Ngày lễ Giáng Sinh

Hỏi: Đâu là ý nghĩa THẬT của ngày Giáng sinh? Có phải là ngày sinh trần thế thực sự của thày Giê-su gần hơn với ngày 16 tháng 4 năm 6 trước Công nguyên hay không? Khi chúng con không thần tượng hóa thày như giáo hội chính thống vẫn làm, thì chúng con nên xem mùa này gọi là “mùa Giáng sinh” như thế nào?


Trả lời của chân sư thăng thiên Giê-su qua trung gian Kim Michaels. Đăng ngày 16/11/2012.

Cảm ơn con đã hỏi câu hỏi này vào đúng ngày hôm nay [15 tháng 12 năm 2003]. Ta đón nhận cơ hội được trả lời về ngày lễ Giáng sinh.

Đầu tiên hãy để ta nhận xét về vấn đề ngày giờ. Ở điểm này, ta không muốn tiết lộ chính xác ngày giờ sinh của ta. Lý do là vì mục đích chính của trang mạng của ta là để giúp mọi người vượt qua sự sùng bái thần tượng về cá nhân ta. Chính sự kiện nhiều người bị ám ảnh đến như vậy bởi ngày giờ sinh là một biểu hiện của sự sùng bái thần tượng này. Nếu ta cho con ngày giờ sinh chính xác, nhiều người sẽ sử dụng thông tin đó để nhìn thấy một đặc tính nào đó khác hẳn mọi người, và họ sẽ nắm lấy đó làm bằng chứng để bảo ta có gì khác thường và do đó có thể biểu thị tâm Ki-tô dễ dàng hơn.

Thực tế là ngày giờ sinh của ta không có một ý nghĩa vũ trụ phổ quát nào hết. Vì ta có tiềm năng trở thành vị Thày tâm linh cho thời đại tiếp theo sau, cho nên ta đã sinh ra vào thời buổi đánh dấu sự chuyển tiếp vào Thời đại Song ngư. Ngày sinh chính xác của ta có một ý nghĩa quan trọng về mặt nghiệp quả cá nhân mà ta phải giải quyết trong kiếp đầu thai cuối cùng trên địa cầu, và đây là sự chuẩn bị tốt nhất cho sứ vụ cá nhân của ta. Do đó, hình dạng các tinh tú trên bầu trời chiêm tinh vào thời điểm đó hoàn toàn không quan trọng đối với các dòng sống khác, bởi vì mỗi người đều có hoàn cảnh riêng của mình phải giải quyết.

Nếu con phóng tâm trở về lối tư duy của nhân loại cách đây 2000 năm, con sẽ nhận thấy nhiều người bị ám ảnh bởi ngày sinh. Không những người Do thái chỉ phân biệt đối xử với những ai không phải là người Do thái, mà còn có sự phân biệt đối xử ngay trong cộng đồng người Do thái dựa trên gốc gác gia đình. Cho nên khi các tác giả Phúc âm khởi sự viết những quyển Phúc âm, họ quyết định là, để câu chuyện kể dễ chấp nhận hơn đối với quần chúng, họ phải nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của hoàn cảnh ra đời của ta.

Nói chung, các học giả đều chấp nhận là các quyển Phúc âm được viết theo một thứ tự nào đó, với Phúc âm Mark (Máccô) là quyển đầu tiên. Con sẽ thấy là Phúc âm Mark hầu như không đề cập đến hoàn cảnh chung quanh ngày ta sinh ra, trong khi Phúc âm John (Gioan) lại coi đó là một biến cố có tầm quan trọng vũ trụ. Giản dị, sự kiện này cho thấy sự chú trọng lớn hơn mà các tác giả Phúc âm kế tiếp nhau đã dành cho ngày sinh của ta, và thậm chí họ đã tô vẽ thêm tới một mức nào đó. Đây là một trong những lý do chính đã gây ra hiện tượng thần tượng hóa chung quanh con người vỏ ngoài của ta, được xây dựng và duy trì suốt 2000 năm qua.

Cho nên nói cho cùng, ngày giờ cùng hoàn cảnh ta sinh ra không có gì là quan trọng đặc biệt. Ta xin nói là ngày mà con đề cập gần với ngày sinh thực sự của ta hơn là ngày 15 tháng 12 cùa năm 0. Nhưng dù sao thì đó cũng không là ngày chính xác.

Kỳ thực, ta sinh ra vào mùa xuân, và những lễ hội chung quanh điểm đông chí – là ngày ngắn nhất trong năm – là một chuyện được thêm vào sau này. Ta không có vấn đề gì khi người ta ăn mừng ngày đản sinh của Ki-tô vào dịp đông chí, vì ta không xem chuyện người ta biết đến hay ăn mừng ngày sinh chính xác của ta là đặc biệt quan trọng. Thật ra, ta còn xem đó là một sự sắp đặt rất thiết thực. Chính trong ngày ngắn nhất, ít ánh sáng nhất trong năm, mà ai nấy cần được nhắc nhở về tiềm năng trở thành Ki-tô của mỗi người. Và tiềm năng này mới cần là trọng tâm trong các lễ hội Giáng sinh.

Đối với những ai sẵn lòng nhìn xa hơn hoàn cảnh chính xác về cuộc đời vỏ ngoài của ta, và nếu họ có thể giải phóng tâm trí họ khỏi cách diễn giài Kính thánh một cách từ chương, thì câu chuyện cuộc đời của ta có thể được nhìn như là biểu tượng cho sự ra đời của Ki-tô trong mỗi dòng sống.

Một lần nữa, sự sùng bái thần tượng vô độ chung quanh sự ra đời của ta đã che khuất mất thực tế. Có quá nhiều người tin rằng khi ta sinh ra, ta đã mang sẵn một quả vị Ki-tô viên mãn, đã có khả năng nhớ rõ nguồn gốc và sứ mệnh thần thánh của mình. Điều này rất xa sự thật. Măc dù dòng sống của ta đã đạt được một thành tựu tâm linh cao trong nội tâm, ta không nhớ gì đặc biệt về chuyện đó khi sinh ra. Ta có trực giác rất bén nhạy, nhưng ta đã phải lần hồi khám phá ra bản sắc tâm linh cũng như sứ vụ tâm linh của mình. Do đó ta có thể cam đoan với con rằng cuộc sống của ta không có gì là khác biệt hay dễ dàng gì hơn hầu hết mọi người khác trên trái đất. Ai ai cũng phải đối mặt với thử thách phát hiện ra bản sắc thật của mình, và quyết định xem là mình sẽ hoàn thành sứ mệnh tâm linh của mình hay không.

Vì vậy, cách đúng đắn để tiếp cận ngày lễ Giáng sinh là xem câu chuyện cuộc đời của ta như là biểu tượng cho những giai đoạn mà mỗi dòng sống phải đi qua khi đứa bé Ki-tô sinh ra trong lòng dòng sống đó, rồi lớn lên cho đến trưởng thành hoàn toàn, và khi đó dòng sống sẽ có khả năng thể hiện quả vị Ki-tô cá nhân của mình trong thế gian.

Ta sinh ra như một đứa bé sơ sinh yếu đuối như mọi người khác. Không một người nào có thể bỗng nhiên đi từ một trạng thái tâm thức vô minh bước ngay vào tâm thức Ki-tô viên mãn. Đối với những người có thiên hướng tâm linh, thời điểm sẽ đến trong đời họ khi tâm thức Ki-tô được sinh ra trong tâm họ. Đây là một kinh nghiệm nội tâm, qua đó dòng sống cảm thấy cuộc sống là nhiều hơn như vậy, thực tại là nhiều hơn như vậy, và bản sắc mình cũng nhiều hơn là tâm thức phàm phu bình thường.

Tâm thức Ki-tô mới sinh ra giống như một đứa sơ sinh mong manh và yếu đuối trên nhiều mặt. Thánh Paul hiểu điều này, và thày có mô tả một số người vẫn là trẻ sơ sinh trong Ki-tô. Lý do là vì ở khởi đầu, ý niệm tâm thức Ki-tô của dòng sống rất mỏng manh. Nó cần được bảo vệ, hỗ trợ, nuôi nấng. Lý tưởng nhất, giai đoạn này nên diễn ra trong một cộng đồng tâm linh nơi những người đã tiến bước xa hơn trên đường tu quả vị Ki-tô có thể hỗ trợ dòng sống. Tiếc thay, trong thế giới ngày nay, cả đạo Cơ đốc chính thống lẫn khoa học duy vật không thể cung ứng sự hỗ trợ và hiểu biết này, và do đó hầu hết mọi dòng sống đều phải gần như tự mình chiến đấu để vượt qua hoang địa của tâm thức loài người. Ta không mấy ưa sự thể này, và ta hy vọng tình trạng này sẽ thay đổi với sự xuất hiện của những cộng đồng tâm linh nơi mọi người có thể hỗ trợ nhau tăng triển trên đường tiến lên quả vị Ki-tô.

Trở về với các lễ hội Giáng sinh, ta không thấy lý do gì phải bãi bõ các lễ hội này. Ta không thấy lý do gì phải dời ngày lễ sang một ngày khác trong năm. Đó là một truyền thống đã ăn sâu vào văn hóa phương Tây, và nó có thể dễ dàng được chuyển hóa thành một trải nghiệm tâm linh rất sâu đậm.

Tuy vậy, ta nghĩ rằng Giáng sinh tại nhiều quốc gia đã trở nên thương mại hóa một cách không cần thiết và quá chú trọng đến thú vui vật chất, từ việc tặng quà cho đến ăn uống quá độ, thậm chí cả uống rượu rồi say chếnh choáng. Tất nhiên điều này không liên quan gì đến sự ra đời của tâm thức Ki-tô trong dòng sống. Thực tế thì ta không thấy chuyện này sẽ thay đổi được trong tương lai gần.

Tuy nhiên, đối với những ai sẵn sàng tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn, ta đề nghị nên phát triển một cách ăn mừng ít chú trọng hơn vào cuộc đời cũng như ngày sinh của ta, mà thực sự nhìn ra đó là một biểu tượng cho sự ra đời của tâm thức Ki-tô trong mỗi con người. Một khi con bắt đầu nhìn đứa bé Ki-tô không chỉ là đứa sơ sinh sẽ lớn lên thành nhân vật Giê-su, thì con đang đi đúng hướng. Khi đó, con sẽ thấy đứa bé Ki-tô đó là sự ra đời hồn nhiên của tâm thức Ki-tô trong mỗi dòng sống.

Như thế con có thể tạo ra một lễ mừng nhằm hỗ trợ cho dòng sống trải nghiệm được sự ra đời của tâm thức Ki-tô nơi chính mình, và con có thể mở rộng lễ mừng đó ra khắp cộng đồng của những người đang hỗ trợ lẫn nhau để bảo vệ và nuôi lớn tâm thức Ki-tô này cho đến khi nó trưởng thành.

Trong thế giới ngày nay, nhiều người đã đạt được một mức tâm Ki-tô rất cao, như ta đã có giải thích ở nơi khác. Do đó đối với họ, việc tâm thức Ki-tô trưởng thành sẽ không mất đến 30 năm mà sẽ ngắn hơn nhiều. Dù sao thì một lễ mừng tập trung vào sự ra đời của Ki-tô trong cá nhân dòng sống cũng sẽ là một nguồn cảm hứng to lớn sẽ giúp cho người đó nhận ra trong ý thức sự chứng đạt Ki-tô của mình. Nhờ thế họ có thể nuôi dưỡng đứa bé Ki-tô trong tâm họ cho đến khi nó trưởng thành và được biểu lộ hoàn toàn, là lúc dòng sống biến nước của tâm nhị nguyên thành rượu của tâm thức Ki-tô. Khi sự biến hóa này diễn ra trong một cá nhân, người đó sẽ không thể quay đầu lại được nữa, cũng như chính ta đã không thể quay đầu lại sau khi ta làm phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới ở Canaan.

Khi đó, dòng sống không còn có thể che được ánh sáng của mình nữa, và dòng sống sẽ bước tiếp để hoàn thành sứ vụ của mình. Điều này sẽ bao gồm cả việc thách đố những sự áp bức trong thế gian, nhưng tất nhiên là thời nay, không ai sẽ cần bị đóng đinh trên thập tự giá để thể hiện quả vị Ki-tô.

Cho nên ta khuyến khích mọi người hãy tiếp tục cử hành thánh lễ Ki-tô vào điểm ít ánh sáng nhất trong năm, nhưng hãy biến nó thành một lễ mừng sự ra đời của tâm thức Ki-tô trong mỗi dòng sống. Khi ta sinh ra cách đây 2000 năm, thánh lễ Ki-tô là sự ra đời của một đứa bé duy nhất mang sứ mệnh thể hiện tâm thức Ki-tô. Ngày nay, thánh lễ Ki-tô đã khoác lấy một ý nghĩa mới.

Sự tái lâm của Ki-tô thực sự có nghĩa là sự ra đời của tâm thức Ki-tô nơi hàng ngàn, hàng triệu con người trên hành tinh này. Khi điều này xảy ra, con sẽ có thể cử hành thánh lễ (mass) Ki-tô đích thực qua đó đông đảo quần chúng (mass) sẽ chiêm nghiệm sự ra đời của đứa bé Ki-tô trong tim mình. Ta có thể cam đoan với con rằng những sinh thể minh triết khắp cõi tâm linh sẽ tụ về để làm chứng cho sự ra đời này, và sẽ đem lại thật nhiều món quà tâm linh hầu thiết lập một ý thức cộng đồng mới giữa những sinh thể ở Trên và con người ở dưới.