Hãy tĩnh tâm và xuôi theo Dòng sông sự Sống

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 10/10/2022, nhân dịp Webinar 2022 cho Hoa kỳ – Phục sinh nền Dân chủ.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama.

“Chấm dứt hẳn bao ý nghĩ lăng xăng” [Bài chú 8.06 Gautama, con an bình trọn vẹn].

Khi ta còn hiện thân là Phật nhiều thế kỷ về trước, một phần lớn trong sứ vụ của ta – mà con có thể gọi là trong Tăng đoàn của Phật – là giúp cho các đệ tử tĩnh tâm hầu chấm dứt ý nghĩ lăng xăng. Điều này cần thiết 2500 năm về trước. Thời nay con khó lòng tưởng tượng được thời đó con người sống như thế nào. Con có tưởng tượng nổi không? Đối với những ai trong số các con đủ lớn tuổi để còn nhớ, liệu con có nhớ cuộc sống như thế nào khi chưa có internet? Con có tưởng tượng cuộc sống như thế nào khi chưa có truyền hình? Chưa có máy phát thanh? Con có thể tưởng tượng khi chưa có sách vở và hầu hết mọi người đều không biết đọc?

Ý nghĩ lăng xăng

Chắc chắn đa số con người thời đó đều bận rộn làm lụng thể xác để kiếm sống. Và so với ngày nay, họ chẳng có gì để tiêu khiển hay khích động tinh thần. Con thử nhìn xem thế giới hiện đại có biết bao nhiêu thứ đang níu kéo sự chú ý của con? Có lạ lắm không nếu con không có nhiều ý nghĩ lăng xăng? Thật có quá nhiều thứ đang đòi hỏi sự tập trung của con, đòi hỏi con phản ứng lại và làm gì đó. Nhưng ngay cả thuở trước cũng vậy, thử thách lớn nhất mà ta đã gặp trong cương vị một vị thày tâm linh chính là các ý nghĩ lăng xăng nơi mọi người.

Vậy con hãy tưởng tượng ngày nay với tất cả những thứ kích thích đó, thì liệu việc neo trụ vào Ngọn lửa Hòa bình hầu chấm dứt ý nghĩ lăng xăng sẽ khó khăn đến chừng nào? Việc tĩnh tâm đã luôn luôn là một thách đố, nhưng chưa bao giờ trong lịch sử ghi chép mà thách đố này to lớn như ngày nay. Các thày, các chân sư thăng thiên, biết rất rõ là khi các thày trao cho con bấy nhiêu giáo lý như đã ban truyền, thì không nhất thiết là các thày sẽ giúp con tĩnh lặng các ý nghĩ lăng xăng của con dễ dàng hơn.

Đa số mọi người – và chắc chắn vị sứ giả này có thể chiêm nghiệm điều này nơi bản thân ông – đều trải qua một giai đoạn khi họ lần đầu tiên khám phá đường tu tâm linh, và hẳn giai đoạn này đã phấn khích họ mãnh liệt. Nhiều người trong số các con đã lớn lên trong một cuộc sống thiếu vắng chất liệu tâm linh, nhưng con vẫn biết là có một điều gì đó cần tìm kiếm, một điều gì đó còn thiếu sót, một hiểu biết nào đó mà con hằng khao khát. Khi con tìm ra giáo lý tâm linh thì bấy giờ tâm con được dịp rồ máy. Con muốn học giáo lý, con muốn hiểu giáo lý, con muốn thể nhập giáo lý, con muốn thực hành mọi pháp tu mà giáo lý đưa ra. Và con tập trung hết mình vào đó.

Không cứ là việc này có gì sai trái – đó là một tiến trình mà con cần kinh qua. Nhưng liệu con có thấy là kỳ thực nó tạo ra một mức độ suy nghĩ lăng xăng cao hơn nữa hay không? Nhiều người chú tâm vào giáo lý vỏ ngoài, cách tu tập vỏ ngoài, nét văn hóa vỏ ngoài của tổ chức tâm linh mà họ tham gia. Và họ bị cuốn hút vào đó đến độ gần như không còn lúc nào tâm họ có thể tĩnh lặng, có thể trung hòa, có tai lắng nghe.

Sự phóng chiếu liên tục vào tâm con

Thế rồi tới điểm khi con trụ chặt vào đường tu nội tâm. Bây giờ con nhận ra đường tu không thực sự là chuyện tuân theo pháp tu vỏ ngoài hay học hỏi lời dạy vỏ ngoài, mà là giải quyết tâm lý. Con tập trung vào việc giải quyết tâm lý của con, như nhiều người trong các con và sứ giả này đã làm suốt nhiều năm. Nhưng đây lại là thêm một mức độ ý nghĩ lăng xăng nữa. Bỗng nhiên một ý tưởng nảy ra: “Ồ, có lẽ chăng tôi mang xu hướng này trong tâm lý mình? Tại sao tôi lại phản ứng cách đó trong hoàn cảnh đó? Có điều gì tôi chưa nhìn ra? Có điều gì tôi chưa giải quyết? Ồ, tốt hơn tôi nên nhìn xem, tôi nên tìm xem cái đó là gì, vì chắc chắn tôi không muốn trong tâm mình có vấn đề gì chưa giải quyết.” Cho mỗi tầng trên đường tu đều có nguyên một bộ ý nghĩ lăng xăng. Chúng được phóng chiếu vào tâm con từ các tà lực, các sa nhân, từ tâm thức tập thể và từ những cái ngã tách biệt mà con còn sót. Đây là một sự phóng chiếu liên tục.

Lẽ tự nhiên, con có thể làm gì đó về chuyện này. Các thày có dạy con là con có thể thỉnh gọi Đại thiên thần Michael để thày niêm phong tâm con cùng các luân xa của con. Con có thể thỉnh gọi Astrea để thày cắt đứt cho con thoát khỏi nhiều sợi dây ràng buộc với tà lực.

Nhưng có sự phóng chiếu liên tục những ý nghĩ lăng xăng. Một số vị thày trong đạo Phật gọi đó là “tâm khỉ” không ngừng suy nghĩ. Con bị phóng chiếu liên tục. Con có thể làm gì đây? Có thể nào con tắt nó đi? Con không thể thực sự tắt nó đi. Sa nhân sẽ tiếp tục làm những gì chúng vẫn làm. Tâm thức tập thể sẽ tiếp tục làm những gì nó vẫn làm. Con có thể giải quyết những cái ngã và điều này sẽ giảm bớt các ý nghĩ. Nhưng dù sao con vẫn có một bộ não, một bộ não vật lý. Và bộ não vật lý được thiết kế để suy nghĩ, hay ít ra để chuyên chở suy nghĩ. Nhưng bộ não vật lý cũng có khả năng tạo ra ý nghĩ vì nó có thể tạo ra một số trải nghiệm và cảm thọ khác nhau. Khi con bước chân trên đường tâm linh, não của con sẽ bắt đầu tạo ra những ý nghĩ tâm linh. Và con có thể cảm thấy mình bắt buộc phải suy nghĩ chúng. Sứ giả này đã bước trên đường tu nhiều năm trời trước khi ông ngộ ra là ông thực sự không bắt buộc phải suy nghĩ bất kỳ ý nghĩ nào đi vào trong đầu ông.

Chuỗi tư tưởng cưỡng chế

Con thử xem xét điều này. Có một ý tưởng đột ngột xuất hiện trong đầu con. Nó có thể được phóng chiếu từ đâu đó không liên quan gì tới con. Nhưng tâm con vẫn cảm thấy bị bó buộc phải suy nghĩ về nó. Con cho rằng, và hầu hết mọi người cũng cho rằng, ý nghĩ đó là của mình. Và con thấy bó buộc phải suy nghĩ nó. Có nguyên một tiến trình khi ý tưởng trải bày ra trong tâm con, thế rồi ý tưởng này dẫn đến một sự liên tưởng, và đột nhiên một ý tưởng khác xuất hiện. Và trước khi con biết chuyện gì xảy ra, mấy phút đã trôi qua và con đã nhảy vào đủ loại đề tài vớ vẩn khác dẫn con thật xa khỏi ý tưởng ban đầu. Sứ giả này đã phải mất một thời gian dài trước khi ông chịu nhìn nhận là ông đã có hiện tượng này suốt đời ông. Những chuỗi tư tưởng, những quy trình này chẳng dẫn tới đâu và chẳng chế tạo được gì. Chúng chẳng giải quyết được gì mặc dù đôi khi chúng khoác lấy hình dạng một vấn đề. Nhưng chúng không bao giờ ngừng, không bao giờ giải quyết hay tạo ra bất cứ gì.

Ta không bảo là con không thể có những ý tưởng xây dựng dẫn đến một hành động tạo ra một kết quả. Nhưng rất nhiều khi con chỉ có ý nghĩ chạy loanh quanh luẩn quẩn, nhảy từ đề tài này sang đề tài khác và không sản xuất được gì. Đây là cái ta gọi là ý nghĩ lăng xăng. Nhiều người, hầu hết mọi người, đều cho rằng: “Ồ, chắc đây là ý tưởng của tôi. Tại sao nó lại nảy lên trong đầu tôi nếu nó không phải là ý tưởng của tôi? Và nếu nó là ý tưởng của tôi thì tôi phải suy nghĩ nó, tôi phải đi theo nó, tôi phải chú ý đến nó.” Nhiều người bỏ ra cả đời trong tâm thái này, không ngừng có những ý nghĩ lăng xăng mà họ cảm thấy họ phải suy nghĩ. Ý tưởng dẫn đến liên tưởng, nó tiếp tục như vậy một vài giây, xong nó dẫn đến một ý tưởng khác, và nó nhảy từ cái này sang cái kia rồi cái nọ, chẳng khác gì một con khỉ đu cây. Nó chẳng đi tới đâu, giống như con khỉ cũng chẳng đi tới đâu. Con khỉ nhảy từ cành này sang cành nọ nhưng vẫn ở nguyên trên cây.

Tâm muốn bận rộn

Tới một điểm trên đường tu con cần nhận thức hiện tượng này và tự hỏi: “Tôi có thực sự muốn các ý nghĩ lăng xăng này chiếm trọn tâm tôi? Tôi có muốn cảm thấy bó buộc phải suy nghĩ về chúng và bị cuốn vào các quy trình tư duy đó, những liên tưởng đó, nhảy qua nhảy lại kiểu đó?” Là một học trò tâm linh, con thường vô hiệu hóa nó, vì khi con học tập một giáo lý tâm linh thì con chú tâm vào lời dạy, và nhiều khi không hay biết, con bỗng gạt đi rất nhiều ý nghĩ như thế do con tập trung vào giáo lý. Ý tưởng nhập vào tâm con vì tâm con lẫn bộ nảo được thiết kế để suy nghĩ, cho nên chúng tưởng là chúng phải suy nghĩ hoài hoài. Có một phần trong tâm con, và ngay cả não của con, cảm thấy là nếu nó không đang suy nghĩ thì có gì đó không ổn và nó không đang làm nhiệm vụ của nó. Cũng từa tựa như nếu tim con ngừng đập. Tim ngừng đập quả sẽ là một vấn đề, nhưng tâm mà ngừng suy nghĩ thì thật sự không là vấn đề, thế nhưng tâm lại cho đó là một vấn đề. Nó nghĩ con sẽ chết nếu nó không suy nghĩ.

Con cũng có thể vô hiệu hóa quy trình đó bằng cách đọc chú, đọc thỉnh, vì nó khiến tâm con bận việc. Con thấy đó, tâm con phải bận làm một chuyện gì đó. Nó có thể bận học giáo lý, nó có thể bận đọc thỉnh đọc chú, nó có thể bận làm một công việc thực tiễn, nhưng tâm phải chất chứa một chút nội dung nào đó. Phải có chuyện gì diễn ra trong tâm, vì nếu không thì tâm cảm thấy có vấn đề không ổn. Con sẽ thấy là tâm có khuynh hướng muốn bận rộn. Tâm muốn làm việc. Cách đây khá nhiều năm, sứ giả này phát hiện có một phần trong tâm ông muốn giải quyết những vấn đề. Nó được tạo ra để giải quyết vấn đề. Và nó phải có vấn đề để mà giải quyết. Nếu nó không có vấn đề nào để giải quyết ở bên ngoài thì nó tạo ra vấn đề ở bên trong. Và ông nhận ra là ông có thể bỏ ra cả phần đời còn lại để giải quyết những vấn đề trong tâm do chính tâm ông tạo ra. Nhưng liệu làm vậy sẽ giúp ông đạt được gì chăng trên đường tu hay đường đời?

Làm thế nào con có thể thoát khỏi ý tưởng?

Nếu con quan sát chính mình khi con đang nghe hay đang đọc bài giảng này, chuyện gì xảy ra trong tâm con ngay lúc này? Con đang nhận diện ta là một vị thày tâm linh và một chân sư thăng thiên. Ta đang trao cho con một lời dạy và ta có một mục đích khi làm việc này. Ta muốn giúp con bước chân trên đường tu tâm linh, cho nên con cảm thấy bó buộc phải đặt chú ý vào lời dạy. Và điều gì xảy ra khi con làm vậy? Con có những ý tưởng nảy lên trong tâm. Đó có thể là nhiều loại ý tưởng khác nhau tùy theo từng người, nhưng con có ý nghĩ: “Lời dạy này ý nghĩa là gì? Tôi có thể áp dụng thế nào? Tôi có thể làm gì? Làm thế nào tôi có thể tránh các ý nghĩ lăng xăng đó? Bởi vì đây chính là điều mà hình như Gautama đang ngụ ý tôi phải làm.” Một số các con có thể cảm thấy vô vọng, và một số có thể đang suy nghĩ về cách ngừng hẳn sự suy nghĩ. Làm sao chuyện này có thể được? Và câu hỏi trở thành: Con sẽ làm gì đây?

Nhiều vị thày tâm linh và nhiều đệ tử tâm linh khắp các thời đại đã cố gắng giải quyết vấn đề này theo nhiều cách. Nhiều người, đặc biệt trong truyền thống đạo Phật, đã biết về tâm khỉ. Nhiều người đã tự đặt ra mục tiêu làm cho tâm tĩnh lặng. Họ đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, thiền định, quán chiếu, để làm yên tâm họ. Rất nhiều người thời nay, cả tại Mỹ lẫn khắp các nơi khác, đang tu tập đạo Phật và cố gắng áp dụng các kỹ thuật của đạo Phật. Họ sống trong thế giới Âu Tây nhưng họ cho rằng họ phải có thể làm yên tâm họ, y như người ta có vẻ làm được trong một đạo tràng hay một đoàn tăng trên núi ở phương Đông.

Nhưng nếu các con đang sống trong một thế giới Âu Tây bận rộn, liệu điều này có thực tế lắm không? Với tất cả những thứ đang níu kéo sự chú ý của con, tất cả những chuyện được phóng chiếu vào con, liệu làm yên tâm mình có thực tế lắm không? Ngay cả nếu con có thể bay đến núi Himalaya để sống trong một tu viện, liệu làm yên tâm mình có thực tế lắm không trong một thế giới hiện đại với tâm thức đại chúng bao quanh? Con có thể tự cô lập về mặt địa lý, nhưng đâu là giới hạn của tư tưởng? Thậm chí, liệu tư tưởng có phải tuân thủ giới hạn vận tốc của vũ trụ hay tốc độ của ánh sáng hay không? Không đâu, một ý tưởng không cần bay đến một địa điểm cụ thể để hiện diện tại nơi đó trong vật lý. Nó có mặt ở đó tức thì. Làm thế nào con có thể thoát khỏi các ý nghĩ? Làm thể nào con có thể thoát khỏi tâm thức đại chúng? Chắc chắn là có những cường độ khác nhau, nhưng con không bao giờ có thể thực sự thoát khỏi nó. Và làm thế nào con có thể thoát khỏi chính tâm con khi nó cứ muốn suy nghĩ suốt ngày để cảm thấy nó đang làm nhiệm vụ của nó?

À, xuyên qua các thời đại, một số người đã tìm kiếm nhiều cách khác nhau để cố xử lý cái tâm này. Một số vị thày Phật giáo đã nhìn nhận là chuyện này không thể làm được. Và họ còn đặt vấn đề là liệu việc khiến cho tâm tĩnh lặng có cần thiết hay không.

Con không thể tĩnh tâm bằng cách suy nghĩ về phương cách tĩnh tâm

Điều ta muốn gợi ý, duy chỉ như một cách để xử lý vấn đề này, là con nhìn nhận rằng con là một đệ tử của chân sư thăng thiên và các chân sư đã trao cho con một số dụng cụ. Tất nhiên, con sẽ dùng các dụng cụ này. Con sẽ thỉnh gọi sự bảo vệ tâm linh, thỉnh cầu để mình được cắt ra, thỉnh cầu cho tâm được che chở và niêm phong khỏi tà lực cùng tâm thức đại chúng. Đó là một việc quan trọng và cũng là một việc chính đáng. Nhưng ta cũng sẽ gợi ý là ở giữa tất cả những bài chú, bài thỉnh, ở giữa tất cả việc học tập giáo lý cùng các sinh hoạt thường nhật, con hãy dành ra một chút thời gian để chỉ ngồi đó mà thôi. Con không nỗ lực làm yên tâm con, vì khi con cố làm cho tâm yên tĩnh thì con đang làm gì chứ? Con đang sử dụng tâm để khiến cho tâm tĩnh. Và làm thế nào tâm có thể khiến cho tâm tĩnh ngoại trừ bằng cách suy nghĩ về một cách khiến cho tâm tĩnh? Và khi con suy nghĩ về cách khiến cho tâm tĩnh thì con vẫn đang suy nghĩ đó. Tâm đang làm công việc mà nó nghĩ nó phải làm, cho dù hình như con đang muốn nó tĩnh lặng.

Buông các ý nghĩ

Ta đề nghị con tiếp cận một cách khác hơn. Trước hết, con quyết định là con sẽ dành ra một khoảng thời gian, con vào một phòng yên tĩnh và con có thể bắt đầu đọc chú, đọc thỉnh, nhưng con hãy vào một phòng yên tĩnh. Con không ngồi trong tư thế thiền định, khoanh chân như người ta thường làm. Con nằm trên một chiếc giường hay đi-văng êm ái nơi con có thể thư giãn thân thể, hầu con không có cảm giác nào, không bị khó chịu phải giữ một tư thế nhất định nào. Con chỉ nằm đó, tốt nhất là trong phòng tối, chắc chắn một phòng yên tĩnh. Và sau đó mục tiêu của con là tĩnh tâm, ở trong một trạng thái trung hòa của tâm. Tâm trung hòa (neutral) quan trọng hơn là tâm tĩnh (still) không có ý tưởng. Thay vào đó, con cố gắng, con nỗ lực, con có mục tiêu rằng: “Tôi sẽ trung hòa.”

Điều này có nghĩa là con không đóng chặt để ý tưởng không vào được, mà con không giao tiếp với nó. Con quyết định: “Tôi không ở đây để suy nghĩ về bất cứ chuyện gì, tôi không ở đây để hiểu ra bất cứ điều gì, tôi không ở đây để nhìn thấy bất cứ cái gì. Tôi không ở đây để giải quyết bất cứ vấn đề gì hay đạt được sáng ngộ gì. Tôi chỉ ở đây để không tiếp cận, không tham gia vào các ý nghĩ đang bay đến.” Và như vậy, con nằm đó với mắt nhắm. Con chỉ quan sát tâm. Khi một ý nghĩ bay đến, con nói nhẹ nhàng trong tâm: “Tôi buông [surrender trong tiếng Anh có mấy nghĩa: buông bỏ, từ bỏ, hàng phục, trả lại]. Tôi để cho nó đi.” Con buông ý nghĩ. Thay vì suy nghĩ về nó, đặt chú ý vào nó, cho phép nó liên kết bay ra mọi phía, thì con buông nó, con không nghĩ về nó, con chỉ để cho nó đi. Lúc đầu, việc này có thể khó khăn. Nhưng con càng giải quyết được nhiều ngã tách biệt trong tâm thì sẽ càng dễ dàng hơn. Và con có thể đạt tới điểm khi, ít nhất trong một khoảng thời gian, con có thể tiếp tục nói: “Tôi buông. Tôi cho nó đi. Tôi buông. Tôi buông.” Bất kỳ ý tưởng nào hiện lên, con chỉ buông nó ra. Con không giao tiếp với nó. Rất có thể con sẽ nhận thấy là tâm con bị chuyện này làm khuấy động, nó có thể cuống cuồng hoảng sợ: “Tại sao bạn lại không suy nghĩ những ý tưởng tôi đang gửi cho bạn? Tại sao bạn lại làm ngơ, phớt lờ tôi đi? Bạn không còn ưa tôi nữa sao?” Tất cả những điều đó có thể khởi lên với con. Hoặc có thể con chỉ cảm thấy một sự xao động hay bối rối, vì tâm không biết nó phải làm gì khi con không suy nghĩ các ý tưởng đó. Nhưng con có khả năng cứ tiếp tục như vậy.

Thỉnh thoảng sẽ có một ý tưởng thu hút sự chú ý của con. Con đi theo nó. Và con đi tới chỗ này chỗ nọ, xong thình lình con chợt nhận ra: “Ồ, tôi lại đang suy nghĩ rồi.” Khi đó, con chỉ quay trở lại: “Tôi buông. Tôi buông. Tôi buông.” À, con cần thận trọng ở đây. Con đừng cuồng loạn khi làm chuyện này. Đừng biến nó thành một áp lực. Đừng bị căng thẳng bởi nó. Đừng cảm thấy là con phải có khả năng làm bài tập nói trên và con phải có khả năng buông bỏ các ý nghĩ. Con chỉ việc thực tập một cách thoải mái, càng thư giãn càng tốt. Quả thực những giây phút như thế sẽ giúp con rất nhiều, như các thày đã có đề cập, khi cái Ta Biết của con đứng bên ngoài tâm ý thức và trải nghiệm sự nhận biết thuần khiết. Nhận biết thuần khiết là gì? À, đó là khi con ý thức mà không có ý nghĩ. Giống như thể con ý thức nhưng không có nội dung chất chứa trong tâm thức.

Sử dụng thần chú

Một số kỹ thuật thiền lấy điều này làm mục tiêu. Một số kỹ thuật thiền sử dụng một câu thần chú không mang ý nghĩa nào, và con chỉ lặp đi lặp lại câu đó. Và khi nào con nhận ra là con đang suy nghĩ, con chỉ quay trở lại với câu thần chú. Theo một nghĩa nào đó, đây chính là điều mà con đang làm ở đây, chỉ có điều câu thần chú của con là: “Tôi buông.” Nếu chuyện này không hiệu quả thì con có thể dùng một câu chú. Ta đề nghị con dùng câu OM, con đọc OM lặng lẽ trong tâm con. Khi con có một ý nghĩ, con chỉ quay trở lại với OM. Con chú tâm vào OM, con lặp lại OM. Nhưng đối với nhiều các con, sẽ hiệu quả hơn nếu con nói: “Tôi buông. Tôi buông ý nghĩ này.”

Ta hoàn toàn không có ý nói rằng đây là một liệu pháp thần kỳ, rằng nó nhất thiết sẽ chấm dứt mọi ý nghĩ lăng xăng. Nhưng nó có thể hữu ích nếu con thực hành. Con không cần phải làm thật lâu, thậm chí con không phải làm mỗi ngày. Chẳng hạn, con có thể thực tập buổi tối khi con nằm trên giường chuẩn bị đi ngủ. Nó có thể sẽ mở tâm con ra một cảm giác an bình – “niềm thanh thản cho Biển động Luân hồi được yên lắng.”

Tâm tĩnh do trung hòa

Thế nào là Biển động Luân hồi? Nhiều người nghĩ đó là thế gian cùng các hoạt động vật lý trong thế gian, nhưng thật ra đó là tâm. Khổ đau xảy ra ở đâu? Trong tâm. Và con khăc phục khổ đau ở đâu? Trong tâm. Nhưng những ai không nắm được lời dạy của Phật sẽ chú tâm vào các thứ vỏ ngoài. Họ nghĩ rằng chính các cảnh huống vỏ ngoài khiến cho tâm trải nghiệm khổ đau. Và do vậy họ nghĩ giải pháp duy nhất là thay đổi cảnh huống vỏ ngoài. Nhưng trong nhiều trường hợp, họ không thể thay đổi cảnh huống vỏ ngoài, một phần là vì người khác không chịu hợp tác, cho nên họ sống trong nỗi bực bội không nguôi tức là Biển Luân hồi.  

Bây giờ là một đệ tử của chân sư thăng thiên, con cũng có thể tạo ra phiên bản riêng của con về Biển Luân hồi, qua đó – như PadmaSambhava có nói – con không ngừng tập trung vào việc giải quyết một vấn đề gì đó trong tâm lý của con, hay thay đổi thế giới, hay đọc bài thỉnh, hay tìm hiểu giáo lý, hay một việc để cải thiện thế giới, quảng bá giáo lý, hay bất kỳ điều gì khác. Con có thể nhìn vị sứ giả này và nói: “Đấy, ông ấy đã đi trên đường tu tâm linh rất nhiều năm trời, ông đã làm sứ giả được gần 20 năm, ông đã có một cuộc sống đầy ý nghĩa và ông được làm việc với các chân sư thăng thiên để ban truyền tất cả những lời dạy kia với sách với trang mạng kia, vân vân.” Nhưng có lẽ con không nhận ra là việc làm này đã khó khăn đến chừng nào. Ông đã có thể làm việc cho tới kiệt sức, ông đã có thể bị căng thẳng đến độ suy sụp tâm thần, ông đã có thể bị choáng ngợp bởi tinh thần trách nhiệm phải chu toàn điều này hay điều nọ. Và chắc chắn đã có những thời kỳ ông phải nếm mùi sự bực tức cao độ khi ông cảm thấy cho dù mình có làm nhiều đến đâu thì vẫn chưa đủ, hay chưa tốt đủ, và mình luôn luôn muốn làm nhiều hơn nữa. Nhưng cuối cùng thì ông đã sống sót, và các con cũng vậy, các thày muốn tất cả các con sống còn. Ông đã sống còn bằng cách xem xét tất cả những gì ta vừa trình bày với con, bằng cách tìm ra một thế quân bình, tìm ra Trung đạo, và không bị bực bội, không quá cuồng nhiệt, không bị ám ảnh cưỡng chế – và thỉnh thoảng, bằng cách tĩnh tâm.

Điều đã giúp cho sứ giả này là ngay từ buổi đầu, ông đã nhận ra là để nhận được thông điệp từ các chân sư thăng thiên, ông phải ở trong một tâm thái trung hòa. Có thể trong Sứ vụ Thiêng liêng của con không hoạch định con sẽ trở thành một sứ giả, nhưng chắc chắn trong Sứ vụ của con có việc tiếp nhận sự hướng dẫn trực tiếp từ các thày thay vì từ một giáo lý vỏ ngoài. Hầu nghe được Hiện diện TA LÀ của con hay một chân sư thăng thiên, con cần ở trong tâm thái trung hòa đó. Con cần dành ra một thời gian để nỗ lực ở trong tâm thái trung hòa đó mà không phấn đấu. Thay vào đó, con đánh gạt tâm con, con khiến cho nó bối rối, để các ý nghĩ lăng xăng không chiếm trọn sự chú ý của con.

Một cách tiếp cận giáo lý cân bằng

Biết bao nhiêu thứ níu kéo tâm con. Biết bao nhiêu thứ. Các thày nhìn nhận là các lời dạy của các thày có thể dễ dàng biến thành một lực níu kéo khác đối với tâm con. Các thày đành nhận lấy rủi ro này, một rủi ro có tính toán. Khi con quan sát diễn biến trong thời gian gần 20 năm qua khi đợt truyền pháp này hoạt động, con sẽ thấy – như các thày đã có đề cập – là giáo lý được ban ra có nhiều cấp độ. Đã có những giáo lý vượt xa hơn giáo lý ban đầu. Con sẽ thấy là một số người đã khám phá ra giáo lý, tham gia được một thời gian rồi bỏ đi làm công việc khác. Lại có một số người đã buộc tội sứ giả này trở thành một sứ giả giả trá. Còn một số khác thì đã tìm được một giáo lý khác để chuyên chú đi theo.

Các thày xác định được là sứ giả này đã sẵn lòng thăng vượt mức tâm thức của ông đến độ các thày có thể ban truyền những cấp độ giáo lý khác nhau đó. Cho nên các thày đã và đang tiếp tục ban truyền giáo lý vì các thày muốn gửi càng nhiều giáo lý càng tốt vào cõi vật lý. Nhưng điều này không có nghĩa là con phải cảm thấy bó buộc luôn luôn theo sát những lời dạy mới nhất. Điều hoàn toàn phải lẽ là con có thể thấy một lời dạy nào đó – ngay cả một lời dạy được ban ra cách đây nhiều năm – hấp dẫn con, có vẻ quan trọng đối với con. Điều hoàn toàn phải lẽ là con tập trung vào lời dạy đó, học hỏi nó, thực hành nó, thể nhập nó, và không để ý đến những lời dạy đang được ban ra.     

Con không cần phải tham dự tất cả mọi hội nghị hay hội thảo trên mạng. Con không cần phải đọc tất cả mọi quyển sách hay mọi bài truyền đọc hay mọi lời giải đáp được đăng tải. Con không cần cảm thấy áp lực phải dự phần vào những giáo huấn đó. Đây quả thực là một sự thay đổi so với các tổ chức trước đây mà trọng tâm được đặt nhiều hơn vào việc đệ tử phải làm cái gì đó suốt ngày, thậm chí phải đọc chú hàng giờ liền để thay đổi thế giới. Nhưng các thày muốn các con được tự do đi vào nội tâm. tập trung vào những giáo lý mà con cảm thấy mình cần tập trung và bỏ qua phần còn lại. Thật hoàn toàn phải lẽ nếu con bỏ ra mấy tháng trời hay mấy năm trời để chú tâm vào một lời dạy cụ thể, rồi khi con cảm thấy mình đã tiến xa đủ với nó thì con có thể quay trở lại và nói: “À các chân sư có vừa dạy thêm gì nữa không?”        

Không có một cách duy nhất để bước chân trên đường tâm linh. Việc đi theo một giáo lý tâm linh không được biến thành một cái áo tù bó tay bó chân như từng xảy ra cho nhiều người, cả đệ tử của chân sư thăng thiên lẫn các đệ tử tâm linh khác, hay tất nhiên như đang xảy ra cho hầu hết mọi người sùng đạo. Nhưng để tránh sự thể này, con cần sẵn sàng nhìn vào tâm lý mình và nhận ra là phản ứng đó đến từ một cái ngã trong tâm. Chân sư MORE có nói: “Hãy nhìn cuộc đời. Mọi thứ xảy ra trong đời đều là một cơ hội để con làm việc trên tâm lý của con.” Vậy con hãy nhìn vào một lời dạy tâm linh, một đường tu tâm linh và một tổ chức tâm linh cũng theo cách tương tự. Tất cả mọi thứ đều là cơ hội để con nhìn ra một điều gì đó chưa giải quyết trong chính tâm con, trong tâm lý của con. Tại sao con phản ứng cách con đang phản ứng?  

Nguyên nhân của trải nghiệm nội tâm nằm ngay trong tâm

Con thử nhìn xem những ai đã rời bỏ giáo lý tâm linh và bây giờ đổ lỗi cho đạo sư hay vị thày hay sứ giả hay chính giáo lý đó. Họ đang làm gì vậy? Họ đang phóng chiếu ra là nguyên nhân trải nghiệm của họ nằm ngoài tâm họ. Trải nghiệm thì xảy ra trong tâm nhưng nguyên nhân thì nằm ngoài tâm. À, nếu thế thì con không thực sự là một học trò tâm linh rồi, vì cốt lõi của con đường tâm linh chính là việc điều ngự tâm con. Và làm sao con có thề điều ngự tâm con nếu con nghĩ nguyên nhân của trải nghiệm nội tâm nằm ngoài tâm? Nếu con nghĩ một vị đạo sư hay một sứ giả nào đó có quyền lực trên trải nghiệm nội tâm của con, thì con bất lực không thể thay đổi được trải nghiện nội tâm. Và nếu con bất lực không thay đổi được trải nghiệm nội tâm thì làm sao con có thể tinh tấn trên đường tu tâm linh khi tinh túy của đường tu tâm linh là việc điều ngự trải nghiệm nội tâm? Khi con tự xưng là một học trò tâm linh mà lại phóng chiếu ra là nguyên nhân trải nghiệm nội tâm của con nằm ngoài tâm con, thì đây chính là một bất nhất nhận thức (cognitive dissonance).

Chờ đợi giáo lý sẽ chứng thực phin lọc nhận thức của mình

Các thày thấy, không cứ trong phong trào này mà chắc chắn trong nhiều phong trào tâm linh, là có một tỷ lệ những người tìm ra một giáo lý tâm linh – một giáo lý tâm linh chính đáng và chân truyền – nhưng họ lại rơi vào phản ứng như vậy. Hoặc họ ở lại trong phản ứng đó vì họ đã từng ở trong đó trước khi tìm ra giáo lý, và họ phóng chiếu ra. Thày Giê-su đã giảng dạy điều gì về tâm thức Phêrô (Peter)? Phêrô công nhận là có điều gì đó đặc biệt nơi Giê-su, nhưng ông không nắm bắt được sự kiện Giê-su đặc biệt là vì Giê-su ở ngoài tâm của Phêrô cho nên có thể cho Phêrô một khung tham chiếu từ ngoài tâm ông. Thay vào đó, Phêrô lại muốn kéo Giê-su vào chính tâm mình và khiến Giê-su phải tuân theo những hình ảnh cùng chờ đợi mà ông có trong tâm.

Hàng ngàn, hàng vạn người, cả ở phương Tây lẫn phương Đông nhưng đặc biệt ở phương Tây, đã tìm ra một giáo lý tâm linh chân chính nhưng họ lại phóng chiếu ra ngoài. Họ nhận diện một điều gì đó trong giáo lý đó, nhưng rồi họ lại bắt đầu phóng chiếu ra để khiến cho vị thày phải tuân theo những chờ đợi của họ. Họ không nắm được là toàn bộ mục đích của con đường tâm linh là thoát khỏi, là thăng vượt, là giải quyết các hạn chế trong chính tâm mình.

Điều kiện vỏ ngoài kích hoạt chứ không gây ra

Khi con nắm được điểm này, con sẽ thấy là không thể nào có một nguyên nhân bên ngoài tạo ra các hiện tượng bên trong tâm con. Không thể nào. Hiện tượng trong tâm là do tâm sản xuất ra. Chúng có thể được kích hoạt, chúng có thể là phản ứng trước một cảnh huống bên ngoài, nhưng cảnh huống bên ngoài không gây ra điều kiện bên trong. Chính tâm mới gây ra điều kiện bên trong qua cách nó phản ứng lại điều kiện bên ngoài. Đây là tinh túy của lời dạy mà ta đã trao cách đây 2500 năm. Con sẽ không tìm thấy lời dạy này trong bất kỳ giáo lý nào được ghi lại. Nó đã không được diễn đạt với ngôn từ đó, nó đã không được diễn đạt rõ ràng như chúng ta có thể ngày nay, vì tâm thức tập thể đã được nâng lên. Nhưng đó chính là điều ta đã cố gắng trao cho đệ tử của ta. Một số đã nắm được nhưng phần đông thì không. Đó cũng là điều mà Giê-su đã cố trao cho đệ tử của thày. Một số đã nắm được nhưng phần đông thì không, và Phêrô nằm trong số người này.

Các thày mong mỏi là những ai trong các con cởi mở với những lời dạy này có thể làm cuộc xoay chuyển đó trong tâm mình, tức là con có thể chấp nhận không có gì bên ngoài tâm con là nguyên nhân cho những gì xảy ra bên trong tâm con. Mọi chuyện xảy ra trong tâm con là kết quả của những điều kiện trong tâm con. Con có thể nghĩ là ta đang mâu thuẫn với những gì ta vừa nói ở trên liên quan đến rất nhiều ý nghĩ được phóng chiếu vào tâm con. Nhưng con thấy đó, ý nghĩ chỉ có thể kích hoạt một khuôn nếp, một cái ngã tách biệt, đã có sẵn trong tâm. Ta đã trình bày về điểm nay 2500 năm trước đây, về hành uẩn (samskara) trong tâm, về các khuôn nếp trong tâm. Bây giờ các thày gọi là ngã tách biệt. Chúng nằm đó tiềm ẩn, im lìm. Khi một cảnh huống bên ngoài xảy đến, một ý nghĩ được phóng chiếu vào tâm con, kích khởi một trong những cái ngã đó hoạt động. Nhưng nếu con cứ tập trung vào cái nguyên do bên ngoài, cái điều kiện bên ngoài, và tưởng đó là nguyên nhân, thì làm thế nào con có thể thay đổi được phản ứng bên trong tâm con? Con không thể đóng chặt không cho các ý tưởng phóng chiếu đi vào tâm con. Là một cá nhân, con không thể thay đổi tâm thức tập thể. Nhưng con có thể thay đổi chính tâm thức của con để không phản ứng lại tâm thức tập thể.

Tĩnh tâm có nghĩa là gì

Và đây là điều có thể xảy ra lần hồi khi con giải quyết các ngã đó, khi con thực hành bài tập này và buông ý nghĩ. Con có thể đạt tới điểm khi không phải là con không có ý nghĩ nào phóng chiếu vào tâm từ ngoài, không phải là con không có bộ não và tâm vỏ ngoài sản xuất ý nghĩ từ trong, mà cái Ta Biết của con, sự nhận biết ý thức của con, không giao tiếp với chúng. Chúng chỉ lướt xuyên qua.

Con hãy nghĩ đến hình ảnh của PadmaSambhava, của người đứng đó, hay người đứng trong phong cảnh bao la đó nhưng không nhìn thấy phong cảnh mà chỉ tập trung vào đám mây đen. Đấy, con có thể nghĩ là có nhiều ý nghĩ đi vào đầu con, nhưng trong thế giới vẫn còn rất, rất nhiều điều kiện mà con không nhận thấy, không chú ý. Con có thể đi bộ trên đường phố, bước qua nhiều người khác nhau nhưng con không để ý đến họ. Hay có lẽ con để ý một hai người nhưng số còn lại thì chỉ lướt xuyên qua. Con có thể đạt tới điểm khi con có đủ loại ý nghĩ đi vào tâm con, nhưng chúng chỉ lướt xuyên qua vì con không chú tâm vào đó. Và đây chính là khi con đã làm yên tâm con. “Chấm dứt hẳn bao ý nghĩ lăng xăng” không có nghĩa là ý nghĩ ngừng hẳn, mà có nghĩa là chúng ngưng không tác động tâm ý thức của con, không níu kéo sự chú ý ý thức của con. Đó là cách mà ý nghĩ lăng xăng chấm dứt.

Trải nghiệm Ngọn lửa Hoà bình Hoàn vũ

Thế thì câu điệp khúc mà các con vừa đọc lên nói gì? “Gautama, Lửa Hòa bình Hoàn vũ, chấm dứt hẳn bao ý nghĩ lăng xăng”. Con có thể suy ngẫm và hòa điệu với Ngọn lửa Hòa bình Hoàn vũ mà ta giữ cho địa cầu, và con cũng có thể sử dụng để tránh tập trung vào các ý nghĩ. Nhưng đây là một điều mà hầu hết mọi người không thể làm được khi mới bắt đầu, và đó là tại sao ta đã cho con các bài tập kia trước. Nhưng chắc chắn một khi con đã đạt được một trình độ không dính mắc nào đó đối với ý tưởng, một khi con đã bỏ ra một thời gian để nói: “Tôi buông, tôi buông, tôi buông,” thì sau đó con có thể quyết định chú tâm vào Ngọn lửa Hòa bình Hoàn vũ của ta, hòa điệu vào đó, mở tâm con ra với nó và đơn giản được nó bao bọc chung quanh.

Tuy nhiên con hãy cẩn thận ở đây. Điều gì xảy ra cho tâm con khi ta nói Ngọn lửa Hòa bình Hoàn vũ? Điều xảy ra trong tâm sứ giả là ông nghĩ ông phải thấy nó như một ngọn lửa. Phải có một loại lửa nào đó có một hình thù nào đó, và ông phải có thể hòa điệu vào ngọn lửa. Nhưng làm vậy thì đã khiến cho tâm suy nghĩ rồi – con không hòa điệu vào ngọn lửa mà con đang suy nghĩ về chuyện hòa điệu vào ngọn lửa. Và chừng nào con còn nghĩ ngợi về nó, con còn suy nghĩ, con còn nhìn ngọn lửa như một cái gì tách biệt với con, một cái gì ở ngoài kia: “Lửa ở đó, tôi ở đây, tôi phải hòa điệu vào cái ở đó,” thì con không thể làm được. Không thể nào làm được. Con có thể hoặc ở trong ngọn lửa hoặc không ở trong ngọn lửa. Con có thể hoặc ở trong ngọn lửa hoặc suy nghĩ về chuyện ở trong ngọn lửa. Nhưng ở trong đó hay nghĩ tới việc ở trong đó – hai cái này khác nhau. Đó là tại sao con cần một chút thực tập để tới điểm con không thực sự hòa điệu vào ngọn lửa mà con đang trải nghiệm ngọn lửa, con đang ở trong đó, con đang được nó bao trùm.

Trong chương trình canh thức chữa lành tâm lý, con vừa được thày Hiện diện Tình thương ban truyền một bài thực tập, một bài thỉnh cầu, qua đó con hình dung một cái tháp quan sát [xem bài truyền đọc ở đây] và con nhận thấy có một chiếc cầu thang dẫn lên một mặt phẳng và có một vị chân sư đang đứng trên mặt phẳng. Khi sứ giả này bắt đầu làm bài tập đó, ông hình dung trong tâm có một chân sư đứng đó như một hình người đứng trên mặt phẳng, và ông bước chân lền cầu thang rồi ôm lấy chân sư như thể ông ôm một người. Nhưng sau vài ngày, ông nhận ra là kỳ thực, làm vậy sẽ khiến ông bị rối trí, vì ông cho rằng mình phải hình dung tiến trình và điều này kéo chú tâm của ông ra khỏi việc trải nghiệm vị chân sư. Thế rồi ông nhận ra là thay vì hình dung hình một người và chính ông cũng là một hình người đang ôm lấy chân sư, thì ông có thể thay đổi cách hình dung để cảm thấy mình không phải là một hình người đang leo lên cầu thang, mà mình chỉ là một điểm chú ý, mình được bao bọc trong quả cầu là vị chân sư, quả cầu tâm thức, Hiện diện của vị chân sư. Thậm chí ông có thể cảm thấy mình là một cái chấm bên trong quả cầu của chân sư đang nhìn xuyên qua Hiện diện của chân sư, và làm như vậy sẽ cho ông một trải nghiệm mật thiết hơn.

Một điều tương tự cũng xảy ra với Ngọn lửa Hòa bình. Con không ngồi đó như một hình người cố gắng hòa điệu với ngọn lửa ở ngoài kia đang bốc cháy giống như những đám lửa mà con thường thấy. Ngọn lửa ở đây là một quả cầu, và con thì là một cái chấm. Con ở bên trong quả cầu. Con trải nghiệm ngọn lửa, thậm chí con trải nghiệm xuyên thấu qua ngọn lửa. Khi con đã làm nhiều lần và có trớn, con còn có thể nhìn thế giới xuyên qua ngọn lửa. Đây là cách con có thể dùng Ngọn lửa Hòa bình. Và khi con chỉ trải nghiệm Ngọn lửa Hòa bình và chính con cũng ở trong ngọn lửa, chính con là một với ngọn lửa, thì các ý nghĩ lăng xăng sẽ chấm dứt. Nhưng như ta vừa trình bày, ít người làm được điều này ngay từ đầu, và con cần đi qua một số bước.

Một lần nữa đối với một số người, điều này sẽ khó thực hiện. Con đừng quá lo lắng. Đừng cảm thấy là mình phải làm cho được. Ta chỉ cống hiến cách này cho những ai đã sẵn sàng. Nếu con chưa sẵn sàng thì chẳng có vấn đề gì, và cũng không có gì để xấu hổ. Con không đang làm gì sai trái cả. Con hãy tìm một lời dạy hấp dẫn đối với con rồi chú tâm vào đó. Đôi khi như PadmaSambhava có nói, con có thể bị ghiền chuyện giải quyết một vấn đề nào đó trong tâm lý con, gần như thể con nghiện bước chân trên đường tâm linh, và con cảm thấy mình phải có khả năng làm tất cả mọi thứ các thày đưa ra, con phải có thể sử dụng, phải có thể tận dụng, phải có thể hình dung cái này hay cái nọ.

Dùng trực giác để bước trên đường tu

Hãy đứng lui lại. Con không phải làm tất cả mọi thứ. Con không phải tận dụng mọi thứ mà các thày đề nghị ở đây. Con cần tìm ra cái khía cạnh của giáo lý thu hút con ở mức tâm thức hiện thời của con trong số 144 tầng tâm thức. Con không nhất thiết cần biết mình đang đứng ở tầng nào, mà con chỉ đơn giản cảm nhận bằng trực giác rằng lời dạy này hấp dẫn đối với con. Xong con hãy tập trung vào đó chừng nào con cảm thấy mình còn cần đến nó. Sự thể là nhiều người trong các con đã không làm như vậy. Con đã tiếp cận một cách năng động hơn, con tìm ra giáo lý, con hào hứng với giáo lý và con nói: “Ồ, tôi muốn làm mọi thứ. Tôi muốn học hỏi tất cả, đọc hết tất cả. Tôi muốn thực hành tất cả, đọc tất cả các bài thỉnh và điều này điều nọ.” Làm như thế cũng phải lẽ thôi, nhưng đó chỉ là một giai đoạn. Mong thay sẽ tới một giai đoạn khác khi con bắt đầu có nhiều trực giác hơn. Thay vì cố bước trên đường tu với tâm vỏ ngoài, con bắt đầu lắng nghe trực giác của mình. Và thay vì cố làm mọi thứ một lượt, con tập trung vào đúng một thứ mà con cần ngay bây giờ, và con không tiếc nuối, con không có cảm tưởng mình bị bắt buộc, hay cảm giác là mình phải làm nhiều hơn. Con chú tâm vào đúng một chuyện, xong con tận dụng nó chừng nào mà con còn cần đến nó, sau đó con lại tìm đến điều kế tiếp sẽ đưa con lên tầng kế tiếp.

Các thày đã cho con rất nhiều thứ vì các thày biết khi con tìm thấy đường tu lần đầu tiên, con thường chưa có một phương hướng nội tâm mạnh mẽ. Con nói: “Tôi có thể làm gì? Hãy cho tôi một việc gì đó mà tôi có thể làm.” Đó cũng chính là cảm nhận của sứ giả này khi lần đầu tiên ông tìm thấy giáo lý của chân sư thăng thiên. Ông vô cùng háo hức – chúng ta có thể gọi là ám ảnh cưỡng chế – khi đọc chú, học hỏi giáo lý, dọn sang Hoa Kỳ, tu học tất cả những khóa tu kia và vân vân. Một lần nữa, ông cần kinh qua giai đoạn đó, nhưng sẽ tới điểm khi ông nhận ra đã tới lúc ông cần tiếp cận một cách khác. Tới lúc ông cần ngưng tập trung vào việc cứu nguy thế giới cho Saint Germain, và thay vào đó, ông tập trung vào việc giải quyết tâm lý của chính mình. Và điểm đó đã tới khi thay vì để cho tâm vỏ ngoài của ông cuống cuồng muốn làm chuyện này chuyện nọ, ông đã bắt đầu lắng nghe trực giác, và nhờ vậy ông đã bắt đầu nhận được nhiều sự hướng dẫn hơn từ các chân sư, cho đến khi ông có khả năng nhận được lời hướng dẫn của Giê-su muốn thực hiện một công việc xuyên qua ông, và tất cả đã dẫn đến việc phụng sự mà ông đã cống hiến.

Bước từng bước một là đủ rồi

Con cũng có thể đi theo cùng mô thức như vậy. Tất nhiên, tất cả các con sẽ không phụng sự giống nhau, nhưng các con vẫn có thể đi theo tiến trình lắng nghe đó, bước đi từng bước một, tập trung vào từng bước một. Con không thể leo nguyên cái cầu thang bằng cách bước tất cả mọi bực thang cùng một lúc. Con có thể toan nhảy hai ba bước một, nhưng làm vậy sẽ khiến con kiệt sức trước khi con leo đến đỉnh. Con hãy vừa lòng với việc bước đi từng bước. Chẳng có gì sai trái nếu con ở tầng tâm thức 48 và chú tâm tìm cách bước lên tầng 49. Con sẽ luôn luôn ở một tầng nào đó cho tới khi con thăng thiên, và thử thách sẽ luôn luôn là bước lên bực kế tiếp. Đường tu là như thế đó.

Tâm đường thẳng muốn làm đủ mọi trò trống. Các ngã tách biệt của con cứ muốn nói: “Ồ, lẽ ra tôi phải tiến bộ hơn thế này. Đáng lý tôi phải ở một tầng cao hơn hiện nay. Tôi không được ở tầng hiện tại của tôi. Tôi phải cao hơn 10 hay 50 tầng. Tôi phải có khả năng làm tất cả mọi thứ các thày chỉ bảo. Tôi phải biết hết giáo lý.” Tất cả những chuyện này chỉ là tâm vỏ ngoài đó thôi, là những ý nghĩ lăng xăng do các ngã tách biệt sản xuất ra, hay là phóng chiếu của tà lực đang cố khiến con kiệt sức và bị cháy trên đường đạo.

Hãy đứng lui lại. Lắng nghe từ bên trong. Khi tâm vỏ ngoài phóng chiếu tới con: “Bạn phải làm cái này hay bạn phải làm cái kia,” con sẽ phản ứng ra sao? “Tôi buông. Tôi buông. Tôi buông làm chuyện này, tôi buông làm chuyện kia. Tôi buông.” Và con cứ tiếp tục buông hoài cho tới khi con đạt tới trạng thái có khả năng lắng nghe từ bên trong. Rồi một ý tưởng sẽ đến với con: “À, tôi sẽ làm điều này, vì nó không đến từ bên ngoài, nó không đến như một bổn phận tôi phải làm điều đó.” Nó chỉ đến như một ý nghĩ về một điều con có thể làm. Không có chút áp lực nào, cho nên con làm theo. Nhưng đây là một thử thách, một thử thách to lớn để có thể hành xử như vậy trong một thế giới hiện đại quá bận rộn, nơi có quá nhiều thứ níu kéo chú ý của con, lôi con về phía này hay phía nọ, nơi có quá nhiều áp lực mình phải làm cho giỏi, phải làm tốt hơn nữa, phải học hành, phải có giáo dục hay nghề nghiệp, phải kiếm nhiều tiền, phải có ngôi nhà thật lớn, tất cả những thứ như vậy, đặc biệt tại Hoa kỳ nơi mọi người đều phải cố sánh kịp với ông A bà B, và không một ai bỏ ra một phút để tự hỏi: “Ủa, thế ông A bà B đang cố sánh kịp với ai đây? Liệu người đó có thật không? Có ai đã gặp ông Nặc danh bao giờ chưa?”

Con nhận ra ở đây là khi lần đầu con tìm thấy một con đường tâm linh, như ta có nói về sứ giả này, ông đã đương đầu với nó như một thách đố. Cũng giống như chuyện chinh phục một ngọn núi vậy. Đó là một nhiệm vụ phải làm cho được, là một sự nghiệp khi ông bước trên đường tu tâm linh. Đó là một cuộc phấn đấu. Ông cảm thấy ông phải đạt được kết quả tốt. Ông phải làm tròn những mong đợi của chính mình cũng như mong đợi của người khác, mong đợi của một vị sứ giả và mong đợi của các chân sư thăng thiên. Có quá nhiều thứ mà ông phải cố xứng đáng và ông háo hức muốn làm tròn. Nhưng rất may, thay vì bị kiệt lực, ông đã tới điểm đứng lui lại và nhận ra nhu cầu tập trung vào tâm lý của mình. Và tất cả các con có thể làm được tương tự.

Đây không phải là một sự nghiệp, không phải là một áp lực, không phải là một chuyện con phải hoàn thành và đạt được. Các thày đã nói gì về những ai sẵn sàng dùng vũ lực? Rằng vũ lực sẽ không đưa con đến đâu trên đường tu tâm linh. Con không thể cưỡng chiếm thiên đàng bằng vũ lực. Con có thể cưỡng chiếm bằng vũ lực một vật mô phỏng thiên đàng, nhưng đó không phải là thiên đàng. Con đừng tự ép mình phải đi trên đường tu. Vũ lực đến từ ngã tách biệt. Hãy nhận diện nó và buông nó ra. Rồi sau đó, làm thế nào con sẽ bước trên đường tu tâm linh khi con không còn tự ép mình chứ? Bằng cách xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Ta cũng biết đây là một khái niệm khó khăn, đặc biệt đối với những ai đã lớn lên trong thế giới Âu tây – xuôi chảy với Dòng sông sự Sống. Nhưng dù sao thì đó vẫn là một điều để con ngẫm nghĩ cùng với các lời dạy mà các thày đã trao và sẽ trao.

Cho phép mình xuôi chảy

Câu kinh thánh nói gì chứ? “Tốt lắm, hỡi người đày tớ trung tín kia. Con đã từng trung tín trong một ít việc. Ta sẽ giao cho con trọng trách của nhiều việc.” Một lần nữa, đây là câu chuyện nhân lên các ta-lăng. Con đã nhân lên các ta-lăng mà các thày đã giao cho con. Con đã tinh tấn. Hãy nhìn nhận điều đó. Đứng lui lại. Hãy nhìn xem con đã tiếp cận con đường tâm linh như thế nào cho tới giờ, rồi hãy quyết định buông bỏ cách đó, và nhìn xem những gì đến với con từ nội tâm. Con có thể nghĩ sứ giả này có một số khả năng hay chứng đạt đặc biệt và đó là lý do ông làm sứ giả. Chắc chắn người ta đã phóng chiếu ý tưởng này trong các tổ chức chân sư thăng thiên trước đây khi vị sứ giả được xem là vô cùng đặc biệt. Nhưng tại sao sứ giả này lại là sứ giả chứ? Tại sao ông lại trở thành sứ giả? Tại sao ông vẫn là sứ giả 20 năm sau? Bởi vì ông đã sẵn lòng buông xả hết lần này đến lần khác. Ông đã sẵn lòng buông ra bất kỳ dính mắc nào về giáo lý cũng như về việc làm sứ giả. Tới một điểm khi cách duy nhất để tiến bước trên đường tu tâm linh không phải là bằng vũ lực hay bằng nỗ lực, không phải là qua trung gian tâm vỏ ngoài. Cách duy nhất để tiến tới là buông ra, là từ bỏ, là cho phép chính mình xuôi chảy với dòng chảy.

Với những lời này, ta đã cho con những gì ta muốn cho con, và ta chỉ có thể bày tỏ lòng biết ơn của tất cả các chân sư đối với sự tham gia của con trong hội nghị này cũng như việc con sẽ sử dụng các lời dạy. Ta niêm hội nghị này trong ngọn lửa vui mừng của Hòa bình Hoàn vũ của đức Phật mà TA LÀ. Hãy an bình. An bình. Tĩnh lặng.