Tại sao con cái hư hỏng mặc dù được chăm sóc yêu thương?

Hỏi: Tại sao một số đứa trẻ trở nên hư hỏng bất kể sự chăm sóc, sự dạy dỗ tôn giáo và đạo đức cũng như tình yêu mà chúng nhận được trong đời chúng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Một câu hỏi rất quan trọng với những hệ quả thật sâu xa. Câu trả lời đơn giản cho câu hỏi của con là một đứa trẻ là nhiều hơn một thân xác vật lý. Mỗi đứa trẻ là một dòng sống, và dòng sống đó không tự dưng xuất hiện từ hư vô vào lúc thụ thai hay khi thân thể chào đời. Như ta có giải thích ở nơi khác, dòng sống thật ra đã hiện hữu từ rất lâu bởi vì luân hồi và đầu thai là một thực tế – bất kể sự lên án của đạo Cơ đốc chính thống.  

Khi con chấp nhận thực tế của luân hồi, con hiểu ra là dòng sống của đứa con của con có thể đã rất lớn tuổi. Dòng sống này có thể đã sống rất nhiều kiếp và đã xây dựng một tâm lý vô cùng phức tạp cũng như một mạng lưới chằng chịt những nghiệp quả và năng lượng tha hóa. Con nhìn ra là dòng sống của đứa con có thể đã đầu thai trong kiếp này với một hành trang nặng trĩu những vấn đề chưa giải quyết từ tiền kiếp. Trong một số trường hợp, một dòng sống có thể nặng gánh và bị tổn thương bởi trải nghiệm quá khứ đến độ không một tình yêu nào, không sự chăm sóc và hướng dẫn nào từ cha mẹ hay từ cộng đồng xã hội sẽ hoàn toàn chữa lành được nó.

Có nhiều người hiện thân trong kiếp này với những vết thương trầm trọng đến nỗi họ có rất ít hy vọng hoàn toàn chữa lành trong một kiếp sống. Tuy nhiên, họ vẫn có cơ hội để thăng tiến và điều hay nhất con có thể làm để giúp đỡ dòng sống là tiếp tục biểu hiện tình yêu thương, tìm cách giúp nó chữa lành các vết thương tâm lý cũng như mở rộng sự hiểu biết của nó về cuộc sống. Sẽ đặc biệt hữu ích nếu dòng sống hiểu ra rằng mỗi người, rốt cuộc, là người trách nhiệm về hoàn cảnh của mình vì chính mình đã tạo ra thực tế đó. Tuy nhiên con sẽ khó lòng khiến cho một dòng sống đã tổn thương chấp nhận sự thật này như ta đã từng trình bày trong một bài giảng quan trọng trước đây.  

Điều quan trọng là phải thực tế và nhận ra rằng một số dòng sống bị tổn thương  đến mức chúng sẽ chỉ đạt được tiến bộ hạn chế hoặc không tiến bộ gì hết. Thật ra, một số dòng sống sẽ còn tăng cường thêm cái vòng xoáy đã kéo chúng đi xuống từ nhiều kiếp đã qua, và chúng sẽ không ngóc đầu thoát ra nổi cho tới khi chúng chạm tới một cái đáy. Ta hoàn toàn thông cảm những cha mẹ cảm thấy vô cùng chán nản và vô vọng khi con mình gạt bỏ mọi cố gắng giúp đỡ và hàn gắn của mình. Ta thấu cảm nỗi đau đớn của hàng triệu bậc cha mẹ đã đem đứa bé vào đời với niềm kỳ vọng to lớn nhất, đã cố hết sức thương yêu và chữa lành cho nó. Ta hiểu rõ những cha mẹ phải trải qua nỗi đau khổ nhìn thấy con mình đập tan những kỳ vọng này và không ngừng chọn con đường thấp nhất trong mỗi tình huống.

Ta cảm được điều này đã làm cho cha mẹ vô cùng đau đớn, buồn nản. Tuy nhiên, ta phải nói một điều vô cùng quan trọng là cha mẹ phải vượt qua nỗi buồn khổ này về con mình cũng như sự thất vọng khi con mình chối bỏ mình. Để vượt qua hoàn toàn sẽ đòi hỏi hai nhận thức.

Nhận thức thứ nhất là hầu hết mọi nền văn hoá thời nay đều có một sự hiểu biết hạn chế về thực tại của Thượng đế. Nếu con đã lớn lên trong một văn hóa không nhìn nhận thực tế của luân hồi, điều gần như không thể tránh khỏi là con đã được dạy dỗ một số chờ đợi và thái độ vô cùng thiếu thực tế về việc có con và nuôi con. Tại Tây phương, người ta thường cho rằng bậc cha mẹ phải yêu thương con mình bất kể đứa con xử sự thế nào.

Nói chung thì điều này cũng đúng thôi, nhưng nó chỉ đúng nếu con nhận ra tình thương đích thực là tình thương vô điều kiện của Thượng đế. Tình thương này không phải là tình thương chiếm hữu và vị kỷ mà hầu hết mọi người có khả năng cảm được và thể hiện. Khi con chỉ cảm thấy tình thương vị kỷ, cha mẹ sẽ không thể tránh khỏi khởi lên một ý thức sở hữu về con mình. Từ đó dẫn đến một loạt những sự chờ đợi rằng con mình phải sống theo những tiêu chuẩn của mình và của xã hội.    

Sự thể này dẫn đến những cố gắng không cần thiết nhằm kiểm soát con mình, gây ra nhiều sự xung đột giữa cha mẹ và con cái do đứa con nổi loạn chống lại sự kềm chế của cha mẹ, với hệ quả là càng có thêm nhiều sự bực dọc và đau lòng cho cha mẹ và sự giận dữ cho con cái. Đây là một môi trường mất cân bằng và tồi tệ mà những người tâm linh phải cố thoát ra, thăng vượt.  

Điều này dẫn đến nhận thức thứ hai. Để thăng vượt môi trường tồi tệ trong quan hệ với con cái, con cần nhận ra và chấp nhận rằng đứa trẻ không phải là con của mình. Con đã không sinh tạo đứa trẻ đó ra từ chính con hay từ hư vô. Con không có quyền sở hữu nào trên dòng sống của nó. Đứa con của con là một cá nhân hoàn toàn biệt lập, và với tư cách đó, nó có quyền – là quyền tuyệt đối do Thượng đế ban cho nó – để sử dụng quyền tự quyết của nó theo cách hiểu của nó và gặt hái hậu quả từ những chọn lựa của nó. 

Khi con có thái độ sở hữu đối với con cái, con sẽ tìm cách kiểm soát những chọn lựa của dòng sống đó và con còn có thể ngăn cản nó trải nghiệm hậu quả những chọn lựa này. Khi con vượt lên trên tình yêu chiếm hữu và ôm lấy tình yêu của Thượng đế, con sẽ không cố kiểm soát đứa trẻ nữa mà chỉ cố giáo dục, hướng dẫn đứa trẻ. Nhưng con làm điều này trong tinh thần tôn trọng không khoan nhượng đối với quyền tự quyết của nó, và nếu nó không nghe theo lời khuyên của con, con sẽ cho phép nó trải nghiệm hậu quả chọn lựa của nó.

Ta không đang nói là con phải để yên cho nó làm điều gì có thể đe dọa mạng sống hay sự an toàn của nó. Điều ta muốn nói là khi đứa trẻ lớn lên, con sẽ cho nó ngày càng nhiều tự do hơn, và sẽ đến một lúc con sẽ chỉ giản dị để cho nó sống cuộc đời nó muốn. Điểm này đặc biệt quan trọng đối với một dòng sống bị tổn thương.

Điều này dẫn chúng ta đến khái niệm là với tư cách cha mẹ, con không có bổn phận phải dành toàn bộ đời mình xoay quanh con mình. Một bậc cha mẹ không bắt buộc phải chăm sóc con mình suốt đời của nó. Để hoàn toàn nắm được điều này, con cần nhận ra hai lý do căn bản vì sao cha mẹ lại chọn đem vào đời một dòng sống nào đó. 

Trước khi dòng sống của con bước vào kiếp hiện thân này của con, con đã gặp gỡ các vị cố vấn tâm linh của con nơi một cõi cao hơn và con đã lên kế hoạch cho kiếp sống tới. Trong kế hoạch này, con hoạch định những dòng sống nào mà con muốn trao cho cơ hội sống bằng cách cho chúng trở thành con mình. 

Tất nhiên, hầu hết mọi cha mẹ đều muốn nghĩ rằng con mình là đứa trẻ toàn hảo. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cha mẹ sẽ chọn, trước khi mình đầu thai, sinh ra một hay nhiều đứa trẻ đã bị tổn thương trầm trọng. Có hai lý do căn bản tại sao cha mẹ lại chọn sinh con là một dòng sống tổn thương:

  • Một lý do là vì cha mẹ có nghiệp quả với đứa trẻ trong tiền kiếp. Cha mẹ chọn đứa này như một cách để trả nợ dòng sống đó.
  • Lý do kia là cha mẹ đã từng có sự nối kết tích cực rất lâu đời với đứa trẻ. Vì vậy cha mẹ chọn sinh ra dòng sống tổn thương này vì yêu thương và muốn giúp nó. 

Trong trường hợp đầu, có thể nói là quan hệ giữa cha mẹ và đứa trẻ xem như một quan hệ trao đổi. Cha mẹ mang nợ nghiệp quả đối với đứa trẻ gần giống như nợ tiền ngân hàng vậy. Khi nợ trả xong, cha mẹ đã làm tròn bổn phận của mình với đứa con.

Điều ta muốn nói ở đây là trong một mối quan hệ như vậy, không nhất thiết phải có tình thương giữa dòng sống của cha mẹ và dòng sống của đứa con. Thật ra có thể có rất nhiều tình cảm tiêu cực mang theo từ tiền kiếp. Tiềm năng cao nhất cho tình cảnh này là cả đứa con lẫn cha mẹ đều vượt qua được những tình cảm tiêu cực đối với nhau, làm việc để giải quyết tâm lý bị tổn thương, cân bằng nghiệp quả với nhau và xây dựng một mối quan hệ tích cực, yêu thương.

Tiếc thay, điều này hiếm khi xảy ra khi đứa con là một dòng sống tổn thương. Lý do chính là sự thiếu vắng hiểu biết tâm linh trong nền văn hóa Tây phương. Vì không nhìn cuộc sống như là một cơ hội tăng triển tâm linh, cả đứa con lẫn cha mẹ thường hay tăng cường, củng cố tình cảm tiêu cực của mình. Điều này thật đáng tiếc vì nó có thể ngăn cản mọi người cân bằng nghiệp quả với nhau.

Là một bậc cha mẹ tỉnh thức tâm linh, điều tốt nhất mà con có thể làm trong tình cảnh này là con thay đổi thái độ của con đối với con cái, quyết tâm nỗ lực hàn gắn các tình cảm tiêu cực của mình cũng như những vết thương tình cảm của mình đối với nó. Rồi con cố hết sức giúp đỡ nó hầu con cân bằng nghiệp quả của con đối với nó. Việc này có thể gồm cả sự thực tập tâm linh, chẳng hạn đọc các bài chú và bài thỉnh nhằm biến hóa nghiệp chướng.

Nếu con khắc phục được các tình cảm tiêu cực của mình và cân bằng mọi nghiệp quả với đứa con, thực sự con đã làm tròn bổn phận tâm linh của con đối với nó. Nếu nó vẫn không phản hồi một cách tích cực đối với con, điều hợp lý nhất có thể là con chỉ đơn giản cắt đứt quan hệ với đứa con.

Xin con đừng hiểu lầm điều ta đang nói. Ta biết rõ có nhiều cha mẹ trốn tránh trách nhiệm đối với con mình. Xin con đừng hiểu sai và diễn giải rằng ta dung túng lối hành xử như thế. Ta không tán thành bất cứ ai trốn chạy trách nhiệm của mình trong đời sống. Điều ta muốn nói ở đây là con có thể thực sự đạt tới một điểm khi trách nhiệm của con đối với con cái đã làm xong và tốt hơn hết mỗi người nên đi đường riêng của mình.   

Nếu đứa trẻ không tỏ ra sẵn sàng bỏ lại đằng sau những tình cảm tiêu cực của nó đối với con, không chịu học hỏi từ con hay được bổ ích từ bất cứ điều gì con cho nó, thì điều hợp lý là con có thể nói: “Con hãy tự lo lấy. Bố mẹ phải sống tiếp cuộc đời bố mẹ, và nếu con không chịu bỏ những chuyện đó lại, bố mẹ sẽ bỏ con lại đằng sau.” Điểm này chính là phần nào ý nghĩa một số lời ta dạy cách đây 2000 năm khi ta đưa ra những câu nói thật thẳng thắn mà quá nhiều người lại hiểu lầm: 

“Ta đến để phân rẽ con trai với cha của nó, và con gái với mẹ của nó, và con dâu với mẹ chồng của nó” (Matthew 10:35).

“Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không xứng đáng với ta, và ai yêu con trai hay con gái hơn ta thì không xứng đáng với ta” (Matthew 10:37).

Ý nghĩa đằng sau hai câu trên là mục đích cuộc đời con là bước tiếp con đường tâm linh và thể hiện tâm Ki-tô của con. Nếu con đã trả hết món nợ nghiệp chướng và nếu con cái đã trở thành một gánh nặng ngăn trở đường tâm linh của con, điều hợp lý có thể là con phải bỏ con cái lại đằng sau và tiếp tục đường con.

Ta cũng hiểu nhiều người sẽ thấy những câu trên rất khiêu khích, thế nhưng đó là sự thực. Một người tỉnh thức tâm linh sẽ không bỏ rơi một đứa trẻ. Tuy nhiên, con có thể bước đi khi con đã làm tròn trách nhiệm của con với nó vì con nay nhận ra là con cũng có một trách nhiệm đối với dòng sống của con. Nếu đứa con không sẵn lòng tiến bước về phía trước thì có ích gì con ngừng tiến bước trên đường tâm linh của con vì một ý thức giả tạo về nghĩa vụ của con với đứa trẻ? Tại sao con lại kềm hãm tiến bộ của con nếu con không giúp gì được nó? Hai điều sai không tạo nên một điều đúng.     

Để hiểu điều này hoàn toàn, một lần nữa con cần nhìn vào sự kiện đứa con là một dòng sống hoàn toàn biệt lập có ý chí tự do của nó. Khi con đem nó vào đời, con có một số trách nhiệm cho nó một khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Nhưng sẽ đến một điểm khi đứa con phải rời tổ và nhận lấy trách nhiệm đời nó. Khi nó đủ lớn để tự quyết định, hoặc khi nó đạt đến điểm hoàn toàn nổi loạn hay chối bỏ con là cha mẹ nó, con không còn trách nhiệm về những chọn lựa của nó nữa. Về điểm này thì thật sự con chưa bao giờ trách nhiềm về chọn lựa của nó mặc dù khi nó còn nhỏ, con có trách nhiệm giúp nó có những chọn lựa cao nhất.

Điều ta nói với con ở đây là đối với một người tầm đạo, điều tuyệt đối thiết yếu là con phải nhận ra được, và hoàn toàn chấp nhận, rằng con không chịu trách nhiệm về chọn lựa của bất cứ ai. Con trách nhiệm về cuộc đời của con và những chọn lựa của con. Con không trách nhiệm những chọn lựa của người khác. Con có thể cố giúp họ lấy những chọn lựa tốt nhất nhưng con không được rơi vào cái bẫy tìm cách chọn lựa cho họ.    

Nếu tất cả mọi người đều hiểu được chân lý sâu xa của câu trên, khoảng 80 phần trăm mọi cuộc xung đột và vấn nạn mà chúng ta đang chứng kiến trên hành tinh này sẽ được giải quyết vô cùng nhanh chóng, bởi vì những vấn đề đó thật sự khởi lên do cảm nhận sai lầm là mình chịu trách nhiệm những chọn lựa của người khác. 

Trước khi ta đi lạc đề, hãy cho phép ta trở về với tình cảnh khi con chọn đưa vào đời một dòng sống bị tổn thương do lòng yêu thương dòng sống đó. Trong trường hợp này, con đã có sẵn tình yêu thắm thiết đối với nó, và điều quan trọng là con nuôi dưỡng tình yêu này cho dù đứa con bị tổn thương tới mức nó không có khả năng đáp lại trọn vẹn tình yêu của con. Trong một mối quan hệ như vậy, điều quan trọng là con không cho phép tình yêu của con biến thành ý thức trách nhiệm giả tạo mà ta vừa mô tả. Thay vào đó, con hãy cảm nhận lòng từ bi và nhận ra được là các vết thương của đứa con có thể gây ra một số hạn chế cho mối quan hệ.   

Như ta có giải thích ở trên, đứa con của con có thể quá tổn thương đến nỗi nó không có triển vọng được chữa lành hoàn toàn trong một kiếp sống. Vì vậy, rất có thể nó sẽ không có khả năng trở thành một công dân mẫu mực trong tiêu chuẩn của xã hội và nền văn hóa của con. Nếu con có thể tránh được ý thức trách nhiệm giả tạo, con có thể để yên cho nó sống cách sống hay nhất của nó mà không đòi hỏi hay kỳ vọng bất cứ gì mà nó không thể làm được do vết thương mà nó mang.  

Nhờ vậy con có thể tránh được cảm giác buồn lòng hay bị hất hủi, và thay vào đó, nhìn con mình như một dòng sống bị thương tích mà con cố yêu thương và giúp đỡ trong khả năng đón nhận của nó. Nói cách khác, con không cố ép buộc tình yêu hay sự giúp đỡ của con lên nó, mà ngược lại con chỉ ban ra những gì phù hợp với khả năng tiếp nhận hạn chế của nó.

Nếu con giữ được thái độ này, con sẽ có thể bồi đắp một mối quan hệ xây dựng với con mình kéo dài suốt cuộc đời của nó. Trong trường hợp này, con sẽ có thể lần hồi giúp nó hàn gắn vết thương và tinh tấn vượt bực trong kiếp này. Đây quả thực sẽ là một thành quả vô cùng tốt đẹp cho dù đời nó vẫn kém rất xa những tiêu chuẩn của xã hội hay mực thước tâm linh. Con thấy đó, con người không cần phải sống một cuộc đời toàn hảo để tinh tấn về tâm linh. Thượng đế không phán xét như con người phán xét.