Tự điều ngự không ngừng

Bài giảng của chân sư thăng thiên Đại thượng sư qua trung gian Kim Michaels, ngày 8/12/2012.

TA LÀ Đại thượng sư. Thày đến đây để cho các con thêm một gợi ý nữa sẽ giúp con đi theo cầu thang vòng xoắn của bảy tia sáng dưới sự chỉ dạy của bảy vị Thượng sư.

Thày đã nói là trước mặt con là một hành trình trong đó con chạm trán và vượt thăng các phàm linh mà con đã tạo ra, hoặc đã do tâm thức đại chúng tạo ra khi nhân loại lạm dụng bảy tia sáng. Do đó, hôm nay thày muốn các con chú ý đến hai điểm: thứ nhất, thày muốn củng cố những điều mà thày đã giảng về bản chất của Thánh linh, tức là là nó luôn luôn tuôn chảy, nó là một dòng suối. Nó không phải là một linh thể đứng yên. Nó là một Tánh linh luôn luôn tuôn chảy, tự thăng vượt, nó không bao giờ y nguyên dù chỉ trong một tích tắc.

Điểm thứ hai mà các con cần ghi nhớ là con cần khắc phục các phàm linh tách biệt đó. Như thày đã giảng, điều này có nghĩa là con sẽ phải tạo ra một cái ta mới, một phàm linh mới. Giữa tầng 48 và 96, con nhất định phải làm điều này vì đó chính là nhiệm vụ của con: thử nghiệm khả năng đồng-sáng tạo của mình, thử nghiệm với bảy tia sáng, và xây dựng một cái ta có một số khả năng điều ngự bảy tia sáng. Tuy nhiên, điều mà thày muốn các con ghi nhớ là con không tạo ra một cái ta đứng yên. Con tạo ra một cái ta có thể tuôn chảy với Thánh linh.

17.1. Kiện toàn phàm linh

Con thấy chăng, các thày giả trên trái đất đã tìm cách bày ra nhiều mưu đồ tinh xảo để dụ các người tìm đạo chân thật – những người đã lên trên tầng 48, những người đã không đi vào nhị nguyên – đi vào một ngõ bí khiến họ ngừng tăng triển hoặc có thể càng ngày càng rơi sâu vào tách biệt. Một trong những mưu đồ chính của họ là lời dụ dỗ, được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau vi tế, cho rằng con có thể tạo ra một cái ngã tách biệt, một phàm linh có thể đi lên cõi tâm linh. 

Nếu con nhớ lại những gì thày giảng trong các bài trước, thì con sẽ thấy đây dĩ nhiên là giấc mơ tối hậu của tự ngã, của các sa nhân và các phàm linh tách biệt. Theo định nghĩa, một phàm linh tách biệt phải chịu luật sinh diệt, nhưng nó mơ được bất tử. Nó mơ hội đủ điều kiện nào đó giúp nó được Thượng đế chấp nhận và được phép tham dự tiệc cưới với Ki-tô

Nhưng như Giê-su đã nói: “Không ai có thể lên thiên đàng mà không từ thiền đàng xuống”. Sinh thể duy nhất có thể lên thiên đàng là cái Ta Biết, và nó chỉ làm được điều này khi nó đã lột bỏ hết tất cả các lớp da rắn của các phàm linh tách biệt. Những phàm linh giả này giống như những con rắn bò dưới đất và đưa ra lý luận gian dối vi tế, dụ dỗ con nghĩ rằng con sẽ trở thành giống một thần nhân có thể lên thiên đàng. Nếu con nhớ sự tích thần linh cổ Hy lạp trên đỉnh Olympus, thì con thấy là họ không cao thượng lắm, họ hay tranh giành và bày ra nhiều mưu mô. Đó chính là biểu tượng của những cái ngã tách biệt mà sa nhân tìm cách tạo ra và cho rằng có thể trở nên bất tử. Nhưng không có gì có thể lên Thiên đàng ngoại trừ những gì đã từ Thiên đàng xuống, đó là nhận biết thuần khiết. Do đó, con sẽ không bao giờ có thể đem những phàm linh tách biệt này theo con lên thiền đàng, cho dù chúng có vẻ rất hoàn hảo dựa trên tiêu chuẩn thế gian nào đó.

17.2. Một cái nhìn giả về sự hoàn hảo

Con có thấy chăng vấn đề của cái ngã tách biệt? Một phàm linh tách biệt có thể nhất thời tăng triển. Con hãy suy nghĩ kỹ điểm này. Một phàm linh tách biệt có thể được thiết kế để tăng triển và nới rộng, con có thể xem đây là nó tự kiện toàn. Do đó, con có thể đến với một tôn giáo hay một giáo lý tâm linh và tạo ra một lý tưởng trong tâm con cho rằng nếu con cứ tiếp tục áp dụng giáo lý này, con sẽ tới chỗ đạt được một trạng thái hoàn hảo, một trạng thái tối hậu nào đó, và sau đó con sẽ được phép vào thiên đàng. Hoặc là con sẽ đạt được giác ngộ, hoặc bất cứ mục đích nào của tôn giáo đó.

Nhưng con ơi, con sẽ không được cứu rỗi, con sẽ không đạt được giác ngộ, con sẽ không thăng thiên, bằng cách tạo ra một cái ngã cố định và hoàn hảo. Sự hoàn hảo trên Thiên đàng không giống những gì mà hầu hết mọi người coi là hoàn hảo. Vì con người có khuynh hướng xem sự hoàn hảo là một cái gì cố định. Vì nếu một cái gì đó hoàn hảo, thì làm sao nó có thể cải thiện được? Nếu nó có thể cải thiện được, thì nó không thể hoàn hảo – đây là lối lý luận của tâm thức rắn.

Nhưng các thày là những người đã thoát khỏi tâm thức rắn, các thày biết sự hoàn hảo thực sự là tuôn chảy với Tánh linh. Trạng thái tối hậu duy nhất là trạng thái tự nhận biết của đấng Sáng tạo, nhưng con sẽ không thể đạt được trạng thái này khi còn đầu thai trên trái đất. Con cũng không thể đạt được nó cho tới khi con thành tựu tất cả các khai ngộ của tất cả các bầu cõi ở trên bầu cõi của con hiện nay. Do đó, đạt được mức tự nhận biết của đấng Sáng tạo không phải là điều con cần quan tâm đến lúc này. Vì ngay cả tâm thức của đấng Sáng tạo, dĩ nhiên cũng không đứng yên. Bởi vì, nếu nó đứng yên, thì tại sao nó lại sáng tạo ra thế giới hình tướng từ Bản thể của nó?

Con thấy chăng, không có gì đứng yên cả. Hoàn hảo là thăng vượt liên tục. Đây là định nghĩa thực của sự hoàn hảo. Đó là lý do vì sao Thánh linh hoàn hảo. Vì nó không có mục đích đạt được một trạng thái cố định tối hậu. Mục đích của nó là tự thăng vượt liên tục và bất tận. Do đó, nó không bao giờ tìm cách giữ chặt cái cũ, vì nó luôn luôn sẵn sàng lột bỏ da rắn cũ và thăng vượt lên một trạng thái mới.

Đây là điều thày khẩn thiết khuyên con nên suy ngẫm. Vì có một khác biệt rất cơ bản giữa việc đi theo con Đường của Bảy Tia sáng với mục đích tạo ra một cái ta hoàn hảo, dựa trên một định nghĩa cố định của sự hoàn hảo, và mục đích khác là tạo ra một cái ta uyển chuyển có thể luôn luôn và dễ dàng tuôn chảy với Thánh linh bằng cách tự thăng vượt liên tục quá tầng 96.

17.3. Giữ chặt cái ta tách biệt

Trong một bài trước thày có giảng về tâm thức chết, và nói đến trường hợp những người đã tới tầng 96 mà không chịu buông bỏ phàm ngã mà họ đã tạo ra. Họ nghĩ rằng họ sẽ chết nếu họ buông bỏ nó, vì họ đã quá tự đồng hóa với nó. Nhưng con thấy chăng, đó là vì họ đã có mục đích tạo ra cái ngã cố định muốn đạt được một tiêu chuẩn hoàn hảo nào đó. Và khi họ nhận ra là cái ngã mà họ đã tạo ra sẽ không thể vào thiên đàng, và họ phải để cho nó chết đi, để có thể vượt thăng và vào thiên đàng như trạng thái nhận biết thuần khiết, thì họ khởi lên lòng oán giận.

Họ muốn nắm giữ cái ngã tách biệt và biểu lộ quyền năng qua cái ngã đó. Đó là lúc họ bắt đầu muốn áp chế người khác với quyền năng mà họ đã đạt được với bảy tia sáng. Và dĩ nhiên đó là lòng kiêu hãnh dẫn tới sa ngã. Và sa ngã xảy ra ngay tức khắc.

Vậy con nên cẩn thận suy ngẫm điều này. Con cần có mục đích khi con đi trên con Đường của Bảy Tia sáng. Nhưng con đừng để các thày giả trên trái đất lường gạt con để con quy định một mục đích cố định, dựa trên một tiêu chuẩn nào đó do họ thiết lập. Một tiêu chuẩn mà họ đã thiết kế và quy định dựa trên tâm thức tách biệt và nhị nguyên lúc nào cũng so sánh mọi chuyện với con mắt phán xét giá trị nhị nguyên.

Nếu con cố gắng đi trên con Đường của Bảy Tia sáng để trở nên giỏi hơn người khác dựa trên một phán xét giá trị nhị nguyên nào đó thì con sẽ tạo khó khăn cho mình. Con có thể có động cơ lớn thúc đẩy con đi trên đường tu, giống như một số đệ tử. Con có thể sẵn sàng hy sinh nhiều chuyện để đạt được ý niệm hơn người đó. Nhưng khi đến lúc phải buông bỏ cái ngã mà con đã tạo ra thì con sẽ phải đương đầu với toàn thể sức mạnh của tâm thức chết. Bởi vì lúc đó con phải đối diện cái gì? Con phải đối diện sự kiện là trong tâm thức tập thể, một tập đoàn khổng lồ các phàm linh tách biệt đó đã được tạo ra, và chúng đều không muốn chết. 

Do đó, nếu con đã tạo ra một phàm linh tách biệt khi con đi trên con Đường của Bảy Tia sáng, thì con sẽ tự buộc mình vào nỗi sợ chết đó. Do đó, con sẽ phải khắc phục toàn bộ động lực của cái chết mới buông bỏ được cái ngã tách biệt. Điều này dĩ nhiên là có thể làm được, vì khi con biết con là nhận biết thuần khiết thì con có thể buông bỏ bất cứ cái ngã nào, nhưng thày phải nói với con là rất hiếm đệ tử làm được điều này. Các đệ tử nào đã học cách buông bỏ phàm linh tách biệt tại mỗi tầng trên con đường tu sẽ dễ thành công hơn nhiều. Nhờ vậy khi họ lên tới tầng 96, họ không phải đối đầu với động lực chết của toàn hành tinh, mà chỉ đối đầu với động lực ở tầng đó mà thôi. Đây là một bước nhỏ hơn nhiều, và do đó họ sẽ dễ dàng tuôn chảy qua nó.

Và họ sẽ tiếp tục tuôn chảy qua tầng 96, lên tầng 97, 98, và cao hơn nữa cho tới khi bỗng nhiên họ tới tầng 144. Lúc đó, buông bỏ cái ngã, cái hồn ma cuối cùng, cũng sẽ không phải là một thay đổi lớn, và con có thể dễ dàng tuôn chảy vào vòng xoắn thăng thiên, đi qua cổng ngọc trai để vào trạng thái thăng thiên. Con thấy chăng, buông bỏ mọi chuyện cùng một lúc là điều rất khó. Buông bỏ từng chút một ở mỗi cấp dễ hơn nhiều.

17.4. Luôn luôn sợ mình sai

Do đó, thày chúc con thuận buồm xuôi gió trên con đường của bảy vị Thượng sư. Thày hy vọng là thày đã giúp con đặt nền móng giúp con đi con đường tu này dễ dàng hơn. Đúng thực là chỉ có cái ngã tách biệt mới đánh giá theo thang điểm đúng sai. Con có hiểu là khi con tạo ra một cái ngã tách biệt từ tâm thức nhị nguyên, con đã tạo ra một cái ngã tin rằng nó chỉ có thể được Thượng đế chấp nhận khi nó đạt được một tiêu chuẩn hoàn hảo và không bao giờ sai trái dựa trên tiêu chuẩn đó? Có nghĩa là cái ngã tách biệt đó lúc nào cũng sợ mình sai.

Các con có biết là có những dòng sống đã tới chỗ bắt đầu quay trở lại, họ có ước muốn lên cao hơn, họ có khao khát gặp được một vị thày chân chính. Nhưng khi họ gặp vị Thượng sư đầu tiên là Chân sư MORE – hay El Morya là tên trước đây của thày – thì họ giản dị không thi hành nổi những chỉ thị của Chân sư MORE. Họ còn không thực sự thấy được Chân sư MORE. Do đó họ phải dán lên Chân sư MORE hình ảnh một vị thày rất nghiêm khắc trọng kỷ luật. Vì họ quá sợ vị thày nghiêm khắc với cái nhìn thấu suốt này chứng minh họ sai nên thay vì chào đón giáo lý và sự giúp đỡ của thày, họ lại tìm cách lẩn trốn thày.

Vậy các thày đã phải làm gì trong quá khứ? Các thày đã phải cho các đệ tử này một vị thày vỏ ngoài, kể cả một tổ chức vỏ ngoài để họ có thể tiếp tục tin rằng họ là đệ tử của El Morya, nhưng thực sự họ chưa bao giờ thấy được vị Morya thực, Chân sư MORE thực, vì họ chỉ có thể nhìn thày như một hình ảnh cứng ngắc. Họ không thể thấy được là thày hơn rất nhiều hình ảnh cứng ngắc do tâm thức thấp tạo ra.

Con thấy chăng, chân sư MORE không phán xét con dựa trên thang điểm đúng và sai. Chân sư MORE không hề mong muốn chứng minh con sai. Thày cũng không hề mong muốn thấy con chứng minh mình đúng. Chân sư MORE, giống như tất cả các vị Thượng sư khác, chỉ quan tâm một chuyện: là con sẵn sàng thăng vượt tầng tâm thức hiện tại của con, thăng vượt ý niệm bản ngã hiện tại của con, cho phép phàm linh hiện tại của con chết đi và tuôn chảy vào một ý niệm bản ngã khác, cao hơn.

17.5. Một tầng hiểm nghèo trên đường tu 

Phàm linh tách biệt được tạo ra từ tiêu chuẩn nhị nguyên. Trong nó, trong chính mẫu đồ thiết kế ra nó, có sự phân chia giữa đúng sai. Nó tin rằng nếu nó bị chứng minh là nó sai thì một tai họa nào đó sẽ xảy ra. Nhưng nếu nó được chứng minh là nó đúng thì một điều tốt lành nào đó sẽ phải xảy ra. Do đó, nó tin rằng nó có thể ép Thượng đế phải chấp nhận nó khi nó chứng minh nó đúng. Và nó tìm cách chứng minh nó đúng bằng cách duy nhất mà nó biết: bằng cách so sánh nó với người khác dựa trên tiêu chuẩn đã tạo ra nó. Do đó, nó tìm cách chứng minh nó đúng bằng cách chứng minh người khác sai, bằng cách kéo người khác xuống. Lý luận cơ bản trong tiềm thức của phàm linh tách biệt là: “Nếu tôi có thể chứng minh là tất cả các phàm linh khác đều sai, thì tôi chắc chắn phải đúng và Thượng đế sẽ phải chấp nhận tôi.” Nhưng dĩ nhiên không phải vậy. Do đó, con đừng đến với các Thượng sư với ước mong chứng minh con đúng. Và con nên đặc biệt cảnh giác khi con có mong muốn chứng minh người khác sai. 

Nhưng thày muốn nói con điều này: có một điểm thấp hơn trên con đường tu, nơi con chú tâm vào việc chứng minh người khác sai và lúc nào cũng đấu đá với người khác. Tuy đây chắc chắn là một điểm thấp hơn trên con đường tu và không thể dẫn con tới trạng thái thăng thiên – không thể dẫn con quá tầng 96, và thực sự không thể dẫn con tới gần tầng 96, vì nó không thể dẫn con quá tầng 48 bao xa – nhưng đó không phải là tầng hiểm nghèo nhất trên con đường tu. Tầng nguy hiểm nhất trên con đường tu là khi con tới gần tầng 96, nhưng vẫn còn mắc kẹt trong mong muốn chứng minh mình đúng dựa trên một tiêu chuẩn nào đó.

Thày thực sự nói với con là, nếu con nhìn vào những người ở dưới tầng tâm thức 48, thì con thấy là những người ở những tầng thấp nhất không phải là những người có thể được coi là thô sơ nhất, nhìn theo một góc độ nào đó. Họ chính thực là những người tinh tế khôn ngoan nhất, vì họ là những người tin chắc rằng họ đúng và tiêu chuẩn của họ đúng.

Do đó, con cũng thấy có những đệ tử đã đi quá tầng 48 và tiến gần tới tầng 96, nhưng họ bắt đầu tự đồng hóa mình với phàm ngã tách biệt mà họ đã tạo ra, và tin rằng cái ngã tách biệt đó đúng, theo tiêu chuẩn mà họ không chịu từ bỏ. Vì họ chưa nhìn thấu bản chất thật của tiêu chuẩn đó. Các thày rất khó tiếp cận các đệ tử này.

Họ thường là đệ tử rất sốt sắng, sẵn sàng hy sinh và chịu khó để tiến lên tầng kế tiếp. Và con phần nào có thể làm như vậy giữa tầng 48 và 96, vì ở các tầng đó con đang tìm cách đạt được sự điều ngự bảy tia sáng. Khi con làm điều này, con tạo ra một cái ngã tách biệt, một phàm linh tách biệt, hay ít nhất là một phàm linh cá biệt, một cái ngã cá biệt.

17.6. Tiêu chuẩn giả được tạo ra như thế nào

Các đệ tử mà các Thượng sư khó tiếp cận nhất là những người đã xây dựng lòng kiêu hãnh mà họ không thấy vì họ nghĩ họ đúng. Và họ không chịu chấp nhận một trong những tỉnh ngộ quan trọng nhất trên con đường tu, đó là không có tiêu chuẩn nào quy định trên trái đất có thể đưa con lên thiên đàng. Vì những tiêu chuẩn nhị nguyên tách biệt này không thể nào hiện hữu trên thiên đàng.

Do đó, con đang không chứng minh con đúng dưới mắt các Thượng sư vì các thày không ở trong tâm thức nhị nguyên. Con chỉ đang chứng minh con đúng dưới mắt phàm linh tách biệt mà con đã tạo ra – phàm linh được tạo ra dựa trên một tiêu chuẩn đặc trưng của con. Do đó, phàm linh này không thể thấy bất cứ cái gì vượt lên trên tiêu chuẩn. Nó không bao giờ thấy là tiêu chuẩn có điều gì sai. Nó không bao giờ thấy là tiêu chuẩn có bất cứ hạn chế nào. Nó không bao giờ thấy là tiêu chuẩn được tạo ra bằng cách loại trừ một số thành phần của bức tranh thực tại rộng lớn hơn.

Con hãy để thày so sánh với một hình ảnh mà con quen thuộc. Con biết cái la bàn, và con biết là nếu con đứng ở trung tâm la bàn, con có thể chia chu vi la bàn ra thành 360 góc độ, giống như con có thể chia chu vi vòng tròn thành 360 độ. Khi con đứng ở trung tâm chiếc la bàn cá nhân của con và có thể nhìn tất cả 360 độ mà không đặc biệt chú tâm vào bất cứ góc độ nào, và không có nhu cầu loại trừ góc độ nào, thì con đạt được giác ngộ, con sẵn sàng thăng thiên.

Nhưng này các con, điều xảy ra cho các phàm linh thấp là chúng định ra một tiêu chuẩn. Và chúng định tiêu chuẩn bằng cách nào? Bằng cách loại trừ, ngăn chặn một số góc độ bằng cách dán nhãn chúng là sai, giả hay xấu ác trên phương diện nào đó. Do đó, chúng tạo ra một tiêu chuẩn bằng cách loại trừ một hoặc nhiều trong số 360 góc độ của chu vi là những gì có thể nhìn thấy trên trái đất.

Và khi con quy định một số góc độ nào đó là sai, và do đó không chịu nhìn chúng, thì theo định nghĩa con sẽ có một cái nhìn hạn chế, chọn lọc, chủ quan, thiên lệch, và thiếu sót về sự sống. Nhưng xa hơn nữa, con cũng sẽ luôn luôn có thể chứng minh là cái ngã tách biệt – phàm linh tách biệt – của con đúng. Vì con thấy chăng là khi con chấp nhận định nghĩa một số góc độ sai và không được nhìn tới, thì đương nhiên là con sẽ không thể nhận ra là phàm linh, phin lọc nhận thức, mà xuyên qua đó con nhìn thực tế, có giới hạn và đang cho con cái nhìn hạn chế và méo mó về tổng thể sự sống.

17.7. Chứng minh mình “đúng”

Con có thấy chăng là, nếu con sẵn sàng loại bỏ một số góc độ trên chu vi của vòng tròn sự sống, thì con luôn luôn có thể chứng minh là cái ngã, vốn chỉ bao hàm những góc độ còn lại, là đúng. Nhưng con có bắt đầu thấy chăng là, khi con chưa thấy được toàn bộ chu vi của tâm thức có thể có được trên trái đất, thì con chưa giác ngộ, và con chưa sẵn sàng thăng thiên?

Vậy làm sao con thấy được toàn bộ chu vi? Bằng cách nhận ra con là cái Ta Biết, và cái Ta Biết không có tính cá biệt nào trụ trong nó khiến nó cần loại bỏ một số góc độ. Do đó, con là nhận biết thuần khiết. Và khi con là nhận biết thuần khiết, thì con có thể nhìn bất cứ cái gì và tất cả mọi thứ. Con không cần loại bỏ bất cứ cái gì. Con không cần phán xét bất cứ cái gì.

Và khi con sẵn sàng nhìn bất cứ cái gì thì không có cái gì có quyền lực trên con. Vì dĩ nhiên là khi con quy định cái gì đó là sai và không chịu nhìn nó, thì cái mà con không chịu nhìn có quyền lực trên con. Nó quy định con, vì con nghĩ rằng nếu con nhìn vào nó, hoặc con có những đặc tính của nó, thì con sẽ sai theo nghĩa tối hậu.

Do đó, cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ bị sai là nhìn vào đáy sâu của nỗi sợ, và nhận ra nó chỉ là một góc độ khác trên chu vi của la bàn sự sống. Do đó, thay vì chú tâm vào một tiêu chuẩn, con để cho kim của la bàn xoay một cách tự do.

Nhưng con có thấy chăng là khi con chặn một số góc độ trên la bàn, thì mũi kim của la bàn không thể xoay tự do được? Và như vậy thì con đang làm gì? Con đang ngăn chặn không để cái Ta Biết thể hiện tiềm năng lớn nhất của nó. Vì tiềm năng lớn nhất của cái Ta Biết là trở nên mũi kim la bàn luôn luôn chỉ hướng Bắc. Nó luôn luôn chỉ ngôi sao bắc đẩu là Hiện diện TA LÀ. 

Con làm cách nào để giống như Odysseus, phải bôn ba khắp bốn biển đầy hiểm nghèo nhưng vẫn trở về nhà được? Anh ta đã làm gì? Anh đã đi tới những điểm trên la bàn cá nhân của anh nơi anh đã loại bỏ một số góc độ trên chu vi. Anh đã diệt trừ các ác thú, các phàm linh, các sinh vật thần thoại, và nhờ vậy anh mở rộng chu vi, khiến cho mũi kim la bàn có thể xoay tự do. Và khi anh đả thông được cả chu vi thì kim la bàn có thể xoay đủ vòng tròn. Lúc đó, sau khi đã xoay một lúc, thì một cách tự nhiên nó tìm ra vị trí lý tưởng của nó là chỉ thẳng về hướng bắc.

17.8. Sử dụng một la bàn giả

Khi con có một la bàn tốt có kim chỉ đúng hướng Bắc, thì con dễ tìm đường về nhà hơn. Nhưng nếu con có một la bàn mà kim không thể xoay tự do và do đó không chỉ đúng hướng Bắc, thì làm sao con tránh không bị lạc trên biển cả? Con yêu dấu, con có thấy chăng là khi con có gì ngăn chặn trên chu vi của la bàn, thì kim la bàn chỉ xoay được tới chỗ nào đó mà thôi? Lúc đó, vì con thấy kim la bàn đã ngừng lại, nên con tưởng là nó đã chỉ con về hướng Bắc. Con liền lái thuyền về hướng đó, con hướng hành trình đời con về hướng đó. Nhưng nếu kim la bàn không chỉ đúng hướng Bắc, thì làm sao con có thể đi đúng hướng được?

Lúc đó, con sẽ đi về đâu? Con không đi về hướng sao bắc đẩu của bản thể, của Hiện diện TA LÀ của con. Con sẽ đi đúng về hướng các khu mà con đã ngăn chặn trên chu vi, là những gì con không chịu nhìn tới. Do đó, con sẽ đi về hướng các phàm linh tách biệt mà con đã tạo ra, chúng đang nằm yên chờ phục kích con, giống như những tiên chim trong thần thoại Hy lạp có tiếng hát quyến rũ hớp hồn. Và chẳng bao lâu thì thuyền con sẽ đắm vì chạm vào vách đá.

Và sau khi con đã bị đắm thuyền nhiều lần, thì con rốt cuộc tới chỗ nhận ra là có thể có điều gì mà con không thấy, có lẽ tiêu chuẩn của con có điều gì sai – chứ không phải có điều gì sai với những người không theo đúng tiêu chuẩn.

Điều thày muốn nói là các thày là các Thượng sư không muốn con phải làm cuộc hành trình hỗn loạn trong đó con cứ bị đắm thuyền liên miên. Các thày muốn cho con một con đường suôn sẻ qua đó các thày hướng dẫn con nhìn vào chu vi của la bàn cá nhân của con. Nhưng các thày sẽ giúp con nhìn khi còn sớm sủa, để con không bị đâm vào vách đá và đắm thuyền, và ngược lại vượt qua được các bước khai ngộ.

Do đó, thay vì con đi trên một con đường tu trúc trắc dẫn con từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, từ lần đắm thuyền này sang lần đắm thuyền khác, thì con đường tu của con trở thành vòng xoắn ốc suôn sẻ đi lên. Con đi lên từng bậc nhỏ của cầu thang xoắn ốc và con không phải té xuống nhiều bậc. Thay vào đó, con có thể tiếp tục vững chãi đi lên đều đặn. 

Đó là viễn quan về đường tu của con mà các thày giữ trong tâm các thày, khi con tới với các thày và quyết định ghi danh vào, không phải là Trường đời Cay đắng, mà là Trường của Bảy bức Màn, Trường của Bảy Tia sáng, trường của Bảy Thượng sư. Và trường này dĩ nhiên do thày giám sát, vì thày là Thượng sư thứ tám, thày LÀ Đại thượng sư.