Giáo lý nền tảng về nuôi con

Hỏi: Con đã nghiên cứu những cách hiểu khác nhau về cách nuôi nấng, sửa đổi, trừng phạt trẻ con. Kinh Cựu ước trong Thánh kinh chủ trương hình phạt bằng roi gậy hay thể xác. Con không tìm thấy điều gì trong Tân ước. Thưa Giê-su, lời dạy của thày về đề tài này là thế nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Hãy làm cho con cái của con như con muốn con cái của con làm cho con. Đó là câu trả lời từ Tân ước.

Câu trên liên quan thế nào với hình phạt thể xác? Thực tế đơn giản là một trong những bổn phận của cha mẹ là dạy cho con mình thiết lập ranh giới trong cách cư xử của chúng. Nếu con suy ngẫm điều này, con sẽ nhận ra là một trong những đặc điểm của trẻ con là chúng phải học cách tìm sự quân bình đúng mức giữa các thèm muốn ngắn hạn vị kỷ của chúng với những ham muốn dài hạn mà sự thực hiện tùy thuộc vào khả năng hòa nhập của chúng với người chung quanh. Điều này có nghĩa là trẻ con cần học cách hạn chế ham muốn ngắn hạn hầu tránh cho ham muốn dài hạn không thể thành hình. Có thể nói đó là bài học căn bản của cuộc sống – con có muốn một phần thưởng tạm thời trong thế gian hay là phần thưởng vĩnh hằng ở thiên đàng?

Khi trẻ con còn nhỏ, chúng không thể học được bài học này qua khả năng lý luận vì các khả năng này chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy chúng cần học hỏi nhờ cha mẹ giữ vai trò người hướng dẫn thương yêu lập ra những hạn chế nghiêm minh và thích hợp cho những cư xử ích kỷ của chúng. Con thử nghĩ xem, đây chính là điều mà con mong muốn cha mẹ mình đặt ra cho mình và vì vậy đó cũng là điều mà con cần làm đối với con cái của con.   

Sự dạy dỗ về các giới hạn phải khởi sự thật sớm, ngay từ khi đứa trẻ còn bú sữa. Con cần dạy trẻ thơ là mẹ nó không thể phục dịch cho nó 24 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, cái khó là làm như vậy một cách yêu thương để đứa trẻ không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi. Ta hiểu đây là một điểm quân bình rất tế nhị và không thể áp dụng một quy tắc trắng đen nào được. 

Điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần hiểu về con mình là mỗi đứa trẻ là một cá thể độc nhất. Đứa trẻ không phải là một dòng sống non nớt mà là một dòng sống đã già tuổi với một tâm lý vô cùng phức tạp được nhào nặn suốt rất nhiều kiếp sống. Do đó, con không thể đặt ra một hệ thống nuôi nấng con cái hay những quy luật trắng đen áp dụng cho mọi đứa trẻ. Đây là điều sai lầm to lớn của một số nhà giáo dục và tâm lý hiện đại về trẻ em. Họ cố đeo đuổi mục đích hão huyền để tìm ra một hệ thống giáo dục tối hậu, một loại máy điều khiển tâm trí trong đó họ có thể nhét mọi trẻ em ở đầu này rồi biến chúng thành những công dân mẫu mực ờ đầu bên kia. Một hệ thống như vậy thật sự không thể có, và lý do là vì Thượng đế đã ban cho mỗi dòng sống một sắc thái độc nhất vô nhị.

Cho nên mỗi đứa trẻ phải được đối xử như một cá thể độc đáo, và lý tưởng điều này chỉ có thể làm được khi cha mẹ có khả năng trực giác nhậy bén, nghĩa là cha mẹ đã đạt được một trình độ tâm Ki-tô tương đối. Và qua đó, cha mẹ có khả năng hòa điệu với cái ta Ki-tô của mình và nhận được sự hướng dẫn nội tâm về cách đối xử với một đứa trẻ đặc thù trong một hoàn cảnh đặc thù. Như vậy cha mẹ mới làm tròn được chức năng của mình là trở thành người thày tâm linh dẫn dắt sự tiến hoá của con mình một cách trìu mến, cho tới khi nó có thể bắt đầu làm như vậy qua sự hòa điệu nơi chính nội tâm của nó.

Về vấn đề hình phạt thể xác, điều quan trọng là cha mẹ cần thiết lập những giới hạn phù hợp cho cách cư xử ích kỷ của con mình. Đối với một số đứa trẻ, hình phạt thể xác sẽ cần thiết trong khi rất nhiều đứa khác thì sẽ không bao giờ cần phải đánh đòn. Nếu cần thiết, việc này có thể làm từ 2 tuổi trở đi, có khi phải sớm hơn một chút. Đây là lý do tại sao người ta hay nói đến tuổi lên 2 “khủng khiếp”, vì ở tuổi này đứa trẻ phải học cách thiết lập những giới hạn cho hành vi của nó. Nếu nó không học ở tuổi này, nó sẽ vô cùng khó khăn thiết lập ranh giới vào tuổi dậy thì – và ở tuổi đó, cha mẹ đã mất đi cơ hội dạy con về giới hạn. Một thiếu niên khó khăn ở tuổi dậy thì thường sinh ra ở tuổi lên 2.

Hiển nhiên, ta không chủ trương đánh đòn mạnh tay khi đứa trẻ còn nhỏ. Đúng hơn, ta không chủ trương trừng phạt gay gắt đối với bất cứ tuổi nào, dù là thể xác hay là không. Điều quan trọng cần hiểu rõ là vai trò của cha mẹ là thiết lập giới hạn cho cách cư xử ích kỷ của con mình. Mục đích cha mẹ không được bao giờ là trừng phạt đứa trẻ.

Có sự khác biệt căn bản giữa việc thiết lập giới hạn nghiêm minh với việc trừng phạt. Việc thiết lập giới hạn đến từ một động lực trong sáng, thương yêu hầu giúp đứa trẻ phát triển. Nhưng trừng phạt đến từ một động lực không trong sáng, không thương yêu, khi cha mẹ trút hết những bực bội của mình lên đầu đứa trẻ. Điều này không bao giờ chính đáng, và ta nói rõ: KHÔNG BAO GIỜ. Cá nhân con có trách nhiệm phải học cách đương đầu với sự bực bội của chính con mà không trút lên người khác.

Ta công nhận việc nuôi dạy con cái không phải là một chuyện dễ dàng và nó thường hay gây ra bực bội. Tuy nhiên khi con đảm nhận trách nhiệm có con, con phải xem đó là một cơ hội đặc biệt để con đẩy mạnh sự phát triển tâm linh của con. Hiếm có hoạt động nào của con người mà đem lại cho con một cơ hội phát triển tâm linh lớn hơn việc nuôi con. Lý do là việc nuôi con tạo cho con một cơ hội độc đáo để con học cách bỏ tự ngã sang một bên và đặt mình vào vai trò làm kẻ phục dịch cho người khác. Đây thật sự là một cơ hội độc nhất để con tự giải phóng khỏi vòng nô lệ của tự ngã phàm phu và vươn lên quả vị Ki-tô. Ta có nói đến điều này trong những câu sau:

“Các môn đồ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn hơn hết trong số mình. Và Giê-su biết ý trong lòng họ, bèn dẫn một đứa trẻ đến gần mình, nói rằng: Ai nhân danh ta nhận đứa trẻ này thì cũng nhận chính ta, và ai nhận chính ta thì cũng nhận Đấng đã sai ta, vì kẻ nào hèn mọn nhất trong số các người thì mới là kẻ lớn.” (Luke 9)  

Điều ta muốn nói là người ở mức tâm Ki-tô cá nhân cao nhất luôn tự xem mình là đầy tớ của mọi người, kể cả con cái của mình. Sẽ quý giá biết mấy cho các bậc cha mẹ thời nay nếu họ có những nỗ lực chân thành để bỏ hẳn cách suy nghĩ lâu đời là cha mẹ sở hữu con mình. Con cái của con không phải là tài sản của con và con không thể đối xử với chúng bất cứ cách nào.

Tuy nhiên, chúng là trách nhiệm của con. Hầu làm tròn trách nhiệm đối với con mình cũng như đối với chính mình như một hành giả tâm linh, con cần học bài học mà ta vừa đề cập là dạy dỗ con cái. Con cần học cách gạt bỏ những ham muốn ích kỷ của con và đặt ranh giới cho tự ngã của con. Hiển nhiên, điều này không có nghĩa là con tự biến mình thành nô lệ cho tự ngã của chúng, và đó là tại sao con cũng cần đặt ranh giới cho chúng. Con có thể làm được điều này bằng cách nhận ra là con sẽ phục vụ con mình tốt nhất nếu con phụng sự Thượng đế ở trong con lẫn ở trong chúng. Cho nên mục đích trong quan hệ của con với đứa trẻ phải là sự tăng trưởng tâm linh của tất cả mọi người. Người chủ của gia đình thực sự phải là tâm Ki-tô.

Nếu con có thể nuôi dạy con cái trong cách nhìn này, con sẽ tránh được rất nhiều sự bực bội của nghề làm cha mẹ. Con sẽ có thể tránh được cái bẫy nguy hiểm nhất là tích tụ những tình cảm và năng lượng tiêu cực trong mối quan hệ với con mình. Khía cạnh độc hại nhất của việc nuôi con là tạo ra một vòng xoáy ốc suy bại với đứa con, khiến con lần hồi tích tụ quá nhiều năng lượng tình cảm tiêu cực đến độ con không làm sao vượt qua được nữa để mà quan hệ bình thường với con mình.

Nhưng nếu con có thể đứng ở bên trên vòng xoáy tiêu cực – và con chỉ có thể làm được bằng cách giữ sự tỉnh thức tâm linh và sử dụng những dụng cụ bảo bọc tâm linh thích hợp cho con và con cái – thì việc nuôi con có thể là một cơ hội tuyệt vời để tăng trưởng. Hầu tận dụng cơ hội này, con cần bắt đầu với kỷ luật bản thân và học cách đặt ranh giới cho những ham muốn ích kỷ của mình. Sau đó con cần dùng nền tảng đó để thiết lập những lằn ranh cho con cái. Khi con làm được điều này thành công, con sẽ có thể tận hưởng một mối quan hệ tích cực với con mình gần như suốt đời.    

Ta không nói là người ta có thể làm cha mẹ mà không có những bực bội. Đòi hỏi như vậy quả là không thực tế trong thời đại hôm nay khi mà quá ít bậc cha mẹ đạt được quả vị Ki-tô cá nhân và hầu hết trẻ con sinh ra với những vết thương tâm lý từ nhiều tiền kiếp. Cho nên ta không đang cố thiết lập một lý tưởng cao vời vợi mà không ai có thể theo kịp. Ta chỉ đơn giản cố gợi ý cho con để giúp con đáp ứng các thử thách của việc nuôi con. Ta cũng xin nói là quá nhiều tín đồ Cơ đốc giáo đã tìm cách dùng cuộc đời của ta để dựng lên một thần tượng về một gia đình lý tưởng mà không một người nào có thể sánh bằng. Ta không mong muốn thần tượng này tồn tại vì ta không muốn cuộc đời của ta bị sử dụng để khiến cho nhiều người cảm thấy thiếu sót hay tội lỗi.      

Cha mẹ của ta không phải là cha mẹ toàn hảo, và ta thì không là đứa con toàn hảo. Làm cha mẹ là một kinh nghiện học hỏi, và nếu ngay từ đầu con đã toàn hảo rồi thì còn cần học gì nữa đây? Do đó con cần bước vào việc nuôi con với thật nhiều lòng tha thứ đối với chính mình và đối với con mình. Đừng kỳ vọng là mình sẽ là bậc cha mẹ toàn hảo và đừng kỳ vọng con mình sẽ là đứa con toàn hảo. Thật ra, nếu con có thể vứt bỏ mọi tiêu chuẩn nhân tạo về cách làm cha mẹ hay cách làm con, thì con sẽ khiến cho công việc của con dễ dàng hơn gấp bội, cho con và cho con cái của con. Sự kỳ vọng chính là mầm mống của bực bội.

Cuối cùng, ta muốn nói là nhiều bậc cha mẹ chọn sinh ra đời những dòng sống mà họ đã mang nghiệp nặng từ những kiếp trước. Chính nghiệp chướng này khiến cho vòng xoáy tiêu cực có nhiều xác suất thành hình và con thấy được điều này trong rất nhiều gia đình ngày nay. Để vượt qua nghiệp quả giữa cha và mẹ cũng như giữa cha mẹ và con cái, tất cả các bậc cha mẹ cần siêng năng nỗ lực biến hóa năng lượng tiêu cực trong gia đình. Cách hữu hiệu nhất để làm điều này là sử dụng các bài thỉnh và bài chú Mẹ Mary trong trang mạng này.

Cũng cần lưu ý là trong thế giới ngày nay, gia đình đang bị công hãm một cách tới tấp tại hầu hết các quốc gia, đặc biệt là ở phương Tây. Cuộc tấn công này là mưu mô của các tà lực. Chúng muốn hủy diệt gia đình mà trong hàng ngàn năm đã là cột trụ của xã hội. Vì vậy, điều vô cùng quan trọng đối với tất cả các bậc cha mẹ là cầu thỉnh sự bảo vệ tâm linh cho bản thân lẫn cho con cái.