Kết nối với Phật Gautama và trải nghiệm sự trống không là một khái niệm rỗng tuếch

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 6/6//2023, nhân Hội nghị 2023 ở Seoul, Hàn quốc – Nối kết với cái Ta Cao và vị thày tâm linh.

TA LÀ chân sư thăng thiên Phật Gautama. Và như truyền thống trong thời gian qua, thật là một đặc ân và niềm vui cho thày được trao truyền bài truyền đọc sẽ niêm hội nghị này, một hội nghị đã đánh dấu một chiến thắng to lớn từ nhãn quan của các thày là chân sư thăng thiên, vì nó đã tạo được một xung lực đi vào tâm thức tập thể sẽ khởi động những thay đổi sâu xa và giúp cho nhiều người kết nối chặt chẽ hơn với các chân sư thăng thiên cùng cái Ta Cao của họ. Tất nhiên, các thày cũng thấy được là nhiều người trong các con đã sẵn lòng tham gia, sẵn lòng xem xét bản thân mình, dùng các lời dạy để vươn lên cao hơn. Các thày hy vọng là các con đã cảm thấy đáng công sức cùng thời giờ bỏ ra, và các con cũng cảm thấy mãn nguyện như các thày.

Thày muốn nhân cơ hội này trao cho con một số lời dạy về một khái niệm có vẻ không liên quan đến đề tài của hội nghị này là làm thế nào nối kết với cái Ta Cao cùng các vị thày tâm linh của con, nhưng để xem, chúng ta sẽ thấy nó có liên quan hay không. Có một khái niệm đã được biết đến từ thời của Phật, là Śūnyatā hay sự trống không (emptiness). Từ này thực sự có nghĩa là gì? Một lần nữa, các nhà trí thức của đạo Phật hay truyền thống Phật giáo đã nhìn vào từ này, đã nghĩ ra nhiều cách diễn giải khác nhau và không đồng ý được với nhau cách diễn giải đúng đắn là gì. Và ở đây, thày không đang cố cho con cách diễn giải “đúng đắn” vì không có một cách diễn giài đúng đắn duy nhất nào. Luôn luôn sẽ có nhiều trình độ tâm thức khác nhau và vì vậy có nhiều cách hiểu khác nhau về bất kỳ giáo lý tâm linh nào.

Trải nghiệm thực tại đằng sau lời dạy

Nhưng thày sẽ nói là có một sự khác biệt cơ bản giữa việc diễn giải một giáo lý tâm linh và việc trải nghiệm thực tại sâu xa hơn đằng sau một giáo lý được diễn tả bằng lời nói. Và điều con thấy trong mọi truyền thống tâm linh được thế giới biết đến là khi truyền thống này phát triển và thu hút ngày càng nhiều người theo, thì sẽ nẩy sinh một lớp người tự xưng mình là những người diễn giải giáo lý. Xong có một nhóm người ít ỏi hơn cố gắng trải nghiệm thực tại sâu xa hơn đằng sau ngôn từ. Và sau đó có số đông quần chúng đi theo giáo lý, và họ cũng đi theo cách diễn giải do lớp tu sĩ kia đưa ra vì họ hy vọng nó sẽ đem lại cho họ một cuộc đời tốt đẹp hơn trong thế giới hiện tại hay thế giới kế tiếp. Con có thể nhìn thấy mô hình này ở khắp mọi nơi. Con có thể thấy nó suốt chiều dài lịch sử, con có thể thấy nó ngày nay cả với các lời dạy tâm linh hiện đại, và thậm chí trong giáo lý của chân sư thăng thiên cũng có xu hướng này. Nếu con thực sự mong muốn sử dụng một giáo lý tâm linh, hiển nhiên con cần vượt ra khỏi việc diễn giải các ngôn từ và tìm kiếm không chỉ cái hiểu, không chỉ đơn giản cái nắm bắt, mà con cần trải nghiệm thực tại sâu xa hơn đằng sau ngôn từ.

Chúng ta có thể so sánh với một rạp chiếu phim. Hầu hết mọi người ngồi đó nhìn vào màn hình chiếu phim. Họ chỉ đang trải nghiệm bộ phim trên màn hình. Xong có những người cố tìm hiểu xem bộ phim đến từ đâu, và có thể họ sẽ lên tận phòng chiếu, nhìn tận mắt dải phim trong máy chiếu. Nhưng hình ảnh trên dải phim có thật là thực tại sâu xa đằng sau bộ phim? Hay thực tại sâu xa hơn là ánh sáng trắng tinh trong máy chiếu? Hay thực tại sâu xa hơn nữa là dụng ý của nhà đạo diễn bộ phim, hay của nhà biên kịch, hay của các diễn viên?

Dùng giáo lý để thăng vượt mức tâm thức hiện tại

Một lời dạy tâm linh chân truyền đến từ cõi tâm linh hay cõi thăng thiên. Nó đến từ tâm của một sinh thể tâm linh, và nếu con muốn tận dụng lời dạy, con cần sử dụng lời dạy vỏ ngoài như một công cụ mà thôi, một công cụ để bắt liên lạc với sinh thể tâm linh mà lời dạy đã xuất phát từ tâm vị đó. Đây là cách cao nhất để sử dụng một lời dạy tâm linh. Khi con nắm bắt được điều này, con nhận ra là nếu con chỉ đọc chữ rồi cố gắng hiểu hay diễn giải chữ nghĩa bằng tâm thuần trí năng, thì đây không phải là cách dùng cao nhất. Thậm chí còn có thể nói là con đã không dùng giáo lý chút nào, bởi vì đâu là mục đích của một giáo lý tâm linh chứ? Là giúp con thăng vượt mức tâm thức hiện tại của con. Và khi con cứ tìm cách hiểu và diễn giải với mức tâm thức hiện tại thì con sẽ giữ con kẹt lại ở tầng mức này.

Con có thể dùng giáo lý tâm linh để khiến con tưởng là bởi vì con đã có một cách diễn giải trí thức, cao cấp và tinh xảo như thế này, thì con đã đạt được một tầng tâm thức cao hơn. Nhưng con không đạt được một tầng tâm thức cao hơn qua sự diễn giải và hiểu biết thuần trí năng. Con chỉ đạt được bằng cách dời chuyển tâm thức của con. Đây là điều mà tâm đường thẳng không thể nắm bắt. Vì tâm đường thẳng chỉ có thể định ra một chuỗi sự kiện dẫn từ điểm này đến điểm kế tiếp, chứ nó không thể tưởng tượng, không thể thấu suốt được là có một tầng thực tại hoàn toàn khác mà con không thể đặt lên một loại thang điểm đường thẳng như vậy.

Trung đạo

Đó cũng là tại sao nhiều người đã không hiểu được khái niệm Trung đạo. Họ không nắm bắt được ý nghĩa của Trung đạo và những cặp đối cực, mà ngày nay chúng ta gọi là tâm thức nhị nguyên luôn có hai cực đoan. Bên này có đối cực này, bên kia có đối cực ngược lại, và có những người cho rằng Trung đạo nằm đâu đó ở giữa.

Nhiều người đã trí thức hóa các lời dạy được ban truyền qua thày cách đây 2500 năm, và họ cứ nghĩ là việc bước chân trên đường tu, con đường Trung đạo, có nghĩa là tìm được thế quân bằng. Và họ đã cố tìm một thế quân bằng nào đó giữa hai thế đối cực do họ quy định, cho dù quy định này có là gì. Nhưng Trung đạo không phải là chuyện tìm thế quân bằng trên một thang điểm đường thẳng giữa hai đối cực, mà Trung đạo là sự thăng vượt chính thang điểm nhị nguyên đó, thăng vượt cả hai đối cực nhị nguyên, và điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là thăng vượt tâm đường thẳng.

Khái niệm trống không

Trở về với khái niệm trống không. Tâm đường thẳng sẽ lập tức đặt câu hỏi, trống không cái gì? Trống không so sánh với cái gì? Phải có cái gì để có thể so sánh chứ. Điều này cũng phần nào chính đáng, theo nghĩa là một giáo lý tâm linh luôn luôn được trao truyền trong một bối cảnh. Khi thày xuất hiện trong hiện thân vật lý 2500 năm trước đây, thày đã xuất hiện trong một xã hội đặc thù, một nền văn hóa đặc thù là văn hóa Bà la môn Ấn giáo.

Những người Bà la môn đạo Ấn đã đưa ra đủ loại cách diễn giải, đủ loại môn phái, đủ loại tư tưởng khác nhau, cho nên họ đã có đủ loại khái niệm. Giáo lý mà thày đưa ra cách đây 2500 năm được thích ứng với nền văn hóa này – một phần nó dùng lại một số khái niệm, nhưng nó cũng thách thức một số khái niệm khác đã trở nên phổ thông trong truyền thống Ấn giáo. Con không thể thực sự hiểu được khái niệm trống không nếu con không nhìn vào bối cảnh nơi nó được đưa ra. Và khái niệm vô cùng nổi trội trong đạo Ấn là khái niệm về Atman, hay Ngã, là Ngã tối thượng. Và đã có nguyên một nền văn hóa được xây dựng chung quanh khái niệm này mà ít người thời nay hiểu được thật sự.

Để cho con một tóm lược ngắn gọn về cách họ nhìn Atman, có thể nói đó là ý tưởng cho rằng ở cõi trên cao chỉ có một Ngã độc nhất này, Atman, và đó là một Ngã vĩnh hằng bất biến. Nó không bao giờ có thể thay đổi. Có nghĩa là cho dù con có nghĩ ra bất kỳ khái niệm nào – không nhất thiết từ tầng cấp con người mà cả bất cứ những gì có thể xuất phát từ cõi tâm linh – thì trong Atman đó, trong Ngã đó, có một sự quy định mà chúng ta có thể gọi là một hình ảnh, một khuôn đúc (matrix). Thậm chí điều này có thể so sánh với khái niệm của Plato về các hình thể lý tưởng (ideal forms) ở cõi cao.

Nói cách khác, khái niệm này cho rằng ở cõi cao có một khuôn đúc toàn hảo đã được quy định cho tất cả mọi thứ có thể thị hiện trong thế gian cùng mọi sự có thể xảy ra trong thế giới. Và điều này làm nẩy sinh ý tưởng là từ Atman duy nhất đó, mọi Ngã khác đều được quy định, và mỗi Ngã này thì quy định một biểu hiện đặc trưng. Cho nên đối với trái đất, có một cái Ngã ở cõi cao sẽ quy định khuôn đúc toàn hảo bất biến cho trái đất. Cho mỗi con người, có một cái Ngã ở cõi cao quy định linh hồn này là như thế nào, và mặc dù mọi chuyện trên trái đất có thể trải bày ra để trái đất lẫn con người có thể xa rời Ngã vĩnh hằng đó, nhưng kết cuộc thì mọi thứ cũng sẽ đều quay trở về Ngã đó. Và đây chính là khái niệm mà thày đã bác bỏ.

Khi thày nói đến sự trống không, thày nói là nó trống rỗng theo nghĩa nó không có ngã, nghĩa là nó không được định trước bởi một cái Ngã nào đó ở một một cõi cao mà nó phải quay trở về. Thày Lanto cũng đã trao cho con một bài giảng vô cùng sâu sắc về đề tài này, nhưng thày muốn trình bày thêm vì nhiều người theo đạo Phật ngày nay đã sử dụng tư duy hiện đại – một tư duy đã trở nên đường thẳng hơn nhiều – để diễn giải khái niệm trống không, hay khái niệm vô ngã, theo nghĩa là không những nó không có ngã mà nó còn không có gì hết. Ở đó không có gì hết. Một lần nữa, đây là một điều mà tâm đường thẳng rất ưa làm.

Ngã cố định hay ngã không ngừng thay đổi, không ngừng tự thăng vượt?

Tâm đường thẳng nhìn vào thế gian này thấy mọi thứ đều mang hình tướng, rồi nó nghe nói về khái niệm trống không, xong nó nghe nói là chính đức Phật đã dạy khái niệm này, mà Phật thì là một sinh thể cao cả đã giác ngộ, nhất định các khái niệm mà Phật dạy phải được nể trọng. Thế là tâm đường thẳng nói: “Bây giờ tôi muốn hiểu khái niệm này một cách tối hậu. Thế gian này có hình tướng, vậy trống không phải có nghĩa là vô hình tướng, không có gì ở đó cả.” Và một số người đã diễn giải theo nghĩa là chỉ có Brahman mà thôi, chỉ có sự nhận biết vô biên như một số người thời nay gọi như vậy, và đây là sự trống không. Cho nên, hoặc là có hình tướng như trong thế gian, hoặc là có sự trống không, và họ nghĩ hình tướng đi ra từ trống không, hay nói cách khác, có cái gì đó đi ra từ cái không-có-gì. Nhưng tất nhiên, chuyện không phải là như vậy.

Thày đã không nói trống không nghĩa là không có gì ở đó. Điều thày nói là không có một cái Ngã trường cửu cố định nào ở đó. Thày nói là thế giới không sinh ra từ trống không, và mục đích của thế giới không phải là quay trở về trống không sau một chu kỳ đầu thai dài đằng đẵng. Điều thày đã nói – và điều thày đã có ý nói – là không có một cái ngã cố định nào, nhưng có một cái ngã không ngừng thay đổi, không ngừng tự thăng vượt. Và cái ngã luôn luôn thay đổi này không có mục đích quay trở về cái không-có-gì sau một chu kỳ đầu thai và đau khổ gần như bất tận. Mục đích của nó là thăng lên một tầng cấp cao hơn nơi nó có thể tiếp tục vươn lên cao hơn nữa.

Chúng ta có thể hiểu được gì về cõi tâm linh?

Đó không phải là điều thày đã dạy cách đây 2500 năm vì thày đã quyết định trao truyền một giáo lý tập trung vào các khía cạnh thực tiễn chứ không vào các khía cạnh vũ trụ học, cho nên chủ đích của thày là nâng cao cho tâm thức con người vượt khỏi tâm đường thẳng, vì thày thấy rõ qua những người Bà la môn là tâm đường thẳng sẽ không bao giờ cho con được cái hiểu tối hậu về các khái niệm vũ trụ học. Làm thế nào cuối cùng con sẽ hiểu được cõi tâm linh vận hành ra sao? À, tất nhiên, bằng cách thăng thiên lên cõi tâm linh, vì lúc đó con sẽ kinh nghiệm được cõi tâm linh, con sẽ có thể theo đuổi việc tìm hiểu mọi khiá cạnh, mọi cõi giới của thế giới tâm linh, con có thể đi đây đi đó, đi lên càng ngày càng cao hơn và thám hiểm mọi thứ có thể được thám hiểm.

Con cũng có thể nói: “Nhưng ích lợi gì mà cố hiểu những chuyện đó khi con còn đang đầu thai?” Và đây chính là điều thày đã suy luận 2500 năm về trước khi tâm thức tập thể còn khá thấp. Nhưng thật ra ngày nay có chút ích lợi, vì nhiều người có thể lợi lạc nếu họ nắm được một vài khía cạnh của cõi tâm linh cùng cách vận hành của cõi tâm linh. Chắng chắn con sẽ lợi lạc khi con nắm bắt là ở cõi đó có những sinh thể tâm linh – các chân sư thăng thiên là thày tâm linh của con. Nhưng con cũng lợi lạc khi con nắm bắt là có hành tinh tự nhiên, và nhiều người tâm linh đã từ các hành tinh tự nhiên đó đến hành tinh phi tự nhiên này là trái đất.

Cho nên ngày nay có nhiều ích lợi hơn, nhiều giá trị hơn trong việc tìm hiểu cõi tâm linh, và đây là lý do các thày đang truyền giảng vào ngày hôm nay. Và tất nhiên, con sẽ thấy là ngày nay người ta cũng có cùng xu hướng y như 2500 năm về trước, khi có rất, rất nhiều người tìm cầu hiểu biết cao hơn nhưng lại dùng các loại giáo lý được diễn tả bằng ngôn từ để đạt được hiểu biết đó, xong họ phóng chiếu ra, họ diễn giải ra. Và tất nhiên, thời nay cũng có nhiều giáo lý được “truyền kênh” (channeled), thường thường từ cõi lý trí, cho nên chúng thường hấp dẫn đối với tâm đường thẳng, tâm phân tích, tâm thuần trí năng.

Có những giáo lý tự xưng là vô cùng cao cấp, cao hơn cả giáo lý của chân sư thăng thiên, và có những người tin rằng sách này hay sách nọ là lời dạy tâm linh tối thượng – và chuyện này, tất nhiên, hoàn toàn phải lẽ thôi. Con người cần đến một số trải nghiệm trước khi họ có thể nâng cao khả năng phân biện của mình để thấy được sự khác biệt về rung động giữa một lời dạy đến từ cõi lý trí và một lời dạy đến từ cõi thăng thiên. Đây không phải là một điều tâm đường thẳng thấu suốt được. Nó chỉ biết nhìn vào chữ nghĩa, diễn giải chữ nghĩa, rồi suy ra một diễn giải nào đó để bảo rằng lời dạy này cao siêu hơn lời dạy kia.

Sự trống không của nhận biết thuần khiết

Trở về với “trống không”, đâu là giá trị thực sự của khái niệm này? À, trước tiên hết, khía cạnh alpha là không hề có một ngã trường cửu cố định bất biến nào. Con là một cái ngã, một cái ta. Trong giáo lý ngày nay, các thày đã gọi đó là cái Ta Biết, tức là sự nhận biết thuần khiết. Nhưng một từ khác cho nhận biết thuần khiết có thể là sự trống không. Không có ý niệm bản sắc, không có những ý tưởng, không có những cảm xúc ngụ trong hay được sản xuất bởi các thể – hay các tâm – bản sắc, lý trí, cảm xúc. Con có thể nói là đối với hầu hết mọi người, sự chú ý của họ tập trung vào cảm xúc, ý tưởng hay ý niệm bản sắc của họ. Họ tập trung vào nội dung của tâm thức – nếu có thể nói như vậy – cho nên sẽ có thể ích lợi nếu họ thiền quán về mặt kia của đồng tiền, về khía cạnh alpha của tâm thức, tức là thay vì tập trung vào nội dung của tâm thức thì họ tập trung vào chính tâm thức. Và tâm thức thì trống không, hay có thể trống rỗng mọi nội dung. Và khi cái Ta Biết tự trải nghiệm chính nó như sự nhận biết thuần khiết, đây là một trạng thái trống không. Chỉ có nhận biết mà không có nội dung nào trong bình chứa của tâm thức.

Những tầng hiểu khác nhau về trống không

Tất nhiên con có thể đem nó lên một tầng cao hơn và thấy rằng khi con bước chân trên đường tu, vươn cao hơn tầng 48 và đến gần với tầng 96, thì con đang khắc phục các ngã tiềm thức, trong số này có nhiều ngã dựa trên tâm thức nhị nguyên. Con có thể nói là ở các tầng tâm thức thấp nhất được phép hiện diện trên trái đất, con người bị bao trùm, bị mù quáng, bị đồng hóa với tâm vị kỷ, tâm tách biệt. Khi con vươn đến tầng 96 và vượt ra khỏi bốn thể phàm của con, bình chứa phàm ngã của con trở nên trống rỗng cái tâm vị kỷ đó. Cho nên đây là một hình thức khác của trống không, một tầng cấp khác của trống không, nhưng tất nhiên không có nghĩa là trong tâm con không có gì.

Con vẫn có một ý niệm bản sắc, vẫn có ý tưởng và cảm xúc. Con vẫn hành động, con hồi đáp lại thế giới, con tương tác với thế giới, con tương tác với Hiện diện TA LÀ của con, với các chân sư thăng thiên. Con không trống rỗng mọi thứ, mà con trống rỗng một số thứ nẩy sinh từ một tầng tâm thức nào đó.

Con thấy là trống không có thể hiểu ở những cấp độ khác nhau. Không chỉ có một cách hiểu, một cách nắm bắt duy nhất. Nhưng tất nhiên con có thể đưa khái niệm này xa hơn nữa vì con có thể nói là khi con thăng thiên, nhìn từ nhãn quan cái Ta Biết, có vẻ như con bước vào hình thức tối thượng của trống không. Bởi vì giờ đây cái Ta Biết hoàn toàn nhập một với Hiện diện TA LÀ, nó trở thành chính Hiện diện TA LÀ, và không còn ngôn từ nào có thể mô tả tiến trình này trọn vẹn. Nhưng dẫu sao, con có thể nói là cái Ta Biết bây giờ đã trở nên trống rỗng cái ý niệm bản ngã mà nó đã mang từ khi nó được Hiện diện TA LÀ gửi vào hiện thân. Nhưng tất nhiên, điều này vẫn không có nghĩa là không có gì, mà giờ đây có sự nhận biết viên mãn của Hiện diện TA LÀ. Như các chân sư khác có giải thích, con có khả năng lại gần một điểm trong quả vị Ki-tô nơi con ngày càng trở thành một, càng hợp nhất với Hiện diện TA LÀ. Nhưng cái Ta Biết không thể hoàn toàn hợp nhất với Hiện diện TA LÀ cho đến khi con thăng thiên.

Khái niệm trống rỗng (void) và vô ngã

Để nắm bắt trọn vẹn sự trống không, con cũng cần nắm bắt là khái niệm này có thể bị tha hóa, lạm dụng như thế nào. Và đây là điều đã xảy ra trong một số hình thức xưa hơn của đạo Phật cũng như trong các giáo lý tâm linh hiện đại, thậm chí cả một số truyền thống khác như Advaita Vedanta cùng một số đạo sư hiện đại. Họ nắm lấy khái niệm trống không đó phối hợp với lời dạy của ta rằng nó không có Ngã, rồi họ đã diễn giải theo nghĩa rằng trạng thái phát triển tâm linh tối hậu là trạng thái “vô ngã”, là sự trống không tối hậu. Nhưng tất nhiên đây là một cách diễn giải sai lạc.

Như Lanto vừa giải thích, quả thực một sinh thể đang đầu thai trên địa cầu có thể trải nghiệm một trạng thái có vẻ trống rỗng mọi hình tướng, trống rỗng mọi biểu hiện, trống rỗng mọi ý niệm bản ngã. Nhưng đó không phải là vì có một trạng thái trống không tối hậu nào đó được quy định bởi một sinh thể cao hơn hay bởi Thượng đế. Các thày đã có dạy rằng ở thuở ban đầu có Đấng Sáng tạo, và Đấng Sáng tạo quyết định sáng tạo. Trước hết ngài vẽ một lằn ranh chung quanh chính ngài trong cõi Tất Cả. Ngài rút mọi thứ bên trong lằn ranh đó và tạo ra trống rỗng (void).

Tất nhiên, trống rỗng này có thể được quan niệm như là trạng thái trống không tối hậu. Nhưng con là người đồng sáng tạo, con không thể trải nghiệm sự trống rỗng. Có thể nói là ngay cả Đấng Sáng tạo cũng không trải nghiệm sự trống rỗng. Tại sao? Trải nghiệm là gì chứ? Trải nghiệm là một cái gì có hình tướng. Nếu không có hình tướng thì làm sao có trải nghiệm? Trong trống rỗng không có hình tướng. Vậy làm sao con trải nghiệm được trống rỗng? Khi người ta trải nghiệm điều mà họ tuyên bố là thực tại cao nhất, là nhận biết thuần khiết, là trạng thái nhận biết tối hậu, thì cái đó là gì chứ? Họ đã trải nghiệm gì chứ? Họ đã không trải nghiệm một sự trống rỗng. Họ trải nghiệm một trạng thái đã được các sinh thể trong tâm thức nhị nguyên tạo ra.

Như Lanto giải thích, sa nhân đã chụp lấy một cách tiếp cận là việc tìm cách tâng ngã tách biệt lên một địa vị tối thượng, và một cách tiếp cận khác là việc phủ nhận sự hiện hữu của bất kỳ ngã nào. Và như vậy chúng đã tạo ra trong tâm thức tập thể một con quái vật, một khuôn đúc, một cái ngã có vẻ như trống rỗng. Nhưng như Lanto có giảng, nếu con bảo: “Tôi không có ngã,” hay “tôi đã trải nghiệm vô ngã,” hay “tôi đã trải nghiệm sự trống không”, thì ở đó vẫn có một cái “tôi”, cho nên không có trạng thái vô ngã.

Vậy thì “vô ngã” là gì? Đó là sự phóng chiếu của một hình ảnh. Cũng giống như vậy, đã có một sự phóng chiếu của một hình ảnh về cái không-có-gì, về sự trống không, và mặc dù một số người tuyên bố là mình đã trải nghiệm trống không, nhưng họ đã trải nghiệm hình ảnh của trống không. Nhưng cái này không phải là trống không, bởi vì nó chứa đầy hình ảnh, và hình ảnh thì có một hình tướng mà một sinh thể trên trái đất có thể trải nghiệm. Cho nên đó không phải là trống không.

Khi người ta có một trải nghiệm – và thày không bác bỏ là họ có một trải nghiệm, thày chỉ bác bỏ đó là một trải nghiệm tối hậu của sự trống không – nhưng khi người ta có một trải nghiệm rồi trở về mức nhận biết bình thường của mình, và họ bắt đầu sử dụng ngôn từ để bày tỏ trải nghiệm này, thì họ chỉ đang xây đắp cho tâm ảnh đó, củng cố thêm và có lẽ diễn giải tâm ảnh đó, thế là giờ đây họ sử dụng nó để phóng chiếu ra là họ đã có một trải nghiệm tối hậu. Và điều này có nghĩa gì? À, nếu có ai đó tự cho mình là một vị thày tâm linh và giảng dạy về một trải nghiệm trống không hay “vô ngã” tối hậu, thì các môn đồ của vị đạo sư này sẽ làm gì? Họ sẽ phóng chiếu ra là nhất định vị ấy phải chứng được tâm thức tối thượng vì vị ấy đã có trải nghiệm tối hậu về trống không. Nhưng làm sao trống không có thể là trạng thái tâm thức tối thượng được? Làm sao trống không có thể là thực tại tối hậu được?

Trống không là một khái niệm rỗng tuếch

Tại sao con hiện hữu? Tại sao thế gian hiện hữu? Tại sao lại có một thế giới có khả năng cung cấp trải nghiệm cho con? Tại sao, như nhiều nhà khoa học hiện đại đang hỏi, lại có một cái gì đó thay vì không-có-gì? À, bởi vì luôn luôn đã có một cái gì. Chưa bao giờ mà không có gì hết. Nếu chưa bao giờ có gì thì bây giờ cũng sẽ không có gì, và nếu vậy thì cũng không có con đang ngồi đây mà đặt câu hỏi. Chính sự kiện con hiện hữu cho thấy là không có cái không-có-gì. Có một sự sinh tạo những sinh thể tự nhận biết, và luôn luôn đã có một sự sáng tạo nào đó. Có một mục đích, có một đường hướng trong sự sáng tạo đó, và đường hướng này là tăng triển đến những tầng tâm thức ngày càng cao hơn. Và con không tăng triển đến những tầng tâm thức ngày càng cao hơn qua cái không-có-gì. Cái không-có-gì không thể trở nên ngày càng cao hơn. Cái không-có-gì không thể là tối thượng. Thật ra không thể có gì tối thượng được, bởi vì luôn luôn có thể có những tầng tâm thức cao hơn.

Một lần nữa, tâm đường thẳng sẽ hốt hoảng khi nghe những ý tưởng này. Nhưng trong trực giác, con có thể nắm bắt mục đích của sự sống là sự tăng triển tâm thức. Và ở đây trên trái đất, con có khả năng tăng triển để trở thành một chân sư thăng thiên, tức là cao hơn rất nhiều những gì con người đang có trên trái đất. Nhưng một chân sư thăng thiên có thể tăng triển để đạt tới tâm thức của Đấng Sáng tạo, và Đấng Sáng tạo thì có thể tăng triển đến những tầm mức cao hơn nữa. Nhưng này con, khi con bàn đến các tầm mức vượt khỏi tâm thức Đấng Sáng tạo thì ngôn từ thật vô nghĩa. Con không thể thấu suốt được khi con chưa thăng thiên. Ngay cả khi con thăng thiên rồi, con cũng không thể thấu suốt mà con chỉ có thể hé thấy.

Cho nên sự trống không rỗng tuếch mọi ý nghĩa. Đó là một khái niệm vô nghĩa. Nó không có chỗ đứng trong một giáo lý tâm linh chân truyền. Những ai giảng dạy nó, tuyên bố nó là một trạng thái tối hậu nào đó, không phải là thày tâm linh đích thực. Họ không thẳng hàng với các chân sư thăng thiên. Đơn giản là họ đã gạt qua bên cõi thăng thiên, gạt qua bên cõi tâm linh, gạt qua bên tất cảc các sinh thể ở giữa con người trên địa cầu và Đấng Sáng tạo. Thậm chí họ gạt cả Đấng Sáng tạo qua bên nếu họ dạy rằng sự nhận biết vô biên, hay nhận biết thuần khiết, hay Brahman, là một loại khái niệm không có bất kỳ hình tướng nào. Và do đó họ không giảng dạy một giáo lý chính đáng.

Động lực tích cực đến từ ý muốn tự thăng vượt

Họ không giảng dạy một giáo lý có thể cho con một lẽ sống hay một mục đích, và đó là tại sao nhiều người như vậy không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, giống như nhiều tín đồ Ấn giáo vào thời của Phật cũng không tìm được ý nghĩa nào trong cuộc sống.

Bởi vì Ấn giáo giảng dạy về những chu kỳ vũ trụ gần như bất tận kéo dài hàng tỷ năm trời, cho nên tác động trên quần chúng vào thời đó cũng như thời nay cho họ cảm tưởng là họ đã đi ra từ cái không-có-gì, xong họ sống qua một số kiếp đầu thai gần như vô lượng nơi họ phải chịu khổ đau trong mỗi kiếp, để cuối cùng phần thưởng cho tất cả sự phấn đấu, tất cả công sức, tất cả khổ đau đó là họ quay trở về cái không-có-gì và biến mất – thật sự, một loại phần thưởng khiến người ta muốn cố gắng hết sức để đạt tới cái không-có-gì, không phải vậy sao?

Điều này cũng phần nào tương tự như nhiều người đạo Cơ đốc mang động lực chủ yếu muốn lên thiên đàng chỉ vì họ muốn tránh không rơi xuống địa ngục. Con thử nhìn xem có bao nhiêu người Cơ đốc giáo có tầm hiểu nào đó về thiên đàng, về những gì họ có thể làm ở thiên đàng, nhưng họ lại hiểu rõ địa ngục là gì cho nên đây là cái họ muốn né tránh. Chúng ta có thể gọi đó là một loại động lực tiêu cực. Và quan niệm về cái không-có-gì, quan niệm về một chu kỳ đầu thai bất tận sẽ dẫn con trở về cái không-có-gì, cùng lắm cũng chỉ là một động lực tiêu cực hay không là động lực gì hết.

Những gì các thày trao cho con ngày nay – các thày hy vọng như vậy – là một động lực khích lệ hơn, qua đó con được sinh tạo như một người đồng sáng tạo, con có tiềm năng thăng vượt ý niệm bản ngã của con, và con vươn đến những tầng cấp cao hơn và cao hơn nữa nơi con tìm được ý nghĩa sâu sắc hơn trong việc biểu đạt bản thân như một người đồng sáng tạo, không chỉ cùng với Đấng Sáng tạo mà cùng với tất cả mọi sinh thể đồng sáng tạo khác. Thậm chí chúng ta có thể nói là ngay cả trong số các sa nhân đã rơi vào nhị nguyên, thì một số dường như cũng có một động lực. Giấc mơ của chúng là hoàn thiện ngã tách biệt để chứng tỏ là Thượng đế sai lầm và chúng sẽ được phép bước vào cõi tâm linh và trở thành bất tử, hay được giao phó việc cai trị bầu cõi chưa thăng thiên này. Con có thể nói là chúng có động lực, nhưng không phải loại động lực mà con có khi con neo mình vào việc đồng sáng tạo và tự thăng vượt. Bởi vì việc xây đắp cho ngã tách biệt ngày càng tinh xảo hơn không phải là tự thăng vượt. Đây là điểm mà nhiều người không nắm bắt, tâm đường thẳng không nắm bắt, và chắc chắn sa nhân cũng không nắm bắt.

Có một cách để minh họa sự thể này là bảo rằng con có thể quyết định, một nhóm người có thể quyết định xây cất một toà nhà vô cùng tinh xảo, và giống như trong truyền thuyết Tháp Babel, họ quyết định là tòa nhà này sẽ vươn lên cao vút, cao đến tận trời. Họ vẽ đồ án, họ thu thập vật liệu và họ bắt đầu xây tháp, họ xây cao hơn, cao hơn và cao hơn nữa. Họ bỏ ra công sức khổng lồ cho cái tháp này, nhưng chuyện gì cuối cùng sẽ xảy ra? À, có một lực gọi là trọng lực, và sẽ đến một điểm khi bất kỳ cấu trúc nào trên trái đất sẽ đạt tới độ cao tối đa trước khi nó sụp đổ dưới sức nặng của chính nó. Cho dù con có xây nền móng vững chắc đến đâu bên dưới, nhưng khi con ngày càng chồng thêm sức nặng bên trên thì sẽ tới một điểm nền móng không thể chịu nổi trọng lượng ở trên được nữa, và tháp bắt đầu vỡ vụn. Thình lình toàn bộ cấu trúc bắt đầu rung chuyển, lắc lư bên này sang bên kia rồi tất cả đổ ập xuống.

Đây là điều sa nhân đang cố làm. Chúng cố dùng vũ lực để xông lên thiên đàng bằng cách xây dựng một tháp Babel từ vật liệu của ngã tách biệt. Tự thăng vượt là gì chứ? Là làm hoàn toàn khác. Để minh họa một cách thô thiển, con hãy mường tượng là con quyết định chế tạo một chiếc hỏa tiễn có khả năng đưa con lên thiên đàng thay vì xây một toà nhà cao đến chín tầng mây. Việc này, khoa học đã chứng minh là khả dĩ. Nhưng tất nhiên, một cách minh họa tinh tế hơn nữa là bảo rằng con sẽ thăng vượt toàn bộ tầng tâm thức nhị nguyên, là tầng tâm thức không những tùy thuộc vào trọng lực mà cả định luật thứ nhì của nhiệt động học. Con không cần sử dụng sức mạnh để đi lên thiên đàng, mà con tự giải thoát khỏi nhu cầu sử dụng sức mạnh, cho nên con vươn lên các tầng cao hơn một cách tự nhiên.

Bởi vì nói cho cùng, thiên đàng là gì? Thiên đàng có phải là một địa điểm vật lý ở cao trên mặt đất mấy kilomét như người ta vẫn nghĩ vào thời Trung cổ bên Âu châu? Hay là như các thày đã giảng, đó là một chiều kích khác, một tầng tâm thức khác? Cho nên thật ra cách duy nhất để lên thiên đàng là thăng vượt tầng tâm thức hiện thời của con, có nghĩa là thay vì tìm cách hoàn thiện cái ngã, con thăng vượt ngã. Và tại sao đây là cách duy nhất? Bởi vì có một cái Ta ở cõi tâm linh, và con đã đi ra từ cái Ta này, đã đi xuống thế giới vật chất bằng cách khoác vào một số ngã khiến con xa rời trạng thái nguyên thủy của con, đã đưa con xuống thấp hơn và khiến con tưởng mình là kém hơn những gì mình thực là. Bằng cách rũ bỏ những ngã này đã kéo con ra khỏi trạng thái thăng thiên, con sẽ trở về đó một cách tự nhiên. Bây giờ một số các con có thể phản bác với tâm đường thẳng: “Nhưng Gautama, chẳng phải là hồi nãy thày bảo là trên cõi cao không có Ngã hay sao?” Ủa, thày đã nói vậy sao?

Cái Ta không ngừng tự thăng vượt

Các nhà Bà la môn bảo là có một Đại ngã, một ngã trường cửu cố định ở cõi cao. Còn thày thì nói là không có Ngã cố định. Thày không nói là không có Ngã. Có một cái Ngã, và đó chính là cái Ta không ngừng tự thăng vượt chính nó, nói cho cùng là Đấng Sáng tạo đang tự thăng vượt bằng cách sáng tạo. Rồi sau đó là tất cả các tầng cấp sinh thể thăng thiên trong các bầu cõi trước đã tự thăng vượt bằng cách tạo ra những phần nối dài của mình – những sinh thể đồng sáng tạo mới – xuống tận đến dưới này là các chân sư thăng thiên đang làm việc với bầu cõi chưa thăng thiên của con và cũng đã tự thăng vượt bằng cách tạo ra Hiện diện TA LÀ của con. Và Hiện diện TA LÀ đã tự thăng vượt bằng cách tạo ra cái Ta Biết. Và cái Ta Biết đã đi xuống thế giới hình tướng xa nhất mà nó có thể trong hiện tại. Và một khi tiến trình này – là tiến trình của tâm Đấng Sáng tạo tự nối dài vào thế giới hình tướng – đã đi xa hết mức trong bầu cõi hiện thời, thì bước tự nhiên lúc đó sẽ là gì?

Là khởi sự hành trình quay trở về, đi lên trở lại, và đây chính là chức năng, mục đích của cái Ta Biết, là tiến trình thăng thiên. Và khi con hoàn tất tiến trình thăng thiên này, con không bước vào cái không-có-gì mà con vẫn tiếp tục đi lên – một hành trình dẫn con trở về đến tận cao chót là tâm thức của Đấng Sáng tạo. Những gì con làm sau đó tùy vào những chọn lựa mà con sẽ lấy ở mức đó, và nói thật ở mức hiện tại của con, con không cần lo lắng về chuyện này. Điều con cần quan tâm là làm thế nào hoàn tất tiến trình thăng thiên để con có thể thăng khỏi trái đất, khỏi hành tinh chưa thăng thiên này. Và một khi con thăng thiên thì con sẽ quyết định con muốn làm gì từ điểm đó.

Kết nối với chân sư thăng thiên qua giáo lý

Cho nên một lần nữa, các thày đã trao cho con nhiều hơn những gì hầu hết các con có thể tiếp nhận trong một buổi – chén của con đã đầy và đang tràn ra ngoài. Nhưng các thày không chỉ cố cho con một điều gì con có thể nắm bắt ở mức nhận biết hiện tại của con. Các thày cũng cố cho con một điều gì mà con có thể đọc lại và nghiên cứu hết lần này sau lần nọ, để khi con nắm lấy một điểm giáo lý đánh động tâm con ở mức hiện thời của con và con thể nhập nó, thì con vươn lên mức kế tiếp, rồi con có thể học lại giáo lý một lần nữa, tìm ra một điểm mới mà con đã bỏ sót lần đầu nhưng bây giờ mới hấp dẫn con, con lại thể nhập và vươn lên mức cao hơn. Và đây chính là cách con tiến bộ trên đường tu.

Những ai cho rằng mình chỉ cần đọc hay nghe bài truyền đọc một lần mà thấu suốt được mọi điều có thể lãnh hội, thì họ đã bỏ lỡ sự kiện là một lời dạy luôn luôn được trao truyền cho nhiều tầng cấp khác nhau. Cho nên con không bao giờ thực sự học xong một lời dạy tâm linh vì nếu con cởi mở, lời dạy tâm linh sẽ làm gì? Nếu con quay trở lại 20 năm nữa và đọc lại bài truyền đọc mà con vừa nghe hay vừa đọc hôm nay, thì con có tiềm năng làm gì? Con có thể nói: “Ồ, tôi đã hiểu bài này cặn kẽ bằng tâm trí thức, vỏ ngoài của tôi rồi.” Nhưng mục đích thực sự của lời dạy là gì chứ? Là kết nối con với vị chân sư thăng thiên đã trao truyền lời dạy đó.

Trong 20 năm nữa thày vẫn sẽ còn đây. Trong 20 năm nữa thày sẽ đã tự thăng vượt cũng như thày tin là con cũng sẽ tự thăng vượt. Và điều này có nghĩa là khi con đọc lại bài truyền đọc này trong 20 năm nữa và hòa điệu với Hiện diện của thày, thày có thể cho con những điều không nằm trong lời dạy thành văn mà vượt khỏi lời dạy thành văn. Và thật sự điều này sẽ tùy con có sẵn lòng đến chừng nào để kết nối và nhận được gì từ thày. Có thể sẽ không phải là ngôn từ. Có lẽ con đã vươn tới mức con với thày có thể hòa nhập theo một cách vượt khỏi ngôn từ. Nhưng giáo lý vỏ ngoài vẫn có thể giúp con hòa điệu tâm con với tâm thày để hai tâm gặp gỡ, và thày cam đoan với con sự gặp gỡ này không phải là trống không, mặc dù nó có thể trống rỗng cái tâm của tự ngã, trống rỗng tâm đường thẳng cùng tất cả những khái niệm và tư tưởng kia đang bay phất phơ quanh địa cầu. Cho nên có thể con sẽ không có khả năng diễn tả sự hòa điệu này bằng lời, nhưng thày cam đoan với con đó không phải là trống không. Bởi vì như thày đã cố giải thích, trống không là một khái niệm rỗng tuếch.      

Với lời này, thật là một niềm vui rất lớn cho thày được niêm hội nghị này, khoá tu này, buổi gặp gỡ này, và một lần nữa thày bày tỏ lòng biết ơn của tất cả các thày đã tham dự. Và kỳ thực ngoài các thày đã ban bài truyền đọc, còn có nhiều chân sư thăng thiên khác cũng đã tham gia. Cho nên tất cả các thày đều hy vọng là mặc dù vị chân sư gần gũi nhất với con đã không giảng dạy, hội nghị này vẫn đã giúp con hòa điệu với vị thày gần nhất với tim con. Vì nói cho cùng, tất cả các thày đều là một, cho nên con có thể dùng bài truyền đọc của bất kỳ chân sư nào để hoà điệu với bất kỳ chân sư nào khác.

Và như vậy, một lời cảm tạ thật lớn của các thày cho các con đã hiện diện ở đây trong cõi vật lý và đã sẵn lòng trải nghiệm Hiện diện của các thày.