Các bộ kinh và khả năng thần thông

Hỏi: Gần đây con đã tham gia một khóa học video với một nhà chữa bệnh nổi tiếng sử dụng năng lượng. Bà ấy từng tổ chức rất nhiều khóa đào tạo tại Ấn Độ. Trong khóa học này, bà đã cho chúng con 20 bài kinh để tụng niệm và sử dụng cùng với thiền định. Bà tuyên bố là việc sử dụng như vậy sẽ giúp chúng con mở khả năng đặc biệt và dẫn đến sự thăng tiến tâm linh. Bà giảng rất nhiều về việc mở cửa cho 12 luân xa bên trên đầu chúng con và về các cuộc điểm đạo. Mặc dù con không tin các lời tuyên bố của bà rằng bộ kinh này sẽ đem lại khả năng đặc biệt, con đã cảm nhận được một năng lượng nào đó bên trên đầu con khi con sử dụng. Con tự hỏi không biết các chân sư có thể giải thích lịch sử của pháp môn này và liệu nó có hữu ích hay không.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 cho Hoa kỳ – Phục sinh nền dân chủ. Đăng ngày 13/11/2022.

Có rất nhiều kỹ thuật và dụng cụ có giá trị, theo nghĩa là chúng có thể đem lại tác động tích cực. Tất nhiên là có nhiều cách để thỉnh năng lượng, những năng lượng cao hơn là các bài thỉnh, bài chú mà chúng tôi các chân sư thăng thiên đã ban cho con. Con có các truyền thống của Ấn độ giáo và Phật giáo cùng các truyền thống khác ở phương Đông với nhiều kỹ thuật có giá trị. Chính con cũng đang đọc một số những bài kinh này khi con đọc câu Om Mani Padme Hum, câu Om Ah Hum, Vajra Guru Padme Siddhi Hum cùng những câu tụng và thần chú khác, cho nên việc này có thể có giá trị.

Tuy nhiên, con hãy lưu ý rằng mục đích của một kỹ thuật tâm linh chính đáng không thực sự là để sản xuất ra những khả năng siêu nhiên hay khả năng thần thông. Bởi vì không một vị thày tâm linh chân chính nào sẽ khuyến khích học trò mình làm như vậy, và không một vị thày tâm linh chân chính nào sẽ tìm cách thu hút những học trò mong muốn như vậy.

Ngược lại là đằng khác, hầu hết mọi vị thày tâm linh chân chính sẽ cố tránh những loại học trò như thế vì các vị ấy biết rằng họ chỉ đến học do lòng mong cầu một số hiện tượng vỏ ngoài sẽ nâng cao tự ngã, sẽ khiến họ cảm thấy cao trội hơn người khác, và thường khi họ sẵn sàng cưỡng chiếm thiên đàng bằng vũ lực.

Nhiều vị thày tâm linh già dặn, tiến hóa hơn sẽ lánh xa các loại học trò đó bằng cách không đưa ra những lời lẽ bảo rằng con sẽ tự động hay hầu như bảo đảm đạt được một số khả năng đặc biệt nếu con tập tành một số kỹ thuật. Rất ít người có thể phát triển những khả năng thần thông chân chính, và rất ít người đã đặt công việc này vào Sứ vụ Thiêng liêng của mình. Đối với hầu hết mọi người, đây là một sự xao lãng trên con đường dẫn đến một trạng thái tâm thức cao hơn.

Pháp tu quan sát khách quan

Hỏi: Xin thày Giê-su cho biết ý kiến về các lời dạy của ông Michael Singer. Ông nói rằng một cách hiệu quả để phát triển tâm linh là tu tập sự quan sát khách quan và dần dần phóng thích các samskara (hành uẩn), các dấu chân (imprint) của lý trí và cảm xúc của chúng ta. Chẳng hạn khi một tình huống khó khăn khởi lên, chúng ta có thể thư giãn trong trạng thái quan sát khách quan và cho phép các năng lượng đó được phóng thích. Sự phóng thích này sẽ biến hóa năng lượng để cho năng lượng thấp ban đầu như sự tức giận hay sợ hãi có thể nâng lên thành năng lượng cao. Ông Singer trình bày cách này như một pháp tu thường nhật mà qua đó cuộc sống hàng ngày có thể trở thành một nguồn phát triển tâm linh phong phú. Liệu có hạn chế đáng kể nào hay cạm bẫy tiềm tàng nào liên quan đến phương pháp này, hay đây là một đường tu hiệu quả?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 cho Hoa Kỳ – Phục hồi nền dân chủ. Đăng ngày 12/11/2022.

Các chân sư xin không có ý kiến về một vị thày hay một giáo lý đặc thù. Nhưng điều ta sẽ nói ở đây là tất nhiên, có một số vị – cho dù họ là đạo sư tâm linh hay là chuyên gia trong ngành tâm lý – đã khám phá những kỹ thuật có giá trị, những ý tưởng có giá trị, và họ đã tìm ra cách biểu đạt các ý tưởng này cho hấp dẫn đối với một số người. Ý tưởng về hành uẩn hay tâm ảnh trở ngược về đạo Phật, và tất nhiên đây là một ý tưởng chính đáng. Đó cũng giống như khi các thày giảng về hình tư tưởng, về ngã tách biệt, về phin lọc nhận thức của con. Các thày cũng có giảng về việc bước vào một tâm thái trung hòa. Nhưng ta sẽ nói là việc nhận thức điều này và phóng thích các năng lượng tuy có hữu ích, nhưng nó sẽ hiệu quả hơn nếu con phối hợp với việc đọc thỉnh, đọc chú, qua đó con thỉnh gọi ánh sáng tâm linh để giải thể năng lượng.

Có những người đã đạt đến một mức nơi họ có khả năng – bằng cách tập trung vào một số năng lượng và phóng thích chúng – dùng tâm mình để biến hóa năng lượng, nhưng hầu hết mọi người khác thì không thể làm được vậy, và do đó sẽ hữu hiệu hơn cho họ nếu họ dùng bài thỉnh và bài chú để biến hóa năng lượng. Nếu không thì kỳ thực con có thể rơi vào cái bẫy là nghĩ rằng con đã phóng thích tất cả những năng lượng đó – và trong một số trường hợp người ta có khả năng làm vậy thật – nhưng con lại phóng thích chúng vào môi trường chung quanh nơi chúng sẽ ảnh hưởng đến người khác và góp phần vào tâm thức tập thể, thậm chí còn nuôi béo con quái vật tập thể. Điều này có thể trở thành một cái bẫy sẽ cản trở sự tăng triển tâm linh của con.

Điều con thấy trong một số trường hợp là có những vị thày tâm linh có thể đưa ra một ý tưởng có giá trị, nhưng họ không luôn luôn hiểu được đầy đủ làm thế nào đem ý tưởng này vào thực hành. Nhiều vị thày không thật sự nhận thức tầm quan trọng của các năng lượng trong các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc, cũng như những cách hiệu quả để biến hóa năng lượng.

Không phải là con không thể thay đổi năng lượng qua bốn tầng của tâm con, mà con không thể thực sự biến hóa năng lượng thành năng lượng cao hơn nếu con không tiếp cận một dạng năng lượng cao hơn. Và năng lượng này phải đến từ cõi thăng thiên, vì đây là cách duy nhất để nó đến với con. Con không thể chế tạo năng lượng này trong tâm con. Con có thể mở tâm ra tiếp nhận một dòng chảy từ cõi thăng thiên chứ con không thể chế tạo nó trong tâm con. Nếu con nghĩ con có thể thì đấy là một sự hiểu lầm.

Dùng trí năng để hiểu các khái niệm tâm linh xưa

Hỏi: Con xin được hỏi thày Gautama. Khi thày hiện thân trên trái đất, thày đã dạy các đệ tử về Niết bàn và các bậc A la hán. Các lời dạy thuở đó đưa ra khái niệm thế nào? Và có thật là thày đã dạy Vipassana và sự tĩnh lặng như một pháp tu của đạo Phật dẫn đến Niết bàn hay chăng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 – Là cánh cửa mở cho hành tinh địa cầu. Đăng ngày 27/10/2021.

Đúng là ta đã dạy nhiều giáo lý khác nhau. Một số đã trở thành Vipassana hay các giáo lý tâm linh khác hay các phép tu của Phật giáo. Tất nhiên ta cũng đã dạy về các khái niệm Niết bàn, giác ngộ cùng những khái niệm khác. Điều quan trọng con cần hiểu ở đây là câu hỏi con vừa đặt ra được hỏi từ tầng cấp lý trí. Con đang tìm cách dùng trí năng để cố hiểu người ta trải nghiệm các khái niệm đó như thế nào 2500 năm về trước.

Trước hết, điều này không thể làm được vì tâm thức tập thể trên địa cầu đã được nâng cao trong suốt 2500 năm đó. Không có cách nào con có thể thực sự nắm bắt mà dựa trên trải nghiệm con đang có ngày hôm nay, con không thể nắm bắt bằng trí thức cách con người thời đó nhìn các khái niệm này như thế nào.

Nhưng hơn nữa vào thời đó, con người không hiểu khái niệm một cách trí thức. Họ trải nghiệm. Con cũng có tiềm năng trải nghiệm như vậy, nhưng điều này hầu như không thể vì tâm thức tập thể đã tiến bước rồi. Con không thể thực sự lĩnh hội cách người ta nhìn cuộc đời như thế nào vào thời đó.

Nhưng con muốn trải nghiệm chuyện đó để làm gì chứ? Thực tế là con người vào thời đó rất ít trí thức như bây giờ. Điều này không nhất thiết là một điều tích cực nhưng nó cũng có một vài khía cạnh tích cực, theo nghĩa họ là những sinh thể sống bằng trải nghiệm, cho nên họ có thể trải nghiệm một giáo lý hay một pháp tu dễ dàng hơn, họ không mang vào lớp phủ của lý trí – một lớp phủ mà quá nhiều người trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại phương Tây, khoác vào.

Thật sự điều quan trọng cho con trong thời đại này là con không nên cố gắng dùng trí năng để hiểu các lời dạy, cho dù đó là lời dạy của đạo Phật mà ta đã ban ra thuở đó hay là lời dạy của các chân sư thăng thiên ngày hôm nay. Mà con tìm cách trải nghiệm thực tại sâu xa đằng sau lời dạy.

Điều này không có nghĩa là con không sử dụng tâm suy luận để xây dựng một hiểu biết nào đó về đường tu tâm linh cũng như về vũ trụ, nhưng nếu đó là tất cả những gì con rút tỉa được từ lời dạy thì con đã không hoàn thành được tiềm năng đầy đủ của lời dạy.

Về việc đốt nhang

Hỏi: Có rất nhiều người tâm linh đốt lá xô thơm (sage) hay thắp hương, thắp nhang để tẩy sạch những năng lượng tiêu cực hay những tà thể trong nhà ở và quanh cơ thể. Xin thày giúp con hiểu tại sao và làm thế nào hương khói có thể làm được chuyện đó?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 về Giải phóng Phụ nữ. Đăng ngày 5/7/2020.

Thật ra không phải là khói mà là sự rung động phát ra khi đốt các chất đó. Ta vừa trình bày về tinh thể (crystals) và ta có nói là con không thể để cho bước tăng triển tâm linh của con bị phụ thuộc vào một chất vật lý nào cả. Một lần nữa, có những người ở một mức tâm thức nào đó có thể hưởng lợi – hay ít ra hưởng một lợi ích mà họ cảm nhận – từ việc đốt nhang. Có một số loại nhang, chẳng hạn như nhang cây thông (pine) có thể xua đuổi tà thể, tương tự như chất thép không rỉ có thể đâm cắt vào tà thể khiến chúng bị khó chịu và phải rút lui.     

Nhưng khi con đã mở tâm ra để nhận giáo lý của đợt truyền pháp này, con không nên tin rằng làm như vậy tự nó là đủ. Con đã có những lời dạy, con có những bài chú cho Astrea và Đại thiên thần Michael, con có lời kêu gọi Shiva – vậy con hãy dùng đi. Nhưng xa hơn nữa, con hãy sử dụng các dụng cụ để chữa lành tâm lý của mình, hầu các tà thể đó không còn xâm nhập được vào tâm thức mình. Con không còn chấn thương nào để chúng có thể sử dụng mà ảnh hưởng được con nữa. Và như vậy, con sẽ thực hiện được yêu cầu của Giê-su là: “Ông hoàng của thế gian có thể đến nhưng y chẳng nắm được gì trong tôi”.  

Khi kundalini thức giấc tự phát

Hỏi: Thày Giê-su có dạy về con đường tuần tự nâng cao nhận biết, và thày cũng nói rằng tiến trình kundalini phải chậm và tuần tự. Khi kundalini thức dậy một cách tự phát, nó có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Tại sao có một số người trải nghiệm kundalini một cách tự phát khi họ chưa chuẩn bị và sẵn sàng? Các chân sư thăng thiên khuyến cáo họ làm gì?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 6/10/2019.

Con yêu dấu, mặc dù đây có thể là chuyện bẻ cong ngôn từ, nhưng không có gì gọi là một sự thức dậy tự phát, theo nghĩa là mọi người đã từng sống qua nhiều kiếp đầu thai, và tuy con có thể không làm gì đặc biệt trong kiếp này để đánh thức nó dậy, nhưng chắc chắn con đã làm một điều gì đó trong tiền kiếp đưa con đến điểm con trải nghiệm một sự thức dậy trong kiếp này.

Tất nhiên là có những người đã từng có một trải nghiệm mà chúng ta có thể gọi là “thức dậy tự phát” – hay kundalini tự động khởi dậy – và trải nghiệm này đã khiến họ vô cùng lo lắng. Đâu là mục đích của trải nghiệm này? Trong một số trường hợp, chẳng có mục đích gì đặc biệt ngoài sự kiện là những người đó đã, trong một tiền kiếp, toan chiếm đoạt thiên đường bằng vũ lực khi họ sử dụng một loại phương pháp nào đó, hay thậm chí sử dụng cả ma thuật đen chẳng hạn, để cưỡng ép kundalini dâng lên hay để ép buộc sự tăng triển tâm linh của mình. Có nghĩa là trong kiếp trước, họ đã không có được sự đột phá mà họ mong muốn, và trong kiếp sau thì sự đột phá xảy ra cho dù họ đã quên mất mình làm gì trước đây.

Mục đích duy nhất của sự kiện này là họ cần trải nghiệm những gì có thể xảy ra khi họ chiếm đoạt thiên đường bằng vũ lực. Có thể họ không có được trải nghiệm đó trong tâm ý thức, nhưng ít ra sau kiếp đầu thai này, họ sẽ có thể làm việc với các vị hướng dẫn tâm linh của họ và họ suy ngẫm, rút tỉa bài học về trải nghiệm này.

Cũng có một số người đã cố gắng phát triển tâm linh trong một tiền kiếp và đạt đến một mức nào đó, rồi trong kiếp này họ quyết định sẽ đầu thai trong những hoàn cảnh hoàn toàn thiếu vắng yếu tố kích động sự phát triển tâm linh. Cho nên họ không sinh ra trong một môi trường tâm linh, họ không được tu học tâm linh, không nhận được bất kỳ hướng dẫn tâm linh nào, rồi đùng một cái, như thể một cách vô cớ, họ có một sự thức dậy tự phát hay một trải nghiệm tâm linh vô cùng mạnh mẽ. Giờ đây vấn đề là làm thế nào xử lý được tình trạng này. Trong trường hợp này, mục đích có thể là họ đã chọn làm như vậy vì họ muốn chứng tỏ là cho dù họ đã lớn lên trong một môi trường phi tâm linh, ho vẫn có khả năng xoay chuyển để trở thành một con người nhận thức tâm linh hơn.

Vị sứ giả này có biết đến một người phụ nữ tại Đan mạch lớn lên với cha mẹ hoàn toàn phủ nhận mọi con đường tâm linh, thậm chí còn có lối sống rất duy vật. Bà đã tự đào tạo thành một ký giả, viết nhiều bài từ một nhân sinh quan duy vật. Thế rồi một hôm khi đến thăm một nhà thờ ở Tây ban nha, bà bỗng chiêm nghiệm thấy được Giê-su – như thể bà nhận thức được chính ta đang đứng bên cạnh bà. Kinh nghiệm này xoay chuyển tâm thức bà một cách mãnh liệt đến độ bà bỏ ra nhiều năm trời để lãnh hội. Kỳ thực, bà có trải nghiệm kundalini thức dậy và điều này khiến bà rất bối rối. Bà nghĩ mình bị bệnh tâm thần, nhưng rốt cuộc bà viết một cuốn sách về kinh nghiệm này. Cho đến nay, cuốn sách đã tác động tích cực đến rất nhiều độc giả, khiến độc giả hiểu ra là thật sự người ta có thể lớn lên trong một nền văn hóa và một môi trường vô cùng duy vật, nhưng người ta vẫn có thể xoay chuyển để nhận thức tâm linh hơn. Đây có thể là trường hợp của một số người.  

Tất nhiên cũng có một số người chứng nghiệm kundalini thức dậy là vì trong sứ vụ thiêng liêng của họ có ghi là họ sẽ trở thành một vị thày tâm linh, cho nên con thấy có một số người đã viết sách, đã là thày tâm linh, và dưới mắt họ thì họ đã có một sự thức tỉnh tâm linh tự phát. Một lần nữa, đây lại là một sự hiểu lầm vì họ không ý thức được là trong những kiếp trước, chắc chắn họ đã làm một điều gì đó để nâng cao tâm thức, dẫn họ tới điểm họ có khả năng “thức dậy tự phát”.

Trong một vài trường hợp, điều này có thể đem lại một hậu quả đáng tiếc là họ cho rằng thật sự họ không cần dạy cho đệ tử một con đường thức tỉnh tâm linh lần hồi, tuần tự từng bước một. Trên cơ bản, họ bảo con là con không thể làm bất cứ gì để thúc ép sự thức tỉnh tâm linh mà con chỉ cần ngồi chờ cho tới khi nó xảy đến. Hiển nhiên, nói như vậy sẽ không hữu ích lắm cho nhiều người, bởi vì nếu con không thức tỉnh tâm linh trong kiếp này thì không lẽ con cứ ngồi đó, hoàn toàn thoả mãn với tình trạng vô minh của mình và hy vọng rằng một ngày kia sự thức tỉnh sẽ ập tới?

Đa số những ai sẵn sàng tăng triển tâm linh sẽ cảm thấy là con đường tuần tự là con đường xây dựng hơn. Có một điểm vi tế ở đây, theo nghĩa là có một số vị thày tâm linh phủ nhận sự hiện hữu của một con đường tâm linh. Các vị thày đó nói rằng con không thể tạo ra một con đường máy móc sẽ dẫn con tới giác ngộ. Một số thày tâm linh đó là những sinh thể sa ngã chỉ đơn giản muốn ngăn cản không cho người ta cất bước trên đường tu. Nhưng một số vị thày đó không phải là sa nhân, và quả thực họ có lý từ một quan điểm nào đó.

Không có cách nào tạo ra một con đường máy móc để con – nếu con theo đúng một số bước chỉ dạy – sẽ được bảo đảm đạt đến thức tỉnh hay giác ngộ hay quả vị Ki-tô. Các chân sư thăng thiên đã nói nhiều lần đường tu không tự động, không máy móc. Tuy nhiên vẫn có khả năng tạo ra một con đường đưa con đến những tầng tâm thức cao hơn miễn là con không đi theo nó một cách máy móc, mà con nhận ra nhu cầu sử dụng và phát triển các khả năng trực giác của mình và nhìn xa hơn các giáo lý công truyền. Con không máy móc trong cách tu tập vỏ ngoài, mà trái lại con sẵn sàng mở tâm ra những chứng nghiệm tâm linh nhỏ hơn, lần hồi hơn, sẽ dẫn con đến những đột phá ngày càng lớn hơn.

Có một số người đã trải qua một chứng nghiệm thật dữ dội đưa đến một bước đột phá thật to lớn, nhưng đối với hầu hết mọi người, điều thực tiễn và xây dựng hơn hẳn là con có được rất nhiều những đột phá nho nhỏ, những chứng nghiệm “à ra thế” nho nhỏ, những trải nghiệm thần bí nho nhỏ sẽ lần lần dẫn con lên những tầng tâm thức ngày càng cao hơn.

Cũng có một số người khác đã phát triển tâm linh phần nào trong một tiền kiếp, nhưng khi bước vào kiếp này, họ lại phủ nhận khả năng tăng triển tâm linh. Cho nên con sẽ thấy một số người sống mấy chục năm trời trong sự phủ nhận tâm linh, rồi bỗng nhiên họ đột phá vì họ đã từng đạt đến mức này trong một tiên kiếp, và ngay cả sự phủ nhận cũng không đủ mạnh để trấn áp nó được. Mục đích ở đây, một lần nữa, có thể là để chứng tỏ là người ta vẫn có khả năng chuyển sang một nhận thức tâm linh hơn ngay cả khi người ta đã phủ nhận.

Điều quan trọng là con nhận ra đường tu không máy móc chút nào. Tuy nhiên điều cũng không kém quan trọng là con nhận ra đường tu có thật, và nếu con không tiếp cận nó một cách máy móc thì nó sẽ đem lại kết quả cho con.

Điều không xây dựng là con cứ ngồi đó mà chờ đơi một sự thức dậy tự phát, trong khi khắp bát cung vật lý đã có rất nhiều giáo lý và dụng cụ chỉ dẫn con tiến bước một cách tuần tự có hệ thống.

[Bài đọc thêm: Hiểu rõ năng lượng kundalini – một lời giải đáp của chân sư Giê-su]

Kỹ thuật thiền Vipassana

Hỏi: 2600 năm trước đây, đức Phật Gautama đã phát minh kỹ thuật thiền Vipassana. Không hiểu các chân sư có nhận xét gì về kỹ thuật này trong thế giới Tây phương hiện đại hay không?


Trả lời của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Albuquerque, Hoa kỳ, năm 2018. Đăng ngày 1/10/2019.

Con yêu dấu, ta đã không phát minh mà đã nhận được từ một cõi cao hơn, từ các chân sư thăng thiên. Thuở đó chưa có khái niệm chân sư thăng thiên, và các chân sư cũng chưa nhận thấy đến lúc tiết lộ được khái niệm đó. Cho nên lẽ tự nhiên, các Phật tử cho rằng ta đã nghĩ ra, đã phát minh ra kỹ thuật này.

Về mặt nó có thích hợp với thế giới Tây phương hiện đại hay không, thì đối với một số người, nó sẽ thích đáng bởi vì họ là những người mà trong tiền kiếp đã có dùng nó rồi theo truyền thống đạo Phật. Tuy nhiên các chân sư đã lượng định là trong thế giới Tây phương hiện đại, nếu người tu tập sử dụng một kỹ thuật phát tỏa ra ngoài – như các bài thỉnh, bài chú – thì sẽ xây dựng hơn. Làm như vậy sẽ phù hợp hơn với tư duy người phương Tây đặt trọng tâm nhiều hơn vào thành quả, vào việc thực hiện một công việc.

Ví dụ, nhiều người phương Tây không có nhiều sự chú tâm hướng nội, không thiên về thiền định nhiều lắm, không kiên trì ngồi thiền được lâu lắm, và họ cần cảm thấy là mình đang tích cực làm một công việc nào đó. Nhưng một lần nữa, nếu ở mức độ cá nhân có ai cảm thấy đây là một kỹ thuật hữu ích cho mình, chắc chắn họ có thể sử dụng được. Tuy nhiên xét về tầm ảnh hưởng to lớn trên thế giới Tây phương, thì ta không lượng định chuyện đó có thể xảy ra thời nay. Có những dụng cụ khác mà các chân sư ban ra thời nay phù hợp hơn với thế giới Tây phương.

Lẽ tự nhiên, con cần nhận thức, như tất cả các con cũng đều đã biết, là chúng ta cần có một tiến trình tiết lộ tuần tự, nghĩa là nói chung trên một hành tinh thay đổi nhanh chóng như địa cầu, một lời dạy được đưa ra cách đây 2600 năm không nên được xem là có giá trị muôn đời. Điều này không có nghĩa là không có một số ý tưởng phổ quát có thể áp dụng được ở mọi thời đại. Theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là những ý tưởng được biểu đạt ngày hôm nay bởi các chân sư thăng thiên cũng là cùng những ý tưởng đã được biểu đạt trong nhiều thời đại trước, nhưng sự biểu đạt luôn luôn phải phù hợp với bối cảnh khác nhau hầu có thể thích đáng và áp dụng được cho những người sống trong thời đại đó.

Không có chất nào, thiết bị nào, kỹ thuật nào trong cõi vật lý sẽ bảo đảm tăng triển tâm linh

Hỏi: Con có một câu hỏi về cần sa (marijuana). Con được đọc nhiều lần là người thổ dân sử dụng các loại ma túy như peyote marijuana để khai mở tâm linh trong bộ lạc của họ. Con xin các thày vui lòng cho ý kiến về cách đó liên hệ tới sa nhân. Đó có phải là một ảo ảnh hay là một phương thức cân bằng?    


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Albuquerque, Hoa kỳ, năm 2018. Đăng ngày 30/9/2019.

Chúng tôi các chân sư thăng thiên đã nói con điều gì trong các lời dạy được trao truyền? Rằng trong vũ trụ vật chất có bốn tầng. Trong một hoàn cảnh lý tưởng, năng lượng tuôn xuống từ tầng bản sắc vào tầng lý trí, rồi vào tầng cảm xúc, rồi vào tầng vật lý. Chúng tôi đã dạy con điều gì trong sách Những kiếp của tôi? Rằng sa nhân đã thiết lập một hệ thống trên địa cầu, qua đó chúng tước mất quyền làm chủ của con bằng cách bắt con trải qua trong bát cung vật lý một biến cố sẽ tạo ra một dòng năng lượng chảy nghịch hướng. Trong lý tưởng, không có gì xảy ra trong cõi vật lý sẽ ảnh hưởng được các thể cảm xúc, lý trí và bản sắc của con, tuy nhiên các sa nhân rất giỏi tạo ra dòng chảy nghịch hướng đó khi con phải đối mặt với một sự kiện trong cõi vật lý sẽ tác động ngược lên ba thể cao của con – như tra tấn, chấn thương, bất kể…

Cho nên điều ta muốn nói ở đây là thế này: Chìa khóa thực sự của sự phát triển tâm linh là con tái lập dòng chảy năng lượng tự nhiên, nơi không có gì trong cõi vật lý có thể ảnh hưởng ba thể cao của con, mà ngược lại mọi hành động của con trong cõi vật lý đều là sự biểu hiện của những gì phát xuất từ Hiện diện TA LÀ chảy xuyên qua ba thể cao của con. Nếu có một chất vật lý – bất kỳ loại chất vật lý nào – hay bất kỳ thiết bị nào, bất kỳ kỹ thuật nào trong cõi vật lý mà có thể bảo đảm cho sự tăng triển tâm linh, thì chúng tôi đã nói với con rồi. Nhưng do dòng chảy năng lượng tự nhiên, cái đó không hề có.

Không có gì con có thể làm trong cõi vật lý sẽ bảo đảm sự tăng triển tâm linh cho con, đơn giản là vì sự điều ngự tâm linh cũng có nghĩa là sự điều ngự cả bốn thể phàm của con. Có nghĩa là con điều ngự thể bản sắc để bản sắc của con là thể sẽ gửi khuôn đúc xuống trí thể, rồi trí thể gửi khuôn đúc xuống cảm thể, rồi cảm thể gửi khuôn đúc xuống cơ thể vật lý. Không có gì xuất phát từ cơ thể vật lý sẽ tác động lên cách con biểu đạt tâm linh. Đây chính là ý nghĩa của câu “làm cánh cửa mở cho Hiện diện TA LÀ”. Đây cũng là ý nghĩa của sự điều ngự tâm linh. 

Cho nên con yêu dấu, con thử trả lời câu hỏi này của ta: Làm thế nào con sẽ đạt được sự điều ngự đó bằng cách sử dụng một chất vật lý? Cho dù chất đó có là gì thì chuyện đó cũng không thể làm được.

Và sau đây là điểm phức tạp hơn một chút, vì như ta có nói, trong tình trạng rối mù của trái đất thì không có gì là giải pháp hay lời giải thích trắng-đen. Như Giê-su đã trình bày, con có một tình trạng khi ý nghĩa, khái niệm của đường tu tâm linh đã bị người ta xóa bỏ khỏi văn hóa, ít ra trong các nền văn hóa phương Tây. Rất, rất nhiều người lớn lên mà không nghe biết gì về đường tu này. Tuy nhiên họ vẫn mang trong họ một cái biết nội tâm, một cảm giác nội tâm, là có một cái gì đó vượt lên khỏi mức tâm thức hiện tại của họ.

Vào thập niên 1960 đã có một túc số những người, cũng như một sự xoay chuyển tâm thức với ngày càng nhiều người hơn bắt đầu bác bỏ nền văn hóa duy vật. Thật ra họ mong muốn có được một cách nhận biết tâm linh hơn, một nền văn hóa tâm linh hơn. Chuyện này trở thành một mối đe dọa cho sa nhân đến độ chúng phải cố tìm đủ mọi cách để đánh lạc hướng nhu cầu tâm linh đó, để nó không thể thực sự tác động xã hội. Và một trong những phương thức của chúng là tạo ra toàn bộ nền văn hóa ma túy, khi chúng khiến cho biết bao người tâm linh nghĩ rằng ma túy là một con đường tắt dẫn đến sự tăng triển tâm linh. Rốt cuộc thì nó dẫn những người này vào nghiện ngập; họ bị dẹp yên và đã không đạt được tầm ảnh hưởng mà đúng lý họ đã có thể có trên xã hội.

Con có thể nhìn một số những người đó và bảo rằng, đúng thật là một số đã rơi vào nghiện ngập và một số đã sử dụng ma túy suốt đời khiến họ bị dẹp yên, nhưng cũng có được một số ít nhận ra rằng: “Ma túy đã giúp tôi bước ra ngoài trạng thái tâm thức bình thường của tôi, và điều này chứng tỏ là có một cái gì đó vượt ra ngoài trạng thái tâm thức bình thường đó.” Và điều này cũng khiến họ tự hỏi: “Vậy làm thế nào tôi có thể đạt tới trạng thái tâm thức đó mà không dùng ma túy?” 

Nếu con sử dụng theo cách đó thì, thôi cũng được, ma túy không đến nỗi tai hại cho con và con có thể tiếp tục tăng triển trở lại. Nhưng ta xin nói để con suy ngẫm, tất cả những ai làm vậy đã có thể đạt tới cùng điểm đó mà không cần đến ma túy, nếu họ chịu khó kiên nhẫn hơn một chút, nếu họ cởi mở hơn một chút để tìm kiếm con đường. Trong quá khứ, việc tìm kiếm con đường tâm linh khó hơn bây giờ, nhưng ngày nay thì nó dễ hơn, và hy vọng thay, càng ngày nó sẽ càng dễ hơn nữa, hầu nhu cầu sử dụng bất kỳ loại ma túy nào sẽ dần dần giảm bớt.  

Sự thật trong vấn đề này là nhiều người thổ dân, các pháp sư, đã sử dụng peyote, ayahuasca hay một chất nào khác, đã không hề nâng cao tâm thức của họ đến mức họ có thể bắt liên lạc với các chân sư thăng thiên. Nhiều người trong số đó đang cộng tác với một số sinh thể trong các cõi tình cảm hay lý trí. Cho nên con có thể nói: “Tôi sẽ muốn hòa điệu tâm tôi với ai đây? Tôi muốn đi về hướng nào? Liệu tôi muốn các chân sư thăng thiên hay tôi muốn một cái gì thấp hơn?”

Đây cũng là cùng một vấn đề với những người đồng bóng. Có những người đồng bóng liên lạc với cõi lý trí, thậm chí một số còn liên lạc với cõi tình cảm, một số ít với phần thấp của cõi bản sắc. Con muốn gì đây? Con muốn loại thày nào đây? Nếu con đã dùng ma túy thì con đừng tự lên án mình, mà con hãy nhận ra đó là một giai đoạn cần thiết trên con đường của con, tuy nhiên con hãy sẵn lòng tự nhủ: “Điều này không có nghĩa là tôi phải bênh vực cho những ai dùng ma túy.” Đừng cố xuất khẩu kinh nghiệm chủ quan của con và cố biến nó thành một cái gì phổ quát. Đừng bào chữa cho ma túy hay tìm cách ngụy biện như thể nó không có mặt, mà con chỉ cần nói: “Đúng vậy, tôi đã sử dụng, tôi đã cần đến nó. Nó đã có giúp tôi nhưng giờ đây nó đã đi vào quá khứ.” Xong thay vì khuyên người khác dùng ma túy, con hãy khuyên họ sử dụng một lời dạy tâm linh. Ít nhất con đã có một lời dạy mà ta có thể khuyên con rồi đó, nhưng có nhiều lời dạy khác nữa.

Võ thuật và sự phát triển tâm linh

Hỏi: Con xin có một câu hỏi về võ thuật. Việc học võ có chính đáng hay không, nghĩa là không phải để ra tay giết người mà để tự vệ và điều hướng nội khí. Con thắc mắc là khi thày sang phương Đông, thày có học võ thuật hay không. Có lẽ là không, nhưng thày có thể đã gặp các vị sư sử dụng võ thuật như trong phái Thiếu Lâm. Con cũng thắc mắc không hiểu Kung Fu và Tai Chi có phải là những cách chính đáng để sử dụng năng lượng của Thượng đế hay không.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung giam Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Chắc chắn là có nhiều sự thật và nhiều giá trị trong một vài hình thức võ thuật. Hẳn là đã có nhiều người tìm được đường tu tâm linh phổ quát bằng cách sử dụng võ thuật như một nấc thang để bước vào một con đường vượt khỏi mọi nhãn hiệu lẫn mọi sự chia rẽ vỏ ngoài như nhu cầu tự vệ, làm chủ xác thân vật lý hay ngay cả điều ngự luồng Khí.    

Nhưng như mọi lãnh vực khác trên địa cầu, võ thuật cũng có thể bị biến chất. Con thấy được hiện tượng này tại cả phương Đông lẫn phương Tây, đặc biệt là tại phương Tây bởi vì hai lý do. Một là võ thuật đã đặt quá nhiều trọng tâm vào nhu cầu tự vệ. Nếu con tiếp cận võ thuật trong tinh thần sợ hãi thì việc tập tành võ thuật có thể khuếch đại nỗi sợ hãi đó và cuối cùng dẫn đến chứng hoang tưởng.  

Thật vậy, một số người đã chuyển dòng khi của họ đi sai hướng và trở nên hoang tưởng, luôn luôn nghĩ rằng có ai đó muốn làm hại mình. Điều này có thể  đẩy ý muốn tự vệ của họ đến cực điểm, khiến họ cho rằng việc tập tành để giết chết một đối thủ qua kỹ thuật võ công là một chuyện chính đáng và cần thiết. Kỳ thực, môn võ thuật không bao giờ được lập ra để gây chết người. Các vị sáng lập chỉ có ý giúp người ta tự phòng thủ mà không giết người, và phương thức này đã vô cùng hiệu nghiệm trước khi có người sáng chế ra súng ống là một phương tiện giết người từ xa.  

Ta mạnh mẽ khuyên nhủ mọi người nên lánh xa các môn võ thuật chỉ dạy kỹ thuật giết người. Một số thày võ đã chụp lấy lời dạy nguyên thủy của võ thuật rồi biến chế thành một phương thức cực đoan. Những người thày như vậy thường bị thúc đẩy bởi sợ hãi, và học trò thì khó lòng nào vượt lên cao hơn tâm thức của thày.  

Lý do thứ hai đã làm tha hóa võ thuật là lòng kiêu hãnh. Điều này thường xảy ra tại phương Tây nhiều hơn là phương Đông mặc dầu ở phương Đông cũng không phải là không có. Tại phương Tây, người ta thường bị cuốn hút vào tinh thần tranh đua hão huyền, và võ thuật bỗng nhiên trở thành một cách tranh đua với người khác để chứng tỏ là mình hơn người. Luồng Khí bị hướng đi sai lối và mọi khía cạnh tiêu cực trong tâm thức người đó bị khuếch đại, đặc biệt là lòng kiêu hãnh và kiêu ngạo như trong trường hợp này. Rất nhiều người tập võ bị làm mồi cho cám dỗ tinh tế này, và rốt cuộc họ sử dụng năng lượng trinh nguyên của Thượng đế để phóng đại ham muốn hư danh của tự ngã. Giản dị, đây không phải là mục đích thực sự của những hình thức võ thuật chân chính.   

Nếu con đi ngược trở về nguồn gốc của bất kỳ phong trào võ thuật nào, con cũng sẽ tìm thấy muc tiêu thực sự của võ thuật không phải là tự vệ. Đó chỉ là một khía cạnh thực tiễn của võ thuật, khởi sinh từ những thời buổi bạo lực và sơ khai hơn. Nhưng mục đích thật của võ thuật là sự tăng trưởng tâm linh qua việc điều ngự các năng lượng của thế giới vật chất và sự hướng dẫn năng lượng tâm linh xuyên qua tâm thân. Mục tiêu thật của võ thuật không bao giờ là làm cho cơ thể trở nên toàn hảo mà là biến cơ thể thành người đầy tớ khiêm nhu, vâng lời, của tâm. Đây mới chính là muc tiêu thực sự của mọi cách tiếp cận võ thuật.

Trong thế giới ngày nay, có rất nhiều người chưa sẵn sàng ôm lấy con đường tu tâm linh qua những giáo lý thuần túy tâm linh. Đối với những người như thế, đặc biệt là giới trẻ, võ thuật có thể là một lối vào khả dĩ sẽ dẫn họ đến việc khám phá ra đường tu tâm linh một khi họ già dặn hơn. Tất nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ không bị cuốn vào hai đối cực của sợ hãi và kiêu ngạo.  

Riêng ta đã được học hỏi nhiều giáo lý của phương Đông khi ta du hành đến đó, nhưng ta chỉ tập trung vào các giáo lý tâm linh thuần túy chứ không được học võ thuật.

Phong thủy dựa trên một hiểu biết xác đáng về năng lượng

Hỏi: Con đang tính xây một căn nhà mới mà con sẽ cần sắp đặt và trang trí. Xin thày vui lòng cho biết quan điểm và hướng dẫn về khoa phong thủy, chẳng hạn như sử dụng số học, màu sắc và vị trí các phòng? Con đã đọc một hai cuốn sách của Lillian Too, rất thú vị, nhưng một số thông tin có vẻ mê tín dị đoan, chẳng hạn như số nhà đặt theo một hướng nào đó sẽ đem lại “xui xẻo”. Con muốn nhà con đặt theo vị trí tốt. Con cũng biết là việc thỉnh cầu Ánh sáng là cách bảo vệ cao nhất, và có lẽ đây là cách hay nhất để con tiến hành thay vì cứ lo lắng về phong thủy. 


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Trong mấy thế kỷ vừa qua, thế giới Tây phương đã chứng kiến sự thành công ngoạn mục mà khoa học và công nghệ đã đem lại. Một tác dụng phụ của thành quả này là nhiều người đã trở nên kiêu ngạo và cho rằng bất cứ gì không được nền văn hóa khoa học hiện đại đem đến đều không thể có giá trị. Nhiều người cảm thấy là nếu một lời dạy không được biểu đạt bằng thuật ngữ khoa học, hoặc không được xác nhận bằng thí nghiệm khoa học, thì không có cách chi đó là lời dạy có giá trị. Một số người còn cho rằng bất cứ gì đã được phát minh trước khi thời đại khoa học thăng hoa cũng không thể có giá trị. Những quan điểm như vậy là thiển cận và phần nào kiêu ngạo.

Thực tế đơn giản là nền văn hóa khoa học hiện đại chỉ mới hiện hữu trong một thời gian rất ngắn, thế mà nó đã gây ra một số vấn nạn có khả năng đe dọa sự tồn tại lâu dài của nó. Ngược lại có một số nền văn hiến, trong đó có văn minh Trung quốc cổ đại, đã tồn hữu hàng thiên niên kỷ. Đáng lý sự kiện này phải khiến cho người ta ngẫm nghĩ liệu những nền văn minh lâu đời đó có thể đã có những phát minh giá trị, ngay cả khi chưa được khoa học hiện đại thông hiểu hay xác nhận.

Như con cũng biết, cách đây 500 năm nhiều người nghĩ rằng trái đất này bằng phẳng, thế nhưng trái đất thời đó đã tròn y hệt như bây giờ. Chưa đầy một thế kỷ trước, Albert Einstein khám phá mọi vật đều được cấu tạo bằng năng lượng, thế nhưng vũ trụ đã được cấu tạo bằng năng lượng ngay từ buổi đầu rồi. Nhiều nền văn minh cổ đại đã hiểu bằng trực giác là mọi vật đều cấu tạo bằng năng lượng, và do đó họ cũng hiểu là năng lượng ảnh hưởng đến mọi thành phần của cuộc sống. Chẳng hạn, văn minh Trung quốc cổ đại đã đưa ra một số lời dạy về năng lượng và dòng chảy năng lượng, và những ví dụ được người ta biết đến nhiều nhất là Thái cực, châm cứu và phong thủy. 

Điều ta muốn nói ở đây là phong thủy dựa trên một sự hiểu biết xác đáng về năng lượng, về dòng chảy của năng lượng, về cách năng lượng ảnh hưởng đến trường năng lượng của con người cũng như sức khỏe toàn diện của con người. Quả thật, giáo lý tâm linh làm nền tảng cho khoa phong thủy đã được các chân sư thăng thiên ban truyền cho con người, và đó là những giáo lý chính đáng. Giáo lý đã được diễn tả một cách giản dị trong ngôn ngữ của thời đó, một ngôn ngữ không hề thô sơ mà chỉ khác biệt so với ngôn ngữ khoa học hiện đại.

Tiếc thay, như ta đã giải thích suốt trang mạng này, điều xảy ra cho hầu hết các giáo lý tâm linh nguyên thủy là với thời gian, giáo lý đã bị biến đổi bởi những người không hiểu thấu. Trong nhiều trường hợp, mối liên kết trực giác ban đầu với các chân sư thăng thiên đã bị cắt đứt, và từ đó trở đi, người ta đã bắt đầu thêm vào những cách diễn giải dựa trên trí thức phàm phu, thường khi là tâm nhị nguyên. Điều này thường dẫn đến những phát triển sau này khác xa, thậm chí còn trực tiếp đi ngược lại những giáo lý tâm linh ban đầu. Phong thủy là một ví dụ của sự kiện đó, và đạo Cơ đốc cũng vậy.

Như con chỉ ra rất xác đáng, một số lời dạy được tìm thấy trong ngành phong thủy hiện nay rõ ràng là chuyện mê tín dị đoan, trái với lẽ thường. Việc sử dụng phong thủy trong thế giới hiện đại là hữu lý, nhưng con sẽ được hưởng lợi muôn phần nếu con biết sử dụng trực giác và khả năng phân biện Ki-tô của con.

Con cũng cần lưu ý rằng phong thủy không bao giờ là một bộ môn khoa học chính xác. Nó không bao giờ được ban truyền để bị biến thành một tiến trình máy móc giống như nền công nghệ hiện đại. Phong thủy luôn luôn được hiểu là một giáo lý trực giác, có nghĩa là các lời dạy vỏ ngoài chỉ được dùng như lời hướng dẫn được trực nhận, và được diễn giải cho thích hợp với từng cá nhân, từng hoàn cảnh riêng biệt. Đó là tại sao một nhà phong thủy tài ba không chỉ đơn giản là một chuyên viên, mà là một người có nhiều trực quan.

Sự quan tâm của con về đề tài này cho thấy là con đã nhận được sáng ngộ trực giác từ cái ta Ki-tô của con rằng phong thủy là một lời dạy hữu lý và quan trọng mà con có thể đưa vào thiết kế căn nhà mới của con. Điều con cần làm là học hỏi lời dạy của phong thủy, hoặc có lẽ tham khảo một nhà phong thủy lành nghề, và sau đó suốt tiến trình thiết kế, con hãy sử dụng trực giác và phân biện Ki-tô của mình, như con đang làm. Hãy cho phép cái ta Ki-tô hướng dẫn con đến lời dạy hữu ích nhất cho con, và bỏ qua những lời dạy không hợp lý đối với con. Khi con xây một căn nhà và tham gia vào việc thiết kế, căn nhà của con nên là sự biểu hiện con người của con cũng như mức phát triển tâm linh hiện thời của con. Cho nên con đừng lo ngại sử dụng các nguyên tắc của phong thủy làm chỉ đạo, rồi con diễn giải những nguyên tắc đó dựa theo phân biện Ki-tô. 

Như con đã chỉ ra, việc thỉnh cầu ánh sáng trong suốt tiến trình cũng quan trọng, và chắc chắn con không được sao lãng. Tuy nhiên, không có lý do gì mà con không thể phối hợp lời day của phong thủy với việc thỉnh cầu ánh sáng. Làm như vậy có thể đem lại cho con một căn nhà sẽ hỗ trợ sự tăng triển tâm linh của con. 

Tuy nhiên, hãy cho ta nhắc nhở thêm một điều quan trọng, là con cần giữ cân bằng trong mọi chuyện. Phần quan trọng nhất trong việc phát triển tâm linh là con tiếp xúc trong nội tâm với cái ta Ki-tô. Mọi chuyện vỏ ngoài phải là phụ thuộc so với mối liên lạc nội tâm đó, kể cả căn nhà con ở hay thực phẩm con ăn. Đó là tại sao ta có nói rằng, điều làm con ô uế không phải là cái con bỏ vào miệng mà là cái đi ra khỏi miệng. Câu nói đó có mục đích minh họa ý tưởng mà ta đưa ra ở đây, là những thứ vỏ ngoài trong thế giới vật chất luôn luôn là thứ yếu so với những điều nội tâm trong chính tâm lý con, cũng như sự nối kết của con với cái ta Ki-tô. Cho nên con hãy để cho phong thủy làm đầy tớ cho con, chứ đừng để nó trở thành chủ. 

Nhịn ăn có là cách gia tốc sự tăng triển tâm linh?

Hỏi: Giê-su yêu dấu, thày có ý kiến gì về việc nhịn ăn – theo nghĩa là kiêng hẳn mọi loại thức ăn – như một cách để gia tốc sự tăng triển tâm linh của một người? Ý nghĩ rằng con có thể sống 40 ngày nhịn ăn hoàn toàn như thày đã từng làm khi thày đi vào vùng hoang dã – cũng tương tự như nhiều người tầm đạo khác, những người tu khổ hạnh cùng những vị ẩn sĩ – đã gây rất nhiều cảm hứng cho con. Cho nên câu hỏi của con là như sau: Làm vậy có thể đem lại ích lợi hay tổn hại gì không? Làm thế nào một người có thể nhịn ăn mà không gây tổn hại cho bản thân?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels ngày 26/5/2011. Đăng ngày 15/11/2012.

Ta thực sự không khuyến khích bất cứ ai tính chuyện nhịn ăn hoàn toàn trong 40 ngày liền. Đơn giản là không có cách nào làm vậy mà không gây hại cho cơ thể của con, và làm vậy cũng không đem lại lợi ích tâm linh nào.

Đây là một hiểu lầm về câu chuyện ta đã sống 40 ngày trong sa mạc mà không ăn uống gì. Đối với bất kỳ khía cạnh nào của đời ta, con có thể có hai cách tiếp cận cơ bản. Một là cách tiếp cận hoàn toàn theo nghĩa đen, tức là con cho rằng Kinh thánh là lời của Thượng đế đúng từng chữ một, cho nên bất cứ gì ghi chép trong kinh sách đều đã xảy ra y như mô tả. Với cách tiếp cận này, con sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa chân thực của các lời dạy cùng tấm gương của ta. Còn cách thứ hai là con nhận ra là ngay cả những sự việc gọi là cụ thể trong kinh sách cũng có ý nghĩa sâu xa hơn, và vì vậy con phải luôn luôn nhìn xa hơn cách diễn giải theo nghĩa đen. Vậy đâu là ý nghĩa sâu xa của việc ta sống 40 ngày ở vùng hoang dã?

Con có thể coi chuyện này minh họa cho sự tương phản giữa hai loại môi trường. Một đằng con có xã hội loài người, một môi trường nơi hầu như mọi thứ đều nằm dưới sự kiểm soát của luật lệ và tư duy con người. Đằng khác, con có “vùng hoang dã”, một môi trường không do con người điều khiển và gần gũi hơn với trạng thái tự nhiên. Cho nên đây là biểu tượng cho sự kiện ta đã rút lui trong một thời gian ra khỏi thế giới của các quy luật, các tín điều, các niềm tin cùng tư tưởng do con người tạo ra. Tuy nhiên, làm vậy không nhất thiết có nghĩa là ta đi vào thiên nhiên, vì con có thể làm vậy gần như ở mọi nơi miễn là con ở một nơi yên tĩnh và con tắt bớt các loại phiền nhiễu bên ngoài. Thậm chí con có thể ở ngay giữa thành phố, mặc dù điều này sẽ khó hơn một chút do tâm thức tập thể náo nhiệt hơn.

“Nhịn ăn” không nhất thiết liên quan gì đến thức ăn. Ta đã “nhịn ăn” bằng cách làm rỗng tâm mình cho không còn những ý tưởng nhân tạo, và như vậy ta đã tạo ra một khoảng trống giúp tâm mở ra đón nhận những ấn tượng trực giác từ một nguồn cao hơn, tức là từ Hiện diện Ta Sẽ Là và các vị thày tâm linh của ta.

Con có thấy điều ta muốn nói? Đâu là mục đích của con khi con muốn nhịn ăn? Nếu đó là để đạt đến một trạng thái tâm thức tâm linh hơn thì con đâu cần gì phải kiêng ăn. Con sẽ cần kiêng một vài loại thực phẩm nặng nề như thịt chẳng hạn, và con cần không ăn quá nhiều. Nhưng không nhất thiết con phải nhịn tất cả mọi thức ăn – và quả thực, làm vậy còn có thể phản tác dụng.

Con sẽ cần gì để có trải nghiệm tâm linh hơn? Tất cả mọi thứ trong đời con đều xoay quanh sự chú ý. Nếu chú ý của con tập trung vào việc thế gian thì con sẽ khó lòng hơn có được trải nghiệm tâm linh. Cho nên để có những trải nghiệm cao hơn, con cần hướng chú ý ra khỏi những chuyện nhân thế, kể cả cơ thể vật lý.

Thế nhưng thực tế đơn giản là việc nhịn ăn không phải là cách hay nhất để hướng chú ý ra khỏi cơ thể. Hầu hết những ai đã nhịn ăn toàn diện đều nghiệm được là việc nhịn ăn thật khó thực hành đến độ họ sẽ càng chú ý nhiều hơn đến cơ thể nếu họ nhịn ăn càng lâu. Cho nên ý nghĩa thực sự của “nhịn ăn” là con quay chú ý ra khỏi các vấn đề thế gian để tập trung vào những việc tâm linh. Nhưng ngay cả điều này cũng cần được hiểu một cách sâu sắc hơn. Bởi vì nhiều người nghĩ rằng tập trung vào chuyện tâm linh có nghĩa là họ phải dùng trí năng để tìm hiểu một giáo lý tâm linh hay tu tập một kỹ thuật tâm linh nào đó.

Điều này, ở một mức nào đó trên đường tu, không cứ là vô giá trị, nhưng một khi con đạt đến những tầng cao hơn thì “nhịn ăn” thực sự có nghĩa là làm rỗng tâm mình và hòa điệu tâm với Hiện diện của con. Nhịn ăn có nghĩa là tập trung vào việc trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết để con thực sự trở thành cánh cửa mở cho Hiện diện, có nghĩa là không có định kiến nào sẽ pha màu các ấn tượng từ Hiện diện gửi xuống. Con không thể làm được điều này ở các tầng thấp hơn trên đường tu, nhưng ở các tầng cao hơn, đây chính là mục tiêu chủ yếu của con.

Có hai điều đã xảy ra trong nhiều thế kỷ đã qua. Trước hết, đạo Cơ đốc đã bị cưỡng đoạt bởi những kẻ chỉ biết hiểu theo nghiã đen, họ cho rằng mọi thứ phải được diễn giải theo nghĩa đen, theo định nghĩa của họ về nghĩa đen. Và thứ nhì, vào thời Trung cổ, đạo Cơ đốc đã bị cưỡng chiếm bởi những kẻ chỉ biết coi cuộc sống là sự khổ đau.

Nếu con nhìn hầu hết các tác phẩm nghệ thuật vào thời đó, con sẽ thấy người ta vẽ hình ta bị treo thân trên thập tự giá, đang đau đớn vô cùng tận. Cho nên thay vì chú tâm vào lời dạy tích cực của ta – tức là ta đến đây để ban sự sống cho con người cùng sự sống dồi dào hơn nữa – thì đạo Cơ đốc đã chú tâm vào mấy tiếng đồng hồ ta bị khổ nạn trên thập tự giá. Thế rồi khởi lên niềm tin cho rằng chính khổ nạn của ta trên thập tự giá đã “mua chuộc” được sự cứu rỗi cho loài người qua việc, một cách nào đó, ta đã đền bù cho tội lỗi của mọi người.

Con dễ dàng thấy được là điều này đã bị ảnh hưởng bởi niềm tin lâu đời cho rằng khi người ta hiến tế một con vật – bằng cách để nó chảy máu cho đến chết – thì người ta có thể trả tội cho chính mình. Niềm tin này ngược hẳn với lời dạy chân chính của ta, thế nhưng nó đã dần dần chi phối cái nhìn của con người về sứ mạng của ta. Kết quả là người ta dần dần tin rằng Thượng đế – mà ai nấy đều xem là thiện lành – đòi hỏi con phải đau khổ trước khi con có thể rửa sạch tội lỗi của con. Con có thể thấy được sự điên rồ của niềm tin này khi con xem xét điều sau đây. Con đã làm một việc gì khiến ai đó bị đau khổ. Con nhìn nhận sự kiện này, thế là bây giờ con tự nguyện đặt mình vào một tiến trình tạo đau khổ cho chính mình, vì con nghĩ cái khổ thứ nhì này sẽ một cách nào đó đền bù cho cái khổ đầu tiên kia.

Thế nhưng trong thế giới ngày nay, con biết rõ là mọi thứ đều là năng lượng. Con gây cho ai điều gì thì nó sẽ tạo ra một khối năng lượng tha hóa. Và khi con khiến con cũng phải đau khổ thì con lại tạo thêm năng lượng tha hóa nữa. Hai cái sai không tạo thành một cái đúng, vì năng lượng tha hóa không thể loại trừ năng lượng tha hóa. Cách duy nhất để bù lại tội lỗi của mình là tạo năng lượng tích cực, và quả vậy năng lượng tích cực có khả năng biến hóa năng lượng tha hóa. Nhưng nó chỉ làm được chuyện này nếu cả hai bên đều thực sự tha thứ cho nhau. Đây chính là tại sao ta nhấn mạnh đến việc tha thứ cho tất cả những ai đã làm hại con.

Cho nên ý ta muốn nói là suốt nhiều thế kỷ, chính sự tập trung vào khổ đau đã khiến con người nghĩ rằng, bởi vì việc nhịn ăn tạo ra đau đớn, cho nên đó là một cách để con trả tội. Xong lại có thêm niềm tin bảo rằng con đau đớn càng nhiều thì con càng trả được nhiều tội. Rồi giờ đây người ta nối liền niềm tin này với quan niệm là ta đã nhịn đói suốt 40 ngày, thế là một số người tưởng rằng đó là phương cách tối hậu để đạt được đau đớn qua nhịn ăn. Thậm chí một số còn nghĩ là nếu họ bỏ mạng sau khi nhịn đói 40 ngày, nhất định họ sẽ được tưởng thưởng trên cõi thiên đàng. Họ nghĩ: “Chắc chắn tôi sẽ không chết.”

Con có thấy chăng đây là một sự hiểu lầm toàn diện? Trước hết, việc cố nhịn ăn hoàn toàn trong 40 ngày sẽ khiến cho nhiều người bỏ mạng, và hiển nhiên việc tự vận không phải là cách đạt đến một trạng thái tâm thức cao hơn. Thứ nhì, những ai sống sót sau khi nhịn đói từng nấy ngày sẽ rốt cuộc tập trung gần như toàn bộ chú ý của mình vào nỗi đau của cơ thể, và điều này sẽ tước mất khả năng chú ý của họ ra khỏi việc làm cánh cửa mở cho Hiện diện. Vậy con được lợi gì khi làm vậy chứ? Thứ ba, việc cố tình gây ra đau khổ cho chính mình sẽ sản xuất năng lượng tha hóa sẽ không giúp con tăng triển tâm linh.

Về con số 40 ngày, con cần suy xét sự kiện là cách đây 2000 năm, con người không có cùng khái niệm về con số như ngày nay. Trong thế giới hôm nay, hầu hết mọi học sinh đều hiểu được là người ta có thể đếm tới những con số rất cao. Chính các con đây khi còn nhỏ, có bao nhiêu người đã thử đếm đến một ngàn? Thế nhưng cách đây 2000 năm, đa số người lớn còn không biết đếm đến một ngàn chứ đừng nói tới chuyện hình dung ra con số này. Cho nên vào thời đó, người ta đơn giản không thể hiểu được những loại số mà ngày nay con thường dùng để tính toán món nợ quốc gia. Và ngay cả ngày nay, con sẽ thấy nhiều người khó lòng nào hình dung được số nợ khổng lồ của một quốc gia như nước Mỹ – vì đơn giản, con số quá lớn để có thể so sánh với bất cứ gì trong cuộc sống hàng ngày.

Có lẽ con có nghe nói là một số loài động vật không thể đếm nhiều hơn hai. Cũng giống như một số người thổ dân có thể phân biệt một với hai, nhưng bất cứ gì nhiều hơn hai thì họ sẽ gọi là “nhiều”. Cách đây 2000 năm có một cơ chế gần giống như vậy. Người ta có thể đếm đến một chục, nhưng bất cứ gì nhiều hơn đều được xem là “nhiều”. Từ được dùng vào thời đó nay được phương Tây dịch là “vô khối”, nhưng ngay cả từ “vô khối” cũng được dùng ban đầu để chỉ một số lượng không xác định, và chỉ ngày nay người ta mới gắn liền với một con số chính xác.

Cho nên khi Kinh thánh bảo rằng ta đã nhịn ăn 40 ngày thì con số thật sự không phải là 40. Đơn giản đó chỉ là một con số “nhiều” – ta đã trải qua nhiều ngày trong sa mạc.

Và sau đây là một điểm nữa. Ta đã đi vào vùng hoang dã – ta đã thật sự đi xa khỏi những nơi có người sinh sống – để có một trải nghiệm tâm linh, và ta đã chỉ ở đó vừa đủ lâu để có được trải nghiệm này. Và trong thời gian đó, ta đã ăn bất cứ thức ăn nào ta có thể tìm thấy để giữ cho cơ thể vừa đủ thoải mái mà không phải chú tâm đến cơ thể. Trái lại, ta giữ trọn sự chú ý xa khỏi mọi xao lãng bên ngoài để tập trung vào bên trong.

Cho nên nếu con cố bắt chước ta bằng cách cưỡng ép mình nhịn ăn 40 ngày liền, điều con thực sự làm là tự đặt mình vào một tâm trạng sẽ cản trở con đạt đến một trải nghiệm tâm linh đích thực. Bởi vì đơn giản, con sẽ không mở tâm ra và để yên cho trải nghiệm đó xảy ra theo nhịp riêng của nó, mà con sẽ tìm cách cưỡng ép nó. Và cái gì con cưỡng ép thì con cũng sẽ đẩy nó về phía trước mặt, giống như con lừa đẩy củ cà-rốt treo trên cái gậy trước mũi nó.

Bất cứ khi nào – ta nói rõ, BẤT CỨ khi nào – con tìm cách cưỡng ép một trải nghiệm tâm linh, thì con sẽ không có một trải nghiệm đích thực. Thay vào đó, con sẽ mở tâm ra cho các thế lực thấp kém, và quả thực chúng có khả năng cho con một trải nghiệm vượt trội trạng thái tâm thức bình thường của con, nhưng đó không phải là một trải nghiệm tâm linh đích thực vì nó không biến con thành cánh cửa mở cho Hiện diện của con hay cho các sinh thể thăng thiên. Suốt nhiều thế kỷ, nhiều người đã toan tính cưỡng đoạt thiên đàng bằng vũ lực và họ đã mở ra với các thế lực thấp kém mà cứ tưởng là mình vừa có một trải nghiệm tâm linh chân chính. Đó là tại sao những ai chưa quân bình, chưa có sự bảo vệ cá nhân cùng khả năng phân biện tâm linh (chưa phân biện được các linh thể), không nên toan tính chuyện nhịn ăn.

Con có thấy chăng là nhịn ăn có thể rất dễ dàng trở thành một trò chơi của tự ngã? Tự ngã muốn làm một chuyện gì đó cực đoan, vì hoặc nó muốn cao trội hơn người khác, hoặc thậm chí nó nghĩ nó có thể ghi điểm trước mắt Thượng đế.

Vì vậy để kết luận, cách nhịn ăn đúng đắn là con quay sự chú ý của con khỏi những gì đang kéo chú ý ra bên ngoài. Con cần làm rỗng tâm mình để con có thể là cánh cửa mở cho Hiện diện.

Cách duy nhất để thực hiện điều này là tiếp cận vịêc nhịn ăn y như con tiếp cận mọi chuyện khác trên đường tu: luôn luôn cố đạt được sự cân bằng. Đơn giản, đây là cách duy nhất để con vượt qua khai ngộ chạm trán với kẻ cám dỗ, như con sẽ làm mỗi khi con vươn lên một tầng tâm thức cao hơn, hay như con cũng thấy khi ta từng bị ác quỷ cám dỗ sau “nhiều” ngày ở vùng hoang dã.

Con cũng cần nhìn ra là sẽ không xây dựng cho con nếu con chụp lấy những điều ta vừa nói ở đây để rút lui khỏi xã hội và tự cô lập mình. Việc rút lui trong một thời gian để thiết lập sự kết nối nội tâm với Hiện diện của con là một chuyện chính đáng, nhưng một khi con đã bắt đầu kết nối thì con có thể tham gia vào xã hội mà không đánh mất sự kết nối. Trong Thời Hoàng kim, các thày sẽ cần đến những người có khả năng tham gia vào xã hội mà đồng thời làm cánh cửa mở cho các tư tưởng từ cõi thăng thiên.

Thời nay, ta sẽ nói là cách quan trọng nhất để nhịn ăn KHÔNG PHẢI là từ chối ăn uống. Cách nhịn ăn tốt nhất là ăn đủ để cơ thể không là một vấn đề, và sau đó giữ cho tâm lánh xa khỏi toàn bộ hiện tượng “ô nhiễm thông tin” đang tấn công tới tấp con người hiện đại. Đối với con người hiện đại, trở ngại lớn nhất không phải là cơ thể vật lý, mà là tâm con bị kích thích quá đáng bởi đủ loại nguồn thông tin phóng tới con từ mọi phía.

Cho nên cách tốt nhất để nhịn ăn là tắt luồng thông tin đến từ ngoài. Sau đó con tắt sự oanh tạc nội tâm bởi chính tâm con, nó tạo ra đủ loại vấn đề để nó cố thuyết phục con phải giải quyết các vấn đề. Tất cả chỉ là chuyện theo dõi xem chú ý của con đang hướng về đâu. Vương quốc Thượng đế nằm ngay trong con, cho nên con sẽ không thể bước vào đó chừng nào con còn tập trung chú ý ra ngoài điểm tĩnh lặng bên trong con.

Vậy con hãy cố nhịn “thức ăn thông tin” trong một thời gian. Tin mừng là khi con nhịn không theo dõi những gì nhóm bạn của con đang làm trên Facebook, thì con sẽ không chết đâu con – cho dù là sau 40 ngày.

Đốn ngộ và tiệm ngộ

Hỏi: Một số vị thày tâm linh, đặc biệt trong số những vị dạy về bất nhị (non-duality), dường như bác bỏ hay thậm chí xem thường nhu cầu bước theo một con đường tu. Các vị đó dựa trên sự kiện là họ đã có chứng ngộ tự phát (spontaneous awakening) hay đốn ngộ, và một số dạy rằng đây là cách duy nhất và không có gì chúng con có thể làm để ngộ đạt. Một số cũng nói là việc duy nhất chúng con cần làm là sống trong giây phút hiện tại. Xin thày chia sẻ cảm nghĩ của thày vì thày thường hay nhắc đến một con đường tu?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Nhận xét đầu tiên của ta là không có giáo lý tâm linh nào có thể thích hợp với mọi người. Bất kỳ giáo lý tâm linh nào cũng bắt buộc phải được điều chỉnh để phù hợp với một tầng tâm thức nào đó. Khi con thấy các tầng tâm thức trên địa cầu này trải rộng trên một phạm vi rộng lớn như thế nào, thì thật không thể đưa ra một giáo lý thích hợp cho tất cả mọi người. Khi một vị thày tâm linh làm việc với các chân sư thăng thiên, vị ấy thường có thể đưa ra một giáo lý vượt quá kinh nghiệm riêng của mình. Nhưng khi một vị thày đứng riêng một mình thì giáo lý hầu như sẽ luôn luôn dựa trên kinh nghiệm cá nhân của vị ấy.

Việc này không có gì sai trái, nhưng con phải nhìn nhận là một giáo lý như vậy sẽ hiệu quả đối với những ai ở gần mức tâm thức của thày chứ không hiệu quả đối với người khác. Để ta lấy một ví dụ. Một vị thày có thể đã trải qua một bước đột phá tâm linh tự phát đưa ông lên một trạng thái tâm thức cao hơn. Thế rồi ông giảng dạy dựa trên trải nghiệm này, và nói chung ông bỏ qua nhu cầu phải đi theo một con đường tu tuần tự có hệ thống. Ông cố đưa đệ tử đi vào một trải nghiệm tương tự như trải nghiệm của chính ông, và ông làm vậy bằng cách chia sẻ các sáng ngộ mà ông đã nhận được sau khi đột phá.

Giả định nằm sâu bên dưới là nếu đệ tử nhận được sáng ngộ đúng đắn thì đệ tử cũng sẽ có được đốn ngộ giống như ông đã trải nghiệm. Đúng là điều này có thể xảy ra, nhưng chỉ với những ai đã gần đạt đến mức tâm thức mà ông đã có trước khi ngộ. Thế nhưng tuyệt đại đa số mọi người trên hành tinh này thì chưa đạt đến mức đó, cho nên không có một khối lượng sáng ngộ nào sẽ có thể đánh thức họ dậy một cách “tự phát” được. 

Nhiều vị thày tâm linh đã có một đột phá tự phát và tìm cách truyền đạt nó cho người khác. Một số vị như Krishnamurti chẳng hạn đã đi xa đến mức phủ nhận cả sự cần thiết của một con đường tâm linh lẫn của một vị thày tâm linh, cho dù là thày đang hiện thân hay đã thăng thiên. Tuy nhiên đối với những ai chưa đến gần được trình độ tâm thức của thày, kết quả cũng giống như thể con cầm một viên kẹo ngọt trước mặt một đứa bé trong khi con lại lái xe đi mất.

Hầu hết mọi người sẽ cần đi theo một đường tu tuần tự, có hệ thống, trước khi họ vươn đến một tầng tâm thức nơi họ có thể đột phá. Và điều này đòi hỏi một nỗ lực chuyên cần, bao gồm cả một số kỹ thuật tâm linh như các bài thỉnh, bài nguyện. Nếu họ cứ tin rằng tất cả những gì họ cần là một sáng ngộ đem lại cho họ một đột phá huyền diệu, thì điều này có thể làm chậm đáng kể bước tiến của họ. Con hãy tưởng tượng con đang bị lạc giữa rừng rậm. Bỗng nhiên ở trên cao con nghe thấy có tiếng máy bay trực thăng và có giọng ai đó vọng xuống: “Bạn hãy lên đây thì bạn sẽ thấy được lối ra khỏi khu rừng!” Nhưng nếu trên trực thăng không ném xuống một cái thang để con leo lên từng bước một thì làm thế nào con sẽ lên được tới mức đó?

Ý ta muốn nói là nhiều người gọi trải nghiệm của họ là đốn ngộ nhưng thật ra họ đã theo một con đường tu tuần tự, tiệm ngộ, trong những kiếp trước. Bây giờ họ có thể không còn nhớ, nhưng ở một thời điểm họ đã từng làm công việc này. Cho nên ta khuyên các đệ tử đừng bỏ các dụng cụ tâm linh, đừng bỏ đọc thỉnh đọc chú chẳng hạn.

Nhưng ở đây có một sự phân biện tinh tế mà con cần làm. Theo một nghĩa nào đó, thật là không sai khi bảo rằng con không thể LÀM gì để đạt đến giác ngộ. Bước đột phá chót của con phải xảy ra và sẽ xảy ra một cách tự phát qua một hồng ân được ban phát từ trên. Con không thể ép buộc nó xảy ra cho dù con có làm gì. Đây là tại sao ta thường hay nói đường tu không phải là một con đường vỏ ngoài máy móc và không có sự cứu rỗi nào là tự động hay bảo đảm.

Có thể nói là không có gì con có thể LÀM để đạt giác ngộ, vì điều ngăn cản con giác ngộ chính là cái tâm thức phải LÀM gì đó thay vì chỉ LÀ mà thôi. Tuy nhiên, điều ngăn cản con LÀ lại là sự phối hợp những niềm tin sai lạc với những năng lượng tha hóa được tích tụ trong bốn thể phàm của con. Nếu bỗng chốc có ai lột mất tất cả các niềm tin sai lạc này thì con sẽ phát điên, vì con sẽ không còn biết mình là ai nữa. Đó là vì sao cách duy nhất để tăng triển là bước theo một con đường tuần tự qua đó con biến hóa các năng lượng tha hóa và nhìn thấu các niềm tin bất toàn.

Và khi con làm sạch tâm con cho không còn các năng lượng và niềm tin này nữa, con sẽ giảm bớt từ lực đang cuốn hút con vào cái làm và cái nghĩ. Và điều này sẽ đưa con đến gần hơn với trạng thái mà Thiền gia gọi là “sơ tâm” – và ta thì gọi là trở thành giống như trẻ nhỏ. Thật không khó lắm để thấy được là hầu hết ai ai cũng đều bị vướng kẹt trong những vòng xoáy bất tận của hành động và phản ứng. Tâm thức tập thể này hình thành một cái gì giống như một thỏi nam châm khổng lồ. Con hãy tưởng tượng con đang đi ngang qua một thỏi nam châm to lớn mà trong túi lại có nhiều cục sắt. Nam châm sẽ hút lấy sắt và con sẽ bị cuốn hút theo. Tuy nhiên nếu con tuần tự vứt bỏ những cục sắt này đi thì lực hút kia sẽ giảm dần cho đến khi con có thể bước sát thỏi nam châm mà nó vẫn không thể nắm được gì ở con.

Cho nên có thể nói giác ngộ là trạng thái tự nhiên của tâm. Vấn đề xảy ra là tâm đã bị kẹt vào một mô thức làm và nghĩ, và mô thức này khiến nó luôn luôn bị bận rộn đeo đuổi một mục tiêu mà nó chưa nắm được. Cho nên nếu giác ngộ cũng trở thành một mục tiêu khác mà con cố đạt được bằng cách làm và nghĩ, thì đúng vậy, chính nỗ lực này sẽ kéo con xa khỏi giác ngộ. Tuy nhiên, điều kéo con vào cái làm và cái nghĩ chính là các niềm tin cùng các năng lượng kia. Nếu con vứt bỏ chúng đi, con sẽ dần dần đến gần hơn trạng thái tự nhiên. Và khi tâm đủ sạch không còn nhiều chướng ngại nữa, nó sẽ trở về trạng thái tự nhiên của nó một cách tự phát, không cần chút nỗ lực nào.

Và như vậy con sẽ có một bước đột phá tự phát có vẻ giống như đốn ngộ vậy, và theo một nghĩa nào đó, đó là đốn ngộ. Nhưng nếu con đã không đi theo con đường tiệm ngộ để làm sạch tâm con thì có bao giờ con có được cái ngộ này?

Một số vị thày nói rằng đa số người phương Tây suy nghĩ quá nhiều về quá khứ và tương lai. Tự ngã dùng quá khứ và tương lai để khuynh loát con người, nhưng tự ngã không thể hoạt động trong giây phút hiện tại, cho nên các vị thày khuyên đệ tử tập trung nhiều hơn vào hiện tại. Cách tiếp cận này không có gì sai vì quá nhiều người vẫn mang xu hướng chú tâm quá nhiều vào quá khứ lẫn tương lai. Đây là tại sao ta đã từng nói: “Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày nấy.” (Matthew 6:34)

Ta đồng ý là tự ngã cảm thấy rất khó hoạt động trong giây phút hiện tại, và nếu con thực sự tỉnh thức trong hiện tại vĩnh cửu thì tự ngã sẽ không có chút ảnh hưởng nào trên con. Tuy nhiên, khi bảo đệ tử nên tập trung vào hiện tại thì điều này sẽ chỉ hữu ích cho những ai đã đạt đến một tầng tâm thức nào đó. Con cần một trình độ trưởng thành tâm linh cao để thực sự LÀ trong hiện tại, và cho đến khi con đạt đến mức này thì con sẽ không có khả năng LÀ.

Cho nên khi một đệ tử được dạy là họ phải ở trong hiện tại, kỳ thực họ không thể nào trải nghiệm cái LÀ trong hiện tại. Thay vào đó, họ sẽ hình thành một khái niệm trong lý trí về thế nào là ở trong hiện tại – dựa trên sự hướng dẫn của vị thày thay vì dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ. Và ở đây tự ngã sẽ dư sức khuynh đảo bất kỳ khái niệm tư tưởng nào mà con người tạo ra. Điều này sẽ dễ dàng dẫn một số người bước vào một cách tiếp cận mất quân bình về cái là trong hiện tại. Thật ra khái niệm LÀ trong hiện tại không mới mẻ gì, vì đức Phật đã đầu tiên dạy về khái niệm này, rồi suốt bao nhiêu thế kỷ nhiều người đã đi theo một cách tiếp cận mất quân bình khiến họ rơi vào một trong hai cực đoan:

  • Một số người suy luận, LÀ trong hiện tại có nghĩa là họ có thể làm ngơ quá khứ. Bằng cách đốn ngộ, họ sẽ khắc phục được quá khứ mà không phải đương đầu với nghiệp quả hay các vết thương tâm lý. Cho nên họ bắt đầu tìm kiếm một sáng ngộ thần diệu sẽ làm mọi chuyện giùm họ. Một lần nữa, một sự đột phá có thể xảy ra nếu trong kiếp trước họ đã khắc phục nghiệp chướng cùng các vết thương của họ, nhưng đối với hầu hết mọi người thì không như vậy. Cho nên đối với đa số, việc làm ngơ quá khứ sẽ khiến cho bước tiến của họ bị chậm lại. Họ có thể tiến nhanh hơn rất nhiều nếu họ dùng tất cả các phương tiện có sẵn để giải quyết tâm lý của họ, khắc phục các niềm tin nhị nguyên và thanh tẩy mọi năng lượng tha hóa – tức là nghiệp – từ những kiếp trước.
  • Một số người suy luận là họ có thể ngừng suy nghĩ về tương lai, kể cả việc hoạch định cuộc đời của họ. Một số còn đi xa tới mức cho rằng Thượng đế sẽ chăm lo mọi chuyện một cách mầu nhiệm, và điều này đã khiến một vài người tầm đạo chân thành tự vận qua sự buông xuôi. Đây chính là cái chiêu mà ác quỷ đã sử dụng để cám dỗ ta sau khi ta trở về từ đồng vắng: “Và y nói rằng: Nếu ngươi là Con của Thượng đế thì hãy gieo mình xuống đi. Vì có lời chép rằng: Ngài sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ cho ngươi, để các thiên sứ nâng ngươi lên trong tay, kẻo chân ngươi khỏi vấp phải đá. Giê-su bảo y: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng cám dỗ đức Chúa là Thượng đế của ngươi.” (Matthew 4:6-7)     

Ý ta muốn nói là con nên có một cách tiếp cận cân bằng cho mọi chuyện trong đời. Con hãy biết là tự ngã sẽ luôn luôn tìm cách đẩy con vào cực đoan dù là bên này hay bên kia.

Một điểm chót mà ta muốn trình bày là một số vị thày đưa ra lời dạy về tâm có thể dễ dàng bị người ta ngộ nhận, rằng tâm là kẻ thù của đường tăng triển tâm linh. Quả là không sai khi nói rằng một tâm trí năng động quá mức, đặc biệt một trí thông minh đã nẩy nở sành điệu, có thể là một trở ngại cho sự phát triển tâm linh, vì tâm linh vốn là một tiến trình trực giác nhiều hơn là trí năng. Tuy nhiên, nếu con tin chính tâm con là một kẻ thù thì cách tiếp cận này không xây dựng, vì nó sẽ chỉ khiến con trở thành một căn nhà phân rẽ với chính nó.

Cách nhìn đúng đắn là tâm giống như một căn nhà có đầy tớ phục vụ. Nó chỉ trở thành một kẻ thù nếu chủ nhà không chịu chủ động trong nhà mình. Chủ nhà này chính là con – cụ thể là cái Ta Biết – có nghĩa là con đã hoạch định mình sẽ điều phục phàm ngã của mình bằng cách nhận lấy trách nhiệm trở thành Ki-tô. Khi con tìm được con đường Trung đạo của Ki-tô, con sẽ không để cho tâm con sai khiến con, nhưng đồng thời con cũng không sai khiến tâm con đến độ dập tắt mọi tiềm năng sáng tạo. Thật vậy, nhiều người tâm linh đã sử dụng kỷ luật nghiêm ngặt để kiểm soát tâm mình đến độ họ quên mất là họ đã không đến trái đất để ngồi trong một hang đá thiền quán về Thượng đế, mà để là một người đồng sáng tạo hầu đem lại vương quốc của Thượng đế đến hành tinh này.

Tâm con có tiềm năng trở thành một phần nối dài của Hiện diện TA LÀ của con, và điều này biến tâm con thành một phần nối dài của tâm Thượng đế. Mọi thứ đều được tạo ra từ tâm thức Thượng đế, có nghĩa là mọi thứ đều được cấu tạo từ tâm của Thượng đế. Cho nên khi tâm con đảm nhận vai trò đích thực của nó như một cá thể của tâm Thượng đế – thay vì như một tâm tách biệt khỏi nguồn cội của nó – thì tâm con cũng trở thành một cỗ xe để thực hiện những gì con đã đến đây để thực hiện, tức là ngự trị trên trái đất.

Ta cũng muốn nói rõ ở đây là ta không bảo con không nên đọc các giáo lý nói trên. Ta chỉ đơn giản xin nói là ta chờ đợi những ai đến thăm trang mạng này sử dụng những sáng ngộ mà họ nhận được ở đây khi họ tìm hiểu, học hỏi bất kỳ loại giáo lý tâm linh nào. Và ta chờ đợi mọi người sẽ gắng hết sức lắng nghe lời dạy của ta về nhu cầu phải quân bình. Nếu con chưa nhận ra là ta thường hay nói về quân bình thì ta khuyên con nên đọc trang mạng này một lần nữa và ghi nhận bao nhiêu lần ta đã nhắc đến quân bình như là yêu cầu quan trọng nhất trong sự phát triển tâm linh chân chính. Ta đặc biệt khuyên con nên đọc hai bài giảng của ta về tự ngã cùng tư duy đen trắng và tư duy xám.

Nếu điều này đã rõ, thật không ai chối cãi là một số vị thày đã trao truyền nhiều sáng ngộ có giá trị về tự ngã và tâm thức nhị nguyên. Hành giả ở mọi tầng tâm thức đều có thể được lợi lạc từ những sáng ngộ đó, nhưng con cần thực tế và đừng bỏ rơi con đường tăng triển tâm linh tuần tự để chạy theo một sáng ngộ thần diệu nào đó sẽ bỗng chốc biến con thành một sinh thể giác ngộ. Điều tốt hơn hẳn là con nên tiếp tục tu tập có phương pháp, rồi để yên cho cái ngộ tự phát xảy ra – một cách tự nhiên. Việc tìm cách chiếm đoạt thiên đường bằng vũ lực chưa bao giờ đưa bất cứ ai ra khỏi tầm tay của tự ngã.

Hiểu rõ năng lượng kundalini

Hỏi 1: Thày Giê-su yêu dấu, con đang bối rối. Thày có bao giờ dạy về kundalini? Có phải kundalini và dòng năng lượng tâm linh liên tục giúp chúng ta sống còn là hai loại năng lượng khác nhau, hay đó là cùng năng lượng? Con sẽ rất biết ơn nếu thày giải tỏa được phần nào bối rối này của con. Cảm ơn thày.

Hỏi 2: Nhiều người thời nay, trong đó có con, trải nghiệm kundalini thức dậy. Xin thày cho biết bản chất của năng lượng kundalini là gì và sự thức dậy của nó tác động con người như thế nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/11/2012.

Đây là những câu hỏi rất hay về một chủ đề rất ích lợi cho người tầm đạo muốn tìm hiểu. Ta quả là đã có dạy về năng lượng kundalini nhưng ta chỉ dạy cho đệ tử của ta bởi vì quần chúng thời đó chưa sẵn sàng nhận giáo lý này. Ta được học về kundalini trong chuyến du hành sang Ấn độ, và ta có thử nghiệm một số hình thức yoga nhằm khơi dậy kundalini. Tuy nhiên, ta nhận ra là những kỹ thuật này không thích hợp cho mọi người, vì thế ta đã không dạy các kỹ thuật đó kể cả cho đệ tử của ta.   

Từ “kundalini” chỉ giản dị là một cái tên khác cho dòng năng lượng tâm linh giữ cho con sống còn. Ta từng đề cập đến năng lượng này trước công chúng, và con vẫn có thể tìm thấy trong Tân ước một số lời gợi ý như thế. Bình thường ta gọi đó là “nước của Sự sống” hay “nước hằng sống”. Năng lượng là một khía cạnh của Thánh linh, và con nhớ rằng Thánh linh có chức năng giúp con tăng trưởng tâm linh hầu con vượt qua các giới hạn của con. Đây là một chìa khóa quan trọng để hiểu được bản chất của năng lượng kundalini và tác động của nó trên con người.

Điều quan trọng nhất con có thể hiểu về năng lượng kundalini là nó cho con sự sống. Định nghĩa tâm linh của “sự sống” là cái gì tăng trưởng và tự thăng vượt. Do đó, năng lượng của sự sống, năng lượng kundalini, nước hằng sống của sự sống, luôn luôn tuôn chảy để đưa con vượt qua mọi ranh giới và mọi hạn chế. Trạng thái tự nhiên của một người hòa điệu với Hiện diện TA LÀ của mình là chảy theo Dòng sông của Sự sống và không ngừng thăng vượt sự tự nhận biết của mình cũng như ý niệm cái ta của mình.

Có thể nói vấn đề cốt lõi trên hành tinh này là hầu hết mọi người đều đã dựng lên một số điều kiện trong tâm mình khiến mình đóng chặt dòng chảy tự nhiên của năng lượng kundalini xuyên qua các trường năng lượng của mình. Dòng sống của con người được thiết kế để làm ống dẫn cho tình thương vô điều kiện của Thượng đế xối xuống. Tình thương vô điều kiện sẽ không bao giờ đứng yên một chỗ. Khi con đứng trong dòng chảy của tình thương, con không chấp nhận cho bất cứ một điều kiện nào trên địa cầu có thể khiến con đóng lại dòng tình thương này chảy xuyên qua con.

Điều xảy ra cho hầu hết mọi người là họ đã dựng lên đủ loại điều kiện trong tâm họ, nghĩa là họ bảo rằng trong hoàn cảnh này hay tình huống kia, họ sẽ không cho phép tình thương vô điều kiện chảy qua họ. Họ sẽ không thể biểu hiện tình thương trong những hoàn cảnh đó. Bởi vì dòng chảy của tình thương chính là năng lực của sự sống cho nên điều tự nhiên là nó phải chảy. Con chỉ có thể đóng nó lại bằng vũ lực mà thôi. Và thật vậy, hầu hết mọi người đều sử dụng vũ lực của lý trí và tình cảm để ngăn chặn sự sống chảy qua trường năng lượng và dòng sống của họ. Nói cách khác, họ đã dùng vũ lực để hạn chế dòng chảy của sự sống, năng lượng kundalini.   

Đây là một nhận thức vô cùng quan trọng, đặc biệt khi nhiều người tầm đạo bị quyến rũ vào việc sử dụng đủ loại kỹ thuật nhằm ép buộc cho năng lượng kundalini phải dâng lên. Những kỹ thuật như thế thường đến từ phương Đông nơi người ta đã sử dụng từ hàng ngàn năm qua. Có một số kỹ thuật có giá trị nhưng chỉ khi nào do một đạo sư dồi dào kinh nghiệm chỉ dẫn cho những đệ tử chân truyền nhất của mình – và chỉ khi nào đệ tử đó được bao bọc trong một môi trường có sự trông coi liên tục của đạo sư. Con hãy lưu ý là ta đang nói về những kỹ thuật nhằm ép buộc kundalini, chứ không nói về nhiều kỹ thuật đúng đắn nhằm giúp con có sự tăng trưởng quân bình.   

Thật không may là đã có một loạt những người tự xưng là đạo sư từ Ấn độ đến đây chỉ dạy những kỹ thuật này cho bất cứ ai muốn học – và trong một số trường hợp, người học phải trả cả lệ phí. Đây là một vấn đề, vì nó dối gạt  người ta vào con đường chiếm lấy thiên đường bằng vũ lực. Đó là phần nào những gì ta nói đến trong câu: “Và từ ngày John the Baptist (Giăng Báp-tít) đến nay, nước thiên đàng đã bị hãm ép, và kẻ hãm ép cố chiếm thiên đàng bằng vũ lực” (Matthew 11;12)  

Con hãy ngừng một lúc để xem xét vấn đề cốt lõi ở đây. Năng lượng kundalini sẽ chảy tự nhiên xuyên qua con – con không cần làm bất cứ gì để ép nó phải chảy qua con. Nếu nó bị chặn lại thì là do nó đã bị chặn lại bằng vũ lực. Con đã tạo ra những chướng ngại trong tiềm thức và trường năng lượng của con, cụ thể là nơi bảy trung tâm năng lượng chính gọi là luân xa, và những chướng ngại này đã hạn chế dòng chảy của sự sống. Vậy thử hỏi con có khôn ngoan lắm hay không khi con tìm cách dùng một kỹ thuật nào đó để ép uổng kundalini phải dâng lên qua các luân xa?

Thật sự không có gì khôn ngoan, bởi con đang cố dùng lửa để chữa lửa. Chính vũ lực đã khiến cho dòng chảy tự nhiên của năng lượng bị nghẽn lại, thì cách giải quyết hợp lý là con phải loại bỏ các chướng ngại đang làm nghẽn năng lượng để nó lại chảy tự nhiên. Thật là không hợp lý khi con muốn dùng vũ lực để tái lập dòng chảy, và điều này chẳng có gì là khó hiểu.

Ở một con người thuần khiết nơi dòng sông của sự sống tuôn chảy tự do, năng lượng kundalini đi vào luân xa tim, rồi nó chảy vào luân xa nằm ở đáy cột sống. Từ đó nó sẽ chảy xuyên qua cả bảy luân xa cho đến luân xa đỉnh đầu. Nếu dòng chảy được duy trì, người đó sẽ ở trong trạng thái quân bình toàn hảo và sẽ chiêm nghiệm dạng cao nhất của tâm thức Ki-tô. Trong trạng thái đó, tất cả các luân xa đều quân bình, đứng thẳng hàng với nhau và quay theo cùng một chiều.

Khi con dùng vũ lực để đóng chặt hay hạn chế dòng chảy của ánh sáng qua các luân xa, luân xa sẽ bị ô nhiễm do năng lượng tiêu cực tích tụ lại ở đó. Điều này sẽ nhanh chóng khiến cho các luân xa quay với tốc độ khác nhau và vì vậy không còn phối hợp với nhau nữa. Thậm chí, điều đó có thể khiến cho một số luân xa bị tắc nghẽn đến độ không cho phép bất kỳ ánh sáng nào đi qua. Hoặc nó khiến cho luân xa quay ngược chiều quay bình thường, gây cho con cảm giác sôi động tột độ. Chẳng hạn, nhiều người có luân xa gốc quay sai chiều và vì vậy họ ham muốn tình dục một cách vô độ. Và tương tự như thế, nhiều người có luân xa đám rối dương quay sai hướng, khiến họ luôn luôn căng thẳng và phản ứng lại nhiều tình huống trong sự cáu kỉnh, giận dữ.

Điều gì sẽ xảy ra khi một người mất quân bình sử dụng một kỹ thuật nhằm cưỡng ép năng lượng kundalini dâng lên xuyên qua luân xa đang bị nghẽn và mất quân bình? Kundalini là một khía cạnh của Thánh linh và mục đích của nó là giúp con thăng vượt các giới hạn của con. Vì lý do này mà nó sẽ khuếch đại bất cứ gì nó chạm vào. Khi con ép buộc kundalini chảy qua luân xa, nó sẽ đẩy tất cả mọi thứ bất toàn và mất quân bình trong luân xa ra bên ngoài rồi khuếch đại lên. Những thứ ấy nổi lên dưới hình thức những ý nghĩ và cảm xúc có thể vô cùng mãnh liệt.   

Trên thực tế, nhiều người thiếu quân bình mà dùng các kỹ thuật cưỡng ép kundalini như vậy đã nhận thấy là hệ thần kinh và trường năng lượng của mình không thể chịu đựng nổi luồng chảy của ánh sáng. Cũng y hệt như con nối điện 220 volt vào một cái máy được chế tạo để chạy với điện 110 volt vậy. Tất nhiên là máy sẽ bị cháy, và thật vậy, nhiều người đã làm cháy một phần hệ thần kinh và phá vỡ trường năng lượng của mình. Điều này dẫn đến nhiều hình thức rối loạn tình cảm khác nhau, thậm chí cả bệnh tâm thần lẫn khùng điên. Ta không thể nào nhấn mạnh đủ về tầm quan trọng của việc con phải tránh cưỡng ép năng lượng kundalini của con dâng lên trước khi con sẵn sàng.

Đâu là chìa khóa để con sẵn sàng? Đó là con thanh lọc các luân xa và trường năng lượng của con cho đến khi con đạt được một mức quân bình và hài hòa thật cao độ. Quân bình và hài hòa thực sự là chìa khóa cho một sự phát triển tâm linh thành công. Hai đức tính này chỉ có thể đạt được qua sự không dính mắc, và khi con thực sự không còn dính mắc, con sẽ không còn cố chiếm hữu thiên đường bằng vũ lực nữa.

Một trong những vấn đề lớn nhất với sự bùng nổ của các phong trào phát triển bản thân và phát triển tâm linh là nền văn hóa Tây phương thường hay chú trọng thành quả. Trong những thập niên vừa qua, điều này đã dẫn đến một tinh thần sùng bái, tôn thờ sự thoả mãn tức thì. Cho nên khi người ta lớn lên trong một nền văn hóa như vậy và bỗng nhiên cảm thấy nhu cầu tăng trưởng tâm linh, thường người ta muốn ngay kết quả tức thì. Người ta không chịu nỗ lực một cách chân thành để từ từ xây dựng nền tảng vững bền cho những kết quả đó.

Người ta chỉ đơn giản muốn ngay cái hiện tượng vỏ ngoài, muốn được nếm mùi những kinh nghiệm tột đỉnh, muốn được hưởng lợi từ phát triển tâm linh, mà không cần phải đi qua nguyên tiến trình vun trồng các kết quả đó. Điều này đã khiến cho nhiều người tầm đạo phương Tây tìm kiếm những kỹ thuật hữu hiệu nhất nhằm sản xuất ra những cảm giác và hiện tượng mà mình tìm. Và nhiều người trong số đó đã bị cám dỗ sử dụng những kỹ thuật nhằm cưỡng ép cho kundalini phải dâng lên. Tất nhiên đó là điều khả dĩ, và tác động thì vô cùng mãnh liệt, nhưng kết quả thì y như những gì ta vừa trình bày ở trên.  

Thế nào là cách đúng đắn để năng lượng kundalini đi lên? Đó là đầu tiên phải tìm Nước Trời và sự công chính của Nước Trời, rồi sau đó tất cả những thứ khác sẽ được ban thêm cho con. Nước Trời là tâm thức Ki-tô, và “công chính” là cách dùng năng lượng một cách công chính, có nghĩa là một dòng năng lượng quân bình và hài hòa tuôn qua con người của con.

Như ta vừa nói, bản chất của kundalini là tuôn chảy. Nó chỉ ngừng tuôn chảy qua con vì con đã ngăn chặn dòng chảy của nó. Do đó nếu con nỗ lực đạt tâm thức Ki-tô, nghĩa là con tìm cách loại bỏ tất cả mọi chướng ngại và thiếu quân bình trong tâm lý và trường năng lượng của con, con sẽ lần hồi mở rộng ra để dòng năng lượng chảy qua con. Và như thế, dòng sông của sự sống sẽ tự nhiên bắt đầu tuôn chảy qua con mà không có chút gì thiếu quân bình.

Điều đó sẽ xảy ra một cách cân bằng, và con sẽ không trải nghiệm một sự thức giấc của kundalini cho tới khi nào con sẵn sàng. Nói thật, nếu con thực sự tiến bước cân bằng, con sẽ chứng nghiệm một sự phát triển bền vững, điều hòa thay vì những cơn bừng phát tâm linh dữ dội được nối tiếp bởi những cơn trầm cảm cũng không kém dữ dội. Nhiều người thiếu quân bình quả thật đã phải trải qua những chao đảo tột cùng như thế từ cao xuống thấp, và đó nhất định không phải là con đường hài hòa, con đường trung đạo của Ki-tô và của Phật.

Vì vậy, điều ta muốn nói là ta không ủng hộ bất kỳ một người tầm đạo tâm linh nào đặt trọng tâm vào việc khơi dậy năng lượng kundalini một cách cố tình và mạnh bạo. Ta không ủng hộ việc người ta dùng các loại kỹ thuật để cưỡng ép cho kundalini dâng lên.

Thay vào đó, con nên sử dụng kỹ thuật nào? Con có thể dùng tất cả mọi kỹ thuật trong Hộp Dụng cụ Tu tập trên trang mạng này. Các bài nguyện tràng hạt và bài thỉnh của Mẹ Mary đã được soạn thảo đặc biệt để loại bỏ một cách hệ thống các chướng ngại trong trường năng lượng của con đang ngăn cản dòng chảy tự do của năng lượng kundalini qua con. Các bài chú bảy tia sáng cũng vậy. Khi con dùng những dụng cụ này, con sẽ lần hồi cảm thấy dòng chảy của sự sống qua con, nhưng điều này sẽ diễn ra một cách quân bình, hài hòa, không gây tổn hại cho hệ thần kinh tinh nhậy của con hoặc tạo ra lỗ hổng trong trường năng lượng của con. Thay vào đó, con sẽ thực sự cảm thấy như những nữ đồng trinh khôn ngoan đã biết giữ cho ngọn đèn của mình được trong sáng – tức là luân xa được quân bình – trong khi chờ đón chàng rể của cái ta Ki-tô:

“1 Khi ấy, nước thiên đàng sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể. 2 Trong các nàng đó, có năm người khôn và năm người dại. 3 Người dại cầm đèn đi mà không đem theo dầu với mình. 4 Nhưng người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu theo trong bình của mình. 5 Vì chàng rể đến trễ, các nàng đều buồn ngủ và ngủ gục.

6 Đến nửa đêm, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đang đến, hãy đi ra mà rước. 7 Các nữ đồng trinh đều thức dậy và sửa soạn đèn mình. 8 Các nàng dại nói với các nàng khôn: Xin cho chúng em chút dầu vì đèn chúng em đã tắt. 9 Nhưng các nàng khôn trả lời: Không, vì e sẽ chẳng đủ cho chúng em và các chị, tốt hơn các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua.

10 Trong khi họ đang đi mua thì chàng rể đến; kẻ nào sẵn sàng thì đi với chàng vào tiệc cưới, và cánh cửa đóng lại. 11 Lúc sau, các nữ đồng trinh kia về đến và nói: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi. 12 Nhưng người đáp rằng: Quả thật ta nói cùng các người, ta không biết các người đâu. 13 Vậy hãy tỉnh thức, vì các người không biết ngày, cũng không biết giờ mà Đứa con của người sẽ tới. (Matthew 25)”