Đạo đức giả không cần ghi danh!

Bài giảng của chân sư thăng thiên Giê-su ngày 5/7/2005 qua trung gian Kim Michaels.

Tự ngã mất hết quyền lực khi con thấy nó thật là gì

Ta là Giê-su. Ta cũng xin bồi thêm thần lực của ta cho phong trào các vị Bảo hộ Ánh sáng Mẹ. Ta đến đây để ở lại với các con, và ta cam kết sẽ khai ngộ cho bất cứ ai sẵn lòng buông bỏ tự ngã của mình – bất cứ ai sẵn lòng vạch trần tự ngã để nhìn thấy nó thật là gì, và như thế tự tách mình và tách cái Ta Biết ra khỏi nhà tù của tự ngã. 

Quá nhiều tín hữu đạo Cơ đốc cho rằng ta là một vị thày dễ tính. Nhưng ta là một vị thày thẳng thắn. Ta không đùa, và ta sẽ không đùa với bất cứ ai đến với phong trào này. Bởi vì nếu con không sẵn lòng buông bỏ tự ngã, con có thể tự do đi nơi khác, nơi người ta sẽ o bế tự ngã của con thay vì giúp con tách rời khỏi tự ngã.

Nhưng khi ta nói ta là một vị thày thẳng thắn, ta không bảo ta là một vị thày không yêu thương. Và điều quan trọng là con nên suy ngẫm về sự khác biệt này, vì thực sự, tình thương của ta là tình thương toàn hảo đánh bật mọi nỗi sợ hãi ra ngoài. Và ta biết thừa là nhiều người rất sợ tự ngã của mình bị phơi bày ra, sợ điều gì đó sẽ xảy ra cho mình khi mình không thể còn ẩn náu đằng sau các lý lẽ khôn ngoan mà cái tâm nham hiểm của Rắn đã nặn ra để lừa gạt các dòng tiến hóa trên hành tinh này.  

Hãy ngừng nhón gót chung quanh tự ngã

Quá nhiều học trò tâm linh đã nhón gót đi vòng quanh, tránh né đề tài tự ngã mặc dù chúng tôi, các chân sư, đã giảng dạy trong mấy tổ chức tâm linh trước rồi. Họ đã sợ rằng nếu tự ngã của họ bị phơi bày, họ sẽ phải trải qua một cơn biến động nào đó, họ sẽ đánh mất giá trị về bản thân, hay bằng nhiều cách, họ sẽ chìm vào một cơn khủng hoảng bản sắc.  

Thật ra con chỉ cần chuyển đổi ý niệm bản sắc của con đi một chút mà thôi. Con cần bắt đầu tự hỏi: “Biết những gì tôi biết về con đường tâm linh – và mục đích đạt được tự do trong tâm thức Ki-tô, mục đích chứng nghiệm được tự do rộng lớn khi mình vượt khỏi và đứng trên tự ngã – biết được những gì tôi biết, thực sự có thành phần nào của tự ngã mà tôi không sẵn sàng từ bỏ hay không, nếu tôi có thể nhìn thấy?” Và ta nghĩ khi con trầm tư về điều này, con sẽ thấy được trong tim con là quả thực không có điều gì mà con không sẵn sàng buông bỏ để đến gần hơn với tình yêu Thượng đế, để là con người mà con là, và biểu hiện con người đó. Khi con nhận ra điều này, con không cần phải sợ tự ngã nữa, hay sợ phải phơi bày tự ngã nữa.

Con sẽ không cần sợ mình phạm lỗi, vì dù con có làm lỗi thì điều đó hoặc sẽ phơi bày một phần của tự ngã, hoặc sẽ giúp con vượt qua tự ngã. Tự ngã không còn bất kỳ quyền năng nào trên con. Nó chỉ có quyền năng nếu con chưa nhìn thấy nó, hay con chưa thấy nó thực sự là ảo tưởng và như vậy con mới chưa thể tách rời khỏi nó. Ngay khoảnh khắc con nhìn thấy nó, và ngay khoảnh khắc con quyết định tách rời khỏi nó, nó sẽ không có quyền năng gì trên con nữa, và con sẽ bước tới đâm xuyên qua nó. Và khi con bắt đầu nhận ra điều này, con sẽ thấy con đường vượt khỏi tự ngã không khó lắm đâu. Đó không phải là một con đường đầy sợ hãi, không là một con đường đáng xấu hổ, không là một con đường nơi mình cảm thấy bại trận hay thua kém do mình vẫn còn khía cạnh này hay khía cạnh nọ của tự ngã.   

Con là nhiều hơn tự ngã rất nhiều. Và ta sẽ nhắc đi nhắc lại cho con rằng con là nhiều hơn. Con là nhiều hơn rất nhiều và đó là điều mà chúng tôi yêu thích. Và khi con nhận ra con nhiều hơn tự ngã đến chừng nào thì việc buông bỏ tự ngã sẽ không là vấn đề nữa. 

Thế đấy, cốt lõi của tự ngã chỉ có vậy – hoặc con không nhìn thấy nó, hoặc con không sẵn sàng bỏ nó đi. Tự ngã luôn luôn cố gắng lẩn trốn. Nó luôn cố nói với con là con không thể đi bước kế tiếp trên đường tu, con không thể bước ra ngoài cửa nhà tù. Nhưng rồi khi con nhận thấy con có khả năng tiến bước trên đường tu, nó sẽ cố bảo con là con thực sự không muốn bước tới hay con không được phép bước tới.

Tự ngã ngăn cản con đi bước kế tiếp

Trong bản chất, tự ngã chính là yếu tố ngăn con đi bước kế tiếp để đến gần hơn với Thượng đế. Thật sự, tự ngã cũng có nhiều đặc tính khác nhưng tinh túy của nó là nó ngăn con đi bước kế tiếp trên đường đạo. Và khi con bắt đầu ngộ ra điều này – và ngộ ra rằng phần lớn cái ta của con hoàn toàn nhất quyết đi bước kế tiếp đó – thì tại sao con lại sợ tự ngã? Tại sao con lại sợ nó được phơi ra? Con phải chào mừng khi thấy nó được vạch trần, bởi vì bây giờ con có thể nói: “À, tôi đã thấy nó rồi. Bây giờ tôi có thể buông nó ra.”  

Như ta có trình bày vào dịp lễ Phục sinh, chìa khóa để vượt qua và bước đi trên đường tu tâm linh là con phải từ bỏ tất cả những thứ gì không thực. Con phải buông nó ra, con phải cho nó ra đi. Nhưng con sẽ không thể buông nó, con sẽ không thể cho nó ra đi cho đến khi con đã sở hữu nó, đã nắm lấy chủ quyền trên nó. Cho nên có thể nói, tự ngã trước tiên sẽ cố ngăn con nắm lấy chủ quyền cái thành phần đó của tự ngã, ngăn con nhìn thấy hoặc nhìn nhận nó. “Phải, cái phần này của tự ngã còn nằm trong bình chứa ngã của tôi.” Và sau đó nếu con thấy nó rồi, nó sẽ cố ngăn cản con buông cho nó ra đi bằng cách khiến con nghĩ rằng con cần đến nó.

Và đây là chìa khóa – nhận ra rằng con sẵn sàng buông cho nó ra đi vì con yêu thích một điều gì khác hơn là ở lại trong vùng an toàn của con. Và ta sẽ có mặt ở đây để giúp tất cả những ai sẵn sàng buông cho tự ngã ra đi. Khi nào thích hợp hơn và các chu kỳ lần lượt trải ra, ta sẽ ban thêm một số giáo lý và dụng cụ tâm linh mới về đề tài này. Nhưng ngay bây giờ ta sẽ nói: “Saint Germain đã tuyên bố rõ ràng là thày sẽ không mất thì giờ với tự ngã của bất kỳ ai nữa. Nếu con muốn là một học trò của Saint Germain và giúp thày thị hiện Thời đại Bảo bình, thì con hãy vứt bỏ tự ngã của con trước khi con tiếp cận với thày.” Đúng thế, ta là vị thày sẽ giúp con vứt bỏ tự ngã đó để con có thể hoàn thành sứ vụ thiêng liêng của con hầu đồng sáng tạo Thời Hoàng kim với Saint Germain.   

Con đường khiêm tốn toàn diện

Vì vậy ta sẽ treo lên một cái bảng, bởi vì ta đang tìm kiếm những ai sẵn sàng giúp một tay trong việc đồng sáng tạo Thời Hoàng kim. Có thể con đã thấy người ta dựng tấm bảng trước các cơ sở kinh doanh với dòng chữ: “Cần người giúp việc. Ghi danh bên trong.” Ta đang dựng tấm bảng này lên vì ta đang cần sự trợ giúp của con. Và con phải vào bên trong để ghi danh, có nghĩa là con vào trong nội tâm mình, bước vào bên trong, phát hiện tự ngã đó và buông cho nó ra đi.  

Tuy nhiên ta cũng có một số điều kiện. Hai ngàn năm trước đây, ta đã bỏ ra rất nhiều thì giờ và năng lực để ứng xử với những người không sẵn lòng xét xem là mình có cần thay đổi, là mình có một tự ngã hay không. Đây là những người tự coi mình là toàn hảo, là minh triết, là người được Thượng đế chọn lựa và không cần thay đổi. Chỉ có người khác là có vấn đề, cần thay đổi mà thôi. Bảng hiệu của ta sẽ có dòng chữ lớn: “Cần người giúp việc. Ghi danh bên trong.’ Nhưng bên dưới cũng có hàng chữ nhỏ viết rằng: “Kẻ đạo đức giả miễn đăng ký.”

Con đường mà ta trao cho con là cùng con đường ta đã đưa ra 2000 năm về trước. Đó là con đường khiêm tốn toàn diện. Và ngay cả các môn đệ của ta đã sống ba năm với ta cũng đã không hiểu được trọn vẹn con đường này. Và đó là tại sao họ đã bắt đầu tranh cãi nhau để xem người nào là người cao cả nhất trong bọn họ sau khi ta ra đi. Ngay lúc đó, ta như bị giáng một cú vào đầu khi ta chợt hiểu: “Có nghĩa chăng là sau ba năm trời, họ vẫn chưa hiểu được thông điệp của mình? Họ vẫn chưa thâm nhập và thấy được đường đạo là gì?”  

Ngày hôm nay, tình thế của ta sáng sủa hơn nhiều vì hiện có nhiều người thấy được đường đạo là gì. Đó không phải là con đường đúng đắn cho phàm phu, tức là sự tôn vinh tự ngã, mà là con đường khiêm tốn toàn diện, buông bỏ mọi niềm kiêu hãnh của tự ngã, hầu con có thể bước ra khỏi nó và tự giải thoát. Đây là con đường mà ta trao cho con. Ta trao cho con với tất cả tình yêu thương. Và ta sẽ dẫn dắt con trong tình yêu thương cho tới điểm tự do đó. Nhưng ta cũng phải nói, tình thương không luôn luôn mềm mại, vì có khi con cần một bàn tay cứng rắn để con tỉnh ngộ. Và cách cư xử này của ta đối với con cũng liên quan đến cách con nên tiếp cận với người khác về con đường tâm linh.

Làm thế nào giúp Giê-su đánh thức người đời

Khi con tiếp cận với người khác và còn mắc kẹt phần nào trong tự ngã, con sẽ không nói gì trừ khi người ta hỏi, và điều này cũng hữu lý thôi. Con để yên cho họ hỏi, xong con cho họ điều mà họ cần. Tuy nhiên sẽ tới một điểm khi con đạt được một mức độ kết hợp với cái ta Ki-tô của con, và con có đủ sự tự do để không còn cố áp đặt tin tưởng của tự ngã lên người khác nữa. Trái lại, con thực sự đang sống, đang thở, để giải phóng loài người. Và con không rời Thượng đế của con, con luôn đồng bộ với Tượng đế của con.      

Ở điểm đó, con không còn cần phải bận tâm đến chuyện để cho người ta hỏi rồi mới trả lời, vì bây giờ con nhận ra là trên địa cầu có quá nhiều người còn mê ngủ, còn vướng chặt trong vô minh đến độ họ không biết hỏi cái gì. Họ không biết hỏi như thế nào, thậm chí họ còn không dám hỏi. Vậy thì làm sao họ có thể giải thoát được đây? Họ sẽ không thể giải thoát nếu con cứ ngồi ì ở đó chờ cho họ đặt câu hỏi, và họ sẽ không biết hỏi chuyện gì.

Vì vậy con phải là người chủ động, như ta đã từng làm rất nhiều lần trong đời ta. Ta đã đến với mọi người. Ta sẵn sàng bước ra trước mặt họ, nói khích họ và bảo: “Anh chị đang ngủ say! Anh chị cần thức dậy!” Ta đã sẵn lòng lật bàn của bọn đổi tiền đã len lỏi vào nhà thờ – tức là nhà thờ nội tâm của con tim và tâm trí – để buôn bán những sản phẩm dối gạt của chúng trong ngôi đền Thượng đế.  

Và khi con đạt đến một mức độ nào đó của tâm Ki-tô, con sẵn sàng sử dụng cách tiếp cận này – không nhất thiết một cách thiếu tình thương, nhưng sẽ tới một điểm khi con biết rõ trong thâm sâu cách tiếp cận nào là thích hợp nhất cho mỗi người. Và cho tới khi con nhận được sự hướng dẫn rõ ràng đó, ta gợi ý con nên tiếp cận như thế này: “Anh chị biết là có một cách hay hơn phải không? Anh chị biết là mình không cần sống qua những chuyện này? Anh chị biết là mình không cần phải chịu đựng vấn đề này. Anh chị thật sự có khả năng giải quyết. Anh chị có khả năng buông bỏ nó. Anh chị có muốn biết làm thế nào không?”  

Hay con cũng có thể nói: “Anh chị có biết là tôi cũng từng trải qua cùng vấn đề đó, và đây là cách tôi đã làm để vượt qua. Anh chị có muốn tôi giúp không?” Và nếu họ từ chối, có thể con sẽ thử thêm một lần nữa, tối đa ba lần. Nhưng nếu họ từ chối con ba lần, con hãy rút về và tự nhủ: “Tôi đã làm xong bổn phận của mình đối với dòng sống này, bây giờ tùy dòng sống đó có muốn vươn lên và yêu cầu sự giúp đỡ hay không.”   

Hãy cầu thì sẽ nhận được. Cho nên yêu cầu là một việc làm chính đáng. Nhưng như ta đã nói, nếu dòng sống đó không biết phải hỏi gì, phải yêu cầu gì, thì làm sao họ có thể hỏi được câu hỏi hữu ích? Vậy thì con hãy giúp họ bằng cách đặt câu hỏi cho họ. Giúp họ nhận ra là họ có thể biết nhiều hơn, có thể hỏi nhiều hơn về sự sống. Và nếu con hỏi ta thì ta sẽ, qua cái ta Ki-tô của con, giúp con giúp được người khác. Cho nên, con hãy ghi danh với ta ở bên trong.

Nhận biết sự Tĩnh lặng Bất tận!

Bài truyền đọc của chân sư thăng thiên Phật Gautama qua trung gian Kim Michaels ngày 5/7/2005.

TA LÀ Phật nơi đỉnh đầu,  tĩnh tọa trong thiên bào. Và con sẽ nhìn thấy ta khi Ánh sáng Mẹ được nâng lên đỉnh đầu và ngàn cánh hoa sen mở ra để hiển lộ Hiện diện của ta. Ta đến đây để trao uy lực của tất cả các vị Phật có liên hệ với địa cầu cho phong trào mới của các vị Bảo hộ Ánh sáng Mẹ bởi vì, quả thực, việc bảo hộ cho Ánh sáng Mẹ quan trọng đến như vậy. Đó là chìa khóa chủ yếu để thị hiện Thời Hoàng kim.  

Tại sao thời gian được tạo ra và như thế nào

Có một mối quan hệ quan trọng giữa Mẹ và Phật. Phật giữ sự quân bình cho không gian, trong khi Mẹ giữ sự quân bình cho thời gian. Không gian là gì? Thời gian là gì? Không gian là không gian nơi hình tướng có thể được thị hiện từ hư vô. Thời gian là một cảm nhận khoảng cách. Bình thường con nghĩ về không gian như là một khoảng cách, nhưng thời gian cũng là một khoảng cách, bởi vì kỳ thực, có thể nói là thời gian không hiện hữu. Và tại sao thời gian không hiện hữu? Vì thời gian không thực.  

Thời gian là một cảm nhận khoảng cách so với vị trí trong Dòng sông Sự sống mà đáng lý con đã đứng nếu con không dấn sâu vào tâm thức nhị nguyên và tách mình ra khỏi dòng chảy của Dòng sông Sự sống. Dòng sông cứ tiếp tục chảy khi con bước ra khỏi sông. Và sông cứ chảy tiếp nữa. Và chỗ đứng của con trong dòng sông sẽ tiếp tục bị bỏ trống chừng nào con còn ở lại trên bờ sông của nhị nguyên.

Và đó là cách mà Ánh sáng Mẹ cho phép con tạo ra ảo ảnh tách biệt riêng của con. Thế nhưng Quy luật của Thượng đế quy định rằng ảo ảnh không thể là ảo ảnh mãi mãi, bởi vì Thượng đế thương yêu con, và ngài không muốn con đời đời bị kẹt lại trong nhà tù mà chính con đã dựng lên cho con. Và như vậy, thời gian trở thành một hệ lụy của việc con bước ra khỏi Dòng sông Sự sống.  

Do đó, ngay khi con bước ra khỏi dòng sông đó, kim đồng hồ bắt đầu quay, và con sẽ không thể duy trì ảo ảnh đó mãi mãi. Sẽ đến một thời điểm khi con phải lấy quyết định tối hậu rằng con sẽ phục vụ cho ai. Liệu con sẽ chọn cái chết của sự tự hủy diệt, hay là cái sống của sự tái nhập vào Dòng sông Sự sống? Và khi con lao mình vào dòng sống đó một cách vô điều kiện – là những điều kiện mà con đã sử dụng để biện minh cho việc ở lại trên bờ – thì con sẽ nhanh chóng bắt kịp lại vị trí chính đáng của con trong dòng sông Thượng đế.  

Và khi con về lại chỗ đó, con vượt khỏi thời gian – cho dù con vẫn duy trì sự tập trung vật lý vào địa cầu, con có thể thực sự vượt khỏi thời gian. Và đó là tại sao những ai đã đạt đến giác ngộ đều nhận ra là tất cả mọi thứ trên địa cầu chỉ là tấm màn của Maya, tấm màn ảo ảnh, bởi vì rốt cuộc nó không thực. Đằng sau tất cả những thứ đó là Dòng sông Sự sống, và họ biết phần lớn Bản thể của mình ở trong dòng sông.  

Phật tọa thiền hoa sen

Rất nhiều người trong số các con vẫn tự hỏi: “Sứ vụ của tôi trên địa cầu này là gì? Tại sao tôi ở đây? Tôi đã đến đây để đem lại gì?” Chìa khóa để tìm ra tại sao con ở đây là kết nối lại với Tĩnh lặng của Phật. Đây là điều mà ta ban tặng cho con – sự tĩnh lặng – sự tĩnh lặng của Phật vượt khỏi những xáo động đang diễn ra trong cõi giới này của thời gian, Biển Luân hồi.

Và do đó ta cho con hình ảnh sau đây để con hình dung, khi con thấy mình trong nhịp sống hối hả của chợ búa, và con nhận biết con bị phân tâm, hay căng thẳng hay trĩu nặng, con hãy bước sang một bên và nói: “À, tôi đang bị vướng vào bùn ở đáy hồ. Nhưng bây giờ tôi sẽ tìm ra điểm tĩnh lặng trong tim tôi, tôi sẽ tìm ra hạt giống của hoa sen, và tôi sẽ để cho nó nẩy mầm, gửi một cuống hoa lên mặt nước.”

Và con hình dung Ánh sáng Mẹ màu trắng dâng lên từ gốc lên đến đỉnh đầu, và khi nó tới đỉnh đầu, đóa hoa sen ngàn cánh nở ra. Và bây giờ con đã hết ở trong bùn vì con đang ngồi như là Phật – với Hiện diện của ta chồng lên con – và con đang nổi trên mặt nước. Con đang nổi trên Biển Luân hồi, và không có gì bên dưới mặt nước có thể chạm vào con, bởi vì mặt nước này lặng yên như biển thủy tinh.   

Đó là tĩnh lặng. Và thỉnh thoảng, con hãy dành thời gian bước ra ngoài để tận hưởng tĩnh lặng. Thế gian quá ồn ào. Con hãy tắt máy thu thanh. Tắt âm nhạc. Rút phích điện những chiếc máy làm tiếng động mà người ta đã phát minh ra để ngăn con trải nghiệm Tĩnh lặng Bất tận.    

Kết hợp Phật và Ki-tô

Con đã được nghe về những Ngọn lửa của Thượng đế và ta sẽ giảng dạy thêm một chút cho con. Nhiều người trong số các con đã thắc mắc làm thế nào có một lời dạy tâm linh kết hợp Phật với Ki-tô. Đâu là mối liên hệ giữa Phật và Ki-tô? Này con, Phật và Ki-tô là biểu tượng cho hai trách vụ tâm linh nhằm dẫn dắt cuộc tiến hóa của địa cầu đến cứu rỗi, đến giác ngộ.

Phật và Ki-tô làm điều đó hai cách khác nhau. Phật là đấng ngồi trên mặt Biển Luân hồi, cầm giữ quân bình và viễn quan, cầm giữ sự quân bình toàn hảo cho Ánh sáng Mẹ. Ki-tô là đấng đi xuống Biển Luân hồi đó, đến với những ai bị lạc lối trong vô minh và không có khả năng đặt ra những câu hỏi sẽ giải thoát họ. Và thày ban cho họ một ly nước lạnh nhân danh Ki-tô.   

Điều này không có nghĩa là thày trao cho họ giáo lý tâm linh tối thượng, bởi vì thật sự nhiều người chưa sẵn sàng nhận lấy đâu. Và như vậy, khi Giê-su nói rằng con được quyền đi vào xã hội để lay động những ai còn đang bị kẹt, thày không muốn nói là con phải cho họ giáo lý tâm linh cao nhất mà con có thể với tới. Con cần hòa điệu vào tâm hồn người đó và tự hỏi: “Điều gì sẽ giúp cho dòng sống này bước đi bước kế tiếp? Đây là ly nước lạnh mà ta sẽ tặng họ”. Đó là chức năng của Ki-tô.

Khi con áp dụng điều trên vào khái niệm Ngọn lửa Thượng đế có hai phương diện, con có thể nói rằng ngọn lửa Alpha cũng là ngọn lửa của Phật. Đây là ngọn lửa giữ cân bằng cho địa cầu. Còn ngọn lửa Omega là ngọn lửa của Ki-tô. Đây là ngọn lửa mà con đem đến cho những ai còn lạc lối trong vô minh hầu họ có thể thức tỉnh. Chắc con đã có nghe Ki-tô là Hoàng tử của Hòa bình. Vậy Phật là Hoàng đế của Hòa bình. Phật ngồi trên ngai, cầm giữ viễn quan cho vương quốc, chỉ đạo cho hoàng tử đi vào đời và giải phóng những ai bị sa vào bùn.   

Cho nên, ngọn lửa của Ki-tô là Lời đã hiện thân. Và Giê-su đã chẳng nói hay sao – cho dù thày mang danh là Hoàng tử của Hòa bình – thày đã chẳng nói hay sao: “Đừng tưởng rằng ta đến để đem bình an cho thế gian. Ta đến để đem một thanh gươm” (Matthew 10:34)? Vậy thanh gươm này của Ki-tô là gì? Đó là Lời, là Lời hiện thân chẻ đôi cái thực khỏi cái không thực, hầu con người thấy tự ngã của mình và sự không thực của tự ngã, nhờ vậy mới có thể tự do chọn lựa tách mình khỏi tự ngã. Đó là thanh gươm của Ki-tô. Và đó là tại sao, thực sự, Ki-tô đã không đến để đem lại an bình cho thế gian. Thày đã tới để lay chuyển những ai bị kẹt trong vô minh, kẹt trong kiêu hãnh, kẹt trong đạo đức giả, và thách đố họ vươn lên cao hơn.   

Thày đã đến để phân rẽ anh em với anh em, trong ý nghĩa là thày thà nhìn thấy con người xung đột – vì xung đột sẽ phơi bày tự ngã, phơi bày những điều tồi tệ nhất trong họ – hầu họ thấy được khía cạnh này của tự ngã trong họ. Thày thà nhìn thấy loại xung đột đó – xung đột dẫn đến thăng tiến – còn hơn là nhìn thấy mọi người thờ ơ, mê ngủ, như thể tê dại, bước đi trong cuộc sống như người mộng du.  

Và thật vậy, Ki-tô đến để quấy rầy, để khuấy động, để khiến cho con người tỉnh giấc thờ ơ. Thế nhưng, Ki-tô là Hoàng tử của Hòa bình bởi vì chỉ khi nào con sẵn sàng chiến đấu với tự ngã thì con mới đạt được hòa bình đích thực của sự giải phóng khỏi tự ngã. Làm sao có được hòa bình nếu con người còn bị kẹt trong tự ngã? Ki-tô đến để trao cho họ thanh gươm sẽ cho phép họ tách rời cái Ta Biết khỏi tự ngã. Và đó là sự khác biệt giữa những ngọn lửa Thượng đế của con. Con cầm giữ một sự quân bình cho địa cầu, nhưng con cũng đến đây để đem lại một thanh gươm và để là Hoàng tử Hoà bình đó – tức con sẵn sàng lay động những ai tưởng mình an bình nhưng chi là sự bình an giả trá.

Và như vậy, ta đến để đóng góp uy lực hoà bình của ta, uy lực tĩnh lặng, cho những ai sẽ bảo hộ Ánh sáng Mẹ. Bởi vì, thực sự, nếu con chưa bao giờ tiếp xúc với tĩnh lặng của Phật, làm thế nào con có thể bảo hộ Ánh sáng Mẹ đây? Con sẽ chỉ bị lôi cuốn vào thêm một cuộc chiến đấu nhị nguyên khác giữa những con người đắm chìm trong tự ngã của mình.