Quyền tự quyết của con mình

Hỏi: Tôi là một người mẹ, và đôi khi tôi không rõ phải đối xử ra sao với quyền tự quyết của con tôi. Tôi phải tôn trọng quyền tự quyết của nó đến độ nào? Thí dụ như khi nó muốn xem truyền hình hay chơi trò chơi trên máy tính quá lâu. Tôi cần kiểm soát thời khóa biểu của nó. Tôi có thể làm điều này chăng mà vẫn tôn trọng quyền tự quyết của nó?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, ngày 1/4/2024, nhân Khóa học trực tuyến Giải thoát Ki-tô vào dịp Lễ Phục sinh 2024.

Con không thể chỉ nhìn vấn đề dưới góc độ quyền tự quyết của con trai của con. Vì con trai của con sống trong nhà con và các con là một gia đình, nên quyền tự quyết của con trai của con phải quân bằng với quyền tự quyết của các người khác trong gia đình. Do đó, lúc nào cũng có vấn đề quân bằng quyền tự quyết của một cá nhân và quyền tự quyết của bất cứ nhóm nào mà cá nhân đó là một thành viên. Như các thày có nói, không có cá nhân nào là một ốc đảo, do đó ai nấy đều thuộc vào một nhóm.

Do đó, con có quyền định ranh giới cho các con của con, đúng thực là con có bổn phận định ranh giới cho chúng. Chúng có thể có lúc nổi loạn chống lại ranh giới do cha mẹ quy định, nhưng có ranh giới để chúng nổi loạn chống lại vẫn tốt cho chúng hơn là không có ranh giới. Các cha mẹ không chịu định ranh giới cho các con không thực sự tôn trọng quyền tự quyết của chúng, vì một đứa trẻ chưa đủ chín chắn để quyết định mình muốn làm gì. Một đứa trẻ cần liên hệ với một cái gì, và khi nó dần dần khôn lớn thì nó biết rõ hơn nó là ai và nó muốn gì.

Ngoài ra con cũng cần quan tâm là bất cứ người trưởng thành nào cũng cần sinh hoạt như một thành viên của một nhóm, và nếu người đó không học được điều này khi còn thơ ấu thì sẽ khó học hơn khi đã trưởng thành. Do đó, như một phụ huynh con có quyền và bổn phận định ranh giới cho các con của con để chúng biết cách sinh hoạt như một gia đình, và đây sẽ là nền tảng để chúng biết cách sinh hoạt trong xã hội. Nếu không thì chúng sẽ trở nên giống như những người cảm thấy rất khó sinh hoạt trong khung cảnh một nhóm người, và điều này không phục vụ quyền lợi của chúng.

Tại sao con lại chọn sinh con với nhu cầu đặc biệt?

Hỏi: Con trai của con năm nay 15 tuổi, nó mắc chứng tự kỷ (autism) và các chứng chậm phát triển liên quan đến tự kỷ. Điều này có nghĩa là nó hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, chủ yếu là chính con để đáp ứng mọi nhu cầu của nó. Con cũng ở trong một cuộc hôn nhân độc hại, và suốt 17 năm chung sống, tình trạng của con với chồng con đã rất khó khăn. Con bị xâu xé giữa ý tưởng là con có thể trợ giúp con mình tốt nhất bằng cách ở lại trong hôn nhân và giữ cho gia đình bền chặt, và ý tưởng là con sẽ ra đi. Nhưng con lo sợ việc bỏ chồng sẽ khiến con trai con buồn khổ do gia đình đổ vỡ. Con cũng cảm thấy có lẽ đây là ngã gốc hay những ngã khác đang phóng chiếu là con phải thoát ra khỏi cuộc hôn nhân vì đôi khi có vẻ như con không thể chịu đựng được nữa.

Con đã cố tìm cách giải quyết tình trạng khó xử này từ khá lâu nay nhưng con đã không thành công, vì những điều con muốn cứ không ngừng chao đảo, và nỗi hoài nghi cứ khiến con day dứt vì con không chắc chắn sự hướng dẫn nội tâm mà con nhận được đến từ thày. Con muốn các thày cho con biết là con cần xem xét và tập trung vào đâu để con biết cách giải quyết tốt nhất cho hoàn cảnh của con.

Xin các thày cũng giải thích là chuyện này nói lên điều gì về quyền tự quyết. Con có thể học hỏi được gì về quyền tự quyết khi con chọn có một đứa con với nhu cầu đặc biệt? Có khía cạnh nào về quyền tự quyết mà con chưa xem xét đã khiến con bị bứt rứt quá đỗi và không biết làm sao bước đi tiếp trong đời?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Hội nghị Hàn quốc 2023. Đăng ngày 10/7/2023.

Bất cứ khi nào con cảm thấy cắn rứt, xâu xé và không chắc chắn về hướng đi của mình, thì đó là do một số ngã trong tiềm thức của con đang xung đột với nhau và cố kéo con về những hướng khác nhau. Lời khuyên hay nhất mà ta có thể cho con trong tư cách một đệ tử của chân sư thăng thiên là con hãy sử dụng sách Chữa lành Chấn thương Tâm linh cùng các quyển khác trong cùng bộ. Mục đích là để phơi bày các ngã đó ra, làm việc xuyên thấu qua chúng cho đến khi con chạm được chấn thương nhập đời của con.

Trên thế giới có những người đã thảo trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình việc mang gánh nặng một người khuyết tật trong gia đình, và có nhiều lý do khiến họ đã quyết định như vậy. Trong một số trường hợp, đó là vì trong những kiếp trước họ đã có một quá trình từ chối lấy quyết định cho bản thân họ, luôn luôn mong mỏi có một thế lực nào đó từ ngoài sẽ bảo mình phải làm gì. Cho nên họ đã cố tình đặt mình vào một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn để khiến họ đến chỗ phải tự quyết định lấy, rồi phải giữ vững quyết định này cho dù đó là gì.

Cũng có những người chọn bước vào hoàn cảnh này vì hoàn cảnh sẽ dạy họ phân biệt được tự do vỏ ngoài với tự do nội tâm. Đã có ví dụ những người sống nhiều năm trong tù khám mà vẫn đạt được một trạng thái nội tâm tự do về mặt tâm lý hơn cả những người sống bên ngoài, và theo một nghĩa nào đó, con có thể nói là con đang sống trong một hình thức tù ngục. Con có thể xét xem con cần làm gì để đạt tới điểm con cảm thấy tự do hơn trong nội tâm, bất kể hoàn cảnh vỏ ngoài có là gì.

Dĩ nhiên, sự bất đồng trong hôn nhân cũng liên quan đến một số ngã mà con đang mang trong tiềm thức – và hiển nhiên chồng con cũng có một số ngã tiềm thức của anh ấy – nhưng đối với con, tất nhiên việc dễ làm hơn là con làm việc với chính tâm lý mình, rồi con nhìn xem làm như vậy có thay đổi cách cư xử trong quan hệ hay trong gia đình hay không.

Như một nhận xét tổng quát, con cũng có thể tìm xem ở nước con có những cơ quan nào có thể giúp con trong vấn đề này, hầu con không phải hứng chịu tất cả gánh nặng một mình. Chắc chắn ta có lòng từ bi đối với hoàn cảnh của con, nhưng để cho con một điều gì khả dĩ thay đổi được phương trình, gần như luôn luôn con sẽ cần tìm cách phơi bày các ngã tách biệt đang tạo ra phản ứng của con, đang khiến con hoài nghi, thì sau đó con sẽ nhìn thấy rõ hơn.  

Rời xa gia đình

Hỏi: Con có câu hỏi này cho các chân sư. Con sống ở Trung Đông, và lý do con sống ở đây một phần là để luôn luôn có liên lạc và một số quan hệ với gia đình con. Sau khi đọc bài truyền đọc của Mẹ Mary “Cắt đứt quan hệ với thành viên gia đình,” con cảm thấy có đủ tự do để cuối cùng con có thể – hy vọng như vậy và ít ra trong tâm con – thoát khỏi gia đình hoàn toàn.

Đôi khi con cảm thấy kẹt cứng vì chồng con không tăng triển, và cha mẹ cùng anh chị em con cũng vậy. Chỉ có con gái con là tăng triển tâm linh và hai chúng con chia sẻ với nhau hành trình này. Cuộc sống ở bên họ có khi đem lại cảm giác nghẹt thở. Họ không cởi mở muốn thay đổi, và chính con cũng đã buông mọi dính mắc muốn thay đổi họ. Họ luôn luôn phóng chiếu ra những chờ đợi về con, và vấn đề là con luôn luôn phải tìm ra sự cân bằng để tiếp tục sống chung.

Thỉnh thoảng con cảm thấy mình muốn tự do để sau này dọn đi thật xa hầu con có thể là chính mình một cách tự do hơn, không những chỉ trong nội tâm mà cả ngoài đời. Con biết đây không nên là một quyết định dựa trên sợ hãi, nhưng việc ở lại có lẽ cũng là một quyết định dựa trên sợ hãi. Con biết có nhiều cách quyết định đúng đắn nhưng con xin cảm tạ bất kỳ ý kiến đóng góp nào về hoàn cảnh này.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar Tân niên 2023 – Là người tâm linh trong một thế giới hỗn loạn. Đăng ngày 27/1/2023.

Hiển nhiên điều này cần là một quyết định cá nhân của con. Và tất nhiên, có rất nhiều người ở trong hoàn cảnh tương tự như con, không chỉ tại Trung Đông mà thôi. Một trong những thử thách con phải đối mặt trên đường tâm linh, như chúng tôi đã có giảng, là nâng cao tâm thức con vượt lên trên tâm thức tập thể, và rõ ràng tâm thức này đang thể hiện trong mối quan hệ của con với gia đình. Gia đình con không ngừng nỗ lực níu kéo để con ở lại mức tâm thức của họ vì họ không muốn thay đổi. Con sẽ đối phó với sự thể này như thế nào?

Một lần nữa, đây phải là một quyết định cá nhân, và hoàn toàn đúng là quyết định này không nên xuất phát từ lòng sợ hãi. Cũng đúng là việc ở lại cũng rất có thể là một quyết định dựa trên sợ hãi, do con sợ chuyện gì sẽ xảy ra nếu con dọn đi, gia đình con sẽ phản ứng ra sao, và con sẽ cảm thấy thế nào nếu con không còn gần gũi với gia đình, nếu bỗng nhiên con sống một mình hay chỉ có một vài người chung quanh, không họ hàng trong một hoàn cảnh xa lạ.

Điều hay nhất mà con có thể làm là sử dụng các dụng cụ tâm linh và lời dạy của các chân sư về ngã tách biệt. Con có thể dùng các dụng cụ đó để nhận diện con đang có những ngã tách biệt nào liên quan đến gia đình con, hay ngay cả đi ngược trở về chấn thương nhập đời của con và nhận ra là nhiều người sau chấn thương nhập đời của họ đã cảm thấy cô đơn trong một thế giới hăm dọa. Và trong nhiều kiếp sống liên tiếp, con đã vun bồi ý muốn luôn luôn thuộc về một nhóm người nào đó để con không phải đứng một mình. Và thường khi, chính điều này là nền móng cho những dây nhợ gia đình khiến con cảm thấy gắn chặt với một gia đình – có lẽ không cùng những thành viên hiện tại – nhưng con mang một cái ngã cảm thấy con chỉ có thể an toàn trong một nhóm người.

Khi con đem những ngã đó vào nhận biết ý thức của con, con hãy nhìn chúng và để cho chúng chết đi, rồi sau đó con sẽ tự do hơn để lấy một quyết định không dựa trên sợ hãi. Chắc chắn có rất nhiều người có trù liệu trong Sứ vụ Thiêng liêng của mình việc dọn đến một môi trường khác hơn, không nhất thiết ở một nước khác nhưng chắc chắn dọn xa khỏi gia đình để họ có cơ hội làm lại một khởi đầu mới. Đức Phật cũng từng nói rằng những ai rời xa quê hương đã hoàn thành một nửa Dharma của mình rồi, và mặc dù câu này không là trường hợp của mọi người nhưng nó cũng chứa đựng chân lý trong đó.

Sứ giả này khi ông rời xa gia đình để sinh sống ở một nước khác nơi ông không có thân bằng quyến thuộc, đã chợt nhận ra là không có ai quen biết mình, không có ai chờ đợi gì ở mình. Và do đó, ông tự do tái tạo lại bản thân dựa trên con người mà ông muốn là.

Chắc chắn đó có thể là một cơ hội để con khởi đầu một giai đoạn mới trong đời con, một giai đoạn mới trên đường tu tâm linh của con. Đây là một điều con có thể cân nhắc, nhưng một lần nữa, con sẽ có khả năng lấy quyết định tốt nhất một khi con xem xét các ngã tách biệt và loại bỏ chúng, và thường thường khi đó, con sẽ không phải lấy quyết định nào bằng tâm vỏ ngoài. Bước kế tiếp của con sẽ chỉ hiện ra như là chuyện hiển nhiên.

Làm thế nào thoát khỏi một quan hệ đồng phụ thuộc

Hỏi: Con xin các chân sư thăng thiên giúp con hiểu rộng hơn về vấn đề như sau. Mẹ con là một người hà hiếp, và suốt đời con, con đã phải chịu đựng bà xâm hại con cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Tất cả các thành viên khác trong gia đình đều đứng hẳn về phía bà và không ai ngờ được nỗi khổ của con, vì nói chung, kẻ bạo hành thường được mọi người chung quanh tin họ do họ hành xử khác nhau với từng người.

Nguyên do khiến bà ấy căm ghét con là vì cha con. Bà cho rằng cha con đã hà hiếp bà và làm tan nát đời bà. Vì một lý do nào đó, con biến thành một loại kẻ thù truyền kiếp của bà. Mặc dù mẹ con cũng biết đến giáo lý của chân sư thăng thiên, bà vẫn tìm được những luận cứ của riêng bà để kết án con là người đã khiến đời bà tan nát. Bà không chia tài sản thừa kế cho con để con có thể mua nhà riêng hầu con có thể dọn đi thật xa khỏi bà. Con đang rất đau khổ về mặt tâm lý do tất cả những chuyện xáo trộn trong gia đình. Xin các thày nói cho con biết làm cách nào con có thể thoát ra khỏi tình cảnh này. Xin giúp con thấy những gì con chưa thể thấy.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2022 về Ukraine. Đăng ngày 5/12/2022.

Trước hết, hãy để ta nói với con là đã có những ví dụ người ta sử dụng lời dạy của chân sư thăng thiên để biện minh cho việc tiếp tục lối sống từ chối trách nhiệm về bản thân mình. Nếu mẹ con đổ lỗi cho con về việc bà bị cha con hành hạ, thì hiển nhiển bà chưa nhận lãnh trách nhiệm về bản thân bà, và điều này có nghĩa là bà không thực sự là môt học trò nghiêm túc của chân sư thăng thiên, vì nếu có thì bà đã không hành xử như vậy.

Điều con có thể làm là nhận ra chìa khóa để thoát khỏi mẹ con không phải là chuyện nhận được gia tài hầu con có thể mua nhà riêng và dọn xa mẹ con. Chìa khóa nằm trong tâm lý của con. Con cần giải quyết cái gì ở trong tâm lý con đang khiến con nghĩ là con không thể rời đi xa. Những gì con mô tả là một mối quan hệ đồng phụ thuộc (co-dependent) điển hình, qua đó con đã trở nên lệ thuộc vào mẹ con và vì vậy con không thể tự giải thoát khỏi bà ấy cũng như sự hành hạ của bà ấy. Con có thể tìm đọc sách tâm lý học về các mối quan hệ đồng phụ thuộc, hay con có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý có thể giúp được con, và ta khuyến khích con làm vậy. Nhưng con cũng có thể dùng các dụng cụ của các thày để chữa lành chấn thương tâm linh của con, để giải quyết các ngã tách biệt hầu con tự giải phóng ra khỏi tình trạng này.  

Đây không phải là vấn đề dọn đi xa về mặt vật lý, mà là việc rời xa về mặt tâm lý, với mục đích là cho dù mẹ con có tiếp tục cách hành xử đó thì nó không còn ảnh hưởng gì con nữa. Các thày đã cho con những dụng cụ để thực hiện công việc này, nhưng con phải sẵn lòng, con phải có quyết tâm vững mạnh muốn thoát ra – và điều này ta cũng biết là không dễ gì khi con đang ở trong một mối quan hệ đồng phụ thuộc.

Nhưng một cách nào đó, con có thể thấy được – nếu con chịu nhìn – là mẹ con đang phóng chiếu tới con là bà không thể thay đổi đời bà bởi vì con. Nhưng đồng thời, chính con cũng đang phóng chiếu tới bà là con không thể thay đổi đời con bởi vì bà. Đây là cơ chế tâm lý đồng phụ thuộc điển hình. Con cần quyết định liệu con có muốn thoát ra khỏi nó hay không, rồi sau đó con cần làm những việc cần thiết để thoát khỏi nó. Nhưng trước nhất, con cần nhận ra là không phải mẹ con đang ngăn cản con thoát ra, mà là một cơ chế trong chính tâm lý của con, những cái ngã tách biệt, đang ngăn cản con.

Những nguyên nhân của vô sinh

Hỏi: Xin thày giúp chúng con có tầm hiểu cao hơn về vô sinh (không có khả năng sinh sản) ở cả nam lẫn nữ? Xin thày chia sẻ một số lời khuyên thiết thực để đem lại quân bình cho bốn thể phàm, và làm cách nào hỗ trợ việc đồng sáng tạo một đứa bé cho cả nam lẫn nữ?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary, nhân Webinar 2022 cho Hoa kỳ – Hồi phục nền Dân chủ. Đăng ngày 14/11/2022.

Vô sinh có những nguyên nhân vật lý cũng như những nguyên nhân phi vật lý. Tất nhiên là có thể có những yếu tố di truyền gây ra vô sinh, có thể có những sự mất quân bình hóa học trong cơ thể, có thể có điều mà con gọi là bệnh tật trong cơ thể có thể gây ra vô sinh.

Ở mức sâu xa hơn, có thể có những lý do tâm linh mà chúng ta có thể gọi là lý do tâm lý cho vô sinh. Trong một vài trường hợp, lý do chỉ giản dị là vì việc có con không nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của người muốn làm cha mẹ. Họ bị ngăn chặn trong việc thụ thai một đứa bé trong thể vật lý. Trong một số trường hợp – rất ít – họ có thể mong muốn có con trong tâm ý thức nhưng bị tâm tiềm thức ngăn chặn. Nhưng có rất nhiều trường hợp vô sinh đi ngược trở về những kiếp trước và một tâm lý chưa giải quyết.

Có những gia đình đã từng tái đầu thai cùng với nhau rất nhiều lần – cùng những linh hồn, cùng những dòng sống – nhưng họ lại không tăng trưởng khi đầu thai với nhau. Cho nên có thể có trường hợp càng ngày càng có tình trạng vô sinh trong các thế hệ mới để khiến họ không thể tiếp tục đầu thai trong cùng gia đình.

Cũng có trường hợp những người đã từng xâm hại trẻ em trong kiếp trước, và vì vậy họ bị nghiệp lực ngăn chặn không cho có con. Có những trường hợp cha mẹ không muốn có con vì đủ loại lý do khác nhau, cho nên ở tầng tiềm thức có một điểm nghẽn ảnh hưởng đến cơ thể vật lý cùng khả năng thụ thai.

Nếu con là một người tâm linh, tất nhiên con có thể sử dụng các dụng cụ của chân sư thăng thiên để chữa lành bất kỳ ngã tách biệt nào, bất kỳ tâm lý nào chưa được giải quyết từ tiền kiếp, và điều này sẽ hiệu quả trong một số trường hợp – nhưng không phải trong mọi trường hợp. Bởi vì như ta vừa nói, nếu việc có con không nằm trong Sứ vụ Thiêng liêng của con, thì con thật sự không thể làm được gì nhiều để tạo ra khả năng sinh sản vật lý.

Còn đối với những ai không tâm linh, họ không thể làm được gì nhiều, và ta cũng không thể khuyên nhủ được gì nhiều vì họ không cởi mở với một giải pháp tâm linh.

Tình bạn và gia đình

Hỏi: Mẹ Mary yêu dấu, tại sao chuyện xảy ra rất thường là có những người đầu thai trong cùng gia đình với chúng ta nhưng trên thực tế họ lại xa lạ với chúng ta, và họ không có điểm chung nào với chúng ta? Chẳng hạn, một người có thể có nhiều anh chị em nhưng lại không thể thiết lập mối quan hệ thân thiện nào. Mối thân thiện chỉ kéo dài một thời gian khi còn nhỏ nhưng khi lớn lên thì nó biến mất. Hoặc anh chị em chênh lệch tuổi tác tới 14 tuổi, vậy mà cha mẹ lại muốn con cái mình hòa thuận với nhau. Nhưng sự hòa thuận không xảy ra và mỗi đứa lớn lên cô độc một mình. Làm thế nào người ta có thể kết bạn được ở tuổi trưởng thành nếu người ta không thể kết bạn với chính những kẻ ruột thịt với mình?     


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2021 cho nước Nga – Khắc phục tâm thức xem mình là vượt trội cùng cảm nhận không trọn vẹn, bị chấn thương và chú tâm bên ngoài. Đăng ngày 29/5/2021.

Chúng tôi, các chân sư thăng thiên, đã có ban ra nhiều lời dạy là trong nhiều gia đình, có những người cứ đầu thai hết kiếp này tới kiếp khác trong cùng một gia đình với nhau. Lý do là vì họ có một số khuôn nếp nghiệp quả với nhau, nghĩa là trong quá khứ họ đã tạo ra những vòng xoáy xung đột với nhau, và cách duy nhất để họ có cơ hội giải quyết xung đột là đầu thai cùng với nhau hết kiếp này tới kiếp khác.

Hiển nhiên, vấn đề ở đây là tâm lý của họ đã không thay đổi từ kiếp này sang kiếp sau. Thậm chí, có thể họ tạo dựng một động lượng thù địch ngày càng mạnh mẽ hơn nữa, khiến cho họ rất khó lòng giao tiếp hay kết bạn với nhau. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người còn chìm đắm trong Trường đời Cay đắng, đó vẫn là cách duy nhất để họ có hy vọng tiến triển, vì họ cần đạt tới điểm họ hoàn toàn chán ngán chuyện đó và mong muốn một cái gì khác hơn.

Trong một số gia đình, con có thể nhận thấy một số thành viên bị kẹt trong một khuôn nếp nhất định, nhưng trong số mấy đứa con lại có một đứa đứng ra được bên ngoài, từ chối rơi vào khuôn nếp đó, và nó rời bỏ gia đình ngay khi nó có cơ hội. Điều này có nghĩa là trong nhiều trường hợp, sẽ có người thoát ra được nhóm gia đình đó khi họ tái đầu thai trong kiếp sau. Và điều này có thể mang lại sự tiến bộ.

Tất nhiên, con nói rất đúng khi con bảo là nếu con không thể kết bạn với chính gia đình mình vào tuổi thơ ấu thì việc kết bạn sẽ càng khó khăn hơn vào tuổi trưởng thành. Nhưng chuyện này tùy thuộc vào chính con có chuyển đổi được thái độ của mình hay không. Con có cơ hội tìm kiếm những người mà con cảm thấy có cùng độ rung với con. Khi con đầu thai trong một gia đình thì con không thể rời xa các thành viên trong gia đình, nhưng khi con chọn bạn ở tuổi trưởng thành, con có khả năng tìm đến những người mà con có những điểm chung.

Chìa khóa thực sự để con thoát khỏi những khuôn nếp nghiệp quả đó là nỗ lực làm việc trên tâm lý của con chứ con không có ý muốn thay đổi các thành viên khác trong gia đình. Con tập trung vào việc thay đổi chính con, xong con tự hỏi: “Tại sao tôi lại đầu thai trong gia đình này? Nó cho tôi thấy điều gì trong tâm lý mình cần phải giải quyết?” Điều minh triết nhất mà con có thể làm trong một gia đình thiếu hài hòa, mất cân bằng và mang những khuôn nếp độc hại, là con lấy quyết định một cách ý thức là con sẽ không tập trung vào chuyện thay đổi các thành viên kia. Thay vào đó, con đặt trọng tâm thay đổi chính mình để con không còn phản ứng lại các thành viên kia. Trong tâm lý con, con đã giải thoát khỏi họ.

Chuyển nghiệp cho con cái

Hỏi: Với tư cách là một người mẹ, con có thể nào dùng ngọn lửa tím để làm tiêu nghiệp cho một đứa con đã trưởng thành hay không? Hay đó là vi phạm quyền tự quyết của nó?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân Webinar 2020 – Là Mẹ Thiêng liêng. Đăng ngày 9/9/2020.

Nghiệp có hai khía cạnh. Một khía cạnh chỉ đơn thuần giống như một cơ chế máy móc: Năng lượng tha hóa có thể đã tích tụ lại trong ba thể cao của một người và đang là một gánh nặng cho người đó. Con có thể dùng các bài thỉnh gọi để tiêu hủy khía cạnh này cho người khác.

Nhưng cũng có một phần của nghiệp đòi hỏi chính người đó phải thấy được một điều gì đó và thăng vượt một trạng thái tâm thức nào đó. Điều này, hiển nhiên, con không thể làm thế cho người khác. Không phải là chuyện vi phạm quyền tự quyết của họ, mà đơn giản là con không thể làm được chuyện đó. Con không thể khiến cho họ nhìn ra một điều gì mà họ không sẵn lòng nhìn thấy.

Cho nên một lần nữa, việc thình gọi cho người khác có thể có tác dụng tích cực, vì bằng cách chuyển hóa năng lượng, họ sẽ dễ dàng hơn thấy được những gì họ cần thấy. Nhưng không có bảo đảm là họ sẽ thấy được điều đó vì sự thể tùy thuộc vào ý chí tự quyết của họ.

Một cái nhìn tâm linh về sẩy thai

Hỏi: Con có xem một cuốn phim đưa ra quan điểm là khi một người mẹ bị sẩy thai, việc đứa bé có sinh ra hay không không tùy thuộc vào người mẹ. Nếu linh hồn của đứa bé không muốn đầu thai vào thế gian, nó có thể ngừng tiến trình vật lý trong thai mẹ. Xin chân sư vui lòng bình luận về đề tài này. Việc sẩy thai có phải là sự chọn lựa của người mẹ hay có điều gì nữa mà con cần biết, và sự kiện này liên hệ đến quyền tự quyết như thế nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels nhân một hội nghị tại Estonia năm 2018. Đăng ngày 7/10/2019.

Sẩy thai có thể do nhiều yếu tố. Tất nhiên có thể có một lý do vật lý trong cơ thể người mẹ, trong gen của đứa bé, trong sự phát triển của đứa bé. Người mẹ có thể, đặc biệt trong trường hợp một cái thai không hoạch định, gây ra sẩy thai do không muốn có con – không nhất thiết là không muốn đứa đó mà không muốn có con một cách chung chung, hay không muốn có con vào thời điểm đó. Cho nên sự lựa chọn của người mẹ có khả năng gây ra sẩy thai – thậm chí điều này có thể nằm sâu trong tiềm thức khi người mẹ không sẵn sàng nhìn nhận những cảm xúc của mình về việc mang thai.

Tất nhiên cũng có thể đứa bé quyết định nó không muốn sinh ra. Điều này có thể xảy ra khi nó cảm nhận được độ dày đặc của cõi vật lý. Có thể đứa bé cảm được trường năng lượng của người mẹ, chẳng hạn trong trường hợp tiền kiếp đã có một nghiệp chướng gay gắt hay một mối xung khắc kéo dài với người mẹ. Khi nó đi xuống bào thai và cảm nhận trường năng lượng của mẹ, nó có thể quyết định là nó không muốn phải đối diện với vấn đề đó và nó không muốn sinh ra.  

Có thể có những lý do khác nữa khi đứa bé cảm được sự dày đặc của cõi vật lý hay nó nhận biết một số vấn đề khó khăn mà nó sẽ phải đối mặt trong kiếp sống sắp tới và nó từ chối đương đầu.

Cho đến nay, chúng tôi đã cho con một bức tranh hơi lý tưởng về sứ vụ thiêng liêng của con, nhưng những lời dạy đó nhắm đến những người tâm linh là những người sẵn sàng nắm lấy trách niệm bản thân và tự thay đổi chính mình. Đối với người tâm linh như vậy, mục đích là để cho con sẵn lòng hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con cho dù con sẽ gặp một số hoàn cảnh khó khăn bởi vì con biết nó sẽ dẫn tới tăng trưởng, dẫn tới cái mà chúng tôi gọi là giai đọan sáng tạo hơn của sứ vụ thiêng liêng. Con sẵn lòng đi muốt giai đoạn thực hiện của sứ vụ thiêng liêng để bước vào giai đoạn sáng tạo.  

Nhưng có những linh hồn không ở mức tiến hóa như vậy. Sứ vụ thiêng liêng của chúng chủ yếu là nhằm quân bình nghiệp quả, và vì thế chúng cần sống bên một số người mà chúng đang mang nghiệp từ tiền kiếp hầu chúng có thể – nếu có thể nói như vậy – tự buộc mình phải giải quyết nghiệp quả. Nhưng có những trường hợp linh hồn đó không đủ tiến hóa để giữ vững quyết định của mình khi gần đến ngày đầu thai hơn và chúng cảm được độ dày đặc của cõi vật lý. Cho nên khi thảo ra sứ vụ thiêng liêng ở một cõi tâm thức cao hơn, một linh hồn có thể thảo sứ vụ và quyết định “phải, tôi sẵn lòng đối đầu và giải quyết những khó khăn này”, nhưng khi nó phải trực diện với việc đi vào cơ thể và cảm nhận các năng lượng thì nó quyết định “không, tôi không sẵn sàng làm chuyện này.”

Một lần nữa, đây là một trong những trường hợp quyền tự quyết cần được tôn trọng. Con có thể nói là trong mọi trường hợp, quyền tự quyết phải được tôn trọng, nghĩa là nếu linh hồn quyết định nó không muốn sinh ra thì nó sẽ được tôn trọng. Nhưng tất nhiên có những trường hợp linh hồn có một ý chí thấp muốn trốn chạy khó khăn, và đồng thời nó cũng có một ý chí cao muốn đương đầu khó khăn, thì ý chí cao sẽ bác bỏ ý chí thấp.

Ta biết chuyện này nghe có vẻ hơi tối nghĩa nhưng sự thật là y như vậy. Quyền tự quyết là tiêu chuẩn tối hậu, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là thế nào là tự quyết. Con có thể nói là khi một linh hồn trải nghiệm sự dày đặc của cõi vật lý thì ý chí của nó không còn tự do nữa và nó không thể đi ngược lại những gì đã được hoạch định trong sứ vụ thiêng liêng. Và thật vậy, nhiều linh hồn đã quyết định bác bỏ cái ý chí thấp đó, cái con người vỏ ngoài đó, để tự bắt buộc mình bước vào hiện thân và đối phó với khó khăn vì nó biết điều này sẽ dẫn đến phát triển dài hạn.

Trẻ em nghiện trò chơi máy tính

Hỏi: Về câu hỏi hôm qua liên quan đến công nghệ, chúng con muốn hỏi thêm về vấn đề con em chúng con nghiện chơi công nghệ này. Chúng chơi trò chơi trên máy tính kể cả những hình thức dữ tợn hơn. Chúng chơi suốt ngày suốt đêm thay vì các trò chơi hoạt động cơ thể. Chúng bị nghiện máy tính.


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân dịp một hội nghị tại Hàn quốc năm 2017. Đăng ngày 3/9/2019.

Lẽ tự nhiên, con yêu dấu, đây là một mối quan tâm chính đáng khắp thế giới. Quả thật, ngành công nghệ mới này đang đẩy rất nhiều trẻ em vào một thế giới ảo giác nơi chúng bị cắt đứt khỏi cái mà chúng ta thường gọi là thế giới “thật”. Vấn đề này thật ra đã đẩy mạnh khuynh hướng của nhiều người không chịu nhận trách nhiệm về đời mình, bởi vì họ sẵn có một lối thoát quá dễ dàng để không phải lấy những quyết định khó khăn cho bản thân.

Vậy con có thể làm được gì đây? Tất nhiên, con có thể cầu thỉnh về chuyện này. Con có thể đặt ra giới hạn cho con cái về thời gian mà chúng được dành ra cho công nghệ đó. Con cũng có thể dùng lý lẽ với chúng về vấn đề sử dụng công nghệ, nhưng ta phải nói với con là hiện nay có một thế hệ trẻ em đã đầu thai cùng thời điểm khi công nghệ này xuất hiện. Và đối với rất nhiều đứa trong số đó, giản dị là chúng có một nhu cầu muốn trải nghiệm tối đa công nghệ giả tạo này cho tới khi chúng chán ngấy, thì lúc đó chúng mới sẽ tự ý bắt đầu mong muốn một cái gì cao hơn là cái thế giới nhân tạo mà chúng đã bỏ gần hết thời gian ra để trầm mình trong đó.

Cho nên điều ta muốn nói là con có thể có một số biện pháp. Con có thể cố giúp con mình bằng nhiều cách, nhưng nếu con không thể giúp chúng bằng lý lẽ thì con không nên tìm cách ép buộc chúng quá đáng, bởi vì làm như vậy sẽ chỉ tạo thêm xung đột giữa cha mẹ và con cái. Và điều đó sẽ khiến chúng càng rút xa hơn khỏi con và do đó cũng rút xa hơn khỏi thế giới thật.

Nói cách khác, nếu con thấy con không thể ngăn cản chúng đi vào đường này, điều quan trọng đối với con là cần giữ vững mối quan hệ với con cái, hầu ít ra chúng còn có một điểm tựa, một điểm neo trong thế giới thật – để chúng không rút lui khỏi con rồi bị cuốn hút thêm vào thế giới ảo mộng do mong muốn trốn thoát khỏi con. Cho nên con sẽ muốn duy trì một quan hệ và sự nối kết tối đa, để đến khi nào chúng hoàn toàn chán ngấy thì chúng còn một điểm tựa có khả năng kéo chúng ra khỏi thế giới ảo mộng và trở về.

Quan hệ nghiệp tạo với cha mẹ

Hỏi: Liệu trong đời con có một số mạng mà con phải sống qua? Chẳng hạn, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có phải là một thành phần của số mạng, và ý nghĩa của mối quan hệ này là gì? 


Trả lời của chân sư thăng thiên Mẹ Mary qua trung gian Kim Michaels, nhân một hội nghị tại Seoul, Hàn quốc năm 2016. Đăng ngày 10/4/2017.

“Số mạng” là một từ đã bị lạm dụng bởi nhiều nền văn hóa và nhiều dân tộc. Không hề có số mạng theo cách hiểu bình thường mà nhiều người vẫn có về số mạng, tức là một điều gì đã được sắp đặt sẵn, hoặc là không thể tránh khỏi, hoặc là đã được hoạch định phải xảy ra như vậy. Trong bát cung vật lý, khi con đi vào hiện thân ở nơi đây, tất cả mọi thứ đều tùy thuộc vào quyền tự quyết của con người.

Đương nhiên, chúng tôi các chân sư thăng thiên đã giảng dạy là con có một Sứ vụ Thiêng liêng mà con đã chọn trước khi đầu thai. Rõ ràng điều con mong muốn là tăng triển sự hòa điệu của con với Sứ vụ Thiêng liêng hầu con có thể nhớ nó lại một cách ý thức.

Nhưng có rất ít người có thể nhớ được Sứ vụ Thiêng liêng của mình sau khi sinh ra đời trong một thân thể vật lý, vì độ dày đặc của cõi vật lý (cùng với độ dày đặc của cả bốn cõi trong vũ trụ vật chất) khiến cho việc ghi nhớ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là Sứ vụ Thiêng liêng của con, như chúng tôi giảng dạy, là một điều mà con đã tự ý chọn lựa khi con đi vào đầu thai. Con không hề bị Sứ vụ bắt buộc con phải làm gì, mặc dù tất nhiên khi con lập ra Sứ vụ của mình, con đã xem xét nghiệp cũ và các tiền kiếp mà con đã sống qua, con đã xem xét tâm lý mình cùng những động lực mà con đem theo, và con đã quyết định mình sẽ khắc phục những gì, sẽ muốn tăng trưởng như thế nào trong kiếp này. Con cũng đã quyết định con sẽ đem lại món quà gì cho địa cầu.  

Đó là những điều mà con đã tự ý chọn lựa chứ không được áp đặt lên con. Các chân sư không bao giờ ép buộc con chọn lựa Sứ vụ của con mà chỉ hướng dẫn và trợ giúp con quyết định những gì tốt nhất cho con. Thật vậy, rõ ràng là trong Sứ vụ của con có việc chọn lựa cha mẹ cùng những người thân, như anh chị em và có khi cả những người mà con sẽ gặp, chắc chắn cả những người mà con sẽ kết hôn cùng những đứa con mà con có thể sẽ có.

Con có thể nói là khi con hiện thân, tất nhiên là các mối quan hệ với những người đó mang sẵn một tiềm năng nào đó. Về phần cha mẹ, đa số mọi người đang đầu thai hiện nay đã chọn cha mẹ của mình dựa theo nghiệp chướng mà họ mang với cha mẹ. Điều này có nghĩa là con không cần nhìn cha mẹ mình như là những sinh thể sẽ có mối liên hệ lâu dài với con, theo nghĩa là con sẽ muốn ở lại với các vị đó sau kiếp này. Trong nhiều trường hợp, tiềm năng cao nhất của con là con biến hóa nghiệp chướng trong kiếp này để con không còn phải tái đầu thai với cùng những vị đó nữa.

Ta không bảo rằng tất cả mọi người đều chọn cha mẹ mình dựa theo nghiệp quả. Chắc chắn có những trường hợp mà con đã quen biết các dòng sống đó trong quá khứ và giữ được một động lượng tích cực với họ, cho nên trong kiếp này con chọn làm con trai hay con gái của họ. Nhưng nói chung, điều gần như chắc chắn là con mang một số nghiệp nào đó với cha mẹ cũng như với thân nhân. Do đó, điều quan trọng là con sử dụng ngọn lửa tím cùng các bài thỉnh khác của chân sư để tiêu hủy nghiệp chướng này hầu con được tự do – hoặc là con không phải tái đầu thai với họ trong tương lai, hoặc là con đầu thai nhưng không còn nghiệp chướng và nhờ vậy con có khả năng quan hệ với họ một cách tích cực hơn.

Điều cũng có thể xảy ra là con sẽ cân bằng nghiệp quả với cha mẹ trong kiếp này, và như vậy con không còn liên quan gì đến các vị ấy nữa, theo nghĩa là con không còn nghiệp chướng nào phải cân bằng. Khi đó, con hoàn toàn có thể thay đổi mối quan hệ của con với họ, con nhìn cha mẹ con một cách khác và con quyết định là con muốn quan hệ với họ tích cực như thế nào. Điều cũng có thể xảy ra là con nhìn vào mối quan hệ và con cảm nhận trong trực giác là mình đã cân bằng xong nghiệp quả với cha mẹ, cho nên bây giờ con có thể tự do bước tới trong cuộc đời. Khi đó, điều có thể chấp nhận là con quyết định không còn mối quan hệ mật thiết với cha mẹ cho hết phần còn lại của kiếp này.

Ta đặc biệt nói điều này là vì có biết bao người lớn lên tại Á châu đã được dạy dỗ để nghĩ rằng mình phải giữ hiếu với cha mẹ mãi mãi, ít ra là cho đến hết kiếp này, hay có thể cả nhiều kiếp sau nữa. Điều quan trọng mà con cần nhận ra là nhiều khi con đầu thai với những người mà con có một vòng xoắn ốc nghiệp tạo, nhưng bằng cách sử dụng các dụng cụ tâm linh, con có khả năng biến hóa năng lượng đó và vòng xoắn ốc đó. Khi làm vậy, con sẽ đạt được tự do để bước tới và đầu thai với những người mà con không mang nghiệp. Hay con có thể tự do thăng thiên sau kiếp này, và nếu vậy thì tất nhiên, điều cần thiết là con phải cân bằng nghiệp quả mà con đang có với tất cả những người thân đó.

Đau đớn khi sinh nở

Hỏi: Vì lý do gì mà người mẹ, và đứa bé cũng vậy, cảm thấy đau đớn đến thế khi sinh nở?


Trả lời của chân sư thăng thiên MORE qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 5/8/2014.

Có thể con đã nghe từ các đợt truyền pháp trước là đã có một thời khi hành tinh địa cầu thanh khiết đến độ con người không cần có quan hệ tình dục vật lý, hay không cần dùng đến thể xác vật lý để sinh con, vì trẻ em có thể được sinh tạo bằng tâm. Tuy nhiên, từ khi con người sa ngã xuống một trạng thái tâm thức thấp hơn, vật chất đã bị cứng đặc lại cho nên việc mang thai và sinh nở qua thể xác vật lý mới trở nên cần thiết.

Điều đó đã cần thiết vì nhiều lý do. Một lý do là vì cách duy nhất để tăng trưởng dân số loài người đến mức hoạch định là thiết lập một cách thức để cho một người nam và một người nữ có thể có con mà không cần có sự hài hòa với nhau. Con thấy đó, để sinh ra một đứa bé hoàn toàn do uy lực của tâm, vẫn cần phải có hai đối tác, một sinh thể đại diện cho thái cực nam và một sinh thể cho thái cực nữ. Nhưng để sinh ra một đứa bé qua uy lực của tâm, cả hai người cần ở trong một trạng thái hài hòa toàn diện với nhau.

Tất nhiên, con biết rõ là với xác thân vật lý của con người ngày nay, sinh nở vẫn có thể xảy ra cho dù người nam và người nữ không trong trạng thái hài hòa. Điều này có nghĩa là nếu phải hài hòa để có con thì hiển nhiên sẽ có rất ít trẻ em ra đời, nhất là trong các thời đại đã qua. Hầu bảo đảm dân số sẽ tăng trưởng, việc sinh nở qua thân xác vật lý trở thành một điều cần thiết.

Hiển nhiên, sự thể này có liên quan đến vòng xoáy ốc nghiệp chướng hướng hạ mà loài người đã tạo ra sau lần sa ngã đầu tiên. Sự đau đớn đã hiện diện suốt nhiều ngàn năm trời, và đã không có phương cách nào từ công nghệ để làm dịu cơn đau. Vì vậy chúng ta có thể nói là nỗi đau thể xác mà cả người mẹ lẫn đứa trẻ phải chịu đựng là một lời nhắc nhở về một thuở khi con người hoàn toàn có khả năng thụ thai và sinh con một cách khác.

Có những cách để sinh con qua cơ thể vật lý với đau đớn tối thiểu. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận khác hơn trong việc mang thai và sinh nở – khác hơn với cách tiếp cận của xã hội hiện đại sau khi xã hội trở nên duy vật và công nghệ hơn. Đây là một điều mà các chân sư sẽ giảng dạy trong tương lai, nhưng tốt hơn là ta nhường lại phần này cho các nữ chân sư. Việc giảng dạy cũng sẽ cần đến một vị sứ giả phái nữ, vì sứ giả hiện tại trong kiếp này không có khung nền cần thiết để đưa ra lời dạy.

Giáo lý nền tảng về nuôi con

Hỏi: Con đã nghiên cứu những cách hiểu khác nhau về cách nuôi nấng, sửa đổi, trừng phạt trẻ con. Kinh Cựu ước trong Thánh kinh chủ trương hình phạt bằng roi gậy hay thể xác. Con không tìm thấy điều gì trong Tân ước. Thưa Giê-su, lời dạy của thày về đề tài này là thế nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Hãy làm cho con cái của con như con muốn con cái của con làm cho con. Đó là câu trả lời từ Tân ước.

Câu trên liên quan thế nào với hình phạt thể xác? Thực tế đơn giản là một trong những bổn phận của cha mẹ là dạy cho con mình thiết lập ranh giới trong cách cư xử của chúng. Nếu con suy ngẫm điều này, con sẽ nhận ra là một trong những đặc điểm của trẻ con là chúng phải học cách tìm sự quân bình đúng mức giữa các thèm muốn ngắn hạn vị kỷ của chúng với những ham muốn dài hạn mà sự thực hiện tùy thuộc vào khả năng hòa nhập của chúng với người chung quanh. Điều này có nghĩa là trẻ con cần học cách hạn chế ham muốn ngắn hạn hầu tránh cho ham muốn dài hạn không thể thành hình. Có thể nói đó là bài học căn bản của cuộc sống – con có muốn một phần thưởng tạm thời trong thế gian hay là phần thưởng vĩnh hằng ở thiên đàng?

Khi trẻ con còn nhỏ, chúng không thể học được bài học này qua khả năng lý luận vì các khả năng này chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy chúng cần học hỏi nhờ cha mẹ giữ vai trò người hướng dẫn thương yêu lập ra những hạn chế nghiêm minh và thích hợp cho những cư xử ích kỷ của chúng. Con thử nghĩ xem, đây chính là điều mà con mong muốn cha mẹ mình đặt ra cho mình và vì vậy đó cũng là điều mà con cần làm đối với con cái của con.   

Sự dạy dỗ về các giới hạn phải khởi sự thật sớm, ngay từ khi đứa trẻ còn bú sữa. Con cần dạy trẻ thơ là mẹ nó không thể phục dịch cho nó 24 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, cái khó là làm như vậy một cách yêu thương để đứa trẻ không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi. Ta hiểu đây là một điểm quân bình rất tế nhị và không thể áp dụng một quy tắc trắng đen nào được. 

Điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần hiểu về con mình là mỗi đứa trẻ là một cá thể độc nhất. Đứa trẻ không phải là một dòng sống non nớt mà là một dòng sống đã già tuổi với một tâm lý vô cùng phức tạp được nhào nặn suốt rất nhiều kiếp sống. Do đó, con không thể đặt ra một hệ thống nuôi nấng con cái hay những quy luật trắng đen áp dụng cho mọi đứa trẻ. Đây là điều sai lầm to lớn của một số nhà giáo dục và tâm lý hiện đại về trẻ em. Họ cố đeo đuổi mục đích hão huyền để tìm ra một hệ thống giáo dục tối hậu, một loại máy điều khiển tâm trí trong đó họ có thể nhét mọi trẻ em ở đầu này rồi biến chúng thành những công dân mẫu mực ở đầu bên kia. Một hệ thống như vậy thật sự không thể có, và lý do là vì Thượng đế đã ban cho mỗi dòng sống một sắc thái độc nhất vô nhị.

Cho nên mỗi đứa trẻ phải được đối xử như một cá thể độc đáo, và lý tưởng điều này chỉ có thể làm được khi cha mẹ có khả năng trực giác nhậy bén, nghĩa là cha mẹ đã đạt được một trình độ tâm Ki-tô tương đối. Và qua đó, cha mẹ có khả năng hòa điệu với cái ta Ki-tô của mình và nhận được sự hướng dẫn nội tâm về cách đối xử với một đứa trẻ đặc thù trong một hoàn cảnh đặc thù. Như vậy cha mẹ mới làm tròn được chức năng của mình là trở thành người thày tâm linh dẫn dắt sự tiến hoá của con mình một cách trìu mến, cho tới khi nó có thể bắt đầu làm như vậy qua sự hòa điệu nơi chính nội tâm của nó.

Về vấn đề hình phạt thể xác, điều quan trọng là cha mẹ cần thiết lập những giới hạn phù hợp cho cách cư xử ích kỷ của con mình. Đối với một số đứa trẻ, hình phạt thể xác sẽ cần thiết trong khi rất nhiều đứa khác thì sẽ không bao giờ cần phải đánh đòn. Nếu cần thiết, việc này có thể làm từ 2 tuổi trở đi, có khi phải sớm hơn một chút. Đây là lý do tại sao người ta hay nói đến tuổi lên 2 “khủng khiếp”, vì ở tuổi này đứa trẻ phải học cách thiết lập những giới hạn cho hành vi của nó. Nếu nó không học ở tuổi này, nó sẽ vô cùng khó khăn thiết lập ranh giới vào tuổi dậy thì – và ở tuổi đó, cha mẹ đã mất đi cơ hội dạy con về giới hạn. Một thiếu niên khó khăn ở tuổi dậy thì thường sinh ra ở tuổi lên 2.

Hiển nhiên, ta không chủ trương đánh đòn mạnh tay khi đứa trẻ còn nhỏ. Đúng hơn, ta không chủ trương trừng phạt gay gắt đối với bất cứ tuổi nào, dù là thể xác hay là không. Điều quan trọng cần hiểu rõ là vai trò của cha mẹ là thiết lập giới hạn cho cách cư xử ích kỷ của con mình. Mục đích cha mẹ không được bao giờ là trừng phạt đứa trẻ.

Có sự khác biệt căn bản giữa việc thiết lập giới hạn nghiêm minh với việc trừng phạt. Việc thiết lập giới hạn đến từ một động lực trong sáng, thương yêu hầu giúp đứa trẻ phát triển. Nhưng trừng phạt đến từ một động lực không trong sáng, không thương yêu, khi cha mẹ trút hết những bực bội của mình lên đầu đứa trẻ. Điều này không bao giờ chính đáng, và ta nói rõ: KHÔNG BAO GIỜ. Cá nhân con có trách nhiệm phải học cách đương đầu với sự bực bội của chính con mà không trút lên người khác.

Ta công nhận việc nuôi dạy con cái không phải là một chuyện dễ dàng và nó thường hay gây ra bực bội. Tuy nhiên khi con đảm nhận trách nhiệm có con, con phải xem đó là một cơ hội đặc biệt để con đẩy mạnh sự phát triển tâm linh của con. Hiếm có hoạt động nào của con người mà đem lại cho con một cơ hội phát triển tâm linh lớn hơn việc nuôi con. Lý do là việc nuôi con tạo cho con một cơ hội độc đáo để con học cách bỏ tự ngã sang một bên và đặt mình vào vai trò làm kẻ phục dịch cho người khác. Đây thật sự là một cơ hội độc nhất để con tự giải phóng khỏi vòng nô lệ của tự ngã phàm phu và vươn lên quả vị Ki-tô. Ta có nói đến điều này trong những câu sau:

“Các môn đồ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn hơn hết trong số mình. Và Giê-su biết ý trong lòng họ, bèn dẫn một đứa trẻ đến gần mình, nói rằng: Ai nhân danh ta nhận đứa trẻ này thì cũng nhận chính ta, và ai nhận chính ta thì cũng nhận Đấng đã sai ta, vì kẻ nào hèn mọn nhất trong số các người thì mới là kẻ lớn.” (Luke 9)  

Điều ta muốn nói là người ở mức tâm Ki-tô cá nhân cao nhất luôn tự xem mình là đầy tớ của mọi người, kể cả con cái của mình. Sẽ quý giá biết mấy cho các bậc cha mẹ thời nay nếu họ có những nỗ lực chân thành để bỏ hẳn cách suy nghĩ lâu đời là cha mẹ sở hữu con mình. Con cái của con không phải là tài sản của con và con không thể đối xử với chúng bất cứ cách nào.

Tuy nhiên, chúng là trách nhiệm của con. Hầu làm tròn trách nhiệm đối với con mình cũng như đối với chính mình như một hành giả tâm linh, con cần học bài học mà ta vừa đề cập là dạy dỗ con cái. Con cần học cách gạt bỏ những ham muốn ích kỷ của con và đặt ranh giới cho tự ngã của con. Hiển nhiên, điều này không có nghĩa là con tự biến mình thành nô lệ cho tự ngã của chúng, và đó là tại sao con cũng cần đặt ranh giới cho chúng. Con có thể làm được điều này bằng cách nhận ra là con sẽ phục vụ con mình tốt nhất nếu con phụng sự Thượng đế ở trong con lẫn ở trong chúng. Cho nên mục đích trong quan hệ của con với đứa trẻ phải là sự tăng trưởng tâm linh của tất cả mọi người. Người chủ của gia đình thực sự phải là tâm Ki-tô.

Nếu con có thể nuôi dạy con cái trong cách nhìn này, con sẽ tránh được rất nhiều sự bực bội của nghề làm cha mẹ. Con sẽ có thể tránh được cái bẫy nguy hiểm nhất là tích tụ những tình cảm và năng lượng tiêu cực trong mối quan hệ với con mình. Khía cạnh độc hại nhất của việc nuôi con là tạo ra một vòng xoáy ốc suy bại với đứa con, khiến con lần hồi tích tụ quá nhiều năng lượng tình cảm tiêu cực đến độ con không làm sao vượt qua được nữa để mà quan hệ bình thường với con mình.

Nhưng nếu con có thể đứng ở bên trên vòng xoáy tiêu cực – và con chỉ có thể làm được bằng cách giữ sự tỉnh thức tâm linh và sử dụng những dụng cụ bảo bọc tâm linh thích hợp cho con và con cái – thì việc nuôi con có thể là một cơ hội tuyệt vời để tăng trưởng. Hầu tận dụng cơ hội này, con cần bắt đầu với kỷ luật bản thân và học cách đặt ranh giới cho những ham muốn ích kỷ của mình. Sau đó con cần dùng nền tảng đó để thiết lập những lằn ranh cho con cái. Khi con làm được điều này thành công, con sẽ có thể tận hưởng một mối quan hệ tích cực với con mình gần như suốt đời.    

Ta không nói là người ta có thể làm cha mẹ mà không có những bực bội. Đòi hỏi như vậy quả là không thực tế trong thời đại hôm nay khi mà quá ít bậc cha mẹ đạt được quả vị Ki-tô cá nhân và hầu hết trẻ con sinh ra với những vết thương tâm lý từ nhiều tiền kiếp. Cho nên ta không đang cố thiết lập một lý tưởng cao vời vợi mà không ai có thể theo kịp. Ta chỉ đơn giản cố gợi ý cho con để giúp con đáp ứng các thử thách của việc nuôi con. Ta cũng xin nói là quá nhiều tín đồ Cơ đốc giáo đã tìm cách dùng cuộc đời của ta để dựng lên một thần tượng về một gia đình lý tưởng mà không một người nào có thể sánh bằng. Ta không mong muốn thần tượng này tồn tại vì ta không muốn cuộc đời của ta bị sử dụng để khiến cho nhiều người cảm thấy thiếu sót hay tội lỗi.      

Cha mẹ của ta không phải là cha mẹ toàn hảo, và ta thì không là đứa con toàn hảo. Làm cha mẹ là một kinh nghiệm học hỏi, và nếu ngay từ đầu con đã toàn hảo rồi thì còn cần học gì nữa đây? Do đó con cần bước vào việc nuôi con với thật nhiều lòng tha thứ đối với chính mình và đối với con mình. Đừng kỳ vọng là mình sẽ là bậc cha mẹ toàn hảo và đừng kỳ vọng con mình sẽ là đứa con toàn hảo. Thật ra, nếu con có thể vứt bỏ mọi tiêu chuẩn nhân tạo về cách làm cha mẹ hay cách làm con, thì con sẽ khiến cho công việc của con dễ dàng hơn gấp bội, cho con và cho con cái của con. Sự kỳ vọng chính là mầm mống của bực bội.

Cuối cùng, ta muốn nói là nhiều bậc cha mẹ chọn sinh ra đời những dòng sống mà họ đã mang nghiệp nặng từ những kiếp trước. Chính nghiệp chướng này khiến cho vòng xoáy tiêu cực có nhiều xác suất thành hình và con thấy được điều này trong rất nhiều gia đình ngày nay. Để vượt qua nghiệp quả giữa cha và mẹ cũng như giữa cha mẹ và con cái, tất cả các bậc cha mẹ cần siêng năng nỗ lực biến hóa năng lượng tiêu cực trong gia đình. Cách hữu hiệu nhất để làm điều này là sử dụng các bài thỉnh và bài chú Mẹ Mary trong trang mạng này.

Cũng cần lưu ý là trong thế giới ngày nay, gia đình đang bị công hãm một cách tới tấp tại hầu hết các quốc gia, đặc biệt là ở phương Tây. Cuộc tấn công này là mưu mô của các tà lực. Chúng muốn hủy diệt gia đình mà trong hàng ngàn năm đã là cột trụ của xã hội. Vì vậy, điều vô cùng quan trọng đối với tất cả các bậc cha mẹ là cầu thỉnh sự bảo vệ tâm linh cho bản thân lẫn cho con cái.

Tại sao con cái hư hỏng mặc dù được chăm sóc yêu thương?

Hỏi: Tại sao một số đứa trẻ trở nên hư hỏng bất kể sự chăm sóc, sự dạy dỗ tôn giáo và đạo đức cũng như tình yêu mà chúng nhận được trong đời chúng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Một câu hỏi rất quan trọng với những hệ quả thật sâu xa. Câu trả lời đơn giản cho câu hỏi của con là một đứa trẻ là nhiều hơn một thân xác vật lý. Mỗi đứa trẻ là một dòng sống, và dòng sống đó không tự dưng xuất hiện từ hư vô vào lúc thụ thai hay khi thân thể chào đời. Như ta có giải thích ở nơi khác, dòng sống thật ra đã hiện hữu từ rất lâu bởi vì luân hồi và đầu thai là một thực tế – bất kể sự lên án của đạo Cơ đốc chính thống.  

Khi con chấp nhận thực tế của luân hồi, con hiểu ra là dòng sống của đứa con của con có thể đã rất lớn tuổi. Dòng sống này có thể đã sống rất nhiều kiếp và đã xây dựng một tâm lý vô cùng phức tạp cũng như một mạng lưới chằng chịt những nghiệp quả và năng lượng tha hóa. Con nhìn ra là dòng sống của đứa con có thể đã đầu thai trong kiếp này với một hành trang nặng trĩu những vấn đề chưa giải quyết từ tiền kiếp. Trong một số trường hợp, một dòng sống có thể nặng gánh và bị tổn thương bởi trải nghiệm quá khứ đến độ không một tình yêu nào, không sự chăm sóc và hướng dẫn nào từ cha mẹ hay từ cộng đồng xã hội sẽ hoàn toàn chữa lành được nó.

Có nhiều người hiện thân trong kiếp này với những vết thương trầm trọng đến nỗi họ có rất ít hy vọng hoàn toàn chữa lành trong một kiếp sống. Tuy nhiên, họ vẫn có cơ hội để thăng tiến và điều hay nhất con có thể làm để giúp đỡ dòng sống là tiếp tục biểu hiện tình yêu thương, tìm cách giúp nó chữa lành các vết thương tâm lý cũng như mở rộng sự hiểu biết của nó về cuộc sống. Sẽ đặc biệt hữu ích nếu dòng sống hiểu ra rằng mỗi người, rốt cuộc, là người trách nhiệm về hoàn cảnh của mình vì chính mình đã tạo ra thực tế đó. Tuy nhiên con sẽ khó lòng khiến cho một dòng sống đã tổn thương chấp nhận sự thật này như ta đã từng trình bày trong một bài giảng quan trọng trước đây.  

Điều quan trọng là phải thực tế và nhận ra rằng một số dòng sống bị tổn thương  đến mức chúng sẽ chỉ đạt được tiến bộ hạn chế hoặc không tiến bộ gì hết. Thật ra, một số dòng sống sẽ còn tăng cường thêm cái vòng xoáy đã kéo chúng đi xuống từ nhiều kiếp đã qua, và chúng sẽ không ngóc đầu thoát ra nổi cho tới khi chúng chạm tới một cái đáy. Ta hoàn toàn thông cảm những cha mẹ cảm thấy vô cùng chán nản và vô vọng khi con mình gạt bỏ mọi cố gắng giúp đỡ và hàn gắn của mình. Ta thấu cảm nỗi đau đớn của hàng triệu bậc cha mẹ đã đem đứa bé vào đời với niềm kỳ vọng to lớn nhất, đã cố hết sức thương yêu và chữa lành cho nó. Ta hiểu rõ những cha mẹ phải trải qua nỗi đau khổ nhìn thấy con mình đập tan những kỳ vọng này và không ngừng chọn con đường thấp nhất trong mỗi tình huống.

Ta cảm được điều này đã làm cho cha mẹ vô cùng đau đớn, buồn nản. Tuy nhiên, ta phải nói một điều vô cùng quan trọng là cha mẹ phải vượt qua nỗi buồn khổ này về con mình cũng như sự thất vọng khi con mình chối bỏ mình. Để vượt qua hoàn toàn sẽ đòi hỏi hai nhận thức.

Nhận thức thứ nhất là hầu hết mọi nền văn hoá thời nay đều có một sự hiểu biết hạn chế về thực tại của Thượng đế. Nếu con đã lớn lên trong một văn hóa không nhìn nhận thực tế của luân hồi, điều gần như không thể tránh khỏi là con đã được dạy dỗ một số chờ đợi và thái độ vô cùng thiếu thực tế về việc có con và nuôi con. Tại Tây phương, người ta thường cho rằng bậc cha mẹ phải yêu thương con mình bất kể đứa con xử sự thế nào.

Nói chung thì điều này cũng đúng thôi, nhưng nó chỉ đúng nếu con nhận ra tình thương đích thực là tình thương vô điều kiện của Thượng đế. Tình thương này không phải là tình thương chiếm hữu và vị kỷ mà hầu hết mọi người có khả năng cảm được và thể hiện. Khi con chỉ cảm thấy tình thương vị kỷ, cha mẹ sẽ không thể tránh khỏi khởi lên một ý thức sở hữu về con mình. Từ đó dẫn đến một loạt những sự chờ đợi rằng con mình phải sống theo những tiêu chuẩn của mình và của xã hội.    

Sự thể này dẫn đến những cố gắng không cần thiết nhằm kiểm soát con mình, gây ra nhiều sự xung đột giữa cha mẹ và con cái do đứa con nổi loạn chống lại sự kềm chế của cha mẹ, với hệ quả là càng có thêm nhiều sự bực dọc và đau lòng cho cha mẹ và sự giận dữ cho con cái. Đây là một môi trường mất cân bằng và tồi tệ mà những người tâm linh phải cố thoát ra, thăng vượt.  

Điều này dẫn đến nhận thức thứ hai. Để thăng vượt môi trường tồi tệ trong quan hệ với con cái, con cần nhận ra và chấp nhận rằng đứa trẻ không phải là con của mình. Con đã không sinh tạo đứa trẻ đó ra từ chính con hay từ hư vô. Con không có quyền sở hữu nào trên dòng sống của nó. Đứa con của con là một cá nhân hoàn toàn biệt lập, và với tư cách đó, nó có quyền – là quyền tuyệt đối do Thượng đế ban cho nó – để sử dụng quyền tự quyết của nó theo cách hiểu của nó và gặt hái hậu quả từ những chọn lựa của nó. 

Khi con có thái độ sở hữu đối với con cái, con sẽ tìm cách kiểm soát những chọn lựa của dòng sống đó và con còn có thể ngăn cản nó trải nghiệm hậu quả những chọn lựa này. Khi con vượt lên trên tình yêu chiếm hữu và ôm lấy tình yêu của Thượng đế, con sẽ không cố kiểm soát đứa trẻ nữa mà chỉ cố giáo dục, hướng dẫn đứa trẻ. Nhưng con làm điều này trong tinh thần tôn trọng không khoan nhượng đối với quyền tự quyết của nó, và nếu nó không nghe theo lời khuyên của con, con sẽ cho phép nó trải nghiệm hậu quả chọn lựa của nó.

Ta không đang nói là con phải để yên cho nó làm điều gì có thể đe dọa mạng sống hay sự an toàn của nó. Điều ta muốn nói là khi đứa trẻ lớn lên, con sẽ cho nó ngày càng nhiều tự do hơn, và sẽ đến một lúc con sẽ chỉ giản dị để cho nó sống cuộc đời nó muốn. Điểm này đặc biệt quan trọng đối với một dòng sống bị tổn thương.

Điều này dẫn chúng ta đến khái niệm là với tư cách cha mẹ, con không có bổn phận phải dành toàn bộ đời mình xoay quanh con mình. Một bậc cha mẹ không bắt buộc phải chăm sóc con mình suốt đời của nó. Để hoàn toàn nắm được điều này, con cần nhận ra hai lý do căn bản vì sao cha mẹ lại chọn đem vào đời một dòng sống nào đó. 

Trước khi dòng sống của con bước vào kiếp hiện thân này của con, con đã gặp gỡ các vị cố vấn tâm linh của con nơi một cõi cao hơn và con đã lên kế hoạch cho kiếp sống tới. Trong kế hoạch này, con hoạch định những dòng sống nào mà con muốn trao cho cơ hội sống bằng cách cho chúng trở thành con mình. 

Tất nhiên, hầu hết mọi cha mẹ đều muốn nghĩ rằng con mình là đứa trẻ toàn hảo. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cha mẹ sẽ chọn, trước khi mình đầu thai, sinh ra một hay nhiều đứa trẻ đã bị tổn thương trầm trọng. Có hai lý do căn bản tại sao cha mẹ lại chọn sinh con là một dòng sống tổn thương:

  • Một lý do là vì cha mẹ có nghiệp quả với đứa trẻ trong tiền kiếp. Cha mẹ chọn đứa này như một cách để trả nợ dòng sống đó.
  • Lý do kia là cha mẹ đã từng có sự nối kết tích cực rất lâu đời với đứa trẻ. Vì vậy cha mẹ chọn sinh ra dòng sống tổn thương này vì yêu thương và muốn giúp nó. 

Trong trường hợp đầu, có thể nói là quan hệ giữa cha mẹ và đứa trẻ xem như một quan hệ trao đổi. Cha mẹ mang nợ nghiệp quả đối với đứa trẻ gần giống như nợ tiền ngân hàng vậy. Khi nợ trả xong, cha mẹ đã làm tròn bổn phận của mình với đứa con.

Điều ta muốn nói ở đây là trong một mối quan hệ như vậy, không nhất thiết phải có tình thương giữa dòng sống của cha mẹ và dòng sống của đứa con. Thật ra có thể có rất nhiều tình cảm tiêu cực mang theo từ tiền kiếp. Tiềm năng cao nhất cho tình cảnh này là cả đứa con lẫn cha mẹ đều vượt qua được những tình cảm tiêu cực đối với nhau, làm việc để giải quyết tâm lý bị tổn thương, cân bằng nghiệp quả với nhau và xây dựng một mối quan hệ tích cực, yêu thương.

Tiếc thay, điều này hiếm khi xảy ra khi đứa con là một dòng sống tổn thương. Lý do chính là sự thiếu vắng hiểu biết tâm linh trong nền văn hóa Tây phương. Vì không nhìn cuộc sống như là một cơ hội tăng triển tâm linh, cả đứa con lẫn cha mẹ thường hay tăng cường, củng cố tình cảm tiêu cực của mình. Điều này thật đáng tiếc vì nó có thể ngăn cản mọi người cân bằng nghiệp quả với nhau.

Là một bậc cha mẹ tỉnh thức tâm linh, điều tốt nhất mà con có thể làm trong tình cảnh này là con thay đổi thái độ của con đối với con cái, quyết tâm nỗ lực hàn gắn các tình cảm tiêu cực của mình cũng như những vết thương tình cảm của mình đối với nó. Rồi con cố hết sức giúp đỡ nó hầu con cân bằng nghiệp quả của con đối với nó. Việc này có thể gồm cả sự thực tập tâm linh, chẳng hạn đọc các bài chú và bài thỉnh nhằm biến hóa nghiệp chướng.

Nếu con khắc phục được các tình cảm tiêu cực của mình và cân bằng mọi nghiệp quả với đứa con, thực sự con đã làm tròn bổn phận tâm linh của con đối với nó. Nếu nó vẫn không phản hồi một cách tích cực đối với con, điều hợp lý nhất có thể là con chỉ đơn giản cắt đứt quan hệ với đứa con.

Xin con đừng hiểu lầm điều ta đang nói. Ta biết rõ có nhiều cha mẹ trốn tránh trách nhiệm đối với con mình. Xin con đừng hiểu sai và diễn giải rằng ta dung túng lối hành xử như thế. Ta không tán thành bất cứ ai trốn chạy trách nhiệm của mình trong đời sống. Điều ta muốn nói ở đây là con có thể thực sự đạt tới một điểm khi trách nhiệm của con đối với con cái đã làm xong và tốt hơn hết mỗi người nên đi đường riêng của mình.   

Nếu đứa trẻ không tỏ ra sẵn sàng bỏ lại đằng sau những tình cảm tiêu cực của nó đối với con, không chịu học hỏi từ con hay được bổ ích từ bất cứ điều gì con cho nó, thì điều hợp lý là con có thể nói: “Con hãy tự lo lấy. Bố mẹ phải sống tiếp cuộc đời bố mẹ, và nếu con không chịu bỏ những chuyện đó lại, bố mẹ sẽ bỏ con lại đằng sau.” Điểm này chính là phần nào ý nghĩa một số lời ta dạy cách đây 2000 năm khi ta đưa ra những câu nói thật thẳng thắn mà quá nhiều người lại hiểu lầm: 

“Ta đến để phân rẽ con trai với cha của nó, và con gái với mẹ của nó, và con dâu với mẹ chồng của nó” (Matthew 10:35).

“Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không xứng đáng với ta, và ai yêu con trai hay con gái hơn ta thì không xứng đáng với ta” (Matthew 10:37).

Ý nghĩa đằng sau hai câu trên là mục đích cuộc đời con là bước tiếp con đường tâm linh và thể hiện tâm Ki-tô của con. Nếu con đã trả hết món nợ nghiệp chướng và nếu con cái đã trở thành một gánh nặng ngăn trở đường tâm linh của con, điều hợp lý có thể là con phải bỏ con cái lại đằng sau và tiếp tục đường con.

Ta cũng hiểu nhiều người sẽ thấy những câu trên rất khiêu khích, thế nhưng đó là sự thực. Một người tỉnh thức tâm linh sẽ không bỏ rơi một đứa trẻ. Tuy nhiên, con có thể bước đi khi con đã làm tròn trách nhiệm của con với nó vì con nay nhận ra là con cũng có một trách nhiệm đối với dòng sống của con. Nếu đứa con không sẵn lòng tiến bước về phía trước thì có ích gì con ngừng tiến bước trên đường tâm linh của con vì một ý thức giả tạo về nghĩa vụ của con với đứa trẻ? Tại sao con lại kềm hãm tiến bộ của con nếu con không giúp gì được nó? Hai điều sai không tạo nên một điều đúng.     

Để hiểu điều này hoàn toàn, một lần nữa con cần nhìn vào sự kiện đứa con là một dòng sống hoàn toàn biệt lập có ý chí tự do của nó. Khi con đem nó vào đời, con có một số trách nhiệm cho nó một khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Nhưng sẽ đến một điểm khi đứa con phải rời tổ và nhận lấy trách nhiệm đời nó. Khi nó đủ lớn để tự quyết định, hoặc khi nó đạt đến điểm hoàn toàn nổi loạn hay chối bỏ con là cha mẹ nó, con không còn trách nhiệm về những chọn lựa của nó nữa. Về điểm này thì thật sự con chưa bao giờ trách nhiềm về chọn lựa của nó mặc dù khi nó còn nhỏ, con có trách nhiệm giúp nó có những chọn lựa cao nhất.

Điều ta nói với con ở đây là đối với một người tầm đạo, điều tuyệt đối thiết yếu là con phải nhận ra được, và hoàn toàn chấp nhận, rằng con không chịu trách nhiệm về chọn lựa của bất cứ ai. Con trách nhiệm về cuộc đời của con và những chọn lựa của con. Con không trách nhiệm những chọn lựa của người khác. Con có thể cố giúp họ lấy những chọn lựa tốt nhất nhưng con không được rơi vào cái bẫy tìm cách chọn lựa cho họ.    

Nếu tất cả mọi người đều hiểu được chân lý sâu xa của câu trên, khoảng 80 phần trăm mọi cuộc xung đột và vấn nạn mà chúng ta đang chứng kiến trên hành tinh này sẽ được giải quyết vô cùng nhanh chóng, bởi vì những vấn đề đó thật sự khởi lên do cảm nhận sai lầm là mình chịu trách nhiệm những chọn lựa của người khác. 

Trước khi ta đi lạc đề, hãy cho phép ta trở về với tình cảnh khi con chọn đưa vào đời một dòng sống bị tổn thương do lòng yêu thương dòng sống đó. Trong trường hợp này, con đã có sẵn tình yêu thắm thiết đối với nó, và điều quan trọng là con nuôi dưỡng tình yêu này cho dù đứa con bị tổn thương tới mức nó không có khả năng đáp lại trọn vẹn tình yêu của con. Trong một mối quan hệ như vậy, điều quan trọng là con không cho phép tình yêu của con biến thành ý thức trách nhiệm giả tạo mà ta vừa mô tả. Thay vào đó, con hãy cảm nhận lòng từ bi và nhận ra được là các vết thương của đứa con có thể gây ra một số hạn chế cho mối quan hệ.   

Như ta có giải thích ở trên, đứa con của con có thể quá tổn thương đến nỗi nó không có triển vọng được chữa lành hoàn toàn trong một kiếp sống. Vì vậy, rất có thể nó sẽ không có khả năng trở thành một công dân mẫu mực trong tiêu chuẩn của xã hội và nền văn hóa của con. Nếu con có thể tránh được ý thức trách nhiệm giả tạo, con có thể để yên cho nó sống cách sống hay nhất của nó mà không đòi hỏi hay kỳ vọng bất cứ gì mà nó không thể làm được do vết thương mà nó mang.  

Nhờ vậy con có thể tránh được cảm giác buồn lòng hay bị hất hủi, và thay vào đó, nhìn con mình như một dòng sống bị thương tích mà con cố yêu thương và giúp đỡ trong khả năng đón nhận của nó. Nói cách khác, con không cố ép buộc tình yêu hay sự giúp đỡ của con lên nó, mà ngược lại con chỉ ban ra những gì phù hợp với khả năng tiếp nhận hạn chế của nó.

Nếu con giữ được thái độ này, con sẽ có thể bồi đắp một mối quan hệ xây dựng với con mình kéo dài suốt cuộc đời của nó. Trong trường hợp này, con sẽ có thể lần hồi giúp nó hàn gắn vết thương và tinh tấn vượt bực trong kiếp này. Đây quả thực sẽ là một thành quả vô cùng tốt đẹp cho dù đời nó vẫn kém rất xa những tiêu chuẩn của xã hội hay mực thước tâm linh. Con thấy đó, con người không cần phải sống một cuộc đời toàn hảo để tinh tấn về tâm linh. Thượng đế không phán xét như con người phán xét.

Giải thích khái niệm Thượng đế cho trẻ nhỏ

Hỏi: Thế nào là cách giản dị nhất để giải thích khái niệm Thượng đế cho một đứa trẻ nhỏ hay một người không tâm linh?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Có sự khác biệt khá lớn giữa một trẻ nhỏ và một người lớn không mấy tâm linh. Khác biệt chính là hầu hết mọi đứa trẻ đều rất tâm linh, một thực tế mà, buồn thay, hầu hết người lớn đều không nhìn thấy. Nhiều người lớn thường nghĩ rằng vì trẻ nhỏ không hiểu được các khái niệm và ngôn ngữ của người lớn, chúng không có khả năng tâm linh tinh tế. Đây là một sự hiểu lầm đáng buồn mà ta đã cố chỉnh lại qua câu nói rằng trừ khi con trở thành một trẻ nhỏ, con không thể bước vào vương quốc Thượng đế.

Hầu hết trẻ nhỏ đều mang sẵn một tinh thần tâm linh khiến chúng rất dễ hiểu được và chấp nhận Thượng đế như một Hiện diện luôn luôn ở bên chúng. Cho nên ta sẽ nói thế này cho một đứa bé:

“Con hãy nhắm mắt lại và con sẽ cảm thấy Thượng đế ở với con trong tim con. Khi con đi vào trong tim con, con sẽ luôn luôn cảm được sự hiện diện của Thượng đế bên con. Thượng đế ở đây để bảo vệ con. Thượng đế ở đây để dỗ dành con. Thượng đế ở đây để chỉ cho con làm gì. Con luôn luôn tìm được Thượng đế trong tim con và ngài sẽ luôn luôn hướng dẫn bước con đi trong đời. Vậy Thượng đế giống như một người con không nhìn thấy, luôn luôn ở bên con.”

Khi con cố giải thích Thượng đế cho một người lớn không có khuynh hướng tâm linh, con đối mặt với một tình thế hoàn toàn khác. Do nhu cầu, cách diễn đạt của con phải phù hợp với những tin tưởng, hoặc sự thiếu vắng tin tưởng,  của người đó. Tuy nhiên nói chung, ta sẽ sử dụng những ý tưởng sau đây.  

Hãy đơn giản nhìn vào khoa học. Albert Einstein đã chứng minh là mọi thứ đều được tạo bằng năng lượng. Năng lượng là một rung động và khoa học đã cho chúng ta thấy có nhiều mức độ rung động khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta biết có ánh sáng mà mắt có thể nhìn thấy và cũng có nhiều loại tia sáng khác mà mắt không thể nhìn thấy. Einstein đã giúp chúng ta hình dung vũ trụ là một tấm thảm liên tục những tần số năng lượng khác nhau, trong đó có một số mà chúng ta không thể phát hiện được bằng giác quan hay bằng dụng cụ khoa học. 

Thật là thú vị khi nhận thấy thế giới quan này ăn khớp với những gì những người tâm linh đã nói từ hàng ngàn năm trước đây, cụ thể là có cái gì đó vượt khỏi vũ trụ vật chất. Họ gọi đó là thế gới tâm linh, hay cõi tâm linh, nhưng con cũng có thể dễ dàng gọi đó là một dải tần số nơi có những độ rung cao hơn năng lượng của thế giới vật chất. 

Nói cách khác, ngay cả khoa học hiện đại cũng đang chỉ ra một cái gì đó có thể hiện hữu vượt ngoài vũ trụ vật chất. Khoa học đã mở ra khả năng có thể có những sinh thể trí tuệ hiện hữu nơi một cõi cao hơn. Những sinh thể này có thể là những gì mà người tâm linh thường gọi là Thượng đế hay thiên thần.

Con có thể tiến thêm một bước nữa và nhìn vào các khám phá của cơ học lượng tử. Ngành vật lý này đã chứng minh là mỗi khi chúng ta quan sát điều gì, chẳng hạn một hạt hạ nguyên tử, điều mà chúng ta quan sát sẽ bị tâm thức của chính chúng ta ảnh hưởng một cách cơ bản. Nói cách khác, các nhà khoa học nay đã chứng minh là mọi điều chúng ta quan sát đều bị tâm thức chúng ta ảnh hưởng.

Thậm chí có cả những nhà khoa học tin rằng tâm thức chúng ta giúp tạo ra thực tại vật lý. Nói cách khác, một số khoa học gia suy đoán rằng nếu không có ai đang đứng nhìn thì mặt trăng không có ở đó. Họ bắt đầu hiểu ra là tâm thức của một người có khả năng ảnh hưởng vũ trụ vật chất. Lý do là vì tâm thức là năng lượng mà vật chất cũng là năng lượng. Tuy nhiên, lỡ năng lượng là một dạng của tâm thức thì sao?

Điều này không khó hiểu lắm đâu khi chúng ta nhận ra rằng tất cả đều là năng lượng. Sự kiện mọi thứ đều là năng lượng đã lật đổ cái hàng rào ngăn chia vật chất với tâm thức. Có nghĩa là cái khái niệm bảo rằng tâm ở trên vật nay đã mang một ý nghĩa mới, một ý nghĩa được ngành vật lý tân tiến nhất hỗ trợ.

Hầu hết mọi người không thể hoàn toàn chấp nhận ý tưởng đó vì họ không thể chấp nhận tâm thức con người có thể tạo ra toàn bộ vũ trụ, và do đó, hầu hết đều gạt bỏ hệ quả triết lý của các khám phá của ngành vật lý. Thế nhưng có một giải pháp khác ngoài việc gạt bỏ các ý tưởng đó. Giải pháp này là nhận ra rằng tâm thức chỉ đơn giản là một hình thức năng lượng, và do đó tâm thức đã phải đóng góp trong việc tạo ra vũ trụ vật chất. 

Tất nhiên, toàn bộ vũ trụ không thể chỉ do tâm thức con người tạo ra. Bởi vì nói cho cùng, làm thế nào con người có thể tạo ra được một hành tinh đã hiện hữu hàng tỷ năm trước khi con người đầu tiên xuất hiện? Một cách giải thích khả dĩ là vũ trụ được tạo ra bởi những sinh thể trí tuệ không hề bị giới hạn trong một thân xác vật lý. Những sinh thể này cư ngụ nơi một cõi cao hơn, một dải tần số cao hơn. Đó là những sinh thể tâm linh mà một số người gọi là Thượng đế.

Những sinh thể trí tuệ đó đã có thể dùng tâm thức của họ để tạo ra vũ trụ vật chất kể cả xác thân vật lý của con người. Những dòng sống của chúng ta sau đó đã đi vào những xác thân này và sử dụng làm phương tiện để trải nghiệm cuộc sống, học hỏi nhiều hơn về chính chúng ta cũng như mối liên hệ của chúng ta với cội nguồn tâm linh chúng ta.

Vì thế Thượng đế là một dạng trí tuệ cao hơn, một dạng tâm thức cao hơn. Tâm thức Thượng đế có thể không khác gì tâm thức chúng ta trên căn bản, nhưng Thượng đế có sự nhận biết rộng lớn hơn về bản thể của ngài và một khả năng sáng tạo rộng lớn hơn chúng ta hiện thời.

Khai tâm cho trẻ em về con đường và các khái niệm tâm linh

Hỏi: Thày có lời khuyên nào về cách giới thiệu các khái niệm tâm linh và con đường tâm linh cho trẻ em?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Cách hay nhất để dạy trẻ em về bất cứ điều gì là làm gương. Trẻ em bắt chước một cách tự nhiên và chúng theo gương người lớn chung quanh chúng. Cho nên cách hay nhất để dạy trẻ em về các khái niệm tâm linh là con cần chắc chắn là chính con đang sống với thái độ của một người đi tìm sự thật chứ không phải một người đi theo giáo điều. Con cần tiếp cận đời sống tâm linh theo cách mà trang mạng này gọi là con đường nội tâm. Con cần lánh xa cách tiếp cận vỏ ngoài nặng về giáo điều cùng học thuyết.

Nói cách khác, con cần liên tục tìm kiếm sự hiểu biết cao hơn về các chủ đề tâm linh so với hiểu biết hiện thời của con. Con cần tò mò và sẵn lòng đặt những câu hỏi khó giải đáp. Con cần nhận ra là cách hiểu hiện thời của con không phải là cách hiểu tối hậu hay bất khả sai lầm, mà chỉ đơn giản là một bực thang dẫn đến một cách hiểu thâm sâu hơn nữa. Con cần sẵn sàng xem xét và thảo luận về bất kỳ đề tài tâm linh nào mà không cảm thấy là có những đề tài cấm kỵ, hay đi quá xa so với một giáo điều hay chuẩn mực được người đời chấp nhận.

Chỉ khi nào con có cách tiếp cận cởi mở như thế đối với đời sống tâm linh thì con mới tránh làm cho trẻ em bị tổn thương, tránh hủy hoại xu hướng tâm linh tự nhiên của chúng. Thật là đáng buồn khi bao triệu người mộ đạo – cho dù là người đạo Cơ đốc hay tín đồ một tôn giáo khác – tưởng mình đang hành xử đúng đắn khi cho con em mình một nền giáo dục tôn giáo. Nhưng thực tế là những phụ huynh đó, cùng các vị tu sĩ hướng dẫn họ, đang hủy hoại xu hướng tâm linh tự nhiên của trẻ em. Vấn đề này có hai khía cạnh.

Trong Tân ước, con thấy ta đã quở trách các tông đồ của ta ngăn cản không cho con trẻ đến gần ta. Ta cũng có dạy là trừ khi con trở thành một trẻ thơ thì con không thể bước vào Nước Trời. Điều ta thực sự muốn nói qua câu đó là trừ khi con phát triển cách tiếp cận Thượng đế y như trẻ nhỏ, thì con không thể khoác vào trạng thái tâm thức sẽ cho phép con bước vào vương quốc thiên đàng.

Hai khía cạnh quan trọng nhất trong cách trẻ em tiếp cận Thượng đế là bản chất tò mò của chúng và sự ngây thơ trong trắng, hay sự vô điều kiện của chúng.

Con sẽ thấy trẻ em tò mò một cách tự nhiên về Thượng đế và khía cạnh tâm linh của cuộc sống. Đó là vì khi đứa trẻ còn nhỏ, nó thường có một trải nghiệm nội tâm trực tiếp về đời sống tâm linh. Nhiều trẻ em thực sự trải nghiệm sự hiện diện của thiên thần hay của các sinh thể thăng thiên như những đấng trợ giúp ở ngay bên cạnh chúng. Vì vậy chúng biết cuộc sống là nhiều hơn vũ trụ vật chất này và chúng tò mò một cách tự nhiên.

Đáng tiếc thay, đa số người lớn có khuynh hướng bỏ qua hay phủ nhận thẳng cánh đời sống nội tâm tâm linh của trẻ em. Nhiều người lớn cư xử như vậy vì ngành tâm lý học hiện đại đã dán nhãn đời sống tâm linh của trẻ em là một chỉ dấu non nớt thiếu trưởng thành hay là chuyện tin bậy vào những “đấng trợ giúp” tưởng tượng. Một số khác làm vậy là vì trẻ em có xu hướng tự nhiên hay đặt câu hỏi về những chuyện mà người lớn không dễ dàng trả lời dựa trên các giáo điều mà họ đã chấp nhận là đầy đủ hay bất khả sai lầm.

Thực tế đơn giản là bởi vì trẻ em kinh nghiệm trực tiếp thực tại của cõi tâm linh, cho nên chúng không thấy lý do gì mà phải ép uổng thực tại đó vào trong khuôn khổ một bộ học thuyết do con người tạo dựng, cho dù đó là trong lãnh vực khoa học hay lãnh vực tôn giáo. Vì vậy chúng sẵn lòng đặt lên bất cứ câu hỏi nào mà chúng nghĩ đến, và đây chính là dấu ấn của mọi người tầm đạo chân chính. Nói cho cùng, loại câu hỏi mà con sẵn sàng đặt ra sẽ quy định loại trả lời mà con có thể nhận được. Chẳng phải là Kinh thánh đã nói, “Hãy hỏi thì sẽ được nhận” hay sao? Do đó nếu con sợ không dám đặt những câu hỏi vượt xa hơn các niềm tin hiện thời của con, làm thế nào con sẽ nhận được những lời giải đáp thâm sâu hơn đây?

Về vấn đề giới thiệu các khái niệm tâm linh cho trẻ em, điều vô cùng quan trọng là con cần làm thế nào để không gây nản lòng hay hủy hoại sự tò mò của con trẻ về Thượng đề cùng các vấn đề tâm linh. Do đó, sẽ thật quan trọng nếu con không trình bày các khái niệm tâm linh dưới hình thức những giáo điều khép kín hay không thể tranh cãi. Hãy cho phép chúng hỏi bất kỳ câu hỏi nào xuất hiện trong tâm trí ngây thơ của chúng. Hãy khuyến khích chúng hỏi rồi hãy thảo luận với chúng.

Khía cạnh kia của đời sống tâm linh của trẻ em là cách tiếp cận hồn nhiên, hay vô điều kiện, của chúng đối với các đề tài tâm linh cũng như đối với Thượng đế. Vì chúng kinh nghiệm cõi tâm linh là thực, và vì chúng xem cõi tâm linh là một lực thiện lành luôn ở đó để giúp chúng, cho nên chúng không hề đem lòng sợ hãi Thượng đế. Chúng không sợ đến gần Thượng đế, và quả thực tại sao chúng lại phải sợ chứ?

Vào thời kinh Cựu ước, dân Israel đã tạo dựng một hình ảnh về Thượng đế là một đấng nóng giận, phán xét. Một phần sứ vụ của ta thuở trước là đưa ra một hình ảnh mới về Thượng đế, cụ thể là hình ảnh một người cha yêu thương. Đây là hình ảnh mà hầu hết trẻ em đều mang về Thượng đế một cách tự nhiên. Rất tiếc, nhiều tín đồ Cơ đốc ngày nay đã quay trở về với hình ảnh giận dữ, phán xét của Cựu ước, và họ không tránh khỏi truyền lại hình ảnh này cho con cái họ. Bởi vậy cho nên ngay khi các em bắt đầu theo học các lớp đào tạo tôn giáo thì tính ngây thơ và vô điều kiện của chúng bị tàn phá thật nhanh chóng.

Thế là các em học cách xem Thượng đế là một hiểm họa, một cái gì đáng sợ. Chúng học cách suy nghĩ là chúng chỉ có thể đến gần Thượng đế theo một số phương thức nhất định được quy định bởi nền văn hóa tôn giáo của chúng. Chúng học cách suy nghĩ là chúng chỉ xứng đáng đến gần Thượng đế nếu chúng tuân theo một số điều kiện do giáo điều và luật lệ của giáo hội đặt ra.

Đây là một sự lập trình hoàn toàn nhân tạo mà người ta không bao giờ được áp đặt lên trẻ em. Tại sao con nghĩ ta lại nói rằng trừ khi con trở thành giống như trẻ nhỏ thì con không thể bước vào Nước Trời được chứ? Đó là vì một thực tế thật đơn giản. Tình thương là một lực hấp dẫn và sợ hãi là một lực đẩy ra. Nếu con sợ Thượng đế, con sẽ không bao giờ muốn đến gần ngài hay tiếp cận với ngài. Nếu vậy thì làm thế nào con vào được vương quốc của ngài đây? Tất cả mọi thứ đều tùy thuộc vào quyền tự quyết của con và Thượng đế sẽ không ép con bước vào vương quốc của ngài. Con phải bước vào với ý chí tự quyết của con, nhưng làm sao con có thể làm được nếu con sợ Thượng đế?

Trẻ em yêu Thượng đế một cách tự nhiên. Và tình yêu Thượng đế này chính là cái vốn quan trọng nhất mà bất kỳ dòng sống nào có thể sở hữu trên đường tu tâm linh. Do đó, tội ác lớn nhất đối với trẻ em là hủy hoại tình thương tự nhiên của chúng đối với Thượng đế, hủy hoại cảm nhận tự nhiên rằng chúng được chào đón khi chúng đến với Thượng đế mà không cần đi theo bất kỳ điều kiện vỏ ngoài nào.

Khi ta cho phép trẻ nhỏ đến gần ta, ta đã không đặt ra bất kỳ điều kiện nào. Chỉ có các tông đồ của ta mới toan đặt ra điều kiện. Nếu ta không đặt điều kiện thì tại sao ngày nay quá nhiều tín đồ Cơ đốc lại cho rằng con cái của họ phải tuân theo một số điều kiện trước khi được lại gần Thượng đế, lại gần Ki-tô hay tiếp cận các đề tài tâm linh?

Hãy để cho con trẻ đến với ta với sự tò mò, ngây thơ cùng thái độ vô điều kiện của chúng. Hãy để cho các phụ huynh đứng lui lại, xem xét lại hồn mình hầu nhận ra là họ cần đi theo lời dạy của ta mà trở nên tò mò, hồn nhiên y như trẻ nhỏ. Và khi đó, người lớn cũng sẽ có thể đến gần với ta, và họ cũng sẽ được đón nhận với cùng tình thương vô điều kiện mà ta dang trải cho trẻ nhỏ.

Trên thực tế, bất cứ ai đến với Thượng đế cũng đều được đón nhận với tình thương vô điều kiện. Vấn đề là hầu hết mọi người không cảm nhận được, hay không chấp nhận, tình thương vô điều kiện đó. Hầu hết đã dựng lên một số điều kiện trong chính tâm họ khiến họ cho rằng trừ khi họ tuân thủ một số luật lệ và quy tắc vỏ ngoài thì họ sẽ không xứng đáng nhận được tình thương của ngài. Bởi vì tất cả đều tùy thuộc vào quyền tự quyết, cho nên Thượng để không thể ép buộc con nhận tình thương của ngài. Chính con phải nhận lấy nó, và con chỉ có thể làm vậy khi con chấp nhận con xứng đáng được nhận tình thương đó.

Đại đa số trẻ em đã mang sẵn cảm nhận xứng đáng này, cảm nhận vô điều kiện này ngay từ khi sinh ra, và đó chính là một trong những tài sản lớn nhất của chúng. Xin đừng hủy hoại cảm nhận đó khi con quá nhiệt thành dạy dỗ tôn giáo cho con mình.

Tạo cảm hứng cho trẻ em

Hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể tạo cảm hứng cho trẻ em thể nhập những giáo lý tâm linh mà chúng ta trình bày cho chúng?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 17/11/2012.

Trước tiên hết, qua gương của chính con. Cho nên con hãy đảm bảo là chính con đã thể nhập các khái niệm tâm linh trước khi con trình bày cho con trẻ. Nhưng con cũng cần làm thế nào mở tâm ra để khám phá những khía cạnh mới của khái niệm tâm linh.

Tiếc thay, nhiều bậc cha mẹ có thái độ xem mình là người phải dạy dỗ cho trẻ con và mình không có gì học hỏi từ con cái. Điều này đặc biệt đúng đối với những người đã lớn lên trong một văn hóa tôn giáo chính thống và có cách tiếp cận vỏ ngoài về tôn giáo. Họ có thái độ độc đoán đối với trẻ em và cho rằng con mình phải chấp nhận những tin tưởng tôn giáo của mình.

Nếu con là người đi tìm chân lý, con không phải tự xưng là người có thẩm quyền về những đề tài tâm linh, ít ra là không trong ý nghĩa truyền thống. Thay vì cảm thấy mình phải áp đặt một số niềm tin lên con mình, con hãy tự đặt mình vào vai trò một nguồn tài nguyên giúp chúng tìm ra lời giải đáp.

Con cái của con sẽ tìm đến con một cách tự nhiên với những thắc mắc về tâm linh, đặc biệt khi chúng thấy là con sẵn lòng giúp chúng mà không ép buộc bất cứ điều gì. Nhân tiện, khi con có thái độ và xây dựng mối quan hệ với con mình như vậy, con sẽ thấy với tâm hồn ngây thơ của chúng, chúng có thể dạy con nhiều điều về tâm linh đích thực. Chúng đặc biệt có thể giúp con tìm lại cách tiếp cận Thượng đế hồn nhiên và vô điều kiện.

Một cách rất hay khác để giúp trẻ em thể nhập các khái niệm tâm linh là không bao giờ cho chúng những câu trả lời đã xác định hay hoàn chỉnh. Ngược với thái độ của nhiều người lớn đối với trẻ con, các em có dư khả năng suy luận và tự tìm hiểu mọi thứ. Không phải tâm trí các em kém khả năng hơn tâm trí người lớn, mà giản dị tâm các em nói một loại ngôn ngữ khác người lớn, cả về mặt hình ảnh, khái niệm lẫn từ ngữ.

Vì vậy cách tốt nhất để trình bày một khái niệm tâm linh cho trẻ em là luôn luôn khởi đầu bằng cách để cho đứa trẻ đặt câu hỏi. Con có thể dẫn nhập một khái niệm nào đó rồi hỏi xem nó có thắc mắc gì về khái niệm đó không. Sau đó con tìm cách giúp nó tự phát triển tiến trình suy luận và hiểu biết của nó. Nói cách khác, con cố giúp nó tự tìm lấy câu trả lời thay vì cho nó những lời giải đáp định sẵn.  

Một điều quan trọng khác con cần hiểu là khi con là người tầm đạo, con đã trải qua một tiến trình rất dài để đạt đến niềm tin và hiểu biết mà con hiện có. Thật là tự nhiên khi cha mẹ cũng muốn con mình đạt được cùng hiểu biết đó trong vòng năm phút, nhưng đương nhiên điều này không thể làm được. Vì vậy, con em của con không cần phải đạt được hiểu biết mà con đang có như một người trưởng thành. Điều hoàn toàn chấp nhận được là đứa trẻ sẽ có một cách hiểu phần nào khác lạ hay giản dị hơn về một khái niệm tâm linh, rồi khi nó lớn lên, nó sẽ lần hồi khám phá ra một cách hiểu cao hơn.

Khi con là người đi tìm chân lý, con nhận rõ tâm linh là một tiến trình. Điều quan trọng nhất mà con có thể hiểu về trẻ em là tuổi thơ cũng là một tiến trình. Điều tốt nhất con có thể giúp con cái là tăng cường khả năng của chúng tham gia vào tiến trình của cuộc sống và tự tìm lấy câu trả lời, thay vì chỉ nhắm mắt đi theo những lời giải đã định sẵn mà chính con, giáo hội hay xã hội của con xem là cách hành xử duy nhất.

Hãy cho phép con mình kinh qua tiến trình của cuộc sống. Hỗ trợ và hướng dẫn nó, nhưng đừng đóng hộp nó lại trong những giáo điều đã định sẵn. Hãy tin tưởng tiến trình cuộc sống. Giúp con mình trụ neo trên con đường tâm linh đi tìm sự thật, rồi tin tưởng là cái ta Ki-tô của nó sẽ hướng dẫn nó đến những lời giải đáp thích hợp ở thời điểm thích hợp.

Về mặt này ta cũng xin nói, một trong những cách hay nhất để giúp trẻ em thể nhập các khái niệm tâm linh là sử dung xu hướng vui chơi tự nhiên của chúng. Nếu con có thể biến khái niệm tâm linh thành một trò chơi, thì xác suất thành công của con sẽ lớn hơn rất nhiều để giúp chúng thể nhập khái niệm đó.   

Hãy dạy dỗ con em qua truyện kể, trào phúng hay kịch ngắn. Bày ra trò chơi dựa trên khái niệm tâm linh. Sự sáng tạo không hề có giới hạn, và nhiều người cũng đã dùng óc sáng tạo của mình để hoàn thành những chương trình như vậy cho trẻ em. Một số những chương trình có sẵn này rất hữu ích cho dù là được thực hiện trong khuôn khổ một tôn giáo hay một giáo hội đặc thù. Cho nên, hiện đang có một nhu cầu vô bờ bến những loại tài liệu giáo dục cho trẻ em về con đường tâm linh toàn vũ vượt trên mọi tôn giáo.