các phương tiện có sẵn để giải quyết tâm lý của họ, khắc phục các niềm tin nhị nguyên và thanh tẩy mọi năng lượng tha hóa – tức là nghiệp – từ những kiếp trước.
  • Một số người suy luận là họ có thể ngừng suy nghĩ về tương lai, kể cả việc hoạch định cuộc đời của họ. Một số còn đi xa tới mức cho rằng Thượng đế sẽ chăm lo mọi chuyện một cách mầu nhiệm, và điều này đã khiến một vài người tầm đạo chân thành tự vận qua sự buông xuôi. Đây chính là cái chiêu mà ác quỷ đã sử dụng để cám dỗ ta sau khi ta trở về từ đồng vắng: “Và y nói rằng: Nếu ngươi là Con của Thượng đế thì hãy gieo mình xuống đi. Vì có lời chép rằng: Ngài sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ cho ngươi, để các thiên sứ nâng ngươi lên trong tay, kẻo chân ngươi khỏi vấp phải đá. Giê-su bảo y: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng cám dỗ đức Chúa là Thượng đế của ngươi.” (Matthew 4:6-7)     

Ý ta muốn nói là con nên có một cách tiếp cận cân bằng cho mọi chuyện trong đời. Con hãy biết là tự ngã sẽ luôn luôn tìm cách đẩy con vào cực đoan dù là bên này hay bên kia.

Một điểm chót mà ta muốn trình bày là một số vị thày đưa ra lời dạy về tâm có thể dễ dàng bị người ta ngộ nhận, rằng tâm là kẻ thù của đường tăng triển tâm linh. Quả là không sai khi nói rằng một tâm trí năng động quá mức, đặc biệt một trí thông minh đã nẩy nở sành điệu, có thể là một trở ngại cho sự phát triển tâm linh, vì tâm linh vốn là một tiến trình trực giác nhiều hơn là trí năng. Tuy nhiên, nếu con tin chính tâm con là một kẻ thù thì cách tiếp cận này không xây dựng, vì nó sẽ chỉ khiến con trở thành một căn nhà phân rẽ với chính nó.

Cách nhìn đúng đắn là tâm giống như một căn nhà có đầy tớ phục vụ. Nó chỉ trở thành một kẻ thù nếu chủ nhà không chịu chủ động trong nhà mình. Chủ nhà này chính là con – cụ thể là cái Ta Biết – có nghĩa là con đã hoạch định mình sẽ điều phục phàm ngã của mình bằng cách nhận lấy trách nhiệm trở thành Ki-tô. Khi con tìm được con đường Trung đạo của Ki-tô, con sẽ không để cho tâm con sai khiến con, nhưng đồng thời con cũng không sai khiến tâm con đến độ dập tắt mọi tiềm năng sáng tạo. Thật vậy, nhiều người tâm linh đã sử dụng kỷ luật nghiêm ngặt để kiểm soát tâm mình đến độ họ quên mất là họ đã không đến trái đất để ngồi trong một hang đá thiền quán về Thượng đế, mà để là một người đồng sáng tạo hầu đem lại vương quốc của Thượng đế đến hành tinh này.

Tâm con có tiềm năng trở thành một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ của con, và điều này biến tâm con thành một phần nối dài của tâm Thượng đế. Mọi thứ đều được tạo ra từ tâm thức Thượng đế, có nghĩa là mọi thứ đều được cấu tạo từ tâm của Thượng đế. Cho nên khi tâm con đảm nhận vai trò đích thực của nó như một cá thể của tâm Thượng đế – thay vì như một tâm tách biệt khỏi nguồn cội của nó – thì tâm con cũng trở thành một cỗ xe để thực hiện những gì con đã đến đây để thực hiện, tức là ngự trị trên trái đất.

Ta cũng muốn nói rõ ở đây là ta không bảo con không nên đọc các giáo lý nói trên. Ta chỉ đơn giản xin nói là ta chờ đợi những ai đến thăm trang mạng này sử dụng những sáng ngộ mà họ nhận được ở đây khi họ tìm hiểu, học hỏi bất kỳ loại giáo lý tâm linh nào. Và ta chờ đợi mọi người sẽ gắng hết sức lắng nghe lời dạy của ta về nhu cầu phải quân bình. Nếu con chưa nhận ra là ta thường hay nói về quân bình thì ta khuyên con nên đọc trang mạng này một lần nữa và ghi nhận bao nhiêu lần ta đã nhắc đến quân bình như là yêu cầu quan trọng nhất trong sự phát triển tâm linh chân chính. Ta đặc biệt khuyên con nên đọc hai bài giảng của ta về tự ngã cùng tư duy đen trắng và tư duy xám.

Nếu điều này đã rõ, thật không ai chối cãi là một số vị thày đã trao truyền nhiều sáng ngộ có giá trị về tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Hành giả ở mọi tầng tâm thức đều có thể được lợi lạc từ những sáng ngộ đó, nhưng con cần thực tế và đừng bỏ rơi con đường tăng triển tâm linh tuần tự để chạy theo một sáng ngộ thần diệu nào đó sẽ bỗng chốc biến con thành một sinh thể giác ngộ. Điều tốt hơn hẳn là con nên tiếp tục tu tập có phương pháp, rồi để yên cho cái ngộ tự phát xảy ra – một cách tự nhiên. Việc tìm cách chiếm đoạt thiên đường bằng vũ lực chưa bao giờ đưa bất cứ ai ra khỏi tầm tay của tự ngã.