Minh triết và Tự do

Bài giảng của chân sư thăng thiên Lanto qua trung gian Kim Michaels, ngày 16/3/2014.

Lanto TA LÀ, và TA LÀ tự do. Thày tự do vì thày biết thực tại.

Cấp khai ngộ thứ bảy tại khóa nhập thất ở Royal Teton hiển nhiên là về tự do. Tự do liên quan thế nào với minh triết? Có những người sẽ nói, con chỉ có thể tự do khi con có minh triết cao nhất, minh triết tối hậu. Có những người cũng sẽ nói, tự do chỉ đến được khi con chấp nhận minh triết cao nhất.

16.1. Tính không thực của các hệ thống tin tưởng nhị nguyên

Con có thể lấy gần như bất cứ hệ thống tin tưởng nào và con sẽ thấy là những người theo hệ thống đó một cách đường thẳng sẽ nói rằng những ai biết rõ hệ thống – những ai chấp nhận các học thuyết, giáo điều và minh triết của hệ thống – là người tự do. Mọi người khác đều đã làm nô lệ cho sự ngu dốt, cho ác quỷ hoặc bất kỳ kẻ thù nào mà hệ thống đã quy định. Quả thực là một kẻ thù, nhưng kẻ thù lại không thực. Kẻ thù đó không phải là kẻ mà hầu hết các hệ thống tin tưởng trên địa cầu gán ghép, tức là đối nghịch của điều thiện, đối nghịch của Thượng đế. Như các thày đã giảng dạy nhiều lần, tâm thức nhị nguyên tạo ra hai đối cực chỉ hiện hữu trong thế tương đối với nhau. Cả thiện lẫn ác được định nghĩa bởi hầu hết mọi hệ thống tin tưởng đều nảy ra từ cùng tâm thức nhị nguyên.

Ngay cả khi hệ thống tin tưởng gán cho điều thiện một cái nhãn gọi là Thượng đế, thì đó cũng không thực là Thượng đế – Thượng đế vô hình tướng, siêu việt – mà chỉ là một ông thần đã được hệ thống định nghĩa và phú cho một hình tướng. Tất nhiên, chính hệ thống cũng đã được quy định bởi những kẻ đã rơi vào tách biệt, nghĩa là hàng ngũ giả trá của các thày giả trên địa cầu. Chúng đã dùng tâm thức nhị nguyên để định nghĩa một hệ thống, định nghĩa Thượng đế bên trong hệ thống, rồi nâng hệ thống đó lên vị thế thẩm quyền tối hậu bằng cách tuyên bố nó nắm giữ định nghĩa tối hậu về Thượng đế.

Bất cứ khi nào con nghĩ con có thể định nghĩa được Thượng đế bằng ngôn từ trên hành tinh địa cầu, thì con cũng chứng tỏ là con không có minh triết đích thực. Con chỉ có minh triết giả hiệu, tương đối, nhị nguyên, nơi con tạo ra hệ thống của riêng con để định nghĩa minh triết. Một hệ thống như vậy cống hiến một số lợi thế, đặc biệt cho những ai ở dưới tầng tâm thức thứ 48. Nếu con muốn cảm thấy mình hơn trội người khác, nếu con muốn cảm thấy chỉ có nhóm mình sẽ được cứu rỗi và mọi người khác sẽ đều bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn, thì quả là con cần một hệ thống như vậy. Nhưng khi con trở thành đệ tử của chân sư thăng thiên và đặt mục tiêu là leo từ tầng tâm thức 48 lên tới tầng 96, con không thể tiếp tục bám vào cái nhìn đó về minh triết, bám vào ý muốn định nghĩa một minh triết tối hậu nào đó. Con không thể tự do biểu đạt minh triết nếu con luôn luôn phải so sánh nó với một cái gì được định nghĩa bằng ngôn từ.

16.2. Là cánh cửa mở cho Tánh linh Minh triết 

Thày đã nói đâu là chìa khóa tối hậu để thật sự biết được minh triết? Đó là phải vượt khỏi mọi hệ thống ngôn từ trên địa cầu và – trong nội tâm mình – hòa điệu với Tánh linh của Minh triết. Khi con chưa chiêm nghiệm được tánh linh này – như cái Ta Biết làm được khi nó bước ra ngoài phin lọc nhận thức của tâm vỏ ngoài – thì con vẫn chưa biết được minh triết. Nếu con không biết minh triết, tại sao con lại muốn áp đặt lên người khác một cái gì chỉ có thể là một quan điểm giới hạn? Tại sao con lại muốn tự xưng làm quan tòa phán xét người khác?

Tất nhiên, con có thể tự xưng mình là quan tòa đó, nhưng khi đó con không thể thực sự là một đệ tử của chân sư thăng thiên. Con có thể tự xưng là một học trò của chân sư nắm giữ minh triết cao trội về một giáo lý nào đó của chân sư, nhưng con không là một đệ tử đích thực. Con là một trong số những đệ tử giả. Con chỉ sử dụng một giáo lý vỏ ngoài của chân sư được biểu đạt thành lời để xác nhận cái nhìn của con về con đường giả trá.

Tất nhiên, các thày không bị lừa đâu. Ai đó trên địa cầu có thể bị lừa. Chắc chắn các thày biết là có nhiều người tự xưng mình là đệ tử của các thày và đã tự lừa dối, cũng như đã lừa dối người khác, để mà tưởng rằng họ có minh triết cao trội nào đó của chân sư. Nếu con đang sử dụng minh triết của con làm vũ khí chống lại người khác, thì con chứng tỏ là con chỉ có minh triết vỏ ngoài. Con vẫn chưa áp chặt vào tánh linh, cho nên con không tự do. Làm sao con biết được bằng tâm vỏ ngoài Tánh linh Minh triết muốn biểu đạt như thế nào xuyên qua con trong một tình huống nhất định? Nếu mỗi khi minh triết được biểu đạt xuyên qua con, con luôn đòi hỏi là nó phải được so sánh với một hệ thống vỏ ngoài và phải tuân thủ hệ thống đó, thì con đâu cho tánh linh khoảng trống nào để mà biểu đạt?

Con có thể nói: “Nhưng tôi đã có một giáo lý của chân sư thăng thiên trao truyền qua một sứ giả được bảo trợ. Nhất định đó phải là một giáo lý có giá trị chứ.” Quả thực, chắc hẳn đó là một giáo lý giá trị. Nó có giá trị vào lúc được ban ra vì đó là một biểu đạt của Tánh linh Minh triết hay một tánh linh nào khác vào thời điểm đó. Nó cũng được ban ra cho một trình độ tâm thức nào đó. Rất có thể là nó vẫn có giá trị cho những ai ở mức tâm thức đó và thấp hơn, nhưng làm sao con biết được Tánh linh Minh triết sẽ quyết định, sẽ mong muốn, biểu đạt những gì ngày hôm nay, xuyên qua con hay một ai khác?

16.3. Các chân sư thăng thiên làm việc như thế nào với các tổ chức

Các thày thường xuyên nhìn thấy những người bảo mình là đệ tử của chân sư thăng thiên, tu tập theo một tổ chức hay một giáo lý của chân sư mà họ đang dùng làm giáo lý chủ yếu. Họ tin giáo lý đó là có giá trị. Thường khi, họ tin đó là giáo lý chân chính duy nhất, ít ra là cao nhất. Các đệ tử này thường bảo rằng những sứ giả đến sau tổ chức của họ không thể là sứ giả chân chính. Họ thường trích dẫn một lời dạy nào đó từ giáo lý trước, hay từ sứ giả trước, hay từ văn hóa bao quanh tổ chức trước, và bảo đó là lời dạy tối hậu vì sẽ không có gì đến sau.

Con yêu dấu, con nghĩ tại sao các thày – các chân sư thăng thiên – lại khởi sự bày tỏ trực tiếp khoảng một thế kỷ trước đây qua trung gian một số vị sứ giả? Con nghĩ tại sao các thày lại bỗng nhiên bước vào tầm chú ý của công chúng trong khi các thày vẫn ở ẩn trong các thế kỷ trước? Đó là vì có một định luật huyền bí không cho phép các thày xuất hiện dưới mắt công chúng khi mà tâm thức loài người chưa nâng tới mức cần thiết. Khi sự chuyển vọt này xảy ra và tâm thức được nâng đủ, các thày đã được Hội đồng Nhân quả cho phép biểu lộ một cách công khai, và các thày đã làm vậy ngay lập tức.

Những phản ứng đầu tiên mà các thày nhận được là gì? Đó là phản ứng từ tín đồ các tôn giáo chính thống, họ nói: “Nhưng tại sao các thày lại xuất hiện với lời tiết lộ mới mẻ khi mà kinh điển chúng tôi đã ghi ra mọi thứ là chân lý tối thượng rồi, đã chứa đựng tất cả mọi điều cần phải nói rồi?” Các thày đã nghe câu này từ tín đồ Cơ đốc giáo. Các thày đã nghe từ tín đồ Hồi giáo. Các thày đã nghe từ tín đồ Do thái giáo. Các thày đã nghe từ tín đồ Phật giáo, Ấn độ giáo, Lão giáo, và tất cả mọi môn phái trong các phong trào tâm linh. Tại sao các thày lại bắt đầu bày tỏ công khai vào thế kỷ thứ 19? Bởi vì các thày có nhiều điều hơn để nói cho nhân loại, các thày có một chương trình tiết lộ tuần tự, liên tục. Phải, các thày đã bảo trợ một số tổ chức và sứ giả. Và phải, các tổ chức và sứ giả này đã chính đáng khi họ còn truyền đạt lời tiết lộ tuần tự mới, nhưng rồi đợt truyền pháp đã phải ngừng lại vì lý do này hay lý do khác.

Có nghĩa chăng là các chân sư thăng thiên không còn gì để nói nữa? Các thày đã có những đệ tử của chân sư thăng thiên sử dụng cùng y chang cách lý luận như các tín đồ tôn giáo chính thống để đả phá vị sứ giả đến sau sứ giả của mình. Thế con có nghĩ các thày mong muốn đệ tử rơi vào cùng khung tư duy như các tín đồ chính thống hay cực chính thống kia hay không? Con có nghĩ là các thày muốn con đóng tâm mình lại đối với những tiết lộ tuần tự liên tục, và cứ bám chặt vào một tổ chức hay một sứ giả nhất định? Không, các thày không muốn vậy. Các thày muốn con bước tới khi con sẵn sàng bước tới.

Điều này không có nghĩa là con phải bước tới ngay bây giờ. Một lần nữa, các thày không tìm cách lôi kéo mọi người đi theo giáo lý của chân sư thăng thiên, và cũng không tìm cách khiến ai nấy tu tập theo một lời dạy nhất định nào của chân sư, kể cả lời dạy này đây. Mà điều này có nghĩa là các thày muốn đệ tử của mình cởi mở với sự chỉ đạo từ bên trong mỗi người. Nếu con nhận được chỉ đạo là nên nhìn xa hơn một lời dạy vỏ ngoài, hay xem đến một lời dạy mới, các thày muốn con đi theo chỉ đạo nội tâm đó thay vì quyết định với tâm vỏ ngoài: “Ồ không thể nào, các thày không thể nào còn gì để nói thêm nữa vì chuyện này đã được giảng dạy trong giáo lý trước rồi.”

Khi con làm vậy, con đang không làm theo lời thày nói ở cuối bài giảng trước. Con đã không cho các thày làm thày, và con đã không chấp nhận mình làm trò. Con nghĩ con đã trở thành bậc thày có thể bảo chân sư phải nói gì hay không được nói gì, nói khi nào và nói cách nào. Đây không phải là một thái độ xây dựng nếu con muốn vươn lên khỏi mức tâm thức hiện tại của con. Đó chắc chắn không phải là một thái độ xây dựng nếu con muốn vươn lên cấp thứ bảy của Tia thứ Hai, thậm chí vượt lên trên mà bước vào khai ngộ của Tia thứ Ba.

16.4. Tự do trong Tánh linh Minh triết

Để vươn lên cấp thứ bảy và vượt qua cuộc khai ngộ ở đó, con cần đạt được tự do về mặt minh triết. Điều này có nghĩa là, trước tiên, con tự do bước tới khi Tánh linh Minh triết đưa con đi tới. Con không sử dụng tâm vỏ ngoài hay một lời dạy vỏ ngoài nào đó để hạn chế, giới hạn, hạ thấp Tánh linh Minh triết. Khi con cảm thấy sự thúc đẩy nội tâm để bước tới thì con bước tới. Con liên tục tìm cách gia tăng sự hòa điệu của con với tánh linh. Đây là tự do, đây là điều mà các thày mong muốn nhìn thấy nơi đệ tử. Các thày không đang nói là con cần quyết định với tâm vỏ ngoài là mình sẽ bỏ lại một lời dạy trước và bước theo một lời dạy khác, mà thày nói là con cần vượt khỏi tâm vỏ ngoài, cần cảm nhận và biết được từ bên trong là tánh linh đang thúc đẩy con bước tới về đâu.

Tự do là một trong những khái niệm khó nắm bắt nhất, như thày Saint Germain đã giảng mấy lần. Tự do là thách đố tối hậu, ít ra cho tới khi con vượt qua khai ngộ của tầng thứ 96. Tự do hoàn toàn tự do, thế nhưng tự ngã và hàng ngũ giả trá của những kẻ mạo danh muốn gì? Chúng muốn tự do chỉ có thể tự do theo sự quy định của các điều kiện trên hành tinh. Tất nhiên điều này không đúng. Con sẽ không tự do thật sự cho tới khi con trở thành một với Tánh linh Minh triết, và con sẽ không trở thành một với tánh linh đó nếu con muốn ép uổng nó vào một khuôn khổ được thiết kế trên trái đất. Giản dị là tánh linh sẽ không tuân thủ, cũng như Tánh linh Minh triết sẽ không tuân thủ mọi nỗ lực của con nhằm ép uổng nó vào một khuôn khổ nhất định.

Khi con đến với khai ngộ của tia thứ bảy tại khóa nhập thất của thày, dĩ nhiên là con chưa đạt đến tầng tâm thức thứ 96. Không ai chờ đợi con ở mức đó. Không ai chờ đợi con đã đạt tới tầng 144 và sẵn sàng thăng thiên. Nghĩa là không có cách chi con có thể nắm bắt được minh triết cao nhất. Bất kỳ giáo lý vỏ ngoài nào mà con đã chấp nhận ở điểm này là giáo lý mà con có khả năng nắm bắt ở mức tâm thức hiện thời của con, là giáo lý mà con đã phát hiện trong hoàn cảnh vỏ ngoài của con, chẳng hạn nền văn hóa và nơi con đã lớn lên. Đó là giáo lý tốt nhất cho con ngay lúc này, dựa trên trình độ tâm thức và hoàn cảnh vỏ ngoài của con. Các thày không hề mong muốn con tự ép mình từ bỏ một giáo lý nào đó hay ôm lấy một giáo lý khác.

Điều các thày thật sự mong muốn là con đạt được tự do để nhận đón giáo lý mà con hiện có, và sử dụng nó tốt nhất hầu tăng trưởng thêm nữa. Các thày mong muốn con tự do khi con tiếp nhận, học hỏi, thực hành và sống theo giáo lý mà con có, giáo lý đang hấp dẫn con trong hoàn cảnh hiện tại của mình cho dù giáo lý đó là gì – một giáo lý của chân sư thăng thiên, của một tôn giáo khác hay một giáo lý tâm linh nào khác. Ngay cả nếu con không theo một giáo lý nào, các thày cũng không bảo con nên ép mình tìm theo một giáo lý nào đó. Các thày muốn con cảm thấy mình tự do khi học hỏi, thể nhập và sống đúng với minh triết mà mình đang có. Con chỉ có thể thực sự tự do học hỏi, thể nhập và áp dụng một giáo lý nếu con không tìm cách ép buộc bản thân bằng tâm vỏ ngoài.

16.5. Thể nhập một giáo lý tâm linh nghĩa là gì 

Con có nhớ thày nói gì về bước nhảy lượng tử, là bước nhảy cần thiết trước khi chim con có thể bước ra khỏi tổ và cất cánh bay lên lần đầu? Nếu con cố gượng ép bằng tâm vỏ ngoài hầu tuân thủ một lời dạy hay một giáo điều, một bộ quy tắc hay ngay cả một phương pháp tu tập vỏ ngoài, thì con sẽ không tự do cho phép tánh linh đưa con đi tới. Điều này có nghĩa là con sẽ không thể thực sự thể nhập và áp dụng giáo lý mà con đang có. Nếu con thành thật nhìn vào các phong trào tâm linh và tôn giáo, đâu là một trong những vấn đề chủ yếu mà con thấy được? Chính là vấn đề rất nhiều người nói mà không làm được. Họ có một giáo lý, chẳng hạn họ biết là Giê-su đã dạy mình phải chìa má bên kia. Việc nhận giáo lý trong tâm vỏ ngoài là một chuyện, còn việc thực hành, sống đúng theo giáo lý trong những hoàn cảnh bất ngờ là chuyện khác. Nhiều người cảm thấy mình đã nắm chắc được một lời dạy và đã có thể sống theo lời dạy đó, nhưng khi một tình huống bất ngờ xảy đến, thì bỗng nhiên, họ không thể áp dụng lời dạy được nữa. Con để ý ở đây, thày đang không mỉa mai hoặc chê bai. Thày chỉ nói ra sự thể một cách thẳng thắn. Thày không lên án, và thày không nói ra để khơi lên trong con bất kỳ cảm giác thiếu sót hay tội lỗi nào. Thày nói ra vì thày mong con nhìn ra một cách ý thức là khi con không thể làm đúng theo lời nói, khi con không thể thực hành một lời dạy, đó là vì con chưa tự do để thể nhập được lời dạy. Con chưa tự do vì con còn cố dùng tâm vỏ ngoài để ép buộc tánh linh của con phải tuân thủ một giáo lý hay một bộ quy tắc vỏ ngoài.

Con thử suy ngẫm xem việc sống thực với một giáo lý tâm linh có nghĩa là gì. Con có hai cách nhìn vấn đề này. Cách mà hầu hết mọi người đều dùng là định nghĩa một giáo lý vỏ ngoài, định nghĩa một bộ quy tắc hành xử, xong dùng tâm vỏ ngoài để tự ép mình phải tuân thủ các quy tắc đó. Họ cho rằng chỉ có việc định nghĩa, “Phải làm cái này, không được làm cái kia,” và nếu họ tuân thủ cách hành xử bên ngoài thì họ sẽ làm đúng theo lời nói, họ sẽ sống đúng theo lời dạy. Nhưng tại sao con lại cần một lời dạy vỏ ngoài chứ?

Là một người cởi mở với giáo lý của chân sư thăng thiên, con cũng cởi mở với khả năng là con có thể đạt tới điểm thăng thiên khỏi địa cầu. Như thày vừa giải thích, thăng thiên là bước nhảy lượng tử tối hậu khi con phải vứt bỏ mọi luật lệ, hạn chế, giới hạn và mọi điều tin tưởng từ trái đất. Con phải buông bỏ tất cả những thứ đó. Nếu con vẫn còn cố ép buộc mình phải áp dụng một bộ quy tắc vỏ ngoài, thì làm sao con có thể thăng thiên? Điều các thày cứ cố giảng và lặp đi lặp lại là thăng thiên là một tiến trình hợp nhất với tánh linh, nhưng làm sao con có thể hợp nhất qua trung gian tâm vỏ ngoài là cái tâm khởi lên từ tâm thức tách biệt? Làm sao con có thể giải quyết một vấn đề với cùng trạng thái tâm thức đã tạo ra vấn đề? Làm sao con có thể hợp nhất qua tâm thức tách biệt? Làm sao cái ngã sinh diệt, tự ngã, có thể đưa con lên trạng thái thăng thiên?

Đó là tại sao thày bảo rằng sự phát triển tâm linh không phải là một tiến trình đường thẳng. Không phải là chuyện định ra một bộ quy tắc xong phải sống gượng theo đó, mà là chuyện đạt đến một sự nhìn nhận nội tâm, một chứng ngộ nội tâm. Đâu là nhìn nhận nội tâm mà con cần đạt đến? Biết bao người tâm linh trên địa cầu tin là giáo lý đặc thù của họ đã định ra một bộ luật lệ quy định những điều kiện để xứng đáng vào được cõi tâm linh, vào được nước trời, vào được trạng thái thăng thiên hay bất kỳ cách định nghĩa nào của họ. Nhưng một giáo lý đích thực sẽ không nói vậy. Một giáo lý đích thực nói rằng khi con hợp nhất với tánh linh mà con là, con sẽ trong Nước Trời, bởi vì tánh linh đó chính Nước Trời, và Nước Trời là một trạng thái hợp nhất với tánh linh.

Tâm vỏ ngoài của con cho rằng chỉ có vấn đề mình cố sống theo luật lệ vỏ ngoài, nhưng kỳ thực, vấn đề là mình phải tự giải phóng khỏi giới hạn vỏ ngoài. Vấn đề là con cần nhận ra con chính là cái mà các thày gọi là cái Ta Biết, một sinh thể vô hình tướng. Con không hề được định nghĩa bởi bất kỳ hình tướng nào trên trái đất, và do đó con không phải sống theo bất kỳ hình tướng nào trên trái đất hầu bước vào Nước Trời. Con phải tách mình ra khỏi sự đồng hóa với mọi hình tướng và bước vào sự hợp nhất với tánh linh mà con thật là.

16.6. Làm thế nào sống thực với một giáo lý tâm linh 

Để sống đúng theo một lời dạy tâm linh, con cần những gì? Chẳng hạn, lấy lời của Giê-su dạy con chìa má bên kia. Làm thế nào con sẽ sống thực, sống đúng với lời dạy này và đáp lại mọi sự xảy ra trên địa cầu một cách bất bạo động? Con có thấy chăng là con không bao giờ có thể làm được qua ngã tách biệt? Ngã tách biệt là tách biệt, có nghĩa là nó cảm thấy bị đe dọa bởi những chuyện của thế gian. Nó bị những chuyện thế gian đe dọa vì nó là một thể sinh diệt, có khả năng bị thế gian làm hại. Nhưng Hiện diện TA LÀ của con hiện hữu nơi một cõi cao hơn. Nó không cảm thấy bị đe dọa bởi bất kỳ điều kiện nào trên điạ cầu vì nó biết rõ nó không thể bị những điều kiện này làm tổn thương. Hiện diện TA LÀ không có vấn đề gì sống thực với lời dạy chìa má bên kia. Nó sẽ chìa má bên kia như một cách thể hiện chính bản chất của nó.

Các thày đã ban ra lời dạy – và đây là một lời dạy rất quan trọng – rằng cái Ta Biết hiện hữu ở giữa Hiện diện TA LÀ và ngã vỏ ngoài. Câu hỏi thực sự ở đây là: Làm thế nào cái ta thật của con, cái Ta Biết, có thể sống thực với lời dạy chìa má kia? Liệu con có thể làm được bằng cách đồng hóa với ngã vỏ ngoài hay không? Không thể được, vì ngã vỏ ngoài không bao giờ sống thực được với lời dạy đó. Điều mà ngã vỏ ngoài có thể làm được là tạo ra một tâm ảnh, nói rằng: “Tôi không được làm một số hành vi bạo lực.” Xong con tự ép mình phải sống theo tâm ảnh đó bằng cách nhịn không có hành vi bạo lực, và con có thể làm vậy thành công nếu con không phải đương đầu với những điều kiện chấn động khiến con bị mất thế cân bằng của con.

Ví dụ, nhiều tín đồ đạo Cơ đốc có thể tỏ ra bất bạo động, ôn hòa và bình tĩnh miễn là họ ở trong tình huống mà họ cảm thấy hoàn toàn kiểm soát được. Nhưng thử đặt họ vào một tình huống chấn động, con sẽ thấy họ bắt đầu bị lung lay trong quyết tâm chìa má bên kia. Rất dễ xảy ra những tình huống khi họ không thể làm đúng theo lời nói được nữa, vì tình huống quá khác với những gì họ kiểm soát được. Tâm vỏ ngoài luôn tìm cách đạt được một điều gì đó qua sự kiểm soát, nhưng như các thày đã giảng, mọi chuyện con làm trên địa cầu đều trở thành xung năng lượng được phóng ra tấm gương vũ trụ và được tấm gương này phóng ngược trở về, nhân lên gấp mấy lần.

Chính do con tìm cách đạt được bất bạo động qua sự kiểm soát mà con đã gửi ra một xung năng lượng sẽ được tấm gương gửi trả về dưới hình thức những tình huống gay gắt hơn tình cảnh hiện thời của con. Chỉ là một vấn đề thời gian trước khi những gì được tấm gương phóng trở về sẽ gay gắt hơn khả năng kiểm soát bằng tâm vỏ ngoài, và con đánh rơi mất quyết tâm chìa má kia ra. Thế là con có hành vi bạo lực, và tất nhiên, tự ngã và hàng ngũ giả trá của những kẻ mạo danh sẽ đứng ngay ở đó, và giờ đây chúng muốn con phải cảm thấy tội lỗi vì con đã không làm đúng những gì con nói. Thế là con bị rơi vào vòng xoắn ốc đi xuống cố hữu khi con cố tự biện minh và càng cố tự kiềm chế mình hơn nữa. Cuối cùng, tất cả biến thành một nỗi căng thẳng to lớn đến độ, không sớm thì muộn, con sẽ phải chịu thua và thốt lên: “Tôi không thể làm thế này được nữa.”

Các thày thà thấy đệ tử nhận ra là có một phương thức hay hơn, và phương thức hay hơn đó là nhận ra mình là cái Ta Biết. Con có sự chọn lựa rút mình ra khỏi sự đồng hóa với tâm vỏ ngoài, với ngã tách biệt. Thay vào đó, con có thể đi vào hợp nhất với Hiện diện TA LÀ. Giờ đây, con không bất bạo động do đã tự ép mình phải làm theo ý tưởng vỏ ngoài, mà do con cho phép Hiện diện biểu đạt xuyên qua con, và ngay trong bản chất của nó, Hiện diện vốn là bất bạo động.

Đó chính là cách con làm đúng theo lời nói. Đó là cách sống thực với lời dạy, bằng cách cho phép cái Ta Biết tự tháo gỡ ra khỏi sự đồng hóa với ngã vỏ ngoài, và chuyển ý niệm bản sắc của mình vào sự đồng hóa với Hiện diện TA LÀ. Con đang trở thành cánh cửa mở để Hiện diện TA LÀ biểu đạt xuyên qua con, và đây thật là cách duy nhất để con làm đúng theo lời nói, cách duy nhất để hội nhập, thể nhập và thể hiện hoàn toàn một lời dạy tâm linh. Con không hề có ý muốn thể hiện giáo lý tâm linh vỏ ngoài.

Mục tiêu của con không phải là biết rõ và tuân thủ một bộ quy tắc vỏ ngoài. Mục tiêu của con là chỉ sử dụng giáo lý tâm linh như một cái thang để leo về hướng hợp nhất với tánh linh, rồi con cho phép tánh linh biểu lộ qua con.

16.7. Leo lên hợp nhất với tánh linh

Các thày thừa hiểu là ở cấp khai ngộ này, con chưa thể hoàn toàn làm được như vậy. Các thày không đòi hỏi điều đó nơi con. Điều mà các thày yêu cầu là con hãy xem xét những lời dạy này, ngay cả bằng tâm ý thức, và con thử nhìn xem con cần những gì để nhảy bước lượng tử trong nhận biết ý thức, hầu chuyển hẳn trọng tâm của mình ra khỏi việc tuân thủ giáo lý vỏ ngoài. Thay vào đó, con chuyển trọng tâm vào việc tìm kiếm trước tiên vương quốc Thượng đế, để tất cả mọi thứ khác sẽ được bồi thêm cho con khi con tìm hợp nhất với tánh linh. Và con đặt điều đó làm mục tiêu vỏ ngoài, mục tiêu ý thức của con.

Thày cũng thừa hiểu là con không thể lập tức nhảy vào hợp nhất với tánh linh, nhưng khi con đến với cấp khai ngộ thứ bảy dưới Tia sáng thứ Hai, con có khả năng nhận ra minh triết cao hơn không phải là chuyện đem một giáo lý tâm linh ra áp dụng theo kiểu bao nhiêu người đã từng làm trong quá khứ. Minh triết cao hơn mà con có thể bước lên là nhận ra mục tiêu của một giáo lý tâm linh là nhập một với tánh linh đứng đằng sau giáo lý. Khi con đặt điều này làm mục tiêu của con, con sẽ tự do hơn rất nhiều. Con không phải ép mình tuân thủ một cách diễn giải đường thẳng về giáo lý vỏ ngoài cùng những quy tắc của nó. Con sẽ ngạc nhiên cảm thấy mình nhẹ nhõm hơn hẳn khi mình không còn phải cưỡng bức bản thân – không chỉ cách hành xử vỏ ngoài mà cả suy nghĩ lẫn cảm xúc của mình.

16.8. Khác biệt giữa giáo lý thực và giả

Có khi nào con lùi lại để tự kiểm điểm và nhìn xem mình đã sử dụng một giáo lý tâm linh để cưỡng ép ý tưởng, cảm xúc cùng cách hành xử của mình vào một số khuôn nếp do giáo lý ấn định? Liệu con đã cho phép mình cảm thấy độ căng thẳng mà chuyện này gây ra cho con? Thày biết rõ cái ngã vỏ ngoài, hàng ngũ giả trá của những kẻ mạo danh và nhiều người khác nữa sẽ nói gì về lời dạy này. Chúng sẽ bảo: “Đây nhất định là lời dạy giả trá, vì chẳng phải giáo lý đã dạy rằng nếu bạn bền bỉ thực hành giáo lý thì chắc chắn bạn sẽ đạt được mục tiêu tối hậu hay sao?” Nhưng giáo lý có bảo vậy đâu – trừ khi đó là một giáo lý giả trá.

Một giáo lý đích thực của chân sư thăng thiên sẽ nói, nếu con bền bỉ và luôn luôn nỗ lực thăng vượt mức tâm thức hiện thời của con, thì con sẽ hội đủ tư cách để thăng thiên. Đây là tất cả những gì một giáo lý tâm linh đích thực có thể nói. Một giáo lý đích thực không thể hứa hẹn là bằng cách tuân theo luật lệ và nghi thức vỏ ngoài, hoặc tin vào một giáo lý vỏ ngoài, thì con sẽ tự động đủ tư cách thăng thiên. Một giáo lý đích thực chỉ có thể được ban ra từ cõi thăng thiên, và một sinh thể đã thăng thiên biết rõ con cần gì để thăng thiên. Sinh thể đó biết rõ là cuối cùng, con sẽ phải thăng vượt mọi giáo lý vỏ ngoài, mọi hình ảnh cũng như mọi tin tưởng biểu đạt qua ngôn từ.

Con phải buông tất cả và đi vào hợp nhất với tánh linh không thể bị giam cầm trong ngôn ngữ. Tánh linh có thể biểu hiện qua ngôn từ, nhưng nó không thể bị giới hạn trong bất kỳ lời biểu đạt nào. Nó luôn luôn là nhiều hơn những gì có thể được biểu đạt, và con chỉ có thể hợp nhất với tánh linh bằng cách vươn tới cái nhiều hơn đó vượt khỏi ngôn từ. Khi con tập trung sự chú ý vào ngôn từ, trên cơ bản con đang nói với tánh linh: “Hãy để mặc cho tôi yên, vì tôi muốn cảm thấy cao trội khi tôi làm theo giáo lý vỏ ngoài này.” Con có toàn quyền lấy quyết định đó. Thày chỉ có thể bênh vực cho quyền của con, nhưng thày cũng cần nói là khi làm vậy, con đã đánh mất Tánh linh Minh triết mà TA LÀ.

Con không thể là đệ tử của thày nếu con chối bỏ tánh linh mà TA LÀ. TA LÀ Lanto. Thày là Thượng sư của Tia sáng thứ Hai. Thày có thể biểu đạt qua ngôn từ như thày đã làm qua quyển sách này. TA LÀ bên trong ngôn từ, nhưng thày cũng là nhiều hơn ngôn từ. Nếu con cho là con có thể cầm quyển sách này và tìm hiểu nó, rồi tìm hiểu và tìm hiểu nó thêm nữa, rồi thực hành các dụng cụ, rồi sẽ hợp nhất với tánh linh, thì con lầm rồi. Con chỉ đến được hợp nhất với thày bằng cách thăng vượt giáo lý và dụng cụ vỏ ngoài. Con sử dụng giáo lý và dụng cụ để hòa điệu với tánh linh. Điều mà biết bao người sùng đạo đã làm suốt các thời đại là dựng lên một giáo lý vỏ ngoài, tôn nó lên là cao siêu, xong tìm cách ép uổng Thượng đế – họ cưỡng ép tánh linh – phải tuân theo và đồng thời cũng xác nhận giáo lý vỏ ngoài đó. Một lần nữa, đây lại là cái ngã tách biệt muốn áp đặt mọi thứ. Con nghĩ xem tự ngã và ngã tách biệt có bao nhiêu xác suất cưỡng ép được tánh linh vào trong một khuôn đúc? Trên địa cầu quả là có rất, rất nhiều người tin vào những lời dối trá do sa nhân lan truyền bảo rằng tánh linh có thể bị bắt buộc phải tuân thủ. Từ rất lâu, các sa nhân đã tin rằng một ngày nào đó, chúng sẽ có khả năng tạo ra áp lực to lớn đến độ chính Thượng đế cũng phải tuân theo định nghĩa của chúng về Thượng đế.

Khi con đến cấp thứ bảy tại khoá nhập thất ở Royal Teton, con cũng đạt đến điểm nhảy được một bước lượng tử và chiêm nghiệm được sự sai lầm của cái nhìn đó. Con có khả năng nhìn ra là Tánh linh Minh triết sẽ không bao giờ tuân thủ một giáo lý vỏ ngoài biểu đạt qua lời nói. Nó sẽ luôn luôn là nhiều hơn, và con sẽ chỉ biết được tánh linh bằng cách vượt qua ngôn từ và nhập một với tánh linh. Điều này con có khả năng biết được. Con có khả năng biết được trong tâm ý thức, và khi con biết, con có thể tự do.

Bất kể giáo lý mà con đang áp dụng ở mức hiện thời của con là gì, con hãy đón nhận nó. Hãy học hỏi, thực hành, nhưng trước tiên hết, con hãy nỗ lực thể nhập nó, nỗ lực sử dụng giáo lý vỏ ngoài để với tới tánh linh vượt khỏi giáo lý. Nếu con chịu làm vậy, bất cứ giáo lý vỏ ngoài nào cũng sẽ đưa con lên cao hơn. Nó sẽ đưa con đến điểm cao nhất trên đường tu mà nó có thể. Rồi sau đó nếu con vẫn nỗ lực hợp nhất với tánh linh, con sẽ nhận được sự chỉ đạo nội tâm cho con biết con nên đi về đâu tiếp theo sau, có thể là một giáo lý vỏ ngoài nào khác, hoặc cũng có thể là con sẵn sàng đi sâu vào bên trong và thiết lập mối liên hệ trực tiếp với cái Ta Ki-tô của con, Hiện diện TA LÀ của con cùng các chân sư thăng thiên.

16.9. Phối hợp bước đường thẳng với bước nhảy lượng tử

Tại khóa nhập thất Royal Teton, thày đã thiết lập một căn phòng đặc biệt để đón nhận các đệ tử đã bắt đầu nắm bắt khai ngộ của cấp thứ bảy. Thày sẽ không đưa họ vào trước khi họ thực sự nắm bắt được khai ngộ này, mà chỉ sau đó. Như một phần thưởng, thày sẽ dẫn họ vào căn phòng và cho họ thấy hành tinh địa cầu có thể được chiêm ngưỡng như một tấm thảm đẹp tuyệt đến chừng nào. Nó gần giống như một tấm bản đồ, và nó cho con thấy có một mục tiêu mà con cần đạt đến. Mục tiêu này gần giống như một ngọn núi, và tấm thảm cho con thấy có nhiều con đường khác nhau dẫn đến núi. Nó cũng cho thấy không có đường nào dẫn thẳng đến núi, vì mỗi con đường đều có một số chặng nhất định nơi con phải vượt qua một vực sâu, một ranh giới nào đó.

Trên hầu hết cuộc hành trình, con sẽ đi bộ, nhưng có một số điểm con không thể vượt qua bờ bên kia bằng đường bộ. Có thể là một con sông, hay một hẻm núi thật sâu. Có thể là một đầm lầy hay một khu rừng rậm. Nhưng con không thể đi bộ mà vượt qua được. Con phải tìm cách khác. Con phải nhảy một bước lượng tử, như thày đã chỉ. Con có thể tiến khá xa bằng cách đi bộ, nhưng nếu con gặp một con sông, đi bộ mãi sẽ không giúp con đâu. Con cần một phương tiện vận chuyển khác. Con cần một con thuyền, hay khi con tới hẻm núi, có thể con sẽ cần một cây cầu hay một sợi dây để mà lướt qua.

Ý của thày là ở mức này, đệ tử có thể thấy được là đường tu không phải là một hành trình thuần đường thẳng, mà là sự phối hợp của những bước đường thẳng với những bước nhảy lượng tử. Có những lúc con đi bộ qua một loạt những bước đường thẳng, nhưng cũng sẽ có lúc con phải nhảy lượng tử để sang được bờ bên kia. Nếu con không nhảy lượng tử mà cứ đi bộ mãi, cuối cùng con sẽ chỉ đi lòng vòng mà thôi, như con cũng dư biết người nào đi bộ trong sa mạc mà không có cột mốc cũng sẽ đi lòng vòng như vậy.

Khi đệ tử nhìn thấy tấm thảm, họ thường vô cùng hứng khởi. Họ thấy được vẻ đẹp sâu xa của con đường tâm linh. Họ thấy được đằng sau tất cả mọi điều kiện mà mình đã phải đối mặt, có một hành trình tuyệt vời dẫn mọi người trở về nhà. Có nhiều đệ tử đã phải đương đầu với nhiều tình cảnh vô cùng gian khó trong đời sống vỏ ngoài của mình, nhưng khi họ đến được mức này của khóa nhập thất, thày có thể chỉ cho họ thấy là cho dù hoàn cảnh của họ có thể xấu xa, ô trọc, đáng ghét đến đâu đi nữa, thì tất cả vẫn có thể được biến thành những viên đá lót đường để giúp họ tiến bước. Tất cả mọi hoàn cảnh đều có thể được sử dụng để đẩy con lên cao hơn khi con thăng vượt hoàn cảnh vỏ ngoài và chạm được tánh linh đằng sau.

Tánh linh luôn luôn đứng đằng sau mọi thứ. Lời gian dối của ngã vỏ ngoài và các thày giả là bảo rằng có những điều kiện trên địa cầu xấu xa, nhục nhã, hèn hạ, vô nhân và phản tâm linh đến độ con không thể nào tìm được tánh linh trong đó. Về mặt minh triết, hàng ngũ giả trá sẽ muốn con tin rằng con phải tuân thủ một lời biểu đạt vỏ ngoài của minh triết, và do đó, con không bao giờ có thể chạm được Tánh linh Minh triết. Tất cả những gì con cần là minh triết vỏ ngoài, và nó sẽ đưa con tới điểm đích cuối cùng. Khi con nhìn ra đó chỉ là một ngõ cụt và không có chút thực thể nào, con tự do nhận đón minh triết dưới một dạng cụ thể, nhưng con cũng nhận ra mục tiêu thực sự là chạm được tánh linh. Cho dù hoàn cảnh vỏ ngoài, hay dạng vỏ ngoài của biểu đạt minh triết có là gì đi nữa, thì mục tiêu thật sự vẫn là chạm được minh triết.

16.10. Bước tới khai ngộ của Tia thứ Ba 

Một khi con nhận ra điều này, con sẽ tự do xuôi chảy với Tánh linh Minh triết. Sau đó, thày sẽ đưa con vào một cuộc hành trình nơi con sẽ, trong một khoảng thời gian, chiêm nghiệm cảm giác mình đang xuôi chảy với Tánh linh Minh triết. Hành trình sẽ không dài lắm, vì mục đích không chỉ để tận hưởng cuộc xuôi chảy với minh triết, mà thực sự là để vượt qua vực sâu sẽ dẫn con từ khai ngộ của Tia thứ Hai đến khai ngộ của Tia thứ Ba cùng với vị bào huynh yêu dấu của thày, Paul người Venice, đang chờ đón con tại Chateau de Liberty. Sau đó thày Paul sẽ đưa con qua các khai ngộ, bảy cấp khai ngộ dưới Tia thứ Ba của Tình thương Thượng đế.

Thật là một niềm vui rất lớn cho thày khi một đệ tử đã sẵn sàng. Con có thể nghĩ là thày sẽ muốn giữ lại trong tu viện của thày những đệ tử nào đã vượt qua mọi cấp khai ngộ. Đó là cách suy nghĩ của người phàm phu. Tâm phàm phu sẽ cho rằng mục đích của thày, chân sư của Tia thứ Hai, là nâng học viên qua tất cả các khai ngộ trong khóa nhập thất của thày để sau đó được tận hưởng thành quả công khó của mình. Thày sẽ muốn phô trương những học trò giỏi nhất của mình và cảm thấy tự hào là mình đã dẫn họ đi xa đến chừng này. Đó là điều mà một thày giả sẽ làm, nhưng thày không là một thày giả. Thày là chân sư.

Mục đích duy nhất của thày khi dạy dỗ một học trò là đưa học trò đó tới mức xa nhất trong trách vụ của thày, và sau đó giúp người đó bước đi tiếp lên mức khai ngộ kế tiếp. Không phải khi nhìn thấy học trò vượt qua mức khai ngộ tối hậu mà thày có được niềm vui và lòng thỏa nguyện cao nhất, mà là được thấy người đó tiếp tục bước tới, rồi được Paul người Venice chào đón ở bên kia. Đó chính là niềm vui tột cùng của thày. Thày cũng biết là sau khi con đạt đến tầng khai ngộ thứ 96, con sẽ dễ dàng trở về với thày nếu con muốn thế, nhưng thày không có nhu cầu và cũng không có mong muốn sở hữu bất cứ ai hay bất cứ gì, bởi vì thày tự do.

Thày không xuôi chảy cùng với Tánh linh Minh triết, vì TA LÀ Tánh linh Minh triết. Điều này nghe có vẻ là một sự phân biệt vô nghĩa ở mức tâm thức hiện thời của con, nhưng trước khi con thăng thiên khỏi địa cầu này, con sẽ hiểu được ý nghĩa đầy đủ của câu thày vừa nói. Con sẽ nhận ra là chính con cũng Tánh linh Minh triết cũng như tánh linh của cả sáu đức tính kia của Thượng đế. Thậm chí con sẽ biết con là một tánh linh vượt khỏi các tia sáng nhưng một sự phối hợp của tất cả các tia sáng – và con còn là hơn thế nữa, bởi vì tia sáng thì có hình tướng, nhưng tánh linh thì vượt khỏi hình tướng.

Và chình thày cũng là thế, cho dù thày khoác vào một hình dạng nào đó để con có một cái gì mà nắm lấy ở mức tâm thức hiện thời của con. Nhưng con hãy đừng nghĩ thày có thể bị giới hạn trong hình tướng mà thày đã khoác lấy. Mặc dù thày không phải là Chân sư MORE, nhưng thày là một chân sư, và TA LÀ nhiều hơn (more). TA LÀ Lanto, Chủ tể của Tia sáng thứ Hai. Nhưng thày là nhiều hơn Thượng sư, vì thày là tánh linh không thể diễn tả thành lời. Khi nào con biết được, ngộ được, rằng con cũng không thể diễn tả được thành lời, thì con sẽ biết thày.