Nhận biết sự Tĩnh lặng Bất tận!

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 5/7/2005.

TA LÀ Phật nơi đỉnh đầu,  tĩnh tọa trong thiên bào. Và con sẽ nhìn thấy ta khi Ánh sáng Mẹ được nâng lên đỉnh đầu và ngàn cánh hoa sen mở ra để hiển lộ Hiện diện của ta. Ta đến đây để trao uy lực của tất cả các vị Phật có liên hệ với địa cầu cho phong trào mới của các vị Bảo hộ Ánh sáng Mẹ bởi vì, quả thực, việc bảo hộ cho Ánh sáng Mẹ quan trọng đến như vậy. Đó là chìa khóa chủ yếu để thị hiện Thời Hoàng kim.  

Tại sao thời gian được tạo ra và như thế nào

Có một mối quan hệ quan trọng giữa Mẹ và Phật. Phật giữ sự quân bình cho không gian, trong khi Mẹ giữ sự quân bình cho thời gian. Không gian là gì? Thời gian là gì? Không gian là không gian nơi hình tướng có thể được thị hiện từ hư vô. Thời gian là một cảm nhận khoảng cách. Bình thường con nghĩ về không gian như là một khoảng cách, nhưng thời gian cũng là một khoảng cách, bởi vì kỳ thực, có thể nói là thời gian không hiện hữu. Và tại sao thời gian không hiện hữu? Vì thời gian không thực.  

Thời gian là một cảm nhận khoảng cách so với vị trí trong Dòng sông Sự sống mà đáng lý con đã đứng nếu con không dấn sâu vào tâm thức nhị nguyên và tách mình ra khỏi dòng chảy của Dòng sông Sự sống. Dòng sông cứ tiếp tục chảy khi con bước ra khỏi sông. Và sông cứ chảy tiếp nữa. Và chỗ đứng của con trong dòng sông sẽ tiếp tục bị bỏ trống chừng nào con còn ở lại trên bờ sông của nhị nguyên.

Và đó là cách mà Ánh sáng Mẹ cho phép con tạo ra ảo ảnh tách biệt riêng của con. Thế nhưng Quy luật của Thượng đế quy định rằng ảo ảnh không thể là ảo ảnh mãi mãi, bởi vì Thượng đế thương yêu con, và ngài không muốn con đời đời bị kẹt lại trong nhà tù mà chính con đã dựng lên cho con. Và như vậy, thời gian trở thành một hệ lụy của việc con bước ra khỏi Dòng sông Sự sống.  

Do đó, ngay khi con bước ra khỏi dòng sông đó, kim đồng hồ bắt đầu quay, và con sẽ không thể duy trì ảo ảnh đó mãi mãi. Sẽ đến một thời điểm khi con phải lấy quyết định tối hậu rằng con sẽ phục vụ cho ai. Liệu con sẽ chọn cái chết của sự tự hủy diệt, hay là cái sống của sự tái nhập vào Dòng sông Sự sống? Và khi con lao mình vào dòng sống đó một cách vô điều kiện – là những điều kiện mà con đã sử dụng để biện minh cho việc ở lại trên bờ – thì con sẽ nhanh chóng bắt kịp lại vị trí chính đáng của con trong dòng sông Thượng đế.  

Và khi con về lại chỗ đó, con vượt khỏi thời gian – cho dù con vẫn duy trì sự tập trung vật lý vào địa cầu, con có thể thực sự vượt khỏi thời gian. Và đó là tại sao những ai đã đạt đến giác ngộ đều nhận ra là tất cả mọi thứ trên địa cầu chỉ là tấm màn của Maya, tấm màn ảo ảnh, bởi vì rốt cuộc nó không thực. Đằng sau tất cả những thứ đó là Dòng sông Sự sống, và họ biết phần lớn Bản thể của mình ở trong dòng sông.  

Phật tọa thiền hoa sen

Rất nhiều người trong số các con vẫn tự hỏi: “Sứ vụ của tôi trên địa cầu này là gì? Tại sao tôi ở đây? Tôi đã đến đây để đem lại gì?” Chìa khóa để tìm ra tại sao con ở đây là kết nối lại với Tĩnh lặng của Phật. Đây là điều mà ta ban tặng cho con – sự tĩnh lặng – sự tĩnh lặng của Phật vượt khỏi những xáo động đang diễn ra trong cõi giới này của thời gian, Biển Luân hồi.

Và do đó ta cho con hình ảnh sau đây để con hình dung, khi con thấy mình trong nhịp sống hối hả của chợ búa, và con nhận biết con bị phân tâm, hay căng thẳng hay trĩu nặng, con hãy bước sang một bên và nói: “À, tôi đang bị vướng vào bùn ở đáy hồ. Nhưng bây giờ tôi sẽ tìm ra điểm tĩnh lặng trong tim tôi, tôi sẽ tìm ra hạt giống của hoa sen, và tôi sẽ để cho nó nẩy mầm, gửi một cuống hoa lên mặt nước.”

Và con hình dung Ánh sáng Mẹ màu trắng dâng lên từ gốc lên đến đỉnh đầu, và khi nó tới đỉnh đầu, đóa hoa sen ngàn cánh nở ra. Và bây giờ con đã hết ở trong bùn vì con đang ngồi như là Phật – với Hiện diện của ta chồng lên con – và con đang nổi trên mặt nước. Con đang nổi trên Biển Luân hồi, và không có gì bên dưới mặt nước có thể chạm vào con, bởi vì mặt nước này lặng yên như biển thủy tinh.   

Đó là tĩnh lặng. Và thỉnh thoảng, con hãy dành thời gian bước ra ngoài để tận hưởng tĩnh lặng. Thế gian quá ồn ào. Con hãy tắt máy thu thanh. Tắt âm nhạc. Rút phích điện những chiếc máy làm tiếng động mà người ta đã phát minh ra để ngăn con trải nghiệm Tĩnh lặng Bất tận.    

Kết hợp Phật và Ki-tô

Con đã được nghe về những Ngọn lửa của Thượng đế và ta sẽ giảng dạy thêm một chút cho con. Nhiều người trong số các con đã thắc mắc làm thế nào có một lời dạy tâm linh kết hợp Phật với Ki-tô. Đâu là mối liên hệ giữa Phật và Ki-tô? Này con, Phật và Ki-tô là biểu tượng cho hai trách vụ tâm linh nhằm dẫn dắt cuộc tiến hóa của địa cầu đến cứu rỗi, đến giác ngộ.

Phật và Ki-tô làm điều đó hai cách khác nhau. Phật là đấng ngồi trên mặt Biển Luân hồi, cầm giữ quân bình và viễn quan, cầm giữ sự quân bình toàn hảo cho Ánh sáng Mẹ. Ki-tô là đấng đi xuống Biển Luân hồi đó, đến với những ai bị lạc lối trong vô minh và không có khả năng đặt ra những câu hỏi sẽ giải thoát họ. Và thày ban cho họ một ly nước lạnh nhân danh Ki-tô.   

Điều này không có nghĩa là thày trao cho họ giáo lý tâm linh tối thượng, bởi vì thật sự nhiều người chưa sẵn sàng nhận lấy đâu. Và như vậy, khi Giê-su nói rằng con được quyền đi vào xã hội để lay động những ai còn đang bị kẹt, thày không muốn nói là con phải cho họ giáo lý tâm linh cao nhất mà con có thể với tới. Con cần hòa điệu vào tâm hồn người đó và tự hỏi: “Điều gì sẽ giúp cho dòng sống này bước đi bước kế tiếp? Đây là ly nước lạnh mà ta sẽ tặng họ”. Đó là chức năng của Ki-tô.

Khi con áp dụng điều trên vào khái niệm Ngọn lửa Thượng đế có hai phương diện, con có thể nói rằng ngọn lửa Alpha cũng là ngọn lửa của Phật. Đây là ngọn lửa giữ cân bằng cho địa cầu. Còn ngọn lửa Omega là ngọn lửa của Ki-tô. Đây là ngọn lửa mà con đem đến cho những ai còn lạc lối trong vô minh hầu họ có thể thức tỉnh. Chắc con đã có nghe Ki-tô là Hoàng tử của Hòa bình. Vậy Phật là Hoàng đế của Hòa bình. Phật ngồi trên ngai, cầm giữ viễn quan cho vương quốc, chỉ đạo cho hoàng tử đi vào đời và giải phóng những ai bị sa vào bùn.   

Cho nên, ngọn lửa của Ki-tô là Lời đã hiện thân. Và Giê-su đã chẳng nói hay sao – cho dù thày mang danh là Hoàng tử của Hòa bình – thày đã chẳng nói hay sao: “Đừng tưởng rằng ta đến để đem bình an cho thế gian. Ta đến để đem một thanh gươm” (Matthew 10:34)? Vậy thanh gươm này của Ki-tô là gì? Đó là Lời, là Lời hiện thân chẻ đôi cái thực khỏi cái không thực, hầu con người thấy tự ngã của mình và sự không thực của tự ngã, nhờ vậy mới có thể tự do chọn lựa tách mình khỏi tự ngã. Đó là thanh gươm của Ki-tô. Và đó là tại sao, thực sự, Ki-tô đã không đến để đem lại an bình cho thế gian. Thày đã tới để lay chuyển những ai bị kẹt trong vô minh, kẹt trong kiêu hãnh, kẹt trong đạo đức giả, và thách đố họ vươn lên cao hơn.   

Thày đã đến để phân rẽ anh em với anh em, trong ý nghĩa là thày thà nhìn thấy con người xung đột – vì xung đột sẽ phơi bày tự ngã, phơi bày những điều tồi tệ nhất trong họ – hầu họ thấy được khía cạnh này của tự ngã trong họ. Thày thà nhìn thấy loại xung đột đó – xung đột dẫn đến thăng tiến – còn hơn là nhìn thấy mọi người thờ ơ, mê ngủ, như thể tê dại, bước đi trong cuộc sống như người mộng du.  

Và thật vậy, Ki-tô đến để quấy rầy, để khuấy động, để khiến cho con người tỉnh giấc thờ ơ. Thế nhưng, Ki-tô là Hoàng tử của Hòa bình bởi vì chỉ khi nào con sẵn sàng chiến đấu với tự ngã thì con mới đạt được hòa bình đích thực của sự giải phóng khỏi tự ngã. Làm sao có được hòa bình nếu con người còn bị kẹt trong tự ngã? Ki-tô đến để trao cho họ thanh gươm sẽ cho phép họ tách rời cái Ta Biết khỏi tự ngã. Và đó là sự khác biệt giữa những ngọn lửa Thượng đế của con. Con cầm giữ một sự quân bình cho địa cầu, nhưng con cũng đến đây để đem lại một thanh gươm và để là Hoàng tử Hoà bình đó – tức con sẵn sàng lay động những ai tưởng mình an bình nhưng chi là sự bình an giả trá.

Và như vậy, ta đến để đóng góp uy lực hoà bình của ta, uy lực tĩnh lặng, cho những ai sẽ bảo hộ Ánh sáng Mẹ. Bởi vì, thực sự, nếu con chưa bao giờ tiếp xúc với tĩnh lặng của Phật, làm thế nào con có thể bảo hộ Ánh sáng Mẹ đây? Con sẽ chỉ bị lôi cuốn vào thêm một cuộc chiến đấu nhị nguyên khác giữa những con người đắm chìm trong tự ngã của mình.