Một hiểu lầm về cách vận hành của các kỹ thuật tâm linh

Hỏi: Thày Giê-su thân yêu, con ngày càng bối rối bởi nghịch lý sau đây: Trong khi ông Kim, sứ giả của thày, tiết lộ những hiểu biết vô cùng sâu sắc về bản chất của cõi thiêng liêng và Ki-tô, thì cùng lúc ông lại đưa cho chúng con những bài đồng dao vườn trẻ như là bí quyết để đạt được trạng thái bất nhị. Con đã thử đọc những bài này nhưng con thật không nghĩ là các Elohim đang chú ý. Con biết, vì con đã từng đạt được trạng thái bất nhị, và con không thể đạt được trạng thái này khi sử dụng những bài đồng dao vườn trẻ. Vấn đề có phải là con chăng (đương nhiên rồi, con biết)?

Câu hỏi thực sự của con: Từ khi trang mạng của thày được thiết lập, đã có ai báo cáo là mình đã đạt được sự kết hợp bất nhị đích thực với đấng Ki-tô Toàn vũ hay chưa? Một lần nữa, với tất cả sự kính trọng và yêu thương. David.


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 15/1/2021.

Ta có thể hiểu được nếu có người xem các bài chú, bài thỉnh mà các chân sư đưa ra chỉ là những bài đồng dao cho vườn trẻ. Ta cũng hiểu được nếu có người sử dụng những kỹ thuật của chúng tôi với kỳ vọng đạt được một trải nghiệm tâm linh. Tuy nhiên, ta không thể hiểu làm thế nào một người có thể dùng những bài đó với thái độ là chúng chẳng hơn gì bài đồng dao vườn trẻ, và ĐỒNG THỜI chờ đợi đạt được một trải nghiệm tâm linh. Đây là một sự hiểu lầm về cách vận hành của các kỹ thuật tâm linh.

Một người có thể ghét xe ô tô và nghĩ rằng xe ô tô chịu trách nhiệm đâm chết người, cày nát đất đai hay làm hâm nóng khí hậu. Nhưng khi người đó bước vào xe, vặn chìa khóa lên thì chiếc xe sẽ phải nổ máy. Lý do là vì công nghệ là một bộ máy cơ học sẽ chạy tốt cho đù người sử dụng có nghĩ gì về nó. Trái lại, một kỹ thuật tâm linh KHÔNG PHẢI là một bộ máy cơ học.

Những gì con bỏ vào một kỹ thuật tâm linh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những gì con lấy ra. Nếu con muốn một trải nghiệm thần thánh thì con hãy tiếp cận kỹ thuật đó với một thái độ tôn kính và thần thánh. Nếu con không làm được thì con hãy thừa nhận như vậy và không sử dụng kỹ thuật. Hãy tìm một kỹ thuật nào khác mà con có thể tiếp cận với một thái độ xây dựng hơn. Ngừng phóng chiếu nỗi nghịch lý nơi chính nội tâm con vào bất cứ gì ở ngoài con, và giải quyết vấn đề ở ngay gốc của nó. Con thử lắng nghe chính lời con nói: “Con ngày càng bối rối…” và sẵn lòng thừa nhận là nếu con không an bình, thì đây là vấn đề mà con cần giải quyết.

Các bài chú và bài thỉnh không được thảo ra đặc biệt để sản xuất những trải nghiệm bất nhị. Trải nghiệm bất nhị là một kinh nghiệm nội tâm. Một kinh nghiệm như thế xảy ra được là do cái Ta Biết được tạo bằng chính bản thể và tâm thức của Thượng đế. Vì vậy, cái Ta Biết không thể bao giờ đánh mất khả năng hòa điệu với một tầng thực tại vượt ngoài thế giới quan nhị nguyên của tâm phản-Ki-tô và giác quan vật lý.

Cái Ta Biết có thể có nhiều loại kinh nghiệm bất nhị, và không phải bất cứ ai đọc chú hay đọc thỉnh với thái độ đúng đắn cũng có được một hình thức kinh nghiệm tâm linh, dù là trong khi đang đọc hay khi thiền định sau khi đọc.

Tuy nhiên, bài thỉnh và bài chú là những kỹ thuật rất tích cực, hướng ra ngoài, ngược lại với các kỹ thuật trầm tư, hướng vào bên trong. Cho nên chúng không được thiết kế để cho con kinh nghiệm bất nhị, mà là một dụng cụ để giải quyết những tin tưởng nhị nguyên cũng như thỉnh cầu và điều hướng năng lượng tâm linh.

Đương nhiên, khi con làm thông sạch cả bốn tầng của tâm con, con sẽ đạt sự rõ ràng hơn, và điều này sẽ mở đường cho những kinh nghiệm tâm linh đủ loại. Tuy nhiên, việc này có thể tốn nhiều năm trời, tùy vào lượng rác rưởi được chất nơi gác thượng của tâm con. Cho nên điều khôn ngoan là con nên tiếp cận mọi kỹ thuật tâm linh một cách không những kiên nhẫn, mà còn hoàn toàn không dính mắc vào bất kỳ hình thức trải nghiệm nào mà con có thể có qua việc sử dụng kỹ thuật tâm linh.

Lý do là vì một kinh nghiệm bất nhị không thể được sản suất tùy ý. Đó không phải là một sản phẩm cơ học từ việc sử dụng một kỹ thuật thần diệu, và hương vị của thiên đàng không thể đoạt được bằng vũ lực. Một kinh nghiệm bất nhị nên được xem như một món quà có thể được trao ra hay là không. Con không thể ép buộc kinh nghiệm đó, cho nên điều duy nhất con có thể làm được là khiến cho tâm mình càng bén nhạy càng tốt để nó nhận được kinh nghiệm. Và chỉ khi nào con hoàn toàn không dính mắc là món quà sẽ có được trao tặng hay không, thì con mới nhạy bén tối đa. Đó là tại sao Thiền đạo Phật nói đến sơ tâm, là tâm mở rộng ra những trải nghiệm tự phát thay vì đòi hỏi trải nghiệm phải xảy ra. Và đó cũng là vì sao ta đã từng nói: “Ai không nhận lãnh Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không thể vào được.” (Luke 18:17)

Nếu con dùng óc phân tích để thiết lập những điều kiện mà con nghĩ sẽ sản xuất ra trải nghiệm, con sẽ chỉ đẩy trải nghiệm đó đi xa khỏi con. Và nếu con dùng cảm xúc để thiết lập kỳ vọng là đúng lý con phải nhận được trải nghiệm – nghĩa là con sẽ cảm thấy bị thất vọng hay lừa bịp nếu nó không xảy ra – thì con đã ngăn chặn trải nghiệm trước khi nó có thể xảy ra.

Có nhiều người tầm đạo đã có những trải nghiệm bất nhị một cách tự nhiên khi lần đầu họ khám phá ra đường tu, hay ngay cả trước đó. Một số bị ám ảnh bởi chuyện trải nghiệm này, tưởng rằng mình phải có khả năng trải nghiệm mọi lúc. Điều này khiến họ không ngừng tìm kiếm những “trải nghiệm tột đỉnh”, không ngừng chạy đuổi theo một mục tiêu dường như vượt khỏi tầm tay. Và khi họ có được một số trải nghiệm, họ cảm thấy vẫn chưa đủ, và ngay lập tức họ lại bắt đầu thèm khát trải nghiệm tiếp theo sau. Thậm chí, một số bị còn mê mệt trong cuộc tìm kiếm trải nghiệm đến độ họ sử dụng những chất ma túy mà họ cho là sẽ giúp họ có trải nghiệm.

Con sẽ khôn ngoan nếu con nhìn trải nghiệm tâm linh như chỉ có một mục đích mà thôi, là chứng tỏ cho con rằng thật sự CÓ một trạng thái tâm thức vượt khỏi kinh nghiệm bình thường của con người phàm phu. Nó cho con thấy là con đường tâm linh là thực, và ở cuối đường có một phần thưởng. Do đó trải nghiệm tâm linh – ngay cả khi con chỉ có được một lần trong đời – cũng đủ là sự khích lệ để con tiếp tục bước đi trên đường tu suốt đời.

Một số người tầm đạo đã bị đánh lạc bởi một số đạo sư giả – và ngay cả một số đạo sư chân chính nhưng lầm lẫn – khi dựng lên kỳ vọng là mục đích của việc tu tập tâm linh là để luôn có những trải nghiệm bất nhị. Họ đã tạo dựng một hình ảnh của người thiền định ngồi trong một hang động trên núi Himalaya, không ngừng được hưởng cực lạc. Quả vậy, có một số ít vị với sứ mạng tâm linh trong hiện thân là cầm giữ sự cân bằng cho hành tinh địa cầu, và họ thiền định liên tục.

Nhưng đối với tuyệt đại đa số người tầm đạo – và chữ quan trọng ở đây là “tuyệt đại đa số” – đó không phải là Sứ vụ Thiêng liêng của họ. Con không ở đây để được trải nghiệm tâm linh cho thỏa thích. Con ở đây để biểu lộ quả vị Ki-tô của mình bằng cách phụng sự tha nhân và giúp cho người khác tăng triển tâm linh. Khi con làm một điều gì đó để nâng cao tâm thức của người khác và trong lọc hành tinh, đó là một công việc quan trọng hơn gấp bội chuyện trải nghiệm tột đỉnh.

Con hãy lưu ý điều ta nói ở đây. Có một quan niệm sai lầm cho rằng những trải nghiệm tột đỉnh sẽ dẫn đến phát triển tâm linh và nâng cao tâm thức con một cách thường trực. Thế nhưng nhiều người có trải nghiệm như vậy rồi gặp khó khăn rất lớn để hòa nhập nó vào đời sống hàng ngày cũng như trạng thái tâm thức bình thường của mình. Một số người cứ lắc lư qua lại giữa cuộc sống bình thường và cuộc chạy đuổi điền cuồng những trải nghiệm tột đỉnh, và họ rất khổ tâm trong cả hai cực đoan đó.

Sự thật là trải nghiệm tột đỉnh có thể gây hại cho sự tinh tấn tâm linh nếu con không nhìn nó theo cách ta đã mô tả ở trên. Như ta vừa nói, một số người vô cùng tập trung vào bản thân và không ngừng tìm kiếm trải nghiệm tột đỉnh kế tiếp. Một số khác trở nên kiêu hãnh, tưởng mình chắc là người tiến bộ tâm linh cao lắm do mình đã trải nghiệm cao như vậy trong quá khứ. Họ cảm thấy mình có quyền chờ đợi thêm nhiều trải nghiệm nữa, rồi họ bực tức khi trải nghiệm đó không hiện ra. Một thái độ như vậy chỉ có thể ngăn chặn sự tăng triển của con.

Thực tế là tất cả mọi người tầm đạo sẽ CHỈ tiến bộ xa hơn một mức nào đó nếu họ khắc phục được tính vị kỷ phát xuất từ tự ngã và bắt đầu giúp tha nhân hay giúp hành tinh một cách vô vị lợi. Tất nhiên, mỗi người đều có những trách nhiệm hàng ngày, cho nên các bài thỉnh của Mẹ Mary được soạn thảo để giúp con nâng cao tâm thức của hành tinh ngay khi con ngồi trong phòng mình.

Mục đích của Mẹ Mary lẫn của ta là trao cho mọi người những dụng cụ để họ có thể nâng cao tâm thức một cách hệ thống và tiến bộ một cách bền vững. Các kỹ thuật này được thiết kế để nâng cao tâm thức của con lần hồi, thay vì cho con một trải nghiệm vượt hẳn tâm thức hàng ngày đến độ con không làm sao thể nhập được. Dĩ nhiên là khi sử dụng các dụng cụ này, con có thể có được trải nghiệm tâm linh, nhưng khôn ngoan nhất là con không nên chờ đợi gì cả.

Mục đích thực sự là nâng cao tâm thức một cách thường trực để toàn bộ tâm trí tỉnh giấc trở thành một kinh nghiệm bất nhị. Tuy nhiên con hãy lưu ý, khi điều này bắt đầu xảy ra, có vẻ như con không còn trải nghiệm tột đỉnh nữa. Theo định nghĩa, một trải nghiệm tột đỉnh là một cái gì vượt khỏi kinh nghiệm bình thường của con. Cho nên điều có thể xảy ra là con thường trực ở trong một trạng thái tâm thức cao hơn mà không hoàn toàn nhận thức có gì đang xảy ra. Con đã quá quen với trạng thái cao đó đến độ cái mà trước kia là một trải nghiệm tột đỉnh thì bây giờ con xem là bình thường, và dường như con không còn trải nghiệm tột đỉnh nữa. Vì vậy, nếu thỉnh thoảng con có thể nhìn lại bước tiến đáng kể mà mình đã đi qua so với tâm thức cũ, thì điều này sẽ rất hữu ích.

Nói cho cùng, trải nghiệm bất nhị nằm vượt khỏi nhị nguyên. Nếu sử dụng bất kỳ kỹ thuật tâm linh nào mà lại chờ đợi hay đòi hỏi – thậm chí thèm khát – một trải nghiệm bất nhị, thì cái đó nằm trong phạm vi nhị nguyên. Làm sao con có thể dùng tâm nhị nguyên để sản xuất một trải nghiệm bất nhị? Cho nên con càng mong muốn trải nghiệm bất nhị thì xác suất xảy ra sẽ càng ít đi. Chỉ khi nào con bỏ sang một bên mọi kỳ vọng và đòi hỏi nhị nguyên của con, thì con mới có thể nhận được trải nghiệm bất nhị. Trong lãnh vực tâm linh, thái độ là tất cả. Những gì con gửi ra tấm gương vũ trụ sẽ là những gì được phản chiếu lại cho con.

[Ghi chú của Kim Michaels: Bản thân tôi đã có nhiều trải nghiệm bất nhị do đọc bài chú và bài thỉnh. Tôi đã thực tập những kỹ thuật này suốt hơn 25 năm qua và nhiều lần đã có trải nghiệm cao, đặc biệt khi tôi thiền định ngay sau khi thỉnh cầu năng lượng tâm linh. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy những bài nguyện tràng hạt và bài thỉnh của Mẹ Mary rất hiệu nghiệm để giúp tôi nhạy cảm hơn với trải nghiệm tâm linh, nhất là khi tôi đọc chầm chậm và trầm tư về lời đọc.]