Minh triết và An bình

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 15/3/2014.

TA LÀ chân sư thăng thiên Lanto. Thày đến để giảng dạy về những khai ngộ mà con đối mặt ở cấp học thứ sáu dưới Tia sáng thứ Hai của Minh triết Thượng đế. Cấp thứ sáu tương ứng với Tia sáng thứ Sáu, thường được gọi là tia sáng của an bình hay tia sáng của phụng sự. Làm sao con có thể phụng sự đích thực nếu con không phụng sự trong tâm an bình? Và làm sao con có thể an bình nếu con không có minh triết để biết được điều gì là thực và điều gì không thực, điều gì quan trọng và điều gì không quan trọng?

Thày đã nói trong các bài giảng trước về niềm tin tưởng quá phổ biến trên địa cầu cho rằng phải có một minh triết cao trội hay tối hậu, một chân lý tuyệt đối nào đó. Khi con nhìn khái niệm minh triết từ tâm nhị nguyên, là tâm dựa trên sự tách rời khỏi duy nhất, thì con chỉ có thể nhìn minh triết một cách mà thôi. Con xem minh triết như cái tạo ra sự phân chia, vì con nghĩ minh triết đích thực đứng riêng khỏi minh triết giả trá, minh triết cao siêu đứng riêng khỏi minh triết thấp kém, minh triết tuyệt đối đứng riêng khỏi minh triết tương đối. Tuy nhiên, sự thật là bất cứ gì được biểu đạt bằng ngôn từ đều là minh triết tương đối. Điều này nghĩa là gì?

14.1. Khai ngộ thứ sáu dưới Tia thứ Hai

Điều các thày cố cho học viên thấy ở cấp thứ sáu của khóa nhập thất của thày là một minh triết dưới dạng ngôn từ – bất kỳ dạng ngôn từ nào – sẽ không đưa con đến trạng thái thăng thiên. Thày có nói là các thày cho hiện lên trên một màn ảnh những gì xảy ra ở mức năng lượng. Ở cấp khai ngộ thứ sáu, các thày mời các học viên vào thư viện để họ chọn ra quyển sách mà họ xem là minh triết cao trội nhất, hoặc ít ra, một dạng minh triết chân chính và có giá trị. Khi họ trở về với một quyển sách hay một bộ kinh, các thày cho họ xem điều gì xảy ra ở mức năng lượng nếu họ sử dụng những lời biểu đạt đó về minh triết.

Các thày có thể cho họ thấy là đường tu giống như một cầu thang hình xoắn ốc. Các thày cho họ thấy ngay lúc này họ đang đứng ở điểm nào trên cầu thang. Các thày cho thấy con đường ánh sáng dẫn họ lên cao cho đến tầng thứ 144. Xong các thày cho thấy là cách biểu đạt minh triết mà họ đã chọn có thể đưa họ lên cao hơn trên cầu thang, nhưng chỉ tới một tầng nào đó thôi. Các thày cho thấy là khi họ tới tầng đó, tiến bộ của họ sẽ ngừng lại như thế nào, và từ điểm đó trở đi, những năng lượng tuôn chảy qua bản thể của họ không thể chuyển thành những bước tiến xa hơn trên đường tu được nữa.

Lý do đơn giản là giờ đây họ đã đạt tới mức cao nhất mà lời dạy cụ thể đó đã được ban ra cho mức đó. Con không thể nào lên cao hơn bằng cách bám níu lấy giáo lý vỏ ngoài và cứ khăng khăng muốn cho ánh sáng chảy xuống từ Hiện diện TA LÀ của con phải xác nhận và chiều theo giáo lý vỏ ngoài. Hiện diện TA LÀ luôn luôn tận tụy muốn con tăng trưởng lên cao chót vót cho tới khi con thăng thiên, và cả sau đó nữa. Một khi con đã đạt tới mức tăng trưởng tối đa có thể đạt được với giáo lý đó, Hiện diện TA LÀ sẽ trao cho con cả ánh sáng lẫn những ý tưởng vượt lên trên giáo lý.

Điều này không có nghĩa là con nhất thiết phải vứt bỏ giáo lý đó đi, nhưng con phải sẵn lòng để cho Hiện diện TA LÀ của con dẫn con vượt xa hơn giáo lý. Điều này có thể đòi hỏi con phải tìm một giáo lý được ban ra cho một mức tâm thức cao hơn. Có thể sẽ cần thiết là con không có giáo lý, hoặc tạm thời không có giáo lý trong một thời gian. Thậm chí cũng có thể là con sẽ giữ lại một giáo lý nào đó và tiếp tục sử dụng làm nền tảng, nhưng Hiện diện TA LÀ sẽ đưa con đi xa hơn hầu con có thể phát triển một tầm hiểu sâu sắc hơn những gì được giáo lý đó biểu đạt qua ngôn từ.

Hiện diện TA LÀ sẽ chỉ có thể đưa con lên cao hơn nếu con sẵn sàng tra vấn giáo lý. Nếu con không sẵn sàng làm vậy, nếu con không sẵn sàng nhìn xa hơn, Hiện diện TA LÀ sẽ tiếp tục gửi ánh sáng xuống cho con, nhưng giờ đây ánh sáng sẽ trở thành một yếu tố làm xáo trộn sự an bình và cân bằng nội tâm của con. Nó sẽ làm xáo trộn ý niệm mà con đã tạo dựng, là ý niệm rằng mình sẽ được cứu rỗi vì mình tuân thủ giáo lý cao nhất. Có một áp lực bên trong sẽ không ngừng dâng lên, và con sẽ làm một trong hai điều: hoặc là con sẽ thăng vượt giáo lý vỏ ngoài – hay ít ra thăng vượt cách tiếp cận giáo lý vỏ ngoài – hoặc là con sẽ làm y như con thấy quá nhiều tín đồ các tôn giáo đã làm trên địa cầu, là biến giáo lý vỏ ngoài đó thành một vũ khí để hạ thấp người khác và nâng cao chính mình.

14.2. Hãy thăng vượt ngôn từ, chứ đừng bám víu 

Con sẽ thấy nhiều người nhảy vào trò chơi nhị nguyên khi họ tìm cách xác lập giáo lý của mình, xác lập tôn giáo, triết lý chính trị hay triết lý khoa học của mình là cao trội. Họ rơi vào tình trạng giao tranh với người khác. Họ tin chắc, bởi vì họ nắm giữ chân lý vượt trội, rằng họ phải đập tan những chân lý giả trá kia, họ phải khiến cho người khác tuân thủ. Mong muốn thay đổi một cái gì bên ngoài mình không là gì khác hơn một lớp ngụy trang. Con sẽ không thăng thiên được cho dù con có khiến cho toàn thể nhân loại trên địa cầu đi theo một hệ thống tín ngưỡng nhất định.

Lý do thật đơn giản. Con sẽ chỉ đạt được trạng thái thăng thiên bằng cách đi xa hơn bất kỳ mọi cách biểu đạt nào trên địa cầu – bất kể lời dạy mà con nắm là lời nói của Thượng đế hay một bài truyền giảng của chân sư thăng thiên được diễn đạt qua một sứ giả được bảo trợ. Như thày đã có nói, một khi lời dạy được biểu đạt bằng ngôn từ, nó hết là Tánh linh Hằng sống của Minh triết. Con sẽ không thăng thiên bằng cách bám vào một lời biểu đạt. Con sẽ thăng thiên bằng cách thăng vượt ngôn từ và trở thành một với tánh linh. Trước hết, con trở thành một với tánh linh đằng sau mỗi tia trong bảy tia sáng. Sau đó con trở thành một với Hiện diện TA LÀ, là tánh linh cá nhân của con.

Các thày có thể cho thấy trên màn ảnh điều gì xảy ra cho năng lượng khi nó bám mắc vào một giáo lý vỏ ngoài. Con hãy lưu ý một sự khác biệt tinh tế. Có một giai đọan khi việc tuân thủ một giáo lý vỏ ngoài sẽ giúp con tăng trưởng, giúp con bước lên cao hơn trên cầu thang xoắn ốc. Nhưng cũng sẽ tới một điểm khi giáo lý vỏ ngoài không thể đưa con lên cao hơn, cho dù giáo lý vỏ ngoài đó là gì. Con có hiểu điều thày đang nói hay không? Con có nắm được điều này với sự tỉnh giác vỏ ngoài, với tâm ý thức của con hay không? Thày có thể cam đoan với con là nhiều đệ tử cảm thấy rất khó khăn nắm được điều này, ngay cả trong nhập thất của các thày khi tâm vỏ ngoài của học viên không đến nỗi bị tô màu. Thật là quan trọng con nắm bắt được điều này với tâm vỏ ngoài của con.

Không có lời đạy nào bằng ngôn từ tương ứng với tầng tâm thức thứ 144. Không có lời dạy nào bằng ngôn từ tương ứng với tầng 143 hay 142. Đến một điểm – và thày sẽ không nói là điểm nào – con đạt tới một mức tâm thức mà từ đó trở đi, không một lời giáo lý nào có thể đưa con lên cao hơn. Ở điểm đó, con phải đi xa hơn ngôn từ và bắt liên lạc trực tiếp với tánh linh đằng sau lời giáo lý. Nếu con không thiết lập được mối liên lạc này, con sẽ không thể lên cao hơn. Điều này là để đảm bảo là con không thể đi xa hơn một tầng nào đó mà vẫn duy trì một số yếu tố của tâm thức tách biệt, là tâm thức nhị nguyên, là mong muốn hạ thấp người khác hầu năng cao chính mình.

Khi một đệ tử nắm được thực tế này, một gánh nặng rất lớn được trút bỏ khỏi vai người đó. Bỗng nhiên con cảm thấy một niềm an bình bao la, vì giờ đây con biết mình không còn phải đi tranh đua với những hệ thống tín ngưỡng khác nữa. Đệ tử hiểu ra là trên địa cầu có nhiều hệ thống tín ngưỡng có khả năng đưa con lên những tầng tâm thức cao hơn, và dù con có đi theo cái nào trong số những hệ thống chính đáng đó thì thật sự không quan trọng lắm, miễn là con vẫn tăng trưởng. Con không thể dùng tâm vỏ ngoài của con – ít ra là cho tới khi con đạt một mức tâm thức rất cao – để mà phán đoán người khác là họ có đang tăng trưởng hay không, hay họ nên đi theo giáo lý vỏ ngoài nào.

14.3. Con không thể cưỡng ép hợp nhất 

Con hãy nhìn một cách trung thực những phong trào tâm linh mà con đã tìm thấy và đã tham gia. Con thử nhìn xem có bao nhiêu trong số đó có một ý thức độc quyền là họ có giáo lý cao nhất hay vị đạo sư cao nhất, và họ cần đi cải đạo thế giới theo quan điểm của mình. Con thử nhìn xem con người bị căng thẳng như thế nào khi rơi vào tư duy đó. Một đằng, nó mang lại cho tự ngã một cảm giác cao trội rất lớn do mình là môn đồ của tín ngưỡng tối thượng, nhưng đằng khác, nó lại đặt mình vào thế xung đột liên tục với những ai không ở trong giáo lý đó.

Điều gì xảy ra khi con thấy mình trong thế xung đột với người khác? Con không thể hợp nhất với họ, phải không con? Mà mục đích của đường tu là gì? Đó là với lên khía cạnh Alpha của hợp nhất với Hiện diện TA LÀ, hợp nhất với tánh linh, và sau đó, con với ra theo chiều ngang để cố thiết lập sự hợp nhất với người khác.

Làm sao con có thể hợp nhất với người khác nếu con cố ép họ phải bước vào một giáo lý nào đó? Điều này không thể làm được. Sự hợp nhất không thể cưỡng ép. Đó là trạng thái tự nhiên xảy ra khi con vươn lên cao hơn tâm thức vũ lực, và con quyết định ý thức bước vào hợp nhất. Con không thể lấy được quyết định này khi con còn tìm cách ép buộc người khác, hay thậm chí ép buộc chính con. Các thày muốn cho học viên thấy rằng khi con nghĩ là có một dạng minh triết cao trội hơn, thì không những con đang tìm cách ép buộc người khác mà thật ra con cũng ép buộc chính con. Con phải cố gượng sống theo giáo lý vỏ ngoài đó. Con phải tuân thủ giáo lý vỏ ngoài, thường khi là nghĩa đen của từng chữ, một cách đường thẳng. Và đây là điểm nơi chúng ta có thêm một lằn ranh chia cắt. Con sẽ không lên được cấp khai ngộ thứ bảy tại khóa nhập thất của thày cho tới khi con vượt qua khai ngộ này.

Chúng ta đã bàn về một con đường tu tâm linh. Chúng ta đã bàn tới việc con bước đi trên đường tu từ một mức tâm thức nào đó, ngày càng cao hơn cho đến khi con đạt mức cao nhất và có thể thăng thiên. Chúng ta đã so sánh đường tu như một cầu thang xoắn ốc, và con biết rất rõ là với một cầu thang xoắn ốc, con có thể đi lên bằng cách bước lên từng bực một. Đây là một tiến trình vô cùng đường thẳng. Con đang ở bực này, con nhấc một chân và đặt nó lên bực kế tiếp. Xong con nhấc chân kia và kéo nó lên, và bây giờ con đang đứng ở bực cao hơn. Xong con lại làm lại y chang, và con đứng ở một bực cao hơn nữa. Con có thể tiếp tục làm vậy với từng bực, cho tới khi con lên tới bực cao nhất của cầu thang. Con đường khai ngộ là một loạt những bực đường thẳng như vậy, nhưng con không vượt qua cuộc khai ngộ mà mỗi bực thang tượng trưng bằng cách ở trong trạng thái tâm thức đường thẳng. Con chỉ khai ngộ bằng cách vượt khỏi dạng tư duy đường thẳng, vượt khỏi tâm đường thẳng.

14.4. Bước nhảy lượng tử trong tâm thức 

Hẳn con đã nghe nói về khái niệm bước nhảy lượng tử. Bước nhảy lượng tử là gì? Đó là một bước chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái tiếp theo. Có thể nói, một con ấu trùng tự biến thành một cái kén, rồi sau một thời gian nó tự biến thành một con bướm. Nếu con nhìn con ấu trùng, con không thể nói là có một sự tiến triển đường thẳng từ giai đọan ấu trùng sang giai đoạn kén, cũng như không có tiến triển đường thẳng từ kén thành bướm. Sự tiến hóa của kén thành bướm không phải là một tiến trình lôgíc, đường thẳng và cần thiết. Đó là một bước nhảy lượng tử từ kén thành bướm. Con thử nhìn một tổ chim và thấy một quả trứng trong đó. Con có thể làm như khoa học đã làm là quan sát phôi chim lớn lên như thế nào trong trứng. Phôi ngày càng lớn và phát triển đầy đủ hơn cho tới ngày nó mổ vỏ trứng chui ra, và bây giờ nó bước đi như một con chim con thay vì là cái phôi trong trứng. Nhìn từ bên trong, đây không phải là một tiến triển đường thẳng. Chim con phải làm một bước nhảy lượng tử trong tâm thức hầu có thể đập vỡ vỏ trứng và bước ra giai đọan kế tiếp.

Con nhìn vào tổ chim và thấy chim con ngày càng lớn hơn. Nó mọc thêm lông và cũng mọc cánh dài hơn. Con nhìn chim con ngồi vỗ cánh trong tổ, nhưng một con chim con ngồi vỗ cánh trong tổ không phải là một con chim bay. Nó cần gì để bay? Nó cần nhảy một bước nhảy lượng tử trong tâm thức, và từ giây phút nó rời tổ, nó không còn là một con chim chưa thành mà là một con chim đã thành.

Các thày đang cố giúp con bước đi trên đường khai ngộ bằng cách mô tả con đường này là một sự tiến triển đường thẳng từ mức tâm thức thấp lên mức cao hơn. Các thày cố dắt tay học viên, dẫn qua các khai ngộ, đưa ra các bài tập và trao truyền các lời dạy minh triết, để đưa người đó đến một điểm sẵn sàng vượt qua khai ngộ và vươn lên mức tâm thức kế tiếp.

Mặc dù các thày cố đưa con đi lên một cách tuần tự, con không thể thực sự di chuyển từ mức này sang mức kế tiếp trong một tiến trình đường thẳng. Mỗi lần con đã sẵn sàng ở một mức và có tiềm năng bước lên mức sau, con phải nhảy một bước lượng tử trong tâm thức. Các thày có giảng trước đây là con phải để cho ý niệm cái ta mà con đang có ở mức đó chết đi. Trong một khoảnh khắc vượt ngoài thời gian, con không còn ý niệm cố định về cái ta, rồi sau đó con được tái sinh trong một ý niệm cao hơn về cái ta. Hầu hết mọi người đều không ý thức được điều này trong tâm thức tỉnh giấc của mình, nhưng con đã trải qua nhiều lần trong đời mình rồi. Rất nhiều khúc ngoặt quan trọng trong đời sống là những biến cố khi con nhảy một bước lượng tử trong tâm thức. Hầu hết đều không nhận thức điều này với tâm ý thức. Họ thực hiện bước chuyển hóa mà không ý thức là ý niệm cái ta cũ đã chết đi và họ đã tái sinh trong một ý niệm cái ta mới. Đó là bởi vì tâm con tạo ra một cảm nhận liên tục.

Chúng ta có thể nói rằng cảm nhận liên tục này là khía cạnh cơ bản, cốt lõi của tự ngã. Chúng ta có thể nói rằng khi con đạt đến tầng thứ 144, cuộc khai ngộ mà con đối mặt ở đó là con phải buông bỏ mọi cảm nhận liên tục thì con mới thăng thiên. Cuộc thăng thiên không phải là một tiến triển đường thẳng từ trạng thái tâm thức chưa thăng thiên, mà là một bước nhảy lượng tử vượt lên khỏi nó. Đây là bước nhảy vọt lượng tử tối hậu mà con có thể thực hiện trong vũ trụ vật chất, và đó là tại sao các thày đang cố đưa con đi qua 144 bực nhảy lượng tử nhỏ hơn để chuẩn bị cho con nhảy bước tối hậu. Ở cấp thứ sáu này, con cần nhảy một bước lượng tử, vì con nhận ra là hoặc minh triết có thể giúp con tăng trưởng, hoặc nó có thể trở thành cái bẫy tối hậu sẽ cản trở sự tăng trưởng của con.

14.5. Vượt qua sự phán xét giá trị để đạt an bình 

Đức Phật đã trả lời như thế nào khi có người nhìn thày tĩnh tọa Niết bàn và hỏi: “Thày là gì?” Ý họ muốn hỏi: “Thày là một người hay một vị thần?” Đức Phật trả lời ra sao? Thày không bảo thày là một người, thày không bảo thày không phải là một người. Thày không bảo thày là một vị thần, thày cũng không bảo thày không là một vị thần. Thày trả lời: “Ta tỉnh thức”. Con để ý những gì mà thày cũng không bảo. Thày không bảo: “Ta là một người đạo Phật” và cũng không bảo: “Ta là một vị Phật.” Thày đang cố truyền đạt điều gì khi nói: “Ta tỉnh thức”? Thày cố truyền đạt là thày đã đi vượt xa khỏi trạng thái tâm thức cần đến một nhãn hiệu cho mọi thứ. Đây là chìa khóa của an bình.

Khi con nhìn cuộc sống qua tâm thức nhị nguyên và tách biệt, con phải dán nhãn cho mọi thứ mà con nhìn thấy, mọi thứ đang xảy ra. Điều này thật là tự nhiên. Tự thân nó không có gì sai trái, bởi vì đây là cách thức con tăng trưởng từ tầng tâm thức này đến tầng sau. Con đang nhận ra là cho tới giờ con có một điều tin tưởng nào đó. Con nhận ra là có một bực nằm cao hơn tin tưởng đó, và con quyết định buông bỏ cái cũ và ôm lấy cái cao hơn.

Điều mà tự ngã và thày giả cố làm là khiến cho con bỏ thêm vào tiến trình dán nhãn đó một sự phán xét giá trị. Tự ngã nói: “Cái này thiện, cái kia ác, Cái này tối thượng, cái kia tệ mạt.” Nếu con nói: “Cái này trắng và cái kia đen,” thì con đang dán nhãn. Con đang phân biệt giữa hai hình tướng, nhưng bảo trắng hay đen không phải là bảo tốt hay xấu. Băng tuyết trắng, than đá đen. Có nghĩa lý gì chăng nếu bảo than là ác và tuyết là thiện? Tuyết trắng có thể làm chết người trong khi than đen có thể đốt lên để sưởi ấm và cứu mạng sống.

Các thày muốn chỉ ra cho con thấy là ở mức này, điều hoàn toàn có thể chấp nhận được là con lấy một câu nói minh triết hay một giáo lý vỏ ngoài, và nhận nó là cỗ xe mà mình đã chọn làm phương tiện tăng trưởng. Tuy nhiên, điều không chấp nhận được ở mức này là con giữ lấy sự phán xét về giá trị và bảo rằng giáo lý này hay hơn mọi giáo lý khác, và con phải tiếp tục bám lấy nó cho tới cuối đường tu.

Có lẽ con hiểu được bằng tâm vỏ ngoài một sáng ngộ vô cùng thâm sâu? Các thày đã từng thấy nhiều học trò tìm được một giáo lý mà các thày đã ban ra trong hơn thế kỷ qua, qua đó các thày tiết lộ công khai về sự hiện diện của mình là chân sư thăng thiên. Các thày đã nhìn họ tìm thấy một lời dạy cụ thể được truyền đạt qua một sứ giả hay một tổ chức cụ thể, và các thày thấy họ lý luận rằng giờ đây chắc hẳn mình đã tìm ra giáo lý tối hậu. Các giáo lý mà các thày đã ban ra đều có giá trị. Tuy mức độ thuần khiết có khác nhau và được nhắm tới những trình độ tâm thức khác nhau, nhưng giáo lý có giá trị và hiện vẫn còn giá trị.

Nhưng nhiều đệ tử ly luận rằng không phải đó chỉ là một giáo lý giá trị, mà là giáo lý tối hậu, và vì vậy mọi người phải cải đạo sang giáo lý đó. Họ cho rằng mục đích của các thày, các chân sư thăng thiên, thực sự là cải đạo mọi người trên địa cầu để ai ai cũng ý thức đi theo giáo lý của chân sư. Điều này hoàn toàn không đúng.

Cũng có những học trò tin rằng chỉ có những ai đã, với tâm ý thức, chấp nhận sự hiện hữu và giáo lý vỏ ngoài của chân sư thăng thiên thì mới được phép đến dự khóa nhập thất của các thày về đêm. Tại khóa nhập thất nơi đây ở Royal Teton ngay trong lúc này, thày có học viên đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo, trong số đó có cả nhiều người không theo một tôn giáo công truyền nào. Thày có học trò là người theo thuyết bất khả tri (agnostic), người vô thần hay người duy vật trong tâm vỏ ngoài của họ.

Các thày là chân sư thăng thiên, không quyết định công việc của mình dựa trên tín ngưỡng và hành vi vỏ ngoài của học trò. Các thày nhìn vào các điều kiện nội tâm của dòng sống và lượng định từ đó: Liệu dòng sống có sẵn sàng cho cuộc khai ngộ mà thày, Lanto, cống hiến ở cấp thứ nhất tại khóa nhập thất Royal Teton hay không? Nếu được vậy, học viên sẽ được chào đón nhập học trong thể vi tế của mình. Và khi họ đến đây, thày không có ý là họ luôn luôn phải cần công nhận sự hiện hữu của chân sư thăng thiên, hoặc một giáo lý hay một tổ chức vỏ ngoài nào đặc biệt, rồi phải tuân thủ giáo lý đó hay gia nhập tổ chức đó.

Các thày có nhiều học viên nhập thất đang đi theo đường tu tâm linh, nhưng ở cấp này nếu học viên đến từ một nền văn hóa, một tôn giáo hay một hệ thống tín ngưỡng bên ngoài – hay họ là người vô tôn giáo, vô tín ngưỡng – thì điều này hoàn toàn chấp nhận được. Miễn là học viên đi theo con đường khai ngộ thì rất có thể người đó sẽ biểu lộ được tiến bộ của mình, mức tâm thức tinh tấn của mình, qua rất nhiều nền văn hóa hay tín ngưỡng bên ngoài khác nhau.

14.6. Để đạt an bình, đừng cố cải đạo người khác 

Đây là một thực tế có thể rất khó chấp nhận cho các học trò của chân sư thăng thiên, đặc biệt là trong tâm ý thức. Khi con chấp nhận nó rồi thì con sẽ thấy mình trút bỏ được một gánh nặng to lớn. Con sẽ nhận ra là quả thực con đã bị mắc kẹt trong ý tưởng là mình phải cải đạo người khác, do ý tưởng đó đã dựng lên một khoảng cách giữa con và người khác và tạo ra một sự căng thẳng. Con là người cảm thấy sự căng thẳng này nhiều hơn người kia có thể cảm được, vì tất nhiên, con trải nghiệm nó ở bên trong tâm con, và con yêu dấu, tâm chính là nơi căng thẳng được tìm thấy. Người kia cũng có thể bị căng thẳng, nhưng căng thẳng của họ nằm trong tâm họ. Tăng trưởng của con trên đường tu không tùy thuộc vào họ có vượt qua được căng thẳng của họ hay không, mà tùy thuộc vào con có vượt qua được căng thẳng nội tâm của chính con hay không.

Điều con cần làm ở cấp này, cấp thứ sáu của Tia thứ Hai, là con cần nhận biết sự căng thẳng, xong con cần nỗ lực buông nó ra một cách ý thức. Khi con buông căng thẳng đó ra, con sẽ dễ dàng hơn để thể hiện con người mà con là, và trình bày niềm tin cùng hiểu biết tâm linh của con. Con không làm chuyện đó với mục đích cải đạo người kia hay chứng minh là họ sai. Con chia sẻ những gì con tin, những sáng ngộ mà con đạt được, và tại sao và làm thế nào con đã đạt được những sáng ngộ đó. Con chia sẻ với mục đích chia sẻ, chứ không phải với mục đích cải đạo hay cưỡng ép. Con không tìm cách hạ thấp, dãn nhãn hay phán xét giá trị của niềm tin người kia. Con chỉ chia sẻ niềm tin của con, và con có thể làm vậy trong tình thương, niềm vui và nhiệt tình – là cách tốt nhất sẽ chuyển hóa người khác.

Làm sao con có thể an bình được nếu con nghĩ là con phải cải đạo người khác theo dạng minh triết cao trội của con? Làm sao con có thể an bình nếu con nghĩ con chỉ đạt được mục tiêu đó qua cách tiếp cận dựa trên sợ hãi, hay bằng cách xé nát tín ngưỡng của họ, khiến họ tin rằng tín ngưỡng của họ sai lầm và sẽ đẩy họ xuống địa ngục? Làm sao con có thể hợp nhất với người khác nếu con tin là họ sẽ bị xuống địa ngục trừ khi họ chấp nhận quan điểm của con, cách biểu đạt vỏ ngoài của con về minh triết? Con chỉ có thể hợp nhất với người khác khi con hợp nhất với Tánh linh của Minh triết. Con giúp người khác hợp nhất với Tánh linh của Minh triết thay vì cố buộc họ phải tuân theo một cách biểu đạt vỏ ngoài về minh triết.

Điều rất đúng là khi đức Phật đưa ra câu nói: “Ta tỉnh thức”, thày biết rõ là nhiều người trên địa cầu sẽ không coi đó là lời gì quan trọng. Họ sẽ không nhận ra là họ đang không tỉnh thức. Ho không muốn thức dậy. Họ muốn ở mãi trong trạng thái không tỉnh thức vì đó là trải nghiệm mà họ muốn có. Đức Phật không có mục đích cải đạo tất cả mọi người trên trái đất để họ đi theo một minh triết hay một tôn giáo vỏ ngoài. Thày biết rõ là chỉ có một số mới hiểu được.

Con cũng nên biết như vậy. Con không phải cải đạo hay thuyết phục tất cả mọi người. Con không phải hợp nhất với tất cả mọi người, bởi vì rất nhiều người vẫn còn bám mắc vào tâm thức tách biệt đến độ họ không muốn đụng tới chuyện hòa nhập với con hay với bất kỳ ai khác. Con chỉ cần chia sẻ sự Hiện diện của con, bản thể của con, minh tríết và sáng ngộ của con, rồi tìm cách hợp nhất với những ai hiểu được, những ai biết trân quý, vì chính họ cũng đã đi đến một số sáng ngộ giống như con.

14.7. Hãy an bình với mức tâm thức hiện thời của mình 

Đừng lo đến chuyện cải đạo người khác theo một giáo lý hay một tổ chức vỏ ngoài của chân sư thăng thiên. Con hãy nỗ lực một cách ý thức để từ bỏ tin tưởng đó đi và tự cho phép mình là người mà mình là, tự cho phép mình an bình và biết rằng khi mình là người mà mình là thì cũng đủ lắm rồi. Tất cả những gì con cần phải làm ở cấp này của đường tu là chia sẻ con người mà con là. Tất nhiên, con vẫn có ý tiếp tục vươn lên cao hơn và cao hơn nữa, nhưng con không thể, khi con đến với cấp khai ngộ thứ sáu của Tia thứ Hai, bước lên cấp kế tiếp cho đến khi con an bình với nơi con đang đứng và chia sẻ sáng ngộ của mình ở mức tâm thức đó – và chỉ cần vậy là đủ. 

Chắc con nghĩ là thày đang tự mâu thuẫn, ít ra là tâm vỏ ngoài của con đang nghĩ như vậy. Con nghĩ thày đang bảo con tiếp tục vươn lên cao hơn trong tâm thức, và con nghĩ điều này nghĩa là con không thể thỏa mãn với nơi mình đang đứng và xem đó là đủ. Dĩ nhiên, con nghĩ đúng. Con không thể vươn lên cao hơn nếu con không mong muốn nhiều hơn những gì con đã có, cao hơn mức tâm thức nơi con đang đứng. Thày đã nói gì về bước nhảy lượng tử?

Cấp khai ngộ thứ bảy không phải là một tiến triển đường thẳng từ cấp thứ sáu, mà là một bước nhảy lượng tử vọt lên trên. Con sẽ không thể nhảy bước lượng tử đó cho tới khi con làm hòa với sự kiện mình đang đứng ở cấp thứ sáu, là khai ngộ của an bình. Con sẽ không thể vươn lên cấp thứ bảy cho tới khi con an bình với minh triết mà mình đang có và không tìm cách sử dụng nó với vũ lực để tạo ra xung đột.

Con sẽ bước lên cấp thứ bảy khi con buông bỏ mong muốn áp đặt lên người khác một cách biểu đạt nhất định về minh triết, và như vậy con tự giải phóng để được bình an trong minh triết mà mình đang có. Khi con bình an trong minh triết mà con có, con cũng bình an với việc từ bỏ minh triết đó. Con có thể nhìn thày, Lanto, nhìn thẳng vào mắt thày và nói: “Thưa chân sư, con muốn nhiều hơn. Con muốn mức khai ngộ kế tiếp, nhưng con an bình nơi con đang đứng, và con để cho thày quyết định xem khi nào con sẵn sàng.”

Khi con quyết định là con sẽ để cho thày quyết định thay vì tự phán đoán chính mình với tâm vỏ ngoài, thì con đã sẵn sàng đi bước kế tiếp. Khi nào con còn chưa sẵn lòng để cho thày làm thày và con làm đệ tử, thì con vẫn chưa sẵn sàng. Con có thể ngồi trên bở tổ chim vẫy cánh với tất cả sức bình sinh nhưng con sẽ không bay bổng lên được. Con sẽ không có bình an nội tâm để biết được là khi mình tự đẩy mình ra khỏi tổ chim, đôi cánh sẽ có thể giữ mình bay bổng trên không trung.

Lanto TA LÀ, và TA LÀ sự an bình trong minh triết mà TA LÀ.